Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:29:53 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường số 4 rực lửa - Đặng Văn Việt  (Đọc 41621 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2012, 11:09:00 am »

Cao Bắc Lạng;

Về chiến dịch đã từng là địa bàn trọng điểm của Chiến khu Việt bắc là căn cứ địa chính của chiến trường Bắc Bộ là chiến trường chính trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trên mặt trận Cao Bắc Lạng, đặc biệt là trên con đường số 4 - “con đường lửa” — quân và dân ta đã chiến đấu với một tinh thần anh dũng và sáng tạo tuyệt vời, lập nên chiến công xuất sắc. Ở đây, cũng đã diễn ra chiến dịch đại thắng quy mô lần đầu tiên của quân đội ta, Chiến dịch giải phóng Biên giới.

Trung đoàn 174 vốn là trung đoàn chủ lực của Cao Bắc Lạng với các đơn vị tiền thân và các đơn vị bạn đã cùng với đồng bào các dân tộc góp phần xứng đáng vào thắng lợi lớn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ.

Cuốn "Hồi ký Dọc đường số 4 miền Cao Lạng” của đồng chí Đặng Văn Việt đã trung thành ghi lại một phần những sự kiện quan trọng và những giờ phút không bao giờ quên trên chiến trường lịch sử.

Với ý nghĩa ấy, cuốn Hồi ký là một thành công. Tôi rất hoan nghênh.

Ngày 19 tháng 8 năm 1987
Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP


(Đặng Văn Việt và Võ Nguyên Giáp - Ảnh ngoài hồi ký, nguồn xem thuộc tính của hình
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Bảy, 2012, 05:40:08 pm gửi bởi tuaans » Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #1 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2012, 11:20:24 am »

LỜI TỰA

Đường số 4 là nơi đã diễn ra nhiều chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Những chiến công đó đã được hình thành và phát triển theo sự lớn mạnh từng bước của các lực lượng vũ trang ta. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến (1945-1946), bộ đội Đường số 4 cũng như quân đội cả nước còn non trẻ, ít được huấn luyện, trang bị thô sơ đã tích cực chặn đánh đạo quân nhà nghề của thực dân Pháp được trang bị hiện đại, đã từng cùng quân Đồng minh chiến thắng phát xít Đức, giải phóng nước Pháp nay chuyển sang xâm lược và nô dịch các thuộc địa cũ.

Đến Thu Đông 1947, địch mở cuộc tiến công lên Việt Bắc vói âm mưa thâm độc, đầy tham vọng: Dập tắt cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, kết thúc cuộc chiến trong vòng ba tháng.

Làm theo lời kêu gọi của Bác, được nhân dân cả nước phối hợp, quân và dân vùng căn cứ địa thần thánh đã nhất tề đứng dậy, kiên quyết kháng chiến thắng lợi bằng mọi khả năng, mọi phương tiện, đánh trả liên tiếp các mũi tiến công của giặc. Trận Bông Lau nổi tiếng (30-10-1947) trên Đường số 4 đã gây nhiều tổn thất cho cánh quân chủ yếu của địch do Bô-phrê chỉ huy. Mặt trận Đường số 4 cùng các mặt trận sông Lô và Đường số 3, đã làm thất bại âm mưu chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của Bộ thống soái thực dân, buộc chúng phải chuyển sang thi hành chiến lược: “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt".

Cuộc tấn công Thu Đông 1947 của thực dân Pháp thất bại nhục nhã, nhưng chúng vẫn không từ bỏ ý đồ nham hiểm. Chúng chiếm Đường số 4, đóng hàng trăm đồn bốt, bủa vây vùng biên giới Việt - Trung, chiếm Bắc Cạn, giữ Đường số 3, cắm mũi đao sâu vào giữa căn cứ địa Việt Bắc. Để đánh bại âm mưu của địch trong giai đoạn mới, Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy chủ trương thực hiện phương châm: “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung" để đẩy manh chiến tranh du kích và mở chiến dịch lớn dần từng bước.

Cuộc chiến đấu một mất một còn, giành giật từng tấc đất diễn ra vô cùng ác liệt. Đường số 4 là con đường huyết mạch. Thực dân Pháp buộc phải dùng con đường này để vận chuyển và tiếp tế. Mặt trận Đường số 4 được hình thành. Đây là một trong những nơi đầu tiên áp dụng chủ trương chiến lược mới của Bộ Tổng tham mưu. Trung đoàn được bố trí thành đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung. Nhờ vậy, chiến tranh du kích được phát động và phát triển, gây cho địch nhiều thất bại, tạo điều kiện cho chủ lực đánh lớn.

Quân và dân Đường số 4 vận dụng một cách sáng tạo đường lối quân sự của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đánh nhỏ đến đánh lớn, từ dễ đến khó, tiến hành chiến tranh nhân dân rộng rãi, thực hiện mỗi người dân là một người lính, lấy vũ khí địch diệt địch, bám lấy địch mà đánh, từng bước giành chủ động, chuyển thế và lực giữa ta và địch, đánh đến đâu tổng kết, rút kinh nghiệm đến đó. Nhờ vậy mà trong khoảnh khắc thời gian ba năm (1947-1950), quân và đân Đường số 4 đã làm xoay chuyển gần như đảo ngược tình thế. Hình thức tác chiến phổ biến của chủ lực lúc đầu là phục kích. Trong những năm 1948-1950, đã diễn ra một cuộc đấu trí, đấu lực quyết liệt về chống phục kích và phục kích. Địch tìm trăm phương nghìn kế để đề phòng ta phục kích. Nhưng vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn, ta vẫn phục kích nhiều lần, phúc kích ngày càng lớn, trên quãng đường ngày càng dài, trận sau thắng đậm hơn trận trước. Báo chí, đài phát thanh địch đã phải gọi Đường số 4 là “Con đường chết chóc”. Kinh nghiệm của các trận phục kích nói trên không những rất có giá trị hồi đánh Pháp, đánh Mỹ, mà vẫn rất có giá trị sau này đối với quân đội ta.

Trên Đường số 4, còn diễn ra những trận đánh công sự vững chắc và đánh vận động lớn đầu tiên. Quân ta đã tiêu diệt gọn cụm cứ điểm Đông Khê lần thứ nhất. Trận Đông Khê lần thứ hai và trận khới ngòi thành công để thực hiện cách đánh "công điểm, diệt viện” tiêu diệt hai binh đoàn Lơ-pa-giơ và Sac-tông trong Chiến dịch Biên giới lừng lẫy, một chiến dịch giành thắng lợi giòn giã, mở toang cửa ngõ biên giới, mở đầu cho một giai đoạn chiến lược mới, đánh tập trung tiêu diệt lớn, giải phóng nhiều vùng đất đai, trong kháng chiến chống Pháp, cũng như trong lịch sử quân đội ta.

Đồng chí Đặng Văn Việt, tác giả cuốn sách này, vốn là một cán bộ nghiên cứu của Bộ Tổng tham mưu hồi 1947. Sau khi được phái xuống đơn vị, đồng chí là Trung đoàn trưỏng Trung đoàn 28 (Lạng Sơn), sau này là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, chủ lực của ba tỉnh Cao-Bắc-Lạng. Đồng chí đã có mặt từ những ngày đầu cho đến những chiến thắng cuối cùng trên trục Đường số 4, đã chỉ huy và đánh thắng nhiều trận phục kích và công đồn nói trên. Bè bạn và cả kẻ địch thường mệnh danh đồng chí là “Đệ tứ quốc lộ đại vương”.

Trung đoàn do đồng chí chỉ huy đã hoàn thành trọn vẹn và xuất sắc nhiệm vụ của mình, đã thực hiện đúng lời dạy của Bác: "Đi dân nhớ, ở dân thương”, "Đã đánh là thắng".

Cuốn sách này, bằng lời văn giản dị, mộc mạc của người lính đã miêu tả được những trang sử hào hùng của Đường số 4 năm xưa, tinh thần chiến đấu anh dũng tuyệt vời của các lực lượng vũ trang, sự đóng góp tận tình, tận nghĩa của đồng bào Cao-Bắc-Lạng, mối tình cá nước thắm thiết quân với dân, sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng bộ các cấp, sự chỉ huy tài tình của Bộ Tổng tư lệnh và các đơn vị. Một số sự kiện, tên người và địa đanh, đã từng được ghi vào sử sách cũng đã nêu được một số nét đặc sắc của nền Nghệ thuật Quân sự Việt Nam.

Tôi thành thực hoan nghênh tác giả và cho rằng đây là một cuốn sách quý, không riêng đối với quân và dân Cao-Bắc-Lạng mà cả đối với quân và dân cả nước.

Ngày 28 tháng 6 năm 1986
Đại tướng HOÀNG VĂN THÁI

Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #2 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2012, 11:24:14 am »

CÙNG BẠN ĐỌC

Trong những năm dài chống Pháp, trên các mặt trận, quân và dân ta đã lập nên nhiều chiến công hiển hách.

Mặt trận Cao - Bắc - Lạng, đặc biệt là trên Đường số 4, đã chiến đấu với một tinh thần anh dũng và sáng tạo tuyệt vời, lập nên chiến công xuất sắc.

Nhiều đồng chí và bè bạn đến nói với tôi: “Anh là người gắn bó với Đường số 4, có nhiều kỷ niệm sâu sắc với con đường ấy, nên cố gắng viết lại những hồi ức về sự kiện và con người của Con đường lửa này”.

Công việc viết hồi ký đối với tôi quả thực là khó khăn. Nhưng vì những người đã khuất và những người còn sống, tôi đã cố gắng thu thập tư liệu, suy ngẫm lại và đà viết tập sách nhỏ mang tôn: Đuờng số 4 - con đường lửa".

Trong quá trìhh viết, tôi may mắn được sự giúp đỡ nhiệt tình của Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tạp chí Lịch sử quân sự, Viện Bảo tàng quân sự Việt Nam, các Tỉnh ủy và ủy ban nhân dân tỉnh: Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, các cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 174, những bè bạn thân quen, và sự cộng tác của nhà văn Hải Hồ... Tôi xin chân thành cám ơn sự giúp đỡ và cổ vũ tận tình của các cơ quan và các đồng chí.

Đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày Chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông 1947 (10/1947 - 10/1987), cuốn sách “Đường số 4 - con đường lửa" đã hoàn thành và ra mắt bạn đọc. Đó là món quà tri ân mà tôi xin kính tặng các đồng chí của mình - những người còn sống và những người đã hy sinh vì Độc lập, Tự đo của Tổ quốc.

Từ khi ra đời (1987) đến nay, Đường số 4 - con đường lửa đã được đông đảo độc giả trong và ngoài nước đón nhận nồng nhiệt và có nhiều ý kiến sâu sắc gửi về đóng góp cho cuốn sách được hoàn thiện hơn. Tôi vô cùng biết ơn tình cảm quý báu và những nhận xét, phê bình, đánh giá chí tình đó của bạn đọc gần xa.

Sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng (Anh, Pháp, Tây Ban Nha), được tái bản nhiều lần, mang tên mới “Đường số 4 rực lửa", số lượng in ra tới chục vạn cuốn.

Vào những năm cuối của Thập niên thứ nhất của Thiên niên kỷ này (1008 - 2009), những hồi âm vang vọng từ mọi miền của đất nước, từ năm châu - bốn biển lại dồn dập đến với tác giả. Đó là những tình cảm của độc giả, những đóng góp tiếp tục cho “Đường số 4 rực lửa ”.

Để đáp lại sự hưởng ứng và nhu cầu của đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước nói trên, tác giả xin phép được tái bản cuốn sách.

Tái bản lần này, sách được sửa chữa và bổ sung một số chi tiết mới nhận được từ các tướng lĩnh, các nhà nghiên cứu lịch sử, các chính khách, các nhà bình luận quân sự, các nhân chứng hiện còn sống từ các bên tham chiến. Đặc biệt, phần Phụ lục của sách có sử dụng một số tài liệu gốc bằng tiếng Pháp và đã được dịch ra tiếng Việt để bạn đọc rộng đường tham khảo và tra cứu... Do đó, "Đường số 4 rực lửa" được tái hiện sinh động và trung thực hơn.

Nhân đây, tác giả xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với tất cả những ai đã quan tâm đến “Đường số 4 rực lửa".


TÁC GIẢ


Đặng Văn Việt với quân hàm duy nhất (trung tá)
Ảnh ngoài hồi ký, nguồn xem thuộc tính của hình
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Bảy, 2012, 05:43:27 pm gửi bởi tuaans » Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #3 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2012, 04:06:34 pm »

CHƯƠNG THỨ NHẤT

CUỘC CHIẾN ĐẤU QUYẾT LIỆT TRÊN ĐƯỜNG SỐ 4

NHỮNG NGÀY MỞ ĐẦU

Ngày mồng 7 tháng 10 năm 1947, giặc Pháp bắt đầu mở cuộc tiến công lớn ỉên vùng căn cứ Việt Bắc. Để đạt phần thắng, tướng Xa-lãng được cử sang thay tướng Đép-bơ làm tư lệnh quân viễn chinh Pháp toàn Bắc Bộ. Nhờ có thêm mấy ngàn viện binh từ Pháp mới sang, y huy động cả thảy 12.000 quân vào cuộc tiến công này. Cuộc hành binh được mệnh danh “Kế hoạch Lê-a” nhằm 3 mục đích:

-   Tiêu diệt đầu não chỉ huy, bắt gọn Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh.

-   Tiêu diệt lực lượng chủ lực đối phương.

-   Đánh phá các kho tàng, cơ sở kinh tế, quốc phòng, làm tê liệt tiềm lực chiến tranh của đối phương.

Nếu kế hoạch Lê-a thắng lợi địch coi như đã loại trừ về cơ bản công cuộc kháng chiến của Việt Minh. Còn lại có chăng chỉ mang tính chất kháng cự nhỏ, phá rối của các nhóm du kích ở từng địa phương riêng lẻ. Nó sẽ tan dần sau các cuộc hành binh càn quét.

Để thực hiện cái kế hoạch đầy kiêu ngạo, hợm hĩnh, sặc mùi chủ quan của kẻ chuyên ỷ vào sức mạnh, ít chịu tính tới khả năng giáng trả của đối phương, tướng Xa-lăng tung hai gọng kìm lớn, đồng thời sử dụng quân dù như một mũi thứ ba hòng khép chặt vùng Việt Bắc.

Gọng kìm phía Tây do tên đại tá Com-muy-nan chỉ huy một binh đoàn hỗn hợp theo đường thủy, ngược sông Lô tiến chiếm Tuyên Giang, Chiêm Hóa. Còn tên đại tá Bô-phrê chỉ huy một binh đoàn bộ binh thuộc địa, từ phía Lạng Sơn ngược theo Đường số 4 đánh lên Thất Khê, Cao Bằng rồi vòng xuống Bắc Cạn khúyp chặt hướng Đông và phía Bắc. Chúng dự tính hai gọng kìm sẽ hợp điểm ở Đại Thi, Tuyên Quang.

Cùng lúc, từ trên trời, binh đoàn đổ bộ hàng không của tên đại tá Xô-va-nhắc nhảy dù ở vùng Bắc Cạn, ụp xuống Chợ Đồn, Chợ Mới. Một khi vòng vây đã khép chặt, một số tiểu đoàn dự bị chiến dịch sẽ được thả tiếp xuống bất cứ địa điểm nào thuộc vùng chiến khu Việt Bắc nếu phát hiện ra cơ quan đầu não chỉ huy hoặc lực lượng chủ lực của tướng Giáp.

Hồi ấy tôi đang công tác ở Phòng tác chiến, tiền thân của Cục tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu ngày nay. Tôi phụ trách Ban nghiên cứu. Cơ quan chúng tôi đóng tại vùng Yên Thông, ở xen kẽ trong nhà đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Nơi đây thuộc vùng chiến khu Việt Bắc. Đồng bào đã theo cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa tháng Tám, nên càng hết lòng, hết sức gắn bó với công cuộc kháng chiến, cứu nước. Tính tình chất phác, nói ít làm nhiều, hầu như từ mế già tới em nhỏ đều rất có ý thức bảo vệ cách mạng, có tinh thần cảnh giác giữ bí mật rất cao. Một người xa lạ dù đến sát bản làng cũng không thể hỏi ra nơi chúng tôi ở nếu không có liên lạc đưa đường hoặc giấy tờ đầy đủ. Người đó chỉ như chim chích lạc rừng, vì bà con triệt để thực hiện khẩu hiệu: “Không nghe, không biết, không thấy”, cứ “Bò mi, bò chắc” và lắc đầu hoài...

Sớm tinh mơ ngày 7 tháng 10 vừa nghe tiếng kẻng, chúng tôi đều bật dậy, chạy ra sân tập thể dục như thường lệ. Bấy giờ đã cuối thu, núi rừng Việt Bắc còn giăng mù sương sớm, phảng phất làn gió lạnh chớm đông. Bỗng nhiên kẻng báo động dồn dập, đồng thời cả vùng trời Yên Thông rền vang tiếng máy bay địch. Lúc đầu chúng tôi tưởng chỉ là một vài chiếc khu trục xpít-phai (cổ rụt) lùng sục dọc ngoài tuyến Đường số 3 như mọi lần thường đã xảy ra. Nhưng tiếng động cơ vang dội mạnh mẽ hơn, số lượng máy bay nhiều hơn. Ngồi dưới hầm và hào giao thông, chúng tôi đều chung một ý nghĩ: “Bọn Pháp bắt đầu giở trò đây”.
(Bố trí binh lực của Pháp ở Cao-Lạng trong năm 1947 -1950. Chụp lại trong cuốn RC4 - La Tragédie Cao Bằng (Đường thuộc địa số 4 - Tấm thảm kịch Cao Bằng) của P.Sác - tông - Nxb Albattros 1975.
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #4 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2012, 04:13:26 pm »

Từ lâu, toàn cơ quan Bộ Tổng tham mưu đã được phổ biến tình hình chung. Trung ương Đảng từng nhận định: Một khi giặc Pháp chiếm được Hà Nội và một số tỉnh thành vùng đồng bằng, lập ra được chính phủ bù nhìn tay sai, chúng sẽ tính chuyện giải quyết nhanh cuộc chiến tranh xâm lược. Nhất định chúng sẽ tập trung binh lực lớn, với âm mưu đánh chớp nhoáng, ồ ạt, tiến công chiếm khu Việt Bắc hòng tiêu diệt cơ quan đầu não và chủ lực của ta. Chúng cũng có thể tiến công mở rộng địa bàn chiếm đóng vào đất Thanh, Nghệ, vùng tự do khu Tư nữa. Nhận định xác đáng trên được quán triệt đến toàn thể quân và dân ta nên chiến khu Việt Bắc đã sẵn sàng đối phó. Khắp mọi nơi đều thực hiện tiêu thổ kháng chiến, vườn không, nhà trống. Các phố phường, thị xã thị trấn đều phá hủy, chỉ trơ gạch ngói hoang tàn. Đường sá đào xẻ, cầu cống đánh sập, ngăn chặn bước tiến của cơ giới giặc. Các vùng tráng địa đều cắm cọc tre, chống quân nhảy dù. Do đó, bấy giờ cuộc tiến công lên Việt Bắc của giặc xảy ra không hoàn toàn bất ngờ với ta. Có chăng, cánh cán bộ nghiên cứu tham mưu chúng tôi chỉ không nắm được cụ thể ngày N giờ G và một số điểm chúng sẽ nhảy dù, cung cách sử dụng binh lực của địch mà thôi.

Chỉ sáu hôm sau (12-10) cuộc tiến công này, toàn bộ bản kế hoạch mang mật danh Lê-a và Clô-clô của giặc đã bị phơi bày với mọi chi tiết ngày giờ, cũng như đường đi nước buớc cụ thể. Số là chiếc máy bay chở tên đại tá Lăm-be, Tham mưu trưởng quân đội viễn chinh Pháp trên chiến trường Bắc Bộ, bị cao xạ của Trung đoàn 74 Cao Bằng bắn rơi. Lập tức, chiếc cặp đựng toàn bộ bản “Kế hoạch Lê-a” được hỏa tốc mang về Bộ Tổng tư lệnh ngay. Liên lạc viên Nguyễn Danh Lộc đã chạy liên tục 4 ngày 3 đêm từ Cao Bằng về Yên Thông (9-10 - 12-10). Tài liệu đó cùng với sự tổng hợp tình hình từ nhiều nguồn của Ban 2, đã giúp trên điều hành cuộc chiến hiệu nghiệm “quyết phá tan cuộc tiến công của giặc Pháp”.

Đây cũng là những ngày dồn dập sôi động của Bộ Tổng tham mưu nói chung, của Ban nghiên cứu, Phòng tác chiến chúng tôi nói riêng. Việc đầu tiên là cả cơ quan được lệnh chuyển quân gấp. Thay vào chiếc cặp da thường dùng, giờ mỗi người được phát một cái thùng sắt tây để đựng tài liệu, vừa không sợ mưa, vừa không lo cháy. Nom thật ngồ ngộ, vui vui. Anh nào anh nấy đeo kè kè bên người, như những anh bán lạc rang. Dọc đường hành quân có cậu cao hứng đã rao đùa:

- Ai phá xa nóng ròn đê!
- Lạc rang húng líu nào!

Ngày ấy, chúng tôi độ tuổi 20, hầu hết là học sinh, sinh viên, nhập cuộc trường kỳ kháng chiến với tất cả nhiệt tình và tâm hồn tươi trẻ. Cả phòng tác chiến chỉ có một đồng chí Ba Đang người Nam Bộ là ngoài 30 tuổi nên anh đạo mạo chững chạc hơn cả. Cơ quan tác chiến chúng tôi vừa hành quân vừa vẫn phải theo dõi tình hình và nghiên cứu đề xuất ý kiến kịp thời lên Bộ Tổng tham mưu. Vì vậy, vừa đến địa điểm mới, chúng tôi bắt tay vào việc ngay. Lúc này các mũi tiến quân của địch đã rõ rệt. Thi hành Nhật lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, bộ đội và dân quân các địa phương chặn đánh địch khắp nơi. Gọng kìm nào của chúng cũng bị chia cắt.
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #5 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2012, 04:18:24 pm »

Tối 25 tháng 10, anh Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng triệu tập các cán bộ từ trưởng ban trở lên tập trung tại một hang đá ven rừng Vũ Nhai. Giữa hang kè một chiếc bàn nhỏ, trên để chiếc đèn con, anh Thái tóm tắt tình hình diễn biến chiến sự mấy ngày qua, sau đó anh Văn(1) bắt đầu nói chuyện. Bằng giọng miền Trung đầm ấm đầy sức thuyết phục, anh Văn nêu rõ quyết tâm của Bộ thực hiện tốt chỉ thị của Trung ương và Bác Hồ: “Quyết phá tan cuộc tiến công của giặc Pháp”.

Anh mỉm cười nói vui:

-   Ba mục đích của giặc trong kế hoạch Lê-a thì rõ ràng có thể kết luận ngay về mục đích thứ nhất. Mục đích này là toan tính tiêu diệt bộ máy đầu não chỉ huy, bắt gọn Chính phủ ta. Vậy hiển nhiên bị thất bại rồi, thất bại hoàn toàn, còn mục đích thứ hai đang bị đảo ngược. Không phải chúng tiêu diệt được lực lượng chủ lực của ta, mà chính chúng đang bị ta kìm chân, căng mỏng giữa núi rừng. Chúng đang hứng đòn phục kích, tập kích, bị đánh trả ở mọi nơi, mọi lúc. Có chăng ở mục đích thứ ba, chúng chỉ phá phách được một vài kho lán ta chưa kịp phân tán mà thôi.

Sau đó anh chỉ thị:
-   Mọi người trong Bộ Tổng tham mưu phải nắm bắt tình hình địch, nghiên cứu đề xuất những ý kiến, biện pháp tác chiến xác đáng. Đây cũng là dịp để cơ quan tham mưu phát huy năng lực, trưởng thành lên một bước trong cuộc đọ sức quyết liệt Thu Đông này.

Kết thúc cuộc họp, tôi đang cùng các đồng chí khác sắp sửa ra về, bỗng anh Thái gọi:

-   Việt! Việt lại đây!

Tôi đi tới thì anh Văn cũng đứng dậy, nhìn tôi với cặp mắt nheo cười, anh nói gọn, rất thân:

-   Cậu bàn giao công việc lại cho Ban, năm giờ sáng mai có mặt ở đình làng, đi theo tôi và Trường(2) lên mặt trận.

-   Tôi rập chân, tuân lệnh. Vì hiểu rằng lời nói tuy thân tình nhẹ nhàng, nhưng rõ ràng là mệnh lệnh do chính đồng chí chỉ huy tối cao trực tiếp giao.

Tôi chưa kịp quay đi, anh Văn lại hỏi:

-   Này, cưỡi ngựa tốt chứ?

Tôi đáp:

-   Báo cáo: Tốt ạ!

-   Tốt! Thế về chuẩn bị ba lô, còn ngựa, Tham mưu sẽ lo.

Về đến lán, kể lại tin này với anh em trong Ban, ai cũng phát ghen với tôi. Người này bảo:

-   Ông được ra mặt trận, mãn nguyện quá rồi!

Người kia đùa:

-   Thoát cảnh ôm thùng “phá xa nóng ròn” nghiền ngẫm giấy tờ nhé!
----------------
(1) Anh Văn là bí danh của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Tổng tư lệnh, Bộ trưởng Bộ quốc phòng.

(2) Anh Đào Vân Trường lúc ấy làm Trưởng phòng tác chiến của Bộ Tổng tham mưu - chưa có Cục tác chiến. Sau này có lúc làm Tổng tham mưu phó.

Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #6 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2012, 05:22:19 pm »

Riêng tôi, đêm đó thao thức hoài. Cứ tự nhủ thầm: “Mặt trận nào đây? Ở vùng nào nhỉ?

Quả tình anh em nói đúng tâm tư mình. Tôi vốn ưa năng động hơn làm công việc nghiên cứu. Hồi cướp chính quyền ở Huế, chính tôi và các đồng chí Võ Quang Hồ, Nguyễn Thế Lương(1) tức Cao Pha đã giật bỏ lá cờ quẻ ly của Bảo Đại xuống, và lần đầu tiên treo cao lá Cờ đỏ sao vàng lên cột cờ Huế (23-8-1945), trước mũi súng của quân cận vệ Hoàng Cung tại cửa Ngọ Môn. Sau đó tôi chỉ huy chiến đấu ở Đường số 9, ngăn chặn bọn Pháp từ phía Lào đánh sang miền Trung của ta ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công. Sau đó, tôi chuyển lên Mường Xén, chỉ huy mặt trận Đường số 7, vật lộn với quân Mèo, do hai tên phản động Tu Bi, Từ Rơn cầm đầu.

Bấy lâu ở Ban nghiên cứu, Phòng tác chiến, tôi vẫn thầm mong sẽ có ngày được điều xuống đơn vị. Nay rõ ràng ước mơ ôm ấp từ lâu đã thành hiện thực. Lòng tự nhủ lòng: “Chắc cấp trên hiểu được tâm tư nguyện vọng của mình, hiểu được sở trường, sở đoản của mình chăng?”.

Tôi thầm cám ơn anh Hoàng Văn Thái, anh Đào Văn Trường vì nghĩ rằng thế nào cũng có ý kiến của hai anh khi bàn bạc lấy người theo anh Văn ra mặt trận.

Sáng hôm sau, tôi có mặt trước 15 phút ở điểm hẹn. Ba lô nai nịt gọn gàng, khẩu Brô-ninh Ca-na-đa đeo ở hông với tác phong quen thuộc thời chỉ huy chiến đấu ở Đường số 9, Đường số 7. Đây là khẩu súng chiến lợi phẩm khi tôi và một số bạn chiến đấu do anh Thế Lâm chỉ huy đánh bọn Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ gần Huế, mưu toan bắt liên lạc với Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi, hòng lập lại bộ máy thống trị cũ.

Đúng 5 giờ, anh Văn cùng Trường xuất hiện từ góc rừng tới, theo sau là anh chiến sĩ cận vệ. Thấy tôi, anh Văn hỏi:

-   Sẵn sàng chưa?

Tôi đáp:
-   Rất sẵn sàng ạ!

-   Thì lên ngựa thôi!

Cả đoàn cho ngựa đi nước kiệu dong dả, nhằm hướng Đình Cả

-   Bắc Sơn đi miết. Người, ngựa, lúc xuyên trong rừng già, lúc men theo sườn núi cheo leo. Vẻ trùng điệp của núi rừng xiết bao hùng vĩ, xen giữa điệp trùng của rừng xanh, đèo núi, là những mảnh ruộng, nương ngô hình bậc thang. Đây đó, ló hiện bản làng của đồng bào với bóng áo chàm thấp thoáng ven nương. Lòng tôi đầy bâng khuâng xao xuyến. Mới ngày nào nơi cố đô Huế, trong không khí sôi sục Cách mạng tháng Tám, tôi từng hát bài Bắc Sơn với câu mở đầu đầy luyến tiếc: "Ôi còn đâu đây sắc chàm pha màu gió”, những tưởng con người và cảnh sắc một vùng chiến khu sống động chỉ còn là dĩ vãng một thờỉ không trở lại, chỉ là niềm ước ao, mộng tưởng của người thanh niên trí thức nơi cố đô mà thôi. Ấy vậy mà giờ đây, chính mình đang được rong ruổi giữa núi rừng chiến khu Bắc Sơn để nhập vào cuộc chiến rộng lớn: Cuộc kháng chiến trường kỳ quyết liệt với bọn xâm lược Pháp đang mưu toan cướp lại giang sơn đất nước ta lần nữa.

*

*   *
--------------------------
(1) Nguyễn Thế Lương tức Cao Pha, lúc ấy là Trưởng ban II, Bộ Tổng tham mưu. Sau này là thiếu tướng, Cục phó cục II, Viện phó Viện lịch sử quân sự.

Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #7 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2012, 05:32:11 pm »

Chuyến đi này, anh Văn làm việc với Tỉnh ủy và ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Lạng Sơn về những việc cấp thiết để đẩy mạnh cuộc chiến đấu trên Đường số 4. Lúc này, cánh quân của Bô-phrê đánh lên Cao Bằng đang cố vòng nối xuống Bắc Cạn. Ta cần tổ chức tốt để có lực lượng mạnh chia cắt, tập kích địch. Do đó, phải thành lập các tiểu đoàn tập trung, phải có các đại đội độc lập ở các châu huyện sát kề mặt trận như Thất Khê - Na Sầm - Ôn Châu. Vừa có lực lượng cơ động đánh địch, vừa có lực lượng bám đất, bám dân, phát triển chiến tranh du kích.

Các anh Hoàng Văn Kiểu, Bí thư Tỉnh ủy, Trần Minh Tước Chủ tịch Lạng Sơn đều hứa tiến hành nhanh công việc, huy động sức người, sức của vào công cuộc kháng chiến, biến chỉ thị của trên thành hiện thực. Anh Văn chỉ thị thành lập ngay Ban chỉ huy mặt trận Đường số 4, vì con đường này sẽ trở thành huyết mạch trong việc vận chuyển của địch giữa các cứ điểm đồn bốt trên trục Cao Bằng - Lạng Sơn. Anh giao anh Đào Văn Trường thay mặt Bộ đốc chiến ở Lạng Sơn. Anh cũng giao cho tôi ở lại làm đặc phái viên của Bộ ở mặt trận. Tôi có nhiệm vụ đi sát Tiểu đoàn 249, vốn là tiểu đoàn độc lập của Trung đoàn 11 Lạng Sơn, sau này là Trung đoàn 28. Tôi còn phải bám sát cả Tiểu đoàn 23 của Bộ vừa tăng cường cho mặt trận Đường số 4.

Tôi nhận lệnh với niềm say mê hăm hở, khoác ba lô cùng đồng chí Giá, cán bộ địa phương đến Bình Gia, vùng trú quân của Trung đoàn 11.

Chợ Bình Gia vẫn sầm uất đông đúc, nhóm họp dọc kề dưới chân dãy núi đá. Gọi là chợ “tản cư” mà vẫn đủ các loại hàng phở chua, giải khát, đồng bào từ các bản mang tới bán đủ thứ sản phẩm, ngũ cốc, hoa quả, cả những tấm thổ cẩm sặc sỡ, nhiều màu. Vừa tới chợ, tôi bỗng thấy ba người phi ngựa từ phía Văn Mịch tới. Người đi đầu dáng to khỏe, mặc áo bờ-lu-dông Mỹ, khẩu côn bạt đeo trễ hông. Sau anh là một cán bộ khác mặc quần áo chiến lợi phẩm, trừ chiếc mũ nan đội đầu. Cậu chiến sĩ bảo vệ, cuỡi ngựa phía sau khoác khẩu các-bin mới toanh. Thì ra đây là đồng chí Thế Hùng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 11 cùng một cán bộ tác chiến vừa chiến thắng trận Bông Lau từ Tiểu đoàn 374 về (sau này là D249/E28). Các anh Liên Đoàn, Long Xuyên, Trung đoàn trưởng và Phó trung đoàn niềm nở, hồ hởi, đón tiếp tôi. Anh Liên Đoàn vừa bắt tay vừa hỏi luôn:

-   Hầy i à! Có phái viên của Bộ xuống thì tốt quá mà. Bọn tôi vừa đánh một trận phục kích ở đèo Bông Lau. Đánh sướng lắm! Thắng to à!

Anh chỉ Long Xuyên và Thế Hùng:

-   Thắng to nên mấy “Tướng” diện toàn áo Mỹ, súng Mỹ, thắt lưng Mỹ lố!

Long Xuyên nói vui:

-   Thằng Tây nó xin thằng Mỹ viện trợ, rồi đem lên Đường số 4 nộp ta mà.

Tôi vui lây niềm vui chiến thắng của các anh. Gảm thấy gần gũi dễ mến những con người khoáng đạt, tâm tình cởi mở này. Tâm trí tôi háo hức lạ lùng, được đến cùng một đơn vị khỏe, đánh giỏi, thắng lớn trận đầu, ai mà chẳng vững lòng hởi dạ. Các anh kể lại:

-   Địch đi 32 xe bị diệl mất 27 chiếc. Hơn trăm tên bỏ xác.

Trận đánh 30 tháng 10 năm 1947 này đã là một đòn giữa xương sống cái gọng kìm Bô-phrê.

Thế Hùng, người trực tiếp cùng Tiểu đoàn 374 vào trận, phất tay:

-   Hầy i à! Không ngờ nó đi nhiều xe quá! Khuýp chặt tý nữa thì 5 xe kia không thoát đâu!

Nhìn con Đường số 4 trên tấm bản đồ tỷ lệ 1/100.000 có chấm bút chì đỏ chói nơi điểm Bông Lau, tôi bảo:

-   Nó còn bị nhiều trận kiểu này nữa. Trên tuyến Đường số 4 hiểm trở này, chọn điểm phục kích lợi lắm.

Thế Hùng vỗ tay lên trán:

-   Lú quá, tý nữa thì quên thông báo tin vui: bắt được một tù binh...

Trận đầu ra quân thắng lớn, lấy nhiều vũ khí, lại bắt được cả tù binh; ai cũng hồ hởi, tò mò hỏi kỹ: Tây hay ngụy, trắng hay đen, lính hay quan. Trong khói bụi của trận đánh có tiếng trẻ khóc nhìn ra là một chú bé Tây con đang ôm xác bố, bên cạnh hàng chục xác Tây khác. Anh Sáu Nhật được phân công đưa ngay chú ra khỏi trận địa.

Các anh ở Trung đoàn 11 đều là người dân tộc Tày, Nùng, giống nhau một điểm: năng động, hoạt bát, thẳng thắn và rất say mê chiến đấu. Chỉ vài ba câu chuyện là gần gũi thân thiết như trong một nhà ngay. Quen thân rồi một thời gian sau có hôm, Thế Hùng cười cười với tôi, anh nhắc chuyện cũ:

-   Hầy, hôm gặp ông ở Bình Gia đó, tôi nghĩ riêng trong bụng: Húi! Phái viên gì mà trẻ quá à! Non choẹt thế này đánh đấm gì. Ối! Phải là con cưng của Bộ đấy thôi.

Tôi cười:

-   Nhưng mình làm ăn ở đất này được chứ!
-   Ối tốt rồi! Hiểu rồi - Anh cười vang - vì thế mới nói lại điều nghĩ cũ cho vui mà. Qua đường dài mới biết ngựa hay chứ!

Hôm tôi xuống bám sát Tiểu đoàn 29 và Tiểu đoàn 374, anh Trần Sơn(1) chính trị phái viên Trung đoàn 11 tặng tôi chiếc áo rét và đôi giày đinh Lê Dương, đôi tất len dài đến gối. Anh Trần Sơn thân mật bảo:

-   Đất rừng Lạng Sơn rét dữ à. Tặng ông bạn trước khi ra mặt trận. Trên Bộ “cao hơn” nhưng nghèo hơn bọn này.

Long Xuyên thì nói đùa:

-   Đầu gà vẫn hơn đuôi trâu mà... hà hà...

Ngày ấy, Tiểu đoàn 23 đóng ở Hội Hoan, huyện Thoát Lãng đang áp sát Đường số 4 và chuẩn bị đánh một trận phục kích. Tôi muốn xuống ngay để tham gia bàn bạc chung. Vào cuộc chiến, ai mà chẳng sốt ruột khi biết được tình hình chiến sự chung ở mọi nơi đang tiến triển mạnh tới tấp tin vui thắng lợi. Nào là, bọn Com-muy-nan ở phía Tây bị đánh chìm ca-nô, tàu chiến đọc sông Lô, bị đánh co lại tại vùng Bản Thi, Đầm Hồng, Chiêm Hóa. Thế là phá sản cái kế hoạch hội quân của hai binh đoàn Com-muy-nan và Bô-phrê. Bọn Com-muy-nan đang cố sống cố chết rút về cố thủ ở Tuyên Quang. Nào là binh đoàn Bô-phrê quân dù Xô-va-nhắc bị tập kích liên tục tại vùng Chợ Mới, Chợ Đồn, Chợ Rã, Phủ Thông, Đèo Cả, Đèo Giàng. Đường tiếp viện Cao Bằng, Bắc Cạn hầu như bị cắt đứt.

Vậy thì, ở Đường số 4 này, chúng tôi nhất định phải quất tơi tả gọng kìm Bô-phrê và tiến tới làm khốn đốn bọn đồn trú tại các cứ điểm trên đất Lạng Sơn đẹp nguời đẹp cảnh, giàu nhiệt huyết cách mạng.

Cuộc đời chiến đấu gắn bó với Đường số 4, với Cao-Lạng của tôi bắt đầu từ hôm rời Trung đoàn bộ 11 một mình một ngựa đến với Tiểu đoàn 23 ở Hội Hoan. Người xưa biểu hiện niềm yêu xứ sở Cao-Lạng bằng câu ca dao:

Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em

Còn tôi ngày đó, đến với Cao-Lạng, với con Đường số 4 lịch sử, bằng tấm lòng cháy bỏng niềm khát khao: “chiến đấu”, cùng nhân dân Cao - Lạng đánh quỵ bọn giặc Pháp xâm lược trên mảnh đất thơ mộng và hào hùng này.
-------------------------
(1) Trần Sơn sau là thiếu tuớng Cục trưởng Cục quản lý kỹ thuật, Bộ Tổng tham mưu.
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #8 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2012, 06:01:59 pm »

TỪ BỐ CỦNG - LŨNG VÀI ĐẾN BẢN NẰM

Đường quốc lộ số 4 chạy dọc theo biên giới Việt - Trung, suốt từ Đông Bắc, xuyên lên miền Tây Bắc. Khởi đầu ở mũi Ngọc vùng Móng Cái, Tiên Yên qua Đình Lập - Lộc Bình đến thị xã Lạng Sơn. Từ đây con đườns nối Lạng Sơn với Cao Bằng dọc theo các điểm Đồng Đăng - Na Sầm - Thất Khê - Đống Khê đến tỉnh lỵ và tiếp tới nút cuối của nó ở Nguyên Bình. Toàn bộ con đường dài 340 km vượt qua 3 tỉnh. Đường số 4 tỏa ra những điểm nối ngang vào nhiều ngả đường quan trọng. Ở Tiên Yên nó nối vào Đường số 18 để xuôi về Hòn Gai - Hải Phòng, từ Đình Lập có Đường số 13 xuôi về Chũ, Lục Nam, Bắc Giang. Ngang Lạng Sơn, nó gặp Đường số 1 dễ dàng xuôi Hà Nội. Ngược lên Đồng Đăng là Mục Nam Quan giáp với Bằng Tường - Long Châu bên Trung Quốc, Cũng từ Đồng Đăng rẽ vào đường huyện ly đi được tới chiến khu Việt Bắc qua các điểm Bình Gia

-   Bắc Sơn - Vũ Nhai - Đình Cả - Thái Nguyên. Ở Cao Bằng, Đường số 4 gặp Quốc lộ 3 xuôi xuống Bắc Cạn, ngược lên những điểm như Mã Phục - Trà Lĩnh, Phục Hòa, tiếp giáp với rất nhiều nơi thuộc vùng Quảng Tây - Trung Quốc.

Kẻ địch nhìn rõ tầm quan trọng của con đường chiến lược này, nên bằng mọi giá sau khi chiếm cứ Cao Bằng, chúng tổ chức án ngữ dày đặc, chặt chẽ suốt dọc Đường số 4. Vòng đai thép hình thành gồm trên 40 đồn bốt. Bên kia là bọn Tàu Tưởng bố trí chặt chẽ hai vòng vây như hai gọng kìm khóa chặt lấy vùng biên giới. Chúng ngăn chặn mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc, đặc biệt chúng chặn các cửa ngõ để không thể có sự vận chuyển tiếp tế cho nhau bằng cơ giới. Phía ta quyết tâm cắt đứt đoạn yết hầu nuôi sống bọn chiếm đóng Cao Bằng mà từ hạt sạo, viên đạn đều phải do ngả Hà Nội - Lạng Sơn tiếp vận tới.

Tôi đã từng chiến đấu ở Đường số 9, số 7 và sau này trên vùng Tây Bắc. Cũng là những đường xuyên rừng núi hiểm trở, nhưng riêng Đường số 4 vẫn gây cho tôi ấn tượng mạnh mẽ về cái thế tuyệt địa khi giặc bị phục kích. Cứ như là thiên nhiên xếp đặt, giăng bẫy sẵn, tạo sẵn cửa tử, giúp ta dẫn dụ mai phục, buộc địch lâm cảnh bất lợi, tiến thoái lưỡng nan.

Ngày đó, tôi đến Tiểu đoàn 25 khi anh em đang gấp rút sắp đánh trận phục kích Bố Củng - Lũng Vài. Đơn vị này từ Tiểu đoàn trưởng Quyến đến chiến sĩ, đa số là người vùng Quảng Ninh, phần đông cán bộ đã từng là những chàng trai hoạt động từ thời kháng Nhật ở chiến khu Đông Triều. Cả Tiểu đoàn trưởng Quyến và Chính trị viên Ái đều vui vẻ nói:

-   Anh đến thật đúng lúc. Chúng tôi vừa tổ chức trinh sát thực địa xong. Anh tham gia bài binh bố trận luôn.

Sau đó, tiểu đoàn tập trung cán bộ đại đội, thảo luận kế hoạch tác chiến. Tôi nghĩ thầm khi ngó nhìn sơ đồ: “Họ chọn Bố Củng -Lũng Vài rất đúng!”. Vì lẽ đoạn đèo Bông Lau - Lũng Phầy, Tiểu đoàn 374 của Trung đoàn 11 vừa đánh xong. Nay chọn đoạn gần Lạng Sơn, ắt càng tạo thế bất ngờ với địch. Hơn nữa, địa hình Bố Củng -Lũng Vài vô cùng hiểm trở. Con Đường số 4 vốn hẹp, tới đây lại bị gấp khúc theo sườn núi, một bên vách đứng, một phía khe sâu. Ở đoạn này, hai xe ngược chiều né tránh nhau rất khó. Vô phúc cho chúng, chỉ một chiếc xịt lốp, buộc cả đoàn công-voa ì ra đó, xếp hàng chờ chết nếu bị chặn đánh.

Trong cuộc bàn luận cách đánh, tôi bổ sung một ý kiến, dựa vào sự hiểu biết về thực lực giữa ta và địch hồi đó qua những ngày ở Ban nghiên cứu, Phòng tác chiến trên Bộ. Tôi nói:

-   Các đồng chí nên lưu ý điểm này: Hiện tình giặc đang ở thế tiến công. Nhiều quan lính nhà nghề, từng đánh nhau qua cuộc Đại chiến thứ hai tới nay. Chúng biết ta phần nhiều chỉ là công dân vào Vệ quốc đoàn với tấm lòng yêu nuức. Ta đâu được học hành cặn kẽ về quân sự, hiểu sâu, nắm vững thuật dụng binh. Vũ khí ư? Đến khẩu súng trường, quả lựu đạn còn thiếu nói chi tới loại hỏa lực mạnh như trung liên, súng cối v.v... Vì vậy, bọn chúng, nhất là tụi Lê dương rất ngổ ngáo, kiêu ngạo, rất coi thường khả năng tác chiến của ta. Hễ nghe tiếng súng là chúng ào ạt phản công ngay bằng cách áp đảo ta cả về hỏa lực xung lực. Không nhận rõ điều này để bố trí trận địa, phân chia các mũi thích hợp, ta dễ bị lúng túng khi tình huống diễn biến bất ngờ.

Tiểu đoàn tán thành ý kiến đó và chúng tôi bố trí đội hình thành 3 tuyến từ chân lên đến đỉnh núi. Nếu địch táo tợn ào lên phản xung phong, vừa thọc sâu vào đội hình, vừa vu hồi đánh vòng sau lưng ở tuyến đầu thì đã có tuyến hai đốì phó. Cho đù chúng có xuyên được qua tuyến hai thì từ trên đỉnh núi, tuyến ba của ta đánh hất chúng xuống.

Chúng tôi dàn trận có chiều sâu như vậy vì ngày đó súng đạn của ta vừa cổ lỗ, vừa thiếu. Đã thế, lúc bắn, đạn bị xịt, lựu đạn không nổ là thường. Những ai đã từng qua thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp đều phải nếm cảnh súng đạn ẩm ương như chúng tôi cả. Có điều ngày ấy chẳng ai bực bội, thoái chí. Vừa thoát khỏi đời nô lệ, xưa kia đến con dao găm, lưỡi kiếm nhỏ có trong nhà còn phải vạ tù đầy, nói chi tới súng đạn. Giờ chính mình được sử dụng khẩu súng để đánh Tây là khoái rồi, dù chỉ là khẩu Mút-cơ-tông ngắn ngủn, hay khẩu súng Nga dài lêu nghêu. Mãi đến bây giờ tuổi đã cao, nhưng mỗi lần nhớ lại những năm tháng vào đầu cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước, tâm hồn tôi vẫn bừng lên niềm rạo rực, bồi hồi. Âm hưởng của lời ca Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi... cứ vương vấn rạt rào hoài trong tâm tưởng.
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #9 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2012, 06:12:27 pm »

Chúng tôi chiếm lĩnh được trận địa từ đêm. Đông chưa tàn hẳn nên giá lạnh vẫn ôm ấp núi rừng Việt Bắc. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 23 chỉ mang trên mình bộ quần áo vải. Áo trấn thủ chưa có đủ cho mọi người. Anh em phần đông là thanh niên vùng xuôi, nom họ bé nhỏ chứ không to đậm như các chàng trai đất Cao - Bắc - Lạng. Nhưng họ tháo vát nhanh nhẹn, tính tình vui nhộn, lém lỉnh lạ. Buổi chiều hôm hành quân tiễn ra trận địa, có cậu cứ đánh trống mồm, hát nhại câu ca xưa rất tếu:

Mình về nuôi cái cùng con,
để anh “đánh giặc” ở nước non từ Lạng Sơn tới Cao Bằng.
Ngày về anh tặng khẩu “Mút-cơ-teeng”.

Trời lạnh, lúc hành quân vận động còn đỡ nỗi căm căm. Đến khi chờ địch ở trận địa mới buốt da, buốt thịt. Vậy mà các cậu lính trẻ vẫn vừa xuýt xoa, vừa tán cười lích rích:
Với tinh thần “quyết tử” của các chiến sĩ Thủ đô tháng 12 năm 1946, Tiểu đoàn 23 đã đánh gục địch giữa núi rừng Đường số 4. Trận Bố Củng - Lũng Vài thắng đẹp. Đây là trận đầu tiên trên Đường số 4, ta bắt được tù binh. Chúng tôi cho giải ngay 6 tên Lê dương bị bắt sống lên trên để Ban địch vận khai thác tài liệu. Điều vui mừng nhất là thu được nhiều vũ khí, loại súng cối 60 ly, đui-xết (12 ly 7) đang là của hiếm. Nay tiểu đoàn trở nên giàu có, lại có cả đài phô-ni nữa.

Nếu trận Bông Lau của Tiểu đoàn 374 là trận đầu tiên như tiếng chim báo bão, báo hiệu sự nguy kịch của bọn viễn chinh trên Đường số 4, thì trận Bố Củng - Lũng Vài (2/48) của Tiểu đoàn 23 sáng tỏ niềm tin lớn. Phương châm “Lấy súng giặc giết giặc” và lời dạy của Bác Hồ đã trở thành hiện thực khi giặc tiến công lên Việt Bắc. Bác Hồ đã nói những lời xác đáng. Tôi nhớ đại ý như sau: Giặc hùng hổ tiến công lớn lần này cũng là một dịp chúng dẫn thân, phơi bày giữa vùng rừng núi. Ta có điều kiện đánh địch ngoài công sự, đồn bốt, ta dễ tiêu diệt chúng hơn.

Trận thắng gọn một đoàn 16 xe ở Bố Củng - Lũng Vài đã chứng minh thật xác đáng lời Bác Hồ dạy. Dù còn non yếu cả về lực lượng, vũ khí, nhưng với lòng căm thù giặc sâu sắc, được sự chỉ đạo sáng suốt của Bác, của Trung ương, ta có thể đánh tan quân đội viễn chinh xâm lược Pháp.

Thiếu súng đạn ư? Thiếu khí tài ư? Rét lạnh vì thiếu quân trang ư? Thiếu thốn quân dụng ư? Con Đường số 4 này sẽ là nguồn bổ sung lớn nếu ta làm chủ được nó với những trận phục kích giỏi và những trận tập kích tốt vào đồn bốt giặc.

Ý nghĩ đó vang dội trong trí tôi khi nhìn thấy anh em Tiểu đoàn 23 sau chiến thắng ồn ào mang vác súng đạn, quân trang quân dụng, khí tài chiến lợi phẩm, kéo về Hội Hoan, vùng hậu cứ của Tiểu đoàn 23; ở đây, bà con dân bản và đồng bào ở thị xã Lạng Sơn tản cư đến, tưng bừng đón chờ những người chiến thắng.

*

*   *
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Bảy, 2012, 06:18:37 am gửi bởi tuaans » Logged
Trang: 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM