Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:55:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Địa đạo Củ Chi và những cạm bẫy của chiến sĩ du kích Việt Nam.  (Đọc 27976 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nguyenhoangcema
Thành viên
*
Bài viết: 2087


AK 47


« Trả lời #10 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2012, 10:20:50 am »


Bẫy bằng đạn bắn thẳng; một cái ống tre, cắm vào một miếng sắt có một cái vấu như kim hỏa, một cái lò xo bút bi và viên đạn. Chôn bẫy đó trên đường mòn, khi GIS dẫm chân lên, viên đạn đi xuống phía dưới và chạm vào kim hỏa vấu. Nhẹ thì đạn xuyên qua bàn chân, bị thương nặng hơn có thể là cả chân hoặc tử vong.


 

Bẫy lựu đạn: Quả lựu đạn mỏ vịt được rút chốt và nhét vào ống bơ sữa bò hoặc ống tre, buộc ngang trong bụi rậm hoặc ngâm trong vũng nước bùn lầy hay kênh, rạch. Khi lính thủy đánh bộ hoặc biệt kích, lính bộ binh đi qua gạt vào sơi dây, quả lựu đạn bung ra. Kết quả thật sự rất dễ hiểu đối với nhóm binh sĩ không may mắn.

Nguồn http://www.quocphonganninh.edu.vn/tabid/194/catid/540/item/1967/dia-dao-cu-chi-va-nhung-cam-bay-cua-chien-si-du-kich-viet-nam.aspx
Logged

Việt Nam long live
(Sống ở trên đời chả sợ, thì sợ gì chết. Chết đã không sợ thì... ngoài vợ ra còn sợ cái gì nữa.)
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #11 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2012, 10:27:30 am »

Bạn sửa giúp lại chú thích hình vẽ và ảnh chụp sở chỉ huy du kích Củ Chi trong xe tank M48 thành M41 được không ?
Logged
nguyenhoangcema
Thành viên
*
Bài viết: 2087


AK 47


« Trả lời #12 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2012, 10:34:49 am »

Bạn sửa giúp lại chú thích hình vẽ và ảnh chụp sở chỉ huy du kích Củ Chi trong xe tank M48 thành M41 được không ?

Cảm ơn bác nhiều nhé  Grin Grin Grin đã sửa bài. Còn ảnh em đang nhờ kỹ thuật sửa lại ảnh.
Logged

Việt Nam long live
(Sống ở trên đời chả sợ, thì sợ gì chết. Chết đã không sợ thì... ngoài vợ ra còn sợ cái gì nữa.)
nguyenhoangcema
Thành viên
*
Bài viết: 2087


AK 47


« Trả lời #13 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2012, 10:41:19 am »

Giương bẫy bị sập bẫy

Đầu năm 1966, quân Mỹ đưa Sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới” thiện chiến và nổi tiếng tàn bạo đến lập căn cứ Đồng Dù, sát nách hệ thống địa đạo Bến Đình, nơi đặt căn cứ của Huyện ủy Củ Chi và phối hợp với đồn bốt xung quanh, đặc biệt là huyện lỵ Củ Chi, tạo thế bao vây khống chế toàn bộ căn cứ. Cũng thời điểm này, chúng tung Sư đoàn 1 bộ binh “Anh Cả đỏ” thực hiện cuộc hành quân mang tên Crimp (cái bẫy), càn quét đánh phá ác liệt với mục tiêu hủy diệt toàn bộ lực lượng Khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn ở địa đạo Bến Dược.


Du kích Củ Chi chiến đấu chống càn của địch. Ảnh tư liệu.

Rạng sáng 8-1-1966, quân Mỹ phối hợp không quân, xe tăng, pháo binh, đưa 12.000 quân tiến hành cuộc hành quân “Cái bẫy” nhằm tiêu diệt lực lượng của ta, phá vỡ cơ sở cách mạng và xóa bỏ vùng địa đạo Củ Chi, vốn là “cái gai” trong mắt địch.

Nắm được ý đồ của địch, Bộ tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn chuẩn bị kỹ cho cuộc chiến đấu, xây dựng kế hoạch đánh địch và phòng ngự cụ thể, có tính đến các phương án địch sử dụng các thủ đoạn thâm độc như ném bom đánh phá, tung hơi ngạt và bơm nước vào các đường hầm. Các đơn vị bộ đội, du kích thực hiện từng ngóc ngách địa đạo, dưới mỗi gốc cây, ụ đất, bìa rừng..., mỗi nơi là một ổ đề kháng; dùng cách đánh địch thoắt ẩn thoắt hiện, xuất quỷ nhập thần, bắt đầu từ lòng đất được nhân rộng ra trên toàn chiến trường, làm cho quân Mỹ bị bất ngờ, hoang mang, mất ý chí chiến đấu.

Địch dùng bom rải thảm, nhưng hệ thống địa đạo liên hoàn như “mạng nhện” trong lòng đất, khiến địch không thể chọn được vị trí chính xác của quân ta để đánh phá. Khi địch dùng máy bơm nước vào lòng địa đạo, ta tổ chức khơi thông cửa ngõ của địa đạo ra lòng sông Sài Gòn, vì thế các trận địa của ta vẫn vững vàng.

Sau 11 ngày chiến đấu, dù địch có giương bẫy để tiêu diệt sở chỉ huy và bộ đội, du kích ta, nhưng chúng đã bị sập bẫy bố trí phòng ngự liên hoàn của ta. Trong chiến dịch này, địch bị thiệt hại nặng nề, hàng trăm tên bị tiêu diệt, 77 xe tăng và thiết giáp bị phá hủy, 84 máy bay bị bắn rơi.

Nguồn http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/301/302/302/165900/Default.aspx
Logged

Việt Nam long live
(Sống ở trên đời chả sợ, thì sợ gì chết. Chết đã không sợ thì... ngoài vợ ra còn sợ cái gì nữa.)
nguyenhoangcema
Thành viên
*
Bài viết: 2087


AK 47


« Trả lời #14 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2012, 10:47:35 am »

Anh hùng “mìn gạt”


Anh hùng LLVT nhân dân Tô Hoài Đức.

Chúng tôi gặp cựu chiến binh, Trung tá Tô Hoài Đức từ “Đất thép Củ Chi” ra Thái Nguyên dự kỉ niệm 60 năm các thế hệ Thiếu sinh quân Việt Nam. Câu chuyện ông kể về đánh xe tăng Mỹ-ngụy bằng mìn tự chế từ vũ khí thu được của địch thực sự làm chúng tôi thán phục. Những quả mìn “thủ công” đó góp phần giúp quân và dân Củ Chỉ đánh thắng những vũ khí hiện đại của địch.

Như nhiều chàng trai, cô gái “Đất thép thành đồng”, ông sớm giác ngộ cách mạng, tham gia du kích từ khi mới 13 tuổi (năm 1960) và hai năm sau nhập ngũ trực tiếp chiến đấu. Ông được biết đến như người có “biệt tài” sáng chế vũ khí. Loại mìn do ông sáng chế có tên là mìn “gạt”, làm từ những vũ khí của Mỹ-ngụy, góp phần tạo nên phong trào giết giặc rộng khắp, gây khiếp sợ cho chúng.

Ông kể với chúng tôi giọng đầy tự hào:

- Thời bấy giờ du kích Củ Chi thiếu vũ khí lắm, tôi có chút nghề thợ máy ô tô, nên được điều về xưởng sản xuất vũ khí, mà thực chất là một lò rèn. Ban đầu, tôi mượn cán bộ quân giới hai trái mìn cán của Liên Xô về tìm hiểu, sau đó mang đi đánh thử xe tăng. Tuy nhiên, nhược điểm của loại mìn này là khi xe tăng cán lên mới gây nổ. Tôi bèn tìm cách dùng thuốc từ những trái đạn, quả bom chưa nổ để làm mìn đánh xe tăng, “chế” bộ điểm hỏa gắn vào và chừa một lỗ nhỏ để cắm chiếc que dài. Làm xong, tôi mang mìn đi cài đánh thử và đánh thắng ngay lần đầu. Loại mìn này chỉ cần xe tăng chạy qua, “gạt” nhẹ vào chiếc que là nổ ngay.

Quân và dân Củ Chi dùng mìn “gạt” để đánh xe tăng, tàu chiến Mỹ và cả lính bộ binh đi càn, máy bay đổ bộ nữa… Chỉ cần biết được những vị trí địch có thể tập trung quân, máy bay có thể đổ quân, cài sẵn mìn ở đó và chờ kết quả. Hiệu quả của mìn “gạt” giúp quân và dân Củ Chi càng hăng hái thi đua giết giặc, đánh xe tăng địch.

Ông Đức còn sáng chế súng côn bán tự động và giàn phóng lựu đạn, phóng bom bi khá đơn giản mà hiệu quả, gây thương vong lớn cho địch…

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã tiêu diệt 53 lính Mỹ, 13 xe tăng-thiết giáp các loại, cùng với hai đồng đội đánh chìm một tàu tiếp tế hậu cần lớn của Mỹ-ngụy trên sông gần ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, Củ Chi, gây chấn động dư luận Sài Gòn lúc bấy giờ. Tháng 9-1967, ông vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ông trở về xã Nhuận Đức Củ Chi làm vườn, lập trang trại. Hai người con đầu của ông đều trưởng thành, công tác tại địa phương, con gái út năm 2009 thi đỗ 3 trường đại học và được bố “thưởng” chuyến du lịch ra Bắc cùng ông trong dịp kỉ niệm 60 năm truyền thống Thiếu sinh quân Việt Nam.

Nguồn http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/230/233/233/98292/Default.aspx
Logged

Việt Nam long live
(Sống ở trên đời chả sợ, thì sợ gì chết. Chết đã không sợ thì... ngoài vợ ra còn sợ cái gì nữa.)
nguyenhoangcema
Thành viên
*
Bài viết: 2087


AK 47


« Trả lời #15 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2012, 10:50:24 am »

Chặn xe địch bằng...trâu

Khoảng giữa năm 1964, trước sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ tăng cường cố vấn quân sự và đưa nhiều sĩ quan sang trực tiếp huấn luyện cho quân đội ngụy Sài Gòn. Quân ngụy có sự giúp đỡ của Mỹ tiến hành nhiều cuộc càn quét vùng nông thôn ven đô, trong đó có khu vực huyện Củ Chi (Sài Gòn-Gia Định). Chúng hống hách, dọa nạt dân, khiến ai cũng căm tức. Du kích Củ Chi lập kế hoạch, tổ chức những trận đánh táo bạo diệt Mỹ-ngụy.

Ngày 10-7-1964, chiếc xe Jeep chở một cố vấn Mỹ và bốn sĩ quan ngụy quyền chạy trên đường đi từ xã Phước Hiệp đến xã Tân An Hội. Chúng bỏ mui trần quan sát xung quanh, chuẩn bị cho cuộc càn quét lớn. Bất ngờ đến đoạn đường xã Tân Phú Trung, một đàn trâu nghênh ngang đi ra chắn đường. Lái xe bóp còi inh ỏi, bọn cố vấn Mỹ và sĩ quan ngụy la hét om sòm. Chúng buộc phải dừng xe, dọa bắn bỏ ai thả trâu ra chặn đường.

Giữa lúc bọn địch đang tức tối với đàn trâu chặn đường thì du kích ta đã áp sát, ném lựu đạn trúng vào trong  xe. Chiếc xe nổ tung, tên Mỹ và bốn sĩ quan ngụy chết tại chỗ. Du kích Củ Chi thu toàn bộ vũ khí và tài liệu của địch. Khi mấy chiếc xe của địch đến tiếp viện thì du kích đã rút lui an toàn. Đàn trâu cũng chạy tản ra cánh đồng xung quanh ung dung gặm cỏ.

Nguồn http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/124/124/124/98727/Default.aspx
Logged

Việt Nam long live
(Sống ở trên đời chả sợ, thì sợ gì chết. Chết đã không sợ thì... ngoài vợ ra còn sợ cái gì nữa.)
nguyenhoangcema
Thành viên
*
Bài viết: 2087


AK 47


« Trả lời #16 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2012, 11:06:46 am »

Củ Chi đất thép, gắn với 10 bài học đánh Mỹ

10 bài học đánh Mỹ rút ra tại Hội nghị tổng kết kinh nghiệm chiến tranh nhân dân trên địa bàn huyện Củ Chi do Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Gia Định tổ chức ngày 7-2-1965 đó là:

1. Ai cũng đánh được Mỹ.
2. Vũ khí gì cũng đánh được Mỹ.
3. Nhiều cũng đánh, ít cũng đánh; một người, một tổ chức cũng đánh và đều đánh thắng.
4. Ở đâu cũng đánh được Mỹ, đánh ở rừng, ở xóm, ở ấp chiến lược, ở đầm lầy. Chỉ cần tích cực bám địch, tìm địch mà đánh là được.
5. Ngày cũng đánh, đêm cũng đánh được Mỹ, vì cả ngày và đêm Mỹ đều có sơ hở, nhược điểm.
6. Đánh địch phản công là cơ hội tốt để ta diệt chúng.
7. Đánh ở cả tiền tuyến, đánh cả ở hậu phương địch, đánh đều khắp, càng làm cho giặc Mỹ bối rối, bị động, ta diệt địch càng dễ dàng hơn.
8. Đánh cả trong xã, ấp chiến đấu và ngoài xã, ấp chiến đấu, chỉ cần nâng cao quyết tâm tìm Mỹ mà đánh, tìm Mỹ mà diệt.
9. Có khả năng đánh thắng các loại binh chủng Mỹ.
10. Đánh bằng võ trang, đánh bằng chính trị, đánh bằng binh vận.


10 bài học này được phổ biến rộng rãi trong quân và dân Sài Gòn Gia Định lúc bấy giờ. Nhưng điều đáng quý là nó còn phổ cập trong nhiều địa bàn, làm cho phong trào “Tìm Mỹ mà diệt” phát triển trong toàn Miền, góp phần phá sản cuộc chiến tranh cục bộ mà Mỹ đã thực hiện.

Khu di tích địa đạo Củ Chi cách trung tâm TP.Hồ Chí Minh 70km về phía Tây Bắc, là khu di tích gắn liền với những chiến công vang dội của cha ông trong thời chiến tranh khốc liệt. Khu di tích này là quần thể công trình như địa đạo Bến Đình, địa đạo Bến Dược, vùng giải phóng, đền Bến Dược, nhà văn bia… tái hiện và trưng bày nhiều hiện vật, hình ảnh về sinh hoạt của nhân dân Củ Chi trước, trong và sau cuộc kháng chiến chống Mỹ… Địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ XX và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới. Củ Chi đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng”.
Địa đạo Củ Chi là cách gọi chung của các hệ thống địa đạo khác nhau, được hình thành từ khoảng thời gian 1946-1948, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Thời gian này, quân dân hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An đã đào những đoạn hầm ngắn, cấu trúc đơn giản dùng để ẩn nấp, cất giấu tài liệu, vũ khí. Cũng có ý kiến cho rằng việc đào địa đạo khởi đầu do dân cư khu vực này tự phát thực hiện vào năm 1948. Cư dân khu vực đã đào các hầm, địa đạo riêng lẻ để tránh các cuộc bố ráp càn quét của quân đội Pháp và để cung cấp nơi trú ẩn cho quân Việt Minh. Mỗi làng xây một địa đạo riêng, sau đó do nhu cầu đi lại giữa địa đạo các làng xã, hệ thống địa đạo đã được nối liền nhau tạo thanh một hệ thống địa đạo liên hoàn, phức tạp, về sau phát triển rộng ra nhiều nơi, nhất là 6 xã phía Bắc Củ Chi và cấu trúc các đoạn hầm, địa đạo được cải tiến trở thành nơi che giấu lực lượng, khi chiến đấu có thể liên lạc, hỗ trợ nhau.

Trong thời gian 1961–1965, các xã phía Bắc Củ Chi đã hoàn thành tuyến địa đạo trục gọi là "xương sống", sau đó các đoàn thể, cơ quan, đơn vị phát triển địa đạo nhánh ăn thông với tuyến trục hình thành những địa đạo liên hoàn giữa các ấp, các xã và các vùng. Bên trên mặt đất, quân dân Củ Chi còn đào cả một vành đai giao thông hào chằng chịt nối kết với địa đạo, lúc này địa đạo chiến đấu cũng được đào chia thành nhiều tầng, nhiều ngõ ngách. Ngoài ra, bên trên địa đạo còn có rất nhiều ụ chiến đấu, bãi mìn, hố đinh, hầm chông... được bố trí thành các cụm liên hoàn tạo ra trận địa vững chắc trong thế trận chiến tranh du kích, gọi là xã chiến đấu.
Đến năm 1965, có khoảng 200 km địa đạo đã được đào. Về quy mô, hệ thống địa đạo có tổng chiều dài toàn tuyến là trên 200 km, với 3 tầng sâu khác nhau, tầng trên cách mặt đất khoảng 3 m, tầng giữa cách mặt đất khoảng 6 m, tầng dưới cùng sâu hơn 12 m. Lúc này, địa đạo không chỉ còn là nơi trú ẩn mà đã trở thành nơi sinh sống, cứu thương, hội họp, kho chứa vũ khí...
Địa đạo được đào trên một khu vực đất sét pha đá ong nên có độ bền cao, ít bị sụt lở. Hệ thống địa đạo nằm sâu dưới lòng đất, có thể chịu được sức công phá của các loại bom tấn lớn nhất của quân đội Mỹ. Không khí được lấy vào địa đạo thông qua các lỗ thông hơi. Các khu vực khác nhau của địa đạo có thể được cô lập khi cần (bị hơi ngạt, bơm nước).
Cuộc sống dưới địa đạo
Cuộc sống dưới địa đạo thiếu ánh sáng, ẩm ướt và nóng bức và điều kiện vệ sinh kém nên hầu như đa số những người sống ở địa đạo đều bị ký sinh trùng, bạc da và các bệnh về xương. Ngoài ra, việc thiếu thốn lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cũng là vấn đề lớn nhất của cư dân địa đạo.
Sự tấn công của quân đội Mỹ Nguỵ vào địa đạo
Quân đội Mỹ và Nguỵ đã liên tục tấn công vào hệ thống địa đạo bằng đủ phương tiện: bom, bơm nước vào địa đạo, hơi ngạt... nhưng do hệ thống địa đạo được thiết kế có thể cô lập từng phần nên bị hư hại không nhiều. Quân đội Mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp để phát hiện các cửa vào (được ngụy trang) và phát hiện các cửa thông gió (thường được đặt giữa các bụi cây). Biện pháp hữu hiệu nhất là sử dụng chó nghiệp vụ. Ban đầu có một số cửa vào và lỗ thông gió bị chó nghiệp vụ phát hiện do chó ngửi được hơi người. Tuy nhiên, sau đó, những người ở dưới địa đạo đã dùng xà phòng của Mỹ đặt ở cửa hầm và cửa thông gió nên chó nghiệp vụ không thể phát hiện ra.

Hệ thống địa đạo này đã phát huy tác dụng trong phong trào diệt Mỹ, chống càn, giành nhiều thắng lợi vang dội. Khiến Mỹ Nguỵ điên cuồng, tức tối, về một miền đất cách Sài Gòn không xa. Nơi các đoàn công tác của Quân giải phòng ra, vào, chuẩn bị cho các chiến dich ven Sài Gòn. Củ Chi biểu tượng của sức sống bất diệt cuộc chiến tranh nhân dân.

Nguồn http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/118/118/118/31681/Default.aspx
Logged

Việt Nam long live
(Sống ở trên đời chả sợ, thì sợ gì chết. Chết đã không sợ thì... ngoài vợ ra còn sợ cái gì nữa.)
nguyenhoangcema
Thành viên
*
Bài viết: 2087


AK 47


« Trả lời #17 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2012, 11:13:30 am »

Diệu kỳ "đất thép"

Củ Chi- "đất thép thành đồng" nằm cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30km về phía Tây Bắc, nơi đây một thời là nỗi kinh hoàng cho quân xâm lược Pháp và Mỹ bởi những "làng ngầm" trong lòng đất, nơi ghi dấu những chiến tích diệu kỳ của quân và dân ta.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, các chiến sĩ cách mạng ẩn náu dưới những căn hầm bí mật trong vùng địch hậu, được nhân dân che chở, bảo vệ nên họ vẫn chiến đấu tiêu diệt kẻ thù mà ít bị chúng phát hiện. Tuy nhiên, nhược điểm chí mạng của những căn hầm bí mật ấy là nếu bị lộ sẽ không có lối thoát. Để khắc phục nhược điểm trên, quân và dân Củ Chi đã tìm ra giải pháp kéo dài những căn hầm bí mật nối thông nhau và trổ lên mặt đất bằng nhiều cửa kín để vừa trú ẩn, vừa đánh địch và khi cần có thể thoát khỏi chỗ nguy hiểm đến nơi an toàn.

Địa đạo ra đời từ đó và trở thành "làng ngầm" đánh địch trong lòng đất, bao gồm hệ thống địa đạo chạy ngoắt ngoéo như mạng nhện, tổng chiều dài khoảng 250km, có các đường "xương sống" tỏa ra vô số nhánh dài, ngắn, thông với nhau hoặc độc lập chấm dứt tùy theo địa hình, có nhiều nhánh tỏa ra sông Sài Gòn để khi nguy cấp có thể vượt sông sang vùng căn cứ Bến Cát (Bình Dương). Liên hoàn trong địa đạo có cả các hầm rộng nghỉ ngơi sau chiến đấu, có nơi dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm, giếng nước, bếp Hoàng Cầm, phòng làm việc của chỉ huy, hầm nuôi dưỡng thương binh, hầm chữ A vững chắc… Tất cả đã làm nên nghệ thuật quân sự độc đáo, một "làng ngầm" bền vững ở Củ Chi. Vì thế, các hoạt động dường như vẫn diễn ra bình thường trong lòng đất và "cuộc chiến trong lòng đất" đã khiến kẻ thù bao phen khiếp sợ.

Đến Củ Chi, ngoài hệ thống địa đạo, chúng tôi còn được nghe giới thiệu về các làng chiến đấu trên mặt đất nhằm ngăn cản bước tiến của quân thù. Ông Huỳnh Văn Chịa (Năm Chịa)-cố vấn Ban giám đốc khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, người trực tiếp tham gia đào và chiến đấu trong địa đạo nhiều năm, kể lại: Các làng chiến đấu được Mỹ-ngụy coi là các "bãi tử địa" vì xung quanh làng đều bố trí hệ thống chông nổi, chông chìm, hố đinh, mìn chống tăng, thủ pháo, lựu đạn… Riêng lối cổng làng để ngỏ phía ngoài, vào sâu bên trong là hàng loạt các hố chông kẹp nách mà chỉ người trong làng mới tránh được. Ròng rã nhiều năm, Củ Chi-cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn luôn tạo nên những bất ngờ khiến quân thù hoang mang, lo sợ.

Không chỉ chúng tôi mà rất nhiều du khách đến Củ Chi đều chưa hiểu khối lượng đất đào lên của hơn 250km địa đạo được chuyển đi đâu để đối phương không phát hiện ra? Ông Năm Chịa giải thích: "Với hơn 500.000 tấn bom, đạn đã trút xuống Củ Chi, tính trung bình cứ 1m2 đất nơi đây gánh chịu 3kg mảnh bom, đạn và 1,24g chất độc hóa học, trong đó chất độc đi-ô-xin… Chỗ nào ở Củ Chi cũng có hố bom, hố pháo và chính những hố bom, hố pháo ấy được quân-dân ta lợi dụng đổ đất; nếu chưa hết thì cưa những trái bom không nổ gom lại lấy thuốc, sau đó dùng dây kích nổ tạo nên những hố bom giả để đổ bằng hết số đất dư. Còn những nơi gần sông, suối thì đổ ra sông… Cứ như vậy, cả làng vừa chiến đấu, vừa đào địa đạo, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra chẳng khác gì trên mặt đất". Quả là một nét độc đáo trong nghệ thuật quân sự, một kỳ quan đánh giặc có một không hai, thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của vùng "đất thép", một biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Hệ thống địa đạo, "bãi tử địa" và các làng chiến đấu đã giành thắng lợi to lớn trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Theo thống kê, quân và dân Củ Chi đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 20 nghìn tên địch, bắn rơi 256 máy bay, phá hủy hơn 5 nghìn xe tăng, xe thiết giáp và nhiều phương tiện chiến tranh khác. Huyện Củ Chi vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, được Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tặng danh hiệu "Đất thép thành đồng", 13 xã và 28 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, 715 Mẹ Việt Nam anh hùng, 1.800 dũng sĩ diệt Mỹ...

Giờ đây "vùng trắng" bị hủy diệt đã hồi sinh. Đường nhựa chạy thẳng vào khu di tích; bao quanh vùng địa đạo năm xưa là ruộng vườn xanh tươi cùng những xóm làng đông vui, sầm uất. Khu căn cứ địa đạo Củ Chi xứng đáng là Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia, trở thành nơi giáo dục truyền thống của các thế hệ người Việt Nam và sự kính phục của bạn bè thế giới. Khu Đền tưởng niệm liệt sĩ và đồng bào được tạo dựng trở thành quần thể kiến trúc hiện đại, trang nghiêm, ghi danh 44.357 liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Sài Gòn-Gia Định trong các cuộc kháng chiến giải phóng và làm nghĩa vụ quốc tế.

Rời Củ Chi khi bóng chiều sắp ngả, tôi vẫn nghe vang vọng lời hô "Xin thề" trong lễ kết nạp Đoàn, Đội của các thanh, thiếu niên. Thoảng đâu đây mùi hương thơm ngát, thành kính tỏa ra từ Đền tưởng niệm Bến Dược thiêng liêng như muốn níu chân du khách. Trong tôi dâng trào niềm xúc động xen lẫn tự hào về vùng đất "Thành đồng Tổ quốc". Chúng tôi càng hiểu thêm về sự vĩ đại, phi thường, độc đáo từ trong chính những đường hầm bình dị, dọc ngang dưới lòng đất.

Nguồn http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/10/10/49/6562/Default.aspx
Logged

Việt Nam long live
(Sống ở trên đời chả sợ, thì sợ gì chết. Chết đã không sợ thì... ngoài vợ ra còn sợ cái gì nữa.)
nguyenhoangcema
Thành viên
*
Bài viết: 2087


AK 47


« Trả lời #18 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2012, 11:18:04 am »

Củ Chi – Địa chỉ đỏ về nguồn

Giữa những ngày Tháng Tám lịch sử, trở về thăm Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, tôi thực sự ngỡ ngàng về sự đổi thay nơi đây.
Từ “khu tái hiện vùng giải phóng”...

Đền Bến Được, Củ Chi

Khu tái hiện vùng giải phóng có diện tích hơn 38ha, nằm trong Khu di tích lịch sử địa đạo – Bến Dược, được phân chia thành nhiều không gian, mô phỏng các giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở nơi “Đất thép Thành Đồng”. Dẫn chúng tôi đi tham quan, anh Trịnh Kim Hiệp giới thiệu khá cụ thể: Khu vực này gồm 5 không gian, trong đó khu điều hành và vùng giải phóng đã đưa vào sử dụng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm. Các không gian còn lại như Ấp chiến lược, Vùng tranh chấp và Vành đai diệt Mỹ đang triển khai xây dựng, sắp đưa vào sử dụng. Bên cạnh các không gian thời chiến tranh, sẽ lồng ghép không gian thời bình với các hoạt động vui chơi giải trí như khu sinh hoạt cắm trại, vườn cây ăn trái và “Đêm chiến khu”…
Khu điều hành và giới thiệu về Củ Chi là nơi đón tiếp khách đến tham quan Khu di tích lịch sử địa đạo. Khi đến đây, du khách sẽ được xem phim tư liệu và ảnh giới thiệu “Vùng tam giác sắt”.
Toàn bộ không gian “Vùng giải phóng” đều được phủ xanh. Hai bên con đường đất đỏ là những hàng tre, tầm vông cao vút, tỏa bóng che mát. Là người Việt Nam đi trên con đường này ai cũng nhớ về nét đặc trưng của làng quê Việt Nam. Nhiều người thầm hát: “Làng tôi xanh bóng tre...”.
Đến với “Vùng giải phóng”, chúng ta như được trở về quá khứ hào hùng của một thời quân và dân Củ Chi cùng với hầm chông, địa đạo chằng chịt như trận đồ bát quái đã làm kẻ thù nhiều phen khiếp sợ. Mỗi không gian trong “Vùng giải phóng” đều tương ứng với từng giai đoạn lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Ở không gian đầu tiên (giai đoạn 1960 - 1964) giới thiệu cuộc sống của đồng bào sau phong trào Đồng Khởi, khí thế cách mạng đang dâng cao. Sống trong vùng mới giải phóng tuy còn nhiều khó khăn, địch luôn đe dọa, bắt bớ, tù đày nhưng đồng bào Củ Chi vẫn lạc quan, hăng hái tham gia các phong trào cách mạng để xây dựng xóm làng, tăng gia sản xuất với các ngành nghề truyền thống. Bên trong “Vùng giải phóng” là một không gian yên ả, có ngôi trường, phiên chợ quê, chùa chiền... Tất cả hiện lên như một sự thách thức với chiến tranh ác liệt.
Đến với “Vùng giải phóng”, người xem hiểu thêm không khí sinh hoạt thời chiến của quân dân Củ Chi với ngôi nhà của bí thư khu ủy, của bí thư chi bộ xã ẩn dưới hàng cau cao vút. Trong nhà, các cán bộ dân quân du kích mặc bộ đồ bà ba đen quấn khăn rằn đang họp bàn những chuyện cơ mật.
Tiếp đến không gian "Vùng trắng" là "Vùng tự do", nơi kẻ thù ngày đêm sử dụng chất độc hóa học, bom rải thảm… chà đi xát lại phá sạch, đốt sạch, giết sạch. Bao nhiêu nhà cửa, ruộng vườn bị tàn phá, bao nhiêu con người bị sát hại. Trong sự tàn phá ác liệt ấy, chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh những người dân kiên cường bám trụ xóm làng gắn liền với địa đạo, hầm chông chiến đấu, hầm sản xuất vũ khí… Hình ảnh ngôi nhà tranh xiêu vẹo, trạm quân y chăm sóc thương binh đã phản ánh phần nào sự ác liệt của chiến tranh. Cảnh làng quê yên ả, thanh bình phút chốc tan biến. Chỉ còn lại âm thanh hung dữ của bom đạn, tiếng khóc thét của trẻ thơ và hình ảnh tang thương của chết chóc... Dù chưa phải là tất cả, song đó là bức tranh thu nhỏ của cuộc kháng chiến chống Mỹ mà dân tộc ta đã trải qua, đúng như lời văn bia đá khắc ghi tại Đền Bến Dược:
“Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn,
Ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường”.
... Đến công trình “Hồ cảnh quan mô phỏng biển Đông”
Công trình “Hồ cảnh quan mô phỏng biển Đông” đang đi vào giai đoạn 2 có diện tích gần 7ha. Đây là hồ nhân tạo. Chi phí đầu tư cho giai đoạn 1 là 11 tỷ đồng, gồm công trình máy bơm nước từ sông Sài Gòn vào hồ, cây xanh và đường đi ven hồ. Trong giai đoạn 2 sẽ thi công các hạng mục như cải tạo đường đi, chống thấm lòng hồ, hệ thống thắp sáng, hệ thống tưới nước tự động và hệ thống đường điện ngầm.
Dọc đường đi ven hồ sẽ thiết kế 3 công trình kiến trúc tiêu biểu đặc trưng của ba miền: chùa Một Cột (Hà Nội), Ngọ Môn (Huế), bến cảng Nhà Rồng (Thành phố Hồ Chí Minh). Hồ được thiết kế liên hoàn với công trình “Rừng ba miền”. Gọi là rừng ba miền vì mỗi khu vực sẽ trồng những loại cây đặc trưng từng miền: miền Bắc trồng cây bằng lăng nước, móng bò…; miền Trung trồng cây chiêu liêu, chai, dầu song nàng…; miền Nam trồng cây dừa, trôm mủ, bứa, thốt nốt… Diện tích rừng ba miền là 4,6ha có hình dáng nước Việt Nam thu nhỏ nằm liền kề biển Đông.
Dãy Trường Sơn hùng vĩ như chiếc đòn gánh của hai miền Nam - Bắc, gợi nhớ những năm tháng hào hùng:
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Không bao lâu nữa, một Trường Sơn thu nhỏ hiện rõ trên công trình, ta sẽ thấy núi rừng trùng điệp nhấp nhô, cây bạt ngàn thay lá, đổi sắc theo mùa. Từng đoàn quân nối theo nhau ra trận như dòng sông chảy dài bất tận. Chân cứng đá mềm, bắt sông rẽ nước, bắt núi cúi đầu. Trường Sơn giang cánh tay đón các anh bước vào đường mòn Hồ Chí Minh, con đường huyết mạch bắt nguồn từ miền Bắc - hậu phương lớn.
Những công trình “Hồ cảnh quan mô phỏng biển Đông”, “Rừng ba miền”, "Khu tái hiện vùng giải phóng" nhắc nhở chúng ta về quá khứ hào hùng của dân tộc. Các công trình này rất có ý nghĩa trong việc giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, khắc ghi công lao to lớn của các thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hòa bình, hạnh phúc của nhân dân. Trách nhiệm của chúng ta là phải biết trân trọng, giữ gìn và phát huy những truyền thống quý báu ấy. Trước khu di tích lịch sử này, mọi người như thấy âm vang lời Bác dạy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Nguồn http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/56/56/57/70/Default.aspx
Logged

Việt Nam long live
(Sống ở trên đời chả sợ, thì sợ gì chết. Chết đã không sợ thì... ngoài vợ ra còn sợ cái gì nữa.)
Trang: « 1 2   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM