Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 02:14:01 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường số 4 rực lửa - Đặng Văn Việt  (Đọc 41820 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #20 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2012, 09:27:17 am »

Vào thời điểm này, Trung đoàn 72 của Bắc Cạn tiêu diệt đồn Phủ Thông, phục kích địch ở Đèo Gió. Trung đoàn của anh Mân đánh địch trên Đường số 3 ở Bằng Khẩu, Ngân Sơn và diệt đồn Tài Hồ Sìn lần thứ 2; cho một đội biệt động tập kích pháo đài ở chi khu, phá nhà máy điện, đánh vào các đồn dọc bãi sông Hiến, sông Bằng.

Địch đành co lại trên trục Đường số 4 từ Cao Bằng qua Đông Khê tới Lạng Sơn. Chúng vội vã rút bỏ Bắc Cạn, Nước Hai, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Phục Hòa, Nguyên Bình.

Toàn mặt trận Cao - Bắc - Lạng bừng bừng một cao trào đánh Pháp, trừ gian, diệt tề, phá kế hoạch “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” của địch.

*
* *

Năm tháng đã qua đi: Mỗi lần ôn lại cuộc sống sôi nổi, hào hùng dọc tuyến Đường số 4, tôi nhớ nhiều đến các cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 28 và Trung đoàn 174. Đa số anh em đều là người dân tộc Tày và Nùng miền Cao Bằng - Lạng Sơn. Những con người chân thực, chất phác, với dáng vẻ lầm lì, ít nói, nhưng rất tận tụy trong mọi nhiệm vụ. Họ chiến đấu dũng cảm, gan góc tuyệt vời và cũng rất đậm đà tình cảm. Mới gặp, chưa quen ở giây phút bỡ ngỡ ban đầu, anh dễ ngộ nhận lo lắng trước người chiến sĩ dáng dấp rụt rè, hỏi gì nói nấy với những câu đáp lại ngắn ngủi, dè sẻn từng lời, vừa đủ để anh hiểu ý. Nhưng bên trong cái vẻ ngoài lặng lẽ ấy, chứa đựng phẩm chất đẹp đẽ của người lính: gan bền, chịu đựng khắc khổ, đánh đến cùng, sẵn lòng hy sinh vì nghĩa cả, vì tự do, độc lập của Tổ quốc. Những con người thật đáng quý: có, bảo ngay là có, không, bảo rằng không, ít người có ý nghĩ quanh co với cách xã giao uốn éo, khách sáo, lấy lòng nhau. Là chỉ huy, khi hỏi một chiến sĩ, tôi được trả lời gọn ghẽ, trung thực:

- Có nhớ nhà không?

- Có nhớ chứ!

- Có muốn về không?

- Có đấy. Nhưng còn muốn đánh Tây xong vớ.

- Thế tôi cho về có về không?

- Hí! Chỉ huy cho mình về thì mình về. Hết phép mình lại đến ngay thôi. Những người chiến sĩ Cao - Lạng là thế: Chiến sĩ của Trung đoàn tôi là thế. Những người chiến sĩ đáng tin cậy cả lúc thường cũng như lúc cùng nhau trong cơn gian nan, nguy hiểm của trận đánh.

Ngày ấy có chiến sĩ Ma Văn Thành làm liên lạc và bảo vệ Trung đoàn rất lâu. Thành là người Nùng ở bản Páu vùng Điềm He - Tu Đồn. Tôi với Thành luôn cặp kè bên nhau, từ lúc nghỉ ở hậu cứ đến khi trinh sát thực địa hoặc lên Quân khu, lên Bộ báo cáo, hội họp. Thành là một chàng trai to, khoẻ, rất điển trai, cưỡi ngựa rất giỏi. Hồi tôi đánh ở Hiền Sĩ gần Huế, bắt bọn Pháp nhảy dù, bọn này do quân Anh trang bị, nên mỗi tên mang một cái ba lô lính dù Anh to đùng, ba lô ngoài bạt, trong vải cao su, có thể tống toàn bộ chăn màn, áo quần và đủ thứ linh tinh vẫn thừa chỗ. Tôi đã được cấp chiếc ba lô đó. Suốt thời gian ở Đường số 4, tôi giao cho Thành, cậu ta đã mang gọn đủ thứ của hai người chúng tôi, chung trong cái ba lô “Đại chiến thứ 2” ấy.

Nhớ lại, có một lần tôi lên Quân khu họp. Quân khu bộ đóng trong khu rừng vùng Trại Cau, Thái Nguyên. Sau ít ngày họp xong khi sắp sửa ra về, Thành nói với tôi:

- Chỉ huy à! Hết cả tiền ăn đường, cái ví đựng tiền để quên đâu không thấy nữa. Nguy lắm thôi.

Thấy vẻ lo ngại, áy náy của người cận vệ thực thà như đếm, tôi bảo:

- Cứ yên tâm! Để mình đi lo vậy.

Thành dặn tôi:

- Chỉ cần tiền ăn đường đến Bắc Sơn thôi. Đấy là đất Lạng Sơn, đất quê, đất bản của Trung đoàn ta rồi, không sợ đói vớ!

Tôi quay lên trên lán gặp anh Lê Hiến Mai1 anh là Quân khu uỷ viên, Chính uỷ quân khu. Tôi hỏi xin anh ít tiền và nói rõ tình cảnh của anh em chúng tôi:

- Chỉ xin anh đủ tiền đến đất Bắc Sơn. Tới đấy ném đâu tôi cũng không sợ chết đói. Lính Trung đoàn 28 với dân Lạng Sơn là một nhà.

Anh Mai cười phô hàm răng nổi tiếng và dốc túi cho tôi số tiền còn lại của anh. Ngày đó là tiền Tài chính, đồng tiền đang bị xuống giá. Bộ đội chưa có chế độ cung cấp hậu cần mà phải dùng tiền mua lương thực, thực phẩm ở chợ. Đi công tác phải mang tiền ăn đường. Tôi đưa số tiền xin được cho Thành. Cậu ta cười rất hiền lành:

- Lố! Bây giờ lại giàu rồi. Vào quán ăn bánh chưng rán, phở xá xíu cũng được lố.
--------------------
Anh Lê Hiến Mai, tên thực là Dương Quốc Chính, hồi ấy là chính uỷ Quân khu 1. Sau hòa bình, có lúc là Bộ trưởng Bộ Thương binh xã hội. Anh có hàm răng vẩu nổi tiếng nên anh em đặt tên cho là Lê Mái Hiên. Anh xin đổi là Lê Hiến Mai.
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #21 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2012, 09:44:01 am »

Hồi đó vùng Kéo Coong (Bình Gia), Hội Hoan được coi như thủ đô kháng chiến của bộ đội và nhân dân tỉnh Lạng Sơn. Hầu hết đồng bào ở thị xã Lạng Sơn đi theo kháng chiến đều tản cư, sinh sống tại vùng đó. Các quán tản cư mọc lên đông vui sầm uất giống như Cầu Bố, Rừng Thông của Thanh Hóa, Nước Hai của Cao Bằng hay Nho Quan - Đầm Đa - Xích Thổ ở Ninh Bình thuộc Khu 3. Các cơ quan Dân Chính Đảng cũng đóng quanh gần đó. Còn người lính Trung đoàn 28 sau mỗi trận chiến thắng đều trở về đây nghỉ ngơi. Những chàng lính trẻ và cả cán bộ chúng tôi cũng rất trẻ trung, có khi dạo phố và nếm phở xá xíu hoặc giải khát món trứng đường, cà phê tại các phố phường tản cư quen thuộc này.

Sống ở Lạng Sơn, Trung đoàn 28 chúng tôi như con cá lội giữa dòng nước mát của lòng dân xứ Lạng. Khi đi chiến đấu có dân lo cơm nước, phục kích địch có bà con tiếp tế cơm nắm muối vừng. Chị Đường Thị Kim công tác hội phụ nữ lặn lội vận động chị em trong bản với khẩu hiệu: “Một ngàn chiếc bánh chưng, một ngàn “ống bò” cốm để bộ đội ăn no đánh thắng”.

Thế là tiếng chày giã gạo vang rền thậm thịch khắp thôn bản cả một vùng Thoát Lãng, Tràng Định, Bình Gia. Gạo cũng của từng nhà, công sức cũng của từng người dân, chỉ một đêm đã có bánh, có cốm, có cơm vắt muối lạc, kìn kìn chuyển đến trung đoàn. Rồi mỗi lần chiến thắng trở về, người lính Trung đoàn 28 được bà con dân bản tưng bừng đón mừng. Chuyện đánh Tây, câu hát lượn, hát sli, hát then rộn ràng quyện với tiếng đàn âm vang khắp làng khắp bản. Ngoài bữa cơm liên hoan là những hoa trái đặc sản của xứ Lạng, nào là mận Thất Khê, nào là đào Mẫu Sơn, mít Bình Gia, Bắc Sơn. Mùa hồng đến, vườn cây trong bản vàng rực trìu nặng những trái hồng không hạt, nổi tiếng của đất Lạng. Năm tháng qua đi rất xa rồi nhưng trong tôi, mỗi lần nghĩ đến Trung đoàn 28, nghĩ đến xứ Lạng là cả một chuỗi hồi ức tưng bừng rất đẹp đẽ, rất đầm ấm trỗi dậy với muôn vàn hình ảnh đầy thương, đầy nhớ, đầy ơn huệ về bản làng và tấm lòng của bà con xứ Lạng. Nhớ anh dân quân đào đường, phá cầu, ngăn giặc, nhớ người du kích quấy rối, phá bốt, hỗ trợ đắc lực cho bộ đội đánh to. Nhớ cụ ké, bà mế thương người lính Trung đoàn 28 như con đẻ, nhớ các chị phụ nữ Tày, Nùng đẹp người, đẹp cả tấm lòng, những chăm sóc tận tình anh bộ đội Cụ Hồ từ đường kim vá áo, đến bát cháo cho người chiến sĩ thương binh và tiếng hát sli uốn lượn tình tứ khi người chiến sĩ chiến thắng trở về.

*
* *
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #22 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2012, 10:02:26 am »

Trận đánh Bố Củng - Lũng Vài lần thứ 3, địch bắn ca nông Bô-pho liên hồi vào khu vực đài chỉ huy. Cây cành đổ nghiêng ngả, tôi vừa xê dịch rời vị trí, vừa giữ liên lạc với trận địa dưới đường. Cậu Thành không rời tôi nửa bước, vừa lúc một cành cây to quật xuống chính Thành đã rất nhanh, dùng sức mạnh trai trẻ của mình đẩy bật tôi sang một bên. Chỉ chút xíu nữa là tôi không còn đến hôm nay. Tôi cười cười nhìn Thành cảm ơn, nhưng cậu ta quắc mắt đầy vẻ bực bội.

- Hầy! Bảo phải chú ý mà chỉ huy cứ không nghe à. Ngồi sát vào cái hố này chứ!

Nếu ai bảo đấy là lính cáu với chỉ huy thì tôi vui lòng đón nhận những lời cáu kỉnh, hờn dỗi ấy. Tôi hiểu, Thành đã rất quý tôi, chăm lo cho sức khoẻ và tính mệnh của tôi. Đã nhiều lần, trong nhiều trận đánh, trong nhiều cuộc hành quân, Thành không ngại nguy hiểm cứu tôi như vậy. Tôi cảm động vô cùng, mỗi lúc ở rừng, anh hái từng lá rau tàu bay, rau ngót rừng, ít đọt mãng nấu cho tôi bát canh ăn đỡ xót lòng.

Sau mỗi trận đánh, tôi hay đến trạm xá của quân y để thăm các đồng chí cán bộ, chiến sĩ bị thương. Một lần thấy cậu y tá đang băng cho một chiến sĩ bị thương ở ngay chỗ khuỷu tay. Cậu y tá mới vào nghề được mấy tháng cứ luống cuống không biết cách nào buộc cho chặt. Tôi ngồi xuống băng cho cậu chiến sĩ. Thấy tôi làm rất thuần thục, cậu y tá và mấy chiến sĩ đều hỏi:

- Trung đoàn trưởng học nghề y bao giờ thế?

Tôi cười:

- Mình là y sĩ của Trạm quân y Pắc Kéo của Trung đoàn hồi 46 mà.

- Hí a! Thế mà lại làm chỉ huy đi đánh nhau.

Anh em bàn tán vậy.

Tôi nói vui:

- Khắc làm khắc biết thôi! Khắc đi khắc đến mà.

Quả thật, cuộc chiến tranh đã xoay vần cuộc sống của tôi qua bước ngoặt bất ngờ rất mau lẹ. Trước Cách mạng tháng Tám, tôi là sinh viên y khoa năm thứ hai, rồi được giác ngộ tham gia bí mật vào Việt Minh. Nhật đảo chính Pháp, tôi cùng một số anh em được đoàn thể giao nhiệm vụ vào Huế. Rồi tham gia cướp chính quyền, rồi vào Vệ quốc đoàn đi đánh nhau ở Nam Bộ, ở Nha Trang, Đường số 9, Đường số 7. Khi có Hiệp định mồng 6 tháng 3, ngỡ tưởng đất nước yên ổn, ta sẽ giành độc lập qua những diễn biến bằng hòa nghị, hòa bình, tôi được ra Hà Nội để chữa bệnh sau những com sốt rét rừng khá nặng, chữa chạy chưa lành hẳn thì trường võ bị Trần Quốc Tuấn mở khóa đầu tiên ở Sơn Tây. Anh Tạ Quang Bửu (người thầy cũ) lúc ấy làm bộ trưởng Bộ Quốc phòng bảo tôi lên gặp anh Hoàng Đạo Thuý, Hiệu trưởng Trường võ bị. Túm được một chàng trai mới từ mặt trận trở về, lúc ấy là một của quý. Anh Thuý sung tôi vào làm giáo viên và cán bộ khung của trường.

Những ngày đã qua ở Trường võ bị, mãi mãi đối với tôi là những ngày đẹp. Anh Nguyễn Phước Hoàng, Hà Đống, Nguyễn Thế Thương, Phan Viên, Hoàng Xuân Tuỳ, Sanh Thí v.v... những bạn đồng học ở trường Quốc học Huế, không hẹn mà hội tụ cùng nhau dưới một mái trường. Những học sinh lớp võ bị đầu tiên của quân đội ta tuyển từ khắp cả nước, toàn là những chàng trai trẻ đẹp, khoẻ, đầy nhiệt huyết. Không nói ra lời nhưng tôi có cảm tưởng là họ không tiếc một hy sinh nào để quên mình cho Tổ quốc.

Gần đây, để kỷ niệm 41 năm ngày khai giảng khóa một của lớp võ bị đầu tiên (tháng 6-1946 đến tháng 6-1987) những người bạn cũ họp lại. Đồng chí Đỗ Hạp điểm danh: gần một nửa trong số 300 học sinh lớp võ bị khóa I đã bỏ mình trên các chiến trường toàn cõi Đông Dương. Tôi xúc động bùi ngùi, tưởng nhớ đến những học viên võ bị khóa I của Trung đoàn 174 đã bỏ mình trong các trận chiến đấu: Anh Phan Văn Đắc ở trận Bình Liêu, anh Đỗ Văn Bằng ở Đồn Mỏ Thổ (Bắc Giang). Những cán bộ võ bị Trần Quốc Tuấn đầu tiên của quân đội ta quả đã không thẹn với lá cờ mà Bắc Hồ hôm khai giảng khóa học đã tặng cho nhà trường với dòng chữ: “Vì nước quên thân vì dân quên mình”. Sau võ bị khóa I tôi xin tiếp tục về học lớp quân y trường Đại học Y khoa. Tất cả học viên tập trung ở nhà thương Chó (nay là Bộ Nông trường) coi như những sinh viên quân y lớp đầu tiên của quân đội. Chúng tôi sống tập trung thành một trung đội. Anh Nguyễn Sĩ Quốc  và tôi được chỉ định làm phụ trách. Mỗi lần lên lớp, chúng tôi đến giảng đường trường Y, học chung với sinh viên bên ngoài.
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #23 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2012, 10:36:12 am »

Giặc Pháp trở mặt gây hấn. Trước kháng chiến toàn quốc ít ngày, cả lớp quân y chúng tôi được phân tán về các nơi. Tôi và anh Nguyên Sĩ Quốc lên mặt trận Lạng Sơn phục vụ ở trạm điều trị Pắc Kéo, huyện Bình Gia. Hai người cứ thay nhau người giữ trạm, người ra mặt trận. Một hôm, vào khoảng ra ngoài tết năm đó, anh Vũ Văn Cẩn, Cục trưởng Quân y, đi kiểm tra vùng mặt trận Lạng Sơn thấy tôi đang lúi húi với một thương binh, anh kêu lên, vẻ ngạc nhiên:

- Ô! Cậu còn ở đây à? Điện gọi cậu về Bộ mấy lần mà chẳng thấy về.

Tôi cũng ngạc nhiên, lắc đầu:

- Báo cáo anh, tôi có biết gì đâu?

- Thôi, ở đây có Sĩ Quốc và anh Mậu1 lo. Cậu chuẩn bị ba lô về Bộ thôi. Thế là tôi theo anh về Bộ, nhưng lại ở Phòng tác chiến Bộ

Tổng tham mưu chứ không phải ở Cục Quân y với anh Cẩn. Tôi hiểu ngay. Vào những ngày đầu kháng chiến, ta thiếu nhiều cán bộ quân sự. Vì vậy, hễ ai đã từng chiến đấu từ sau Cách mạng tháng Tám hoặc đã học trường võ bị hay các trường quân chính đều được gọi về Bộ. Bộ sẽ điều xuống các đơn vị hoặc giữ lại ở Bộ Tổng tham mun.

Tôi vẫn hay nói đùa với anh em: “Với riêng mình thì cuộc tiến công lên Việt Bắc của thằng Pháp lại là điều may mắn. Không có sự kiện này, còn lâu mình mới được sống với các cậu ở Đường số 4. Còn ôm thùng “phá xa lạc rang” nghiên cứu hoài...”.

Giờ nghĩ lại tôi thấy thêm điều may mắn nữa. Những ngày tháng đầu tiên bước vào cuộc chiến, tôi đã được sống ở một địa bàn tuy địch mạnh, thiện chiến nhưng ta lại có nhiều thuận lợi: núi rừng, địa hình hiểm trở, dân tốt, bộ đội dũng cảm. Ở Lạng Sơn, tinh thần giết giặc cứu nước rất sâu sắc trong mỗi người dân, mỗi người chiến sĩ. Đặc điểm chung của người dân tộc, người miền núi là không muốn xa nhà, xa bản. Phải đi xa ở lâu một nơi nào đó, anh em nhớ từng con suối, dòng khe, tiếng chìm kêu, vượn hú của rừng quê, thôn bản mình. Ấy thế mà ngày đó, cả Lạng Sơn bừng bừng khí thế diệt xâm lăng, cứu mường, cứu bản. Thanh niên chỉ muốn vào du kích, đi bộ đội. Được ở bộ đội huyện rồi lại muốn thoát ly đi bộ đội chủ lực để được rong ruổi đánh Tây khắp đây đó. Dạo tháng 10 năm 1984, tôi lên Thất Khê, uỷ ban huyện Tràng Định đã tổ chức một cuộc họp mặt đông đảo các cán bộ cũ của huyện đã từng tham gia chiến đấu từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp tới ngày chúng thất bại trong chiến dịch Biên giới, phải rút bỏ Lạng Sơn tháo chạy. Một cuộc hội ngộ của những con người từng vang bóng một thời, từng hiến dâng tất cả sức lực tuổi thanh xuân của mình vào công cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại.
--------------
Bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu, lúc ấy làm Trưởng ban Quân y Trung đoàn 28 Lạng Sơn. Sau kháng chiến chống Pháp là Thiếu tướng. Hiệu trưởng Trường Đại học Quân y.
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #24 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2012, 10:45:02 am »


Bs. Vũ Văn Cẩn

Nay đã bạc xóa mái đầu, tuổi đã cao, ngồi ôn lại chuyện cũ 35 năm qua mà ai nấy vẫn đầy hào hứng, sôi nổi. Có cụ còn hát lại bài ca cũ, giọng điệu thật hào hùng: Bông lau, Bông lau, Rừng xanh pha máu...

Tối hôm ấy cụ Quốc Tân, 76 tuổi, trước từng làm cán bộ Mặt trận Liên Việt và Chủ tịch Uỷ ban huyện: cụ nghỉ hưu đã lâu, ở bản Chu, cầm tay tôi tâm sự:

- Việt ơi, ngày xưa mày đánh Tây ở Đường số 4 giỏi. Tây nó cũng khen mày vớ. Nó gọi mày là “Đệ tứ quốc lộ Đại vương”. Nó muốn giết mày lắm vớ. Nhưng bây giờ tao nói thật một điều, ngày ấy mày là ông trung đoàn mà mày quan liêu lắm đấy! Tao đổi lính của mày luôn mà mày không biết đâu à. Hà hà hà!

Cụ vừa ẩy mạnh vai tôi vừa cười đầy sảng khoái, đầy thú vị.

- Trời ơi, đổi lính của tôi! Tôi thốt lên, làm sao mà bố già đổi được.

- Hí i a! Quân của mày toàn là người của Lạng Sơn chúng tao thôi mà. Đứa ở Thoát Lãng, đứa quê Na Sầm, thằng ở Tràng Định, con em dân bản cả mà. Tôi im lặng lắng nghe cái điều bí mật thuộc tệ quan liêu của tôi 35 năm trước mà tôi không hề hay biết. Cụ rầm rì kể, hơi rượu phả vào mặt tôi.

- Việt ơi! Ngày ấy trung đoàn chủ lực của mày đánh thắng to ở Đường số 4. Hiểu chưa? Mà bộ đội ở huyện tao nó chỉ cùng du kích, phá rối; đánh các bốt nhỏ thôi. Nó muốn đánh cái trận to, giết nhiều Tây mới sướng. Nó muốn được theo trung đoàn mày lắm vớ. Có một lần trung đoàn mày vùng quê tao chuẩn bị đánh. Đánh trận nào à? Cụ vỗ tay vào trán rồi lắc đầu không nhớ trận gì. Lâu lắm rồi, quên lú rồi. Tao bàn với thằng Giang, nó là chỉ huy đại đội độc lập của huyện mà. Nó bàn với thằng chỉ huy trung đội của bộ đội mày. Cùng người Nùng cả vớ, quen thân nhau cả mà. Thế là đổi vài thằng ở đại đội địa phương cho nó đi theo trung đội chủ lực, nó đánh trận to cho sướng. Còn mấy thằng ở chủ lực nhân nhà gần, đổi cho nó về với vợ con cho khỏi nhớ. Đánh xong trận rồi đổi lại thôi mà. Hà! Hà! Hà...

Cười xong cụ bảo:

- Úi giời giời! Người dân tộc chúng tao xa vợ, thương lắm, nhớ lắm. Ngày ấy tao hai con rồi mà công tác huyện, xa nhà mấy ngày cũng đã nhớ. Nói gì lính nó là thanh niên. Nó về rồi nó lại đi đánh giặc thôi mà.

Tôi thở phào, tủm tỉm cười và hỏi:

- Đổi thế nhiều lần không?

- Lúc nào thuận lợi thì đổi. Nhiều trận đấy. Mà quên rồi.

Tôi lắc mạnh tay cụ:

- Trời đất ơi! Đổi người thay nhau đi đánh giặc. Tốt lắm chứ việc gì phải giấu tôi. Bàn với tôi, đổi cả đại đội tôi cũng ưng luôn thôi mà.

Cụ Quốc Tân gật:

- Ngày ấy mình cũng nghĩ: đứa được đi đánh giặc, đứa đánh nhiều rồi thì về thăm bản, thăm vợ con hợp tình hợp lý quá chứ. Nhưng mình sợ, ông ở xuôi lên, ông làm chỉ huy trung đoàn, ông hiểu gì người dân tộc mà bàn cho hỏng việc. Thôi, dưới trung đội, đại đội, cùng bàn chuyện với nhau thôi. Giấu trên đi có đến chết thành ma nó cũng không biết. Nó cười ngựa hồng, đi giầy đen, đeo Côn-bát mà... Hà hà... hà...

Tôi cũng cười theo và mặc cụ đấm thùm thụp vào vai, tôi thầm nghĩ:

- Dân như thế, cán bộ địa phương như thế, lính trung đoàn tôi như thế. Hồi đó tôi đánh được giặc là phải!
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #25 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2012, 09:54:57 am »

Gần hai năm trời, sau khi địch chiếm đóng Cao Bằng - Bắc Cạn trong cuộc tiến công Thu Đông 1947, thế trận của ta mỗi ngày một vững mạnh thêm. Cho đến cuối năm 1949, quân khu biên thuỳ của ngài quan năm Công-xtăng trở nên bấp bênh, nghiêng ngả. Tuyến đồn bốt và đội Âu Phi cơ động ứng cứu không sao bảo vệ nổi con Đường số 4, ống thực quản nuôi sống phân khu Cao Bằng - Bắc Cạn. Các trận đánh của ta dồn dập hơn: đánh đồn, bức rút, xen kẽ với những trận phục kích dữ dội. Chiến cồng nối tiếp chiến công. Chủ lực, địa phương đều thắng. Tên quan tư Clê-men-xơn và cả phó quan Ba-bơ- ranh chỉ huy phân khu Thất Khê phải đổi về xuôi sau những thất bại liên tiếp trên Đường số 4, vì để mất nhiều đồn bốt vùng Tràng Định - Thoát Lãng. Rồi Ba Son giải phóng chúng tôi mở rộng khu du kích Cao Lâu - Xuất Lễ ở ngay phía sâu trong lòng địch. Trên Cao Bằng, do sự hoạt động mạnh mẽ của Trung đoàn 74 và bộ đội huyện, du kích địa phương, địch rút bỏ Bắc Cạn, Nước Hai, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Phục Hòa, Nguyên Bình.

“Con đường chết chóc”, “con đường đẫm máu” đấy là câu nói cửa miệng của bọn binh lính và sĩ quan Pháp, kể cả Lê dưong lẫn Bắc Phi hay Pháp chính cống. Trên con đường đẫm máu, chết chóc ấy, chúng kinh sợ nhất khi phải đi qua đoạn Bông Lau - Lũng Phầy, Bản Nằm - Lũng Vài, Bố Củng - Lũng Mười. Mỗi lần phải nhận nhiệm vụ vận chuyển tiếp tế từ Lạng Sơn lên Cao Bằng, chúng đều khiếp đảm. Chúng phải tổ chức phòng vệ rất chặt chẽ, cẩn thận. Nào nghi binh, nào cho lính tiền tiêu chiếm lĩnh các điểm cao, tuần tiễu, sục sạo, kết hợp phi pháo dọn đường, rà quét ven rừng. Nhưng vô hiệu, càng về sau càng thua đau hơn trước. Người, xe, súng ống, đạn dược, khí tài, dụng cụ, lương thực càng bị mất nhiều hơn. Có lúc từ Cao Bằng xuôi về hàng đoàn xe không, nếu có tiếng súng, địch chỉ có một cách duy nhất: phóng liều mạng, phóng bạt tử khi qua các đoạn hiểm yếu. Thông thường chúng tôi lờ những chuyến trở về của chúng vì chỉ có
những chiếc xe rỗng và lũ con buôn bám theo đưa hàng về xuôi. Nhưng bất ngờ, hồi tháng 5 năm 1949, chúng tôi giã trận Bông Lau - Lũng Phầy lần thứ 2 diệt 15 xe. Từ hôm ấy địch kháo nhau:

- Đi lên chưa chết thì lúc về chưa hẳn đã thoát. Tốt nhất là thoát khỏi con Đường số 4 khủng khiếp này.

Hồi đó, mỗi lần về Quân khu họp tổng kết, tôi thường thay mặt Trung đoàn 28 báo cáo về những trận phục kích thắng lợi trên Đường số 4. Anh Văn và anh Thái hay xuống tham dự với Quân khu. Và tôi thường phải trả lời một câu hỏi:

- Tại sao chỉ quanh quẩn mấy địa điểm trên mà trung đoàn vẫn đánh thắng hoài?

Đúng. Địch bị đánh rồi tất nhiên chúng phải phòng bị kỹ hơn. Trận sau dĩ nhiên khó đánh hơn trận trước. Nhưng rõ ràng ngày nào địch còn phải đi qua những đoạn hiểm yếu mà thiên nhiên đã tạo thành cái thế có lợi cho ta thì chúng còn bị đánh. Một bên núi dựng, một bên là khe sâu, đường vòng vèo ven chân núi, đi ngược phải lên đèo, về xuôi phải xuống dốc. Cùng với địa lợi là sự tính toán lựa chọn phương án thích hợp tối ưu của chúng tôi. Trong tính toán bố trí trận địa, tôi thường đặt mình vào tình thế địch và dự kiến nhiều tình huống, giả định giả thử địch ứng phó thế này, ta phải xử trí thế kia. Giả định địch phản kích kiểu này, ta dùng cách nọ mà ứng phó. Có lần nghe tôi đưa ra nhiều giả định, anh Văn cười và bảo:

- Cậu này sao lắm giả định thế.

Trong hoàn cảnh địch mạnh ta yếu, địch chính quy hiện đại, ta còn thô sơ lạc hậu, lại ở một nơi rừng núi hiểm trở, kế hoạch của chúng tôi luôn phải kèm theo nhiều giả định, tình huống và biện pháp đối phó khi bất trắc xảy đến.

Trong trận Bố củng - Lũng Vài lần 3, nhờ có nhiều dự kiến trước, nên khi đường liên lạc điện thoại giữa các tiểu đoàn và trung đoàn bị gián đoạn, các đơn vị vẫn tự động đối phó theo kế hoạch. Và khi thời cơ đến, có tín hiệu phát ra từ sở chỉ huy trên đỉnh núi, toàn thể mặt trận nhất tề nổ súng, chuyển bại thành thắng.


Bí quyết của sự thành công khi đặt kế hoạch tác chiến có nhiều giả định là như vậy.

Khi tôi trình bày đến cả những dự kiến về thời tiết, tính toán đến tuần trăng từng tháng, anh gật gù:

- Tay này thông minh.
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #26 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2012, 09:57:33 am »

Vì ta chưa có dự báo thời tiết hàng ngày qua đài nên tôi hay hỏi lịch thời tiết của các cụ già trong bản (loại lịch chữ Nôm tính theo ngày âm lịch) để dự kiến biết những ngày mưa nắng, cung cách trăng khuyết, trăng tròn mà tính thời điểm nổ súng có lợi. Thường đầu tuần trăng trời sáng lúc đầu, đêm về khuya trăng lụi dần. Chọn thời khắc nào bố trí trận địa dễ dàng hơn, đánh lúc nào thuận lợi hơn, là cả một sự tính toán khôn khéo giữa khoảng trời khi mờ, khi tỏ, lúc tối bưng. Nhờ khai thác cái vốn dân tộc ấy, mà ở nhiều trận, để tránh phi pháo địch, bộ đội ta hành quân ra trận vào lúc trời có mây, có mù, Đối với tôi, các cụ ké là những chiếc hàn thử biểu, phong vũ biểu sống. Các cụ rất nhạy cảm về thời tiết. Nhưng có lẽ cái mà thằng địch luôn luôn bị thua là ở chỗ chúng luôn luôn bị bất ngờ. Chúng tôi đánh chúng vào đúng sự suy nghĩ rất chủ quan của chúng. Chủ quan vốn là thuộc tính cố hữu của địch, những kẻ nặng đầu óc vũ khí luận. Có pháo binh bắn dữ dội vào rừng, chúng nghĩ “bắn thế này Việt Minh chui vào đâu mà mai phục”. Dùng máy bay rà soát ngọn cây, bắn hàng tràng đại liên xé cây, rạch đất, chúng nghĩ “Việt Minh nào mà chẳng lủi chạy”. Chiếm trước điểm cao rồi mới cho xe đi, chúng cũng nghĩ: “khống chế chặt chẽ thế này Việt Minh xung phong sao nổi xuống mặt đường”. Rồi chúng lại nghĩ: “Đánh một lần rồi, dại gì Việt Minh đánh lại chỗ đã bị lộ”. Cứ cái kiểu nghĩ “ta to, ta khoẻ, ta khôn thế này. Việt Minh lần này đụng độ sẽ chết”!. Bởi thế luôn luôn kẻ địch bị chết rất bất ngờ về những tính toán rất chủ quan như vậy, Còn chúng tôi lại rất chịu khó đúc kết nhanh sau từng trận đánh, rút kính nghiệm nhanh và dự kiến luôn những gì kẻ địch sẽ tính tới ở những cuộc vận chuyển sau. Trong trận Bố Củng - Lũng Vài lần thứ 3, ta bắt được một tên đại uý. Hình như tên hắn là Béc-nô hay Béc-xô gì đó, tôi không nhớ cụ thể nữa. Tôi cho dẫn hắn đến để khai thác. Tôi hỏi:

- Anh đi qua đi lại trên đường này nhiều rồi chứ?

- Thưa ông, đã một vài lần.

- Đây là lần thứ mấy?

- Lần thứ 3 thưa ông.

Tôi mỉm cười bảo hắn:

- Đây cũng là lần thứ 3 tôi thắng trên đoạn Bố Củng - Lũng Vài này.

Béc-nô buồn rầu:

- Vâng? Ở đoạn này hễ hôm nào có các ông phục kích chúng tôi đều bị cả.

Ngập ngừng giây lát hắn nói tiếp:

- Rất may là tôi không có mặt ở hai lần các ông phục kích trước đây.

- Và lần không may hôm nay đã đến.

Béc-nô nhún vai:

- Vâng! Thế là hết - Hắn ngao ngán. Từ lâu tôi và bạn bè đã tiên liệu, còn phải đi lại trên con đường số 4 chết tiệt này ắt sẽ có ngày gặp cơ sự khủng khiếp.

Tôi ngắt đứt lời than vãn của hắn và hỏi luôn:

- Lần này các anh phòng bị chu đáo do đã rút được nhiều kinh nghiệm ở mấy trận trước và ở cả đây và Bông Lau - Lũng Phầy, Bản Nằm. Anh hãy nói thật: Lúc bắt đầu ra đi anh có tin là bị phục kích không?

Béc- nô cắn môi rồi gật đầu:

- Thưa ông! Phục kích lúc nào là quyền của các ông. Nhưng có điều chúng tôi tưởng có thể ứng phó được nếu bị phục trúng.

- Thì các anh cũng đã ứng phó đấy chứ.

Tên tù binh nhún vai, hai bàn tay xòe ra lúc lắc đầu:

- Biết làm sao được thưa ông? Mọi diễn biến không đúng như điều chúng tôi hoạch định. Chiến tranh là sự dự liệu của cả hai bên mà.

Tôi gật đầu đồng ý và hỏi thêm:

- Nếu như anh còn phải đi vận chuyển thì lần sau anh tính toán bố trí ra sao cho tốt?

Hắn mở to mắt nhìn tôi rồi nói:

- Với tôi thưa ông, tôi biết chắc chắn giờ đây chỉ còn một con đường đi về trại tù binh. Nhưng ông hỏi tôi xin nói: con nhà binh không ai muốn rơi vào cái bẫy cũ. Tôi chắc bạn bè tôi, cấp trên của tôi sẽ bố trí một cách đi hữu hiệu hơn. Bởi chúng tôi vẫn cứ phải tiếp tế cho Cao Bằng.

- Cứ giả tưởng như anh sẽ đi, anh sẽ định ra sao? Vừa nói tôi vừa đưa cho Béc-nô một tờ giấy và chiếc bút máy Pác-ke của tôi. Nào, lại gần đây.

Béc-nô suy nghĩ rồi hắn phác họa trên giấy một cung cách xử trí cho một đoàn công-voa tiếp tế từ Lạng Sơn lên Cao Bằng khi qua điểm hiểm yếu. Hắn giảng theo từng nét sơ đồ rồi gật gù:

- Chắc chắn là hữu hiệu hơn. Các ông khó mà đánh được.

Tôi cười:

- Anh đoán chắc chứ.

Béc-nô cũng thẳng thắn:

- Chắc chứ, với tôi thì chắc chắn. Còn với ông... chiến tranh mà! Sự đối chọi của hai bên. Thưa ông!

Tôi thưởng cho Béc-nô cả gói thuốc lá Phi-líp.

Quả nhiên, ít hôm sau, cung cách đi trên đường, mọi hoạt động và mối quan hệ giữa các đồn bốt dọc đường với đoàn xe vận chuyển gần giống như điều Béc-nô đã diễn giải.
--------------
Xem thêm "tiểu đoàn Lũng Vài" http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,353.msg5378.html#msg5378
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #27 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2012, 10:51:06 am »

Từ sự rút kinh nghiệm, ứng phó mới của địch, tôi tìm ra thế bố trí, cách đánh mới ở trận Bông Lau lần thứ 3. Trận thắng rất đậm. Sau này, chuyển sang làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, đơn vị của mặt trận Cao - Bắc - Lạng trực thuộc Bộ, mỗi lần lên báo cáo tình hình tôi vẫn được anh Văn nhắc nhở:
- Dù địch mạnh thế nào, bố trí ra sao, ta vẫn có thể đánh được. Đánh cả tiêu hao lẫn tiêu diệt. Nhưng hãy chú ý phải coi việc tiêu diệt sinh lực địch là chính. Tiêu diệt gọn, tiêu diệt nhiều, địch sẽ mau tan rã ý chí. Về mặt tổ chức, chúng cũng khó khăn hơn trong việc bổ sung lực lượng và củng cố đơn vị một khi đơn vị đó bị ta xóa sổ hoàn toàn, và có tiêu diệt được sinh lực thì mới giải phóng được đất đai.
Tôi nhớ điều đó và rất tâm đắc. Tôi coi đó là phương châm hành động để thực hiện quyết tâm của trung đoàn: “Chặt đứt Đường số 4”.
Khoảng từ tháng 8 năm 1949, thế chủ động của ta trên chiến trường Cao - Bắc - Lạng đã rõ rệt. Lực lượng bộ đội tập trung của ta đông hơn, mạnh hơn. Mới ngày nào, sau khi chiếm Cao Bằng, viên cao uỷ Bô - la lên thị sát từng hí hửng tuyên bố:
- Không bao giờ? Thật vậy! Không bao giờ nước Pháp rời bỏ cái thành phố xinh đẹp này!
Quan năm Công-xtăng cũng thề thốt:
- Chúng tôi xin làm tròn sứ mệnh bảo vệ an toàn quân khu Biên thuỳ. Sẽ luôn ở tư thế uy hiếp cái chiến khu Việt Bắc của Việt Minh.
Ấy vậy mà con Đường số 4 vào thời điểm này đang rẫy chết. Nó chỉ còn bảo đảm an toàn từ phía dưới Tiên Yên đến Lạng Sơn. Từ Lạng Sơn ngược lên nó gần như bị tê liệt. Để nuôi sống phân khu Cao Bằng - Bắc Cạn, địch phải mở những chuyến đi đẫm máu; các nhà chiến lược Pháp đã bắt đầu có sự bàn cãi tính toán. Liệu có nên rút bỏ Cao Bằng hay mở đường tiếp tế bằng hàng không cho an toàn. Tờ báo Thế giới (Le Monde) báo hiệu nỗi chua cay của bọn viễn chinh xâm lược Pháp ở Đông Dương: “Việt Minh đã giành thế chủ động hoàn toàn trên Đường số 4”1 . Cái tít chữ to in trên trang một làm đau đầu cao uỷ Bô-la vô cùng.
---------------------
1. Les Việt prertnent absolumens les initiatives des opérations sur la RC4 - (3) Dangereux.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #28 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2022, 03:12:54 pm »

Trên cơ sở lực lượng vũ trang một số địa phương đã dày dạn, trưởng thành, để đáp ứng với nhiệm vụ mới, Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập Trung đoàn 174, trung đoàn của Mặt trận Cao - Bắc - Lạng trực thuộc Bộ. Trung đoàn bao gồm 3 tiểu đoàn chủ công và một số đại đội thực thuộc lấy ở 3 trung đoàn 3 tỉnh hợp lại. Trung đoàn 28 của Lạng Sơn. Trung đoàn 72 của Bắc Cạn vừa tròn số cộng là 100. Thêm Trung đoàn 74 của Cao Bằng. Phiên hiệu 174 mang ý nghĩa sức mạnh đoàn kết của con em 3 tỉnh Cao - Bắc - Lạng tập hợp lại chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng quê hương miền biên giới Cao - Bắc - Lạng. Đầu tháng 8 năm ấy, tôi đang bám sát Đường số 4, bỗng có điện gọi về Trung đoàn bộ ở Kéo Coong. Về tới nơi đã thấy anh Thanh Phong, Quân khu phó đang chờ. Anh thay mặt Quân khu truyền đạt mệnh lệnh của Bộ về việc thành lập Trung đoàn 174. Anh Hà Kế Tấn lên Quân khu nhận nhiệm vụ mới. Tôi sẽ là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174. Anh Chu Huy Mân Trung đoàn trưởng Trung đoàn 74 của Cao Bằng sẽ là Chính ủy trung đoàn mới. Trên giao cho anh Mân và tôi chịu trách nhiệm tổ chức hình thành trung đoàn vào tháng 9. Nghĩa là chúng tôi có một tháng để tập hợp lực lượng, sắp xếp, điều động cán bộ, tổ chức nề nếp công tác với nhiệm vụ “Trung đoàn 174, trung đoàn của Cao - Bắc - Lạng hễ đánh là thắng”.

    Mấy hôm sau anh Mân1 ở trên Cao Bằng về Kéo Coong với tôi.

       - Trời ! Anh Lạc. - Tôi mừng rỡ kêu lên : - Hoá ra anh à ?

       Anh Mân chỉ tủm tỉm cười, tính anh vốn ít nói năng ồn ào. Vẫn là tác phong điềm đạm và giọng nói xứ Nghệ rủ rỉ, nằng nặng, anh bảo :

       - Thế là mình chớ răng nữa.

       - Nào “tui” có biết anh đổi tên từ khi “mô”.

       Tôi cũng nói vui lại bằng giọng điệu quê hương xứ Nghệ chúng tôi.

       Hai chúng tôi vốn có duyên nợ quen biết nhau từ lâu. Tôi quê Diễn Châu, anh ở Hưng Nguyên cũng tỉnh Nghệ An. Hồi Cách mạng tháng Tám năm 1945 cướp chính quyền ở Thuận Hoá, tôi đã gặp anh. Lúc đó, tôi là một sinh viên mới tham gia Việt Minh từ năm trước. Còn anh đã là một đảng viên kỳ cựu tham gia hoạt động cách mạng từ thời Xô viết Nghệ Tĩnh (1930), đã từng lãnh án tù đày đi Công -tum, từng vượt ngục để tiếp tục hoạt động cách mạng. Thực dân Pháp liệt anh vào loại nguy hiểm. Cứ hàng năm vào ngày kỷ niệm mồng 1 tháng 5 hoặc ngày “cách-to duy-dê” (14-7), ngày lễ quốc khánh của nước Pháp, là chúng lại bắt anh vào tù ít lâu. Anh thì chững chạc, chín chắn, tôi thì bồng bột sôi nổi, nguyên hình của một thanh niên thuở cách mạng mới thành công. Chúng tôi đã từng có mặt trong những ngày đầu thành lập xây dựng đoàn Vệ Quốc quân đầu tiên của Bình Trị Thiên. Ít lâu sau tôi lên mặt trận Đường số 9 ngăn chặn bọn Pháp từ sườn phía Tây toan tính chiếm lại Trung Bộ. Khi tôi chuyển sang mặt trận Đường số 7 thì anh được điều tới thay tôi chỉ huy Đường số 9. Rồi chiến tranh toàn quốc bùng nổ, hai người chung một chiến trường Đường số 4, ở hai tỉnh địa đẩu Tổ quốc mà không biết. Nay lại hội ngộ, cùng chung một trung đoàn, đúng là quả đất tròn. Rất tròn vậy ! Điều vui sướng nhất lúc đó là tôi cứ thầm nghĩ mình có duyên may. Trước đây là anh Hà Kế Tấn, giờ lại anh Chu Huy Mân. Các anh vừa lớn tuổi đời hơn, vừa là chiến sĩ cách mạng từng dầy dạn trong đấu tranh, từng ra tù vào tội qua nhiều thử thách gian truân, có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Với người chính ủy như vậy tôi như có chỗ dựa vững chắc, yên tâm điều quân đi đánh giặc. Anh Mân bàn với tôi :

       - Việc khởi đầu là ta phải quán triệt chủ trương của trên. Tình hình chiến trường càng phát triển, trung đoàn mới của ta phải đủ sức đáp ứng nhiệm vụ mới. Xây dựng sao để trung đoàn vươn lên có khả năng đánh vận động, tiêu diệt sinh lực lớn của địch, tiến tới những trận công kiên tốt.

       Tôi nói :

       - Vậy ta phải tính đến sức cơ động của trung đoàn. Khác với trước, chúng ta không còn là một đơn vị quanh quẩn ở địa bàn trong một tỉnh nữa rồi.

   Anh Mân đồng tình :

       - Đúng ! Chẳng những có sức cơ động mạnh, mà còn phải mạnh về nhiều mặt. Một trung đoàn hoàn chỉnh là trung đoàn mạnh về tư tưởng, mạnh về trình độ kỹ thuật, chiến thuật, mạnh cả về công tác chính trị : Dân vận giỏi, sao cho đi dân nhớ, ở dân thương. Địch vận giỏi góp phần làm tan rã đội ngũ địch ...

      Chúng tôi còn bàn nhiều về tổ chức, về cán bộ, về vũ khí v.v... mọi việc dễ dàng nhưng khi bàn đến vấn đề hậu cần, lương thực thì cả hai chúng tôi đều cảm thấy đây là khó khăn lớn. Cao - Bắc - Lạng là đất miền núi, dân vẫn thường ăn ngô, sắn kèm theo thóc gạo. Toàn ruộng bậc thang một mùa cấy hái theo lối làm nương rẫy. Lạng Sơn có Thất Khê, Bình Gia. Cao Bằng có Nước Hai, Trùng Khánh là những nơi có nhiều đồng lúa, nhưng đâu phải ruộng kiểu thẳng cánh cò bay như vùng đồng bằng dưới xuôi. Với một trung đoàn tập trung gồm 5 tiểu đoàn cùng với bao nhiêu đại đội trực thuộc, quân số đến năm ngàn rưỡi. Chỉ đóng ở đâu độ một tháng là ăn nhẵn lúa gạo của dân rồi. Tập hợp quân lại cho đông vui thì dễ, nhưng nuôi số quân ấy hàng ngày đâu phải chuyện vui. Nhưng rồi chúng tôi đều nhất trí “Việc này phải có Dân, Chính, Đảng cùng lo với chúng ta mới xong”.

      Anh Mân cười :

      - Để tôi gánh chịu việc nan giải này cho. Tôi sẽ làm việc với Quân khu, với tỉnh, với Mặt trận Liên Việt sao cho lính có ăn mới đánh giặc. Còn anh lo công tác tham mưu tác chiến. Lo liệu, tính toán sao cho có một trận thắng to trước mắt mừng lễ ra quân của E ta nghe !

      Tôi nói vui :

      - Thắng hay không là do hũ gạo quyết định chứ không phải người cầm quân lúc này. Vậy anh là người quyết định đó !




-----------------------------------------------------------------
1. Anh Chu Huy Mân hồi hoạt động bí mật ở Quàng Ngãi phải già danh là người bán kẹo lạc, nên cũng lấy bí danh là Lạc. Trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ có nhiều cống hiến được phong Đại tướng. Ủy viên Bộ Chính trị. Chù nhiệm Tổng cục chính trị. Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #29 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2022, 03:23:49 pm »

*
*      *

   Trước khi nhận quyết định của Bộ về việc thành lập Trung đoàn 174, tôi đang bám sát Đường số 4 với ý định đánh trận Bông Lau - Lững Phầy một lần nữa. Khi có điện về Kéo Coong, tôi vẫn để trinh sát bám đường theo dõi chặt chẽ tình hình địch. Người phụ trách đại đội trinh sát là anh Sáu Nhật. Gọi như vậy vì anh vốn là một sĩ quan Nhật sang hàng ngũ ta khi được biết phải giao nộp vũ khí cho quân đội Tưởng ở Bắc Việt Nam. Ta thường gọi các sĩ quan, binh lính Nhật chạy sang hàng ngũ quân đội ta là “Việt Nam mới”, một cái tên thông dụng lúc bấy giờ. Sau bao nhiêu thử thách trong các trận, càng ngày anh càng tỏ ra là một cán bộ có bản lĩnh chiến đấu rất dũng cảm và trung thành. Đã có lần anh tâm sự :

      -  Tôi coi Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi. Sống trong đội ngũ giải phóng quân Việt Nam, tôi đã giác ngộ nhiều lắm. Tôi đã hiểu thế nào là quân đội cách mạng. Quân cách mạng chiến đấu vì nhân dân vì sự nghiệp giải phóng của đất nước.

      Điều anh tâm đắc nhất là trong quân đội cách mạng như quân đội Việt Nam, chỉ huy và chiến sĩ thực sự là anh em, là đồng chí. Sáu Nhật rất thích được mọi người gọi mình là đồng chí và luôn luôn chứng tỏ cho mọi người biết, anh sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.

      Một lần, trong trận Người Kim - Chôc Ngà, Sáu Nhật xung phong lao xuống mặt đường. Tên quan ba Ri-vơ-ranh nấp ở cạnh đấy dùng khẩu súng ngắn bắn anh. Viên đạn sượt qua má. Cùng lúc ấy, Đại đội trưởng Lê Hoàn rút kiếm lao tới. Tên Pháp cuống quít xin hàng. Lê Hoàn vung kiếm chém khi thấy má Sáu Nhật đầy máu, nhưng chính Sáu Nhật đã ngăn Hoàn lại :

      -  Tha cho nó. Không thèm giết kẻ đã hàng.

      Sau này vết thương in một dấu sẹo dài trên má. Biết tôi hay chú ý tới công tác địch vận, Sáu Nhật thường chỉ chỉ vào má mình nói vui :

      -  Kỷ niệm biết làm địch vận của tôi đấy, Trung đoàn trưởng ạ !

      Mới gần đây, sau hơn 35 năm xa cách, chúng tôi lại gặp nhau. Sáu Nhật là Tổng thư ký Hội mậu dịch Nhật - Việt. Anh đến Hà nội công tác và nhắn tìm tôi.

      Một cuộc gặp gỡ đầy xúc động khi nhắc tới một thời đã từng chung sống gian nan, hào hùng dọc Đường số 4 miền đất Cao - Bắc - Lạng. Bấy giờ tôi mới biết tên thật của anh là Keochiro Iwai 1.

      Một lần, Trung đoàn tổ chức một tuyến trinh sát từ dưới Mũi Ngọc theo dọc Đường số 4 tới sở chỉ huy tiền phương. Sáu Nhật chỉ huy toàn tuyến kể từ việc báo bằng điện đài, điện thoại tới chạy bộ kiểu Ma-ra-tông. Mỗi lần trung đoàn phục kích chờ địch, hễ đoàn vận chuyển của chúng xuất phát từ Mũi Chùa là đã có điện báo về trạm Lạng Sơn. Từ đấy, từng chặng một bằng mọi cách, anh báo về sở chỉ huy từng động tĩnh, từng đường đi, nước bước của chuyến công-voa tiếp tế của địch.

      Tôi có ý định sử dụng các tiểu đoàn của ba Trung đoàn Cao -Bắc - Lạng vừa mới sáp nhập thành 174 để đánh trận Bông Lau - Lũng Phầy, làm trận ra quân đầu tiên của trung đoàn. Anh Mân tán thành ngay. Chúng tôi bàn bạc, không tập trung quân về mà chỉ triệu tập khung cán bộ tiểu đoàn, đại đội thuộc ba nơi và các đơn vị trực thuộc. Anh em về, vừa để nhận quen nhau, vừa bàn bạc tổ chức đánh trận đầu giòn giã. Tôi sẽ dẫn cán bộ đi trinh sát thực địa, lên phương án kế hoạch tác chiến tại trận. Sau đó cán bộ từng nơi về dẫn quân đến nhận vị trí và bố trí trận địa, tổ chức phục kích chờ địch. Anh Mân cùng với cán bộ hậu cần lo tổ chức đường dây tiếp tế lương thực từ phía sau tới mặt trận, anh cũng lo luôn việc bàn tính với Tỉnh ủy Cao Bằng vể các mặt cơ sở vật chất, tinh thần cho buổi lễ ra mắt trung đoàn, đồng thời là lễ mừng chiến thắng mới trên Đường số 4. Nhiệm vụ đề ra cho chúng tôi khá rõ rệt. Bằng mọi giá, trận đẩu phải thắáng, chỉ được thắng và thắng thật giòn giã, thật vang dội.

      Cuộc hội ngộ của đông đảo các cán bộ quân sự chủ chốt của 3 tỉnh diễn ra đầy hào hứng, phấn chấn, toàn những con người mà tên tuổi gắn liền với chiến trường Cao - Bắc - Lạng. Biết nhau qua từng tiếng vang của các trận thắng, nay mặt nhìn mặt, tay cầm tay vui mừng khôn tả. Những Nguyễn Hữu An, Trung Ngọc, Nguyễn Chân, đồng chí Nùng, Nông Quốc Tiến của 74 Cao Bằng ; Lê Hoàn, Bắc Quân, Bế Chu Lang, Đinh Giang, Đắc Hanh, Hùng Quốc, Bằng Khê của 28 Lạng Sơn. Trung đoàn 72 Bắc Cạn có Thanh Tâm, Lê Vũ ... Rồi đồng chí Kha, Đinh Như Thành, Tấn Phong, Ngọc Sương của pháo binh, trợ chiến, chân đồng vai sắt. Những cán bộ trinh sát, thông tin như Sáu Nhật, Tiến Hùng, Lưu Bằng lão luyện tinh thông nghiệp vụ. Một số cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần như Lê Phước, Hữu Sơn, Hữu Tố, Ngọc Sương, Tiêu Sơn. Ai cũng tin tưởng, cũng mốn đóng góp hết mình cho sự trưởng thành của Trung đoàn 174, đứa con đầu lòng kết tụ tinh hoa của ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng. Khí thế ra quân giành thắng lợi tưng bừng, náo nức vô cùng.




-------------------------------------------------------------------
1. Tháng 5 - 1990 nhân dịp sang công tác Việt Nam, xét công lao và sự cống hiến trong chiến tranh, cũng như 30 năm trong hoà bình Nhà nước Xã hội chù nghĩa Việt Nam đã tặng thưởng anh Iwai hai huân chương : Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Chiến thắng hạng hai.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM