Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 04:47:11 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khi người lính trở về gia đình  (Đọc 283416 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #390 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2013, 10:30:56 am »

Sonate ánh trăng.

Đợt này, do chưa tìm đủ được người giúp việc, nên ngoài lúc mưu sinh, kiếm cơm trong thiên hạ, baoleo tôi khi trở về nhà, đảm nhận nốt việc trông nom thương binh nặng, ca 4, từ 1 giờ đêm đến 5 giờ sáng.
Đêm khuy cô liêu, đức cha tuyên úy hay nhất, người bạn tâm giao phù hợp nhất, những intangible có thể nâng đỡ tinh thần, gột rửa tâm hồn, thanh tẩy tâm linh, làm cho con người trở nên thánh thiện hơn, chỉ có thể là các trình tấu nhạc cổ điển không lời.
Nhưng, những ‘Phiên chợ Ba-tư’; hay ‘Turkish March’ thì chỉ tổ làm lạc bước màn đêm đang trôi về hư không. Phải là ‘Khúc nhạc chiều’; ‘Memory’; hay Serenade’, thì mới có thể: dặt dìu nhịp bước cùng đêm thinh không, đang trôi dần tới ánh bình minh.
Đêm qua, baoleo tôi bật re-play bản ‘Sonate ánh trăng’ của Beethoven. Từng nốt pi-a-nô rơi nhẹ, rải những nốt trầm mềm vào tĩnh lặng. Và từng nốt pi-a-nô như dìu đưa mảnh trăng hạ tuần đầu hạ, rơi nghiêng dần về phía chân trời.
Ánh trăng trôi bồng bềnh ngoài khung cửa, như đưa baoleo thả xuôi theo con sóng, trôi về vùng biển đông bắc, thời biên giới chiến tranh.
……………….
Được lữ trưởng đánh giá là thằng có tâm hồn nhất lữ  đoàn (trai Hà lội gốc, đọc được “Bông Hồng vàng” của Pau tốp xơ ki bằng nguyên bản tiếng Nga, bla, bla…), tôi được phân công phụ trách nữ tân binh của lữ đoàn. Và thế là: tai nạn, nối tiếp tai nạn.

Thoạt tiên là toi 1 tháng phụ cấp, vì bị anh em đè ra bắt khao.
Anh em tưởng tượng ra cảnh: ‘tháng 9 nắng rám quả hồng’ mà lại có thằng cha là tôi, được ngồi ghế, bên tả thì có 1 em mời bát nước gạo rang, bên hữu thì có em khâu hộ cái yếm bò của áo lính thủy, là tiết của đại bộ phận anh em, đã sôi lên sung sục.
Và tiết của tôi còn sôi hơn,  khi bị vu oan thế,  mà lại không được tí ‘miếng’ nào làm thuốc.

Tiếp theo, đó là chuỗi ngày bị đau thần kinh, vì luôn luôn phải nghiến răng và lên gồng.

Các bác thử tính xem. Là cái thằng phụ trách thì đương nhiên là phải đi đốc gác đêm.
Đêm mùa hè, sóng biển rì rầm, từng con sóng va vào gềnh đá, làm bắn lên bạt ngàn tia hoa lân tinh. Tô điểm thêm cho vườn hoa sóng biển là những vì sao băng đang rơi chéo phía chân trời.
Lẫn trong gió biển là mùi hương hoa lan đất, xa xa rồi thật gần.
Hương lan đất gần đến mức, chỉ nhìn cặp môi, cũng đoán ra tiếng: “em ở đây cơ mà, anh ơi”.

Gía như là tiếng hô “ báo cáo thủ trưởng, có tôi” thì đời quân ngũ đơn giản biết bao nhiêu.

Trời ạ, đây lại là tiếng thì thầm” anh ơi” của nàng thiếu nữ, mới gần 18 trăng tròn.
Nó có sức nóng làm tan chảy câu căn vặn về mật khẩu, của anh chàng  mẫn cán.
Nó làm anh chàng gương mẫu cóng người, khi đôi tay mát rượi của ‘hương lan đất’, chỉnh lại hộ chàng mấy ngôi sao trên vai.
Và theo bản năng cách mạng, anh chàng  bất hạnh chỉ còn biết giơ 2 tay lên trời. Rồi vẫn giữ nguyên tư thế giơ hai tay lên trời ấy, chàng sỹ quan hào hoa của lữ đoàn, thất thểu lùi và lùi. Lùi đến khi không lùi được nữa thì thôi.

Làm sao khác được các bác ơi.
Trong cái ánh sáng mờ ảo của các vì sao rơi, trong tiếng thì thầm của sóng biển, trong hương thơm thì thầm của ‘hương lan đất’ đang xua tan cái vị mặn mòi của biển cả, trong bạt ngàn sắc hoa lân tinh, khi sóng đánh vào gờ đá. Và trong cái ánh sáng ‘nhờ nhờ nhân ảnh’ ấy, cái ‘dáng hương lan đất ấy’, ‘nó’ buông xõa tóc không theo điều lệnh, cặp mắt sáng như mèo rừng, hai cánh tay trắng như lõi rau dọc mùng trong bát bún chân giò, dài như vòi bạch tuộc ấy, nó như đang muốn cuộn siết con  mồi.
Ôi, khi ấy, chỉ cần một vang lên một tiếng sấm “khoạc khoạc” của chính ủy, đang đi thanh tra các ông kiểm tra, mà lúc đó tay chân mình lại không để đúng điều lệnh, thì “thôi rồi Lượm ơi”. Nhẹ thì cũng 1 hạt ra đi không hẹn ngày tái ngộ.
Thời ấy ngấm lắm, nếu mà bị 2 cái vòi bạch tuộc trắng ngần kia, nó cuộn siết- ăn thịt, thì:
-‘nó’ cướp mất sao
-‘nó’ cào mất gạch
-‘nó’ rạch thẻ Đảng.

Kinh bỏ mịa. Có mà đang hăng hái ‘12 giờ’, nhớ tới câu sấm truyền kia, thì cũng phải khẩn trương lui về trạng thái ‘6 giờ rưỡi’ cho nó lành. Cho đẹp ý Đảng – hợp lòng dân.

…………………..
Nhớ tới chính ủy, theo phản xạ từ thủa còn khoác áo binh nhì, baoleo đưa tay lần tìm đôi quân hàm trên ve áo. Nhưng chẳng còn thấy đôi quân hàm gắn phù hiệu mỏ neo. Ở nơi ấy, giờ đây, là chiếc áo may ô cổ tròn, đã sờn mòn theo tháng năm.
Ừ, mình đã gửi ‘sao trên mũ và quân hàm trên vai’ cho quân đội, cũng đã 20 năm với nhiều lẻ mất rồi.
Bất giác, baoleo tôi buông tiếng thở dài.
Từ trên chiếc giường i-nox quân y, bà vợ baoleo chợt tỉnh giấc: ‘ông lại mơ màng điều gì đấy phỏng?’.
Ừ, vâng. Baoleo tôi vừa trở về nơi miền ký ức. Nơi biển tuần phòng vùng 1, nơi sóng đại dương cuộn sôi dưới chân vịt pháo thuyền. Nơi có một vùng biển vắng, nơi đã từng có mùi hương lan đất và chiếc kẹp tóc, sáng lấp lánh trong ánh lửa lân tinh.
Baoleo cố nén 1 tiếng thở dài, những mong nó chìm khuất lấp trong những nốt pi-a-nô trầm mềm của bản ‘Sonate ánh trăng’ .
Ừ, nếu như hồi ấy, mình chót nhỡ, đánh rơi tay xuống vùng ‘trắng mềm như cánh dọc mùng, thấm đẫm hương hoa lan’, thì hôm nay, nghe bản hòa tấu ‘Sonate ánh trăng’ , ta có phải nghe kèm theo điều 4 không nhỉ.



Logged
tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #391 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2013, 11:29:38 pm »


Phải công nhận cuộc đấu tranh ai thắng ai của bác baoleo hơn 20 năm trước quá khốc liệt. Grin Grin

Cuối cùng người chiến sĩ cách mạng (dù hơi...rung rinh tí chút) đã toàn thắng. Có lẽ bác nhớ tới hình ảnh Pa ven Coosaghin đầy bản lĩnh, khi chàng và Tô nhi a có 1 đêm cuối cùng ở căn phòng riêng, trước khi tạm biệt. Ấy là văn chương thì thế, còn đơn giản hơn, có thể là tiếng "khoạc khoạc" của Chính ủy. Đã ngăn dòng nham thạch đang chực chờ phun trào. ( chuyện cướp...cướp, thời điểm nhạy cảm ấy chắc không có, sau này tĩnh tâm thì có thể, phải không bác? Grin)

Giời ạ! Có lẽ bác đọc Pau tốp xơ ki nhiều quá. Những là Bông Hồng vàng, Bình minh mưa...Giá bác đọc Ai ma tốp cũng nhiều như thế (cũng văn học Liên Xô cả nhé). Biết đâu ...

Nhưng nhà văn Mô pat xăng trong cuốn Một cuộc đời có viết rằng: Cuộc đời không quá tốt hay quá xấu như ta tưởng.
Cho nên, tôi thiết nghĩ chẳng cần băn khoăn suy đoán: Nếu để cái vòi bạch tuộc trắng ngần năm xưa tóm được, ta sẽ đi đâu về đâu...

Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #392 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2013, 11:45:44 pm »

Hi hi, các bác kính mến, em xin thêm:
......lúc thì là bi kịch, lúc thì lại là hài kịch. Trong tấn.... thì xảy ra chết chóc, trong tấn....thì người ta lấy nhau.
Nếu bác tuanb5 rảnh:
1: Điền vào chỗ trống.....giống như đi thi ngoại ngữ cho cán bộ vào quy hoạch, nhưng cấm mang Iphone vào phòng thi.
2. Câu này ai nói? Nói cho người lớn hay nói cho con nít? Grin Grin
Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #393 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2013, 10:57:24 am »

Cảm ơn sự hóm hỉnh của các bác tuanb5, qtdc và các bác khác  Grin

Nhân đây, xin chia sẻ:
Đọc một số bài viết của nguyên lính Hải quân, có một người bạn lính- nhà văn, nguyên là lính chiến trường B3 Tây Nguyên – anh Luân/nguyenhuuluan, đã cảm nhận về lính Hải quân thế này:

Baoleo à . Có những những thứ bạn thừa thì mình lại thiếu . Có nhiều thư mình có mà bạn lại thiếu thốn . Cuộc đời nó cứ vậy . Mình cứ lấy tổng = mười để tự an ủi mình .
Nhưng có một thứ này nghe như mâu thuẫn mà lại ngấm , Kẻ thù của sự im lìm là dư âm . Trong lúc tĩnh lặng thì dư âm lại hiện về , nó gặm nhấm nhức nhói tâm hồn mình . Người nào quên được dĩ vãng lại hóa hay , cứ vô tư nhậu nhẹt cái thực tế . Cay cũng được ngọt bùi cũng được người ta gọi là VÔ TƯ . KHó lắm ! Baoleo không làm được thế đâu . Và vì thế Baoleo khổ bao nhiêu thì nhiều người yêu quí bấy nhiêu .
Ngày xưa lúc mình yêu vợ mình bây giờ , đưa nhau ra biển Hạ Long mùa đông ( tháng 11/1978) Viết bài thơ Trước biển . Sao thấy mình già quá , càng về già giở ra đọc lại , đóng vào nghĩ ngợi .
… Ai trước biển không thấy đời bé lại
Người ơi người bình dị hóa bao la
Tầm sóng đuổi chẳng bao giờ soi mói
Cái hiên ngang không riêng trẻ riêng già .

Lòng của biển mùa đông là nỗi nhớ
Sóng về đây hôn mãi bãi vô tình
Chỉ có anh và em ngồi với gió
Trước mùa đông biển nhẫn nại vươn mình ….

Lính biển Dư Âm khủng khiếp hơn mọi lính khác . Nên gặp một CCB Hải Quân nào, thì không thể nhìn ngoài mà hiểu được họ.


Vâng, hiếm khi gập một nhận xét về lính Hải quân chất như thế. Cảm ơn anh, Lính chiến trường B3 bậc đàn anh, thương thằng em là lính Hải quân.
Baoleo tự nhìn nhận, thì thấy:
Lính Hải quân luôn dạt dào như sóng biển.
Sóng biển thì xanh, nhưng mặn chát khi nếm vào.
Không thể uống 1 hơi dài như bia lạnh.
Mà chỉ có thể phơi khô thành muối.
Mỗi lần, chỉ dùng được một ít mà thôi.
Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #394 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2013, 02:10:58 pm »

Bạn tôi, những Nhà văn-chiến sỹ.

Như một mối lương duyên, baoleo tôi đọc sách văn học từ rất sớm.
Tuy nhiên, cái sự đọc ấy, nó chẳng làm baoleo tôi khá văn lên tý nào. Suốt 10 năm học phổ thông, điểm văn cao nhất mọi thời đại, mà tôi có được là điểm 6 trừ, năm lớp 9. Nhưng thôi, đó lại là đề tài của một câu chuyện khác.

Những tác phẩm văn học đầu tiên, lại là những tác phẩm về người lính, do những người lính viết. Đó là sê-ri tác phẩm Văn nghệ Quân đội.
Baoleo tôi còn nhớ rằng, mình bắt đầu đọc VNQĐ đâu như từ năm lớp ba-1967.
Không phải đọc VNQĐ là vì lý lịch của mình thuộc thành phần: ‘gia đình quân nhân cách mạng’, mà chính là, nó hay thực sự, mở ra cho mình những cảm thụ văn học đầu tiên.

Đến hôm nay, mình vẫn còn nhớ những tác phẩm đã đọc ở đấy.
Chẳng hạn, trong VNQĐ xuất bản hồi 1959, khổ to, có 1 câu chuyện kể về một đại đội pháo binh, hành quân chiếm lĩnh trận địa ban đêm, để bắn đạn thật vào sáng hôm sau. Baoleo tôi còn nhớ lời đề dẫn: ‘Viết về những chiến sỹ với những trận đánh trên đồi A1 hay trên mặt trận đường 5, rất dễ cuốn hút bạn đọc. Còn hôm nay, viết về các chiến sỹ trên thao trường, để bạn đọc thấy hay, là một điều cực khó. Xin mời các đ/c và các bạn đọc tác phẩm …..’.
Còn trong VNQĐ xuất bản năm 1967 ấy, khổ nhỏ hơn khổ của tạp chí số 774 hôm nay, có câu chuyện về các chiến sỹ vận tải Trường Sơn.
Baoleo tôi còn nhớ câu đâu tiên: ‘Lại mưa (chấm). Đại đội trưởng Hải nhìn trời rồi lắc đầu ngán ngẩm…’.
Cái kiểu mở đầu: ‘Lại mưa (chấm).’ ấy, đã hằn sâu vào não trạng và rồi vô thức, đã ảnh hưởng đến cả cách viết của Baoleo ngày hôm nay. Rất nhiều lần mình đã viết kiểu này: ‘Hè về. Những bông hoa phượng đỏ, nom như những đốm ….’. Hi hi.

Nhưng mà, các tác phẩm văn học nói chung, và các tác phẩm về người lính nói riêng, baoleo toàn đọc chùa thôi. Hoặc là gia đình có, hoặc là ở thư viện đơn vị, hoặc là mượn bạn bè. Và các tác giả của các tác phẩm ấy, rất tự ti để thú nhận rằng: miềng chả quen ai cả.

Thế nhưng, giờ đây, baoleo tôi thấy rằng, sẽ rất không nên đọc chùa một số tác phẩm nữa. Bởi các tác phẩm ấy, được các nhà văn lính, cũng là bạn lính của miềng, viết.
Hôm trước, baoleo tôi đã bỏ tiền túi ra, để mua VNQĐ số 774 / tháng 6 – 2013, bởi tác giả của 1 tác phẩm trong này, là bạn lính – nhà văn của miềng: CaoSon/Doãn Dũng / Vu Anh Nguyen.

Còn ngày mai, baoleo tôi sẽ có bữa rượu trưa, với 2 nhà văn lớn khác, anh Nguyễn Khắc Nguyệt/lixeta, tác giả cuốn sử thi mới ra lò: ‘Mãnh hổ đường chín’ và Nhà văn-nhà thơ Nguyên Trọng Luân/litangu, tác giả thi ca ‘Mây trời Quảng Trị’.
Vừa được uống rượu với các thi nhân/tri kỷ, vừa được ‘tậu’ sách có chữ ký của chính chủ các tác phẩm ấy, tưởng như các tao nhân mặc khách xưa nay, cũng không được cái thú tao nhã ấy như thế này.

Baoleo sẽ không khen các bạn lính – nhà văn viết hay. Mà sẽ nói nói:
‘Cháu nội của miềng, hôm nay đã được 14 tháng tuổi. Miềng sẽ giữ  các tác phẩm này, để 7 năm sau, nếu miềng còn sống, miềng sẽ cho cháu nội đọc, và kể cho cháu nội nghe, có một thời, ông và các bạn ông đã là chiến sỹ, và một vài người chiến sỹ trong đó, đã là nhà văn-nhà thơ, của các tác phẩm này.’

Thế nhỉ, các bạn tôi, những nhà văn-chiến sỹ yêu quý.
Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #395 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2013, 11:33:55 am »

Khúc nhạc chiều.

Chiều xuống. Con cò bay về tổ. Người nông dân thu trâu, về làng.
Chiều của ngày có giống tuổi ban chiều không nhỉ.

Chiều của ngày đầy hối hả, lo toan.
Thủa còn chiến binh, khi còn mặc binh phục của triều đình, vào thời khắc mà những tia nắng cuối ngày chỉ còn là những ráng hồng đỏ sậm nơi chân mây cuối trời, những làn khói lam chiều bắt đầu bảng lảng trên mái bếp quê xa, thì cũng là lúc ta phải vội vàng siết lại quai ba lô, mong tìm nhanh được một mái tranh ấm cúng, để nhờ nấu 1 bát cơm quân lương trên con đường đơn kiếm độc hành.
Trả binh phù về làm dân, chiều đến, cũng lại vẫn hối hả, vội vàng.
Người-xe chen nhau. Cấp bậc-chức vụ, chiều sâu văn hóa, đều không còn giá trị so với khoảng cách hơn nhau nửa vành bánh xe, ở chốn giao nhau nơi phố thị đông người.
Còn quá nhiều việc, đang chờ ta bên ngưỡng của mái nhà.
Chen nữa đi và lấn nữa đi.

Tuổi ban chiều, mọi thứ dường như chậm lại.
Ta nhớ nhiều hơn, và nhớ rõ hơn về mọi thứ đã qua.
Có những tấm hình, không bao giờ, ta đủ can đảm để mang ra coi. Nó gợi lại một thủa bình lặng không bao giờ trở lại.
Có người, giù còn số lưu trong máy, nhưng ta sẽ không còn gọi nữa. Nó để cho ta nhớ về những giây phút lưu luyến chưa xa.
Có những câu chuyện, ta nhớ về nó nhiều hơn. Nó mang đến cho ta nụ cười về một thủa chiến binh dại khờ.
Có lẽ chăng, nên ‘Khúc nhạc chiều’ này:
http://mp3.zing.vn/bai-hat/Khuc-Nhac-Chieu-Hoa-Tau/ZW6UC6DZ.html
chắc là viết cho tuổi ban chiều, chứ không thể viết cho chiều của ngày.

Chiều của ngày không giống tuổi ban chiều.
Tuối ban chiều mỗi ngày một khác.
Chiều của ngày, thời nào cũng giống nhau .
Chiều Hà Nội những năm 8x, cũng giống như hôm nay. Hối hả, lộn xộn, giao thông chẳng coi luật đáng giá xu nào.


Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #396 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2013, 02:41:01 pm »

Vườn xoài của nhà.

Lâu rồi, chẳng có người đến hái.
Xoài rụng thành lớp dưới gốc cây.
Nay trên cành, còn tầm ngàn quả.


Logged
Cutichiuchoi
Thành viên
*
Bài viết: 251


« Trả lời #397 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2013, 03:46:14 pm »

Vườn xoài của nhà.

Lâu rồi, chẳng có người đến hái.
Xoài rụng thành lớp dưới gốc cây.
Nay trên cành, còn tầm ngàn quả.



Bác ơi! nhà bác ở đâu mai em ghé thăm .... vườn xoài  Grin Grin Grin
Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #398 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2013, 08:46:52 am »

Trưa hè hôm ấy, bạn còn nhớ không

Thực ra, cái tựa đề là do Baoleo tôi nhái câu thơ cổ: Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
Thôi Hộ, một danh sĩ đời nhà Ðường trẻ tuổi đẹp trai, nhân dự hội Ðạp Thanh đến một xóm trồng toàn hoa đào (Ðào hoa trang), gõ cửa một nhà xin giải khát. Bên cửa cổng, một thiếu nữ thập thò đưa nước cho chàng. Nàng đẹp, duyên dáng, e lệ. Chàng đưa tay tiếp lấy bát nước. Hai bàn tay trai gái chạm nhau. Nàng ngượng ngùng, cúi mặt xuống. Ðôi má hây hây đỏ như đoá hoa đào. Chàng rụt rè, ngượng nghịu đoạn từ giã ra đi.
        Nhưng rồi đèn sách và mộng công hầu không xoá mờ hình bóng giai nhân. Xóm hoa đào và con người đẹp vẫn gợi lên một hình ảnh đầm ấm trong trí não, khiến nhà thơ lãng mạn chan chứa biết bao tình cảm lưu luyến mặn nồng. Rồi năm sau, ngày hội du xuân đến, Thôi Hộ tìm đến xóm hoa đào. Cảnh cũ còn đó nhưng người xưa lại vắng bóng. Cửa đóng then cài. Chỉ có ngàn hoa đào rực rỡ, phe phẩy theo gió xuân như mỉm cười chào đón khách du xuân.
Chàng cảm khái, có thơ rằng:
Khứ niên kim nhật thử môn trung  
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng  
Nhân diện bất tri hà xứ khứ  
Đào hoa y cựu tiếu đông


Hải Đà cảm dịch như này:
 
Năm ngoái hôm nay cũng cửa nầy  
Hoa đào má phấn đỏ hây hây  
Người đi đâu mất, còn hoa đó  
Ghẹo gió đông cười hoa ngất ngây


Miềng không có hoa đào.
Nhưng vẫn chiếc xe này. Chỉ có người bạn nơi xa, lanh lảnh giọng nói, miên mang nụ cười, e ấp bên ghế phải của xe, nay đã về mãi tít chân trời xa.

Miềng không có tài làm thơ như Thôi Hộ, như các thi sỹ của quansuvn.net  Grin, nên chỉ biết gửi lòng miềng vào tấm ảnh: Một buổi trưa hè, trên đường về quê ngoại người bạn phương xa.


« Sửa lần cuối: 26 Tháng Sáu, 2013, 09:32:21 am gửi bởi baoleo » Logged
Cutichiuchoi
Thành viên
*
Bài viết: 251


« Trả lời #399 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2013, 09:55:16 am »

Bác baoleo ngày xưa chắc là lính Hải quân? Ngày còn nhỏ em cũng rất thích sau này lớn lên, đi bộ đội và là lính hải quân, bởi vì em còn nhớ một bài tập đọc lớp hai hay lớp 3 gì đó có bài: "Chú hải quân", không biết bây giờ bác còn nhớ không, em viết ra bác coi thử nhé:
"Chú hải Quân
Đứng canh ngày canh đêm
Ngoài xa vời hải đảo
Mặc nắng mưa gió bão
Cây súng chú chắc tay
quân thù mà ló mặt
Biển lớn sẽ vùi thây
Em mong ngày không lớn
Cũng vượt sóng ra khởi
Sẽ cầm chắc tay súng
Giữ lấy biển lấy trời
Thoáng cái đã gần 50 năm mất rồi, cái ước mơ ngày xưa đành dành lại cho thế hệ cháu thôi chứ thế hệ con mình bây giờ cũng không kịp nữa rồi bác ạ. Buồn thật đấy nhỉ  Sad Sad Sad
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM