Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 09:00:44 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến - Tập 1 (1945-1954)  (Đọc 113080 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #30 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2012, 07:06:41 am »

4. Sau Hội nghị Khánh An, cuộc kháng chiến giành nhiều kết quả

Từ sau Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, Trung ương Đảng và Chính phủ đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao, như tham dự Hội nghị trù bị ở Đà Lạt (từ ngày 18-4 đến ngày 12-5-1946), Hội nghị chính thức ở Fontainebleau (từ ngày 6-7 đến ngày 13-9-1946), cử phái đoàn Quốc hội Việt Nam sang thăm Quốc hội Pháp (từ ngày 16-4 đến ngày 23-5-1946), đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sang Pháp (từ ngày 31-5 đến ngày 16-9-1946) theo lời mời của Chính phủ Pháp.

Song do ý đồ phản động của thực dân Pháp (tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam, xâm lược Việt Nam một lần nữa), nên các hoạt động ngoại giao không đạt được kết quả. Để tranh thủ thời gian nhằm chuẩn bị tốt hơn cho cuộc kháng chiến toàn quốc chắc chắn sẽ xảy ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí với đại diện Chính phủ Pháp bản Tạm ước ngày 14-9-1946, tức 2 ngày trước khi Chủ tịch rời Paris về nước. Bản Tạm ước quy định: Hai bên sẽ đình chỉ mọi hoạt động xung đột và vũ lục, trả tự do cho những người đang bị giam giữ vì lí do chính trị hay bị bắt trong các cuộc hành quân.



Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi kí bản Tạm ước với Chính phủ Pháp

Chủ tịch Quân ủy hội Võ Nguyên Giáp và Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp Jean Valluy chỉ thị cho quân đội của mình ngưng bắn từ 0 giờ ngày 30-10-1946. Ủy viên quân sự Nam Bộ Nguyễn Bình cũng ra lệnh cho lực lượng vũ trang ở Nam Bộ thi hành lệnh ngưng bắn.

Khu ủy Hậu Giang mở hội nghị mở rộng tại xã Khánh An (Cái Tàu, Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu) để bàn việc triển khai Tạm ước trên địa bàn miền Tây Nam Bộ. Tham dự có Phạm Hùng (Xứ ủy viên, thay mặt Xứ ủy lâm thời Nam Bộ), 5 thành viên của Khu ủy Tây Nam Bộ (Hậu Giang) và mở rộng thêm với Võ Quang Anh và Văn Viên.

Hội nghị quyết định tán phát rộng rãi bản Tạm ước 14-91-946 bằng tiếng Việt và tiếng Pháp để đồng bào và cả những người Việt Nam đang làm việc trong chính quyền và quân đội Nguyễn Văn Thinh lẫn công chức và binh lính Pháp hiểu rõ nội dung bản Tạm ước và đấu tranh buộc thực dân Pháp phải nghiêm chỉnh thi hành.

Thực hiện chỉ thị của Khu ủy và Bộ chỉ huy Chiến khu 9, ở một số địa phương, cấp chỉ huy của ta chủ động đến gặp cấp chỉ huy của Pháp để bàn việc ngưng bắn, đình chỉ mọi cuộc hành quân, quân đội bên này muốn di chuyển qua vùng kiểm soát của bên kia phải thông báo và có sự chấp thuận trước, v.v.

Nhiều cuộc mít tinh, biểu tình hoan nghênh bản Tạm ước, chào mừng đình chiến được tổ chức trong vùng tự do và kể cả trong vùng tạm chiếm (như ở Vị Thanh ngày 30-9-1946, thị xã Rạch Giá ngày 30-10-1946, v.v.).

Trong cuộc mít tinh tổ chức ngày 12-10-1946 tại Bạc Liêu, Cao Triều Phát, Đại biểu Quốc hội kiêm Cố vấn Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Nam Bộ, kêu gọi đồng bào “trung thành với Chính phủ Hồ Chí Minh, kiên quyết đấu tranh cho nền độc lập và thống nhất của Tổ quốc”(1).

Nhiều người Việt Nam đang làm việc trong bộ máy hành chính và quân sự của Pháp - Nguyễn Văn Thinh tỉnh ngộ, bỏ việc, bỏ ngũ. Có người gặp cán bộ xin được giao việc để lập công với kháng chiến. Đốc phủ sứ Hồ Văn Xuân (Quận trưởng quận Giồng Riềng, Rạch Giá) và viên thư kí của ông, xin ra bưng biền để trực tiếp tham gia kháng chiến. Các viên chức hội tề các làng ở Bạc Liêu ra tuyên bố:

“Vì tin ở sự thành thật hợp tác của nước Pháp mới(2), nên mấy tháng nay, chúng tôi đành mang tiếng phản quốc ra lập ban hội tề, mong mang lại cho xứ sở an ninh, cho đồng bào bớt đói khổ. Không dè chúng tôi chỉ là bọn bù nhìn để cho người Pháp dùng làm bình phong che đậy những ngón quỷ quyệt, những thủ đoạn tàn ác, xúi giục người Việt Nam giết lẫn nhau. Chưa đủ, hằng ngày chúng còn cho quân đi cướp bóc, đốt phá, hiếp dâm, bắt bớ, đánh đập và bắn giết đồng bào chúng ta không ngớt. Máu chảy ruột mềm, dù cỏ cây cũng không chịu nổi những cảnh thảm khốc ấy, nên chúng tôi cương quyết tự giải tán, dù nguy hiểm đến đâu chúng tôi cũng cam lòng để tỏ cho nước Pháp biết rằng: Nếu không có sự thành thật thì không thể nào có sự hợp tác được.

Chúng tôi xin tuyên bố rằng: Chúng tôi không tán thành Chính phủ bù nhìn Nguyễn Văn Thinh, mà chỉ trung thành và triệt để ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh mà thôi.

Mong đồng bào quốc dân tha thứ chuyện dĩ vãng của chúng tôi, để chúng tôi có thể đứng trong hàng ngũ của đồng bào quốc dân, chiến đấu cho Việt Nam thống nhất, tự do, độc lập và phú cường”(3).


Bị nhân dân lên án là Việt gian, bù nhìn, tay sai của thực dân, Nguyễn Văn Thịnh treo cổ tự tử bằng dây điện vào mờ sáng ngày 10-11-1946 (có tin Pháp giết Nguyễn Văn Thinh rồi treo cổ nói Thinh tự sát). Để cứu vãn chủ trương “Nam Kì tự trị”, D’Argenlieu cử Lê Văn Hoạch (một bác sĩ ở Phong Điền, Cần Thơ) làm Thủ tướng (15-11-1946). Nhưng đa số người dân Nam Bộ nói chung, miền Tây Nam Bộ nói riêng, không công nhận Chính phủ bù nhìn do Pháp dựng lên. Ngày 15-12-1946, nhân dân thị xã Bạc Liêu xuống đường, mang theo các biểu ngữ:

“Không một đồng xu, không một hạt thóc cho Chính phủ bù nhìn!”.
“Triệt để tuân heo lệnh của Ủy ban nhân dân Nam Bộ”.
“Ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh”(4).


Hoảng sợ trước những cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân ta, thực dân Pháp phá vỡ lệnh ngưng bắn, mở lại các cuộc hành quân lấn chiếm vùng tự do.


(1) Báo Cứu quốc (Hà Nội), 20-10-1946
(3) “Nước Pháp mới” là nước Cộng hòa Pháp ra đời sau khi thoát khỏi ách chiếm đóng của Đức Quốc xã, khác với nước Pháp cũ dưới quyền của thống chế Pétain, tay sai của phát xít.
(3) Báo Cứu quốc (Hà Nội), 18-10-1946
(4) Viện Lịch sử Quân sự: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, t.1, tr.135.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #31 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2012, 07:36:08 am »

5. Những chuyển hướng về thế trận và cách đánh. Sự ra đời của thủy lôi chiến

Từ giữa năm 1946, sau khi từ bỏ chủ trương “Xuyên Đông” và quyết định trụ lại để chiến đấu, tình hình ở Nam Bộ đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực: Các đơn vị đã tập hợp lại lực lượng, đồng bào tin tưởng ở bộ đội và ra sức đóng góp để bộ đội tổ chức đánh địch, bộ đội ra sức bảo vệ xóm làng, bảo vệ nhân dân. Nhiều trận đánh nhỏ và lớn đã diễn ra. Qua thực tế chiến trường, càng rõ thêm một quy luật của chiến tranh nhân dân: Lực lượng bộ đội ta tuy yếu và ít, vũ khí thô sơ, nhưng nếu biết chọn đúng điểm đánh, đúng thời cơ đánh thì vãn có thể giành chiến thắng. Một trong những sự kiện tiểu biểu của sự chuyển biến này là trận Tầm Vu II:

Ngày 12-11-1946, bộ đội Cần Thơ (do Ngô Hồng Giỏi chỉ huy) phục kích một đoàn xe Pháp ở Tầm Vu, diệt trên 60 lính lê dương, thu 60 súng các loại. Đây là trận Tầm Vu II (để phân biệt với trận Tầm Vu I diễn ra ngày 20-1-1946 cũng tại địa điểm này).

Tuy nhiên, đến thời kì này thì việc đánh địch trên bộ hoàn toàn không còn đủ để ngăn chặn đà tiến công của quân Pháp. Như ở trên đã nói, đến lúc này, hầu hết các con đường bộ các cầu qua sông đã bị cắt. Một đặc điểm rất đặc thù của Tây Nam Bộ là hệ thống đường bộ hầu hết là hệ thống đường độc đạo, hai bên đường chỉ là những đồng nước, sình lầy. Nếu một con đường nào bị cắt thì xe cơ giới không thể đi tiếp, quân đội cũng không thể hành quân qua cầu. Do đó, Pháp khắc phục bằng cách lợi dụng triệt để lợi thế của miền Tây là sử dụng tàu chiến để di chuyển. Các đoàn tàu chiến của Pháp đã phát huy tối đa uy lực của cơ giới, của súng đạn để lùng sục khắp các vùng kháng chiến của ta. Do đó, đối với Tây Nam Bộ thì vấn đề đặt ra không chỉ là đánh địch trên đường bộ nữa, mà vấn đề sinh tử là phải làm sao chặn được tàu chiến của Pháp. Việc đó hoàn toàn không dễ dàng. Để chống lại xe cơ giới, có thể dùng cách phá cầu. nhưng chống lại tàu chiến đi trên sông nước thì khác. Nếu để đánh tàu thì không có vũ khí lớn. Vào năm 1946, Tây Nam Bộ chưa có bazôka. Ngăn tàu địch bằng đắp cản là việc có thể dùng sức người để làm, nhưng nếu không kết hợp với vũ khí chiến đấu thì sớm muộn địch cũng phá được cản. Phải làm sao kết hợp được cả hai biện pháp này. Đó là một bài toán lớn.

Chính trong sự bức bách này, đã nảy sinh ra những sáng kiến độc đáo và có ý nghĩa lịch sử lớn lao, không những đối với miền Tây, mà đối với cả Nam Bộ và đối với cuộc kháng chiến toàn quốc.

Cuộc thách đố đặt ra là: Nếu ngăn được tàu địch thì giữ vững được mặt trận và hình thành được vùng căn cứ vững vàng, ổn định. Nếu không ngăn được tàu địch thì mặt trận sẽ vỡ, lại tiếp tục một cuộc chạy dài vô phương cứu chữa.

Nhưng làm thế nào để giải bài toán hóc búa đó?

Vào năm 1946, Tây Nam Bộ chưa có binh công xưởng nào đủ sức giải quyết nhu cầu đó, càng chưa thể có điều kiện tạo những vũ khí tinh vi và phức tạp như bazôka, đại bác, thủy lôi, ngư lôi.

Cuối cùng, sự bức bách của tình thế cùng với sự nhạy bén và sáng tạo của cán bộ, với nhiệt tình của nhân dân đã giúp giải quyết được vấn đề: Thủy lôi chiến.

 Cho đến nay nhiều sách lịch sử ở trong nước cũng đã nói đến việc Tây Nam Bộ có nhiều trận đánh bằng thủy lôi thắng lớn. Nhưng chưa có cuốn sách nào giải thích rõ từ đâu mà có được thủy lôi, và đánh bằng cách nào. Ngay cả các sách lịch sử chiến tranh của Pháp cũng không nói rõ về điều này. Thực ra cả tướng tá lẫn sử gia Pháp cũng vẫn chưa biết được những điều bí hiểm của thứ vũ khí này. Do đó, dưới đây xin trình bày tỉ mỉ hơn một chút về lịch sử ra đời và những trận đánh thủ lôi đầu tiên.

Bắt đầu từ Bạc Liêu: Trưởng ban quân sự tỉnh Bạc Liêu, lúc đó là Tào Văn Tị, rất trăn trở là làm thế nào tạo ra được vũ khí để đánh những tàu chiến lớn của địch. Anh loay hoay xuống các địa phương tìm hiểu vấn đề. Anh nghe nói ở xã Tân Ân, ở huyện Năm Căn, có một ủy viên quân sự xã tên là Huỳnh Ngọc Điệp biết cách sửa chữa súng và biết làm pháo. Anh xuống xã đó để gặp Ngọc Điệp. Một thông tin bất ngờ nhưng vô cùng quan trọng: Dân ở đây thường chế tạo pháo, đem bán lấy tiền mua gạo. Vậy thuốc pháo lấy ở đâu? Một lời giải thích có ý nghĩa rất quan trọng nữa: Vào những năm cuối của Chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ đã tần công ồ ạt quân đội Nhật ở Đông Dương bằng không quân, đánh bom các đường xe lửa, các trại lính của quân Nhật… Mĩ cũng có cả một kế hoạch đổ bộ Đông Dương để đánh quân Nhật. Quân Nhật biết kế hoạch đó nên đã có kế hoạch đề phòng. Để đề phòng hạm đội Mĩ đổ bộ vào Đông Dương, quân đội Nhật đã thả rất nhiều thủy lôi ở ven biển phía Nam. Người dân ở Bạc Liêu đã phát hiện ra chuyện này, do có một số thủy lôi trôi dạt vào bờ. Họ tìm cách tháo gỡ ngòi nổ để lấy thuốc bán cho người làm pháo…



Chuyển thủy lôi tới trận địa
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #32 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2012, 07:38:12 am »

Nghe xong chuyện đó, Tào Văn Tị đề nghị Huỳnh Ngọc Điệp đi tìm một người nào có “thuốc pháo” loại đó. Đó là gia đình ông Huỳnh Long Báu, mà cả hai cha con ông đều làm nghề đi tìm vớt thủy lôi Nhật để gỡ ra lấy thốc. Sau khi trò chuyện, Tào Văn Tị đã thuyết phục được ông Báu giúp cho kháng chiến những loại thuốc nổ đó để đánh tàu Pháp. Ban đầu ông Báu tưởng đây là những người đi mua thuốc làm pháo, ông không cho. Nhưng sau khi hiểu được đây là kế hoạch đánh Pháp, ông vơ vét tất cả số thuốc còn lại đang chôn giấu trong vườn để giao cho bộ đội. Tuy nhiên, số thuốc này ông đã bán đi khoảng 1/3, chỉ còn khoảng 2/3 lượng cần có trong 1 quả thủy lôi.

Bây giờ hai vấn đề kĩ thuật được đặt ra: 1) Làm sao bù đắp được chỗ thuốc thiếu hụt để có được sức nổ cần thiết. 2) Thủy lôi của Nhật vốn là thủy lôi tự động, có nhiều ngòi nổ gắn nam châm, khi tàu chiến Mỹ đến gầy thì sẽ hút thủy lôi đâm vào tàu và nổ, lối đánh đó phải có một số lượng thủy lôi dày đặc. Còn chỉ đánh bằng một quả thì phải chủ động cho nổ khi giáp tàu địch. Chính Huỳnh Ngọc Điệp đã có sáng kiến giải quyết cả hai vấn đền này: Đối với lượng thuốc còn thiếu thì lấy tro trấu nhồi vào cho đủ kín thể tích quả thủy lôi. Còn ngồi nổ thì chế tạo một détonateur để chủ động kích nổ bằng phương pháp giật dây.

Trận thứ nhất: Sau khi giải quyết xong hai vấn đề kĩ thuật đó, trận địa được tổ chức. Địa điểm được chọn là Giá Ngựa, thuộc Năm Căn. Thủy lôi được neo sâu dưới lòng nước để che mắt tàu địch. Chỉ khi nào tới nơi mới thả dây neo cho thủy lôi nổi lên mặt nước, đồng thời giật kíp nổ. Trận đánh xảy ra vào ngày 1-11-1946. Lúc đó quân Pháp cho tàu chiến theo sông Bảy Háp vào càn quét vùng Đầm Dơi - Năm Căn. Dưới sự chỉ đạo của Tào Văn Tị, đội thủy lôi do Huỳnh Ngọc Điệp chỉ huy, phối hợp với Quốc vệ đôi, dùng thủy lôi đánh tàu địch. Do trái thủy lôi không đủ thuốc nổ, phải độn thêm tro trấu cho đầy, nên sức nổ không lớn, chỉ làm vỡ một mảng mũi tàu và hất 2 lính Pháp xuống sông chết, còn con tàu thì vá bíu bằng bao gạo, lại dùng máy bơm nước để chống ngập nên chạy thoát về căn cứ.

Tuy trận đầu tiên chưa đánh chìm được tàu địch nhưng đã khẳng định được phương pháp đánh nào có hiệu quả và từ đó đem lại một niềm tin rằng: Nếu có thủy lôi tốt thì chắc chắn có thể đánh được tàu địch. Trưởng ban quân sự Tào Văn Tị nói với các chiến sĩ và đồng bào: “Nếu đánh được tàu là buộc địch phải rút bỏ đồn bót, mở rộng vùng giải phóng, vì đường bộ đã bị phá hoại, không còn đi được, chúng chỉ còn con đường huyết mạch duy nhất là đường sông”(1).

Với kết quả đầu tiên kể trên, được sự động viên của Ban chỉ huy quân sự tỉnh, nhân dân đã nô nức đi tìm kiếm thủy lôi Nhật để đóng góp cho bộ đội. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân đã gom góp được hơn 10 trái thủy lôi, trong đó gia đình ông Huỳnh Long Báu đã đóng góp 5 trái. Như vậy, vấn đề chất lượng và sức công phá của thủy lôi đã được giải quyết. Chỉ một tuần sau đó, đến ngày 7-11, tại Mây Dốc - Vàm Đinh (Cà Mau, Bạc Liêu), đã diễn ra trận đánh thủy lôi thứ hai và thắng lớn:

Trận thứ hai: Hôm đó, có một đoàn tàu Pháp đi từ Năm Căn về Vàm Đinh để càn quét. Đội đánh thủy lôi cũng do Huỳnh Ngọc Điệp trực tiếp chỉ huy. Một số chiến sĩ đã đã tổ chức phục kích tại Mây Dốc. Khi chiếc tàu đầu tiên đi vào điểm phục kích thì một chiến sĩ điểm hóa (tên là Vốn) đã giật dây kích nổ. Nhưng không may dây bị đứt! Chiếc tàu thứ nhất đi qua bình an. Chiến sĩ Vốn dũng cảm lao xuống nước, lặn sâu, tìm được hai đầu mối dây, nối lại rồi lên bờ chờ đợi. Lúc đó chiếc thứ hai vừa tới và anh giật dây điểm hỏa. Đó là chiếc tàu mang tên Marie Hanriette. Tàu chìm ngay tại chỗ cùng với cả chiếc xà lan nó kéo theo. Một trung đội lính lê dương trên tàu bị diệt gọn. Những tàu khác vội vàng tháo chạy. Ngay sau đó quân và dân địa phương được huy động lặn xuống lấy vũ khí, quân trang. Tổng số chiến lợi phẩm gồm hơn 100 súng các loại, nhiều đạn dược và đồ dùng quân sự.

Đây là một trận thắng lớn không phải chỉ vì đánh chìm được một chiếc tàu hoặc tiêu diệt được một trung đội lính Pháp, mà nó có ý nghĩa vang dội còn hơn tiếng nổ của trái thủy lôi: Từ khi bắt đầu kháng chiến ở Nam Bộ cho đến lúc này, chưa có trận đánh nào mà chỉ có một tiếng nổ có thể đánh chìm cả một chiếc tàu chiến và tiêu diệt cả một trung đội lính. Điều quan trọng hơn là nó làm chùn tay bọn chỉ huy quân sự Pháp ở miền Tây Nam Bộ: Pháp hoang mang, hoàn toàn không hiểu được vì sao bộ đội Việt Minh, lâu nay chỉ có những súng cá nhân cũ kí, nhiều khi bắn còn không nổ, mà nay bỗng có thứ vũ khí gì mà có sức công phá khủng khiếp đến như thế. Trong tài liệu còn lưu trữ ở Văn khố lục quân Pháp (Archives d’Armée de terre, Vincennes, Paris), có một bản báo cáo tỏ ra nghi ngờ rằng: Việt Minh không thể tạo ra được thứ vũ khí ghê gớm đó. Chắc là đã có những hàng binh Nhật được Việt Minh đưa về để chế tạo(2)… Chính do không hiểu được nguyên do sự kiện này nên quân Pháp bắt đầu bớt hung hăng lùng sục, nhờ đó đã giảm bớt sức ép của các tàu chiến đối với những vùng kháng chiến mà trước đây Pháp tưởng là với tàu chiến là coi như có quyền đi vào bất cứ chỗ nào.

Đó là ý nghĩa lịch sử ngoài dự kiến. Chính từ trái thủy lôi này, đã bắt đầu một tình thế mới: Ở miền Tây Nam Bộ bắt đầu hình thành những khu vực tương đối an toàn, có tính chất tiền thân của căn cứ địa.



Dùng thủy lôi đánh chìm tàu Pháp trên sông nước Cà Mau


(1) Bài phát biểu của đồng chí Tào Văn Tị đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Huỳnh Ngọc Điệp, lưu trữ Ban chỉ huy quân sự Quân khu IX.
(2) Adolphe Aumeran. Intervention, Assemblé Nationale, 28, Janvier 1947, JORF. p.235.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #33 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2012, 07:40:17 am »

6. Tổ chức lại đội hình, bước đầu xây dựng căn cứ địa

Để thống nhất biên chế trên toàn chiến trường Nam Bộ, từ tháng 10 đến cuối năm 1946, Chiến khu 9 sắp xếp lại các đơn vị vũ trang, thành lập 6 chi đội (tương đương cấp tiểu đoàn).

Chi đội 20, hoạt động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long - Trà Vinh.

Chi đội 21, hoạt động trên địa bàn tỉnh Long Xuyên - Châu Đốc.

Chi đội 22, hoạt động trên địa bàn tỉnh Cần Thơ.

Chi đội 23, hoạt động trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Chi đội 24, hoạt động trên địa bàn tỉnh Rạch Giá.

Chi đội 25, hoạt động trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Ở mỗi tỉnh đều lập ban quân sự để chỉ huy các lực lượng vũ trang trong tỉnh.

Phòng dân quân Nam Bộ được thành lập từ buổi đầu kháng chiến, ngày 3-11-1946. Từ năm 1948, Chiến khu 9 cũng lập được ban dân quân. Các tỉnh miền Tây Nam Bộ đều có Tỉnh đội bộ, Huyện đội bộ, Xã đội bộ (trực thuộc Ủy ban kháng chiến hành chính cấp tương đương) để quản lí dân quân, đẩy mạnh chiến tranh du kích.

Từ đầu tháng 10-1946, khu căn cứ U Minh (gồm U Minh Thượng trên địa bàn tỉnh Rạch Giá và U Minh Hạ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu) được mở rộng. Các tỉnh, huyện đều có căn cứ riêng của địa phương mình. Nhiều cản kiên cố được đắp trên các sông, rạch để ngăn tàu địch vào vùng tự do.

Các xưởng sản xuất và sửa chữa vũ khí được tổ chức lại thành 6 binh công xưởng đóng rải rác trong khu căn cứ U Minh. Chiến khu 9 cũng nhận được vũ khí từ Thái Lan, do Trần Văn Giàu và Dương Quang Đông thành công mua và chuyển về theo đường biển và đường bộ. Ngoài ra, Trung ương chi viện vũ khí cho Chiến khu 9 qua phòng Nam Bộ Trung ương(1), đặt tại số 19, phố Hàng Vôi, Hà Nội và Ban tiếp tế miền Nam(2), đóng tại Quảng Ngãi. Vũ khí được đưa vào Nam Bộ bằng đường biển và đường bộ. Trong một chuyến đi nhận vũ khí của Trung ương chi viện, Khu bộ phó Chiến khu 9 Nguyễn Hùng Phước hi sinh ở Vĩnh Long ngày 23-11-1946.

Quân y viện Chiến khu 9 thành lập ở U Minh gồm các bác sĩ Nguyễn Thiện Thành, Trương Công Trung, Nguyễn Văn Đệ, v.v.

Tại Khánh An (Cà Mau - Bạc Liêu), Liên tỉnh ủy mở hội nghị kiểm điểm tình hình gây dựng và phát triển cơ sở, phát triển các lực lượng vũ trang, lập nhiều thành tích tốt từ sau Hiệp định sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9-1946. Ngoài phần biểu dương ưu điểm, có kiểm điểm một số khuyết điểm, thiếu sót, trong đó có vấn đề lấn cấn mất đoàn kết trong Bộ Tư lệnh Khu IX, giữa Khu trưởng Vũ Đức và Chính trị Bộ chủ nhiệm Phan Trọng Tuệ. Hội nghị đề nghị cấp trên thay đổi công tác đồng chí Phan Trọng Tuệ.

Nhưng sau đó ít ngày, đồng chí Vũ Đức nhận được điện của Ủy ban kháng chiến miền Nam do Phó chủ tịch Thanh Sơn kí, điều đồng chí Vũ Đức ra Ủy ban kháng chiến miền Nam nhận công tác khác(3) và cử Huỳnh Phan Hộ thanh làm Khu bộ trưởng Khu bộ Khu IX.

Đồng chí Vũ Đức nhận nhiệm vụ mới là Khu bộ trưởng Khu VI vào tháng 1 năm 1947. Đến ngày 17-3-1947, trong một trận đụng độ với quân địch, đồng chí đã chiến đấu và hi sinh anh dũng ở chiến trường Khu VI.

Vũ Đức hi sinh là một tổn thất chung của phong trào kháng chiến, Đảng bộ và quân dân Tây Nam Bộ vô cùng thương tiếc, vì đồng chí có công đông góp xứng đáng trong năm đầu kháng chiến ở Tây Nam Bộ, đặc biệt là trong việc thực hiện đại đoàn kết toàn dân, giải quyết đúng đắn các vấn đề dân tộc và tôn giáo.

Khi Vũ Đức rời Khu IX, Huỳnh Phan Hộ được cử làm Khu bộ trưởng Khu IX.

Ngày 23-7-2007, trong buổi hội thảo với các tác giả Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến (1945-1954), đồng chí Võ Văn Kiệt nói: “Lúc đó thực ra là vừa mới bước vào kháng chiến, ta thì chưa kịp hình thành tổ chức, có đơn vị từ ngoài vào theo chủ trương Nam tiến của Trung ương, có đơn vị hình thành vội vàng tại chỗ, có đơn vị rút từ Sài Gòn về, chưa thể hiểu nhau ngay đượ nên cũng khó có thể phối hợp chặt chẽ với nhau được. Trong hoàn cảnh đó thì cách đánh chưa thể thống nhất. Gặp địch thì cứ mạnh ai nấy đánh đã, làm sao mà kịp bàn bạc với nhau? Nhưng chắc chắn có sự thống nhất rất cao là quyết đánh Pháp. Lúc đó tôi ở Rạch Giá, tôi không nghe nói có chủ trương nào theo hướng bỏ cuộc cả. Chính anh Vũ Đức trước khi lên đường nhận nhiệm vụ mới còn giao cho tôi 500 đồng “bạc xanh” để về tổ chức dân quân ở miền Tây. Chúng tôi đã thành lập Bộ tham mưu dân quân cách mạng bên cạnh Khu bộ trưởng, tôi là Phó chính trị viên Bộ tham mưu đó. Như vậy là thống nhất trong việc quyết đánh chứ không có chuyện bỏ cuộc. Còn có thể có ý kiến khác nhau trên chi tiết thì cũng là chuyện bình thường, nhưng có thể nói không có mâu thuẫn gì gay gắt tới mức làm đảo lộn chủ trương chung ở Khu IX”.


(1) Phòng Nam Bộ Trung ương do Nguyễn Văn Cái (Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) phụ trách.
(2) Ban tiếp tế miền Nam do Võ Đăng kì phụ trách.
(3) Đồng chí Vũ Đức (Hoàng Đình Giong) là cán bộ hoạt động cách mạng và được kết nạp Đảng rất sớm. Bị Pháp bắt và đày đi Madagascar. Năm 1943 trở về tiếp tục hoạt động. Trên đường ra Ủy ban kháng chiến miền Nam, đồng chí hi sinh ngày 17-3-1947.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #34 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2012, 07:41:16 am »

V. NHÌN LẠI GIAI ĐOẠN MỞ ĐẦU KHÁNG CHIẾN TỪ CUỐI THÁNG 9-1945 ĐẾN THÁNG 12-1946

Chỉ có non 16 tháng, nhưng Tây Nam Bộ đã làm được nhiều việc rất hệ trọng và có ý nghĩa cơ bản lâu dài, với vai trò nòng cốt của các đảng viên tại chỗ và sự chi viện kịp thời của số tù chính trị từ Côn Đảo được rước về.

Những việc quan trọng đã làm được là củng cố và phát triển tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và lực lượng vũ trang.

- Đối phó ngay với quân đội Nhật theo lệnh của đế quốc Anh (danh nghĩa Đồng Minh) từ Campuchia tràn qua chiếm đóng một số nơi.

- Đồng thời phá tan được âm mưu bạo loạn của một số phần tử phản động mượn danh nghĩa đạo Hòa Hào gây rối.

- Kịp thời chặn đứng âm mưu “chia để trị” của Pháp, để cùng đoàn kết chống Pháp.

- Bắt tay vào việc chống giặc đói, giặc ngoại xâm, đưa lực lượng vũ trang lên chi viện cho mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn. Tổ chức ngay các lớp quân sự ngắn ngày để đào tạo cấp tốc cho một số cán bộ quân sự.

- Hoàn thành nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước ta, giữa lúc khói lửa chiến tranh đang diễn ra.

Khi giặc Pháp tiến chiếm đến Vĩnh Long, ngày 29-10-1945, lực lượng vũ trang ta đã chặn đánh quyết liệt ngay từ đầu. Các trận đánh nổi tiếng như: Cái Răng, Nhu Gia, Giá Rai cùng với các mặt trận: Giồng Bốm, Phước Long - Ngang Dừa, Tân Hưng, v.v. đã buộc Pháp phải trả giá đắt cho bước đầu đặt chân đến vùng đất này.

- Trong tình thế bị chia cắt, phân tán, có nguy cơ tan rã thì quyết định sáng suốt không đưa lực lượng “Xuyên Đông” mà trụ lại, bám dân, bám đất kiên cường, gây dựng lại lực lượng để tiếp tục chiến đấu có ý nghĩa rất lớn đối với phong trào kháng chiến ở Tây Nam Bộ.

Nhược điểm ban đầu của ta là không nhận rõ quy luật của khởi nghĩa khác với quy luật của chiến tranh. Khởi nghĩa là dùng sức mạnh của quần chúng yêu nước áp đảo địch để giành lấy chính quyền, còn chiến tranh tức kháng chiến là phải có quân đội, có chỉ huy, có chiến lược, chiến thuật quân sự trong tác chiến.

Vả lại, quá trình từ Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công đến mở đầu kháng chiến Nam Bộ ở Sài Gòn quá ngắn, chỉ có 28 ngày (từ 25-8 đến 23-9-1945), nên Xứ ủy không đủ thời gian để xây dựng và củng cố lực lượng quân sự. Các đơn vị cộng hòa vệ binh nòng cốt ban đầu phần lớn chỉ là lính thủ hộ - lính mã tà (Garde civile locale) thời Pháp được bổ sung cấp tốc một số thanh niên yêu nước mới gia nhập ở các tỉnh Tây Nam Bộ tuy thời gian bắt đầu kháng chiến có dài hơn (đầu tháng 1-1946), nhưng cũng không đủ thời gian xây dựng lực lượng. Thiếu cán bộ, chỉ huy quân sự chưa am hiểu về đường lối chiến tranh nhân dân, du kích chiến tranh, chỉ theo lối dàn mặt trận đối diện trực tiếp với quân địch nên không đủ sức đẩy lùi địch lấn chiếm. Các sư đoàn (Quân đoàn 2, 3, 4) do những tên thân Nhật, giang hồ, lưu manh như: Nguyễn Hòa Hiệp, Lí Huê Vinh… nắm giữ. Lúc đầu mới giành được chính quyền ở Sài Gòn, Xứ ủy và Ủy ban hành chính, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ không đủ sức nắm lấy hoặc giải tán chúng (sợ gây ra rối loạn), nên khi thực dân Pháp quảy trở lại xâm lược thì các sư đoàn tự động rút ra vòng ngoài, chẳng những không kháng chiến mà còn ức hiếp, cướp bóc của nhân dân và sau đó lần lượt tan rã và đầu hàng giặc. Chỉ còn Sư đoàn Cộng hòa vệ binh số 1 là có đảng viên, quần chúng nòng cốt của ta đưa vào nắm được, cùng với lực lượng Công đoàn xung phong, Thanh niên xung kích chiến đấu quyết liệt với địch trong một tháng, “trong đánh ngoài vây”, với vũ khí lấy được của kẻ thù.

Ngày nay nhìn lại những ngày đầu kháng chiến, có thể dễ dàng nhận thấy hàng loạt nhược điểm về chiến thuật và kĩ thuật chiến tranh của ta. Đó cũng là tất yếu lịch sử của cả Bắc lẫn Nam khi chưa được chuẩn bị mà đã phải bước vào cuộc chiến đấu với một kẻ thù mạnh hơn mình nhiều lần về vũ khí và kĩ thuật quân sự, và về kinh nghiệm tác chiến.

Nhưng khác với những phong trào chống pháp trong thời kì trước đây, nhờ chúng ta đi theo con đường chiến tranh nhân dân nên từ những nhược điểm ban đầu, chúng ta đã kịp thời rút ra kinh nghiệm để tiến lên đứng vững và chiến thắng. Yếu tố quyết định là tư tưởng chiến tranh nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng trong quân đội. Hai yếu tố đó giúp cho phong trào kháng chiến ở miền Tây Nam Bộ từ chỗ yếu kém, rời rạc, thiếu thốn đủ mọi thứ… đã vươn lên và đứng vững.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #35 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2012, 07:46:23 am »

Bước ngoặt quan trọng có giá trị quyết định dối với việc tổ chức lại mặt trận chiến đấu là Hội nghị Ngang Dừa (tháng 2-1946), do Khu bộ trưởng Vũ Đức chủ trì với sự tham gia của Xứ ủy viên Võ Sĩ. Tiếp liền sau đó là nhờ tác dụng của chủ trương “Hòa để tiến” (chủ trương của Trung ương Đảng) trong việc kí kết Hiệp định sơ bộ 6-3 và Tạm ước (Tạm ước - Modus-Vivendu) 14-9 (với bản lĩnh ngoại giao tài tình của Hồ Chủ tịch) mà phong trào kháng chiến đã tiến lên một bước mới. Những trận đánh vang dội như Tầm Vu I, Tầm Vu II, Mây Dốc - Vàm Đình (Cà Mau)… đã nổi rõ những chiến công oanh liệt của lực lượng vũ trang Khu IX trong thời gian này, đó là hai trận đánh thủy lôi trong tháng 11 năm 1946 đã góp phần rất tích cực vào việc giảm áp lực tấn công của quân Pháp và bước đầu củng cố được các căn cứ kháng chiến.

Vai trỏ lãnh đạo, chỉ huy nổi bật của Khu bộ trưởng Vũ Đức cùng những tấm gương hi sinh quả cảm của các cán bộ chiến sĩ như: Nguyễn Hùng Phước (Sóc Trăng), Nguyễn Văn Thạnh, Lê Bình (Cần Thơ), Trần Khương Kiện (Bạc Liêu, v.v. đã để lại trong lòng quân dân Tây Nam Bộ nhiều mến thương kính trọng.

Một số vấn đề có ý nghĩa cơ bản lâu dài nữa là nông dân Tây Nam Bộ đã mặc nhiên làm chủ ruộng đất, ra sức xây dựng vùng căn cứ kháng chiến U Minh Thượng - U Minh Hạ - Nam Cà Mau làm căn cứ địa vững chắc cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Nhìn chung, vùng đất tận cùng phương Nam này đã góp phần đắc lực cho “Nam Bộ thành đồng Tổ quốc” vững vàng bước sang giai đoạn “cùng toàn quốc kháng chiến”.

Ý nghĩa chiến lược quan trọng nhất của 16 tháng chiến đấu tại miền Tây Nam Bộ không chỉ ở chỗ đã đánh bao nhiêu trận, giết bao nhiêu địch, thu bao nhiêu súng… (tất nhiên những điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng), mà còn ở chỗ: Góp một phần đắc lực cùng với cả nước làm giảm áp lực của quân đội Pháp trên tất cả các mặt trận. Quân Pháp dù vượt trội về nhiều mặt, vẫn không thể thực hiện ý đồ tập trung lực lượng để giành thắng lợi quyết định.

Theo số thống kê quân sự lúc đó, cho đến cuối năm 1946, tổng số quân đội Pháp ở chiến trường Đông Dương là 90.000, gồm 36 tiểu đoàn bộ binh, 4 tiểu đoàn pháo binh, 3 trung đoàn thiết giáp và cơ số lẫn trang bị, về kĩ thuật tác chiến. Nhưng ngay trên chiến trường chính là Bắc Bộ, nơi mà quân đội Pháp ngay từ đầu năm 1947 đã muốn thực hiện một trận quyết chiến quyết định, thì cũng không thể tập trung được đủ số quân. Pháp chỉ dành cho chiến trường miền Bắc có 30.000 quân, tức 1/3 tổng số quân. Số còn lại phải rải trải ra trên các chiến trường Nam Bộ, Trung Bộ, Lào, Campuchia. Như vậy, các chiến trường này đã giam chân một lực lượng đáng kể quân Pháp. Theo ý nghĩa đó, Nam Bộ đã góp phần bảo vệ “thủ đô kháng chiến” Việt Bắc một cách đắc lực (40.000 quân viễn chinh Pháp bị giam chân ở Nam Bộ)(1).

Một ý nghĩa quan trọng nữa là: Qua những tháng kháng chiến đầu tiên, chính từ những ấu trĩ, mò mẫm, thất bại cục bộ, sai lầm về chiến thuật và chiến lược… Nam Bộ đã giúp cả nước rút ra được những bài học rất quan trọng về điều chỉnh cách đánh, phân tán lực lượng, không đối diện với địch theo kiểu trận địa chiến, điều chỉnh cách tổ chức quân đội, phát động chiến tranh nhân dân, thực hiện tốt khẩu hiệu cướp súng giặc để giết giặc, đồng thời tận dụng vũ khí thô sơ… Đó là những bài học rất quý báu, góp phần giúp cả nước chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc.

Đúng như sách Lịch sử kháng chiến chống Pháp đã viết: “Qua mấy tháng kháng chiến ở miền Nam, bộ đội ta được huấn luyện một bước về chiến thuật, kĩ thuật, và đã có một ít kinh nghiệm về chỉ huy và tác chiến qua thực tế cuộc chiến đấu chống địch”(2).

Chính từ kinh nghiệm thực tế của chiến trường Nam Bộ, đến khi bùng nổ cuộc kháng chiến toàn quốc, Thường vụ Trung ương Đảng đã rút ra những bài học rất quan trọng và đưa ra những phương châm tổ chức kháng chiến mà tất cả những cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp trước đó chưa phát hiện ra. Những văn kiện của Đảng và Quân ủy Trung ương thời này về quan điểm tổ chức cuộc kháng chiến trường kì(3) đã chỉ rõ: Phương châm của kháng chiến là đoàn kết chặt chẽ toàn dân, tự cấp, tự túc về mọi mặt, cách đánh là triệt để dùng du kích vận động chiến, bảo toàn thực lực, kháng chiến lâu dài, phá hoại nhiều hơn bắn, làm cho địch đói, khát, què, mù, câm, điếc, tiêu hao, mệt mỏi, chán nản. Vừa đánh vừa vũ trang thêm, vừa đánh vừa đào tạo thêm cán bộ…(4). Những tư tưởng đó là yếu tố vô cùng quan trọng của thắng lợi, mà những kinh nghiệm rút ra từ những thành bại ở Nam Bộ đã có những đóng góp quý báu vào việc hình thành những tư tưởng đó.

Tác dụng của “Hòa để tiến” của Hiệp định sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9 là:

- Cứu vãn kịp thời tình hình Nam Bộ, củng cố và xây dựng lực lượng thống nhất lãnh đạo - chỉ huy.

- Đuổi quân Tàu Tưởng - tập trung vào kẻ thù chủ yếu là thực dân Pháp.

- Tăng cường lòng tin vào Bác Hồ và Trung ương, nêu cao vai trò lãnh đạo của Đảng.


(1) Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1986, t.II, tr.59.
(2) Sđd[/i], tr. 11
(3) Văn kiện quân sự của Đảng, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, tr. 75-76.
(4) Văn kiện quân sự của Đảng, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, tr. 84-85.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #36 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2012, 07:47:19 am »

Chương 2

TÂY NAM BỘ CÙNG TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN

(19-12-1946 đến cuối năm 1950)

Thực dân Pháp bội ước, không thi hành Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946, liên tục gây hấn ở miền Bắc. Ngay khi đặt chân lên miền Bắc Việt Nam, thay thế quân Tưởng Giới Thạch theo Hiệp ước Pháp - Hoa và Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, thực dân Pháp đã từng bước chuẩn bị và khiêu khích lấn chiếm ở một số nơi. Tháng 11-1946, Pháp nổ súng ở Hải Phòng, tàn sát hơn 2.000 người. Ngày 17-12-1946, Pháp gây hấn ngay tại Thủ đô Hà Nội, cho quân bắn vào trụ sở Đội tự vệ, tàn sát nhân dân ở đường Yên Ninh và Hàng Bún. Ngày 18-12-1946, tướng Morlière, tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta, đòi chiếm Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Công chính, Sở Công an Hà Nội, đòi tước khí giới lực lượng vũ trang ta và công khai tuyên bố sẽ hành động vào sáng ngày 20-12-1946.

Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng ngày 19-12-1946 tại Vạn Phúc (Hà Đông) quyết định phát động toàn dân kháng chiến. Chiều ngày 19-12-1946, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng chỉ huy quân đội Võ Nguyên Giáp chính thức phát lệnh cho các chiến trường nổ súng đồng loạt vào 20 giờ ngày 19-12-1946.

Ngay tối 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Toàn quốc kháng chiến”. Người nói: “Chúng ta muốn hòa bình, Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!

Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hễ ai là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp cứu Tổ quốc.

Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc xuổng gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”(1).


Thế là cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ!

Ngay sau đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị: “Toàn dân kháng chiến” nêu rõ đường lối kháng chiến của ta là toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh là chính để đánh đuổi thực dân Pháp, bảo vệ quyền độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc…



Cục diện chiến trường trước ngày 19-12-1946


(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.4, tr.160.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Tám, 2012, 07:06:44 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #37 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2012, 07:49:21 am »

I. TÂY NAM BỘ GÓP PHẦN ĐÁNH BẠI CHÍNH SÁCH BÌNH ĐỊNH CỦA THỰC DÂN PHÁP (1947-1948)

1. Chính sách bình định của thực dân Pháp, sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, của Xứ ủy và quá trình củng cố xây dựng lực lượng vũ trang ở Tây Nam Bộ

Chính sách bình định của thực dân Pháp

Mở rộng chiến tranh ra toàn lãnh thổ Việt Nam, thực dân Pháp chủ trương: Một mặt tập trung một bộ phận quan trọng quân đội để xâm lược miền Bắc, mặt khác bám chắc và bình định cho được Nam Bộ. Theo chúng, Nam Bộ có vị trí chính trị, kinh tế rất quan trọng, nơi dự trữ sức người, sức của cho toàn bộ cuộc chiến tranh, là chìa khóa của mọi kế hoạch chiến lược chinh phục tại Việt Nam và Đông Dương.

Pháp coi bình định Nam Bộ là một khâu then chốt trong toàn bộ kế hoạch tái chiếm Việt Nam. Chúng nuôi tham vọng tái chiếm Việt Nam, nuôi tham vọng sẽ dứt điểm vào mùa thu năm 1947. Nội dung chúng sách bình định của Pháp có những nét chủ yếu như sau:

Về chính trị, tiếp tục thực hiện chính sách “chia để trị”, cố tạo ra trong dân tộc ta 2 lực lượng đối địch nhau: Khối Cộng sản và khối quốc gia, cả trong kháng chiến và ngoài kháng chiến. Chúng muốn biến cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp thành cuộc nội chiến, xung đột đổ máu trong nội bộ nhân dân ta.



Tướng Valluy tổ chức đón Bộ trưởng chiến tranh Pháp Coste Floret

Thủ đoạn chủ yếu là sử dụng bọn tình báo, bọn Phòng nhì Pháp (2e Bureau) tìm mọi cách mua chuộc, li gián, chia rẽ nội bộ nhân dân, nội bộ Đảng và các đoàn thể kháng chiến. Pháp dựng lên các đảng phái và Mặt trận quốc gia giả hiệu(1), lập các “khu quốc gia”, “khu an ninh” để lừa bịp quần chúng và dư luận ở Pháp, tạo thêm cơ sở xã hội để lôi kéo người kháng chiến trở về với chúng. Pháp mua chuộc, lôi kéo các nhóm phản động trong Cao Đài Tây Ninh, Hòa Hảo, trong lực lượng Bình Xuyên, người Khơme Nam Bộ, Hoa kiều quốc dân Đảng…, vũ trang cho bọn này, cắt đất, phân một số vùng cho chúng làm lãnh địa, gọi là “vùng tự trị”, khuyến khích chúng chống lại kháng chiến, mở rộng vùng tạm chiếm.

Ở Tây Nam Bộ, sau khi một số phần tử phản động đội lốt Hòa Hảo thành lập Việt Nam dân chủ xã hội Đảng (gọi tắt là Đảng Dân Xã, tháng 11-1946), Pháp mua chuộc những người cầm đầu đảng này, lập ra nhiều đơn vị vũ trang(2), chiếm cứ một số vùng ở Tây Nam Bộ, gây ra nhiều tội ác với nhân dân.

Về kinh tế, Pháp thực hiện chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”.

Ngoài việc duy trì và phát triển các cơ sở kinh tế ở Sài Gòn và miền Đông, địch ra sức vơ vét lúa gạo, ngăn chặn đường tiếp tế của ta, cướp bóc, vơ vét, phá hoại mùa màng ở đồng bằng Tây Nam Bộ.

Về quân sự, Pháp chia Nam Bộ thành 3 tiểu khu(3) và đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, ra sức bắt lính đôn quân, phát triển ngụy quân để thay thế cho một lực lượng đáng kể quân Pháp bị đưa ra miền Bắc với ý đồ tập trung lực lượng cho chiến trường chính ở đây, nhằm tổ chức một cuộc tấn công quyết định vào đầu não của kháng chiến.

Ngoài các đơn vị vũ trang đội lốt các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, Pháp còn nắm một số phân tử phản động người Khơme Nam Bộ, trang bị súng ống cho một số sóc vùng tạm chiếm, bắt thanh niên và lính ngụy. Tính đến đầu năm 1947, Pháp đã tổ chức được 7.000 vệ binh cộng hòa và 8.000 phụ lực quân. Đi đôi với phát triển ngụy quân, Pháp đẩy mạnh chiến tranh gián điệp, mở nhiều cuộc hành quân, đánh phá vùng căn cứ kháng chiến, nhằm tiêu diệt vũ trang và các đoan thể chính trị của ta, thiết lập bộ máy tề xã ở các vùng tạm chiếm.


(1) Các đảng phái và tổ chức phản động như: Thanh niên bảo quốc đoàn, Liên hiệp thanh niên nghĩa dõng, Đại Việt, Quốc dân đảng, Mặt trận bình dân Nam Kì, Thanh niên ái quốc đoàn, v.v…
(2) Nhóm Năm Lửa (Trần Văn Soái), nhóm Hai Ngoán (Lâm Thành Nguyên), nhóm Ba Cụt (Lê Quang Vinh), nhóm Nguyễn Giác Ngộ…
(3) Tiểu khu của Pháp chia gần giống như địa phận của ba chiến khu của ta là khu 7, khu 8, khu 9 và đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Bảy, 2012, 07:56:27 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #38 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2012, 07:54:52 am »



Đại tá Lehagre và đại tá Achard (từ trái sang), đến Vĩnh Long năm 1974



Lahagre (giữa) trong một trận càn ở Vĩnh Long



Một toán lính Pháp trong trận càn “Giongs” ở miền Tây Nam Bộ



Sau lưng quân Pháp là nhà cửa bị đốt phá



Một đơn vị địa phương quân do Pháp thành lập ở Vĩnh Long
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #39 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2012, 07:58:23 am »

Sự chỉ đạo của Trung ương và Xứ ủy Nam Bộ

Ngoài Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng về đường lối kháng chiến, trong tháng 12-1946, Trung ương Đảng còn có thư gửi cho Nam Bộ, chỉ ra các mặt công tác mà Nam Bộ phải làm để “Không những làm cho chúng (Pháp - BT) không thể lấy Nam Bộ dùng để đánh Trung, Bắc, mà ngược lại lấy Nam Bộ gây cản trở thêm khó khăn nguy hại cho chúng. Cho nên công tác phá hoại, bất hợp tác về mọi phương diện là công tác chính… phải luôn luôn bảo vệ và xây đắp chính quyền… phải có những cơ quan hành chính bí mật và công khai, bao giờ cũng tiêu biểu chính quyền của ta vẫn có ở Nam Bộ”(1).

Rút kinh nghiệm ở chiến trường miền Nam những tri thức quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị Trung ương đã đề ra ba nguyên tắc hành động: “Tránh mũi dùi chủ lực của địch để bảo toàn chủ lực và duy trì sức chiến đấu của bộ đội. Phát động du kích chiến tranh. Tập trung lực lượng tiêu diệt từng phần lẻ của địch…”(2). Hội nghị nhắc nhở một số địa phương tránh tinh thần lửa rơm: “Không được hành động theo tiếng gọi của lòng dũng cảm hi sinh oanh liệt mà quá hao tổn lực lượng”(3).

Cùng với những Chỉ thị của Trung ương cho Nam Bộ, ngày 7-3-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư cho đồng chí Nguyễn Văn Tây tức Thanh Sơn, trong đó có một sơ đồ đơn giản thể hiện những tư duy chiến lược về chặng đường của cuộc chiến tranh.

Sơ đồ như sau(4):


Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Xứ ủy Nam Bộ đã đề ra các nhiệm vụ:

- Phát động mạnh và rộng chiến tranh du kích, củng cố cơ sở Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể cứu quốc, xây dựng lực lượng chiến đấu.

- Xây dựng quan điểm độc lập dân tộc chân chính, tổ chức chính quyền tiêu biểu cho quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng khối đoàn kết toàn dân, xây dựng lực lượng dân quân du kích, dân quân tự vệ, tổ chức Ban chỉ huy dân quân thống nhất từ tỉnh đến làng, củng cố Đảng, giữ vững đoàn kết thống nhất tư tưởng, tổ chức, tăng cường Ban Chấp hành Đảng bộ Nam Bộ…



Cục diện chiến tranh cả nước đầu năm 1947


(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr. 162-163.
(2) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1976, t.II, tr. 111-112.
(3) Lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp 1945-1954, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1986, t.II, tr. 94-95.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5, tr.85.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM