Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến - Tập 1 (1945-1954)

(1/30) > >>

macbupda:
Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến, Tập 1 (1945-1954)
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia
Năm xuất bản: 2008
Số hóa: macbupda

DANH SÁCH CÁC CƠ QUAN VÀ CÁ NHÂN GÓP SỨC HOÀN THÀNH TÁC PHẨM LỊCH SỬ TÂY NAM BỘ KHÁNG CHIẾN 1945-1954

Cố vấn Võ Văn Kiệt, nguyên Bí thư Khu ủy Khu Tây Nam Bộ, nguyên cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG

1. Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương đảng.
2. Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
3. Cơ quan thường trực các tỉnh phía Nam, Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
4. Viện Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương.

BAN CHỈ ĐẠO

Trưởng ban
Vũ Đình Liệu, nguyên Bí thư Khu ủy, nguyên ủy viên Trung ương Đảng.

Các thành viên
1. Trần Văn Long, nguyên Phó Bí thư Khu ủy, nguyên ủy viên Trung ương Đảng.
2. Phạm Ngọc Hưng, nguyên ủy viên Thường vụ Khu ủy, nguyên Tư lệnh Quân khu.
3. Phan Ngọc Sến, nguyên ủy viên Thường vụ Khu ủy, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng.
4. Nguyễn Đệ, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trung tướng Tư lệnh Quân khu.
5. Nguyễn Văn Cúc, nguyên Khu ủy viên.
6. Nguyễn Tấn Thanh, nguyên Khu ủy viên.
7. Nguyễn Thị Vân, nguyên Khu ủy viên.
8. Nguyễn Văn Lưu, nguyên Phó Ban Tuyên huấn Khu ủy.
9. Phạm Lưu Thức, nguyên Phó Ban Kinh tài Khu ủy.
10. Nguyễn Văn Sa, nguyên Chánh ủy Trung đoàn, ủy viên Quân khu.

BAN BIÊN TẬP

Trưởng ban
Vũ Đình Liệu

Các thành viên
1. Trần Văn Long
2. Nguyễn Thị Vân
3. Nguyễn Văn Lưu
4. Phạm Lưu Thức
5. Nguyễn Văn Sa
6. Trần Giang, nguyên Giám đốc cơ quan thường trực các tỉnh phía Nam, Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

CỘNG TÁC VIÊN

1. Hà Huy Giáp, nguyên ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nam kì, nguyên ủy viên Trung ương Đảng.
2. Trần Văn Sớm, nguyên Khu ủy viên Khu Tây Nam Bộ (thời kì kháng chiến chống Pháp), nguyên ủy viên Trung ương Đảng.
3. Nguyễn Thành Thơ, nguyên Bí thư Khu ủy, nguyên ủy viên Trung ương Đảng.
4. Lâm Văn Thê, nguyên ủy viên Thường vụ Khu ủy, nguyên ủy viên Trung ương Đảng.
5. La Lâm Gia, nguyên ủy viên Thường vụ Khu ủy, nguyên ủy viên Trung ương Đảng.
6. Phạm Văn Kiết, nguyên ủy viên Thường vụ Khu ủy, nguyên ủy viên Trung ương Đảng.
7. Võ Văn Sĩ, nguyên Khu ủy viên.
8. Nguyễn Quang Quít, nguyên Khu ủy viên
9. Lê Thị Bảy, nguyên Khu ủy viên.
10. Nguyễn Đình Chức, nguyên Khu ủy viên, nguyên Tham mưu trưởng, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu.
11. Nguyễn Hữu Xuyến, Trung tướng, nguyên Tư lệnh Quân khu.
12. Vương Nhị Chi, Bí thư Khu ủy thời kì kháng chiến chống Pháp.
13. Trần Văn Hiến, quyền Bí thư Khu ủy thời kì kháng chiến chống Pháp.
14. Nguyễn Kim Cương, nguyên cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.
15. Nguyễn Văn Hạnh, nguyên cán bộ Khu ủy Khu 9.
16. Phạm Quang, nguyên ủy viên Ban Tuyên huấn Khu ủy, Phó Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Thành phố Hồ Chí Minh.

BỘ PHẬN SƯU TẦM TÀI LIỆU

Trưởng bộ phận
Lưu Tấn Phát, nguyên cán bộ Ban Tuyên huấn Khu ủy.

Cơ quan, cán bộ nhân viên và cá nhân cung cấp tư liệu
- Cán bộ, nhân viên Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
- Cán bộ, nhân viên Cục lưu trữ 1 của Chính phủ ở Hà Nội.
- Cán bộ, nhân viên Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2 của Chính phủ tại thành phố Hồ Chí Minh.
- Cán bộ, nhân viên bộ phận lưu trữ của Viên Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương.
- Cán bộ, nhân viên bộ phận lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai.
- Phòng Lịch sử Đảng thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang (nay là Cần Thơ và Sóc Trăng), đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hiệp.
- Phòng Lịch sử Đảng thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cửu Long (nay là Vĩnh Long, Trà Vinh), đồng chí Phạm Công Lộc.
- Phòng Lịch sử Đảng thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, đồng chí Ngô Quang Láng.
- Phòng Lịch sử Đảng thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang, đồng chí Diệp Hoàng Du.
- Phòng Lịch sử Đảng thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Minh Hải (nay là Bạc Liêu, Cà Mau), đồng chí Nguyễn Thị Ánh Minh.
- Phòng Khoa học và Công nghệ Quân khu 9, các đồng chí Trương Minh Hoạch, Nguyễn Minh Phụng.
- Nhiều cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ đảng viên và nhân dân ở nhiều nơi mà chúng tôi đã tiếp xúc làm việc, cung cấp và xác minh sự kiện lịch sử.

BỘ PHẬN TÀI CHÍNH

Cố vấn: La Lâm Gia, nguyên ủy viên Thường vụ Khu ủy, nguyên ủy viên Trung ương Đảng.

Trưởng bộ phận: Phạm Thế Anh (tức Tư Minh), nguyên ủy viên Ban Kinh tài Khu Tây Nam Bộ.

VĂN PHÒNG BAN

Chánh Văn phòng: Võ Văn Y, nguyên Chánh Văn phòng Ban Tuyên huấn Khu ủy.

Thư kí Văn phòng: Nguyễn Thị Mĩ Duyên

BAN BIÊN TẬP LẦN II (2004-2005)

Trưởng Ban
Vũ Đình Liệu(*)

Các ủy viên
- Nguyễn Văn Lưu
- Nguyễn Thị Vân
- Phạm Quang
- Nguyễn Sa
- Trần Giang
- Phan Văn Hoàng

Chuyên viên phụ trách sưu tầm tư liệu và phụ lục
Lưu Tấn Phát

Văn phòng
- Phạm Thế Anh (Tư Minh)
- Nguyễn Thị Mĩ Duyên

(*) Tháng 6-2005, sau khi đồng chí Vũ Đình Liệu từ trần, đồng chí Võ Văn Kiệt, cố vấn Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp của Ban Biên tập lần II góp ý phân công.
- Đồng chí Nguyễn Thị Vân làm nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo.
- Một nhóm chuyên gia thuộc Viên Khoa học xã hội Việt Nam do Đặng Phong phụ trách chịu trách nhiệm bổ sung và tu chỉnh lần cuối tác phẩm trước khi ấn hành.

macbupda:
LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Tây Nam Bộ là vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, vùng đất này đã xây dựng nên những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần to lớn. Có được vùng đất giàu đẹp, thiên thời, địa lợi, nhân hòa hôm nay là thành quả của biết bao mồ hôi, xương máu của những thế hệ ông cha đã xây dựng và chiến đấu.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân Tây Nam Bộ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng quân và dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh và giành được thắng lợi rực rỡ, làm thất bại nhiều kế hoạch chiến lược của thực dân Pháp.

Chín năm chiến đấu chống thực dân Pháp là chặng đường đầy gian khổ, hi sinh, phải chiến đấu trong điều kiện ác liệt, với lực lượng địch tập trung rất lớn và trang bị vũ khí hiện đại, nhưng quân và dân Tây Nam Bộ với lòng dũng cảm và trí tuệ đã tìm ra nhiều cách đánh địch có hiệu quả, sáng tạo ra cách đánh tàu địch bằng thủy lôi, đắp cản ngăn tàu địch, cách đánh đặc công…; đánh địch ở mọi nơi, mọi lúc và bằng mọi vũ khí có trong tay, bằng địch vận, bằng văn hóa…; xây dựng nền kinh tế, tài chính kháng chiến. Đó là những đóng góp của Tây Nam Bộ vào sự nghiệp kháng chiến và giải phóng đất nước.

Tổng kết lại trang sử hào hùng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Tây Nam Bộ là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết. Nhằm góp phần tuyên truyền và giáo dục truyền thống, nâng cao lòng tự hào và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Ban chỉ đạo biên soạn Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phối hợp biên soạn và xuất bản cuốn sách: Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến, Tập 1 (1945-1954).

Cuốn sách gồm nhiều tư liệu quý và phản ánh nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, được biên soạn rất công phu. Các tác giả là những người trực tiếp sống và chiến đấu tại vùng đất này, đã cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn toàn cảnh về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Tây Nam Bộ.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

Tháng 10 năm 2007         

NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA

macbupda:
LỜI TỰA

Sự nghiệp cách mạng và kháng chiến của Tây Nam Bộ là một trang sử đẹp trong thiên anh hùng ca cách mạng và kháng chiến Việt Nam.

Tây Nam Bộ là vùng đất cuối của Tổ quốc Việt Nam, nơi có địa hình đặc sắc - đồng lúa mênh mông, kênh rạch chằng chịt, với những rừng tràm, rừng đước, với nhiều tài nguyên thiên nhiên và sản vật phong phú, với cộng đồng dân cư vừa đậm đà bản sắc văn hóa địa phương, vừa gắn bó máu thịt với nền văn hóa chung của Tổ quốc Việt Nam.

Từ bao đời nay, những đức tính cần cù lao động, tha thiết yêu quê hương, xứ sở, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh bảo vệ non sông, bờ cõi… đã là một truyền thống của những cộng đồn dân cư ở đây, không phân biệt thành phần giai cấp, tôn giáo, tín ngưỡng…

Thực tế lịch sử hàng trăm năm đã chứng minh một sự thật hiển nhiên là: Phần lớn cư dân ở đây, người giàu hay kẻ nghèo, chủ hay thợ, trí thức hay công nông, có đạo hay không, thuộc thành phần dân tộc nào…, đều có chung một trái tim - trái tim đó đập chung một nhịp với đất nước, với dân tộc, sẵn sàng xả thân để bảo vệ độc lập dân tộc, văn hóa dân tộc, danh dự dân tộc…

Tôi vốn sinh trưởng và lớn lên ở miền Tây và cũng là một trong số những người đã gắn bó toàn bộ tuổi trẻ và một phần lớn cuộc đời mình vào cuộc kháng chiến của Tây Nam Bộ(1). Do đó tôi cũng là bạn bè của hầu hết những tác giả cuốn sách này, cũng là đồng chí của tất cả những chiến sĩ trên các mặt trận được nói tới ở đây. Vì thế, tôi cũng có một tình cảm chung của toàn thể các đồng chí ở Tây Nam Bộ: Trân trọng, gắn bó, tự hào với những hi sinh, những đóng góp, những sáng tạo và cả những gian nan của những năm tháng đấu tranh.

Chính từ tình cảm đó, những người có trách nhiệm cùng bàn với đồng chí Vũ Đình Liệu tập hợp một số đồng chí đã từng tham gia trong giai đoạn lịch sử này để biên soạn một bộ sự, nhằm dựng lại, ghi lại, lưu lại một phần nào đó quá trình lịch sử hào hùng, phong phú đó, mà đối với chúng tôi là những kỉ niệm sâu sắc trong đời mình. Đó là lí do trực tiếp thôi thúc anh chị em bắt tay vào biên soạn bộ sách này.

Nhưng đương nhiên chúng ta không coi cuốn sách này chỉ là một giải pháp tình cảm của những người trong cuộc.

Nó còn có ý nghĩa lịch sử hơn thế nữa:

- Nó góp phần khẳng định một lần nữa rằng Tây Nam Bộ cùng với Nam Bộ vẫn cũng là máu thịt của Tổ quốc Việt Nam. Những diễn biến, những hoạt động của mảnh đất này tự nó đã nói lên rằng: Trong huyết quản của mọi người Tây Nam Bộ vẫn chảy và chỉ chảy một dòng máu, đó là dòng máu Việt Nam.

- Cuốn sách còn góp phần nói lên những đóng góp của Tây Nam Bộ vào sự nghiệp kháng chiến và giải phóng đất nước. Trong đó, Tây Nam Bộ không chỉ góp phần “chia lửa” với cả nước, mà còn có nhiều sáng tạo, có nhiều kinh nghiệm quý trong hai lĩnh vực kháng chiến và kiến quốc:

Trong kháng chiến, chính Tây Nam Bộ là một trong những nơi đầu tiên đã “phát minh” ra cách đánh thủy lôi, đắp cản ngăn tàu địch, đào kinh (kinh Dân Quân ra đời trong thời kì này rồi về sau là kinh chắn thủy gắn liền với thủy nông cho sản xuất và bảo vệ rừng thành công), đặc công. Những sáng kiến đó không bao lâu đã trở thành tài sản chung về kĩ thuật chiến tranh của cả nước.

Trong kháng chiến, Tây Nam Bộ cũng là một trong những nơi thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng chế độ mới trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là thực hiện những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc.

Có lẽ hiếm nơi nào như ở đây, hàng loạt địa chủ lớn nhất nước, có hàng ngàn hecta ruộng, cũng hiến cả cho cách mạng rồi hiến luôn thân mình cho kháng chiến.

Cũng hiếm nơi nào như ở đây, hàu hết các viên chức cao cấp được đào tạo với chính quyền Pháp, đi học tại Pháp, về làm viên chức trong bộ máy Pháp, nhưng lại hiến luôn cả sản nghiệp cho kháng chiến, dấn thân cho cách mạng một cách triệt để, không khác gì những thành phần xã hội khác, mà nhiều người trong đó đã trở thành những tấm gương sáng của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Cũng hiếm nơi nào như ở đây, mà cả các nhà tu hành đắc đạo cũng hiến hết cả tài sản của mình cho sự nghiệp kháng chiến và lôi cuốn cả cộng đồng tôn giáo của mình đi theo kháng chiến.

Những con người đó, những sự kiện lịch sử đó của Tây Nam Bộ thật đáng ghi nhận không chỉ như những chuyện của Tây Nam Bộ, mà còn như một trong những biểu hiện đậm nét của tư tưởng Hồ Chí Minh… Nó cũng là một căn cứ xác đáng để kiểm nghiệm một bài học lịch sử quý báu: khi nào và ở đâu chúng ta đặt lợi ích dân tộc, lợi ích của Tổ quốc Việt Nam lên trên hết, thì chúng ta có sức mạnh bất tận. Khi nào chúng ta xao lãng quy luật đó, thì chúng ta vấp váp nhiều khó khăn, thậm chí tự tạo ra những khó khăn không đáng có.

Đã từ lâu, nhân dân và chiến sĩ miền Tây Nam Bộ vẫn hằng mong ước có một công trình ghi nhớ lại một cách có hệ thống sự nghiệp đấu tranh cách mạng và kháng chiến đó.

Một trong như những người đầu tiên đề xuất ý tưởng này chính là đồng chí Vũ Đình Liệu, tức Tư Bình, nguyên Bí thư Khu ủy 9, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đồng chí Vũ Đình Liệu cũng là người trực tiếp cùng anh em bắt tay thực hiện công việc này. Cùng với đồng chí Vũ Đình Liệu là đông đảo các cán bộ lão thành đã từng tham gia trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau của thòi kì kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ.

Công việc biên soạn này được tiến hành cách đây đã 20 năm rồi. Trong thời gian đó, một tập thể các tác giả và các cộng tác viên cùng các nhân chứng lịch sử đã miệt mài làm việc để hoàn thiện bản thảo của cuốn sách này.

Tôi đã thường xuyên gặp gỡ và tham vấn với tập thể các tác giả. Nhưng do phần lớn anh chị em đều đã cao tuổi, sức yếu, nhiệt tình và kí ức thì rất dồi dào, nhưng kinh nghiệm viết sử thì còn thiếu. Có thể nói rằng nhiều tác giả đã dành hết đời của mình để góp phần vào việc làm nên lịch sử, nhưng chưa bao giờ viết sử. Do đó, tuy bản sơ thảo đã hoàn thành từ lâu, nhưng việc hoàn thiện để thành một cuốn sử thì không phải là điều dễ dàng. Đến nay, nhiều đồng chí đã ra đi, trong đó có đồng chí Vũ Đình Liệu để “dở dang” công việc tâm huyết này.

Vừa qua, được sự đóng góp và cộng tác của các chuyên gia về sử học, bản sơ thảo đã được sửa chữa, hoàn thiện và lần này ra mắt bạn dọc. Đây là tập 1, nói về thời kì Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp.

Với quan niệm coi lịch sử cách mạng và kháng chiến là một sự nghiệp tổng hợp trong cuộc chiến tranh toàn dân và toàn diện để giành độc lập, các tác giả đã cố gắng trình bày những diễn biến của tình hình kháng chiến, phân tích cách đánh của cả hai bên, từ đó góp phần giải thích rõ quy luật vận động của chiến tranh nhân dân từ yếu đến mạnh, từ bị động đến chủ động và cuối cùng đi đến toàn thắng. Trong sự nghiệp đó có xương máu của biết bao chiến sĩ, có mồ hôi và nước mắt của biết bao người dân Tây Nam Bộ.

Tây Nam Bộ đánh giặc không chỉ bằng súng, bằng đạn, mà bằng vô vàn thứ vũ khí khắc: Bằng kinh tế, bằng tài chính, bằng tiền tệ, bằng chính trị, bằng địch vận, bằng văn hóa, văn nghệ… Các tác giả đã cố gắng thể hiện những khía cạnh sống động đó trong giai đoạn hào hùng này.

Chúng tôi thiết nghỉ rằng viết sử không thể vội vã, nhưng cũng không nên quá cầu toàn. Nhiều chân lí lịch sử là điều phải do nhiều thế hệ tìm tòi, thẩm định. Do vậy, với thế hệ chúng tôi thì thiển nghĩ rằng chỉnh sửa đến mức nào đó cũng nên gửi tới công luận, cũng là một hình thức để trưng cầu ý kiến của bạn đọc gần xa, nhất là những người đã kinh qua cuộc sống của thời kì lịch sử này.

Các tác giả cũng nhân đây xin bảy tỏ sự tri ân với đồng chí Vũ Đình Liệu và các tác giả đã khuất.

Rất mong được bạn đọc góp ý kiến để chúng tôi hoàn thiện bản thảo trong lần xuất bản sau và rút kinh nghiệm cho tập tiếp theo.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 8 năm 2007
                 
Võ Văn Kiệt                               

(1) Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, đã từng tham gia cách mạng từ lúc còn rất trẻ trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kì. Trong Cách mạng Tháng Tám, tham gia công tác tại Rạch Giá. Bước vào kháng chiến tham gia hoạt động tại nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ, là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liệu. Ở cương vị này, ông đã được cử là thành viên chính thức của Nam Bộ tham dự Đại hội Đảng lần thứ II tại Việt Bắc đầu năm 1951. Đó cũng là lần đầu tiên ông được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã để lại trong ông những ấn tượng sâu sắc cả về con người, về phong cách đối nhân xử thế, về những quan điểm trong lãnh đạo cách mạng và xây dựng đất nước. Trong thời kháng chiến chống Mĩ, ông đã từng giữ các cương vị như: Bí thư Khu ủy Sài Gòn Gia Định, Chính ủy Quân khu IX, Bí thư Khu ủy miền Tây Nam Bộ… trước khi được điều về Trung ương Cục làm ủy viên thường vụ Trung ương Cục…

macbupda:
PHẦN MỞ ĐẦU

KHÁI QUÁT VỀ THIÊN NHIÊN, CON NGƯỜI VÀ LỊCH SỬ TÂY NAM BỘ

I. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÍ TỰ NHIÊN

Miền Tây Nam Bộ(1), phần đất cực Nam của Việt Nam, là một bán đảo hình chữ V, nằm giữa biển Đông và vịnh Thái Lan, có bờ biểu dài 578 km. Phía bắc giáp Campuchia, có biên giới 150 km.

Diện tích tự nhiên Tây Nam Bộ là 33.800 km2, chiếm 53,62% diện tích toàn Nam Bộ.

Miền Tây hiện nay thành vựa lúa trù phú nhất nước (đất tự nhiên đồng bằng sông Cửu Long lớn gấp 2,2 lần đất đồng bằng sông Hồng, đất nông nghiệp nhiều gấp 3 lần, đất trồng lúa chiếm 48% diện tích cả nước(1)).

Sông Cửu Long đem lại phù sa, phù du, có nguồn thủy lưu ấm, làm cho đất đai màu mỡ và nhiều tôm, cá… rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp chế biến, thương nghiệp, dịch vụ…

Ven biển có rừng ngập mặn. Đất liền có rừng tràm ở U Minh (Thượng và Hạ) thuộc tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Rừng ngập mặn ở huyện Đầm Dơi, Năm Căn là loại rừng lớn và quý, chỉ đứng sau rừng Amazon của Brazin. Trong rừng đước, rừng tràm có nhiều động, thực vật quý hiếm.

Miền Tây Nam Bộ còn có nhiều hòn và núi từ mũi Cà Mau đến Hà Tiên, từ đất liền đến Phú Quốc, ở Hà Tiên và Châu Đốc. Trong hòn và núi có nhiều hang động và rừng.

Sông Mê Kông, bắt nguồn từ Tây Tạng (Trung Quốc) qua Myanmar, Lào, Campuchia, Việt Nam (vùng Nam Bộ); chảy trên đất nước ta dài 225 km, chia thành 2 nhánh lớn sông Tiền và sông Hậu, đổ ra biển bằng 9 cửa, còn gọi là Cửu Long. Sông Tiền và sông Hậu thông qua nhau bởi sông Mang Thít, kinh Nicôlai và sông Trà Ôn.

Miền Tây có nhiều sông, kênh, rạch chằng chịt, thuận tiện cho đi lại và vận chuyển hàng hóa từ Sài Gòn - Chợ Lớn, Mĩ Tho… đến các tỉnh miền Tây và ngược lại, cả vùng ven biển như Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hà Tiên… Tàu thuyền của nước ngoài trước đây đã giao thương với một số cảng miền Tây, như Hà Tiên đã buôn bán với nước ngoài từ năm 1680, Bãi Xàu (Sóc Trăng) trước đây có lúc thường xuyên có 100 - 150 thuyền buôn(3).

Sông ngòi, kênh, rạch, tạo thành mạng lưới giao thông thủy rất thuận lợi, nhưng cũng chia cắt các vùng thành nhiều mảng, có thuận lợi cho chiến tranh du kích, hạn chế phần nào xe cơ giới của địch.

Hệ thống đường bộ ở Tây Nam Bộ chưa phát triển, chủ yếu sử dụng đường thủy. Đồng bằng sông Cửu Long có 650 km kênh đào chính, 2.500 km kênh đào phụ. Miền Tây chiếm khoảng 3/4 chiều dài các kênh đó. Riêng tỉnh Cần Thơ (cũ) có 350 km kênh đào chính.

Về đường bộ, có quốc lộ 1 (thời Pháp thuộc gọi là lộ Đông Dương số 16(4), sau 1954 đổi là quốc lộ 4) từ Sài Gòn vào địa phận miền Tây, bắt đầu từ Vĩnh Long qua Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu đến thành phố Cà Mau dài 218 km, đang được nối dài đến tận mũi Cà Mau.

Ngoài ra còn có quốc lộ 91A, 91B (trước là đường liên tỉnh số 27), quốc lộ 40 (tức là đường liên tỉnh số 31) nối liền các tỉnh An Giang, Kiên Giang với Cần Thơ và Sài Gòn, v.v…

Khí hậu miền Tây có đặc điểm là nhiệt độ cao quanh năm, tiền năng nhiệt dồi dào. Nhiệt độ trung bình trong năm là 27oC, thấp nhất là 22 đến 25oC, cao nhất là 32 đến 35oC, cá biệt có lúc cao đến 37-38oC. Lượng mưa trung bình hằng năm là 1.600 mm. Một năm chia là 2 mùa rõ rệt: Mùa nắng từ tháng 11 đến tháng 5, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Thuận lợi cơ bản là khí hậu khá ổn định và ít thiên tai. Tuy vậy, khó khăn đáng kể là thiếu nước trầm trọng vào mùa khô và dưa thừa nước và mùa mưa, gây ra ngập úng ở một số tỉnh (như An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ (cũ)…). Tình trạng này càng nặng nề hơn bởi tác động của lũ, triều cường và tình trạng đắp đê thiếu quy hoạch.

(1) Từ 1834 đến 1945, Nam Bộ được gọi là Nam Kì. Tuy nhiên, để có sự nhất quán, tên “Nam Bộ” được dùng cho cả thời kì trước và sau 1945, từ các cụm từ như “Khởi nghĩa Nam Kì”, “Nam Kì tự trị”…
(2) Lê Minh: Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1984, tr. 77.
(3) Trần Bạch Đằng: Tính năng động, sáng tạo của người Việt sống trên đất Phương Nam, kỉ yếu hội thảo Nam Bộ và Nam Trung Bộ, những vấn đề lịch sử, thế kỉ XVII - XIX, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr. 4.
(4) Roule locale No 16.

macbupda:
II. ĐỊA LÍ HÀNH CHÍNH

Vào thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII, tình trạng chia cắt đất nước và chiến tranh diễn ra liên miên (Nam - Bắc triều và Trịnh - Nguyễn phân tranh), làm đảo lộn đời sống nhân dân. Nhiều người dân Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong di cư về phương Nam để tìm cuộc sống bình an, tự do.

Ở Nam Bộ, từ năm 1623 về sau, chúa Nguyễn cho phép một số người Trung Quốc không phục nhà Thanh chạy sang Việt Nam, như: Mạc Cửu, Dương Ngạn Địch, Huỳnh Tấn, Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình… khai thác thêm những vùng hoang vu, mở rộng bờ cõi.

Riêng Mạc Cửu, sau khi khai thác xong Hà Tiên năm Mậu Tí (1708) đã dâng đất Hà tiên và đảo Phú Quốc cho chúa Nguyễn Phúc Chu.

Đến năm Ất Mão (1735) Mạc Cửu mất. Con là Mạc Thiên Tứ (tức Mạc Thiên Tích) nối nghiệp cha, mở mang thêm vùng đất Hậu Giang. Năm 1739, công cuộc khai phá miền Tây hoàn thành, nhà Nguyễn lập thêm 4 đạo (đến năm 1808 đổi thành huyện).

1. Long Xuyên (miền Cà Mau).

2. Kiên Giang (Rạch Giá).

3. Trấn Giang (Cần Thơ).

4. Trấn Di (Bắc Bạc Liêu).

Về quản lí hành chính, năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu (1671-1725) cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào lập Gia Định Phủ, gồm 2 huyện: Phước Long (Dinh Trấn Biên) và Tân Bình (Dinh Phiên Trấn).

Năm Quý Dậu (1753), chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát phái Bố chánh Nguyễn Cư Trinh vào Nam nắm quyền, đồng thời điều khiển tướng sĩ 5 dinh; Bình Khương (Khánh Hòa), Bình Thuận, Trấn Biên (Biên Hòa, Bà Rịa), Phiên Trấn (Gia Định) và Long Hồ (Mĩ Tho, Vĩnh Long) càng thúc đẩy khai hoang, mở rộng bờ cõi, nhất là vùng hoang hóa ở miền Tây.

Đến thời vua Minh Mạng, triều Nguyễn thiết lập bộ máy chính quyền chia miền Tây làm 3 tỉnh là: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên (trong 6 tỉnh Nam Kì lục tỉnh).

Sau khi Pháp xâm lược nước ta, từ 1862 đến 1945, Pháp chia Nam Kì làm 20 tỉnh, trong đó miền Tây có 9 tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hà Tiên, Rạch Giá, Bạc Liêu.

Trong 30 năm kháng chiến chống Pháp và Mĩ, cả ta và địch có nhiều lần điều chỉnh địa giới và đổi tên tỉnh.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đến nay lại có nhiều thay đổi:

Năm 1976, theo chủ trương sáp nhập các tỉnh trên toàn quốc, miền Tây có 5 tỉnh: Cửu Long (Vĩnh Long - Trà Vinh), Hậu Giang (thành phố Cần Thơ - tỉnh Cần Thơ - Sóc Trăng), Kiên Giang (Rạch Giá - Hà Tiên), An Giang (Long Xuyên - Châu Đốc), Minh Hải (Bạc Liêu và Cà Mau).

Đến năm 1991, trong phong trào tách tỉnh trên cả nước, tỉnh Cửu Long tách ra thành: Vĩnh Long, Trà Vinh, tỉnh Hậu Giang tách ra: Cần Thơ (có thành phố Cần Thơ), Sóc Trăng.

Năm 1996, tỉnh Minh Hải chia thành Bạc Liêu và Cà Mau.

Năm 2004, tỉnh Cần Thơ lại chia thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang.

Đến nay, miền Tây gồm các tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ.

Về quốc phòng, ngay từ sau Cách mạng Tháng Tám, để tiện việc điều hành và đối phó với tình hình chiến sự, từ tháng 10 năm 1945, Chính phủ chia cả nước ra thành các chiến khu. Miền Tây Nam Bộ thuộc Chiến khu IX gồm các tỉnh: Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Trà Vinh, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng.

Đến ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, cả nước chia thành 12 chiến khu. Nam Bộ có 3 chiến khu:

Chiến khu VII: Các tỉnh miền Đông và Sài Gòn - Gia Định.

Chiến khu VIII; Tân An, Gò Công, Mĩ Tho, Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre.

Chiến khu IX: Châu Đốc, Long Xuyên, Hà Tiên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá.

Đến ngày 25 tháng 1 năm 1948, Hội đồng Chính phủ ra Sắc lệnh tổ chức lại các khu trong cả nước thành các Liên khu, được giao một số quyền hạn lớn hơn, có thể chủ động giải quyết những vấn đề cấp bách của thời chiến.

Riêng Nam Bộ vẫn giữ 3 khu: Khu VII, VIII, IXX, nhưng tách ra một đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn trực thuộc Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Các Phân liên khu và khu được coi như một đơn vị chính trị kinh tế quân sự hoạt động tương đối độc lập do Liên khu ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu hoặc khu trực tiếp chỉ đạo thay mặt Trung ương(1).

Trong thời kì chống Mĩ, chính quyền Ngô Đình Diệm chia tách các tỉnh và đổi tên tỉnh ở Tây Nam Bộ như sau:

- Cần Thơ đổi lại là Phong Dinh, Sóc Trăng đổi tên là Ba Xuyên gồm cả một phần tỉnh Bạc Liêu cũ là thị xã Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi, huyện Vĩnh Châu. Tỉnh Bạc Liêu cũ đổi lại là tỉnh An Xuyên bao gồm thị xã Cà Mau, huyện Giá Rai và các huyện thuộc quận Cà Mau cũ thời chống Pháp như Ngọc Hiển (Đầm Dơi). Tỉnh Trà Vinh đổi lại là tỉnh Vĩnh Bình. Tỉnh Rạch Giá lấy tên là tỉnh Kiên Giang. Long Xuyên, Châu Đốc lấy tên là An Giang…

Trong kháng chiến chống Mĩ, Nam Bộ chia thành 4 Quân khu:

Quân khu I (miền Đông - mật danh là T1).

Quân khu II (miền Trung Nam Bộ - mật danh là T2).

Quân khu III (miền Tây - mật danh là T3).

Quân khu IV (Sài Gòn Gia Định - mật danh là T4).

Sau giải phóng, năm 1976, Trung ương Đảng giải thể Quân khu II và Quân khu III, lập thành Quân khu IX (gồm các tỉnh của Quân khu II và Quân khu III).

 Năm 1978, tỉnh Long An (trước thuộc Quân khu II) nhập vào Quân khu VII (miền Đông Nam Bộ).

(1) Đặng Phong: Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002, tập I (1945-1954), tr. 241-242.

Navigation

[0] Message Index

[#] Next page