Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 05:29:22 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khi người lính trở về gia đình  (Đọc 283552 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nguyenhongduc
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1076



« Trả lời #350 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2013, 10:40:58 pm »

Cám ơn bác Baoleo về những thông tin xung quanh vụ tàu Madox và cái gọi là Sự kiện Vịnh Bắc bộ mà ĐQMỹ lấy cớ cho máy bay ném bom , đánh phá miền Bắc Việt nam .
Hồi xưa tôi cũng nghe đài , báo đề cập đến sự kiện vịnh Bắcbộ , nhưng rất sơ sài - chắc là ta giữ bí mật quân sự ?
Nay đọc bài viết của bác Baoleo , thấy nhiều chi tiết thú vị , hào sảng của Hải quân VN .
kính .
Logged

Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như nước suối mới sa nửa vời.
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #351 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2013, 06:04:19 am »

Số phận bi hùng của biên đội tầu phóng lôi đánh tầu Ma Đốc
(hay là: Bí mật của phía sau của nguồn cơn - Mỹ ném bom Bắc Việt)
Bài 3/7: Bài học kinh nghiệm: Tổng kết nhân 40 năm sự kiện đánh tầu Ma Đốc:

Từ trận chiến đấu đánh đuổi tàu Ma-đốc của Mỹ, chúng ta đã rút ra những bài học quan trọng trong tác chiến trên biển với một đối tượng hơn hẳn ta về vũ khí, trang bị.

Bài học thứ nhất: Sử dụng lực lượng hợp lý, chuẩn bị chiến đấu chu đáo.
Trong trận đánh đuổi tàu Ma-đốc ta sử dụng 3 tàu phóng lôi, mỗi tàu được trang bị hai quả ngư lôi và một số loại súng pháo. Thực tế, tàu Ma-đốc của địch là loại tàu khu trục lớn, cơ bản hoạt động độc lập, vì vậy, nó có khả năng tự bảo vệ cao. Ngoài ra, nó lại được chi viện bằng không quân từ các tàu sân bay đậu gần đấy nên uy lực không ngừng được tăng lên. Chính vì vậy để có thể tiêu diệt gọn loại tàu khu trục lớn của địch ta cần phải sử dụng lực lượng lớn hơn và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về vũ khí, phương tiện, phương án tác chiến…Việc chuẩn bị phương tiện và vũ khí cho tác chiến trên biển có vị trí hết sức quan trọng, bởi mỗi con tàu thực chất là một trận địa di động trên biển. Khi con tàu ngừng hoạt động hay vũ khí bị hỏng hóc… đồng nghĩa với việc nó trở thành mục tiêu lộ cố định trên biển cho các loại hoả lực của địch bắn phá. Trong trận chiến đấu này, các tàu phóng lôi của ta sau khi phóng lôi xong, đến giai đoạn thực hành đánh máy bay địch thì hầu hết vũ khí và phương tiện đều bị trục trặc (tàu 339 cả hai loại súng trung liên và 14,5mm đều bị hỏng; tàu 333 khi tiếp cận tàu địch thì chỉ còn một quả ngư lôi, một quả trước đó phải phóng bỏ vì không an toàn; tàu 336 bị hết dầu giữa đường do bị bắn thủng két dầu…). Việc chuẩn bị mạng thông tin liên lạc cho tác chiến biển cũng còn những hạn chế. Trong suốt quá trình chiến đấu, mạng thông tin liên lạc giữa phân đội tàu với trung tâm chỉ huy liên tục bị gián đoạn. Do đó, việc điều động lực lượng hỗ trợ đánh trả không quân địch gần như không thực hiện được.

Bài học thứ hai: Nắm vững thời cơ xuất kích, vận dụng các thủ đoạn chiến đấu linh hoạt, sáng tạo.
Tác chiến trên biến đối với bất kỳ đối tượng nào, thời cơ xuất kích đều rất quan trọng.Tiếp cận địch nhanh, đón đầu được hướng đi của địch thì mới có thể chiếm được góc mạn có lợi nhất để thực hành công kích. Khi thực hành phóng lôi, hoặc sử dụng các loại hoả lực khác, đều phải có sự hiệp đồng chặt chẽ, để cả phân đội đồng loạt công kích mới đem lại hiệu quả cao. Trong trận chiến đấu này, tàu ta bị hạn chế về tốc độ, nên không chiếm được góc mạn có lợi theo yêu cầu chiến thuật mà hầu hết các tàu đều phải phóng lôi ở góc từ 80 đến 120 độ, cự li từ 6-7 liên, do vậy hiệu quả rất hạn chế. Mặt khác, các tàu lại không áp dụng thủ đoạn phóng lôi đồng loạt mà phóng lần lượt từng tàu, nên địch có điều kiện và thời gian để đối phó...
Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #352 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2013, 06:06:02 am »

Số phận bi hùng của biên đội tầu phóng lôi đánh tầu Ma Đốc
(hay là: Bí mật của phía sau của nguồn cơn - Mỹ ném bom Bắc Việt)
Bài 4/7: Nét Bi:


Sau trận đánh của nhau với tầu Ma Đốc Mỹ ở ngoài khơi vùng biển Thanh Hóa ngày 2/8/1964, ba tầu phóng lôi T333, T336 và T339 đã quay trở lại căn cứ Vạn Hoa –Quảng Ninh.
Qua thực tế chiến đấu đó, phía HQ ta vẫn cho rằng biên đội tầu phóng lôi của ta có thể tiêu diệt được tầu khu trục Mỹ. Trận 2/8/1964 chỉ là do ta chưa gập may.
Ngày 1/7/1966, do nhận định tình kém, BTL HQ đã cho cả 3 tầu nói trên xông ra đánh tầu Mỹ khu biển Đồ Sơn. Cả 3 tầu đều bị máy bay Mỹ đánh chìm, trước khi tiếp cận được với tầu HQ Mỹ.

Tư liệu: “Lịch sử lữ 172” - (http://www.quansuvn.net/index.php?topic=658.0.)

Trích:
“Quán triệt sự lãnh đạo của Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh, cuối tháng 6 năm 1966 Trung đoàn 172 triển khai xây dựng và luyện tập phương án tác chiến đánh địch gần bờ. Các phân đội tàu phóng lôi tăng cường việc tập luyện. Riêng Phân đội 3 do đồng chí Đại úy Trần Bảo - Phân đội trưởng kiêm Thuyền trưởng chỉ huy, gồm các tàu T333, T336, T339 được lệnh lắp lôi, trực sẵn sàng chiến đấu tại khu đợi cơ Cát Bà.
Bốn giờ sáng ngày 1 tháng 7 năm 1966, phát hiện 4 tàu khu trục của địch đang tiến vào hoạt động ở đông đảo Long Châu 40 hải lý; theo lệnh của Quân chủng, Sở chỉ huy Trung đoàn lệnh cho Phân đội 3 vào tư thế sẵn sàng đợi lệnh chiến đấu. Đúng 12 giờ ngày 1 tháng 7 năm 1966, Phân đội 3 được lệnh xuất kích đánh tàu địch ở phía đông Thượng Hạ Mai. Theo đội hình chiến đấu, Phân đội vận động ra Thượng Hạ Mai. Không phát hiện thấy tàu địch, Phân đội tiến về hướng Nam săn tìm mục tiêu Tàu chạy được 30 phút thì nhiều máy bay địch xuất hiện lao tới công kích. Phân đội vừa đánh trả vừa tiếp tục cơ động đội hình theo hướng Nam. Khoảng 30 phút sau, ta phát hiện 4 tàu khu trục của địch. Lập tức toàn Phân đội chuyển sang đội hình tiến công, tăng tốc tiếp cận chiếc tàu gần nhất. Lúc này máy bay địch dồn dập đánh phá vào đội hình của Phân đội và các pháo lớn trên tàu địch cũng phát hỏa bắn mạnh vào các tàu của ta. Phân đội 3 kiên quyết bám sát mục tiêu giữ vững đội hình truy kích, tàu T339 lao vào phóng khói mù song bị máy bay đánh hỏng máy chính, mất cơ động. Hai tàu T333, T336 tăng tốc, vận động tiếp cận tàu địch để phóng ngư lôi. Hàng chục máy bay địch quây lấy đánh cấp tập, các tàu của ta bị thương, sức cơ động đánh trả yếu dần. Trong tình thế đánh tàu địch ở khá xa bờ, ta không giành được thế chủ động, không có lực lượng chi viện, đơn độc, bị hàng chục máy bay, tàu chiến bao vây công kích, các tàu T333, T336, T339 với hoả lực hạn chế, lần lượt bị đánh chìm; 13 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh cùng với con tàu, 19 người bị địch bắt, đưa vào Đà Nẵng (số cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt sau này địch trao trả cho ta thông qua trao đối tù binh) .
Đây là trận lực lượng tàu đột kích của Hải quân ta bị tổn thất lớn cả về phương tiện và con người. Nó tác động không tốt đến tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn. Nhiều cán bộ, chiến sĩ hoang mang, mất lòng tin vào khả năng đánh tàu lớn địch, lo sợ trước ưu thế về kỹ thuật, phương tiện và hỏa lực của địch; giảm sút tinh thần ý chí chiến đấu, xây dựng đơn vị và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.”
Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #353 vào lúc: 05 Tháng Tư, 2013, 06:08:35 am »

Số phận bi hùng của biên đội tầu phóng lôi đánh tầu Ma Đốc
(hay là: Bí mật của phía sau của nguồn cơn - Mỹ ném bom Bắc Việt)
Bài 5/7: Ghi chú của baoleo:


Đây là một trận đánh mà Hải quân ta tổn thất nặng. Do tính toán không tốt, đa để một biên đội 3 tàu phóng lôi đơn độc đánh vào cả một biên đội tàu khu trục của Mỹ có máy bay hộ tống. Địch không những không bị bất ngờ mà còn chủ động vờ chạy để lừa tàu ta đuổi theo ra xa bờ, rồi gọi máy bay tới đánh trả.
Khi phát hiện thấy biên đội đã ra quá xa bờ, địch kéo đến nhiều tàu, Sở chỉ huy muốn gọi tàu về, nhưng đã mất hoàn toàn liên lạc. Chỉ còn cách duy nhất là theo sát trận đánh ngày càng xấu đi từ thông tin quan sát bằng mắt do Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại hầm-chiến hào tại Đồ Sơn và các nơi khác báo về.
Trận chiến quyết liệt, địch bủa vây, lực lượng pháo bờ và pháo đảo chỉ dương mắt nhìn, vì ngoài tầm đạn.
Sở Chỉ huy không có phương tiện liên lạc, cũng không có tàu ứng cứu - cứu hộ. Chỉ còn cách ôm gối, cúi đầu khóc nghe thảm cảnh do các đài quan sát mắt báo về. Tàu ta bị chìm, chiến sỹ phải rời tàu trên các ván gỗ, áo phao, trôi nổi nhưng không ai ra cứu. Phải mãi tới đêm và hôm sau ta mới cho tàu hải quân và ngư dân ra tìm, hi vọng còn tìm được ai đó trôi nổi, nhưng biển đã xoá đi tất cả, như là không hề có một trận đánh hết sức quyết liệt mới chỉ vài giờ trước đó.
Phải chăng ta đã không dám đưa tàu ra tiếp cứu- hay gọi không quân ta đến hỗ trợ chống lại máy bay địch? Đó là câu hỏi còn bỏ ngỏ cho đến tận hôm nay.
Kinh nghiệm rút ra là tuyệt đối không được đánh ở địa hình trống trải và phải đảm bảo thông tin liên lạc. Ngày nay, Hải quân VN đã được trang bị các phương tiện hiện đại, ngay như liên lạc giữa Sở Chỉ huy với Trường sa cũng gần như không còn là vấn đề. Tuy nhiên, không được chủ quan, vì địch có thể dùng phương tiện chế áp điện tử cắt liên lạc.
Do đó, phải có các biện pháp thông tin khác bổ sung như dùng pháo hiệu, súng, cờ hiệu, khói, ...
Cái hận trong trận này là: Mỹ thả thang dây, bắt sống toàn bộ thủy thủ đoàn của 3 tầu phóng lôi trên, ngay trước mắt và trong tầm quan sát của HQ ta, mà ta chỉ trơ mắt ra nhìn. Sau đó thì thôi, HQ ta không đem tầu ra đánh nhau 1 lần nào nữa, chỉ dùng tầu tham gia bắn máy bay.
Thủy thủ đoàn của 3 tầu, bị bắt đem về Đà Nẵng- Mỹ hỏi cung và thủy thủ đoàn cả 3 tầu khai tuốt tuồn tuột về trận 2/8/1964 và không hề có trận 4/8/1964. Biên bản hỏi cung này sau đó lộ ra, các nghị sỹ tiến bộ Mỹ mới đấu tranh và chính quyền Giôn Sơn đã phải nhận; sự kiện 4/8/1964 là dỏm.

(Đón đọc các bài trong số tới về: Cuộc trao đổi tù binh hi hữu trong chiến tranh chống Mỹ)
Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #354 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2013, 08:55:11 am »

Số phận bi hùng của biên đội tầu phóng lôi đánh tầu Ma Đốc
Cuộc trao đổi tù binh  hiếm hoi trong kháng chiến chống Mỹ
Bài 6/7: Ghi chú của Baoleo:


Sau một thời gian thương lượng giữa chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính quyền Mỹ, qua trung gian của Pháp, như là 1 món quà để thúc đẩy Hội nghị Hòa đàm Ba-Lê, một ‘Cuộc trao đổi tù binh  hiếm hoi’ trong kháng chiến chống Mỹ, trao đổi 3 phi công Mỹ lấy 19 thủy thủ đoàn của biên đội tầu phóng lôi, từng đánh tầu Ma Đốc, đã được thực hiện.
Vào ngày 02/10/1968, ta đã trao trả cho Mỹ 3 phi công ở vùng biển Sầm Sơn, , phi công Mỹ được trực thăng Mỹ đón.
Ngày 05/10/1964, 5 sỹ quan của biên đội tầu phóng lôi, được Mỹ trao trả trước, tại sân bay Viên Chăn-Lào.
Còn đến ngày 21/10/1968, 14 thủy thủ ta được tầu khu trục USS Dubuque (LPA-8), dưới sự hộ tống của hai tầu khu trục khác, là HMAS PERTH và USS BAUSELL, trở đến ngoài khơi, cách bờ biển Cửa Lò 12 hải lý.
Sau đó, Hải quân Mỹ cấp cho các chiến sỹ ta 1 xuồng máy loại xịn.
Các chiến sỹ Hải quân của ta, tự lái xuồng,  rời tầu USS Dubuque (LPA-8), và tự đi vào bờ Sầm Sơn.
Đặc biệt, cần phải nói thêm về chiếc xuồng máy này. Từ trước cho đến lúc ấy, phe XHCN chưa từng biết đến một chiếc xuồng hoàn hảo đến như thế. Vì thế, chiếc xuồng máy là một tặng vật trời cho, của hiếm để phe XHCN nghiên cứu về cấu tạo một chiếc xuồng máy cứu hộ của Hải quân Mỹ. Vì thế, sau khi cập bờ, chiếc xuồng liền được đưa đi cất dấu, và sau này, Chiếc xuồng này được ta biếu cho Liên xô, để bạn nghiên cứu.

Đây có lẽ là trường hợp trao đổi tù binh hy hữu trong kháng chiến chống Mỹ.

Bình luận thêm một số vấn đề:
a/ Tại sao lại là 12 hải lý:
Thời đó, lãnh hải của một quốc gia, được tính là cách bờ 12 hải lý, ngoài đó, là lãnh hải quốc tế. Bởi thế, biên đội tầu chiến Mỹ, hộ tống và tiễn các chiến sỹ Hải quân ta, dừng lại ở ngay mép lãnh hải quốc tế, để tiễn các chiến sỹ Hải quân ta.
Cái quy định  cự ly 12 hải lý cũng khá buồn cười. Khi đưa ra quy định này, quốc tế lập luận rằng: cự ly lãnh hải của một quốc gia, là hết tầm bắn của đại bác (hị hị). Sau này, khi đã có tên lửa vượt đại châu, cái quy định này được bàn cãi lại, và hiện nay, cũng chưa rõ ràng. Như Việt ta, ở vùng không bị chồng lấn như biển Đông, tớn ra dững trăm lý.

b/ Trình độ của chiến sỹ Hải quân ta:
Như đã kể, các chiến sỹ Hải quân ta được trao trả ở cự ly 12 hải lý. 12 lý tức là tầm gần 25 cây. Mà tầm nhìn xa chỉ có hơn 10 km thôi nhé.
Trong điều kiện mênh mông trời nước, tầu hoàn toàn xa lạ, thế mà các chiến sỹ Hải quân ta làm chủ được ngay chiếc xuồng hiện đại này. Tự lái, tự dẫn đường, chở về đúng Sầm Sơn.

c/ Tính cao thượng-thượng võ của Hải quân nói chung và Hải quân Mỹ nói riêng:
Như đã kể, Hải quân Mỹ cấp cho các chiến sỹ ta 1 xuồng máy loại xịn, một bí mật quân sự mà phe XHCN đang thèm muốn. Không những thế, họ còn cấp lương thực và nước uống. Đặc biệt, họ cấp cho lượng xăng dầu để chạy thỏa văn mái.
Đến mức, sau khi về đến Sầm Sơn, ta tổ chức đua xuồng đi cất dấu, chạy chán chê mê mỏi, xăng dầu Mỹ cấp vẫn ổn.
Vì sao Hải quân Mỹ lại cấp cho ta của báu đấy, Thì ra, đây là một tập tính cao thượng-thượng võ của Hải quân nói chung.
Đơn cử thế này: Khi các chiến hạm nghịch thù gập nhau, thì đánh nhau chí tử, cốt dìm thằng bên kia xuống biển.
Nhưng một khi tầu đối phương đã tan tành, chìm nghỉm roài, và thủy thủ đoàn đối phương sống sót đang bơi lỏm ngỏm trên đại dương, thì bên thắng trận lập tức dừng tầu, hạ xuồng cứu sinh, cứu tối đa lính hải quân đối phương, vớt họ lên, đưa về tầu của mình chăm sóc. Nếu bên thắng trận có là tầu ngầm nguyên tử đi chăng nữa, thì tầu cũng cứ nổi lên, vớt đối phương, đưa về tầu mình.
Kệ mịa nó bí với chả mật quân sự hay giai cấp-giai tầng.

Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #355 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2013, 08:47:41 am »

Số phận bi hùng của biên đội tầu phóng lôi đánh tầu Ma Đốc
Cuộc trao đổi tù binh  hiếm hoi trong kháng chiến chống Mỹ
Bài 7/7: Tư liệu (gồm 2 phần)
Tư liệu 1: Nhật ký chiến tranh, của Bộ Quốc phòng Mỹ


Xin xem dòng đề ngày 21/10/1968.

Bản dịch của Baoleo:
Ngày 21/10/1968:
Trong khuôn khổ chiến dịch ‘Người Mỹ kiêu hùng’, chiến hạm USS Dubuque (LPA-8) của Hạm đội 7, đã chuyên trở 14 thủy thủ Bắc Việt, từ Đà Nẵng ra đến một địa điểm ngoài khơi, cách Vinh 12 hải lý, tại đó, các thủy thủ Bắc Việt đã được trả tự do trên một chiếc xuồng máy cứu hộ.
Chiến dịch được tiến hành theo sự thỏa thuận với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Hai tầu khu trục là HMAS PERTH và USS BAUSELL đã hộ tống chiến hạm USS Dubuque (LPA-8) thực thi nhiệm vụ.
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thực hiện cam kết ngừng bắn trong thời gian và không gian trao đổi, như đã thỏa thuận với chính phủ Mỹ trước đó, tại Viên Chăn-Lào. 14 thủy thủ Bắc Việt này, là nhóm cuối cùng, trong tổng số 19 thủy thủ Bắc Việt, đã bị bắt, trong cuộc hải chiến giữa biên đội tầu phóng lôi Bắc Việt và khu trục hạm USN ngày 01/07/1966.




Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #356 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2013, 08:54:06 am »

Số phận bi hùng của biên đội tầu phóng lôi đánh tầu Ma Đốc
-Cuộc trao đổi tù binh  hiếm hoi trong kháng chiến chống Mỹ-
Bài 7/7: Tư liệu (gồm 2 phần)
Tư liệu 2-a: Hình ảnh và bài về vụ trao đổi.


Đây là hình ảnh 14 chiến sỹ của biên đội tầu phóng lôi, đang trên đường từ chiến hạm USS Dubuque (LPA-8) của Hạm đội 7, trở về đất liền.
Tấm hình này được chụp từ trên trực thăng Mỹ bay hộ tống, từ khi các chiến sỹ của biên đội tầu phóng lôi rời tầu USS Dubuque (LPA-8), cho đến khi trực thăng Mỹ cảm thấy chiến sỹ ta an toàn.

Bài và ảnh được đăng trên báo Sao và Vạch (Pacific Stars & Stripes), thứ Tư, ngày 23/10/1968 của tác giả nhà báo Jo Dave Warsh.

Xin cảm ơn bạn Nguyễn Tuấn Trung đã cung cấp tư liệu này.


 
Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #357 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2013, 08:07:23 am »

Số phận bi hùng của biên đội tầu phóng lôi đánh tầu Ma Đốc
-Cuộc trao đổi tù binh  hiếm hoi trong kháng chiến chống Mỹ-
Bài 7/7: Tư liệu (gồm 2 phần)
Tư liệu 2-b: Tường thuật của báo ‘Sao và Vạch’:
Hải quân Mỹ đã trả tự do cho 14 lính thủy Bắc Việt.

(Bài viết của Jo Dave Warsh, trên tờ báo Sao và Vạch (Pacific Stars & Stripes), thứ Tư, ngày 23/10/1968 -
- Bản dịch của Baoleo)


Tin từ Sài Gòn: Một cuộc ngừng bắn ngắn ngủi đã được thực thi hôm thứ Hai vừa qua (21/10/1968), tại một vùng bờ biển nhỏ của Bắc Việt, để Hải quân Mỹ trao trả nốt nhóm lính thủy Bắc Việt cuối cùng, trở về nhà trên một chiếc xuồng của Hải quân Mỹ– Thông cáo của chính thức của sứ quán Hoa Kỳ cho biết.

Dường như không có tín hiệu nào cho thấy có sự lắng dịu của việc ném bom Bắc Việt và cuộc chiến ở Nam Việt tạm dừng. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng, việc trao trả 14 lính thủy Bắc Việt  đã “tạo ra một tiền lệ tốt” và họ hy vọng rằng, tiền lệ tốt này sẽ mở đường cho việc trao đổi các tù binh trong tương lai.
36 giờ ngừng bắn ngắn ngủi, được bắt đầu từ đêm Chúa nhật, theo dọc một hành lang có chiều rộng 12 hải lý và chiều dài 24 hải lý, trải dọc theo bờ biển của thành phố Vinh – Bắc Việtnam, trong khi chiến hạm USS Dubuque  hải trình vào một vị trí cách bờ 12 hải lý. Các lính thủy Bắc Việt được đưa lên 1 chiếc xuồng máy và được trả tự do.
Hai chiếc trực thăng của Hải quân Mỹ đã bay hộ tống chiếc xuồng máy, cho đến khi có thể nhìn thấy bờ, để đảm bảo rằng những thủy binh Cộng sản được an toàn. Và các trực thăng đã không gập phải hỏa lực.

Cuộc trao trả được tiến hành vào khoảng 1 giờ chiều hôm Thứ Hai. Cuộc ngừng bắn ngắn ngủi này được kết thúc vào cuối giờ chiều ngày thứ Ba.
Và đã không có tiếng nổ nào được ghi nhận trong hành lang này cho tới sớm ngày thứ Ba.

Theo một nguồn tin phi chứng thức, thì hành lang ngừng bắn phần lớn là ở trên biển, và nhấn mạnh rằng Hải quân Mỹ không cần thiết phải đánh bom ở đấy. Ông ta còn cho biết thêm là, khu vực đó không có giá trị về mặt quân sự.

Những nhà ngoại giao Mỹ đã đàm phán trực tiếp với đại diện của Bắc Việt ở Viên Chăn-Lào, để thỏa thuận về việc ngừng bắn tạm thời. Và điều đó đã được thực hiện mỹ mãn. Cuộc đàm phán đã được thực ngay sau khi trưởng phái đoàn Mỹ Averell W. Harriman thông báo ở Pa-ri hôm 10/08 về việc Mỹ có ý định trao đổi tù binh.

Quyết định về ngày giờ và chi tiết cụ thể của cuộc trao đổi, đã được hai bên thống nhất vào khoảng 7-10 ngày trước đây.
Nhóm thủy binh được trao trả lần này, là thuộc nhóm 19 thủy binh, đã bị bắt trên vùng biển quốc tế, khi những con tầu phóng lôi của họ, bị Hải quân Mỹ đánh chìm trên vịnh Bắc Bộ vào ngày 01/07/1966. Một nhóm 5 thủy binh (Bắc Việt) khác, đã được trao trả trước đó.

Từng người một trong số thủy binh, đều đã được thành viên Hội Chữ thập Đỏ quốc tế phỏng vấn. Và tất cả thủy binh (Bắc Việt) đều bầy tỏ nguyện vọng được trở về Bắc Việt.
 Thoạt đầu, 1 chiếc tầu đánh cá, tương tự như những chiếc tầu đánh cá của Bắc Việt, đã được chở theo chiến hạm USS Dubuque để nhóm thủy binh trở về, nhưng chiếc bánh lái của con thuyền đột nhiên dở chứng, và Hải quân Mỹ quyết định đưa chiếc xuồng cứu hộ của chiến hạm, cho các thủy binh trở về, sau khi đã chỉ cho họ, hướng vào bờ - người phát ngôn cho biết.
 
Những chiếc trực thăng bay hộ tống chiếc xuồng, nhưng đã không lưu lại lâu trên không vực của bờ biển, để chứng kiến lễ đón các thủy binh- người phát ngôn cho biết thêm.

Các thủy binh trên đã bị giam giữ ở một căn cứ của Hải quân Mỹ tại Đà Nẵng, cho tới tận khi họ được trao trả trên bờ biển Vinh hôm thứ Hai vừa qua. Trong số 14 thủy binh, có 2 sỹ quan, 2 thủy thủ trưởng và nhiều chuyên viên kỹ thuật.

-Sao và Vạch , thứ Tư, ngày 23/10/1968-
Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #358 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2013, 09:37:48 am »

Số phận bi hùng của biên đội tầu phóng lôi đánh tầu Ma Đốc
-Nốt nhạc trầm cuối cùng-


Sau khi được trả về, các thủy binh nhanh chóng được trên cho ra quân.
Họ lập tức chìm vào trong triệu triệu người dân Việt và khuất lấp dưới lớp khói bụi thời gian.
Năm 2004, nhân kỷ niệm 40 năm sự kiện, bói mãi, mới tìm ra vài người.

Nhưng hy vọng chúng ta hôm nay, sẽ mãi nhớ về những thủy binh của biên đội tầu phóng lôi đánh tầu Ma Đốc nói riêng, và các chiến sỹ Hải quân nói chung – những người luôn có số phận bi hùng.
Lần uống rượu gần nhất, các bác hãy giành 1 chén, để uống cho Hải quân.
Logged
baoleo
Trung tá
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #359 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2013, 11:17:09 am »

Như là sự linh ứng.
Sắp đến ngày thành lập Quân chủng Hải quân (07/05/1955 – 07/05/2013), và vừa kết thúc loạt bài về Biên đội tầu phóng lôi đánh tầu Ma-Đốc của Mỹ, thì hoa trên ban công nhà Baoleo nở bừng sắc đỏ.
Đã rời quân ngũ, về với đời thường từ lâu lắm rồi, nhưng hôm nay, ngắm hoa sắc đỏ, vẫn thấy bồi hồi.
Thì ra, nỗi nhớ thời lính biển và tình yêu quân ngũ, vẫn chẳng mờ phai.


Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM