Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:23:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến - Tập 1 (1945-1954)  (Đọc 113224 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #110 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2012, 06:56:20 am »

6. Công tác dân vận và địch ngụy vận ở các vùng địch tạm chiếm

Công tác dân vận và địch ngụy vận ở Tây Nam Bộ được chú ý ngay từ đầu kháng chiến và ngày càng phát triển. Hầu hết các thị xã, thị trấn các vùng tạm bị chiếm đều có cơ sở cách mạng. Tuy từng thời gian bị địch đánh phá truy bắt, lực lượng ở nhiều nơi có giảm sút, có nơi bị mất trắng, nhưng sau đó lại được hồi phục và phát triển. Các cơ quan như Ủy ban kháng chiến hành chính, thị đội và các đoàn thể cứu quốc phần nhiều đóng ở vùng ven, vùng tranh chấp, nhưng thường xuyên đưa người vào hoạt động bên trong, gây dựng cơ sở nòng cốt để chỉ đạo hoạt động. Nhờ đó vẫn thường xuyên có phong trào đấu tranh cho các quyền lợi dân sinh dân chủ, chống đuổi nhà, cướp đất, chống bắt lính, bắt xâu. Ảnh hưởng của phong trào đấu tranh của quần chúng ở đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn, nhất là phong trào học sinh, sinh viên, phong trào toàn quốc chống can thiệp Mĩ (1950) cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến phong trào đấu tranh ở các thị xã miền Tây (nhất là trong học sinh các trường trung học ở Cần Thơ), khắp nơi đều có phong trào ủng hộ kháng chiến bằng tiền bạc, thuốc men, phương tiện cho các binh công xưởng và các cơ quan kháng chiến.

Công tác địch ngụy vận gắn liền với công tác Khơme vận, tôn giáo vận bằng các phương tiện truyền đơn, vũ trang tuyên truyền, gọi loa, đưa người vào tuyên truyền miệng… phối hợp với tác chiến tại các vùng du kích, tạm bị chiếm, nhất là vùng Hòa Hảo, Khơme được đặc biệt đẩy mạnh. Nhờ đó, nhiều sóc người Khơme ở Sóc Trăng, Trà Vinh được Pháp vũ] trang đã bị giải giáp, nhiều vùng Hòa Hảo đã chuyển động, binh sĩ Khơme, binh sĩ thuộc các đơn vị Hòa Hảo ở Long Xuyên, Châu Đốc rã ngũ rất đông. Nhiều đồn bót đã xin ta cho “trung lập hóa”. Nơi bị ta tiến công thì đầu hàng rất nhiều. Ngay đối với binh lính lê dương, trong 9 năm kháng chiến ở các địa phương, có hàng trăm người thuộc các sắc tộc châu Phi hay châu Âu đầu hàng hoặc bị bắt là tù binh và được giáo dục giác ngộ, nhiều người trở thành những chiến sĩ của quân đội nhân dân, lập nhiều chiến công rất xuất sắc. Số đó được đồng bào ta tặng danh hiệu là những “chiến sĩ hòa bình”. Phong trào kháng chiến của quân dân ta ở vùng nông thôn độc lập và vùng thành thị tạm bị chiếm tác động qua lại với nhau, tạo thành hai vùng chiến lược khá rõ trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở chiến trường miền Tây.

7. Vai trò của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đạt được những thành tựu to lớn và xuất sắc kể trên đương nhiên là sự nỗ lực của toàn dân, toàn quân miền Tây. Nhưng thật khó có thể tưởng tượng được những thắng lợi trên nhiều lĩnh vực như thế nếu không có sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, với sự chỉ đạo trực tiếp sáng suốt và tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Điểm lại những phong trào kháng chiến chống xâm lược ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới, thấy một trong những nguyên nhân thất bại là không có một sự lãnh đạo sáng suốt và thống nhất, của một tổ chức hoàn thiện như tổ chức Đảng. Khi tiến hành cách mạng, đặc biệt là tổ chức đấu tranh vũ trang với một đối phương rất mạnh về nhiều mặt, đội ngũ cách mạng, được hình thành từ nhiều nguồn gốc khác nhau, tất cả đều còn bỡ ngỡ trước một sự nghiệp hoàn toàn mới mẻ… thì sự thiếu nhất trí lúc ban đầu, thậm chí mất đoàn kết, đi tới chia rẽ là điều khó tránh. Nếu không được khắc phục kịp thời thì có thể dẫn tới nguy cơ tan rã và thất bại. Nguy cơ thất bại còn có thể đến do cả cách lựa chọn phương thức đấu tranh. Nếu không có ý chí tiến công kiên cường thì khó có thể cản được bước tiến của đối phương. Nhưng nếu chỉ hữu dũng vô mưu, chỉ lấy can đảm liều chết mà không biết lấy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, tiến hành kháng chiến toàn diện, thì cũng không thể đương đầu nổi với một binh lực mạnh hơn nhiều lần về vũ khí và kinh nghiệm chiến trường. Đó là kinh nghiệm xương máu của bao nhiêu phong trào chống Pháp trước đây. Nhưng Việt Nam, Nam Bộ và Tây Nam Bộ nói riêng đã tránh được nguy cơ đó chính là nhờ có một Đảng sáng suốt, có một đường lối đúng đắn, hợp lòng dân và hợp sức dân, lại có lãnh đạo tập trung, thống nhất từ Trung ương đến tất cả các địa phương trong cả nước. Đó là yếu tố vô cùng quan trọng.
 
Một khía cạnh rất quan trọng của hệ thống lãnh đạo là tính dân chủ. Sự lãnh đạo của Đảng trong suốt thời kì kháng chiến không cứng nhắc, không đơn thuần chỉ là những mệnh lệnh truyền từ trên xuống dưới, mà còn là sự đúc kết kịp thời những tình hình và kinh nghiệm của các cơ sở, để từng bước hoàn thiện chiến lược và chiến thuật của hàng loạt chủ trương chính sách về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…
 
Nói đến sự lãnh đạo tập trung, thống nhất và dân chủ của lãnh đạo kháng chiến, không thể không kể đến một yếu tố vô cùng quan trọng là vai trò và uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là ngọn hải đăng tỏa sáng từ núi rừng Việt Bắc đến khắp các đô thị, đến các xóm làng và đi sâu vào tận các bưng biền miền Nam. Những lời tuyên bố của Bác rằng “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”, rằng “Nam Bộ là thành đồng của Tổ quốc Việt Nam”, những lời kêu gọi của Bác hãy “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, những lời dạy của Bác về “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, “kháng chiến về cả kinh tế, văn hóa”, “vừa học vừa làm”, “sửa đổi lề lối làm việc”, “lấy dân làm gốc”, đã tạo nên những sức mạnh thần kì, đã giúp cho một đội quân kháng chiến tuy yếu về súng đạn, tuy nghèo về tiền bạc, tuy kém về kinh nghiệm…, nhưng từng bước tiến lên, cuối cùng vượt trội kẻ thù và giành thắng lợi cuối cùng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #111 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2012, 06:57:24 am »

8. Cán bộ
 
Đúng như một trong những nguyên lí của cách mạng đã khẳng định; Cán bộ quyết định tất cả. Qua thực tiễn kháng chiến của Tây Nam Bộ, càng thấy rõ nguyên lí này. Đương nhiên sức mạnh của kháng chiến là sức mạnh của toàn dân, của mọi tầng lớp nhân dân. Nhưng sức mạnh đó chỉ biến thành hiện thực nếu có sự lãnh đạo sáng suốt của một đội ngũ cán bộ biết dẫn dắt lực lượng đó đi theo một chiến lược, một đường lối đúng đắn. Thực tế của Nam Bộ cũng cho thấy: Lúc nào, nơi nào cán bộ mắc sai lầm, hoặc tả khuynh, hoặc hữu khuynh, hoặc mất đoàn kết, hoặc xa rời chủ trương, đường lối chung, xa rời quần chúng… thì thất bại là điều khó tránh. Rồi chính từ những thất bại đó, với đường lối đúng, với những cán bộ có tài, có đức, có đủ kinh nghiệm và tâm huyết trong công tác, biết nhìn nhận sai lầm và kịp thời sửa chữa thì lại chuyển bại thành thắng.
 
Trước Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 cũng như khi bắt đầu kháng chiến, Đảng bộ ở các tỉnh Tây Nam Bộ có rất ít đảng viên, phải điều chuyển đảng viên những vùng trắng, xã trắng. Nhờ đón rước kịp thời những đoàn tù chính trị từ Côn Đảo về Đại Ngãi - Sóc Trăng ngày 23-9-1945, Đảng bộ Tây Nam Bộ được bổ sung một số đông cán bộ cốt cán. Những cán bộ, đảng viên lâu năm như: Phan Trọng Tuệ, Võ Quang Anh, Nguyễn Xuân Hoàng, v.v… đã góp nhiều công sức trong việc mở trường Quân chính đào tạo cán bộ quân sự và làm nòng cốt ở các cơ quan Quân khu 9.
 
Nhờ Hiệp định sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9 tạo thêm thời gian hòa hoãn giữa ta và địch, Đảng bộ các tỉnh đã điều chuyển cán bộ trở về địa phương gây dựng và phát triển cơ sở. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ ngày 19-12-1946, Nam Bộ càng ngày càng thấm nhuần tư tưởng kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh của Trung ương. Đặc biệt là từ Đại hội đại biểu Đảng bộ Nam Bộ lần thứ nhất (mà cũng là lần duy nhất ở Nam Bộ) tháng 12-1947, với vai trò của Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, đã thống nhất được sự lãnh đạo của Đảng trên toàn chiến trường Nam Bộ, nên đã đẩy mạnh phong trào kháng chiến lên những bước khả quan.
 
Đảng bộ Tây Nam Bộ mở được nhiều lớp Mácxít, đào tạo và bồi dưỡng được nhiều cán bộ Đảng, quân đội, đoàn thể làm nòng cốt cho các địa phương. Tuy nhiên, do buổi đầu phát triển Đảng thiếu thận trọng, nên có bị “sảm” một số người không đủ tiêu chuẩn vào Đảng. Số này lần lượt phân hóa, cầu an, bỏ cuộc, thậm chí thoái hóa biến chất và đã sớm bị đào thải.

Thi hành chủ trương của Trung ương và Xứ ủy, các Đảng bộ miền Tây có thời gian tạm ngưng phát triển Đảng và tiến hành chỉnh huấn, chỉnh quân, học tập chính trị, phê bình và tự phê bình. Qua các đợt học tập, chỉnh huấn sức mạnh chiến đấu và chất lượng của các Đảng bộ được nâng lên rõ rệt.

Xứ ủy và Trung ương Cục còn mở các trường Đảng trung, cao cấp Trường Chinh và trường Nguyễn Văn Cừ bồi dưỡng cho cán bộ sơ, trung cấp ngay ở vùng căn cứ Tây Nam Bộ, bổ sung cho Đảng nhiều cán bộ nòng cốt. Chính nhờ đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Trung ương, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo, chỉ đạo ngày càng sâu sát của Xứ ủy và sau đó là của Trung ương Cục miền Nam, nhờ hành động tiên phong gương mẫu của đảng viên trên khắp các mặt trận mà uy tín của Đảng ngày càng được nâng cao, lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của cuộc kháng chiến càng bền vững.

Tất cả những vấn đền nêu trên đều là những yếu tố cơ bản, những bài học sâu sắc giúp cho Đảng bộ và quân dân Tây Nam Bộ hoàn thành nhiệm vụ của mình, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến. Đồng thời cũng là những tiền đề cho đường lối, phương châm trong thời kì nối tiếp của sự nghiệp cách mạng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

9. Nghĩa vụ quốc tế

Một trong những ưu điểm của cuộc kháng chiến Việt Nam nói chung và kháng chiến ở Nam Bộ nói riêng là tinh thần quốc tế rất cao. Ngay từ khi mở đầu cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, tính chất quốc tế đó đã được thể hiện rất rõ. Nhiều đoàn cán bộ của Nam Bộ, trong đó có Tây Nam Bộ đã được cử sang Thái Lan, Campuchia để phối hợp với các nước anh em, tìm kiếm sự giúp đỡ đối với kháng chiến Việt Nam. Những đoàn thuyền do Bông Văn Dĩa tổ chức đã chở nhiều vũ khí và phương tiện kĩ thuật từ Thái Lan về. Những chiến sĩ trong Tiểu đoàn Cửu Long được xây dựng từ trên đất Thái Lan về nước và có những đóng góp tích cực cho cuộc kháng chiến.

Những khu căn cứ kháng chiến ở Nam Bộ cũng tiếp đón nhiều nhà báo, nhà văn hóa, chính khách quốc tế, tạo điều kiện cho họ tìm hiểu cuộc kháng chiến Việt Nam, hiểu hết về sức mạnh của dân tộc Việt Nam, và đến lượt họ lại góp phần tích cực tuyên truyền trên trường quốc tế cho Việt Nam. Trong số này có thể kể đến các sử học Pháp Philippe Deville, George Boudarel…

Việc giúp đỡ bạn Campuchia được Đảng bộ và quân dân ta coi là một nhiệm vụ quan trọng, bởi chiến trường Tây Nam Bộ giáp với chiến trường Tây Nam Campuchia. Thanh niên ở các địa phương, trong đó có đông đảo thanh niên người Khơme ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu… đã gia nhập vào quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Vùng đất giáp biên giới (Long Châu Hà) là nơi từng nuôi chứa lực lượng cách mạng của Campuchia và của Nam Bộ. Nhiều trận đánh có sự phối hợp giữa Vệ quốc đoàn và bộ đội Issarak trên đất ta cũng như đất bạn. Ủy ban Dân tộc Giải phóng Trung ương Campuchia do Chủ tịch Sơn Ngọc Minh đứng đầu đã nhiều lần cử phái đoàn qua trao đổi, học tập kinh nghiệm với các tỉnh Bạc Liêu, Rạch Giá, Sóc Trăng… Tình nghĩa giữa ta và bạn thắm thiết trong suốt 9 năm chống Pháp.



Chủ tịch Phạm Văn Bạch (thứ 2 từ trái sang), Sơn Ngọc Minh (thứ 3 từ trái sang) tiếp
phái đoàn Campuchia tại Khu IX (ảnh lưu trữ tại gia đình ông Mười Phi (Nguyễn Văn Phi))

*
*   *

Toàn bộ những thành tích, những đặc điểm cơ bản nổi bật trên đây là những vốn quý, những hành trang để Đảng bộ và quân dân Tây Nam Bộ bước vào thời kì mới. Thời kì kháng chiến chống Mĩ xâm lược thống nhất đất nước 1954-1975.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #112 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2012, 06:57:59 am »

Phụ lục 1

MỘT SỐ KHUÔN MẶT TIÊU BIỂU CỦA MIỀN TÂY NAM BỘ
THỜI KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP

Cách mạng và kháng chiến là sự nghiệp chung của hàng triệu và hàng triệu con người. Sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cuốn hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, không phân biệt Bắc, Trung, Nam, già trẻ, trai gái, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, nghề nghiệp… cho sự nghiệp giành lại độc lập, tự do, hạnh phúc. Hơn bao giờ hết Cách mạng Tháng Tám và tiếp đó là cuộc kháng chiến thần thánh đã thể hiện rõ nhất một quy luật lớn trong lịch sử Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng.

Trong cách mạng và kháng chiến chống Pháp, giữa hàng triệu và hàng triệu quần chúng ở Tây Nam Bộ, đã nổi bật lên nhiều gương mặt tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, sự dấn thân, trí thông minh, gan dạ, tài năng, sáng kiến, những thành tích xuất sắc góp vào sự nghiệp chung. Bởi vậy, các tác giả thấy cần thiết phải liệt kê ở đây những khuôn mặt tiêu biểu trong sự nghiệp chung đó.

Việc đó là cần thiết, nhưng hoàn toàn không dễ dàng. Khó khăn này có nhiều lí do: Trong sự nghiệp chiến tranh và cách mạng rộng lớn và vô cùng phong phú đó, rất nhiều nhân vật có những đóng góp to lớn, nhưng vì hoàn cảnh bất thường của thời chiến, không để lại dấu tích gì cụ thể, do đó rất khó có thể liệt kê đầy đủ một danh sách những khuôn mặt xứng đáng được ghi nhận trong lịch sử. Có thể có những anh hùng vô danh không để lại dấu tích gì trong tài liệu cũng như trong những kí ức của người đương thời, do đó vẫn chưa được lịch sử biết đến. Vì thế, bảng danh sách của chúng tôi trình bày dưới đây, ngoài ý nghĩa vinh danh những người đã biết, cũng là một cách để nhắn gửi tới tất cả bạn đọc xa gần phát hiện và bổ sung…

Sau khi bàn bạc trong tập thể tác giả và tham vấn ý kiến của các bậc lão thành, chúng tôi xác định khuôn khổ lựa chọn trong danh sách này chỉ có những người: 1. Xuất thân từ miền Tây, nhưng đi hoạt động ở những nơi khác. 2. Những người tuy không xuất thân ở miền Tây, nhưng đã sống và hoạt động trong bộ máy cách mạng và kháng chiến của miền Tây trong thời gian này.

Họ là những đứa con ở nhiều miền của Tổ quốc Việt Nam đã được gửi tới miền Tây tham gia vào sự nghiệp cách mạng và kháng chiến tại đây và hoàn toàn xứng đáng được coi là những đứa con yêu quý của miền Tây.

Danh sách: MỘT SỐ KHUÔN MẶT TIÊU BIỂU CỦA MIỀN TÂY NAM BỘ
TRONG THỜI KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP

1. Võ Quang Anh

2. Nguyễn Ngọc Bạch

3. Phạm Văn Bạch

4. Hồ Thành Biên

5. Vương Nhị Chi

6. Phan Văn Chương

7. Trần Bội Cơ

8. Tám Danh

9. Huỳnh Ngọc Diệp

10. Ba Du

11. Hoàng Đình Giông

12. Huỳnh Phan Hộ

13. Nguyễn Văn Hưởng

14. Lê Văn Huấn

15. Ngô Thị Huệ

16. Phạm Hùng

17. Ung Văn Khiêm

18. Lưu Văn Lang

19. Huỳnh Thiên Lộc

20. Nguyễn Thị Lựu

21. Triệu Công Minh

22. Nguyễn Việt Nam

23. Trần Đại Nghĩa

24. Nguyễn Ngọc Nhựt

25. Cao Triều Phát

26. Nguyễn Hùng Phước

27. Lưu Hữu Phước

28. Nguyễn Thiện Thành

29. Nguyễn Văn Thủ

30. Tào Văn Tị

31. Sơn Ton

32. Võ Thành Trinh

33. Đặng Văn Trữ

34. Trương Công Trung

35. Phan Trọng Tuệ

36. Quách Vũ
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #113 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2012, 06:58:34 am »

VÕ QUANG ANH
(1923)

Võ Quang Anh (tên thật là Đặng Ngọc Trác), sinh ngày 5-7-1923, tại xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Ông nguyên là cán bộ hoạt động cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa,. Ông bị thực dân Pháp bắt và đưa đi đày ở Sơn La rồi sau đó đưa ra Côn Đảo.

Ngày 22-12-1945, hàng trăm tù chính trị ở Côn Đảo được đón về đất liền và tiếp tục tham gia kháng chiến. Ông được phân công nhiệm vụ đào tạo cán bộ quân sự cho Ủy ban Kháng chiến Hậu Giang gồm 11 tỉnh.

Ông mở lớp huấn luyện đầu tiên tại xóm Chài, thị xã Cần Thơ, học viên gồm hơn hai chục người. Ông tự thảo ra các bài tập về công tác cơ bản. Sau đó ông được bổ nhiệm làm Giám đốc trường Quân chính của Ủy ban Kháng chiến Hậu Giang (lúc đó trường có tên là trường Quân chính Quang Trung).

Khóa đầu tiên của trường tổ chức tại đồn điền Phú Lộc, tỉnh Sóc Trăng. Ở khóa này, một mình ông tham gia giảng dạy từ cơ bản đến tập luyện tiểu đội, trung đội chiến đấu. Ông biên soạn thành bài giảng về công tác hành tiến, công tác phá hoại, công tác do thám, liên lạc…

Khóa hai được mở ở Thoại Sơn, tỉnh Long Xuyên.

Đầu năm 1946, ông được bổ nhiệm làm phái viên của Chánh trị Bộ Chủ nhiệm Khu bên cạnh Khu bộ phó ở Mặt trận An Biên - Cái Tàu.

Ngày 5-7-1946, ông được Khu ủy Khu 9 phân công làm Tham mưu trưởng Quân khu bên cạnh Khu trưởng Vũ Văn Đức.

Cuối năm 1946, Trường Quân chính Quang Trung được mở lại, gồm các khóa: Khóa Quyết chiến ở Sóc Trăng, khóa Quyết thắng ở Cây Bàng - Rạch Giá, khóa Cửu Long ở Khai Long - Cà Mau.

Tháng 6-1947, ông được Bộ tư lệnh điều trở lại làm Tham mưu trưởng, kiêm Hiệu trưởng trường Quân chính Quang Trung.

Ông là một cán bộ cấp cao gắn bó với cuộc kháng chiến ở Quân khu 9. Ông là Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân khu 9, rồi Bí thư Quân khu ủy, Phó Tư lệnh Quân khu. Ông đã nghiên cứu và tổ chức chỉ huy các trận chiến lớn như trận Tầm Vu lần thứ 4 (4-1948), trận Sóc Xoài trên đường Rạch Giá - Hà Tiên.

Công lao lớn nhất của ông òa tổ chức, huấn luyện và đao tạo cán bộ cho Quân khu từ những ngày đầu xây dựng lực lượng quân sự, lực lượng vũ trang.

Tính cương quyết, lòng nhân ái, giản dị và sự tận tình của ông trong quá trình giảng dạy đã tác động mạnh mẽ đến các lớp học sinh quân.

NGUYỄN NGỌC BẠCH
(1922-1985)

Nguyễn Ngọc Bạch, sinh năm 1922, tại làng Mĩ Hiệp, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên (nay là An Giang).

Tháng 9-1945, ông là thầy giáo trường tiểu học Cái Răng, ông được tỉnh giao nhiệm vụ thành lập đoàn kịch Cứu quốc.

Về nhà xin phép cha, cha nói: tía xem đời Cụ Hồ chẳng khác nào Đức Thích Ca. Cụ là người như vậy mà Cụ cho hát chắc là có ý nghĩa trào Tây, hát là “xướng ca vô loài”. Bấy giờ hát “Cứu quốc”. Tía đồng ý cho con đi hát (tự thuật).

Nguyễn Ngọc Bạch cùng với đội ngũ nghệ sĩ mới tập hợp, vừa diễn, vừa dàn dựng, sáng tác của chính ông như vở kịch “Hai con đường”, rồi kịch thơ của Hữu Vinh “Nợ Mê Linh”. Năm 1946, trên đường lưu diễn, ông đã sáng tác 2 ca khúc “Cương quyết ra đi”“Nguồn sống mới”. Bài hát “Cương quyết ra đi” được giải thưởng của báo Tiếng súng kháng địch (Khu 9), ông Bạch nói thật lòng: Đó là lời hứa của tôi, vì tôi đã có vợ rồi… đã dừng bịn rịn trở về nhà, mà phải cương quyết ra đi.

Khi bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng (người anh thứ 3 của ông) làm Giám đốc Sở y tế Quân dân y Nam Bộ, đưa ông về làm Phó phòng Dịch tễ vệ sinh, ông năn nỉ, đứng bắt ông ở lại tỉnh công tác. Rốt cuộc Sở cho thành lập Đoàn truyền bá vệ sinh để ông mang đoàn đi hoạt động suốt dải đất miền Tây Nam Bộ.

Sau đó, ông làm Trưởng đoàn văn nghệ lưu động (Sở thông tin Nam Bộ) rồi đoàn Ca kịch Cửu Long (Chi hội văn nghệ Nam Bộ). Ông để lại cho khán giả vùng U Minh một ấn tượng sâu sắc về một Dương Bạch Lao (do ông thủ vai) cha của Bạch Mao Nữ (Phi Nga đóng) và Huỳnh Thế Nhân (Can Trường đóng) tên địa chủ gian ác.

Cùng với Đoàn văn công nhân dân Nam Bộ (tổng hợp) tập kết ra Bắc, Nguyễn Ngọc Bạch, Tám Danh, Nguyễn Ngọc Thạch, Tám Củi… xây dựng một đoàn cải lương Nam Bộ bề thế, lần lượt các vở diễn ra đời trên san khấu ca kịch quy mô:

- Máu thắm Đồng Nọc Nạn (Phạm Ngọc Truyền, giải nhất Hội diễn 1958, đạo diễn Tám Danh, Ngọc Bạch).

- Nàng tiên Mẫu đơn (Chi Lăng đạo diễn, Tám Danh, Ngọc Bạch).

- Người con gái Đất Đỏ (Tám Danh, Ngọc Bạch, Ngô Y Linh đạo diễn).

- Bên dòng sông Nhật Lệ (Huy chương vàng, Nguyễn Ngọc Bạch, Thành Y đạo diễn), v.v…

Năm 1969, trong thời gian diễn ra Hội nghị Pari, ông đưa đoàn sang Pháp biểu diễn phục vụ Kiều bào.

Năm 1971, ông làm Trưởng đoàn kịch nói Nam Bộ, theo chân phục vụ bộ đội Tây Trường Sơn, rồi cũng có mặt tại Sài Gòn ngày giải phóng (30-4-1975).

Một thời gian sau, đoàn kịch đổi tên Đoàn kịch Cửu Long Giang với dàn diễn viên trẻ mới bổ sung.

Cũng trong thời gian này, kịch mục của đoàn do ông chỉ đạo, ngoài những vở ngoài miền Bắc đem vào: Người ven đô, Chuông đồng hồ điện Kremli, Hòn đảo thần vệ nữ… có thêm một loạt vở mới trình diễn trên sân khấu thành phố Hồ Chí Minh: Bông hồng trắng, Màu giấy mới, Duyên dáng Cu Ba

Nhận nhiệm vụ Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là Phó Tổng thư kí Hội sân khẩu, thời gian gần 2 năm, giới nghệ sĩ thành phố công nhận: “Ông Bạch lăn lóc thực tế với các đoàn” tạo ra một sự thay đổi về chất trong sinh hoạt tổ chức cũng như chuyên môn.

Ông bị bịnh bại liệt trong vòng 3 tháng và mất ngày 01-10-1985 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #114 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2012, 06:58:58 am »

PHẠM VĂN BẠCH
(1910-1987)

Phạm Văn Bạch, sinh ngày 18-06-1910, tại xã Khánh Lạc, tỉnh Trà Vinh.

Ông du học tại Pháp, đậu tiến sĩ luật và cử nhân văn học.

Năm 1936, ông về nước dạy học tại Trường Trung học Cần thơ (College de Cantho). Tại đây ông bắt liên lạc với một số đồng chí cộng sản và bắt đầu hoạt động yêu nước và cách mạng.

Khi còn ở Pháp, ông hoạt động trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Pháp, đã từng nghiên cứu và tranh luận trên diễn đàn để bảo vệ chủ nghĩa Mác và ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân Nam Bộ, có thời gian làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam Việt Nam, sau đó là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ.

Ông tập kết ra Bắc làm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Là luật sư, ông Phạm Văn Bạch đã cùng nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới như: Léo Bano (Ý), Jean Paul Sarte (Pháp), Malarassao (Pháp)… thiết lập Tòa án B. Russell xử tội diệt chủng chống hòa bình và chống nhân loại của Mĩ ở Việt Nam.

Những bản cáo trạng của ông tại phiên họp của Tòa án B.Russell đã gây tiếng vang mạnh mẽ trong dư luận quốc tế.

Ngày 8-3-1987, ông mất tại thành phố Hồ Chí Minh.

HỒ THÀNH BIÊN
(1890-1976)

Linh mục Hồ Thành Biên, sinh ngày 09-10-1890 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc TP. Cần Thơ).

Thi tốt nghiệp tiểu học xong, năm 1902, ông vào học Tiểu Chủng viện Cù Lao Giêng. Năm 1921, ông vào học Đại chủng viện Phnom Penh (Campuchia).

Ngày 21-9-1921, thầy Hồ Thành Biên được phong Linh mục tại Tòa Giám mục Phnôm Pênh. Sau đó ông về phục vụ các họ đạo Trà Lòng, Hòa Hưng (Rạch Giá), Mĩ Luông, Trà Lọc (Soài Riêng - Campuchia). Năm 1934 ông đến họ đạo Sa Keo (Sóc Trăng).

Vốn xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, mồ côi cha từ lúc 9 tháng tuổi, Linh mục Hồ Thành Biên có lối sống giản dị, gần gũi người nghèo, tận tình chăm sóc giúp đỡ họ. Ông có nhiều suy tư về thân phận của người Công giáo Việt Nam nghèo khổ dưới ách nô lệ của thực dân Pháp.

Khi Linh mục Hồ Thành Biên về họ đạo Sa Keo, làm Phó xứ phụ tá cho Chánh xứ người Đức Kơle (Keller), ông thấy rõ sự bất bình đẳng, thậm chí khinh miệt giữa Linh mục Chánh xứ người Pháp (và châu Âu) với Linh mục người Việt Nam. Tính tự trọng dân tộc, lòng yêu nước trong người ông được khơi dậy từ đó. Ông đã nhận ra con đường người Linh mục phải đi là con đường giải phóng quê hương và đã hướng dẫn giáo dân tham gia Khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 tại Sa Keo, xã Tuân Túc và họ đạo Nhu Gia, huyện Châu Thành và Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Sau đó ông ra bưng biền kháng chiến.

Năm 1948, Linh mục Hồ Thành Biên là Hội trưởng Công giáo kháng chiến tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Sóc Trăng, Phó Hội trưởng Công giáo kháng chiến Nam Bộ. Ông là Linh mục sáng lập tổ chức Hội Công giáo kháng chiến Nam Bộ cùng với các vị khác như Linh mục Võ Thành Trinh, Trần Quang Nghiêm, Nguyễn Hiếu Lễ… Ông đã khẳng định con đường “Vì Thiên chúa và Tổ quốc”. Con đường giải phóng quê hương “bằng hành động không tuân lệnh bề trên”, khi Giám mục Sabatê Tòa Giám mục Phnôm Pênh gửi thư buộc ông phải bỏ bưng biền trở về thành, nêu không sẽ bị “rút phép thông công”.

Trong thư trả lời cho Tòa Giám mục Phnôm Pênh, ông nêu rõ công việc của ông cũng như những vị Linh mục khác đang làm là để phục vụ Tổ quốc, cùng lúc phục vụ Thiên Chúa, không bao giờ bỏ đạo. Như thế trước Thiên Chúa và dân tộc ông không có lỗi gì cả…

Ngày 19-9-1954, Linh mục Hồ Thành Biên cùng với Linh mục Võ Thành Trinh, Trần Quang Nghiêm tập kết ra Bắc, theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin các Linh mục ra giúp giáo dân miền Bắc, ở những nơi không có người giúp đỡ về tôn giáo.

Những năm ở miền Bắc, Linh mục Hồ Thành Biên tham gia phong trào Công giáo xây dựng chủ nghĩa xã hội và công cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước. Ông giữ các chức vụ: Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban liên lạc Công giáo toàn quốc, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa 2, 3, 4, Ủy viên Trung ương Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên đoàn kết nhân dân Á - Phi của Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Hội đồng bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam.

Ngày 19-9-1975, ông cùng các linh mục tập kết trở về miền Nam. Một năm sau, ngày 19-8-1976 ông qua đời tại thành phố Hồ Chí Minh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #115 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2012, 06:59:38 am »

VƯƠNG NHỊ CHI
(1913-1991)

Vương Nhị Chi tên thật là Nguyễn Ngọc Trản, là thương binh chống Pháp hạng 1/6, loại đặc biệt (cụt 2 tay), đã suốt đời phấn đấu hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nguyễn Ngọc Trản sinh ngày 13-01-1913 tại Triệu Phong, Quảng Trị. Lúc nhỏ học trường Bách Nghệ Đà Nẵng, tham gia phong trào học sinh, sinh viên, tham gia Hội Ái hữu, hoạt động trong phong trào Đông Dương Đại hội. Được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939, là Bí thư chi bộ Đoạn đầu máy xe lửa Đà Nẵng.

Năm 1941, Nguyễn Ngọc Trản bị giặc Pháp bắt ở Đà Nẵng. Tòa án quân sự tối cao của Pháp ở Hà Nội kết án ông 20 năm tù khổ sai, 20 năm biệt xứ. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Nguyễn Ngọc Trản được giải thoát khỏi nhà thù đế quốc.

Vừa ra khỏi nhà tù, tháng 9-1945, ông nhận nhiệm vụ Quản đốc Công binh xưởng tỉnh Rạch Giá, ngày đêm sản xuất vũ khí phục vụ cuộc kháng chiến ở Nam Bộ đến năm 1946. Trong thời gian này, ông bị tai nạn nổ hóa chất cụt cả 2 cánh tay (một cánh cụt 1/3, một cánh cụt 1/2). Thương tích đầy mình nhưng ông có nghị lực phi thường, vợt qua tất cả đau đớn, thương tật để tiếp tục làm việc.

Năm 1947 - 1950, ông được chuyển qua làm Giám đốc trường Đảng Khu ủy Khu 9 với cái tên Vương Nhị Chi, Ủy viên Thường vụ Khu 9, phụ trách Trưởng ban Tuyên huấn Khu ủy, đến đầu năm 1950 làm Bí thư Khu ủy Khu 9.

Từ năm 1951 - 1954, Nguyễn Ngọc Trản trở lại ngành quân giới, giữ nhiệm vụ Giám đốc Phòng Quân giới miền Tây Nam Bộ, Phó Giám đốc Phòng Quân giới Nam Bộ, Bí thư Phân ban Công vận Trung ương Cục miền Nam.

Tập kết ra Bắc, ông phụ trách trường cán bộ miền Nam tập kết ở Chàm vào cuối năm 1954. Từ năm 1955 - 1961, ông làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng kĩ thuật, Ủy viên Đảng đoàn Bộ Công nghiệp, năm 1961 - 1963, làm Vụ trưởng Vụ kĩ thuật Bộ Công nghiệp nặng, năm 1964 - 1967 làm Phó ban Công nghiệp Trung ương.

Năm 1978, nghỉ hưu. Ông mất ngày 10-03-1991 tại Hà Nội.

PHAN VĂN CHƯƠNG
(1892-1985)

Ông Phan Văn Chương sinh năm 1892 tại thị xã Vĩnh Long.

Năm 1912, ông tốt nghiệp trường Chasse Loup Laubat với hạng ưu. Bắt đầu làm việc tại Dinh phó soái Nam Kì. Sau đó ông kinh qua chức vụ chủ quận ở nhiều nơi: Sóc Trăng, Cần Giuộc, Tân Uyên. Đến năm 1947, ông được phong hàm Đốc phủ sứ và được bổ nhiệm làm Đô trưởng Sài Gòn - Chợ Lớn.

Nhưng được một thời gian, theo tiếng gọi của lương tâm và tinh thần yêu nước, ông vào khu giải phóng miền Tây Nam Bộ tham gia cách mạng. Ông bỏ lại tất cả, khẳng định phẩm giá con người, trong bức thư gửi lại cho Pháp:

“… Người Pháp từng bị mất nước trong thế chiến, chắc chắn đã hiểu rõ thế nào là cái nhục mất nước. Tự do của một quốc gia phải được giành lại bằng máu của biết bao người… Để giành lại tự do cho đất nước, chỉ có kháng chiến và phải kháng chiến. Tôi hi vọng sẽ gặp lại các ông vào một ngày gần đây với tư thế khác”. Trước khi ra đi, ông để lại sổ sách tài chính không thiếu một xu.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông từng giữ các chức vụ quan trọng: Cố vấn Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Rạch Giá, Giám đốc Sở Ngân khố Nam Bộ, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ngày 3-6-1985, ông mất tại thành phố Hồ Chí Minh, thọ 93 tuổi.

Ông Phan Văn Chương là một nhân sĩ yêu nước, đã thu hút được sự ngưỡng mộ của đồng bào Nam Bộ, nhất là đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #116 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2012, 06:57:10 am »

TRẦN BỘI CƠ
(1932-1950)

Trần Bội Cơ dân tộc Hoa, sinh năm 1932, quê huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Khi hi sinh chị là nữ hội viên Hội học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn.

Năm 1946, Trần Bội Cơ học tại trường trung học Nảnh Kiến do một số nhà tư sản người Hoa thành lập. Chị đã tích cực tham gia các hoạt động phản đối thực dân Pháp, ủng hộ Việt Minh. Chị đã viết hàng loạt bài báo tường kêu gọi các bạn học sinh phải đứng lên dưới ngọn cờ Việt Minh, ủng hộ cuộc kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Năm 1949, Trần Bội Cơ tham gia ban lãnh đạo học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn phản đối Quốc trưởng bù nhìn Bảo Đại. Chị đã viết bài, tổ chức rải truyền đơn tuyên truyền, vận động học sinh người Hoa hưởng ứng lời kêu gọi học sinh, sinh viên phản đối thực dân Pháp và chính quyền bù nhìn Sài Gòn vô cớ bắt giam học sinh, kêu gọi học sinh người Hoa xuống đường sát cánh với học sinh người Việt tổ chức đưa tang Trần Văn Ơn. Bất chấp mọi sự ngăn cấm và nguy hiểm, ngày 6-5-1950, Trần Bội Cơ đã tổ chức buổi hội thảo ngay tại trường Phước Đức phản đối âm mưu đóng cửa các lớp trung học, giải thể học sinh nội trú, vạch mặt bọn mật thám tay sai của thực dân Pháp. Cảnh sát vây ráp cổng trường, dùng dùi cui đánh đập các học sinh dự hội thảo. Bọn ác ôn xông vào bắt trói và đưa chị lên xe bịt kín cùng với hàng trăm học sinh, sinh viên khác. Chúng tra tấn chị hết sức dã man. Trần Bội Cơ đã nhận hết mọi trách nhiệm về mình, yêu cầu chúng thả hết các bạn học sinh khác cũng bị bắt. Chị đã bị địch tra tấn cho đến chết. Ngày 12-5-1950, chị đã trút hơi thở cuối cùng, khi mới 18 tuổi.

Ngày 22-03-2000, Trần Bội Cơ được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

TÁM DANH
(1901-1976)

Nghệ sĩ nhân dân Tám Danh, tức Nguyễn Phong Danh, sinh năm 1901 tại huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ.

Tám Danh là nghệ sĩ cùng thời với Năm Châu, Ba Văn, Hai Giỏi, Bảy Nhiêu, Ba Du, Tư Chơi, Tư Út, Ngọc Thạch, Nam Phí, Phùng Há, Bảy Nam, Kim Cúc, Kim Thoa…

Tám Danh là người đầu tiên nổi tiếng về giáo trình ứng dụng võ thuật cổ truyền vào sân khấu cải lương Nam Bộ.

Tám Danh hoạt động biểu diễn khá lâu trong đoàn cải lương Phước Cương. Lần đoàn Phước Cương sang Pháp biểu diễn, Tám Danh đã thành công lớn với vai “nghiền” trong vở Tứ đổ tường cùng với cô Năm Phỉ, vai Vương Tư Đồ trong vở Phụng Nghi Đình. Mỗi lần diễn xong vở chính, Tám Danh còn ra sân khấu độc diễn võ thuật, trước tiên đi đường quyền võ thuật cổ truyền, tiếp theo đi một điệu múa biến thể trên căn bản võ cổ truyền, được cả Việt kiều và người Pháp nhiệt liệt hoan nghênh.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Tám Danh tham gia kháng chiến ở Cần Thơ, làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã Trường Long, huyện Ô Môn, sau đó lên Đồng Tháp Mười. Năm 1952, Tám Danh trở về chiến trường miền Tây làm cố vấn và chỉ đạo nghệ thuật cho đoàn ca kịch Cửu Long (của Nam Bộ).

20 năm sống tại Hà Nội, Tám Danh đã đóng góp nhiều cho nghệ thuật sân khấu cải lương. Nghệ sĩ nhân dân Tám Danh là người nhớ và đọc lại lời kịch và lời ca của vở Phụng Nghi Đình, đúng như nguyên bản (Trường nghệ thuật sân khẩu cải lương của ta lấy vở này làm bài mẫu để dạy cho các học viên). Tám Danh cùng Ban nghiên cứu cải lương của Bộ Văn hóa đã đào tạo nhiều lớp diên viên mới đầy tài năng.

Tám Danh là người nghệ sĩ đầu tiên được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa I và II.

Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tám Danh trở về thành phố Hồ Chí Minh và mất vào năm 1976.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #117 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2012, 06:57:28 am »

HUỲNH NGỌC DIỆP
(1910-1952)

Ông Huỳnh Ngọc Diệp sinh ngày 1-6-1910 tại xã Tân Ân, huyện Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu (nay thuộc xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau).

Ông tham gia Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại quê nhà. Sau Cách mạng Thang Tám, ông được cử giữ chức ủy viên quân sự xã Tân Ân. Để đối phó với thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, ông có sáng kiến sử dụng các kíp nổ (từ các tàu chiến bị chìm trong Chiến tranh thế giới thứ hai) để chế tạo thủy lôi đơn giản mà hiệu quả.

Ông cho dân quân thu gom hết thủy lôi trên biển trôi dạt vào bờ, tập trung lại ở một địa điểm xa khu dân cư. Ông tự tay tháo gỡ, trộn lại thuốc nổ theo một tỉ lệ hợp lí và đặt kíp nổ dùng dây giật kích nổ, sau này dùng hộp điện bấm để kích nổ.

Loại vũ khí do ông sáng tạo ra đã được dùng để đánh tàu địch thành công. Một đơn vị chuyên trách có tên “bộ đội thủy lôi” được thành lập. Ông được cử làm Chỉ huy trưởng của đơn vị này.

Trong hai năm (1946 - 1947), bộ đội thủy lôi dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông đã đánh chìm nhiều tàu chiến của Pháp (như Mương Điều, Mây Đốc, Ghềnh Hào, Dáng Ngựa…), gây cho địch nhiều thiệt hại về người và vật chất, hoảng loạn về tinh thần, buộc phải rút nhiều đồn, bốt, co cụm vào các thị xã. Ta đã hình thành một vùng giải phóng rộng lớn ở hầu hết các xã, huyện, nông thôn của tỉnh Bạc Liêu. Chiến thuật đánh thủy lôi được mở rộng ra các tỉnh lân cận như Rạch Giá, Sóc Trăng, Cần Thơ…

Cuối năm 1947, ông được điều động vè làm Giám đốc Dân quân xưởng tỉnh Bạc Liêu. Với những kinh nghiệm tích lũy được, ông đã cùng các cán bộ kĩ thuật và công nhân binh công xưởng chế tạo ra nhiều vũ khí cung cấp cho bộ đội ở chiến trường đánh giặc.

Ngày 5-4-1952, trong chuyến đi công tác ra vùng bị tạm chiếm tại xã Vĩnh Mĩ, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu để vận chuyển nguyên liệu về binh công xưởng chế tạo vũ khí, ông bị địch phát hiện, bao vây truy bắt. Một mình một súng lục, ông vừa rút lui, vừa chống trả, diệt một số lính địch và ông đã anh dũng hi sinh.

BA DU
(1903-1980)

Nghệ sĩ nhân dân Ba Du tên thật là Phan Văn Hai, sinh năm 1903, quê ở xã Chánh Hiệp (Vĩnh Long).

Khi còn là học sinh trường College de My Tho, ông đã tập đờn ca tài tử, học võ và sau đó bỏ học đi theo gánh hát. Nhờ theo giáo lễ và nhạc tài tử lúc bấy giờ, nên ông sớm có một căn bản nhạc lí rất chuẩn.

Lần đầu tiên nghệ sĩ Ba Du xuất hiện trong tuồng Lục Vân Tiên của Trương Duy Toản (1920) với những nghệ sĩ nổi tiếng như: cô Hai Cúc, Tư Sang, cô Ba Đắc, Tám Danh… Ông đóng nhiều vai nổi tiếng như Đổng Trác (Phụng Nghi Đình), Mạnh Lương (Mạnh Lương ân nhạn), Tề quân (Thôi tử thi Tề quân), Bá Tử (Tứ đổ tường), Hội đồng Thăng (Đời Cô Lựu), Cha (Tô Ánh Nguyệt).

Trong kháng chiến chống Pháp, ông cùng Tư Xe và Tám Củi đầu quân vào Ban tuyên truyền Phòng Chính trị Khu 8, hình thành bộ 3 chuyên diễn những tiết mục hài xây dựng nội bộ. Chỉ cần một ông cao lêu nghêu (Tư Xe), một ông phục phịch (Ba Du) và một ông vừa nhỏ vừa lùn (Tám Củi) bước ra sân khấu là khán giả đã cười bò.

Năm 1952, Ba Du thuyên chuyển về Khu 9, ráp với Tám Danh, chỉ đạo nghệ thuật Đoàn ca kịch Cửu Long, diễn rất thành công các vở Trần Hưng Đạo bình Nguyên (của Trần Bạch Đằng), Hai bó rơm (U Đa, Ngọc Cung), Bạch Mao nữ

Năm 1955, ông tập kết ra Bắc, về Đoàn cải lương Quân đội (thuộc Cục Chính trị) rồi Ban nghiên cứu sân khấu cải lương thuộc Vụ nghệ thuật sân khấu (Bộ Văn hóa) làm Hiệu phó trường Ca kịch dân tộc.

Suốt thời gian ở miền Bắc, nghệ sĩ nhân dân Ba Du dành nhiều công sức để truyền nghề cho học sinh nghệ thuật ca, xướng, lối và hết lòng giúp đỡ diễn viên đoàn cải lương Nam Bộ: Thanh Vi, Thu Vân (biên đạo múa võ dân tộc), Quang Vân, Xuân Hiếu là những học viên khóa cải lương đầu tiên ở miền Bắc đều thừa nhận rằng bác Ba Du là người thầy dạy ca độc đáo, minh họa nhiều bài bản khó, luôn chuẩn xác.

Nghệ sĩ Nhân dân Ba Du mất tại Hà Nội năm 1980. Trước khi mất 2 tháng, ông thu và băng hết bài bản để làm tài liệu tham khảo cho trường.

Suốt 20 năm trên đất Bắc, 2 nghệ sĩ nhân dân Tám Danh và Ba Du đã có công lớn trong việc xây dựng và phát triển đoàn cải lương Nam Bộ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #118 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2012, 06:57:53 am »

VŨ ĐỨC (tức HOÀNG ĐÌNH GIÔNG)
(1904-1947)

Hoàng Đình Giông, tức Vũ Đức, sinh ngày 1-6-1904, tại làng Thơm Hoáng, xã Hạ Hoàng (nay là xã Đề Thám, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng), người dân tộc Tày.

Lúc nhỏ ông học chữ Hán trường làng. Sau đó ra thị xã Cao Bằng học trường tiểu học Phap - Việt. Bị đánh trượt kì thi tốt nghiệp tiểu học vì có tư tưởng chống “mẫu quốc”.

Năm 1924, ông mở trường tư ở vùng Yên Luật (hiện là xã Xuân Hòa, huyện Hà Quảng, Cao Bằng) dạy học, truyền bá tư tưởng yêu nước. Về Hà Nội xin học trường Bách Nghệ, kết nghĩa với Hoàng Văn Thụ cùng học. Bị đuổi học năm 1926 vì tham gia bãi khóa để tang cụ Phan Chu Trinh.

Tháng 11-1927, ông được vào lớp huấn luyện chính trị của Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Long Châu, Trung Quốc. Mãn lớp ông ở lại Long Châu hoạt động. Tháng 12-1929, ông được kết nạp vào Đảng, làm Bí thư Chi bộ Long Châu cùng với Hoàng Văn Thụ chỉ đạo phong trào cách mạng hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.

Cuối năm 1932, ông về Cao Bằng tổ chức liên lạc xuống miền xuôi, rồi trở qua Long Châu mở nhiều lớp huấn luyện thanh niên trong nước đưa sang.

Đầu năm 1933, ông trở về nước trực tiếp khôi phục cơ sở Hải Phòng, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong Đại hội lân I họp tại Ma Cao (Trung Quốc) tháng 3-1935.

Tháng 2-1936, ông bị bắt tại Hải Phòng và bị kết án 5 năm tù, ở nhà tù Hỏa Lò, Sơn La. Mãn hạn tù ông bị đày qua đảo Mađagaxca.

Tháng 7-1942, quân Anh, Pháp chiếm đảo Mađagaxca.

Tháng 11-1944, chúng thả Hoàng Đình Giông, cùng nhiều tù chính trị về nước. Trung ương Đảng phân công ông trực tiếp chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Cao Bằng.

Ngày 01-10-1945, ông được Bác Hồ và Trung ương Đảng giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng bộ đội Nam Tiến. Lúc này ông đổi tên là Vũ Văn Đức.

Tháng 11-1945, bộ đội Nam Tiến tham gia đánh Pháp ở Mặt trận Sài Gòn - Gia Định.

Tháng 12-1945, Vũ Văn Đức làm Khu bộ trưởng Khu 9 (miền Tây Nam Bộ). Bộ đội và nhân dân miền Tây gọi ông là cụ Vũ Đức thân thương.

Tháng 11-1946, ông được điều động ra Ủy ban kháng chiến miền Nam nhận nhiệm vụ mới. Tháng 1-1947, ông đến Phan Rang (Ninh Thuận) được quyết định làm Khu bộ trưởng Khu 6.

Ngày 17-3-1947, Vũ Đức hi sinh tại mặt trận trong lúc chỉ huy bộ đội chống địch càn quét.

HUỲNH PHAN HỘ
(1911-1947)

Huỳnh Phan Hộ tên thật là Phan Trọng Hộ, sinh năm 1911 tại Bãi Xàu, Sóc Trăng, xuất thân từ gia đình trung lưu.

Năm 1927, học trường trung học Cần Thơ, tham gia phong trào học sinh bãi khóa để tang cụ Phan Chu Trinh.

Trước năm 1945, làm việc cho đồn điền Tây Cờ Đỏ, Cần Thơ, được Ung Văn Khiêm, Xứ ủy viên Nam Kì, Đảng bộ Hậu Giang giác ngộ cách mạng.

Ông bắt đầu hoạt động cách mạng từ năm 1942. Với vị trí hợp pháp của mình, ông tạo điều kiện cho Ung Văn Khiêm và một số đồng chí bám đồn điền hoạt động, khôi phục và gây dựng cơ sở cách mạng sau Nam Kì khởi nghĩa thất bại. Ông được Ung Văn Khiêm kết nạp vào Đảng.

Tháng 8-1945, Huỳnh Phan Hộ tham gia cướp chính quyền ở Cần Thơ. Tháng 9-1945, ông được Đảng giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng Cộng hòa vệ binh Cần Thơ là Ủy viên Ủy ban kháng chiến Hậu Giang, phụ trách mặt trận Cần Thơ, khi giặc Pháp tái chiếm Nam Bộ ông trực tiếp chỉ huy lực lượng võ trang chống Pháp. Năm 1947, ông được Bộ Quốc phòng quyết định điều làm Khu bộ trưởng Khu 9. Một trong những trận đánh nổi tiếng nhất của ông là trận Tầm Vu, tiêu diệt một lực lượng cơ giới quan trọng của địch. Nhạc sĩ Đắc Nhẫn và Quốc Hưng đã sáng tác bản nhạc về Tầm Vu với câu mở đầu: “Hùng thay Tầm Vu! Vang danh oai Huỳnh tướng quân…”.

Tháng 7-1947, Huỳnh Phan Hộ hi sinh trong trận đánh giao thông trên quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1) tại Cống Đôi, xã Đạt Hải, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #119 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2012, 06:58:14 am »

NGUYỄN VĂN HƯỞNG
(1906-?)

Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng sinh ngày 22-12-1906 tại xã Mĩ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên (nay là An Giang).

Ông theo học Y khoa tại Pari, đến năm 1933 thì về làm việc tại viện Pasteur Sài Gòn.

Năm 1939, ông xin thôi việc, mở phòng mạch riêng tại 244 đường d’Arras (nay là đường Cống Quỳnh).

Ngày 23-9-1945, ông tản cư về nông thôn. Ngày 24-10-1945, ông về Mĩ Tho để tham gia công tác y tế kháng chiến.

Năm 1947, ông được bộ nhiệm làm Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ kiêm Giám Đốc Sở Y tế Nam Bộ.

Ông là lá cờ tập hợp và biểu trưng cho sự đoàn kết trong kháng chiến chống Pháp và chủ trương thống nhất gọi chung bác sĩ và y sĩ là y sĩ.

Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, đối phó với nạn dịch tả và dịch đậu mùa tràn lan, đe dọa sinh mạng của hàng ngàn người dân miền Tây Nam Bộ, ông đã thành lập một xí nghiệp “La bô” làm vắc xin trồng trái cho nhân dân.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng tuy làm một bác sĩ đào tạo theo Tây y nhưng lại có thái độ rất trân trọng với Y học cổ truyền. Ông chủ trì các hội thảo chuyên môn, tổ chức tập hợp các lương y có các bài thuốc quý (như bài thuốc “Toa căn bản” của lương y Võ Văn Hưng) để xây dựng, nâng cao và đưa vào giảng dạy cho các y tá và cứu thương ở khắp các tỉnh miền Tây, vùng kháng chiến Nam Bộ và sau này được áp dụng rộng rãi trong nông thôn miền Nam.

Ông là người đặt viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp thừa kế nền Y học Dân tộc cổ truyền của ta và đã từng bước nghiên cứu kết hợp với Y học hiện đại, xây dựng một nền Y học Việt Nam mang tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng.

Ngoài ra, ông còn là người có công đầu trong việc truyền bá lối sống văn minh, vệ sinh trong nhân dân. Từ những năm kháng chiến, ông đã có ý thức vận động nhân dân xây dựng hố xí, xây dựng nhà chống muỗi…

LÊ VĂN HUẤN
(1906-1988)

Giáo sư Lê Văn Huấn, sinh năm 1906, tại xã Phong Điền, huyện Châu Thành (nay là huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ), trong một gia đình giàu có, đầy quyền lực.

Năm 1928, sau khi nhận bằng cao đẳng sư phạm Hà Nội, ông làm giáo sư dạy môn sử - địa tại trường Petrus Kí (nay là trường Lê Hồng Phong, thành phố Hồ Chí Minh).

Bằng việc truyền đạt kiến thức về lịch sử và địa lí Việt Nam, ông đã giáo dục cho học sinh tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Trong thực tế, ông đã đào tạo nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng trung kiên trong phong trào giải phóng dân tộc.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông được khuyên ở lại Sài Gòn để mở lớp đào tạo cán bộ kĩ thuật và phát thanh, phục vụ công tác tuyên truyền cách mạng. Đồng thời ông đã nhiều lần sử dụng xe của ngụy quyền Sài Gòn chơ máy móc, linh kiện điện tử cung cấp cho đài phát thanh Tiếng nói Nam Bộ và đài Sài Gòn - Chợ Lớn tự do. Sự đóng góp của ông về mặt kĩ thuật cũng như về đào tạo cán bộ quả là to lớn.

Giáo sư Lê Văn Huấn mất ngày 10-8-1988 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM