Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:54:00 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tôi chết, bắt đầu một thế giới sống  (Đọc 39178 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #20 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2012, 09:22:16 pm »

15.

Ông Hiệu: Chúng tôi đã đánh thắng trực thăng hai trận vào năm 1969 và 1970. Cá lẹp, đầu đỏ là hai loại trực thăng chiến đấu. Trên chiếc “đầu đỏ” đã có đại liên bốn nòng. Khi nó oanh tạc, mật độ dày, sát thương lớn. Có thể nói cú 2-3cm là chạm phải đạn nó rải đầy. HU1A đổ bộ. Còn Cá rô thì trinh sát. Sở dĩ phải “đi không dấu – nấu không khói – nói không to” là thế. Ban đêm quân ta đi lại, sáng phải lấy lá cây rải phủ các đường mòn. Nhưng Cá rô thổi gió xoáy cây rừng dạt ra như gặp bão. Lá rải bay hết, lộ ra con đường mòn, chỉ trừ lá có mối ăn tự nhiên. Khi đã lộ ra con đường vào cứ, nó sẽ theo đó mà xoáy tung lên.

Có hai trận đánh Cá rô. Giữa rừng Bời Lời gần quân y C7, căn cứ của trung đoàn. Bữa đó Cá rô “thổi” vào đến tận trung tâm căn cứ, phát hiện từng cái hầm. Tiểu đoàn hạ lệnh phải hạ cho được tên trinh sát nguy hiểm này, không cho nó kêu máy bay oanh tạc tới dập căn cứ. Lúc nó xoáy thổi, không khí cũng khó thở, rất căng thẳng. Ta bắn nó rớt. Khi chiếc Cá rô rớt, đám trực thăng vội lao theo nơi Cá rô rớt, để bắn thành hàng rào xung quanh, không cho quân ta đến gần. Một Cá rô chỉ có khẩu đại liên thò ra cứ, hai lính Mỹ đỏ lòm thò ra chỉ tay bắn hoặc vụt cả lựu đạn xuống hầm. Nó nhẹ, nhỏ như cái tắc xi, có thể đứng một chỗ. Trinh sát thì hiệu quả, nhưng có thế yếu là ta bắn rất dễ. Lần sau ở rừng Suối Nhánh, năm 1970 cây thưa, anh em khoảng mười người đang uống nước thì nó “é” tới. Mọi người giải tán xuống hầm. Nó vòng quay lại, hai lính Mỹ đỏ lòm lăm lăm súng, đang chỉ tay xuống. Tôi hạ lệnh anh Hai Kẽm bắn tiểu liên lên. Nó loạng choạng cháy ra xa. Lũ phản lực bay theo để bảo vệ Cá rô. Anh em tránh xa vào rừng sợ nó quay lại ném bom. Trận đó anh Hải Kẽm được thưởng huân chương chiến công hạng 3.

Ông Ca: Nếu mặt đất không cây, Cá rô sà xuống có thể bay theo từng đường mòn, có thể hạ xuống cách công sự 3-4m. Gió mạnh lắm. Hồi đó có phong trào các đơn vị thi đua săn Cá rô. Đại đội tôi ở rừng Bời Lời. Mỗi đại đội có một tổ đi săn Cá rô. Tôi bố trí hai khẩu AK: đồng chí Kháng, đồng chí Hán phụ trách, sáng sớm đã ra bìa rừng đón “cá”. Ngày đầu nó bay cao, tổ phải về không. Sang ngày thứ hai cũng vậy. Ngày thứ ba chúng tôi cắm cây, đội nón bù nhìn để nhử nó tới. Khoảng chính, mười giờ sáng đó, nó theo hướng từ Đồng Dù vào đến bìa rừng. Tôi ở một công sự chỉ huy – hai đồng chí kia ở một công sự, hai mũi súng chĩa ra hai hướng – Tôi hô: “Nó tới. Chuẩn bị”. Tôi bắn K54 lên để hỗ trợ thôi, nghe công sự bên nổ một loạt AK. Nó bay khoảng năm mươi mét thì xịt khói và đến suối Bà Tươi thì lửa bùng lên. Tôi bò lên cùng hai đồng chí kiểm tra súng xem từ khẩu nào đã hạ máy bay, thấy chính khẩu của đồng chí Kháng. Vậy là chúng tôi đã hạ được Cá rô. Đơn vị đề nghị huân chương cho đồng chí Kháng. Còn như tôi chỉ huy sẽ chỉ được bằng khen thôi, nhưng đến nay vẫn chưa có.

Ông Hiệu (cười): “Ngày 12-11-1969 – trận phục kích tàu thủy trên sông Sài Gòn tại rừng Bà Nhã. Lực lượng ta đóng quân trên vùng Dầu Tiếng mở chiến dịch. Địch dùng mọi biện pháp ngăn chặn, sử dụng sông Sài Gòn để rải lực lượng ngăn các khu rừng liên tiếp ven sông. Chúng dùng bốn tàu đi tuần tiễu từ hướng Bến Cát lên Dầu Tiếng không cho ta qua sông vận chuyển. Trước lúc tàu đi, thường có máy bay hai, ba chiếc đi trước dò đường, bay khá thấp. Những con tàu có khi mở máy lớn, có lúc tắt máy êm ả thả trôi theo dòng một cách bí mật lặng lẽ để rình chộp bất ngờ bộ đội vận chuyển hoặc vượt sông. Trên mỗi tàu đều có súng 37 ly. Lệnh của tiểu đoàn là diệt bốn tàu này. Ta sử dụng hai cây DK2, một trung đội với hỏa lực chủ yếu B40, B41 với AK yểm trợ”. Họ ém quân ở khúc quanh của sông, ở phía bên hoắm vào gần bờ cho tàu phải đi sát. Đào hai tuyến hầm: một sát bờ sông, một sâu phía trong một khoảng một trăm mét, chờ đánh lúc tàu quay về cho biết chắc chắn là bao nhiêu cái. Họ bắn cháy chiếc đi đầu và chiếc đi sau cùng. Điều này khá quan trọng, đẩy hai chiếc đi giữa ở vào tình thế nhìn trước nhìn sau đều bị đánh cả. Sự chống cự trên tàu khá sơ sài. Nhưng chắc chắn sẽ có hỏa lực yểm trợ hoặc quân đổ bộ được điều đến. Và quả đúng như hướng phục kích đã dữ đoán: quân Mỹ đổ bộ xuống đã bị tiêu diệt gọn. Đây là trận đánh thắng lợi, diệt nhiều lực lượng địch, quân ta không có thương vong. Đây cũng là trận đánh đem lại phần thưởng cao nhất của tiểu đoàn: Huân chương quân công hạng 3.

Trận đánh xe tăng ở Bầu Điều xã Phước Hiệp, Củ Chi là một trận đánh chặn việc của địch. Lệnh cấp trên yêu cầu tiểu đoàn dàn trận đón đường đánh chặn. Hai đại đội bộ binh hành quân xuống lúc mười hai giờ đêm, đào công sự ngụy trang xong thì vừa sáng. Anh em ăn cơm nắm xong, chuẩn bị vào trận. Vì đánh xe tăng có hỏa lực mạnh, nên phải đánh gần. Xe đến cách công sự khoảng ba mươi mét thì bộ đội nổ súng. Chúng không đi trên đường mà đi cặp dưới ruộng. Đến gần làng, chúng triển khai xe lên hàng ngang chuẩn bị qua làng. Bộ đội nổ súng, cháy ba xe tại chỗ. Chúng dùng phái xe tăng 90 ly, 12 ly 7 bắn trả dữ dội, kêu máy bay tới bắn hỏa tiễn vào phòng tuyến. Đại liên bộ đội hạ một máy bay. Chúng tiến công đợt hai, cháy thêm hai xe nữa. Đợt ba chúng phá thủng phòng tuyến nơi có thương vong, chọc vào gần chỉ huy sở của tiểu đoàn đang dùng một nhà dân làm đài quan sát.

Ông Hiệu: Tôi vạch ngói mái nhà nhỏ lên quan sát, thấy xe tăng tiến gần. Đồng chí Nguyễn Văn Binh trung đội trưởng cùng anh em trong trung đội dùng B40 vận động ra theo các bụi tre, từng căn nhà đến sát xe tăng đánh thủ pháo dù. Quân ta diệt thêm bốn xe nữa. Nó không dám tiến sâu vào vì tiêu hao quá nhiều. Chiều xuống, xe chúng cụm lại giữa đồng, dùng hỏa lực bắn rất dữ dội. Kết quả trận đó ta diệt mười hai xe và hai máy bay. Tôi nghĩ cậu Binh trong chiến công này lẽ ra đáng phong anh hùng. Cậu đã hy sinh rất dũng cảm. Với hai đại đội, quân ta đã chặn 70-80 xe tăng của địch suốt một ngày.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #21 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2012, 10:23:40 pm »

16.

Trận Bầu Me – Gia Lộc: một tiểu đoàn của ta đọ sức vơi hai lữ đoàn (chiến đoàn) quân tinh nhuệ Mỹ. Đây cũng là thời gian bộ đội đánh trận liên tiếp: trong bảy ngày đánh tới hơn chục trận.

Ông Giản: Chúng tôi rút quân về Bàu Me – Gia Lộc, Trảng Bàng, sáng hôm sau bị lộ, bộ đội đang nghỉ ở nhà dân, thì hai chiến đoàn quân Mỹ đã vây tròn ngoài làng. Trời mưa lất phất, pháo bắn dữ dội. Chúng tôi có cối 82, đại liên 12 ly 8, B40, B41. Khi địch vào gần, cối 82 ta bắn. Máy bay đầy trời. Anh em ta bắn, để khỏi lộ địa điểm, một người bắn, một người giữ khói: lấy bồng (ba lô) chụp lại cho khói tiêu đi dần. Đến khẩu đại liên, đồng chí Hùng tiểu đội trưởng có sáng kiến vừa bắn, vừa có người lôi lại. Lúc rút quân, rất tiếc lá lần đó phải chôn súng lại vì phải phá vây. Ở hướng đại đội 2 đã phải đánh ráp lá cà với những tên Mỹ to tướng, lỉnh kỉnh trang bị súng ống. Chúng tôi cầm cự được là nhờ trời mưa. Trận ấy đồng chí liên lạc bị hy sinh – chúng tôi được lệnh tập kết về Trảng Nguồn, mỗi người tùy địa hình mà phá vây rút về điểm tập trung.

Ông Lê Thanh Tùng: Tôi nhớ trận Bầu Me – Gia Lộc hình như khác các trận khác, nó không phi pháo ngay từ đầu. Tôi nhớ phía mũi quân của tôi: ruộng khô nứt nẻ - Xích tới bên này là trảng, có thể nhìn thấy đường đất đỏ. Sau khi nổ súng, bên tôi khá yên tĩnh. Chỉ thấy bom đạn phía sau lưng. Tôi biết cả tiểu đoàn lần này đánh nhau to. Đụng ác liệt với Mỹ rồi. Bên tôi lúc đó chưa có bóng dáng thằng nào, nó chưa vây khép phía này. Khoảng một tiếng rưỡi sau mới bắt đầu. Thế là suốt từ chín giờ ba mươi đánh đến tối luôn. Từng đoàn trực thăng nối nhau đổ thêm quân, cách khoảng hai trăm mét. Giá lúc đó bọn tôi chủ động đánh thì ngon. Nhưng “ngu”đến bốn giờ là thông minh rồi, vì thấy đến lúc đó nó vẫn đổ thêm rất nhiều quân để đủ bọc kín vòng vây. Chúng tôi nghĩ: nó chọc sườn đánh mình – Cứ ngồi đây không được, bèn rời công sự, bọc lại đánh chắn đầu nó luôn. Chúng tôi đụng Mỹ ngay giáp mặt – Ven làng, khoảng nửa tiếng sau tôi chỉ thấy lửa của trái M79, vai ê không cử động được. Đồng chí Oánh đại đội trưởng nói tôi lui vào, dù không có công sự. Bắn nhau hai chập nữa thì tối. Nó êm. Chúng tôi tìm lối rút ra, nhưng không có đường, vì ra lối nào cũng đụng chúng còn bao vây. Lúc đó tới hai trung đội bộ đội rút vào một nhà, có hầm khá to. Nhưng pháo bắt đầu dội ác liệt, phải rút nhanh. Chúng tôi bảo: có một cách không đụng tụi Mỹ, đó là cứ chui luồn vào các bụi cây mắc cỡ Tây cao hơn đầu người mà luồn ra. Tới lộ đất đỏ, chúng tôi quặt qua lộ và vào đến vườn dưa leo – Lúc đó mới thoát. Tôi được chở đến trạm y tế bằng một chiếc xe bò.

Ông Trụ: Trận này bọn tôi mang đại liên phía mé Trảng Bàng. Đánh dữ dội tới tối, lệnh đại đội rút lúc nào chúng tôi không biết. Năm đứa nằm lại dưới hầm đợi lệnh – Mãi không thấy gì, bèn đi theo công sự vào nhà đại đội tìm, thấy vắng hoe, không biết rút đi đâu. Lúc đó nghe tiếng Mỹ xì xồ - chúng tôi chui ngay vào cái nhà đang cháy dở, rúc sâu xuống hầm lớn, nghe từng tảng que, cột gỗ cháy rơi  xuống kêu lục bục. Lính Mỹ thấy toàn bộ nhà cửa đều cháy rụi do bom xăng không thể có ai sống sót nên không lùng sục mà rút ra cụm lại ở cánh đồng cách trận địa chừng hơn một km. Trời sáng rõ, như tất cả mọi trận đã thành lệ, một số nhân dân chạy về xem anh em K2 chiến đấu và xem có gì cần giúp. Khi thấy anh em từ dưới hầm lên, nhiều người ôm lấy chúng tôi khóc: “Tụi bay còn sống à? Anh em có thương vong nhiều không? Thôi mau rút ra rừng đi, có đứa nào bị thương đưa đây tụi tao lo”.

Ông Hiệu: Những năm 1969, 1970, 1971, giặc dùng biệt kích Mỹ len lỏi vào rừng rình đón bắn từng bộ đội đi lẻ. Rừng càng lớn, biệt kích càng nhiểu. Nó gài mìn clay-mo có chứa bi lớn khi nổ sát thương rất rộng. Bộ đội rút kinh nghiệm cắt rừng đi tránh, đánh dấu kín đáo lối về. Nhưng có thời kỳ hầu hết khi về đều đụng bọn biệt kích Mỹ dưới công sự nhô lên bất ngờ. Tôi đụng biệt kích ỏ xóm Sóc-Trảng Bàng, Tây Ninh. Hôm đó tôi rời tiểu đoàn, về công tác ở hậu cần đường hai mở đường hậu cần lên miền để chuyển vũ khí. Sáu giờ tối tôi ra tới – bên kia chỉ cách vài trăm mét là có lực lượng ta. Tôi sách cái túi trong bóng chiều đang đổ, lóp ngóp một mình băng qua cánh đồng. Bỗng có tiếng hỏi: “Ai?”. Tôi tưởng anh em mình nên lên tiếng: “Hai Hiệu đây chứ ai”. Nghe “Đù mẹ, Hai Hiệu là thằng nào” thì tồi biết ngay. Vẫn cố điềm tĩnh: “Hai Hiệu là Hai Hiệu chứ còn thằng nào”. Cách năm, sáu mét tôi thấy súng chĩa ra. “Khoan, đừng bắn” – tiếng thằng chỉ huy. Nó cùng một thằng bảo vệ bước lên. Lệnh của nó khoan bắn, như vậy chắc chắn có giây phút lơi lỏng súng. Tôi đứng trên bờ cao. Chúng phục kích trong ruộng, trong bóng tối sẫm dần. Tôi lật úp mình lăn sang bên, chú ý tư thế tay đỡ. Tôi thấy mờ mờ bóng đống rạ của một đồng lúa ban ngày dân đập còn để đó, cố lết nhanh tới “Đù mẹ, nó chạy đằng nào rồi!”. Tiếng bọn giặc nháo nhác, nhưng bủa theo hướng khác. Tôi tháo cái đài SONY Nhật, đeo trên người dúi vào đống rạ, rồi bò sang phía bên kia, nơi có công sự cũ của anh em mình đào. Tôi nằm đó tới khuya, thấy ướt lạnh ở mông, biết máu ra nhiều. Đến đêm, anh em ra đón về kể rằng họ đang nấu cơm gần đó nghe tiếng tôi “Hai Hiệu là Hai Hiệu chứ còn thằng nào” thì biết là tôi bị phục kích nên bủa đi tìm. Mấy ngày sau làm mùa, bà con nhắn với tôi vào nhận lại cái đài vùi trong đống rạ.

Chúng tôi sống trong tư thế “da beo” như vậy. Khi còn ở tiểu đoàn là thời kỳ bọn Mỹ trực tiếp lái xe ủi rừng trong cả tháng ròng. Cây cối vàng úa, quang hết cả rừng. Xe tăng, xe ủi chạy rầm rầm cả ngày. Rừng Bời Lời đâu có lớn, diện tích chỉ vài cây số vuông. Vậy mà bộ đội vẫn ở đó “chung” với cả bọn ủi rừng để chống phá bọn chúng ủi rừng. Chúng tôi ở ngay chỗ chúng vừa ủi xong. Dựng những cái cây vàng khô ấy lên làm chòi, đào hầm hào mà ở ngay đó. Có lần tôi dẫn mười anh em đi điều nghiên chiến trận về đến mé rừng, tất cả mệt quá, nằm lăn ra ngủ lấy sức ngay gốc cây. Trúng ngay đám rừng chúng sắp ủi tới. Nghe tiếng í ới, máy chạy, nhòm qua lùm cây thấy tên Mỹ lái xe ủi, cởi trần, da đỏ lòm. Chúng tôi bảo nhau cứ vận động theo rừng, bứt ra. Thấy máy bay thì nằm dưới gốc cây khô. Nó đi, lại luồn mà ra khỏi vùng nó sắp ủi.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #22 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2012, 08:18:29 pm »

17.

Đấy là một vài nét rất sơ lược về tiểu đoàn Cát Bi của bác sĩ Trần Văn Bản. Đó cũng là lý do vì sao anh đã âm thầm gần hai mươi năm đi tìm đồng đội. Nếu không phải là một người đã từng vào sinh ra tử, gắn bó với vùng chiến trường này, thì có thể anh đã không bị thôi thúc bởi quãng đời chiến đấu ngày xưa. Và nếu không là người của tiểu đoàn, không là quân y sỹ trực tiếp vừa chiến đấu vừa điều trị thương binh, chôn cất tử sĩ, thì có lẽ anh cũng khó lòng tìm ra được nhiều như thế.

Ngay khi mười tám người sống sót của tiểu đoàn sống tại thành phố Hồ Chí Minh tập hợp nhau lại, Bản đã có thêm lực lượng cùng đi tìm. Ngoài ra anh còn có một nhánh hoạt động rất hiệu quả - đó là nột dung hoạt động của Hội Chữ Thập đỏ do anh làm Chủ tịch. Mười tám anh em tập hợp với nhau. Họ cố rong ruổi tìm về nơi chiến trường xưa, vẽ lại sơ đồ, nhớ lại từng người. Việc làm trước tiên là họ cùng nhau nhớ lại những gia đình cơ sở, đi tìm lại các du kích địa phương, những ai có liên quan tới những gì có thể làm mốc cho cuộc tìm kiếm. “Muốn tìm người chết, phải tìm được người sống trước đã”. Mặc dù đã mấy chục năm chiến tranh ly tán, người mất,người còn, những người lính tiểu đoàn hôm nay vẫn nhớ rất rõ về người dân cưu mang họ thuở nào. Tìm lại để thăm nom, tỏ lòng biết ơn, và cũng để hy vọng tìm kiếm thêm nơi các liệt sĩ đã yên nghỉ. Như riêng bác sĩ Bản nhớ thì có nhiều má như má Tám Lúc ở Củ Chi, má Bảy ở Trảng Bàng, chị Mười Xị ở Xóm Trại khi biết anh em đã hy sinh, họ đem xác anh em về chôn ngay trong nhà mình để tụi Mỹ không phát hiện mà đào lên được. Hôm nay các anh còn vui vẻ nhắc lại cái tình thế ngang trái của tình thương các má dành cho bộ đội. Đêm trước nhân dân đón tiếp quân về, lo mọi thứ chu đáo, nhưng tảng sáng ngày mai thì người già, trẻ em, trâu bò… được di chuyển ngay. Họ biết làng mình sẽ thành chiến địa. “Con đi má nhớ má buồn. Con về má chịu chuồn chuồn, ca nông” – Các má thường nói vui với đàn con bộ đội của mình như vậy.

Nhiều anh bộ đội quê ở miền Nam thường đùa tị nạnh: “Nó cũng bộ đội giải phóng, con cũng bộ đội giải phóng, mà các má, các chị thương lính Bắc Kỳ không hà”. Các má bẹo tai anh đó: “Bố mẹ nó sinh ra mang nặng đẻ đau, nuôi lớn giao vào đây đánh giặc, chúng tao đùm bọc trông nom. Còn các con quê đây, má cũng thương, nhưng lâu lâu các con còn móc nối về qua gia đình…”

Các anh còn nhớ ông Năm Kiên ở Tầm Ninh Bố Heo, theo đạo Cao Đài, ông làm ăn giỏi, có tới mấy cái sa cá. Không những ông tham gia giúp bộ đội mà con gái, vợ ông cũng tham gia phát thuốc cho bộ đội. Lính tiểu đoàn hơn sáu trăm người không một ai chưa ăn cơm, hút thuốc ở nhà ông. Lúc nào nhà cũng có nồi cá to sẵn sàng. Có lúc ông chở cả xe bò cá về nhà, không bán, để nuôi bộ đội.

Còn nhà má Năm Ầm, má cô Hận trụ lại ở khu Trảng Cỏ cạnh rừng Bời Lời hầu như đêm tối xuống là bộ đội đầy nhà. Nhà má là nơi mua hàng từ ấp chiến lược về tiếp tế. “Người ta giúp như thế hàng năm giời chứ không phải một lúc”. Những chiến sĩ tiểu đoàn xác nhận. Vào năm 1969, đúng lúc bộ đội đang ở đó thì máy bay lên “đánh điểm” do có mật báo. Máy bay quần cả một vùng, bộ đội rút dần ra rừng. Nó bắn điểm, chọn đúng nhà để bắn đạn rốc két. Má Năm chết ngay tại đó và một đứa con trai nhỏ bị thương.

Anh Giản kể: Sau mỗi trận đánh, bà con ở các nơi đều đến tìm xem anh em còn sống hay chết, mang quà cáp đến cho. Hồi đó tôi ở nhà chị Hai Đúng, Ấp Mới An Tịnh. Bộ đội miền Bắc vào kháo nhau: “Sao nghe nói miền Nam có trái sầu riêng mà đi trong vườn không biết cây nó ra sao”. Chồng chị Hai nghe nói thế, lẳng lặng không nói gì. Ông từ An Tịnh lên Lái Thiêu mua về cho bộ đội biết quả sầu riêng Nam bộ. Sau trận Cỏ Ống – là trận Mỹ hủy diệt cả một làng bằng bom đạn mà chính báo chí Sài Gòn lúc đó còn lên tiếng phê phán sự dã man – Nó bắn tới mười lăm ngàn năm trăm quả pháo – Tôi về đến Trảng Nguồn là nằm lăn ra không còn sức. Hai đứa con chị sang kêu “Cậu Hai” – biết tôi còn sống chúng ôm khóc ròng, rồi tiếp tế cà phê, cá mòi – Nhưng ở đây là vùng trắng, dân đi li tán hết, nay trở lại đó chúng tôi ít kiếm được người xưa. Chúng tôi tìm đến nhà ông Năm Kiên thì ông mất rồi. Sau này chúng tôi có gặp được ba cô Hận.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #23 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2012, 08:18:49 pm »

Anh Phạm Hùng Ca còn nhớ vùng Trảng Cỏ có nhiều gia đình nữa: Ông Tám Đời, Ba Điều, bà Hai Thí. Có lần anh ở trong Ban chỉ huy, xuống các ấp đóng quân, đã đến giờ về tiểu đoàn, do không có đồng hồ nên đồng chí Chén, đồng chí Sập hốt hoảng nhìn thấy trời xâm xẩm đoán sai mất nửa giờ. Một người dân, tên là Trường tháo luôn đồng hồ tặng (Thời kỳ đó một chiếc đồng hồ khá nhiều tiền), Khi sống ở ấp trong nhà dân, ở hầm, phải nhờ lực lượng địa phương đi mua rau. Nhiều khi chưa đến vụ thu hoạch người ta không bán. Nhưng khi biết bộ đội cần thì non già nhổ tất, có khi cho chẳng lấy tiền.

Các anh bây giờ vẫn còn nhắc câu của ông Năm Kiên, người đã chở cá, chở bánh tét bằng xe bò cho bộ đội. Anh Ca kể: “Ông còn hăng hái xin đạn để nếu cần, ông cũng đánh Mỹ - Tôi cho ông cả mười viên cơ số đạn thừa. Vì việc này tôi suýt bị kỷ luật – có lần tôi hỏi ông: “nhà tới ba, bốn cái sa, mỗi sa trong một đêm được tới bốn, năm chục ký cá – ông bỏ sa cho vợ con đi theo bộ đội chi vậy? Ông bảo trước đây có lần đi dân công hỏa tuyến, thấy anh em giải phóng sống khổ quá. “họ bỏ cha bỏ mẹ anh em vợ con vào đây đánh giặc, tao ở nhà làm giàu sao được”. Sau trận Cỏ Ống, đơn vị ém quân ở rừng chồi thấp một đêm một ngày. Trên đường rút qua các ấp, dân báo có địch phục kích. Cùng với trinh sát của du kích các ấp xã, ông Năm Kiên nhận dẫn đường cho bộ đội vượt qua tuyến phục kích. Giờ đây ông cũng mất rồi, về lại chốn xưa, những người lính của tiểu đoàn Cát Bi vẫn nhớ câu ông nói hôm đó: “Tụi mày yên chí tao sống tụi mày sống” – Bà con nghe tin đơn vị đi chiến đấu, nhiều khi mua nhang cúng những ai hy sinh, rồi sau đó lại mừng phát khóc khi thấy số người tưởng chết lại lù lù về. Có một anh thương binh bị thương nhẹ, ở ngay nhà dân để chữa chạy ở bệnh viện dân y. Ban ngày có địch càn, anh ở hầm, tối đến y tá của địa phương tới tiêm chích. Có một đồng chí bị pháo bắn, lòi cả ruột. Nếu chuyển theo tuyến của bộ đội sẽ khó lòng sống được. Bà con đã nhận là con của gia đình, các bà má dặn không được nói năng gì để lộ. Các má nhận làm con, chạy tiền cho anh vào năm  quân y của Mỹ, nằm cùng lính Mỹ tại Đồng Dù. Khi anh khỏi, phải thanh toán viện phí, dân đã quyên góp hai mươi ngàn để chi cho quận trưởng Trảng Bàng để xin trả anh về Anh Tịnh cho dân.

Đến nay, nhóm chiến sĩ của tiểu đoàn đã xác định được hơn ba trăm hài cốt chiến sĩ, trong đó khoảng một trăm người của tiểu đoàn. Biết bao nhiêu người của các đơn vị hy sinh tại đây. Chiến trường Tam giác sắt rất gần Sài Gòn, vậy mà ta vẫn đứng vững, nhờ có ba trung đoàn chủ lực của quân khu, đều trở thành những trung đoàn nổi tiếng Trung đoàn 16, Trung đoàn Gia ĐỊnh, Trung đoàn 268 (trong đó có tiểu đoàn Cát Bi). Ở các quận đều có vài C bộ binh, pháo binh. Xã có du kích. Vào các đợt chiến dịch còn có các sư 9, 7, 5, 1… của miền xuống tham gia. Người dân hy sinh cũng nhiều. Họ “trụ lại” không phải đơn giản. Những năm 1969, 1970, 1971 không còn nhà, dân sống giống bộ đội. Nhà có hầm: Cột nhà được dỡ ra, chuyển thành cây đà, phủ ván, lấp đất, biến thành hầm. Khu vực Trảng Cỏ 100% dân ở như bộ đội. Đó là khoảng thời gian ác liệt nhất. Nay nhiều đơn vị đã giải thể, việc tìm kiếm liệt sĩ gặp rất nhiều khó khăn.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #24 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2012, 07:53:55 pm »

18.

Con người ta khi chết rất lạ kỳ: chôn càng sâu, càng có nước, xương càng đẹp. Bác sĩ Bản nghĩ: có lẽ oxy hóa ít, phân hủy khó, vì ở dưới sâu đất chặt, vi khuẩn, mối kiến ít hơn. Trong suốt thời gian đi tìm kiếm, anh có thêm nhiều phát hiện: Nếu thi hài nằm ở chỗ có ổ mối, thì đến đôi dép râu cũng bị mối ăn. Thời gian luôn đủ sức xóa đi tất cả, nhất là xóa đi ký ức trí nhớ con người.

Bản và đồng đội anh luôn gặp những "thế cờ" bí: Cùng nhau chôn cất liệt sĩ, nhưng người thì nói trước là bờ tre, người khăng khăng rõ ràng là ruộng lúa. Bản bận trăm công ngàn việc, những đêm đến, anh sống "rất cũ kỹ" - nghĩa là như ngày xưa. Đêm đêm anh hồi tưởng từ con lộ ngày nay, xưa nó là đường mòn như thế nào. Cái rãnh nước khoảng mấy chục cm ngày xưa có phải là con suối ngập đầu lúc chiều anh qua? Bản không nhớ tới những kỷ niệm dĩ vãng thơ mộng hay đau thương, cũng không nhớ như một thời đầy công trạng. Anh cần dĩ vãng phải chi tiết như một tấm bản đò. Ở đầu giường của Bản luôn để sẵn một ngọn đèn, một cây bút, một cuốn vở. Trong đêm nằm chợt lóe ra điều gì, anh chộp ghi ngay. Nếu không, sáng mai ra, chính trí nhớ lại phản lại trí nhớ. Rời mỗi khi cần xác định một địa điểm còn tranh cãi, Bản phát đi bảng câu hỏi, rồi gom lại phân tích. Thí dụ hôm chôn cất liệt sĩ, cúi xuống đào đất, khi ngẩng lên thấy gì, ngọn núi trước mặt, hay bầu trời quan đãng? Mặt trời lúc đó ở đâu? Bóng của mình đổ phía trước hay sau? Lúc đó ban đêm hay là rạng sáng? Đất ở đó thế nào? đào có khó không? hay vướng vật gì? sỏi đá hay rễ tre, dừa, chuối? Khi đặt liệt sĩ xuống quay đầu hướng nào, có chôn theo vật gì không? Làm xong, rửa tay ở đâu? v.v...

Chính những câu hỏi này nhiều khi đem lại kết quả bất ngờ. Bởi có người đã quên hết không còn nhớ gì, nhưng chợt hiện ra lúc xuống sông rửa tay, thì bên kia sông là một vườn dừa đang sẫm dần trong bóng tôi như cứa vào lòng một nỗi đau khổ không thể nào quên. Bản có thể dùng các kinh nghiệm phánd đoán của anh, khá chính xác: Đất đỏ là gần bờ sông, nếu hình ảnh đồng lúa thì ruộng bằng phẳng.

Con người ta là những thể chất lạ kỳ. Họ chết nằm trong lòng đất, xe ủi, bom dội đủ kiểu, có mộ xoay ngang quay cả hài cốt - Mọi thứ đều bị phân hủy, nhưng con người thì xương cốt vẫn còn rất lâu bền. Anh tin là có một thế giới tâm linh rất thiêng liêng. Nhiều người biết và chứng kiến chuyện nấm mồ anh tìm được nơi gốc cây khế ở Bến Cát. Bao năm trôi qua, chủ nhà đã lập nghiệp xây dựng lại, xây nhà, láng sân rất đẹp. Vậy mà cây khế khẳng khiu, loe nghoe rụng lá chỉ tổ phải quét, sao không bị chặt đi? Chủ nhà bảo chính ông cũng không biết nữa, không hiểu vì sao khi dọn dẹp chặt đi tất cả, đến cây khế thì tự nhiên không. Mà chẳng phải ông cố ý gì. Tự nhiên như vậy thôi, ông cũng không để ý. Hôm nay thì mới biết là một người con của Thái Bình đã yên nghỉ bên dưới. Cũng như vậy ở Hố Bò - Của Chi, bà cụ chủ nhà bảo: "Không rõ sao, cây găng chỉ toàn gai không thôi, mấy lần tôi dẫm cả gai, cứ nghĩ là sẽ chặt đi, mà rồi vẫn không chặt. Có bận cháu tôi chặt mà cây vẫn không chết, lại xanh trở lại, dù là trông cằn cỗi hơn. Hóa ra nay mới biêt đó là nơi các con bộ dội chúng nó nằm.".

Bận ấy, Bản đi kiếm thằng bạn anh nhớ khi chôn ở đầu dốc có bụi mây. Trong lúc chiến trận, anh đâu có quan sát được bức tranh toàn cảnh, chỉ nhớ là ở cái dốc vùng này. Hôm nay trở lại hóa ra là những hai cái dốc ở gần nhau. Anh phải vượt qua cái dốc đầu tiên vì nhớ rằng vị trí phải ở dốc bên kia, nơi tận cùng không còn phải qua đèo nào nữa. Nhưng đi đi lại lại mãi vẫn không tìm ra. Chiếc xe chết nằm ì mỗi khi phải qua cái đỉnh đèo đầu tiên. Đi mãi không có kết quả, Bản khấn: "Mày ứng cho tao nhé. Mai xe chết chỗ nào, tao đào chỗ đó.". Quả nhiên hôm sau đúng vậy, bạn anh nằm đúng nơi xe chết máy.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #25 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2012, 10:22:59 pm »

Có những chuyện khó giải thích. Niềm tin thiêng liêng, những mơ ước khắc khoải cháy bỏng... có thể trở lên một nỗi ám ảnh, hay đó là điều gì còn bí ẩn? Bác sĩ Lê Văn Tin hiện là phó chủ tịch thường trực Hội Chữ thập đỏ Tân Bình băn khoăn về một câu chuyện bắt buộc một người làm khoa học như anh phải suy nghĩ. Anh nguyên là phó giám đốc bệnh viện huyện Tân Phú tỉnh Đồng Nai, về cơ quan của bác sĩ Bản phụ trách phòng khám từ thiện của Hội.

"Tôi lớn lên ở Sài Gòn, tốt nghiệp đại học Y Dược TPHCM, từ nhỏ tới lớn chỉ ăn học và làm chuyên môn ngành y, chưa bao giờ làm một việc gì khác. Vừa làm bác sĩ, tôi vừa biết lái xe nên trở thành người đi rất nhiều cùng anh Bản, khi anh về Hội và đưa công tác tìm hài cốt liệt sĩ thành một trong những công tác quan trọng của Hội. Tôi và anh Bản là 2 cuộc đời hoàn toàn trái ngược nhau: Tôi ăn học làm tại bệnh viện, trong khi anh ấy vào sinh ra tử, sống chết đã từng...".

Bác sĩ Tin giống như một thầy thuốc trí thức được "trồng trong nhà kính", anh chỉ từng trải với con bệnh, với điều kiện trong phòng mổ và điều trị, hầu như chẳng có cuộc sống nào khác ở ngoài đời. Bây giờ bác sĩ Tin bắt đầu nhập cuộc với những tình cảm khác Bản: Bản với tình đồng đội của người chiến sĩ, Tin thì thấy niềm vui của gia đình liệt sĩ khi có tin báo về đã tìm được dấu vết người thân. "Thấy cảnh vậy, nếu bảo tôi có cảm giác hạnh phúc thì không chính xác lắm, nhưng có một cái gì đó...". Bác sĩ Tin kể lại lần anh trực tiếp đi cùng bác sĩ Bản tìm hài cốt người liệt sĩ hai lần được phong anh hùng; có cả một cuốn sách nói về anh: anh Ba Kiên tức Nguyễn Tấn Lực, sinh năm 1924, thượng tá trung đoàn trưởng trung đoàn 16, phân khu phó khu Sài Gòn - Gia Định. Tin biết "lý lịch" đó là do anh hỏi chuyện người con của anh Ba Kiên khi con anh cùng đi tìm hài cốt cha hy sinh 4.6.1970, quê anh ở Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh.

Đó là ngày 30 tháng 7 năm 1993, con gái anh Ba Kiên từ ngoài quê vào. Họ đi gặp chị Thanh người con nuôi của anh Ba Kiên trong thời kỳ chiến tranh là y tá ở Củ Chi. Trước đây chị Thanh cùng ở quân y C5 với anh Bản, nhưng thời kỳ anh Ba Kiên hy sinh, Thanh đang đi học y sĩ nên không biết. Họ cố gắng tìm ra tất cả những ai có liên quan nhiều đến trường hợp của người anh hùng hy sinh đã hai mươi ba năm chưa tìm được mộ. Bản may mắn là người trực tiếp chăm sóc khi anh Ba Kiên bị thương vào đùi, hy sinh do mất máu quá nhiều.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #26 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2012, 06:08:32 pm »

Bác sĩ Tin nhớ lại trường hợp không giải thích nổi: "Ngày 30-7-1993 anh Bản hẹn mọi người tập trung trên đó. Như thường lệ tôi lái xe đưa anh lên Củ Chi. Lên đó chúng tôi thấy có khá đông đủ: Các cán bộ thương binh xã hội Củ Chi, bí thư, chủ tịch xã Phú Mỹ Hưng. Chúng tôi lái xe vào rừng. Hôm đó mưa, sình trên con đường mới nên anh em xuống đi bộ để tôi đánh xe không, đi theo con đường khác để vào rừng. Anh Bản đã vào tới nơi, gọi vọng ra cho tôi biết chỗ. Theo đó, tôi lái vào nơi cao ráo, để xe ở đó. Lúc này đến vườn bà Tám Neo, người chủ vườn điều nơi chôn anh Ba Kiên. Các anh lấy mốc là con suối nghe nói xưa chỉ là con rạch nhỏ. Mọi người bắt đầu nhìn quanh tìm kiếm. Nói là đi bốc hài cốt anh về, là do đã dày công xác định được chính xác khoảng vườn này, nhưng không phải đã biết đích xác ở chỗ nào trong vườn để đào. Ông chủ tịch xã khẳng định trước đây đã có đợt quy tập hài cốt liệt sĩ ở khu vực này, như vậy ông tin là có đào ở đây cũng sẽ không có vì đã đào hết rồi. Anh Bản nhất định không chịu. Nếu đã đào lên, nhất định phải có anh Ba Kiên, vì anh có lọ peniciline chôn theo. Vì sao đến nay vẫn chưa ai thấy anh ở nghĩa trang nào? Điều vô lý là nếu đã đào lên một người hai lần anh hùng (một thời chống Pháp, một lần anh hùng chống Mỹ) thì chẳng lẽ không ai biết sao?

Anh Bản không chịu, một mực đi tìm, xem xét. Anh đang trao đổi với chúng tôi, thì bà Tám Neo đi chợ về. Bà bảo: "Dưới còn không, không biết. Nhưng người gác vườn điều, và cả bà con đi chơi khuya về đều vẫn nghe như có tiếng hành quân rầm rập. Trước đây cũng có người đến đào sơ sơ rồi thôi, chưa lấy lên. Bây giờ nếu đúng là có anh em mình thì phải đào lên mà thờ cúng thôi, để thế sao đành?". Vườn điều đang xanh tốt, bà bảo nếu cần thì chặt phá bao nhiêu cũng được. Bà đã trải qua bao năm bám trụ ở mảnh đất này, biết giá trị của đất đai, nhưng giá trị của những chiến sĩ lớn lao hơn hết.

Tất cả chúng tôi đều cảm động và mừng rỡ. Tiếng hành quân rầm rập kia có không, chưa ai trả lời được. Nhưng có điều chắc chắn là những chuyện chiến đấu, hành quân của bộ đội dù cách đây mấy chục năm vẫn còn in đậm, còn dư âm trong trí tưởng tượng của bà con. Biêt đâu trong đêm thanh vắng đi qua đây, bà con vẫn còn nhớ lại nơi các anh đánh trận, nơi các anh nằm lại. Các anh vẫn còn trong tâm trí mọi người, cho dù đối với họ những niềm tin thiêng liêng vẫn mang vẻ lạ kỳ, bí ẩn.

Anh Bản đi một vòng nhìn ngó để xác định con rạch. Chúng tôi thậm chí không muốn cất tiếng nói to, khi thấy anh ra xa, cách chừng năm mươi mét thì nhắm mắt lại, cứ thế bước và đếm số bước chân, về hướng tay trái. Rồi anh bừng mở mắt, ngoắc tay cho tôi chạy tới.

Tôi nhảy xuống hố bụi tre, thấy ở phía bụi tre, nơi khá sâu, có dấu vết của nilon. "Đúng, có lẽ đây là phòng mổ của bọn tôi ngày xưa" - Bản nói. Các anh thường căng nilon trên trần để tránh mưa và bụi bậm rơi xuống phòng mổ. Nếu đúng thì đây chính là quân y C5 của mật khu Hố Bò. Bản đã nhớ ra, chính ở chỗ này, anh đã tiếp nhận anh Ba Kiên bị thương nặng đưa về.

Anh Bản chiếu từ chỗ phòng mổ của quân y, đi ngược trở lại, anh bảo khi chôn anh Ba Kiên, anh nhớ là đi về hướng mặt trời mọc. Và như vậy sẽ có một hàng mộ nữa gần đó.

Bác sĩ Tin nhắc lại: năm đó anh bốn mươi lăm tuôi, anh đã từng cấp cứu, tiếp xúc với bao bệnh nhân chết vì bệnh tật, không phải xa lạ gì. Nhưng trường hợp của anh Ba Kiên thì anh không sao giải thích nổi về mặt khoa học. Chị Thanh làm đúng theo phong tục bà con dân gian thường xin keo, lật đồng tiền sấp ngửa.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #27 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2012, 10:12:14 pm »

Chính mắt tôi nhìn chị xin keo, thắp hương xin xác định vị trí, nhưng xin ở chỗ đầu tiên, hai đồng sấp một đồng ngửa. Qua chỗ anh Bản chỉ, cả ba lần gieo, cả ba đồng tiền đều sấp. Lúc đó tôi cũng chưa nghĩ gì nhiều. mọi người đem nhang và đồ cúng ra cúng, không kịp làm hôm nay, cả đoàn hẹn ngày 7, tức là sau đó bốn ngày sẽ lên đào. Chị Thanh nói mời mọi người ra uống nước. Lúc ấy, mọi người nói với nhau, nhưng dường như nói với cả anh Ba Kiên. Bản nói to: “chúng tôi hứa là chúng tôi sẽ lên”. Tôi còn đùa: “Mọi người về đi, còn tôi ở lại đây giữ chỗ cho anh ấy”. Chị Thanh tưởng thật, nhìn quanh: “Ai vô đây mà phải giữ?” Uống nước xong, anh Bản dẫn anh em đi bộ ra trước, còn tôi lái xe băng ra bìa rừng. Và đây là điều tôi không bao giờ nghĩ tới. Trước khi đi bao giờ tôi cũng chuẩn bị xe cộ cẩn thận. Tôi lên xe nổ máy, sang số de, quay đầu ra, máy nổ ngon lành. Vậy mà khi lên ga, giống như có ai nhấc bổng đít xe lên, bánh vẫn quay tít. Trả số, tôi xuống xem xe có gì hư chăng. Thật ra kiểm tra vậy thôi chứ tôi biết mình đã chuẩn bị kỹ lắm. Tính tôi rất cẩn thận. Tôi cũng đã tốt nghiệp lái xe có bằng của trường kỹ thuật nhà nghề, đâu phải tay ngang? Thậm chí đi lái xe đón tiếp khách cùng anh Bản, có nhiều vị khách xuýt xoa” “gớm, Hội có anh lái xe cẩn thận quá” – Họ tưởng tôi là lái xe – “Không có đâu! Ông bác sĩ Viện phó Viện nay phó hội trưởng của tụi tôi đấy” – Anh Bản giải thích – Tôi nói thế để dẫn đến điều không giải thích được hôm đó: Xe không hư, máy nổ ngon lành, vị trí khô ráo bằng phẳng, mà xe cứ như bị ai nhấc lên, không sao chạy được. Sang số de, rồ máy, bánh xe quay tít tới năm phút không đi được. Mọi người chờ ngoài bìa rừng như đã sốt ruột. Làm lại tới lần thứ năm vẫn như vậy, người tôi vã hết mồ hôi, không phải do vất vả đùn đẩy gì, tôi chỉ ngồi xe nổ máy thôi, mà trong đời chưa bao giờ tôi nhiều mồ hôi như bữa đó, toàn thân còn lạnh toát. Tôi sực nhớ - Chết cha! Lúc nãy tôi đã nói với anh Ba kiên là tôi ở lại… tôi bèn xuống xe. Ngoài rừng đã có tiếng hú gọi của anh Bản: “Anh Tin ơi sao lâu thế, nghe máy nổ mãi không thấy ra?” Tôi xuống, lau mồ hôi, quay về phía mộ khấn xin anh cho tôi về. “Anh giữ em đâu có được đâu. Mai mốt em lên”.

Tôi lên xe, không đạp ga, vậy mà xe de một cái ngon lành. Anh Bản và mấy người chờ mãi tưởng tôi hư xe nên chạy vào xem có phải giúp đùn đẩy gì không. Sao lâu thế? Hay dính sình? Đất khô ran thế này, sình gì? Bộ nãy giờ đẩy xe sao mồ hôi dữ vậy? mặt mày xanh mét, áo ướt hết? Tôi không nói gì, bảo chờ tí xíu, đi bộ vô tới bên phần mộ anh Ba Kiên, nói thầm lời cảm ơn. Tôi nghĩ: ai bảo mấy ông Việt Cộng không thiêng? – Thấy nhánh tầm vông trên mộ anh, tôi cầm ra xe. Anh Bản vẫn không rõ chuyện gì kêu trời: Tưởng nhặt cái gì – tầm vông mọc thiếu gì… Lúc đó tôi mới kể lại – Tôi là bác sĩ, không phải người không biết gì về khoa học, nhưng vừa rồi tôi không giải thích được. Trưa đó giữa đường xe đang chạy yên lành, bỗng tôi dựng tóc gáy lên khi nhìn thấy chiếc xe ngược chiều cứ thế đâm thẳng vào tụi tôi. Trời ơi thằng lái xe nó ngủ thì phải! Chỉ còn chút xíu nữa… thì may sao nó tỉnh lại, xe xẹt qua rợn người. Thôi thì chuyện đó không có gì lạ cả. Thế còn câu chuyện tiếp sau đây thì sẽ giải thích ra sao.

Về đến thành phố, chúng tôi lại lao vào trăm ngàn việc thường ngày. Hôm ấy anh Bản bảo tôi lấy xe đi cùng chỗ anh xuống phường 16 xem xét cái nhà tình nghĩa, rồi tiện thể đưa anh thương binh nặng bị lao phổi, vào viện Phạm Ngọc Thạch.

Trên đường về phường 16, xe hư tới mười lần. Anh Bản càu nhàu: “Sao bảo quản xe dở quá vậy?”. Kỳ thật! Xe nổ máy rất êm, thế mà có lúc xe đến giữa ngã tư đông đúc thì ì ra. Vào đến nhà ông thương binh đã muộn, ông ấy đi mất tiêu. Hai anh em chúng tôi đánh xe về. Từ đường Hoàng Hoa Thám đến quận Hội đi chậm cũng chỉ mười phút, mà bữa đó chúng tôi đi cà giựt mất một tiếng. Anh Bản bảo tôi phải mang xe đi sửa. Tôi đem xe ra người thợ sửa xe tên là ông Năm Mập để xe đó rồi về quận Hội. Vừa ngồi được một lúc thì ông Năm Mập đánh xe lên trả, nói rằng đã kiểm tra kỹ lắm thấy không hư gì, cho nên ông không sửa mà đem tới trả.

Tôi báo cho anh Bản. Anh vẫn không nghi ngờ gì, đến khi ngồi vào bàn nhìn lên tờ lịch bàn, thấy cái khoanh đỏ chói khoanh tròn vào con số ngày tháng, Bản kêu lên: “anh Tin ơi chết rồi! Hôm nay là ngày mình hẹn lên mộ anh Ba Kiên”. Một lúc sau thì điện thoại Củ Chi réo về: “mọi người tể tựu đủ cả mà chưa thấy các anh lên”.

Bây giờ nếu ai có dịp ghé thăm Quận Hội Chữ thập đỏ Tân Bình, ghé phòng bác sĩ Tin sẽ thấy anh lập một bàn thờ đặc biệt không giống những bàn thờ ở các gia đình. Trên một nóc tủ cao, cành tầm vông đã khô có lá xanh leo lên. Anh lấy được quả đào tiên còn gọi quả trường sinh làm gốc. Bác sĩ Tin nói: “Tôi thờ anh Ba Kiên, cũng như một đền thờ tưởng niệm liệt sĩ. Nếu không có cành tầm vông tượng trưng cho người chiến sĩ đã hy sinh – nếu không có cành xương khô ấy thì lá xanh ngày nay không leo lên được”. Tôi là người công giáo. Cuộc đời tôi bình yên như tờ giấy trắng, trước giải phóng còn là sinh viên – Tôi không được trui rèn trong lò lửa Cách mạng. Nhưng tôi được đọc lại cuốn lịch sử sống của chiến tranh qua việc tham gia đi tìm hài cốt các anh”.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #28 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2012, 10:28:54 am »

19.

Sau khi tìm ra được hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Chử sinh năm 1943, trung đội trưởng cùng D2 E268 của Bản, hy sinh tháng 6 – 1969 tại Củ Chi, Hội chữ thập đỏ Quận Tân Bình gửi lá thư  báo tin cho gia đình liệt sĩ. Việc này đã thành nề nếp; rất nhiều thư gửi đi và rất nhiều thư gửi về cảm ơn. Nhưng lá thư của anh Nguyễn Văn Hồng, con trai liệt sĩ Chử gửi đi từ xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng khiến cho bao người giật mình thương cảm.

“Kính gửi Hội Chữ Thập đỏ quận Tân Bình TP Hồ Chí Minh và bác sĩ Trần Văn Bản… Cháu đã nhận được thư của Hội gửi về cho gia đình cháu. Cháu xin nói để Hội và các bác biết là gia đình cháu khổ lắm, nhất là mẹ cháu, ra đường không dám nhìn ai. Hai anh em cháu phải thôi học sớm vì không chịu nổi những lời khinh bỉ của bạn bè. Ở quê cháu người ta đồn rằng bố cháu không phải liệt sĩ mà đào ngũ bỏ đơn vị trốn sang Campuchia lấy vợ. Mẹ cháu khổ quá vì nghe tin đồn, liền ra xã đề nghị chính thức xác nhận và điều tra tin này nhưng cũng không ai có cách gì thẩm tra được…”

Vậy là bao nhiêu năm, khi anh Chử còn nằm dưới gốc tre bên bờ đường xe bò qua lại ở xã An Phú Củ Chi, thì vợ con anh ở quê không chỉ đau nỗi đau mất người mà còn nhục nhã là gia đình của kẻ đào ngũ bỏ đơn vị. Còn biết bao gia đình như thế trên đất nước này, do việc không kiếm được hài cốt, vẫn đang ở dạng mất tích, trong khi các anh chính là liệt sĩ đang nằm đâu đó chưa tìm ra! Lá thư của con anh Chử còn cho biết gia đình ở nông thôn hiện nay quá nghèo nên chưa thể vào thăm mộ cha được

Bác sĩ Bản và Hội Chữ Thập đỏ Tân Bình đã trích quỹ từ thiện, gửi tiền tầu xe ra cho gia đình liệt sĩ – Hai người con liệt sĩ Nguyễn Văn Chử đã vào đến Củ Chi . Do Bản đã xin phép sở Lao Động Thương binh xã hội thành phố và phòng Lao Động Thương binh xã hội Củ Chi, nên hai người con trai đã được đem hài cốt của cha về an táng tại quê nhà.

Ngày 2-5-1994 Bản cùng hai người con trai đem hài cốt liệt sĩ Chử, lên tàu Bắc Nam để về quê. Bản nhớ lại: “Đến xã nhà, chúng tôi ôm bộ hài cốt đi bộ giữa trời nắng gắt của mùa hè miền Bắc. Tôi được cháu Hồng chỉ cho một ngõ nhỏ và bước vào nhà.” Bao nhiêu xúc cảm trong lòng: cùng với anh Chử đi B vào Nam, chiến đấu ở chiến trường, vậy mà bây giờ anh sắp bước vào ngôi nhà bao nhiêu năm người liệt sĩ vẫn mong ước trở về.

Bản nhớ khi anh cùng các đồng đội còn sống, về Củ Chi hỏi tìm. Cả anh Ca, anh Láp và Bản biết anh Chử hy sinh trong trận đánh ở đây. Về xã hỏi một số du kích xưa như anh Ba, anh Sáu Cù, được biết vẻn vẹn tin tức sau: “Hồi đó đúng đơn vị các anh có xuống đây, sau trận đánh, bà con nói có chôn một số liệt sĩ phía bụi tre gần con đường mòn nhỏ”.
Các anh đào, tìm thấy các hài cốt đều có lọ peniciline. Những người chôn cất, những đồng đội liệm gói anh, bỏ những dòng chữ tên tuổi quê quán này vào lọ peniciline cho anh – những người đó cũng đã hy sinh hết rồi…

Bây giờ anh và Chử  sắp bước vào ngôi nhà, sắp sửa gặp lại người vợ đã bao năm chịu đau thương oan trái.
Mặc dù đã biết trước do Hồng điện về trước lúc lên tàu, chị Chử vẫn đứng khựng lại nhìn Bản, người đàn ông lạ mặt bước vào. Chị nhìn nhớn nhác không rõ trong số ba người này (ông khách và hai con chị) ai là người đang mang chồng chị trên tay. Bản nói trước: anh chính là người đã viết thư cho chị.

Bản nói với bà con lúc đó đứng chật ba gian nhà, đầy cả trước sân, lời chia buồn của Quận Hội Tân Bình và anh em cùng tiểu đoàn còn sống ở TP.HCM. Anh nhận thiếu sót là cho đến nay sau gần ba mươi năm  anh Chử hy sinh anh dũng tại chiến trường Củ Chi, mới tìm được để đưa về quê nhà. Khi Bản nói: “Tôi xin trao lại anh Chử cho chị và gia đình cùng bà con trong họ mạc”, và mở túi đưa chiếc hộp trong đựng hài cốt được gói cẩn thận, đặt lên bàn thờ, thì những tiếng gào khóc cất lên. “Anh ơi, em chịu đựng cực khổ để nuôi con những mong hòa bình anh trở lại. Nhưng sao anh không về. Mẹ con em chờ anh hết nước mắt, anh có biết không anh…” “Bố ơi sao bây giờ bố mới về…”…
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #29 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2012, 12:07:03 pm »

Những tiếng khóc ấy đã phải nén lại gần ba mươi năm, hôm nay mới bật ra… Bản càng thấu hiểu nỗi đau thương của sự mất mát này sẽ không bao giờ cũ. Anh đứng lặng yên, giữ đôi vai gầy ướt đẫm mồ hôi, run bần bật của người vợ khóc chồng, hai hàng nước mắt anh chảy dài trong yên lặng. Khi đoàn đại diện của Huyện ủy, Ủy ban, Thương binh xã hội, Mặt trận Tổ quốc của Huyện và xã đến thăm viếng, mọi người lại cùng nghe câu chuyện về liệt sĩ Chử do Bản kể lại. Địa phương đã bàn, lên kế hoạch tổ chức lễ truy điệu và giải oan cho liệt sĩ và gia đình.

Cũng một người liệt sĩ khác, Nguyễn Xuân Đích, quê ở Tiên Cường, Tiên Lãng, Hải Phòng – được các anh tìm thấy trong đợt tổ chức đi tìm kiếm, Bản viết thư về báo cho xã. Ít lâu sau, Bản nhận được lá thư chữ viết rất nguệch ngoạc của một người ít được học hành. Lá thư của người con trai liệt sĩ. Ngoài những lời xúc động cảm ơn như hầu hết các lá thư gửi lại cho anh, là lời lẽ vội vàng, vắn tắt không có giải thích về điều kiện hiện nay. Con trai liệt sĩ báo tin là hiện nay không thể vào thăm mộ cha được, vì điều kiện khó khăn, nhà cửa không có phải ở trong chiếc lô cốt của Pháp xây từ hồi kháng chiến chống Pháp ven đê. Thư viết đơn giản: “Bao giờ có điều kiện cháu sẽ vào thăm mộ cha”. Sao lại có lô cốt ở đâu đó nhỉ? Bản nhớ lại đường về quê anh xem ở chỗ nào có chiếc lô cốt ấy? Hình như ở phía tay trái, gần bến đò Quý Cao?

Bản viết ngay lá thư trả lời. Anh trích quỹ Hội gửi tiền tàu ra cho Thực. Bản lấy làm lạ cho hoàn cảnh con em một gia đình liệt sĩ, anh đề nghị báo Thanh Niên có bộ phận thường trú tại Hải Phòng xác minh giùm hộ trường hợp này. Báo Thanh Niên đã trả lời là đúng có chuyện như vậy, nhưng Bản thực không muốn báo đăng lên câu chuyện thương tâm quá như vậy.

Khi thực có tiền nhận được, lấy vé lên tàu vào Nam, Bản dẫn cháu lên thăm mộ bố nó. Anh còn lân la tìm hiểu xem có phải nó quậy phá hoặc có khuyết điểm gì nên địa phương không cho ở!. Thực thề danh dự là không gây chuyện gì xấu, kể hoàn cảnh của mình: Năm 1968 khi còn nhỏ, hai mẹ con ở cùng bà nội thì nhận báo tử của bố. Mẹ đi lấy chồng. Thực ở với bà nội. Bà bị ho lao, đau ốm suốt nên bao nhiêu tiền tiêu hết cho thuốc thang. Bệnh bà không qua được, nhà cửa ruộng vườn đã gán hết. Thực không nơi nương tựa, phải về ở với mẹ và dượng.

Tuy người thanh niên không kể chuyện gì cụ thể, nhưng Bản vốn sinh ra lớn lên ở nông thôn, đi B chiến đấu cũng sống cùng nhân dân, anh hiểu nhiều số phận – Nghe thế cũng biết là đời một chú bé cha đi chiến đấu hy sinh, mẹ lấy chồng, bà chết bệnh tật, mất hết nhà cửa… làm sao có thể bình thường được, nói chi đến sung sướng! Lớn lên Thực đi công nhân quốc phòng ba năm ở Quảng Ninh, rồi lo đất lo nhà để cưới vợ. Xã cấp cho chỗ đất mà nếu đổ đất xây được nhà ở cũng rất nhiều tiền, thế là Thực đành ra lô cốt, che mái để sinh sống. Bản viết công văn về địa phương đề nghị giúp đỡ và anh còn vận động  xin tiền quyên góp được một triệu bảy trăm ngàn đồng gửi về cho Thực. Năm 1995 anh về thấy xã đã cấp đất và vận động bà con giúp xây tạm một căn nhà cho Thực.

Trên báo chí, cũng như qua chính mắt thấy, Bản biết còn bao nhiêu bà mẹ già, vợ con gia đình liệt sĩ còn sống vô cùng vất vả. Các phong trào và sự quan tâm của xã hội đã tiến bộ rất nhiều, nhưng anh biết, khó khăn của họ trong đời sống hàng ngày vẫn còn chồng chất.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM