Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 06:06:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sóng hai mươi - Cháu đít Nhôm  (Đọc 16073 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
jasmine2011
Thành viên
*
Bài viết: 170


« vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2012, 10:13:38 am »

Đây là một truyện em tìm được, đăng lên đây mong các bác đọc thử và góp ý để sửa chữa, xin cảm ơn!
Mọi ý kiến đóng góp xin nhắn tin cho em!
Em sẽ tiếp tục gõ và đưa thêm các chương truyện lên đây
Logged
jasmine2011
Thành viên
*
Bài viết: 170


« Trả lời #1 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2012, 10:14:35 am »

Lời nói đầu
Xin cho tôi được cảm ơn vì bạn đã chú ý đến và lật giở những trang đầu tiên cuốn sách của tôi. Tôi sẽ còn vui và hạnh phúc hơn nữa nếu bạn là một người trẻ. Chỉ như vậy thôi đã đủ cho tôi mãn nguyện rồi. Để không làm mất thời gian quí báu của bạn, cũng là để chúng ta thẳng thắn với nhau nếu bạn có ý định đi cùng tôi đến hết cuốn sách này, tôi xin nói luôn: Đây là loại sách vẫn bị gọi là “sách cúng cụ”, và tác giả của nó – là tôi đây – chưa từng viết thứ gì dày dặn đến mức phải có lời nói đầu. Nếu bạn đồng ý đi tiếp cùng tôi xin hãy nghe tôi kể vài lời dông dài trước khi bước vào câu chuyện:
Bạn hẳn đã đọc “Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm”? Chắc là có. Hàng vạn bản in cuốn nhật kí đã đến với bạn đọc trẻ. Một hiện tượng đáng mừng của văn học.
Nhưng có những điều làm tôi phải suy nghĩ: Tại sao “Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm” được nồng nhiệt đón nhận, nhưng vở kịch “Những linh hồn thức” dựa trên cuộc đời chị và bộ phim “Đừng đốt” của NSND đạo diễn Đặng Nhật Minh lại bị khán giả trẻ quay lưng? Bạn có thể đã đọc “Mãi mãi tuổi hai mươi”, nhưng bạn có nhận ra hình bóng Nguyễn Văn Thạc nơi nhân vật Thăng trong “Mùi cỏ cháy”, bộ phim được nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm gửi trọn tình cảm ông dành cho người đồng đội cũ của mình đã ngã xuống bên bờ sông Thạch Hãn trong mùa hè đỏ lửa năm 1972? Anh Nguyễn Văn Thạc sẽ nghĩ sao khi biết những trang viết cùng là của mình, cuốn “Mãi mãi tuổi hai mươi” và “Thư tình thời hoa lửa” lại có hai số phận khác nhau đến vậy? Nhà thơ Đặng Vương Hưng hẳn là buồn lắm, khi sau hai “hiện tượng” đầu tiên là “Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm” và “Mãi mãi tuổi hai mươi”, những đứa con còn lại của ông trong Tủ sách Nhật kí thời chiến Việt Nam, những “Tài hoa ra trận” của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân lại chịu lép vế trước tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc. Phải chăng những gì người trẻ dành cho lịch sử oai hùng của ông cha lại chỉ là sự vồ vập, hứng thú nhất thời theo trào lưu của đám đông?
Những lời trên đây có thể hơi cực đoan, có thể làm bạn tự ái, cảm thấy bị xúc phạm. Nhưng đó là những suy nghĩ thật sự của tôi. Tôi không được là học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc như anh Nguyễn Văn Thạc, không có tài năng xuất chúng như nhà văn Phùng Quán, mới 22 tuổi, chưa từng ra Côn Đảo, chỉ nghe các cựu tù kể chuyện mà sáng tác “Vượt Côn Đảo” làm say đắm bao bạn đọc. Khả năng có hạn nên tôi không tham vọng viết một thiên sử thi hay một bản anh hùng ca về cuộc chiến giả tưởng diễn ra trong thập niên thứ hai của thế kỉ XXI. Tôi chỉ viết những gì trái tim mình thúc giục, viết về những chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam trong tương lai, mà tôi đang phấn đấu để có thể được đứng trong hàng ngũ của họ. Cơ sở của tôi chỉ là những tri thức ít ỏi tích luỹ được, một tấm lòng yêu Tổ quốc và hình mẫu người lính anh hùng mà tôi gặp trong trang văn, câu hát. Chắc sẽ khó tránh được những chi tiết phi thực tế. Nhưng điều đó thì có sao? Khi mà biển Đông đang nóng từng ngày, chỉ xin góp thêm một lời tri ân đến những người đang cầm súng bảo vệ đất trời Tổ quốc. Sóng hai mươi là sóng vỗ nơi Hoàng Sa, Trường Sa suốt hai mươi thế kỉ, cũng là sóng trong tim mỗi người trẻ, với nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong mỗi chúng ta đều có làn sóng ấy, hãy hiên ngang chấp nhận thử thách, gian nan, để thấm chất men say “hồn quay trong gió bão” và tìm thấy trong mình một khí phách Việt Nam!
Tháng 7 năm 2012
Cháu đít Nhôm
Logged
jasmine2011
Thành viên
*
Bài viết: 170


« Trả lời #2 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2012, 10:15:13 am »

Chương 1: Cúc vàng Valentine
Sớm tinh mơ, trời lạnh, Sơn ăn sáng qua loa rồi đến trường để tập xà.
Hôm nay là Valentine, nhưng lại gợi lên cho Sơn một nỗi buồn. Ngày này 18 năm trước, mẹ Sơn đã mất sau khi sinh anh được hai hôm vì tai biến hậu sản. Đó là năm 1994, đất nước vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh biên giới dai dẳng và khốc liệt, nhưng vẫn còn những hành động khiêu khích, gây hấn. Ngày mẹ mất, bố Sơn là tiểu đoàn trưởng tên lửa phòng không Sư đoàn 365, phải trực chiến trên mạn Hà Tuyên, đối phó với những chiếc máy bay Trung Quốc đang rầm rập tập trận, lăm le xâm phạm không phận Việt Nam. Khi ông biết được tin thì đã muộn. Sau một thời gian suy sụp, đau khổ, người tiểu đoàn trưởng xuất sắc của Đoàn Phòng không Bắc Thái đã có một quyết định chẳng ai ngờ: ôm đứa con trai còn đỏ hỏn của mình lên đơn vị.
Sơn đã bắt đầu “đời lính” như thế. Anh lớn lên bằng những bình sữa chiếm phần lớn tháng lương của bố, bằng những thìa nước cơm cô cấp dưỡng chắt cho. Cũng từ đó, sinh hoạt của bố anh có nhiều thay đổi: Vốn chỉn chu, mực thước, nhưng đã có lần ông chạy ra xe điều khiển khi cổ còn quấn yếm dãi. Sân phơi của đơn vị bộ đội mà ngỡ như của nhà trẻ, bởi bao nhiêu là tã lót và những manh chiếu nồng mùi nước giải trẻ con. Và những đêm báo động, trước khi ra trận địa chiến đấu, ông còn nán lại kéo chăn đắp cho Sơn, rồi hôn nhẹ lên trán con trai mình.
Sơn đã lớn lên cùng những người chiến sĩ. Lời nói đầu đời của anh không phải “ba”, “mẹ”, mà là nhại theo diễn viên Thế Anh trong “Em bé Hà Nội”: “… phương vị 0-4-0… cự li 11… Bắn!” Kí ức tuổi thơ Sơn là những những ngày êm đềm như trời xanh, những buổi tăng gia, những cái Tết xa nhà của lính… Đó còn là kỉ niệm về cô Mai Chi, em gái chú Hùng trắc thủ góc tà, sinh viên sư phạm Văn vẫn thường lên đơn vị chơi, cho Sơn kẹo bánh, hoa quả. Sơn biết cô yêu bố anh thật lòng, và yêu thương cả anh nữa, như con trai cô. Nhưng sự mặc cảm tội lỗi bố Sơn tự chuốc cho mình sau ngày mẹ mất quá lớn, ông đã chối bỏ tình cảm của cô, chối bỏ luôn cả một quãng đời tràn trề thanh xuân của mình. Sơn cũng không hiểu, tại sao lúc ấy không ai nói mà một đứa trẻ 9 tuổi như anh lại có thể hiểu sâu sắc nỗi niềm ấy đến thế? Trong cuộc sống, con người có thể vạch ra những ranh giới mong manh mà không thể vượt qua sao? Đó là những kỉ niệm Sơn không bao giờ quên, kể cả khi bố anh rời Đoàn Bắc Thái và Sơn xuống Hà Nội học trường chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Xuống Hà Nội học là bao nhiêu mới mẻ với một chú bé trung du như Sơn. Chương trình học nặng, ganh đua quyết liệt, nhưng Sơn vẫn có những khoảng thời gian riêng dành cho ước mơ của mình. Sơn tự học tiếng Nga, tập thể lực, nghiên cứu những tài liệu chuyên môn đào tạo trắc thủ sơ cấp. Và những lúc nhớ về tiểu đoàn tên lửa vùng trung du, Sơn lại chìm vào những giai điệu sôi nổi trong những bài hát của lính. Ngày ấy…
Nhưng cũng tại đây, Sơn gặp một tập thể sôi nổi của lớp chuyên Lí 1. Sơn đã gặp Hải – Đàm Quang Hải, con trai của Đại tướng Đàm Văn Long Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Hải thân thiện, dễ gần, nuôi ước mơ được trở thành thuyền trưởng trên chiếc tàu ngầm Kilo-636 đầu tiên của Việt Nam, nên nhanh chóng kết bạn với Sơn. Sơn không cô độc, mà có cả một thế giới để khám phá.
Trong thế giới đó có Thu Hà. Pháo đài bay B-52 có 15 máy phát nhiễu tích cực, Sơn không hiểu Thu Hà có bao nhiêu máy phát nhiễu mà màn hình radar của anh trắng xoá. Anh chẳng biết gì về Thu Hà cả. Đương nhiên Thu Hà rất xinh đẹp, đẹp cả gương mặt lẫn tâm hồn, như một đoá quỳnh mãn khai trong đêm trăng, trắng tinh khiết hơn cả ánh trăng, lặng lẽ toả hương trong im lặng. Ôi, mình nhiễm tính văn chương của cô Mai Chi mất rồi!
Từ xa, Hải chạy lại trong bộ đồng phục đội bóng rổ:
-   Ông về thăm bố thế nào? – Hải hớn hở hỏi
-   Bố vẫn khoẻ, mới được về làm Đoàn trưởng Đoàn 60 tên lửa S-300, bận nhiều việc lắm. Bố dặn nhớ cố gắng học tập, giữ gìn sức khỏe và hôm nay phải cắm hoa cúc trên bàn thờ mẹ, mẹ tôi thích hoa cúc vàng.
-   Không biểt tình hình thi quốc gia thế nào ông ạ? Có khi mất suất đi thi quốc tế vào tay trường Lam Sơn mất. Tôi cũng chẳng quan tâm chuyện đó lắm, chỉ lo tháng 4 này thi tuyển mà không đạt sức khỏe là xong ước mơ vào Hải quân. Mà thôi, kệ nó, đằng nào cũng xong rồi, hôm nay Valentine, ông tính tặng gì cho Thu Hà chưa?
-   Chưa. – Sơn tỏ vẻ hờ hững
-   Ôi trời ơi, phải chủ động lên chứ. Ông tính để cho thằng khác nẫng mất à?
-   Có những việc không thể gượng ép được.
-   Nhưng đây là một thủ tục đã được cả thế giới công nhận. Năm cuối cấp rồi, ông có định kiếm bạn gái không hả? Hay ông quyết làm “lính phòng không” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng?
-   Ông cứ nói như ông có rồi ấy.
Hải đưa tay lên … vuốt râu, nói với giọng… nguy hiểm:
-   Bản công tử đây, dung mạo tuấn tú, gia thế hơn người, lại tài năng xuất chúng, siêu quần thiên hạ, chỉ hiềm chưa tìm được ý trung nhân vừa ý thôi à.
Sơn phì cười, tụt khỏi xà, xa xôi:
-   Cứ chờ xem!
Hôm nay, cả trường đổ ra sân xem màn tỏ tình flashmob mà nhóm Nam công tử dành tặng Thu Hà. Quá hình thức và phô trương! Sơn im lặng, xách cặp ra về.
Quả thật việc tìm mua hoa cúc vàng trong ngày Lễ tình nhân thật khó. Mãi mới tìm được một hàng, Sơn mua hẳn ba chục bông cắm cho bõ công sức. Anh cầm chục bông huệ trắng và một bó cúc vàng đi về nhà. Đến chỗ quanh thì gặp Thu Hà.
Bây giờ là lúc chỉ có hai người. Thu Hà dù đã cố gắng lắm vẫn không giấu được khuôn mặt đang ửng đỏ:
-   Hôm nay… là giỗ mẹ Sơn à?
-   Ừ, Hà vẫn nhớ sao?
-   Sao không chứ. Hà còn nhớ Sơn kể là mẹ Sơn rất thích hoa cúc vàng nữa kia?
-   Vậy à? – Sơn bắt đầu lúng túng. Hà thật sự để ý đến anh sao?
-   Hà cũng thích hoa cúc lắm. Cho Hà một bông nhé?
-   Đây … - Sơn ngập ngừng – Hà cứ lấy bao nhiêu tuỳ thích.
-   Cảm ơn Sơn!
Thu Hà đưa bông hoa lên mũi hít hà, rồi cười và quay đi:
-   Chào Sơn!
-   Khoan đã!
Sơn rút từ trong cặp ra một thỏi sôcôla:
-   Tặng Hà… nhân ngày Valentine!
Hà ngượng ngùng nhận thỏi sôcôla rồi chạy vụt đi. Gió thổi quanh Sơn mát lộng. Valentine của Sơn không có hoa hồng, chỉ cúc vàng và sôcôla. Ngày 14/2/2012 đến và đi nhẹ nhàng, để lại trong Sơn kỉ niệm xinh xắn như một bài thơ, đủ vui cho anh mỉm cười và hát vang trên đường về.



Logged
jasmine2011
Thành viên
*
Bài viết: 170


« Trả lời #3 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2012, 04:01:56 pm »

Chương 2: Đứa con của Sư đoàn
Cầm trên tay tờ quyết định điều động, Sơn không khỏi ngạc nhiên:
-   Thưa thầy, em mới học được ba năm, sao đã có lệnh phân công công tác?
Thầy hiệu trưởng cười:
-   Thầy cũng không rõ. Lệnh trực tiếp của Bộ Quốc phòng, trường sao “kháng chỉ” được. Em về thu xếp, ôn tập để chuẩn bị tốt nghiệp với khóa trên. Ở bên đó cũng có hai người có lệnh này, toàn thủ khoa, á khoa cả đấy em ạ.
Ngừng một lát, thầy đặt tay lên vai Sơn:
-   Chắc chắn đây là nhiệm vụ quan trọng. Nhưng thầy luôn tin tưởng khả năng của em. Cố gắng lên em nhé!
Vậy là Sơn về thu dọn hành trang, tạm biệt bạn bè, tạm biệt Học viện Phòng không – Không quân và mảnh đất Kim Sơn thân yêu, Sơn về đơn vị mới: Tiểu đoàn 142, Bộ Tổng Tham mưu.
Tiểu đoàn đóng quân trên phố Hoàng Sâm, con phố mang tên đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, nơi có nhiều Viện nghiên cứu Khoa học Kĩ thuật Quân sự. Trong sân doanh trại có chừng ba chục chàng sĩ quan mang quân hàm thiếu úy, chắc cũng là sinh viên mới ra trường giống Sơn. Nghĩ thầm đây hẳn là một nhiệm vụ quan trọng, tuyển lựa những tân sĩ quan xuất sắc của quân đội, Sơn nhớ ngay đến Hải, và đưa mắt tìm trong đám đông những sắc áo trắng xanh của Hải quân. Không thấy Hải. Lạ thật!
Một sĩ quan đi từ khu nhà ban chỉ huy ra:
-   Đồng chí Lương Viết Sơn?
-   Có tôi!
-   Đồng chí vào trong kia, đại tá Thành cần gặp!
-   Rõ!
Ngay khi vừa bước vào phòng và nhìn thấy đại tá Thành, Sơn reo lên:
-   A! Bác Thành!
Những ngày xưa ở trung du lại hiện về trong Sơn. Đại tá Thành nguyên là Sư đoàn trưởng Sư đoàn Phòng không 365 của bố Sơn, người đã để lại cho anh một kỉ niệm không bao giờ quên. Đó là một ngày mùa hè năm lớp 7, tiểu đoàn tên lửa của bố Sơn nhận báo động chiến đấu để Sư đoàn xuống kiểm tra. Thay vì ra ngay trận địa, đại tá Thành đã đi thẳng vào khu sinh hoạt của tiểu đoàn. Ở bàn làm việc của sĩ quan chỉ huy, ông nhìn thấy một cậu bé đang say sưa đọc “Sổ tay kíp chiến đấu đài điều khiển tên lửa phòng không”. Thấy lạ, đại tá Thành hỏi cậu bé vài câu:
-   Chào cháu!
-   Dạ cháu chào bác!
-   Cháu đang đọc gì thế?
-   Dạ, đây là sổ tay kíp chiến đấu phân đội tên lửa phòng không. – Sơn chìa quyển sách cho đại tá Thành - Nhưng cũ rồi bác ạ, nó chỉ viết về tên lửa S-125 Pechora thôi. Tiểu đoàn bố cháu được trang bị loại mới hơn rồi. Các chú trắc thủ cũng đang học chuyển loại, nên chưa cho cháu đọc tài liệu.
-   Này cháu, vậy bây giờ nếu cho cháu ra trận địa, thay sĩ quan chỉ huy bắn máy bay địch, cháu có làm được không?
-   Dạ được chứ ạ! Nhưng bố cháu không cho đâu. Bố bảo đọc tìm hiểu thì được, chứ bây giờ phải lo học. Mỗi quả tên lửa lừng lững như cái cột điện, không phải chuyện đùa mà cho trẻ con nghịch.
-   Được, vậy đi theo bác!
Ngoài trận địa chiến đấu, chỉ có mỗi trợ lí tác chiến sư đoàn đứng theo dõi diễn tập. đại tá Thành dắt Sơn lại, nói với bố anh:
-   Đồng chí tiểu đoàn trưởng, từ giờ đồng chí Sơn đây sẽ thay anh chỉ huy kíp chiến đấu! Tổ trắc thủ tiếp theo vào vị trí đi!
Thoáng một chút ngạc nhiên, sau đó cả tiểu đoàn đều nhanh chóng chấp hành. Quân lệnh như sơn mà!
Các trắc thủ cự li, trắc thủ phương vị và trắc thủ góc tà đã vào vị trí. Sơn thoáng chần chừ, rồi cũng bước nhanh vào chiếc xe điều khiển UNK-2TM. Đây là hệ thống tên lửa phòng không S-125-2TM, cải tiến từ tên lửa S-125 Pechora, được trang bị đài radar nhìn vòng P-18T có cự li hoạt động 360km, cự li phát hiện tối đa 100km, theo dõi cùng lúc 250 mục tiêu và cho phép tiêu diệt cùng lúc 2 mục tiêu. Đặc biệt, khả năng kháng nhiễu tích cực là 2700W/MHz, cao hơn cả S-300 đời đầu và gấp hơn 100 lần tên lửa cũ. Tuy chưa quen với hệ thống mới, nhưng Sơn vẫn đĩnh đạc ngồi vào vị trí của bố mình. Lòng anh ngập tràn sung sướng và tự hào, Sơn hô to:
-   Phát sóng!
Mục tiêu không khó. Nhưng không mấy khi được diễn tập như thật thế này, Sơn quyết định không dùng các phương pháp điều khiển cũ như vượt trước nửa góc hay 3 điểm mà dùng phương pháp vi sai động KDU. Thông thường, tên lửa phải liên tục thay đổi quĩ đạo theo đường bay của mục tiêu, dẫn đến hao tổn năng lượng, có thể bắn trượt nếu như thiếu tham số hồi tiếp về vị trí mục tiêu. KDU cho phép dùng thuật toán qui hoạch động, tối ưu hóa quĩ đạo của đạn tới vùng dự kiến, bắn đón mục tiêu. Đây là một phương pháp mới, khó, nhưng Sơn quyết tâm thực hiện:
-   Bắn!
Bàn tay người trắc thủ uyển chuyển như một nghệ sĩ dương cầm. Đường đạn đi mượt như một nốt nhạc cao vút lên. Mục tiêu bị diệt trong tiếng vỗ tay hoan hô của cả đơn vị! Đại tá Thành ôm chặt lấy Sơn:
-   Ôi, cậu bé! Cháu đúng là Nguyễn Hiền của binh chủng tên lửa chúng ta. Hãy cố gắng lên cháu nhé, rồi sẽ có ngày cháu thành công.
Quay sang cả tiểu đoàn tên lửa đang hân hoan trong niềm vui diễn tập thành công, ông nói to:
-   Từ nay, cháu Lương Viết Sơn đây sẽ là đứa con của cả Đoàn Bắc Thái chúng ta! Chúng ta có trách nhiệm phải cùng bố cháu, thay mẹ cháu đã mất, lo cho cháu được ăn học đàng hoàng, để mai này trở thành nhân tài của đất nước và quân đội.
Thấy Sơn đứng ngây ra, đại tá Thành giục:
-   Ngồi đi cháu. Cháu đi đường xa mệt lắm không?
Rồi ông rót nước mát cho Sơn:
-   Chắc cháu vẫn nhớ ngày ấy, bác đã nói cháu sẽ trở thành một nhân tài của đát nước. Và bác không lầm, thủ khoa Học viện, vô địch Giải tích Olimpic Sinh viên, quả thật cháu rất xuất sắc. Ngay cả khi bố cháu về Sư đoàn 361, cháu về Hà Nội, cháu vẫn là đứa con yêu của Đoàn Bắc Thái.
-   Vâng, cháu xin cảm ơn bác. Nhưng bác có thể cho cháu biết: Tại sao cháu được điều động về đây không?
-   Được. Sau ngày cháu đi ít lâu, bác cũng rời Sư đoàn 365 để về Viện Chiến lược Quốc phòng. Tiểu đoàn 142 là đứa con đẻ của bác. Trên danh nghĩa, nó là một đơn vị kiểm soát quân sự của Bộ Tổng Tham mưu. Nhưng thực tế, đây là đơn vị mang mật danh Phòng C, chịu chỉ huy trực tiếp của Bộ Quốc phòng và Quân ủy Trung ương.
Ngừng một lát, ông tiếp:
-   Các vị tướng lĩnh hiện nay của quân đội ta, đa số đều trưởng thành trong chiến tranh, một số được đào tạo và có thành tích xuất sắc tại nước ngoài. Trong thời đại nào, thì chiến tranh chỉ đảm bảo thắng lợi khi có những vị chỉ huy giỏi. Những chỉ huy đó phải có kiến thức chuyên môn vững vàng, không thể là những vị tướng đi từ giảng đường đến bàn giấy được. Phải có thực tế, phải trực tiếp nắm đơn vị, phải hiểu biết về trang bị khí tài của quân đội mới có thể giỏi được! Trên tinh thần đó, bác mạnh dạn đề nghị thành lập một đơn vị của các sĩ quan trẻ xuất sắc, tổ chức đào tạo tăng cường, để họ trở nên xuất sắc toàn diện, vừa giỏi chuyên môn kĩ thuật, vừa giỏi nắm chiến lược chiến trường, đảm bảo sau này ra trận, nắm đơn vị sẽ tốt hơn. Chiến tranh thời nay có nhiều biến chuyển, một sĩ quan phòng không như cháu, khi nằm trong toàn cục cũng rất cần hiểu biết rộng về cả lực lượng hải lục không quân nói chung. Các cháu sẽ được phát giáo trình để tự nghiên cứu, sau đó xuống trực tiếp các đơn vị, đó là cách tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất. Ngoài ra, Bộ cũng rất muốn nghe ý kiến của những người sẽ trực tiếp chỉ huy đơn vị như các cháu, để có cơ sở xây dựng nền quốc phòng trong thời gian tới. Ở đơn vị này, các cháu sẽ được tiếp xúc với nhiều thông tin quân sự quan trọng, nên cũng yêu cầu bí mật. Thế nào, tham gia chứ?
-   Dạ vâng, đương nhiên rồi ạ. Cháu rất hạnh phúc khi được chọn vào đơn vị này!
-   Được, vậy ngay từ ngày mai, đồng chí hãy nhận nhiệm vụ!
-   Rõ!
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Bảy, 2012, 09:40:24 am gửi bởi jasmine2011 » Logged
jasmine2011
Thành viên
*
Bài viết: 170


« Trả lời #4 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2012, 09:41:20 am »

Chương 3: Chuyện bên bờ biển
Khi Sơn bước ra khỏi cổng bến xe Cầu Rào thì trời cũng vừa tắt nắng. Hải đã chờ sẵn từ lúc nào. Chiếc xe Wave lao vun vút về phía Đồ Sơn.
Hải Phòng đang độ tháng sáu. Phượng vĩ nở đỏ rực hai bên con đưvờng nhựa phẳng lì, thẳng tắp. Tắm mình trong làn gió biển mát lộng, Sơn thấy sảng khoái, bao mệt mỏi trong người như tan biến. Nửa tiếng sau, hai người đã ngồi bên một chiếc bàn cạnh bờ biển, vừa ngồi nghe sóng vỗ ì oạp, vừa thong thả xé mực khô. Tuyệt không có chút bia rượu nào – đó là một nét đặc biệt của các sinh viên hệ quân sự. Sơn mở lời trước:
-   Bác trai vẫn khỏe chứ?
-   Khỏe như vâm. Đang đi công du Nga và các nước Đông Âu. Không biết lần này sẽ mua về thứ gì đây? Chắc là kí hợp đồng mua thêm mấy hệ thống radar VERA của Cộng hòa Séc, tên lửa phòng không S-400 và nhận nốt những chiếc Su-30 để thành lập trung đoàn không quân mới.
-   Đi nhiều thế là quí. Mà sao hôm nay ông lại mặc áo thanh niên tình nguyện? Quân phục đâu?
-   Học viện cử tôi làm hướng dẫn viên đưa các em học sinh dự Giao lưu Toán Tuổi Thơ lần thứ 13 đi tham quan Bảo tàng Hải quân và Bến K-15 của đoàn tàu không số. Xem ra bọn trẻ cũng nhiều đứa thích tham gia quân đội.
Sơn cười, nửa đùa nửa thật:
-   Ừ, các em học sinh giỏi Toán muốn được trở thành chiến sĩ. Nhưng năm nay các em mới học lớp 5, lớp 8. Năm bảy năm nữa, đến lúc điền vào đơn đăng kí dự thi Đại học lại khác. Năm nay không biết trường tôi còn lấy nổi điểm chuẩn là 15 nữa không đây?
-   Nghĩ cũng đúng. Bây giờ học sinh chỉ thích Kinh tế, Ngoại thương. Đến các ngành kĩ thuật của Bách khoa còn ế sưng ế sỉa. Ai mà thèm để ý đến mấy ngành kĩ thuật quân sự của mình. Cũng may là quân đội đãi ngộ tốt, chứ không thì…
Sơn lắc đầu:
-   Đãi ngộ tốt, nhưng chưa đủ. Đã đành lương sĩ quan của một thiếu úy hệ số 4,2 so với hệ số 2,34 của kĩ sư mới ra trường, không lo xin việc chạy chọt; lương một trung úy tàu ngầm như ông mỗi năm nửa tỉ mà lại được bao trọn ăn nghỉ, chẳng phải tốn kém gì. Nhưng với sự hi sinh của người lính thì vẫn là chưa đủ. Ông còn nhớ nổi đã bao nhiêu đêm ông thức trắng để ngồi học thể bị động tiếng Anh, sáu cách biến đổi ngữ pháp tiếng Nga lại vừa học tính năng kĩ chiến thuật của tên lửa đối ham 3M-54 Klub không? Năng lực như ông, có thể dư sức kiếm mỗi tháng hai ngàn đô, lại thênh thang giữa Hà Nội phồn hoa đô hội. Những người như ông hoặc kém hơn ông một chút, họ phải bám chặt thủ đô chứ dại gì lên nơi biên thùy rừng xanh núi đỏ, dại gì chen chúc 52 người trên một tàu ngầm Kilo?
Tôi và ông, chúng ta không có gì là cao đạo, là ra vẻ ta đây khác người khi chọn quân đội. Đơn giản, đó là lí tưởng cống hiến cho Tổ quốc, là ước mơ từ thuở bé của cả tôi và ông. Ông thử ngẫm xem, cả khóa 2009-2012 trường Hà Nội – Amsterdam có bao nhiêu người đi du học? Không đếm hết đúng không? Còn có bao nhiêu ngươi vào quân đội? Có nhõn mỗi thằng Lương Viết Sơn và thằng Đàm Quang Hải. Thế ra tôi với ông là hai thằng dại à? Không! – Sơn quả quyết - Đã chọn con đường này, nghĩa là chúng ta chấp nhận hi sinh nhiều thứ, bất kể thời chiến hay thời bình. Và chúng ta tự hào đó là sự hi sinh vinh quang cho lí tưởng của mình. Đó luôn là con đường mà chỉ một số ít trong 90 triệu dân Việt Nam này lựa chọn
-   Và trong số những người đã chấp nhận hi sinh để đi con đường ấy, cũng chưa chắc đã có được sự cảm thông, chia sẻ. Ba năm qua, đã có những lúc tôi nghĩ đến chuyện bỏ học Tàu ngầm để sang học Pháo và Tên lửa Bờ biển đấy. Tôi không thể chịu được việc bị phân biệt chỉ vì bố mình là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhiều kẻ nói tôi là diện COCC – con ông cháu cha, rằng bố tôi lo cho con mình vào chỗ “màu mỡ”.
Ngừng một lát, Hải tiếp:
-   Tôi không muốn bố phải mang tiếng vì tôi. Tôi sẵn sàng đi vác đạn pháo 37 ly trên một con tàu từ thời chống Mỹ, chứ nhất quyết không dựa dẫm vào bố. Thêm nữa, tôi cảm thấy xấu hổ. Nhà nước có thể trả lương cho cả lữ đoàn tàu ngầm mỗi người vài chục triệu, nhưng với gần nửa triệu cán bộ chiến sĩ trên cả nước thì sao? Những người ở Trường Sa, ở DK-1? Mình đã làm được gì, đã cống hiến được gì để nhận mức lương ngang với lương của Đô đốc Nguyễn Văn Hiến?
Rõ chán! Biển thì xanh, gió thì mát; hai thằng thì đứa ở Sơn Tây, đứa ở Hải Phòng lâu lắm mới gặp nhau. Thế mà cứ như đưa đám! Sơn quyết định phá tan bầu không khí bức bối này:
-   Tôi xin lỗi đã chạm vào nỗi buồn của ông. Cũng không có chuyện gì to tát đâu. Dù sao chúng ta vẫn hiểu mà: Chi 150 triệu đô để tổ chức ASIAD thì Nhà nước không duyệt, nhưng lại sẵn sàng chi 300 triệu đô để mua một tiểu đoàn tên lửa S-300PMU1, chi hơn 3 tỉ đô để xây dựng căn cứ và mua 6 tàu ngầm. Chứng tỏ công tác quốc phòng chưa bao giờ bị xem nhẹ cả. Những người như ông, nắm giữ con tàu trị giá bằng GDP của 20 vạn người dân Việt Nam trong suốt một năm, làm sao không quan trọng? Đãi ngộ như thế là xứng đáng lắm chứ? Thôi, giờ ta không bàn chuyện đó nữa. Tôi xuống đây là để đưa quyết định điều động cho ông.
Hải ngạc nhiên nhận tờ quyết định:
-   Nhưng… sao lại thế được? Tôi chưa học xong mà. Tháng 9 này là vào Cam Ranh nhận tàu và thực hành rồi.
-   Tiểu đoàn 142, trên danh nghĩa là đơn vị kiểm soát quân sự, nhưng thực tế được thành lập như một nơi để những ý kiến của các chiến sĩ trẻ, trực tiếp chỉ huy chiến đấu đến gần hơn với các lãnh đạo cấp cao. Chắc lúc đầu Tiểu đoàn cũng nghĩ Học viện Hải quân cần giữ lại những sĩ quan tàu ngầm đầu tiên để làm công tác huấn luyện, tiếp quản tàu nên không gửi giấy gọi ông. Nhưng ông tin tôi đi, lúc đầu nhận giấy gọi cũng ngạc nhiên lắm, nhưng sau khi đến nơi, mới biết đúng là mình may mắn. Đây đúng là nơi phù hợp với tôi và ông. Toàn những sinh viên giỏi nhất toàn quân được chọn về để đào tạo nâng cao tại các đơn vị, chuẩn bị chiến lược, chiến thuật để mai này quần nhau với Tàu Khựa. Tiểu đoàn trưởng là Đại tá Vũ Thành, Sư trưởng Đoàn Bắc Thái ngày xưa chứ đâu xa lạ gì với tôi. Tạm thời bây giờ tôi chỉ có thể nói vậy. Tiểu đoàn hoạt động dưới hình thức các phân đội ba đến năm người, tôi là phân đội trưởng phân đội 16, được đại tá Thành ưu tiên chọn người đầu tiên. Tôi liền xin đại tá cho gọi ông. Tôi đã giấm sẵn một em hotgirl Học viện Tình báo rồi, đảm bảo ông gặp là mê liền. Thế nào, đi nhé?
-   Được, ông đã khen đến thế thì tôi cũng phải mê thôi. Tôi sẽ đi với ông, sẽ lập vài thành tích đáng kể rồi xuống tàu ngầm cũng không muộn. Mai tôi lên trường trình giấy rồi ta về đơn vị nhé?
-   OK. Có lẽ xuống Hà Nội sẽ ghé qua nhà ông, ở lại chơi lấy một hôm, mình được nghỉ ba hôm mà. Sau đó sáng thứ hai tuần sau vào Thanh Hóa với Trung đoàn 923 ở sân bay Sao Vàng để xem huấn luyện lái máy bay cường kích Su-22M4 nhé. Ông nhớ sạc pin máy ảnh mang đi, về còn khoe với anh huyphongssi nữa nhé.
-   Được.
Logged
jasmine2011
Thành viên
*
Bài viết: 170


« Trả lời #5 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2012, 02:22:18 pm »

Chương 4: Hi vọng tắt! Xin lỗi em, Thu Hà!
Tiểu đoàn 142 đóng ở phố Hoàng Sâm, nhưng phân đội 16 của Sơn lại thường xuyên “họp” ở một góc Hồ Gươm. Hà Nội đang vào thu, đó là lúc Hồ Gươm đẹp nhất, với những hàng lộc vừng, những cây liễu và hương hoa sữa... Sơn rất thích “đóng đô” trên yên xe máy, thưởng thức không khí này và ngâm nga lại một bài thơ Nguyễn Phan Hách:
Tuổi mười lăm em lớn từng ngày
Một buổi sớm bỗng thành thiếu nữ
Hôm ấy mùa thu anh vẫn nhớ
Hoa sữa thơm ngây ngất quanh hồ

Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu
Hương hoa sữa tan trong áo em và mái tóc...
Những ngày xưa ở trường chuyên Hà Nội – Amsterdam hiện về. Ngày ấy, anh đã gặp Thu Hà. Thu Hà đẹp như mùa thu Hà Nội vậy: Dịu dàng, yểu điệu thướt tha và cũng không kém phần thông minh, tinh nghịch. Sơn cũng không ngờ Thu Hà lại để ý đến anh. Và càng không thể tin Thu Hà có thể yêu anh suốt 4 năm trời. Nhà văn Chu Lai đã có lần nói với một hoa hậu vừa đăng quang: “Nói thật với em, là một nhà văn, cũng là người lính, anh dù có tài giỏi đến đâu cũng không thể tưởng tượng nổi ra câu chuyện tình giữa một người lính biên phòng với một cô hoa hậu xinh đẹp. Những người như em quá xa vời với bọn anh. Anh ta chỉ có thể yêu một cô giáo, một bác sĩ vùng cao, vậy thôi.” Cũng có ngoại lệ chứ? – hình như cô hoa hậu cũng đã hỏi lại như thế, giống Sơn. Và sau đó, cô hoa hậu ấy đã đi lấy một ... đại gia!
Sơn bỗng lo cho tình yêu đẹp như một bức tranh của mình. Phàm cái gì quá đẹp đẽ, quá hoàn hảo thì thường mong manh dễ vỡ. Sơn lo sợ một ngày nào đó, Thu Hà sẽ bỏ anh mà đi. Cũng như bài thơ tuyệt vời kia của Nguyễn Phan Hách, sau sáu dòng thơ đầu là:
...Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt
Vậy mà tan trong sương gió mong manh

Tại mùa thu? Tại em? Tại anh?
Tại sang đông không còn hoa sữa
Tại siêu hình? Tại gì không biết nữa
Tại con bướm vàng có cánh nó bay...
 Sơn có thể chiến đấu dũng cảm như một người anh hùng nếu có chiến tranh, có thể phấn đấu để lên cấp tá, cấp tướng. Nhưng anh hùng cho thiên hạ, tướng tá cho ba quân; Sơn hiểu Thu Hà không cần điều đó. Vẻ ngây thơ, vô tư, trong sáng của Thu Hà làm Sơn thấy yêu và cũng thấy lo. Sơn không rõ, một tiểu thư quyền quí, đài các như Thu Hà cần gì ở anh? Liệu Thu Hà có thật sự yêu anh, hay đó chỉ là sự thích thú lạ lẫm cái vẻ ngờ nghệch nơi anh? Không! Không thể nghĩ về Thu Hà như vậy! – Sơn tự trách mình – Mình không thể vô ơn như thế. Số phận đã cho mình một tình yêu đẹp như trong mơ. Mình hãy sống sao cho xứng với tình cảm Thu Hà dành cho mình. Hãy tận hưởng từng phút giây hiếm hoi mình được ở bên, chăm sóc và che chở cho Thu Hà.
Cái vỗ vai của Hải làm Sơn giật mình quay lại:
-   Yến vẫn chưa đến à?
-   Ừ. Không hiểu sao giờ giấc cao su thế? Con gái thật là ...
-   Thế sao hồi nhận thành viên ông lại còn chọn Yến?
-   Hồi ấy đâu biết Yến thế này. Mà chọn cũng là vì cái tên nữa đấy. Ông là biển, tôi là núi, cũng cần một cánh én trên trời cao lắm chứ. Biết đâu duyên số sẽ giúp phân đội mình lập được nhiều chiến công. Yến cũng khá mà. Con gái mà dám thi Học viện Tình báo. Chưa kể Yến cũng ... xinh nữa.
-   À, được rồi! – Hải cười lớn – Để tôi sang mách Thu Hà của ông nhé?
-   Hay nhỉ, tôi chọn Yến là để cho ông mà.
Cuối cùng thì Yến cũng đến:
-   Xin lỗi Sơn và Hải, mình đến muộn.
-   Tay còn lem dầu kìa, hỏng xe giữa đường hả? – Sơn cười tươi, nháy mắt với Hải – Đã bảo đến muộn là có lí do mà!
-   Ừ, mình ngại dắt xe vào hiệu sửa lắm. Họ cứ cố tình làm lâu, có khi còn phá xe để lấy thêm tiền ấy chứ.
-   Thôi, giờ ta vào việc nhé, quán cà phê đằng kia được chứ?
Cuộc họp phân đội lần này có phổ biến nhiệm vụ mới. Sơn phát cho Hải và Yến một tập tài liệu dày:
-   Giờ thì chúng ta đã biết lí do vì sao hai tháng qua chúng ta phải lăn lộn học tập cùng các phi công Trung đoàn 923 rồi. Một tin vui với chúng ta và cả với Tổ quốc Việt Nam. Rất có thể, không lâu nữa chúng ta sẽ có được những vũ khí mạnh, mang công nghệ Nga và được sản xuất tại Việt Nam! Hai người còn nhớ những nhà khoa học và nghiên cứu sinh Việt Nam được đích thân Tổng bí thư Lê Duẩn cử đi đào tạo tại Liên Xô những năm 1979, 1980 chứ?
-   Đương nhiên là nhớ. – Yến tiếp lời – Chủ yếu là đào tạo hệ quân sự - quốc phòng, hình như có cả về chế tạo bom nguyên tử nữa. Tiếc là sau đó những nhà khoa học hạt nhân của chúng ta phải về làm ở lò phản ứng Đà Lạt, và mãi đến năm 2011 mới tái khởi động được lò lần thứ ba. Tài không gặp thời! Đến lúc chúng ta có nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 thì họ đã sắp về hưu rồi.
-   Đúng thế! Đa số các nhà khoa học đều về nước công tác tại các viện nghiên cứu, các đơn vị quân đội. Nhưng có năm người, vì thành tích xuất sắc, được Liên Xô giữ lại làm việc lâu dài. Hai người làm ở Viện Thiết kế Hàng không phương Bắc, ba người ở Tổng Cục Công nghiệp Quốc phòng Liên bang Xô viết. Họ đã tham gia vào quá trình chế tạo và cải tiến máy bay chiến đấu Su-35 và pháo phòng không tự hành ZSU 23-4M Shilka. Trải qua nhiều khó khăn và những biến cố chính trị những năm 1991 ở Liên Xô, họ sẽ trở về cuối năm nay, cùng với những tri thức tích luỹ được trong 30 năm làm việc tại Nga. Bộ Quốc phòng sẽ đầu tư mạnh cho họ, thành lập các tổ hợp công nghiệp quốc phòng để sản xuất, trang bị cho quân đội và tương lai sẽ đem xuất khẩu.
-   Giấc mơ tự lực không quân cuối cùng cũng thành hiện thực! – Hải chen vào, chiêu thêm một ngụm cà phê
-   Một giấc mơ từ những năm 80, khi chúng ta chế tạo những chiếc máy bay huấn luyện TL-1, HL-1, HL-2. Nhà máy A41 cũng đã chế tạo được thuỷ phi cơ VNS-41. Chưa kể những kĩ sư nông dân chế tạo trực thăng làm xôn xao dư luận nữa. – Yến cười rất tươi
Sơn tiếp tục:
-   Người Nga nay đã có những loại máy bay chiến đấu mới cho không quân của mình. Nhưng Su-35 vẫn là một trong những chiếc tiêm kích tốt nhất trên thế giới hiện nay. Dự kiến nó sẽ được cải tiến thêm, để có được một loại tiêm kích cao cấp mang bản sắc Việt Nam, không phải là một bản sao của Su-35. Như Yến đã nói, chúng ta đã có cơ sở và nền tảng, giờ có thêm tri thức nữa, chắc chắn những chiếc tiêm kích Việt sẽ sớm ra đời.
Căn cứ thành tích huấn luyện của ba phân đội tham gia tập ở Trung đoàn 923, phân đội ta được Tiểu đoàn tin cậy giao nhiệm vụ theo dự án chế tạo máy bay tiêm kích Quyết Thắng-16. Hai nhà khoa học, tổng công trình sư của dự án là giáo sư Nguyễn Quyết và Trần Chiến Thắng – những người được coi là Mikoyan và Gurevic Việt Nam. Họ dự định sẽ thiết kế chiếc tiêm kích Quyết Thắng-16, có những tính năng tương đương Su-35, đặc biệt được chú trọng tăng cường khả năng không chiến và đánh biển, đồng thời hoạt động tốt trong điều kiện thời tiết nhiệt đới gió mùa ẩm của Việt Nam. Ngày 24 tháng 8, họ sẽ về Việt Nam tại sân bay Nội Bài, và làm việc cùng các cán bộ kĩ thuật không quân Việt Nam tại Trung đoàn 921. Ngay đêm nay, Sơn sẽ liên lạc với họ. Chúng ta còn ba ngày để chuẩn bị việc lo ăn nghỉ, bảo vệ và liên hệ công tác, nghiên cứu cho hai nhà khoa học. Không nói thì chúng ta cũng hiểu, Trung Quốc vốn chỉ mua nhỏ giọt 48 chiếc Su-35 của Nga, vì người Nga sợ họ sẽ sao chép chiếc Su-35 thành phiên bản tiêm kích Thẩm Dương nên đã áp dụng những biện pháp phòng vệ kĩ thuật, và cương quyết không cho họ giấy phép sản xuẩt. Theo Ban chỉ huy Tiểu đoàn nhận định, một khả năng lớn họ sẽ tìm cách điều tra, lấy cắp hoặc phá hoại dự án Quyết Thắng-16, vì chúng ta đều hiểu với trình độ của hai giáo sư, chỉ cần chúng ta sản xuất được máy bay tiêm kích mới, cán cân lực lượng quân sự khu vực Đông Á sẽ có thay đổi lớn.
Bây giờ, Yến ra sân bay Nội Bài, đề nghị lãnh đạo Đoàn Sao Đỏ chuẩn bị nơi ăn nghỉ cho hai nhà khoa học. Giáo sư Nguyễn Quyết thì chắc là được, nhưng giáo sư Trần Chiến Thắng vẫn còn gia đình ở phố Trần Xuân Soạn, quận Hai Bà Trưng, có lẽ ông sẽ về ở đấy. Dẫu sao chúng ta cũng sẽ thuyết phục họ ở trong doanh trại Đoàn Sao Đỏ, vì bây giờ họ làm việc ngay tại đây là tốt nhất, đảm bảo được an ninh. Ngoài ra, Yến là con gái, khéo léo, nên cố gắng tạo điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho họ, có gì cứ nói Sơn ứng kinh phí trước, về Tiểu đoàn sẽ hoàn trả. Hải sang Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, xin chi viện một tổ bốn chiến sĩ cận vệ, họ có những kĩ năng bảo vệ yếu nhân tốt hơn bên quân đội. Sơn sẽ về báo cáo và xin Tiểu đoàn điều xe phục vụ đi lại. Thế nhé!
-   Rõ!
 Suốt cả tuần từ ngày hai tổng công trình sư về Việt Nam, Sơn và phân đội 16 liên tục cảm nhận những dấu hiệu bất an. Có những người lạ mặt liên tục bám theo hai giáo sư khi Yến dẫn họ đi tham quan thủ đô Hà Nội. Nhưng vì không muốn gây lo lắng cho khách, nên những dấu hiệu này chỉ được báo cáo về Tiểu đoàn và xin bổ sung lực lượng hỗ trợ.
Giáo sư Nguyễn Quyết có nguyện vọng muốn về thăm quê nhà tại Lạng Sơn. Gia đình giáo sư Quyết đã bị sát hại ngay trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Anh trai giáo sư là công an vũ trang bảo vệ cửa khẩu Hữu Nghị, đến giờ vẫn chưa tìm thấy hài cốt. 35 năm trước, giáo sư Quyết đã phải nuốt nước mắt để lên đường sang Liên Xô du học với khát khao một ngày được trở về góp phần xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam hùng mạnh. Sơn thật sự thấy khâm phục, kính trọng hai vị giáo sư và muốn được làm theo ý họ. Nhưng quyền quyết định là ở Ban Chỉ huy Tiểu đoàn và Đại tá Vũ Thành.
-   Dạ thưa giáo sư, Đại tá Thành đã xin ý kiến của Bộ Quốc phòng và được chuẩn y. Ngay ngày mai giáo sư có thể đi.
-   Cảm ơn cậu rất nhiều. Giờ tôi muốn được ở một mình. Cậu cũng nên nghỉ đi, cả ngày nay đã đi theo tôi rồi.
-   Dạ vâng, giáo sư nghỉ sớm đi.
Sơn đi ra khỏi phòng thì gặp Hải:
-   Ngày mai, giáo sư Thắng sẽ chuyển về ở cùng gia đình ở phố Trần Xuân Soạn một thời gian, trong khi chờ Bộ Quốc phòng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khỏi động dự án Quyết Thắng-16. Cận vệ đã được lệnh chuẩn bị. Ai sẽ ở lại cùng giáo sư Thắng bây giờ?
-   Cử Yến đi. Tôi và ông phải đi Lạng Sơn cùng giáo sư Quyết. Tôi sẽ đi ngay đêm nay để liên hệ với công an địa phương làm công tác bảo vệ.
Chợt điện thoại trong túi Sơn reo:
-   Alô, Thu Hà đấy à?
-   Vâng, em đây! Sao mấy ngày hôm nay em gọi anh không trả lời.
-   Anh xin lỗi, dạo này anh vừa chuyển công tác, công việc nhiều quá. Anh cũng nhớ em lắm. Em đã lên trường học chưa?
-   Dạ rồi!
-   Ừ, cố gắng em nhé, còn nốt năm nay nữa là ra trường rồi. Em đã liên hệ thực tập ở ngân hàng nào chưa?
-   Anh này... – Thu Hà nũng nịu - Sao anh cứ hỏi em mãi vậy? Em có tin này muốn báo cho anh.
-   Ừ, anh nghe đây,
-   Tối mai, em sẽ dự thi chung kết hoa hậu sinh viên ở Cung Văn hoá Hữu nghị Việt – Xô, anh nhớ đến nhé? Rủ cả Hải nữa.
Thôi chết rồi! Sơn sững người. Làm sao bây giờ?
Hải giật lấy chiếc điện thoại trong tay Sơn: “Đưa tôi nói chuyện với Hà nào”. Sau đó thì liến thoắng:
-   Alô, Thu Hà đấy hả em. Anh Hải đây?... Ừ, anh nghe cả rồi, dứt khoát tối mai Sơn nó sẽ đến. Đêm mai chắc em sẽ đẹp lắm nhỉ?... Ồ, anh thì bận việc rồi em ạ. Thông cảm nhé, nhiệm vụ quân sự mà em, anh không thể nói được. Cho anh xin lỗi, anh hứa lần sau nhất định anh sẽ đến chia vui với hoa hậu... Chào em! Chúc em thi tốt!
-   Vâng, em chào anh và anh Sơn. – Tiếng Thu Hà ngọt lịm
-   Ông thật là... – Sơn nhăn mặt
-   Thôi, ngày mai chỉ cần mình tôi đi được rồi. – Hải đưa lại điện thoại, cười hề hề - Chỉ cần tối nay ông đến liên hệ với Công an Lạng Sơn thôi. Này, cả đời nàng mới có một đêm. Lúc đó người yêu nàng phải có mặt chứ. Lỡ có thằng nào đến nẫng mất thì sao? Này, tôi sẽ xin bố tôi cho ông mượn con Mercedes mà đến đón nàng. Diện một bộ thật bảnh vào, nhé?
Hải đã nói vậy, Sơn cũng chịu. Nhưng thật sự anh rất áy náy. Hải nhường nhịn anh nhiều quá!
Sáu giờ tối, Sơn mặc thật đẹp, lái ô tô đến đón Thu Hà. Lòng anh xốn xang, hạnh phúc. Nhưng rồi...
Chuông điện thoại reo, ở đầu kia là Đại tá Vũ Thành:
-   Sơn à? Báo động cho anh em phân đội ngay, giáo sư Nguyễn Quyết đã bị ám sát tại Lạng Sơn rồi.
-   Báo cáo, rõ!
Không một chút chần chừ, chiếc xe quay đầu về phía đường 1A, lao nhanh lên phía bắc. Nìêm hi vọng vừa chớm nở của Tổ quốc Việt Nam đã tắt! Xin lỗi em, Thu Hà! 
Logged
jasmine2011
Thành viên
*
Bài viết: 170


« Trả lời #6 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2012, 10:42:41 am »

Chương 5: Đêm trắng
Bằng động tác của một con mèo, tên biệt kích leo thoăn thoắt lên tầng hai của ngôi biệt thự trên phố Trần Xuân Soạn.
Hôm nay trời mát, nên giáo sư Thắng để cửa mở thông ra ban công. Hắn nhẹ nhàng tiến vào, trên tay lăm lăm khẩu súng ngắn.
Từ phía sau, Yến xuất hiện, nện ngay một đòn vào gáy tên ám sát. Hắn ngã gục. Anh em cận vệ lao ra, khống chế hắn, giải đi. Từ phía đầu phố, chiếc Mercedes của Sơn chạy vào, theo sau là hai xe tải chở hàng chục chiến sĩ đặc nhiệm phản ứng nhanh của Lữ đoàn 144, Bộ Tổng Tham mưu. Các chiến sĩ mặc áo giáp chống đạn Kevlar, tay lăm lăm khẩu AK đạn đã lên nòng chia nhau phong tỏa hoàn toàn đoạn đường Trần Xuân Soạn, nắn dòng xe qua phố Hòa Mã. Sơn ra lệnh cho đại đội trưởng đặc nhiệm:
-   Trung đội 1, chặn hai đầu đường. Trung đội 2, vào nhà bảo vệ giáo sư Thắng và gia đình. Trung đội 3 vào các nhà dân, kiểm tra tầng thượng. Quyết phải bắt bằng được bọn ám sát!
-   Rõ!
Trước đó, khi nghe tin giáo sư Quyết bị ám sát, Sơn định lên ngay Lạng Sơn. Nhưng sau đó, anh bình tĩnh lại, nghĩ: Muốn phá hoại dự án Quyết Thắng-16 của Việt Nam, lũ ám sát ắt phải ra tay với cả hai vị giáo sư. Vậy là Sơn ngay lập tức quay lại biệt thự của giáo sư Trần Chiến Thắng, gọi thêm quân chi viện để vây bắt chúng!
Trên tầng thượng nhà số 27 phố Trần Xuân Soạn, ba tên biệt kích nhìn rõ mọi việc đang xảy ra. Biết thế nguy, lại không còn đường thoát, chúng quyết định nổ súng. Một tên dùng súng bắn tỉa M99 – loại được trang bị cho đặc nhiệm Hải quân Hạm đội Nam Hải – ngắm bắn. Khi tên ám sát bị ta bắt được dẫn giải ra xe tải, một phát đạn xuyên ngay vào tim hắn. Dù hắn đã được mặc áo giáp chống đạn, nhưng khẩu súng 12,7mm này có sức công phá quá mạnh, lại dùng loại đạn xuyên chuyên dùng để đánh thùng nhiên liệu trên xe thiết giáp , nên hắn đã chết ngay dưới tay đồng bọn mình.
Cự li bắn khá gần, nên quân ta lập tức phát hiện ra tên bắn tỉa. Các chiến sĩ đặc nhiệm lập tức bắn trả. Một đồng chí tiểu đội trưởng dùng súng AK bắn xuyên má phải của tên bắn tỉa. Từ nóc nhà số 27, lập tức xuất hiện một nòng đại liên cá nhân PKM. Đạn bắn như vãi trấu, lập tức hạ hai chiến sĩ ta. Nhân lúc lực lượng ta bị bất ngờ vì hỏa lực mạnh của chúng, tên còn lại nhổm dậy, dùng ống phóng lựu GP-25 gắn trên tiểu liên nã hai phát vào nhà, một phát vào xe tải của lính đặc nhiệm. Thêm hai chiến sĩ nữa bị thương vì mảnh văng. Ở trong nhà, Yến xô hết những người trong gia đình giáo sư Thắng nằm xuống, tránh những mảnh kính bay.
Dân trong phố bắt đầu hoảng loạn, nhưng may mắn là họ không mở cửa chạy ra phố mà chỉ nằm bẹp trong nhà. Tuy ở dưới phố đang có hàng chục tay súng, nhưng Sơn không dám liều lĩnh cho anh em nổ súng trong khu dân cư. Một tổ ba chiến sĩ, nép dưới làn đạn lia quét của địch, tiếp cận, leo lên tầng thượng.
Cánh cửa bật tung, ba chiến sĩ ta xông vào. Tuy đang vác khẩu đại liên nặng, nhưng tên biệt kích vẫn kịp quăng cả khẩu súng vào các chiến sĩ ta. Những cú đá vòng cầu liên tiếp tung ra, cả hai phía đều không có vũ khí. Trận cận chiến ba đánh hai bắt đầu. Chỉ sau ba mươi giây chống đỡ với hàng chục đòn đánh sấm sét của đặc nhiệm Lữ đoàn 144, bọn biệt kích bắt đầu nghĩ đến chuyện tháo lui. Hỏa lực địch bị dập, dưới tầng quân ta ào ào xông lên chi viện.
Một tên giật chốt quả lựu đạn khói, quăng ra. Tên còn lại xách túi vũ khí chạy đến chỗ đặt dây cáp, định đu xuống phố. Bất chấp khói mù mịt, cay xè, một chiến sĩ ta lao theo, tung cú đá vào ngực hắn. Nhưng anh đã ra đòn trượt, chỉ làm hắn đánh rơi túi vũ khí. Hai tên biệt kích vội vàng biến vào màn đêm. Sơn ra lệnh:
-   Trung đội 2, ở lại bảo vệ giáo sư Thắng. Hai trung đội còn lại chia hai đường đuổi theo!
Đại tá Vũ Thành gọi điện đến:
-   Alô, tình hình ở đó thế nào rồi Sơn?
-   Báo cáo, có bốn chiến sĩ bị thương. Tên ám sát đã bị giết!
-   Đưa anh em bị thương đi cấp cứu ngay. Tiếp tục truy lùng những tên còn lại. Theo ảnh mà các cậu đưa về, Tổng Cục II đã xác định được danh tính tên ám sát. Hắn là Dư Hiểu Minh, kĩ sư xây dựng tại khu đô thị Đại Kim 3. Hắn ở cùng một nhóm ba tên nữa, cũng dưới vỏ bọc kĩ sư xây dựng Trung Quốc. Quân của Tổng Cục II và Cục Điều tra Hình sự đã đột kích vào công trường, thu được nhiều vũ khí mạnh. Ta đã có nhân dạng của cả bốn tên.
-   Thủ trưởng yên tâm, một tên đã bị tiêu diệt, toàn bộ số súng đạn của chúng đã bị chúng tôi thu được. Giờ cùng lắm chúng chỉ mang theo được khẩu súng ngắn là cùng. Bây giờ, chúng tôi xin chi viện lực lượng truy bắt hai tên còn lại!
-   Được! Tôi sẽ xin quân của Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Quốc phòng!
Suốt đêm ngày 10/9/2015, được lệnh của Bộ Quốc phòng, cả Hà Nội bị xới tung lên. Các chiến sĩ Lữ đoàn 144, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động thành phố được tung ra để truy lùng hai tên biệt kích. Các lực lượng 141, 142 quần đảo khắp các nẻo đường. Các cửa ngõ ra vào thành phố đều bị cảnh sát giao thông và Tiểu đoàn kiểm soát quân sự 103 khóa chặt. Thế nhưng vẫn không sao tìm được chúng.
Sáng ngày 11, Sơn gặp lại Hải ở trụ sở Tiểu đoàn:
-   Sao giáo sư Quyết bị bắn mà ông không gọi cho tôi?
-   Thì cũng đã chết đâu. Trước khi đi, đại tá Thành dặn sang bên Viện Hóa học Vật liệu nhận về mẫu áo giáp chống đạn mới cho giáo sư Quyết. Đạn súng bắn tỉa LR-2 tương vào mà không xuyên nổi. Nhưng để đảm bảo an toàn, tôi cứ làm như giáo sư đã chết rồi, hô hoán anh em truy đuổi bọn ám sát, rồi đưa thẳng giáo sư về Bạch Mai. Giáo sư chỉ bị choáng nhẹ thôi. Chỉ tiếc là không bắt được bọn ám sát giống ông. Với lại, lúc đó tôi nghĩ ông đang đưa Thu Hà đi thi, nên tôi không gọi, mà báo cho đại tá Thành luôn.
-   Ông thật… - Sơn tức giận – Ông có biết hôm qua Yến suýt nữa lĩnh cả băng đại liên vào người để che cho giáo sư Thắng không?
Nhìn vẻ bối rồi của Hải, Sơn vừa giận vừa thương. Tại sao cậu ấy có thể vì anh đến thế?
-   Thôi, không nói nữa. Tôi cũng chưa kịp xem Thu Hà thi thế nào. Ông vào FTUNews đi xem sao.
Trên các trang mạng, đầy rẫy những tin tức về vụ đấu súng hôm qua. Bất bình trước việc biệt kích Trung Quốc xả súng bắn giết chiến sĩ ta, hàng trăm người dân tụ tập biểu tình, ném đá vào Đại sứ quán Trung Quốc. Tình hình tại đây gần như bạo loạn. Các phần tử phản động, nhân cơ hội này, chĩa mũi nhọn về chính quyền. Trên mạng đăng hàng loạt entry chửi Trung Quốc một câu, chửi chính quyền năm câu. Vụ việc này đang ngày càng gây ra những hậu quả khó lường. Đại tá Vũ Thành và các vị lãnh đạo cấp cao của Bộ Quốc phòng và Chính phủ hẳn rất phiền lòng về điều này.
Ở một góc nhỏ của trang web, có đăng hình hoa hậu sinh viên 2015: Lê Thu Hà, sinh viên Đại học Ngoại thương! Hà ơi, những giọt nước mắt trên má em là nước mắt hạnh phúc hay là hờn dỗi về anh?
Logged
jasmine2011
Thành viên
*
Bài viết: 170


« Trả lời #7 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2012, 10:44:14 am »

Chương 6: Truy lùng
Phân đội 16 vào gặp đại tá Vũ Thành khi ông vừa trở về từ Đại sứ quán Trung Quốc. Trong những giờ phút này, tất cả thật sự biết ơn các chiến sĩ Lữ đoàn 144. Vừa hoàn thành việc duyệt binh trong lễ mừng Quốc khánh, chỉ một tuần sau, họ lại phải tiếp tục căng sức ra để truy bắt hai tên biệt kích và gìn giữ trật tự trị an cho thành phố.
Mọi người hướng về phía chiếc ti-vi. Trong chương trình thời sự sáng nay, Chủ tịch nước đã phải đăng đàn kêu gọi người dân bình tĩnh, không có những hành động quá khích, chờ cơ quan chức năng xác minh sự việc. Câu kết thúc làm Sơn rất tâm đắc:
-   Hơn lúc nào hết, Chính phủ kêu gọi sự bình tĩnh và đoàn kết của nhân dân!
Đại tá Vũ Thành trầm ngâm, đi đi lại lại trong phòng:
-   Các đồng chí ạ. Trước hết, phải xin chúc mừng các đồng chí vì đã hoàn thành nhiệm vụ. Hai giáo sư đã được bảo vệ an toàn, diệt được hai tên biệt kích, phía ta chỉ bị thương bốn người vào phần mềm, dân thường không bị giết hại. Nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng. Vì vụ ám sát hụt hôm qua, giờ chúng ta đang ở thế “lưỡng đầu thọ địch”. Một mặt, phía Trung Quốc đã lộ rõ dã tâm phá hoại dự án Quyết Thắng-16 của ta bằng một kế hoạch táo bạo với vũ khí mạnh. Mặt khác, các thế lực phản động đang kích động nhân dân, chĩa mũi nhọn về phía chính quyền, vu cáo chúng ta là bạc nhược, là bán nước, là thân Trung Quốc… Điều càng làm cho chúng ta thêm đau đầu là trong Lễ duyệt binh mừng 70 năm ngày Quốc khánh tuần trước, những loại khí tài hiện đại bậc nhất của quân đội như tên lửa phòng không S-300PMU1, S-300PMU2, tên lửa chống hạm K-300P Bastion P, máy bay tiêm kích Su-30MK2, Su-30KN… đã được tham gia diễu hành. Điều đó càng thuận lợi cho chúng bôi nhọ chúng ta là hèn nhát!
Ở đây, cả ba đồng chí đều là sĩ quan xuất sắc. Đồng chí Sơn, đồng chí Hải đều được đào tạo để sử dụng những khí tài hiện đại hàng trăm triệu USD. Các đồng chí hẳn cũng uất ức lắm đúng không? Cũng phải thôi, hành động táo tợn đêm qua của Trung Quốc là giọt nước làm tràn li. Chúng ta đã bị gây hấn trên biển nhiều năm, kể từ vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí tàu Bình Minh – 02 ngày 26/5/2011, và bây giờ là một hành động ngang ngược ngay giữa thủ đô Hà Nội. Tôi tin chắc, nếu được ra trận, các đồng chí sẽ chiến đấu dũng cảm, sẽ anh hùng không kém gì Lê Đình Chinh hay Trần Văn Phương. Nhưng xin lỗi, nếu bây giờ làm thế thì các đồng chí chưa xứng đáng con Lạc cháu Hồng đâu!
Tại sao ư? Từ ngàn xưa, dân tộc ta chưa bao giờ chịu khuất phục quân xâm lược phương Bắc. Chúng ta đã chiến đấu ngoan cường và chiến thắng vinh quang: Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa… Nhưng sau khi đánh đuổi kẻ thù, chúng ta luôn tìm cách giảng hòa, xoa dịu nỗi nhục thua trận của họ để gìn giữ hòa bình cho dân tộc. Chúng ta quyết bảo vệ độc lập và danh dự dân tộc, nhưng cũng luôn thấu hiểu giá trị của hòa bình. Dân tộc ta bách chiến bách thắng, nhưng là dân tộc yêu chuộng hòa bình.
Trong lúc nước ta còn nghèo, dân ta còn đói, một cuộc chiến tranh bây giờ liệu có nên chăng? Đồng chí Sơn, mỗi quả tên lửa S-300 đồng chí bắn ra có giá 1 triệu đô-la, đồng chí nhớ chứ? Đồng chí bắn trượt một quả là đi tong công sức lao động của gần một ngàn người dân trong suốt một năm. Đồng chí Hải, chiếc tàu ngầm Kilo-636 của đồng chí trị giá bằng bao nhiêu con đường, bao nhiêu trường học, bệnh viện, đồng chí nhớ không? Nếu để chiến tranh xảy ra, dân tộc ta sẽ tụt hậu bao nhiêu trên trường quốc tế, đến bao giờ mới thực hiện được ước mơ “sánh vai với các cường quốc năm châu” của Bác Hồ. Trước khi gặp các cậu ở đây, tôi vừa dự một cuộc họp Chính phủ, bàn cách giải quyết vấn đề này. Hạ nhiệt cho 90 triệu cái đầu đang sục sôi lửa nóng là cần thiết, nhưng trước hết phải thông suốt cho chính cán bộ chiến sĩ dưới quyền mình đã!
Sơn đứng dậy:
-   Thưa thủ trưởng, chúng tôi hiểu và quyết tâm thực hiện theo lời thủ trưởng!
-   Được, cảm ơn các đồng chí. Chính lúc này, giữ được bình tĩnh để ứng phó với biến chuyển tình hình mới đúng là anh hùng thật sự. Bây giờ chúng ta bắt đầu, đồng chí Sơn báo cáo đi.
-   Dạ vâng. Trước hết, trước thủ trưởng và toàn phân đội, tôi xin nhận trách nhiệm về việc lơ là, mất cảnh giác, để xảy ra sự cố. Kết thúc nhiệm vụ, tôi xin chịu mọi hình thức kỉ luật. Tiếp theo, như thủ trưởng đã truyền đạt, vấn đề đầu tiên là kêu gọi người dân giữ bình tĩnh. Điều này hết sức khó khăn vì hành động của toán biệt kích Trung Quốc là quá táo tợn. Cần phải có những động thái phản ứng trên mặt trận ngoại giao, nhưng nhẫn nhịn để gìn giữ hòa bình là điều cần thiết. Điều này cũng giống như hồi năm 1946, chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện để kéo dài thời gian hòa bình trước thực dân Pháp. Những hành động như biểu tình, bạo động, đặc biệt là việc hành hung Hoa kiều nhất định không được phép xảy ra, tránh để bị đối phương vin vào và tố ngược chúng ta. Vấn đề Hoa kiều cần được chú trọng, cân nhắc dựa trên những kinh nghiệm năm 1979. Vấn đề thứ hai là bảo đảm an toàn cho hai vị giáo sư, chúng ta có thể yên tâm vì họ và gia đình đã chuyển vào ở trong doanh trại Đoàn Sao Đỏ, được bảo vệ kĩ càng bởi lực lượng của Tiểu đoàn 142, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và lực lượng vệ binh không quân sân bay. Vấn đề thứ ba là truy bắt hai tên biệt kích. Như chúng ta đã biết, tên ám sát bị bắt là Dư Hiểu Minh, tên cầm súng bắn tỉa bị tiêu diệt là Võ Tấn Long. Hai tên bỏ trốn là Đỗ Khả Trực và Phùng Vân Phong, toán trưởng. Căn cứ theo số vũ khí chúng bỏ lại ở công trường và số chúng ta thu được ở nhà số 27 Trần Xuân Soạn thì hiện bọn chúng không có gì ngoài súng ngắn. Điều này cũng đặt ra cho chúng ta một câu hỏi: Những vũ khí mạnh như tiểu liên, đại liên cá nhân PKM, ống phóng lựu GP-25, lựu đạn và nhiều khí tài khác, cùng hàng vạn viên đạn đã vào nội thành Hà Nội bằng cách nào? Đề nghị Tiểu đoàn phối hợp với Tổng Cục II và Cục Điều tra Hình sự, mở một mũi điều tra theo hướng này. Nếu như tìm ra được đầu mối vận chuyển vũ khí, chúng ta có thể bóc gỡ được cả mạng lưới gián điệp biệt kích chúng cài cắm lại, kể cả những tên không tham gia vụ ám sát giáo sư Thắng. Trở lại vấn đề chính, hiện nay, lực lượng tham gia truy bắt hai tên đang bỏ trốn đã lên đến gần 2000 người, chủ yếu là của Lữ đoàn 144, Tiểu đoàn kiểm soát quân sự 103 và Công an thành phố Hà Nội. Theo phán đoán của chúng tôi, hiện chúng đã mất liên lạc với nhau và với các toán khác, và vẫn đang kẹt trong thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, lực lượng công an và quân đội các tỉnh giáp Hà Nội cũng được lệnh tăng cường tuần tra, kiểm soát.
Ngừng một lát, Sơn tiếp:
-   Theo ý kiến của riêng tôi, với những chốt kiểm soát của chúng ta trong và ngoài thành phố, khả năng tẩu thoát theo đường bộ của chúng là rất khó khăn. Lí do là muốn đi đường bộ, chúng phải có đồng bọn, có hang ổ, phương tiện… Nhưng như đã nói, do tính chất bí mật của nhiệm vụ ám sát này, chắc chúng không có sự liên hệ với các toán gián điệp biệt kích còn lại. Có hai khả năng, một là chúng mạo danh khách du lịch, đi đường thủy qua sông Hồng, hai là chúng nhảy tàu hỏa. Lí do là trên những phương tiện vận tải này, không gian tương đối chật hẹp, đông người, dễ trà trộn. Nếu như bị phát hiện sẽ dễ chống trả, cần thiết có thể bắt con tin. Hiện nay lực lượng truy bắt đã mai phục tại bến Phà Đen, cảng Phúc Tân, cảng Hà Nội và Bến tàu Du lịch sông Hồng 46 Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm. Hồi tháng 11 năm 2010, Lữ đoàn 144 của chúng ta cũng đã được tham gia diễn tập chống khủng bố tại đây, nên phương án cho việc vây bắt chúng cũng đã được chuẩn bị tốt. Các chiến sĩ của chúng ta cũng phối hợp với Đồn Công an Ga Hàng Cỏ, không chỉ bố trí ở sân ga mà còn bám sát từng chuyến tàu rời thành phố. Dù cho bọn ám sát có nhảy tàu giữa đường thì cũng không thoát khỏi sự theo dõi của ta.
-   Được, việc vây bắt tổ chức như vậy là rất tốt! – Đại tá Thành khen ngợi
Bỗng sĩ quan trực ban bước vào:
-   Báo cáo, tổ truy bắt trên chuyến tàu Hải Phòng 1 báo về: Khi tàu đi ngang qua khu vực phố Nguyễn Thái Học, phát hiện một đối tượng nhảy tàu có nhận dạng giống Đỗ Khả Trực. Anh em đã tổ chức theo dõi, chờ lực lượng đến phối hợp vây bắt. Nhưng do sơ hở, bị lộ nên hắn đã bắn bị thương một chiến sĩ và nhảy khỏi đoàn tàu đang chạy xuống khu vực cánh đồng màu gần cầu Long Biên.
-   Lập tức truy bắt ngay!
-   Rõ!
Trong khi Sơn, Hải và Yến đến hiện trường, đại tá Thành lập tức gọi điện cho Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, xin thêm quân chi viện. Sơn gọi điện:
-   Báo cáo thủ trưởng, tôi đề nghị giữ nguyên lực lượng tuần tra, đóng chốt kiểm soát của ta, đề phòng tên toán trưởng còn lại chạy thoát. Khu vực Đỗ Khả Trực đang ẩn náu là một cánh đồng ngô rộng khoảng 20ha, cây ngô mọc cao lút đầu người, rất khó tìm kiếm. Dự kiến chúng tôi cần khoảng 600 người mới có thể tổ chức vây bắt có hiệu quả. Xin thủ trưởng cho chi viện một tổ quân y với các cơ số thuốc chống dị ứng, chống độc. Ngô đang có nhiều phấn, lại vừa được phun thuốc trừ sâu. Việc tổ chức vây bắt hiện giờ phải thực hiện ngay, nhưng chắc chắn chiến sĩ của ta sẽ có nhiều người bị dị ứng phấn ngô, thậm chí nhiễm độc lân hữu cơ. Ngoài ra, đề nghị thủ trưởng chuẩn bị lương thực, đặc biệt là nhiều nước mát cho anh em.
-   Được, sẽ có ngay, nhắc anh em cố gắng!
-   Rõ!
10 giờ sáng, hàng trăm chiến sĩ bộ binh, cảnh vệ, cảnh sát cơ động thuộc nhiều đơn vị như Lữ đoàn 144, Trung đoàn Cảnh vệ 600. Trung đoàn 22 Cảnh sát Cơ động Đông Bắc Thủ đô dàn hàng ngang ra ba mặt cánh đồng, càn quét. 200 lá cờ được chuẩn bị. Cánh đồng ngô được chia thành những ô 1000 mét vuông, quét xong ô nào cắm cờ ngay ô đó. Dưới sông, ca nô cao tốc của công an và quân đội quần đảo liên tục. Sơn rất lo hướng sông Hồng, bởi với một tên biệt kích tầm cỡ như Đỗ Khả Trực, hắn đủ sức lặn sâu 200m. Từng mảng bèo, rác, củi rề, vỏ dừa trôi trên sông đều được kiểm tra kĩ lưỡng. Tổng cục Hậu cần Quân đội và Công an chuyển đến hàng ngàn suất ăn và nước mát cho các chiến sĩ. Đúng như dự đoán của Sơn, phải làm việc giữa trưa nắng, trên cánh đồng ngô đặc phấn và thuốc trừ sâu, anh em bắt đầu đuối sức. Nhẹ thì bị lá ngô cứa xây xát, nặng thì mặt mũi sưng vù, mẩn đỏ, ngất xỉu phải rời khỏi hàng quân. Hải nóng ruột, dẫn một tổ lao vào tìm kiếm, bị đổ máu cam, phải cáng ra ngoài. Nhưng nhờ có thêm hai trung đội dân quân cơ động xã đến chi viện nên tiến độ tìm kiếm vẫn được giữ vững. Bây giờ Sơn mới cảm thấy may mắn vì hôm đụng độ ở phố Trần Xuân Soạn đã lấy được phần lớn vũ khí của bọn ám sát. Nếu không, hắn chỉ cần gài vài quả mìn định hướng thì quân ta sẽ chịu thiệt hại đến chừng nào.
Ba giờ chiều, một tiếng súng vang lên trên bãi ngô. Anh em chiến sĩ lao đến. Đỗ Khả Trực đã tự sát bằng súng ngắn.
Lệnh của trên: Tiếp tục tập trung truy bắt tên toán trưởng Phùng Vân Phong!
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Bảy, 2012, 02:32:09 pm gửi bởi jasmine2011 » Logged
jasmine2011
Thành viên
*
Bài viết: 170


« Trả lời #8 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2012, 10:10:51 am »

Chương 7: Quyết tử
Phân đội 16 trở về Tiểu đoàn 142 khi trời đã tối. Trên đường đi, Sơn đã ghé vào khu Bách khoa mua cơm hộp về cho cả đội và đại tá Vũ Thành. Bữa cơm đạm bạc, nhưng không ai để ý đến điều đó. Đỗ Khả Trực tự sát, ba trong số bốn tên ám sát đã chết. Tên toán trưởng vẫn lẩn trốn đâu đây. Trong buổi họp đối ngoại quân sự sáng nay với Đại sứ quán Trung Quốc, phía bên kia tuyên bố không có lí lịch của những tên ám sát này. Có thể họ không biết thật, cũng có thể đây là sự cố tình che giấu, nhưng chắc chắn những tên ám sát này đã bị bỏ rơi. Đại tá Vũ Thành lên tiếng:
-   Ăn xong, các cậu cứ về nghỉ đi, vất vả cả ngày hôm nay rồi. Đêm nay tôi sẽ trực ở đây.
Sơn ngồi dựa vào tường. Về làm gì? Sao không về từ tối qua? Lũ ám sát sao lại ra tay tai quái thế nhỉ? Không thể chờ một ngày được sao? Bây giờ biết nói gì với Thu Hà đây?
Yến vội về nhà khi đã tám giờ tối. Chương trình “Trò chơi âm nhạc” sắp phát sóng. Yến mở cửa bước vào. Phòng khách tối om, Yến chợt lạnh người. Linh cảm cho cô biết có điều gì chẳng lành.
Một tiếng gió rít từ phía sau, Yến xoay người, vẫn kịp đưa tay lên đỡ đòn đánh vào gáy. Nhưng đối thủ của cô quá mạnh. Yến bị đẩy văng vào tường. Bóng đen sấn lại. Một nòng súng K59 Makarov dí sát sườn, một giọng nói trầm đục:
-   Đứng im, không tao bắn tan xác!
Qua ánh đèn le lói từ ngoài đường hắt vào, Yến nhận ra đó là tên toán trưởng Phùng Vân Phong. Nhưng trước khi Yến kịp phản ứng gì, hắn đã bịt miệng cô bằng một chiếc khăn tay. Mùi ê-te xộc lên. Yến lịm dần, xỉu đi.
Mười một giờ đêm, Phùng Vân Phong ngồi trong căn phòng tối om trên tầng hai. Yến được hắn đặt trên giường, ngủ ngon lành dù bị trói chặt chân tay. Chắc hẳn từ qua đến nay, cô ta và đồng đội đã phải vất vả để truy lùng toán biệt kích của hắn. Phùng Vân Phong khẽ bật cười, biết vậy khỏi cần dùng thuốc mê. Hắn nhìn kĩ gương mặt xinh xắn của Yến. Ở quê nhà, hắn cũng có một cô người yêu hao hao như cô, tên là Cúc Hoa. Đã hai năm không có liên lạc gì… Quê hắn là vùng nông thôn Sơn Đông, còn lạc hậu. Không biết  ở nhà cô ấy vẫn chờ anh hay đã đi lấy chồng rồi.
Yến đã chớm tỉnh. Đầu đau như búa bổ, người mềm nhũn, miệng bị nhét giẻ. Trông thấy Phùng Vân Phong, Yến hốt hoảng vùng vẫy. Nhưng bây giờ, khi đã bị trói chặt như bó giò, sức phản kháng của cô đâu còn bao nhiêu. Yến đành chịu trận, nằm ngoan ngoãn như một con mèo con, phó thác số phận mình cho kẻ thù phán xét.
Phùng Vân Phong lại gần, giữ chặt Yến:
-   Bình tĩnh! Tôi chưa làm gì cô đâu. Bây giờ, nếu cô hứa không kêu lên, tôi sẽ lấy giẻ bịt miệng ra cho cô?
Yến khẽ gật đầu. Được giải thoát khỏi miếng giẻ nhét trong miệng, cô hỏi ngay:
-   Anh định làm gì? Anh không thoát được đâu.
-   Tôi biết, và tôi cũng không có ý định trốn khỏi Hà Nội nữa. Sáng nay, Đỗ Khả Trực đã hi sinh thân mình, đánh lạc hướng người của các cô để tôi thoát, nhưng không được.
-   Vậy giờ anh định làm gì?
-   Làm gì à? Điều đó diễn ra nhanh hay chậm còn phụ thuộc ở cô.
-   Là sao? – Yến chống hai khuỷu tay, cố ngồi dậy
-   Cô tính hỏi cung tôi đấy à? Cô nên nhớ thân phận mình lúc này!
Ngừng một lát, hắn nói tiếp:
-   Theo luật, đáng lẽ tôi phải xử cô vì đã gián tiếp sát hại ba đồng đội của tôi. Nhưng thôi, điều đó giờ cũng không còn ý nghĩa gì nữa. Tôi không giết cô nếu cô ngoan ngoãn nghe lời, còn tôi sẽ tự sát, sẽ chết anh hùng như những anh em trong đội của mình. Tôi sẽ chết sau khi làm xong nhiệm vụ cuối cùng. Giờ, hoặc cô nói cho tôi biết mọi điều tôi cần biết, hoặc tôi phải giết thêm một mạng người không cần thiết.
-   Không bao giờ tôi tiết lộ bí mật quân sự!  Yến dõng dạc đáp lại – Hơn nữa, anh nghĩ một thiếu úy sinh viên như tôi biết được gì quan trọng cho anh?
Phùng Vân Phong nhếch mép cười:
-   Cô không biết nhiều, nhưng biết đủ những thứ tôi cần. Cô tưởng chúng tôi không biết gì về Phòng C, về dự án Quyết Thắng-16 sao?
-   Ý anh là chúng tôi có nội gián?
-   Đã nói tôi mới là người ra câu hỏi mà. – Phùng Vân Phong gằn giọng – Tôi cần biết ID và mật khẩu của cô trong mạng D142-Network, mạng thông tin liên lạc nội bộ của phía các cô ấy.
-   À, tôi hiểu rồi – Yến trả lời cứng cỏi – Từ D142-Network có thể đăng nhập mạng Đối ngoại Quân sự. Thông tin qua đường rất khó kiểm soát, đi nhanh đến nhanh. Anh muốn gửi báo cáo về Trung Quốc chứ gì? Đừng hòng tôi nói cho anh biết!
Khẩu K59 lại được dí sát cằm Yến:
-   Nói ngay! Cô đừng thấy tôi hiền mà lên nước!
-   Không bao giờ!
Nét mặt Phùng Vân Phong chợt giãn ra:
-   Thôi, khỏi cần cô! Chỉ lâu hơn một chút thôi.
-   Không được! – Yến nhoài người theo
-   Bốp! – Phùng Vân Phong giáng ngay một cái tát vào mặt Yến.
Hắn lấy chiếc khăn mùi soa nhét vào miệng Yến, rồi mặc cho cô vùng vẫy, hắn khởi động laptop của cô. Không khó cho một chuyên gia tin học như hắn để đăng nhập mạng D142-Network bằng laptop của Yến khi cô đã nhiều lần vào mạng ở đây. Tiểu đoàn mới được thành lập, mạng nội bộ mới được xây dựng, còn nhiều lỗ hổng chưa được phát hiện.
Nhưng khi hắn đang chuẩn bị hoàn thành những bước cuối cùng thì:
-   Đứng im! – Sơn xuất hiện với khẩu súng ngắn, gằn giọng - Bỏ tay ra khỏi máy tính ngay!
Với một kẻ đã không màng sống như Phùng Vân Phong thì điều này đâu nghĩa lí gì. Hắn cười khẩy, nhấn nút “Send”. Sơn quát:
-   Giơ tay lên!
Nhanh như cắt, Phùng Vân Phong xô chiếc ghế về phía Sơn. Khẩu súng ngắn văng ra khỏi tay anh. Hai người lao vào nhau đấu võ tay đôi. Đương nhiên người như Sơn sao có thể đấu lại Phùng Vân Phong. Anh bị hắn đá văng vào tường, đau nhừ. Sơn chộp lấy ấm trà trên bàn, tương thẳng vào mặt đối phương. Phùng Vân Phong bị dội nước nóng vào mắt, tối tăm mặt mũi nhưng cũng kịp với con dao trên bàn, khua loạn xạ. Sơn hiểu với con dao kia thì anh không phải đối thủ của hắn. Không được, Yến đã trực tiếp bắt Dư Hiểu Minh, nếu anh bị hạ thì Yến sẽ…
Cửa ban công đang mở, Sơn lao vào với phích nước nóng trên tay, dội tới tấp vào người Phùng Vân Phong. Sau đó ôm cả người hắn và con dao, xô ra phía ban công. Lưỡi dao cắm ngập vào bụng. Sơn nén đau, đẩy tên toán trưởng đang hốt hoảng vì nước nóng xuống tầng một. Nếu cần thì cùng ôm nhau nhảy xuống, chết thì cùng chết!
Bất ngờ vì đối thủ quá quyết liệt và liều mạng, Phùng Vân Phong rơi xuống sân nhà Yến:
-   Thủ trưởng ơi… Minh ơi, Long ơi, Trực ơi… Tôi về với các cậu đây!... Cúc Hoa ơi… Anh đi đây!
Số phận tên biệt kích cuối cùng của toán được định đoạt. Sơn gục xuống. Trước khi chìm vào bóng đêm, anh chỉ nhớ Yến lết đến bên anh, nức nở:
-   Anh Sơn ơi!

Logged
jasmine2011
Thành viên
*
Bài viết: 170


« Trả lời #9 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2012, 03:01:42 pm »

Chương 8: Tái Ông thất mã
Sơn nằm mê man ba ngày ba đêm. Đầu tiên là những giấc mơ về ngày xưa, về đơn vị cũ của bố: Tiểu đoàn 123, Trung đoàn 284 Sông La, Sư đoàn Phòng không 365. Sơn mơ thấy bố, thấy cô Mai Chi, mơ thấy hôm đơn vị tập trung xem phim “Em bé Hà Nội”, mơ thấy trận đánh đầu tiên của đời lính năm lớp 7, mơ được vít cổ pháo đài bay B-52 của giặc Mỹ xuống bùn đen. Sau đó là những hình ảnh nhiễu loạn, mờ ảo, không rõ ràng. Trong mớ hỗn loạn ấy, Sơn thoáng nhìn thấy Thu Hà. Anh cố vươn tay ra nắm lấy. Đen kịt…
Đêm định mệnh đó, nếu như Yến không để quên cuốn sách Ngữ pháp tiếng Nga ở Tiểu đoàn thì chắc mọi chuyện đã khác. Mang sách đến nhà đưa cho Yến, Sơn chợt nhận ra điều bất thường. Anh leo ống máng nước lên tầng hai thì gặp Phùng Vân Phong và một trận chiến quyết tử diễn ra. Sơn lĩnh một nhát dao xuyên vào ổ bụng, phải phẫu thuật. Phùng Vân Phong không chết ngay vì va đập, anh ta tự kết liễu bằng một viên thuốc độc. Đại tá Vũ Thành và Hải đưa quân đến hiện trường trước cả công an, khám nghiệm và dàn dựng như một vụ tự tử. Vừa trở về từ nhà Yến, cả tiểu đoàn xếp hàng dài trước cổng Bệnh viện 108 để chờ hiến máu cho Sơn. Hải và Yến khóc nấc lên vì thương bạn. Sơn được cứu qua cơn nguy kịch, nhưng vẫn hôn mê.
Sáng hôm sau, Thu Hà mới được báo tin. Bị Sơn cho “leo cây” hôm đi thi, cô cũng rất tủi thân và buồn. Nhưng giờ thì Hà đâu quan tâm đến điều đó nữa, cô ôm lấy Sơn, gọi tên anh đến khản giọng. Tuyệt vọng!
Còn Sơn thì vẫn ngập trong cái màn đen kịt ấy. Trí não khá tỉnh táo, nhưng bất lực trong việc cử động chân tay. Chợt, anh nghe thấy một giai điệu mượt mà, êm ái. Giọng Thu Hà, anh nhận ra ngay. Bài hát “Trái tim người lính” của Tuấn Phương mà anh yêu thích, Thu Hà hát còn hay hơn cả ca sĩ Ngọc Anh:
Có người… ra đi một ngày đầy nắng…
Và gió hát mãi… mênh mang lời yêu thương…
Có người… đêm đêm ngóng theo từng cơn mưa về
Nỗi mong chờ khát khao…

Có người… ra đi không hẹn ngày mai
Để gió hát mãi thênh thang lời yêu thương
Có người… chờ ai ngóng theo từng cơn mưa về
Nỗi mong chờ khát khao…
Một trái tim yêu người lính… mang cả trởi xanh…
Ngọn gió mang theo tình em… nơi quê nhà chờ mong…
Anh hi sinh suốt đời… cho yên bình lời hát ru…
Lúa vẫn thơm trên đồng… và cánh cò bay mỗi chiều…

Lời hát theo chân người đi… chiến trường xa lắm
Và gió mang theo tình em… nơi quê nhà chờ mong…
Anh hi sinh suốt đời… cho yên bình lời hát ru
Như khúc sông bên lở… để mãi phù sa bãi bờ…

Tiếng vỗ tay rào rào vang lên. Sau đó là một giọng nam sinh:
-   Cảm ơn phần thi năng khiếu của bạn Lê Thu Hà, thí sinh đến từ Đại học Ngoại thương. Bạn mang đến cho chúng tôi bài hát này hẳn là có lí do. Trong đêm thi hôm nay cũng có khá nhiều học sinh trường Hà Nội – Amsterdam và Đại học Ngoại thương, những người biết rõ câu chuyện tình yêu của bạn với bạn Lương Viết Sơn – thủ khoa Học viện Phòng không – Không quân năm 2012. Đêm nay bạn Sơn có hiện diện ở đây để cổ vũ cho bạn không?
-   Dạ, thưa không. – Giọng Thu Hà hơi trầm
-   Vậy sau đây là câu hỏi ứng xử cho bạn Lê Thu Hà: Bạn nghĩ sao về việc người yêu của bạn không có mặt trong đêm nay?
-   Kính thưa ban giám khảo và toàn thể khán giả - Thu Hà nói dứt khoát sau một thoáng bối rối – Đêm nay, đáng lẽ anh Sơn sẽ đến đưa tôi đi dự thi chung kết. Nhưng một nhiệm vụ đột xuất đã buộc anh phải đi. Điều này cũng khá thường xuyên. Dù là thời bình nhưng với nhiệm vụ của người lính, anh nhiều khi phải lỡ hẹn với tôi. Những chiều thứ bảy, khi các sinh viên khác dập dìu sóng đôi ngoài đường phố, thì tôi lại không có anh ở bên. Những lúc đó, chỗ của anh là trong xe điều khiển tên lửa. Đương nhiên tôi cũng buồn, cũng tủi thân lắm chứ. Nhưng rồi tôi hiểu và tự an ủi mình: Anh Sơn đang sống cho lí tưởng của mình, lí tưởng bảo vệ Tổ quốc. Hai người yêu nhau là cùng nhìn về một hướng, tôi nhìn về phía anh, nhìn lên bầu trời Việt Nam đang thanh bình nhờ những người như anh. Và tôi hạnh phúc. Tôi đã bị ấn tượng về tính cách, niềm đam mê và ước mơ rất vô tư của anh ngay từ lần đầu gặp mặt. Vậy là đã đủ cho một tình yêu. Khi yêu anh, tôi sẵn sàng chấp nhận tất cả. Anh không có mặt ở đây, nhưng tôi tin anh luôn yêu và dõi theo tôi như tôi đã yêu anh.
Tiếng vỗ tay nổ tung cả khán đài. Thu Hà hạnh phúc nhận vương miện Hoa hậu. Và cô khóc…
Những hình ảnh hiện rõ mồn một trên màn hình TV trong phòng. Đó là băng thu hình cuộc thi được Hải mượn của ban tổ chức. Sơn khẽ động đậy ngón tay. Hai khóe mắt anh chảy ra những giọt nước mắt trong veo.
Thu Hà ơi, đã mất bốn năm anh đi tìm câu trả lời cho mình, về những gì sẽ đến sau câu nói yêu em ngày xưa. Và giờ thì anh đã hiểu, cảm ơn em, Thu Hà!
Sáng hôm sau, Sơn đã có thể đi lại được. Sức khỏe hồi phục nhanh chóng. Vết đâm không chí mạng, nhưng chẳng hiểu sao Sơn nằm lịm mất mấy ngày. Anh cho là duyên số. Đúng là Tái Ông thất mã, cũng nhờ vụ bị đâm này mà anh nhận ra được một chân lí của cuộc đời mình.

Logged
Trang: 1 2 3 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM