Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 03:28:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến - Tập 1 (1945-1954)  (Đọc 113095 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #70 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2012, 07:04:05 am »

Chương 3

GÓP PHẦN KẾT THÚC THẮNG LỢI CUỘC KHÁNG CHIẾN
CHỐNG PHÁP VÀ CAN THIỆP MỸ

(1951-1954)

Sau chiến dịch Biên giới cuối năm 1950, bước sang năm 1951, cục diện chiến tranh ở Việt Nam nói riêng và trên toàn Đông Dương nói chung đã có những thay đổi lớn. Kể từ năm 1951, cuộc kháng chiến chống Pháp đã có một bước ngoặt có ý nghĩa quyết định: Thế cờ đã bắt đầu đảo ngược. Khả năng thắng lợi của ta là điều cầm chắc trong tay, sự thất bại của quân Pháp là điều đã thấy rõ. Không những toàn dân trong nước, mà nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Pháp, đều nức lòng cổ vũ những chiến thắng của Việt Nam và ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta.

Nhưng mặt khác, chình vì khả năng thắng lợi của ta đã sáng to hơn, thất bại của quân Pháp đã tới gần, nên những lực lượng của đối phương đã tìm mọi cách chống đỡ, không từ thủ đoạn nào để cưỡng lại dòng thác của lịch sử: Tăng cường quân đội, tăng cường chi phí, níu kéo mọi chỗ dựa và biến cuộc chiến tranh Việt Nam thành cuộc đụng đầu giữa hai phe. Đế quốc Mĩ vì lợi ích của chính mình đã nhúng tay sâu hơn nữa vào cuộc chiến tranh Đông Dương, tiếp sức cho quân đội Pháp, gây thêm nhiều khó khăn cho kháng chiến.



Cục diện chiến tranh ở Bắc Bộ sau Chiến dịch Biên Giới:
Vùng tím sẫm là vùng mới giải phóng

Về phía Việt Nam

Chiến dịch Biên giới đã giải phóng một vùng rộng lớn hơn 4.000 km2, khoảng 40 vạn dân từ vùng Pháp chiếm đóng nay được sống trong vùng tự do. Điều quan trọng hơn là: Cả một vạch biên giới dài 750 km giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được đánh thông. Từ đây cuộc kháng chiến của Việt Nam không còn bị cô lập như trước, mà gắn liền bằng cả đường bộ và đường biển với một hậu phương rộng lớn là phe xã hội chủ nghĩa, trước hết là Trung Quốc, Liên Xô, tiếp đó là các nước dân chủ nhân dân Trung và Đông Âu. Từ đó còn mở rộng những quan hệ bè bạn với nhiều nước phương Tây khác, trước hết là với nước Pháp. Ngay tại nước Pháp, phong trào phản đối “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” ở Đông Dương ngày càng thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia, kể các các giới trí thức, tu sĩ, chính khách. Hành động phản chiến gan dạ của Raymonde Dien và Henri Martin không chỉ gây xúc động trong dư luận Pháp mà còn cổ vũ mạnh mẽ quân dân Việt Nam(1).

Việc đánh thông biên giới ngoài ý nghĩa chính trị, còn có ý nghĩa kinh tế và quân sự trực tiếp: Viện trợ của các nước phe xã hội chủ nghĩa bắt đầu đóng một vai trò ngày càng quan trọng đối với sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Vũ khí, đạn dược, lương thực, quân nhu, và nhiều hàng hóa dân dụng đã được cung cấp cho Việt Nam từ hướng này. Trước đây, những sản phẩm mà vùng tự do không sản xuất được như thuốc men, hóa chất… đều chỉ có một cách duy nhất là mua tại vùng Pháp, thì bây giờ đã được cung cấp từ phía Trung Quốc, Liên Xô, Đông Âu.

Đối với Nam Trung Bộ và Nam Bộ, thắng lợi này cũng có nhiều ý nghĩa trực tiếp: Vũ khí, tiền bạc đã có con đường biển để đi thẳng từ Trung Quốc vào tới miền Nam. Nhiều chuyến tàu chở hàng hóa và vũ khí, cán bộ, bộ đội đi và về đều trung chuyển qua ngả Trung Quốc, trong đó có đoàn đại biểu Nam Bộ đi dự Đại hội Đảng lần thứ II tại Việt Bắc cũng đi đường biểu tới Hoa Nam, rồi từ đó về Việt Bắc.


(1) Raymond Dien nằm cản đầu đoàn xe lửa chở vũ khí của Pháp sang Việt Nam. Henri Martin vận động hải quân Pháp phản chiến, nên bị bỏ tù.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #71 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2012, 07:11:25 am »

Về phía Pháp

Thất bại đau đớn ở chiến dịch Biên giới đã đặt toàn bộ quân đội Pháp ở Đông Dương trước một nguy cơ thất bại hoàn toàn và sẽ bị quét sạch khỏi Đông Dương trong một thời gian không xa. Nhưng chính mối nguy cơ đó lại dẫn tới những khả năng phục hồi mới bằng sự gắng gượng cuối cùng. Một loạt biện pháp đã được áp dụng để củng cố lực lượng của Pháp ở Đông Dương và ngăn chặn những thất bại có thể xảy ra.

Về mặt chỉ đạo chiến trường, Chính phủ hiếu chiến Pháp mà Thủ tướng lúc đó là René Pleven đã chủ trương vẫn tiếp tục chiến tranh. Tại phiên họp Quốc hội Pháp ngày 19-10-1950, Pleven tuyên bố:

“Ở biên giới Việt - Trung, chúng ta đã mất tất cả là 3.200 người. Đó là một con số lớn. Nhưng số những người còn sống còn lớn hơn và đủ đứng vững. Chúng ta không lùi bước. Phải tiếp tục tiến lên bằng đại bác”(1).

Để thực hiện chiến lược này, Pleven thấy điều trước hết là phải thay tướng. Tại phiên họp của Hội đồng Bộ trưởng Pháp ngày 8-11-1950, Pleven đã đặt vấn đề:

“Bộ máy chỉ huy ở Đông Dương hiện nay đã tỏ ra có tinh thần bạc nhược. Viên Tổng chỉ huy hình như có ý định bỏ Hà Nội nếu những áp lực của Việt Minh sau những trận ở Biên giới còn tiếp tục tăng lên. Đó là bằng chứng để cho chúng ta thấy rằng cần phải thay bộ máy chỉ huy ở đây”(2).

Đó là lí do khiến Chính phủ Pháp quyết định tung con chủ bài quan trọng nhất của mình là đại tướng 5 sao De Lattre de Tassigny sang Đông Dương kiêm luôn hai chức Tổng chỉ huy quân đội Pháp và Cao ủy Pháp tại Đông dương.

De Lattre là một tướng tài, đã lừng danh trong Chiến tranh thế giới thứ hai với Chiến dịch sông Danube, giành toàn thắng ở mặt trận Trung Âu đối với quân phát xít và sau khi tiến vào Berlin thì được thay mặt phía quân đội Pháp kí nhận đầu hàng của phát xít Đức. Từ đó, De Lattre trở thành người anh hùng của châu Âu và được giao giữ chức Tổng chỉ huy Quân đội của Liên minh châu Âu. Bây giờ người đã chiến thắng ở sông Danube được cử sang để giành chiến thắng ở sông Hồng. Hắn đã ý thức được mối liên quan khăng khít giữa cuộc chiến tranh Đông Dương với mặt trận chống cộng toàn cầu, nên trong một lá thư đề ngày 24-1-1951 gửi tướng Mĩ D. Eisenhower, lúc đó đang là Tổng chỉ huy quân đội khối Bắc Đại Tây Dương, De Lattre đã viết:

“Là tướng chỉ huy quân đội ở Liên minh châu Âu đã từ hai năm nay tôi đã chấp nhận một sứ mạng mới, bởi vì tôi hoàn toàn tin tưởng rằng cuộc chiến đấu cần phải được tiếp tục ở châu Á, và nó có những mối liên hệ khăng khít với nền an ninh ở châu Âu. Tôi hiểu rất rõ rằng Liên Xô sẽ dành những nguồn lực lớn lao cho châu Á để chuẩn bị tiến hành một cuộc đụng đầu trên quy mô toàn thế giới…”(3).

Nhậm chức vào ngày 6-12-1951, De Lattre tới Sài Gòn vào ngày 19-12. Tới nơi, ông ra ngay Hà Nội và trấn an tinh thần quân đội Pháp ở đây bằng những lời tuyên bố cứng rắn:

“Không lùi một bước, bằng mọi giá phải chặn đứng bệnh dịch rút lui. Kể từ giờ phút này, chúng ta sẽ không để mất một hạt bụi nào trên những mảnh đất của chúng ta, hơn thế nữa, chúng ta sẽ lấy lại những phần đất đã mất”(4).

Để thực hiện chủ trương đứng vững trên chiến trường, Tướng De Lattre thực hiện một loạt biện pháp:

- Xây dựng một hệ thống phòng tuyến mới kiên cố quanh đồng bằng Bắc Bộ. Phòng tuyến này một hướng chạy dài từ Việt Trì ra tới Đông Triều, Tiên Yên. Một tuyến chạy dọc theo sông Đáy ra tới bờ biển Ninh Bình. Hệ thống phòng tuyến đó được bố trí những lô cốt dày đặc, có pháo binh hỗ trợ và có không quân yểm trợ. Những lô cốt trên phòng tuyến này đều là kiểu mới, kiểu Bunker, thay cho hệ thống những Blockhaus cũ (Bunker là những lô cốt bằng bê tông cốt thép một nửa đặt sâu trong lòng đất). Cũng vì coi đồng bằng Bắc Bộ là chiến trường quyết định nên De Lattre quyết định chuyển hẳn đại bản doanh từ Sài Gòn ra Hà Nội (ngôi nhà thuộc ngã tư Trần Hưng Đạo và Bà Triệu, mà hiện nay là trụ sở của Đại sứ quán Pháp).

Navarre, người kế nhiệm De Lattre, đã nhận định về quyết định này như sau: “Đóng ngay tại Hà Nội, bỏ lại Sài Gòn phía sau, De Lattre muốn nhấn mạnh ngay lập tức tính quan trọng vượt trội của miền châu thổ sông Hồng. Ông nhận định rằng đó là cái chốt của chiếc cánh cửa mở ra toàn Đông Nam Á. Ở thời điểm đó đánh giá như vậy là chính xác, vì đồng bằng Bắc Bộ là nơi đối phương đang nhắm tới. Nhưng ngay sau khi De Lattre không còn nữa, thì sự quan tâm như vậy sẽ làm mất đi cái nhìn tổng thể đối với các mặt trận khác tại Đông Dương”(5).


(1) Pléven René: Intervention, Assemblée Nationale, 19 octobre 1950, J.O.R.F. Débats parlementaires.
(2) Pléven René: Exposé devant le Cóneil des Ministres, Paris, Palais de l’Elysée, 8. Novembre 1950, “Journal du Septennat”, Paris, Vol. IV.
(3) De Lattre de Tassigny: ne pas subir. Ecrrits. 1914-1952, Ed. Plon, Paris, 1984, P.478.
(4) De Lattre de Tassigny: Diễn văn đọc tại Hà Nội, Bull.A.F.P., Spé cial Outremer, N0 1317.
(5) Henry Navarre: Đông Dương hấp hối, Hồi ký, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 42.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #72 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2012, 07:16:29 am »

- Tăng cường lực lượng quân đội lên gấp đôi, trong đó phần tăng nhiều nhất là ngụy quân. Đưa tổng quân số của cả Pháp và ngụy từ 150.000 năm 1950 lên 245.000 năm 1951, 310.000 quân năm 1952. Nếu tính đơn vị là tiểu đoàn thì năm 1950 Pháp có 147 tiểu đoàn, trong đó 15 là Âu - Phi, 72 là ngụy, thì đến năm 1951 tổng số đã lên tới 189 tiểu đoàn, trong đó 84 tiểu đoàn Âu - Phi, 105 tiểu đoàn ngụy. Riêng ở Nam Bộ, tổng số tiểu đoàn là 43, trong đó Âu - Phi giảm từ 19 tiểu đoàn (năm 1950) xuống 13 tiểu đoàn (năm 1951), nhưng số quân ngụy thì tăng từ 24 tiểu đoàn lên 30 tiểu đoàn trong cùng thời gian. Đến năm 1952 thì tổng số quân đội Pháp ở Nam Bộ là 45 tiểu đoàn, trong đó có 35 tiểu đoàn quân tay sai. Năm 1953, tổng số là 58, trong đó 48 tiểu đoàn quân ngụy…(1). Để dùng quân ngụy đỡ đòn cho quân Pháp, lúc này người Pháp đã buộc phải gác sang một bên những đầu óc kì thị không muốn cho người bản xứ làm sĩ quan. Ngược lại, đã có một người Việt là Nguyễn Văn Xuân được phong lên cấp trung tướng, có những cấp thiếu tướng, đại tá thì có hàng chục, đại úy thì có hàng trăm



Trên một con tàu trên sông Hậu, tướng Chanson mở tiệc
chiêu đãi “tưới lon” cho các sĩ quan cao cấp ngụy

Vì lựa chọn chiến trường Bắc Bộ là nơi quyết đấu với Việt Minh để giành thắng lợi quyết định nên tướng De Lattre coi Nam Trung Bội và Nam Bộ là nơi cần phải làm sạch về mọi mặt: Chà xát các căn cứ kháng chiến, bắt lính, thu thế, vơ vét cả người và của phục vụ cho chiến trường lớn. Đối với Nam Bộ, từ khi De Lattre sang nhậm chức, quân Pháp đã tiến hành những trận càn quét và nắm lại phần lớn mạng lưới giao thông gồm 3.300km trong tổng số 4.000km đường giao thông ở Nam Bộ. Sau khí nắm đường giao thông, quân Pháp thường cho tàu chiến thọc sâu vào các sông và kinh Xáng, bắn phá bừa bãi vào làng xóm ven sông, gây cho nhân dân Nam Bộ nhiều tổn thất lớn về người và của. Pháp còn cho những toán quân tập kích vào một số vùng căn cứ, phá các binh công xưởng, cướp máy móc, vũ khí. Riêng rong chiến dịch Long Châu Hà, chúng đã phá của ta một kho thóc 4.000 giạ gạo và 250 giạ lúa(2).

- Về mặt kinh tế, De Lattre chủ trương tiến hành chiến tranh tổng lực, với chính sách “giết sạch, đốt sạch, phá sạch”. Như vậy chiến tranh lan cả sang kinh tế: quân Pháp không chỉ bắn giết Việt Minh, mà giết cả dân thường, cả trâu bò, đốt thóc lúa, nhà cửa, phá đập nước, trường học, bệnh viện… nhằm làm kiệt quệ cuộc sống ở các vùng kháng chiến. Về tiền tệ, cũng nhằm mục đích đó, Pháp cho in rất nhiều tiền giả tung vào vùng kháng chiến. Riêng ở Khu VIII và khu IX thuộc Nam Bộ, số tiền giả mà phía ta thu được của địch đã lên tới 100 triệu đồng(3).



Đốt nhà và cướp thóc lúa trong một trận càn ở Rạch Giá.

- Để thực hiện những kế hoạch trên, De Lattre được Chính phủ Pháp tăng cường ngân sách quân sự tới mức chưa từng có trước đó: chi tiêu cho chiến tranh Đông Dương từ 210 triệu Franc năm 1950 lên 380 triệu Franc năm 1951. Đương nhiên phần lớn những chi tiêu này là dựa vào viện trợ Mĩ. Bản thân De Lattre đã bay sang Mĩ và trực tiếp gặp Tổng thống Truman để đặt ra những yêu cầu về viện trợ vũ khí, quân trang, quân dụng và kinh phí. Là một viên tướng nổi tiếng của Chiến tranh thế giới thứ hai, De Lattre đã được đón tiếp ở Mĩ như một người anh hùng chống phát xít và được Tổng thống Truman thỏa mãn hầu hết các yêu cầu. Viện trợ của Mĩ cho chiến tranh Đông Dương từ 150 triệu đô la năm 1950 lên 180 triệu đô la năm 1951 và 570 triệu đô la năm 1952.



Tướng De Lattre được Tổng thống Mĩ tiếp tại Washington (trên cánh tai trái còn đeo băng để tang người con trai độc nhất mới bị chết trận tại Ninh Bình)

Ngoài viện trợ, Tổng thống Truman còn quyết định gửi một phái bộ cố vấn quân sự Mĩ (MAAG) sang Sài Gòn để trực tiếp giúp Pháp trong các kế hoạch mở rộng chiến tranh. Tòa công sứ Mĩ ở Sài Gòn đã được nâng cấp lên thành Đại sứ quán từ 2-1952.

Trong bối cảnh trên, cuộc kháng chiến toàn quốc nói chung và Tây Nam Bộ nói riêng đã bước vào một giai đoạn mới đầy khó khăn thử thách.


(1) Con số trong Đề án của Tổng quân ủy Trung ương trình Bộ Chính trị ngày 20-8-1953, Lưu trữ Văn phòng TƯ Đảng.
(2) Theo Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, sđd, t.IV, tr. 91.
(3) Theo Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, sđd, t.IV, tr. 91.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #73 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2012, 06:58:46 am »

I. ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ II CỦA ĐẢNG, CHỦ TRƯƠNG CỦA XỨ ỦY NAM BỘ VÀ TRUNG ƯƠNG CỤC MIỀN NAM, NHỮNG THAY ĐỔI TRONG TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA KHU 9 VÀ PHÂN LIÊN KHU MIỀN TÂY

1. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng

Một sự kiện quan trọng có ý nghĩa to lớn đối với đời sống chính trị và sự nghiệp kháng chiến của quân dân ta là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Tuyên Quang (căn cứ Việt Bắc) từ ngày 11 đến ngày 14-12-1951.

Đoàn đại biểu Nam bộ ra dự Đại hội gồm có các đồng chí Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Trấn, Phan Trọng Tuệ, Võ Văn Kiệt và một số đồng chí khác.

Về Đoàn đại biểu Nam Bộ dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, theo đồng chí Võ Văn Kiệt (người duy nhất của Nam Bộ đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II đã nhận định:

“Đoàn cán bộ miền Nam ra dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II đi làm nhiều đợt. Một số nhóm đi trước để họp hay công tác rồi ở lại dự luôn.

Đoàn chính thức đi sau gồm:

1. Ung Văn Khiêm.

2. Phan Trọng Tuệ, Khu ủy khu 9.

3. Nguyễn Văn Trấn, Khu ủy khu 9.

4. Nguyễn Hữu Thế, Hội nông dân Nam Bộ.

5. Ba Lê, Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ.

6. Phạm Tổng Hoằng, Tỉnh ủy Long Xuyên.

7. Châu Quốc Tuấn, đại diện thanh niên Nam Bộ.

8. Võ Văn Kiệt, Tỉnh ủy Bạc Liêu.

9. … Mạnh, đại diện Ban cán sự Đảng Việt kiều Campuchia.

10. Diệp Minh Châu, họa sĩ, điêu khắc.

Đoàn quay phim 2 người: ông … Đoàn, Lê Minh Hiền.

Đoàn đi đường bộ từ Việt Nam - Campuchia - Thái Lan và dự kiến qua Bắc Lào về Việt Bắc. Tuy nhiên, tới Bangkok, chờ một tháng không đi được, bởi mùa mưa, đứt đường. Tổ chức Đảng của Trung Quốc và Việt Nam tại Bangkok bố trí đi theo đường thủy, chia làm 2 nhóm.

Nhóm thứ nhất: Khiêm, Tuệ, Trấn và thêm Xuhen (đại diện đảng Campuchia) từ Bangkok qua Hồng Kông về Quảng Châu và đi đường bộ về Việt Nam.

Nhóm thứ hai, đi qua Hải Nam về Quảng Châu và đi đường bộ về Việt Nam.

Đại diện đại biểu Nam Bộ có một số chính thức, một số dự thính.

Ra tới Việt Bắc mới nhập các đoàn lại làm một. Trong số đi trước có Trần Xuân Độ, đại diện Bà Rịa (?).

Đại biểu trúng cử ủy viên Trung ương:

Lê Duẩn (vắng mặt).

Phạm Hùng (vắng mặt).

Nguyễn Văn Kỉnh (vẳng mặt).

Ung Văn Khiêm.

Hà Huy Giáp.

Trong đó ba đại biểu Nam Bộ (Phạm Hùng, Nguyễn Văn Kỉnh, Ung Văn Khiêm), ba người hoạt động tại Nam Bộ (Hà Huy Giáp, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ)”.




Đoàn Nam Bộ chụp ảnh cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cán bộ Trung ương trong buổi đón đoàn chuẩn bị cho Đại hội II tại Việt Bắc

Có lẽ những gian nan của kháng chiến Nam Bộ và bản thân Đoàn đại biểu Nam Bộ được cả Đại hội chủ ý. Vì thế, trong diễn văn khai mạc Đại hội, Tôn Đức Thắng thay mặt Đoàn chủ tịch Đại hội đã dành riêng một đoạn để bày tỏ tình của của Đại hội với Đoàn đại biểu Nam Bộ:

“Đoàn đại biểu của Nam Bộ anh dũng, đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến trước nhất, đã theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, đẩy mạnh cuộc kháng chiến tiến tới”(1).



Trong giờ giải lao của Đại hội, Hồ Chủ tịch trao đổi tình hình Nam Bộ với Ung Văn Khiêm; hai người đứng là Chu Văn Tấn và Văn Tiến Dũng.


(1) Diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng do Tôn Đức Thắng đọc ngày 11-2-1951 (Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.12, tr.4).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #74 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2012, 06:59:47 am »

Tiếp theo lời khai mạc của Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo cáo chính trị, nhắc lại quá trình hoạt động của Đảng, từ khi thành lập, vạch rõ những nhiệm vụ trước mắt của Đảng, nhằm đưa kháng chiến đến thắng lợi. Người chỉ rõ cách mạng nước ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, bởi vì: “Ta có một Đảng to lớn, mạnh mẽ. To lớn, mạnh mẽ là vì có chủ nghĩa Mác - Lênin, vì sự cố gắng không ngừng của toàn thể đảng viên, vì được toàn quân và toàn ân thương yêu, tin cậy, ủng hộ”(1).

Cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương đã phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi phải có đường lối, chính sách và tổ chức phù hợp với đặc điểm của mỗi nước. Vì vậy, Đại hội chủ trương xây dựng ở mỗi nước Việt Nam, Lào và Cao Miên (tức Campuchia) một Đảng cách mạng thích hợp với hoàn cảnh cụ thể để lãnh đạo cuộc kháng chiến ở từng nước. Đảng ở Việt Nam gọi là Đảng Lao động Việt Nam; ở Cao Miên và Lào gọi là Đảng Nhân dân cách mạng Cao Miên và Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Mỗi Đảng chịu trách nhiệm trước sự nghiệp giải phóng của dân tộc mình. Riêng ở Việt Nam, Đảng Lao động Việt Nam ra công khai hoạt động.

Đại hội đã thông qua Tuyên ngôn, Chính cươngĐiều lệ của Đảng.

Bản Tuyên ngôn nêu rõ: “Đảng Lao động Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Ăngghen - Lênin - Xtalin và tư tưởng Mao Trạch Đông kết hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng”(2).

[/i]Chính cương[/i] của Đảng ghi: “Nhiệm vụ cơ bản hiện nay của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi bọn đến quốc xâm lược, giành độc lập và thống nhất thật sự cho dân tộc, xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội”(3).


Về đường lối kháng chiến, Đại hội khẳng định; Cuộc kháng chiến của ta là một cuộc chiến tranh nhân dân. Đặc điểm của nó là toàn dân, toàn diện, trường kì, dựa vào sức mình là chính và nhất định thắng lợi.

Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, gồm 29 ủy viên (19 chính thức và 10 dự khuyết) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và Trường Chinh làm Tổng Bí thư. Xứ ủy Nam Bộ có 6 người được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương là Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Kỉnh (dự khuyết), Hà Huy Giáp (dự khuyết). Trong đó, Lê Duẩn được bầu vào Bộ Chính trị.



Những thành viên của Xứ ủy Nam Bộ.

Sau Đại hội Đảng, tháng 3-1951, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam mở Đại hội toàn quốc để thống nhất hai tổ chức thành một mặt trận đoàn kết thống nhất, gọi tắt là Mặt trận Liên Việt.

Ở miền Tây Nam Bộ, các tỉnh lần lượt mở Hội nghị để thống nhất hai tổ chức Mặt trận và tổ chức các cuộc mít tinh chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng thời giới thiệu đại biểu Đảng ra công khai ở từng địa phương. Nhân dân khắp nơi đều phấn khởi, nhiệt liệt chào mừng Đảng Lao động Việt Nam.

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội, tháng 4-1951, Bộ Chính trị ra quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy để lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Trung ương Cục miền Nam gồm các ủy viên Trung ương mới được bầu đang hoạt động ở Nam Bộ; Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Kỉnh, Hà Huy Giáp do Lê Đức Thọ làm Bí thư - Lê Duẩn được điều về Trung ương công tác trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng. Do còn nhiều công việc, Lê Duẩn còn ở lại Nam Bộ, đảm nhiệm nhiệm vụ Bí thư Trung ương Cục miền Nam đến năm 1952, Lê Đức Thọ tạm thời làm Phó Bí thư, khi Lê Duẩn ra Bắc, Lê Đức Thọ mới đảm nhận nhiệm vụ Bí thư và Phạm Hùng làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam.


(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.12, tr.39
(2) Sđd, t.12, tr.444.
(3) Sđd, t.12, tr.433-434.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #75 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2012, 07:03:53 am »

2. Chủ trương của Trung ương Cục miền Nam

Sau khi kết thúc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, từ ngày 16 đến ngày 20-2-1951, Thường vụ Xứ ủy đã họp Hội nghị mở rộng nhằm triển khai những chủ trương đường lối của Đại hội II đối với Nam Bộ. Hội nghị đã đề ra những định hướng và hầu hết các lĩnh vực của công cuộc kháng chiến Nam Bộ:

- Phát triển du kích chiến tranh đến cực độ;

- Tăng cường mạnh mẽ bộ đội địa phương;

- Xây dựng chủ lực;

- Về tác chiến;

- Về phát triển và củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, phá chính quyền địch;

- Về chính sách ruộng đất;

- Về tăng gia sản xuất để tự cung tự cấp;

- Về công tác tài chính, tiền tệ;

- Về bao vây và phá hoại kinh tế địch;

- Về phát triển văn hóa dân chủ nhân dân;

- Về tăng cường công tác địch vận, ngụy vận;

- Về xây dựng, củng cố căn cứ địa về mọi mặt quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa…;

- Về tổng động viên nhân lực, vật lực để cung cấp tất cả cho tiền tuyến;

- Về biện pháp tranh thủ sự chi viện của Trung ương nhất là về quân sự (củng cố và mở thêm những đường giao thông vận tải, cả đường thủy lẫn đường bộ từ nước ngoài và từ Trung ương về Nam Bộ…)(1).

Để thống nhất sự chỉ đạo và tinh giản biên chế, Văn phòng Xứ ủy Nam Bộ, từ nay là Văn phòng Trung ương Cục miền Nam sáp nhập với Văn phòng Ủy ban kháng chiến hanh chánh Nam Bộ, gọi chung là Văn phòng trung ương Cục - Ủy ban Nam Bộ. Các ban ngành chuyên môn của Trung ương Cục và các Sở của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ đều được củng cố. Các Sở cũng như Bộ Tư lệnh vẫn lấy tên là: Bộ Tư lệnh Nam Bộ, Sở Thông tin, Sở Y tế Nam Bộ, v.v.

Nhằm tạo cho mỗi tỉnh có vùng căn cứ đứng chân và bàn đạp tương đối rộng, có hành lang liên hoàn có thể cơ động được lực lượng, đồng thời tạo điều kiện giành lại thế chủ động cho từng khu và cả Nam Bộ, khắc phục hậu quả do sơ hở của ta đã để cho địch nắm thế chủ động mạnh ở Khu 8, ngăn cắt Khu 9 với Khu 7 để bao vây Khu 6 từ những năm 1949 - 1950, Trung ương Cục và Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ chủ trương (theo Nghị định số 252/ND-51) giải thể 3 khu 7, 8 và 9, sáp nhập 20 tỉnh của Nam Bộ thành 11 tỉnh ghép(2), chia Nam Bộ thành 2 Phân liên khu (lấy Sông Tiền làm ranh giới) và Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

Phân liên khu miền Đông gồm 5 tỉnh (11 tỉnh cũ):

- Gia Ninh (gồm Gia Định - Tây Ninh).

- Thủ Biên (gồm Thủ Dầu Một - Biên Hòa).

- Bà Chợ (Bà Rịa - Chợ Lớn).

- Mĩ Tân Gò (gồm Mĩ Tho - Tân An - Gò Công).

- Long Châu Sa (gồm Long Châu Tiền - Sa Đéc).

Phân liên khu miền Tây gồm 6 tỉnh (9 tỉnh cũ).

- Bến Tre.

- Vĩnh Trà (gồm Vĩnh Long - Trà Vinh).

- Cần Thơ (gồm Cần Thơ và một phần Rạch Giá).

- Sóc Trăng.

- Bạc Liêu.

- Long Châu Hà (gồm Long Châu Hậu tức phần đất nằm ở hữu ngạn Sông Hậu của 2 tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc cũ).

Từ sự thay đổi trên, các tổ chức quân, dân, chính, đảng đều được sắp xếp lại. Riêng Bộ Tư lệnh Nam Bộ thì giải thể bộ máy phòng, ban, chỉ giữ lại Ban nghiên cứu - tổng kết. Về danh nghĩa thì vẫn giữ Bộ Tư lệnh Nam Bộ trong các báo cáo tổng kết và truyền đạt mệnh lệnh của Trung ương Cục. Điều đó giúp cho Trung ương Cục thống nhất chỉ đạo các vấn đề quân sự trên toàn chiến trường Nam Bộ.


(1) Sđd, t.12, tr. 649-670.
(2) Trước khi sáp nhập, có điều chỉnh địa giới một số tỉnh ở Tây Nam Bộ như: giải thể tỉnh Rạch Giá; 2 huyện Hồng Dân và An Biên nhập về Bạc Liêu; thị xã Rạch Giá và 3 huyện Châu Thành, Long Mĩ, Gò Quao nhập vào tỉnh Cần Thơ; 2 xã Long Tân và Long Phú (của huyện Long Mĩ) nhập về tỉnh Sóc Trăng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #76 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2012, 07:05:33 am »

Về tổ chức lại lực lượng vũ trang

Một tháng sau Đại hội Đảng lần thứ II, tháng 3-1951, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ nhất bàn về những nhiệm vụ trước mắt. Về nhiệm vụ quân sự đối với Nam Bộ, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương đề ra những chủ trương như sau:

Về phương châm tác chiến ở Nam Bộ: “Du kích chiến là chính, học tập đánh vận động trong những trường hợp có điều kiện thuận lợi, nắm vững nguyên tắc tiêu diệt chiến, để bồi dưỡng lực lượng ta”(1).

Về xây dựng lực lượng:

- Nam Bộ phải “củng cố các trung đoàn chủ lực đã thành lập (cải tiến tổ chức, giáo dục tư tưởng chiến thuật mới và học tập kinh nghiệm của chiến trường Bắc Bộ)”.

- Về bộ đội địa phương thì phát triển và củng cố.

“Tất cả những đội dân quân du kích không thoát li sản xuất cũng phải được củng cố. Các cấp ủy đảng, các đồng chí phụ trách quân sự phải dựa vào những phương châm và nguyên tắc trên đây mà sửa chữa những sai lầm, lệch lạc trong công việc tác chiến và xây dựng lực lượng, làm cho đường lối chiến lược quân sự của Đảng được thực hiện đầy đủ và đúng mức”(2).

Theo chỉ thị của Trung ương, Trung ương Cục chủ trương phải tổ chức sao cho đủ ba thứ quân, tinh gọn mà hiệu quả. Cụ thể là: giải thể các đơn vị chủ lực cấp trung đoàn, liên trung đoàn, tổ chức lại thành các tiểu đoàn, các đại đội để phù hợp với khả năng cung ứng hậu cần và trang bị kĩ thuật, giúp cho các đơn vị đứng vững trên địa bàn được phân công, chủ động và linh hoạt trong đánh địch, hỗ trợ cho phong trào chiến tranh du kích ở địa phương.

Ở Nam Bộ lúc này còn có: Hai tiểu đoàn chủ lực cơ động của 2 Phân liên khu: Tiểu đoàn 302 ở Phân liên khu miền Đông và Tiểu đoàn 307 ở Phân liên khu miền Tây. Mỗi tỉnh đều có tiểu đoàn tập trung của tỉnh. Các tỉnh thuộc Phân liên khu miền Tây có các tiểu đoàn như sau: Sóc Trăng có Tiểu đoàn 308, Cần Thơ có tiểu đoàn 410, Long Châu Hà có tiểu đoàn 406, Vĩnh Trà có Tiểu đoàn 331 và Tiểu đoàn 333. Ngoài ra, Nam Bộ còn có các tiểu đoàn cơ động: 310, 312, 408.

Mỗi Phân liên khu trong quá trình phát triển còn có các đại đội độc lập để tăng cường cho các vùng yếu, các đội vũ trang tuyên truyền để hoạt động ở các vùng sau lưng địch, các đội binh chủng như: đặc công, pháo binh, công binh, các đội săn tàu bằng thủy lôi.

Về bộ đội địa phương, Trung ương Cục chủ trương củng cố các đại đội địa phương của mỗi huyện đủ sức bảo vệ địa phương mình và phát triển dân quân du kích để đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích.

Đầu năm 1951, Bộ Tư lệnh Nam Bộ chủ trương: Chủ động kìm chế địch trên chiến trường Nam Bộ và tiến lên kịp với phong trào toàn quốc. Muốn chủ động kìm chế địch, phải: giành giật Khu 8, tiến công kìm chế ở Khu 7, giữ vững Khu 9, giúp phong trào Campuchia phát triển, phối hợp chặt chẽ với Tây Nguyên và cực Nam Trung Bộ. Nắm vững phương châm chiến lược: du kích chiến là chính, học tập đánh vận động chiến, đẩy mạnh vận động chiến tiến tới.

Đầu năm 1952, Trung ương Cục với danh nghĩa Bọ Tư lệnh Nam Bộ vẫn nhắc lại phương châm chiến lược trên và nhấn mạnh phải tránh bị địch chia cắt giữa miền Tây và miền Đông, muốn như vậy phải quyết giành giật và giữ cho được địa bàn Khu 8 cũ (tức miền Trung Nam Bộ).


(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, t.12, tr.510.
(1) Sđd, t.12, tr.511.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #77 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2012, 07:10:11 am »

3. Những thay đổi trong Bộ Tư lệnh Khu 9 và Phân liên khu miền Tây từ đầu năm 1951 đến 1954

Trong 2 năm 1951 – 1952

Bộ Tư lệnh Khu 9, sau đó là Phân liên khu miền Tây gồm có:

- Nguyễn Chánh, quyền Tư lệnh Quân khu 9 (từ tháng 10-1950 đến tháng 5-1951), Tư lệnh Phân liên khu miền Tây (tháng 5-1951 đến cuối 1951).



Đồng chí Nguyễn Chánh

- Hoàng Dư Khương, Chính ủy Khu 9 (tháng 10-1950 đến tháng 5-1941), Chính ủy Phân liên khu miền Tây (từ tháng 5-1951 đến cuối 1951).

- Nguyễn Văn Vịnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây (thay Hoàng Dư Khương từ cuối 1951 đến cuối 1952) được điều về Phân liên khu miền Đông.

- Võ Quang Anh, Tư lệnh phó Khu 9 - Tư lệnh phó Phân liên khu miền Tây (từ tháng 10-1950 đến cuối 1952).

Qua năm 1952, Phan Trọng Tuệ về thay Nguyễn Chánh làm Tư lệnh Phân liên khu miền Tây (cuối 1951 đến cuối 1952), Nguyễn Chánh làm Phó Tư lệnh Phân liên khu miền Tây (đến cuối 1952).

Từ tháng 12-1952 đến cuối 1954

Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây có thay đổi như sau:

- Dương Quốc Chính, Tư lệnh Phân liên khu miền Tây.

- Lê Đức Thọ, Chính ủy Phân liên khu miền Tây.

- Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh Phó Phân liên khu miền Tây.

Trong thời gian cuối 1954, Ung Văn Khiêm, Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, kiêm nhiệm Chính ủy Phân liên khu miền Tây thay Lê Đức Thọ một thời gian ngắn.

Trong thời gian này, ngoài việc củng cố Bộ Tư lệnh Phân liên khu, Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Nam Bộ còn điều động một số cán bộ quân sự từ khu về trực tiếp làm Tỉnh đôi trưởng, Tỉnh đội phó một số tỉnh như: Võ Quang Anh về làm Tỉnh đội trưởng kiêm Chính trị viên tỉnh Long Châu Hà, Nguyễn Văn Quạn trước là Khu bộ trưởng Khu 8 về làm Tỉnh đội trưởng Cần Thơ, Nguyễn Văn Sa, Chính trị viên Trung đoàn 126-128 về làm Tỉnh đội trưởng Bạc Liêu…

Đồng chí Nguyễn Văn Quạn
Đồng chí Nguyễn Văn Sa
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #78 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2012, 07:15:26 am »

4. Công tác củng cố xây dựng Đảng

Vào đầu năm 1951, bên cạnh những tiến bộ về quân sự, kinh tế, văn hóa xã hội, tình hình Đảng bộ, các cơ quan kháng chiến và nhân dân cũng có nhiều diễn biến phức tạp. Vùng căn cứ ở Tây Nam Bộ khá rộng, đời sống được tương đối ổn định và nâng cao hơn trước, nên nảy sinh trong cán bộ và bộ đội nhiều tư tưởng lệch lạc như: xả hơi, ngơi nghỉ, hưởng lạc, ngán chịu đựng gian khổ, khó khăn, một số cán bộ, bộ đội kinh doanh kiếm lời riêng… Một số có chức quyền thì quan liêu, hách dịch, một số xin phép về nhà rồi nghỉ luôn. Trong nhân dân thì phong trào tòng quân có phần chững lại, một số người gọi con ở đơn vị về nhà, cưới vợ sớm(1)

Trước tình hình đó, lẽ ra phải có biện pháp tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, phê bình và tự phê bình, chăm sóc đúng mức hơn đời sống tinh thần của bộ đội thì Chính ủy Quân khu 9 (Hoàng Dư Khương) lại dùng biện pháp hình sự thay vì dân sự, gom hết số anh em bộ đội sai phạm về “Đề lao binh” giam giữ, có lúc số này lên đến 1.000 người (số đông là bỏ ngũ về nhà). Mãi đến cuối năm 1951, trại giam này mới được giải tán.

Tháng 6-1951, Trung ương Cục tổ chức một đoàn kiểm tra đặc biệt đi kiểm tra ở tỉnh Rạch Giá, trong đó có kiểm điểm sai lầm trong chủ trương hạn chế nuôi vịt tàu để tiết kiệm lương thực (như một số cán bộ địa phương ”bẻ cổ vịt tàu” của Tỉnh ủy Rạch Giá vào năm 1950, như đã nói trong chương 2). Việc thi hành kỉ luật ở Tỉnh ủy Rạch Giá ngẫu nhiên trùng hợp với chủ trương ghép tỉnh (9 tỉnh còn lại 6 tỉnh ở miền Tây, không còn tỉnh rạch Giá), nên lại nảy sinh một số bất mãn, buồn phiền trong cán bộ và nhân dân Rạch Giá, vì cho rằng tỉnh Rạch Giá bị kỉ luật phải giải thể vì khuyết điểm trên.

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng lao động Việt Nam ra công khai lãnh đạo toàn dân kháng chiến, với đường lối đúng đắn, Ban Chấp hành Trung ương đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng cao lòng tin tuyệt đối trong toàn quân, toàn dân, cổ vũ quân dân Tây Nam Bộ vươn lên khắc phục mọi khó khăn, khuyết điểm, thi đua sản xuất, giết giặc lập công. Với tinh thần đó, Đảng bộ Tây Nam Bộ đã thực hiện nghiêm túc chủ trương của Trung ương Đảng ngưng phát triển đảng viên mới trong 2 năm (1951-1952) để củng cố Đảng.

 Các cấp Đảng bộ đã tiến hành học tập chỉnh huấn, có kiểm tra sát hạch, có phê bình và tự phê bình. Qua học tập, trình độ tư tưởng, nhận thức chính trị của số đông cán bộ, đảng viên được nâng lên một bước quan trọng. Tuy nhiên, do phương pháp học tập, phê bình và tự phê bình một số nơi có phần nặng nề, gò bó (thị phạm, truy bức về thành phần…), không tạo được tâm lí thoải mái trong một số cán bộ, đảng viên. Sai lầm này ít lâu sau đã được chính Bí thư Trung ương Cục Lê Duẩn uốn nắn.

Năm 1952, Lê Duẩn ra Bắc và đi Trung Quốc chữa bệnh. Ông được chứng kiến công cuộc cải cách ruộng đất và chỉnh phong rất khốc liệt ở Trung Quốc. Nhiều nơi ở miền Bắc nước ta trong thời gian đó cũng áp dụng phương pháp này. Trở lại miền Nam, với tư cách Bí thư Trung ương Cục miền Nam, ông đã uốn nắn những cách làm không thích hợp với Việt Nam: “Qua phê và tự phê mà chúng ta phân biệt rõ đúng, sai, hay, dở như tắm rửa mình để thấy mình sáng sủa hơn, phấn chấn, tự tin mà tiến lên. Chứ tại sao lại chỉ thấy mình xấu xa hèn kém đi! Yêu cầu và phương pháp chỉnh như thế này thì sai quá, kì quá!”(2).

Trưởng ban Tuyên hấu, Bí thư Trung ương Đảng, Hoàng Tùng sau này nhớ lại rằng: “Lê Duẩn dứt khoát không tán thành nội dung chính sách và phương pháp chỉnh huấn, cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, như đã làm đầu những năm 50”(3).


Trường Đảng “Trường Chinh” của Trung ương Cục mở khóa mới theo chương trình của trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, có kết hợp với chỉnh huấn vào cuối khóa, đã nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ trung, cao cấp của Đảng ở Nam Bộ. Trường “Nguyễn Văn Cừ” bồi dưỡng cán bộ sơ, trung cấp cũng mở liên tục nhiều khóa trên địa bàn Tây Nam Bộ.

Chính nhờ những cuộc chỉnh huấn và các trường lớp của Trung ương Cục, các tỉnh đã kịp thời củng cố Đảng, sắp xếp lại đội ngũ, vươn lên khắc phục mọi khó khăn sai sót, giữ vững thế trận, giằng co quyết liệt với địch trong giai đoạn này.



Một số cán bộ của khóa 1 của Trường Đảng “Trường Chinh”
(từ trái qua: Võ Tấn Nhất, Nguyễn Văn Phi (Mười Phi), Phan Văn Năm. Người ngồi là Đồng Văn Cống)


(1) Hồi đó có danh từ cưới vợ “cắm chân”, để khỏi “đi lính”. Nghĩa là thanh niên không “đi lính” hoặc “đi lính” rồi về cưới vợ, ở nhà luôn.
(2) Theo lời kể của Nguyễn Linh, một trong những người tham dự hội nghị đó. Trích theo Nam Bộ thành đồng Tổ quốc, sđd, tr.341
(3) Lê Duẩn - Một nhà lãnh đạo lỗi lạc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 240.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #79 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2012, 07:18:29 am »

II. GIỮ VỮNG THẾ TRẬN, GIẰNG CO QUYẾT LIỆT VỚI ĐỊCH (1951-1952)

1. Thế trận giằng co giữa địch và ta

Hai tháng sau chiến thắng biên giới, trong lời kêu gọi ngày 19-12-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở toàn dân, toàn quân: “Chúng ta phải nhớ rằng: Càng gần thất bại, địch càng cố gắng, càng hung dữ, càng liều mạng. Càng gần thắng lợi, ta càng gặp nhiều sự gay go. Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng tinh thần và lực lượng để đối phó với những khó khăn mới”(1).

Đúng như Hồ Chủ tịch nhắc nhở, sau những thắng lợi lớn về quân sự, chính trị, đã xuất hiện xu hướng chủ quan trong đánh giá địch - ta, muốn “đánh nhanh, thắng nhanh”, không quán triệt đầy đủ quan điểm trường kì kháng chiến, do đó sự chỉ đạo chiến lược trong một số trường hợp đã biểu hiện nôn nóng.

Ở Bắc Bộ, ta mở liên tiếp 3 chiến dịch tiến công lớn ở trung du và đồng bằng vào năm 1951, nhưng đã tổn thất nhiều, vì đánh giá tương quan lực lượng ta và địch không đúng và chọn sai hướng mở chiến dịch. Ba chiến dịch lớn đánh vào đồng bằng Bắc Bộ đều không đạt được yêu cầu mục tiêu đề ra đó là:

- Chiến dịch Trần Hưng Đạo từ ngày 26-12-1950 đến ngày 17-1-1951 đánh vào khu vực Vĩnh Yên, còn gọi là Chiến dịch Trung Du. Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định, sau khi mở chiến dịch, ta vấp phải hệ thống phòng ngự rất mạnh của tướng De Lattre, với pháo binh và máy bay oanh tạc. Lần đầu tiên quân đội Pháp dùng đến bom lửa napalm do Mĩ viện trợ, gây cho quân đội Việt Nam nhiều tổn thất.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể lai: “Khi vào chiến dịch ta mới thấy chưa lường hết trước mọi khó khăn. Thấy cuộc tiến công gặp nhiều khó khăn, Bộ Chỉ huy chiến dịch hạ lệnh thu quân”(2).

- Tiếp đó là Chiến dịch Hoàng Hoa Thám đánh vào khu vực Đông Triều, kéo dài từ ngày 23-3 đến ngày 5-4-1951. Tại đây, hệ thống phòng ngự của tướng De Lattre cũng ngăn bước tiến của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: “Chỉ vì địch đã dựng lên một hàng rào lửa bằng đại bác quanh cứ điểm ngăn cản những đợt xung phong của ta”(3).

- Đến tháng 5-1951, chiến dịch thứ 3 được mở ở phía nam sông Hồng, đánh vào phòng tuyến sông Đáy trên ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, còn gọi là Chiến dịch Quang Trung.

Cả ba chiến dịch này đều không phá vỡ được phòng tuyến của tướng De Lattre. Sau đó bản thân tướng De Lattre và báo chí Pháp rêu rao rất nhiều về sự thất bại của tướng Giáp, về việc đảo ngược thế cờ và dự kiến một chiến thắng của quân đội Pháp giống như chiến thắng trong Chiến dịch sông Danube. Trên thực tế thì không phải như thế. Phía quân đội Việt Nam tuy có những tổn thất hơn mức dự kiến, nhưng không thể coi là thất bại hoàn toàn hoặc bị “đập nát tan tành” như tướng De Lattre nhận định. Ngược lại, cả ba chiến dịch này cũng gây cho quân đội Pháp những tổn thất rất nặng nề: Tính toàn bộ trong ba chiến dịch, phía quân đội Pháp đã bị tiêu diệt 40.000 quân, riêng ở phòng tuyến Bắc Bộ là 32.000 quân. Nhiều đồn bốt bị phá, tuy phòng tuyến chưa bị chọc thủng hoàn toàn. Đặc biệt, người con trai duy nhất của tướng De Lattre trấn giữ ở đồn Non Nước thuộc tỉnh Ninh Bình đã tử trận trong chiến dịch này(4).

Quá tin vào ưu thế của vũ khí, máy bay và bom napalm, vào sức chống cự của quân đội nhờ hệ thống bunker, sau những chiến dịch ở đồng bằng Bắc Bộ, tướng De Lattre quyết định phát huy ưu thế hỏa lực để đánh lên Hòa bình, nhằm thiết lập một hành lang, gọi là hành lang đông - tây để cắt đứt hẳn Bắc Bộ với Bắc Trung Bộ và Nam Bộ. Nếu làm được như vậy thì tuy biên giới đã được giải phóng, nhưng Việt Bắc vẫn bị cô lập với miền Trung và miền Nam Việt Nam. Đó là một ý tướng rất hiểm độc. Cuối năm 1951, hành lang đông - tây đã được dựng lên, mà Hòa Bình là điểm chốt quan trọng nhất của quốc lộ số 6 là con đường liên lạc giữa Việt Bắc và Quân khu IV, cũng có nghĩa là giữa các nước xã hội chủ nghĩa qua Việt Bắc xuống Trung Bộ và vào miền Nam.

Đến đầu năm 1952, Bộ Tư lệnh quyết định mở chiến dịch Hòa Bình, vì địa thế và khả năng hậu cần ở đây thuận lợi hơn so với những chiến dịch Trung du và Đồng bằng, vì có điểm tựa là rùng núi. Nhưng đầu tháng 1-1952 thì tướng De Lattre bị lâm bệnh ung thư và chết tại Pháp, tướng Raoul Salan là phó lên thay. Trong khi hấp hối, câu nói cuối cùng của De Lattre là gọi tên người con trai: “Bernard ơi, đợi cha với”. Trong lúc đó thì mặt trận Hòa Bình, 2 sư đoàn 308 và 312 cũng đang “đợi” lệnh của tướng Võ Nguyên Giáp để “tiến lên bằng đại bác”. Vì De Lattre ra đi quá sớm nên ông ta không được biết rằng chỉ hơn một tháng sau khi ông trở về với cát bụi thì quân Pháp không chỉ mất “một hạt bụi”, mà mất hàng ngàn km2. Cụ thể: hành lang Đông - Tây đã bị bẻ gãy, thị xã Hòa Bình đã được giải phóng, và 7 giờ tối ngày 23-2-1952 ngay giữa thị xã Hòa Bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã duyệt binh và đọc nhật lệnh:

“Đây là một chiến thắng lớn nhất từ Chiến dịch Biên Giới tới nay. 20.5876 tên địch bị tiêu diệt, 6.767 tên bị bắt sống, 132 cứ điểm bị san bằng, 62 vị trí bị bức rút. Sau lưng địch Việt Nam đã giải tán 2.000 ban tề ngụy, chuyển từ thế bị ép sang thế tiến công liên tục. Quân và dân Việt Nam đã đánh đuổi quân Pháp ra khỏi một vùng rộng 2.000 km2 với 15 vạn dân thuộc khu vực Sông Đà”(5).


(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr.135.
(2), (3) Võ Nguyên Giáp: Đường tới Điện Biên Phủ…, sđd, tr.146, 183. 215.
(4) Võ Nguyên Giáp: Đường tới Điện Biên Phủ…, sđd, tr.146, 183. 215.
(5) Hồi kí Lê Trọng Tấn: Từ Đồng Quan đến Điện Biên, tr. 215.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM