Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 10:37:06 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến - Tập 1 (1945-1954)  (Đọc 113085 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #100 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2012, 06:40:09 am »

2. Đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, chuẩn bị cho giai đoạn cách mạng mới

Khi Hội nghị Genève bước vào giai đoạn cuối, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) triệu tập Hội nghị lần thứ sáu mở rộng từ ngày 15 đến ngày 17-7-1954, nhận định:

“Đế quốc Mĩ là một trở lực chính ngăn cản việc lập lại hòa bình ở Đông Dương và hiện đang trở thành kẻ thù chính trực tiếp của nhân dân Đông Dương… dựa trên cơ sở những thắng lợi đã đạt được mà phấn đấu để thực hiện hòa bình ở Đông Dương, phá tan âm mưu của đế quốc Mĩ kéo dài và mở rộng chiến tranh Đông Dương củng cố hòa bình và thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc”(1).

Sau khi Hiệp định Genève được kí kết, ngày 22-7-1954, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ra lệnh ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Việt Nam (Nam Bộ ngừng bắn từ 6 giờ sáng ngày 11-8-1954).

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào miền Nam:

“Đặt lợi ích cả nước trên lợi ích địa phương, lợi ích lâu dài trên lợi ích trước mắt, mà ra sức cùng đồng bào toàn quốc phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc”(2).



Nhân dân chào mừng phái đoàn Ủy ban liên hiệp đình chiến Nam Bộ
tại thị trấn Phụng Hiệp, Cần Thơ (1954)

Ngày 6-9-1954, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra chỉ thị, nêu rõ 3 nhiệm vụ trước mắt của miền Nam là:

- Thi hành triệt để Hiệp định đình chiến và đòi Pháp cũng phải thi hành đúng Hiệp định.

- Chuyển hướng công tác cho thích hợp với điều kiện hòa bình.

- Đoàn kết rộng rãi, tập hợp mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình.

Ngày 6-9-1954, Bộ Chính trị quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam, lập lại Xứ ủy Nam Bộ và các Liên Tỉnh ủy, Tỉnh ủy.

Lê Duẩn, Ủy viên Bộ Chính trị đang công tác ở Liên khu 5 (Trung Trung Bộ) được Trung ương cử vào Nam phổ biến các chủ trương mới của Trung ương và chỉ đạo những công việc trong giai đoạn mới. Lê Duẩn đặc biệt nhấn mạnh một số việc cần làm khẩn trương trước khi chuyển quân tập kết. Cấp đất cho nông dân đến sát đồn bót địch, coi đó là “lá bùa hộ mệnh” cho cán bộ, đảng viên ở lại miền Nam tiếp tục hoạt động sau này. Cảnh giác trước việc phá hoại ngừng bắn, bố trí một số cán bộ quân sự ở lại miền Nam, chôn giấu một số súng đạn để tự vệ khi địch đàn áp khủng bố. Chăm lo chu đáo các quyền lợi của người dân để thể hiện tấm lòng của Đảng đối với nhân dân (trong đó có việc đổi bạc Cụ Hồ ra tiền Ngân hàng Đông Dương theo tỉ giá có lợi cho dân).

Tại Hội nghị tháng 10-1954 của Xứ ủy Nam Bộ do Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn triệu tập, đã đi đến kết luận:

“Có hai khả năng phát triển: Có thể Mĩ - Diệm hoặc phải thi hành Hiệp định Genève và cũng có thể Mĩ - Diệm không thi hành Hiệp định Genève. Cách mạng miền Nam cần phải có kế hoạch đối phó với cả hai tình huống trên”(3).

Xứ ủy quyết định chỉ dành một số lực lượng tập kết, còn lại một số ở lại duy trì lực lượng. Ngay sau Hội nghị, đã có hơn 60.000 đảng viên rút vào hoạt động bí mật, gần 10.000 khẩu súng và một số điện đài đã được chôn giấu, để đề phòng nếu trường hợp đối phương phải bội Hiệp định thì đã có sẵn lực lượng đối phó(4).


(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.15, tr. 225.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.332.
(3) Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.2, tr. 80.
(4) Sđd, t.2, tr. 82.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #101 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2012, 06:42:52 am »

Sắp xếp lại tổ chức, bố trí lại cán bộ, đảng viên

Tháng 10-1954, tại Chắc Băng (Vĩnh Thuận, tỉnh Bạc Liêu), Trưởng phái đoàn Trung ương Lê Duẩn triệu tập hội nghị để nghiên cứu Nghị quyết Trung ương lần 6. Chỉ thị ngày 6-9-1954 của Bộ chính trị, thảo luận những nhiệm vụ của Nam Bộ trong giai đoạn mới và thành lập Xứ ủy Nam Bộ.

Xứ ủy Nam Bộ gồm 12 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết do Lê Duẩn làm Bí thư(1).

Xứ ủy quyết định chia Nam Bộ thành ba Liên tỉnh (miền Đông, miền Trung, miền Tây) và một khu (Sài Gòn - Chợ Lớn).

Liên Tỉnh ủy miền Tây Nam Bộ gồm 8 tỉnh: Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Rạch Giá, Hà Tiên và Bến Tre, do Phạm Thái Bường làm Bí thư Liên Tỉnh ủy(2). Qua năm 1955, Bến Tre chuyển sang Liên tỉnh miền Trung Nam Bộ, nên Liên tỉnh miền Tây chỉ còn 7 tỉnh.

Đến cuối 1955, các cấp ủy Đảng ở Nam Bộ đều được sắp xếp lại, toàn thể cán bộ, đảng viên đều rút vào hoạt động bí mật. Theo chỉ đạo của Xứ ủy thì Đảng bộ miền Tây đã tiến hành phân loại đảng viên:

- Loại A (loại tích cực) thì tập hợp vào Chi bộ bí mật.

- Loại B (trung bình) cho tạm thời hoạt động đơn tuyến, qua thử thách sẽ tập hợp vào Chi bộ.

- Loại C (kém) thì điều lắng dựa vào hệ thống nòng cốt, cốt cán nằm trong các tổ chức hợp pháp, nửa hợp pháp, để tập hợp quần chúng, sau đó tùy tình hình, tổ chức Đảng sẽ móc nối sau.

Xứ ủy chỉ định mỗi Tỉnh ủy gồm từ 5 đến 9 ủy viên. Riêng Sóc Trăng và Trà Vinh mỗi nơi có một Tỉnh ủy viên người Khơme…

Một công tác quan trọng lúc này là bố trí ai đi tập kết ra Bắc, ai ở lại tiếp tục hoạt động ở miền Nam, theo tinh thần “Đi là thắng lợi, ở lại là vinh quang”, đi hay ở đều là nhiệm vụ cách mạng.

Phan Khắc Thuyết, cán bộ văn phòng Xứ ủy Nam Bộ kể lại: “Lúc bấy giờ, các cơ quan, quân đội, cán bộ, đảng viên ở Nam Bộ được tổ chức học tập thông suốt Hiệp định, chuẩn bị tập kết chuyển quân ra miền Bắc. Đồng thời, Trung ương Cục miền Nam nghiên cứu bố trí lực lượng cán bộ, đảng viên ở lại miền Nam để lãnh đạo nhân dân đấu tranh buộc địch thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Genève. Người đi tập kết được coi là thắng lợi, người ở lại được coi là vinh quang. Kẻ ở, người đi, biết bao ngậm ngùi thương nhớ…”(3).

Đặc biệt là trong số được đưa ra Bắc, Trung ương Cục có chủ trương chọn hàng ngàn thiến niên Nam Bộ đưa ra miền Bắc để học tập rèn luyện cho tương lai sai này về xây dựng quê hương.



Một nhóm học sinh miền Nam tập kết học tại trường PT CII số 6 Hải Phòng


(1) Bí thư Lê Duẩn, Phó Bí thư Phạm Hữu Lầu, ủy viên thường vụ Hoàng Dư Khương; các ủy viên thường vụ: Phan Văn Đáng, Lê Toàn Thư, Nguyễn Đức Thuận, Nguyễn Văn Linh, Phạm Thái Bường; các ủy viên: Phạm Văn Xô, Phan Đức, Văn Viên, Nguyễn Minh Đường; các ủy viên dự khuyết: Võ Văn Kiệt, Võ Văn Khánh, Mai Chí Thọ.
(2) Liên Tỉnh ủy miền Tây có 5 đồng chí: Bí thư Phạm Thái Bường; Phó Bí thư Võ Văn Kiệt, các ủy viên: Nguyễn Hữu Xuyến, Văn Viên, Châu Văn Đặng (Ba Cẩm).
(3) Phan Khắc Thuyết: Nhớ những năm công tác tại văn phòng xứ ủy tại Sài Gòn (Nam Bộ thành đồng Tổ quốc, sđd, tr. 593 - 607).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #102 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2012, 06:44:04 am »

Công tác chính trị tư tưởng trong thời gian này đã thực hiện một cách ráo riết có nhiều thuận lợi, nhưng cũng lắm khó khăn.

Thuận lợi là chiến thắng Điện Biên Phủ và thắng lợi của Hiệp định Genève đã đem lại hòa bình cho đất nước sau 9 năm kháng chiến gian khổ, ai cũng thấy phấn khởi. Nhưng cán bộ, chiến sĩ và gia đình phải chia tay, người ra Bắc, kẻ ở lại miền Nam, hoạt động bí mật dưới sự cai trị (dù là tạm thời) của Pháp và Ngô Đình Diệm, ai cũng thấy băn khoăn. Trong các cuộc sinh hoạt chính trị, nhiều người đã nêu lên những câu hỏi:

- Vì sao không nhân đà thắng lợi mà đánh tới để giải phóng cả nước?

- Vì sao không tập kết quân đội theo kiểu “da beo”, ai ở đâu ở đó, mà phải giao vùng độc lập của ta ở miền Nam cho Pháp?

- Địch có chịu nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định không?

- Nếu địch vi phạm, trả thù giết hại người kháng chiến mà trong tay cách mạng không có vũ khí thì phải đối phó làm sao? v.v…

Các cấp ủy, cán bộ hướng dẫn sinh hoạt đã cố gắng giải đáp những câu hỏi đó, nhưng không làm sao thảo mãn triệt để được. Tuy nhiên, với tinh thần yêu nước và bất khuất được trui rèn trong 9 năm kháng chiến, với niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên và quần chúng vẫn chấp hành sự phân công của tổ chức, tự thu xếp hoàn cảnh của bản thân và gia đình, sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới.

Chấp hành Nghị quyết của Xứ ủy Nam Bộ về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược trong đó, các tỉnh ủy mới được chỉ định. Liên tỉnh ủy miền Tây vừa khẩn trương chỉ đạo các tỉnh ủy mới sắp xếp lại tổ chức, phân loại các bố trí cán bộ, đảng viên hoạt động phù hợp với tình hình mới, vừa tăng cường chuẩn bị về mọi mặt để lao vào cuộc chiến đấu đầy sóng gió. Do bản chất ngoan cố và hiếu chiến của thực dân Pháp cấu kết với đế quốc Mĩ gây ra sau khi ta chuyển giao vùng giải phóng và khu tập kết 200 ngày của ta ở Cà Mau cho đối phương quản lí, tiến tới tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà sau 2 năm Hiệp định Genève được kí kết như nội dung của Hiệp định đã được quy định rõ tại điểm 5.

Theo đó, vai trò thông tin vô tuyến điện bảo đảm sự chỉ đạo thông suốt Liên tỉnh ủy với các tỉnh ủy mới. Đồng thời Liên tỉnh ủy còn tranh thủ sự lãnh đạo của cấp trên luôn luôn được coi trọng và đặc biệt quan tâm để kịp thời đối phó và đánh bại mọi âm mưu thâm độc của đối phương, tiếp tục giành thắng lợi cho cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, tiến lên giành thắng lợi quyết định, để đi đến thắng lợi hoàn toàn.

- Ngoài việc chỉ đạo các tỉnh ủy mới ra sức xây dựng hệ thống điện đài của tỉnh mình để kịp thời liên lạc với Liên tỉnh ủy không một phút buông lơi.

- Đài vô tuyến điện của Liên tỉnh ủy Tây Nam Bộ, sau khi chôn cất đại bộ phận máy móc nặng nề để che giấu tai mắt của đối phương. Ta vẫn còn giữ lại máy móc gọn nhẹ và hiện đại để duy trì hoạt động phục vụ và sự chỉ đạo của Liên tỉnh ủy luôn luôn được thông suốt, nên đài vô tuyến điện của ta lần đầu tiên bắt đầu phát sóng tại kinh 14, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau vào đầu năm 1955 cho đến khi hoàn thành kế hoạch chuyển quân tập kết liên khu 200 ngày ở Bạc Liêu, Giá Rai và Cà Mau thuộc Tây Nam Bộ vào đầu tháng 12 năm 1955 với sự có mặt của tập thể cán bộ văn phòng Liên tỉnh ủy, trong đó có các anh Nguyễn Cảnh Dương - Chánh văn phòng Liên tỉnh ủy, anh Sáu Xê, anh Tư Mai, anh Tám Lương, anh Lâm Quang phố, anh Phạm Hữu Phong, (Ba Trương), anh Trần Văn Xiêm (út Yên), anh Đoàn Văn Truyện (Chính Hoài) và anh Bà Kì cùng nhiều cán bộ và kĩ thuật viên nhiệt tình khác.

- Và tiếp theo đó, bằng nhiều địa điểm khác nhau để đánh lạc hướng đối phương, Đài vô tuyến điện của Liên tỉnh ủy Tây Nam Bộ vẫn tiếp tục phát sóng đến đầu năm 1958, xuyên sốt 3 năm liền mới tạm ngưng một lúc theo lệnh của cấp trên và sau đó lại tiếp tục hoạt động cho đến ngày toàn thắng.

Phần này sẽ được nói rõ trong thời kì kháng chiến chống Mĩ đầy gian khổ, nhưng thắng lợi cũng hết sức vẻ vang.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #103 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2012, 06:45:46 am »

Ủy ban Liên hiệp đình chiến Nam Bộ. Tại Hội nghị Trung Giã, Việt Nam và Pháp đồng ý thành lập Ủy ban Liên hiệp đình chiến ở cấp Trung ương và ở ba miền Bắc, Trung, Nam để đảm bảo việc ngưng bắn và chuyển quân tập kết đúng thời gian quy định. Trong mỗi Ủy ban, số lượng thành viên của hai bên bằng nhau. Đoàn Việt Nam trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến ở Nam Bộ do Phạm Hùng làm Trưởng đoàn, đóng tại Phụng Hiệp.



Tàu Hòa Bình đưa rước phái đoàn Liên hiệp Đình chiến của Chính phủ Việt Nam tại Phụng Hiệp



Trụ sở Ủy ban Liên hiệp đình chiến Nam Bộ tại thị trấn Phụng Hiệp Cần Thơ

Mỗi khi phát hiện chính quyền Ngô Đình Diệm vi phạm Hiệp định (như đàn áp các cuộc mít tinh chào mừng hòa bình, bắt bớ, giam cầm, giết chết những người kháng chiến cũ…), Đoàn Việt Nam thông báo cho Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát (gồm Ấn Độ, Ba Lan và Canada) biết để Ủy ban phái người đến tận nơi điều tra, buộc chính quyền Diệm phải chấm dứt vi phạm và cam kết không tái phạm, buộc chúng phải trừng trị những kẻ có tội và bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.

Ngoài nhiệm vụ chính thức nói trên, Đoàn Việt Nam còn tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đảng viên, dưới danh nghĩa là thành viên của Đoàn, đi lại công khai hợp pháp, đặc biệt là những người bị lộ ở địa phương này có thể an toàn chuyển sang địa phương khác.

Sau khi việc chuyển quân tập kết ở Nam Bộ kết thúc, Ủy ban Liên hiệp đình chiến các cấp giải thể. Việt Nam lập Phái đoàn liên lạc của Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến, vẫn do Phạm Hùng làm trưởng đoàn (về sau Nguyễn Văn Vịnh, rồi Nguyễn Văn Long thay) đóng tại Gia Định (nay là số 87 A Trần Kế Xương, phường 7, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh).

Ông Lữ Minh Châu, là một thành viên trong Phái đoàn này kể lại: “Phía chính quyền Ngô Đình Diệm rất sợ hãi sự có mặt công khai của Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Sài Gòn nên tìm đủ mọi thủ đoạn để chống phá, kể cả những trò côn đồ. Họ cho một đám anh chị lưu manh suốt ngày đứng ở cửa chửi bới, dọa nạt hành hung. Đoàn đi đến đâu cũng bị những tay chân đó bám theo để phá rối. Điều đó chỉ thể hiện sự thiếu tự tin của chính quyền Ngô Đình Diệm. Khác với ngoài Bắc, chúng ta không cần gì phải dùng đến những thủ đoạn thấp hèn đó. Đến năm 1956 thấy chính quyền Ngô Đình Diệm quá ngoan cố, không chịu hiệp thương, cũng không chịu chấm dứt những hành động bỉ ổi của họ, Chính phủ quyết định rút phái đoàn về ngoài Bắc”(1).


(1) Phỏng vấn ông Lữ Minh Châu tại nhà riêng, ngày 12-5-2007.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #104 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2012, 06:47:42 am »

Quản lí và xây dựng khu tập kết

Theo Hiệp dịnh đình chiến ở Việt Nam, tại Nam Bộ có ba khu tập kết:

- Khu tập kết 80 ngày ở Hàm Tân - Xuyên Mộc (Đông Nam Bộ).

- Khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh - Đồng Tháp (Trung Nam Bộ).

- Khu tập kết 200 ngày ở Giá Rai - Cà Mau - Bạc Liêu (Tây Nam Bộ).



Lễ mừng chiến thắng - chào đón hòa bình và tiếp quản Cà Mau (Khu tập kết 200 ngày) tháng 8 năm 1954

Trên đường chuyển quân tập kết, bộ đội ta đã chọn những con đường có lợi cho việc tuyên truyền giáo dục nhân dân, gây dựng cơ sở và làm những việc có ích cho nhân dân. Đặc biệt ở Cao Lãnh, Đồng Tháp, các chiến sĩ đã tôn tạo lại mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại làng Hòa An, Cao Lãnh.

Khu tập kết 200 ngày ở Cà Mau, gồm: bán đảo Cà Mau, bắt đầu từ Vịnh Thái Lan vào bờ nam sông Cái Lớn, đến ngã ba sông Nước Trong qua kinh xáng Ngang Dừa, xuống ngã tư Vĩnh Phú đến Vĩnh Hưng và ra biển Đông.

Khu này phần lớn là vùng độc lập của hai tỉnh Bạc Liêu và Rạch Giá (cũ), cộng thêm vùng ven lộ Đông Dương 16 (nay là quốc lộ 1 A) từ thị trấn Cà Mau - Tắc Vân lên thị tứ Hộ Phòng, thị trấn Giá Rai và thị tứ Hòa Bình (vùng địch tạm chiếm thuộc tỉnh Bạc Liêu).

Đây là khu tập kết lực lượng vũ trang của các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Châu Hà, quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia và đặc biệt là có 2 trung đội chiến sĩ Hòa Bình(1).

Trung tâm của vùng tập kết là kinh Xáng Chắc Băng (Vĩnh Thuận) nơi cơ quan Trung ương Cục đóng trong lúc này.

Ủy ban Quân chính thị trấn Cà Mau và Ủy ban Quân chính thị trấn Giá Rai được thành lập ngày 25-8-1954 và ra mắt nhân dân trong hai cuộc mít tinh lớn vào ngày hôm sau.

Ta chủ trương xây dựng khu tập kết Cà Mau như một mô hình mẫu của chính quyền cách mạng, một chính quyền của dân, do dân và vì dân, để đồng bào cảm nhận sâu sắc, so sánh với chế độ quốc gia giả hiệu của Pháp và tay sai, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân đấu tranh giữ lấy quyền lợi mà cách mạng đã đem lại cho họ.

Sau khi tiếp quản khu tập kết, tỉnh Bạc Liêu xuất ngay ngân sách hàng trăm ngàn tiền Ngân hàng Đông Dương và trên 10.000 tấn gạo để cứu trợ cho những gia đình bị đói ở 3 thị trấn: Tắc Vân, Cà Mau và Giá Rai.

Theo chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, Phân liên khu miền Tây, các tỉnh chuyển số gạo còn trong kho, mua thêm lương thực thực phẩm, thuốc trị bệnh, hàng thiết yếu, gửi theo các chuyến tàu chuyển quân ra Bắc, để giảm bớt khó khăn cho Trung ương trong việc tiếp tế ban đầu cho hàng trăm ngàn người từ miền Nam ra. Phòng hậu cần Phân liên khu miền Tây đã gửi theo tàu của Liên Xô, Ba Lan khoảng 20.000 tấn gạo trong dịp này.

Bộ đội xây dựng hàng trăm nhà mới cho những gia đình sống lang thang, không nơi nương tựa; sửa trường cũ, cất thêm trường mới. Toàn khu tập kết có 875 trường (có cả trường cho con em đồng bào Khơme). Cán bộ, bộ đội tích cực làm công tác chống giặc dốt. Trong thời gian 200 ngày, ta đã mở nhiều lớp học bình dân cho 75% số người chưa biết chữ. Ta lập thêm 24 trạm y tế, nhà bảo sinh, điều trị hơn 10.000 lượt người bệnh trong khu vực này và các nơi khác đến.

Phong trào vệ sinh, làm sạch đường phố, hốt rác, nạo vét cống rãnh, đào mương thoát nước ở các khu, xóm lao động được phát động, quần chúng tham gia đông đảo.

Ta làm nhiều sân vận động mới, tuyên truyền vận động phong trào thể dục, thể thao, tổ chức luyện tập, thi đấu bóng chuyền, bóng đá sôi nổi giữa các đơn vị bộ đội và thanh niên địa phương.

Những buổi trình diễn của các đoàn văn công, các đội ca múa thiếu nhi, các đội múa lân, những cuộc triển lãm, chiếu phim cả ngày lẫn đêm ở nhiều địa điểm đã thu hút quần chúng tham gia đông đảo, tạo nên không khí sôi động, hào hứng.


(1) Trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, từ 1950 đến 1954, có hàng trăm hàng binh và tù binh thuộc quân đội viễn chinh Pháp, rải rác ở khắp các chiến trường Nam Bộ được tập trung về Khu 9. Nơi đây họ được tập hợp như là một đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam, được giáo dục và cải tảo tốt, được nhân dân thương mến, gọi là đơn vị “chiến sĩ hòa bình”.
Đơn vị này có trên 80 người, được tổ chức thành hai trung đội: Trung đội châu Phi, gồm những người Algérie, Tunisie, Maroc, Sénégal… và Trung đội châu Âu gồm những lính gốc Pháp, Đức, Ý… Tiếng nói thông dụng của họ là tiếng Pháp.
Trong thời gian tập kết, đơn vị này cũng được tập kết ra Bắc và sau đó họ lần lượt được ta tổ chức cho về xứ sở. Hầu hết họ trở thành những người tuyên truyền đắc lực cho chính nghĩa của Việt Nam ở xứ sở họ. Có người sau đó trở thành cán bộ trong phong trào kháng chiến giành độc lập ở nước họ, như ở Algérie, Marốc…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #105 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2012, 06:49:14 am »

Vùng Cà Mau, trong thời gian tập kết chuyển quân (vùng ven lộ Đông Dương 16 và vùng Chắc Băng - Vĩnh Thuận - Rạch Giá) thường xuyên nhộn nhịp như ngày lễ hội. Thân nhân của cán bộ, chiến sĩ đi tập kết, đồng bào các giới khắp Nam Bộ và một số nơi như ở Campuchia (như Phnôm Pênh) tới lui thăm nom người thân rất đông đảo, không khí thật vui vẻ. Trật tự an ninh vùng tập kết được bảo đảm, ban đêm không có giới nghiêm, nhà không đóng cửa, đồ đạc không sở bị trộm cắp. Đời sống mới ở vùng độc lập của ta tràn vào thị trấn, thị tứ trên lộ Đông Dương 16 (nay là Quốc lộ 1) do ta quản lí. Bến xe, bến tàu ngày đêm tập nập hành khách. Đường Bạc Liêu - Cà Mau, trước đây mỗi tuần có 2 chuyến xe đò, nay lên 16 chiếc chạy suốt ngày đêm. Xe hàng từ 4 chiếc nay lên 14 chiếc. Tàu ghe máy từ 100 chiếc lên hàng ngàn chiếc. Tiệm, quán mở thêm nhiều, hàng hóa dồi dào, mua bán náo nhiệt.

Hằng ngày cán bộ trực ban các cơ quan, bộ đội tiếp xúc rất nhiều người ở khắp các nơi, từ vùng bị tạm chiếm miền Tây, miền Đông và Sài Gòn - Chợ Lớn… để tìm hiểu cuộc sống mới, chính sách của Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Có nhiều người, nhất là tầng lớp trên ở thành thị, muốn tai nghe, mắt thấy cán bộ Việt Minh và bộ đội Cụ Hồ, xem văn nghệ cách mạng, nhờ trị bệnh, cấy Philatốp… Nhiều trí thức, tư sản, nhân sĩ, lãnh tụ tôn giáo đến tìm hiểu, trao đổi thời cuộc về cuộc đấu tranh sắp tới ở miền Nam và việc họ cần làm.

Đồng bào ghi nhận: Tinh thần phục vụ và thái độ đối xử vui vẻ, nhãn nhặn, chân tình của cán bộ, bộ đội cách mạng, khác hẳn với chính quyền bù nhìn và lính đánh thuê. Nhân dân khen văn nghệ cách mạng có nội dung lành mạnh, đề cao hòa bình, tinh thần dân tộc, độc lập, tự chủ của Việt Nam, khác hẳn văn nghệ của vùng bị địch chiếm. Bà con rất thích “cấy Phi la tốp”, coi là “thần dược”, trị được nhiều bệnh mà vùng địch tạm chiếm không có. Đồng bào nhận thấy từ khi cách mạng tiếp quản, các tệ nạn như: rượu chè, cờ bạc, hút thuốc phiện, trộm cắp, đĩ điếm, chửi tục… ở các thị trấn, thị tứ do địch tạm chiếm hầu như mất hẳn. Đồng bào khen “Việt Minh hay thật!”.

Những điều hay của chế độ mới, những việc làm của chính quyền dân chủ nhân dân ở vùng tập kết đã in đậm dấu ấn trong kí ức của người dân ở đây, cũng như nhiều người ở khắp Nam Bộ đến khu tập kết trong thời gian này.

Thời gian 200 ngày tập kết chuyển quân, đồng bào vùng Cà Mau đã sống những ngày thật tự do, hạnh phúc. Chính quyền cách mạng còn thực hiện nhiều việc được nhân dân ca ngợi như:

- Đổi tiền Ngân hàng Đông Dương cho những người có tiền Cụ Hồ, với tỉ giá 1/40 (cao hơn tỉ giá hối đoái thị trường). Tổng số tiền kháng chiến thu hồi ở Nam Bộ là 1.400.000.000 đồng. đối chiếu với tiền đã phát hành, còn lại trong dân khoảng 400.000.000 đồng, do dân muốn giữ lại làm kỉ niệm hoặc lại có người ở xa không tiện đem tiền đổi lại.

- Tuyên bố xóa nợ tiền và nợ lúa cho nông dân (đã thiếu nợ Nhà nước).

- Tranh thủ xây thêm trường học, trạm y tế, nhà bảo sinh (với đủ cán bộ, giáo viên, y tá cô đỡ).

- Sửa sang chợ nông thôn, sửa cầu, đường, làm vệ sinh làng xóm, chợ cho sạch sẽ.

- Giúp đỡ, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, người neo đơn, tàn tật, nghèo túng…

- Đưa nhiều cháu thiếu nhi, con em cán bộ, bộ đội đi ra miền Bắc học tập, để sau này xây dựng quê hương.

Các tỉnh đều tranh thủ thời gian trước khi tập kết chuyển quân để cấp thêm đất cho nông dân, có nơi đến sát đồn bót địch. Riêng tỉnh Vĩnh Trà đã cấp thêm 75.000 ha ruộng đất. Nếu cộng với số đã cấp thì tất cả có trên 150.000 ha cho gần 300.000 nông dân…

Trong những ngày cuối, trước khi giao khu tập kết Cà Mau cho địch quản lí, nhiều sự kiện xúc động dã diễn ra:

Cây vú sữa ngàn dặm: Má Huỳnh Thị Sảnh, còn gọi là má Tư Tố, Hội trưởng Phụ nữ cứu quốc xã Trí Phải để kêu con gái là Đỗ Thị Tư đi xin cây vú sữa từ vườn nhà ông Đương (cách đó 2 km) mang về ươm trồng trong một bình tích kiểu. Má Sảnh mang cây vú sửa đến lễ tiễn đưa bộ đội, giao cho anh Trung Kiên, má nói: “Nhân dân xin tặng Bác Hồ cây vú sữa như hứa hẹn với Bác rằng: Đồng bào miền Nam, nhân dân xã Trí Phải (Bạc Liêu) luôn luôn giữ vẹn lòng chung thủy son sắt với sự nghiệp cách mạng do Bác lãnh đạo và nguyện vượt mọi khó khăn để bảo vệ và xây dựng đất nước”. Ngày 26-1-1955 (Mùng 3 Tết Ất Mùi), Nguyễn Văn Kỉnh, Ủy viên Trung ương Cục miền Nam đã dâng cây vú sữa, thay mặt đồng bào Nam Bộ tặng Bác Hồ. Bác vô cùng xúc động khi biết đây là cây vú sửa của đồng bào vùng tận cùng Tổ quốc gửi tặng Người. Cây vú sữa thì đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng ngay bên nhà sàn ở Phủ Chủ tịch.



Cây vú sữa lúc 4 tuổi



Cây vú sữa ngày nay
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #106 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2012, 06:51:28 am »

- Sau buổi lễ bàn giao khu tập kết 200 ngày Cà Mau cho quân đội Pháp (ngày 31-1-1955) trước quy định của Hiệp định 7 ngày (lẽ ra là ngày 8-2-1955) trong chuyến chuyển quân tập kết cuối cùng, đồng bào cùng cán bộ và bộ đội lưu luyến chia tay:

Tàu chuyển quân Kilinsky đậu ở ngoài khơi cửa sông Ông Đốc, một nông dân trạc 50 tuổi xúc động nhảy xuống sông lội ra tàu. Gần đến mạn tàu ông ra dấu cho ông lên tàu. Thủy thủ thả dây neo cho ông lên tàu. Ông chạy thẳng lại chỗ để ảnh Bác Hồ, ôm hôn ảnh Bác (tấm ảnh này đã được treo ở sân vận động Cà Mau trong suốt thời gian tập kết). Ông nói: “Tôi đến trễ không được tiễn Bác Hồ, nên tôi lọi ra để từ giã Bác. Đến bao giờ Bác mới vào Nam! Bác ơi!”. Nói xong ông khóc. Anh em cán bộ, bộ đội đều xúc động cùng khóc với ông. Ông mân mê tấm ảnh lần cuối rồi nhảy xuống biển lội vào bờ…



Chủ tịch UBHCKC Nam Bộ Phạm Văn Bạch trong cuộc mít tinh từ giã đồng bào

Trong chuyến tàu chót, Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn cùng gia đình, các con và các đồng chí Lê Đức Thọ, Nguyên Văn Kỉnh công khai lên tàu, vẫy tay chào từ biệt đồng bào để lên đường ra Bắc. Sau đó 2 ngày (trước giờ nhổ neo vào sáng hôm sau), nửa đêm đó Lê Duẩn đã bí mật xuống xuồng, trở lại vùng căn cứ Cà Mau để cùng Xứ ủy lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới. Lê Duẩn nhở Lê Đức Thọ báo cáo với Bác Hồ và Trung ương Đảng: “Tình hình cách mạng miền Nam rất phức tạp. Việc chia cắt không thể 2 năm mà có thể 20 năm mới giải quyết được”.

Võ Văn Kiệt, khi đó là Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ kể lại: “Một buổi tối đầu năm 1955, trước sự chứng kiến của Ủy ban giám sát quốc tế, anh Ba lên chiếc tàu Ba Lan neo ở Vàm Sông Đốc, Cà Mau để tập kết ra Bắc. Đó là chuyến tập kết áp chót. Gần nửa đêm, anh bí mật xuống canô quay trở lại. Tôi được phân công đưa và đón anh Ba cùng anh Nguyễn Hữu Xuyến với hai đồng chí bảo vệ của anh Ba về một căn cứ đã chuẩn bị từ trước. Việc bố trí anh Ba ở lại miền Nam là một quyết định rất đúng đắn của Bác Hồ, của Trung ương Đảng, một sự đầu tư đặc biệt lớn cho miền Nam và cả nước…”(1).



[color=9pt]Cảnh tiễn đưa ở sông Ông Đốc, Cà Mau, chuyến cuối cùng của tàu Kilinsky[/color]

Đánh giá chung về giai đoạn từ đầu năm 1951 đến giữa năm 1954 có thể thấy 2 mốc thời gian quan trọng:

- Thời gian đầu năm 1951 đến cuối 1952, do ta đánh giá không đúng thực chất tình hình và do tư tưởng chính quy “ham ăn to, đánh lớn”, tập trung chủ lực thành trung đoàn, liên trung đoàn, làm lỏng cơ sở địa phương quân và du kích, chiến tranh du kích bị sa sút, địch có điều kiện đẩy mạnh bình định lấn chiếm. Ta mất đất, mất dân ở một số vùng. Tuy nhiên, tình hình Phân liên khu Tây Nam Bộ vẫn giằng co quyết liệt với địch không quá khó khăn nguy hiểm như Phân liên khu miền Đông.

- Thời gian từ đầu 1953 đến cuối tháng 7-1954, được sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương và Trung ương Cục miền Nam, quân và dân Tây Nam Bộ đã nhận thức được sai lầm khuyết điểm, vừa chỉnh huấn chỉnh quân, vừa vươn lên thế tiến công địch, lập nhiều thành tích, đặc biệt là sau trận kinh Nhựt Nguyệt của Tiểu đoàn 307 phối hợp với bộ đội địa phương và du kích, đập tan cuộc càn quét lớn vào vùng căn cứ Cà Mau (Bạc Liêu).

Từ đó, lực lượng ta đã liên tục tiến công địch, góp phần rất quan trọng vào chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954 và Chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp và can thiệp Mĩ.

- Từ sau khi kí Hiệp định Genève về đình chiến, ở khu tập kết Cà Mau, ta đã làm nhiều việc tốt, nhất là việc khẩn trương cấp đất cho nông dân đến sát đồn bót của địch, xây dựng vùng tập kết thành nơi tiêu biểu của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có nhiều ảnh hưởng tốt đến đồng bào thành thị và các vùng địch tạm chiếm.

- Đặc biệt trong việc bố trí lực lượng, Trung ương và Trung ương Cục đã sáng suốt lượng định những khả năng đối phương ngoan cố không thi hành Hiệp định Genève, đã có những phương án “dự phòng” mà sau này thực tế đã chứng minh là hoàn toàn cần thiết: Đã bố trí một lực lượng ở lại cùng với vũ khí, trong đó đặc biệt có cả Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn để sẵn sàng ứng phó với những bất trắc do đói phương gây ra. Đó quả là một sự “đầu tư” rất sáng suốt. Đồng thời, trong lực lượng tập kết ra Bắc, Trung ương và Trung ương Cục đã nhìn xa trông rộng, bố trí phần lớn con em miền Nam ra Bắc để học tập, trong đó một số đáng kể học tập ở nước ngoài, chuẩn bị một đội ngũ chuyên gia cần thiết cho sự nghiệp kiến thiết hòa bình sau khi miền Nam được giải phóng. Trong thực tế, lực lượng này đã góp một phần quan trọng đối với việc phục hồi và phát triển kinh tế từ sau 1975.


(1) Võ Văn Kệt: Tổng Bí thư Lê Duẩn - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Bác Hồ (Trích trong Lê Duẩn, một nhà lãnh đạo lỗi lạc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 59).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #107 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2012, 06:51:58 am »

KẾT LUẬN

Cách mạng tháng 8-1945 thành công. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Nhân dân Việt Nam thật sự làm chủ đất nước.

Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Nhân dân Nam Bộ đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến. Sau một tháng bị bao vây ở Sài Gòn, được tăng thêm viện binh từ Pháp sang, chúng mở rộng xâm lược ra các tỉnh Nam Bộ.

Ngày 29-10-1945, Pháp tiến chiếm đến Vĩnh Long, tỉnh đầu tiên của Tây Nam Bộ. Cuộc kháng chiến tiếp nối trên vùng đất Tây Nam Bộ. Được sự lãnh đạo của các Đảng bộ Cộng sản ở địa phương, phong trào kháng chiến ở đây ngay từ đầu đã mang tính chất nhân dân rõ rệt và ngày càng phát triển sâu rộng.

Cũng từ đây miền Tây Nam Bộ đã cùng với toàn Nam Bộ thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng là: giữ vững Thành đồng Tổ quốc, sẵn sàng đi trước về sau, nhưng cuối cùng vẫn về với Tổ quốc Việt Nam.

Suốt 9 năm kháng chiến, trên các mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quân và dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc:

1. Tây Nam Bộ trong lòng Tổ quốc Việt Nam

Cuộc kháng chiến của Nam Bộ nó chung và Tây Nam Bộ nói riêng không chỉ có nhiệm vụ góp phần đánh đuổi thực dân xâm lược, giải phóng đất nước, mà còn có nhiệm vụ chống lại một âm mưu thâm hiểm của Pháp tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam.

Khi bước vào cuộc kháng chiến, nhân dân Việt Nam đứng trước hai thách đó lớn của kẻ thù là xâm lược và chia cắt. Miền Tây Nam Bộ đã góp phần đắc lực vào việc đánh trả hai âm mưu này. Tây Nam Bộ đã chứng minh hùng hồn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam, sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lí đó không bao giờ thay đổi”.

Miền Tây Nam Bộ đã thực hiện và chứng minh chân lí đó bằng những tiếng súng chống lại quân xâm lược Pháp trên khắp mọi mặt trận, không để chúng được yên ổn một ngày, với việc hưởng ứng Chỉ thị NV4, bỏ ra bưng biền tổ chức kháng chiến, bằng những cuộc biểu tình, rải truyền đơn, dán áp phích, báo chí, tố cáo tội ác của thực dân Pháp và chính phủ Nam Kì tự trị bù nhìn do Pháp dựng lên, đẩy cái quái thai đó mau đi tới chỗ chết non; bằng những binh công xưởng, bằng những vũ khí thô sơ, bàng những toa thuốc cơ bản, bằng những hũ gạo nuôi quân, bằng việc giữ lại hàng triệu đồng giấy bạc Cụ Hồ khi không còn giá trị lưu thông trên thị trường nhưng vẫn còn nguyên giá trị tinh thần, bằng cây vú sữa của bà má miền Nam gửi ra và được trồng trên nhà Bác Hồ tại Thủ đô Hà Nội… Bằng tất cả những tấm lòng son sắt và những hành động kiên quyết đó, Tây Nam Bộ đã chứng minh rằng Nam Bộ là máu, là thịt của Tổ quốc Việt Nam, rằng người dân ở đây bao giờ cũng vẫn là “dân Cụ Hồ”

Đó chính là thành tích lớn nhất, là thắng lợi lớn nhất, không chỉ có ý nghĩa đối với miền Nam, mà có ý nghĩa với cả Tổ quốc Việt Nam.

2. Chấp nhận cuộc đấu tranh vũ trang

Thách đố cam go đối với Nam Bộ là vừa mới tiến hành thắng lợi cách mạng chính trị, cướp được chính quyền, thì đối phương đã buộc ta phải bước vào một sân chơi mà chúng ta không hề được chuẩn bị trước, không được viện trợ từ bất cứ phía nào trên thế giới, đó là đấu tranh vũ trang. Đây chính là điểm mạnh của đối phương, với một đội quân lành nghề, thiện chiến, với vũ khí dồi dào, với một bộ máy chỉ huy được đào tạo có bài bản và có nhiều kinh nghiệm chiến trường. Đối diện với đôi quân đó, chúng ta không đủ vũ khí, không đủ kinh nghiệm về tổ chức lực lượng, về kĩ thuật tác chiến… Đó là sự thách đố mà phần lớn những cuộc khởi nghĩa chống Pháp trước đây đã không vượt qua được và nhiều phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới vào thời kì này cũng không vượt qua được. Nhưng điều kì diệu là Nam Bộ đã cùng với cả nước vượt qua được những thử thách hiểm nghèo đó, từ biết bao bỡ ngỡ và trục trặc ban đầu, chúng ta đã từng bước tiến lên, lấy yếu chống mạnh, rồi từng bước biến yếu thành mạnh, đi tới chiến thắng cuối cùng. Đó là một phép màu của chiến tranh nhân dân. Chính nhờ phép màu đó mà chúng ta đã từ chỗ bị động, bị địch buộc ta phải chấp nhận một sân chơi do địch lựa chọn, rồi ngay trên sân chơi đó, chúng ta đã tiến lên giành được thế chủ động, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta, không chỉ ở Nam Bộ mà ở trên toàn quốc.

Nếu nhìn lại lịch sử 9 năm kháng chiến thì thấy rằng từ khởi nghĩa chuyển sang chiến tranh trong thời gian chưa đầy một tháng, lực lượng cách mạng của ta đã lâm vào tình thế lúng túng. Quy luật khởi nghĩa khác với quy luật của chiến tranh. Khởi nghĩa là lấy sức mạnh đồng loạt của quần chúng để áp đảo địch. Còn chiến tranh thì nhất thiết phải có bộ đội, có chỉ huy, có vũ khí, có kĩ thuật chiến đấu… Lực lượng vũ trang của ta lúc bấy giờ tuy tinh thần và khí thế đã hừng hực lửa chiến đấu, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, nhưng phần lớn là dân cày, là thanh niên lao động, chỉ có một ít súng lửa, súng “mút”, còn phần lớn chỉ là giáo mác, tầm vông vạc nhọn. Lực lượng nòng cốt chỉ là lính Thủ hộ tức “Mã tà” (Garde civile loacle) và lính tập (lĩnh nghĩa vụ)… Chiến trận thường chỉ là dàn trận theo kiểu phòng tuyến chống địch, ngăn địch (trận địa chiến). Những bệnh “ấu trĩ” diễn ra trong lúc này là điều tất nhiên…

Nhưng ngay từ những thất bại do bệnh ấu trĩ đó gây ra, Tây Nam Bộ lại rút tỉa được những bài học có ích để từng bước gượng dậy, đứng vững sáng tỏ dần những bòi học để đấu tranh vũ trang trong chiến tranh nhân dân, để hơn một năm sau, khi bước vào cuộc toàn quốc kháng chiến, chúng ta đã được chuẩn bị tốt hơn không những về quân đội, về vũ khí mà cả về kinh nghiệm và phương thức tác chiến.

Từ khi có các đơn vị Nam Tiến từ miền Bắc chi viện vào và các đơn vị bộ đội hải ngoại cùng vũ khí mua được từ Thái Lan, các cấp chỉ huy được hình thành từ khu bộ đến các đơn vị đại đội, trung đội…, lực lượng vũ trang ngày càng giành được nhiều thắng lợi lớn từ trên khắp các mặt trận. Phong trào du kích chiến tranh ngày càng phát triển, 3 thứ quân (chủ lực, địa phương quân, dân quân du kích) ngày càng dồi dào sinh lực đã gây cho địch nhiều tổn thất nghiêm trọng.

Trong quá trình trưởng thành bằng vừa đánh vừa học đó, có lúc ta đã phạm sai lầm “ham ăn to, đánh lớn”, vội tập trung chủ lực thành trung đoàn, liên trung đoàn, làm lỏng cơ sở du kích chiến tranh bên dưới, địch có điều kiện bình định lấn chiếm, ta tạm thời bị mất đất, mất dân. Nhờ được Trung ương Đảng và Trung ương Cục chỉ đạo kịp thời, lực lượng vũ trang được sắp xếp lại theo phương châm: Du kích chiến là chính, vận động chiến là phụ trợ, từng bước học tập đưa vận động chiến tiến lên. Chính phương châm đó đã giúp cho Tây Nam Bộ là giữ vững được thế trận và nhanh chóng vươn lên giành thế chủ động tiến công địch, góp phần rất quan trọng vào chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và đi tới Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #108 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2012, 06:53:06 am »

3. Sáng tạo trong cách đánh

Chính lòng yêu nước nồng nàn và ý chí quyết giành độc lập là cội nguồn của mọi tìm tòi sáng tạo. Mọi cán bộ, mọi chiến sĩ, mọi người dân đều coi cuộc chiến này là sinh tử của chính mình, mỗi tổn thất là nỗi đau của chính mình, mỗi chiến thắng là niềm vui của chính mình… cho nên tất cả đều trăn trở tìm tòi cách đánh giặc. Từ quần chúng, từ cơ sở, cộng với những tri thức của những cán bộ kĩ thuật, những chỉ huy sắc sảo, Tây Nam Bộ đã sáng tạo ra nhiều cách đánh đặc sắc, thành công, trong đó có nhiều kinh nghiệm đóng góp cho cả nước.

Trong số những sáng tạo đó, phải kể đến cách đắp đập cản trên các kênh rạch, dùng thủy lôi tự chế để đánh tàu địch. Chúng ta còn nhớ vào Thu - Đông 1947, tàu chiến của Pháp đi ngược sông Lô, sông Gâm, bộ đội ta cũng làm kè để cản, cũng dùng thủy lôi để đánh, nhưng không thành công, tàu Pháp vẫn phá được. Chỉ đến khi tàu Pháp quay về quân đội ta mới phục kích bằng đại bác bắn thẳng từ bờ sông và góp phần quyết định cho chiến thắng Việt Bắc. Dùng pháo binh đánh tàu là một sáng tạo lớn của Việt Bắc. Nhưng trong việc dùng vật cản và đánh thủy lôi thì phải nói Tây Nam Bộ đã đi đầu và giành được những chiến thắng rất vẻ vang, có ý nghĩa rất lớn trong việc tiêu diệt sinh lực địch bảo vệ căn cứ địa kháng chiến.

Phương pháp đánh bằng đặc công cũng là một sáng tạo lớn của Tây Nam Bộ. Kinh nghiệm này đã được Trung ương ngợi khen và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc tới như một kinh nghiệm quý báu mà Nam Bộ đã đóng góp cho cả nước.

Cùng với những sáng ạo trong đấu tranh vũ trang, Tây Nam Bộ cũng còn nhiều sáng tạo trong các lĩnh vực đấu tranh kinh tế, tài chính, tiền tệ với Pháp. Dùng tiền địch, đóng con dấu của kháng chiến để nhân dân chi tiêu. Thiếu tiền lẻ thì xé đôi ra để tiêu. Từ đó tiến đến việc tự tổ chức in tiền, đấu tranh tiền tệ với Pháp… đều là những sáng tạo quý báu đáng được ghi vào lịch sử.

Kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, đấu tranh công khai, hợp pháp cũng là một sáng tạo đặc sắc. Trong đó vai trò của trí thức, vai trò của phụ nữ, phụ lão, của các nhà tu hành có ý nghĩa rất lớn. Chính ở đây đã thể hiện đầy đủ một tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kháng chiến toàn dân, kháng chiến toàn diện. Tây Nam Bộ đã triệt để vận dụng tư tưởng đó và đạt được những thành công lớn.

4. Xây dựng căn cứ địa

Một trong những thành tích nổi bật của Tây Nam Bộ là quá trình xây dựng và giữ vững vùng căn cứ cách mạng U Minh và Nam Cà Mau.

Vùng độc lập của miền Tây trải rộng, liên hoàn giữa các tỉnh Bạc Liêu - Rạch Giá - Sóc Trăng - Cần Thơ, có rừng tràm, rừng đước, có nhiều sông rạch chằng chịt, đất đai phì nhiêu. Nhưng quan trọng nhất là có rừng người yêu nước: Trong tổng số 3.200.000 dân của toàn miền Tây lúc bấy giờ, có trên 2.000.000 dân sống trong vùng độc lập, với chính quyền cách mạng ở 414 xã trong tổng số 508 xã và 22 huyện trong tổng số 33 huyện.

Kinh tế ở vùng độc lập khá phong phú. Lúa gạo, tôm cá, lương thực chẳng những đủ ăn mà còn đóng góp khá nhiều cho các cơ quan Nam Bộ và cứu trợ cho miền Đông và cực Nam Trung Bộ. Sai lầm về “bao vây kinh tế địch” đã kịp thời được khắc phục.

Đời sống của nhân dân vùng căn cứ khá ổn định, các mặt văn hóa, xã hội đều có những tiến bộ lớn, với các phong trào xóa mù chữ, học tập văn hóa, chăm sóc sức khỏe nhân dân đời sống mới… An ninh trật tự ở vùng độc lập rất bảo đảm, không có trộm cắp, không có tệ nạn xã hội… Mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền, bộ đội và nhân dân là biểu hiện cao đẹp của một chế độ dân chủ. Chế độ tốt đẹp đó của vùng căn cứ cách mạng đã có ảnh hưởng rất lớn đối với vùng thành thị và tạm bị chiếm. Đồng bào xem đó là nơi tiêu biểu, là miền đất hứa của một nước Việt Nam mới tại đồng bằng Nam Bộ.



Sinh hoạt trong rừng Cà Mau

Một trong những đặc điểm sặc sắc và cũng là một vẻ đẹp của cuộc kháng chiến là: Những vùng căn cứ địa của kháng chiến, từ Việt Bắc đến U Minh, Cà Mau, đặc biệt là những căn cứ ở miền Tây Nam Bộ, không phải là những căn cứ địa được tổ chức theo kiểu đồn ải của nghĩa quân. Các căn cứ địa kháng chiến không có tính chất thuần túy quân sự như những căn cứ của những phong trào chống Pháp trước đây và của nhiều phong trào giải phóng dân tộc ở các nước trên thế giới lúc đó, chỉ lo tổ chức chiến tranh, với lực lượng chính của căn cứ địa là quân đội, toàn bộ căn cứ có một cuộc sống không bình thường, là cuộc sống trực chiến… Thực hiện tư tưởng của chiến tranh nhân dân, tổ chức kháng chiến trường kì, tất cả các vùng căn cứ địa kháng chiến của ta, kể cả ở Tây Nam Bộ, chỗ dựa chủ yếu không phải là thành lũy, là rừng núi, là súng đạn, mà là nhân dân. Loại rừng lợi hại nhất ở các khu căn cứ không phải là rừng tràm, rừng đước, mà là rừng người. Tại đây không chỉ có chiến đấu, mà còn có cuộc sống: cuộc sống sản xuất, sinh hoạt, học tập, chữa bệnh, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, triển lãm, hội diễn, liên hoan… đã trở thành sinh hoạt bình thường của xã hội. Bộ máy chính quyền ở đây mang đầy đủ tính chất dân sự của nó, có các bộ phận phụ trách nông nghiệp, thương nghiệp, tài chính, tiền tệ, giáo dục, y tế, văn hóa… Đó là điều hoàn toàn mới mà chỉ chiến tranh nhân dân mới có. Đó cũng là sức mạnh bất tận của các căn cứ địa, từ đó tạo nên sức mạnh của kháng chiến. Chính vì thế, cuộc sống ở vùng tự do (ngoài Bắc) và vùng độc lập (Nam Bộ) là cuộc sống tuy thiếu thốn, khó khăn, nhưng luôn luôn là cuộc sống văn minh, cuộc sống có văn hóa, đầy tình người. Đó là ưu việt của tư tưởng Hồ Chí Minh vừa kháng chiến vừa kiến quốc…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #109 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2012, 06:55:40 am »

5. Củng cố Mặt trận dân tộc

Đây là một ưu điểm nổi bật của công cuộc kháng chiến Việt Nam, mà Tây Nam Bộ đáng được coi là một tấm gương sáng về mặt này. Chính ở đây là nơi tình hình các lực lượng xã hội và các lợi ích xã hội bị kẻ thù khai thác triệt để nhất. Nhưng cũng chính ở đây, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân, tư tưởng yêu nước, đặt Tổ quốc lên trên hết… đã có những thắng lợi rực rỡ.

Mặt trận Việt Minh và Liên Việt ở các tỉnh Tây Nam Bộ trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp không ngừng được củng cố và phát triển.

Ở Tây Nam Bộ giai cấp công nhân, nhất là công nhân công nghiệp rất ít, hầu hết chỉ là công nhân một số xí nghiệp nhỏ ở các thị xã, thị trấn và thợ thủ công, lớp lao động nghèo thành thị. Buổi đầu kháng chiến, anh em gia nhập vào đoàn thể “công nhân cứu quốc”, sau đổi lại là “Liên hiệp nghiệp đoàn”. Hầu hết lớp công nhân trẻ đều hăng hái cầm súng giết giặc ngay từ những ngày đầu kháng chiến. Sau đó, một số vào vùng nông thôn tham gia kháng chiến, số khác ở lại thành thị, làm cơ sở trong các phong trào đấu tranh chống địch bắt lính, bắt xâu, đòi hỏi các quyền lợi dân sinh, dân chủ ở các vùng tạm bị chiếm…

Tây Nam Bộ có trên 90% dân số là nông dân. Giai cấp nông dân trở thành nhân vật trung tâm của vùng nông thôn kháng chiến. Trong năm đầu, Pháp chỉ chiếm được các thị xã, thị trấn, thị tứ dọc theo các đường giao thông quan trọng. Phần lớn điền chủ về sống tạm ở thành thị. Nông dân mặc nhiên làm chủ ruộng đất mà họ đang canh tác. Sau đó có một số điền chủ về sống ở nông thôn hoặc có số người sống ở thành thị, nhưng đến mùa vào thu tô. Nhưng lúc này thì họ không còn thu tô, thu tức như trước mà phần lớn là xin xỏ với nông dân để họ chia sớt cho phần nào lúa gạo để sống.

Từ năm 1947-1948, chính quyền cách mạng thực hiện chính sách “người cày có ruộng”, tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và Việt gian cùng với đất của địa chủ hiến điền để tạm cấp cho nông dân, đất vắng chủ cũng tạm giao cho nông dân còn thiếu đất. Tổng cộng trong 9 năm kháng chiến, chính quyền cách mạng ở Tây Nam Bộ đã tạm cấp, tạm giao 450.000 ha ruộng đất cho 900.000 hộ nông dân làm chủ. Giai cấp nông dân thật sự đổi đời. Bà con nô nức tham gia kháng chiến, cho con em tòng quân, tham gia dân quân du kích, dân quân tự vệ vào đoàn thể cứu quốc, làm cán bộ trong các cơ quan kháng chiến, đóng góp nuôi quân, nuôi cán bộ hết mình. Trong nông dân, ý thức cách mạng ngày càng nâng cao, truyền thống yêu nước, lòng tin vào Đảng Cộng sản, vào Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng phát huy, bởi họ hiểu rõ rằng kháng chiến vừa là giành được độc lập cho dân tộc, vừa giữ vững được quyền làm chủ ruộng đất của họ.

Giai cấp địa chủ ở Tây Nam Bộ là điển hình về mặt quy mô sở hữu ruộng đất và kinh doanh nông nghiệp. Nhưng cũng như toàn bộ giai cấp địa chủ của Việt Nam nói chung, địa chủ ở Tây Nam Bộ tuy rất lớn, rất giàu có, lợi ích của nhiều mặt gắn liền với lợi ích của tư bản Pháp, con cái được đi học bên Pháp… nhưng về mặt chính trị và xã hội họ có hàng loạt đặc điểm chung của cả dân tộc Việt Nam là yêu nước, thiết tha với độc lập dân tộc. Do đó, đói với họ không thể áp dụng những lí thuyết cứng nhắc, giáo điều về đấu tranh giai cấp, về đối kháng giai cấp… Ở Tây Nam Bộ có những địa chủ sở hữu hàng chục nghìn ha, nhưng họ sẵn sàng hiến tất cả điền sản cho cách mạng. Con em họ cũng tham gia kháng chiến, nhiều người hi sinh trên mặt trận. Nhiều người bị bắt, chịu chết chứ không khai báo, không đầu hàng. Những tấm gương như Huỳnh Thiên Lộc, Nguyễn Ngọc Nhựt không phải là cá biệt ở đây. Khó có thể nói ở những con người đó lòng yêu nước và ý chí cách mạng không bằng các thành phần giai cáp khác. Nhận thức được đặc điểm đó, Tây Nam Bộ đã thực hiện rất tốt chính sách đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở đây tư tưởng đại đoàn kết càng thể hiện sắc nét và đậm đà, đúng đắn và sáng tạo. Chính nhờ đó Tây Nam Bộ đã huy động được một lực lượng nhân tài vật lực rất quan trọng cho cách mạng và kháng chiến.

Ở Tây Nam Bộ, chính sách ruộng đất được thi hành khá mềm dẻo, với chủ trương tạm cấp đất, giảm tô, giảm tức, vận động điền chủ yêu nước hiến điền nên đã không gây căng thẳng. Trong chỉnh huấn, chỉnh quân cũng không có những cuộc đấu tố, truy bức về thành phần giai cấp (chỉ ở một vài cơ quan quân khu có diễn ra ở một chừng mực nhất định, sau đó được bãi bỏ)… Nhờ đó, số đông điền chủ đều có thái độ chung thủy với cách mạng, ủng hộ kháng chiến. Con em các gia đình điền chủ vẫn tham gia kháng chiến tích cực. Ở Tây Nam Bộ, rất ít những thành phần điền chủ ác ôn. Có những gia đình điền chủ lớn như gia đình Trần Trinh Trạch, nhưng không có ai làm việc cho địch.

Tầng lớp trí thức và các nhân sĩ yêu nước tham gia vào hàng ngũ kháng chiến ở các tỉnh miền Tây khá đông. Những trí thức lớn, có tên tuổi đều được giao giữ những vị trí quan trọng trong kháng chiến. Khi các cơ quan Nam Bộ dời về vùng căn cứ U Minh Tây Nam Bộ thì ảnh hưởng của những nhà trí thức lớn như Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuần, Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Văn Hưởng, Phạm Thiều, Nguyễn Thành Vĩnh, v.v… càng phát huy ảnh hưởng lớn đối với phong trào kháng chiến ở Tây Nam Bộ.

Về tôn giáo, nổi bật nhất là Cao Đài Minh Chơn Đạo do Cụ Cao Triều Phát (Chưởng Quản Cửu Trùng Đài) đứng đầu mà cả 12 phái đều đã thống nhất đứng trong Mặt trận Việt Minh. Ban chỉnh đạo Cao Đài Bến Tre có ông Nguyễn Ngọc Tương là lãnh tụ, ông có 2 người con tham gia kháng chiến là Nguyễn Ngọc Bích, Khu bộ phó Khu 9 và Nguyễn Ngọc Nhựt, Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ. Đạo Hòa Hảo có Sư thúc Huỳnh Văn Trí (Mười Trí) phát huy ảnh hưởng của kháng chiến khá nhiều trong tín đồ ở Long Xuyên - Châu Đốc.

Trong đạo Công giáo có nhiều vị linh mục tham gia kháng chiến ngay từ đầu và xuyên suốt cuộc kháng chiến như: Hồ Thành Biên, Võ Thành Trinh, Trần Quang Nghiêm… Trong thời gian tập kết, ba ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Bắc để giúp đỡ giáo dân ở những nơi còn thiếu linh mục.

Về dân tộc, khi bắt đầu kháng chiến, do âm mưu “chia để trị” của thực dân Pháp, một số người Khơme nhẹ dạ bị Pháp và bọn tay sai lừa mị, dụ dỗ, nên ở một số nơi có xảy ra sự xô xát với người Việt(1). Nhờ thái độ khoan dung, giáo dục tận tình về đoàn kết dân tộc, chống âm mưu “chia để trị” của địch, mà người có công lớn là Vũ Đức(2) (Hoàng Đình Giong), Khu bộ trưởng đầu tiên ở Khu 9, nên đã giải tỏa được hiểu lầm thắc mắc. Sau đó đồng bào Khơme nhiều vùng đã sát cánh cùng người Việt hăng hái kháng chiến chống Pháp và tay sai.

Người Hoa sinh sống khá đông ở các tỉnh miền Tây. Lúc đầu kháng chiến, một số đông có thái độ trung lập, “làm khách”, nhưng ngày càng hiểu rõ ý nghĩa của kháng chiến, họ tham gia tích cực vào các phong trào cách mạng. Nhiều người trở thành đảng viên cộng sản và hoạt động trong Hội Giải Liên (tổ chức kháng chiến của người Hoa).

Ở Long Xuyên, Châu Đốc có một số ấp, xóm người Chăm có thái độ đoàn kết tốt, hầu hết đều tham gia ủng hộ kháng chiến.

Nhìn chung, Mặt trận Việt Minh - Liên Việt ở Tây Nam Bộ đã thể hiện rõ rết chính sách đại đoàn kết toàn dân của Đảng và chính quyền cách mạng. Đó chính là yếu tố có ý nghĩa quyết định cho thắng lợi của phong trào kháng chiến ở Tây Nam Bộ.


(1) Một số tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng, do có nhiều trí thức, sư sãi đi theo kháng chiến nên tránh được đổ máu.
(2) Theo ý kiến đồng chí Võ Quang Anh, tên đầy đủ là Vũ Văn Đức, nhưng cán bộ và nhân dân quen gọi là cụ Vũ Đức.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM