Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 11:50:00 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khi người lính trở về gia đình  (Đọc 283147 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
binhyen1960
Moderator
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #470 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2014, 11:20:58 pm »

 Cám ơn các bác đã động viên. Ngày mai BY em lại "Tây du" một phát nữa, phải mấy ngày nữa mới về nên bây giờ tranh thủ làm thêm một phát nữa cho topic nó vui cửa vui nhà, các bác đã từng Tây du có cái mà so sánh và ôn lại quá khứ. Grin

 Chúng tôi vào cái nhà chờ tại sân bay Calcutta, nơi đó chẳng để lại ấn tượng chút nào, cũng lem nhem, cùi cùi như ở Ta hơn mỗi cái dãy ghế bằng sắt với từng chiếc mặt ghế bằng nhựa xanh đỏ gắn vào phần chân sắt một dãy dài, ngoài kia là những gian hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ, nghe nói họ thu tiền đô la Mỹ đấy chứ tiền VN mình thì họ chả nhận, hơn nữa có gì đâu mà mua. Vậy là tất cả mọi người lại ngồi quanh mấy dãy ghế băng nhựa đó mà hút thuốc lá, cũng thấy có bộ phận bán hàng và phục vụ người Ấn toàn nữ ở đó, họ ăn mặc lằng nhằng bỏ đời ra, mảnh vải thì quân quấn quanh người có chỗ ngoằng cả lên cổ vắt qua đầu, tay chân thì vòng này vòng kia mỗi tay có tới hàng chục cái đồ trang sức, với họ thì chắc những người như chúng tôi họ chẳng lạ, dân VN lúc đi Tây thì chẳng mua bán cái gì ở đó cả, cũng có tiền để mà mua bán gì đâu, người VN làm khỉ gì có đô la Mỹ nên họ cũng chẳng buồn quan tâm đến 150 người VN đang hiện diện ở đó.

 Chẳng biết là họ đã làm những gì và tiếp nhiên liệu như thế nào vì ở cái phòng chờ ấy chẳng nhìn thấy gì, chỉ biết phải gần 2 tiếng đồng hồ sau thì cánh cửa mới mở cho chúng tôi đi theo đường cũ tới chiếc máy bay của mình và tiếp tục hành trình. Thôi, đi khỏi đây cho nó nhanh, biến khỏi đây càng nhanh càng tốt vì nó chẳng có một chút ấn tượng gì đáng lưu lại với chúng tôi, lại nắng nóng, lại đường băng bê tông nóng bỏng chân và lại thằng cu lính Ấn kia vẫn đứng đó, nó như được tạc bằng gỗ, chẳng động đậy di chuyển gì cả, vẫn đứng nguyên đó không nhúc nhích, tài thật đấy. Lúc này nếu căn theo giờ VN thì cũng xít soát 4h chiều rồi chứ chẳng ít, nhưng sao ở đây vẫn nắng và nóng thế không biết, thảo nào người dân nơi đây cứ đen sạm lại cũng phải, trắng thế đếch nào được bằng chúng tôi. Thế rồi máy bay cũng đã cất cánh bỏ lại sau lưng cái sân bay vắng hoe, ổn định độ cao là bắt đầu hút thuốc, làm gì còn cái trò gì hơn nữa là hút thuốc lá thuốc lào, vài thằng dở bài ra đánh, đánh bài không thôi thì cũng nhàm và chẳng có hứng chơi, nếu đánh bài theo kiểu "vui giải trí có tý thưởng" thì đánh bài ăn cái gì đây, tiền VND ấy hả? Chả ai thiết vì có mua bán được gì bằng nó đâu, vì thế sau vài ván bài là chúng nó cất bài đi, vài thằng gà gật tìm giấc ngủ, chắc ai đó cũng đã thấm mệt rồi. Cũng lúc này tôi mới tìm hiểu xem những người ngồi chung quanh tôi là ai và ở đâu? Cứ nghe qua chất giọng thì biết một số là người tỉnh Vĩnh Phú, số nữa dân Hà Bắc, chủ động hỏi thì được biết đúng là nhóm Vĩnh Phú Hà Bắc thật, họ tập trung về HN cả tháng nay rồi, ăn trực nằm chờ nhà tiếp đón của Cục Hợp Tác Quốc tế lâu rồi, chán lắm rồi và hôm nay là ngày may mắn của họ được lên đường, họ quá quen biết nhau cả 2 đoàn, chỉ có đoàn chúng tôi là đám người ở đâu nhảy sổ vào đi cùng chuyến bay với họ thôi, ngay chúng tôi cũng chẳng ai biết ai và cũng chẳng cần biết ai là thằng nào, lúc đi nộp giấy tờ thủ tục, đi khám sức khỏe thì có gặp nhau, nhìn quen quen mặt nhau vậy thôi và lên tàu bay thì ngồi cạnh nhau, trao đổi vài câu lấy lệ và mời nhau điếu thuốc lá là cùng. Số tôi hên cực, đi vội vã chẳng kịp mua bán gì, ngồi ngay bên cạnh thằng say tàu bay, nó gà gật suốt chuyến đi, thế là nó rút bao thuốc lá trong túi ra mời tôi dùng hộ, mẹ nó chuẩn bị cho nó khá đầy đủ, từ bánh mỳ giò đến bánh trưng, nắm xôi đỗ xanh và cả chai nước uống, chắc mẹ nó nghĩ đi tàu bay sẽ không có gì ăn và có tiền cũng không mua bán được gì nên chuẩn bị rất kỹ, vậy là đích thị nó là thằng được báo tin đi trước tiên trong đám chúng tôi nên mới có điều kiện chuẩn bị kỹ thế chứ. Đúng rồi, đúng thằng này rồi, mẹ cha nó, nó nhận tin và phải đi báo cho mình mà nó không báo đây, sau này nó mới nói là không thể tìm thấy nhà tôi để báo, sau rất nhiều cố gắng cuối cùng nó đành chịu, chẳng biết nó nói thật hay nói dối nữa, địa chỉ nhà tôi thì có khó khăn gì đâu, tên phường rất rõ ràng bí quá thì sộc bừa vào đồn Công an khu vực đó mà hỏi thì ra hết, sao nó phải đành chịu mà để tôi phải sấp sấp ngửa ngửa lúc sáng hôm đó, tý nữa thì "tụt hạng" bởi sự đành chịu của nó. Được cái là hắn biết điều, bao nhiêu đồ ăn mẹ nó chuẩn bị sẵn nó mang ra đãi tôi với thằng ngồi liền cùng 3 ghế 1 hàng chúng tôi, nó không thể ăn được, thảo nào khi nẫy nó cứ lác lác và đẩy hộp đồ ăn ra, chẳng nuốt miếng nào. Sau 2h bay thì chúng tôi lại được cho ăn nữa, vẫn như bữa trưa mỗi người mỗi hộp đồ ăn bằng giấy, cũng lâu lắm rồi tôi không nhớ chính xác song hình như là cơm và món ăn lấy từ sân bay Ấn Độ thì phải, không hẳn là món ăn truyền thống của người Ấn với món cà ri và ăn bốc, cũng Tây lắm nhưng chút nghệ vàng màu của cà ri thì vẫn phảng phất có trong suất ăn, chúng tôi ăn nhiệt tình và vài người ngồi bên chắc chưa đủ no , còn chúng tôi thì thừa mứa đồ ăn với thêm suất đồ ăn chuẩn bị sẵn của mẹ thằng say tàu bay nên càng thừa tợn, thế là cho bọn ngồi hàng ghế bên bánh mỳ với bánh trưng cho nó nhẹ bụng, chẳng có chỗ đâu mà ních cái của đó vào bụng mình nữa. Bên ngoài vẫn nắng gay gắt, sao hôm nay ngày dài thế không biết, cảm giác cứ thế này mãi mãi, lúc nào cũng sáng rực và đầy ánh nắng thế này mãi không thôi. Khoảng gần 8h tối giờ VN thì bên dưới đã loáng thoáng thấy một màu đỏ gạch đều tăm tắp, chẳng biết là cái gì phía dưới đến ngút tầm mắt vẫn màu vàng đỏ gạch ấy, chỉ đến khi thấy có vật gì di chuyển phía dưới và quẩn lên bụi mù thì tôi biết đây là vùng sa mạc, chúng tôi đang bay qua vùng sa mạc nào đó và phía dưới có chiếc xe ô tô đang chạy. Đây là đâu nhỉ? Vùng sa mạc khô cằn này là vùng nào trên cái thế giới này, tôi chẳng thích những nơi khô cằn như đây, sự ám ảnh bởi thiếu nước đến khát khô cháy họng những năm tháng ở K đã khiến tôi chẳng có chút cảm tình gì đối với sa mạc cả, sao họ lại đưa chúng tôi tới cái vùng chẳng có khỉ ho và cũng chẳng có cò gáy ở đây để làm gì? Chúng tôi thích đến cái xứ sở với những cô gái tóc vàng, da trắng, mắt xanh và ở đó có những cánh đồng lúa mỳ bát ngát, những cánh rừng xanh mướt hoặc những cánh đồng đầy hoa cúc vàng cơ.
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
binhyen1960
Moderator
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #471 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2014, 05:41:39 pm »

 Khoảng trống sa mạc phía dưới bụng máy bay màu vàng gạch ấy rộng và xa lắm, nhìn tuốt tầm mắt qua cái ô cửa sổ máy bay mà chẳng thấy màu xanh của cây lá, rặt một màu vàng gạch ấy trong cái nắng chói chang, lúc này cũng đã gần 9h tối giờ VN rồi còn gì, cứ nhìn xuống sa mạc này chẳng thấy đâu là sự sống cả.

 Và rồi cái nơi ấy cũng đã bắt đầu xuất hiện sự sống và nền văn minh của con người, máy bay đã bắt đầu hạ thấp độ cao, tai đã bắt đầu thấy nhức và ù, lúc này tôi đã tìm ra được chút kinh nghiệm sau mỗi lần hạ cánh, ngáp một phát hoặc há miệng đớp đớp không khí một cái sẽ đỡ hơn là cứ ngậm miệng lại, trong tai sẽ có tiếng sột soạt của màng nhĩ và sự căng giật 2 bên thái dương cũng giảm nhiều, đi máy bay động cơ phản lực nó bay cao nên khi xuống thấp áp suất không khí giảm đột ngột sẽ dẫn đến tình trạng này, mấy lần trước đi máy bay động cơ cánh quạt, nó bay thấp hơn và giảm dần độ cao từ xa nên cảm giác này cũng không nhiều, chiếc TU154 bộ phận giảm áp kém nên gây sốc, thằng say tàu bay chết lặng mỗi khi cái mũi tàu bay nó trúc xuống, có lúc nó như muốn vùng ra để thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại, từ trưa đến giờ nó toàn nôn khan và chẳng ăn nổi cái gì. Phía dưới đã bắt đầu xuất hiện những cột ống kéo cao lên trời và trên mỗi đỉnh ngọn ống ấy là những cuộn lửa đang bốc lên, chúng tôi quan sát và hỏi nhau: Cái gì thế nhỉ? Rất lạ chưa bao giờ thấy cái nền công nghiệp này từ nhỏ tới giờ, nền công nghiệp VN hay khu vực Đông dương xưa nay thấy là đe và búa với sức người quai búa tạ, vài ba cái máy sập xệ với đống công nhân vừa làm vừa chơi, nay thấy bãi sa mạc hoang với những ống lửa vút cao mỗi lúc mỗi nhiều thêm đến chi chít trong tầm mắt, chẳng thấy người đâu cả thì làm gì chẳng thấy lạ, ngay để biết nó là cái gì thì cũng chịu cứng ấy chứ, ngày đó trình độ kiến thức phổ thông của con người VN mình thật là "tệ", ra Thế giới bên ngoài mà lớ nga lớ ngớ như bò đội nón vậy, ngay chúng tôi dân sống tại Thủ Đô còn "mít đặc" như thế huống hồ người khác sống tại vùng sâu vùng xa VN thì họ còn "ngáo ơ" đến mức nào hả Giời?

 Và rồi máy bay hạ cánh xuống cái sân bay "Giời đánh Thánh đâm" nào đây nữa không biết, chẳng có lấy nổi một cái cây với 1 ngọn cỏ, chơ lơ tráo láo toàn bê tông với xi măng và kính, nhà ga sân bay hình mái vòm tròn cuốn nổi bật lên giữa sa mạc hoang vắng, chung quanh thì chi chít chì chịt các ông lửa phun lên trời, nhìn lên cái bảng hiệu thì chữ giun chữ dế, có chữ Latinh thì cũng chẳng đọc ra được chữ gì. Chịu, chả biết là mình đang ở đâu và là nước nảo nước nào nữa. Lại xuống khỏi tàu bay, vẫn cái nóng của ánh nắng chói chang nhưng ít cảm nhận thấy vì chúng tôi được đi theo đường ống để vào nhà ga sân bay chờ tiếp thêm nhiên liệu. Nhân viên an ninh sân bay nước sở tại phải nói là ai cũng đẹp giai thật, người không to cao lắm như Tây Âu, tóc đen nhánh mắt sâu đen nâu và cả phơn phớt xanh, ai cũng râu ria rậm rạp rất nam tính, cái oai thì rất rõ trong bộ quân phục đồng bộ sơ mi cộc tay trắng, họ đứng cách xa nhau thành hàng để hứong dẫn chúng tôi đi qua đúng nơi cần đến và tất nhiên là rất lịch sự, họ luôn nở nụ cười gật đầu chào đám người "lôi thôi, lếch thếch" chúng tôi khi đi qua. Trước khi xuống, tôi thương cái thằng say tàu bay nên tính chuyện mang tất cả đồ ăn còn lại xuống chờ lúc nào tỉnh lại cho nó có cái ăn, giữ ít phần trong hộp đồ ăn của nó và chút bánh mỳ giò mà mang xuống. Sau một lúc đi vòng vèo thì chúng tôi cùng tới được phòng chờ, mấy viên phi công to con lực lưỡng cũng cùng xuống đây, họ lêu nghêu giữa đám người VN còi còi thấp bé hơn họ cả mấy chục cm.

 Tôi tìm hàng ghế ngồi chờ trong nhà ga sân bay mà ngồi, cũng đã thấy thấm mệt suốt chặng đường đã qua với 2 lần cất cánh và 2 lần hạ cánh của tàu bay, hình như khí hậu ở đây mát hơn ngoài trời nhiều lần. Tại sao thế nhỉ? Chẳng biết và lúc đó thì khái niệm máy điều hòa không khí chỉ có ở trong mơ, xưa nay chỉ biết cái quạt bàn, quạt trần và xa xưa hơn nữa thì dân ta xài quạt ma-ri-nan mà phe phẩy thôi. Tiện tay khi đi ngang cái giá để tạp chí, họa báo, tờ rơi tôi vơ lấy vài tờ để xem mà tìm hiểu xứ sở hiện tại trong lúc nhàn rỗi. Cái bức hình mấy ông mặc áo dài trắng đến tận gót chân, đầu đội cái khăn kẻ đỏ xùm xụp này thì chẳng chạy đi đâu được là mấy ông Ả Rập, đọc qua hàng chữ bằng tiếng Anh Arab Saudi này thì chẳng biết cái ông Sau Đi này là ông Ả Rập nào, cái khối mà đàn ông mặc áo dài tới chân, chụp khăn rằn lên đầu này thì lằng nhằng lắm, chẳng biết có bao nhiêu ông Ả Rập to và nhỏ này nữa, xưa kia các ông ấy trong Hoàng Thân Quốc thích cứ chia nhau đất cát mà thành lập lên một nhà nước mới rất phức tạp, chẳng liên quan đếch gì tới cái xứ con trâu đi trước cái cày theo sau nhà mình, để ý làm quái gì cho nó mệt. Chỉ biết hiện tại các ông Ả Rập này là khối dầu lửa và dầu lửa thì rất cần cho cuộc sống hiện tại, các ông ấy chỉ việc hút cái nước xền xệt, đen đen này lên là có tiền và độ giàu có thì vào loại bậc nhất Thế giới hiện nay. Cũng lúc ấy cái ông phiên dịch lại ngồi gần cho biết đây là sân bay Ả Rập Xê Út. Ừ, biết thế, Ả Rập Xê Út thì Ả Rập Xê Út chứ sao.

 Cũng lúc này họ mở cửa gian hàng bán trong khu sân bay cho người VN vào mua sắm, lúc này mới là lúc nhiều chuyện vui đây, chúng tôi kéo nhau sang thăm quan và tất nhiên là không có tiền để mua rồi, giá như nhà nước ta "xông xênh" phát không cho mỗi "tên" VC nhà ta 5 700 USD thì còn khối chuyện vui trong mua sắm ở đây nữa. Tất nhiên tôi là thằng đầu trò trong mấy vụ "quấy đảo" này, hơn nữa cái bản mặt tôi cũng già già hơn cái nhóm đi cùng gồm dân Vĩnh Phú và Hà Bắc kia, bọn nó còn non lắm, mặt búng ra sữa thế kia mà chưa từng va đập cuộc sống thì cũng dễ mắc hỡm đàn anh chọc ghẹo chơi lắm.

 Thật sự là chúng tôi choáng ngợp với gian hàng trong sân bay Ả Rập Xê Út, hàng hóa la liệt được bày biện ngăn lắp trên các giá kệ hàng, cả gian hàng to tướng tường tương mà chẳng có ai trông nom bán hàng hóa gì cả, mỗi một thằng cu mặt râu râu ngồi ở gian hàng tít ngoài cửa, nó cũng chẳng để ý người đi ra, kẻ đi vào cửa hàng của nó, ai muốn ra thì ra, ai thích vào thì vào, nó cứ ngồi đó nhìn mọi người ra vào tủm tỉm cười. Tôi nghĩ bụng: Mẹ mày, cười cái gì? Bán hàng kiểu đó thì người ta ăn cắp hết cụ nhà mày bây giờ, ngồi đó mà cười. Đám VC ta thì bổ đi khắp trong gian hàng, cái gì cũng mân mê xem, nhấc lên đặt xuống và cái gian hàng xúm đông xúm đỏ nhiều nhất là quầy bán radio-cassette, thôi thì đủ loại, đủ hãng sản xuất, từ cái to đùng đến cái bé tẹo, từ cái 1 buồng băng đến loại 2 buồng băng, có loại to nhất phía trên nóc còn có phần dùng địa từ, cái loại đĩa hát màu đen đường kính đến gần 40cm ấy, cái bộ phận này nó ngồi trên nóc cái radio-cassette, công nhận là khiếp thật, choáng thật, thậm chí chỉ dám đứng ngắm không dám sờ tay vào, sợ nhỡ có chuyện gì họ bắt đền thì bỏ mẹ, chẳng biết lấy gì ra mà đền họ, còn lại các mặt hàng khác thì vô thiên ủng, cái gì cũng có từ cái bấm móng tay trong túi nylon rất đẹp tới cái bình to tướng bằng kim loại bóng lộn có cả vòi và tay xách, chẳng biết là cái bình này họ dùng để đựng cái gì, đựng rượu thì thật là vô lý, bố ông nào mà uống hết được cái bình này rượu, chỉ có dùng tắm rượu thì mới hết được chứ, quê ta thì cứ cái chai thủy tinh nút lá chuối là cũng đủ say ngắc ngư ra rồi, đựng nước thì việc đếch gì phải dùng trong cái bình đẹp thế, quê ta cũng cứ cho nước vào cái thùng phi, có cái thùng phi để đựng nước là tốt chán rồi, đúng là bọn giàu có nên vẽ chuyện, đựng nước cũng phải đựng trong cái bình bóng lộn ấy, đúng là cái bọn tư bản này "thối nát" thật đấy.

 Lúc này tôi nghĩ ra trò vui, mà cũng vui thật. Tôi giả vờ tiến lại gần thằng cu mặt râu râu gần cái quầy thu ngân, giả vờ ngó ngó nghiêng nghiêng, chỉ trỏ hỏi han thằng cu râu cho đám VC mình thấy, sau đó tôi đi ra chỗ chúng nó rồi tuyên bố xanh rờn 1 câu: Ai thích mua gì thì cứ mua nhé, cứ nhặt rồi mang ra chỗ thằng cu kia, đưa cho nó rồi trả bằng tiền VN nhé, nó vừa nói là tiền VN nó cũng nhận hết, giá cả có ghi trên món đồ đó đấy. Thế là mấy thằng "dở người" ấy cứ tưởng thật, chúng thi nhau ôm đồ ra chỗ thằng cu râu đòi thanh toán, tham nhất là mấy thằng Hà Bắc, cái gì cũng vơ, cái gì cũng nhặt, chúng nó tưởng là cu râu kia nhận tiền VN và thanh toán theo giá tiền VN, có mấy chục VND một cái túi du lịch giả da rất là đẹp, quá rẻ để mà mua về đựng đồ, nhiều thứ khác rẻ không thể tưởng tượng được, cái đống héc phone chạy bằng pin tiểu với cửa băng tiểu có cái tai nghe là nhanh hết nhất, chỉ 1 loáng đã thấy chẳng còn cái nào. Anh cu râu có việc làm cũng vui hẳn lên, đến lúc móc tiền ra trả thì cu râu cứ lắc, còn mấy VC ta thì cứ ấn tiền vào, ra sức chỉ chỉ cái ảnh Bác Hồ nhà ta trên tờ tiền, ai đó cứ tưởng là tiền to quá khiến cu râu không có tiền lẻ trả lại, vì vậy cũng xông xênh phẩy tay cho luôn chỗ tiền thừa, cu râu vẫn lắc đầu cuồi cuội, cuối cùng cu râu móc trong ngăn kéo ra cái loại tiền mà cu râu sẽ nhận, còn loại khác thì cu râu xin khiếu. Bọn ôm đồ ra thanh toán tiền chán nản vội mang hàng về trả lại chỗ cũ. Tôi ngồi nhìn bọn nó không nhịn nổi cười, chúng nó ngây thơ quá và chẳng hiểu cái gì, có thế thôi mà cũng bị đàn anh chơi sỏ.

 Rồi cũng thấy xuất hiện vài người là dân Châu Âu, họ tóc vàng mắt xanh da trắng thật chứ không lơ lớ như mấy ông Ả Rập kia, vẫn biết đàn ông Trung Đông là những người đàn ông đẹp trai nhất Thế Giới, nhưng người Châu Âu họ cũng đẹp trai không kém và người Châu Á mình cũng có nét đẹp riêng, phải mỗi tội là bé con hơn họ nhiều chứ ông nào to con một chút thì cũng đâu có kém phần long trọng. Đám người Âu này cũng vào mua hàng, họ nhanh chóng bê món đồ mà họ muốn mua ra thanh toán, cu râu vui vẻ đếm nhận tiền và gòi hàng cho khách, xong việc cu râu còn giơ những tờ tiền cho mọi người xem để khẳng định cu râu chỉ nhận loại tiền này, chỉ đến khi đám người Âu kia lên tàu bay thì chúng tôi mới biết là họ cũng cùng đi chuyến đó với chúng tôi tới Bulgaria, họ là công nhân sửa chữa máy bay từ Burgat sang công tác và giờ là lúc họ trở về nước, chuyện này dài lắm, mãi sau này chúng tôi mới được biết lý do tại sao họ cùng đi với chúng tôi hôm đó, rõ ràng chuyến bay của chúng tôi là chuyến bay chuyên cơ, đi và về một lèo cho chỉ riêng công việc đó, không dưới sự điều hành của hãng hàng không Balkan. Họ mua bán nhanh gọn và ra ngồi chờ như bao người khác, chúng tôi "quậy" chán ở gian hàng miễn thuế này rồi thì đi tìm cửa khác chơi nhân tiện tìm chỗ nào ngồi được cho thằng cu say tàu bay nó nạp "năng lượng", nhìn cái mặt thằng say tàu bay thì chán không gì tả hết, cái hộp giấy đựng đồ ăn đây tôi vẫn ôm theo, lúc tôi đi ra khỏi gian hàng vẫn cầm theo nó mà thằng cu râu cũng chả quan tâm xem tôi có "thó" cái gì của nó không, hình như đất nước này không có những trò "cầm nhầm" vặt vãnh. Cu râu lại nhìn tôi cười cười và nụ cười luôn thường trực trên môi cu râu.
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #472 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2014, 06:25:34 pm »


 Thật sự là chúng tôi choáng ngợp với gian hàng trong sân bay Ả Rập Xê Út, hàng hóa la liệt được bày biện ngăn lắp trên các giá kệ hàng, cả gian hàng to tướng tường tương mà chẳng có ai trông nom bán hàng hóa gì cả, mỗi một thằng cu mặt râu râu ngồi ở gian hàng tít ngoài cửa, nó cũng chẳng để ý người đi ra, kẻ đi vào cửa hàng của nó, ai muốn ra thì ra, ai thích vào thì vào, nó cứ ngồi đó nhìn mọi người ra vào tủm tỉm cười. Tôi nghĩ bụng: Mẹ mày, cười cái gì? Bán hàng kiểu đó thì người ta ăn cắp hết cụ nhà mày bây giờ, ngồi đó mà cười. Đám VC ta thì bổ đi khắp trong gian hàng, cái gì cũng mân mê xem, nhấc lên đặt xuống và cái gian hàng xúm đông xúm đỏ nhiều nhất là quầy bán radio-cassette, thôi thì đủ loại, đủ hãng sản xuất, từ cái to đùng đến cái bé tẹo, từ cái 1 buồng băng đến loại 2 buồng băng, có loại to nhất phía trên nóc còn có phần dùng địa từ, cái loại đĩa hát màu đen đường kính đến gần 40cm ấy, cái bộ phận này nó ngồi trên nóc cái radio-cassette, công nhận là khiếp thật, choáng thật, thậm chí chỉ dám đứng ngắm không dám sờ tay vào, sợ nhỡ có chuyện gì họ bắt đền thì bỏ mẹ, chẳng biết lấy gì ra mà đền họ

Xứ sa mạc khô cằn, có nhõn mấy cái giếng dầu mà sao nó sung túc thế, bác BY nhỉ? Grin

Hồi đó, ở Việt Nam ta, máy cát xét 2 cửa băng còn hiếm lắm. Ở Hàng Bài, mấy bác có loại máy này trải Ni lon ra hè đường thu băng thuê, kiếm ối tiền.

Nhưng giàu có như thế mà chỉ có cửa hàng miễn thuế, không có cửa hàng...miễn phí hả bác? Grin Ấy là tôi muốn nói tới giải khát thôi (nóng nực thế cơ mà). Tôi nghe kể, nếu quá cảnh ở Liên Xô, thế nào hành khách cũng được uống nước khoáng thoải mái, tất nhiên không mất tiền rùi. Hehe!
Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #473 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2014, 10:58:30 am »

Lâu nay, mải mê bới đất-lật cỏ, tìm kiếm cân gạo xấu để đắp đổi qua ngày, nên không viết được gì.
Hôm nay, nhân buổi nông nhàn, baoleo tôi tranh thủ nhớ thêm 1 chuyện, về thời làm nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ ở xứ sở 1-rắc của xa-điếc Xát-đam. Chuyện có tựa đề:

Chim bị vặt lông.

Thời ấy, ở xứ ấy, muôn vật đều no đủ.
Đối với người thì:
Bất kể me-xừ là dân tộc gì, từ công dân của xứ sở tại 1-rắc, tới ông nhập cảnh vào đất này, cho giù mang quốc tịch Mỹ hay Tu-mu-ti, tất thẩy đều được xa-điếc Xát-đam trợ cấp cho tiền ăn là 30 đi-na/tháng.
Muốn biết nó nhiều hay ít, các bác hãy hình dung thế này. Một túi bánh mì 15 chiếc, to tầm chiếc bánh mì 1 ngàn ở xứ Việt ta thời nay (năm 2014), có giá là 2 rô-bọ, tức là nửa đi-na. Một túi gà đã làm sạch, mổ sẵn, nhập từ Thổ nhĩ kỳ, tầm 1 ký rưỡi/túi, có giá là 1 phẩy 2 đi-na. Trứng gà cũng nhập từ Thổ nhĩ kỳ, bán từng thùng các-tông một. Một thùng các-tông đựng 12 vỉ, mỗi vỉ 30 quả, giá 1 thùng các-tông là 5 đi-na. Đại loại thế.

Đối với loài vật thì:
Thỏ hoang chạy hàng đàn ở khu ký túc Ma-mu-dia. Chó hoang chạy rầm rập theo đội hình băng ngang đường cao tốc 12, dẫn từ Ma-mu-dia đến Đo-ra.
Chim thì con nào con nấy, béo trương béo nứt vì mỡ máu.
Bởi lẽ. Ngay đối với dân Việt ta, mỗi khi mua bánh mì, ít nhất cũng phải mua 1 túi như đã nói ở trên. Làm sao có thể ăn hết cả túi được, thường chỉ ăn hết một nửa, là đã phải vứt phần còn lại vào thùng rác. Mà các thùng rác ở xứ 1-rắc ấy, rất đặc thù. Bởi thùng rác luôn được làm bằng các thùng phi nhựa đường đã hết, đen xì. Muông thú không mỡ máu mới là sự lạ.

Xứ 1-rắc ấy, muôn vật đều no đủ, nên luật pháp rất hà khắc. Cực kỳ hà khắc là đằng khác. Đặc biệt đối với tội danh ăn cắp, hay bắt trộm động vật. Những tên trộm, thường được gọi là A-li-ba-ba (đối với dân Việt ta, từ A-li-ba-ba lại là một danh từ hay, vì thế, sử dụng danh từ này ở xứ 1-rắc là cả 1 sê-ri chuyện hài). Hình phạt nhẹ nhất đối với các A-li-ba-ba là chặt béng đôi tay – không nói nhiều.!

Dẫn chuyện như trên, để thấy rằng, baoleo tui luôn phải quán triệt cho lính của mình, là đừng có léng phéng đụng vào bất cứ cái gì của xứ 1-rắc. Baoleo luôn dặn anh em, là hãy làm theo lời của cổ nhân, là: ‘đi qua ruộng dưa-chớ sửa dép. Đi qua vườn mận - chớ gãi đầu’. Dặn đi dặn lại, là bởi biết lính Việt mình, trùm thích cải thiện. Mà chim ở xứ này, con nào con nấy, béo núc ních, lại rất dạn người.

Ai đời, dưới bóng mát của các cây hồ đào, nơi lính Việt ta thường ngồi nghỉ giải lao, lũ chim cu gáy, lại rất thích đậu.
Để tránh bị chim ị vào đầu, lính ta thường xua chim bay đi. Nhưng lũ chim cu gáy, béo ục ịch, lại rất lười nhác. Đến mức khi bị lính ta lấy tay định đẩy ngã, lũ chim chỉ né người sang bên để tránh, chứ chả thèm hé mắt nhúc nhích.
Thế mới lo.

Lỗi lo của baoleo tôi, càng ngày càng tăng lên so với thời gian trôi.
Bởi thời gian đầu, mới sang xứ người, còn lạ nước lạ cái, tiếng tăm lại không biết, nên bớt sợ anh em lính Việt làm càn. Chứ ở lâu, quen quen 1 tý, bập bẹ vài từ ngữ bản địa 1 tý, là vô cùng kinh sợ con dân nước Việt giở máu anh hùng.
Nỗi lo chẳng cần đợi lâu.


Hôm ấy, tầm như đâu sau 6 tháng đến công trình mang bí số 74 của Bộ Quốc phòng I-rắc, giờ tan tầm buổi chiều, baoleo tôi được gọi gấp ra cổng bảo vệ.

Oài, phi xe ra đến nơi, thấy 3 thằng thuộc Lực lượng Vệ binh Cộng hòa 1-rắc, đang lăm lăm tiểu liên AK và vài ông lính Việt nhà ta với vẻ mặt phớt đời, đang đứng ngồi bên cổng.

Tụi an ninh 1-rắc bẩu tui: lính của mày vi phạm lệnh cấm.
Tui từ tốn bảo chúng: mày để tao ra tìm hiểu lính của tao đã.
Gập các ông Việt Nam anh hùng, chưa kịp hỏi, 1 cu mặt phớt đời nhất, đã ‘nổ’ luôn:
- anh không việc gì phải xoắn, cứ để em vào giải thích cho nó.

Ừ, đã 6 tháng qua rồi, anh em mình, nhiều tay sáng dạ, đã có thể vừa bập bẹ, vùa dùng body để diễn tả điều mình cần, thế mà 2 bên cũng hiểu nhau ra phết.
Tin anh em, mà cán bộ thì phải tin chiến sỹ, tôi ừ hữ: ‘cậu ra giải thích xem thế nào đi’.

Tay mặt phớt, xách túi đi ra gập luôn bọn Vệ binh Cộng hòa.
Vừa dùng tiếng a-ra-bi, vừa dùng điệu bộ cơ thể, cả tui và bọn Vệ binh Cộng hòa 1-rắc đều hiểu cu kia diễn thuyết rằng:

-Tao bắt mấy con cu gáy, không phải để măm- măm, mà để tao viết thư, rồi tao buộc thư đó vào chân mấy con này, rồi thả mấy con này bay đi (cu chàng làm động tác vỗ cánh như các bê bi vườn trẻ múa bài ‘chim yêu hòa bình’. Hị hị). Thế là thư của tao, sẽ được lũ chim mang về cho vợ tao ở Việt Nam. Vợ tao sẽ cảm động lắm (cu chàng làm động tác quẹt nước mắt như trong cải lương ‘chuyện tình Lan và Điệp’. Hị hị).
Chẳng cứ cô vợ tưởng tượng. Mà chính ngay mấy thằng Vệ binh Cộng hòa cũng cảm động. Mắt đỏ hoe, thằng Vệ binh Cộng hòa to cao, ôm cu mặt phớt vỗ về, rất chi là ‘xa-điếc sâu-sâu’.

Ấy thế nhưng chuyện lại không dừng ở đó.
Khi mấy thằng Vệ binh Cộng hòa dở chiếc túi thứ hai ra, thì lòi ngay ra 5 con cu gáy khác, đã được mổ bụng và vặt lông sạch sẽ.!!!

Ối thánh A-la, baoleo tui mong vô cùng có một quả 105 ly nổ oàng 1 cái, để có cái hố, cho baoleo tui chui vào. Angry
Logged
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #474 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2014, 11:50:56 am »

   Chết cười với câu chuyện của các bác, thật hóm quá !  Grin Grin Grin

   Bác baoleo ơi ! chắc là cuối cùng mấy bác nhà ta vẫn giải thích tiếp được cái túi có mấy con chim bị mổ bụng , vặt lông xong xuôi, một cách ổn thỏa chứ nhỉ ? người Việt nam vốn lắm vẹo mà !  Grin
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #475 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2014, 02:37:50 pm »

Triết lý Kơ-nia và triết lý Trồng hoa.

Cây Kơ-nia, còn gọi là cây Cày , mọc nhiều ở vùng núi Trung trung bộ và Tây Nguyên. Được biết đến nhiều qua bài thơ của nhà thơ Ngọc Anh , và được nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, thổi hồn thành tác phẩm “ Bóng cây Kơ -nia”.
Qua tác phẩm này, cây Kơ-nia nổi tiếng vì có bộ rễ ….‘uống nước nguồn’ tận……..‘miền Bắc’!!!  Tongue
Bạn lính Lê Bá Dương có một bài rất hay về cây Kơ-nia, được viết trên FB.
Xin được trích dẫn:

‘ …. Song không phải ai cũng biết hoặc hình dung ra hình dáng cây Kơ -nia thấp, cao thế nào? quý vì cái gì?
Thực ra, xét về giá trị gỗ, Kơ -nia không thuộc nhóm gỗ quý , thậm chí không được chọn vào “chủng “ gỗ xây dựng, dù chỉ là cái chòi rẫy, hoặc sử dụng làm bất cứ vật dụng gì, ngoại trừ giá trị của nó khi làm củi rất… đượm và rẻ... cuối cùng, giá trị đích thực của nó chỉ đơn giản chỉ là... bóng mát .
Vâng, Kơ -nia có dáng thẳng, thân to , cao, rễ cọc ăn sâu vào lòng đất , tán lá chỉ vừa đủ đổ bóng tròn theo chiều nắng , nên nó không làm ảnh hưởng đến những loại cây khác xung quanh.
Chính từ đặc tính “hiền lành, vô hại” này của Kơ -nia, nên khi làm rẫy, làm nương, đồng bào Tây Nguyên vẫn để lại một vài cây để tạo bóng mát , làm nơi cất gùi, thả con và nghỉ ngơi … Chỉ vậy, cũng có thể nói như một triết lý …Kơ -nia : Do không thuộc nhóm cây quý , mà chỉ là cây thân mộc bình thường vô hại, không tiềm ẩn sự cạnh tranh…nên Kơ -nia mặc nhiên tồn tại cho đến ngày lừng lững đi vào tráng ca đại ngàn …’


Bài viết đậm chất thơ và triết lý của bạn lính Lê Bá Dương, đã gợi nhớ tới ‘Triết lý Trồng hoa’, được áp dụng đại trà trong hệ thống công chức, thuộc hệ thống công quyền hiện nay.

Nghề trồng hoa có một nguyên lý thế này:
Trong một luống hoa, phàm là những bông hoa kém cỏi, còi cọc trong luống -> sẽ bị nhổ bỏ, vứt đi trước tiên.
Và…..những bông hoa đột nhiên vươn cao lên bất thường trong luống, đột nhiên khoe mầu sắc thắm tươi bất thường trong luống, cũng sẽ bị….nhổ bỏ trước tiên.
Chỉ những bông hoa đều nhau, giống nhau chằn chặn, thì mới sống được lâu, sống đến hết vòng đời của luống hoa, và cùng ..‘đi’ một lúc. !!!!!

Ngẫm lại cung cách làm việc trong hệ thống công chức, thấy cũng y chang:
Tay nào ù ờ, đương nhiên là bị loại khỏi dây chuyền tập thể đầu nước.
Còn tay nào giỏi hơn tập thể, đương nhiên chả thủ trưởng nào thích dùng, chả đồng nghiệp nào muốn dây. Nhẹ thì tay đó, cũng bị điều đi…cơ sở sớm.
Muốn tồn tại, cứ phải là bình bình, đều đều như nhau.


Chủ nghĩa tập thể, hoặc chủ trương của cấp ủy, chính là cụ thể hóa của triết lý trồng hoa.
Hị hị. Angry



« Sửa lần cuối: 23 Tháng Tư, 2014, 03:55:44 pm gửi bởi baoleo » Logged
binhyen1960
Moderator
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #476 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2014, 07:40:15 pm »

 Bác baoleo@ chuyển đề tài sang triết lý thực vật học áp dụng trong đời sống con người và xã hội học nhanh thật. Grin

 Bác làm nhà em nhớ ra 1 chuyện từ những 35 năm trước.

 Đầu năm 1979 lúc đó đơn vị BY em đang càn quét địch tới biên giới Thái Lan, ngày đánh đêm đi liên miên mấy tháng trời liền chẳng còn biết đâu là ngày tháng. Một hôm trong lúc nghỉ giữa đường hành quân, ai đó nhắc tới chuyện ngày tháng, người đoán khoảng ngày này, người luận khoảng ngày kia trong tháng, vài ông dân miền biển thì "luận" từ trăng ra lịch Ta mà áng chừng ngày con nước để đoán ngày và từ đó suy ra lịch Tây. Một cuộc thảo luận khá sôi nổi về vấn đề ngày tháng và sự chênh lệch giữa ngày Ta và ngày Tây.

 Lúc ấy BY em chỉ nhớ mang máng là năm 1977 hoặc 1976 gì đó là năm nhuận nên có 2 tháng Chạp (tháng 12 lịch âm), vì vậy nên có ý kiến về chuyện lịch Ta lịch Tây. Thế là ông CTV Đại đội chỉ mặt BY cười ngất mà rằng: Tao công nhận tao cũng thuộc loại "bốc phét", nhưng chưa từng thấy thằng nào bốc phét như mày, ai đời lại có những 2 tháng 12 Ta trong 1 năm bao giờ. Thôi, lần sau nếu có bốc phét thì cũng bốc phét từ từ thôi, chứ bốc phét như mày thì dễ làm người ta "hoảng" lắm. Thế là cả đơn vị, những ai ngồi nghỉ gần đó đều a dua cả và đều công nhận là BY em bốc phét chuyện này. Với số đông "áp đảo" khiến BY em bị "đuối lý" mà cũng không biết giải thích ra sao cho họ hiểu, chỉ biết rằng năm đó có thấy là như vậy chứ không có kiến thức về lịch Ta lịch Tây như bây giờ để phân tích cho có tình có lý.

 Thế rồi chuyện 1 năm có 2 tháng 12 Ta đồn khắp Đại đội và lên cả Tiểu đoàn, từ đó đi đâu ai cũng gọi BY em là thằng 2 tháng 12 Ta. Ra điều là mình bốc phét quá đà, anh em thường mang chuyện này kể cho nhau nghe như những câu chuyện hài hước, tiếu lâm chiến trường. Thật sự mà nói thì mình nhớ mang máng như vậy chứ có biết chính xác gì đâu, lúc ở nhà thì còn bé mong Tết đến và thấy các Cụ nói năm nay có 2 tháng 12 Ta thì nhớ vậy thôi, nên khi bị trêu trọc nhiều quá khiến ngay chính mình cũng thấy mình "vô lý", có lúc cũng tự "nghi ngờ" trí nhớ của chính mình và cũng vì vậy càng hiểu rõ hơn câu châm ngôn: Cái gì không phải là sự thật thì nhắc đi nhắc lại nhiều lần thì nó cũng sẽ là sự thật. Hiểu ngược lại là: Cái gì là sự thật mà nhiều người "lên án" không công nhận thì nó cũng là sự giả, chuyện bốc phét.

 Từ đó BY em nghiệm ra một điều. Mình biết nhiều thì cũng nói ra cái hiểu biết ấy ít thôi, nếu không sẽ có người không ưa mình lấy đó làm lý do để phê phán, có thể cái biết của mình nó là chuyện không đầu không cuối, thiếu đi sự phân tích từ khoa học mà chỉ bằng kinh nghiệm của con người nên rất dễ bị "chụp mũ".

 Cũng từ đó suy ra từ cái kết luận "bình bình" của bác baoleo@ là chính xác. Chỉ có điều khác với nhận định của bác là: Điều đi ... cơ sở mới. Còn BY em thì bị: Dậm chân tại chỗ ... và dậm mãi cho tới ngày về, nhiều khi nghĩ "ức" tới phòi cả cơm ra cả đằng mũi vì bị "cạnh khóe": Lính tráng qué gì mà "oánh" nhau 2 năm liền, nhập ngũ 2,5 năm rồi mà vẫn binh nhất, bọn nhập ngũ sau, tham gia chiến đấu sau mà quân hàm nó phong ầm ầm từ lâu rồi và bị xếp vào loại "tụt tạt" có hạng trong đơn vị. Mới đây ông Tiểu đoàn trưởng có hỏi BY em: Sau khi tao lên Tiểu đoàn được ít ngày thì có đề nghị phong quân hàm cho anh em, trong đó có mày vượt cấp lên Trung sỹ từ cuối năm 1979 rồi cơ mà, thế trên Trung đoàn nó không phong cho mày à mà mày nói những 2 năm cầm súng chiến đấu mà vẫn binh nhất? Ôi, ông anh xưa sao mà "quan liêu" đến thế, lúc em vác anh chạy ra khỏi trận địa anh cũng chẳng nhớ (ngất xỉu cụ nó rồi còn biết quái gì nữa), nay biết chuyện thì đã muộn và chỉ còn mỗi nước là làu bàu chửi mấy thằng ngày xưa làm công tác chính trị và khen thưởng.

 Nên thôi: Tốt nhất là mình cứ "bình bình" thì lúc nào cũng vạn đại. Grin

 
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #477 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2014, 10:05:24 am »

....................
Nên thôi: Tốt nhất là mình cứ "bình bình" thì lúc nào cũng vạn đại. Grin

 Grin
Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #478 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2014, 10:47:41 am »

How much?

Sáng nay, Baoleo tui có lịch làm việc với một bộ phận của ‘chính quyền nhân dân’.
Vẫn giữ tác phong của người lính Cụ Hồ, đúng giờ, tui đã có mặt. Thế nhưng, mặc giù đã quá giờ hiệp đồng theo kế hoạch tác chiến, hị hị, quên, đã quá giờ hẹn làm việc nhiều phút, nhưng cả ‘hệ thống chính trị’, vẫn chửa có ai.

Không muốn cản trở ‘lưu lượng tham gia giao thông’, Baoleo tui ghé ngồi xuống 1 cái ống nhựa, của quán cóc chè chén vỉa hè, kế bên.
Sau khi đã ‘thu thập’ được một cơ số kha khá ‘nguồn tin có giá trị’ của một bộ phận ‘phản biện xã hội’, đoán chừng ‘các đầy tớ của nhân dân’ đã có mặt ở ‘cơ quan công quyền’, tui quyết định kết thúc buổi ‘thâm nhập xã hội’.

Bằng sự hiểu biết về giá cả của một chén trà nóng, của lần uống trà gần nhất, là 500 đồng/chén, Baoleo tui trân trọng rút ra tờ bạc ‘một ngàn’, đồng tiền duy nhất có trong người, và với vẻ hào sảng, tui bẩu đồng chí chủ quán cóc:
-bác cứ cầm cả lấy, chỗ tiền thừa, tí nữa tôi sẽ ra uống nốt, nếu còn thời gian.
Ai giè, ‘đối tượng’ chỉ thở hắt ra, đúng 3 từ, hệt như 3 búa của Trần Giảo Kim trong Thủy Hử, nện xuống đầu Baoleo tui, làm tui choáng ngất từ đó tới chừ:
-còn thiếu tiền!!!

Vậy, có bác nào, biết hôm nay, một chén trà nóng vỉa hè là ‘hao-mát-chơ’, để Baoleo tui ứng lương từ kế toán, ra lại cái quán cóc đấy, đặng chuộc cái cơ-ra-vát về.
Hị hị.


Logged
binhyen1960
Moderator
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #479 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2014, 01:51:59 pm »

 Lạy "Cụ" 4 lạy và 1 xá. Grin

 "Cụ" không thấy cái đồng lương của mấy ông "thông cống" tại thành phố Hồ Chí Minh là 200 triệu VND/tháng à? Vậy thì 1000 VND của "Cụ" bây giờ chỉ mua được 1/3 chén nước trà quán cóc loại trà ngon thôi, còn loại xoàng xoàng thì được 1/2 chén trà là vừa giá. "Cụ" lưu ý là giá này sẽ không có kèm theo bi thuốc lào khuyến mại nào đâu nhé, chớ có hỏi xin xỏ hay nhờ ké gì đấy, lôi thôi còn bị họ "mắng" cho đấy. Grin
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM