Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:38:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường về đất mẹ  (Đọc 3127 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #50 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2022, 07:28:52 am »

Ngày 23 tháng 2 năm 1976, tại thành phố biển Nha Trang, Bộ Tư lệnh Trường Sơn tiến hành hội nghị tổng kết mừng công 16 năm của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Cùng với các đồng chí đại biểu Đảng, Nhà nước, quân đội, các địa phương, đại biểu các đơn vị, các binh chủng đã từng kề vai sát cánh, chung lưng đấu cật, hiệp đồng chiến đấu suốt 16 năm ròng giữa đại ngàn Trường Sơn... vô cùng xúc động tự hào nghe anh Nguyên thay mặt Bộ Tư lệnh trình bày tổng thể bức tranh kỳ vĩ, hoành tráng, hào hùng của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, sự hy sinh lớn lao và những chiến công bất tử của những người lính trên tuyến đường mang tên Bác. Tôi xin mượn đoạn trích trong bản tuyên dương công trạng của Quốc hội, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đối với Bộ đội Trường Sơn anh hùng, thay cho việc dẫn báo cáo tổng kết tại hội nghị quan trọng này.


"Từ năm 1959 đến năm 1975, suốt mười sáu năm qua, Bộ đội Trường Sơn đã không ngừng phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần quyết chiến quyết thắng, kiên quyết tiến công, liên tục tiến công, vượt qua mưa bom bão đạn, đạp bằng mọi khó khăn, gian khổ, anh dũng mở đường thắng lợi, hoàn thành nhiệm vụ một cách đặc biệt xuất sắc, lập nên kỳ công trong lịch sử chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta"1 (Lịch sử Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. 1999, tr.667).


Dĩ nhiên, để có được những "kỳ công" đó, chúng ta cũng đã phải chịu biết bao mất mát hy sinh. Sự hy sinh, tổn thất của Bộ đội Trường Sơn cũng chính là tổn thất chung của đất nước, của nhân dân hai miền Nam, Bắc. Giờ đây, cuộc chiến đã lùi xa hơn một phần tư thế kỷ, có nhiều công trình nghiên cứu tổng kết, tập hợp khối lượng bom đạn địch ném xuống Trường Sơn. Hai vạn cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn anh dũng hy sinh, ba vạn người bị thương; khoảng 14.500 lượt chiếc xe máy các loại, 400 khẩu pháo, 90 nghìn tấn hàng bị phá hỏng và phá hủy. Những số liệu trên gây một cú sốc cho bao người. Hy sinh, tổn thất lón lao quá! Tuy vậy, trong thâm tâm, tôi vẫn nghĩ thực tế tổn thất còn nhiều hơn, lớn hơn. Ví như số xe máy bị tổn thất chẳng hạn. Từ năm 1965, đặc biệt là từ năm 1967 đến hết năm 1972, cứ đầu mùa khô, chuẩn bị triển khai kế hoạch vận chuyển, mỗi tiểu đoàn xe được bổ sung từ 50 đến 60 xe. Tổng số xe của toàn tuyến trong một mùa vận chuyển thường là 2.500 đến 3.000 chiếc, lượng xe bổ sung khoảng hơn 1.000 chiếc. Nhưng qua mùa khô, lượng xe còn lại hơn 1.000 chiếc, trong đó có tới một nửa phải đại tu. Chỉ làm một phép tính nhẩm đơn giản, cũng thấy được số lượng xe bị tổn thất, hư hỏng từ khi toàn tuyến lấy cơ giới làm phưởng thức vận chuyển chủ yếu, sẽ lớn hơn... Giờ đây, khi dĩ vãng một thòi đạn bom khốc liệt hiện về, tôi không thể nào nguôi quên câu trêu đùa của một vài anh em ở cơ quan Bộ Tư lệnh, khi tôi từ Binh trạm 31, Binh trạm 32 hay Binh trạm 42 trở về sau một mùa khô: "Mùa này binh trạm ông "nướng" bao nhiêu xe, bao nhiêu hàng?". Một nỗi đau khó nói thành lời. Dĩ nhiên, khi phải đối đầu với một kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quốc phòng mạnh bậc nhất hành tinh, huy động cả nền khoa học công nghệ quân sự vào mục đích phi nhân tính, thì mỗi một thắng lợi, cho dù rất nhỏ của ta cũng phải trả giá, phải mất mát, hy sinh. Có điều, điểm chót cùng là chúng ta đã thắng, thắng vang dội, trọn vẹn.


Trong niềm vui toàn thắng của đất nước, tôi là một trong ngàn vạn người con ra Bắc tập kết ngày nào được trở về trong lòng đất Mẹ, trong lòng những người mẹ đã sinh thành, dung dưỡng tôi nên người. Cũng kiên gan chiến đấu, cũng nuôi niềm hy vọng như tôi, nhưng có biết bao đồng chí, đồng đội tôi đã phải vĩnh viễn nằm lại nơi bìa rừng khuất nẻo, cung đường, trọng điểm; máu xương họ hòa tan vào gió núi, mây trời, sông suối Trường Sơn, thậm chí - có những người đã ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn trong ngày toàn thắng. Để rồi biết bao người mẹ như mẹ tôi, biết bao người vợ như vợ của tôi, nhưng vĩnh viễn cũng chỉ có chờ mong. Những người mẹ ấy, những người vợ ấy đều xứng đáng là những Bà mẹ Việt Nam anh hùng.


Cuộc kháng chiến chống Mỹ đi vào lịch sử, cùng toàn quân, toàn dân, Bộ đội Trường Sơn bước vào một thời kỳ mới. Nhiều đơn vị từng gắn bó một thời với tuyến đường mang tên Bác, lần lượt chuyển về các quân - binh chủng, quân khu, đơn vị. Rồi Binh đoàn 12 - Binh đoàn Trường Sơn - đơn vị vinh dự kế thừa truyền thống, sự nghiệp của Bộ đội Trường Sơn, được thành lập trên cơ sở các đơn vị còn lại tiếp tục làm nhiệm vụ xây dựng cơ bản đường đông Trường Sơn, từ Tân Kỳ (Nghệ An) đẽn Chơn Thành (Bình Phước). Khi Binh đoàn 12 thành lập, tôi được phân công làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy binh đoàn. Quân đội ta thực hiện cơ chế một người chỉ huy, tôi là Phó tư lệnh về chính trị, Bí thư Đảng ủy binh đoàn. Cùng với nhiệm vụ mở mới, nâng cấp đường cơ bản đông Trường Sơn, Binh đoàn 12 lần lượt tham gia khôi phục tuyến đường sắt Thống Nhất - đoạn Minh Cầm, Tiên An, nâng cấp các tuyến đường 7, 8, 9. Năm 1979, trước yêu cầu của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, những người lính Trường Sơn đã kịp thời có mặt ở tuyến biên giới phía Bắc thi công đường 279. Suốt một dải biên cương từ Quảng Ninh tới Hà Giang, Lai Châu, chúng tôi như sống lại cảnh Trường Sơn của thời đánh Mỹ.


Chiến sự ở hai đầu đất nước lắng xuống, những người lính Trường Sơn chúng tôi lại dốc sức cho những công trường mới. Cùng với thời gian, năm tháng, mỗi lần xuống trực tiếp thị sát các công trình do Binh đoàn tham gia xây dựng, tôi như bắt gặp lại những người lính Trường Sơn năm xưa. Những người lính đã từng gắn bó máu thịt với các "tọa độ lửa": Seng Phan, Lùm Bùm, Cốc Mạc, ATP... giờ đây lại sống cùng những công trình thế kỷ: thủy điện Hòa Bình, thủy điện Ya Ly, Đrây H'linh... Những người lính năm xưa mò mẫm giữa đại ngàn Trường Sơn, với "ánh lửa" từ trái tim soi từng bước đường về đất Mẹ, giờ đây đang nâng niu, nâng cấp những cung đường từng thấm đẫm máu, mồ hôi, tâm lực của chính họ và của bao đồng đội ngày ấy. Chưa hết, họ còn góp trí tuệ, sức lực của mình xây dựng công trình đường điện 500KV Bắc - Nam, hòa dòng điện như huyết mạch trên cơ thể đất nước thống nhất.


Lực lượng của Binh đoàn Trường Sơn ở thời điểm cao nhất lên tới tám sư đoàn, ba trung đoàn cầu và hai trung đoàn vận tải.

Bước vào thời kỳ mới, với những người lính Trường Sơn, công trường cũng là "chiến trường", và dưới một góc độ nhất định thì thương trường cũng là chiến trường. Trong cuộc chiến đấu mới, trong công cuộc dựng xây đất nước, đòi hỏi những người lính chúng tôi ngoài ý chí, nghị lực phải không ngừng nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật; sử dụng tốt, làm chủ nhiều trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, có trình độ quản lý kinh tế ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Từ những năm đầu thập kỷ tám mươi, Binh đoàn Trường Sơn đã tích cực thực hiện hạch toán kinh tế, tự cân đối thu chi, bảo đảm đới sống cán bộ, chiến sĩ và thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước.


Suốt 40 năm chiến đấu, công tác, có 16 năm làm nhiệm vụ chiến lược trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, 24 năm tham gia xây dựng kinh tế, kết hợp quốc phòng, Bộ đội Trường Sơn trước đây và Binh đoàn 12 - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn hiện nay đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với phần thưởng cao quý - Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất mà Đảng, Nhà nước khen tặng.


Với tôi, sau 47 năm là người lính, trong đó có hơn 10 năm sống và chiến đấu trên đường Trường Sơn, 17 năm công tác tại Binh đoàn 12, Binh đoàn Trường Sơn, năm 1992, tôi được Nhà nước, quân đội cho nghỉ hưu. Gần 10 năm trở về với cuộc sống đời thường, với gia đình, với bà con quê hương rất đỗi thân thương, nhưng những ký ức về những năm tháng sống, chiến đấu trên đường Trường Sơn - Đường về đất Mẹ đã để lại những dấu ấn sâu đậm, đã thành máu thịt, là một phần sống của cuộc đời tôi. Tình cảm đồng chí, đồng đội, những người đang sống và những người đã ngã xuống trên những nẻo đường xưa,... sẽ mãi mãi không phai mờ trong tôi, giúp tôi phấn đấu giữ gìn được phẩm chất của một người đảng viên Cộng sản, một cựu chiến binh, một người lính Cụ Hồ, một người lính đã từng sống và chiến đấu hơn mười năm trên tuyến đường mang tên Bác Hồ kính yêu.
Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1830



« Trả lời #51 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2022, 07:29:56 am »

Thay lời kết

Ngày 19 tháng 5 năm 1999, Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tròn tuổi 40. Trời Hà Nội hôm đó xanh cao vời vợi. Nắng tháng 5 dữ dằn đổ lửa như nắng núi thuở nào. Nhưng cái nghiệt ngã của đất trời không làm chùn bước những người lính Trường Sơn đến với nhau, cùng nhau ôn lại chặng đường 40 năm chiến đấu, xây dựng; ôn lại những tháng năm rất đỗi cam go mà hào hùng của thời đánh Mỹ, thắng Mỹ và đón nhận Huân chương Sao vàng của Đảng, Nhà nước tặng thưởng.


Đường Hà Nội - Hà Đông sáng 19 tháng 5 Kỷ Mão như chật hơn ngày thường. Xe từ Thanh - Nghệ - Tĩnh ra; xe từ Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương lên; xe từ Lạng Sơn, Thái Nguyên, Vinh Phúc, Lai Châu, Sơn La về... Khuôn viên bảo tàng Đường Hồ Chí Minh vừa mới khánh thành tại Ba La - Bông Đỏ (Hà Đông) chật như nêm người.


Biết bao cảnh đời, biết bao thân phận! Bên cạnh những tướng lĩnh, cựu chiến binh, ngực lấp lánh Huân chương; những dáng dấp, tà áo dài thướt tha mang đậm chất thị thành, tôi đã gặp lại không ít đồng đội đến từ những vùng quê nghèo, đen đúa, gầy gò mà mảnh nón lá không che hết gian truân...  Nhưng, bao trùm lên tất cả là những vòng tay ấm áp, những nụ cười, những giọt nước mắt cảm thông, sẻ chia, những giọt nước mắt hội ngộ...


Trong cái ồn ã, náo nhiệt rất "người", rất "đời" đó, tôi vẫn cảm nhận được một "khoảng lặng" không cùng - khoảng lặng trong những người đang sống chúng tôi dành nhớ về những đồng đội thân thương vĩnh viễn nằm lại nơi bìa rừng khuất nẻo, những đồi lau xơ xác, những cung đường, hang đá...  Trường Sơn; dành nghĩ về những đồng đội trên mọi miền đất nước, hoặc vì đường sá cách trở, hoặc vì "bát cơm manh áo ở đời" không về được trong vòng tay, ánh mắt trìu mến của bạn bè. Tôi cũng hình dung có thể không ít những đồng đội tôi trở về từ buổi hội ngộ đó, không tìm lại được bạn cũ, người xưa; không có lấy một chiếc huy hiệu - kỷ niệm chương "Bộ đội Trường Sơn". Là một trong những thành viên của Ban liên lạc cựu chiẽn binh Trường Sơn, tôi rất mong đồng đội, bạn bè lượng thứ.


Có thể niềm vui là chưa trọn. Nhưng buổi gặp mặt của Bộ đội Trường Sơn sau một phần tư thế kỷ cuộc chiến lùi xa, lại thêm một lần khẳng định sức sống kỳ diệu của lịch sử, truyền thống; sức sống kỳ diệu của đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Năm tháng sẽ qua đi, nhưng những ngày sống, chiến đấu rất đỗi hào hùng ở Trường Sơn thời đánh Mỹ thật sự là máu, là xương, là một phần sự sống của dân tộc, của những người lính Trường Sơn.


Cuộc chiến đã lùi xa, đất nước ta đang ngày đêm vật lộn với cuộc chiến chống đói nghèo, tụt hậu; nhưng gặp lại nhau, bao kỷ niệm của một thời máu lửa, một thời sôi nổi, một thời bi hùng ở Trường Sơn; những Seng Phan, Ta Lê, Phu La Nhích, Lùm Bùm, Cốc Mạc... lại ùa về, sống lại trong tâm thức của mỗi chúng tôi.


Cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết. Gặp gỡ rồi chia tay. Niềm vui hội ngộ như một thoáng phù du vỗ cánh. Nhưng bù lại, chính trong thời khắc hội ngộ quý báu này, chúng tôi lại thêm một lần ý thức sâu sắc hơn chân lý: Lịch sử là một dòng chảy vĩnh hằng, liên tục, là sự kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Bởi lẽ, niềm vinh hạnh lớn lao của những người lính Trường Sơn chúng tôi không chỉ là sự hội ngộ, không chỉ là tấm Huân chương cao quý nhất do Đảng, Nhà nước khen tặng, mà cao cả hơn, to lớn hơn là Đảng, Nhà nước, nhân dân đã quyết định xây dựng đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh thành một tuyến đường xuyên Việt thứ hai.


Khi tôi ngồi suy ngẫm, xâu chuỗi lại những dòng hồi ức này, cũng là khi biết bao người lính Trường Sơn thời kỳ đổi mới của đất nước đang "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" ở Xuân Sơn, Long Đại, Thạch Mỹ, Trao, Giằng... để "Đường Hồ Chí Minh sáng đến mai sau".


Nghĩ về Đường Hồ Chí Minh huyền diệu, tôi càng thấm sâu công lao trời biển của Bác Hồ - người là linh hồn của tuyến đường - Tên Người là tên tuyến đường cả dân tộc đang đi.

Nghĩ về Đường Hồ Chí Minh, tôi càng cảm phục tầm nhìn của đồng chí Cố Tổng bí thư Đảng - Lê Duẩn. Bởi từ trong khói lửa của chiến tranh, từ trong những ngày mà mỗi một cung đường Trường Sơn - Đường về đất Mẹ của tôi còn oằn mình đớn đau bởi đạn bom kẻ thù, đồng chí Lê Duẩn đã khẳng định: "Đường Hồ Chí Minh là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng.


Đó là con đường nối liền Bắc - Nam, thống nhất nước nhà, là con đường của tương lai giàu có của Tổ quốc ta...".


Hà Nội, tháng 9-2000
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM