Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:52:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khi người lính trở về gia đình  (Đọc 283134 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #410 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2013, 09:08:11 am »

Tháng 7, nhớ người lính không về. (2/3)
Ăn cơm nhé, đồng đội.


12 giờ 15. Trưa tháng 7 nắng cháy ở trên đầu.
Quán cơm ‘đầu ghế’ vỉa hè Bùi Thị Xuân, đang lúc đông người.
Cô chủ quán béo tròn, vừa đếm tiền, vừa hất hàm với mấy cháu ‘chạy cơm’:
-Cái ông già hâm hâm ấy, lại đến mua cơm kìa.
Mấy cháu trẻ trẻ, lanh chanh:
-Vâng, mấy hôm nay, hôm nào ông cụ ấy cũng lấy hai đôi đũa, và hai cái bát, mà có mỗi mình ông ấy ăn. Những người như ông ấy, già nên lẩn thẩn mất rồi.
…….
Tháng 7, mùa hè, nắng thắt ngực.
Những tia nắng mặt trời chói chang, đưa baoleo trở về những năm tháng biên giới - chiến tranh, thủa Baoleo còn là một chỉ huy trong quân ngũ.
Hôm đó, khi đưa một mẹ người Quảng Bình, đi thăm ngôi mộ của con trai mẹ, là 1 chiến sỹ Hải quân bậc đàn anh, hy sinh thời năm 67 khi đánh nhau với máy bay Mỹ, baoleo có hỏi:
-Mẹ có định đưa anh về gần nhà không.
Mẹ nghèo đã trả lời, mà đến bây giờ, sau hơn 20 năm baoleo còn nhớ, và vẫn nhớ đến, để tự răn lòng mình. Mẹ thủng thẳng:
-Nhà cháu hiếm hoi, chỉ có mình em nó. Đưa em nó về, ngộ nhỡ nhà cháu đi gập ông lão, thì khi ấy, chẳng còn ai, nấu cơm cho em nó ăn. Nên nhà cháu muốn cứ để em nó ở lại đây, để bây giờ, cũng như sau này, khi nhà cháu đã đi rồi, thì  em nó vẫn còn có anh em đồng đội làm bầu bạn. Và vẫn còn được quân đội, cho ăn cơm một năm/2 lần.

Nghẹn đắng lòng, mẹ ơi.
Hôm nay, baoleo đã về với đời thường.
Cũng như bạt ngàn các cựu chiến binh khác, ngày ngày, baoleo tôi vẫn côi cút làm ăn, chăm chỉ bới đất – lật cỏ để mong kiếm được cân gạo xấu, sắm được bìa đậu phụ, đắp đổi lần hồi qua ngày.
Nghèo nhưng lòng thanh thản, bởi mình còn được trở về.
Còn biết bao các anh khác, giỏi hơn mình, tốt hơn mình, đã không về. baoleo như thấy mình luôn mắc nợ các anh.
Hôm nay, không khá giả như ‘một đại bộ phận không nhỏ các đồng chí’, luôn có những bữa ăn dư dật, thừa mứa.
Người cựu binh lính Cụ Hồ chỉ có bữa cơm ‘đầu ghế’ qua ngày.
Nhưng, ăn cơm cùng baoleo nhé, các anh, những người lính không về.
Đồng đội, ta lại cùng nhau ăn bữa trưa này, như năm xưa, chúng ta đã chia nhau từng hớp nước trên pháo thuyền nắng lửa, bẻ cho nhau mẩu lương khô cuối cùng trên boong tầu chiến hạm, dưới lớp lớp con sóng bạc đầu.
Ăn cơm, anh nhé – người lính không về.
……………..
12 giờ 15. Trưa tháng 7 nắng cháy ở trên đầu.
Vẫn quán cơm ‘đầu ghế’ vỉa hè Bùi Thị Xuân, đang lúc đông người.
Vẫn cô chủ quán béo tròn, vừa đếm tiền, vừa hất hàm:
-Cái ông già hâm hâm ấy, lại đến mua cơm kìa.
Mấy cháu trẻ trẻ, dường như đã quen:
-Lại ông già hâm, mua mỗi xuất cơm còi, mà cũng lấy hai đôi đũa, hai cái bát. Những người như ông ấy, già nên lẩn thẩn mất rồi….


Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #411 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2013, 08:43:16 am »

Tháng 7, nhớ về đồng đội. (3/3)
Đồng đội một thủa


Cách đây đã lâu, Baoleo tôi có dịp đi qua phà Tân Đệ, con phà nối liền hai tỉnh Nam Định và Thái Bình.
Đó là một buổi trưa hè nóng rát. Cái nóng mùa hè của miền Bắc cộng thêm với độ ẩm cao luôn làm cho con người luôn bức bối, khó chịu. Không giống như cái nóng ở phương Nam hay ở chiến trường Cam pu chia. Những nơi đó tuy không có mùa đông, nhưng bù lại độ ẩm không cao, nên người không có cảm giác lúc nào cũng đẫm mồ hôi, vì thế cũng còn dễ chịu hơn cái nóng miền Bắc.
Cái buổi trưa hè nóng ngốt người ấy, phàm là những ai không có việc tối cần, thì chẳng dại gì lại thò mặt ra đường. Nhất là lại tự phơi mình như cá khô trên con phà bằng sắt tây cũ rỉ ấy.
Chuyến phà ấy cũng khá vắng người. Có mỗi chiếc xe việt dã của tôi và vài bác nông dân tranh thủ chạy chợ nhân lúc nông nhàn.
Mặc kệ cậu lái xe ngồi thu lu trong cái hộp diêm sắt sơn diêm dúa bóng lộn ấy, tôi lững thững ra phía sau đuôi phà, nhằm hóng hơi nước mát do sóng đuôi của con phà tạo ra.
Vừa hay có một ông xe thồ cuối cùng đang hộc tốc, gò lưng đẩy 1 xe đạp thồ chất đầy dừa héo, cuống quýt lao xuống cho khỏi nhỡ phà. Động lòng chắc ẩn, tôi nhẩy xuống, đẩy giúp 1 tay cho cái xe đạp thồ ấy lên kịp phà.
Xong xuôi, ông xe thồ chở dừa ấy quay ra định cám ơn tôi. Bỗng nhiên, ông ta sững người lại, rồi lao đến chụp lấy tay tôi:
-   Thủ trưởng, em đây, Ngòi đây.
Trời, mày đấy ư ?. Thằng em Ngòi, công vụ của ban Doanh trại đấy ư. Mày tàn tạ thế này rồi cơ à?
Thằng em Ngòi dường như không còn để ý đến ai. Nó cứ túm lấy tay tôi mà lắc mãi:
-   Thủ trưởng….
Ôi, bao nhiêu hờn giận, ấm ức, bất mãn kể từ khi ra quân. Luôn có mặc cảm như bị bỏ quên, thậm trí suất học ngoại ngữ trong giờ hành chính cũng bị gạt ra rìa. Chẳng có ai để ý đến thằng lính đã từng ưỡn ngực oai phong trước sóng gió đại dương, mà chỉ còn ganh nhau xem: hôm qua ông cốp ấy hắt hơi, thằng c.. kia nó đã mang quà gì đến trước ta. Thế thôi.
Cứ ấm ức, giận hờn, rồi giũ áo, từ quan. Về hẳn làm phó thường dân loại 3 với đời. Lòng đã như khép lại: một thời áo lính.
Ai ngờ, hôm ấy, trên con phà sắt tây nóng bỏng, còn có 1 ông nông dân lắc mãi tay tôi với đầy tình cảm mến: thủ trưởng….
Mấy từ đồng đội đó, nó như làm làm tan chảy những giận hờn, ấm ức bấy lâu. Nó như nhắc nhở rằng: đã có thời ta từng khoác bộ áo lính lên vai, là kiêu bạc, là đáng giá với đời, là nặng sâu nghĩa tình một thủa, đồng đội ơi.

Thằng Ngòi gần như cố nhét cả xe dừa héo vào xe của tôi: thủ trưởng mang về mà tẩm bổ, thủ trưởng lúc nào cũng làm việc “chí lão”, chóng hại người lắm.
Mặc xác ánh mắt hình viên đạn của cậu lái xe khi nhìn đống dừa, cậu lái xe hết làu bàu cậu Ngòi, lại đưa mắt nhìn tôi ra điều nhắc nhở: xếp ơi, các gentlement cổ cồn đeo cà vạt, có xe phanh đánh kít, mở của xe đánh kịch, gót giầy bước ra đánh cộp, có xơi hoa quả thì phải là kiwi, nhấm nháp gooseberry, xoàng thì cũng phải là American peach. Có ai còn dám cầm cái quả dừa gớm giếc này nữa, thuốc sâu nó dây vào tay thì có mà toi mùi Baldessarini !

Mặc xác nó, tôi đã lấy vài quả dừa của thằng Ngòi, sau khi đã gần như là dùng vũ lực để ấn vào túi nó chút tiền công tác còm mang theo cơ số của tôi.

Ngòi ơi, hôm nay, vô tuyến nó đang nói rằng: lợn đang bị dịch tai xanh.
Nhưng kệ bố nó, hôm nay tao sẽ vẫn ra chợ, mua lấy cái chân giò. Biết đâu, nhờ thế mà mày vẫn bán được lứa lợn của nhà mày, đặng dồn ít tiền mà trát nốt cái nhà xây dang dở đã lâu.

Ngòi ơi, đồng đội một thủa, chú cũng tàn tạ lắm rồi, phải giữ gìn sức khỏe nhé.


Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #412 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2013, 08:33:04 am »

Chào mừng ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân.
Hôm nay, ngày 05/08 là ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân.
Ngày 02/08/1964, Hải quân Việt Nam non trẻ, đã dùng 3 tầu phóng lôi từ thời thế chiến 2, quả cảm lao vào đánh đuổi tầu Ma-Đốc của Mỹ trên vùng biển Thanh Hóa.
Tiếp ngay sau đó, ngày 05/08/1964, lực lượng Hải quân trên khắp các khu tuần phòng, đã anh dũng đánh trả máy bay của Mỹ, và cùng với các lực lượng khác của quân ta, đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, và đặc biệt, trực tiếp bắt sống viên phi công Mỹ đầu tiên: trung úy An-vơ-rét.
Kể từ đó, ngày 05/08 đã trở thành ngày Truyền thống-Đánh thắng trận đầu của Quân chủng Hải quân.
Baoleo tôi cũng đã có nhiều bài viết về sự kiện này, ngay trong trang mạng này.
Để nhớ về ngày truyền thống của Quân chủng, baoleo tôi xin đăng lại bức tranh cổ động của họa sỹ Huy toàn, vẽ về sự kiện 05/08/1964.
Tuy là tranh cổ động, nhưng họa sỹ Huy Toàn đã vẽ rất chính xác.
Tầu Hải quân, chính xác đó là tầu tuần-la 79 tấn, trang bị pháo 37 hai nòng, loại tầu chủ lực của Hải quân Việt Nam thời 1964.
Còn máy bay Mỹ, chính xác luôn là loại A 4 – Xì-cai-hốc. Viên trung úy An-vơ-rét, lái chiếc này, đã bị bắn rơi và bắt sống ngay trong ngày 05/08/1964. Sau này, ngài Thuwongj nghị sỹ Mỹ Jôn-Mắc kên, cũng lái loại A 4 – Xì-cai-hốc này và bị bắn rơi và bắt sống trên hồ Trúc Bạch năm 1967. Sau này, hải quân Ác-hen-ti-na, cũng dùng loại A 4 – Xì-cai-hốc này, đánh chìm chiến hạm hiện đại của Hải quân Anh trong trận chiến ở quần đảo Man-vi-lát.


Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #413 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2013, 09:44:12 am »

Thi đua là yêu nước.

Tuần tới, cháu nội tôi, 16 tháng tuổi, sẽ bắt đầu đến trường.
Cháu sẽ bắt đầu được ‘học tập, giáo dục và rèn luyện, dưới mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa’.  Undecided
Thế là toàn bộ các thế hệ trong gia đình tôi, từ thành viên 16 tháng tuổi trở lên, không ai thoát việc: sống và học tập theo Nghị quyết Đảng. Grin
Cháu thì thi đua phấn đấu không tè dầm, đặng cuối tuần, được bình xét danh hiệu thi đua, và giật được lá cờ đỏ bé xíu để về treo tường, cho oai phong.
Tôi, thì vưỡn như bao ngày: bới đất-lật cỏ, mong đong được cân gạo xấu,  kiếm được bìa đậu phụ và phấn đấu đóng thuế cho nhà nước, để bớt đi nỗi hụt ngân khố, do các loại Vina.. và ‘một bộ phận không nhỏ các đồng chí’ X, y, z đang ngày đêm ăn cắp và phá hại.
Ơn Đảng, ơn Chính phủ, ơn Đức Chúa lòng lành, gia đình tôi đúng là ‘người người thi đua’. Đảng cứ như con ma xó ấy, đưa ra khẩu hiệu đúng ra phết.
Tiên sư anh Tào Tháo. Grin


Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #414 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2013, 09:48:32 am »

Ăn cháo gà.
Mấy hôm rồi, miềng bị ai đấy mắng mỏ đến là oan uổng. Trời cũng phụ họa, mưa nhiều và to to là.
Ngồi trên tầng cao, dòm qua cửa sổ văn phòng, thấy chỗ nào cũng lội. Hãi lắm, chả dám mò ra đường kiếm ăn, đói đói ghê.
Phàm đã đói, thì thường hay nhớ đến ăn.
Dưng mà có những món ăn, nghĩ lại vẫn cứ thấy ‘tởn’ tợn.
Hồi đấy, nhà sỹ quan ngay bên cạch trại gà tăng gia của đơn vị.
Tối đến, hứng lên, là mấy thằng lại gạ gẫm thằng Cường - thượng úy phụ trách quân lương, để được phép lẻn sang trại gà, lén tóm lấy một ông gà, thịt ăn chơi.
Hôm ấy, bố Hạnh-đại úy chuyên nghiệp-lái chính con Hoàng Hà 34 chỗ của Trung Quốc, đá hất chân miềng:
-TuanBim, tuy mày là sỹ quan số mới về đơn vị, dưng ở đây, ..éo có thằng nào không phải lao động. Hôm nay, đến phiên mày, sang trại gà, tóm lấy một ông. Về luộc lên. Tao mới thủ được chai ‘Tam xà đởm’ của quân y, tụi mình làm tợp thay cho việc nuốt mạt cưa.
(mở ngoặc tý: lính Hải quân được ăn 4 bữa/ngày. Thời 8x đói kém đấy, bữa tối phụ thường là bánh quy ép Hải Châu, cứng đanh, khô khô là, hệt mạt cưa  Grin).
Trong trại binh, ..ếch có chuyện không theo lệ làng.
TuanBim tôi dân cầy đường nhựa, tinh nom thấy gà khỏa thân, nào đã được thi triển võ công với ông gà lông bao giờ đâu. Thôi thì số đã tới, sợ đếch gì đời.
Miềng bèn xách con ‘phóng’, hiên ngang lẻn sang trại gà, oai phong cứ như Khinh Kha đi vào đất Tần.
Một thân một mình, đơn kiếm độc hành, thi triển võ công trong bóng đêm, cuối cùng thì ông gà cũng đã được đoàn tụ với nước sôi.
Tự thầm phục mình quá giỏi, tôi bắc cái ghế đẩu ra hàng hiên, huýt sáo mồm bài ‘Lướt sóng ra khơi’ để tự thưởng cho bản thân trong khi chờ ông gà chín.
Chắc chờ cũng quá lâu, lại háu ăn, bố Hạnh thân tự mình mò ra chỗ tôi luộc gà, hóng gà chín.
Bỗng nhiên, tôi thấy bố Hạnh quát lạc cả giọng:
-Mịa, tao bảo luộc, sao mày lại nấu cháo gà thế.
Tôi cãi ngay, ..éo sợ:
-Cháo đâu mà cháo, em luộc nước xuông đấy chứ.
Trong khi đó, bố Hạnh  không chờ tôi cãi, vớt ngay ông gà lên xem thực hư.
Hóa ra, toàn bộ cái diều, thằng chuyên nom gà khỏa thân như tôi, không biết. Hoa gạo đang từ đó tuôn ra, cứ như là cơn lụt trận vừa rồi, các bác ạ.
Khiếp khiếp là.  Grin


Logged
nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #415 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2013, 11:41:55 am »

GỬI BAOLEO
Hôm 5/8 anh vẫn còn ở Sài gòn , không viết được chữ nào để nhớ gửi cho em . Nhưng anh thì nhớ mãi cái ngày 5/8/64 . Ngày ấy đi vào trí nhớ của anh không thể móc ra mà quên đi được . Rồi , trong mùa thi cho học trò khá văn năm ấy ( tháng 10/64 ) anh viết về cảm nhận của mình với người lính Hải Quân Đặng Đình Lống . Mấy chục năm sau già rồi mới biết anh Lống hi sinh . Sự anh hùng thì người ta viết , còn sự chết của người rất anh hùng người ta ít viết .
Người lính trở về là người công dân đôi khi xuống hạng hai đấy nhé . Lí do bởi người lính hay nhớ quằn quại cái mà đời không muốn nhớ . Baoleo cũng thế thôi em ạ
Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #416 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2013, 01:15:15 pm »

GỬI BAOLEO
Hôm 5/8 anh vẫn còn ở Sài gòn , không viết được chữ nào để nhớ gửi cho em . Nhưng anh thì nhớ mãi cái ngày 5/8/64 . Ngày ấy đi vào trí nhớ của anh không thể móc ra mà quên đi được . Rồi , trong mùa thi cho học trò khá văn năm ấy ( tháng 10/64 ) anh viết về cảm nhận của mình với người lính Hải Quân Đặng Đình Lống . Mấy chục năm sau già rồi mới biết anh Lống hi sinh . Sự anh hùng thì người ta viết , còn sự chết của người rất anh hùng người ta ít viết .
Người lính trở về là người công dân đôi khi xuống hạng hai đấy nhé . Lí do bởi người lính hay nhớ quằn quại cái mà đời không muốn nhớ . Baoleo cũng thế thôi em ạ

Anh Luân à,
Anh Đặng Đình Lống thì hy sinh ngay trong ngày 05/08/1964 ở khu 4, và gia cảnh nhà anh Lống cũng rất nghèo, có thể, người ta ngại nhắc đến chi tiết này chăng.
Chúng ta, em, anh, và các anh khác trên diễn đàn này, những người đã từng khoác áo lính, đều hay nhớ về thời mình mặc quân phục mầu xanh.
Có người ở quân đội nhiều, có người thì thời gian cũng ngắn, nhưng, những ký ức thời quân ngũ, chẳng bao giờ phai mờ.
Em rất hay nhớ về thời áo lính. Đó là thời mà ta sống hết mình, kiêu bạc, và chẳng một chút vun vén lợi lộc cá nhân.
Đó là 1 khoảng thời gian trong lành. Em nhớ về nó, như một chỗ vin tay, để đi tiếp quãng đời còn lại, quá nhiều nỗi gian chuân.
Cảm ơn anh đã ghé thăm.
Logged
tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #417 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2013, 11:49:00 pm »



Chào bác Thủy quân baoleo!
Bài viết Ăn cháo gà của bác rất đặc sắc. Giàu chất uy mua. Không khen 1 phát không chịu được. Grin
Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
MTT
Thành viên
*
Bài viết: 24


« Trả lời #418 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2013, 02:24:34 pm »

Hihi, bác Baleo thế là còn may đấy.
Em đã từng phụ bà bác thịt gà, luộc xong, chặt,  bày ra đĩa đoàng hoàng.
Đến giữa buổi bà bác mới phát hiện còn nguyên cái diều chưa lấy ra.
.
.
.
Mà bác em là người luộc và chặt gà nhé!
Logged
Lizzy
Moderator
*
Bài viết: 83


Phái viên của Tư lệnh


« Trả lời #419 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2013, 09:47:10 am »

Thi đua là yêu nước.

Tuần tới, cháu nội tôi, 16 tháng tuổi, sẽ bắt đầu đến trường.
Cháu sẽ bắt đầu được ‘học tập, giáo dục và rèn luyện, dưới mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa’.  Undecided




Chúc tân học sinh sẽ hoàn thành các chỉ tiêu đề ra nhé Grin

Em cũng đang mong bé nhà em cán mốc này để em tống cổ đi bộ đội đây Grin
Logged

Who can say where the road goes
Where the day flows?
Only time...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM