Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 09:34:19 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến - Tập 1 (1945-1954)  (Đọc 113081 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #60 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2012, 07:07:38 am »

Để có được những đồng tiền Việt Nam các loại ở Nam Bộ, công tác in ấn được quan tâm sâu sắc. Trong điều kiện ấn loát hết sức khó khăn, ngay trong vùng tự do, công việc “ấn loát đặc biệt” vẫn được tiến hành. Kĩ sư Ngô Tấn Nhơn (phụ trách) cùng các họa sĩ Huỳnh Văn Gấm, Sáu Hộ, Lê Ba, Lê Thiên, Trần Ngọc Thanh… và 6 cán bộ kĩ thuật về giấy, in và vẽ do Trung ương cử vào từ tháng 9-1949, đã cho ra đời những tờ giấy bạc Cụ Hồ khá đẹp - hình tượng hiên ngang của Nam Bộ kháng chiến. Các loại tiền được sản xuất bằng nguyên liệu tại chỗ, in trên nền giấy khá dai, khó có thể làm giả được.



Ông Ngô Tấn Nhơn đang kể về việc tổ chức in tiền tại Nam Bộ

Để in tiền, từ năm 1948, Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ đã thành lập “Ban ấn loát đặc biệt” đóng tại Đồng Tháp. Ban đã tổ chức và quản lí nhiều phân Ban:

- Phân ban A do ông Thân Trọng Song phụ trách, đóng ở Đồng Tháp.

- Phân ban B do họa sĩ Huỳnh Văn Gấm phụ trách, in loại giấy 50đ (kiểu 1). Sau này, phân ban B được chuyển từ rừng U Minh xuống rừng Năm Căn.

- Phân ban C được lập ở khu VII, nhưng không hoạt động được do khu căn cứ bị thu hẹp.

Ban ấn loát đặc biệt Nam Bộ được thành lập do Ngô Tấn Nhơn làm Trưởng ban; anh Hồ Văn Thế, cán bộ của Bộ Tài chính và hạo sĩ Huỳnh Văn Gấm làm Phó ban. Nhiệm vụ của Ban ấn loát đặc biệt là in giấy bạc Cụ Hồ các loại để thỏa mãn nhu cầu tác chiến ngày càng tăng và nhu cầu trao đổi hàng hóa trong vùng độc lập của ta(2).

Một công nhân Xưởng in tiền Nam Bộ thời đó viết trong Hồi kí: “Nam Bộ kháng chiến từ tháng 9-1945. Hồi đó, giấy bạc Việt Nam chưa in được. Nhân dân phả tạm dùng giấy bạc Đông Dương, nhưng dưới một hình thức đặc biệt là tờ giấy bạc Đông Dương được đóng con dấu của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1946, lực lượng của ta đã tương đối khá. Vấn đề kinh tế tự lực cánh sinh tương đối tạm đủ. Các cơ quan và quân đội phát triển mạnh nên cuối năm 1946, Chính phủ bắt đầu nghiên cứu việc in giấy bạc Việt Nam ngay tại Nam Bộ.

Đầu năm 1947, một xưởng in giấy bạc đã được thành lập. Buổi đầu, số anh em công nhân rất ít, thiếu nhiều thợ chuyên môn, máy móc, dụng cụ, nguyên vật liệu. Nhưng nhờ tinh thần chịu đựng gian khổ, quyết tâm khắc phục khó khăn nên dần dần xưởng đã mua sắm được hơn hai chục máy móc, trong đó có 3 máy offset, số anh em công nhân đã lên tới hàng trăm người, đủ đảm bảo cho việc in giấy bạc Việt Nam.

Tháng 7-1949, anh em chúng tôi đã bắt đầu sản xuất được tờ giấy bạc đầu tiên (loại 5 đ) ở Nam Bộ. Tuy kĩ thuật in hãy còn kém nhưng nhân dân trông chờ nó từ lâu, nên khi nó ra đời, nhân dân rất vui mừng được tiêu giấy bạc “Cụ Hồ”.

Nhân dân Nam Bộ có câu ca dao:

Bạc Đông Dương, tây thương, ta ghét
Bạc Cụ Hồ, tây đốt, tây thu
Ra tay thêm nặng oán thù
Dù bay đốt hết đã có chiến khu trở về!
(2)



(1) Xem Nam Bộ thành đồng Tổ quốc đi trước về sau, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 199, tr.459.
(2) Tập san Tiền Việt Nam, 1955, sđd, tr. 54.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #61 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2012, 07:12:56 am »

















Một số “đồng bạc Cụ Hồ” in tại Nam Bộ
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #62 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2012, 07:15:47 am »



Bia kỉ niệm nơi đặt trụ sở Ban ấn loát đặc biệt

Lúc này, cả 3 loài tiền nói trên (tiền Đông Dương đã “Việt Nam hóa”, giấy bạc Trung ương và giấy bạc Nam Bộ) song song lưu hành, được nhân dân tín nhiệm, có giá trị ngang nhau. Vào cuối năm 1952, các loại giấy bạc Đông Dương đã “Việt Nam hóa” dần dần biến mất một phần do rách nát, một phần do chính quyền kháng chiến thu hồi để tiêu hủy.

Để đối phó có hiệu quả hơn với âm mưu phá hoại của đối phương và khắc phục khó khăn do chiến sự đã chia cắt các thị trấn, từ ngày 28-8-1949, căn cứ vào Sắc lệnh số 102/SL ngày 1-11-1947 của Chính phủ Trung ương, Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ ra Nghị định 267/NĐ cho lưu hành “Tín phiếu Nam Bộ” và “Phiếu tiếp tế” của từng tỉnh, liên tỉnh với kiểu dáng khác nhau và chỉ có giá trị lưu hành trong từng địa phương. Các tỉnh có tín phiếu: Trà Vinh, Vĩnh Trà, Thủ Biên… Các tỉnh có phiếu tiếp tế: Sóc Trăng, Vĩnh Long, Rạch Giá, Hà Tiên, Cần Thơ, Bến Tre…



“Phiếu đổi chác” lưu hành ở tỉnh Vĩnh Long

Tín phiếu và phiếu tiếp tế có tính chất và giá trị lưu hành như nhau (mặc dù có in rõ tín phiếu hay phiếu tiếp tế trên tờ bạc, đều có chữ kí của Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh và Trưởng ti Ngân khố tỉnh sở tại, đều ghi rõ chỉ được lưu hành trong tỉnh…). Tín phiếu và phiếu tiếp tế được coi là giấy bạc Việt Nam có tính chất địa phương, có chức năng chi trả đầy đủ ngang với giấy bạc Trung ương và giấy bạc toàn Nam Bộ. Tổng số tín phiếu và phiếu tiếp tế của các tỉnh và liên tỉnh trên toàn Nam Bộ đã phát hành là 306 triệu đồng.

 




Phiếu tiếp tế, tín phiếu thường có kèm khẩu hiệu về kháng chiến và kiến quốc
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #63 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2012, 07:16:17 am »

Xây dựng về văn hóa - xã hội

- Về văn hóa “Phong trào vận động đời sống mới” ngày càng phát triển. Từ cán bộ, chiến sĩ đến nhân dân đều hưởng ứng phong trào đời sống mới: ăn uống có vệ sinh, ăn chín, uống chín, dùng 2 đũa hoặc đũa 2 đầu, làm cầu tiêu 2 ngăn hợp vệ sinh, xóa bỏ cầu tiên trên sông rạch, chống các thủ tục mê tín dị đoan, thầy bùa, thầy pháp, đồng bóng, tổ chức giản dị và tiết kiệm các lễ cúng giỗ, cưới hỏi, ma chạy… có nơi tổ chức đám cưới tập thể, các tệ nạn cờ bạc, thuốc phiện, rượu chè, đĩ điếm… coi như không còn. Trong những dịp cũng giỗ, nhiều nhà dành riêng 2 mâm để tưởng nhớ các chiến sĩ trận vong.

- Tình hình an ninh trật tự trong xóm, ấp được bảo đảm, có bất hòa mâu thuẫn với nhau thì bà con tự giải quyết, chính quyền đoàn thể có khi không cần can thiệp. Tình làng nghĩa xóm thương yêu, đùm bọc nhau, không có trộm cướp. Ban đêm nhà không cần đóng cửa. Ghe xuồng rủi có đứt dây cột trôi đi, ai thấy cũng cột lại để chờ người đến nhận.

- Các hoạt động văn hóa văn nghệ vừa nhằm giải trí, vừa có tác dụng giáo dục. Trong những năm đầu kháng chiến, các hình thức văn nghệ phổ biến là hát tân nhạc, hò lờ, diễn kịch; vọng cổ, cải lương ít được sử dụng, vì có nhiều cán bộ cho là có làn điệu buồn bã, ủy mị. Có thời gian ngắn như ở Bạc Liêu - Rạch Giá có chủ trương cấm vọng cổ, nhưng sau đó thì không cấm nữa. Trong các cuộc lễ hội, đám cưới, hội nghị thường là hát tân nhạc, đơn ca hoặc đồng ca, vì vậy mỗi người cần học thuộc một vài bài hát, để khi được yêu cầu thì đứng lên hát góp vui. Phong trào “hò lờ” cũng rất phổ biến, thường chia làm hai phe đối đáp rất vui. Diễn kịch thì thường là diễn kịch ngắn, có khi là kịch cương, 5-3 người hội ý rồi đứng lên diễn với nội dung thường là cổ động cho các chủ trương của chính quyền kháng chiến, châm biếm thực dân và tay sai.

Từ năm 1949 trở đi mới có nhiều vở kịch có giá trị, được những soạn giả có tay nghề biên soạn. Ví dụ như ở Sóc Trăng có vở kịch “Bắc Sơn” của Nguyễn Huy Tưởng được nhân dân khen ngợi…

Năm 1950, Hội văn nghệ Nam Bộ ra tạp chí “Lá lúa”. Vọng cổ, cải lương được quan tâm phát triển với những bài có có nội dung tốt, nhiều vở cải lương được yêu thích như vở “Trần Hưng Đạo bình Nguyên” của Trần Bạch Đằng, vở “Chén cháo Chí Linh” của soạn giả Điêu Huyền. Đoàn ca kịch Cửu Long do Nguyễn Ngọc Thạch phụ trách, đi lưu diễn ở nhiều tỉnh Tây Nam Bộ. Một vài tỉnh (như Cần Thơ, Bạc Liêu…) cũng lập đoàn cải lương riêng.

Phong trào văn hóa, văn nghệ còn phát triển mạnh mẽ trong từng ngành. Năm 1950, Quân y viện Khu 9 xây dựng một hội trường, lấy tên là “Người mới” để cán bộ, nhân viên sinh hoạt văn nghệ và học tập với nhiều hoạt động như: tổ chức hội trại thanh niên của bệnh viên, chạy tiếp sức, rước đuốc từ nghĩa trang liệt sĩ về bệnh viện… Những phong trào văn hóa văn nghệ này đã đốt bừng khí thế thi đua của cán bộ, chiến sĩ y sĩ tại Quân y viện Khu 9.

- Phong trào thể dục thể thao được hưởng ứng mạnh trong thanh niên, trong cán bộ, nhân viên các cơ quan và bộ đội. Hai môn thể thao được thanh niên thích nhất là bóng chuyền và bóng đá. Các cuộc thi cờ tướng, cờ gánh, bóng bàn, điền kinh thường tổ chức ở các câu lạc bộ thanh niên hoặc trong các ngày lễ hội. Ở Sóc Trăng, có “câu lạc bộ cứu quốc” (huyện Châu Thành); ở Bạc Liêu có Khu vực đồn điền quốc gia (Bà Hính, Cái Nước) thường tổ chức các cuộc mít tinh, lễ hội, triển lãm, thi đấu thể thao rất hấp dẫn nhân dân.

Về giáo dục, từ năm 1947, phong trào xóa mù chữ, học bổ túc… diễn ra sôi nổi ở khắp các vùng độc lập của ta, thu hút mọi người, giá trai, già trẻ… Đời sống khá đủ, bà con thấy cần phải học cho biết chữ, để đọc sách báo, để biết tính toán việc làm ăn, coi đó vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của công dân một nước độc lập. Ban đêm đốt đuốc, xách đèn đi học, ban ngày học sau giờ lao động sản xuất. Ở nhà người biết chữ dạy người chưa biết chữ. Người biết chữ rồi thì học thêm để có trình độ cao hơn. Bộ đội, cơ quan đóng ở đâu thì mở lớp ở đó. Nhiều khẩu hiệu, áp phích, thơ ca, hò vè cổ động phong trào xóa mù chữ, bổ túc văn hóa. Các trạm gác còn tổ chức kiểm soát việc xóa mù chữ bằng cách dựng bảng để dân đọc mỗi khi đi qua trạm.

Ngoài trường lớp ở các xóm, các làng, còn có trường nội trú cho con em của cán bộ, chiến sĩ, trường bổ túc văn hóa dành cho cán bộ. Năm 1950, huyện Tam Bình (Vĩnh Long) có 8 xã và 40.000 dân xóa xong nạn mù chữ. Cuối 1950, toàn bộ 112 xã hoàn thành xóa mù chữ.

Từ khi các cơ quan Nam Bộ dời về Khu 9, nhiều trường trung học kháng chiến lần lượt ra đời. Trường trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố mở 3 khóa, 450 học sinh; trường trung học Thái Văn Lung 2 khóa, 256 học sinh; trường trung học Huỳnh Phan Hộ 1 khóa, 180 học sinh; trường trung học Tiền Phong (của Thanh niên cứu quốc Nam Bộ) 2 khóa, 150 học sinh. Ngoài ra còn có trường tiểu học, sau đó tiến lên trung học Phan Ngọc Hiển của tỉnh Bạc Liêu, trường trung học bổ túc Nguyễn Công Mĩ (của Sở Giáo dục), trường trung học bình dân Huỳnh Phan Hộ, trường Thiếu sinh quân Quân khu 9 và trường Thiếu sinh quân Huỳnh Phan Hộ của tỉnh Bạc Liêu (có dạy cả nhạc)…

Ở các trường này, học sinh ở tập trung tại nhà dân, vừa học văn hóa, học chính trị, vừa lao động cho trường và giúp dân, nên học sinh trưởng thành toàn diện, trở thành những cán bộ tốt cho Đảng, cho chính quyền và đoàn thể cách mạng trong kháng chiến, cũng như sau này.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #64 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2012, 07:19:17 am »

- Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Ở các vùng độc lập, các cơ sở y tế phát triển đều khắp với phương châm kết hợp Đông - Tây y. Ở các trạm xá, nhà bảo sanh của xã hay liên xã, có y tá, cô đỡ, có nơi có y sĩ. Ở bệnh xã hay phòng y tế cấp huyện có y sĩ, có nơi có bác sĩ. Tỉnh có bệnh viện. Quân khu có Quân y viện. Về cơ quan lãnh đạo và quản lí thì tỉnh có Ti Y tế, Nam Bộ có Sở Y tế. Sở Y tế Nam Bộ sản xuất được khá nhiều thuốc của Tây y và Đông y. Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Giám đốc Sở Y tế Nam Bộ, có toa cơ bản gồm 10 vị thuốc Nam rất phổ biến trong nhân dân. Các bác sĩ Nguyễn Thiện Thành, Trương Công Trung còn “cấy nhau” theo phương pháp Philatốp (Filatov) và Bôgômôlêt (Bogommoletz) của Liên Xô đem lại hiệu quả tốt. Đồng bào ca ngợi là “thần dược”. Nhiều người ở thành thị đã xin vào vùng độc lập để cấy Filatov. Trong vùng độc lập gần như không có dịch bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đã dày công khai thác các tài liệu y học và báo chí của Pháp giới thiệu về phương pháp trị liệu Filatov.

Để bào chế theo phương pháp Filatov cần một chiếc tủ lạnh để làm công cụ tạo nghịch cảnh sống cho lá nhau tươi của sản phụ. Vấn đề đặt ra giữa khu kháng chiến lấy đâu ra tủ lạnh? Lúc đó, bác sĩ Trương Công Cẩn nhớ lại rằng trong một lần làm việc với cha cố Vũ Thành Tri, chánh xứ Rạch Đùng được cha chiêu đãi rượu nho ướp lạnh. Cha có một cái tủ lạnh chạy bằng dầu hỏa. Với sự hỗ trợ của Bộ Tư lệnh Quân khu 9, cha Vũ Thành Trinh đã vui vẻ hiến tặng Quân y viện Khu 9 chiếc tủ lạnh dầu hỏa độc nhất của cha, để Quân y Khu 9 ứng dụng làm trị liệu Filatov theo sự hướng dẫn của bác sĩ Nguyễn Thiện Thành.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thủ ở Nam Bộ đã đi khắp nơi trong các vùng kháng chiến để xây dựng những cơ sở nha khoa chữa răng cho nhân dân, mà dân Sài Gòn cũng phải ra đó để khám và chữa bệnh.



Cất philatốp thảo mộc ở Nam Bộ

Theo lời ông Võ Văn Kiệt, nguyên là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu thời đó kể lại: “Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng không phải là đảng viên, nhưng ông đi khắp các vùng đến các tỉnh đều được trọng nể như một vị lãnh đạo cao cấp. Các tỉnh ủy phải triệu tập cán bộ đầu tỉnh về nghe ông nói chuyện. Có lần, ông đứng trên mục phê phán gay gắt từ bí thư cho đến các cán bộ về những chuyện lạc hậu ở địa phương. Bằng tấm lòng tâm huyết, ông Hưởng nói rất gay gắt về vấn đề vệ sinh, về đời sống mới. Ông kể rằng khi còn học bên Pháp, bọn Pháp chụp những bức hình về Nam Bộ có một chiếc cầu tiêu đổ ra sông, rồi ngay dưới chiếc cầu tiêu có những người gánh nước đem vè ăn và nó giải thích rằng đó là cách sống của người Đông Dương. Bác sĩ kể lại rằng là người Việt Nam khi bị Pháp đưa những hình ảnh đó lên thấy nhục lắm cho nên quyết tâm sửa đổi. Chính ông Hưởng từ đó mà nghĩ ra hố xí 2 ngăn, dẹp các cầu tiên bên sông”(1).

Trong các vùng độc lập, phần lớn là bưng biền, cho nên muỗi là một vấn nạn. Đó là những vùng “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh như bánh canh”. Để chống bệnh sốt rét, trước hết phải chống muỗi chứ không phải dựa vào thuốc thang. Các trí thức từ thành phố tham gia kháng chiến đã có những đóng góp rất to lớn trong việc tạo ra nếp sống vệ sinh trong các bưng biền. Nhiều cơ quan, cán bộ đã nêu gương trong việc xây dựng những căn nhà chống muỗi, tất cả các cửa đều có căng màn chống muỗi. Tiêu biểu nhất là căn nhà của luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Sở Tài chính Nam Bộ.

Nhà của Sở Tài chính có tiếng là xinh xắn nhất, cất trên nền cao ráo, cửa có vải màn chống muỗi. Không phải do giữ quỹ công mà có tiền làm nhà, mà vì anh Vĩnh có tiền riêng từ Sài Gòn đem ra… Bên bờ kênh bên kia có Viện Văn hóa kháng chiến do anh Hoàng Xuân Nhị phụ trách, lúc đó đang xuất bản tờ báo tiếng Pháp La voix du Maquis (Tiếng nói Bưng Biền).


(1) Phỏng vấn ông Võ Văn Kiệt tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 11-1-2007.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #65 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2012, 07:20:50 am »



Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng (người mặc áo trắng đeo kính)
cùng gia đình trước khi đi theo kháng chiến

Nóp cải tiến Nguyễn Văn Hưởng: Nóp là một loại túi lớn đan bằng cây bàng (một loại cây giống cói ở đồng bằng Nam Bộ). Ngủ nóp là một giải pháp cổ truyền của dân cư vùng bưng biền: Vừa tránh mưa, tránh sương, vừa là chiếu, vừa là chăn, vừa là màn. Người ta đan nóp này để có thể giữ ấm qua đêm, chống thấm nước và quan trọng nhất là chống mỗi. Ngủ nóp là chuyện phổ biến trong những vùng mà “muỗi kêu như sáo thổi”. Nhưng ngủ nóp không được thoáng khí. Từ ngày bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng vào bưng biền, với tư cách Giám đốc Y tế, ông đã có hàng loạt sáng kiến cải tiến môi trường sống cho dân cư, trong đó có việc cải tiến chiếc nóp. Ông chỉ thay đổi một chi tiết nhỏ: Mở một cửa trên đầu chiếc nóp, khâu vào đó một miếng vải màn rộng bằng bàn tay, đóng ở chỗ thở. Như thế là vừa chống muỗi, chống lạnh nhưng vẫn thoáng khí. Đó là chiếc nóp Nguyễn Văn Hưởng.

Vào thời kì này, tướng Raoul Salan, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương đã từng nói: “Chúng ta chỉ cần tiêu diệt một phần Việt Minh thôi, phần còn lại để cho những con muỗi anôphen tiêu diệt nốt”(1).

Cuối cùng, kể cả cái ý tưởng đó cũng là sai lầm: Muỗi không tiêu diệt được Việt Minh, và chính Việt Minh lại tiêu diệt quân đội Pháp.

- Phong trào thi đua ái quốc (được đề ra từ 1948) ngày càng sôi nổi khắp các địa phương. Chủ tịch Hồ Chí Minh có lời kêu gọi về thi đua ái quốc. Người nêu ra khẩu hiệu là: “Thi đua ái quốc là hăng hái gấp bội”, “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”

Phong trào thi đua được hưởng ứng nhiều nhất ở hai mặt trận: Thi đua tòng quân giết giặc và thi đua sản xuất. Có rất nhiều bài hát, thơ, ca dao, cổ động cho phong trào này.

Ngoài ra, các đoàn thể như Hội phụ nữ cứu quốc, Hội mẹ chiến sĩ (có nơi tổ chức thêm Hội chị chiến sĩ, Hội cha dân quân) còn phát động nhiều phong trào ủng hộ bộ đội như: “Hũ gạo nuôi quân”, “Con gà, bụi chuối cứu quốc”, “Áo lạnh mùa đông cho chiến sĩ”… Các phong trào thiết thực này rất được quần chúng hưởng ứng. Khi bộ đội đến đóng quân ở địa phương nào thì các má, các chị trực tiếp nấu ăn, may vá quần áo, kể cả đưa thương bệnh binh về nhà chăm sóc, thuốc men, lập gia đình cho chiến sĩ, thương binh…

Phong trào tình nguyện tòng quân diễn ra sôi nổi, có nhiều em còn nhỏ cũng xung phong đi bộ đội.

Về thi đua sản xuất nông nghiệp, khuyến khích sáng kiến tăng năng suất lao động. Có nhiều điển hình như chiến sĩ thi đua Bùi Văn Trước, nông dân xã Long Bình (Long Mĩ, Cần Thơ) đã có sáng kiến “phát thế” với năng suất cao (bình thường phát 1 buổi được 1 hay 2 công đất, khi phát thế có thể lên đến 6 hay 7 công đất với tầm phát là 3 m).

Bà Đào Thị Sóc, người Khơme ở Rạch Ráng (Bạc Liêu), có thành tích xuất sắc về sản xuất, tự lực trồng bông dệt vải, vận động tổ chức vần đổi công, gương mẫu đóng thuế nông nghiệp, nuôi dưỡng bộ đội, được bình chọn là chiến sĩ thi đua nông nghiệp và được đề cử vào Ủy ban Mặt trận Liên Việt Nam Bộ…


(1) Philippe Héduy, sđd, tr.127 - t.1, tr. 423.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #66 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2012, 06:42:49 am »

2. Xây dựng hệ thống Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, theo tinh thần kháng chiến toàn dân

- Xây dựng hệ thống Đảng

Khi bắt đầu kháng chiến, số lượng đảng viên cộng sản ở mỗi tỉnh còn ít. Toàn khu chỉ có khoảng 200 đảng viên. Có nhiều địa phương, nhiều xã, ấp không có đảng viên, chỉ có quần chúng nòng cốt. Nhưng từ năm 1947 trở đi, qua thử thách kháng chiến, Đảng càng phát triển nhanh, các xã ở vùng độc lập và một số nơi ở vùng tạm bị chiếm cũng có đảng viên, có chi bộ Đảng. Các cấp ủy Đảng từ xã, huyện đến tỉnh đều được tăng cường về số lượng và chất lượng. Tuy tháng 11-1945, Đảng tuyên bố “tự giải tán”(1), nhưng Đảng vẫn hoạt động với danh nghĩa là “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác”. Dù vậy, nhân dân ở các vùng kháng chiến đều hiểu là Đảng vẫn tồn tại và đang lãnh đạo kháng chiến cứu quốc. Nhân dân càng tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng qua những đường lối chủ trương, chính sách đúng đắn và qua những hành động chiến đấu tiêu biểu của các đảng viên, đặc biệt tin tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cứu tinh của dân tộc.



Một số người trong Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ
(Từ trái qua / Ung Văn Khiêm, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Kỉnh, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ)
tại kinh 30, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau (1950)

- Xây dựng chính quyền

Hệ thống chính quyền từ Nam Bộ đến tỉnh, huyện, xã được củng cố và tăng cường. Ủy ban kháng chiến hành chính các cấp ngày càng phát huy vai trò là cơ quan chỉ đạo và quản lí Nhà nước về các mặt kháng chiến và kiến quốc. Ngay các thị xã tỉnh lị của một số tỉnh cũng có Ủy ban kháng chiến hành chính đóng ở vùng do ta kiểm soát để chỉ đạo phong trào từ ngoài vào. Các ngành chuyên môn cũng được tổ chức và xây dựng mạnh như quân sự, công an, thông tin, giáo dục, y tế…

Về Tư pháp, ở mỗi tỉnh, huyện vùng độc lập đều có Tòa án nhân dân. Mỗi phiên tòa đều có đại diện của Mặt trận hay các đoàn thể hiểu luật pháp của Nhà nước cách mạng, làm bào chữa viên để đảm bảo quyền lợi chính đáng của bị cáo.

Năm 1948, Chính phủ có sắc lệnh về bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã và Hội đồng nhân dân xã bầu ra Ủy ban kháng chiến hành chính xã nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng thêm vai trò và quyền lực của bộ máy chính quyền nhà nước. Tây Nam Bộ đã thực hiện chủ trương này.

Kết quả là trong tổng số 373 làng, ta đã thực hiện bầu cử Hội đồng nhân dân được ở 200 làng, còn 122 làng thì Ủy ban kháng chiến hành chính do Ủy ban kháng chiến hành chính cấp trên chỉ định theo sự giới thiệu của mặt trận và đoàn thể, còn lại 51 làng nằm trong vùng địch tạm chiếm.

Chính quyền cấp quận (huyện), tỉnh cũng được củng cố và mở rộng, có đại biểu của các đảng phái, tôn giáo, trí thức, nhân sĩ tham gia.

Nhìn chung, toàn bộ các mặt xây dựng cùng căn cứ cách mạng ở Tây Nam Bộ trong thời gian từ 1947 đến 1950 đã tạo được kết quả khá cao, tạo nên hậu phương tại chỗ vững chắc chẳng những cho Khu 9, các tỉnh trong Khu mà còn cả cho các cơ quan đầu não của Nam Bộ. Vùng căn cứ cách mạng này quả là nơi tiêu biểu cho chế độ dân chủ cộng hòa, một chế độ của dân, do dân và vì dân, có sức hấp dẫn mạnh đối với nhân dân yêu nước ở các vùng đô thị và tạm bị chiếm.


(1) Đảng tuyên bố tự giải tán để có du kích mở rộng Mặt trận đại đoàn kết dân tộc. Liên hiệp với các tổ chức chính trị khác, tập trung chống bọn đế quốc xâm lược.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #67 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2012, 06:44:52 am »

- Mở rộng mặt trận đoàn kết toàn dân kháng chiến

Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc như: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Công nhân cứu quốc (sau đổi là Liên hiệp công đoàn)… ngày càng phát huy vai trò vận động và hướng dẫn các phong trào quần chúng phục vụ cho kháng chiến và xây dựng đời sống. Cán bộ Mặt trận và đoàn thể đều sống trong dân, ăn, ở, lao động sản xuất với dân, nên được dân thương yêu và tin tưởng. Nhờ đó, công tác vận động ngày càng có hiệu quả.

Năm 1947, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam Nam Bộ ra đời (gọi tắt là Liên Việt Nam Bộ). Đến năm 1951, có chủ trương thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt để mở rộng khối đoàn kết toàn dân kháng chiến chống Pháp.

Một trong những thành công lớn và cũng là một yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc tạo ra sức mạnh của kháng chiến ở Tây Nam Bộ chính là công tác mặt trận. Chính trong thời kì kháng chiến, mặt trận là hiện thân của tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, tạo ra sức mạnh to lớn cho kháng chiến và cứu quốc. Ngay từ sau Cách mạng Tháng Tám và nhất là khi bước vào kháng chiến, công tác mặt trận đã đạt được những thành tựu rất to lớn. Đảng, chính quyền đã có những biện pháp đúng đắn để huy động các tầng lớp nhân dân ở Tây Nam Bộ nhằm mở rộng Mặt trận đoàn kết kháng chiến, nhất là trong tầng lớp trung lưu và tầng lớp trên.

Trước hết là giai cấp nông dân, nhân vật trung tâm của nông thôn được làm chủ ruộng đất, đời sống được no đủ về vật chất, tinh thần được phong phú, xóa được mù chữ, nên bà con càng hiểu Đảng, tin Đảng và quyết tâm theo Đảng kháng chiến để giữ được quyền làm chủ ruộng đất của mình. Họ trở thành lực lượng nòng cốt cơ bản của cuộc kháng chiến.

Giai cấp địa chủ ở Tây Nam Bộ khi bắt đầu cuộc kháng chiến, số đông tản cư ra thành thị, họ bắt đầu chuyển dần sang kinh doanh công nghiệp và thương nghiệp, có người trở thành tư sản mới, một số còn cho con em đi du học ở nước ngoài, chịu ảnh hưởng ít nhiều về ý thức dân tộc tư sản, nên ý thức bóc lột về địa tô của họ cũng lợt phai dần trước thời thế biến đổi. Đó là chưa kể số địa chủ thật sự yêu nước, hiến điền, tham gia vào các cơ quan chính quyền, mặt trận, đoàn thể. Số địa chủ làm việc cho địch, chống quyết liệt lại cách mạng ở Tây Nam Bộ không có bao nhiêu người. Nhiều địa điền chủ tuy sống ở Sài Gòn, nhưng vẫn công khai ủng hộ Chính phủ kháng chiến. Một trong những thí dụ tiêu biểu là đầu năm 1948, khi Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn tổ chức lấy chữ kí ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh, mấy nhà đại điền chủ đang sống ở Sài Gòn như Từ Bá Đước, Trần Trinh Huy đã công nhiên kí tên mình trong danh sách đó(1).

Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Kiệt kể lại một trong những trường hợp điển hình là Robert Nhơn: “Tôi xuất thân từ thành phần cố nông. Ruộng đất không có, nhà rất nghèo, đi theo cách mạng là chuyện gần như tất nhiên. Nếu có mất thì cũng chẳng còn gì để mất. Nhưng những vị điền chủ lớn và con cái họ mà đi theo cách mạng thì mới là sự thử thách rõ rệt nhất về tinh thần dân tộc và lòng yêu nước. Một trong những người bạn chiến đấu rất thân thiết của tôi thời kháng chiến là Robert Nhơn. Anh ấy là con đại điền chủ, đi học ở Tây, vào làng Tây, tên cũng mang tên Tây. Vậy mà, khi biết đến cách mạng, anh ấy đi theo ngay, không cân nhắc, không tính toán hơn thiệt. Vì tinh thần yêu nước, vì có tài năng chỉ đạo công việc, lại có sức thuyết phục với quần chúng, với cán bộ nên anh đã được cử giữ chức Chủ tịch tỉnh. Thế chưa hết, sau đó anh được cử làm Bí thư Tỉnh ủy! Tôi với anh đó, nếu xét về vị trí giai cấp thì một trời một vực, thâm chí cứ theo một công thức lí thuyết khá phổ biến lúc đó thì hai chúng tôi phải là kẻ thù giai cấp của nhau. Nhưng trong thực tế chúng tôi lại là đôi bạn rất thân thiết với nhau. Mà sự thân thiết đó hoàn toàn không có tính chất chiếu cố, khách sáo, mà chúng tôi quý nhau thật, gắn bó với nhau không khác gì những cái sau này gọi là tình đồng chí, tình giai cấp. Kháng chiến Nam Bộ là như thế” (2).

Tầng lớp quan lại và viên chức của chế độ cũ ở Tây Nam Bộ cũng có nhiều đặc điểm đặc sắc. Nếu cứ nhìn nhận một cách máy móc thì tầng lớp này do Pháp đào tạo, tuyển dụng, ban cấp cho nhiều đặc quyền đặc lợi, tất phải là một trong những đối tượng của cách mạng. Nhất là Nam Bộ, nếu theo chế độ thuộc địa thì đặc quyền đặc lợi đó càng lớn, và do đó họ càng gắn bó với thực dân Pháp. Nhưng trong thực tiễn cách mạng và kháng chiến lại hoàn toàn khác. Với tuyệt đại đa số thành phần này, lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc, danh dự và lương tâm của người Việt Nam vẫn lớn hơn, mạnh hơn, “nặng kí” hơn những lợi ích mà chế độ thuộc địa ban phát cho họ. Do đó, rất nhiều những quan chức lớn ở Tây Nam Bộ ngay từ đầu đã theo Việt Minh, theo không luyến tiếc, theo đến cùng. Đó là sự thật, mà chính lửa đạn và gian nguy của kháng chiến đã kiểm nghiệm, và không chỉ kiểm nghiệm một vài người, mà rất nhiều người. Đó là Đốc phủ sứ Đô trưởng Sài Gòn Phan Văn Chương đã bỏ Sài Gòn vào chiến khu làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Rạch Giá. Đó là Đốc phủ Hồ Văn Xuân (Rạch Giá), Còmi Bùi Tuấn Đức (Bạc Liêu), các luật sư nổi tiếng như Phạm Văn Bạch, Nguyễn Thành Vĩnh, các đốc phủ sứ và tri phủ Viễn, Thiệt, Tào.., và rất nhiều viên chức lớn của thực dân Pháp như Huỳnh Phan Hộ, Kha Vạng Cân… đã đi theo kháng chiến và giữ những cương vị trọng yếu trong bộ máy kháng chiến, không một chút dao động, ngả nghiêng.

Trong trường hợp Huỳnh Phan Hộ: Ông đã làm quản đốc cho một đồn điền lớn của Pháp. Như vậy, nếu xem xét một cách máy móc về quan điểm giai cấp thì ông là người gắn bó rất chặt chẽ với lợi ích của tư bản ngoại quốc, với chủ nghĩa thực dân. Nhưng trong thực tế, ông đi theo cách mạng một cách dứt khoát, không đắn đo. Sự dứt khoát đó đã được cộng đồng những đồng chí nhìn nhận và trân trọng. Ông giữ chức chỉ huy trưởng quân đội. Phó của ông là một chiến sĩ cách mạng thực thụ lâu năm, cũng đã nhiều năm bị tù đày ở Côn Đảo, đó là Nguyễn Hùng Phước. Hai người chiến đấu dũng cảm, không kém gì nhau. Một trưởng, một phó, gắn bó, đoàn kết, hoàn toàn tương đồng với nhau về tinh thần chiến đấu, về sự gan dạ. Họ còn có một sự giống nhau nữa: Cả hai người, trong hai trận đánh khác nhau, đều đã hi sinh một cách oanh liệt và đều là những liệt sĩ. Vậy trong những trường hợp này có thể nào cứ máy móc vận dụng những quan điểm giai cấp? Nếu làm như vậy thì Tây Nam Bộ mất đi không chỉ một, mà rất nhiều những người yêu nước có tài năng, có ý chí, có tấm lòng, và thực tế đã đóng góp gần như cả cuộc đời mình cho cách mạng, cho kháng chiến.

Tầng lớp trí thức có vai trò vô cùng to lớn trong kháng chiến. Chính vì lòng yêu nước nên tầng lớp trí thức không những đã sẵn sàng từ bỏ vinh hoa, phú quý, sẵn sàng dán thâm giam gia kháng chiến, chịu đựng mọi gian khổ, mà còn đóng góp rất to lớn cho sự nghiệp kháng chiến như: Giáo sư Đặng Minh Trữ, có thời gian làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Cần Thơ; Thanh tra tiểu học Nguyễn Văn Nghĩa, Đốc học Nguyễn Văn Truyện, Đỗ Văn Tưởng (Sóc Trăng), Giáo sư Nguyễn Thượng Tư (Sở Giáo dục Nam Bộ). v.v. Trí thức Nam Bộ đã đem đến ánh sáng của văn minh, của khoa học, văn hóa tới những vùng xa xôi hẻo lánh. Truyền bá văn hóa, tiến bộ cho mọi tầng lớp dân cư, góp phần thực hiện cuộc sống văn minh ngay trong những vùng khó khăn gian khổ nhất của kháng chiến.

Trong tháng 5 và tháng 6-1947, Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ có Chỉ thị số 4/NV và 404/TV vận động trí thức và công chức trong bộ máy cai trị của Pháp tham gia kháng chiến, không hợp tác với địch. Hưởng ứng chủ trương đó, nhiều viên chức, nhân sĩ, nhất là giáo viên ở các tỉnh và thành phố bỏ hàng ngũ địch ra bưng biền kháng chiến. Ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định có 6.000 viên chức và 1.000 thợ chuyên môn ra vùng độc lập của ta, tham gia vào các ngành kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, tư pháp, đặc biệt là tham gia vào các công binh xưởng sản xuất vũ khí. Trong số đó có nhiều vị có danh tiếng lớn như bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng. Đông đảo trí thức đã được trọng dụng, hăng hái tham gia vào các cơ quan chính quyền, các ngành chuyên môn phù hợp với khả năng. Họ còn tham gia vào các Ủy ban Mặt trận Việt Minh - Liên Việt, đoàn thể. Nhiều người được giao những chức trách quan trọng như: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính cấp Nam Bộ, cấp tỉnh, huyện hay Trưởng ti Giáo dục, Trưởng ti Thông tin… Trong quá trình kháng chiến vào những năm 1948 - 1949, một số trí thức, viên chức ở thành thị chán ghét chế độ thực dân và bù nhìn cũng lần lượt vào khu để cùng nhân dân chiến đấu cho độc lập của đất nước. Khi các cơ quan Nam Bộ dời về căn cứ miền Tây, số đông trí thức có tên tuổi và chức vụ lớn đến công tác ở các tỉnh Khu 9 đã góp phần rất quan trọng cho công tác tuyên truyền vận động quần chúng, nhất là vận động giới trí thức, các tầng lớp trên và tôn giáo như trường hợp các ông: Phạm Văn Bạch, Phạm Thiều, Phạm Ngọc Thuần, Nguyễn Văn Hưởng, Diệp Ba, Nguyễn Ngọc Bích, Phan Văn Chương, Nguyễn Thiện Thành, Trương Công Trung, Trần Đại Nghĩa, v.v.

Trường hợp Nguyễn Văn Hưởng: Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng không phải là đảng viên, nhưng ông luôn có ý thức chính trị rất rõ ràng. Tại U Minh Hạ, ông có tổ chức một buổi hội thảo tại Sở Y tế với chủ đề “Ranh giới giữa chính trị và chuyên môn”. Hội thảo kết luận: “Các bộ chuyên môn và khoa học kĩ thuật đều nhằm phục vụ chính trị. Vì chính trị là quyền lợi chung của đất nước và người dân. Đã tham gia kháng chiến là vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do cơm áo của người dân. Nếu không có nhân dân ủng hộ thời gian và phương tiện làm khoa học thì người trí thức khoa học sẽ phải cam chịu làm nô lệ, là tay sai cho chính trị thực dân”.

Trường hợp Diệp Ba: Luật sư Diệp Ba là người ngoài Đảng. Lại là trí thức Tây Học. Nhưng ông yêu nước, ông tìm thấy ở cách mạng và kháng chiến những chân lí mà nền luật học ở Pháp đã trang bị cho ông. Ông đi theo cách mạng không chỉ như một nhân sĩ, mà là một chiến sĩ thực sự. Và cũng trong không khí đó ở Nam Bộ, ông được bố trí làm Giám đốc Sở Công an Nam Bộ. Mộ trong những chiến sĩ cách mạng kiên cường, nổi tiếng lúc đó là Phạm Hùng giữ vị trí Phó Giám đốc Sở Công an. Đây là sự phân công căn cứ trên năng lực thực tế, chứ không phải chỉ là sự chiếu cố nhân sĩ, đặt chức trưởng chỉ để “làm vì”. Hai con người này thân thiết với nhau, cộng tác rất tốt với nhau trong công việc. Trong thực tế cách mạng và kháng chiến, giám đốc Diệp Ba đã làm rất tốt nhiệm vụ giám đốc Sở Công an của mình…

Trường hợp Nguyễn Ngọc Nhựt: Nguyễn Ngọc Nhựt là con trai của Nguyễn Ngọc Tương là một điền chủ lớn ở miền Tây. Bản thân Nguyễn Ngọc Nhựt cũng được cha cấp cho 100 mẫu ruộng. Nhựt được cha cho đi học ở Pháp va trở thành một kĩ sư giỏi về quân giới. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Pháp đàm phán, Nhựt xin theo về để phục vụ đất nước. Về tới nơi, ông được giao xây dựng một binh công xưởng cho Tây Nam Bộ và làm giám đốc. Trước khi đi nhận nhiệm vụ, cha ông gọi về và nhắc là phải đem hiến toàn bộ số 100 mẫu ruộng cho Chính phủ đã, rồi hãy vào bưng, lập xưởng quân giới…



(1) Thái Duy: Tất cả đều là ta, Báo Đại đoàn kết, ngày 20-5-2007.
(2) Phỏng vấn ông Võ Văn Kiệt tại TP. Hồ Chí Minh ngày 11-1-2007.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #68 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2012, 06:50:49 am »

Đoàn kết tôn giáo: ở Tây Nam Bộ bao gồm các đạo: Phật Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Thiên Chúa, Tin Lánh và các đạo ít người như: Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Tịnh Độ Cư Sĩ, Bửu Sơn Kì Hương…

Phật giáo khá đông, gồm những vị hòa thượng, đại đức, tăng ni tu tại chùa và tu sĩ tại gia. Phật giáo vốn có truyền thống yêu nước lâu đời, nên hầu hết tu sĩ tín đồ đều tham gia kháng chiến. Nhiều chùa Phật là nơi cư trí của cán bộ kháng chiến, chôn giấu vũ khí ở những vùng tranh chấp và tạm bị chiếm. Tây Nam Bộ có gia đình ông Thích Thiện Hoa và ni cô Diệu Kim… rất tiêu biểu cho giới Phật tử yêu nước tiến bộ.

Đạo Cao Đài có nhiều phái, ở Tây Nam Bộ có một số khá lớn thuộc phái “Cao Đài Minh Chơn Đạo” do Giáo tông Cao Triều Phát đứng đầu. Ông đã cùng các chức sắc cao cấp đứng ra lãnh đạo tổ chức “Cao Đài 12 phái thống nhất”, có uy thế ngày càng cao đối với các tôn giáo. Phần đông tín đồ đều tích cực tham gia kháng chiến, kể cả tham gia vào lực lượng vũ trang chống thực dân Pháp. Nhiều người đã trở thành đảng viên cộng sản, nhận nhiều trọng trách trong bộ máy chính quyền cách mạng. Thậm chí có người được bầu vào tỉnh ủy, đã góp phần tích cực trong sự nghiệp kháng chiến chống Pháp. Một trong những gương mặt tiêu biểu là ông Ngô Tâm Đạo, chức sắc cao cấp của Cao Đài Minh Chơn Đạo, rất được quần chúng tin yêu, cảm mến…



Hội nghị tôn giáo: Ung Văn Khiêm đọc diễn văn. Từ trái qua phải: Cụ Cao Triều Phát, Phạm Văn Bạch, Lê Đức Thọ và đại diện Phật giáo Khơme

Thiên Chúa giáo có phần khó khăn hơn trong tham gia kháng chiến. Tòa khâm mạng và Giám mục đe dọa linh mục và giáo dân không được tham gia kháng chiến chống Pháp. Nếu ai tham gia kháng chiến sẽ bị “rút phép thông công”. Dù vậy, đông đảo giáo dân và linh mục vẫn tham gia kháng chiến tại chỗ hoặc vào chiến khu giữ những vị trí quan trọng trong “Hội công giáo kháng chiến”, trong “Hội Liên Việt”, có người còn được cử vào Quốc hội. Ở Tây Nam Bộ có nhiều vị linh mục tiêu biểu được nhân dân cả nước tôn trọng, như các vị: Hồ Thanh Biên, Võ Thành Trinh, Trần Quang Nghiêm…

Đạo Hòa Hảo có tín đồ rất đông ở miền Tây, nhất là các tỉnh: Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Cần Thơ… Đạo này có tổ chức chính trị là “Đảng Dân xã” làm nòng cốt, nên có nhiều diễn biến phức tạp ngay cả trong nội bộ của đạo. Nhiều phần tử phản động đã lợi dụng danh nghĩa đạo, theo Pháp, đứng ra tổ chức nhiều lực lượng vũ trang làm tay sai cho Pháp, áp bức khủng bố đồng bào, gây ra nhiều tội ác. Pháp lại có nhiều mưu mô kích động nhóm này chống nhóm kia, gây nên nhiều sự biến hỗn loạn ngay ở những vùng mà chúng mệnh danh là có “chính quyền tự trị” của đạo. Dù vậy, đa số tín đồ là nông dân yêu nước, nên khi ta tích cực vận động thì lần lượt họ giác ngộ và tham gia kháng chiến. Sư thúc Huỳnh Văn Trí là vị chức sắc lớn, đồng thời là người chỉ huy một đơn vị vũ trang kháng chiến đã có công lớn trong công cuộc vận động tín đồ đi kháng chiến. Trong những năm 1949 - 1950, nhiều đồn bót đã án binh bất động, ”trung lập hóa”, không đàn áp quần chúng và tránh không đụng với ta.

Đoàn kết dân tộc

Đồng bào Khơme sống tập trung nhiều ở 2 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng(1) và các xã, huyện cập biên giới Campuchia phía Tây Nam. Do âm mưu “chia để trị” của Pháp, lúc đầu giữa người Khơme, người Việt có xung đột, một số nơi có chém giết nhau, nhưng từ sau khi cụ Vũ Đức (Hoàng Đình Giong), Khu bộ trưởng Khu 9 giải tỏa cho số người Khơme bị bắt cùng với việc thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng và chính quyền cách mạng, người Khơme dần dần hiểu rõ chính, tà. Họ tích cực tham gia kháng chiến, nhất là từ khi người nông dân Khơme được cấp đất, sinh sống ổn định.

Nhiều vị Tu sĩ, chức sắc Phật giáo, nhân sĩ trí thức Khơme giữ nhiều vị trí quan trọng trong các cơ quan kháng chiến, như ở Rạch Giá có Đại đức Tăng Hộ, Tăng Ne, Thạch Đông (Hai Xê); Sóc Trăng có Liêu Te, Liêu Nhiêu, Lí Phi Nê, Trịnh Thới Cang, Sơn Kiên, Sơn Ton (Anh hùng quân đội); Trà Vinh có Maha Thông, Thạch Đông Tùng, Thạch Vôi, Lâm Sết; Bạc Liêu có Huỳnh Cương, Năm Sang, Ba Danh (nữ) chiến sĩ thi đua Đào Thị Sóc…

Người Hoa ở các thị xã, thị trấn miền Tây khá đông, có số ít ở các vùng đất gò rẫy bái của các tỉnh. Họ sống phần lớn bằng nghề buôn bán, kinh doanh, ở nông thôn thì có số làm rẫy trồng hoa màu. Lúc đầu kháng chiến thì số đông người Hoa giữ thái độ “trung lập” (khách) lo làm ăn, không quan tâm đến chính trị, nhưng càng về sau, từ năm 1947 trở đi công tác Hoa vận của ta phát triển mạnh, có nhiều đảng viên người Hoa len lỏi vào thành thị, các vùng tạm bị chiếm tích cực vận động bà con người Hoa tham gia kháng chiến. Lớp trẻ người Hoa tham gia công tác cách mạng khá đông, có người sau này trở thành cán bộ lãnh đạo, như trường hợp Nghị Đoàn (hiện ở thành phố Hồ Chí Minh), nhiều người đã hi sinh trong đấu tranh chống Pháp, như trường hợp Trần Bội Cơ (học sinh Sài Gòn, quê ở Vĩnh Long).

Người Chăm sinh sống tập trung ở một số xã thuộc Long Xuyên - Châu Đốc. Họ cũng như người Việt tham gia kháng chiến ngay từ đầu khi Pháp trở lại xâm lược. Tuy họ ít có người xuất sắc tiêu biểu, nhưng tính chất hiền lành, dễ hòa hợp, đoàn kết với người Việt để cùng nhau kháng chiến chống Pháp.

Ở Tây Nam Bộ còn có Đảng Dân chủ ở một số tỉnh như: Cần Thơ, Rạch Giá… Lúc đầu 1947 - 1948, ở một số địa phương có ít nhiều lấn cấn, tranh giành ảnh hưởng giữa đảng viên Đảng Dân chủ và đảng viên cộng sản, giữa Thanh niên dân chủ và Thanh niên cứu quốc, nhưng từ khi Nguyễn Việt Nam (Bí thư Kì ủy Đảng Dân chủ Nam Bộ) gặp Lê Duẩn (Bí thư Xứ ủy), thì mọi hiểu lầm, thắc mắc được giải tỏa, đại diện Đảng Dân chủ (qua Nguyễn Việt Nam) thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong công cuộc kháng chiến.


(1) Ở Sóc Trăng, Trà Vinh, tuy có đông người Khơme nhưng ngay buổi đầu nhờ vận động được những người Khơme tiêu biểu tham gia kháng chiến nên ít xảy ra xô xát giữa Việt - Khơme. Trường hợp xô xát phần lớn diễn ra ở Bạc Liêu - Rạch Giá, nhưng nhờ Vũ Đức (Khu bộ trưởng Khu IX) giải quyết thỏa đáng nên không kéo dài.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #69 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2012, 06:54:36 am »

3. Giúp bạn Campuchia

Thi hành chủ trương của Trung ương Đảng về mối quan hệ đoàn kết chiến đấu của 3 dân tộc anh em Việt Nam - Lào - Cao Miên trên chiến trường Đông Dương, chống kẻ thù chung là thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ và nhân dân ở Tây Nam Bộ đã thực hiện những công việc giúp bạn Cao Miên (sau này gọi là Campuchia) cụ thể như sau:

- Tại Châu Đốc, Thanh niên cứu quốc Nam Bộ đã vận động Việt kiều ở Campuchia về nghe báo cáo tình hình và thông báo nhiệm vụ tuyển quân. Kết quả có 200 thanh niên tình nguyện, thành lập 1 đại đội lấy tên là: “Cao Miên Việt kiều cứu quốc quân” hoạt động trên biên giới Việt Nam - Campuchia.

- Năm 1948, thực hiện chỉ thị của Xứ ủy, Đảng bộ miền Tây đã xây dựng lực lượng “Tình nguyện quân” sang giúp cách mạng Campuchia.

Ban đầu Khu ủy đưa đơn vị 309, sau đó đưa bộ đội 251, mỗi đơn vị tương đương một đại đội được rút từ lực lượng của các tỉnh Rạch Giá, Bạc Liêu, Sóc Trăng do Lưu Quang Xe, Trần Thái Hòa, Nguyễn Tương Lai, Nhèm Sánh, Đào Văn Châu chỉ huy phối hợp chiến đấu ở hai tỉnh Kampot và Tà Keo. Khi đại đội Cửu Long II từ Thái Lan về nước, được giao cho Ban can sự toàn Miên chiến đấu trên đất bạn.

Đầu 1949, Khu 9 giao thêm một đại đội súng nữa, góp phần vào việc thành lập trung đoàn 131 tình nguyện quân sang giúp bạn đến cuối cuộc kháng chiến chống Pháp.

Tây Nam Bộ còn giúp nhiều cán bộ quân sự, chính trị cho cách mạng Campuchia, trong đó riêng tỉnh Trà Vinh cung cấp nhiều cán bộ người Khơme như: Lâm Phái, Sơn Phước Rọt… và một đại đội vũ trang (những năm kế tiếp còn tiếp tục giúp đỡ thêm).

- Ngoài những sự kiện trên, trong năm 1948 bộ đội của các tỉnh Khu 9 còn giúp bạn Ixarắc (Issarak) tỉnh Kampot (Campuchia) phục kích trên lộ Túc Mía - Ton Hon đánh thiệt hại nặng 1 đại đội Pháp, trong số bị diệt có 2 tên thanh tra mật thám Liên bang Đông Dương của Pháp, thu 20 súng (có 3 trung liên). Cũng trong tháng 8-1948, Tiểu đoàn 363 của Hà Tiên phối hợp với 1 đơn vị Ixarắc Kampot pháo kích đồn Ton Hon và phục kích diệt toàn bộ 1 đại đội địch, phá hủy 3 xe, thu 50 súng và nhiều đạn dược.

Tình đoàn kết Việt Nam - Campuchia càng thắt chặt và phát triển trong thời gian này, đem lại nhiều kết quả tốt.

*
*   *

Nhìn lại thời kì từ toàn quốc kháng chiến (từ ngày 19-12-1946) đến cuối 1950, Tây Nam Bộ đã cùng cả nước đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện giành nhiều thắng lợi rất to lớn trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa xã hội và đoàn kết quốc tế. Thắng lợi nổi bật của Tây Nam Bộ là:

- Xây dựng, củng cố và phát triển cả về số lượng và chất lượng một hệ thống chính trị từ Đảng bộ, chính quyền, quân đội, mặt trận, đoàn thể được vững chắc, mở rộng được Mặt trận đoàn kết toàn dân kháng chiến.

- Xây dựng được một vùng căn cứ cách mạng rộng lớn vững chắc, chẳng những cho Khu 9 mà cả cho các cơ quan Nam Bộ, tạo thành hậu phương dồi dào tại chỗ cho kháng chiến lâu dài, tiêu biểu cho chế độ tốt đẹp của Nhà nước ta.

- Trên cơ sở đó đã phát triển nhanh lực lượng vũ trang, đẩy mạnh tiến công địch về chính trị và quân sự, phát triển phong trào nhân dân du kích chiến tranh rộng mạnh, có nhiều sáng tạo phong phú trong cách đánh địch, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, góp phần quan trọng đánh bại chính sách bình định của địch ở Nam Bộ. Chính bằng cách đó đã giam chân một lực lượng lớn quân Pháp, góp một phần rất quan trọng vào việc tiêu hao lực lượng địch, giảm sức ép của địch trên các chiến trường chính, đóng góp vào chiến thắng lớn của cả nước.

Như trên đã nói, khi mới bước vào một cuộc chiến đấu mà đối với ta là rất mới mẻ và không cân sức, chúng ta không tránh khỏi những bước mò mẫm, vấp váp. Về kinh tế, Tây Nam Bộ có mắc một số sai lầm gây nhiều khó khăn, bất lợi cho ta trong một thời gian ngắn. Về quân sự, do “ham ăn to đánh lớn”, với tập trung quân chủ lực thành trung đoàn, liên trung đoàn làm lỏng lực lượng bên dưới, phong trào du kích chiến tranh bị sa sút. Sau đó đã kịp thời chấn chỉnh, nhưng đây là bài học đích đáng ghi nhớ.

Nhìn chung, tuy có sai sót, nhưng thắng lợi trong thời gian 1947 - 1950 của Tây Nam Bộ là to lớn và toàn diện, làm cơ sở vững vàng cho giai đoạn tiếp sau. Có thể nói đây là thời kì vàng son của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Tây Nam Bộ.

Để đánh giá chung về những thành tựu của Tây Nam Bộ trong thời kì đầu kháng chiến, trong bức thư Tổng Bí thư Trường Chinh gửi cho Bí thư Xứ ủy Nam Bộ Lê Duẩn vào ngày 23-10-1948:

“Phong trào trong Nam, đặc biệt là từ chỗ rất yếu, có lúc tan rã, mà tiến lên chỗ mạnh mẽ, vững vàng; từ chỗ lộn xộn, phức tạp dần dần đi tới chỗ có hệ thống, có quy củ, tuy mới chỉ bắt đầu.

Về tác chiến thì từ chỗ gậy tầm vông và dăm trăm khẩu súng đã đi đến chỗ đánh được những trận như trận La Ngà. Thật là do chủ trương đường lối của Đảng ta đúng, do uy danh và sự chỉ đạo sáng suốt của Cụ, do tinh thần anh dũng nhẫn nại của các đồng chí và của đồng bào Nam Bộ, nên mới được như thế.

Một đặc điểm của phong trào Nam Bộ là cán bộ cũng như quần chúng, hăng hái gan dạ, quyết tâm, tin tưởng ở sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự lãnh đạo của Cụ, Những đức tính đó đã làm cho Nam Bộ trỗi dậy mà tiến lên, mặc dầu vấp ngã nhiều lần. Chúng tôi rất lấy làm phấn khởi thấy rằng cuộc kháng chiến Nam Bộ có tính chất nhân dân kháng chiến, tự dân đứng dậy, xông lên để tự vệ bằng mọi cách với mọi sáng kiến, mọi khả năng”(1).



(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.9, tr. 308, 381.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM