Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 06:06:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến - Tập 1 (1945-1954)  (Đọc 113103 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2012, 08:53:08 am »

Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến, Tập 1 (1945-1954)
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia
Năm xuất bản: 2008
Số hóa: macbupda

DANH SÁCH CÁC CƠ QUAN VÀ CÁ NHÂN GÓP SỨC HOÀN THÀNH TÁC PHẨM LỊCH SỬ TÂY NAM BỘ KHÁNG CHIẾN 1945-1954

Cố vấn Võ Văn Kiệt, nguyên Bí thư Khu ủy Khu Tây Nam Bộ, nguyên cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG

1. Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương đảng.
2. Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
3. Cơ quan thường trực các tỉnh phía Nam, Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
4. Viện Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương.

BAN CHỈ ĐẠO

Trưởng ban
Vũ Đình Liệu, nguyên Bí thư Khu ủy, nguyên ủy viên Trung ương Đảng.

Các thành viên
1. Trần Văn Long, nguyên Phó Bí thư Khu ủy, nguyên ủy viên Trung ương Đảng.
2. Phạm Ngọc Hưng, nguyên ủy viên Thường vụ Khu ủy, nguyên Tư lệnh Quân khu.
3. Phan Ngọc Sến, nguyên ủy viên Thường vụ Khu ủy, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng.
4. Nguyễn Đệ, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trung tướng Tư lệnh Quân khu.
5. Nguyễn Văn Cúc, nguyên Khu ủy viên.
6. Nguyễn Tấn Thanh, nguyên Khu ủy viên.
7. Nguyễn Thị Vân, nguyên Khu ủy viên.
8. Nguyễn Văn Lưu, nguyên Phó Ban Tuyên huấn Khu ủy.
9. Phạm Lưu Thức, nguyên Phó Ban Kinh tài Khu ủy.
10. Nguyễn Văn Sa, nguyên Chánh ủy Trung đoàn, ủy viên Quân khu.

BAN BIÊN TẬP

Trưởng ban
Vũ Đình Liệu

Các thành viên
1. Trần Văn Long
2. Nguyễn Thị Vân
3. Nguyễn Văn Lưu
4. Phạm Lưu Thức
5. Nguyễn Văn Sa
6. Trần Giang, nguyên Giám đốc cơ quan thường trực các tỉnh phía Nam, Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

CỘNG TÁC VIÊN

1. Hà Huy Giáp, nguyên ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nam kì, nguyên ủy viên Trung ương Đảng.
2. Trần Văn Sớm, nguyên Khu ủy viên Khu Tây Nam Bộ (thời kì kháng chiến chống Pháp), nguyên ủy viên Trung ương Đảng.
3. Nguyễn Thành Thơ, nguyên Bí thư Khu ủy, nguyên ủy viên Trung ương Đảng.
4. Lâm Văn Thê, nguyên ủy viên Thường vụ Khu ủy, nguyên ủy viên Trung ương Đảng.
5. La Lâm Gia, nguyên ủy viên Thường vụ Khu ủy, nguyên ủy viên Trung ương Đảng.
6. Phạm Văn Kiết, nguyên ủy viên Thường vụ Khu ủy, nguyên ủy viên Trung ương Đảng.
7. Võ Văn Sĩ, nguyên Khu ủy viên.
8. Nguyễn Quang Quít, nguyên Khu ủy viên
9. Lê Thị Bảy, nguyên Khu ủy viên.
10. Nguyễn Đình Chức, nguyên Khu ủy viên, nguyên Tham mưu trưởng, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu.
11. Nguyễn Hữu Xuyến, Trung tướng, nguyên Tư lệnh Quân khu.
12. Vương Nhị Chi, Bí thư Khu ủy thời kì kháng chiến chống Pháp.
13. Trần Văn Hiến, quyền Bí thư Khu ủy thời kì kháng chiến chống Pháp.
14. Nguyễn Kim Cương, nguyên cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.
15. Nguyễn Văn Hạnh, nguyên cán bộ Khu ủy Khu 9.
16. Phạm Quang, nguyên ủy viên Ban Tuyên huấn Khu ủy, Phó Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Thành phố Hồ Chí Minh.

BỘ PHẬN SƯU TẦM TÀI LIỆU

Trưởng bộ phận
Lưu Tấn Phát, nguyên cán bộ Ban Tuyên huấn Khu ủy.

Cơ quan, cán bộ nhân viên và cá nhân cung cấp tư liệu
- Cán bộ, nhân viên Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
- Cán bộ, nhân viên Cục lưu trữ 1 của Chính phủ ở Hà Nội.
- Cán bộ, nhân viên Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2 của Chính phủ tại thành phố Hồ Chí Minh.
- Cán bộ, nhân viên bộ phận lưu trữ của Viên Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương.
- Cán bộ, nhân viên bộ phận lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai.
- Phòng Lịch sử Đảng thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang (nay là Cần Thơ và Sóc Trăng), đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hiệp.
- Phòng Lịch sử Đảng thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cửu Long (nay là Vĩnh Long, Trà Vinh), đồng chí Phạm Công Lộc.
- Phòng Lịch sử Đảng thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, đồng chí Ngô Quang Láng.
- Phòng Lịch sử Đảng thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang, đồng chí Diệp Hoàng Du.
- Phòng Lịch sử Đảng thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Minh Hải (nay là Bạc Liêu, Cà Mau), đồng chí Nguyễn Thị Ánh Minh.
- Phòng Khoa học và Công nghệ Quân khu 9, các đồng chí Trương Minh Hoạch, Nguyễn Minh Phụng.
- Nhiều cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ đảng viên và nhân dân ở nhiều nơi mà chúng tôi đã tiếp xúc làm việc, cung cấp và xác minh sự kiện lịch sử.

BỘ PHẬN TÀI CHÍNH

Cố vấn: La Lâm Gia, nguyên ủy viên Thường vụ Khu ủy, nguyên ủy viên Trung ương Đảng.

Trưởng bộ phận: Phạm Thế Anh (tức Tư Minh), nguyên ủy viên Ban Kinh tài Khu Tây Nam Bộ.

VĂN PHÒNG BAN

Chánh Văn phòng: Võ Văn Y, nguyên Chánh Văn phòng Ban Tuyên huấn Khu ủy.

Thư kí Văn phòng: Nguyễn Thị Mĩ Duyên

BAN BIÊN TẬP LẦN II (2004-2005)

Trưởng Ban
Vũ Đình Liệu(*)

Các ủy viên
- Nguyễn Văn Lưu
- Nguyễn Thị Vân
- Phạm Quang
- Nguyễn Sa
- Trần Giang
- Phan Văn Hoàng

Chuyên viên phụ trách sưu tầm tư liệu và phụ lục
Lưu Tấn Phát

Văn phòng
- Phạm Thế Anh (Tư Minh)
- Nguyễn Thị Mĩ Duyên


(*) Tháng 6-2005, sau khi đồng chí Vũ Đình Liệu từ trần, đồng chí Võ Văn Kiệt, cố vấn Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp của Ban Biên tập lần II góp ý phân công.
- Đồng chí Nguyễn Thị Vân làm nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo.
- Một nhóm chuyên gia thuộc Viên Khoa học xã hội Việt Nam do Đặng Phong phụ trách chịu trách nhiệm bổ sung và tu chỉnh lần cuối tác phẩm trước khi ấn hành.
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Giêng, 2021, 03:19:07 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2012, 08:54:39 am »

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Tây Nam Bộ là vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, vùng đất này đã xây dựng nên những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần to lớn. Có được vùng đất giàu đẹp, thiên thời, địa lợi, nhân hòa hôm nay là thành quả của biết bao mồ hôi, xương máu của những thế hệ ông cha đã xây dựng và chiến đấu.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân Tây Nam Bộ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng quân và dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh và giành được thắng lợi rực rỡ, làm thất bại nhiều kế hoạch chiến lược của thực dân Pháp.

Chín năm chiến đấu chống thực dân Pháp là chặng đường đầy gian khổ, hi sinh, phải chiến đấu trong điều kiện ác liệt, với lực lượng địch tập trung rất lớn và trang bị vũ khí hiện đại, nhưng quân và dân Tây Nam Bộ với lòng dũng cảm và trí tuệ đã tìm ra nhiều cách đánh địch có hiệu quả, sáng tạo ra cách đánh tàu địch bằng thủy lôi, đắp cản ngăn tàu địch, cách đánh đặc công…; đánh địch ở mọi nơi, mọi lúc và bằng mọi vũ khí có trong tay, bằng địch vận, bằng văn hóa…; xây dựng nền kinh tế, tài chính kháng chiến. Đó là những đóng góp của Tây Nam Bộ vào sự nghiệp kháng chiến và giải phóng đất nước.

Tổng kết lại trang sử hào hùng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Tây Nam Bộ là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết. Nhằm góp phần tuyên truyền và giáo dục truyền thống, nâng cao lòng tự hào và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Ban chỉ đạo biên soạn Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phối hợp biên soạn và xuất bản cuốn sách: Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến, Tập 1 (1945-1954).

Cuốn sách gồm nhiều tư liệu quý và phản ánh nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, được biên soạn rất công phu. Các tác giả là những người trực tiếp sống và chiến đấu tại vùng đất này, đã cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn toàn cảnh về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Tây Nam Bộ.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

Tháng 10 năm 2007         

NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2012, 08:57:00 am »

LỜI TỰA

Sự nghiệp cách mạng và kháng chiến của Tây Nam Bộ là một trang sử đẹp trong thiên anh hùng ca cách mạng và kháng chiến Việt Nam.

Tây Nam Bộ là vùng đất cuối của Tổ quốc Việt Nam, nơi có địa hình đặc sắc - đồng lúa mênh mông, kênh rạch chằng chịt, với những rừng tràm, rừng đước, với nhiều tài nguyên thiên nhiên và sản vật phong phú, với cộng đồng dân cư vừa đậm đà bản sắc văn hóa địa phương, vừa gắn bó máu thịt với nền văn hóa chung của Tổ quốc Việt Nam.

Từ bao đời nay, những đức tính cần cù lao động, tha thiết yêu quê hương, xứ sở, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh bảo vệ non sông, bờ cõi… đã là một truyền thống của những cộng đồn dân cư ở đây, không phân biệt thành phần giai cấp, tôn giáo, tín ngưỡng…

Thực tế lịch sử hàng trăm năm đã chứng minh một sự thật hiển nhiên là: Phần lớn cư dân ở đây, người giàu hay kẻ nghèo, chủ hay thợ, trí thức hay công nông, có đạo hay không, thuộc thành phần dân tộc nào…, đều có chung một trái tim - trái tim đó đập chung một nhịp với đất nước, với dân tộc, sẵn sàng xả thân để bảo vệ độc lập dân tộc, văn hóa dân tộc, danh dự dân tộc…

Tôi vốn sinh trưởng và lớn lên ở miền Tây và cũng là một trong số những người đã gắn bó toàn bộ tuổi trẻ và một phần lớn cuộc đời mình vào cuộc kháng chiến của Tây Nam Bộ(1). Do đó tôi cũng là bạn bè của hầu hết những tác giả cuốn sách này, cũng là đồng chí của tất cả những chiến sĩ trên các mặt trận được nói tới ở đây. Vì thế, tôi cũng có một tình cảm chung của toàn thể các đồng chí ở Tây Nam Bộ: Trân trọng, gắn bó, tự hào với những hi sinh, những đóng góp, những sáng tạo và cả những gian nan của những năm tháng đấu tranh.

Chính từ tình cảm đó, những người có trách nhiệm cùng bàn với đồng chí Vũ Đình Liệu tập hợp một số đồng chí đã từng tham gia trong giai đoạn lịch sử này để biên soạn một bộ sự, nhằm dựng lại, ghi lại, lưu lại một phần nào đó quá trình lịch sử hào hùng, phong phú đó, mà đối với chúng tôi là những kỉ niệm sâu sắc trong đời mình. Đó là lí do trực tiếp thôi thúc anh chị em bắt tay vào biên soạn bộ sách này.

Nhưng đương nhiên chúng ta không coi cuốn sách này chỉ là một giải pháp tình cảm của những người trong cuộc.

Nó còn có ý nghĩa lịch sử hơn thế nữa:

- Nó góp phần khẳng định một lần nữa rằng Tây Nam Bộ cùng với Nam Bộ vẫn cũng là máu thịt của Tổ quốc Việt Nam. Những diễn biến, những hoạt động của mảnh đất này tự nó đã nói lên rằng: Trong huyết quản của mọi người Tây Nam Bộ vẫn chảy và chỉ chảy một dòng máu, đó là dòng máu Việt Nam.

- Cuốn sách còn góp phần nói lên những đóng góp của Tây Nam Bộ vào sự nghiệp kháng chiến và giải phóng đất nước. Trong đó, Tây Nam Bộ không chỉ góp phần “chia lửa” với cả nước, mà còn có nhiều sáng tạo, có nhiều kinh nghiệm quý trong hai lĩnh vực kháng chiến và kiến quốc:

Trong kháng chiến, chính Tây Nam Bộ là một trong những nơi đầu tiên đã “phát minh” ra cách đánh thủy lôi, đắp cản ngăn tàu địch, đào kinh (kinh Dân Quân ra đời trong thời kì này rồi về sau là kinh chắn thủy gắn liền với thủy nông cho sản xuất và bảo vệ rừng thành công), đặc công. Những sáng kiến đó không bao lâu đã trở thành tài sản chung về kĩ thuật chiến tranh của cả nước.

Trong kháng chiến, Tây Nam Bộ cũng là một trong những nơi thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng chế độ mới trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là thực hiện những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc.

Có lẽ hiếm nơi nào như ở đây, hàng loạt địa chủ lớn nhất nước, có hàng ngàn hecta ruộng, cũng hiến cả cho cách mạng rồi hiến luôn thân mình cho kháng chiến.

Cũng hiếm nơi nào như ở đây, hàu hết các viên chức cao cấp được đào tạo với chính quyền Pháp, đi học tại Pháp, về làm viên chức trong bộ máy Pháp, nhưng lại hiến luôn cả sản nghiệp cho kháng chiến, dấn thân cho cách mạng một cách triệt để, không khác gì những thành phần xã hội khác, mà nhiều người trong đó đã trở thành những tấm gương sáng của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Cũng hiếm nơi nào như ở đây, mà cả các nhà tu hành đắc đạo cũng hiến hết cả tài sản của mình cho sự nghiệp kháng chiến và lôi cuốn cả cộng đồng tôn giáo của mình đi theo kháng chiến.

Những con người đó, những sự kiện lịch sử đó của Tây Nam Bộ thật đáng ghi nhận không chỉ như những chuyện của Tây Nam Bộ, mà còn như một trong những biểu hiện đậm nét của tư tưởng Hồ Chí Minh… Nó cũng là một căn cứ xác đáng để kiểm nghiệm một bài học lịch sử quý báu: khi nào và ở đâu chúng ta đặt lợi ích dân tộc, lợi ích của Tổ quốc Việt Nam lên trên hết, thì chúng ta có sức mạnh bất tận. Khi nào chúng ta xao lãng quy luật đó, thì chúng ta vấp váp nhiều khó khăn, thậm chí tự tạo ra những khó khăn không đáng có.

Đã từ lâu, nhân dân và chiến sĩ miền Tây Nam Bộ vẫn hằng mong ước có một công trình ghi nhớ lại một cách có hệ thống sự nghiệp đấu tranh cách mạng và kháng chiến đó.

Một trong như những người đầu tiên đề xuất ý tưởng này chính là đồng chí Vũ Đình Liệu, tức Tư Bình, nguyên Bí thư Khu ủy 9, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đồng chí Vũ Đình Liệu cũng là người trực tiếp cùng anh em bắt tay thực hiện công việc này. Cùng với đồng chí Vũ Đình Liệu là đông đảo các cán bộ lão thành đã từng tham gia trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau của thòi kì kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ.

Công việc biên soạn này được tiến hành cách đây đã 20 năm rồi. Trong thời gian đó, một tập thể các tác giả và các cộng tác viên cùng các nhân chứng lịch sử đã miệt mài làm việc để hoàn thiện bản thảo của cuốn sách này.

Tôi đã thường xuyên gặp gỡ và tham vấn với tập thể các tác giả. Nhưng do phần lớn anh chị em đều đã cao tuổi, sức yếu, nhiệt tình và kí ức thì rất dồi dào, nhưng kinh nghiệm viết sử thì còn thiếu. Có thể nói rằng nhiều tác giả đã dành hết đời của mình để góp phần vào việc làm nên lịch sử, nhưng chưa bao giờ viết sử. Do đó, tuy bản sơ thảo đã hoàn thành từ lâu, nhưng việc hoàn thiện để thành một cuốn sử thì không phải là điều dễ dàng. Đến nay, nhiều đồng chí đã ra đi, trong đó có đồng chí Vũ Đình Liệu để “dở dang” công việc tâm huyết này.

Vừa qua, được sự đóng góp và cộng tác của các chuyên gia về sử học, bản sơ thảo đã được sửa chữa, hoàn thiện và lần này ra mắt bạn dọc. Đây là tập 1, nói về thời kì Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp.

Với quan niệm coi lịch sử cách mạng và kháng chiến là một sự nghiệp tổng hợp trong cuộc chiến tranh toàn dân và toàn diện để giành độc lập, các tác giả đã cố gắng trình bày những diễn biến của tình hình kháng chiến, phân tích cách đánh của cả hai bên, từ đó góp phần giải thích rõ quy luật vận động của chiến tranh nhân dân từ yếu đến mạnh, từ bị động đến chủ động và cuối cùng đi đến toàn thắng. Trong sự nghiệp đó có xương máu của biết bao chiến sĩ, có mồ hôi và nước mắt của biết bao người dân Tây Nam Bộ.

Tây Nam Bộ đánh giặc không chỉ bằng súng, bằng đạn, mà bằng vô vàn thứ vũ khí khắc: Bằng kinh tế, bằng tài chính, bằng tiền tệ, bằng chính trị, bằng địch vận, bằng văn hóa, văn nghệ… Các tác giả đã cố gắng thể hiện những khía cạnh sống động đó trong giai đoạn hào hùng này.

Chúng tôi thiết nghỉ rằng viết sử không thể vội vã, nhưng cũng không nên quá cầu toàn. Nhiều chân lí lịch sử là điều phải do nhiều thế hệ tìm tòi, thẩm định. Do vậy, với thế hệ chúng tôi thì thiển nghĩ rằng chỉnh sửa đến mức nào đó cũng nên gửi tới công luận, cũng là một hình thức để trưng cầu ý kiến của bạn đọc gần xa, nhất là những người đã kinh qua cuộc sống của thời kì lịch sử này.

Các tác giả cũng nhân đây xin bảy tỏ sự tri ân với đồng chí Vũ Đình Liệu và các tác giả đã khuất.

Rất mong được bạn đọc góp ý kiến để chúng tôi hoàn thiện bản thảo trong lần xuất bản sau và rút kinh nghiệm cho tập tiếp theo.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 8 năm 2007
                 
Võ Văn Kiệt                               


(1) Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, đã từng tham gia cách mạng từ lúc còn rất trẻ trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kì. Trong Cách mạng Tháng Tám, tham gia công tác tại Rạch Giá. Bước vào kháng chiến tham gia hoạt động tại nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ, là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liệu. Ở cương vị này, ông đã được cử là thành viên chính thức của Nam Bộ tham dự Đại hội Đảng lần thứ II tại Việt Bắc đầu năm 1951. Đó cũng là lần đầu tiên ông được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã để lại trong ông những ấn tượng sâu sắc cả về con người, về phong cách đối nhân xử thế, về những quan điểm trong lãnh đạo cách mạng và xây dựng đất nước. Trong thời kháng chiến chống Mĩ, ông đã từng giữ các cương vị như: Bí thư Khu ủy Sài Gòn Gia Định, Chính ủy Quân khu IX, Bí thư Khu ủy miền Tây Nam Bộ… trước khi được điều về Trung ương Cục làm ủy viên thường vụ Trung ương Cục…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2012, 09:01:17 am »

PHẦN MỞ ĐẦU

KHÁI QUÁT VỀ THIÊN NHIÊN, CON NGƯỜI VÀ LỊCH SỬ TÂY NAM BỘ

I. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÍ TỰ NHIÊN

Miền Tây Nam Bộ(1), phần đất cực Nam của Việt Nam, là một bán đảo hình chữ V, nằm giữa biển Đông và vịnh Thái Lan, có bờ biểu dài 578 km. Phía bắc giáp Campuchia, có biên giới 150 km.

Diện tích tự nhiên Tây Nam Bộ là 33.800 km2, chiếm 53,62% diện tích toàn Nam Bộ.

Miền Tây hiện nay thành vựa lúa trù phú nhất nước (đất tự nhiên đồng bằng sông Cửu Long lớn gấp 2,2 lần đất đồng bằng sông Hồng, đất nông nghiệp nhiều gấp 3 lần, đất trồng lúa chiếm 48% diện tích cả nước(1)).

Sông Cửu Long đem lại phù sa, phù du, có nguồn thủy lưu ấm, làm cho đất đai màu mỡ và nhiều tôm, cá… rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp chế biến, thương nghiệp, dịch vụ…

Ven biển có rừng ngập mặn. Đất liền có rừng tràm ở U Minh (Thượng và Hạ) thuộc tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Rừng ngập mặn ở huyện Đầm Dơi, Năm Căn là loại rừng lớn và quý, chỉ đứng sau rừng Amazon của Brazin. Trong rừng đước, rừng tràm có nhiều động, thực vật quý hiếm.

Miền Tây Nam Bộ còn có nhiều hòn và núi từ mũi Cà Mau đến Hà Tiên, từ đất liền đến Phú Quốc, ở Hà Tiên và Châu Đốc. Trong hòn và núi có nhiều hang động và rừng.

Sông Mê Kông, bắt nguồn từ Tây Tạng (Trung Quốc) qua Myanmar, Lào, Campuchia, Việt Nam (vùng Nam Bộ); chảy trên đất nước ta dài 225 km, chia thành 2 nhánh lớn sông Tiền và sông Hậu, đổ ra biển bằng 9 cửa, còn gọi là Cửu Long. Sông Tiền và sông Hậu thông qua nhau bởi sông Mang Thít, kinh Nicôlai và sông Trà Ôn.

Miền Tây có nhiều sông, kênh, rạch chằng chịt, thuận tiện cho đi lại và vận chuyển hàng hóa từ Sài Gòn - Chợ Lớn, Mĩ Tho… đến các tỉnh miền Tây và ngược lại, cả vùng ven biển như Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hà Tiên… Tàu thuyền của nước ngoài trước đây đã giao thương với một số cảng miền Tây, như Hà Tiên đã buôn bán với nước ngoài từ năm 1680, Bãi Xàu (Sóc Trăng) trước đây có lúc thường xuyên có 100 - 150 thuyền buôn(3).

Sông ngòi, kênh, rạch, tạo thành mạng lưới giao thông thủy rất thuận lợi, nhưng cũng chia cắt các vùng thành nhiều mảng, có thuận lợi cho chiến tranh du kích, hạn chế phần nào xe cơ giới của địch.

Hệ thống đường bộ ở Tây Nam Bộ chưa phát triển, chủ yếu sử dụng đường thủy. Đồng bằng sông Cửu Long có 650 km kênh đào chính, 2.500 km kênh đào phụ. Miền Tây chiếm khoảng 3/4 chiều dài các kênh đó. Riêng tỉnh Cần Thơ (cũ) có 350 km kênh đào chính.

Về đường bộ, có quốc lộ 1 (thời Pháp thuộc gọi là lộ Đông Dương số 16(4), sau 1954 đổi là quốc lộ 4) từ Sài Gòn vào địa phận miền Tây, bắt đầu từ Vĩnh Long qua Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu đến thành phố Cà Mau dài 218 km, đang được nối dài đến tận mũi Cà Mau.

Ngoài ra còn có quốc lộ 91A, 91B (trước là đường liên tỉnh số 27), quốc lộ 40 (tức là đường liên tỉnh số 31) nối liền các tỉnh An Giang, Kiên Giang với Cần Thơ và Sài Gòn, v.v…

Khí hậu miền Tây có đặc điểm là nhiệt độ cao quanh năm, tiền năng nhiệt dồi dào. Nhiệt độ trung bình trong năm là 27oC, thấp nhất là 22 đến 25oC, cao nhất là 32 đến 35oC, cá biệt có lúc cao đến 37-38oC. Lượng mưa trung bình hằng năm là 1.600 mm. Một năm chia là 2 mùa rõ rệt: Mùa nắng từ tháng 11 đến tháng 5, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Thuận lợi cơ bản là khí hậu khá ổn định và ít thiên tai. Tuy vậy, khó khăn đáng kể là thiếu nước trầm trọng vào mùa khô và dưa thừa nước và mùa mưa, gây ra ngập úng ở một số tỉnh (như An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ (cũ)…). Tình trạng này càng nặng nề hơn bởi tác động của lũ, triều cường và tình trạng đắp đê thiếu quy hoạch.


(1) Từ 1834 đến 1945, Nam Bộ được gọi là Nam Kì. Tuy nhiên, để có sự nhất quán, tên “Nam Bộ” được dùng cho cả thời kì trước và sau 1945, từ các cụm từ như “Khởi nghĩa Nam Kì”, “Nam Kì tự trị”…
(2) Lê Minh: Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1984, tr. 77.
(3) Trần Bạch Đằng: Tính năng động, sáng tạo của người Việt sống trên đất Phương Nam, kỉ yếu hội thảo Nam Bộ và Nam Trung Bộ, những vấn đề lịch sử, thế kỉ XVII - XIX, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr. 4.
(4) Roule locale No 16.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2012, 09:03:24 am »

II. ĐỊA LÍ HÀNH CHÍNH

Vào thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII, tình trạng chia cắt đất nước và chiến tranh diễn ra liên miên (Nam - Bắc triều và Trịnh - Nguyễn phân tranh), làm đảo lộn đời sống nhân dân. Nhiều người dân Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong di cư về phương Nam để tìm cuộc sống bình an, tự do.

Ở Nam Bộ, từ năm 1623 về sau, chúa Nguyễn cho phép một số người Trung Quốc không phục nhà Thanh chạy sang Việt Nam, như: Mạc Cửu, Dương Ngạn Địch, Huỳnh Tấn, Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình… khai thác thêm những vùng hoang vu, mở rộng bờ cõi.

Riêng Mạc Cửu, sau khi khai thác xong Hà Tiên năm Mậu Tí (1708) đã dâng đất Hà tiên và đảo Phú Quốc cho chúa Nguyễn Phúc Chu.

Đến năm Ất Mão (1735) Mạc Cửu mất. Con là Mạc Thiên Tứ (tức Mạc Thiên Tích) nối nghiệp cha, mở mang thêm vùng đất Hậu Giang. Năm 1739, công cuộc khai phá miền Tây hoàn thành, nhà Nguyễn lập thêm 4 đạo (đến năm 1808 đổi thành huyện).

1. Long Xuyên (miền Cà Mau).

2. Kiên Giang (Rạch Giá).

3. Trấn Giang (Cần Thơ).

4. Trấn Di (Bắc Bạc Liêu).

Về quản lí hành chính, năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu (1671-1725) cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào lập Gia Định Phủ, gồm 2 huyện: Phước Long (Dinh Trấn Biên) và Tân Bình (Dinh Phiên Trấn).

Năm Quý Dậu (1753), chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát phái Bố chánh Nguyễn Cư Trinh vào Nam nắm quyền, đồng thời điều khiển tướng sĩ 5 dinh; Bình Khương (Khánh Hòa), Bình Thuận, Trấn Biên (Biên Hòa, Bà Rịa), Phiên Trấn (Gia Định) và Long Hồ (Mĩ Tho, Vĩnh Long) càng thúc đẩy khai hoang, mở rộng bờ cõi, nhất là vùng hoang hóa ở miền Tây.

Đến thời vua Minh Mạng, triều Nguyễn thiết lập bộ máy chính quyền chia miền Tây làm 3 tỉnh là: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên (trong 6 tỉnh Nam Kì lục tỉnh).

Sau khi Pháp xâm lược nước ta, từ 1862 đến 1945, Pháp chia Nam Kì làm 20 tỉnh, trong đó miền Tây có 9 tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hà Tiên, Rạch Giá, Bạc Liêu.

Trong 30 năm kháng chiến chống Pháp và Mĩ, cả ta và địch có nhiều lần điều chỉnh địa giới và đổi tên tỉnh.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đến nay lại có nhiều thay đổi:

Năm 1976, theo chủ trương sáp nhập các tỉnh trên toàn quốc, miền Tây có 5 tỉnh: Cửu Long (Vĩnh Long - Trà Vinh), Hậu Giang (thành phố Cần Thơ - tỉnh Cần Thơ - Sóc Trăng), Kiên Giang (Rạch Giá - Hà Tiên), An Giang (Long Xuyên - Châu Đốc), Minh Hải (Bạc Liêu và Cà Mau).

Đến năm 1991, trong phong trào tách tỉnh trên cả nước, tỉnh Cửu Long tách ra thành: Vĩnh Long, Trà Vinh, tỉnh Hậu Giang tách ra: Cần Thơ (có thành phố Cần Thơ), Sóc Trăng.

Năm 1996, tỉnh Minh Hải chia thành Bạc Liêu và Cà Mau.

Năm 2004, tỉnh Cần Thơ lại chia thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang.

Đến nay, miền Tây gồm các tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ.

Về quốc phòng, ngay từ sau Cách mạng Tháng Tám, để tiện việc điều hành và đối phó với tình hình chiến sự, từ tháng 10 năm 1945, Chính phủ chia cả nước ra thành các chiến khu. Miền Tây Nam Bộ thuộc Chiến khu IX gồm các tỉnh: Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Trà Vinh, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng.

Đến ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, cả nước chia thành 12 chiến khu. Nam Bộ có 3 chiến khu:

Chiến khu VII: Các tỉnh miền Đông và Sài Gòn - Gia Định.

Chiến khu VIII; Tân An, Gò Công, Mĩ Tho, Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre.

Chiến khu IX: Châu Đốc, Long Xuyên, Hà Tiên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá.

Đến ngày 25 tháng 1 năm 1948, Hội đồng Chính phủ ra Sắc lệnh tổ chức lại các khu trong cả nước thành các Liên khu, được giao một số quyền hạn lớn hơn, có thể chủ động giải quyết những vấn đề cấp bách của thời chiến.

Riêng Nam Bộ vẫn giữ 3 khu: Khu VII, VIII, IXX, nhưng tách ra một đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn trực thuộc Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Các Phân liên khu và khu được coi như một đơn vị chính trị kinh tế quân sự hoạt động tương đối độc lập do Liên khu ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu hoặc khu trực tiếp chỉ đạo thay mặt Trung ương(1).

Trong thời kì chống Mĩ, chính quyền Ngô Đình Diệm chia tách các tỉnh và đổi tên tỉnh ở Tây Nam Bộ như sau:

- Cần Thơ đổi lại là Phong Dinh, Sóc Trăng đổi tên là Ba Xuyên gồm cả một phần tỉnh Bạc Liêu cũ là thị xã Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi, huyện Vĩnh Châu. Tỉnh Bạc Liêu cũ đổi lại là tỉnh An Xuyên bao gồm thị xã Cà Mau, huyện Giá Rai và các huyện thuộc quận Cà Mau cũ thời chống Pháp như Ngọc Hiển (Đầm Dơi). Tỉnh Trà Vinh đổi lại là tỉnh Vĩnh Bình. Tỉnh Rạch Giá lấy tên là tỉnh Kiên Giang. Long Xuyên, Châu Đốc lấy tên là An Giang…

Trong kháng chiến chống Mĩ, Nam Bộ chia thành 4 Quân khu:

Quân khu I (miền Đông - mật danh là T1).

Quân khu II (miền Trung Nam Bộ - mật danh là T2).

Quân khu III (miền Tây - mật danh là T3).

Quân khu IV (Sài Gòn Gia Định - mật danh là T4).

Sau giải phóng, năm 1976, Trung ương Đảng giải thể Quân khu II và Quân khu III, lập thành Quân khu IX (gồm các tỉnh của Quân khu II và Quân khu III).

 Năm 1978, tỉnh Long An (trước thuộc Quân khu II) nhập vào Quân khu VII (miền Đông Nam Bộ).


(1) Đặng Phong: Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002, tập I (1945-1954), tr. 241-242.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2012, 09:06:50 am »

III - DÂN CƯ, KINH TẾ -VĂN HÓA VÀ ĐỜI SỐNG TINH THẦN

1. Dân cư

Người Việt cùng với người Khơme, Hoa, Chăm… nỗ lực khai phá vùng đất hoang hóa Đồng Nai - Bến Nghé - Cửu Long.

Trong nửa đầu thế kỉ 16, nhà thám hiểm Bồ Đào Nha (Fernand Mendez Pinto) đã dùng thuyền đi biển phiêu lưu tới một số nước Đông Nam Á. Trong hồi kí, ông viết có gặp người Côsanhchina (tức người Việt Nam)(1).

Rừng rậm mênh mông, đất đai màu mỡ, thuận lợi cho việc khai hoang lập nghiệp.

Người Việt, Khơme, Hoa, Chăm… mỗi dân tộc làm ăn sinh sống theo ngành nghề, phong tục, tập quán, tôn giáo riêng. Tất cả cùng chung sống hầu như chưa hề xảy ra đụng chạm, tranh chấp đất đai.

Theo truyền thống, người Việt đến đâu đều lập làng, xã, đùm bọc, tương trợ lẫn nhau, hòa hợp và giúp đỡ các dân tộc anh em, trở thành cộng đồng dân tộc, đoàn kết xây dựng cuộc sống. Trước đây thường nói: “Nhất cận thân, nhị lân cận” , nhưng điều kiện cụ thể cuộc sống hiện tại đã trở thành: “Nhất cận lân, nhì cận thân” , làm cho tình dân tộc, nghĩa đồng bào quyện chặt với tình làng, nghĩa xóm, khi hoạn nạn, khó khăn, cũng như lúc bị thiên tại, địch họa…

Dân làng tự lập, tự quản thôn, xóm, từ năm 1535 đến năm 1732 đã trở thành nền dân chủ cộng đồng dân cư, trong lòng chế độ phong kiến Việt Nam.

Ở miền Tây, ngoài người Việt chiếm phần đông nhất, còn có nhiều thành phố dân tộc khác sống hòa hợp trong cộng đồng dân cư.

Dân tộc Khơme ở Nam Bộ có khoảng 1.300.000 người. Các tỉnh Tây Nam Bộ chiếm gần 1.000.000 người, nhiều nhất là Sóc Trăng (trên 300.000 người, tính đến năm 2007), Trà Vinh (gần 300.000 người). Các tỉnh khác đều có đồng bào Khơme. Đồng bào Khơme đa số là nông dân. Khối đoàn kết các dân tộc Việt - Khơme - Hoa - càng chặt chẽ hơn trong đấu tranh giành quyền sống và chống quân xâm lược. Đinh Sâm, lãnh tụ kháng chiến vùng Ba Láng - Trà Niềng (Cần Thơ), năm 1868 đã giết tên cai tổng gian ác Nguyễn Văn Vĩnh, tay sai đắc lực của Pháp. Chủ Chọt ở xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Phước Long (Rạch Giá) thà chết không chịu mất đất, đã đứng lên chiến đấu, chống lại bọn cai trị Pháp cướp giật ruộng đất của ông năm 1927…, nói lên tinh thần đấu tranh quyết liệt của người nông dân Khơme.

Người Hoa, xấp xỉ bằng số người Khơme, nhưng đã sớm hòa hợp cùng người Việt và người Khơme trong lao động sản xuất, sinh hoạt bình thường trong lễ hội và trong đấu tranh chống quân xâm lược và bọn áp bức bóc lột. Ngày nay, người Hoa đã dựng vợ gả chồng cho con cái người Việt, người Khơme, là điều trước đây chưa có) và ngày Tết, lễ hội của 3 dân tộc đều cộng hưởng chung, coi như lễ hội của dân tộc mình.

Người Chăm, ở An Giang có tới 13.000 người tập trung tại 9 xóm thuộc các huyện An Phú, Tân Châu, Châu Thành. Đời sống của bà con chủ yếu là mua bán, thêu, diệt và một số ít canh tác ruộng rẫy, chăn nuôi bò, dê… Chiếc ghe lường của người Chăm là căn hộ di động dùng làm kế sinh nhai ở các bến chợ quanh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian gần đây, nhờ hỗ trợ vốn sản xuất, giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo, cuộc sống từng gia đình được nâng lên, hầu hết đều bám trụ địa phương làm ăn và hạn chế việc bỏ nhà đi mua bán xa. Việc học hành của con em đồng bào Chăm được chú ý hơn. Hiện ở tỉnh An Giang có hơn 40 sinh viên dân tộc Chăm đang theo học các trường đại học ở đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra có 5 em khác được tuyển đi du học nước ngoài, hưởng chế độ ưu đãi về đào tạo của Nhà nước(2).

2. Kinh tế

Trên vùng đất mới còn hoang sơ, hiếm dấu chân người, vừa khơi dậy tiềm năng khai thác dồi dào về nông nghiệp trên chân trời mở rộng, vừa đòi hỏi phải vượt qua bao thử thách của thiên nhiên, thú dữ, mùa khô thiếu nước, mùa nước lũ lụt hằng năm… bắt tuộc những người đến vùng đất mới phải có nhiều sáng tạo trong tư duy cũng như hành động.

Lưu dân đa số là những người nghèo khổ, bị giai cấp thống trị tước đoạt ruộng đất, vào vùng đất mới khai khẩn đất hoang, được làm chủ ruộng đất mình khai hóa, và có thời gian dài (gần 200 năm, từ 1535 đến 1732), tự lập, tự quản, thực hiện dân chủ cộng đồng… nên thiết tha bảo vệ, chăm sóc ruộng đất thành thục, ngày càng có năng suất cao.

Xa quê cha, đất tổ, tính tự lực, sáng tạo được phát huy, vượt qua khó khăn, thử thách để tồn tại và xây dựng cuộc sống ngày càng sung túc, nên đời sống các cộng đồng dân cư đã thích ứng với thực tế, với tình hình sản xuất tại đây.

Để thích nghi và phát triển trên đất này, dân không đắp đê mà chung sống với lũ, làm thủy lợi, xổ phèn, mang lại hiệu quả lớn…

Trong canh tác, nông dân dùng 2 trâu (hay bò) để cày bừa, trục(3)… Lưỡi cày to, bừa lớn (gần 4 mét), răng bằng tre gốc… để làm đất cấy lúa. Cỏ nhiều phải trục. Vùng đất sình lầy, vùng đất sâu, không cày được, phải dùng phảng(4) phát cỏ, cấy nọc(5) (ngày nay, có máy cày thì sạ là phổ biến). Vùng ngập lụt, cấy giống lúa nổi, sạ khô, mùa mưa lúa vươn theo nước sâu 3 - 4 mét, cây lúa dài 5 - 6 m. Khi nước ngập, lúa nổi lên, lúc nước rút, mỗi đốt lúa bám rễ vào phù sa, mọc đều lên như cây lúa cấy. Vùng nước sâu, có lúa cao giàn (từ 1,4 m đến 1,6 m), dùng nọc dài cấy lúa cây…

Thu hoạch dùng liềm hoặc vòng hái gặt, tùy từng loại lúa và từng vùng.

Mỗi lực điền làm ăn chăm chỉ, hằng năm phải được 2 - 3 mẫu (mỗi mẫu = 1 ha). Ngay vụ đầu đã có ăn. Từ năm thứ 3 đất thuần cho năng suất cao. Ruộng phì nhiêu, 1 giạ(6) lúa giống thu hoạch được 300 hộc lúa. Đất rộng mênh mông, còn hoang hóa nhiều, nên nông dân nếu thấy nơi này làm ăn không khá, thì đi nơi khác.

Trong săn bắt cá, ngoài chài, lưới, đó… còn đặt lờ, lọp, ống trúm(7)… nên bắt được nhiều cá. Có dư thì làm khô, làm mắm… để khi thiếu cá đem ra dùng.

Sản xuất cá có thể kết hợp làm mướn ở các trang trại của các vị thiên hộ (1000 hộ), bá hộ (100 hộ). Sản lượng lúa khá cao, đồng bằng sông Cửu Long trở thành vựa lúa và hàng thủ công, có mặt trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Thương cảng Hà Tiên, Bãi Xàu… trước đây tấp nập ghe, tàu của nước ngoài.

Khi triều Nguyễn dùng chính sách ban thưởng phẩm hàm cho người mộ dân khai hoang lập đồn điền, chính sách đó đã có tác dụng tích cực trong việc khuyến khích khai hoang, lập ấp, phát triển kinh tế. Nhưng đồng thời nó cũng tạo ra một tầng lớp địa chủ, cường hào. Trong tầng lớp này cũng đã sản sinh một số phần tử, cường hào, tham quan, ô lại, dựa vào đó để chiếm đoạt ruộng đất của nông dân, bắt sống người mới đến làm công không cho chúng. Đất đai dần dần tập trung vào tay địa chủ cường hào.

Bị ức hiếp, bị lấy đất ruộng, nông dân chống lại quyết liệt. Cả người Việt, Khơme, Hoa, Chăm, đều đoàn kết đấu tranh chống bọn áp bức, bóc lột.

Nhà Nguyễn không lập được chế độ công điền và quân cấp công điền giống như ở miền Trung và miền Bắc. Vì miền Trung và miền Bắc là vùng đất đã được khai phá từ lâu dưới chế độ công xã, ruộng công vẫn còn tồn tại như một sản phẩm của chế độ công hữu công xã. Nam Bộ thì khác. Việc khai khẩn là việc mới gần đây, chủ yếu do tư nhân tiến hành. Do đó, đất được khai phá thường là tư điền của địa chủ và cường hào, một số là của nông dân tự canh. Vì vậy, gần như không có chế độ công điền.

Suốt 3 đời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức (từ 1820 đến 1883) khủng hoảng xã hội phong kiến diễn ra nghiêm trọng, nông dân nổi lên chống đói. Triều đình phải mang quân đánh dẹp, bình định.

Khi Pháp xâm chiếm Nam Kì, với chính sách bóc lột thuộc địa, đặc trưng cho hình thức thực dân địa của Pháp là khai thác tài nguyên, sử dụng nhân công rẻ mạt, kìm chế công nghiệp và thủ công nghiệp bản xứ, chiếm dụng đất đai để lập các đồn điền, dùng nhân công địa phương…, giai cấp địa chủ càng phát triển (cả địa chủ Pháp, Việt, Ấn, Hoa…). Đất đai càng tập trung vào địa chủ lớn vào các đồn điền Pháp. Mấy lần khủng hoảng kinh tế thế giới, chẳng những nông dân, tầng lớp lao động khác nghèo khổ thêm, mà trung nông, phú nông và địa chủ nhỏ, địa chủ bậc trung cũng bị phá sản. Đất đai lại càng tập trung hơn.


(1) Trần Văn Giàu, chủ biên: Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1987, tr. 145.
(2)  Mai Hương: Chuyện học ở làng Chăm, Báo Sài Gòn Giải Phóng, số 967, ngày 5-6-2004.
(3) Một dụng cụ làm nhuyễn đất.
(4) Một loại dao dài có cán cong để cầm phát cỏ.
(5) Là một khúc cây có mũi nhọn và cầm ngang để cấy.
(6) Thùng = 20kg, tương đương 40 lít.
(7) Các dụng cụ đánh bắt thủy sản.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2012, 09:09:13 am »

Theo thống kê của Pháp:

- Người có 50 ha trở lên chỉ có 2,55 dân số, chiếm 45% đất đai.

- Người có từ 10 ha đến 50 ha, 11% dân số, chiếm 32% ruộng đất.

- Còn người có từ 0,5 ha trở xuống, chỉ chiếm 23% đất đai, với 71% dân số.

- Đất phi nông nghiệp chiếm 14%.

Miền Tây ruộng đắt càng tập trung hơn.

- Hà Tiên có 8 đồn điền Pháp, chiếm gần hết đất đai.

- Bạc Liêu đại địa chủ chiếm 70% ruộng đất và toàn bộ 14.000 ha ruộng muối (Trần Trinh Trạch, địa chủ Bạc Liêu lớn nhất Việt Nam, ngoài 145.000 ha ruộng lúa và 10.000/14.000 ha ruộng muối, còn chiếm nhiều ruộng ở nhiều tỉnh Nam Kì và Trung Kì).

- Sóc Trăng, chủ đồn điền Pháp và đại địa chủ chiếm 80% ruộng đất (đồn điền Gressier, La Basthe, Jourdan…).

- Ở Cần Thơ 70%.

Ở Trà Vinh có 4 họ đại địa chủ (Lâm Quang, Từ Bá, Tạ, Trần), riêng họ Lâm Quang, hằng năm thu 400.000 giạ lúa tô (8.000 tấn).

Xuất cảng lúa gạo ở Nam Kì số lượng tăng nhanh từ 281 tấn (năm 1880) lên 1.548.000 tấn (năm 1937).

Nhà Kinh tế học người Pháp Pôn Bécna (Paul Bernard) nhận xét: Chính nhờ sự đóng góp của Nam Kì, chủ yếu từ lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long, chính phủ Pháp có thể đài thọ cho bộ máy cai trị toàn Đông Dương, toàn bộ chi phí cho những công trình công cộng, nuôi toàn bộ quân đội Pháp ở Việt Nam, Campuchia, Lào.

Vùng Hậu Giang, Rạch Giá, có diện tích lớn: 358.900 ha (1930), Bạch Liêu 330.030 mẫu, Sóc Trăng 212.909 mẫu, Cần Thơ 205.000 mẫu (ha), làm cho lượng xuất khẩu gạo của Nam Kì tăng nhảy vọt (miền Hậu Giang chiếm số lượng nhiều nhất). Trước đây, Miền Điện (Myanmar) là nước xuất khẩu gạo nhiều nhất, từ 1925 Nam Kì dẫn đầu, tuy gạo của ta phẩm chất không bằng gạo Miến Điện.

Miền Tây, năm 1934, 4 tỉnh: Rạch Giá, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, có 996.000 ha ruộng lúa, bằng 40% diện tích lúa toàn Nam Kì, xuất khẩu 968.000 tấn lúa(1), bằng 50% đến 70% lúa xuất khẩu toàn Nam Kì.

Địa chủ càng tập trung đất, càng làm dân cày bị phá sản thành công nhân nông nghiệp, dính liền với miếng đất của địa chủ, không phải hàng ngày, hàng tháng, như thợ thuyền thành thị đối với tư bản, mà buộc suốt nhiều đời từ cha, con đến cháu, chắt… bằng cách chống chất lên đầu tá điền hàng trăm thứ nợ.

Thời Pháp thuộc, vào nông thôn thấy bên cạnh nhà gạch to, rộng mênh mông, xung quanh có hàng ngàn siêu vẹo “nhà đá” , “nhà đạp”. Có nhiều thiếu nữ không có áo che thân… Có nhà cả vợ chồng chỉ có một quần dài (để luân phiên tiếp khách). Chúng ta cũng thấy rõ, đến mùa gặt, lúa đầy sân, nhưng đã chạy vào kho lẫm của địa chủ. Tá điền còn 2 tay trắng, lại phải đi vay hỏi để ăn và làm mùa. Đó là một loại công nhân nông nghiệp gắn liền với đại đồn điền của thực dân. Những điều tra của sử gia Pháp Daniel Hémery về tình hình đời sống các tầng lớp dân cư ở nông thôn vùng đồng bằng Nam Bộ năm 1936 cho thấy:

Biểu 1.1: Cơ cấu thu nhập và các khoản chi tiêu của
ba loạn ngân sách nông dân (năm 1936)


Nguồn D. Hémery: Révolutionnaires Vietnammient et pouvoir colonial de l’Indochine, Ed. Maspéro, Paris, 1975, p.446.

Chính sách cai trị của bọn thực dân đế quốc từ khi chúng xâm lược nước ta (1859) là “chia để trị”, nên chúng thường lợi dụng tôn giáo để chống lại dân tộc, chống lại cách mạng. Thủ đoạn quen thuộc của chúng là mua chuộc một số người cầm đầu trong đạo để lừa bịp tín đồ theo chúng chống lại cách mạng.

Tuy nhiên, đồng bào tín đồ các đạo giáo ở Việt Nam nói chung và Tây Nam Bộ nói riêng vốn có truyền thống yêu nước, chống áp bức, bất công, nên chúng không dễ mua chuộc, dụ dỗ được. Một số người ở một số địa phương, trong thời gian nhất định nào đó, có bị dụ dỗ, lầm lẫn, nhưng theo với thời gian, thực tế kháng chiến của dân tộc và chính sách đại đoàn kết của Đảng Cộng sản, của Chính phủ Cách mạng cũng làm cho bà con nhận ra chính nghĩa mà trở về với hàng ngũ dân tộc.

Ngay trong các vị chức sắc cao cấp của các tôn giáo cũng có nhiều vị ngay từ đầu đã đi theo kháng chiến, giữ những vị trí quan trọng trong chính quyền, mặt trận, đoàn thể…


(1) Lê Minh: Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1984, tr. 16-17.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2012, 09:12:24 am »

3. Văn hóa tinh thần

Đặc điểm của người dân Nam Bộ, trong đó có miền Tây là yêu nước nồng nàn, bất khuất, chống áp bức, bất công, trọng nghĩa, khinh tài, khẳng khái, khoáng đạt, thủy chung, yêu chuộng cái mới. Nhà Bác học Lê Quý Đôn còn cho rằng: Cởi mở, bộc trực, chân thật, dễ tin người, hào hiệp và mến khách, năng động và dám làm ăn lớn(1).

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí cũng viết: Người Nam Bộ, thói thường, chuộng khí tiết, trọng nghĩa, khinh tài, sĩ phu ham đọc sách. Thường lấy việc mình lí làm đầu, nhưng vụng về lời văn. Nông dân siêng năng, khi khởi công gieo cấy, sau lại ít hay bòn xới gì, cứ để tùy theo Trời mà mùa được hoặc mất. Bá công kĩ nghệ còn thô sơ, đồ dùng thì mộc mạc mà bền. Khách buôn bán lớn đều từ ngoài đến, người địa phương chỉ buôn bán nhỏ, chuyển từ chỗ nhiều đến chỗ ít, giúp vào cuộc sống hằng ngày mà thôi. Đất nhiều sông rạch, ai cũng biết bơi lội. Người đủ 4 phương, mỗi nhà có tập tục riêng(1).

Tình cảm, tâm lí của con người ở đồng bằng sông Cửu Long thường diễn ra hằng ngày, trên mọi mặt hoạt động của xã hội. Đó là:

- Tình cảm kết bạn xóm làng với nhau, thân thiết như người nhà, không phân biết từ đâu đến hay dân tộc nào, chỉ biết sống gần nhau, sớm tối có nhau.

- Tâm lí quý khách, trọng tình nghĩa, trọng học vấn, đùm bọc người cùng địa phương là một nét chung của các dân tộc ở đây.

- Cung cách ứng xử bộc trực, thẳng thắn, dễ dãi, chí tình và những tác phong nóng nảy, không chịu khuất phục trước đàn áp và bất công, tinh thần xả thân bảo vệ người dân và lẽ phải.

Đó là những đặc trưng tâm lí xã hội chung rõ rét của người dân Tây Nam Bộ, bất luận dân tộc nào.

Tuy nhiên, từng khu vực riêng, với những đặc thù về kinh tế, xã hội, tâm lí, tình cảm cụ thể cũng có những điểm riêng. Nông dân vùng rừng và biển, tuy học vấn còn thấp, nhưng nặng nghĩa tình, hết mình vì bạn bè và người tin cậy, dứt khoát với kẻ thù (thà sống bất hợp pháp, không thích sống hợp pháp với quân thù). Nông dân vùng ruộng cũng giống như vùng rừng, biển “ăn đứng, thua nằm”, quyết sống chết với quân thù. Nông dân vườn, học thức, hiểu biết có khá hơn, sinh hoạt như tiểu tư sản thành thị; trong đấu tranh chống địch, khả năng đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp rất thích hợp.

Văn hóa dân gian

Những truyền thống tốt đẹp đó được giữ vững và phát huy cao, sau khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, biểu hiện nổi nhất trong các cuộc đấu tranh khởi nghĩa chống áp bức, bóc lột trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ.

Những hoạt động văn nghệ ở đây có tác dụng thúc đẩy sản xuất phát triển và vui chơi giải trí lành mạnh trong những ngày thường, nhất là các ngày lễ hội. Văn nghệ dân gian đã sớm phát triển, ngay từ lúc người dân đặt chân lên vùng đất mới. Đó là các điệu dân ca đậm đà bàn sắc Nam Bộ, như hò chèo, ghe, hò xay lúa, hò đối đáp… Các điệu lí, nói thơ Lục Vân Tiên. Người Khơme thì đua ghe ngo, đua bò, thả đèn gió…

Ngoài ra, còn có phong trào đờn ca tài tử trong xóm, ấp. Các loại hình sân khẩu như: hát Dù Kê của người Khơme, hát Tiều, hát Quảng của người Hoa, hát Bội của người Việt đều được nhân dân ưa thích.

Trước đây ở Gia Định thành, có gánh hát bội của Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Đến năm 1932, sau khi Lê Văn Duyệt mất, tại Bạc Liêu có gánh hát Bội của bầu An (tức Lê Bình An, 1817 - 1887).

Hát Bội Nam Bội đã một thời làm rạng rỡ các bảng hiệu truyền thống Việt Nam, từ gánh hát bầu Lê Văn Duyệt, rồi bầu An, đến sau này bầu Bòn, bầu Thắng… với những vở hát Bội nổi tiếng, như: Sơn Hậu, Kim Thạch Kì duyên (của Bùi Hữu Nghĩa).

Sau đó, cổ nhạc truyền thống Nam Bộ lại bộc phát một loạt bài bản mới sáng tác, như Sáu Bắc, Bảy Bài, rồi Ba Nam và Bốn Oán rất được ưa thích, không chỉ ở Nam Bộ mà phổ biến trong cả nước.

Nhạc sư Lê Tài Khị (tức Nhạc Khị, 1862-1924) là người Bạc Liêu, con ông Lê Bình An (bầu An). Nhạc Khị là bậc thầy, được giới cổ nhạc tôn là Hậu Tổ của nhạc truyền thống Nam Bộ.

Học trò của Nhạc Khị là:

- Cao Văn Lầu (Sáu Lầu), tác giả “Dạ cổ hoài lang”.

- Mộng Vân (soạn giả nhiều bản cải lương nổi tiếng).

Từ những năm 1910, đờn ca tài tử phát triển nhanh thành phong trào rộng khắp Nam Bộ. Thế là từ ca đến hát, dẫn đến phong trào ca ra bộ (đó là bước quá độ từ biểu diễn âm nhạc, chuyển sang biển diễn sân khấu).

Khoảng năm 1914-1915, ca ra bộ Bùi Kiệm - Nguyệt Nga của tác giả Trương Duy Toản, lần đầu tiên xuất hiện tại Phong Điền (Cần Thơ) rất được ưa thích. Sau đó Trương Duy Toản dựng lên vở hát Lục Vân Tiên (vở cải lương đầu tiên trên sân khấu Thầy Năm Tú - Mĩ Tho năm 1971(3)).

Cùng lúc đó, tại Thốt Nốt (nay thuộc thành phố Cần Thơ, từ một nhóm tài tử ở làng Trung Nhất (thị trấn Thốt Nốt) đờn hát rất hay, có năng khiếu biểu diễn (ca ra bộ) được nhiều người mến mộ, như: Trần Ngọc Đảnh, Tư Bền, Song Hỉ… Trong đó có Huỳnh Năng Nhiêu (kép Bảy Nhiêu) là một trong số những ngôi sao cải lương góp phần cùng Ba Vân, Năm Châu, Tư Trang, Phùng Hà… đưa nghệ thuật sân khẩu cải lương từ buổi non trẻ vào thời kì hưng thịnh.

Từ đó, ông Vương Có (trưởng nam của ông Vương Thiệu, chủ hãng rượu) thích văn nghệ, ca hát tài tử, bỏ tiền ra mua sắm y trang, vẽ cảnh trí, mua nhạc cụ, lập đoàn hát cải lương “Tập ích ban”. Vở diễn đầu tiên ra mắt khán giá tại rạp (thị trấn Thốt Nốt) là “Tình duyên phấn lục” (năm 1916). Tiếp theo hai kịch bản “Cô gái gia huê” (Javet) và “Tình duyên trắc trở” của soạn giả kiêm thầy tuồng Nguyễn Trọng Quyền, bút danh Mộc Quán(4).

Những năm tiếp theo các ban hát lớn tiếp tục ra đời như: Trần Đắc (1930), Hữu Thành, Phước Cương… Ban ca kịch Dân Nam và ban Đồng Tâm đều ở Cần Thơ.

Riêng đại ban Trần Đắc của ông Trần Đắc Nghĩa ở Cân Thơ, thu hút hầu hết đào kép có tên tuổi như: Phùng Há, Tư Chơi, Bảy Nhiêu, Năm Châu… nên biểu diễn được khán giả hoan nghênh, đi trình diễn từ Nam chí Bắc(5).


(1) Nguyễn Công Bình - Lê Xuân Diêm - Mạc Đường: Văn hóa và cư dân đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.
(2) Đại Nam nhất thống chí, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1969, t.II, tr.73.
(3) Trương Bỉnh Tông: Đôi nét về lịch sử văn học nghệ thuật Tây Nam Bộ, năm 1913.
(4) Soạn giả Mộc Quán (Nguyễn Trọng Quyền), sinh năm 1876, tại Trung Nhất (Thốt Nốt), làm thư kí hãng rượu của ông Vương Thiệu (cha của Vương Cổ) có Tây Học, Hán Học, ông viết truyện và làm thơ.
Ông sáng tác gần 80 kịch bản cải lương cho các đại ban như: Tập ích ban, Huỳnh Kì, Phụng Hỏa, Tân Tân… Phần lớn kịch bản này được thâu vào đĩa hát. Có vở đã trở thành mẫu mực (cổ điển), dùng để dạy ở các trường nghệ thuật Trung ương, như: Phụng Nghi Đình (1939), Những vai mẫu trong Phụng Nghi Đình đã gắn liền tên tuổi các nghệ sĩ lừng danh của sân khấu cải lương gần ngót một thế kỉ qua, như Phùng Há, út Trà Ôn, Bạch Tuyết, Thanh Nga, Ngọc Giàu…
(5) Ngô Hồng Khanh: Văn hóa nghệ thuật tỉnh Cần Thơ (Huỳnh Minh: Cần Thơ xưa và nay, Cánh Bằng, 1966).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2012, 09:13:40 am »

Trí thức và văn hóa trí thức

Cùng với văn hóa dân gian, Tây Nam Bộ đã sớm hình thành một nền văn hóa trí thức đặc sắc.

Những sĩ phu yêu nước sống ở vùng đất mới, đã gắn bỏ chặt chẽ với nhân dân, góp phần tích cực vào sự hình thành tính năng động, sáng tạo của của chủ nhân vùng khai hoang và tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng xã hội ở vùng này. Trong các cuộc đấu tranh chống áp bức của phong kiến, đế quốc, sô trí thức yêu nước luôn sát cánh với nhân dân ở mặt trận vũ trang cũng như chính trị, như: Phan Thanh Giản, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Thông, Lê Quang Chiểu, Nguyễn Thần Hiến, v.v…

Khi Pháp xâm chiếm Nam Kì, chúng đào tạo đội ngũ trí thức Tây học để phục vụ cho bộ máy cai trị thực dân. Nhưng nề văn hóa Việt Nam tiếp thụ tinh hoa văn hóa châu Âu càng giúp số đông trí thức Việt Nam khẳng định con đường yêu nước, giải phóng dân tộc và giai cấp của mình. Nhiều trí thức, sau tốt nghiệp (cả ở Pháp) không làm việc trong bộ máy cai trị, mà làm nghề tự do.

Qua các cuộc đấu tranh, khởi nghĩa, đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ, đông đảo trí thức tham gia, trong đó có nhiều trí thức danh tiếng, có những đóng góp to lớn cho kháng chiến như: Phạm Văn Bạch, Nguyễn Văn Hưởng, Phạm Ngọc Thạch, Hoàng Xuân Nhị, Ngô Tấn Nhơn…

Ở miền Tây có “Tao Đàn Chiêu Anh Các” do Mạc Thiên Tứ sáng lập từ năm 1736 đến 1771 (35 năm) ở Hà Tiên, để lại nhiều tác phẩm rất tốt, mà nhà bác học Lê Quý Đôn đã đánh giá trong Phủ Biên Tạp Lục: “Không thể bảo bằng ở hải ngoại xa xôi, không có văn chương vậy”.

Tỉnh Cần Thơ có trường Bà Đồ, do bà Nguyễn Thị Nguyệt, bút danh “Hằng Nga nữ sĩ” nối nghiệp cha anh mở lớp dạy học, quy tụ nhiều nhà thơ yêu nước, có tên tuổi: Thủ khoa Nghĩa, Cử Trị, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Thông, Lê Quang Chiểu… để bàn luận thi phú và tình hình đất nước, mà nhân dân thường gọi là Tao Đàn “Bà Đồ” từ năm 1833 đến 1910.

Ở Vĩnh Long, Văn Thánh Miếu thành lập năm 1862, có 2 bộ phận: Một bộ phận thờ Khổng Tử và các Thánh hiền, một lầu thờ các vị Văn Xương, cụ Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông, đồng thời là nơi dạy học, đọc sách, ngâm thơ, hội họp… Tháng 10-1914, được trùng tu, đổi tên Văn Xương Các.

Phan Thanh Giản, đậu cử nhân ở trường thi Gia Định, ra Huế thi Hội, là người Nam Bộ đầu tiên thi đậu tiến sĩ.

Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872), sinh tại xã Long Tuyền, Cẩn Thơ, năm 1835 thi hương ở Gia Định đậu thủ khao, được bổ nhiệm tri huyện phủ Trà Vang (Trà Vinh), trong một vụ xử kiện giải quyết quyền lợi chính đáng cho đồng bào Khơme ở Láng Thé (Trà Vinh). Người Khơme phá đập rọ của người Hoa, cuộc xô xát xảy ra, 7 - 8 người Hoa bị giết. Bọn cầm quyền ở tỉnh Vĩnh Long gửi về Gia Định, rồi sớ về triều (vua Tự Đức), tố cáo ông tự tiện giết người.

Bà Nguyễn Thị Tồn, vợ của Thủ khoa Nghĩa, đi ra Huế kêu oan. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của Lại bộ Thượng thư Phan Thanh Giản, bà Tồn vào đến vua nổi 3 hồi trống, dâng đơn kêu oan. Vua Tự Đức thu đơn giao cho Bộ hình thẩm xét. Bộ hình tuyên án “tha cho Bùi Hữu Nghĩa khỏi tử hình, song phải quân tiền hiệu lực đoái công chuộc tội”. Bà Từ Dũ Thái hậu (mẹ vua Tự Đức) kêu bà Tồn vào cung, tỏ lời khen và ban cho tấm biển 4 chữ vàng “Liệt phụ khả phong”.

Sau đó ông Bùi Hữu Nghĩa xin hồi hưu, trở về Bình Thủy, Cần Thơ mở trường dạy học, ông mất ngày 21-1 năm Nhân Dầm (1872), thọ 65 tuổi.

Thủ khoa Nghĩa là một nhà thơ, văn nổi tiếng ở miền Nam lúc đó (trước Nguyễn Đình Chiểu và Phan Văn Trị). Cụ được liệt vào một trong bốn rồng vàng ở Nam Bộ.

“Đồng Nai có bốn rồng vàng
Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi”

Ông sáng tác nhiều thơ nôm và tuồng hát (hát bội), trong đó nổi bật là vở tuồng hát bội “Kim Thạch Kì Duyên”.

Ông Phan Văn Trị, tức Cử Trị (1830-1910), sinh ở Ba Tri, Bến Tre, đậu cử nhân năm 1840. Ông là một nhà thơ, nhà giáo, thầy thuốc, là nhà yêu nước. Đặc biệt về thơ, ông nổi tiếng với 10 bài họa thơ Tôn Thọ Tường. Ông nói thẳng: “Đừng mượn oai hùm rung nhát khỉ. Lòng ta sắt đá há lung lay”… Đậu cử nhân nhưng ông không ra làm quan, sống bằng nghề làm thuốc và dạy học.

Khi giặc Pháp chiếm Gia Định, ông xuống Vĩnh Long cùng một số sĩ phu yêu nước: Đồ Chiểu, Thủ khoa Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt đề ra phong trào “tị địa” bất hợp tác với Pháp, cực lực đả kích những kẻ xu thời. Khi 3 tỉnh miền Tây lọt vào tay Pháp (1867), ông về xã Phong Điền (nay là xã Nhân Ái, Cần Thơ) dùng ngòi bút đả kích quân xâm lược và bè lũ tay sai. Ông đề cao gương anh hùng, chống ngoại xâm, ông đau lòng trước cảnh nước mất, nhà tan, nhưng vẫn tin vào tương lai của Tổ quốc, vào tinh thần bất khuất của dân tộc. Ông mất năm 1910, tại xã Nhân Ái (Cần Thơ).

Nguyễn Thần Hiến (1857-1914), con của cụ Nguyễn Như Ngươn (làm quan cùng thời cụ Phan Thanh Giản, sau khi cụ Phan tử tiết, cụ Ngươn từ chức tại Vĩnh Long, về quê Hà Tiên). Ông Nguyễn Thần Hiến (tự Nguyễn Như Khuê) làm Hội đồng địa hạt tỉnh Hà Tiên. Năm 1902, ông dời về Cần Thơ và xin từ chức để lo việc cứu nước. Ông từng gặp cụ Phan Bội Châu ở Sa Đéc và tại Nam Nhà Đường (Bình Thủy, Cần Thơ) từng đi Trung Hoa, Nhật, Thái Lan để vận động cứu nước. Cụ Hiến đã cùng ông Nguyễn Văn Thưởng, Võ Văn Thơm, lập “Khuyến dụ học hội” tại Cần Thơ, đem tài sản góp vào quỹ “du học sinh” và đã đưa nhiều học sinh sang Trung Quốc, Nhật, Pháp học.

Năm 1913, cụ Hiến từ Hương Cảng chở vũ khí về nước, bị địch bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Cụ tuyệt thực để phản đối đế quốc Pháp và hi sinh trong tù ngày 26-1-1914.

Chùa Nam Nhà Đường ở Bình Thủy, Cần Thơ, do học sinh của cụ Bùi Hữu Nghĩa là ông Nguyễn Giác Nguyên xây dựng và thờ cụ Bùi Hữu Nghĩa tại đây cùng những người yêu nước khác. Chùa này từng nuôi, chứa nhiều nhà yêu nước, như: Phan Bội Châu, Nguyễn Thần Hiến, Ngô Gia Tự, Châu Văn Liêm…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2012, 09:14:27 am »

4. Tín ngưỡng và tôn giáo

Người Việt Nam trọng lễ nghĩa, ân nghĩa giữ phần quan trọng. Nên người Việt Nam thờ trời, đất, Phật, các thần linh, các anh hùng dân tộc, thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những vị đem lại lợi ích cho Tổ quốc, cho quê hương, và cho gia đình mình. Chúng ta thấy ngoài thò tổ tiên, ông bà, cha mẹ còn thờ Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trung Trực… thờ bà Cửu Thiên Huyền Nữ, ông Địa, ông Táo, ông Thần Tái và cả ông Quan Công… Đặc biệt trong kháng chiến, nhiều đám giỗ, cúng cơm, có thêm một mâm để cúng chiến sĩ trận vong.

Đây không phải đạo Ông Bà và việc thờ cúng này không kể là tôn giáo, vì không có giáo chủ, không có giáo điều… Và trong khi thờ phụng Tổ tiên, người Việt Nam vẫn theo một hay hai đạo. Nhưng đã theo đạo nào (cả Công giáo và Tin Lành) đồng bào ta vẫn thờ ông bà, trời, Phật… Đồng bào Tây Nam Bộ cũng nằm trong tình hình này.

Sống ở vùng đất hoang vu, đầm lầy, mới khai mở, nhất là vùng có núi non kì vĩ, như Thất Sơn (còn gọi là Bảy Núi) ở Long Xuyên, Châu Đốc, trước nhiều cảnh đời gian khổ, éo le, bị áp bức, bóc lột, đồng bào ta thường gửi gắm tâm linh của mình, ở Trời, Phật, Thần thánh, nên tìm đến đạo giáo, tín ngưỡng…

Ở Tây Nam Bộ có khá đông đồng bào tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo… Riêng đồng bào Chăm theo đạo Hồi giáo…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM