Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 02:08:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến - Tập 1 (1945-1954)  (Đọc 113093 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #50 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2012, 07:19:51 am »

II. PHỐI HỢP VỚI CHIẾN TRƯỜNG NAM BỘ VÀ TOÀN QUỐC GIÀNH NHIỀU THẮNG LỢI MỚI (1949-1950)

1. Tình hình thế giới và trong nước giai đoạn 1949 - 1950 có tác động tích cực đến chiến trường Tây Nam Bộ

Đầu mùa hè năm 1949, Giải phóng quân Trung Quốc liên tiếp đánh bại quân Tưởng Giới Thạch trên khắp các chiến trường. Cách mạng Trung Quốc thành công, Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời vào ngày 1-10-1949.

Ngày 15-1-1950, Chính phủ ta tuyên bố công nhận Chính phủ nước Cộng hào nhân dân Trung Hoa. Ba ngày sau, ngay 18-1-1950, Trung Quốc trở thành nước đầu tiên trên thế giới công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kế tiếp đó là Chính phủ Liên Xô và chính phủ các nước anh em khác như: Triều Tiên, Tiệp Khắc, Cộng hòa dân chủ Đức, Rumani, Ba Lan, Hunggari, Anbani, Mông Cổ… lần lượt công nhận Chính phủ ta.

Thắng lợi ngoại giao nói trên đã nâng cao thêm vị trí của nước ta trên trường quốc tế và động viên toàn quân toàn dân ta xông lên giành thắng lợi mới to lớn hơn.

Dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Chiến dịch Biên giới bắt đầu từ ngày 16-11-1950 đã giành được thắng lợi to lớn: tiêu diệt và bắt sống toàn bộ 2 binh đoàn Lepage và Charton, bắt sống toàn bộ chỉ huy 2 binh đoàn và Tỉnh trưởng Cao Bằng. Ta giải phóng một dải biên giới dài 100 km từ Cao Bằng tới Lạng Sơn xuống tận Đình Lập. Phòng tuyến đường số 4 bị phá vỡ. Ta buộc địch phải rút khỏi thị xã Lào Cai, Sa Pa, thị xã Hòa Bình. Chiến thắng Biên giới đã nối liền miền Bắc nước ta với hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, có tác dụng cổ vũ quân dân toàn quốc tiến lên trong giai đoạn mới.

Tháng 11-1949, Xứ ủy và các cơ quan Nam Bộ di chuyển từ căn cứ Đồng Tháp Mười xuống căn cứ U Minh. Quân dân Tây Nam Bộ đã làm hết sức mình để bảo vệ và làm hậu cần chu đáo cho các cơ quan lãnh đạo cao nhất ở Nam Bộ… Cũng trong thời gian này, một phái đoàn được Trung ương cử vào Nam do Lê Đức Thọ, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng phụ trách, trong đó có bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (đại diện Chính phủ) và Thiếu tướng Lê Hiến Mai (tức Dương Quốc Chính, đại diện Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam). Phái đoàn Trung ương đã cùng với các cơ quan Nam Bộ dời về miền Tây. Quân khu 9 đã tổ chức một cuộc mít tinh và duyệt binh chào mừng phái đoàn.

Tháng 12-1949, Khu ủy Khu 9 triệu tập Hội nghị đại biểu toàn Khu để kiểm điểm tình hình, đề ra chủ trương công tác nhằm đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện lên một bước cao hơn. Hội nghị có sự chỉ đạo của Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy và Lê Đức Thọ, đại diện Trung ương Đảng. Sau khi Khu ủy cũ tự kiểm điểm, Xứ ủy chỉ định Khu ủy mới gồm 9 thành viên: Bí thư Nguyễn Văn Trản (tức Vương Nhị Chi), Phó bí thư Trần Văn Hiển, 3 ủy viên Thường vụ, Võ Quang Anh (quyền Chính ủy Bộ Tư lệnh Khu), Nguyễn Văn Vực, Trần Văn Đại và 4 Khu ủy viên là Bí thư đương nhiệm ở các tỉnh.



Khu 9 tổ chức lễ kỉ niệm ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1949
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #51 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2012, 07:25:44 am »

2. Những thay đổi trên chiến trường Nam Bộ và Khu 9, cùng các hoạt động vũ trang của ta

Bước vào năm 1949, Pháp tăng cường thêm cho chiến trường Nam Bộ 6 tiểu đoàn cơ động, đánh vào vùng độc lập của ta và kìm chặt dân trong vùng chúng kiểm soát. Pháp chia miền Tây thành 3 khu quân sự (trước kia chỉ chia 2 khu) để kiểm soát dân chặt chẽ hơn:

- Khu Vĩnh Long gồm các tiểu khu Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh và chi khu Cái Bè.

- Khu Long Xuyên gồm các tiểu khu Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Rạch Giá và Hà Tiên(1).

- Khu Sóc Trăng gồm các tiểu khu Sóc Trăng, Bạc Liêu.

Sau thất bại nặng nề ở Chiến dịch Việt Bắc, qua năm 1948, thực dân Pháp đã không thực hiện những cuộc đánh úp chớp nhoáng, nhưng vẫn cho rằng quân Pháp có thể thắng.

Trong hai năm 1948-1949, quân Pháp liên tiếp thực hiện những kế hoạch để củng cố lực lượng về nhiều mặt.

Tướng Revers, Tổng chỉ huy quân đội Pháp, sang Đông Dương nghiên cứu chiến trường (từ ngày 16-5 đến ngay 17-6-1949) và sau đó xây dựng một kế hoạch mới gọi là kế hoạch Revers. Trước hết, Revers chủ trương khóa chặt biên giới Việt - Trung để tiếp tục cô lập các lực lượng kháng chiến. Mặt khác, đánh ra vùng trung du, lập ra hành lang Đông - Tây để ngăn cách Việt Bắc với Khu III, Khu IV, Khu V… Về lí thuyết, phải thừa nhận đây là một kế hoạch thông minh và rất nguy hiểm. Trong thực tế, nó đã đặt Việt Minh vào tình thế khó khăn.

Vì vẫn coi Bắc Bộ là chiến trường chính nên ở Nam Bộ, Revers tập trung lực lượng để bình định triệt để, sau đó mới dồn quân ra giải quyết dứt điểm chiến trường Bắc Bộ. Đây là thời kì vô cùng gian khổ của quân và dân Nam Bộ.

Về chính trị, Pháp lôi kéo Bảo Đại để thành lập chính phủ thân Pháp.

Về quân sự, mức độ khốc liệt của chiến tranh tăng lên nhiều lần. Từ đây, quân Pháp không còn từ một biện pháp tàn ác, dã man nào.

Từ chiến thuật đóng đồn, tháp canh, nay mở rộng ra thành chiến thuật “vết dầu loang”, còn gọi là chiến thuật “mạng nhện”.

Pháp thực hiện việc bao vây kinh tế, phá hoại mùa màng ở vùng ta kiểm soát, chúng nói: “giết 1 con trâu hơn giết 1 nông dân”, “giết 1 nông dân hơn giết 1 vệ quốc đoàn”, nhằm phá hoại nguồn lực kháng chiến.

Chúng cố sức ngăn cản sự tiếp tế từ miền Tây lên miền Đông, ngăn chặn hàng thiết yếu từ vùng tạm chiếm vào vùng độc lập.

Theo những số liệu của các sử gia Pháp cung cấp thì cho đến giữa năm 1949, lực lượng quân đội Pháp trên toàn Đông Dương đã lên tới 140.000 quân. Lực lượng quân đội chính quy của kháng chiến là 130.000 người…(2).

Về phía ta, Trung ương Đảng chủ trương đánh mạnh hơn nữa vào hậu phương địch, đánh vào các vị trí chiến lược, cắt đứt đường giao thông quan trọng, hướng hoạt động chính là vùng chiến lược và kinh tế quan trọng mà địch đang ra sức củng cố, vận động đánh tan ngụy binh, gây cơ sở du kích ở vùng địch kiểm soát, nhất là vùng có nhiều người nhiều của. Phương châm là: “Du kích chiến là căn bản, vận động chiến là phụ trợ”. Cần đẩy mạnh vận động chiến khi có đủ điều kiện thì nâng vận động chiến lên vị trí quan trọng để sang giai đoạn phản công.

Khi thực hiện phương châm trên ở chiến trường Nam Bộ, ta có phần chủ quan, đánh giá chưa đúng tương quan lực lượng giữa ta và địch, hiểu không đúng khẩu hiệu “chuyển mạnh sang tổng phản công”, ham đánh lớn, chủ trương tập trung lực lượng chủ lực, thành lập nhiều liên trung đoàn. Tây Nam Bộ thành lập 3 liên trung đoàn:

- Liên trung đoàn 122-123 hoạt động trên địa bàn 2 tỉnh Cần Thơ - Sóc Trăng.

- Liên Trung đoàn 124-125 hoạt động ở 2 tỉnh Bạc Liêu, Rạch Giá (đến tháng 9-1949, có quyết định thay đổi Liên trung đoàn 122-124 phụ trách Cần Thơ, Rạch Giá, Liên trung đoàn 123-125 phụ trách Sóc Trăng, Bạc Liêu).

- Liên trung đoàn 109-111 ở 2 tỉnh Vĩnh Long - Trà Vinh (thuộc Khu 8).

- Liên trung đoàn 126-128 phụ trách Long Xuyên - Châu Đốc - Hà Tiên.

Trước đây trung đoàn thực chất chỉ có 3 đại đội mạnh, nay ghép 2 trung đoàn thành liên trung đoàn cũng chỉ được 6 đại đội, hiệu quả chiến đấu không hơn trước. Trong khi đó ở Khu 8 có 2 Tiểu đoàn 307 và 308, tác chiến tập trung lại có hiệu quả cao hơn. Hơn nữa việc tập trung bộ đội địa phương thành quân chủ lực quá sớm đã làm yếu đi lực lượng nòng cốt bên dưới, nên địch tổ chức càn quét lấn chiếm một số vùng, gây khó khăn cho phong trào du kích chiến tranh.


(1) Pháp tách rời Long Xuyên và Châu Đốc, tăng thêm cho Châu Đốc 1 đại đội lính Maroc để kiểm soát tuyến biên giới Nam Bộ - Campuchia.
(2) Biểu: Tổng số và cơ cấu quân đội Pháp qua các năm 1945 - 1950
Đơn vị: nghìn quân

   Năm   
   Tổng số   
   Âu Phi   
   Ngụy   
1945
32
27
5
1946
90
65
25
1947
128
85
43
1948
160
85
75
1949
210
114
96
1950
239
117
122

Nguồn: Tài liệu lưu trữ của Viện Sử học Việt Nam
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Bảy, 2012, 07:56:57 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #52 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2012, 07:38:58 am »

Tháng 3-1949, Pháp tổ chức nhiều cuộc hành quân càn quét, giết hại đồng bào ta, gây nhiều tội ác ở vùng Bảy Núi, Tri Tôn, ở Núi Trầu - Hà Tiên giáp với biên giới Campuchia(1).

Tháng 4-1949, Pháp mở cuộc càn quét vào xã Lương Phi (Tri Tôn), bị đại đội 2006 thuộc Liên trung đoàn 1236-128 chặn đánh, diệt một trung đội, bắt sống 8 tên, thu 12 súng.

Cũng trong tháng 4-1949, Trung đoàn 115 (Khu 8) phối hợp với bộ đội địa phương Tân Châu (Châu Đốc) đánh chìm tàu Drageur chở lính Marốc trên sông Thương Địch (Hồng Ngự). Địch cho hai tàu chở quân đi ứng cứu, một chiếc bị thủy lôi đánh hư hỏng nặng, chiếc còn lại tháo chạy. Lính ở đồn An Nhơn hoảng sợ, bỏ đồn rút chạy. ta bắt sống 19 lính Marốc (có 1 đại úy) thu 2 đại bác 75 li, 1 cối 81 li và gần 100 súng các loại.

Đêm 22-7-1949, bộ đội ta tập kích 1 tiểu đoàn lê dương đóng dã ngoại ở cầu sắt Vĩnh Thông. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt suốt 2 giờ, ta diệt 315 tên địch, bắt sống 15 tên, thu trên 200 súng (có 4 đại liên, 12 trung liên và 2 súng cối).

Các trận của ta đã làm rung động tuyến vành đai biên giới của địch, đánh bại kế hoạch lấn chiếm vùng Bảy Núi. Pháp phải rút bỏ đồn Vĩnh Thông(2).

Sau thất bại trên, ngày 18-8-1949, Pháp huy động hải lục không quân phối hợp với lực lượng của 2 phân khu Châu Đốc và Hà Tiên, khoảng 3.000 quân thuộc Binh đoàn Nyo, do tướng De la Tour chỉ huy, chia làm 3 mũi đánh vào Ba Chúc, Núi Dài với ý đồ chiếm đóng Bảy Núi. Ta phân tán nhỏ lực lượng đánh trả lại chúng, diệt 50 tên, làm bị thương 30 tên, địch phải rút quân. Sau trận này, binh lính mất tinh thần, không còn sức chiến đấu. Pháp giải thể Binh đoàn Nyo, phân tán về các đơn vị khác. Nội bộ địch lủng củng, De la Tour từ chức, Tư lệnh quân đội Pháp ở Nam Bộ do Chanson lên thay.

- Tháng 9-1949, Hội nghị Quân sự Nam Bộ do Xứ ủy triệu tập đã nhận định: Từ năm 1948, Pháp dùng chính sách bình định mới với chiến thuật De la Tour, gây cho ta nhiều khó khăn (Khu 9 ít bị thiệt hại hơn Khu 7 và Khu 8…). Hội nghị đề ra 6 công tác quan trọng trước mắt: 1. Chỉnh đốn lại bộ máy quân sự các cấp. 2. Xây dựng 3 thứ quân. 3. Tổ chức bộ máy quân giới. 4. Gia tăng công tác chính trị, công tác Đảng trong lực lượng vũ trang. 5. Đẩy mạnh công tác địch ngụy vận. 6. Tuyên truyền đẩy mạnh phong trào thi đua giết giặc.

- Sau hội nghị trên, nhiều trận đánh đã tiếp tục diễn ra: Một đợt tấn công ở Tịnh Biên - Tri Tôn gần biên giới Việt Nam - Campuchia, diệt 60 tên địch, làm chủ lộ Tịnh Biên - Tri Tôn suốt 14 ngày. Ta huy động trên 5.000 dân công (có nhiều phụ nữ giam gia) đắp cản Bến Đôi (xã Lạc Quới). Xã Lạc Quới được bình chọn là xã điển hình về phong trào du kích chiến tranh ở tỉnh Long Châu Hậu.

Ở Hà Tiên, trong tháng 12-1949, Đại đội 2006 phối hợp với dân quân du kích bao vây đồn Ba Hòn trong nhiều ngày. Địch cho ca nô lớn từ biển vào tiếp viện, bị ta bắn chìm ngay tại cầu tàu trước đồn. Sau đó, địch trong đồn phải rút chạy theo đường biển. Ta giải phóng một vùng rộng lớn ven biển từ thị xã Rạch Tía tới giáp thị xã Hà Tiên.

Để phá kế hoạch bình định mới của địch, Bộ Tư lệnh Nam Bộ quyết định mở Chiến dịch Cầu Kè (Vĩnh Long) do Bộ chỉ huy Khu 8 trực tiếp chỉ đạo, từ ngày 7-12-1949 đến ngày 16-1-1950. Ngay trận mở đầu, quân ta diệt gọn 1 tiểu đoàn lê dương tinh nhuệ được mệnh danh là “Tiểu đoàn con én của tử thần”. Sau đó, ta đánh liên tục nhiều trận.



Tù binh Pháp bị bắt sống trong chiến dịch Cầu Kè

Kết quả của chiến dịch Cầu Kè là: “Ta tiêu diệt được 17 đồn, bức hàng và bức rút hơn 30 đồn bót, bắn chìm hai tàu thủy (một tàu chiến và một tàu chở quân), bắn hư 4 xe (2 xe bọc thép, 2 xe vận tải), diệt gọn một tiểu đoàn (thuộc trung đoàn bộ binh Marốc số 2), đánh thiệt hại nặng hai tiểu đoàn (địch đưa từ Sóc Trăng và Bến Tre sang), và một đại đội lính dù. Tổng số gần 500 tên địch bị chết và bị thương, hơn 200 tên bị bắt làm tù binh, gần 2.000 lính bảo an và phòng vệ (trong đó phần lớn là người Khơme) bị giải giáp. Ta thu được hơn 300 khẩu súng các loại cùng nhiều đạn dược, quân trang quân dụng và phương tiện chiến tranh, v.v.”(3).


(1) Khi địch nhảy dù xuống Núi Trầu, chị Oanh cùng 2 con và 30 cán bộ, đồng bào trốn trong hang núi. Khi địch tới gần, đứa con nhỏ khóc, dỗ mãi không được. Sợ địch phát hiện sẽ giết mọi người trong hang, chị bịt miệng cháu bé, không may cháu nghẹt thở chết. Anh em cán bộ và bà con vô cùng cảm kích, càng thương tiếc cháu bé, càng phẫn uất quân thù.
(2) Trận đánh oanh liệt này đã trở thành chủ đề của 2 bài hát:
- Bài “Cầu sắt Vĩnh Thông” được phổ biến khắp nơi, mà nhạc là của Hiếu Nam, một chiến sĩ văn nghệ quân đội, lời của Lê Duy, chính là bí danh của Nguyễn Văn Sa, Chính trị viên Liên Trung đoàn 126-128, mà nay là một trong những người tham gia biên soạn cuốn sách này.
- Bài “Vĩnh Thông bất diệt”, mà ngày nay Đài phát thanh truyền hình An Giang vẫn lấy làm nhạc hiệu của đài.
(3) Lịch sử tỉnh Trà Vinh, Ban Tư tưởng Tỉnh ủy Trà Vinh, 1999, tr.106.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #53 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2012, 07:41:34 am »

Chiến dịch Cầu Ngang, phát huy kết quả Chiến dịch Cầu Kè, từ ngày 9 đến ngày 16-1-1950, quân ta tấn công Cầu Ngang (Trà Vinh) lấy trục lộ Cầu Ngang - Trà Vinh làm trọng điểm. Ta đánh đồn Đôn Châu (Trà Cú) và 2 đồn ở Cầu Ngang. Bọn địch hoảng hốt rút bỏ thêm một số đồn. Ngày thứ 5, ta phục kích đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn địch ở ngã ba Sơn Lang (Cầu Ngang). Trong vòng 1 tuần lễ, gần 30 đồn địch bị tiêu diệt hay rút chạy. Vùng độc lập của 2 huyện Cầu Ngang và Trà Cú được mở rộng.

Trong chiến dịch này, ta kết hợp quân chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân du kích. Trong ban chỉ huy chiến dịch có đại diện Đảng bộ địa phương, nên vai trò lãnh đạo của địa phương được phát huy trên tất cả các mặt: Đóng quân, hành quân, tác chiến và hậu cần v.v…

Chiến dịch Trà Vinh (ngày 25-3 đến ngày 8-5-1950), bị thua đau trong chiến dịch Cầu Kè, Pháp vẫn ra sức triển khai nhiều mặt hoạt động để thực hiện ý đồ “tái bình định”. Từ tháng 2-1950, Pháp tăng cường quân số và trang bị, liên tiếp mở các cuộc hành quân trên nhiều địa bàn và tập trung đánh phá căn cứ kháng chiến của ta ở huyện Cầu Ngang. Chúng tập trung nỗ lực cao nhằm thiết lập các đồn bót vừa bị tiêu diệt trong chiến dịch Cầu Kè, như Chông Nô, Ông Xây, Xã Chia, Cầu Tre, Nhị Trường, Bình Tân…

Đầu năm 1950, Bộ Tư lệnh Nam Bộ quyết định phát động đợt hoạt động mùa xuân trên toàn chiến trường Nam Bộ. Hưởng ứng lời phát động đó, nhằm phát huy trực tiếp và kịp thời những thành tựu và kinh nghiệm của Chiến dịch Cầu Kè, Bộ Tư lệnh Khu 8 quyết định mở Chiến dịch Trà Vinh (25-3-1950).

Chiến dịch Trà Vinh kết thúc vào ngày 8-5-1950. Địch bị loại khỏi vòng chiến đấu 560 tên, có 250 tên bị tiêu diệt (trong đó 1 thiếu tá và 2 trung úy Pháp), 125 tên bị bắt làm tù binh (trong đó có 2 sĩ quan, 4 hạ sĩ quan Pháp và 10 lính Bắc Phi) và 184 hàng binh (trong đó có 1 lính lê dương); 9 tàu và xe bị bắn cháy (trong đó có 1 tàu, 1 xà lan, 1 xe bọc thép, 6 xe lội nước). Quân ta tiêu diệt đồn Nô Men và đánh chiếm, tiêu diệt, bức hàng, bức rút hơn 30 lô cốt địch, như: Lò Ngò, Đại Trường, Trà Xất trong, Ba Cụm trong, Lạc Sơn, Bến Giá, Cầy Xây, Giồng Lực, Tùa Thọc, Củ Chi, ngã Ba Trạm, Sà Lôn, Sóc Ruộng, Nô Men, Trà Xất ngoài, Ba Cụm ngoài, Lộ Quẹo, Bài Nhì, kinh La Bang, chùa La Bang, Lưu Tư, Định Ông, Tha La, Hồ Kiếm, Cầu Tre, Lam Vồ, Trinh Phụ, An Bình, Sư Độ, v.v. giải giáp hơn 2.000 lính bảo an địch, thu gần 500 khẩu súng các loại (trong đó có 2 súng cối 60 li, 2 súng tơrônglông, 1 khẩu đại liên, 3 khẩu trung liên, 3 khẩu súng ngắn), 3 máy vô tuyến điện, 3 chiếc dù, 500 lựu đạn, hàng vạn viên đạn các loại và nhiều quân trang, quân dụng của địch.

Với chiến dịch Trà Vinh, ta giải phóng gần 2 vạn dân trên một địa bàn rộng lớn gồm 5 xã: Nhị Trường, Long Hiệp, Đôn Châu, Ngãi Xuyên, Hàm Giang(1).

Trong thời gian từ cuối 1949 đến những tháng đầu năm 1950, phong trào đấu tranh của nhân dân các đô thị ở Nam Bộ phát triển rất mạnh. Dẫn đầu là phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn tổ chức đám tang Trần Văn Ơn bị địch sát hại ngày 9-1-1950, và ngày 9-1 trở thành “Ngày học sinh, sinh viên toàn quốc”. Phong trào học sinh, sinh viên lại bùng lên khi Trần Bội Cơ, một nữ sinh người Hoa bị sát hại ngày 12-5-1950.

Lúc bấy giờ, Mĩ đã ra mặt can thiệp vào chiến tranh Đông Dương. Ngày 17-3-1950, 2 tàu chiến của Hạm đội VII cập bến Sài Gòn. Nhân dân Sài Gòn vô cùng công phẫn, nên đã biến cuộc mít tinh thành cuộc biểu tình khổng lồ với hàng chục vạn người đả đảo thực dân Pháp và can thiệp Mĩ. Hai tàu chiến của Mĩ đã phải rời khỏi Sài Gòn. Ngày 19-3-1950 trở thành “Ngày toàn quốc chống Mĩ”.



Tàu chiến Mĩ cập cảng Sài Gòn

Ngày 28-4-1950, các chiến sĩ Ban công tác thành của Sài Gòn đã trừng trị tên cò Bazin (chánh mật thám Nam Việt, kẻ đã từng giết hại nhiều cán bộ cách mạng) ngay tại trung tâm thành phố.

Những sự kiện nói trên đã tác động mạnh đến phong trào đấu tranh chính trị và vũ trang ở các thị xã, thị trấn Tây Nam Bộ.


(1) Lịch sử tỉnh Trà Vinh, Ban Tư tưởng Tỉnh ủy Trà Vinh, 1999, tr.109-110-118-119.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #54 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2012, 07:42:42 am »

Khu ủy Khu 9 và các Tỉnh ủy đều chú trọng đẩy mạnh phong trào thành thị, đưa cán bộ vào xây dựng cơ sở thành thị, chỉ đạo các đội vũ trang, công an xung phong tăng cường hoạt động diệt ác trừ gian. Nổi bật nhất là phong trào ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần thơ.

Nhân ngày Quốc tế lao động 1-5 và kỉ niệm sinh nhật Bác Hồ ngày 19-5-1950, ở thị xã Bạc Liêu đã rải truyền đơn, treo biểu ngữ, dùng lựu đạn diệt ác, trừ gian. Ngày 11-6-1950, trong lễ truy điệu nữ sinh Trần Bội Cơ (bị địch sát hại ở Sài Gòn) hàng chục ngàn đồng bào thị xã Bạc Liêu và các vùng chung quanh xuống đường biểu tình. Nhiều người kí tên vào bản Kiến nghị tố cáo hành động tội ác của địch, quyên góp được 20.000 đồng (tiền Đông Dương ngân hàng) để chuyển lên Sài Gòn ủng hộ gia đình Trần Bội Cơ.

Hàng ngàn đồng bào xã Long Điền (Giá Rai) và xã Minh Diệu (Vĩnh Lợi) đã đấu tranh quyết liệt chống địch cướp lúa, giành lại hàng ngàn giạ lúa.

Tại Cần Thơ, tháng 7-1950, 3 đội viên công an xung phong trong Ban công tác thành diệt tỉnh trưởng Trịnh Tấn Truyện ngay tại dinh Tỉnh trưởng. Trong thời gian này, đặc công của ta đánh chìm 3 tàu địch tại Cần Thơ.

Ở thị xã Sóc Trăng, ngày 4-6-1950, một tổ công an xung phong của tỉnh do Nguyễn Văn Phước chỉ huy, bắn chết tên Philippe Boneau (Tây lai Khơme), Phó chỉ huy Sở mật thám Sóc Trăng tại quán cà phê Lục Quốc. Cùng lúc đó, súng của ta nổ vang ở các ngả đường lân cận, mật thám và binh lính hoảng sợ không dám tiếp cứu. Quần chúng vô cùng phấn khởi, còn thực dân Pháp và tay sai thì rất hoang mang.

Bộ Tư lệnh Nam Bộ thi hành chủ trương của Trung ương, quyết định mở Chiến dịch Mùa Xuân. Mục tiêu của chiến dịch là ở Khu 7, Khu 8 là nhằm vào vùng địch hậu. Còn ở Khu 9 thì chọn tỉnh Sóc Trăng làm trọng điểm tấn công. Lúc đó gọi là “Chiến dịch Tophaco” (viết tắt chữ Tổng phản công), sau này gọi là Chiến dịch Sóc Trăng I.

Chiến dịch mở màn vào đêm 4-4-1950. Ngày đầu ta đánh hai đồn Bưng Trốp và Mĩ Phước để nhử địch từ thị xã Sóc Trăng ra ứng cứu. Ta bố trí phục kích địch ở đoạn đường từ Bố Thào di Mĩ Phước. Sáng hôm sau, một đoàn xe quân sự lọt vào trận địa, ta diệt gọn, thu hết vũ khí nhẹ, khẩu đại bác 88 li địch tự phá cụt nòng, ta gỡ không kịp, vì máy bay đến ứng cứu. Ngay chiều hôm đó, các đội vũ trang tuyên truyền của ta tiến vào các phum sóc, nhiều lính Khơme chạy trốn về thị xã hoặc các đồn lớn. Ta thu được một ít vũ khí. Một loạt đồn bót trên lộ từ thị trấn Phụng Hiệp đến thị xã Sóc Trăng rút chạy.

Sau đó, ta tiến hành công tác vũ trang tuyên truyền để giác ngộ đồng bào Khơme đoàn kết để kháng chiến chống địch, không mắc mưu chia rẽ của chúng. Trong chiến dịch này, ta còn tiến công đồn Jourdan ở xã Tuân Tức, huyện Châu Thành, Sóc Trăng (nay là huyện Mĩ Tú) gây cho địch nhiều tổn thất.

Phối hợp với trọng điểm Sóc Trăng, quân dân Rạch Giá tấn công địch, diệt gần 100 tên, bắn rơi 1 máy bay khu trục ở Tràm Chẹt, thu được 2 khẩu đại liên. Ngày 28-4-1950, chiến dịch kết thúc. Tuy về quân sự ta chưa đạt được chiến thắng to lớn, nhưng về chính trị ta gây dựng được nhiều cơ sở trong đồng bào Khơme. Ban ngày, cán bộ ta có thể tự do đi lại ở các sóc, quan hệ giữa đồng bào Khơme và đồng bào Việt tốt hơn.

Song song với Chiến dịch Sóc Trăng là Chiến dịch Trà Vinh (lúc bấy giờ thuộc Khu 8). Địa bàn tác chiến là các huyện Tiểu Cần, Trà Cú, Cầu Ngang, nơi địch đang tập trung lực lượng càn quét để tái bình định. Lực lượng tham gia gồm tất cả những đơn vị đã tham gia Chiến dịch Cầu Kè trước đây.

Sau 43 ngày liên tục chiến đấu (từ ngày 25-3 đến ngày 8-5-1950), quân dân Trà Vinh đã loại khỏi vòng chiến đấu 560 tên địch (trong đó có 1 thiếu tá và 2 trung úy Pháp), 125 tên bị bắt (có 2 sĩ quan, 4 hạ sĩ, 10 lính Bắc Phi), 185 hàng binh (có cả lính lê dương). Ta bắn cháy tàu và xe của địch, diệt và bức hàng, bức rút 30 đồn bót, giải giới hơn 2.000 lính tự vệ người Khơme, thu gần 500 súng các loại (có 1 đại liên, 3 trung liên, 2 súng cối…), 3 máy vô tuyến điện, nhiều đạn, lựu đạn, quân trang, quân dụng, giải phóng gần 20.000 dân, da số là đồng bào Khơme, ở 5 xã thuộc huyện Trà Cú.

Thắng lợi của chiến dịch Trà Vinh khá toàn diện về quân sự, chính trị, tạo thêm thế và lực cho các chiến thắng tiếp theo.

Tháng 9-1950, Bộ Tư lệnh Nam Bộ quyết định mở Chiến dịch Long Châu Hà I. Nhiệm vụ chủ yếu của chiến dịch là tiến hành vũ trang tuyên truyền trong các vùng đồng bào Hòa Hảo, đồng bào Khơme kết hợp với tác chiến tiêu hao tiêu diệt địch đang chiếm đóng ở Châu Thành, Tịnh Biên, Tri Tôn.

Lực lượng tham gia có 2 Tiểu đoàn 404, 406 thuộc Trung đoàn chủ lực Tây Đô của Khu 9, và 2 trung đội du kích tập trung của 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn.

Ban chỉ huy chiến dịch gồm: Huỳnh Thủ, Chỉ huy trưởng; Nguyễn Văn Sa, chính trị viên và Nguyễn Tấn Khương, Chỉ huy phó.

Chiến dịch diễn ra trong thời gian từ ngày 30-10-1950 đến ngày 12-11-1950, ta diệt 17 tên địch ở đồn Vĩnh Trung, đánh 2 xe địch chi viện, diệt thêm 10 tên. Ta còn phá lộ, phá cầu như: cầu Sắt, cầu Bưng Tiến. Địch đóng đồn và các lô cốt từ 1 đến 5, dọc lộ Nhà Bàn Vĩnh Trung hoảng hốt rút chạy. Đêm 6-11-1950, quân địch ở các lô cốt từ số 1 đến số 15 cũng bỏ chạy. Ta làm chủ lộ Vĩnh Trung - Tri Tôn. Các cuộc tấn công và vũ trang tuyên truyền đã gây nhiều ảnh hưởng tốt trong đồng bào ở vùng tạm bị chiếm.

Biệt khu Phú Quốc: Từ cuối 1949, Pháp cam kết với Mĩ xây dựng Phú Quốc thành một biệt khu chống Cộng. Chúng đưa 30.000 tàn quân Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch do Hoàng Kiệt chỉ huy đến đây làm nòng cốt. Dân số tại đây chỉ có 6.000 người. Lực lượng vũ trang của ta có 2 trung đội bộ đội địa phương, 1 tiểu đội du kích tập trung và vài chục dân quân du kích xã.

Bọn tàn quân của Hoàng Kiệt phải lao động khai thác đồn điền trồng dừa của chủ Tây để lại, ngày đêm vất vả, đói khát, bệnh tật mà không thấy tương lai nên đâm ra bất mãn. Ta tranh thủ và phân hóa họ, khuyên họ tránh xung đột với dân, kích động họ kéo lên dinh quận trưởng Phú Quốc đòi Pháp cung cấp lương thực, thuốc men. Mặt khác ta vận động họ chĩa múi nhọn đấu tranh vào bọn thực dân Pháp, bán súng đạn cho ta (trong số súng bán có nhiều súng tiểu liên). Bà con đã bày vẽ cho họ đốn củ hũ dừa(1) để ăn, vì vậy 1 đồn điền dừa rộng 15 ha bị tàn phá đến kiệt quệ.

Tháng 3-1950, theo lệnh của Mĩ, số này bị phân tán đi các nước Đông Nam Á. Trước khi bị đưa đi, trên 150 người đã bỏ trốn, một số tham gia kháng chiến, một số ở lại đảo lao động làm ăn (có một số lấy vợ người Việt).


(1) Củ hũ dừa: vùng thân non trên ngọn cây dừa sau khi bóc hết các tàu lá.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #55 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2012, 07:44:32 am »

3. Sắp xếp lại bộ máy chỉ đạo kháng chiến

Từ giữa năm đến cuối năm 1950, Bộ Tư lệnh Nam Bộ có nhiều quyết định sắp xếp lại bộ máy chỉ huy quân sự và lực lượng vũ trang Quân khu 9 để sát với thực tế phong trào và tăng cường khả năng chiến đấu.

Ngày 15-5-1950, Bộ Tư lệnh Nam Bộ ra Quyết định số 71/QĐNS, giải thể Bộ Tư lệnh Quân khu 9. Bộ Tư lệnh Nam Bộ trực tiếp chỉ huy các lực lượng vũ trang của Khu 9. Xứ ủy cũng trực tiếp chỉ đạo các Tỉnh ủy ở Tây Nam Bộ, không còn Khu ủy Khu 9. Bộ Tư lệnh Nam Bộ rút 1 đại đội của Rạch Giá, 2 đại đội của Long Châu Hậu và Hà Tiên để lập Tiểu đoàn 406. Ngày 18-5-1950, Bộ Tư lệnh Nam Bộ quyết định thành lập Trung đoàn Tây Đô, trung đoàn chủ lực đầu tiên ỏ miền Tây gồm 3 Tiểu đoàn 402, 404 và 406 do Huỳnh Thủ làm Trung đoàn trưởng, Nguyễn Văn Sa làm Chính trị viên và Lưu Khánh Đức làm Trung đoàn phó.

Năm tháng sau, ngày 20-1-1950, Bộ Tư lệnh Nam Bộ ra Quyết định số 211/QĐNS thành lập lại Bộ Tư lệnh Quân khu 9 với thành phần chỉ huy là: Nguyễn Chánh - quyền Tư lệnh, Hoàng Dư Khương - Chính ủy, Võ Quang Anh - Phó Tư lệnh. Chế độ Chính ủy được thực hiện từ đó, không còn Quân khu ủy.

Ít lâu sau, cơ quan Bộ Tư lệnh Nam Bộ di chuyển về miền Đông. Từ lúc này, ở Khu 9 không còn Khu ủy và các ngành chức năng. Quân khu và các tỉnh đều trực tiếp báo cáo và thỉnh thị với Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ.

Ngày 31-10-1950, Bộ Tư lệnh Nam Bộ ra quyết định bổ nhiệm một số cán bộ cấp quân khu về phụ trách các ban chỉ huy tỉnh đội và quy định chức năng của ban chỉ huy tỉnh đội. Ban chỉ huy tỉnh đội chỉ huy thống nhất các lực lượng vũ trang trong tỉnh mình. Đây là biện pháp tổ chức tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho tác chiến, đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh.



Cục diện chiến tranh vào cuối năm 1950
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #56 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2012, 06:53:50 am »

III. XÂY DỰNG CĂN CỨ CÁCH MẠNG, MỞ RỘNG MẶT TRẬN ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN KHÁNG CHIẾN VÀ GIÚP ĐỠ BAN CAMPUCHIA

1. Xây dựng vùng căn cứ cách mạng trên cơ sở kháng chiến toàn diện

Từ khi chiến tranh lan đến các tỉnh miền Tây, một vùng độc lập(1) ra đời, do chính quyền kháng chiến quản lí. Vùng độc lập ngày càng mở rộng và được xây dựng vững chắc hơn. Các tỉnh dần dần nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề xây dựng căn cứ cách mạng, tạo hậu phương tại chỗ cho cuộc kháng chiến lâu dài. Mỗi cấp khu, tỉnh, huyện, xã đều có chỗ đứng, có căn cứ của mình, tạo thành thế liên hoàn hỗ trợ nhau.

Tháng 7-1947, Quân khu 9 mở hội nghị bàn về xây dựng căn cứ trên địa bàn U Minh - Nam Cà Mau thuộc địa bàn 2 tỉnh Bạc Liêu và Rạch Giá.

Về tình hình ruộng đất

Khi bắt đầu kháng chiến, số đông điền chủ chạy vào vùng tạm chiếm sinh sống, nên ở nông thôn nông dân mặc nhiên làm chủ ruộng đất đang canh tác, lúa thóc đầy bồ, không còn tình trạng phải tranh thu tô như trước nữa.

Tháng 7 và tháng 10-1949, Chính phủ Trung ương ban hành Sắc lệnh 78/SL về giảm tô, giảm tức, tạm cấp ruộng đất của thực dân Pháp và Việt gian, tạm giao ruộng đất vắng chủ cho nông dân.

Thi hành Sắc lệnh của Chính phủ, từ tháng 10-1950, chính quyền và đoàn thể tiến hành đo đạc và hợp thức hóa việc tạm cấp cho nông dân phần ruộng đất đang canh tác. Tình cảnh nông dân bị điền chủ bóc lột sức lao động mặc nhiên không còn nữa. Tây Nam Bộ có những thành tích rất đặc biệt trong việc vận động điền chú hiến điền.

Huỳnh Thiên Lộc, một điền chủ lớn nhất ở Rạch Giá, đã tự nguyện hiến toàn bộ điền sản cho cách mạng. Phần điền là 20.000 ha được chính quyền cấp cho nông dân canh tác. Phần sản là toàn bộ hệ thống các nhà máy xay xát ở Chợ Lớn, cùng nhà cửa của gia đình. Sau đó cả hai vợ chồng thoát li đi theo kháng chiến. Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Bắc làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, đã từng được tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến đi Pháp năm 1946. Khi kháng chiến bùng nổ, ông xin Chủ tịch Hồ Chí Minh cho nghỉ chức Bộ trưởng để vào Nam chiến đấu. Ông đã hi sinh trong vùng kháng chiến năm 1950. Bà tiếp tục hoạt động trong kháng chiến và sau đó tập kết ra Bắc, giữ vững lời thề theo cách mạng đến cùng…

Cao Triều Phát, một điền chủ lớn ở Bạc Liêu, đã hiến 5.000 ha đất ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Cụ đã có công lớn trong việc vận động đồng bào các họ đạo Cao Đài đi theo kháng chiến.




Cụ Cao Triều Phát đi khắp các tỉnh miền Tây giải thích chính sách giảm tô của Chính phủ

Trong việc hợp thức hóa tạm cấp hoặc tạm giao ruộng đất cho nông dân, thùy theo tình hình cụ thể của mỗi địa phương mà quy định mỗi hộ, mỗi nhân khẩu được nhận bao nhiêu đất. Ngoài ra, cũng có sự điều chỉnh qua lại giữa bà con nông dân với nhau cho hợp lí trên tinh thần thông cảm và giúp đỡ lẫn nhau và vừa với khả năng canh tác của từng hộ.

Việc thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng và Chính phủ ở Tây Nam Bộ diễn ra thuận lợi, suôn sẻ, không gây căng thẳng trong nội bộ Đảng cũng như ngoài xã hội. Theo báo cáo của Ban Nông vận Trung ương thì tính đến năm 1954, trong toàn Nam Bộ, có khoảng hơn 6.000 địa chủ đã bỏ ruộng đất về ở trong thành phố. Tổng số ruộng đất đã hiến, đất tịch thu của Pháp và Việt gian, được tạm cấp và đất vắng chủ được tạm giao cho nông dân ở toàn Nam Bộ là 564.547 ha cho 527.153 nhân khẩu, trung bình mỗi người được chia khoảng 1 ha(1).


(1) Lúc bấy giờ gọi là “vùng độc lập” hoặc “vùng tự do” chưa gọi là “vùng giải phóng” như thời chống Mĩ.
(1) Công báo 1949.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #57 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2012, 06:55:31 am »

Về sản xuất và lưu thông ở vùng độc lập

Chính quyền và đoàn thể ở nông thôn khuyến khích nông dân phát triển sản xuất, khai hoang phục hóa để nuôi quân đánh giặc. Do đó, diện tích đất canh tác và sản lượng ngày càng tăng. Năm 1948, ở Khu 9, nhân dân đã gieo trồng 452.840 ha (so với 1947 tăng 35.000 ha), sản lượng đạt 22.914.250 giạ lúa (bằn 458.000 tấn). Riêng vùng độc lập Bạc Liêu (rộng nhất miền Tây), thu hoạch 4.000.000 giạ lúa (92.000 tấn), sau khi đáp ứng nhu cầu trong tỉnh còn 2.000.000 giạ lúa cung cấp cho lực lượng vũ trang Khu 9 và tiếp tế cho các tỉnh bạn.

Ngoài lúa, nông dân còn trồng nhiều loại nông sản như: khoai, khóm, rau quả, mía, v.v. Dưới sông rạch, ao đìa và ven biển thì nuôi thủy sản. Chăn nuôi trâu, bò, heo, gà, vịt… cũng phát triển ngày càng nhiều.

Nhìn chung, do những điều kiện thiên nhiên thuận lợi nên khi bước vào cuộc kháng chiến, đời sống ở những vùng căn cứ kháng chiến của miền Tây Nam Bộ thuận lợi hơn nhiều so với miền Đông Nam Bộ, so với các khu căn cứ ở Trung Bộ và Bắc Bộ. Lúa gạo tương đối dồi dào, những sản vật thiên nhiên như tôm cá, cây trái, gà, vịt… khá phong phú. Chỉ những trường hợp đặc biệt, do càn quét, phải lẩn tránh tạm thời vào những nơi không có khả năng tiếp tế, còn thông thường thì bộ đội, cán bộ, cơ quan vẫn đảm bảo được một mức sinh hoạt vật chất tương đối khá hơn nhiều vùng khác (gạo đủ ăn, cá mắm, rau, trái… đủ đảm bảo mức sinh hoạt bình thường).

Đời sống của nhân dân vùng độc lập ngày càng khá lên. Ngoài việc tự cung cấp, còn có phần dư để mang trao đổi. Nhiều xã, liên xã đã mở chợ để mua bán, trao đổi hàng hóa. Có nhiều chợ vốn có từ trước như: Chợ Thới Bình (Cà Mau), chợ Ngang Dừa, chợ Chắc Băng, chợ Huyện Sử (Rạch Giá)…, nay phát triển thịnh vượng hơn. Trong những năm 1949-1950, chợ thường họp vào ban đêm, đề phòng máy bay địch bất ngờ bắn phá.



Họp chợ trong rừng

Trong mấy năm đầu kháng chiến, việc trao đổi hàng hóa giữa vùng ta và vùng địch được diễn ra một cách nhộn nhịp ở 2 chợ cửa khẩu: Chợ Phong Điền (Cần Thơ) và chợ Huỳnh Hữu Nghĩa (Sóc Trăng). Mỗi ngày có hàng chục ghe chài của tư sản người Hoa ra vào mua bán, trao đổi hàng hóa nông sản và sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công. Nhờ đó lúa gạo được tiêu thụ và mọi nhu yếu phẩm được cung cấp, trong đó quan trọng nhất là những vật dụng phục vụ cho sản xuất vũ khí.

“Số nguyên liệu, vật liệu mua được từ vùng địch tạm chiếm, nhất là ở Nam Bộ đã góp phần quan trọng để duy trì và phát triển việc sản xuất. Riêng năm 1948, Nha Mậu dịch của Cục Quân giới trực tiếp mua được hơn 27 tấn kali clorát, hơn một vạn bánh thuốc đinamít, gần 12 vạn ống thuốc nổ. Riêng Quân giới khu VIII cũng trong hai năm 1948-1949 đã mua được 17 tấn diêm tiêu, 1,6 tấn axít các loại, 50 kg sunphua antimoan, 7 tấn đồng lá…”(1).


Tình hình đang phát triển thì tháng 8-1948 có chỉ thị của Nam Bộ về “phong tỏa kinh tế địch”, 2 cửa khẩu này ngưng hoạt động. Việc giao lưu hàng hóa giữa 2 vùng bị gián đoạn.

Đến tháng 10-1948, Trung ương Đảng có chỉ thị về “bao vây kinh tế địch”. Chính phủ cũng ra Sắc lệnh thành lập ban bao vây kinh tế địch từ Trung ương đến các địa phương. Các tỉnh Nam Bộ cũng thành lập các Ban bao vây kinh tế địch.

Các tỉnh Tây Nam cũng đã thực hiện chủ trương này, tuy có nhiều nơi chưa thật thông suốt. Ở Nam Bộ, cuối năm 1948 đã tổ chức một Hội nghị kinh tế tài chính và đưa ra chính sách tiêu dùng sản xuất, thành lập Ban tiêu dùng sản xuất. Ban này có quyền quyết định những mặt hàng được trao đổi giữa vùng kháng chiến và vùng Pháp, định ra thuế biểu đóng trên các hàng nhập. Mức thuế từ 80 đến 100% (gọi là thuế xuất thị hay nhập thị). Thực chất của giải pháp này không phải là nhằm giải quyết nhu cầu về xuất khẩu và nhập khẩu, mà là nhằm giải quyết nguồn thu tài chính cho ngân sách các cơ sở ở Nam Bộ. Các nguồn thuế xuất thị và nhập thị cung cấp tới 70% nguồn thu ngân sách của Nam Bộ lúc đó . Những chủ trương trên ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và đời sống.


(1) Xem Võ Nguyên Giáp: Chiến đấu trong vòng vây, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998, tr.249, 336, 343, 401, 409.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #58 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2012, 07:01:44 am »

Nông sản lương thực vùng độc lập bị ứ đọng, trong khi rất nhiều nhu yếu phẩm bị khan hiểm. Một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như dệt vải, làm xà bông, đường… trong vùng độc lập chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu của dân chúng. Đời sống gặp nhiều khó khăn, nhân dân có nhiều thắc mắc với chủ trương bao vây kinh tế địch. Do ở Bắc Bộ có kinh tế tự túc tự cấp còn ở Nam Bộ thì không có cơ sở về tự túc, tự cấp.

Ở nhiều địa phương, đồng bào lén đem một số lúa gạo, gà, vịt… ra vùng tạm chiếm bán để mua nhu yếu phẩm như vải, dầu lửa, xà bông, thuốc men… (lúc đó gọi là “nhảy dù”). Số bàn con này bị các trạm gác xét gắt gao, tịch thu hết các loại sản phẩm đem ra và đem vào, có nơi một số trạm gác còn quá khích bắn súng để cảnh cáo. Nhưng nơi đó đồng bào phản ứng lại với trạm gác, tổ chức đi thành đoàn, tranh cãi với trạm gác, một vài nơi có xảy ra xô xát… Một biểu hiện sai lầm khác là có nơi huy động nông dân mang phảng ra phá lúa ở đồn điền Gressier ở Tân Hùng (Thạnh Trị - Sóc Trăng), phá 200 sân muối ở Bạc Liêu… cho như thế là phá hoại kinh tế địch.

Nông sản dư thừa không tiêu thụ được, nên nông dân hạn chế sản xuất, dẫn đến sản lượng sut giảm, một số nơi thiếu lương thực. Do đó, ở Rạch Giá có chủ trương giết bớt vịt tàu (bẻ cổ vịt), gây nên sự bất bình trong quần chúng.

Trong thực tế, chủ trương bao vây phong tỏa kinh tế địch có gây một số khó khăn cho địch, nhưng lại gây khó khăn cho ta nhiều hơn: Sản xuất nông nghiệp giảm sút, các loại nhu yếu phẩm thiếu thốn, đời sống khó khăn, quan hệ giữa chính quyền cách mạng và nhân dân bị rạn nứt.



Khẩu hiệu “không buôn bán với địch” tại những trạm kiểm soát vùng giáp ranh ở Nam Bộ

Tư tưởng bao vây kinh tế địch một cách máy móc đã được khắc phục từ năm 1951.

Năm 1951 với Đại hội Đảng lần thứ II, là một năm bản lề về đường lối kinh tế. Dựa trên những kinh nghiệm thực tế của 5-6 năm kháng chiến, lại tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước bạn, trong tư tưởng của thời kì này đã có những chuyển biến và từ đó đi tới những quyết định tích cực, có căn cứ khoa học, sự chuyển biến đó thể hiện ở mấy quan điểm chủ yếu sau đây:

Chống Pháp nhưng không chống buôn bán với Pháp. Tư tưởng này xuất phát từ sự nhìn nhận một thực tế khách quan là: Đến lúc này “ta cần hàng của địch hơn là địch cần hàng của ta”(1). Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (kháo II), họp vào tháng 3-1951 nhận định: “Kiểm thảo lại chính sách bao vây và phá hoại kinh tế địch và đặt ra những phương châm dùng cho việc đấu tranh kinh tế tài chính với địch”(2). Từ đó, đã có một sự chuyển biến lớn trong xuất nhập khẩu. Phương châm lúc này là: Tranh thủ trao đổi có lợi, tranh thủ xuất siêu càng nhiều càng tốt.

Thấy được sai lầm đó nên chỉ một năm sau, Nam Bộ đã có chủ trương sửa sai. Đến năm 1951, Nam Bộ khắc phục hậu quả của sai lầm đó bằng chính sách kinh tế mới.

Sau khi có chủ trương sửa sai, từ giữa năm 1951 trở đi, tình hình kinh tế vùng độc lập trở lại bình thường. Nhiều cơ sở tiểu thù công nhân được hình thành và phát triển như dệt vải, dệt tơ lụa, sản xuất xà bông, giấy, lò đường, lò bánh mì…

Hàng hóa nhu yếu phẩm từ thành thị đưa vào vùng độc lập ngày càng phong phú, đáp ứng mọi nhu cầu của đời sống nhân dân, nhất là các loại nguyên liệu, hóa chất dùng cho việc sản xuất vũ khí ở các công binh xưởng của quân đội ta.

Theo Hồi ức của Huỳnh Minh Hiển, ủy viên Mặt trận Liên Việt Nam Bộ: “Đời sống nhân dân vùng giải phóng ngày càng khó khăn. Hàng tiêu dùng thứ gì cũng khan hiếm; Thiếu vải, thiếu bát đĩa, thiếu cả kim chỉ. Ở các cơ quan, nhiều anh em phải lấy gáo dừa làm bát ăn cơm. Ban đêm không có dầu đốt đèn. Trong khi đó, lúa, hoa màu, sản phẩm chăn nuôi thì thừa ứ không bán đi đâu được. Dân thu hẹp sản xuất, lén lút đem từng con heo đi vòng qua các trạm gác, bán ở các chợ trong vùng tạm chiếm và mua từng khúc vải mang về. Thuở ấy gọi thế là “nhảy dù” lan rộng ra, không tài nào kiểm soát nổi. Sản xuất trong vùng giải phóng giảm sút nhanh chóng, đến mức nhiều vùng lo ngại thiếu ăn. Mất bình tĩnh, Tỉnh ủy Rạch Giá chủ trương giảm bớt những đàn vịt để giành lúa cho người. Chủ trương này được truyền xuống dưới, một số nơi cán bộ bắt vịt của dân chặt đầu hàng loạt. Trung ương Cục phái một đoàn kiểm tra đi Rạch Giá do anh Lê Toàn Thư cầm đầu. Anh Bảy Quảng, Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá bị kỉ luật, rút về Văn phòng Trung ương Cục và Ủy ban, làm việc tại Ban Nghiên cứu. Từ 1951, nhận được sự chỉ đạo của Trung ương về chính sách kinh tế mới, kết hợp với tình hình thực tế ở Nam Bộ, Ủy ban hành chánh Nam Bộ ráo riết chuẩn bị chính sách mới. Một hội nghị hành chánh toàn Nam Bộ được mở ra ở Tân Duyệt để truyền đạt chính sách. Tất cả chủ tịch tỉnh và thủ trưởng các ban ngành về dự đông đủ. Chính sách mới bao gồm cả chủ trương mở lại giao lưu kinh tế với vùng tạm chiếm, cho phép nhân dân đi lại, mua bán và thu thuế xuất nhập thị bằng tiền Đông Dương. Nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng chính sách mới, dẫn đến chuyển biến ngoạn mục chỉ trong vòng 1 năm. Sản xuất nông nghiệp phát triển, đời sống trong vùng giải phóng được cỉa thiện rất nhanh, nhà nào cũng lúa đầy bồ và nộp thuế nông nghiệp đầy đủ. Giao lưu với vùng tạm chiếm được khôi phục, dân mang nông sản ra bán ở các chợ thị trấn, nhất là chợ Cà Mau. Các chợ trong vùng giải phóng như chợ Thới Bình, chợ Huyện Sử, chợ Cái Nước hoạt động trở lại. Ghe chờ hàng bách hóa bán dọc theo sông, rạch, tình trạng khan hiếm hàng tiêu dùng chấm dứt”(3).

Từ năm 1952, rút kinh nghiệm của Trung ương, Nam Bộ đã cho xuất mạnh mẽ vào vùng Pháp cả thóc gạo, gà vịt, than củi, da rắn… nhờ đó phát triển được sản xuất trong vùng tự do, đảm bảo cung cấp cho kháng chiến và dân sinh. Nam Bộ cũng là nơi phát sinh sáng kiến áp dụng biện pháp kết hối, tức là bắt buộc những thương nhân mang hàng vào vùng Pháp bán lấy tiền Đông Dương về phải đổi lấy tiền ngân hàng theo tỉ lệ thỏa thuận. Nhờ đó, Ngân hàng xuất nhập khẩu nắm được một khối lượng ngoại tệ khá lớn. Ngoại tệ từ miền Tây Nam Bộ đã được chuyển sang giúp đỡ miền Đông là miền gặp nhiều khó khăn về nhập khẩu (vì miền Đông không có hàng để xuất nên cũng không có khả năng nhập và còn bị bão lụt 1951-1952).


(1) Tập san Công Thương: Đấu tranh mậu dịch với địch, số 3, tháng 12-1951, tr. 4.
(2) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, t.12, tr.513.
(3) Hồi kí Huỳnh Minh Hiển: Những kỉ niệm sống và làm việc ở Văn phòng Trung ương Cục miền Nam và Ủy ban hành chánh kháng chiến Nam Bộ (Xem Nam Bộ thành đồng Tổ quốc đi trước về sau, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #59 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2012, 07:05:06 am »

Sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề tiền tệ

Do bị Pháp đánh chiếm khi chính quyền về tay nhân dân chưa đầy một tháng, nên chế độ tiền tệ Nam Bộ có những nét khá độc đáo.

Lúc đầu, Nam Bộ phải tiêu dùng hoàn toàn bằng tiền Đông Dương. Vì thiếu bạc lẻ, Nam Bộ có lúc đã phải chủ trương cắt đôi tờ bạc Đông Dương từ loại 100 đồng trở xuống để tiêu dùng trong khu căn cứ kháng chiến. Có nơi tiêu cả giấy bạc Trung ương từ Liên khu V đưa vào.

Cuối năm 1947 đầu năm 1948, Pháp tuyên bố không thừa nhận các giấy bạc 100 đồng Ngân hàng Đông Dương in tại Nhà in Viễn Đông (IDEO) ở Hà Nội. Để đối phó với thủ đoạn cướp đoạt trắng trợ đó, Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ chủ trương đóng dấu của chính quyền tỉnh, quận, huyện và khắc khẩu hiệu “ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh” đóng trên tờ bạc 100 đồng và các loại giấy bạc Đông Dương khác để cho lưu hành bình thường trong vùng kháng chiến. Việc “Việt Nam hóa” tiền Đông Dương đã đưa hoạt động mua bán trở lại bình thường. Tiền có đóng dấu chính quyền cách mạng không chỉ lưu hành trong vùng tự do mà còn len lỏi vào vùng tạm chiếm, góp phần tuyên truyền chống Pháp bằng những khẩu hiệu kháng chiến.



Giấy bạc 100 đồng Đông Dương có đóng dấu “Ủy ban kháng chiến Nam Bộ
tỉnh Bến Tre”, và dấu “ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh”

Ngày 1-11-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh số 102/SL cho phép Nam Bộ phát hành tín phiếu riêng. Nhưng nhờ đã “Việt Nam hóa” được trên 100 triệu đồng Đông Dương, số tiền khá lớn lúc bấy giờ so với giá gạo, nên việc thi hành Sắc lệnh trên được tạm hoãn.

Sau đó, để bớt khó khăn cho Nam Bộ, bằng Sắc lệnh số 147/SL ngày 2-3-1948, Chính phủ Trung ương lại cho phép phát hành tại Nam Bộ giấy bạc Việt Nam, gọi là giấy bạc Trung ương. Đồng thời số lượng giấy bạc Trung ương đưa vào Nam Bộ bằng đường biển ngày càng nhiều, gồm đủ các loại, từ 1 đồng đến 100 đồng. Giấy bạc Trung ương được nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt, có giá trị cao hơn giá trị giấy bạc Đông Dương rất nhiều, có nơi cao hơn 50%.

Thời gian này, Pháp tung ra thị trấn nhiều giấy bạc Việt Nam giả. Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ liền chủ trương “đắp đền” cho tờ bạc Trung ương một phiếu “Kiểm soát đặc biệt”, có chữ kí của Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh và Trưởng ti ngân khố tỉnh, rồi lưu hành trong địa phương.

Cuối năm 1948, vì giấy bạc Trung ương chuyển vào khó khăn, nên được sự ủy nhiệm của Chính phủ Trung ương, Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ đã tiến hành ấn loát tại chỗ và phát hành các loại “Giấy bạc Nam Bộ” cho toàn Nam Bộ (gồm các giấy bạc 1 đồng, 5 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng).







Giấy bạc có chữ kí của Chủ tịch UBHCKC Nam Bộ Phạm Văn Bạch
và Giám đốc ngân khố Nam Bộ Nguyễn Thành Vinh
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM