Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 12:26:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khi người lính trở về gia đình  (Đọc 283666 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #430 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2013, 01:11:29 pm »

Trung thu.

Mặt trăng Trung thu của người lính già TuanBim là đây.
Nhìn cháu nội ngày một khôn lớn, người lính Hải quân năm xưa luôn thấy ấm lòng.
Thời trai trẻ, hạnh phúc là khi ngắm nhìn vầng trăng Trung thu,  trôi lắc lư theo nhịp sóng pháo thuyền.
Bây giờ, hạnh phúc là khi ông nội TuanBim, ngắm mặt trăng – cháu nội bé thơ.
Một hạnh phúc có thật. Hơn chán vạn hạnh phúc vưỡn được các kiểu đồng chí X vẽ ra, và nhồi vào đầu chúng sinh trong các tài liệu tuyên huấn xưa nay.
Luôn mong cháu sẽ được sống trong cuộc đời, đẹp như ánh trăng rằm.

 
Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #431 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2013, 08:57:58 am »

Hôm nay, năm xưa – baoleo trở thành người lính Cụ Hồ.

Ngày hôm nay 20 tháng 9, cách đây 39 năm, lâu ởi là lâu rồi, baoleo tôi đã lên đường nhập ngũ.
Cùng với biết bao người con đất Việt, baoleo tôi đã tạm biệt cổng làng Kim Liên, lao vào khói lửa chiến tranh, mịt mù lửa đạn, không chút đắn đo.

Thoắt cái đã mấy chục năm rồi.
Gần đây, mẹ mình dọn nhà, tìm lại được cho mình chiếc ba lô thời ở lính mà mình tưởng đã thất lạc mất rồi. Cố nhân ơi, người đã về đây.

1/ Chiếc đài Véc 206. Qùa của chính ủy trước khi ra quân với lời nhắc nhở: hàng ngày, vào lúc 6:30 sáng và 9:00 tối, đồng chí nhớ mở đài để theo dõi tin chiến thắng của đơn vị.
2/ Mảnh vải dù ngụy trang. Là chăn đắp mỗi khi gió về. Là khăn quàng cổ khi pháo thuyền lướt trên đại dương.
3/ Chiếc ba lô 2 cóc. Gia sản của người lính và toàn bộ tuổi trẻ đều chứa đựng trong chiếc ba lô này.
4/ Màn tuyn cá nhân. Vật xa xỉ và quý giá duy nhất trong đời lính. Hồi đó đổi được gần chỉ vàng.
5/ Sao trên mũ và quân hàm trên vai.

Thời trai trẻ, sóng bạc đầu, gió sương và các vệt sáng lân tinh trên bím tóc-tất cả bỗng như ùa về.




Logged
Zin Ba Cầu
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1001



« Trả lời #432 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2013, 10:15:58 am »

Hôm nay, năm xưa – baoleo trở thành người lính Cụ Hồ.

Ngày hôm nay 20 tháng 9, cách đây 39 năm, lâu ởi là lâu rồi, baoleo tôi đã lên đường nhập ngũ.
Cùng với biết bao người con đất Việt, baoleo tôi đã tạm biệt cổng làng Kim Liên, lao vào khói lửa chiến tranh, mịt mù lửa đạn, không chút đắn đo.

Thoắt cái đã mấy chục năm rồi.
Gần đây, mẹ mình dọn nhà, tìm lại được cho mình chiếc ba lô thời ở lính mà mình tưởng đã thất lạc mất rồi. Cố nhân ơi, người đã về đây.

1/ Chiếc đài Véc 206. Qùa của chính ủy trước khi ra quân với lời nhắc nhở: hàng ngày, vào lúc 6:30 sáng và 9:00 tối, đồng chí nhớ mở đài để theo dõi tin chiến thắng của đơn vị.
2/ Mảnh vải dù ngụy trang. Là chăn đắp mỗi khi gió về. Là khăn quàng cổ khi pháo thuyền lướt trên đại dương.
3/ Chiếc ba lô 2 cóc. Gia sản của người lính và toàn bộ tuổi trẻ đều chứa đựng trong chiếc ba lô này.
4/ Màn tuyn cá nhân. Vật xa xỉ và quý giá duy nhất trong đời lính. Hồi đó đổi được gần chỉ vàng.
5/ Sao trên mũ và quân hàm trên vai.

Thời trai trẻ, sóng bạc đầu, gió sương và các vệt sáng lân tinh trên bím tóc-tất cả bỗng như ùa về.






   Kiểm tra quân tư trang của đ/c Bao leo ( Tuấn bim ) chúng tôi thấy :

1/ Màn tuyn, tấm khăn dù ( khi cần dùng để đắp tạm ) là còn giữ đc từ khi nhập ngũ . Đồ phát trước 1975
2/ Quai hàm, quân hiệu, đài đeo hông và ba lô 2 cóc mầu này là của đời sau dùng rồi ra quân

Rất tiếc đ/c khg giữ đc cái ba lô 3 cóc mầu xanh của tầu khi nhập ngũ thời ấy đc cấp phát. Tôi còn giữ đc đến lúc ra quân. Một thời gian sau thấy tôi cứ đắm đuối, luôn hoài niệm nhắc đến chuyện lính, đời bộ đội bà xã giấu tôi mang đi cho hết: Ba lô, quần áo Tô châu, xanh tuya rông, dao găm nhiều tác dụng của mỹ mà tôi vẫn giữ làm kỷ niệm thỉnh thoảnh cứ giở ra ngắm như lão Gơrangđê của ông nhà văn Pháp ngắm vàng. Có mỗi cái ca bằng phíp mầu nâu là để lại cho tôi đánh răng là giở vẫn còn. Vụ này tôi giận mãi, đến giờ trước khi dọn dẹp muốn thanh lý chổi cùn, rế rách cái gì của tôi đều phải thông báo và xin ý kiến tôi trước.

Chúc mừng đ/c vẫn còn đc mẹ giữ và tìm lại cho mình cổ vật

Còn đây là cái ca của tôi còn sót lại đến giờ




« Sửa lần cuối: 20 Tháng Chín, 2013, 11:12:56 am gửi bởi Zin Ba Cầu » Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #433 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2013, 10:57:19 am »

Rất nhiều chục năm trước, họ là binh nhì.

Không còn má búng ra sữa như ngày nhập ngũ 20 tháng 9 năm xưa, nhưng theo lời hẹn từ năm nào, thứ bẩy ngày 21 tháng 9 vừa qua, các cựu binh nhì, vẫn lần tìm đến Bánh tôm Hồ Tây để hàn huyên.
Tóc hết thẩy binh nhì, giờ đây đã bạc trắng cả rồi, nhưng trong lòng các cựu binh nhì, dường như vẫn còn nguyên vẹn mầu xanh.
Các cựu binh nhì, lại nhớ về thủa đôi mươi, nhớ về buổi sáng mùa thu năm ấy, nhớ về những cơn gió cuối thu-đầu đông, cù hơi lạnh vào những đôi tay trần của đại đội 9 tân binh, đang chạy dọc đường làng, miệng hô: "1, 2" để "phù" khói ở tai ra hòa với làn sương mai.
Lại nhớ về mùi hăng hăng cỏ tươi, đang bị mài dưới gót giầy của đại đội, đang hành tiến ra thao trường, theo nhịp:
Vừng đông đang hừng sáng
Núi non xanh ngàn trùng ...xa,
Lại nhớ về cặp mắt e lệ bên hàng rào, khi chạm phải ánh mắt đánh ngang của những gã trống choai - Những chàng tân binh, vốn coi cấp tướng cũng chỉ hơn ta vài cái gạch mà thôi.

Trong men say của tôm ít-bia nhiều năm nay, một nghị quyết đã nhanh chóng được đưa ra. Như vầy:
Sang năm, năm con Ngựa 2014, nhân kỷ niệm tròn 40 năm binh nhì, cả bọn sẽ đi xa.
Thuê ô tô đại to, để đi chung. Tất thẩy xe riêng của các binh nhì, vứt cổ ở nhà hết.
Và trên hết của trên hết, là phải đi qua đêm.
Khi quyết việc đi qua đêm, toàn thể cựu binh nhì (trừ miềng- Grin), mắt đều sáng rực lên một cách đen tối. Wink
Không hiểu, đêm năm tới ấy, các cựu binh nhì, sẽ đi tìm cô thôn nữ ngày xưa, hay cô thôn nữ ngày nay, các bác nhỉ.




Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #434 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2013, 07:27:23 am »

Lại xin được kết vòng lá ngụy trang.

Vẫn biết rằng không gì có thể là mãi mãi.
Nhưng vẫn mong, điều ấy mãi mãi không xẩy ra.
Thế nhưng…..

Có lẽ đã từng là lính, tòng sự dưới sự chỉ huy của NGƯỜI, nên baoleo/TuanBim tôi, có những linh cảm khác thường chăng.
Ngày 02/10/2013, những người lính năm xưa như chúng tôi, lại có buổi hẹn hò ăn trưa.
Hôm ấy có anh Nguyễn Khắc Nguyệt-đại tá xe tăng-nhà văn, có anh Nguyễn Trọng Luân –lính B3 Tây Nguyên-nhà văn, có anh Xuân Tùng-Trungsy-nhà văn, và có anh-anh T-một người con trong gia đình của NGƯỜI.
Trong rất nhiều câu chuyện trưa hôm ấy, baoleo/TuanBim tôi đặc biệt hỏi anh T một câu:
- Anh ơi, sức khỏe NGƯỜI hôm nay thế nào.
Trái với lệ thường, trưa hôm ấy, anh T khẽ lắc đầu và thở dài.

Thế là từ lúc ấy, baoleo/ tôi luôn dự cảm mơ hồ đến một điều gì đó mong manh.

Và rồi.
Ngày 04/10/2013, cũng trái với lệ thường, vào lúc 19h30, anh Nguyễn Trọng Luân liên lạc với baoleo/TuanBim tôi:
-này, có phải….Tớ nghe con, làm ở TTXVN bảo thế.
Giật mình, baoleo/ tôi liên lạc với anh T, những mong được anh mắng mỏ, được anh quát rằng: phỉ phui mồm chú.
Hỡi ôi.
Có lẽ chăng, không gì có thể là mãi mãi, tuy ta vẫn mong, điều ấy mãi mãi không xẩy ra.
20h00 ngày 04/10/2013, a T chỉ nhắn cho TuanBim tôi đúng 4 ký tự. Đúng 4 ký tự, chẳng bao giờ mong chờ: 18:08.
Thế ư, thật thế ư.

Lúc này đây, baoleo/ tôi sẽ không khóc, baoleo/TuanBim tôi sẽ  cố giữ cho đôi mắt già nua của người cựu sỹ quan Hải quân năm xưa thật tinh tường. Để chọn được những cành lá ngụy trang tươi nhất.
baoleo/TuanBim tôi, sẽ cố giữ cho đôi tay của mình, không được run vì xúc cảm cũng như vì gánh nặng của tháng năm. baoleo/TuanBim tôi, sẽ cố giữ cho đôi tay của mình thật chắc khỏe, để chọn lựa những cành lá ngụy trang tươi nhất kia. baoleo/TuanBim tôi, sẽ xin được kết kết vòng lá ngụy trang cuối cùng, dành tặng cho Thủ trưởng kính yêu của mình.

Hôm nay, cho dù Tổ quốc không thiếu hoa dâng NGƯỜI, nhưng TuanBim tôi, xin được dâng tặng người vòng lá ngụy trang.
Thủ trưởng kính yêu, xin tặng NGƯỜI người vòng lá ngụy trang cuối cùng. NGƯỜI vững bước chinh biên nhé.
Bố của con-người chiến sỹ Điện Biên năm xưa, đã đang chờ đợi NGƯỜI ở đâu đó, để lại một lần nữa-xin được làm lính của NGƯỜI.
Thủ trưởng kính yêu. Chúc Thủ trưởng KHỎE.

Cho dù đồng hồ mãi dừng lại ở giây phút 18:08 ngày 04/10/2013, nhưng, có những điều, trường tồn mãi với thời gian.

baoleo/ tôi, luôn mãi trân trọng những kỷ vậy này.
Chữ ký tươi cuối cùng của NGƯỜI.



Nụ cười của NGƯỜI, giờ đây, đã thành lịch sử.

« Sửa lần cuối: 06 Tháng Mười, 2013, 09:09:06 am gửi bởi baoleo » Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #435 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2013, 09:34:45 am »

Đến với Tổng Tư Lệnh

Năm 1989, sau 10 năm đánh Tầu trên Bắc ải, đất nước đã được bình yên.
Tháng 12 năm 1989 đó, trong buổi lễ cởi bỏ binh phục triều đình, trở về làm thứ dân, TuanBim/baoleo tôi, đã nói với đại tá Vũ Nghiễn, Chủ nhiệm Chính trị của Cục rằng:
-Hôm nay đây, TuanBim/baoleo tôi xin gửi lại quân đội: sao trên mũ và quân hàm trên vai. Nhưng một khi tổ quốc cần, một lần nữa, TuanBim/baoleo tôi sẽ lại lên đường.

Đất nước hòa bình, trở thành thứ dân, lui cui bới đất-lật cỏ, kiếm ăn lương thiện, chìm khuất lấp trong triệu triệu dân đen nước Việt, bộ quân phục Hải quân, TuanBim/baoleo tôi cất dấu dưới tận đáy ba lô ký ức, những tưởng, bộ quân phục năm xưa, sẽ nằm chìm cùng mãi với thời gian.

Nhưng không thể ngờ.
Chiều Chủ nhật 06 tháng 10 năm 2013, như có một mệnh lệnh từ trái tim, thúc dục TuanBim/baoleo tôi nhanh chóng trở về đơn vị.
Vâng, với những CCB như chúng tôi, giờ đây, Thủ trưởng ở đâu, chính là đơn vị ở đấy.

Vào chiều Chủ nhật 06 tháng 10 ấy, TuanBim/baoleo tôi, lại mặc lại bộ quân phục năm xưa, bộ quân phục đã hơn 20 năm nay, nằm yên trong miền ký ức.
Khoác lại bộ quân phục năm xưa,  TuanBim/baoleo tôi vội vã, không phải để trở về đơn vị Hải quân gốc của mình, mà cùng với hàng vạn CCB trên khắp mọi miền đất nước, chúng tôi trở về ngôi nhà 30 Hoàng Diệu, ngôi nhà của Đại tướng Tổng Tư lệnh, đơn vị cuối cùng của các CCB.

Kính thưa Đại tướng Tổng Tư lệnh, giờ phút này đây, chúng con, những người lính của Người, xin lại được cùng về đây, kính chào Đại tướng Tổng Tư lệnh một lần cuối.

Chúng tôi, đại tá xe tăng, sỹ quan Hải quân, chiến sỹ bộ binh B3 Tây Nguyên, chiến sỹ xạ thủ trung liên RPD, v.v…, lại sát cánh cùng nhau, như năm xưa, chúng con đều ở chung trong cùng một đội ngũ: chiến sỹ QĐNDVN, lính của Người.

Chúng con lại cùng thầm hô vang: chúc Đại tướng- vững bước chinh biên.

Trong dòng người vô tận, đứng đợi xếp hàng vào nhà- thăm Đại tướng, TuanBim/baoleo tôi nhận ra, không chỉ có nhóm CCB chúng tôi, mà trong hàng vạn người dân đứng xếp hàng trong sự thành tâm - tự trái tim tim ấy, chắc chắn có đến hàng ngàn người, từng là lính của Người – Đại tướng Tổng tư lệnh kính yêu.

Đại tướng Tổng Tư lệnh kính mến, chiều nay, TuanBim/baoleo không đến chào vĩnh biệt Người.
Mà TuanBim/baoleo chỉ xin đến chào tạm biệt Đại tướng Tổng Tư lệnh  mà thôi.

Bởi vài năm nữa, TuanBim/baoleo  cũng sẽ đi theo Người. Đến khi ấy, TuanBim/baoleo  lại xin được làm lính, của Đại tướng Tổng Tư lệnh nhé.
Xin kính chào Thủ trưởng kính yêu.






Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #436 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2013, 08:41:58 am »

Ở nhà Tổng Tư Lệnh, những ngày tháng Mười.

Những ngày đầu tháng Mười này, cùng với hàng triệu người con dân Việt, các CCB chúng tôi, đều lấy 30 Hoàng Diệu, nhà của Đại Tướng Tổng Tư lệnh, là nơi hội quân của mình.
Những ngày này, đến 30 Hoàng Diệu, ta có thể thấy mọi sắc lính, mọi Quân-Binh chủng, đều như đang tụ hội về đây.

Năm xưa trên chiến trường, cứ nghe thấy tiếng súng nổ ở đâu, là những người lính chúng ta, đều biết rằng, nơi ấy, đồng đội của ta, đang chiến đấu với quân thù. Và như có mệnh lệnh sinh-tử từ trong trái tim, những người lính chúng ta, liền lao đến nơi có tiếng nổ đạn bom ấy. Bởi nơi ấy, đồng đội của ta, đang cần lắm, một tay súng đồng đội.
Tình đồng đội ấy của những người lính chúng ta, đã được tổng kết thành mệnh lệnh của trái tim: ‘Hiệp đồng theo tiếng súng’.

Những ngày đầu tháng Mười này, không có tiếng súng, nhưng như có tiếng hét lên từ trong trái tim: ‘đồng đội- địa điểm hội quân: nhà của Đại Tướng Tổng Tư lệnh- tập hợp!’.
Vâng, những ngày đầu tháng Mười này, dường như mọi sắc lính, mọi Quân-Binh chủng, đều như đang tụ hội về đây.

Đơn cử thế này, chiều Chủ nhật 06 tháng 10 ấy, khi tốp CCB chúng tôi, đang hành tiến trên đường Hoàng Diệu, bất chợt từ trong đám đông, một người lao ra: “đồng đội!”.
Thì ra, đấy chính là anh Nguyễn Qúy Lăng – Tiến sỹ Toán cơ- giảng viên trường Đại Học Thủy lợi. Anh là tác giả ca khúc nổi tiếng: ‘Mãi mãi tuổi hai mươi’ và nguyên là chiến sỹ xe tăng của Lữ 203, cái lữ đoàn đã đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30 tháng 4 năm 1975 ấy.

Vâng, chúng ta, những đồng đội một thủa, đã lâu không gập được nhau vì mải mưu sinh trên đường đời. Nhưng những ngày tháng Mười này, đến 30 Hoàng Diệu, chúng ta sẽ gập lại nhau. Bởi chúng ta, đều có chung một tiếng gọi từ trái tim: Hãy tập hợp xung quanh Tổng Tư lệnh.
Chúng ta sẽ chào Tổng Tư lệnh một lần cuối.
Và chắc chắn, khi chúng ta đến với Tổng Tư lệnh, chúng ta sẽ nhận được niềm vinh hạnh từ Người.

Chiều Chủ nhật 06 tháng 10 ấy, chúng tôi, trong bộ quân phục đã sờn, mà kiểu lại đã cũ mèm, khi hành quân dọc đường Hoàng Diệu, chúng tôi đã có được vinh dự bất ngờ.
Trong hàng vạn người dân, xếp hàng dài hàng cây số, dài đến tận cổng Bộ Ngoại Giao, hàng loạt cặp mắt trìu mến của người dân đã dành cho chúng tôi:
-Nhìn kìa, lính của ông Giáp đấy. Lính của cụ Giáp đấy. Lính ngày xưa của Đại Tướng đấy.

Vâng, nhờ có đức độ, tài năng, và đặc biệt là nhân cách cao cả của Đại Tướng Tổng Tư lệnh, mà chúng tôi, nguyên là những người lính của Người, đã được thơm lây.
Xin được giành toàn bộ những ánh mắt trìu mến, những tình cảm thân thương của nhân dân, khi nhìn các cựu binh chúng tôi, xin được giành tất cả cho Bác, cho Đại Tướng.
Chính nhờ sự vĩ đại của Bác, của Đại tướng, mà chúng con, những người lính của Người, đã được vinh dự ‘ké’ lây.

Hải quân nhân dân Việt Nam- Kính chào Đại Tướng.






Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #437 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2013, 08:15:21 am »

Lòng dân.

Không có một Nghị quyết của cấp U.. nào.
Không có một Chủ trương của CQ nào.
Không có một ‘Cuộc vận động..’ của Mặt T.. nào.
Không có một ‘Phát động phong trào’ của Đoàn thể nào.
Không có một Tổ chức Chính t.. nào đứng ra tổ chức.
Không có một CQ nào đứng ra huy động.
Không có một Đoàn thể nào đứng ra gọi kêu.
Cũng không giống như tất cả các cuộc thăm viếng, đến với tất cả mọi cấp lãnh đạo ngày nay. Ở đó, nhưng âm mưu, nhưng toan tính, những mưu cầu về 1 bậc lương, 1 chân ghế, một cơ hội - > được đặt lên hàng đầu.

Nơi đây - chỉ có LÒNG DÂN.

Ai, suốt đời vì dân, sẽ mãi được dân ghi lòng tạc dạ công ơn.
Nước Việt hiếm lắm. Có cụ Trần Hưng Đạo. Có Bác. Và bây giờ, có Thủ trưởng kính yêu.
Sẽ không có một ‘Nghị quyết’ nào – ‘Định hướng’ được ‘Lòng dân’.






Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #438 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2013, 09:29:54 am »

Kỷ niệm về ngôi nhà của Đại tướng Tổng Tư lệnh.

Những ngày này, dường như tất cả chúng ta, đều hướng về số nhà 30 Hoàng Diệu, nhà của Đại Tướng.
Nhớ về Đại Tướng, TuanBim/baoleo lại nhớ về những kỷ niệm với ngôi nhà của Đại tướng Tổng Tư lệnh.
Xin chia sẻ với các bác.

Do mối lương duyên, TuanBim/baoleo tôi đã từng được yết kiến và hầu chuyện Đại tướng Tổng Tư lệnh.
Chuyện này, đã từng được TuanBim/baoleo tôi kể ở đây:
http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,25081.100.html
Sau lần ấy, bây giờ, do mối duyên của đời, thỉnh thoảng, TuanBim/baoleo tôi vẫn được ghé thăm nhà Đại tướng.

Với những những người như TuanBim/baoleo, đã từng khoác trên người bộ quân phục, vinh dự được làm lính dưới sự trực tiếp chỉ huy của Đại tướng, khi Đại tướng vẫn đang đương nhiệm Tổng Tư lệnh-Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thì ngoài sự kính trọng Đại tướng, lớp lính TuanBim/baoleo còn có thêm một sự vinh dự, tự hào.
Vinh dự là: đã từng được một danh tướng thế giới trực tiếp chỉ huy.
Tự hào là bởi: tuy vĩ đại, nhưng Đại tướng rất khiêm nhường.

Hôm nay, TuanBim/baoleo tôi chỉ khoe 1 ý, về tính khiêm nhường của Đại tướng. Đó chính là ngôi nhà của Đại tướng.
Do đã được nhiều lần ghé thăm nhà Đại tướng, nên TuanBim/baoleo tôi có dịp để ý kỹ mảnh vườn trong ngôi nhà của Đại tướng.
Trong mảnh vườn, tuy rộng rãi, thoáng mát, nhưng tuyệt nhiên, không hề có bóng 1 cây cảnh quý nào, có giá khoảng vài triệu Việt Nam đồng cả.
Khác xa với tất cả 100% nhà của các vị quan chức Chính phủ hôm nay, từ Giám đốc Sở trở lên.

Còn trong vườn nhà Đại tướng, chỉ có cỏ xanh (loại thường mọc ở ven đê) và các cây bóng mát, được trồng từ thời Pháp thuộc.
Nhưng chính mầu cỏ xanh đồng quê và bóng mát của những hàng cây lưu niên ấy, luôn đem lại cho những người lính như TuanBim/baoleo sự thanh thản trong tâm hồn. Hãy sống giản dị như Đại tướng.

Tấm hình này, được chụp năm 2011, đằng sau xe của TuanBim/baoleo, chính là gian nhà mà Đại Tướng vẫn dùng để tiếp khách, trong gian nhà đó, có cái bàn : ‘dài như bàn họp tiểu đoàn’ mà TuanBim/baoleo đã kể trong câu chuyện được yết kiến Đại Tướng.



Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #439 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2013, 08:11:08 am »

Kỷ niệm về ngôi nhà của Đại tướng Tổng Tư lệnh (2).

Đây là tấm hình gần đây nhất, TuanBim/baoleo chụp đầu năm 2013, trong vườn nhà Đại tướng Tổng Tư lệnh.
Lúc này đây, TuanBim/baoleo đã rời quân ngũ được 23 năm rồi.
Và kể từ lần đầu tiên, được đặt chân vào nhà Đại tướng, đến lúc này đã là 10 năm trời.

Lúc này, Võ Đại tướng, cũng không còn ở trong ngôi nhà này nữa.
Người đang phải nằm trong Quân y viện 108, do tuổi già.
Nhưng dường như, bóng dáng ông vẫn như ở quanh đây.

Tấm hình này được chụp từ bên phải vườn sang. Các bác có thể xem cùng với ảnh ở bài trước, được chụp từ bên trái sang, để có cái nhìn về toàn cảnh của khu vườn nhà Đại tướng Tổng Tư lệnh.

Các bác sẽ thấy, mảnh vườn thật giản dị. Giản dị, như chính cuộc đời vĩ đại mà khiêm nhường của Đại Tướng.



Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM