Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:15:29 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường số 4 rực lửa - Đặng Văn Việt  (Đọc 41614 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #30 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2022, 10:59:54 am »

*
*    *

   Qua trinh sát, tôi đã nắm chắc quy luật đi lại của địch. Dạo này nhịp điệu vận chuyển của chúng thưa hơn. Nhưng đã đi thì đi hẳn những chuyến lớn hàng trăm xe, bố phòng rất chu đáo, rất tinh vi, tỉ mỉ và không tiếc đạn pháo lúc cần. Thông thường, chúng xuất phát từ Tiên Yên - Khe Tù chạy đến Lạng Sơn, nghỉ lại chờ và nghe ngóng. Từ Lạng Sơn chúng chỉ đi đến Thất Khê, dừng lại một đêm. Hôm sau, hoặc có thể muộn hơn mới đi tiếp chặng lên Cao Bằng. Từng chặng có bộ binh dọn đường, bố trí quân án ngữ bảo vệ. Kiểu cách như sau :

      Tờ mờ sáng, địch dùng một tiểu đoàn Âu - Phi mở đường. Tới đèo Bông Lau, chúng rẽ trái, leo lên dãy núi Phau Pia, dàn quân chiếm lĩnh mười một mỏm cao trên đỉnh núi. Chúng đào công sự dã chiến, bố trí hoả lực nhằm về hướng Đông Bắc dãy núi đá, nơi chúng nghi ta xuất quân từ phía đó. Tiếp theo là 3 đại đội Lê dương, cùng xe tăng, xe bọc thép, bố trí dọc đường cái như những cọc tiêu sống, có cả chó bẹc-giê sục sạo đánh hơi vào trong sân để tìm dấu vết quân ta. Một số leo lên chiếm thành vại ta-luy. Tăng và xe bọc thép chĩa súng ngóng vể phía núi đá hướng Đông.

      Ở phía trên Đông Khê, chúng cho hai đại đội bộ binh, thiết giáp, bố trí quanh làng Lũng Phầy, sẵn sàng ứng cứu. Bố trí, sục sạo xong, bọn án ngữ báo tin hiệu : “Đường đã mở, có thể cho xe lên đường”, lúc này đoàn xe mới xuất phát. Một tiểu đoàn Lê dương hộ tống phía trước, ở giữa và sau đuôi. Cả đoàn thông thường trên 100 chiếc, chia thành nhiều tốp. Mỗi tốp 10 xe đi với cự ly 2 km một tốp. Xe nọ cách xe kia chừng 300 m.

      Địch hy vọng, với cách này, đoàn xe được bảo đảm an toàn tuyệt đối. Và rõ ràng, khi chúng tôi chưa tổ chức đánh, đang nắm quy luật, thói quen của chúng, địch đã đi trót lọt. Chúng nghĩ, dù có bị đánh, giỏi lắm ta cũng chỉ phá được 5 hoặc 10 xe là cùng. Cả đoàn lớn vẫn hoàn thành công việc vận chuyển. Một khi đã trót lọt, an toàn dăm ba lần, địch dễ chủ quan, dễ lơ là, mất cảnh giác. Điều bất ngờ đối với chúng là như vậy. Chúng tôi đánh vào lúc chúng quá tin là ta không thể đánh được.

      Trận này tôi sử dụng 4 tiểu đoàn bộ binh, mở dài tuyến phục kích trên 6km, với quyết tâm khuýp gọn toàn bộ chuyến công-voa lớn. Ngoài 3 tiểu đoàn của 3 tỉnh, tôi dùng cả Tiểu đoàn 23, đơn vị của Bộ, đã từng đánh Bố Củng - Lũng Vài lần thứ nhất. Sau khi nghiên cứu kỹ quy luật, tình hình địch, các cán bộ bàn bạc rất sôi nổi ? Chúng tôi dùng lối vận động phục kích, ta để địch chiếm đỉnh cao, bố phòng khống chế ngay ở điểm chúng nghi bị mai phục. Ta giải quyết sao để vừa không bị lộ, vừa vô hiệu hoá ngay bọn này khi ta nổ súng vào đoàn xe. Phương châm hành động của chúng tôi là : “bí mật, táo bạo, mưu trí”. Tổ chức một bộ phận ém rất kín đáo, ngay ngang sườn, phía trước và phía sau ngọn Khâu Pia. Địch đến, bộ phận này phải dấu quân thật giỏi, để chúng lên thẳng trên các đỉnh cao, đúng như kế hoạch của chúng. Cốt sao cho địch đừng đụng phải mình, biến thành cuộc tao ngộ chiến với bọn bộ binh đi án ngữ này. Vì, nếu xảy ra như vậy sẽ không có xe nào đi nữa. Nhiệm vụ nguy hiểm này tôi giao cho Lê Hoàn là một đại đội trưởng1rất dày dạn, Hoàn người Tràng Định, đa số cán bộ, chiến sĩ trong đại đội của Hoàn cũng cùng quê, nên rất thông hiểu dãy Khâu Pia. Họ biết nơi nào ẩn tốt, từ hẻm núi hốc đá nào bất thần tiến công địch và đánh gục địch vào đúng lúc cần thiết nhất. Phía dãy núi đá đối diện, chúng tôi đặt hai tầng hoả lực mạnh dọc đỉnh và sườn đối diện với địch về phía núi Khâu Pia. Các vị trí hoả lực được chuẩn bị sẵn, nhưng chưa đặt vũ khí. Khi địch đã yên trí, không tìm ra dấu vết quân ta, trung đoàn mới ra lệnh các hoả lực vào vị trí. Khi nổ súng hoả lực này sẽ kiềm chế xe tăng, xe bọc thép, cùng bọn bộ binh chúng rải trên đường và dọc sườn ta-luy. Khẩu 70 ly và khẩu 37 ly sẽ trút đạn sang đỉnh núi Khâu Pia trợ lực cho xung kích của Lê Hoàn tiến công tiêu diệt chúng. Xung lực chính là Tiểu đoàn 251 của Nguyễn Hữu An2  đơn vị chủ công của trung đoàn anh Mân trước đây. Tiểu đoàn này đã từng đánh những trận nổi tiếng trên trục Đường số 4, hoà nhịp chiến công với Tiểu đoàn 249 của Trung đoàn 28 Lạng Sơn. Về với Trung đoàn 174, Tiểu đoàn 251 được trang bị khá mạnh. Toàn những trung liên đầu bạc Brenn, tiểu liên Tôm-xơn, Sten chiến lợi phẩm lấy được ở các trận Lũng Mười, phía trên Đông Khê, dịp Nôen 1947 diệt 27 xe và 2 đại đội Lê dương tinh nhuệ, trận Nà Kéo, trận Nà Danh trên đường Đông Khê - Phục Hoà diệt 4 xe tăng. Đánh xong, An cho quay nòng súng bắn luôn vào Đông Khê uy hiếp bọn ứng cứu.

      Nhiệm vụ của Tiểu đoàn 251 là từ chỗ ẩn quân phía sâu trong rừng, sẽ men theo khe, xung phong nhanh lên mặt đường sau khi đại liên, trung liên và cối ở sườn núi đã rà quét vào đoàn xe.

      Hướng Thất Khê có tiểu đoàn Bông Lau (249) khoá đuôi chặn viện. Tiểu đoàn 23 chặn đầu không cho chúng thoát lên Đông Khê.

      Muốn đoàn xe ùn tắc, dồn lại, chúng tôi cho công binh ném loại đinh ba chạc ra mặt đường, xe bị xịt lốp sẽ vướng ùn lại. Địch có phát hiện cũng cho rằng : “mẹo phá hoại của nhóm du kích nhỏ quấy rối, ngăn chặn tốc độ vận chuyển mà thôi”.

      Một trận đánh được tính toán kỹ càng từng chi tiết nhỏ, để đối phó lại kế hoạch phòng vệ khá chu đáo cho việc thông xe của địch. Hôm đi trinh sát lúc gần tiếp cận đoạn Bông Lau - Lũng Phầy, chúng tôi phải rải chặn xuống chỗ bước lên đường. Xong đó lại có bộ phận vuốt từng cành cây, ngọn cỏ, để tránh lộ dấu vết, tránh cả việc đánh hơi của chó béc-giê. Tất cả đều xác định : “Giữ được bí mật là nắm chắc 80% thắng lợi”. Chỉ cần một sơ xuất nhỏ sẽ làm hỏng toàn cuộc. Con thú sẽ bỏ mồi, cá sẽ lảng khỏi câu, đành phải đi không về rồi mất. Cái khó không phải chỉ giữ bí mật trong khoảng thời gian nhất định, mà phải kiên tâm cho tới lúc địch xuất hiện, có thể một ngày, cũng có thể hai ba ngàv, hoặc địch có thám báo biết bị phục kích không đi nữa. Sau này, có lần gặp lại anh Nguyễn Hữu An, nhắc đến cuộc kháng chiến xưa trên Đường số 4, anh bảo :

      - Anh Việt nhỉ ! Ngày ấy ta thắng lớn trận Bông Lau - Lũng Phầy do nhiều nguyên nhân. Nhưng nhớ lại tôi vẫn tâm đắc một điều, bộ đội rất kỷ luật, ý thức tổ chức cao, tinh thần chịu đựng gian khổ rất vững. Anh nghĩ xem ! Chờ mãi thằng địch nó không đi không đến. Cứ phi pháo nó giã mấy ngày liền, vừa giữ bí mật, vừa gan dạ kiên trì, cơm vắt, muỗi rừng chịu đựng hoài. Chờ tới lúc được đánh mới thôi. Quý lắm ! Chả trách mà dân Cao - Bắc -Lạng cứ bảo : “Bộ đội cụ Hồ quý lắm mà. Thương lắm mà”.

      Quả thế thật ! Trận đó chờ tới hai ngày địch không hề động tĩnh. Sang ngày thứ ba, hai máy bay “Cổ ngỗng” mò đến, cứ nhè dọc sau dãy núi đá xả trọng liên “đui xết” đinh tai nhức óc, tiếp đến pháo từ Thất Khê bắn đồn dập và cứ thế chúng nó cầm canh suốt ngày đêm. Một câu hỏi đặt ra buộc người chỉ huy phải suy tính : “Bị lộ rổi chăng ? giặc không đi nữa chăng ? chúng dùng phi pháo để phá cuộc phục kích hay chỉ là hành động nghi ngờ dọn đường cho một chuyến vận chuyển lớn”.

      Tôi bàn tính với Tham mưu trưởng Nguyễn Văn Thước : “Nếu lộ chắc địch dùng bộ binh Âu Phi mở cuộc hành binh tiến công ta ngay. Đây chỉ là vấn đề bắn phá vào vùng rừng hiểm trở chúng thường lo bị phục kích. Ta cứ kiên trì ! Con cá chờ lâu là con cá lớn”.       

         Bộ đội được lệnh giữ vững tinh thần đợi địch : tổ chức ẩn nấp tránh phi pháo cho tốt ; tuyệt đối giữ bí mật, không vì chờ lâu mệt mỏi mà lơ là mất cảnh giác. Nhưng chờ lâu, lương ăn đã cạn, đẻ ra vấn đề ăn uống hàng ngày khá nan giải. Tôi họp với cán bộ hậu cần và chính trị để bàn cách giải quyết. Cần liên lạc gấp với Đảng ủy và chính quyền các xã Quốc Khánh, Tân Tiến, Chí Minh, vận động bà con tiếp tế lương thực cho bộ đội. Một mặt tôi báo cáo về căn cứ để anh Mân tổ chức đường dây tiếp tế cho mật trận. Cán bộ dân vận và hậu cần trở về cho biết :

      Nhân dân đang trong thời kỳ hết lương thực. Nhiều nhà phải vào rừng đào củ mài, nhưng các cán bộ địa phương đã huy động bà con lấy thóc giống ra giã gấp. Bà con sẽ vắt cơm nắm tiếp tế ngay trong đêm nay. Dưới vùng căn cứ cũng đang tổ chức dân công tiếp vận. Tất cả mọi nơi mong mỏi sao ngoài tiền tuyến bộ đội đánh thắng. Tôi xúc động vô cùng và cho phổ biến ngay tin sốt dẻo về tinh thần nhường cơm sẻ áo của bà con dân bản đối với bộ đội. Cả trận địa vui mừng, cả trận địa quyết tâm chịu khổ, chịu đói, kiên trì chờ giặc. Chúng tôi quyết đánh và đánh thắng.

       Sang đến ngày thứ tư, mới sáng sớm địch dồn dập nhiều loại đạn 105 vào trận địa. Giữa lúc đạn pháo nổ, tôi được đài quan sát phía sau báo : “Nó đã xuất hiện 1 xe tăng, 2 xe bọc thép và 3 xe đầy Lê dương tiến rất thận trọng”.

       Thôi đúng là bọn đi chiếm cao điểm án ngữ bảo vệ đường dây ! Thế nào chúng cũng vận chuyển hôm nay.

       Địch bắt đầu hành động. Hãy tuyệt đối giữ bí mật. Cố tránh không cho địch phát hiện. Giữ vững kỷ luật chưa có lệnh chưa được nổ súng. Lệnh từ đài chỉ huy được truyền xuống từng đơn vị. Sáu Nhật rời ống nhòm, bám sát từng hành động nhỏ của địch, nhất nhất đều báo cáo cho chỉ huy mật trận. Tôi ngồi sát điện đài theo dõi tình hình. Quả nhiên đúng như bài bản cũ. Địch cũng chiếm điểm cao trên Khâu Pia, cũng cho chó lùng sục, cũng dùng bộ binh và tăng án ngữ dọc đường thận trọng hơn, chúng cho cả máy bay bà già vè vè trinh sát mấy vòng. Không thấy một bóng Việt Minh nào dọc theo đường cái. Lệnh từ tên quan tư chỉ huy mở đường vể căn cứ Thất Khê : “An toàn tuyệt đối - Đường đã mở - Cho xuất phát”3  Thế là đoàn xe 126 chiếc hành tiến. Từng tốp, khói, từng tốp bụi mịt mù Đường số 4.

       Tôi cũng tuần tự thực hiện bài bản của mình : lệnh cho Tiểu đoàn xung kích 251 của An và Tiểu đoàn 23 của Lê Niên từ trong rừng sâu, khe đá vận động tiến ra gẩn sát đường. Sau khi cho tốp đầu đi trót lọt, lệnh cho đội công binh ném đinh ba chạc. Lệnh cho 2 tầng hoả lực vào vị trí và sẵn sàng. Tầng cao, áp đảo bọn chiếm sườn ta-luy và bọn án ngữ trên đỉnh Khâu Pia. Tầng dưới úp vào bọn dưới đường và đoàn xe. Bên kia ngọn Khâu Pia, đại đội của Lê Hoàn chuẩn bị tư thế sẵn sàng, nghe súng lệnh là nhanh chóng diệt bọn địch chiếm cao điểm rồi đánh thốc xuống phía bên Bông Lau, bộ phận ở sườn phía Đông, tuột sát đường, đánh vào bọn địch trên các ta-luy ven đường, khống chế bọn tàn binh chạy ngược lên phía Khâu Pia.

      Từ đài chỉ huy, tôi quan sát thấy chiếc xe thứ 12 : xịt lốp, các xe khác cứ ùn lên. Từ cự ly 300m, nay mỗi xe chỉ cách nhau 2 đến 3 mét, thế kéo dài dàn mỏng trở thành thế co cụm. Tiếng gầm của xe cộng với tiếng hò hét của bọn lính, tiếng chó béc-giê, dội vào vách núi đá, nghe ầm ẩm chấn động cả một góc núi rừng. Điện tới tấp từ các tiểu đoàn gọi về A1 : Lê Hoàn, Bắc Quân, Nguyễn Hữu An, Lê Niên đều áp sát quá gần địch, xin đánh. Một sơ hở sẽ làm lộ bí mật, sẽ mất hết chủ động. Tôi vẫn kiên trì ... Sáu Nhật báo cáo : “ Đã lọt vào trận địa hơn 90 xe. Địch đã chữa xong chiếc xe xịt lốp và đang lên xe chuẩn bị hành quân tiếp”. Đây là thời cơ, thời cơ tốt nhất đã đến. Tôi ra lệnh nổ súng. Sau này nghĩ lại trong một trận phục kích, chọn thời cơ nổ súng là cả một nghệ thuật.

      Một trận đánh dữ dội rất khuýp, rất đẹp. Xe địch nghiêng ngả dài suốt 6km đường. Đã hết một thời mà bọn Lê dương ngổ ngáo hò hét : Mút-cơ-tông, pa pơ 4. Giờ chúng chỉ dám chui tụt xuống gầm xe, rãnh cống dọc bờ đường bắn trả một cách tuyệt vọng. Cuối cùng đành chịu chết hoặc xin hàng. Có lẽ đây là trận thắng lớn nhất, diệt nhiều xe nhất, bắt tù binh nhiểu nhất trên Đường số 4. Còn chiến lợi phẩm thì nhiều vô thiên lủng. Sau này tôi mới biết, nhân dân các xã Quốc Khánh - Tân Tiến, Chí Minh gẩn đó đã ra lấy hàng hoá dọc khe, bờ rừng đến hai ba tháng không hết.

      Khi tiếng súng vừa dứt, từ trên đài chỉ huy tôi xuống mặt đường, nhìn thấy một cảnh tượng rất vui mắt. Tiểu đoàn trưởng An đang bắt bọn tù binh Lê dương lái những chiếc xe mà ta đã thu hết hoặc không thu hết chiến lợi phẩm cho lao xuống vực. Bọn chúng ngoan ngoãn lên xe gài số sẵn rồi cho từng chiếc từ từ lao xuống sau khi chúng nhảy ra khỏi buồng lái.

      Tiểu đoàn trưởng An cười với tôi :

      - Bọn tù binh khác thì phải khiêng chiến lợi phẩm anh ạ !

      - Thế còn những chiếc xe bẹp chết máy kia ?

      - Sẽ hoả táng ! Khung xe cháy rụi để bọn Thất Khê tha hồ mang cần trục lên mà dọn.

      Đêm đó tôi và An cứ loay hoay bên cạnh chiếc xe tăng, bàn nhau tìm cách cho tháo lấy khẩu đại bác 75 ly mà không sao tháo nổi. Cuối cùng An bảo :

      - Không lấy được thì tống cho nó một quả lựu đạn vào nòng, tưới xăng đốt cháy, chẳng dại gì để nó dùng.

      Trận ấy, khi hỏi tên quan ba Đuy-mê-ghi-ô, tôi mới rõ, có một tên Việt gian về tận Thất Khê báo với chúng là bộ đội ta hành quân về phía Đường số 4 nhiều lắm. Địch nghi và tổ chức bắn pháo, Đuy-mê-ghi-ô nói :

      - Cái sai lẩm của chúng tôi là quá coi thường sự bền gan, vững chí của các ông. Chúng tôi nghĩ, sau ba ngày đêm máy bay và pháo bắn liên tục, chắc chắn các ông bị thương vong nhiều, khó lòng chịu đựng nổi, chắc đã rút. Ôi ! ... Không ngờ ... rất không ngờ.

      Sau giây phút đắn đo, hắn khai tiếp : còn một điều nữa chúng tôi buộc phải đi hôm nay, vì lẽ bốn hôm nữa là ngày hội Lê dương (7-9) ngày truyền thống của chúng tôi tổ chức ở Cao Bằng. Chúng tôi rất cần chở mọi thứ cho ngày hội lớn.

      Thảo nào ! Trận này có nhiều xe chở toàn gà, vịt, ngan, ngỗng, cừu, dê. Bánh kẹo và rượu hàng két, hàng thùng. Lại thêm rất nhiểu con buôn đi theo nên đủ loại thập cẩm, bách hoá từ vải vóc, tơ, chỉ, đến cả vàng mã, mũ mão con công bằng giấy.

      - Súng ống đạn dược cũng nhiều. Các anh vẫn bổ sung cho Cao Bằng những phương tiện chiến tranh. Đâu chỉ vì ngày hội.

      Đuy-mê-ghi-ô thở dài :

      - Súng ống quân trang nguyên vẹn đủ để trang bị cho một trung đoàn Pa-ti-dăng người bản xứ, chúng tôi sắp thành lập. Bây giờ thì hết cả. Đúng vậy, bây giờ thì hết cả.

      Khi tôi xuống đường, thấy nhiều xe đầy ắp vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng. Một ý nghĩ đột nhiên nảy ra, tôi liền ra lệnh cho các đơn vị : “Trừ bộ phận trực và cảnh giới hai đầu, các đơn vị cho xếp súng vào hang đá, đi người không xuống đường. Tất cả, lột trang phục cũ, mặc toàn bộ trang phục mới của địch, trang bị lại bằng vũ khí mới và sau đó mang vác những gì có thể lấy được ra khỏi trận địa”.

      Chỉ trong chốc lát, dưới ánh sáng ngọn lửa của hàng chục thùng xăng được đốt lên, các đơn vị tham chiến đều như thay da đổi thịt. Trừ cái mũ vải vành to của quân nguỵ là không được đội đầu, còn chúng tôi đã mượn tạm những gì mà bọn thực dân định dùng cho trung đoàn Pa-ti-dăng. Những khẩu súng Mát kiểu mới toanh từ Pháp mới đưa sang, đang còn dính đầy dầu mỡ đủ các loại đã nằm chắc trong tay các anh Vệ quốc ...

      Tôi thẩm nghĩ : “quả cũng xứng với công bộ đội mình ăn chực, nằm chờ chúng suốt 4 ngày gian nan vất vả. Một trận thắng đầy ý nghĩa. Tước sạch trang bị của một trung đoàn ngụy quân. Biến ngày hội Lê dương của chúng thành ngày tang thất trận với trên 100 tên bị bắt, 96 xe tan tành. Mất cả 3 chiếc tăng lẫn bọc thép. Ba đại đội Âu Phi, Lê Dương bị xoá sổ. Với lối đánh nhanh giải quyết gọn, nắm chủ động từ phút đầu, số thương vong của ta rất ít : 15 người cả chết và bị thương”.

      Chúng tôi đã thức trắng một đêm thu dọn chiến lợi phẩm mà không xuể.

      Trung đoàn 174 mới ra quân trận đầu mà đã giành được thắng lợi lớn. Ai cũng cảm thấy mình lớn mạnh lên rất nhiều.

      Chiến thắng Bông Lau - Lũng Phầy lần thứ tư ngày 3 tháng 9 năm 1949, cũng là lễ mừng ngày Quốc khánh (2-9-1949) của quân và dân Cao - Bắc - Lạng. Tin vui được báo cáo về Bộ, về Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Cao Bằng - Lạng Sơn, về trung đoàn bộ chỗ anh Mân. Bà con Kéo Coong, Nước Hai được một phen bàn tán, chuẩn bị chờ đón quân ta trở về.

      Sau trận đánh, quân ta rút về hậu cứ phía Bố Bạch, Pò Mã ở Đông Bắc Thất Khê, lấy lại sức khoẻ sau những ngày đêm căng thẳng kiên trì trên núi đá tai mèo cheo leo, sườn Khâu Pia dốc đứng, cơm nắm muối vừng, nước uống tính từng giọt, không nói gì đến chuyện rửa tay, rửa mặt.

      Các mế già, các cụ phụ lão, các em thiếu nhi tới tấp đi xem triển lãm chiến lợi phẩm, ríu rít nói cười :

      - Hoan hô, hoan hô các con, các chú bộ đội đánh lớn, thắng to, sướng cái bụng mế lắm lố. Cần Tây, mày chết thôi, mày chạy đằng trời. Chẳng lâu nữa, mày phải trả lại núi rừng cho dân bản thôi.

       Sau vài ba ngày, trung đoàn lại cất quân, tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ mới.

       Còn nhân dân các xã hai bên Đường sổ 4 cũng kéo ra gần đường, dọc theo suối Bông Lau, thu chiến lợi phẩm còn lại đủ các loại, tiếp tục đến hai ba tháng liền, những thứ này còn đầy ắp trong các xe mà quân ta đã cho lao xuống vực ...

       Tôi nhớ sau trận đánh được dăm ngày, có một số cán bộ xưởng quân giới của Bộ Tổng tham mưu do đồng chí Đoàn Đà dẫn đến gặp tôi. Các đồng chí nói :

       - Nghe tin trung đoàn diệt nhiều xe quá, chúng tôi đang rất cần nhiều thứ trong đầu máy ô tô và xe tăng địch.

       Tôi kêu lên :

       - Chết cha ! Chúng tôi cho xuống khe tiệt. Còn lại thì đốt. Uổng quá.

       Nghe vậy các đồng chí sững người : “Ôi ! Tiếc quá đấy !” Sau đó tôi phải cử một tiểu đội dẫn đường đưa các đổng chí tới khu vực Bông Lau. Các đồng chí quân giới cùng với anh em bộ đội đã mày mò tìm kiếm và tháo gỡ được rất nhiều máy móc, khí tài có ích cho xưởng.

       Chỉ độ nửa tháng sau, chúng tôi lại tổ chức đánh một trận diệt 27 xe ở Bản Nằm. Một trận vận động phục kích với lối đánh rất nhanh gọn và cũng khá táo bạo.

       Nhưng táo bạo và quyết liệt gay go lại là trận Bố Củng - Lũng Vài tiếp theo đó nửa tháng sau trận này, chúng tôi hoàn toàn bị lộ. Địch chủ động ngay từ lúc đầu, mang quân đến tiến công trước. Khoảng 10 giờ sáng, hai chiếc máy bay Hen-cát đến quần đảo mấy vòng rỗi bắn xối xả 12,7 ly vào đỉnh núi đá, chỗ sở chỉ huy trung đoàn. Cùng lúc đó, địch dùng một tiểu đoàn vây phía sau chặn đường quân ta rút qua sông về Hội Hoan. Còn một tiểu đoàn sục sạo vào sâu hai bên đường, chúng cắt dây điện thoại khiến tôi không liên lạc được với Tiểu đoàn 249 của Bắc Quân có nhiệm vụ chặn đầu và Tiểu đoàn 251 của Nguyễn Hữu An bố trí khoá đuôi đề phòng có bọn Na Sầm tiếp cứu. Máy bay vừa đi khỏi, bọn tiểu đoàn Bắc Phi của giặc nã “Bô-pho” (đại bác liên thanh) liên tục lên đài chỉ huy. Đây là một trận địch đánh khá quyết liệt, dữ dội. Tôi phải lựa chiều bổ nhào của máy bay để bám vào các gò đá mà ẩn nấp, tránh né. Cối và đại liên chúng nã xối xả. Một kỷ niệm đau đớn không bao giờ tôi quên được là trong lúc tôi và mấy cán bộ chiến sĩ liên lạc là Ngọc Am, Thành, Dưỡng, Sinh loay hoay ẩn nấp, bỗng có tiếng lẹt xẹt rất gẩn biết là đạn cối rơi tới, tôi vừa nằm rạp xuống thì cùng lúc một tiếng hét : “Cối nổ ! chỉ huy” đồng thời chiến sĩ Dưỡng nằm đè ấp lên người tôi. Bao nhiêu mảnh đạn đã gắn lên lưng và đầu anh. Và anh đã hy sinh trong tư thế lấy thân mình che chở cho người chỉ huy. Còn tôi, vụn đá và mấy mảnh đạn nhỏ bắn vào đầu. Máu chảy cả xuống mặt. Phía dưới, tên chỉ huy địch đang hò hét thúc bọn Âu Phi tiến lên. Nhưng núi đá dựng đứng, tuy phía trên chúng tôi không bắn xuống mà chúng cũng không dám mò lên. Khi súng nổ, đại đội trưởng Phạm Như Lai từ chân núi phía sau đã cho bộ đội xung phong ứng cứu kịp thời cho sở chỉ huy, khiến bọn chúng phải rút chạy. Hướng tiểu đoàn 251, địch sục rất sâu, nhưng tiểu đoàn trưởng An ra lệnh cho các đại đội cố gắng tránh địch, rút sâu nữa. Anh bảo :

       - Bấn cùng lắm đụng địch thì hãy đánh. Còn cố được hãy giữ bí mật đến cùng. Đây là lệnh của Trung đoàn trưởng.

       Quả nhiên địch lùng mãi không chạm ta nên quay ra. Chúng quây và bắn phá tới 4 giờ chiều không thấy ta phản ứng gì. Cả quả núi đá nơi đặt sở chỉ huy vết đạn phá nứt nẻ trắng lốp, trông như một hòn núi đá vôi. Chắc có lẽ chúng tưởng ta đã rút bỏ trận địa còn trên núi đá nhúm người ít ỏi đã bị tiêu diệt. Tên chỉ huy báo vể Na Sầm : “La route est ouverte” 5.

       Còn chúng tôi ! Chúng tôi biết chắc chắn không bao giờ một đoàn công - voa vận chuyển nào ngủ đêm lại Na Sầm cả. Ở đó, đồn nhỏ, địa hình không bảo đảm. Chúng rất sợ bị tập kích ban đêm. Sống chết thế nào chúng cũng phải vượt 30 km đến Thất Khê, tiểu khu vững chãi an toàn hơn. Điểm đáng ngại nhất là khu vực Bố Củng - Lũng Vài thì chúng đã dùng cả phi cơ lẫn binh lực quần thảo gần trọn ngày rổi Việt Minh chắc chắn đã bỏ chạy. Cái bệnh chủ quan kinh niên của bọn xâm lược viễn chinh Pháp là vậy. Nhận tín hiệu “Đường đã mở” đoàn xe rời Na Sầm vào lúc xế chiều.

      Đoàn xe đầy ắp hàng hoá rầm rộ, tiến vào trận địa qua làng Lũng Vài. Như một con rắn khổng lổ bằng sắt thép đoàn xe mở tốc lực lao theo hướng Đèo Khách, Thất Khê. Theo giả định thứ tư đã ghi trong kế hoạch, các đơn vị tự động từ các hốc đá khe rừng áp sát lề đường. Từ đài chỉ huy, đã phát lệnh nổ súng cho toàn trận địa : bắn lên trời ba phát pháo hiệu đỏ và một tràng đạn lửa.

      Tín hiệu vừa phát lên, tiếng súng, tiếng lựu đạn nổ rền vang. Tiếp theo là tiếng xung phong vang dội cả một góc rừng.

      Một trận đánh thật đáng nghi nhớ. Chúng tôi từ thế bị lộ nhưng nhờ vào sự gan lì và ý thức kỷ luật, sự nhất trí cao từ trung đoàn đến tiểu đoàn, đại đội cho tới chiến sĩ mà chúng tôi đã lại tạo được thế bất ngờ và thắng một trận tuyệt đẹp. Trận đánh có nhiều điểm bất ngờ, nhưng những bất ngờ xảy ra đều đã có trong các giả định và biện pháp đối phó của kế hoạch đã bàn kỹ trước khi đánh. Ta đã diệt gọn 26 xe, một tiểu đoàn đi hộ tống. Ta thương vong 10 cán bộ, chiến sĩ. Đây là trận chúng tôi thu được nhiều trung liên nhất : 26 khẩu loại đầu bạc còn mới toanh. Thú vị nhất là anh em hò nhau tháo bằng được chiếc nòng pháo khẩu Bô-pho, vượt sông vượt rừng mang vể triển lãm ở Hội Hoan. Cái nòng pháo Bô-pho ấy là một chứng minh về thế thắng của quân và dân Đường số 4, là sự phơi bày bộ mặt bi thảm của giặc. Trận này đánh xong thì trời tối. Tiểu đoàn trưởng An phát hiện ra một sự lạ. Quái ! Sao xác giặc chết ít thế. Vậy bọn chúng biến đi đâu ? Anh nêu ngay, anh bảo với đại đội trưởng trợ chiến Chu Ngọc :

      - Chúng nó còn trốn quanh trong rừng, dưới khe hoặc rúc vào cống rãnh dưới đường thôi. Cậu biết tiếng Pháp gọi hàng đi.

      Chu Ngọc dẫn hơn chục tay súng vừa theo dọc đường vừa gọi oang oang :

      - Chúng tôi biết các anh trốn ở đâu rồi. Lên hàng ngay.

      Hễ gọi một lần không nghe động tĩnh gì liền ném luôn lựu đạn và hô tiếp :

      - Không hàng sẽ bị tiêu diệt hết !

      Theo thường lệ, sau trận đánh, tôi và một số anh em xuống đường thị sát. Đang đi thì, quả nhiên, từ trong khe núi, một tốp địch hai tay cầm súng giơ ngang đầu, kéo ra. Đi trước là tên quan hai Bút-xăng-duy cao kều, theo sau là bốn tên người An-giê-ri, mặt mũi lem luốc, trông vừa thảm hại vừa rất nực cười. Một tên hạ sĩ quan hấp tấp nói : “Chúng tôi biết chính sách của các ông rồi, không giết tù binh, hành binh. Chính tôi đã bị bắt một lần và đã được phóng thích hôm lễ duyệt binh ở Kéo Coong”.

      Việc đầu tiên là nhanh chóng tước vũ khí bọn chúng.

      Tôi quay nhìn cạnh đấy thì thấy Phạm Như Lai, Đại đội trưởng Đại đội 186 và Thiên Xạ, Đại đôi trưởng Đại đội công binh đang loay hoay bên cạnh khẩu Bô-pho. Tôi liền bảo : “Hãy huy động bọn hàng binh này vào tháo khẩu súng ấy”.

      Chúng đã ngoan ngoãn giúp hai anh Như Lai và Thiện Xạ tháo xong khẩu đại bác liên thanh và sau đó khênh vác cái nòng súng lịch sử về đất Hội Hoan. Cùng lúc ấy, ở đoạn trận địa phía Nam, gần làng Bản Vạc. Đại đội trưởng Đại đội 185, Dương Thế Nghiệp, trong lúc đang kêu gọi tàn binh Pháp thì bị một băng đạn từ trong rừng bắn ra. Anh ngã xuống và hy sinh tại chỗ. Chúng tôi vô cùng thương tiếc anh, một đại đội trưởng còn rất trẻ và tài năng của trung đoàn.

      Thắng trận Bố Củng - Lũng Vài lẩn này nữa coi như chúng tôi đã khai tử con Đường số 4 từ Na Sầm lên Cao Bàng, đoạn quan trọng nhất của cái cuống họng nối từ Lạng Sơn đến chiếc dạ dày Cao Bằng, nơi mà chúng ngốn người, lương thực, thực phẩm, súng ống, khí tài, đạn được như một cái thùng không đáy. Chúng đành phải dùng đường hàng không để tiếp tế cho Cao Bằng, và chỉ còn dám đi lại bằng đường bộ ở chặng ngắn ngủi từ Na Sầm - Đổng Đăng - Lạng Sơn nữa mà thôi.

      Toàn bộ con đường dài 340 km tuy còn ngắc ngoải phía dưới, nhưng coi như Đường số 4 đã chết. Cuộc đọ sức vật lộn giữa ta và địch suốt hai năm trời đã ngã ngũ. Với địch, con đường đẫm máu, con đường chết chóc, nay đã rõ rệt con đường thất bại chua cay. Nó đã chết hẳn nửa người và đang rẫy chết hoàn toàn. Với chúng tôi, Trung đoàn 174 đã có thể hát vang bản hùng ca chiến tháng vì lẽ trung đoàn đã cùng nhân dân Cao - Bắc - Lạng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Bộ Tổng tư lệnh đề ra : “Quyết chặt đứt Đường số 4”.




------------------------------------------------------------------
1. Anh Lê Hoàn, hồi ấy là đại đội trưởng, sau là tiểu đoàn trưởng, rồi trung đoàn trưởng, sư đoàn trưởng, quân khu phó. Anh là một cán hộ kiên cường, dày dạn, liên tục chiến đấu trên các chiến trường Bắc, Nam, Lào, Cam-pu-chia.

2. Anh Nguyễn Hữu An lúc ấy là quyền tiểu đoàn trưởng sau này làm trung đoàn trưởng trung đoàn 174 thay tôi, đã phát huy dược truyền thống chiến dấu cùa trung đoàn, lập được nhiều chiến công. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, làm quân đoàn trưởng quân đoàn 2, một mũi đánh vào Sài Gòn, nay là Thượng tướng Quân dội nhân dân Việt Nam, có lúc làm Phó tổng thanh tra quân đội, có lúc là Tư lệnh quân khu 2. Hiệu trưởng Học viện quân sự Đà Lạt.

3. Sécuritê absolue - route est ouverte - ordre du départ.

4. Mosuqueton, pas peur : súng trường, không sợ.

5. Đường đã mở.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #31 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2022, 09:11:36 am »

Chương thứ hai
NGHĨA VỤ CAO CẢ



NHƯỜNG CƠM SẺ ÁO GIÚP BẠN BÊN KIA BIÊN GIỚI


   Bắt đầu vào cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp, bộ đội ta còn rất non yếu. Thế trận ở Liên khu I nhất là vùng Cao Bằng - Lạng Sơn những năm 1947 -1948 cho đến giữa năm 1949, bộ đội ta chiến đấu giữa hai sức ép. Trong nước là sự tiến công chiếm đóng của bọn xâm lược Pháp. Bên kia biên giới là bọn Tàu Tưởng và lũ phỉ án ngữ dọc miền giáp ranh, gây nhiều tai hoạ cho bà con dân bản. Ngược lại phía bên kia, lực lượng du kích và dân quân địa phương của giải phóng quân Trung Quốc cũng bị cái thế mạnh của Tàu Tưởng lúc bấy giờ truy cản ; nếu bị đánh bật sang bên biên giới ta, mà rơi vào tay bọn Lê dương chiếm đóng sẽ bị tiêu diệt hoặc giao trả cho đồng minh của chúng ngay.

      Vì vậy, vào những năm tháng đó, những người anh em bên kia biên giới, hoặc là cơ sở Đảng, hoặc là quân giải phóng địa phương hễ bị quân đội Tưởng áp mạnh, bị mất đất, phải lưu vong sang địa phận rừng núi bên ta, đều tìm cách gặp gỡ chính quyền và bộ đội ta để tránh khỏi sa vào vùng giặc Pháp kiểm soát. Đơn vị chúng tôi đã được lệnh sẵn sàng giúp đỡ những người bạn lưu vong như vậy.

      Năm 1948, khi tôi làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 Lạng Sơn, tôi hay được tiếp xúc với một người khách bên nước bạn, người dó có cái tên nôm na Ké Lộc. Về sau tôi mới biết rõ, đây chính là Tư lệnh khu Tả Giang - Long Châu của Trung Quốc, tên thật là Lục Hoa. Ké Lộc nói được tiếng Việt trong giao dịch thông thường, nhưng giọng chưa được sõi. Muốn bàn luận với nhau về những vấn đề sâu rộng, chúng tôi dùng cách bút đàm bằng chữ Hán. Cũng may là hổi nhỏ tôi có học ít nhiều chữ nho ở quê và trong chương trình phổ thông của nhà trường thời Pháp thuộc. Ngày đó, Ké Lộc làm đại diện giao dịch với ta trong việc Lạng Sơn nuôi dưỡng hai đại đội giải phóng quân, xin tạm trú trong khu rừng thuộc địa phận Điềm He - Thoát Lãng. Hồi đó, chính quyền và nhân dân tinh Lạng Sơn lo việc giúp đỡ họ về lương thực, thực phẩm và quân trang, còn chúng tôi giúp đỡ thuốc men, san sẻ với họ từng viên ký ninh chống sốt rét rừng. Sau mấy trận trung đoàn thắng ở Bông Lau - Lũng Phầy hay Bố Củng - Lũng Vài, chúng tôi giúp họ cả súng chiến lợi phẩm, nhất là các loại trung liên và súng cối.

      Sau một thời gian được nuôi dưỡng, họ củng cố lại đội ngũ, và khi bên kia đã yên những trận càn quét của quân Tưởng, họ trở về làm nhiệm vụ bám dân, mở rộng vùng căn cứ. Hôm chia tay, tình cảm hữu nghị, hữu hảo thật mặn nồng. Những người anh em cứ bá vai, lắc tay chúng tôi, hẹn ngày tái kiến. Hai tiếng “Tạm biệt” chen lẫn với hai tiếng “Chai chen” rộn cả một khu rừng. Ké Lộc thường nói với tôi :

      - Cổ xưa có câu “Tứ hải giai huynh đệ” ngày nay chúng ta còn cao hơn cái tình giai huynh đệ vì chúng ta là đổng chí, gắn bó keo sơn trong tình hữu nghị quốc tế vô sản, đánh đổ kẻ thù chung là bọn đế quốc và giai cấp bóc lột.

      Hôm từ giã về nước. Ké Lộc rơm rớm nước mắt bảo tôi :

      - Ơn sâu nghĩa nặng với Cụ Hồ, với Đảng Việt Nam, nhân dân Việt Nam và bộ đội các đồng chí lăm lắm mà.

      Tôi cũng chúc Ké Lộc và đơn vị trở về chân cứng đá mềm, giúp dân cứu nước. Ngày ấy, không riêng gì Lạng Sơn, mà cả Cao Bằng, Tỉnh ủy và nhân dân Trùng Khánh, cũng như tỉnh Quảng Ninh đã giúp đỡ những đơn vị lưu vong của nước bạn như vậy.

      ... Chính từ mối quan hệ ưu ái ấy là sự biểu hiện tình nghía anh em giữa hai dân tộc của hai nước. Biểu tượng tỉnh cảm ấy đã được các nhà văn, nhà thơ biểu hiện bằng biết bao nhiêu nét sâu đậm. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã có lời ca : “Việt Nam - Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông ...”, và đó cũng là một thực tế địa lí và lịch sử không ai có thể chối cãi được. Đường biên giới Việt Nam ở phía Bắc, có hàng trăm cây số nối liền với đất nước. Trung Hoa - một tiếng chó sủa, một tiếng gà gáy, nhân dân hai vùng đều nghe. Bà con có thói quen lúc đi chợ bên này, lúc sang chợ bên kia, nhiều gia đình của hai bên gả con cho nhau. Nhiều cô gái, chàng trai người Hán đẹp duyên cùng với chú thanh niên, cô thôn nữ Tày Nùng. Hình thành một cách rất tự nhiên, đời này qua đời khác, mối tình thắm thiết giữa hai dân tộc.

      Quan hệ tình cảm ấy lại càng thêm sâu đậm khi vùng Hoa Nam hoàn toàn được giải phóng. Sự kiện lịch sử xảy ra đã tạo nên sự thay đổi về thế và lực giữa cách mạng Việt Nam và đế quốc Pháp. Người Việt Nam nào mà không hồ hởi, phấn khởi khi thấy cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Hoa có mối liên hệ chặt chẽ. Chân trời hậu phương của Việt Nam không còn nằm trong hai vòng vây mà đã vượt qua đất nước Liên Xô, đến tận các nước Đông Âu.

   Trung đoàn 174 và bản thân tôi được vinh dự đón và hộ tống đoàn của La Quý Ba, vị đại sứ đầu tiên của nước Trung Hoa mới sang đặt quan hệ ngoại giao với ta ; đón và hộ tống Lê-ô Phi-ghe (Lêo-Phiguère) người đại diện đầu tiên của Đảng cộng sản Pháp sang thăm Việt Nam ; bảo vệ và hộ tống đoàn của Bác Hồ lần đầu tiên vượt biên giới ra nước ngoài ký kết những Hiệp định về hợp tác tương trợ quốc tế quan trọng... và tiếp theo là theo lệnh của Chủ tịch Mao Trạch Đông, những đoàn cố vấn quân sự, chính trị sang giúp Việt Nam, những viện trợ về vũ khí, đạn dược, lương thực, tạo cho quân đội và nhân dân ta những điều kiện mới để mở chiến dịch giải phóng vùng biên giới (1950), tạo nên một bước ngoặt có tính chiến lược trong cuộc chiến tranh giải phóng Tổ quốc.

      Sự kiện lịch sử đã xảy ra cách đây gần nửa thế kỉ, nhưng một số người Pháp vẫn chưa hết cơn bàng hoàng, ngờ vực. Gẩn đây tôi có dịp được gặp một đoàn phóng viên VTTH Pháp sang Việt Nam để sưu tầm tài liệu về cuộc chiến tranh Đông Dương - Một phóng viên hỏi khẽ tôi : “Xin lỗi ngài trong trận đánh ở vùng biên giới năm 1950 ngài có thể cho tôi biết có quân đội cộng sản Trung Hoa tham chiến với quân đội Việt Nam của các ngài không ?”.

      Tôi trả lời : “Tôi có thể khẳng định với ngài là không có quân đội nước ngoài nào cả, mà chỉ có những người lính Cụ Hồ. Tôi cũng thành thực nói với ngài là : “Ngoài những vũ khí đạn dược, quân dụng mà quan năm Công-xtăng, Quân khu trưởng Quân khu Biên Thuỳ, đã cung cấp cho chúng tôi trong suốt ba năm 1947 - 1950, lúc ấy chúng tôi có nguổn bổ sung mới của những người bạn anh em nước Trung Hoa”.

      Nhưng có một thời gian xảy ra bất đồng vể quan điểm giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc làm tổn thương đến quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

      Nhưng nhất định, sẽ có ngày, một trận thần phong thổi bạt mây mù, bầu trời sẽ trở lại trong sáng, truyền thống hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc nhất định sẽ được khôi phục lại ; như lời một nhà thơ.

                 “Chân lý mặt trời soi sáng mãi
      Lỗi lầm âu cũng áng mây qua
      Lương tâm rồi sẽ trong như ngọc
      Tình nghĩa anh em lại một nhà”


      Đầu tháng 4 năm 1948, anh Hoàng Văn Kiểu  Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, báo cho tôi biết có điện của trên Bộ mời về họp. Anh nói :

      - Chắc có vấn đề gì đột xuất nên Bộ mới gọi cả những người chủ chốt của Quân, Dân, Chính, Đảng về họp chứ.

      Tôi đoán :

     - Chắc Bộ sắp mở chiến dịch lớn chăng ? Trung đoàn 28 chúng tôi lo việc chiến đấu, còn Tỉnh ủy và Ủy ban lo liệu huy động dân công, bảo đảm hậu cần ...

      Sở dĩ tôi đoán vậy là vì hồi ấy, sau mấy trận thắng lớn của Trung đoàn 28 trên Đường số 4 địch vận chuyển tiếp tế cho Cao Bằng gặp nhiều khó khăn. Bọn đóng ở đồn bốt án ngữ dọc đường và các nơi hiểm yếu trong vùng chúng kiểm soát không còn hung hăng, tính chuyện càn nống ra như trước nữa.

      Hẳn là trên muốn đẩy mạnh một bước để giành thế chủ động ở chiến trường Liên khu I.

      Anh Kiểu gật gù :

      - Cũng có thể là như vậy. - Nói xong anh chặc lưỡi : - Thôi cứ lên họp rồi khắc biết. Tôi và anh cùng đi. Còn các anh Minh Tước, Huyền Trang, phải ở nhà vì có nhiều việc phải làm quá. Bọn địch đang muốn bắt lính nhiều để dùng ngụy binh thay bọn Lê dương, thành lập những binh đoàn cơ động ứng chiến.

      Hai chúng tôi lên đường ngay. Từ ngày rời Bộ Tổng tham mưu xuống trực tiếp chiến đấu ở Lạng Sơn, thấm thoắt đã gần hai năm, nay tôi mới có dịp trở vể Bộ. Trước đây, tôi chỉ thường lên họp ở Quân khu. Nay về, tôi tìm vào thăm anh em cũ ở phòng tác chiến, lâu ngày gặp nhau, chuyện trò cả buổi không hết. Anh em bảo :

      - Cậu xuống đơn vị làm ăn tốt đấy, đánh được.

      Phòng tác chiến có thêm nhiều người mới. Tôi nhận thấy trên Bộ, giờ cũng khác xưa, công việc bận rộn hơn và có nhiều kinh nghiệm hơn, nắm tình hình các chiến trường từ Việt Bắc đến Nam Bộ rất cụ thể, phái viên đi đi về về liên tục.

      Vào cuộc họp, tôi mới vỡ nhẽ ra rằng mọi dự đoán của tôi đều trật hết. Sau khi cho biết tình hình cách mạng bên Trung Quốc đang phát triển, giải phóng quân thắng lợi lớn, dồn dập đánh đuổi bọn Tàu Tưởng hết quân khu này đến quân khu khác, tình hình giải phóng phần đất phía Nam Trung Quốc không xa nữa, có thể trong năm 1949. Anh Văn phổ biến cụ thể : “Tháng 3 vừa rồi, Bộ Tư lệnh quân giải phóng Liên khu Việt Quế cử đại biểu sang đề nghị với Trung ương Đảng ta cử bộ đội sang giúp họ phối hợp mở rộng khu căn cứ, dọc theo biên giới, gồm khu Tả Giang giáp Cao Bằng, Lạng Sơn và khu Ung Châu - Long Châu giáp Lạng Sơn và khu Khâm Liêm giáp Quảng Ninh. Lực lượng bên bạn còn mỏng, chưa đủ sức mở rộng và xây dựng, củng cố căn cứ, gây cơ sở chờ đại quân Nam hạ.

      Bác Hồ, Thường vụ Trung ương đã chấp thuận đề nghị ấy và giao cho Bộ Tổng chỉ huy bàn kế hoạch cụ thể giúp bạn. Dù cuộc kháng chiến của ta còn đang trong thời kỳ khó khăn gian khổ, ta đang cẩn có nhiểu binh lực để giành thế chủ động với kẻ địch, nhưng với tinh thẩn quốc tế vô sản, ta sẵn sàng gánh vác giúp bạn đẩy nhanh cuộc cách mạng Trung Quốc mau tới thắng lợi hoàn toàn. Vậy quân và dân Liên khu Việt Bắc có hai nhiệm vụ cần phải tiến hành gấp. Việc thứ nhất, tổ chức ngay lực lượng, gồm hai đơn vị, sang giúp bạn giải phóng khu Tả Giang và Thập vạn Đại Sơn. Đơn vị tiến sang Tả Giang do anh Thanh Phong, Quân khu phó quân khu Việt Bắc làm tư lệnh. Hai phó tư lệnh là anh Mân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 74 của Cao Bằng và anh Long Xuyên Trung đoàn phó Trung đoàn 28 Lạng Sơn chúng tôi. Đội quân này vượt biên ở hướng Bắc, phối hợp với địa phương quân của Trung Quốc, do Ké Lộc làm tư lệnh khu Tả Giang - Long Châu, tiêu diệt số đồn bốt của quân Tưởng đang chiếm đóng, nhằm mở rộng khu căn cứ Tả Giang, xây dựng tổ chức lực lượng sẵn sàng phối hợp với mũi tiến quân Nam hạ của giải phóng quân từ vùng Hồ Nam đánh xuống.

      Đơn vị thứ hai, do anh Lê Quảng Ba làm tư lênh và một cán bộ của bạn là Minh Quang làm Chính ủy, anh Đỗ Trình, sau này anh Hoàng Thế Dũng thay, làm Phó Chính ủy, từ vùng Quảng Ninh vượt sang hoạt động vùng Thập Vạn Đại Sơn, cũng với mục đích giúp bạn mở rộng căn cứ, giành dân, xây dựng lực lượng. Cả hai đơn vị phải nhanh chóng hình thành tổ chức, trang bị tốt, sẵn sàng lên đường sớm.

      Việc thứ hai, cũng khá quan trọng, gấp gáp. Một khi giải phóng quân đánh mạnh xuống vùng Hoa Nam bọn quân Tưởng, trước sức ép mạnh mẽ đó, rất có thể sẽ chạy tràn sang bên ta, tránh bị tiêu diệt. Chúng tràn sang với hy vọng được quân Pháp giúp đỡ và liên kết với nhau xâm nhập vùng căn cứ của ta, sẽ gây nên nhiều tội ác với đồng bào dân bản. Vậy bộ đội có nhiệm vụ phải chặn đánh chúng ở ngay biên giới các cửa khẩu, không cho chúng nhập được với bọn Pháp. Đảng bộ, chính quyền và bộ đội phải lo bảo vệ tài sản và nhân dân. Không cho bọn tàn quân vơ vét của cải sinh sống để kết hợp với bọn Pháp, hoặc tìm đường chạy trốn sang Đài Loan. Rõ ràng, tình hình vùng Cao Bằng - Lạng Sơn sẽ phức tạp hơn, khó khăn hơn. Ta vừa phải chống Pháp, vừa phải chống lũ tàn quân Tưởng cả những bọn phỉ bấy lâu vẫn hoành hành, ẩn núp giữa vùng giáp kề biên giới hai nước.

      Sau hội nghị, tôi xin gặp anh Thái, ngỏ ý muốn được theo một mũi sang giúp bạn. Anh cười :

      - Ở nước nhà còn khối việc phải làm đấy. Bọn Tàu Tưởng nó tràn sang, chỉ sợ cậu đánh không xuể, còn nhiệm vụ chặt đứt Đường số 4 nữa chứ.

      Nói rồi, anh dặn dò :

      -  Phải triển khai công việc ngay. Bàn với các anh bên Tỉnh ủy và Ủy ban làm sao dân bản thông suốt, tản cư triệt để vào rừng, giấu kín thóc gạo, tài sản. Bọn Tàu Tưởng nó đông, đi tới đâu phá như giặc châu chấu ấy.

      Tôi cảm thấy ngay trách nhiệm nặng về với nhiệm vụ trước mắt, vừa lo phục kích ngăn chặn sự vận chuyển của bọn Pháp, vừa lo có kế hoạch sẵn sàng tiêu diệt tàn quân Tưởng tràn sang bất kỳ lúc nào. Tôi không còn ý nghĩ muốn cùng đi làm nhiệm vụ quốc tế với anh Thanh Phong và anh Mân nữa.

      Sau này khi anh Mân vể làm Chính ủy Trung đoàn 174 với tôi, có dịp hỏi lại chuyến đi của anh, sang giải phóng vùng Long Châu - Thủy Khẩu, mới hay đây là một cuộc chiến đấu gian nan trên đất bạn. Quả nếu không có thêm lực lượng bộ đội chúng ta, chỉ đơn độc số địa phương quân còn mỏng yếu, bạn khó lòng diệt được hệ thống đồn bốt của Tưởng trên địa phận quân khu Tả Giang - Long Châu. Nguyễn Hữu An, cũng ở trong lực lượng sang Long Châu, kể với tôi :

      -  Đúng là đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Vào vùng địch hậu bên đó, khác bên ta nhiều lắm. Địa chủ bên đó thường như lãnh chúa cát cứ một vùng, tuỳ theo số lượng tài sản, ruộng đất mà chúng có. Thường một tên địa chủ giữ luôn chức thôn trưởng, hay hương trưởng, được quyền tuyển mộ tá điền, tổ chức lực lượng vũ trang riêng, nhỏ thì một trung đội, to thì đại đội, lớn hơn nữa là tiểu đoàn do chính một sĩ quan cấp thiếu uý, đại uý quân đội Tưởng chỉ huy ăn lương của địa chủ đó, vì vậy, tên lãnh chúa tha hồ đàn áp, ức hiếp nông dân. Có nơi chúng tuyên bố, nắng trời trên vùng cũng là của hắn, nông dân cũng phải chịu nộp tô, phí. Do bị kìm kẹp lâu ngày, nên người dân đen hễ thấy có lực lượng vũ trang nào đến cũng sợ, bởi vì thổ phỉ đến cũng cướp, quân của địa chủ đến cũng cướp và đại quân Quốc dân Đảng về cũng cướp phá uy hiếp, mà cả du kích đến dân cũng phải nộp lương. Do đó sau khi bộ đội ta vào làng, người dân đều lầm lì, e dè, đóng cửa ngồi trong nhà quan sát, nghi ngại, không hề có cái không khí cởi mở, vui mừng như bà con dịch hậu bên ta. Cho nên gọi là tới vùng có cơ sở, nhưng từ lúc mới đến tới khi họ hiểu được bộ đội là cả một quá trình công tác dân vận rất khó khăn, gần giống như bộ đội đến một vùng giáo dân đang bị bọn thầy tu, cha cố phản động uy hiếp, lường gạt, xuyên tạc hồi di cư 1954 vậy.

       Đêm 12 tháng 5 sau đó, bộ đội ta vượt qua biên giới tiến công tiêu diệt luôn đồn Thủy Khấu đối diện với Tà Lùng thuộc huyện Phục Hoà, Cao Bằng. Sau đó, diệt luôn một tiểu đoàn quân Tưởng, đóng tại dọc núi Độc Sơn, đang trên đường hành quân từ La Hồi đến Hạ Đồng. Nguyễn Hữu An kể rằng “Trận này ta đón lõng được là nhờ trinh sát ta tóm được một tên Quốc dân đảng người Việt. Bọn này đang bám theo quân Tưởng, lăm le tính chuyện sau này về nước, mưu dựng cơ đồ. Hắn khai bọn Tưởng đã biết có bộ đội sang giúp du kích đỏ nên tung người đi dò la bám theo ta. Hiện còn một tiểu đoàn Bảo an quân ở Độc Sơn sắp hành quân tới bao vây vùng trú quân của ta. Lập tức Nguyễn Hữu An bố trí mai phục, địch bị gạt xuống bờ sông, ta vận động tới tiêu diệt. Tên tiểu đoàn trưởng Hứa Pao Luông cùng một số chạy vào một cái cống ngầm dưới mép sông, ta dùng rơm hun nhu hun chuột, buộc chúng phải lúc nhúc ra hàng.

       Sau đó, ta uy hiếp thị trấn Long Châu, một thị trấn sầm uất cách biên giới 30 km. Anh Thanh Phong và anh Mân gửi tối hậu thư bắt hàng, địch biết ngay nguy cơ liền tháo chạy. Cùng thời gian này, ở bên nước nhà tôi tung hai đại đội Văn Uyên - Thoát Lãng, do Quốc Trung, Nguyễn Bá An, Ngọc Trình chỉ huy, tiến sang vây Mục Nam Quan và Bằng Tường, ta đã đánh tan tác hai tiểu đoàn quân Quốc dân đảng Trung Quốc, thu rất nhiều chiến lợi phẩm và vũ khí, Ngọc Trình, người cán bộ ưu tú của trung đoàn, có tài nắm địch, bắt mối, hạ đồn Chè Cáy năm xưa, đã dũng cảm dẫn đầu bộ đội đuổi đánh địch. Một tràng trung liên bắn trúng giữa ngực, Ngọc Trình đã hy sinh anh dũng vì nghĩa cả. Tấm bia ghi công Ngọc Trình và các đồng chí của ta còn đầy trên đường Mục Nam Quan - Bằng Tường, ở cây số 7. Sau đó chúng hoảng hốt rút chạy, bỏ luôn cả hai vị trí Thượng Thạch, Hà Thạch, Thủy Khẩu xuống Ninh Minh dọc theo Cao Bằng - Lạng Sơn của ta, được giải phóng, giúp cho bạn mở rộng khu căn cứ Tả Giang.

       Phía dưới, lực lượng vùng Quảng Ninh của anh Lê Quảng Ba, xuất phát từ khu căn cứ Chi Lăng huyện Lộc Bình, vượt, sang vùng Thập Vạn Đại Sơn. Đây là một vùng núi hiểm trở, điệp trùng xứng với cái tên của nó, núi tiếp núi, cao vời vợi, sương mù cuốn ngang lưng, ấy vậy mà lại là nơi chứa đầy những lồng gió nóng, làm cây cỏ khô cằn, khe suối cạn hết, thiên nhiên thời tiết khắc nghiệt, khiến bộ đội ta chịu khát, chịu mệt, gian nan cơ cực ngay trong cuộc hành quân chưa giáp địch. Cánh quân này của ta cũng tiến công, bao vây, bức hàng một loạt các đồn bốt, thuộc thị trấn Trúc Sơn - Nà Lường - Đông Hưng, giải phóng một vùng dọc theo chiều dài Nam Lạng Sơn đến Móng Cái. Sau ta lại chuyển hướng tiến quân lên Khâm Châu, tiêu diệt Mào Lẻng, tiến đánh các vị trí Đại Quán Đường và Đại Trúc. Cả một vùng lớn huyện Phòng Thành và huyện Khâm Châu trở thành căn cứ địa cách mạng, đón đợi quân giải phóng Nam hạ. Nhân dân Trung Quốc, suốt dọc miền biên giới giáp Việt Bắc và Đông Bắc nước ta, hân hoan vui sướng được giải phóng khỏi ách thống trị lâu đời của bọn giặc Tưởng, ở đâu cũng có khẩu hiệu bằng cả hai thứ tiếng “Tình hữu nghị Trung - Việt đời đời bền vững”, “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Chủ tịch Hổ Chí Minh muôn năm”.

      Nhân dân trong vùng đã hiểu rõ bộ đội ta là bộ đội Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử sang giúp, đánh đổ bọn Tưởng ác bá. Nhân dân trong hương thôn kháo nhau :

                  “Hây đà ! Lưỡng sì sám
      Ngầu lấp màu
      Tả pháy xìang cóc lịt”.


   Nghĩa là :

                  Ôi chà ! do mầu nâu
      Mủ rọ lồng mõm trâu
      Đánh phi thường, ác liệt
.

      Ý họ khen bộ đội ta mặc áo màu nâu, đội mũ nom giống cái rọ lồng ở mõm trâu, đánh giặc Tưởng giỏi lắm. Họ chỉ chỏ bàn tán, và tay bắt mặt mừng với bộ đội ta, nói líu lô :

      - Co pù tủi, chân hảo, nghĩa là : Bộ đội này rất tốt.

      Chỉ mấy tháng hoạt động, gây cơ sở diệt giặt Tưởng, bộ đội ta đã để lại trong lòng người dân Trung Quốc vùng mới giải phóng, những ấn tượng đẹp đẽ, cao quý của người chiến sĩ cách mạng. Cán bộ và nhân dân ở đây đã khái quát hình ảnh anh bộ đội ta như sau :

      - Việt Nam giải phóng quân, kỷ luật cao, nghiêm, thương dân hết sức, dũng cảm vô song, hy sinh thân mình vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #32 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2022, 10:01:13 am »

ĐÁNH QUÂN TÀU TƯỞNG TRÀN QUA BIÊN GIỚI


   Từ khi thành lập Trung đoàn 174, chúng tôi chưa có dịp nào làm lễ chính thức thành lập để ra mắt nhân dân Cao - Bắc - Lạng. Sau trận Bông Lau - Lũng Phầy lần thứ 3 thắng lợi giòn giã, trung đoàn tiếp tục uy hiếp Đường số 4. Chúng tôi đánh tiếp trận Bố Củng - Lũng Vài lần thứ 4 và trận Bản Nằm lần thứ 3. Với ba trận thắng liên tiếp, chúng tôi đã chặt đứt hẳn Đường số 4, đoạn từ Na Sầm ngược lên Cao Bằng, địch không dám đi nữa mà phải vận chuyển bằng đường hàng không. Trung đoàn hổ hởi, về tập trung ở Nước Hai với ý định tổ chức làm lễ thành lập và mở một đợt rèn cán chỉnh quân, luyện tập kỹ thuật, chiến thuật, nhất là chiến thuật đánh công kiên để nhận nhiệm vụ mới.

      Vừa chân ướt chân ráo tập kết các đơn vị, bỗng nhận được tin : Bọn tàn quân Tưởng thuộc đạo quân Bạch Sùng Hy ở bên kia bị đánh đuổi mạnh, sẽ tràn sang bên ta, bàng nhiều ngả đường biên giới rất đông.

      Tôi thầm nghĩ : Chà ! Bộ Tổng chỉ huy dự đoán thật chính xác, phải chặn ngay cái dịch tàn quân này mới được.

      Đảng ủy và Ban chỉ huy trung đoàn họp bàn ngay phương án tác chiến. Toàn trung đoàn tổ chức thành hai lực lượng đánh địch, ở hai hướng chủ yếu, do anh Mân và trung đoàn phó Đoàn Trần Phong chỉ huy, gồm Tiểu đoàn 249 và 250 cùng đại đội trợ chiến, đại đội pháo binh, thêm một đại đội địa phương Cao Bằng bố trí chặn định ở vùng cửa khẩu Hà Quảng.

      Tôi hành quân gấp xuống vùng Đông Khê với Tiểu đoàn 251, lấy thêm một đại đội địa phương của Phục Hoà và đại đội của Đông Khê. Trên Quân khu chi viện thêm cho một tiểu đoàn, ở hướng này, tôi có hai nhiệm vụ : Bố trí đón lõng tại Bông Lau - Lũng Phầy. Nếu địch tràn vào Hà Quảng, vượt được vào Cao Bằng rồi theo Đường số 4 chạy xuống Đông Khê, tôi sẽ chặn đánh bật lại, không để chúng nối được liên lạc với Pháp, thông đường xuống Lạng Sơn. Nếu một bộ phận nào của chúng vượt sang ta từ cửa khẩu Phục Hoà, để theo Đường số 4, nhập với quân Pháp ở Đông Khê, cũng không thể không qua Bông Lau - Lũng Phầy. Do đó, điểm phục kích ở đây sẽ đón nhận địch ở cả hai ngả đường.

       Công việc rất khẩn trương, gấp gáp. Bộ đội hành quân lên đường ngay. Ngày 8 tháng 1 năm 1950, địch tràn vào cửa khẩu Sóc Giang - Nà Giàng thuộc Hà Quảng. Chúng có độ 2 vạn tên của Sư đoàn 18 và 19 thuộc Quân đoàn 17 do tên tướng Mã Hắc Mâu chỉ huy, định nối tiếp bước của đạo quân Bạch Sùng Hy đã bỏ chạy ra biển, vượt sang Đài Loan trước. Bọn còn lại này, toan sang ta dựa vào quân Pháp, xuống vùng Quảng Ninh để ra biển qua quần đảo Đài Loan. Đi theo chúng còn có cả những tên Việt Nam Quốc dân đảng, quân của Nguyễn Hải Thần, lưu vong bấy lâu vẫn nương náu ở vùng Quảng Đông - Quảng Tây, hy vọng có ngày trở về nước phục thù.

       Mười ngày ròng rã, anh Mân và anh Phong đã chỉ huy lực lượng ở hướng này đánh chặn địch rất quyết liệt. Cả hai Tiểu đoàn 247 và 250 đánh mạnh ở Nà Giàng - Cốc Sâm, địch không thể vượt nổi để thọc xuống Mỏ Sắt - Nước Hai - Cao Bằng. Từ trên triền núi đá, bộ đội ta nã đạn vào đội hình địch. Dù đông đặc, chúng cũng phải oằn lại vì chết quá nhiểu, bỏ cả hàng trăm lừa ngựa và thây chết, tại ngang hướng trái phía Nậm Nhũng - Lục Khu để tràn vào Trà Lĩnh. Thế là Tiểu đoàn 5 phải cấp tốc hành quân tới đèo Mã Phục, để chặn chúng trên đoạn Trà Lĩnh về Cao Bằng, còn Tiểu đoàn 9 gấp rút bôn tập đến Quảng Uyên, chận đánh ở đèo Canh Phác. Cứ như thế, lực lượng của ta đã ít lại phải chia nhiều mũi nhỏ, tổ chức tuyến ngăn chặn trước đường chạy của một đội quân đông đảo, ùn ùn như kiến, đang nháo nhào trốn chạy. Một đội quân kỳ lạ, mất hết nhuệ khí, mang vác, gánh gồng lủng củng, lúc nhúc, dài dặc, cả người lẫn ngựa, lại cả những tên lính hầu mang đủ lệ bộ bàn đèn thuốc phiện cho các ngài sĩ quan hút ro ro mỗi khi chúng dừng chân nấu nướng. Hễ bị đánh chặn lại, chúng vừa chống cự vừa quay quả lộn ngang, tạt ngửa sang hướng khác, rùng rùng kéo chạy.

      Đã vậy mà tới đâu, chúng cũng đàn những tờ bố cáo to tướng dưới có dấu hiệu hẳn hoi : “Đại quân Trung Hoa chỉ mượn đường của An-nam dân quốc vượt biển”, “Đại quân không làm hại gì người An-nam. Nếu chống cự cản trở đường tiến của đại quân, sẽ bị trừng trị”. Đúng là bọn tàn quân hổ lốn mà vẫn sĩ diện, mang khẩu khí nặng mùi Đại Hán kẻ cả. Thực tế chúng đã “bố cáo” một đường, làm một nẻo.

      Phía dưới Bông Lau - Lũng Phầy, chúng tôi đợi mãi không có địch mà tin chiến sự trên vùng Hà Quảng bay về dồn dập. Tôi nóng lòng quá, rồi lại nghe tin địch chạy lộn về vùng Quảng Uyên. Anh Mân phải lệnh cho hai tiểu đoàn, có trong tay, chia làm hai ngả chặn địch. Địch đông, ta ít, tuy loại giặc này không liều lĩnh, thiện chiến như bọn Lê dương, nhưng chúng đông đặc, nên bộ đội ta đón chặn rất vất vả. Tôi hội ý với cán bộ tham mưu và tiểu đoàn nhận định tình hình : Bọn chúng không tràn nổi xuống phía dưới này, ta phải mau chóng lên phối hợp với lực lượng anh Mân, diệt chúng ở vùng Quảng Uyên thôi.

      Mọi người đổng ý ngay. Cũng vừa lúc ấy tôi nhận được tin, anh Đoàn Trần Phong, Trung đoàn phó, đã hy sinh. Tôi lặng người thương tiếc. Hình ảnh anh, một cán bộ trung đoàn trẻ trung, xốc vác, vào trận là bám sát đơn vị, cứ như đang cười, đang nói trong trí óc tôi. Mới hôm nào, khi chia tay thành hai lực lượng, Đoàn Trần Phong còn nói rất vui :

      -  Đánh xong bọn Tàu Tưỏng, trung đoàn ta làm lễ thành lập càng đẹp. Mở đầu chiến công, có cả đánh Pháp, cả đánh Tàu, thắng tất, mới thú.

      Còn tôi hôm đó, tôi tự nghĩ thẩm, lực lượng phía trên có anh Mân, chín chắn điềm đạm, với anh Phong, năng nổ xốc vác, cặp đôi nhau rất hay. Nghĩ rồi tôi còn nói đùa với Phong :

      -  Ông đi có chính ủy, chứ mình đơn phương độc mã, muốn phát ghen với ông đấy.

      Ấy thế mà chưa đầy một tháng trời ai hay, buổi chia tay đó lại là lần vĩnh biệt. Suốt mấy năm, chúng tôi vùng vẫy trên Đường số 4, bọn Lê dương sừng sỏ, không làm sứt mẻ nổi một cán bộ tiểu đoàn của chúng tôi, vậy mà cái bọn tàn quân, chạy trốn, ô hợp, hỗn mang kia, lại hạ sát mất của chúng tôi một cán bộ trung đoàn đẩy triển vọng. Âm hưởng của những câu thơ khóc bạn của Hoàng Lộc, bên Đường số 4 cứ ngân thầm trong trí tôi những lời da diết :

                 Hôm qua còn theo Anh,
                 Đi ra dường quốc lộ
      Hôm nay đã chặt cành
      Đắp cho người dưới mộ
      Đứa nào đã giết Anh ...


      Toàn đơn vị được lệnh, mở cuộc hành quân bôn tập, quay lên vùng Quảng Uyên gấp. Sau này tôi được biết tỉ mỉ sự hy sinh của anh Đoàn Trần Phong, lại càng thương tiếc. Trong trận chặn đánh giặc đầu tiên, khi chúng tràn qua cửa khẩu Nà Giàng, anh Phong đã đứng ngay cùng với khẩu đội của trợ chiến bố trí ở sườn núi, đoạn Nà Giang - Cốc Sâm, địch quá đông, khẩu đội bắn liên tục, hết quả này tới quả khác, rủi thay, trong số đạn, đã bị lẫn một viên đạn “tự sát”. Đây là loại đạn của Nhật. Chúng thường dùng để phòng khi đối phương xung phong mạnh, không chống cự nổi, khẩu đội đó sẽ không rút chạy mà chờ khi quân đối phương ào lên, chúng sẽ nạp quả đạn “tự sát” đó, lập tức đạn nổ ngay tại nòng, vừa phá hủy súng, vừa giết luôn cả địch lẫn những pháo thủ của khẩu đội. Bộ đội ta hồi đó thường dùng súng và đạn của cả Pháp lẫn Nhật. Anh em không để ý tới ký hiệu ghi tính năng, tác dụng loại đạn như vậy. Do đó, quả đạn hôm ấy đã nổ ngay trong nòng, anh Phong và một số đồng chí pháo thủ hy sinh. Thật đau lòng, các anh chết trong lúc ta đang ở thế áp đảo, nã vào đội hình chạy dài của địch.

      Anh em đã đưa anh Phong về phía sau, y tá Mền và chiến sĩ Huầy xúc động kể lại :

      - Chi huy Phong chết thật rồi không hy vọng cứu chữa nữa. Chúng em cáng về phía sau, đưa vào bản Pụi. Phong tục ở đây không cho người chết vào nhà đâu, sợ con ma làm khổ, không làm ăn gì được, ốm đau cả nhà thôi.

      Chúng em phải nói dối : Bộ đội này là chỉ huy, chỉ bị thương thôi mà. Chờ vài ngày có ông bác sĩ đến chữa, khỏi ngay thôi. Thế là chúng em đặt chỉ huy nằm ở giường buông màn. Chúng em nấu cháo, nấu nước, phải giả vờ bưng cháo đưa vào trong màn, phải nói như nói với người ốm đấy. Chỉ huy cố ăn cháo cho ấm bụng, ăn được thì vết thương mau lành vớ. Lúc bưng cháo ra, ông Ké chủ nhà hỏi : ăn được nhiều không ? Em lắc đầu : chỉ huy ăn có chút xíu thôi mà. Ông Ké người Nùng lắc đầu : không nên đâu. Bảo ông chỉ huy cố ăn nhiều mới mau khỏi vớ !

      Mãi đến hôm sau, anh Mân chính ủy mới về. Rồi trung đoàn mới làm lễ truy điệu đồng chí Phong. Thương quá. Căm ghét bọn Tàu Tưởng quá. Nó chạy sang gieo cái khổ, cái chết cho ta như thế đấy.

      Tôi bùi ngùi xúc động, thầm lấy làm tiếc không được viếng anh Phong vĩnh biệt anh lần cuối.


*
*     *


   Bỏ điểm phục kích dưới Đông Khê, chúng tôi cấp tốc ngược lên Quảng Uyên rất đúng lúc. Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 9 đang chặn bọn chúng ồ ạt tràn vào Canh Phác. Thế là cả trung đoàn nhập lại thành một lực lượng đánh địch trên một tuyến dài. Tiếng súng nổ rển. Chúng tôi chiếm lĩnh điểm cao theo triền núi đá, cứ như thế quét chúng dưới dọc rừng, đường đất liên tục suốt ngày.

      Địch chết đến hàng ngàn tên. Chúng lại quày quả thụt lại, chuyển hướng ngược lên mạn Hạ Lang, sau đó men dọc biên giới tới Cách Linh tìm cách tràn sang. Lại bị chặn đứng, chúng lại quay lộn xuống Thủy Khẩu đối diện với Tà Lùng, Phục Hoà của ta. Tôi điều luôn Tiểu đoàn 251 bố trí chặn chúng không cho ùn sang ngả Đông Khê.

      Cứ như thế, trung đoàn bám chặt địch. Còn địch như một đàn kiến, hễ bị đánh chỗ này quay quả tìm ngả khác để đi. Chúng đông tới mức đầu đoàn quân bị đánh tơi tả mà phía sau vẫn không hay biết, cứ gánh gồng, thúc lừa ngựa tiến lên. Tới khi bị chết nhiều quá lại rùng rùng lộn sang hướng khác. Con đường mòn trong rừng chỉ sau khi chúng đi qua đã rộng ngang ra vì cỏ dại, lau rừng bị xéo bẹp như vò nát. Những chỗ giặc tràn qua để lại mùi hôi thối nổng nặc, thứ mùi của phân ngựa lẫn mùi của một đạo quân bỏ chạy lâu ngày không tắm rửa, không quần áo thay, chỉ độc một bộ quần áo vải bông dày cộm, cáu bẩn mồ hôi, đất cát tạo ra thứ mùi rất kỳ lạ đọng lại trên lá cây ngọn cỏ tưởng chừng buồn nôn được, đúng là một bầy thú dại đi qua. Tới đâu chúng đào, chúng xới, lấy sắn non, khoai non, xục sâu vào hai bên rừng tìm lán thóc gạo của đồng bào cất giấu. Nghĩa là những thứ gì ăn sống nuốt tươi được là chúng ngốn tất.

       Từ trên triền cao, đêm tối chúng tôi thấy chúng tủa ra cánh đồng hoặc đồi trọc bắc bếp, nấu cơm. Quang cảnh thật kỳ dị : từng đám lửa, đám lửa đỏ loè, trải rộng, chập chờn khắp cả một vùng.

       Trung đoàn chúng tôi đuổi đánh, ngăn chặn bọn này khá vất vả. Chúng hay có lối đánh vu hồi, mỗi khi hai bên tao ngộ, lập tức chúng toả một cánh tìm cách khuýp vòng sau lưng ta. Nếu sơ hở sẽ bị chúng bọc sườn ém lưng tiêu diệt. Nhưng với một đoàn quân rệu rã đến cực độ, trốn chạy lâu ngày, mọi chiến thuật hay đến mấy cũng trở thành mất hiệu nghiệm. Cuối cùng, chúng phải chạy trước sức mạnh và thế đuổi giặc của chúng tôi, dẫu rằng quân số chúng tôi ít hơn địch rất nhiều lần.

       Chúng đông tới mức súng máy của chúng tôi bắn đến đỏ nòng, phải chờ nguội mới bắn tiếp được, chỉ có việc dành quân đuổi theo, rồi vượt tắt đón đường trước chặn ngang mà cũng khổ sở. Bộ đội ta mòn rách hết giầy dép. Nhiều người phải xé quần áo buộc vào chân làm giầy để vượt núi đá tai mèo mới kịp chặn đường địch. Rất may mắn cho chúng tôi là được sự giúp đỡ tận tình của nhân dân. Bà con dân bản một mặt chạy người, chạy của vào rừng sâu tránh giặc nhưng mặt khác vẫn tổ chức dân công bám theo bộ đội. Các mẹ, các chị nấu cơm nắm, muối vừng tiếp tế cho chúng tôi. Cứ ngang qua quãng rừng gặp đoàn tiếp tế dân công là mỗi người nhận một nắm cơm, gói thức ăn rồi tiếp tục hành quân đuổi giặc. Lại có nơi nhận được cả quần áo cũ để thay cái đã rách, nhận giầy vải, hài sảo1 để đi. Quân và dân phối hợp thật là tuyệt diệu, cứ thế bộ đội và nhân dân Cao - Lạng lao vào cuộc săn đuổi bọn tàn quân nhung nhúc dài lê thê này.

       Cuối cùng, số phận của chúng cũng được định đoạt. Quân giải phóng Trung Quốc tiến xuống Long Châu đã bắt liên lạc với ta. Bên này, chúng tôi đánh hất chúng lộn về Bình Nghi. Bên đó, quân giải phóng Trung Quốc chặn lại bủa vây tiêu diệt. Chúng buộc phải đầu hàng. Gần 2 vạn tên Tàu Tưởng trên ngực áo in đậm chữ “Cường Quân” đã bị giải giáp. Chín tên gồm Quân đoàn trưởng, Sư đoàn trưởng bị bắt sống. Súng đạn chất đầy ắp như những đống củi rừng. Giống như mọi lần sang giúp bạn, ta trao toàn bộ chiến lợi phẩm để họ trang bị cho quân địa phương.

      Miền biên giới Cao - Lạng sạch bóng lũ giặc Tàu vàng, Tàu trắng.

      Năm tháng qua đi, ghi lại những dòng hồi tưởng vể một thời kỳ rất đa dạng trên chiến trường biên giới phía Bắc, tôi muốn nói lên cái trong sáng vô tư, tinh thần quốc tế vô sản của bộ đội ta, một đội quân chẳng những chỉ chiến đấu mãnh liệt, dũng cảm vì độc lập tự do của Tổ quốc mình, nhân dân mình, mà còn vì cả sự nghiệp cách mạng của bạn bè khi họ còn chung số phận thù trong giặc ngoài, chưa giải phóng được đất nước như ta vậy.

      Có lẽ cũng là một vùng chiến trường đặc biệt, một chiến trường duy nhất ở nước ta trong những năm kháng chiến chống Pháp, vừa đánh giặc trong nước, vừa sẵn lòng giúp bạn không kể gian khổ và hy sinh xương máu, xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”.




------------------------------------------------------------------
1. Dép bện bằng rơm, cỏ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #33 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2022, 11:18:51 am »







Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #34 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2022, 03:04:58 pm »

Chương thứ ba
THAM DỰ CHIẾN DỊCH BIÊN GIỚI THU ĐÔNG 1950




CHUẨN BỊ VÀO CUỘC CHIẾN


   Sau khi đánh tan hai vạn quân Tàu Tưởng, toàn Trung đoàn 174 chúng tôi tập trung tại Nước Hai. Cũng giống như Thất Khê của Lạng Sơn, Nước Hai là vựa lúa của tỉnh Cao Bằng, cũng là nơi trù phú, đất giàu, người đẹp.

      Nước Hai là thị trấn huyện lỵ huyện Hoà An cách thị xã Cao Bằng chừng 16km, có dãy phố dài là Cao Bình. Tuy là một phố phường của tỉnh miền núi xa xôi nhưng khá đông vui, nhà ngói, tường vôi như dưới xuôi, lỗ chỗ một vài cửa hiệu giàu có xây hai tầng hẳn hoi. Chợ liền trong phố ngày nào cũng họp nên càng đông đúc. Từ ngày giặc chiếm Cao Bằng, dân ở thị xã tản cư đến sinh sống khiến Cao Bình - Nước Hai thành điểm hội tụ của nhân dân miền xuôi và dân bản địa. Những người một lòng một dạ đi theo kháng chiến, theo chính phủ Cụ Hồ, thề không cộng tác chung sống với giặc Pháp và chính quyền bù nhìn ngụy tặc. Bộ đội ta sau mỗi lần, mỗi đợt đi chiến đấu trên Đường số 4 hoặc tiến công cứ điểm nào đó, rút về nghỉ ngơi đều thích tạt ngang vào cái thị trấn phù trú này. Vài năm trước, hồi 1948, 1949, địch còn đôi lần tung quân càn quét quanh vùng và đánh nống ra hoặc dùng máy bay tiêm kích bắn phá. Nhưng nhịp điệu kháng chiến mạnh dần, địch có xu hướng co cụm quanh tụ điểm Cao Bằng nên phố Cao Bình và Nước Hai càng đông vui nhộn nhịp hơn. Bà con tản cư đã bắt đầu bàn tán gần ngày trở về nơi ở cũ. Tuy cách địch có trên 12km, nằm trong tầm pháo lớn của địch, nhưng cuộc sống ở đây diễn ra trong không khí của một vùng tự do, đất thánh kháng chiến.

      Trung đoàn chọn một cánh đồng ruộng dưới chân dãy núi đá vùng Lam Sơn. Dãy núi này có nhiều hang động hiểm trở. Các cơ quan Dân, Chính, Đảng tinh Cao Bằng sơ tán về làm việc ở đây từ đầu cuộc chiến tranh. Chỉ sau vài ngày, bộ đội đã san thành một bãi đất rộng, dựng khán đài. Cũng đủ cả loa phóng thanh, đèn điện đàng hoàng. Canh giữ máy bay địch đã có đơn vị cao xạ gồm toàn trọng liên 12,7 bố trí trên sườn núi. Trung đoàn 174 chúng tôi chính thức làm lễ thành lập. Nhân dân quanh vùng Nước Hai, Hoà An nô nức đến dự ngày ra mắt đứa con dày dạn chiến đấu của mặt trận Cao - Bắc - Lạng, đến để mừng đứa con đang độ trưởng thành sắp bước vào cuộc chiến quyết liệt. Một cục diện mới đang mở ra bước phát triển mạnh mẽ, đẩy nhanh tốc độ cuộc trường kỳ kháng chiến mau tới đích vinh quang. Ngày lễ thành lập biến thành ngày đoàn kết quân dân. Cùng với các đồng chí lãnh đạo Dân, Chính, Đảng tỉnh Cao Bằng, các đại biểu của hai tỉnh Lạng Sơn, Bắc Cạn (ngày ấy Bắc Cạn chưa sáp nhập với Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái như ngày nay) cũng về dự. Trung đoàn 174 quả xứng đáng là con em của nhân dân Cao - Bắc - Lạng. Không kể thành tích của từng đơn vị trước khi sáp nhập vốn đã có độ dày chiến công ; từ lúc được lệnh tập trung thành trung đoàn giành nhiều thắng lợi mới. Quét sạch hai vạn quân Tưởng khỏi biên giới, chặn đứng âm mưu móc nối giữa chúng với Pháp ; chỉ mấy tháng đầu, trung đoàn đã đánh cho giặc Pháp, những đòn chí tử liên tiếp : Bông Lau -Lũng Phầy, Bố Củng - Lũng Vài, Bản Nằm. Mỗi trận là một thắng lợi vang dội và cuối cùng đã chặt đứt con Đường số 4, cát đứt cái huyết mạch quan trọng của chúng, từ Lạng Sơn đến Cao Bằng đẩy địch vào thảm cảnh phải tính toán cho số phận Cao Bằng. Cái số phận bỏ thì tiếc, ở không xong, vô cùng lúng túng.

      Cùng với lễ thành lập, chúng tôi còn tổ chức triển lãm. Nhân dân nô nức tới xem như ngày hội. Những chàng lính trẻ của trung đoàn sau một tháng trời quần nhau với bọn Tàu Tưởng nom hốc hác, mệt nhọc. Ấy thế mà chỉ ít ngày nghỉ ngơi lại được vui hội mừng công với nhân dân, đều trở lại tươi tỉnh ra dáng. Bước chân diễu hành, nét mặt nghiêm trang của họ, khi diễu qua khán đài, đầy vẻ tự hào với khí thế của đoàn quân chiến thắng. Hôm đó, anh Mân và tôi được Trưởng ban quân nhu Hoàng Lương Bình cấp cho mỗi người một bộ cánh bằng vải kaki mới toanh, mặc vào sột soạt cứng đơ đơ. Anh em cứ trêu : “Chỉ huy trung đoàn lên khung oách ghê !”. Có mấy cậu vốn từng là dân ăn diện ở thành phố trước kia, còn vừa làm động tác vừa bảo chúng tôi : “ấy ấy thế này mới đúng dáng”. Từ thuở vào bộ đội tới giờ, chúng tôi cứ tuềnh toàng có gì mặc ấy, đánh nhau hoài, đã bao giờ dự lễ lạt long trọng đâu mà chảng ngượng nghịu với quần áo mới.

*
*     *

   Sau lễ thành lập trung đoàn, bộ đội vui liên hoan với nhân dân, xem triển lãm, xem văn công và nghỉ ngơi. Nhiều cậu “bạt” phố Cao Bình, thưởng thức món quà đặc sản của tỉnh nhà như phở xá xíu vịt, bánh áp chảo, họ chao (loại bánh hình quai vạc trong suốt nom rõ cả nhân tôm, chấm với nước chẻo), hút thuốc lá Cô-táp, I-gơn, hoặc mua sắm bánh xà phòng Sang-gai, chiếc mùi xoa vừa với túi tiền anh bộ đội Cụ Hồ. Trong lúc đó, anh Mân và tôi cùng Đảng ủy trung đoàn vùi đầu bàn bạc với nhau về nhiệm vụ của trung đoàn trước tình hình mới. Từ lâu nay đánh phục kích, vận động phục kích hoặc chống càn, nghĩa là đánh địch khi chúng thoát ly ngoài công sự, cứ điểm, hầu như là sở trường, điểm mạnh của trung đoàn. Nay tình hình đã biến chuyển, con Đường số 4 hoàn toàn tê liệt, kẻ địch cũng không còn hung hăng dám tổ chức những trận càn, hoặc thọc ra vùng tự do hòng phá hoại ta hay mở rộng phạm vi chiếm đóng nữa. Chúng tôi phải tìm địch mà đánh chứ. Phải làm sao tiêu diệt sinh lực địch chứ. Vậy chỉ có cách đánh vào nơi chúng chiếm cứ. Phải công kiên vào cứ điểm giặc. Vậy chọn cứ điểm nào để thử sức trận đầu. Đã đánh là phải thắng. Một trận phục kích không thành công, bộ đội chỉ việc rút lui vào rừng là an toàn, còn đánh cứ điểm, nơi địch phòng thủ, chúng đã căn sẵn vùng ngoại vi cho pháo của chúng, rồi còn máy bay, rồi còn bọn cơ động ứng chiến từ cứ điểm lớn đến tiếp cứu. Nếu trận đánh dây dưa ắt thương vong, thiệt hại nhiều. Bàn bạc mãi chúng tôi đều nghĩ : Dầu khó cũng phải đánh xem sao. Sinh ra bộ đội là để đánh giặc. Không lẽ giặc không ra khỏi công sự, mình đành thôi sao.

       Phải chọn lấy một điểm nào vừa sức, đánh một trận rút kinh nghiệm mới được. Trước mắt, trung đoàn mở một đợt luyện quân ngay tại vùng Cao Bình. Chiến sĩ học kỹ thuật cá nhân chiến đấu thật thuần thục, nhất là kỹ thuật đánh bộc phá, lối đánh lợi hại, thay cho dùng pháo phá rào, mở đột phá khẩu. Còn cán bộ lo nghiên cứu chiến thuật công kiên rối vấn đề hiệp đồng bộ binh, pháo binh, đánh điểm diệt viện v.v...

      Công việc vừa bát đẩu triển khai thì tôi bị một cơn sốt kịch liệt sau một tháng liền đánh bọn Tàu Tưởng, liên miên cơ động, sức khoẻ của tôi bị sút. Anh Mân mấy lần giục phải nghỉ an dưỡng để lấy lại sức, tôi cứ nấn ná từ chối. Sau cơn sốt, lần này anh Mân cương quyết hơn :

      - Ông phải nghỉ, phải tĩnh dưỡng một tháng, không có sức khoẻ không đáp ứng được nhiệm vụ Thu Đông năm nay đâu.

      - Nhưng trung đoàn đang thời kỳ luyện tập.

      - Không nhưng gì cả, việc trung đoàn, bọn mình lo, không sao hết.

      Sau đó anh Mân và Đảng ủy trung đoàn quyết định giao tôi cho đồng chí y tá và đồng chí liên lạc Thành. Nhóm ba người chúng tôi phải về vùng Hoà An cách Nước Hai khoảng 3 km, nơi đó yên tĩnh, cảnh đẹp, khí hậu rất tốt cho người dưỡng bệnh.

      Chúng tôi đến bản Thắc Thuý, Đức Long, gia đình đón nhận chúng tôi chính là nhà mế Nình, bà nội anh Bằng Giang đang là Tư lệnh khu 10.

      Bà của anh Bằng Giang và vợ anh vốn từng nuôi nấng, chăm lo anh đi làm cách mạng từ hổi bí mật, nên rất hiểu và rất thương cán bộ, bộ đội. Mế bảo tôi :

      - Trên giao cho mế nuôi mày, giúp mày khỏi đau ốm, mày chưa khoẻ, chưa béo tốt, mế không cho mày đi đâu vớ !

      Sáng ở nhà chị Bằng Giang, bên cạnh liên lạc viên Thành, y tá Đàm, tôi lại nhớ những ngày ở Bình Gia, trong Ban Quân y Trung đoàn 28.

      Ban Quân y lúc đó có anh Mậu Trưởng ban, bác sĩ Huy, anh Sĩ Quốc và tôi là Quân y sĩ và một số nam nữ y tá như chị Kim Chi, chị Thanh Diệp, chị Vân, chị Hồng Vi, chị Thiện, anh Mạnh Lục, anh Bội... Ngày ngày làm việc chăm sóc thương bệnh binh, tận tụy, thân vui như trong một gia đình.

      Năm ngày có một phiên chợ. Ngày phiên chợ đối với chúng tôi là những ngày hội. Hết giờ là chúng tôi rảo xuống phố. Đồng tiền trong túi ít ỏi nhưng không bao giờ cảm thấy thiếu thốn. Quít Bình Gia, mía xương gà Đồng Mỏ, bánh bột nếp rán, phở chua thịt vịt ...là những hoa quả và món ăn dân tộc mà chúng tôi rất ưa thích.

       Tôi cũng nhớ đến bé Quốc Dưỡng, chú bé tù binh của Đường số 4 trong trận Bông Lau, tháng 10-1947. Sau trận đánh, bé Dưỡng được đưa về hậu phương, Ban Quân y Trung đoàn tình nguyện nuôi cháu. Vài năm sau, Dưỡng được ông bà Lê Duy Để, hồi ấy là Trưởng ty Công chính tỉnh Lạng Sơn, xin về làm con nuôi, đổi tên cho là Lê Quốc Dũng.

       Gần đây, đến tìm thăm bác Để ở số nhà 22 đường Quan Thánh Hà Nội. Bác đã trên 80 tuổi, còn Quốc Dũng thì nay đã là một người đứng tuổi, râu quai nón, một vợ hai con. Anh đã là công nhân ở nhà máy Trung quy mô trên 20 năm, nay được nghỉ theo chế độ, mở thêm cửa hàng giải khát để hỗ trợ cho kinh tế gia đình. Bác Để cho tôi biết bố của Dưỡng trước là một kỹ sư mỏ người Bỉ, làm hợp đồng với chính quyền Pháp ở Đông Dương. Trong chuyến ông đi theo đoàn công-voa ở Bông Lau, một viên đạn lạc đã trượt qua gót chân Dũng rồi xuyên vào ngực của bố. Mẹ Dũng là người Việt, hiện chưa biết tung tích. Tôi cảm thấy yên tâm về số phận người tù binh bé bỏng của Đường 4 năm xưa. Mong sao anh Dũng có dịp về thăm quê bố, gặp những bà con ruột thịt mà chưa bao giờ anh được thấy mặt.

       Chỉ mới hơn một tuần tôi đã sốt ruột vô cùng. Quả thật ở đây, hàng ngày liên lạc Thành và y tá Đàm ra chợ, vào bản mua thức ăn, lại thêm bà mế và chị Bằng Giang hỗ trợ vào việc nấu nướng nên tôi được hưởng những bữa cơm rất ngon miệng, sức khoẻ hổi phục mau chóng. Nhưng đã quen cuộc sống xô bồ, bận rộn với anh em, đơn vị, tôi khó thích ứng với cảnh sống nhàn nhã, ngày ngày dạo xem phong cảnh, ăn cơm, tiêm thuốc, ngủ sớm. Vắng lặng quá, êm đềm quá, ấm cúng quá trong lúc cả trung đoàn đang lao vào tập luyện. Mình nghĩ ngồi thế này, gánh nặng đơn vị dồn cả vào anh Mân. Mà công việc của chính ủy đâu có nhẹ nhàng, nào công tác Đảng, công tác chính trị, tổ chức lại các mối liên hệ với dân chính đảng địa phương.

       Tôi bảo với y tá Đàm :

       - Mình khoẻ rổi, ta về thôi, ở đây buồn có khi ốm lại mất.

      Cả y tá Đàm và liên lạc Thành vốn trẻ, hai cậu cũng ngán ngẩm với việc nghỉ ngơi, cũng muốn trở lại đơn vị lắm, nhưng y tá Đàm lắc đầu :

      - Cụ Mân kỷ luật em mất. Chính ủy giao cho một tháng mà mới chưa hết 10 ngày.

      Tôi dỗ :

      -  Tội vạ tớ chịu hết. Đừng lo !

      Thế là chúng tôi từ giã bà mế và chị Bằng Giang. Mế giữ mãi không được đành lắc đầu :

      - Chúng mày giống nhau quá mà, thằng Cơ (tên cũ của anh Bằng Giang) cũng vậy à ! Về nhà được vài ngày đã lại muốn đi rồi, hây í à ! Bao giờ hết sạch thằng Tây chúng mày mới hết đòi đi à !

      Tôi cười :

      - Đánh hết Tây con về bản ở ăn hết gạo, hết gà, mế đuổi con cũng không đi đâu.

      Ba chúng tôi rong ruổi trở về chuyện trò rôm rả suốt dọc đường rừng. Thấy chúng tôi, anh Mân chỉ tủm tỉm cười :

      - Mình đã tính chỉ độ mười lăm ngày là ông chuồn về. Vậy mà lại quá mức, chưa hết 10 ngày, bậy thật !.

      Nói xong anh dứ dứ ngón tay với y tá :

      - Không làm trọn nhiệm vụ. Ông Việt mà lại ốm, cậu đừng trách tôi nghe.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #35 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2022, 03:07:56 pm »

*
*    *

      Vào đầu năm 1950 này cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta bước sang năm thứ tư. Đây cũng là buổi mở đầu của bước ngoặt chiến tranh cứu nước. Ta đã bước vào giành thế chủ động, buộc địch lâm vào tình trạng tính toán, rất bị động lúng túng. Cái gọi là quân khu biên thùy Cao - Bắc - Lạng của quan năm Công -xtăng rất bấp bênh, chao đảo như con tàu trong bão tố. Con đường số 4 sau trận Bố Củng - Lũng Vài lần thứ 4 của Trung đoàn 174 chúng tôi hồi tháng 9 năm 1949 đã như con rắn bị nện gẫy gấp. Địch chỉ còn dám đi những chuyến nhỏ từ Lạng Sơn đến Na Sầm. Việc tiếp tế cho Cao Bằng hoàn toàn phải dùng đường hàng không, vô cùng tốn kém, trong lúc Chính phủ Pháp phải ngửa tay xin viện trợ Mỹ để duy trì cuộc chiến tranh vô vọng. Suốt giải biên giới, thế liên minh kìm kẹp của Tưởng và Pháp đã tan ra mây khói. Từ sau tháng 10 năm 1949, tình thế đã hoàn toàn đảo ngược. Địch rút Bắc Cạn rồi ; Cao Bằng nằm trong cảnh bấp bênh cũng luôn bị uy hiếp. Các nhà chiến lược của quân đội viễn chinh Pháp chia làm hai phái cãi nhau kịch liệt, mong tìm một giải pháp thoát khỏi nỗi bế tắc mà không xong.

      A-léc-xăng-đri Tư lệnh Bắc Bộ và Sác-tông Chỉ huy trưởng Cao Bằng vốn là những tên thực dân cáo già, sống lâu năm ở Đông Dương, chủ trương giữ Cao Bằng án ngữ đầu mối giao thông quan trọng, chống sự mở thông biên giới của ta, ngăn chận sự vận chuyển tiếp tế quy mô cơ giới hoá từ phía Trung Quốc sang.

      Ngược lại, Các-păng-chi-ê Tổng chỉ huy Đông Dương và Công-xtăng chỉ huy quân khu biên thùy lại muốn rút Cao Bằng để bảo toàn lực lượng nhưng sẽ tiến công chiếm đóng Thái Nguyên tạo ra điểm chốt giữ trước cửa ngõ đồng bằng Bắc Bộ.

      Cả hai đều phải đưa hết lý lẽ để chứng minh tài thao lược của mình, nêu rõ chỗ mạnh tối ưu của phương án mình đề ra, và bới móc những điểm yếu của bên đối lập. Khốn nỗi tình thế bị động chiến lược thì phương án nào mà chẳng gặp phải khó khăn, sơ hở, và yếu kém. Chiếm giữ đất thì thiếu quân cơ động, mà ngược lại muốn đẩy mạnh sức cơ động thì lấy quân đâu mà tập trung co cụm khỏi bị dàn mỏng. Đã không còn đủ sức để chiếm đóng ngăn giữ trên một địa bàn rộng lớn mà phải bàn tính đến cách đóng giữ một điểm mà chặn được nhiều hướng, nhiều cửa ngõ xâm nhập xuống đồng bằng Bắc Bộ thì làm gì có điểm nào đắc địa, lợi thế !

      Cao ủy Pi-nhông cũng lúng túng giữa hai ý kiến trái ngược nhau của hai tướng Các-păng-chi-ê và A-léc-xăng-đri. Cuối cùng con lắc Pi-nhông có phần nghiêng vể Các-păng-chi-ê nên viên tướng này dùng đến quyền hành bảo với A-léc-xăng-đri :

      - Tôi là tổng chỉ huy toàn cõi Đông Dương. Anh chỉ có việc tuân lệnh. Hãy thi hành lệnh của tôi.

      A-léc-xăng-đri cứng đầu, cáo ốm xin nghi phép về Pháp với ý đồ tìm cách biện bạch với những người có trách nhiệm trong Chính phủ Pháp. Việc không thành, A-léc-xăng-đri nằm lì, nhưng cuối cùng, theo quân lệnh, vẫn phải mò sang nhận nhiệm vụ chỉ huy Bắc Bộ trong bối cảnh bùng nhùng, ảm đạm.

      Sau này, khi Sác-tông, Chỉ huy trưởng phân khu Cao Bằng và đồng bọn bị bắt sống, anh Văn cho gọi Sac-tông đến để trực tiếp thẩm vấn. Anh hỏi :

      - Anh nghĩ gì việc quân đội Việt Nam có thể tấn công Cao Bằng ?

      - Thưa ngài, không bao giờ tôi nghĩ rằng quân của các ngài dám tấn công Cao Bằng, vì đó là pháo đài kiên cố nhất trên toàn cõi Đông Dương. Để lấy Cao Bằng, tôi e chừng ngài phải mất ít nhất một tháng, thua thiệt 10000 quân, tức là toàn bộ lực lượng tinh nhuệ của ngài.

      -  Vậy tại sao anh rút bỏ Cao Bằng ?

      -  Đấy là mệnh lệnh, thưa ngài, tôi phải tuân lệnh.

      -  Anh nghĩ gì về việc Cao Bằng thất thủ ?

      Sac-tông xoè hai bàn tay lông lá đưa lên ngang vai, bực bội và thất vọng :

      - Thưa ngài, bỏ Cao Bằng tức là bỏ ngỏ biên giới. Ngày nào ngài còn phải chuyên chở lương thực vũ khí trên lưng người, lưng ngựa, ngày đó còn chiến tranh du kích nhỏ. Nhưng một khi những chiếc Mô-lô-tô-va của các ngài chạy được đến cửa ngõ đồng bằng Bắc Bộ thì ôi thôi, lúc đó sẽ là chiến tranh lớn thật sự.

      Thất bại của chiến tranh Đông Dương đã bắt đầu hình thành. Dù A-léc-xăng-đri và Sac-tông là những tên chỉ huy cáo già, có bản lĩnh hơn cả trong số bọn tướng tá thực dân hồi bấy giờ, nhất định chúng cũng phải cam chịu thất bại.

      Cũng vào đầu năm 1950, kể từ sau chiến thắng Thu Đông 1947, tiếp tới những trận thắng giòn giã trên Đường số 4 và những trận thắng lợi ở phố Ràng, Phủ Thông, Nà Phạc, Đường số 3, Đường số 5 v.v. bộ đội ta đã lớn mạnh nhiều.

       Năm 1947, mới chỉ có một số ít trung đoàn tập trung, còn phẩn lớn là những tiểu đoàn và đại đội độc lập. Bước vào năm 1950, ta đã có Đại đoàn 308 ở Việt Bắc và Đại đoàn 304 ở khu 4. Bộ cũng đang dậm dạp một số đại đoàn tiếp theo nữa. Trung đoàn mặt trận Cao - Bắc - Lạng 174 chúng tôi cũng đã nằm trong dự kiến đội hình Đại đoàn 316.

       Để đẩy mạnh cuộc kháng chiến lên một bước mới nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Thường vụ Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định giao cho Bộ Tổng Tư lệnh mở chiến dịch tiến công biên giới vào mùa khô Thu Đông 1950.

       Ngày 25 tháng 7, Ban thường vụ Trung ương ra nghị quyết thành lập Đảng ủy mặt trận biên giới gồm các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Hoàng Văn Thái, Lê Liêm, Bùi Quang Tạo do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bí thư. Dạo ấy, Trung đoàn 174 chúng tôi đang luyện tập kỹ thuật, chiến thuật ở vùng Trùng Khánh (Cao Bằng) với khí thế sẵn sàng tham dự chiến dịch Thu Đông. Tuy chưa biết ở hướng chiến trường nào nhưng cán bộ và chiến sĩ đều mang chung một ý nghĩ : Thu Đông này ta sẽ đánh lớn.

       Ngày 30 tháng 7, tôi được lệnh triệu tập đến sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng Tham mưu họp. Địa điểm này ở dưới chân dãy núi đá vùng Quảng Uyên. Trên chọn chỗ này thật quả là đắc địa. Từ đây có đường ra Cao Bằng, có lối xuống Đông Khê.

       Lui về hậu phương có đường qua Nước Hai, về Bắc Cạn ; đi ngả Trùng Khánh đến Phục Hoà thông được sang bên kia biên giới.

       Đến nơi họp, ngoài các đống chí trên Bộ, tôi được gặp lại nhiều đồng chí quen biết qua những lần phối hợp chiến đấu trên trục Đường số 4 năm ngoái. Anh Vương Thừa Vũ và các anh Thái Dũng, Vũ Yên, Vũ Lăng, Hồng Sơn của Đại đoàn 308. Anh Lê Trọng Tấn Trung đoàn độc lập 209, anh Doãn Tuế ở pháo binh ...

       Anh Hoàng Văn Thái phổ biến mục đích của chiến dịch tiến công biên giới Thu Đông năm này nhằm :

       - Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch.

      - Giải phóng một phần biên giới, mở đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa.

      - Mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc.

      Sau đó, anh đưa dự kiến kế hoạch tác chiến sẽ lấy Cao Bằng làm mục tiêu số 1, thứ đến Đông Khê rồi Thất Khê. Giải phóng được Cao Bằng, ta mở thông đường với toàn phe xã hội chủ nghĩa, tạo, ra nhiều thuận lợi cho công cuộc kháng chiến. Khi mọi người nắm được sơ đồ, vị trí và tình hình địch rổi, anh Thái giao nhiệm vụ để các cán bộ về tổ chức, trinh sát nghiên cứu chiến trường, báo cáo về Bộ. Lúc đó sẽ quyết định cuối cùng về kế hoạch phương án tác chiến cụ thể cho từng đơn vị.

      Trước lúc ra về, anh Thái nói với tôi :

      - Nếu đánh Cao Bằng, trung đoàn của cậu sẽ là mũi chủ công đấy.

      Tôi về kể lại mọi chuyện với anh Mân, anh gật gù :

      - Trên đã tin tưởng, là làm cho tốt. - Anh lại nói thêm : - Ông Việt này, giá trên cho ta đánh cái Đông Khê, ngon ăn hơn.

      Tôi rất hợp ý với chính ủy vì hồi tháng 5 vừa qua, trung đoàn chúng tôi đã tiêu diệt nhanh gọn Đông Khê, giết tên đồn trưởng Ca-ga-nô-va ngay từ loạt đạn pháo đầu tiên. Đây cũng là lần đầu tiên Trung đoàn 174 chúng tôi đánh công kiên vào một cụm cứ điểm tương đối rắn, do toàn bọn Lê dương (3e REI) chiếm giữ. Dạo ấy sau khi tôi an dưỡng ở bản Thắc Thủy về, huấn luyện xong bộ đội, chúng tôi thực hiện nghị quyết của Đảng ủy : “Tìm địch mà đánh. Nó đóng trong đồn thì ta công kiên một trận rút kinh nghiệm”.

      Anh Mân bàn với tôi :

      - Ta nghiên cứu tình hình cái Đông Khê coi !

      Chúng tôi bàn với các cán bộ tham mưu và tiểu đoàn. Anh em hăng hái hưởng ứng. Thế là tôi tổ chức đi trinh sát thực địa, nghiên cứu cách đánh. Chúng tôi tập kết ở xã Vân Trình, nhà cụ Việt An, cách Đông Khê 10 km.

      Cụ Việt An sau này là Chủ tịch Ủy ban huyện Đông Khê, có con là Nguyễn Văn Khoa, hiện nay là Bí thư huyện ủy Đông Khê.

      Ngày ấy có bộ phận tiền phương của Bộ Tổng tham mưu ở gẩn kề với trung đoàn do anh Phan Phác, quyền Tổng tham mưu phó phụ trách. Tôi gặp anh đề xuất ý kiến và xin được đánh Đông Khê sau khi đã trinh sát nghiên cứu kỹ. Anh Phan Phác đồng ý và bảo sẽ báo cáo về Bộ. Thế là chúng tôi đánh.

      Nhớ lại trận đó, hôm trung đoàn chiếm lĩnh trận địa, trời đố mưa to, suối ngập đầy, bộ đội hành quân rất khó khăn, anh Mân với tôi phải leo lên một mỏm núi đá. Chúng tôi đặt sở chỉ huy trên đó, trước cả trận địa pháo 75, cách phố Đông Khê chừng 300 m. Mưa như xối, vách đá dựng đứng lại rất trơn, chỉ vô ý một chút là lăn xuống chân núi như chơi. Từ trên đỉnh núi, chúng tôi quan sát được toàn cảnh thị trấn Đông Khê, nhìn rõ cả pháo đài, sở chỉ huy địch. Bọn Lê dương nhốn nháo đi lại, đứa chặt cây, đứa bổ củi, hò hét nhau nhặng xị.

      Đúng 5 giờ sáng ngày 25 tháng 5, tôi hạ lệnh công kích. Hai khẩu pháo bố trí ở dãy núi Yên Ngựa bắn vào Cạm Phầy. Theo kế hoạch, chúng tôi định áp đảo ngay từ phút đầu tiên, chiếm lấy Cạm Phầy vì đồn này ở trên núi cao, chiếm được nó không khác gì chúng ta ngồi lên đầu cả phân khu Đông Khê. Thế nhưng, đây là lần đầu tiên, trung đoàn đánh hiệp đồng bộ pháo, mà pháo ngày đó bắn còn kém. Đạn pháo cứ nổ lưng chừng núi, không phát nào trúng đồn cả. Trong khi đó, địch phản pháo dữ dội, tiểu đoàn trưởng Kha và một số pháo thủ của ta hy sinh sau một loạt đại bác 75 ly bắn thẳng của địch ; xung kích của Tiểu đoàn 257 không sao tiếp cận được, đã hết nửa cơ số đạn mà đột phá khẩu chưa mở được. Tôi và anh Mân bàn tính : “Tình hình này không ổn, địch có thể còn gọi phi cơ yểm trợ nếu chúng tổ chức phản xung phong thi sao. Cần phải dừng lại, củng cố đã”.

      Chúng tôi cho lệnh tạm ngừng. Các đơn vị giấu quân, đảm bảo an toàn, chống phi pháo địch. Vận chuyển tiếp tế gấp cho trận địa pháo 100 viên nữa. Tối nay đánh tiếp. Cả ngày hôm ấy chúng tôi bị máy bay địch từ Hà nội lên liên tiếp thả bom và bắn phá. Từ sở chỉ huy nhỉn lên các mỏm núi đá phía Bắc và Đông Bắc, trước đây xanh rì nay phờ phạc trắng xoá, như những quả núi vôi. Nhưng tất cả bộ đội đều thoải mái nghi ngơi trong các hang sâu. Trong đồn chính của giặc có nhiều tiếng cưa xẻ và đóng đinh. Địch cũng không dám đánh ra, chỉ dùng phi pháo nã liên hồi, hết đợt này tới đợt khác. Sau này, khi đã chiến thắng, chúng tôi mới vỡ lẽ : tên quan ba Ca-ga-nô-va chỉ huy trưởng đã bị giết ngay từ phát đầu của ta. Tiếng đóng đinh, chính là chúng làm quan tài cho tên chỉ huy xấu số. Đây cũng là sự bối rối của chúng suốt ngày hôm đó. Buổi chiều, đúng lúc sẩm tối, khi bốn chiếc Hen-cát cuối cùng chỉ còn là những chấm đen ở chân trời hướng về Hà Nội, tôi hạ lệnh nổ súng. Qua một ngày bàn bạc tính toán, pháo ta bắn rất tốt. Chúng tôi chiếm Cạm Phầy và như từ trên nóc nhà đánh thọc xuống chiếm khu pháo đài, trung tâm chỉ huy thông tin và hoả lực của địch và như thế chẻ tre, toả xuống phố chiếm đốn, khu nhà thương Phủ Thiện, giành thắng lợi ngay trong đêm ấy. Sáng sớm ngày 27 tháng 5, tôi và anh Mân ung dung từ sở chỉ huy trên núi xuổng, vào thăm thị trấn Đông Khê còn ngổn ngang kho tàng để xác địch.

      Trận ấy trung đoàn chúng tôi có một khuyết điểm là không có kế hoạch đánh bọn viện binh nhảy dù đến chiếm lại đổn, vả lại cũng nghĩ : “Nó có chiếm lại cũng phải dăm bữa nửa tháng”. Ai dè đối với địch, Đông Khê là một tiểu khu quan trọng, lá chắn của Cao Bằng, nên chúng vội vàng cho quân nhảy dù chiếm lại ngay ngày hôm sau. Còn chúng tôi thì đã cho đơn vị rút, chỉ còn lại một bộ phận nhỏ cùng dân công thu dọn chiến trường. Khi địch nhảy dù chiếm lại, các tiểu đoàn của chúng tôi đang trên đường hành quân về hậu cứ khó tính chuyện quay lại. Cả trung đoàn cứ tiếc mãi. Nhưng có lẽ sự ấu trĩ của chúng tôi đã tạo ra cho địch thói chủ quan. Chúng lầm tưởng thất thủ Đông Khê lần đó là do sự rủi ro đem lại cái chết của tên Ca-ga-nô-va, chi huy cụm cứ điểm nên ảnh hưởng tới cục điện chiến đấu ; ta đánh xong, vội rút bỏ, hẳn là cũng bị tổn thất nặng. Mọi suy luận đó đã dẫn tới việc giặc tuy có tăng cường bố phòng Đông Khê mạnh hơn, nhưng vẫn chủ quan và không hề biết gì tới số phận của nó là mục tiêu lựa chọn của ta trong chiến dịch Biên giới sắp tới.

      Hôm đó, đồn Đông Khê ngổn ngang xác giặc, nhà cửa, công sự đổ nát tan tành. Hoạ sĩ của trung đoàn, anh “Sĩ Tốt” đặt giá vẽ trên pháo đài, đang say sưa ghi lại vài nét làm lưu niệm chiến thắng. Bỗng có tiếng máy bay, bom đạn đổ như xối, quân dù nhảy xuống pháo đài. Một tên rơi cạnh ngay giá vẽ. Tên giặc đang loay hoay gỡ giây dù, “Sĩ Tốt” một tay cầm bút lông, một tay vớ thanh củi xông tới đánh vào đầu nó. Rồi cướp luôn khẩu tiểu liên, lia một băng, tên giặc chết liền. Sau đó, anh lủi xuống chân pháo đài và thoát khỏi vòng vây của địch.

      Bên cạnh những hành động anh hùng của các dũng sĩ trong trung doàn cũng xảy ra một vài vụ vi phạm kỷ luật chiến trường : anh chàng T.S. khi vào sâu trong hầm của pháo đài, trước cảnh rượu vang, sâm banh ngổn ngang trên một cái bàn, không tự kiềm chế được, anh nốc liền mấy chai, say đến mức khi địch nhảy dù lên đầu, anh đã mềm như bún, nên bị bắt làm tù binh. Mãi đến 1954, anh mới được trao trả.

      Tôi còn nhớ sau hôm thắng trận Đông Khê, tôi được lệnh về ngay Bộ để báo cáo cụ thể trận đánh. Đến nơi tôi được trực tiếp gặp anh Văn. Anh hỏi rất tỉ mỉ về sử dụng binh lực, bố trí các mũi và quá trình diễn biến trận đánh. Hỏi xong, anh cười cười khen :

      - Cậu đánh tốt đấy ! Chiến thuật khá, thương vong ít. Nói xong anh dặn thêm : “Từ nay đánh đâu phải xin ý kiến cụ thể của Bộ đã ; nhớ đấy !”

      Đến bây giờ tôi mới hiểu. Thì ra trên đã có ý đồ về một chiến dịch lớn mùa khô năm ấy, cũng đã nhằm đến hướng của chiến trường chính sẽ là Cao - Bắc - Lạng. Việc đánh Đông Khê của trung đoàn tôi tuy thắng lợi giòn giã nhưng cũng tạo cho địch sự đề phòng, củng cố hệ thống đồn bốt chúng rắn chắc hơn. Hoặc có thể khiến địch phán đoán được ý đồ của ta chăng ? Một trận công kiên tập dượt chăng ?

      Hôm ấy tôi được anh Hoàng Văn Thái tiếp. Anh rất vui bảo tôi :

      - Từ ngày cậu rời phòng tác chiến xuống Đường số 4 làm ăn khá. Nhân hôm nay về, sang nhà ăn cơm với mình.

      Nhà anh là một căn nhà tre, mái cọ ở khoảng đồi gần ngay chỗ làm việc của Bộ Tổng tham mưu. Chị Loan thịt một con gà, anh chịu nuôi tăng gia. Rau có sẵn ở vườn. Bữa cơm thân mật này tôi nhớ mãi. Anh hỏi tôi về tình hình đơn vị và nói cho tôi rõ tình hình chung cùa bộ đội ta ở các chiến trường từ Bắc vào Nam. Tôi nhớ mãi câu anh nói :

     - Cuộc kháng chiến ngày càng có nhiều triển vọng. Ta lớn dần và địch yếu rõ rệt, Pháp thua thôi, phải thua thôi !

      Đức tin và niềm vui của hai anh đã truyền sang tôi một sức mạnh kỳ lạ. Tôi trở về đơn vị với một tinh thần phấn chấn, lòng lự nhủ lòng : “Cố gắng đánh mấy trận thật đậm, Trung đoàn 174 phải góp hết sức mình vào cuộc chiến tranh đang trên đà thắng lợi !”.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #36 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2022, 03:11:51 pm »

*
*    *

      Hôm đi trinh sát Cao Bằng, tôi tổ chức một bộ phận gọn nhẹ tới một mỏm đồi hướng Bắc. Ở đây có thể quan sát toàn cảnh địa thế của thị xã mà đầu năm 1948, tên Cao ủy Bô-la đến thị sát đã từng thốt lên :

      - Ôi ! không khi nào và không bao giờ người Pháp chúng ta rời bỏ cái thành phố xinh đẹp này.

      Thị xã Cao Bằng có 3000 dân, nó là nơi đặt sở chỉ huy của trung đoàn Lê dương thứ 3 và sở chỉ huy của tiểu đoàn bộ binh An-giê-ri và tiểu đoàn ngụy.

      Sông Hiến và sông Bằng quây bọc lấy thị xã khiến nó như một bán đảo nhỏ. Muốn vào thị xã phải qua hai chiếc cầu, địch đặt bốt gác kiểm soát gắt gao. Pháo đài Cao Bằng nhô cao trên đồi biến thành một điểm quan trọng, quan sát cả thị xã. Một pháo đài được xây dựng kiên cố ngay từ thời Pháp thuộc, giờ địch củng cố thêm, xây dựng hầm sâu dưới mặt đất 7m. Dưới đó chúng có kho đạn, kho lương thực, trạm xá, phòng ăn, phòng ngủ, theo kiểu chiến luỹ Ma-gi-nô thu nhỏ có thể độc lập chống bao vây hàng tháng không cẩn tiếp tế. Vòng quanh chắn thành là một đường đá rộng xe tăng và xe thiết giáp có thể chạy lùng sục không cho đối phương tiếp cận hoặc bắc thang leo lên pháo đài.

      Quanh Cao Bằng là đổi trọc cỏ gianh lúp súp, tạo thuận lợi cho pháo binh, không quân yểm trợ ; ta tiếp cận được phải rất khó khăn. Cao Bằng có một sân bay ở hướng Nam. Chúng bố trí một vòng đai bảo vệ gồm 15 vị trí. Từ trên cao nhìn xuống thấy rõ đây là một cụm cứ điểm khá vững chắc và lợi hại. Sác -tông cho Cao Bằng là một pháo đài kiên cố bậc nhất toàn Đông Dương hồi bấy giờ. Khi đoàn nghiên cứu chiến trường của 174 chúng tôi về sở chỉ huy tiền phương của Bộ báo cáo, thì các đoàn khác cũng lục tục kéo về. Sau này gặp lại anh Cao Pha vốn lả Trưởng phòng của Bộ ngày ấy, tôi mới biết đích thân anh Văn đã cùng anh Cao Pha, Lâm Kính, Hiếu Kính 1 cũng tổ chức một mũi đi khảo sát thực địa Cao Bằng. Nói chung ai cũng thấy đây là một điểm cứng. Cứng vì sự bố phòng của địch và sự trắc trở của hai con sông.

      Trước một quyết định quan trọng, liên quan đến sinh mệnh hàng vạn con người và đến vận mệnh quốc gia, đồng chí Tổng tư lệnh, kiêm Tổng chỉ huy chiến dịch, trực tiếp thị sát chiến trường. Anh ngồi rất lâu trên một mỏm đồi gianh phía Đông Bắc thị xã, rồi ống nhòm quan sát địa hình và các công trình bố phòng của địch. Anh quay lại nói với các cán bộ tuỳ tùng :

      - Cao Bằng khó đánh, phải xem lại chủ trương, phải xin quyết định mới của Bác.

      Vài hôm sau, một cuộc họp lịch sử đã diễn ra ở sở Chỉ huy tiền phương. Cuộc họp có Bác Hồ, anh Văn và đồng chí T.C. là cố vấn do Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc cử sang giúp ta sau khi lục địa Trung Hoa được hoàn toàn giải phóng.

      Bác Hồ chủ trì cuộc họp dịch cho đồng chí T.C. nghe những lời trình bày của anh Văn. Bác và đồng chí T.C. tán thành phương án mới do anh Văn đề ra. Mấy hôm sau, chúng tôi nhận được quyết định cuối cùng của Bộ Tổng tư lệnh. Anh Thái phổ biến kế hoạch cụ thể cho tôi.

      - Điểm của chiến dịch là Đông Khê, đánh Đông Khê có nhiều lợi thế hơn đánh Cao Bằng vì Cao Bằng điểm cứng, khó giải quyết được nhanh, đột phá dây dưa, bộ đội ta dễ bị hứng đạn của phi pháo dịch, dù có giải quyết được, thương vong cũng sẽ lớn.

      Đông Khê cũng là một cụm cứ điểm nhưng không to rộng và cứng như Cao Bằng. Địa hình bao quanh là rừng rậm, núi cao, giúp ta dẫn quân tiến nhập trận địa dễ hơn. Đông Khê là cái yết hầu bảo đảm cho Cao Bằng.

      Đánh vào Đông Khê buộc địch phải cứu viện, sẽ tạo cho ta thời cơ tiêu diệt bọn viện binh. Đánh địch trong lúc đang vận động ngoài công sự, dễ dàng, thuận lợi hơn. Một khi viện binh bị tiêu diệt, sẽ gây ra nỗi kinh hoàng cho bọn cố thủ trong cứ điểm. Chắc chắn ta dễ thắng to.

      Anh Thái bảo trên sẽ điều cho Trung đoàn 174 chúng tôi thêm Tiểu đoàn 246 (Liên khu Việt Bắc), Tiểu đoàn 11 của Đại đoàn 308, sáu khẩu sơn pháo 75, bốn khẩu ĐKZ57. Chúng tôi có nhiệm vụ làm chủ công tiến công vào Đông Khê ở hướng Bắc và Đông Bắc. Ở hướng Tây Nam và Tây, Trung đoàn 209 của anh Lê Trọng Tấn có tiểu đoàn pháo 178 phối thuộc, đánh thốc lên. Trung đoàn pháo binh bố trí 14 khẩu ở trận địa phía Đông do tiểu đoàn trưởng Doãn Tuế trực tiếp chỉ huy.

      Đại đoàn 308 vừa là tổng dự bị cho Đông Khê vừa có nhiệm vụ diệt viện theo kế hoạch đánh điểm diệt viện. Anh Thái sẽ là chỉ huy trưởng mặt trận Đông Khê. Anh Lê Trọng Tấn là chỉ huy phó. Tôi vội vã tổ chức trinh sát Đông Khê rồi quay về trung đoàn cùng anh Mân bàn bạc kế hoạch tác chiến. Anh Mân nói vui :

      - Té ra chúng mình cầu được ước thấy thật.

      Tôi kể lại cụ thể tình hình Đông Khê. Chúng đã có một số thay đổi ở chỗ pháo đài trung tâm chỉ huy, trên quả đồi hình quả táo ở hướng Bắc, chúng cho chặt trụi cây cối không để ta có chỗ ẩn nấp mà tiến sát bám đầu cầu, chúng còn đánh bậc tam cấp để hạn chế tốc độ vượt quãng trống của bộ đội ta. Rõ ràng lẩn trước bị tiến công từ hướng này nên chúng đề phòng kỹ lưỡng lắm.

      Tôi tâm sự :

      - Ta làm chủ công đánh Đông Khê là ngon ăn hơn Cao Bằng rồi, giá trên cho ta đánh từ hướng Nam lên chắc dễ ăn hơn. Vì mở đường chính ở đây, địch dễ bị bất ngờ. Chúng dồn sức vào hướng Bắc cả, ta chuyển từ phía Nam lên diệt Pò Đình, Pò Hầu xong sẽ đột phá thẳng vào pháo đài rổi từ phía sau lưng này ta đánh thẳng tới, chắc chắn phát triển được xuống thị trấn.

   Anh Mân gật gù, điềm đạm bảo tôi :

      - Dù sao trung đoàn ta đã một lần đánh Đông Khê hướng Bắc khó nhưng ta vẫn quen hơn đơn vị bạn. Hơn nữa ở hướng Bắc, ta cũng có cái lợi về địa thế, một khi chiếm được Cạm Phầy là ta đánh từ trên cao xuống, lại dễ bố trí pháo yểm trợ. Phía Nam tạo được thế bất ngờ nhưng phải qua khu phố đảo ngược lên, cũng có cái khó trong quá trình vận động chiến đấu dưới tầm pháo địch. Tính toán sao thì cũng chỉ có hai hướng. Ta khó đã có 209 phát triển thọc lưng ắt địch không đương nổi từ hai phía đâu. Các anh ở trên chắc cũng đã tính toán kỹ theo từng sở trường của từng đơn vị rồi.




----------------------------------------------------------------
1. Anh Hiếu Kính tức Nguyễn Văn Hiếu
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #37 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2022, 03:32:12 pm »

TIÊU DIỆT CỤM CỨ ĐIỂM ĐÔNG KHÊ


   Chúng tôi đặt sở chỉ huy trung đoàn trên mỏm núi đá phía Đông Bắc thị trấn Đông Khê vùng Pắc Xiêng. Dưới chân núi là bản Nà Gianh. Tôi phân công Tiểu đoàn 251 do Nguyễn Hữu An chỉ huy ở hướng chính diện đánh thẳng lên pháo đài. Tiểu đoàn 249 của Lê Hoàn đánh chiếm đồi yên ngựa Cạm Phầy - Phìa Khoá thốc xuống nhà thương dưới phố. Tôi để Tiểu đoàn 250 của Khai Tâm làm dự bị. Hai Tiểu đoàn 11 và 426 phối thuộc được bố trí ở vùng Nà Cốc phía Bắc Đông Khê, chuẩn bị đánh quân nhảy dù tiếp cứu và khống chế đồn Nà Cúm.

      Bố trí xong khoảng 5 giờ sáng ngày 16 tháng 9, trên sở chỉ huy tiền phương anh Thái gọi điện hỏi tôi :

      - Sẵn sàng được chưa ?

      Tôi đáp gọn ghẽ :

      - Báo cáo “Đâu vào đấy cả rồi ạ”.

      Đúng 6 giờ sáng, trên phát lệnh nổ súng tiến công. Các cỡ pháo nhất loạt nã giòn giã vào mục tiêu. Xung kích đánh bộc phá thông cửa mở đường chiếm lĩnh đầu cầu rất tốt.

      Đến 9 giờ, chiếm được Yên Ngựa, 10 giờ 30, chiếm Phìa Khoá.

      Địch khôn ngoan không tổ chức phản kích, cứ cố thủ và gọi phi pháo bắn mãnh liệt. Sáu chiếc Hen-cát liên tục quần đảo yểm trợ cho bọn trong pháo đài kiên cố.

      Hướng Tây Nam, trung đoàn bạn do có bộ phận hành quân lạc, bố trí trận địa chậm nên chiều tối khoảng 18 giờ, mới nổ súng công kích. Đến 21 giờ, hướng đó diệt được đồn Pò Đình. Đang cố hạ nốt Pò Hầu, đồn này chúng đã thay bằng bọn Lê dương thiện chiến và ngoan cố. Bọn chúng đã từng hát những lời ca ngổ ngáo và tục tĩu :

Với lính Lê dương
Đồng lương mua cái chết
Cái thú của Lê dương
Là chém giết
Cái vui là phá phách và gái điếm.


      Đợt tiến công thứ hai đêm ấy mãi đến 4 giờ sáng chúng tôi mới chiếm được Cạm Phầy. Từ cái thế trên cao nhòm xuống pháo đài, tôi điều pháo to lên nã xuống để yểm hộ cho xung kích tiến vào pháo đài.

      Lúc này, Trung đoàn 209 lợi dụng địch phải tập trung đối phó giữ pháo đài, đã phát triển rất nhanh, đánh chiếm toàn bộ phía Nam gồm Phủ Thiện, Nha cũ, Trường học.

      Nói chung kể từ sau lần bị Trung đoàn 174 chúng tôi đánh chiếm hồi tháng 5, mới cách có 4 tháng mà địch đã tăng cường một hệ thống dây thép gai dày đặc, hầm ngầm, lô cốt vững chãi, có tác dụng phòng ngự và chi viện nhau rất lợi hại. Chúng tính toán sẵn cự ly, toạ độ cho cối 120 ly, 81 ly cứ nhè các điểm ta xuất phát xung phong vào pháo đài mà bắn tới tấp. Khi ta vào được trung tâm thì các hoả điểm ngầm của chúng mới bất ngờ xuất hiện. Cùng lúc từ các ngóc ngách đường hào, bọn Lê dương tổ chức phản kích sau khi hoả lực vòng cầu của chúng sát thương bộ đội ta đánh bám ở đầu cầu. Cuộc chiến đấu giằng co quyết liệt vô cùng dữ dội. Ta bị thương vong khá, ba lần đột phá pháo đài đều bị bật ra.

      Sau đêm 16 tháng 9, tuy đã chiếm được Cạm Phầy - Phìa Khoá, vòng vây khép lại quanh thị trấn và pháo đài đồn to nhưng không phát triển được nữa. Bên Trung đoàn 209 cũng chững lại và một mũi bị địch phản kích phải bật ra. Sau khi báo cáo tình hình với trên, tôi được lệnh của anh Thái từ sở chỉ huy cho biết : “Bộ chỉ huy chiến dịch hạ quyết tâm dù khó khăn đến đâu cũng tiêu diệt bằng được Đông Khê. Bảo đảm thắng trận đầu mở màn chiến dịch”. Anh Thái lệnh cho cả 174 và 209 : Tích cực làm công sự, kiên quyết bám giữ cho được Cạm Phầy, Phìa Khoá, Pò Hầu, chuẩn bị để đêm 17 tháng 9 tiếp tục công kích diệt Đông Khê.

      Cả ngày 17 tháng 9, bộ đội ráo riết chuẩn bị cho trận tiến công dứt điểm đêm nay. Đội ngũ được chấn chỉnh lại. Cán bộ bàn bạc rút kinh nghiệm khắc phục những thiếu sót về kỹ thuật, chiến thuật, quan hệ hợp đồng chiến đấu giữa các mũi xung kích, giữa bộ binh và pháo binh.

      Những tấm gương dũng cảm chiến đấu được phổ biến kịp thời để các chiến sĩ mạn đàm học tập. Huấn thị về chiến dịch Cao Bắc Lạng của Bác Hồ được gửi xuống từng phân đội nhỏ. Lời Bác dạy được truyền lan khắp mặt trận, có sức cổ vũ mạnh mẽ :

Hỡi các chiến sĩ yêu quý !
Vệ quốc đoàn
Bộ đội địa phương
Dân quân du kích
Chiến dịch Cao - Bấc - Lạng rất quan trọng
Chúng ta quyết đánh thắng trận này
Để thắng trận này các chiến sĩ ở mặt trận
Phải kiên quyết, dũng cảm trăm phần trăm.


      Anh em kháo nhau :

      -  Đêm nay dứt khoát hạ đồn Đông Khê để Bác vui lòng.

      -  Đánh thắng rồi được gặp Bác, thì sướng vô cùng.

      Tôi và anh Mân tính toán lại thực lực trung đoàn và bàn nhau đêm nay sẽ chuyển hướng đột phá qua phía Đông của pháo đài. Bỏ hướng Bắc vì địch dồn sức vào đấy và chuẩn bị đối phó kỹ càng. Chúng tôi đề nghị bên 209 nên cho một mũi phối hợp đánh thốc từ phía Nam lên, một mũi đột phá vào sau lưng pháo đài. Tôi báo cáo dự kiến trên với chỉ huy trưởng mặt trận. Anh Thái đồng ý ngay, thăm hỏi về tình hình sức khoẻ, tinh thần của cán bộ chiến sĩ của trung đoàn và dặn thêm :

      - Cho trung đoàn đột phá hướng Đông Bắc. Đêm nay tập trung lực lượng tiêu diệt cho kỳ được đồn to có pháo đài. Các vị trí khác kiềm chế diệt sau. Chú trọng phát huy tác dụng của bộ - pháo. Đánh tốt sẽ dập nhanh các hoả điểm kiên cố của chúng, đỡ thương vong.

      Mới hơn sáu giờ chiều mà cả vùng núi đồi Đông Khê đã tối sẫm vì sương mù dăng dải. Đúng 18 giờ 30 phút anh Thái ra lệnh tổng công kích. Sau đợt pháo áp đảo dữ dội, các mũi tiến công của trung đoàn mở đột phá khẩu. Quả đúng như dự định, Tiểu đoàn 251 đột kích phía Đông pháo đài đã bám được đầu cầu. Chiến sĩ La Văn Cầu 1 đánh quả bộc phá anh dũng tuyệt vời.

      Tinh thần quả cảm của anh đã đập tan lô cốt địch. Anh để lại một cánh tay tại trận địa, nhưng tinh thần anh dũng đó đã tạo điều kiện cho xung kích bật lên xông vào trung tâm như bão lốc. Anh La Văn Cầu, hồi ấy là chiến sĩ tân binh, ở Trùng Khánh, thuộc Tiểu đoàn 251 (174), có nhiệm vụ đánh bộc phá lô cốt phía Đông Bắc pháo đài Đông Khê. Đạn bắn như mưa, anh bị nát một cánh tay phải, tuột xuống chân đồi, anh nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay còn lủng lẳng - với tay trái còn lại, anh xông lên dí bộc phá vào miệng lỗ châu mai - dùng răng giật kíp nổ, chưa kịp ra xa, bộc phá đã nổ, anh bị tung lên lăn xống chân dốc. Đồng đội ôm lấy anh và đưa anh về hậu tuyến, ở hướng Bắc, Tiểu đoàn 249 cũng chiếm được đồn Nhà thương, thọc sâu vào phố, đến lô cốt số 7 thì gặp anh em bên 209 từ phía Nam lên. Cả hai hợp điểm và cùng chọc một mũi vào sau lưng lên pháo đài. Thế là từ mấy hướng phối hợp nhịp nhàng ập tới, địch lâm vào cái thế phải tan rã.

      Đến 4 giờ 30 ngày 18 tháng 9, ta thọc sâu vào sở chỉ huy địch. Tên đại uý đồn trưởng A-li-úc cùng mấy tên sĩ quan tham mưu, trong tay chỉ còn những băng đạn cuối, định vọt qua hàng rào phía Đông Nam chạy trốn, nhưng không thoát.

      Xung kích giải quyết nốt mấy đồn tiền tiêu Khâu Áng - Nà Cúm. Bọn ở đây tháo chạy về Thất Khê. Toàn bộ cụm cứ điểm con nhím Đông Khê bị tiêu diệt vào lúc 10 giờ ngày 18 tháng 9. Thay vào tiếng súng là tiếng reo hò chiến thắng của bộ đội ta. Trước lúc rời núi đá để xuống thị trấn, tôi báo cáo về sở chỉ huy mặt trận một câu rất gọn :

      -  Báo cáo anh xong rồi ạ !

      Anh Thái hỏi thêm :

      -  Hoàn toàn chứ !

          -  Dạ xong hoàn toàn.

            Hôm ấy, khi xuống phố ngắm quanh cảnh Đông Khê, tôi gặp Nghiêm Xuân Hiếu, cán bộ trinh sát của Bộ. Vốn quen thân Hiếu từ hồi tôi còn ở Ban nghiên cứu, Phòng tác chiến, tôi hỏi đùa :

            -  Sao cậu đã mò xuống đây nhanh thế ?

            Xuân Hiếu cười :

            -  Tôi ở chỗ anh Thái từ đầu chiến dịch, vừa nghe các anh báo đã xong Đông Khê, “cụ” giục tôi : Cậu xuống ngay rồi về báo cáo tình hình cụ thể, xuống tận nơi đấy”.

            Nói xong Hiếu khoát tay :

            -  Trận này thắng to thật ! Trận mở màn chiến dịch đẹp tuyệt.




-----------------------------------------------------------------
1. Anh La Văn Cầu : Tân binh, quê ở Trùng Khánh, Cao Bằng. Sau chiến công ở Đông Khê 2 anh được phong Anh hùng lá cờ đầu của quân đội nhân dân Việt Nam.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #38 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2022, 03:55:23 pm »

BÁC HỒ CÙNG RA TRẬN
BÁC CŨNG CÙNG CHÚNG CHÁU HÀNH QUÂN


        Sau trận mở đẩu, chiến dịch bước vào giai đoạn khẩn trương quyết liệt. Thắng lợi giòn giã Đông Khê khiến tinh thần chiến đấu của bộ đội lên cao, dân công cũng hồ hởi. Cả vùng chiến trường Cao Bắc Lạng rầm rộ tiến vào giai đoạn 2 của chiến dịch, ở đâu có bộ đội là ở đấy có ngay đội dân công tải thương, tiếp vận. Có thể nói cả ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng cùng ra tiền tuyến. Bộ đội đuổi giặc, dân công đuổi theo bộ đội để tiếp tế cơm nước, đạn được.

          Và ở quân đội thì cả Bộ Tổng đều ra trận bám sát tình hình. Anh Cao Pha người đã từng là một cán bộ quân báo theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ lúc khảo sát trận địa tới lúc kết thúc chiến dịch, kể với tôi : lúc chiến dịch đang chuyển sang bước 2 rổi bước 3, dọc đường đoàn thường gặp bà con dân tộc đi dân công tiếp tế. Có nhiều cô gái người Dao đỏ đã biết anh Văn từ hồi ở chiến khu thời còn bí mật. Họ vừa quẩy gạo vừa gọi : “Đồng chí Văn ! Đồng chí Văn !” Anh Văn xuống xe “Đốt xít” (Dodge 6). Xe ô-tô nhưng đi rất chậm vì đường hẹp, dân công quá đông. Anh vui vẻ hỏi chuyện. Các cô cười rất vui và bảo : “Chúc đồng chí Văn khoẻ. Đánh trận nhiều vào cho hết Tây đi thôi lố !”

          Nhưng có lẽ cái đẹp, cái hùng vĩ nhất mà chỉ có chiến dịch Biên giới mới có. Ấy là Bác Hồ cũng ra mặt trận. Bác đi sát và trực tiếp chỉ đạo từng nước đi, cách bước của các đợt chiến dịch. Bác lên núi đứng trên đài quan sát dõi theo dõi diễn biến trận Đông Khê. Anh Cao Pha kể :

            - Sau hôm đi khảo sát trận địa về, anh Văn bảo tôi : “Hai chúng ta đến thăm Bác và báo cáo tình hình cụ thể để xin ý kiến Bác”. Bác ở trong một cái hang dưới chân núi. Đến nơi tôi ngồi ở dưới cái lều và anh Văn lên gặp Bác. Độ một giờ sau, anh Văn quay xuống. Anh rất vui vẻ bảo : “Mình báo cáo xong. Bác rất đồng ý phương án đánh Đông Khê”. Bỗng nhiên anh bảo : “Này ! Bác bảo cậu lên gặp Bác đấy !” Tôi sướng quá cứ quýnh cả lên. Anh Văn bảo : “Không được hỏi chuyện Bác nhiều đấy ! Bác còn bận nhiều việc lắm đấy. Đi nhanh lên, mình ở dưới này chờ !”.

            Tôi lên đến hang thấy Bác ngồi trên một cái sạp tre kê cao sát vách nom ung dung như một ông tiên trong động núi. Tôi cuống lên vì cảm động và sung sướng nói chẳng ra đâu vào đâu : “Báo cáo Bác, cháu chào Bác ạ !”. Bác cười bảo tôi lại gần :

            -  Chú là Trưởng ban trinh sát ở Tham mưu à ?

            -  Dạ vâng ạ ! Tên cháu là Cao Pha.

            Bác gật đẩu vẫy tôi đến sát nói nhỏ :

            -  Này ! Chú xem có chỗ nào Bác đến gần mặt trận được không ?

            - Dạ ... Tôi lưỡng lự vì lo đến sức khoẻ và sự an toàn của Bác nên vừa lắc đầu vừa thưa :

            -  Báo cáo với Bác gay lắm ạ !

            Bác cười :

            - Chú là trinh sát mà. Cứ tích cực tìm đi. Bác phải ra mặt trận đấy.

            Tôi sợ quá đành thưa :

            -  Dạ ! Cháu xin tích cực ạ !

            Lúc xuống dưới chân núi gặp anh Văn ở lều, anh hỏi ngay :

            -  Bác có hỏi gì cậu không ?

            Tôi nhăn nhó :

            - Gay lắm anh ạ ! Bác đòi ra mặt trận. Bác muốn tìm một địa điểm quan sát mặt trận. Nguy hiểm cho Bác lắm anh ơi !

            Sau đó, chúng tôi bàn bạc với cả anh Hoàng Văn Thái và bố trí đưa Bác lên đài quan sát của một tổ trinh sát tiền tiêu, bảo đảm xa tầm pháo giặc nếu chúng bắn ra vùng ngoại vi Đông Khê.

          Mấy hôm sau đó tôi đến đón Bác để đưa đi. Trong đoàn có cả nhà nhiếp ảnh Nguyễn Năng An. Lên đến gấn đỉnh núi, phần vì biết Bác tới đâu cũng tìm hiểu nơi ăn chốn ở của bộ đội, phần vì sợ Bác leo núi mệt, lại lo Bác mất nhiều thì giờ, nên tôi đứng chắn chỗ leo vào phía sau lều của anh em và thưa : “Xin Bác đi thẳng lên đài, chỗ sau này không leo được ạ !”.

          Bác lên thẳng trên đài ở đỉnh núi. Tôi đứng lại và lên sau. Ai dè cái giây phút lịch sử ấy khi Bác ngồi trên đỉnh núi quan sát trận địa, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Năng An đã chụp được bức ảnh kỳ diệu mãi mãi bất tử trong kho tàng truyền thống của lịch sử kháng chiến chống Pháp. Một bức ảnh mà bất kỳ chiến dịch nào kể cả Điện Biên Phủ và chiến thắng lịch sử 1975, cũng không thể có được. Bởi một lẽ duy nhất : chiến dịch Biên giới này, Bác Hồ cũng cùng hành quân ra mặt trận, Bác cũng ra mặt trận với chúng ta. Niềm cổ vũ lớn lao nhất, vinh dự nhất với những ai đã tham dự chiến dịch lịch sử này.

          Vừa mới gặp lại anh Trần Minh Tước người Chủ tịch năm xưa của tỉnh Lạng Sơn, nay đã 73 tuổi, nhưng anh vẫn giữ nguyên cái phong cách mà tôi còn nhớ mãi hồi cùng nhau duyệt binh mừng chiến thắng, làm lễ phóng thích tù binh ở bản Đao, vùng Kéo Coong - Bình Gia. Anh vẫn có cách nói hùng biện rắn rỏi, điểm nét hóm hỉnh yêu đời của người lão thành cách mạng. “Hồi chiến dịch Biên giới 1950, mình không còn là Chủ tịch Lạng Sơn, mà là ủy viên khu, sung vào Ban chỉ huy cung cấp bên cạnh Bộ chỉ huy chiến dịch. Sau đợt một, hàng vạn dân công, bộ đội cứ bí mật nằm rừng trong các hang đá. Vấn đề gạo, muối trở nên vô cùng căng thẳng. Ban chỉ huy cung cấp chúng mình do anh Trần Đăng Ninh, anh Bùi Quang Tạo làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch, lo tím ruột, tím gan. Thế mà tướng Giáp vẫn bình tĩnh, kiên trì đến ghê sợ. Anh Lê Hoàng cũng là ủy viên như chúng mình (vốn tính nóng như lửa nên anh em thường gọi anh là Hoàng lửa) phát cáu, lớn tiếng kêu lên : “Chiến thuật, chiến lược gì mà cứ án binh bất động nửa tháng rồi, lấy gì mà nuôi quân bây giờ, đến chết đói mà rút lui như Nã Phá Luân đệ nhất thôi”.

          Thế rồi, một hôm, từ phòng 2, anh Cao Pha điện báo cáo “Cánh quân Lơ-pa-giơ đang tiến từ Thất Khê lên Đông Khê. Sác-tông cùng toàn bộ lực lượng chiếm đóng Cao Bằng rút lui theo Đường số 4, hẹn hội tụ ở cây số 22”. Thời cơ như ngàn năm có một đã đến. Anh Văn đứng dậy, mỉm cười chỉ tấm bản đồ nói :

             “Lệnh cho các đơn vị bắt sống bằng được hai tên Lơ-pa-giơ và Sác-tông, không được bắn chết”.

             Trong nháy mắt, quyết tâm của đồng chí chỉ huy tối cao, theo làn sóng điện truyền xuống tận các đơn vị, đến các chiến sĩ, khẩu lệnh động viên đã biến thành một sức mạnh thần kỳ của hàng ngàn vạn cán bộ chiến sĩ : “Bắt sống cho kỳ được Lơ-pa-giơ và Sác-tông”.

             Anh Minh Tước nói tiếp :

             - Mình có cái vui và vinh dự được chứng kiến cuộc gặp gỡ của Bác Hồ với hai tên này. Ta cho giữ chúng ở hai cái hang đá cách nhau một khoảng ruộng ở vùng Quảng Uyên đất Cao Bằng. Cái thói quen của nhà văn nhà báo cũ đã đưa mình đến hang Lơ-pa-giơ bị giam ở lưng chừng một ngọn núi đá cùng với một tên quan tư thày thuốc, định phỏng vấn một cú. Bỗng có người báo có khách sắp đến. Nhìn ra cửa hang, mình thấy Bác Hồ đang chống gậy tiến vào, đi theo có anh Phan Phác, phái viên mặt trận, Bác đội mũ cứng, đi dép cao su, mặc bộ quần áo ka-ki màu xám. Chiếc khăn mặt trên quai mũ che kín bộ râu. Tay Bác băng bó như người bị thương có lốm đốm vết màu thuốc đỏ méc-quya-crôm, mình vội chào Bác, kéo chiếc ghế mời Bác ngồi. Hai tên thấy thái độ của mình như vậy, tự nhiên chúng cũng đứng dậy rất lễ phép. Bác bắt tay chúng với thái độ lịch sự. Bác nói tiếng Pháp rất chuẩn :

          -  Ta làm quen với nhau đi. Tôi là cố vấn chính trị của mặt trận.

             Bác lấy thuốc lá mời chúng hút, Bác nói tiếp :

             - Các anh tuyên truyền cho cuộc chiến tranh Đông Dương coi là một cuộc chiến tranh về lý tưởng (guerre idéologique). Nhưng thực tế là một cuộc chiến tranh xâm lược, chiến tranh ăn cướp ...

             -  Thưa ông chúng tôi chỉ là người lính.

             - Không phải, các anh là chỉ huy cấp cao qua bao trường lớp, các anh không phải là người lính bình thường, các anh rất hiểu là các anh đang làm gì ở đất nước Việt Nam này.

             Hai tên quan năm lúng túng, im lặng.

             Bác hỏi đến gia đình, vợ con và Bác hỏi tiếp :

            -  Các anh có nguyện vọng gì ?

            -  Thưa ông, chúng tôi muốn vể với vợ con, về với nước Pháp.

            - Hoà bình lập lại, tôi có thể nói chắc chắn nếu không có gì là trở ngại do chính các anh gây nên, hoặc do người của phía các anh gây nên, các anh sẽ đạt được nguyện vọng. Vậy trước mắt các anh cần gì ?

            -  Thưa ông, chúng tôi muốn được đi tắm.

            Bác cười, quay lại bảo anh Phan Phác, “lệnh cho bộ phận bảo vệ : cho chúng đi dạo một vòng, và cho ra suối”.

            Bác bắt tay, tặng cho hai bao thuốc lá. Hai tên cám ơn rất trân trọng. Không biết chúng có phỏng đoán ông già người dân tộc nói tiếng Pháp thạo như người Pháp, ở trước mặt chúng là ai không.

            Trời xế chiều, nhưng Bác lại bảo :

            -  Chúng ta qua gặp Sác-tông đi.

            Thế rối Bác chống gậy rảo bước. Anh Phan Phác vội tiến lên trước đầu đường. Đến hang thấy Sác-tông đang nằm co trên chiếc chõng tre. Thấy đoàn đến, hắn vội đứng dậy. Nó mặc áo hở bụng đang bị băng bó vì vết thương, râu ria xồm xoàm, bốn năm ngày không được cạo.

            Bác ngồi ở chiếc ghế cạnh hang. Thái độ của Bác cũng giống như lúc gặp Lơ-pa-giơ. Nhưng tên này cộc cằn, lỗ mãng, lộ nguyên hình một tên Lê dương thuộc địa. Nó nói ngay :

            - Tôi đã ngã rồi, định đưa tay hàng, thế mà lính của ông vẫn đâm tôi lủng bụng.

            Bác bình tĩnh cười hỏi :

            - Ông bị thương ở bụng phải không ? Vậy cái băng kia nói lên cái gì ? Nếu không có bộ đội Việt Nam băng bó cho ông, liệu ông có còn sống hay không ? Tôi chỉ cần nói chừng ấy. Trong chiến trận, nhiều hoàn cảnh phức tạp, không thể nào lường hết được các diễn biến.

            Tên Sác-tông lại ta thán :

            - Các ông giam tôi vào cái hang đá ẩm thấp, cực khổ thế này, các ông không có trại tù binh à ?

        Bác nói luôn :

        - Chỉ là tạm thời. Đang đánh nhau mà, chiến sự đang diễn biến kia mà !

   Bác hỏi thăm hoàn cảnh gia đình Sác-tông. Bác nói :

        - Chúng tôi có quyết tâm lấy lại nước. Trong chiến trận có quyết tâm bắt sống tên chỉ huy cao nhất. Rõ ràng chiến sĩ của chúng tôi lần này đã bắt sống được quan năm và sau này còn bắt sống nhiều tên nữa. Các anh nghĩ gì về người chiến sĩ của chúng tôi ?

        Lời nói của Bác đã trở thành định mệnh cho bao tướng tá của quân đội viễn chinh Pháp sau này trên cánh đồng Mường Thanh (Điện Biên Phủ).

        Tên quan năm Sác-tông hạ giọng - hình như nó cảm thấy đang đứng trước một đối tượng không bỉnh thường - thốt lên :

        - Thưa ngài, quả thực những người lính của các ngài là những con người kỳ cục (phénomène). Họ không bị dập khuôn theo một cuốn sách nào cả.

        - Chẳng có gì là lạ. Họ chỉ là những người yêu nước muốn giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc mình.

        Trước khi về, Bác mời nó hút thuốc, và tặng cho một bao Phi-líp.

        Ra khỏi hang, Bác quay lại hỏi mình và Phan Phác :

        - Các chú thấy thằng nào đáng ghét hơn trong hai thằng này ?

        Anh Phan Phác nhanh miệng nói :

        - Thưa Bác, thằng Sác-tông nó chửi ta luôn mồm, thật đáng ghét.

        Bác bảo ngay :

        - Chính Lơ-pa-giơ mới là thằng nguy hiểm hơn. Sác-tông phổi bò là tên dễ chinh phục.

        Trong chiến dịch, Bác thường chống gậy đi bộ lẫn cùng đoàn dân công, bộ đội. Dạo đó Bác hay cải trang thành một ông Ké người Nùng. Bác đội nón, chiếc khăn tay buộc vào quai nón che kín bộ râu nom như một ông già người dân tộc đi theo dân công, bộ đội. Tới lúc Bác đi khỏi rồi bà con mới biết. Thế là cả mặt trận xôn xao, vui sướng : “Bác Hồ cũng ra mặt trận với chúng ta nè ! Chúc sức khoẻ Bác Hồ !”.

            Bộ đội, dân công bảo nhau : “Cố gắng lên. Thế nào chiến thắng rồi cũng được gặp Bác, Bác khen thưởng à !

            Đúng là một chiến dịch lịch sử. Một đặc thù riêng của chiến dịch, Bác Hồ cũng ra trận ! Rất bình dị là Bác và cũng rất cao cả lớn lao biết bao nhiêu, Bác Hồ của chúng ta !”.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #39 vào lúc: 21 Tháng Giêng, 2022, 05:21:05 pm »

QUÂN VÀ DÂN ĐƯỜNG SỐ 4 THỪA THẮNG XỐC TỚI


          Tiêu diệt xong cụm cứ điểm Đông Khê, đợt hai của chiến dịch chính thức tiến hành từ ngày 21 tháng 9. Ta và địch bắt đầu cuộc đấu trí, đấu lực cực kỳ căng thẳng quyết liệt. Mất Đông Khê, địch bị một đòn quá bất ngờ, choáng váng như con rắn bị nện một cú trời giáng giữa đoạn xương sống. Chúng vội vã tăng cường lực lượng phòng thủ cho Thất Khê và Cao Bằng ; ném 2 trung đội dù người Tày, Nùng cho Thất Khê và gấp rút tổ chức binh đoàn Bay-a do Lơ-pa-giơ chỉ huy gồm 4 tiểu đoàn tinh nhuệ cơ động tiểu đoàn dù Lê dương, tiểu đoàn Ta-bo, tiểu đoàn 11 Ta-bo và tiểu đoàn Ma-rốc của trung đoàn 8 chuyển sang, từ Na Sầm tiến lên Thất Khê với âm mưu giành lại Đông Khê và tiếp cứu Cao Bằng. Còn ở Cao Bằng chúng dùng đường hàng không chở tiểu đoàn 3 Ta-bo lên tăng cường cho cái cụm cứ điểm mà địch vẫn tự hào là một chiến luỹ Ma-gi-nô thu nhỏ lại.

             Phía ta, Bộ chỉ huy chiến dịch kiên trì chủ trương đánh viện. Một khi tiêu diệt được sinh lực địch, đánh tan bọn viện binh, sẽ tạo thời cơ phát triển chiến dịch thắng lợi. Chọn khu vực quyết chiến điểm ở đoạn Đông Khê - Lũng Phầy trên trục đường số 3. Bộ dùng lực lượng chủ yếu là Đại đoàn 308 và Trung đoàn 209. Còn Trung đoàn 174 chúng tôi được lệnh cùng Tiểu đoàn 426 có thêm 4 khẩu pháo phối thuộc, cơ động gấp xuống Nam Thất Khê. Ở đây, dưới sự chỉ huy của đồng chí Thanh Phong, Phó tư lệnh quân khu Việt Bắc, quét một số đồn bốt nhỏ trên quãng Thất Khê - Na Sầm ; ngăn chặn quân tiếp viện trên trục đường này, bao vây uy hiếp Na Sầm. Nếu có điều kiện chắc thắng, tiêu diệt luôn.

           Nhận lệnh, cả trung đoàn chúng tôi nhanh chóng rời khỏi Đông Khê đang tưng bừng không khí chiến thắng, bôn tập xuống phía Thất Khê. Trên suốt đường hành quân, tôi càng đi càng cảm phục tinh thần hết lòng chi viện cho mặt trận của đồng bào hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Suốt dọc bìa rừng, khe suối, trên khắp lối mòn, bộ đội chúng tôi đều gặp dân công kĩu kịt trên vai những chiếc sọt tre ăm áp nào gạo, nào đạn. Các chị dân công Tày, Nùng vác trên vai những quả đạn to nặng, hoặc khiêng vác thương binh trên cáng. Ào ạt hối hả, tấp nập. Mệt nhọc đấy, mà trên nét mặt, khoé mắt ai cũng rạng rỡ, hồ hởi mỗi khi bắt gặp đoàn bộ đội hành quân ngược chiều. Các chị hát và chúc mừng bộ đội ;

           - Bộ đội à ! Đánh Tây khoẻ lố ! Đánh Tây khoẻ lố !

           - Thương bộ đội nhiều lắm vớ !

           Gần đây, gặp lại anh Dương Công Hoạt, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, nay đã cao tuổi và nghỉ hưu. Ôn lại chuyện cũ, anh còn nhớ rành rọt như mới ngày hôm trước :

           - Việt ơi, cậu có nhớ không ? Cái lần Bộ gọi cậu và mình về báo cáo tình hình chuẩn bị cho chiến dịch Biên giới, chúng mình cưỡi ngựa sắt, trên đường về Bắc Cạn, qua đèo Ben-le (Bellair). Lên dốc đã mệt, xuống đèo làm sao bây giờ ? Nếu cứ dắt xe đi bộ, tối giữa đường, sẽ bị cọp rừng ăn thịt mất. Cậu đã có sáng kiến, chặt hai cành đào to tướng buộc kéo sau xe.Nhờ cái phanh thiên nhiên ấy mà chúng mình lao xuống dốc từ từ êm ro.

           Hồi đó, mình là Bí thư, kiêm Trưởng ban huy động dân công của chiến dịch. Mình cần nói với cậu một điều là quần chúng hậu phương góp phần rất tích cực vào thắng lợi của bộ đội ở tiền tuyến. Hồi chiến dịch Biên giới, đi dân công không chỉ có những đồng bào ở vùng thấp như Tày, Nùng, mà có cả những dân tộc ở vùng cao hẻo lánh như Dao Tiền, Dao Đỏ, H’mông, những đồng bào này hồi Pháp thuộc không bao giờ chịu nộp thuế, đi phu cho Pháp. Còn một chuyện thú vị nữa. Mình được nhiệm vụ chuyển hai sợi giây cáp từ mỏ Tĩnh Túc về Phục Hoà, xa 80 km. Mỗi sợi dài 1200 m, nặng 5-7 tấn, các chuyên gia giao thông đang ở thế bí. Không thể chuyển bằng xe hơi vì không có đường, còn xe trâu, xe bò thì chuyển sao nổi. Nhân có cuộc họp dân công, tôi đem vấn đề hỏi các cụ bô lão. Một ké người vùng cao Nguyên Bình, cụ Kim Đao, hiến kế :

            - Không khó đâu vớ, người cán bộ cứ làm như dân bản chuyển cây trúc, cây mai, cây lim từ rừng sâu về làng bản.

            Rồi cụ bảo dải hai sợi cáp nằm dài xuống đất. Huy động 500 dân công bố trí dọc theo đường dây, mỗi người cách nhau 5 - 6m. Theo lệnh thống nhất, mọi người cho cáp lên vai, cùng chuyển động. Con rồng sắt dài hơn hai cây số, uốn lượn theo các nẻo đường, qua rừng, qua suối, từ Nguyên Bình xuống Nước Hai, vượt Mã Phục, Quảng Uyên, đèo Khâu Chi đến Phục Hoà. Đồng bào Dao Nguyên Bình làm nên chiến công lớn. Hai sợi cáp dài, nặng thế, trót lọt về đến Phục Hoà, đảm bảo cho công binh ta bắc cầu phao vượt sông Bằng Giang để vận chuyển tiếp tế cho mặt trận. Đúng như lời truyền tụng trong nhân dân :

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.


            Màu xanh chàm, sắc áo của các anh chị Tày, Nùng quyện với màu lá rừng đang độ cuối thu, tạo nên một bức tranh đậm đà phong vị riêng biệt của quê hương xứ Lạng, hoà chen cùng nước non Cao Bằng. Thêm vẻ sặc sỡ của các chị Dao Tiền, vòng bạc óng ánh, chấm phá sinh động giữa nền xanh lam đầm ấm. Lại những người H’mông từ trên núi cao thăm thẳm cũng xuống, hoà vào dòng thác dân công. Tất cả ổn ào nườm nượp đông vui, như nói lên, hát lên, bộc bạch tấm lòng với Bác Hồ, với Đảng, với bộ đội : Nhân dân đồng bào Cao - Bắc - Lạng sẵn sàng, quyết tâm cùng bộ đội đánh thắng, quét sạch giặc Tây khỏi miền biên giới ! Đánh thắng trận thu đông này để Già Hồ vui lòng ! Thời gian đã qua, thấm thoát đã trên ba chục năm, vậy mà cứ mỗi lần đến Viện Bảo tàng quân đội ngắm nhìn bức ảnh chị Triệu Thị Soi ; chiếc thắt lưng từng buộc chéo người để cõng thương binh của chị Đinh Thị Dậu, là cảnh sắc, tình người ở đất Cao - Lạng lại hiển hiện thật rõ nét, thật đậm đà trong tâm trí tôi. Một rừng dân công ồn ào, náo nhiệt, người quẩy gạo, người vác đạn, lại có chỗ tấp nập chật tre, đan sọt, làm cáng. Tôi nhớ có một lần, bên cạnh dãy lán rừng ven bờ suối, tôi gặp các chị đang cùng mấy ông Ké làm những cái cáng tre để chất đống dưối gốc lim. Tôi hỏi đùa một chị người Tày :

            - Làm cáng nhiều thế. Bộ đội chúng tôi đánh lần này không bị thương nữa đâu.

           -  A lúi ! Dân công mình không muốn làm nhiều cáng đâu mà. Không muốn bộ đội có nhiều thương binh đâu vớ. Buồn lắm vớ ! Chỉ muốn làm nhiều cái sọt đựng gạo, đựng muối cho bộ đội ăn no cái bụng, khoẻ cái chân đi đánh giặc thôi.

           - Thế sao không đan sọt ?

           - Ừ ! Trên phân công mà ! đội khác mới được làm sọt.

           Loáng cái, các chị dân công đã xúm quanh chúng tôi, chị này chưa nói xong, chị khác đã nói :

           -   Húi dà ! Cán bộ nó bảo làm cáng nhiểu để vừa cáng thương binh bộ đội, vừa để bọn Tây đen, Tây trắng bị thương cáng nhau à ! Mình thắc mắc lắm ! Cáng bọn giặc Tây thì không nên đâu. Nó ác ! Nó đóng đồn, đốt phá dân bản, cướp nước mình mà. Mặc cho nó chết thôi vớ !

         Tôi hỏi :

         - Thế cán bộ bảo với các chị thế nào ?

         -   Ôi ! Nó giải thích là cái chính sách Cụ Hồ dạy rồi. Mình đánh giặc Tây thôi. Lúc nó thua nó hàng, nó bị thương thì cứu cho nó sống. Trả nó về nước. Nó ơn Việt Nam mình, nó bảo nhau không làm tay sai vác súng đi đánh Việt Nam nữa, không theo bọn đế quốc thực dân nữa. Mình cũng hiểu tí chút thôi. Mong sao những cáng này không phải cáng anh bộ đội nào nữa à ! Để thằng Tây nó cáng nhau vể nước à ! Vui lắm vớ !

           Các chị cười và tôi cũng cười, cũng vui lây niềm vui hồ hởi hăng say phục vụ mặt trận của các chị. Cái dáng chị Triệu Thị Soi ở bức ảnh nom thật tiêu biểu của cả một thế hệ người con gái Tày, Nùng thời kháng chiến chống Pháp, chắc, khoẻ, vui tươi. Người con gái hiền dịu trong thôn bản, ở nhà nom thấy người ta cắt tiết gà cũng sợ, thấy máu là quay mặt đi, ấy vậy mà khi đi dân công, chị Soi, chị Dậu đã cõng vác thương binh, băng bó vết thương cho các anh bộ đội, ngồi đút từng miếng cơm, thìa cháo cho các đồng chí bị thương nặng. Ngày đó, sau trận thắng Đông Khê, chúng tôi yên tâm về việc thương binh. Tất cả giao lại cho đội điều trị phía sau và các chị, các mế chăm lo, săn sóc, người khỏe tiếp tục lên đường truy kích giặc. Gần đây, gặp lại chị Đinh Thị Dậu ở cơ quan huyện ủy Đông Khê, chị đã trở thành bà mế có đủ cháu nội, cháu ngoại.

         Nhân chuyện nhắc lại sự tích chiến thắng Biên giới, anh nhà báo đi với tôi hỏi vui chị :

           - Sao ngày đó bác hăng thế ! Tháo cả thắt lưng để buộc thương binh vào người mà chịu. Tôi tưởng phụ nữ miền núi cả thẹn lắm chứ !

           Chị Dậu cười rất hiền :

           - Úi dà ! Ngượng lắm đấy ! Thẹn lắm đấy ! Cứ nghĩ đi nghĩ lại mãi, làm thế có nên không ! Nhưng mà thương bộ đội lắm. Bị thương khổ lắm ! Đau lắm ! Chỉ muốn đưa nhanh thương binh về phía sau cứu chữa mà ! Nên hết cả ngượng ! Phải buộc thương binh vào người mình cho nó khỏi ngã chứ. Bị thương mà lại ngã xuống suối thì nguy lắm à ! Phải thế chứ.

           Năm nay, lên Lạng Sơn dự lễ kỷ niệm 35 năm giải phóng biên giới Cao - Lạng, tôi gặp lại chị Đường Thị Kim. Chị đã về hưu, cao tuổi nhưng còn rất nhanh nhẹn, nhớ rất nhiều kỷ niệm về một thời sôi nổi của chị thuở khắng chiến chống Pháp ở quê hương xứ Lạng của chị. Một cán bộ phụ nữ hoạt bát, năng nổ, làm tất cả mọi việc để góp phần chi viện cho tiền tuyến đánh thắng. Nhiều lần, trung đoàn chúng tôi phục kích ở Đường số 4 đều có chị tham gia vào việc tổ chức động viên đội ngũ dân công tiếp tế đạn được, cơm nắm muối vừng trong lúc chờ giặc. Tôi còn nhớ trận Bố Củng - Lũng Vài lần thứ 4 năm 1949, chờ đã hai ngày, giặc không đi, lương thực cạn, huyện đội trưởng Kim Sơn ở Thoát Lãng và chị Đường Thị Kim đã vất vả lo việc vận chuyển lương thực, vũ khí cho trung đoàn. Chưa kể khi trung đoàn vượt sông chiếm lĩnh trận địa cũng chính chị và Kim Sơn thức trắng đêm tổ chức dẫn công kết bè, mảng cho trung đoàn vượt sông ra Đường số 4 thắng lợi. Chị Kim kể lại :

           - Ngày ấy làm việc chẳng biết mệt. Mình đói mà chỉ lo bộ đội thiếu cơm nhạt muối. Úi ! có lần chị em chúng tôi gánh thóc, gánh muối tập trung vào kho. Đi nhiều đói lắm, mệt lắm, trong túi chỉ còn mấy đồng bạc Cụ Hồ không đủ mua chiếc bánh chưng con con mà ăn đâu vớ ! Chỉ uống bát nước thôi. Vậy mà vẫn vui chẳng có đòi hỏi gì, tiêu chuẩn gì vớ ! làm việc cách mạng mà, giúp bộ đội đánh thắng Tây giải phóng quê mình, ai cũng nghĩ : nước được độc lập là vui rồi.

         Theo lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch, Trung đoàn 174 chúng tôi hành quân gấp xuống phía Nam Thất Khê. Anh Mân và tôi bàn bạc kế hoạch chiến đấu ngay. Toàn đội hình trung đoàn bố trí ở vùng Đèo Khách khống chế các đồi cao nhằm vào các đồn Đèo Khách - Khuổi Lếch - Bản Bẻ. Ở đây, chúng tôi vừa có thể chặn bọn viện binh từ dưới Na Sầm lên vừa sẵn sàng diệt những đồn bốt quanh Thất Khê. Các tiểu đoàn bố trí trận địa xong thì có tin của trinh sát ở đài quan sát phía Nam báo gấp về :

        - Trong đổn Khuổi Lếch, địch đốt gì mà khói trắng bay lên nhiều quá ! Chúng tôi đang theo dõi kỹ.

           Tôi và anh Mân lên đài chỉ huy trung đoàn, dõi ống nhòm về phía đồn, lá cờ tam tài vẫn vặn vẹo theo luồng gió. Trong làn khói có cả tàn tro bay lên. Anh Mân bảo :

           -  Không khéo chúng nó đốt tài liệu giấy tờ để rút chạy đó.

           - Chắc thế thật ! - Tôi gật đầu và vội vã bảo tham mưu cho ngay tiểu đoàn 251 áp sát vây chặt, nếu cần tiến công luôn.

           Tiểu đoàn trưởng An điều ngay một đại đội vòng phía sau đồn quả nhiên gặp địch ngay. Thì ra bọn chúng đốt tài liệu, để nguyên cờ và súng nặng, lặng lẽ chuồn ra phía sau đồn, định theo lối mòn chạy về Na Sầm. Ta nổ súng, chúng bỏ chạy tán loạn, số đông vứt súng xin hàng. Đèo Khách, Bản Bẻ cũng chịu chung số phận như Khuổi Lếch khi trung đoàn tổ chức tiến công.

           Ngày 4 tháng 10, tôi được điện ở trên báo cho biết địch rút Cao Bằng từ hôm trước theo Đường số 4, Binh đoàn Bay-a của Lơ-pa-giơ gồm 4 tiểu đoàn lên đón đã từ Thất Khê lên tới Đông Khê. Đại đoàn 308 và Trung đoàn 209 đang chặn đánh quyết liệt. Chúng tôi được lệnh :

           - 174 chuyển gấp lên phía Bắc Thất Khê, bố trí ở dọc sông Bắc Khê chặn đường rút của bọn tàn quân thuộc hai cánh quân trên, không cho chúng lọt về Thất Khê.

           Cả trung đoàn chuyển quân gấp ngược lên phía Bắc. Tiếp luôn lệnh thứ hai :

   - 174 điều gấp phát triển tiểu đoàn lên vùng Cốc Xá tăng cường cho lực lượng đang vây Lơ-pa-giơ không cho cánh quân này hợp điểm với Sác-tông.

   Tôi cử luôn Tiểu đoàn 249 vượt lên trước đi ngay. Tiểu đoàn phó Lê Hoàn hỏi tôi :

         - Chúng tôi đi phối thuộc với 308 hay là bộ phận đi trước của đội hình trung đoàn ?

            Tôi phất tay giục :

            - Lên đó bắt liên lạc với các anh ấy. Gặp địch đánh luôn, kiểu này chắc chúng vỡ đội hình chạy tủa nhiều ngả. Trung đoàn phải chốt chặt dưới này. Cũng có thể lên tiếp, bôn cho kịp.

            Quả tình lúc đó tôi nhận lệnh qua điện rất vắn gọn cảm thấy tình hình rất khẩn trương. Còn lại hai tiểu đoàn, chúng tôi bố trí giăng lưới dọc bờ sông Bắc Khê.

*
*     *

          Sau này tôi mới rõ đây là những ngày rất sôi động, quyết liệt giữa ta và địch. Một bên vây ráp, đánh chặn. Một bên rút chạy và cố sức bảo toàn lực lượng để rút cuộc dẫn tới sự đổ vỡ, bi đát, thê thảm của hai binh đoàn Lơ-pa-giơ và Sác-tông, trên dọc Đường số 4 vùng Nà Chi - Cốc Xá. Âm mưu rút chạy an toàn của địch bị thất bại thảm hại. Thì ra chính Các-păng-chi-ê ký “lệnh đặc biệt” ngày 16 tháng 9 buộc Sác-tăng rút Cao Bằng và rút cả Đông Khê để tăng cường sức phòng thủ Bắc Hà Nội. Cùng với lệnh rút, lại tăng thêm cho Cao Bằng 2 tiểu đoàn bằng hàng không để bảo đảm đủ sức mạnh rút lui an toàn. Ai ngờ chính ngày đó cũng là ngày ta nổ súng đánh Đông Khê, mở đầu chiến dịch Biên Giới. Mất Đông Khê, kế hoạch chủ động rút bỏ Cao Bằng biến thành kế hoạch phải rút chạy khỏi Cao Bằng. Trước kia, các nhà chiến lược Pháp cãi nhau về chuyện nên rút Cao Bằng hay cứ trấn ải lại thì nay quay sang bàn cãi xem nên chạy khỏi Cao Bằng sao cho an toàn. Điều an toàn nhất là chạy bằng đường trời, có nghĩa là dùng cầu hàng không. Khốn thay, biện pháp này khá tốn kém không kham nổi. Cách thứ hai là rút theo Đường số 3. Khó ăn lắm vì đường dài vòng vèo lại phải có lực lượng tiến lên Thái Nguyên đón. Chỉ còn cách thứ ba, rút chạy theo Đường số 4 vừa gần, vừa có hệ thống đồn bốt. Cách này khiến Sác-tông giãy nảy lên : rút theo “con đường chết chóc” này, không khác gì đưa mồi vào miệng sói. Con đường nổi tiếng bị giăng bẫy, tướng Giáp đang cho phục sẵn 20 tiểu đoàn để nghiến nát các cánh quân của quân đội Pháp. Nhưng cuối cùng, tướng Tổng chỉ huy Các-păng-chi-ê vẫn quyết định với mệnh lệnh : “Rút theo Đường số 4”. Để yên lòng những kẻ thuộc quyền phải thực hiện, Các-păng-chi-ê vạch ra một kế hoạch phối hợp rất sít sao đầy đủ sự an toàn với cái tên “Kế hoạch Tê-re-dơ” (Thérèse, tên một vị thánh).

           Ba bước phối hợp của kế hoạch rất cụ thể :

           Binh đoàn mang tên hiệp sĩ Bay-a của Lơ-pa-giơ với cuộc hành binh Ti-đơ-nít từ Thất Khê lên chiếm lại Đông Khê. Chiếm xong, đưa quân lên đón Sác-tông từ Cao Bằng rút về gặp nhau tại kilômét 22.

           Sác-tông sau khi phá hủy vũ khí nặng, kho tàng ở Cao Bằng sẽ mở cuộc hành binh O-ra-giơ rút về đến kilômét 22 sẽ hội quân và dưới quyền của Lơ-pa-giơ rổi yểm trợ nhau rút về Thất Khê.

           Cùng lúc đó một cuộc hành binh mang tên Phô-cơ từ Hà nội theo Đường số 3 đánh lên Thái Nguyên gồm những lực lượng thuộc dự bị chiến lược cuối cùng ở Bắc Bộ. Dùng đến 6 tiểu đoàn của binh đoàn GM.N.A với dụng ý thu hút lực lượng đối phương tạo sự dễ dàng cho 2 binh đoàn Lơ-pa-giơ Sác-tông trên Đường số 4.

           Kế hoạch Phô-cơ chính thức hiện vào ngày 30 tháng 9 khi binh đoàn Lơ-pa-giơ xuất quân. Trước hôm đó, cuộc tiến công đỡ đòn nghi binh tiến chiếm Thái Nguyên đã được thực hiện. Nhưng kẻ địch không buộc nổi ta sa vào ý định của chúng với cái kế hoạch lúng túng bị động đó. Bộ chỉ huy chiến dịch vẫn nắm quyền chủ động, dồn sức kiên trì đánh chúng tại Đường số 4 theo kế hoạch đã định từ lúc mở đầu chiến dịch Biên giới, ở vùng Thái Nguyên, lực lượng tại chỗ gồm một trung đoàn địa phương và dân quân du kích cũng loại khỏi vòng chiến đấu 500 tên địch. Địch tiến công lên rồi ngày 10 tháng 10, lại hấp tấp kéo về, lo chuyện tăng sức phòng ngự, chặn ta thừa thế tiến công về đồng bằng Bắc Bộ. Một cuộc tiến công rơi vào chỗ trống vô tích sự như Mác-san đã buồn bã thú nhận sau này.

           Còn cuộc hành binh “hiệp sĩ” của binh đoàn Lơ-pa-giơ vài ngày đầu đã gây sự mừng hụt cho cả tướng Các-păng-chi-ê lẫn cao ủy Pi-nhông khi Lơ-pa-giơ báo cho tướng chỉ huy trưởng quân khu biên thuỳ Công-xtăng là đã lọt qua cả Bông Lau rồi Lũng Phầy mà vẫn chưa hề gặp địch. Công-xtăng vui sướng báo về Hà Nội “điềm tốt lành đó”. Ôi ! qua hai cửa tử ghê gớm nhất trên Đường số 4 mà vẫn yên lành ! Niềm vui đã khiến Các-păng-chi-ê và Pi-nhông chạm cốc trong sự chúc mừng rộn rã của tướng, tá tuỳ tùng tại Tổng hành dinh.

           Đúng là Lơ-pa-giơ có qua được Bông Lau - Lũng Phầy và có tới được Đông Khê đến nỗi chính hắn cũng từ nghi ngại tới ngạc nhiên khó hiểu. Sự thật lại rất đơn giản. Đấy chính là vùng Đại đoàn 308 ém quân sẵn sàng chờ đón viện binh địch. Nhưng mai phục suốt từ hôm 16 tháng 9 với cả đội hình 3 trung đoàn bố trí suốt một dọc từ núi Khâu Luông đến núi Chóc Ngà kéo dài đến vùng đèo Lũng Phầy, địch vẫn im hơi lặng tiếng. Chờ đến sốt ruột và hết cả gạo ăn. Trong một chiến dịch lớn, gạo quả là một yếu tố quan trọng. Tới đúng ngày địch thò ra cũng là lúc phần đông bộ đội ta phải đi lấy gạo ở tận kho Thủy Khấu sát vùng biên giới Việt Trung. Đa số cán bộ lại đang đi trinh sát chuẩn bị đánh vào Thất Khê với ý định buộc địch phải viện binh. Số còn lại rút vào phía sâu trong rừng. Nói chung bộ đội thiếu quân số, lại không ở tư thế sẵn sàng xuất kích chiến đấu. Khi có tin viện binh địch, lập tức đại đoàn vừa dùng điện vừa dùng liên lạc phi ngựa tới các kho trạm đồn quân nhanh chóng trở về khu vực chiến đấu. Đây cũng là lúc bát đầu những lời lẽ không vui của Lơ-pa-giơ báo cáo về với nhịp điệu hốt hoảng và thưa thớt dần cho tới khi im oặt. Binh đoàn “hiệp sĩ” bị đánh ở khắp các điểm cao như Nà Mọc - Chóc Ngà và dữ dội nhất là trận Khâu Luông. Phía trên Cao Bằng - Sác-tông bắt đầu rút vào mờ sáng ngày 3 tháng 10. Đến Nậm Nàng, chúng phải phá hủy xe cộ, súng nặng, rẽ theo đường mòn. Trung đoàn 209 của anh Lê Trọng Tấn đánh chặn ngay. Lúc Trung đoàn 174 chúng tôi được lệnh đưa nhanh một tiểu đoàn lên tham dự trận tiêu diệt 2 binh đoàn Lơ-pa-giơ - Sác-tông là lúc địch đang bị dồn vào vùng Cốc Xá, đồi 477. Còn lại toàn trung đoàn bố trí ở bìa rừng dọc sông Bắc Khê. Mùa nước cạn, con sông teo lại như một dòng suối. Bên này là bìa rừng, bên kia là mảng đồng, băc bậc thang men đồi. Ở đây chúng tôi không phải chặn đánh quyết liệt một đoàn quân rút lui trong tư thế tiền hô hậu ủng, mà là một loại tàn quân lẩn rừng trốn chạy. Cứ từ dưới dọc khe, hoặc trong rừng rậm ló ra từng tốp năm bảy tên. Có khi cả chục đứa. Chỉ vừa thấy bộ đội với tiếng hô bằng giọng Tây mới học thuộc vẻn vẹn mấy chữ “Hô-lê-manh”1 là chúng đã quẳng súng xin hàng ngay, rất ngoan ngoãn. Tên nào tên ấy râu ria xổm xoàm, mặt mày hốc hác, dáng điệu phờ phạc. Chẳng kể là Lê dương hay Ta-bo, tất cả rất giống nhau ở cử chỉ chìa tay xin cơm. Chúng đói ! Đói thảm hại ! Nhưng chúng tôi cũng không phải là giàu có gì. Chiến đấu dài ngày, gạo vác vai, quấn quanh lưng, trút nấu dần cũng vơi cạn nhiều. Hàng binh cứ từ hàng chục lên hàng trăm, rồi năm bảy trăm, khó lòng nuôi xuể. Lúc đầu bộ đội ta cứ vác cơm nắm đi gọi hàng. Khi chúng chạy ra, ta cho mỗi đứa một nắm. Sau phải bẻ đôi mỗi tên một nửa, rồi bẻ ba gọi là ấm bụng rồi theo tay chỉ dẫn của bộ đội, chúng tự động thất thểu theo đường mòn về hướng trại tù binh. Dọc đường gặp các chị dân công chúng chắp hai tay vào ngực rồi chìa tay xin ăn rất tử tế. Hàng binh từ các ngả rừng ra hàng tới mức các chị em dân công Tày, Nùng cũng rủ nhau mang cơm đi nhử. Trung đoàn chúng tôi như một cái lưới vét cuối dòng, tóm bắt tất cả những tên giặc chạy thoát khỏi vùng Cốc Xá, điểm cao 477. Lúc này Lơ-pa-giơ đã bị đại đoàn 308 bắt sống, tôi lại nhận được thông báo của Bộ chỉ huy chiến dịch qua điện đài : Có một cách quân khoảng 4 đại đội do Đơ-la-bô-mơ chỉ huy từ Thất Khê lên Lũng Phầy với ý định tiếp sức đón bọn Lơ-pa-giơ - Sác-tông. Trên ra lệnh cho 174 điều ngay một tiểu đoàn đánh bọn này ở dãy núi Khâu Pia.

          Tôi thầm nghĩ “Đây là sự cứu vãn theo kiểu còn nước còn tát của địch đây”. Giữ lại Tiểu đoàn 250 và đơn vị trực thuộc, tôi điều Tiểu đoàn 251 của Nguyễn Hữu An lên hướng Khâu Pia ngay sau lúc nhận lệnh mồng 7 tháng 10. Ngay hôm sau, trên lại lệnh cho trung đoàn chúng tôi về đánh chiếm Thất Khê gấp. Mặc dù quân số còn ít, Tiểu đoàn 245 đang trên Cốc Xá, Tiểu đoàn 251 đi đánh bọn Đơ-la-bô-mơ ở Khâu Pia, còn Thất Khê, công sự rắn chắc vì là một tiểu khu trung chuyển giữa Lạng Sơn và Cao Bằng, nhưng chắc chắn địch đang ở cảnh hoang mang muốn rút chạy, không còn ý chí chiến đấu ; do đó, khi biết được ý định của trên : thừa thắng dấn tới, anh Mân và tôi quyết định điều toàn bộ lực lượng còn lại hành quân thẳng xuống Thất Khê, vừa bôn nhanh vừa cùng tham mưu trưởng và các cán bộ bàn kế hoạch tiến công, đổng thời cho liên lạc báo với Nguyễn Hữu An : “Đánh xong Đơ-la-bô-mơ ở Khâu Pia, đuổi theo trung đoàn xuống Thất Khê ngay”.




-----------------------------------------------------------------
1. Haut les mains : giơ tay lên.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM