Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:44:42 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường số 4 rực lửa - Đặng Văn Việt  (Đọc 41610 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #10 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2012, 07:28:23 pm »

Bài trên thiếu 1 đoạn - post lại cho đủ
--------------------

Chúng tôi chiếm lĩnh được trận địa từ đêm. Đông chưa tàn hẳn nên giá lạnh vẫn ôm ấp núi rừng Việt Bắc. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 23 chỉ mang trên mình bộ quần áo vải. Áo trấn thủ chưa có đủ cho mọi người. Anh em phần đông là thanh niên vùng xuôi, nom họ bé nhỏ chứ không to đậm như các chàng trai đất Cao - Bắc - Lạng. Nhưng họ tháo vát nhanh nhẹn, tính tình vui nhộn, lém lỉnh lạ. Buổi chiều hôm hành quân tiễn ra trận địa, có cậu cứ đánh trống mồm, hát nhại câu ca xưa rất tếu:

Mình về nuôi cái cùng con,
để anh “đánh giặc” ở nước non từ Lạng Sơn tới Cao Bằng.
Ngày về anh tặng khẩu “Mút-cơ-teeng”.

Trời lạnh, lúc hành quân vận động còn đỡ nỗi căm căm. Đến khi chờ địch ở trận địa mới buốt da, buốt thịt. Vậy mà các cậu lính trẻ vẫn vừa xuýt xoa, vừa tán cười lích rich:
-   Ới! Pì - noọng ơi! Rét quá lố! Rét thấy ông bà ông vải thằng Tây mũi lõ vớ.

May mắn sao các anh ở Trung đoàn 11 lại tặng tôi chiếc áo trấn thủ. Vậy mà tồi vẫn thấy tái tê vì hơi lạnh của núi đá, giá buốt của sương muối, rét cóng qua từng cơn gió rừng xào xạc.

Sau trận bị phục kích ở Bông Lau, mỗi lần vận chuyển trên Đường số 4, địch thận trọng hơn.
Lần này, chúng cho một xe Háp - trắc đi đầu chở hơn trung đội Pháp. Qua đồn Bố Củng, số đông nhảy xuống khỏi xe sục sạo hai bên đường tiến lên Lũng Vài... Chốc chốc chúng lia bừa Tôm - sơn vào rừng thị uy. Xem chừng yên ổn, chúng báo hiệu. Phía sau các xe hành tiến, cự ly cách xa. Đội hình địch đã lọt vào trận địa đại Đội I, chúng đi thưa và dùng máy dò mìn. Tôi và Quyến liếc nhìn nhau, “Có thể bị lộ lắm chứ”! Quả nhiên, một phút sau dưới đường tên cầm máy dò mìn kêu to:
-   Attention mine(1).

Lúc này, đoạn cuối của chúng chưa lọt hẳn vào trận địa. Nhưng chớp thời cơ địch đang hoang mang, rạt xuống bên đường, Quyến hạ lệnh nổ súng. Thế là mìn đồng loạt nổ tung, súng trường lựu đạn từ sườn núi sả xuống mặt đường. Khẩu trung liên “đầu bạc” duy nhất của tiểu đoàn quét dài.
Quả đúng như chúng tôi dự đoán, bọn Lê dương thiện chiến, qua giây lát bàng hoàng ban đầu, chúng không thấy tiếng đại liên, súng cối liền hét:
-   Mousqueton, pas peur(2). Chúng lia tiểu liên Tôm - xơn lao ào lên chiếm đồi.

Nhưng rừng núi và thế mạnh đánh giáp lá cà bằng đao kiếm, lưỡi lê, bằng ý chí diệt thù cứu nước, là của chúng tôi. Sau tiếng còi lệnh rúc dài, cả tuyến trận địa bật thốc đậy hét vang tiếng xung phong.

Với tinh thần “quyết tử” của các chiến sĩ Thủ đô tháng 12 năm 1946, Tiểu đoàn 23 đã đánh gục địch giữa núi rừng Đường số 4. Trận Bố Củng - Lũng Vài thắng đẹp. Đây là trận đầu tiên trên Đường số 4, ta bắt được tù binh. Chúng tôi cho giải ngay 6 tên Lê dương bị bắt sống lên trên để Ban địch vận khai thác tài liệu. Điều vui mừng nhất là thu được nhiều vũ khí, loại súng cối 601y, đui-xết (12-7) đang là của hiếm. Nay tiểu đoàn trở nên giàu có, lại có cả đài phô-ni nữa.

Nếu trận Bông Lau của Tiểu đoẩn 374 là trận đầu tiên như tiếng chim báo bão, báo hiệu sự nguy kịch của bọn viễn chinh trên Đường số 4, thì trận Bố Củng - Lũng Vài (2 - 48) của Tiểu đoàn 23 sáng tỏ niềm tin lớn. Phương châm “Lấy súng giặc giết giặc” và lời dạy của Bác Hồ đã trở thành hiện thực khi giặc tiến công lên Việt Bắc. Bác Hồ đã nói những lời xác đáng. Tôi nhớ đại ý như sau: Giặc hùng hổ tiến công lớn lần này cũng là một dịp chúng dẫn thân, phơi bày giữa vùng rừng núi. Ta có điều kiện đánh địch ngoài công sự, đồn bốt, ta dễ tiêu diệt chúng hơn.

Trận thắng gọn một đoàn 16 xe ở Bố Củng - Lũng Vài đã chứng minh thật xác đáng lời Bác Hồ dạy. Dù còn non yếu cả về lực lượng, vũ khí, nhưng với lòng căm thù giặc sâu sắc, được sự chỉ đạo sáng suốt của Bác, của Trung ương, ta có thể đánh tan quân đội viễn chinh xâm lược Pháp.

Thiếu súng đạn ư? Thiếu khí tài ư? Rét lạnh vì thiếu quân trang ư? Thiếu thốn quân dụng ư? Con Đường số 4 này sẽ là nguồn bổ sung lớn nếu ta làm chủ được nó với những trận phục kích giỏi và những trận tập kích tốt vào đồn bốt giặc.

Ý nghĩ đó vang dội trong trí tôi khi nhìn thấy anh em Tiểu đoàn 23 sau chiến thắng ồn ào mang vác súng đạn, quân trang quân dụng, khí tài chiến lợi phẩm, kéo về Hội Hoan, vùng hậu cứ của Tiểu đoàn 23; ở đây, bà con dân bản và đồng bào ở thị xã Lạng Sơn tản cư đến, tưng bừng đón chờ những người chiến thắng.
*
*  *
-------------------
(1) Attention mine: Cẩn thận mìn
(2) Mousqueton, pas peur: súng Mút-cơ-tông, không đáng sợ.
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #11 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2012, 07:38:55 pm »

Cuộc tiến công ồ ạt của địch lên chiến khu Việt Bắc hoàn toàn bị thất bại. Gọng kìm của Com-muy-nan bị đánh tơi tả, cố thủ ở Tuyên Quang không xong, đành rút chạy theo ngả Sơn Dương và dọc sông Lô xuống Việt Trì về Hà Nội. Gọng kìm phía Đông của Bô-phrê chùn lại ở Cao Bằng.

Địch cố gắng duy trì con Đường số 4 bằng một hệ thống đồn bốt để nối thông xuống Lạng Sơn ngoặt về Móng Cái. Chúng đặt chỉ huy sở quân khu biên thuỳ ở Lạng Sơn do tên quan năm Công-xtăng chỉ huy. Công-xtăng chia quân khu thành 2 phân khu Bắc và Nam. Lực lượng của chúng có một trung đoàn Lê dương số 3 (3e REI), một tiểu đoàn bộ binh An-giê-ri số 23 (23e BTA) và một tiểu đoàn ngụy.

Chỉ huy sở trung đoàn Lê dương số 3 ở Cao Bằng. Tiểu đoàn 1 của nó chốt giữ từ Bắc Cạn đến Cao Bằng với 7 đồn rải dọc tuyến mà đồn Phủ Thông là điểm án ngữ quan trọng. Tiểu đoàn 3 giữ từ Cao Bằng đến Đông Khê rải 4 đồn dọc Đường số 4 và một số đồn nhỏ theo đường nhánh áp sát biên giới Trung Quốc. Tiểu đoàn 2 đóng ở Thất Khê rải 6 đồn án ngữ đọc Đường số 4, tiếp thêm một nhánh vươn kề biên giới Trung Quốc.

Phân khu phía Nam chia thành 2 tiểu khu: Na Sầm - Đồng Đăng được coi là tiểu khu I; tiểu khu 2 canh giữ hướng Lộc Bình tới Móng Cái.


Nguồn hình ngoài hồi ký, xem thuộc tính của hình

Tuy cuộc tiến công vào chiến khu Việt Bắc thất bại, song giặc Pháp chiếm đóng Đường số 4 và Đường số 3 tới Bắc Cạn, mong tạo thế chĩa một mũi đao nhọn vào chiến khu Việt Bắc, lăm le chờ cơ hội thọc sâu vào chiến khu. Do đó, con Đường số 4 trở nên rất quan trọng. Ai làm chủ được ắt nắm thế chủ động chiến lược, chẳng những ở riêng chiến trường Việt Bắc mà còn chung cả chiến cuộc toàn Bắc Bộ. Giặc cố tạo thành một tuyến đồn bốt vững chắc dầy đặc công sự dọc Đường số 4 vừa khống chế ta, vừa bảo đảm sự tồn tại của chúng ở Cao-Bắc-Lạng. Ta quyết chặt đứt con đường huyết mạch này. Mất nó, quân khu biên thuỳ Cao - Bắc - Lạng của Công-xtăng không đứng vững nổi, đồng thời thế uy hiếp của giặc bị đẩy lùi, buộc sẽ co cụm dần xuống miền Trung du, cửa ngõ của đồng bằng Bắc Bộ.

Sau trận chiến thắng Bố Củng - Lũng Vài, tôi rời Tiểu đoàn 23 sang Tiểu đoàn 374 bàn cách đánh, tiếp tục uy hiếp mạnh Đường số 4. Tiểu đoàn trưởng Bắc Quân người dưới xuôi, dáng tầm thước, tính tình năng nổ. Vừa đánh thắng Bông Lau, được tin Tiểu đoàn 23 ra đòn Bố Củng - Lũng Vài, Bắc Quân càng hăng, muốn đơn vị mình có thêm chiến thắng mới.

Bị hai lần thua đau liên tiếp trên Đường số 4, địch đối phó bằng cách tăng thêm đồn bốt, tung bọn Lê dương - Bắc Phi tuần tiễu nghiêm ngặt. Mỗi lần vận chuyển, chúng tổ chức phòng bị kỹ hơn, tăng cường sức hộ tống, phân bố đội hình vận chuyển thận trọng dè dặt hơn. Muốn đánh địch lúc này, phải sử dụng lực lượng mạnh mới đủ sức áp đảo, tạo thế bất ngờ mới chắc thắng. Phần đông cán bộ chiến sĩ của Tiểu đoàn 374 là người Lạng Sơn, Cao Bằng; anh em rất thông thạo địa hình dọc hai bên Đường số 4.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Bảy, 2012, 07:45:24 pm gửi bởi tuaans » Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #12 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2012, 09:19:04 pm »

Con đường này có hai điểm hiểm yếu nhất, hai cửa tử của thế trận phục kích là đoạn Bông Lau - Lũng Phầy và Bố Củng - Lũng Vài, ta đã đánh rồi. Không thể để địch rảnh rang vận chuyển, có thời gian củng cố các vị trí án ngữ dọc tuyến. Mỗi lần ngó vào bản đồ, cái vệt ngoằn ngoèo uốn khúc gập ghềnh của con Đường số 4 như có chất nam châm hút tâm trí tôi. Anh em trong đội trinh sát thường xuyên bám sát đường để nắm quy luật đi lại của địch.

Một hôm, trinh sát Lâm kể:

-   Qua các đoạn nguy hiểm, sợ bị đánh như Bông Lau - Lũng Phầy, Bố Củng - Lũng Vài, Tây nó đi thận trọng lắm, có xe bọc thép, có tụi hộ tống chiếm các điểm cao trước lố.

Tôi để ý đến lời bàn tán của các chiến sĩ. Đồng chí Sài nói:

-   Hầy, nó chỉ thích nghỉ lại ăn uống ở chỗ Bản Nằm thôi. Lần nào cũng vậy à!

Lập tức tôi hỏi chuyện, tìm hiểu thêm. Con Đường số 4 đang quanh co gấp khúc, tới đây như trải dài giữa một khoảng tráng rộng. Hai bên thoai thoải ruộng bậc thang. Từ ngày giặc chiếm, chúng đốt trụi làng bản, bà con bỏ chạy, làm lán trong rừng, hoặc về những bản xa. Giữa nơi tráng địa, bọn giặc cho ta không đám chọn điểm phục kích ở đây. Vì từ bìa rừng, chân núi ta khó vận động băng qua ruộng trống để xung phong tiếp cận đường. Chỉ càn vài khẩu trung liên, chúng có thể lia không thương tiếc nếu ta ló ra khỏi rừng rậm. Có giỏi lắm cũng chỉ giật được một quả mìn, nhưng dây mìn chôn giấu sao nổi ở khoảng trống rộng như vậy. Do đó, cứ mỗi cuộc vận chuyển, sau khi qua khỏi cửa tử, địch đều nghỉ lại rất lâu ở Bản Nằm, ung dung ăn uống, xả hơi đùa cợt với bọn con buôn và lũ gái điếm vẫn bám theo các đoàn vận chuyển,

Ờ, điểm bất ngờ là đây rồi! Thế bất ngờ thường chiếm quá nửa phần thắng trong các trận đánh phục kích. Còn gì tốt bằng đánh địch trong lúc chúng không phòng bị, đang phởn phơ ăn uống, nghĩ ngơi. Chỉ cần khắc phục quãng trống trải mà thôi. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa là ba yếu tố lớn giúp người dùng binh chiến thắng, chúng tôi có cả, duy phần địa lợi bị giảm một nửa. Điểm cao trên núi, rừng rậm bao quanh đã ổn, chỉ còn cái khoảng tráng địa kia mà chịu bó tay sao? Phải có gan thôi. Gan chứ đâu phải liều lĩnh. Đây chính là táo bạo. Đánh giặc không có gan, táo bạo, chỉ dựa vào mọi điều thuận lợi, còn đâu giành được bất ngờ, chớp được thời cơ.

Bắc Quân và Tiểu đoàn phó Khiếu ưng ý lắm. Tôi thầm nghĩ: Muốn ăn chắc, tránh thế uy hiếp của giặc, phải sử dụng binh hỏa lực mạnh. Một tiểu đoàn vào trận e bị mỏng.

Với tư cách là đặc phái của Bộ, tôi kéo Bắc Quân sang Hội Hoan, bàn luận với tiểu đoàn trưởng Quyến. Cả hai tiểu đoàn đánh, sẽ có hỏa lực mạnh áp ngay vào đội hình địch từ phút đầu tiên. Nhiều quân, bố trí thế trận sâu rộng mới khắc phục được nhược điểm của địa hình tráng rộng ở Bản Nằm.

Cả Bắc Quân và Trần Quyến nhất trí liền. Sau trận thắng, ai cũng muốn đánh thêm để có nhiều vũ khí chiến lợi phẩm trang bị cho đơn vị. Ai cũng muốn loại dần những khẩu súng ọc ạch, cũ kỹ năm cha, ba mẹ “kiểu Mút-cơ-tông” của Pháp, “Thất cửu” của Tưởng hay loại súng “Nga hoàng” cổ lỗ sĩ. Thế là chúng tôi tổ chức đi trinh sát thực địa. Một đoàn cán bộ gồm đại biểu ban chỉ huy tiểu đoàn, đại đội, và tôi cùng một tiểu đội trinh sát. Từ Hội Hoan qua Văn Mịch, chúng tôi tìm đến Kéo Lâm. Đây là một bản nhỏ trên đỉnh đèo, nhìn xuống cánh đồng Thất Khê, vựa lúa của đất lạng Sơn, mà cũng là vùng nổi tiếng trai hùng gái lịch. Nghỉ lại ở Kéo Lâm, chúng tôi cho trinh sát tìm bắt liên lạc với Ban chỉ huy đại đội địa phương huyện Tràng Định. Hôm sau, đồng chí Đinh Giang chỉ huy đại đội của huyện tới. Túm được ông “Thổ công” này quả là tuyệt diệu. Đinh Giang, người dỏng cao, đẹp trai, người bản Nà Nọng đất Tràng Định. Vốn là một chàng trai đã từng tham gia hoạt động từ lúc cách mạng chưa cướp được chính quyền, rồi lại có mặt trong những trận đánh quân Quốc dân đảng theo Tàu Tưởng về cướp đất Lạng Sơn.
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #13 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2012, 09:21:21 pm »

Đêm ấy, Đinh Giang lấy hai du kích dẫn đường đưa chúng tôi rời Kéo Lâm đến Quyền A vượt sông Kỳ Cùng qua phía Đông Bắc Đường số 4, trú quân ở Bản Bon. Từ Bản Bon đến Bản Nằm phải men dọc sông Kỳ Cùng uốn lượn quanh rừng rậm. Chúng tôi đi ban ngày len lỏi qua rất nhiều ghềnh dốc hiểm trở. Con sông Kỳ Cùng bắt nguồn từ khe núi phía Bắc Đình Lập chảy qua Lộc Bình - thị xã Lạng Sơn vươn tới Na Sầm, Thất Khê rồi vòng đến Bình Nghi sang vùng Long Châu - Trung Quốc. Nó len qua núi rùng, tiếp nhận hàng trăm con suối nhỏ đổ vào. Mùa khô, khe suối cạn, con sông Kỳ Cùng nước chảy lờ đờ, uốn lượn mềm mại. Khi mùa mưa tới, nó vật mình phình rộng ra, hung dữ lạ. Dòng sông ào ạt, cuồn cuộn kéo theo dòng nước lũ đỏ ngầu, những khúc gỗ lớn, cây cành ngả đổ. Hôm chúng tôi đi trinh sát, con sông đang mùa lành dịu, làn nước trong veo như dải lụa mềm mại trải quanh co, lẩn quất trong lòng rừng già.


Đang men dọc sông gặp một lối mòn, Đinh Giang dẫn chúng tôi rẽ vào một thung lũng. Từ đây đến Bản Nằm còn độ 3km nữa. Đinh Giang và hai du kích bàn bạc với nhau bằng tiếng Tày, rồi anh bảo tôi:

-   Phải nghỉ lại đây chờ tối mới vào gần Bản Nằm được. Ban ngày không nên đâu. Gặp địch lộ mất à.

Rừng chiều êm ả. Những mảng nắng lọt qua khe lá, thả những đốm vàng nhiều hình thù xuống nền đất. Thỉnh thoảng tiếng chim rúc, loại gõ kiến màu xanh, rúc một hồi khắc khoải. Đôi khi, giọng hát của con khiếu bách thanh, lánh lót ở bụi cây rậm rịt la đà phía xa. Chúng tôi ăn ngon lành nắm cơm chấm muối vừng trộn lạc do đồng bào ở Bản Bon đùm gói cho. Sau đấy tản ra từng gốc cây, gò đá nghỉ chờ tối. Vào lúc hoàng hôn, tiểu đội trinh sát lên đường trước, sục dò tìm dấu vết địch. Sau đó cả đoàn lặng lẽ đi theo. Đến một mỏm núi đất phía Đông Bắc Đường số 4, chúng tôi nhìn rõ toàn bộ địa hình khu vực Bản Nằm. Toàn cảnh nom hệt lòng chảo. Vệt Đường số 4 vạch qua giữa tráng đồng ruộng bậc thang rộng dài trên một ki-lô-mét. Đồi núi lúp xúp nhô quanh xen kẽ từng vạt rừng nhỏ. Bọn địch vẫn nghỉ ngơi ở đây trước khi qua cầu Bản Trại để kéo vào cánh đồng Thất Khê.

Ôi! Nếu quả địch còn nghỉ giữa lòng chảo thì có khác nào bầy hươu nai khờ dại, nô rỡn dưới thung sâu mà chúng tôi là những tay thợ săn bao bủa trên những ngọn đồi có mảng rừng nhỏ vây quanh. Cái thế bủa vây đã rõ. Chỉ cần bí mật khi chiếm lĩnh trận địa, bền gan mai phục và hành tiến mau lẹ qua khoảng trắng, từ điểm xuất phát xung quanh tới chỗ cận chiến giáp địch là cầm chắc phần thắng.

Chúng tôi bàn tính cách bố trí binh hỏa lực, phân công rõ từng điểm của từng đơn vị.

Tôi bảo với cả đoàn:

-   Giờ ta chia tay, từng đơn vị đi khảo sát cụ thể điểm phục của mình trong đêm nay. Mai về tập kết ở Bản Bon. Sau đó ta lên phương án tác chiến, kế hoạch triển khai và ấn định ngày giờ nổ súng.

-   Tốt rồi!
-   Đi mau về sớm vớ!

-   Ai đi việc nấy à.

Cả đoàn ồn ào tán thành, rồi hồ hởi từng tốp nhỏ tạm biệt nhau lẩn vào rừng đêm mờ đục ánh trăng non.

Địch lọt vào giữa cánh đồng. Lúc đầu còn ra vẻ cảnh giác, chia nhau cảnh giới hai bên đường. Không thấy động tĩnh, chúng xuống xe, phè phỡn xả hơi sau một chặng đường dài nguy hiểm.

Vào lúc địch sơ hở, bất ngờ nhất, ta phát lệnh nổ súng. Từ bốn phía, hỏa lực áp đảo, tiếp theo tiếng kèn xung trận, quân ta lao thẳng vào địch. Tây trắng, tây đen, cả bọn gái điếm, bọn con buôn đi theo xe đều vứt bỏ vũ khí, hàng hóa, chui rúc tìm nơi tránh đạn hoặc quỳ gối giơ tay hàng.

Gần hai trăm tên địch bỏ mạng, ba chục tên bị bắt làm tù binh. Ta thương vong không đáng kể. Chúng tôi thắng trận Bản Nằm. Giặc đến và giặc bị tiêu diệt tan tác hoàn toàn đúng như dự kiến của chúng tôi khi tổ chức trận đánh. Mọi tình huống diễn biến xẩy ra cứ như chính chúng tôi xếp đặt, quy định cho số phận chúng vậy. Địch đã phải trả giá đắt về sự khinh khi, ngạo mạn đầy chủ quan, mất cảnh giác. Còn chúng tôi, vững tin hơn, có thêm kinh nghiệm: “Đánh địch mạnh cần phải mưu trí, táo bạo, ít súng đạn vẫn thắng được địch nếu tạo nên thế bất ngờ, vào thời điểm bất ngờ, ở một không gian bất ngờ nhất”. Cái mà kẻ địch nghĩ: “Không có thể, không bao giờ”, thì chúng tôi lại nghĩ: “Có thể làm nên chuyên”.

Sau trận thắng, nhân dân vùng Tràng Định hồ hởi, nô nức thăm nom uý lạo bộ đội. Bà con kháo nhau:

-   Vệ quốc đoàn giỏi lắm mà! Sắp đánh vào cả đồn Tây nữa.

Tôi còn nhớ, hôm đánh xong, rút về vùng Bản Tồn tôi ở nhà Cụ Sâm. Cụ già cứ hỏi tôi:

-   Chỉ huy à? Bao giờ đánh trận nữa đấy, đánh cho hết Tây để dân bản sướng bụng chớ.

Cụ pha một ấm trà ngon mời tôi uống. Sau đó cụ lễ mễ bưng ra một vò mật ong, cười rung cả bộ râu:
-   Cái nè bổ lắm vớ! Uống khoẻ người, mạnh sức lắm vớ!

Vừa nói cụ vừa rót cho tôi một chén đặc quánh, gật gù:

-   Mật ong để lâu uống say như uống rượu à. Uống mừng chỉ huy đánh thắng Tây vớ!

Sau này, mỗi lần đi nghiên cứu trận địa trên Đường số 4 hoặc đánh thắng về qua Bản Tồn, tôi vào thăm cụ là y như rằng cụ lại mời tôi chén mật ong để dành lâu năm nhất.
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #14 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2012, 11:54:29 am »

LIÊN TỤC TIẾN CÔNG, NHIỀU VẺ CHIẾN THẮNG

Sau trận Bản Nằm, Bộ quyết định tôi ở luôn lại đất Lạng Sơn làm Trung đoàn phó Trung đoàn 28 của tỉnh. Ít lâu sau, do anh Liên Đoàn chuyển công tác khác, tôi làm Trung đoàn trưởng. Trên cử anh Hà Kế Tấn làm Chính uỷ.
Cuộc đời chiến đấu của tôi cứ mỗi ngày một gắn bó sâu nặng hơn, thân thiết hơn với mảnh đất Lạng Sơn kiên cường, bất khuất. Tỉnh Lạng Sơn từ xa xưa vẫn nổi tiếng là vùng đất đẹp đẽ, hào hùng, miền địa đầu Tổ quốc. Một tỉnh có bề dày lịch sử về kỳ tích chiến thắng quân xâm lược phương Bắc qua bao thế kỷ. Lê Đại Hành diệt quân Tống, giết tại trận tuớng Hầu Nhân Bảo ở Chi Lăng năm 981. Năm thế kỷ sau, năm 1428 cũng tại nơi này, thời Lê Lợi, Nguyễn Trãi, quân ta diệt Liễu Thăng, đánh tan tác bọn viện binh hòng cứu vãn cơ đồ cai trị của nhà Minh khi Vương Thông đang bị vây chặt trong thành Đông Quan.
Vẻ vang nhất là chiến Công thời Lý, thế kỷ 11 với lời thơ hào hùng: Nam quốc sơn hà Nam đế cư của võ tướng tài ba Lý Thường Kiệt, người thực hiện hiệu nghiệm chủ thuyết tiến công để phòng ngự, thủ hòa trên thế mạnh.
Tới Lạng Sơn, mỗi khi nhớ đến anh Hoàng Văn Thụ, lòng tôi cảm kích vô cùng. Người trai xứ Lạng ra pháp trường với khí tiết, khẩu khí hùng hồn của người cộng sản, Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng thời 1943.
Việc nước xưa nay có bại thành
Miễn sao giữ trọn được thanh danh
Lời thơ, lời vĩnh biệt tâm huyết ấy của anh vẫn vang vọng đời đời với núi rừng, làng bản xứ Lạng, nơi đã sản sinh ra một con người bất khuất, một tâm hồn bất tử.

Lạng Sơn chẳng những có cái thế hiểm của vùng đất rừng rậm, non cao, sông sâu, vực thẳm mà cũng là xứ sở của những danh lam thắng cảnh tuyệt vời. Người Việt Nam nào mà chẳng thuộc lòng câu hát:

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh

Cái dáng Vọng Phu trên núi, giữa một thành phố miền núi, soi bóng xuống dòng sông Kỳ Cùng nhấp nhoáng nắng vàng buổi sớm, tím biếc sắc lam buổi chiều gợi ta bao cảm xúc dạt dào về cái hùng tráng vĩ đại, vừa thơ mộng, vừa sôi động lao lung của người và cảnh quê hương xứ Lạng.

Hồi mới đến đây còn bỡ ngỡ vô cùng. Dần dà qua những tháng ngày chiến đấu, qua cuộc sống gắn bó với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 28 (từ 6-1948, trung đoàn II đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 28; Tiểu đoàn 374 thành Tiểu đoàn 249), gần gũi với bà con thôn bản, tôi đã thông thuộc thuỷ thổ, địa thế suốt dọc hai bên Đường số 4 như biết rõ từng vệt chỉ tay của chính lòng bàn tay mình. Thuộc cả câu hát sli, hát lượn tình tứ ý vị, mà các chàng trai, cô gái Tày, Nùng hay hát vào phiên chợ hoặc vui hội hè chiến thắng:
Bi cóc noọng đây lai chắp khi và
Mí cần ngồi chỉnh vàỉ pây đai
Nghĩa là:
Hoa em đẹp cắm ở vũng trâu vầy
Không người săn, sóc héo hơn thay...

Qua những lần làm việc với các anh ở Tỉnh uỷ Lạng Sơn và các cán bộ ở các huyện, tôi càng hiểu thêm về phong trào cách mạng của tỉnh. Lạng Sơn nằm chung trong địa thế vùng căn cứ địa Việt Bắc nên rất giống các tỉnh Cao Bằng - Bắc Cạn - Thái Nguyên, sớm có phong trào cách mạng, tinh thần yêu nước của nhân dân rất cao. Ở đây sau ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám là nơi đụng đầu gay gắt quyết liệt giữa Mặt trận Việt Minh và bọn Quốc dân đảng, cả lũ Phục Quốc, Việt Cách của Nguyễn Hải Thần nữa. Trước đây, tôi vẫn tưởng chỉ có Nam Bộ là nơi khởi đầu tiếng súng chống xâm lược Pháp trở lại, sớm nhất sau ngày 2 tháng 9 năm 1945, ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Các anh ở Tỉnh uỷ Lạng Sơn, là những người kỳ cựu của phong trào cách mạng tỉnh nhà. Những người kế cận nhất của anh Hoàng Văn Thụ đã kể cho tôi biết: “Chính Lạng Sơn cũng là nơi phải chiến đấu chống chọi với thù trong giặc ngoài ngay từ sau ngày Độc lập 2 - 9 -1945.

Nhân dân Lạng Sơn mới hưởng niềm vui Độc lập được ít ngày thì quân Tưởng kéo sang, theo danh nghĩa Đồng minh giải giáp quân đội Nhật. Chúng sang kéo thêm cái đuôi là bọn Quốc dân đảng theo đóm ăn tàn, hòng dựng nên một chính phủ tay sai của Tàu Tưởng. Bọn Tàu Tưởng sang đến Lạng Sơn đòi thủ tiêu Mặt trận Việt Minh, lập chính quyền do Quốc dân đảng chấp chính. Được sự chỉ đạo sáng suốt, mềm dẻo của Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ lâm thời lúc bấy giờ, Tỉnh uỷ Lạng Sơn đã rút ra ngoại thành để giữ bí mật, chỉ đạo phong trào. Bọn Tàu Tưởng và lũ Quốc dân đảng chiếm cứ các công sở ở thị xã, rất hùng hổ nhắng nhít. Nhưng vòng ngoài thị xã vẫn do ta kiểm soát. Ngay trong thị xã, hầu hết mọi người không kể Kinh hay Tày, Nùng đều một lòng một dạ theo Chính phủ Cụ Hồ, ủng hộ Việt Minh, ủng hộ bộ đội, dân quân, tự vệ, bảo vệ chính quyền. Tỉnh uỷ đã chỉ đạo cuộc chiến đấu không khoan nhượng với bọn Quốc dân đảng. Với bọn Tàu Tưởng, nhân dân tìm trăm phương nghìn kế vừa mua bán đổi chác vừa tìm cách đánh chặn và cướp súng đạn của chúng. Súng đạn và các loại vũ khí ngày ấy là của quý đối với chính quyền và quân đội non trẻ chúng ta.

Rồi Hiệp ước mồng 6 tháng 3 năm 1946 như một nhát chổi quét sạch bọn Tàu Tưởng về bên kia biên giới, quét luôn đám rác ruởi Quốc dân đảng cùng lũ Phục Quốc, Việt Cách khỏi đất Lạng Sơn. Thị xã Lạng Sơn lại tưng bừng cờ đỏ sao vàng. Chính quyền và nhân dân cùng anh bộ đội Vệ quốc đoàn khăng khít hồ hởi xây dựng cuộc sống mới, cuộc sống của người dân sau 80 năm dài nô lệ nay đứng lên mưu cầu Độc lập, Tự do, Hạnh phúc cho quê hương xứ sở. Xứ Lạng hòa nhịp cùng cả nước vâng lời vị Cha già dân tộc hăng hái diệt giặc đói, giặc dốt, sẵn sàng đối phó với bọn xâm lược.

Thế rồi theo quy chế của Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946), bọn thực dân Pháp được đến đóng quân ở Lạng Sơn. Ngày kéo vào Lạng Sơn, chúng diễu võ dương oai phô trương xe tăng, thiết giáp, pháo binh diễu qua đường phố. Ngày ấy, anh bộ đội Vệ quốc quân và các chàng trai tự vệ của thị xã, chỉ toòng teng trên vai khẩu súng trường hoặc thanh đại đao, lưng đeo thây lẩy vài quả lựu đạn. Nhưng sức mạnh lớn lao của họ là toàn thể nhân dân Lạng Sơn không chỉ là ở phía sau, mà ở bên cạnh. Người chiến sĩ Vệ quốc quân thuộc Tiểu đoàn 374, Trung đoàn 11 (tiền thân của Trung đoàn 28) đứa con đầu lòng của xứ Lạng nom đơn sơ, áo vải, súng trường mà lại rất hùng dũng trong tư thế của người chiến sĩ một đất nước Độc lập, Tự do.

Nhưng rồi giặc Pháp đã phản bội hiệp ước, gây hấn, nổ súng ở Lạng Sơn vào tháng 11 năm 1946 cùng ngày với Hải Phòng. Cũng từ đây, cuộc chiến đấu chống thực đân Pháp của quân và dân xứ Lạng bắt đầu. Tiếng súng chống giặc Pháp xâm lược đã nổ trước ngày toàn quốc kháng chiến một tháng.
*
*  *

Chuyến thăm Lạng Sơn của tướng Các-păng-chi-ê (Carpentier), tư lệnh quân Pháp ở Đông Dương, với sự tháp tùng của các sĩ quan cao cấp trong đó có đại tá Công-xờ-tăng (Constans), tư lệnh Khu vực Biên giới Đông Bắc.
Thời gian: 18.9.1950.

(Nguồn ảnh ngoài hồi ký, xem thuộc tính của hình)
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Bảy, 2012, 12:03:21 pm gửi bởi tuaans » Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #15 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2012, 12:05:24 pm »

Ngày ấy, gọi là một trung đoàn nhưng chỉ có một tiểu đoàn tập trung: Tiểu đoàn 249 cùng với các đại đội trực thuộc như trinh sát, thông tin, trợ chiến. Còn lại là các đại đội độc lập ở các huyện.

Anh Hà Kế Tấn(1) quê ở Hà Tây, tính tình điềm đạm, nom anh có dáng của một người thợ từng trải. Anh nhiều tuổi hơn tôi, tham gia cách mạng từ 1936, hoạt động, lăn lộn, gây dựng phong trào, cơ sở miền Hà Tây và vùng nội thành Hà Nội. Khi anh được Quân khu I cử về làm chính uỷ trung đoàn, tôi đã được anh cáng đáng những việc chủ chốt trong đời sống của cán bộ, chiến sĩ. Nào công tác Đảng, quan hệ quân - dân, vấn đề hậu cần, những mối liên quan giữa quân đội với chính quyền, đoàn thể, Mặt trận Liên Việt v.v... nhờ đó mà tôi chỉ toòng teng cái ba lô cùng với cậu chiến sĩ bảo vệ Ma Văn Thành lao vào các trận đánh. Đánh xong trận này lại đi nghiên cứu thực địa, tìm cách đánh trận khác. Lúc thì tôi ở với Tiểu đoàn 249, lúc ở với đại đội trinh sát. Hàng tháng về hậu cứ của trung đoàn ở Bình Gia, vùng Bản Riềng, Kéo Coong để cùng anh Hà Kế Tấn bàn bạc, rút kinh nghiệm việc đã làm và vạch phương hướng, kế hoạch mới dựa vào chỉ thị, chủ trương của Quân khu.

Ngày ấy, địch đang ở thế mạnh. Bộ ra lệnh: “Bằng mọi giá quyết chặt đứt Đường số 4, yết hầu quan trọng nối liền Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái của địch”.

Để thực hiện ý đồ chiến lược đó, Quân khu đã tính tới khả năng địch, để đề ra một phương châm thích hợp, rất có hiệu quả, như đánh từ nhỏ đến lớn, từ dễ đến khó, tránh chỗ rắn đánh chỗ mềm. Với phương châm như vậy, chúng tôi đảm nhiệm những trận đánh tập trung như Bông Lau - Lũng Phầy, Bản Nằm, Bố Củng - Lũng Vài, Ngườn Kim, Chọc Ngà, Nà Pá v.v... Sau này là các trận công đồn từ nhỏ tới lớn. Còn các đại đội độc lập, du kích địa phương hoạt động nhiều vẻ hơn, đa dạng hơn; từ quấy rối, tiêu hao đến phục kích nhỏ và làm công tác địch vận kêu gọi anh em ngụy binh, giác ngộ họ, tạo nhân mối, tổ chức lấy đồn bằng nội công ngoại kích. Đồn nhỏ họ tự lấy, đồn lớn có chúng tôi tham gia.

-----------
(1) Anh Hà Kế Tấn lúc ấy là Khu uỷ viên Khu I, sau kháng chiến chống Pháp, có lúc làm Bộ truởng Bộ Thủy lợi.
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #16 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2012, 08:50:01 am »

Tôi nhớ hồi đó đồng chí Ngọc Trình, cán bộ trung đội, rất giỏi công tác địch vận. Trình vốn người Cao Bằng có tài bắt nhân mối rất khéo. Anh đã tổ chức được một số lính ngụy làm nhân mối, sẵn sàng nội ứng ở một số đồn như Chè Cáy, Na sầm, Lũng Vài. Hồi ấy tôi chuyên đi đôi giầy đinh cao cổ, anh em vẫn gọi là “Cộp săng đá”. Với đôi giầy bền, chắc đó tôi lội nước, đi rừng rất tiện, không ngại gì gai góc, đường trơn.
Một hôm nom thấy đôi giầy của tôi đã mòn vẹt, Ngọc Trình nghĩ ngay tới việc gặp nhân mối trong đồn Nam Sầm để kiếm đôi giầy mới. Anh sai tên lính ngụy nấu bếp tên là Đoòng:
- Này, ăn cắp trong kho cho mình một đôi “săng đá” cỡ 40.
Đoòng cười:
- Không được đâu. Ăn cắp thì không được nhưng lấy đôi cũ xin đổi đôi mới thì được vớ. Xếp Tây quy định thế mà.
Ngọc Trình gật đầu:
- Giầy há mõm thì có ngay thôi. Đêm nay ra hàng rào mình đưa cho.
Trở về, Ngọc Trình bảo ngay với tôi:
- Trung đoàn trưởng tụt giầy ra để tôi đem đổi lấy đôi mới.
Không hiểu gì cả, tôi bảo:
- Cậu đổi cho ai! Thôi, để chờ đánh một trận kiếm đôi khác. Mình đi đôi mới thì người khác lại phải đi đôi há mõm này. Không nên.
- Anh cứ tụt luôn ra. Tôi đổi ở trong kho “anh-tăng-đăng”1  đồn Na Sầm hẳn hoi. Nó quy định quân trang phải đổi cũ lấy mới, không phát không. Bố thằng Tây, nguyên tắc cứng nhắc, “oách xì xằng” ghê.
Anh toét miệng cười, còn tôi vui vẻ tụt giầy luôn, Hôm sau tôi có ngay đôi giầy mới toanh (do đồn Na Sầm cấp phát).
-------
1: Intendant: Hậu cần
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #17 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2012, 08:52:08 am »

Giặc Pháp nghĩ chúng đang có thế mạnh về binh lực, vũ khí cùng với một hệ thống đồn bốt của toàn quân khu biên thuỳ suốt cả vùng Cao - Bắc - Lạng đến Tiên Yên - Móng Cái. Chúng tưởng thừa sức uy hiếp Việt Bắc nhưng dần dà hóa ra chính chúng lại bị bao vây trong cái thế thiên la địa võng của chiến tranh nhân dân chúng ta. Thụ động, co rụt trong hàng rào đồn bốt, chúng buộc phải luôn luôn căng thẳng đầu óc đối phó với sự tiến công liên tục của ta, Với thế chủ động, chúng tôi hoàn toàn giữ quyền chọn thời gian, chọn địa điểm, chọn địa hình và chọn cách đánh thuận tiện nhất để giành phần thắng trên Đường số 4. Có thể nói Đường số 4 không bao giờ ngớt tiếng súng của quân và dân Cao - Bắc - Lạng. Bộ đội chủ lực nghỉ ngơi, chuẩn bị cho đánh lớn thì dân quân, du kích thay thế đánh địch liên tục trên Đường số 4. Nào phá đường, phá cầu, cắt dây điện thoại. Tiếng súng của du kích lúc nghi binh, lúc quấy rối, lúc tiêu hao bắn tỉa, bao bủa liên tục quanh các đồn bốt địch. Tiếp theo là những trận phục kích ngày một lớn của Trung đoàn 28 chúng tôi: Bông Lau lần thứ nhất rồi Bông Lau lần thứ hai. Rồi Bố Củng - Lũng Vài lần nữa, tiếp tới trận Bản Nằm lần thứ ba. Trận nào cũng thắng. Trận sau to hơn trận trước và thắng đậm hơn. Có khi ở ngay một địa điểm đã bị đánh đi đánh lại, mà kẻ địch không sao chế ngự, tránh thoát nổi. Từ Đông Khê ngược lên Cao Bằng suốt trục Đường số 4, địch cũng bị các lực lượng dân quân, du kích và chủ lực tỉnh Cao Bằng nện những đòn chí tử. Trung đoàn 74 của các anh Chu Huy Mân, Trung đoàn trưởng, Lê Quang Ấn, Chính trị viên liên tục nổ súng tiến công địch. Tiểu đoàn 73, tiền thân của Tiểu đoàn 251, lực lượng chủ yếu của trung đoàn do quyền Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu An chỉ huy, diệt Tài Hồ Sìn, tiếp đến phục kích chặng Nà Tốn diệt 7 xe trên Đường số 4. Phía Suối Hai, Đại đội 398 diệt 3 xe ở đoạn Khau Máng. Đại đội 670 tập kích Phục Hòa, Trà Linh. Cùng lúc Đại đội 660 hoạt động ở Quảng Uyên, phục kích đèo Cao Nàu, tập kích đồn Cốc Bố, đoạn Ngườn Bái của Đường số 4, Tiểu đoàn 73 diệt 12 xe. Sau đó đánh tiếp luôn trận lớn vừa phá huỷ vừa tiêu diệt 28 xe phía Bắc Đông Khê. Vào dịp gần Nôen, tiểu đoàn đánh thắng trận phục kích ở Lũng Mười, tiêu diệt 2 đại đội Lê dương, phá huỷ 27 xe. Một khi các trung đoàn chủ lực như 74 Cao Bằng, 28 Lạng Sơn thắng lớn, càng tạo thế cho các đại đội độc lập ở các huyện vững mạnh bao vây, đánh phá các đồn bốt, nới bung thế kìm kẹp của giặc. Hễ nơi nào gây được nhân mối là anh em trong đồn giục ta lấy đồn nhanh để họ mau trở về với bà con dân bản.

Đồn Chè Cáy nằm sát đường ở đoạn gần Na Sầm thuộc huyện Thoát Lãng, có một trung đội ngụy do tên Vít - cốt chỉ huy, có nhiệm vụ án ngữ phong tỏa vùng Na Sầm để bảo vệ đoạn Na Sầm đi Đồng Đăng trên Đường số 4.

Đại đội của Đinh Giang và Hùng Quốc nắm rất vững tình hình địch của một loạt đồn bốt trong huyện như Chè Cáy, Lũng Vài, Bố Củng, Kéo Thổ, Na Sầm. Nhân mối trong các đồn thường xuyên báo cáo cho Ngọc Trình những thay đổi, biến động cả về nhân lực và hỏa lực cũng như cung cách bố trí của địch. Riêng ở Chè Cấy, hai phần ba quân số ngụy đã thuộc về ta. Một hôm, lính Sảy nhân mối tin cậy nhất trong đồn Chè Cáy báo ra: Quan đồn Vít - cốt phải đổi về Lạng Sơn, quan mới về thay nó. Đồn sẽ tổ chức tiễn quan cũ đón quan mới vào ngày 12 tháng 9.

Thời cơ tốt đa đến. Đánh vào lúc địch liên hoan chè chén say sưa, hẳn chắc thắng hơn. Đồn Chè Cáy ở trên đỉnh một ngọn đồi, xung quanh cây cỏ rậm rạp. Ngay tối hôm trước, ta bố trí một trung đội ém phục ở lưng chừng đồi. Đây là một hành động rất cảm tử, táo bạo. Chỉ cần một nhân mối phản bội hay một tên ngụy ác ôn bất ngờ phát hiện, ta sẽ bị tiêu diệt. Ngọc Trình rất tin vào nhân mối. Anh trực tiếp chỉ huy trung đội đó. Đã ước hẹn trước, đúng lúc tại phòng ăn, hai quan Tây nâng cốc chúc tụng theo lễ nghi “tống cựu nghênh tân”, người lính gác cổng mở cổng cho trung đội của Ngọc Trình ập vào. Những nhân mối khác giữ lô cốt đóng chặt cửa vào lô cốt. Mọi việc diễn ra rất nhanh. Cả hai tên đồn trưởng bị bắn chết tại chỗ cùng với mấy tên cai, đội ngoan cố, số ngụy còn lại quy hàng. Bộ đội và nhân dân bắt tay nhau. Sảy đại diện anh em ngụy binh giác ngộ nói:

- Hôm nay, Tây đồn bảo mổ thịt hai con lợn để làm tiệc, chúng tôi đã có ý để nguyên nửa con ở trong bếp dành cho bộ đội. Bây giờ ta liên hoan thôi. Đại đội trưởng Đinh Giang vội can:

- Không nên liên hoan trong đồn. Địch đến tiếp cứu thì hỏng hết. Được mà hóa thua đấy.

Anh ra lệnh thu vũ khí và vác cả nửa con lợn rút nhanh. Về đến hậu cứ, làng Pắc Lạng, quê anh Hoàng Văn Thụ, bà con dân bản tặng thêm con lợn nữa, quân và dân liên hoan chiến thắng bằng một bữa tiệc vui. Nhiều người say rượu ngã quay ngay tại chỗ. Uống rượu mà say mới tốt, mới thật lòng với nhau mà. Phong tục ở đây là như vậy.
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #18 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2012, 08:58:10 am »

Gần một tháng sau, chứng tôi lấy luôn đồn Lũng Vài cũng theo lối nội công ngoại kích như vậy. Đồn này có cai cẩm ngoặc trước với Việt Cường, nhưng khi vào sát đồn ta vô ý giẫm phải cái thùng làm chó béc-giê ở trên nhà tên đồn trưởng Tây sủa ầm ĩ. Cai cẩm liền bảo anh em ta rút, rồi làm như dẫn tiểu đội đi tuần tiễu cho khỏi lộ; hôm sau tổ chức lại và diệt gọn đồn. Bọn Pháp nghi ngờ nên thuyên chuyển ngụy binh lung tung, đồn nọ sang đồn kia, xé lẻ từng tiểu đội và tăng cường thêm bọn Âu Phi. Nhưng dần dà, các mắt xích nhân mối chẳng những được nối lại mà còn phát triển rộng, loang dần ra. Bởi vì đại đa số anh em thanh niên trong vùng giặc chiếm chỉ vì bị cưỡng bức, thúc bách mà phải vào lính ngụy. Trong thâm tâm, họ vẫn hướng về Cách mạng, về Chính phủ cụ Hồ, chỉ mong chờ có dịp là trở về với Tổ quốc. Vì vậy mà công tác địch vận vẫn phát triển mạnh, nhiều kết quả. Chẳng những ngụy binh mà cả bọn chính quyền ngụy như trưởng bản, lý trưởng cũng biến thành tề hai mang, vừa làm cho địch vừa phục tùng sự điều khiển của ta.

Trận Đồng Nọi đã diễn biến theo một dạng khá lý thú. Đây là một đồn án ngữ trên đoạn đường Lạng Sơn đi Bản Sầm. Địch cho xây dựng lô cốt và bắt dân phu nộp tre củng cố hàng rào, công sự cho vững chắc. Hàng ngày có 3 tên Pháp gồm 1 thiếu uý và 2 cai đội trực tiếp đôn đốc dân phu làm lụng. Dân phu một phần là thanh niên vùng xuôi chúng bắt qua các vụ càn quét dưới đồng bằng và gán cho cái tên PMT1 đưa lên Lạng Sơn bắt xây đồn bốt hoặc mang, vác đạn dược, khi chúng hành binh. Một phần nữa chúng bắt bọn tề ngụy từng địa phương cắt phiên thay nhau lên đồn lao công.

Lợi dụng tình hình này, ta bàn với lý trưởng ngụy là Lý Khăng vốn là tề hai mang, dùng bộ đội giả dạng dân phu tuồn vào đồn. Sau vài ngày nắm được hết tình hình, bộ đội ta trong vai dân phu, nhân lúc ba tên Pháp túm tụm lại hút thuốc trò chuyện, liền nổ súng giết luôn ba tên Pháp. Lính ngụy như rắn không đầu xin hàng. Mọi người phá nát đồn Đồng Nọi kéo nhau hả hê ra về. Riêng hơn chục người PMT xin được gặp chỉ huy, anh em dẫn họ đến gặp tôi. Tôi nghĩ số anh em này bị bắt đã lâu, đưa đi hết đồn này đến bốt khác, chắc họ biết được tình hình địch ở nhiều nơi. Sau khi cho anh em ăn uống no nê, tôi hỏi:

- Bây giờ các anh muốn về quê quán hay sinh sống ở vùng tự do!

Họ đều nói rõ nguyện vọng:

- Chúng em bị Tây nó càn quét rồi vu cho là du kích, bộ đội. Nó coi như tù binh, hành hạ khổ lắm. Quê chúng em giặc chiếm bây giờ mà về thì cũng đến lại đi lính, đi phu cho giặc thôi.

Có người mạnh dạn đề nghị:

- Nếu chỉ huy tin chúng em cho chúng em đi theo bộ đội. Chúng em mang vác, nấu nướng cho anh em đánh giặc.

Tôi cười:

- Vệ quốc đoàn là bộ đội của nhân dân. Không bắt dân làm phu cho bộ đội đâu.

Sau đó tôi trao đổi ý kiến với anh Hà Kế Tấn. Anh với tôi nhất trí sử dụng anh em. Ai tình nguyện tham gia bộ đội, chúng tôi thu nhận luôn. Mấy anh nhiều tuổi làm cấp dưỡng, còn anh em trẻ phiên chế vào các tiểu đội. Nói chung anh em là dân vùng Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh, nhanh nhẹn, tháo vát, rất am hiểu cung cách hành quân, đóng đồn của địch. Một số trở thành lính trinh sát của trung đoàn rất gan dạ mưu trí như chiến sĩ Lung, Vĩnh, Xuyên, Tuấn, Hoài Đức, Ngọc... Họ bám địch và lẩn quất ở vùng hậu địch rất giỏi.

Qua việc này tôi cứ suy nghĩ mãi: Dân ta ai cũng có lòng yêu nước, ai cũng ngưỡng mộ Bác Hồ, mong mỏi cuộc kháng chiến thành công. Sau 80 năm dài nô lệ bị bọn thực dân Pháp áp bức bóc lột thậm tệ, ai ai cũng thèm khát độc lập, tự do. Vì vậy, ai ai cũng kiên quyết kháng chiến để giữ vững độc lập, tự do.
-------------
PMT: Prisonnier militaire du Tonkin (tù binh Bắc Kỳ).
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #19 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2012, 09:07:49 am »

*
* *

Anh Hà Kế Tấn hồi đó như con dao pha của Khu uỷ Khu I. Hễ nơi nào yếu, anh được cử đến củng cố. Anh vừa là Khu uỷ viên, vừa là Thường vụ Quân khu uỷ. Tháng 4 năm 1948, anh được cử làm Chính trị viên Trung đoàn Bắc Bắc do anh Đỗ Tấn làm Trung đoàn trưởng. Sang tháng 6, thấy Trung đoàn 28 cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, trên lại điều anh về với chúng tôi. Vừa là chính uỷ trung đoàn, anh vừa là Tỉnh uỷ viên tỉnh Lạng Sơn nên giải quyết nhiều vụ việc dễ dàng trong mọi vấn đề liên quan giữa quân đội và chính quyền, Đảng bộ tỉnh.

Ngày ấy anh nắm rất chắc tình hình, màng lưới công tác địch vận, binh vận trong tỉnh. Một người có tác phong làm việc sâu sát, tự anh hiểu biết được cụ thể tình hình, mới quyết định hành động.

Cùng với nhiệm vụ “Chặt đứt Đường số 4” ta còn chủ trương đánh sâu vào lòng địch, tạo nên khu đu kích lõm, giành dân, giành đất, ép địch thu hẹp dần phạm vi chiếm đóng lại. Đồn Ba Sơn ở vùng Cao Lâu - Xuất Lễ nằm sâu trong lòng địch. Cán bộ địch hậu và cơ sở của ta hoạt động rất khó khăn nguy hiểm. Một phía ở sát biên giới, bị bọn Tàu Tưởng khống chế, thổ phỉ cướp bóc. Phía dưới nằm trong thế kìm kẹp của giặc Pháp.

Vào lúc tôi đi chuẩn bị chiến trường để đánh trận Bông Lau - Lũng Phầy lần thứ 2, có Đại đội trưởng đại đội độc lập huyện Ôn Châu là Mai Chí Long lên gặp anh Tấn đề nghị cho đánh Ba Sơn:

- Trong đồn này ta có mấy lính dõng làm nhân mối rồi. Anh Phan Mạnh Cự cũng đồng ý cho đánh (Phan Mạnh Cự là Phó Bí thư Tỉnh uỷ Lạng Sơn hồi bấy giờ được giao nhiệm vụ đặc trách khu Ba Sơn). Vậy anh cho ý kiến.

Anh Tấn hỏi:

- Đánh được đã đành. Nhưng có giữ được không? Giữ được rồi phát triển thành căn cứ lõm sâu trong lòng địch mới tốt. Đánh xong rút lui chỉ khổ dân, vỡ hết cơ sở.

Đại đội trưởng Mai Chí Long trình bày tỉ mỉ tình huống, nhân mối, cơ sở và bảo đảm:

- Báo cáo với anh. Chúng tôi giữ được. Địch không có điều kiện lấy lại được nữa đâu.

Anh Hà Kế Tấn suy nghĩ rồi bảo:

- Thế thì để mình về với cậu ở dưới đó và gặp anh Cự bàn cụ thể đã. Rồi ta đánh!

Anh đi bám cơ sở và quả nhiên đêm 4 tháng 3 năm 1949, ta diệt Ba Sơn giải phóng cả vùng Cao Lâu - Xuất Lễ. Mười ngày sau, trung đoàn chúng tôi diệt 3 bốt Đèo Khách, Bản Trại, Bản Phiệt, khiến địch vội rút luôn Pò Ma, Bình Nghi, Bản Pản, Pò Theo sát vùng biên giới thuộc huyện Tràng Định. Tiếp luôn, ngày 25 tháng 4, Trung đoàn chúng tôi diệt 53 xe ở Bông Lau - Lũng Phầy, tiêu diệt luôn đồn Lũng Phầy trên đồi cao. Địch hoảng sợ, liền rút Phương Mân và Nà Mần phía Đông Bắc Tràng Định.

Sau đợt thắng lợi liên tiếp, anh Tấn bảo tôi:

- Đợi này bọn mình làm ăn được. Trung đoàn đang có khí thế. Ta làm tới đi.

Ngắm vẻ người hơi thấp nhưng chắc nịch của anh, tôi thầm nghĩ: Chiến đấu bên cạnh một ông anh có quá trình cách mạng đày dạn, hăng hái thế này thật là yên tâm.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM