Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 05:08:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lính Hà Nội Nhớ về Hà Nội ( phần II)  (Đọc 193091 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
HaHoi
Thành viên
*
Bài viết: 513


« Trả lời #450 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2013, 08:53:25 am »

Một lão điên, trẻ con HN vẫn gọi lão như thế, với cái dáng phốp pháp đẫy đà của tuổi trung niên, ...

Ai viết bài này mà hay thế !!!  Grin
Thế cái ông khắc bút ở gốc cây đa cạnh đền Bà Kiệu chỉ là đồng nghiệp chứ không phải là Thông say đúng không anh BY ?
Logged
binhyen1960
Moderator
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #451 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2013, 11:37:06 am »

Thế cái ông khắc bút ở gốc cây đa cạnh đền Bà Kiệu chỉ là đồng nghiệp chứ không phải là Thông say đúng không anh BY ?

 HaHoi! Grin

 Thật ra thì cái nghề khắc bút ở HN nó có từ thời Pháp thuộc chứ không phải là sau này đâu HaHoi ạ, đầu phố hàng Gai nơi tiếp giáp với phố Hàng Đào đi đến ngã 4 Lương Văn Can vế bên số chẵn, cả khúc đường đó san sát cửa hàng là phố kính bút xưa, rất nhiều người làm nghề khắc bút ở đây, ngay tại phố Hàng Đào cũng có nhiều nhà làm nghề này. Còn ở khu vực ven hồ Hoàn Kiếm gần bến tầu điện ra đến đền Ngọc Sơn, Bà Kiệu chỉ là những anh thợ khắc bút dạo, rất nhiều người làm nghề này kiếm thêm chứ không phải chỉ có 1 vài người, lão Thông say làm nghề khắc bút ở bờ hồ Hoàn Kiếm lúc đó cũng chỉ là một trong số những anh thợ khắc bút mà thôi. Grin

 Cả tuổi thơ của BY gắn liền với khu vực này, từ nơi ở đến trường học và vui chơi giải trí cũng chỉ quanh quẩn ở đó nên biết khá rõ một phần cuộc đời của lão Thông say. Nhiều khi ngẫm nghĩ lại thấy tội nghiệp cho lão ấy, cứ như cái "bị bông" vì bị người ta đánh kể cả có lý do và không có lý do, nhiều lúc cảm nghĩ "cực đoan" cho rằng lão Thông say được sinh ra để bị người ta đánh đập, chà đạp lên lão ấy hay sao ý? Một con người của HN mà khốn khổ như nàng Fantine trong tác phẩm của Victor Hugo vậy, nàng Fantine dù ở tận sâu cuối cùng của xã hội nước Pháp đầu Thế kỷ 19 còn thấy có ông Jean Valjean cứu giúp, còn lão Thông say thì dù ở nửa cuối Thế kỷ 20 vẫn còn thấy chịu nhiều bất công, xã hội ruồng bỏ chẳng ai cứu giúp. Một con người khốn khổ của HN mặc dù có một chút tật, một chút tài hoa.
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #452 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2013, 11:48:58 am »

Hi hi. Có một chú bộ đội đi qua, túi không có bút nhưng đầu có mũ cối. Bác Thông Say giật phắt cái mũ. Chú bộ đội há hốc mồm kinh ngạc. Chưa kịp khép miệng, chưa kịp kêu thằng ăn cướp, mũ cối đã ở trên đầu kèm theo một cái hình Tháp Rùa rất đẹp. Hoan hô bác Thông Say. Chú cho anh xin tý đi uống rượu Grin
Logged
binhyen1960
Moderator
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #453 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2013, 05:15:06 pm »

                                                               Lão Thông say và trận đòn từ trên Trời rơi xuống.

 Tối đông tháng Chạp khoảng năm 1973, thời tiết HN mưa Xuân lép nhép bẩn, cái lạnh cắt da cắt thịt, không khí Tết vẫn còn, lác đác ngoài đường thấy có những cành đào, cây quất úa tàn bị vứt bỏ, thanh niên trai gái vẫn đi chơi Xuân khoe nhau bộ cánh mới và khu vực phố Tạ Hiền thì luôn tập nập hơn, khu phố tập trung nhiều người Hoa sinh sống, những món ăn của người Hoa lúc nào cũng là hấp dẫn cả.

 Dọc theo sườn rạp cải lương Chuông Vàng trên phố Tạ Hiền có những cái hốc hình vòm ngang đầu gối người đi lại ngoài đường, bức tường này dày có tới 60cm chứ không ít, bên trong là tầng hầm của sân khấu, nơi cất giữ những phông cảnh bày trên sân khấu tuỳ theo vở diễn, từ tầng hầm này có thể chuyển phông cảnh lên sân khấu hay chuyển qua những cái lỗ hình vòm ra ngoài đường khi chuyển đi nơi khác biểu diễn. Cánh cửa thì ở bên trong nên phía ngoài đường tạo thành cái hốc vừa sâu vừa rộng đủ một người nằm thằng chân tay khá thoải mái. Chẳng biết từ bao giờ,  dân "bụi đời" cầu bơ cầu bất ở HN thường chui vào đó ngủ qua đêm, vừa che được chút mưa, vừa tránh được cái gió lùa lạnh ngắt.

 Khoảng 8h tối hôm đó lão Thông say khật khưỡng từ hướng hồ Hoàn Kiếm đi về dọc theo phố Đinh Liệt, qua ngã 4 sang phố Tạ hiền và đi dọc theo sườn của rạp hát Chuông Vàng, lão đang say và muốn tìm chỗ nằm nghỉ, lão đi bám sát vỉa hè, ngay mép vỉa ba toa, bước chân chệch choạc, hai chân lão cứ xoắn lấy nhau chực ngã, cái đích là cái hốc bên tường là nơi lão Thông say nhắm tới cũng chỉ còn vài bước chân nữa là tới nơi, nếu tới được đó thì lão thoải mái thả hồn mình "phiêu lãng" chẳng lo ai quấy dầy lão. Song sự đời thì không hề đơn giản mặc dù chỉ còn vài bước chân nữa thôi, những điều ngang trái ở đời, những bất ngờ ụp xuống đầu lão Thông say mà chính lão ấy cũng không hình dung ra nổi. Đời mà.

 Trong những bước chân cuối cùng đó có một bước chân trái của lão Thông say bước hụt khỏi vỉa ba toa, lão trượt chân ngã rúi đầu về phía trước khiến cho cả cái thân hình khá to con của lão nhao ra đường, lão loạng choạng bước thêm 1 2 bước nữa trong cái tư thế sắp ngã ấy, cái không may của lão Thông say lại là không ngã chứ nếu lão ngã lăn ra đường vấy bẩn bùn đất hết quần áo thì chưa chắc đã có chuyện, may không ngã lại là cái hẩm hiu cho lão Thông say. Cũng lúc đó đi cùng chiều với lão Thông say từ phía sau đi tới, có 2 cô gái đang đèo nhau đạp xe đạp, họ mải chuyện trò với nhau nên giật mình khi nhác thấy có người nhao ra đường, họ đồng thanh hét lên một tiếng rồi phanh xe đạp đánh két khựng lại, mất thăng bằng trong tư thế loạng choạng cả 2 cô gái ngã lăn ra đường, quần áo họ bẩn cả, họ vừa ngượng vừa tức cái lão điên khiến họ bị tai nạn và không biết trút cho ai, họ trút cả lên đầu lão Thông say mà mắng chửi: Đồ điên, đồ thần kinh. Mọi người ngồi ở mấy quán nước chè 5 xu quanh đó thấy cảnh 2 cô gái ngã lăn ra đường, quần áo bê bết bẩn thì cười chế nhạo khiến cho 2 cô kia càng tức hơn, lão Thông say thì giọng đã "nhựa" và quếu lắm rồi chả nói được câu nào, mắt nhắm hy hý cứ giơ tay ra điều trình bày: Tôi không cố ý, tôi không liên quan.

Cũng vừa lúc đó có 2 xe đạp của 3 thành niên đèo nhau đi tới, 3 thanh niên thấy 1 lão say quần áo không bẩn bùn đất với 2 cô gái bị ngã xe đạp thì nghĩ lão say trêu trọc gì đó gây tai nạn cho họ, sẵn máu sĩ với gái 3 thanh niên này chẳng điều tra hỏi han gì cả, họ dựng xe giữa đường mà nhao vào đánh lão Thông say. Thôi thì họ đánh lão Thông say văng từ dưới đường lên hè phố rồi từ hè phố đánh văng xuống đường, lão Thông say ngã dúi ngã dụi bật từ góc này qua góc khác, lão ngã lăn ra mép cống còn bị 3 thanh niên này nhảy lên đạp chân vào ngực thình thịch như gõ trống. Lão Thông say mũi, mồm miệng cứ ồng ộc máu tuôn ra, miệng lão phun phì phì nhè ra rớt rãi toàn máu là máu, chưa ai thấy lão Thông say kêu khóc bao giờ, vậy mà hôm đó lão la làng, kêu Trời Đất cứu lão. Lúc đầu lão còn thanh minh: Em có làm gì đâu. Rồi sau thì: Xin các anh tha cho em. Và cuối cùng thì: Các ông các bà ơi cứu con với. Sự việc diễn ra quá nhanh khiến cho tất cả mọi người ngồi quanh đó không kịp phản ứng, từ ngơ ngác họ chuyển sang ngạc nhiên và hiểu được sự việc đang diễn ra, nhốn nháo cả một khu phố.

 Cũng lúc đó ở cửa hàng ăn uống Tạ Hiền có 4 5 anh bộ đội từ trong đó đi ra, đầu họ đội mũ tai bèo nói tiếng giọng miền Nam, nhác thấy 3 thanh niên đang xúm vào đánh một người lăn long lóc ra đường mà người đó thì không hề chống trả, đánh lại, chỉ kêu khóc van xin rất thảm thương, động lòng họ nhảy vào can thiệp, họ văng ra đủ thứ tiếng Đan Mạch bằng âm giọng miền Nam, họ tả xung hữu đột với 3 thanh niên kia. Thế trận lại đảo lại 100%, 3 thanh niên kia lại là những cái "bị bông" cho 4 5 anh bộ đội quần thảo thẳng tay. Cứ ầm ầm nhốn nháo cả, mọi người xúm đông xúm đỏ vào xem. Thế rồi CA cũng vào cuộc, họ mời tất cả lên đồn CA giải quyết, hỏi 2 cô gái kia đâu rồi, chẳng ai biết, trong lúc nhốn nháo ấy thì 2 cô gái kia đã bỏ đi từ lâu rồi, 3 thanh niên kia thì bị ăn đòn no, họ dúm dó xưng mặt xưng mày vì làm "bị bông" mà không dám đánh lại, lão Thông say thì "thảm thương" nhất, lúc đó vẫn còn say và không hiểu tại sao mình bị ăn đòn, chỉ có 4 5 anh bộ đội là chẳng sao cả, họ vào đồn CA một lúc thì được cho về, số còn lại bị giữ tới ngày hôm sau.

 Chuyện lão Thông say bị ăn đòn oan được nói đến suốt một thời gian dài, nhiều người thở đánh thượt khi nghe hết sự việc, họ thương cảm cho một thân phận, một con người, muốn đi tìm nơi bình yên để ngả cái lưng sau 1 ngày vạ vật, lang thang kiếm ăn trên đường phố cũng không xong, để rồi bị đánh đập rất tàn nhẫn một cách vô lý. Lão Thông say cứ vạ vật quăng quật bản thân mình như thế đấy, rượu phá nát đời lão, người đời băm bổ cuộc đời lão như vậy đấy. Ấy thế mà lão ấy vẫn khoẻ như trâu chẳng thấy ốm đau bao giờ, "tai nạn" vậy đấy mà mấy ngày sau lại thấy lão ấy khắc bút ngoài bờ Hồ Hoàn Kiếm và lại thấy lão say, lại bước thấp bước cao liêu siêu lảo đảo đi trên đường phố. Trời sinh voi, Trời sinh cỏ chăng?
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Bảy, 2013, 05:27:27 pm gửi bởi binhyen1960 » Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #454 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2013, 06:43:49 pm »



Nghe bác Zinbacau và bác thaiminhhung nhắc, tôi mới nhớ lại ngày xưa. Ngoài ông Lê mù bán sáo (ông thổi sáo hay tuyệt, chính vì nghe ông thổi sáo bài Anh vẫn hành quân mà tôi đã mua 1 cây về học, tất nhiên không thành công lắm)  Grin ở khu vực này còn những “dư bóng” khác nữa, nhưng đều là những mảnh ghép không thể thiếu cho bức tranh Bờ Hồ.

Đó là 1 ông thợ cắt tóc, vốn là 1 nhà văn nổi danh chuyên viết chuyện ngắn. Nhưng gặp tai nạn bút mực gì đó nên hành nghề cắt tóc.
..........



Đây ông ấy đây:

Nhà văn Nguyễn Dậu

Bác Nguyễn Dậu có bút ký Rùa Hồ Gươm rất hay. Mà bác ấy vốn là người Hải Phòng đấy, như danh ca Trần Khánh, nhạc sỹ Trần Quý, ca sỹ Tiến Thành v.v.... Bác ây mất năm 2002 rồi.

Tiểu sử:
http://thuvienhaiphong.com.vn/vn/index.asp?menuid=661&parent_menuid=658&fuseaction=3&articleid=5660

Đọc thêm:http://vanthoviet.com/news/n/498/2496/

Nhà văn: Nguyễn Dậu và sức sống của ngòi bút
Bà i viết của Vũ Quốc Văn
 
Vậy là Nguyễn Dậu đã giã biệt cuộc đời, gia đình, người thân, bầu bạn cùng độc giả từng đọc văn chương ông ngót một thập niên nay rồi.
Ông mất ngày 24 tháng 7 năm 2002 tại Hải Phòng sau vừa đúng bảy mươi hai năm cuộc đời, có vài chục năm dấn thân binh nghiệp, cống hiến văn chương nghệ thuật, rồi gặp rủi xui nghề nghiệp đến hồi sắp được minh giải thì lại lâm cơn bạo bệnh vội vàng trở về với cõi xa khuất muôn trùng. Âu cũng là tại đấng cao xanh bắt vậy, cưỡng làm sao được trước nỗi mong manh của mỗi phận người.
Vẫn biết đời người là hữu hạn nhưng không hiểu sao mỗi lần nhớ, mỗi lần nghĩ đến nhà văn Nguyễn Dậu tôi cứ thấy tiếc thấy thương ông lắm lắm.
Năm 2000, Tạp chí Cửa biển của Hội Văn học Nghệ thuật Hải Phòng cử tôi đi gặp Nguyễn Dậu để viết bài đúng dịp nhà văn tròn tuổi 70. Ngụ ý của việc này được hiểu là thay một món quà mọn mừng thọ của giới văn chương Đất Cảng tặng ông sau bao năm đi xa nay hồi hương về quê cũ.
Một sớm đầu mùa hạ tôi đến con ngõ nhỏ đầu cầu Niệm tìm Nguyễn Dậu. Hỏi thăm ai người ta cũng trả lời không biết! Đôn đáo ngược xuôi mãi rồi cuối cùng tôi cũng tìm gặp được ông, nhưng không phải là bằng cái danh xưng nhà văn, mà ở đây người ta chỉ biết có một ông già tên Song ( tên khai sinh của Nguyễn Dậu là Nguyễn Ngọc Song, gọi theo họ mẹ là Trương Mẫn Song) làm nghề thuốc thôi. Tôi thầm reo lên, tôi đã tìm đúng địa chỉ và người cần tìm rồi.
Dạo đó, nhà văn Nguyễn Dậu về sống hẳn ở Hải Phòng với vợ con sau nhiều chục năm xê dịch. Và để tăng thu nhập cũng là bù thêm cho suất tiền lương hưu ít ỏi của cán sự một mà Nguyễn Dậu đang hưởng, nên ông có làm thêm nghề thuốc Nam hay thuốc Bắc gì đó).
Nghe nói Nguyễn Dậu là người kỹ tính, ít lời, trước khi gặp ông tôi cũng lo ngại lắm. Nhưng thật may, chỉ sau vài giây diện kiến Nguyễn Dậu thì ông đã liền mở lời buồn rầu thông báo với tôi rằng: " Mình vừa bị tai biến, may mà trời còn thương chưa gạch tên trong sổ thiên tào. Có điều buồn nhất là tay mình bây giờ có thể cầm được vật nặng như kìm, búa, nhưng không thể nào cầm được chiếc bút mà viết vì bút là vật nhỏ quá nhẹ quá mà. Còn giả như mình có cái máy chữ, nhưng tay chân lẩy bẩy thế này cũng không thể mổ cò, mà có cố mổ cũng chẳng ra chữ được đâu cậu ạ!
Tôi biết xưa nay Nguyễn Dậu vẫn là người viết khỏe, viết đều mà còn viết rất nhanh nữa. Nhất là từ cái dạo ông "tái xuân văn” , ông cặm cụi ngày đêm viết không biết dừng, biết mỏi, cứ như thể ông viết bù viết trả nợ cho thời gian đứt quãng, biệt tăm của mình.
Nguyễn Dậu học hết Supserieux Jean Dupuis rồi xung phong vào bộ đội. Học nhiều năm ở trường thiếu sinh quân Liên Khu Ba. Sau đó ông được cử sang Trung Quốc học. Về nước, Nguyễn Dậu trở lại quân ngũ chiến đấu trên khắp các mặt trận Bắc Bộ. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Nguyễn Dậu được điều về Phòng Văn nghệ thuộc Tổng Cục chính trị công tác. Nguyễn Dậu thông thạo Pháp văn và Hán văn nên ông tham gia dịch thuật văn học Pháp và văn học Trung Quốc rồi chuyển sang viết văn. Đôi lúc Nguyễn Dậu cũng làm thơ, viết tấu hài, chèo, kịch nói, nhưng viết văn vẫn là nghiệp chính đeo đuổi suốt đời ông.
Nguyễn Dậu viết văn từ lúc 25 tuổi (1955). Và chỉ trong một thời gian rất ngắn ông đã có hàng loạt tập truyện ngắn và tiểu thuyết trình làng. Đó là các cuốn Ánh đèn trong lò- Nhà xuất bản Văn học, 1955; Những phút ngập ngừng- Nhà xuất bản Văn học, 1956; Tiểu thuyết Nữ du kích Cam Lộ- Nhà xuất bảnThời mới, 1955; Tiểu thuyết Đôi bờ- Nhà xuất bản Thanh niên, 1957; Tiểu thuyết Mở hầm ( hai tập) Nhà xuất bản Thanh niên, 1959. Bộ tiểu thuyết này đã làm nên một tên tuổi Nguyễn Dậu trên văn đàn nhưng nó cũng mang đủ những khen chê phán xét phiền toái ồn ào hồi thập niên 60 thế kỷ trước.
Có lẽ những gặt hái thành quả đầu tiên này đã thôi thúc Nguyễn Dậu càng thêm mạnh dạn, tin tưởng dấn thân vào sự nghiệp văn chương. Ông cũng là một trong số rất ít nhà văn trẻ thời ấy dám từ bỏ cuộc sống phố phường Hà Nội, lôi tha cả vợ con theo mình về tận vùng than Cẩm Phả để lao động và viết văn.
Những người thợ mỏ thấy Nguyễn Dậu là người lanh lợi liền bầu ông làm tổ trưởng tổ cuốc than trong hầm lò Thống Nhất. Ngoài thời gian đi lò về đến nhà Nguyễn Dậu lại ngồi vào bàn cặm cụi ghi lại những cảm xúc, góp nhặt những chi tiết đời sống để thai nghén nên tác phẩm của mình.
Hai năm lăn lộn ở vùng than Nguyễn Dậu trở thành một thợ lò thực thụ. Rồi đến một ngày ông bị tai nạn lao động buộc phải bỏ nghề. Nhưng nhờ có thời gian làm thợ cuốc than ấy đã giúp Nguyễn Dậu viết nên bộ tiểu thuyết Mở hầm. Và dù là thiên tiểu thuyết ấy có lúc đã gặp phận cảnh chìm nổi lênh đênh, nhưng đến nay những người am tường văn học Việt mỗi khi nhớ lại thời kỳ đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc vẫn thấu hiểu và không quên nhắc đến những tác phẩm như Mở hầm của Nguyễn Dậu, Phá vây của Phù Thăng, và coi đó như là một ghi nhận về những cuốn sách của một thời đã qua.
Không còn đủ sức khỏe đi lò cuốc than nữa, Nguyễn Dậu trở về Hà Nội tiếp tục tìm cho mình một cuộc phiêu du mới. Ông vẫn quyết đeo đuổi đồng hành cùng nghiệp văn chương mơ ước của mình.
Lần này Nguyễn Dậu lên mỏ thiếc Tĩnh Túc, về Hải Phòng, rồi vào Khu 4, đến công trường, xưởng máy, trận địa thâm nhập tế, tìm hiểu lấy tài liệu sáng tác .
Nguyễn Dậu có mặt ở hầu khắp các vùng đất máy bay Mỹ bắn phá ác liệt nhất ở các trọng điểm cầu Bùng, cầu Gíat, phà Ghép…vùng Thanh Nghệ như là một phóng viên chiến tranh. Trong suốt những tháng ngày ngút trời bom đạn sục sôi khí thế chiến đấu ấy, Nguyễn Dậu bất chấp hiểm nguy, quên hết mọi nỗi riêng tư sống chết, dành toàn bộ tâm lực cho khát vọng lớn của mình là đi, sống và viết.
Trước cũng như trong thời gian này Nguyễn Dậu lại tiếp tục công bố dồn dập các tập truyện ngắn mới Huệ ngọc, Trở lại đảo ở Nhà Xuất bản Phổ thông; Người ngoại ô- Nhà xuất bản Văn học, cùng với hàng trăm bài báo phản ánh không khí chiến đấu nóng hổi ngoài tuyến lửa nơi mình đang bám trụ.
Ngoài viết văn, Nguyễn Dậu còn hăng say dịch. Từ năm1954 đến năm 1963 ông đã dịch 10 cuốn sách. Nguyễn Dậu cũng là số ít những dịch giả chuyển ngữ các tác phẩm văn học Việt sang Trung văn.
Nhìn lại số đầu sách của Nguyễn Dậu xuất bản từ thời còn trai trẻ, bỏ qua thời gian dài lặng lẽ đứt quãng tới hồi ông tái viết lại ( khoảng thập 80) tính phải đến cả chục nghìn trang sách, đó quả là một sức làm việc đáng nể vô cùng. Chỉ trong gần chục năm cuối thế kỷ trước, Nguyễn Dậu lại lần lượt cho ra đời một loạt các tập truyện ngắn: Con thú bị ruồng bỏ- Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1988; Rùa hồ Gươm- Nhà xuất bản Hà Nội, 1990; Hương khói lòng ai- Nhà xuất bản Văn học, 1994; Đôi hoa tai lóng lánh- Nhà xuất bản Văn học, 1995; Phật tại tâm- Nhà xuất bản Văn học, 1995; Bảng lảng hoàng hôn- Nhà xuất bản Văn học, 1997. Và cũng dịp này Nguyễn Dậu còn cho công bố cuốn tiểu thuyết Nhọc nhằn sông Luộc dài sáu trăm trang, tác phẩm này đã được thành phố Hải Phòng trao giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm, một giải thưởng văn nghệ có uy tín của địa phương này. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của đời ông. Gần như trong cả cuộc đời của Nguyễn Dậu ông giành hết cho công việc viết ra những trang văn mà ở đó mỗi con chữ đều được rút ra tự tâm hồn ruột gan mình.
Về điều này nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình có lần đã biểu dương Nguyễn Dậu, với những nhận định đánh giá đầy yêu mến và trân trọng về văn chương ông: " Bút lực của nhà văn có tuổi này là dường như còn rất dồi dào. Dồi dào không phải chỉ ở chỗ viết khỏe, in đều mà cái chính là ở văn phong, ở lối nhìn, cách nghĩ, ở cả phía khai thác đề tài, đối tượng miêu tả. Ông nói về con người với cả sự từng trải, chiêm nghiệm của ông. Đọc truyện ngắn Nguyễn Dậu chúng ta chẳng thấy những điều triết lý to tát mà dường như chúng ta luôn nhận được những bài học về cuộc sống lăn lóc đầy khổ đau của con người trong thế giới người. Và đọc ông, mỗi người thấy yêu thêm đồng loại, thấy tin tưởng ở sức mạnh tiềm ẩn cũng như sự trong sáng vốn có của chính mình để vượt qua thử thách, để hướng tới ánh sáng ngay cả khi ở trong những góc tối tăm nhất”.
Nhưng cuộc đời vẫn luôn náu ẩn những khúc khuất quanh co không ngờ trước. Nguyễn Dậu đang công tác thì bỗng gặp " một tai nạn nghề nghiệp ngoài ý muốn” ông phải về nghỉ hưu non lúc mới 40 tuổi. ( Sau này, vào những năm cuối thế kỷ trước đầu thế kỷ này cơ quan hữu trách đã có những văn bản chính thức minh định, đề nghị phục hồi quyền lợi chế độ bậc nghạch công chức và tiền lương của Nguyễn Dậu bị hạ truất vì " cái tai nạn” ngày trước).
Trở về với cuộc sống thường dân phố thị, vì mưu sinh Nguyễn Dậu phải làm đủ nghề để kiếm sống. Ông ngồi vạ nơi vỉa hè bán dép, làm thợ cắt tóc rồi đi câu… kiếm tiền đắp đổi qua ngày.
Tưởng rồi cái cái nghiệp kiếp văn chương vĩnh viễn lánh xa ông mãi mãi. Nhưng hình như cái số trời định vẫn còn đó nên chữ nghĩa từ lâu tàng ẩn đâu đó lại dập dìu kéo về rủ rê Nguyễn Dậu tái duyên văn. Không tự ái ngần ngại hay thoái thác, Nguyễn Dậu lại hồ hởi đắm say cầm bút viết.
Trong thời gian vật vã bươn trải kiếm sống kia, trong cái khoảng lặng cuộc đời cùng chuỗi thời gian dằng dặc vui ít cực nhiều kia, không ngờ lại tạo ra nguồn cảm xúc sáng tạo đầy trào trong tâm hồn Nguyễn Dậu. Ông đã trút ra đầu ngọn bút viết được thật nhiều những thiên truyện ngắn ám ảnh hấp dẫn đến mức kinh điển. Trong rất nhiều những thiên truyện ngắn dung dị đầy chất đời sống nghiệm sinh, nhân văn, minh triết ấy tôi thích nhất truyện ngắn Mặt nước sóng sánh của ông. Thiên truyện đó mê dụ tôi bởi nhiều lẽ, nhưng hơn hết là vì những con chữ thật giản dị, thật lấp lánh, nó dường như được chắt ra từ đáy hồn chân thành của một con người từng trải tài hoa và thấu tỏ nỗi đời.
Nguyễn Dậu đã sống và viết như thế với cả niềm đắm say và hết sức vô tư suốt cả cuộc đời ông. Gía trị những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Dậu để lại cho văn học và cho độc giả nước nhà chắc chắn rồi đây sẽ được các nhà phê bình văn học, các nhà biên niên lịch sử văn học và thời gian phẩm bình đánh giá.
Là một người yêu văn học, tôi xin được nêu ra những cảm nhận, thêm nữa là một ước muốn hay là một đề xuất có thể là rất chủ quan rằng: nếu nay mai có một cuốn sách nào đó ghi danh những người cầm bút giàu nhiệt huyết, dám dũng cảm dấn thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho công cuộc xây dựng đất nước, cho nền văn học Việt Nam thì nên chăng hãy ghi tên cho nhà văn Nguyễn Dậu. Ông rất xứng đáng là một người được tôn vinh trân trọng như thế./.
 
Kiến An, gày 22 tháng 4 nămn 2011
Vũ Quốc Văn- 409 Hoàng Quốc Việt
Quận Kiến An- Thành phố Hải Phòng
ĐT: 0985. 99 33 29

Nào thì khắc bút, bài của Vương Tâm:

http://petrotimes.vn/news/vn/xa-hoi/nhung-nguoi-giu-hon-ho-guom.html



Đánh giày:


Bán nước:


Nuôi Rùa Hồ Gươm:
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Bảy, 2013, 07:00:51 pm gửi bởi qtdc » Logged
tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #455 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2013, 10:58:46 pm »


Bác Nguyễn Dậu có bút ký Rùa Hồ Gươm rất hay. Mà bác ấy vốn là người Hải Phòng đấy, như danh ca Trần Khánh, nhạc sỹ Trần Quý, ca sỹ Tiến Thành v.v.... Bác ây mất năm 2002 rồi.


Vậy là Bác thợ cắt tóc bên cạnh đền Bà Kiệu năm nào đã ra đi. Dẫu số phận chìm nổi, nhưng ông đã để lại cho cuộc đời này nhiều lắm...
Trong số văn nghệ sĩ quê Hải Phòng có thời gian dài gắn bó với Hà Nội, không thể không nhắc tới nhạc sĩ Văn Cao. Mà cũng thật lạ, những văn nghệ sĩ có tài thì sinh ra và lớn nên ở khắp mọi nơi. Nhưng họ trở nên rực rỡ, lung linh hơn dưới ánh sáng Đô thành.

Nguyễn Bính là nhà thơ thiên phú quê Nam Định. Nhưng ông khó thành công với những Tâm hồn tôi, Lỡ bước sang ngang nếu ông không ra Hà Nội. Hoặc Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Huy Cận...vv và rất nhiều văn nghệ sĩ khác nữa.

Hà Nội cũng là bến đỗ cho những văn nghệ sĩ gặp lúc khó như Phùng Quán, Nguyễn Dậu...

Ngày ngày, trên những con phố ồn ào tấp nập người qua lại. Hay những con ngõ nhỏ dích dắc rất khó tìm một địa chỉ nhà. Có biết bao người đã hoặc đang lặng lẽ cống hiến, cho cuộc đời những giá trị tinh thần không dễ gì đong đếm được.
Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #456 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2013, 11:29:15 pm »

Bác tuanb5 ạ, thế mới gọi là thủ đô. Mọi con đường đều dẫn đến Rô-ma mà. Cũng như người ta vẫn nói Xứ Thanh là đất Vua Chúa của Việt Nam. Cả Vua Lê, Chúa Nguyễn, Chúa Trịnh đều từ Thanh Hóa mà ra. Nhưng các vua chúa ấy không chịu làm vua làm chúa ở Thanh Hóa mà toàn ra thủ đô làm vua.  Grin
Logged
tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #457 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2013, 11:57:21 pm »


Cám ơn bác qtdc nhắc tôi mới nhớ ra. Đúng là Thanh Hóa có nhiều Vua thật.

Trước đây nhắc tới Thanh Hóa, tôi chỉ nhớ đến mỗi mình nhà thơ Hữu Loan. Grin
Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #458 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2013, 12:02:39 am »

Hi hi, bác tuanb5 ạ, theo sấm truyền 40 năm nữa từ Xứ Thanh rồng sẽ đưa Việt Nam bay lên. Ta có các trung tâm văn hóa-chính trị, kinh tế v.v... Nhưng trung tâm kinh tế thì dễ, còn trung tâm văn hóa thì khó. Đơn cử như Đà Nẵng là trung tâm mới nổi về kinh tế xã hội, nhưng để thành trung tâm văn hóa như HN, SG, hay Huế thì còn lâu.
Logged
tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #459 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2013, 12:24:28 am »


40 năm nữa thì...hơi lâu nhỉ? Grin Nhưng thế cũng tốt!

Thanh Hóa trở thành trung tâm mạnh- Kinh tế chẳng hạn- thì cũng như hồi Thế kỷ 15 mà thôi. Lúc ấy Hà Nội (Đông Đô) vẫn là trung tâm quan trọng nhất của Quốc gia. Mặc dù Tây Đô (Thanh Hóa)  là Kinh thành của Vương triều nhưng dân ta vẫn gọi là Thành nhà Hồ đấy thôi. Grin
Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM