Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:29:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tôi chết, bắt đầu một thế giới sống  (Đọc 39179 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #10 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2012, 10:16:51 pm »

8.

Vào tháng 6-1992 đội xung kích được anh đưa đi chuyến thử đầu tiên – lúc đó thì anh đã đi một mình cả chục năm rồi. Lần này để các em đi thử xem, chỉ lấy lên một liệt sĩ thôi, tại Củ Chi. Anh cho một chuyến xe buýt lên đó, dẫn cả đoàn vào một vườn điều xanh tốt và chỉ chỗ đào. Nơi đó anh đã đi thăm dò trước, đánh dấu bằng một ngon tre tầm vông.

- Ồ, sao đào giữa vườn điều, không có mộ?

Các em ồ lên thắc mắc. Nhưng anh Bản không nói gì vội, hướng dẫn đào tiếp. Khi đụng bọc nilon, Bản báo tin là “đến xương rồi đó, để tôi xuống làm”. Còn có em sợ, khi nghe thế thì nhảy lên – Bản đưa xương liệt sĩ lên, cả quần áo súng ống vẫn còn.

- Ủa. Sao không có hòm? Sao không bọc gói liệm gì, cả người chỉ có quần đùi là sao?

Mấy em thắc mắc, chỉ dám thì thào vì bác sĩ Bản vẫn đang chăm chú hướng dẫn. Bây giờ các em mới hiểu vì sao trước khi đi, phổ biến mang quốc xẻng thì hiểu rồi, sao còn mang cả dao nhỏ xíu, cả nhíp nữa – “Mang đi chi?” Lúc ở nhà các em buồn cười, nay thì đã rõ: dao nhỏ dùng để xén tỉ mỉ cẩn thận từng rễ cây li ti bám vào xương, bọc cả trong sọ. Nếu không khéo bể sọ ngay. Các em phải nhẹ nhàng cứa bớt rễ cây, đổ nước vào sương sọ để moi đất, cắt rễ cây, dùng cả nhíp và kéo nhỏ - Nhìn Bản nín thinh làm, các bạn trẻ cũng lặng lẽ tăm tắp làm theo. Lúc đầu đào đất, các em còn trò chuyện bông đùa. Từ lúc thấy được xương cốt liệt sĩ, không ai nói câu nào. Bản thử xem các em phản ứng ra sao. Anh đưa cả xương sọ cho các em đặt lên nilon xem chúng có dám cầm không. Nhưng các em lặng lẽ làm, xúc động chẳng nói nên lời trước cảnh các lóng xương đang được đãi ra trong đất – Đến lúc từng loại xương đã xếp trong miếng vải trắng sạch sẽ, Bản mới trò chuyện những điều các em chưa hiểu:

“Tại sao không có mộ? Trước kia đây là vùng trang chấp ta địch xen kẽ. Các em thấy xung quanh đây vẫn còn hố bom. Bom gì đây? B52 rải. Sao mà nhiều thế? B52 đi mỗi lần 3 chiếc, mỗi chiếc 250 trái bom, các em nhẩm nhân thử thì biết chứ gì? Một đợt là 750 trái bom. Mỗi đợt khoảng mười phút – Và thường B52 đi hai đợt. Ác liệt đến chừng nào! Khi ở xen kẽ ta địch, không thể xây mộ lên được. Ngày ỏ hầm, đêm mới lên. Chôn liệt sĩ xong phải phủ cỏ như bình thường. Nếu địch biết thì sẽ đào mộ lên, có nhiều khi chúng gài trái ở dưới người liệt sĩ, khi ta kéo đem chôn cất, trái nổ tan xác luôn. Vậy nên không có mộ. Tại sao không gói liệm? Ở chiến trường tất cả gia tài chỉ có chiếc ba lô: một bộ quần áo, võng, nilon che mưa, đèn pin, ngoài ra là súng đạn. Bản căng võng ở cây xoài – anh chỉ: “mười phút thôi, nhà của người bộ đội đấy”. Nhưng đó chỉ là khi ở căn cứ. Còn vì sao anh bộ đội này lại mặc quần đùi thôi? Khi đi ra trận thì thế này: Không có ba lô - Ở thắt lưng có tất cả: võng cuốn, nilon, bình toong, ca muỗng “Gia tài” của anh đó. Thêm đôi dép, cái mũ tai bèo. Đánh nhau mùa mưa, công sự ngập nước, anh phải cởi quần dài, lấy hai ống quần thắt ở cổ giữ cho quần khô, đêm tối mặc ấm, khỏi muỗi. Khi hy sinh anh vẫn nguyên như vậy. Anh bộ đội này còn là may mắn lắm.

Bản chỉ từng thứ mảnh còn sót lại, chỉ cho các em. Tấm nilon mà đồng đội lấy gói cho lúc hy sinh chính là tấm nilon che mưa của anh ấy đây. Dép còn. Võng còn. Người chiến sĩ giải phóng hy sinh giữa trận mạc không bao giờ có hòm. Còn tờ giấy viết tên tuổi quê quán liệt sĩ đây, sao viết nguệch ngoạc vậy? Các cháu hàng ngày trên công văn giấy tờ thấy chú viết đẹp chứ gì? Vậy mà khi viết tờ giấy này sao xấu thế? Vì tối như mực, phải chờ pháo sáng lên. Mà có phải ổn định như đèn điện ở nhà đâu? Pháo sáng rơi tụt tụt loang loáng, mỗi quả pháo viết được vài chữ là cùng. Còn tờ giấy này, các cháu nhìn xem. Đó là vỏ bao thuốc lá ARA. Chú nhớ hồi đó bộ đội chỉ hút các loại Rubi, loại xanh là của lính do tiếp vụ phát, loại đỏ là của dân. Chú nhớ hình như còn loại SALEM con lạc đà. ARA thì từ Miên về có ký hiệu con két”.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #11 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2012, 11:23:55 pm »

Các đội viên xung kích nhìn chăm chú vào mẩu giấy thuốc lá có tên liệt sĩ Hưng quê tận Thái Bình – Các em còn hỏi lấy mỡ ở đâu mà bỏ vào bảo quản trong lọ. “Các chú lấy ở băng AK có mỡ bò chống sét rỉ - Còn tại sao phải cho lọ vào trong sọ? Chiến đấu ác liệt như thế, thi hài nằm xuống đất đâu có được yên. Các cháu hình dung xem, có hài sốt nằm sâu dưới đất mà còn vỡ cả xương sọ. Giặc ủi tới ủi lui, bom pháo tơi bời, nhiều bộ hài cốt nằm sâu mà còn xoay cả hướng nằm. Vì vậy bỏ vào miệng là giữ được chắc chắn nhất.

Hồi nãy chú bảo các cháu lấy tay lùa nhẹ trong rổ, thì đây, chúng ta đã lấy ra đây. Đây là xương đùi, đây là xương trụ. Còn xương hông đây, các cháu sẽ thấy xương đùi nó khớp với xương hông như thế nào. Các cháu cố gắng quan sát để ta còn có kinh nghiệm sau này. Mọi khi chú giảng về y tế, về phương pháp cấp cứu, chỉ được xem hình vẽ thôi, còn bây giờ mọi thứ ở trước mặt.

Cái xương sườn này là sườn thứ mấy? Thứ nhất, vì sao? Vì nó rất ngắn, rất cong. Xương số tám, số chín đây to dài. Xương sườn cụt: có khớp ăn vào đốt sống, đầu nhẵn nhụi, để phân biệt với đầu thô ráp của xương gãy…
Nghe Bản giảng với một giọng nghiêm túc, trầm buồn, các em lặng lẽ ngồi nghe. Có đứa vừa rửa xương vừa khóc thầm, rồi trách: “Sao chú không nói trước ở nhà để chúng cháu đem sổ ghi chép, để còn làm sau này cho không phạm một sai sót nào với hài cốt liệt sĩ”.

- Không ghi – Bản nói – mà phải nhập tâm, thuộc lòng. Chúng ta sẽ còn làm rất nhiều.

Những đội viên xung kích của anh bây giờ đạt đến trình độ thành thạo. Giờ đây Bản đã có thể giao cho một đội nào đó thuộc năm, sáu tổ của Hoàng Anh Tú, Châu Quốc Hữu, Hải Đăng, Tài, Nguyễn Văn Mười, Hồ Văn Tiêu, Trương Văn Thái…Họ có thể chủ động lấy hài cốt một cách đầy đủ, an toàn. Đó là chưa kể tới có cả những người lớn tuổi như ông Nguyễn Thành Bút hầu như lần nào đi cũng có mặt. Tất nhiên những người làm tại Hội của Bản nữa, từ bác sĩ Tin, cô Dung… Họ có thể biết khu việc nào Bản giao, sẽ đào và quyết định bảo vệ xương cốt khỏi hỏng, sót trong lúc ấy. Bản còn nhớ một lần họ đào giếng ở phường 15. Nhân dân kể lại có bốn liệt sĩ dưới đó. Bọn anh moi lên chỉ thấy hai bộ xương. Đào thêm xuống nữa gặp cát nguyên thủy, tầng cuối sâu của các lớp đất. Theo kinh nghiệm của Bản, đất đào lên mà đủ mọi thứ là đất đổ xuống. Còn đến lớp cát không bên dưới sâu thì có thể đã đào hết rồi. Bản băn khoăn – nếu không đào, bỏ sót thì tội nghiệp, tiếc công, và nhân dân sẽ phê bình không lấy kỹ - bà con đã bảo có bốn liệt sĩ tất cả chứ không phải hai. Có tiếp tục đào nữa không? Đến lúc đó rất may, anh Tài trong nhóm Xung kích nhờ các bài học kinh nghiệm Bản truyền – đã phát hiện trong một bộ hài cốt, hai xương đùi lại là xương của cùng một bên. Lấy xương hông lên ráp thấy ngay. Vậy tức là không chỉ có hai bộ hài cốt ở đây.

Có những hài cốt liệt sĩ từ hồi chống Pháp, xương đã mủn ra thành đất, nhưng đội xung kích của anh vẫn phân biệt được. Hai cục đất đều đen cả, nhưng họ vẫn nhận ra – Nếu là đất, miết thử nhẹ thấy mịn dính nhau. Nếu là xương thì màu đen hơn một chút (mà chỉ có bọn anh mới nhận ra cái độ đen hơn một chút đó thôi, người xúm quanh không ai phân biệt nổi). Khi miết cũng thấy giống cát mà không phải cát: cát mịn hơn một chút, tròn hơn. Còn tế bào xương dù là rất nhỏ, có vẻ dài hơn.

Một lần nhóm của Tài, Hữu, Bông và hai mươi hội viên đi lấy liệt sĩ Huỳnh Văn Chọi hy sinh từ năm 1943 tại khu vườn lài phường 17, Bản thử giao cho anh em làm một mình. Đại biểu Ủy ban, Đảng ủy, Mặt trận, Công an… đến tham dự. Khi đào lên chỉ có đất không. Vậy mà đụng đến, anh em phát hiện ngay. Có cả cựu chiến binh đến tham dự, quay phim nhưng nhìn đất không nhận ra. Vậy mà anh em lấy hết lên, so sánh phân tích. Gần trưa Bản xuống xem sao. Ông chủ tịch Cựu chiến binh xuýt xoa: “Ông huấn luyện quân ông sao, chúng tôi phục sát đất. Nó biết cái nào là xương, thật là giỏi.” Bản thầm nghĩ: Vậy là tập thể của anh đã đạt được hai điều: họ chú lắng nghe những lần anh hướng dẫn nên mới làm thành thạo. Sau nữa họ có tình cảm rất sâu sắc, mới có thể làm như vậy. Trường hợp liệt sĩ Sánh còn khó hơn nhiều, khi lấy lên bùn sình đen thui một màu với nhau được cho vào các thùng thiếc đưa lên. Bà con bữa đó cũng phục lăn khi thấy họ, bằng tay, bằng mắt thường, vẫn cẩn thận chọn đúng xương cốt người liệt sĩ giờ đây chỉ còn như một miếng quặng đen.

Nếu có ai trò chuyện với một người trong bọn họ, sẽ còn được nghe nhiều chuyện lạ lùng. Anh Tài, chủ tịch Hội chữ thập đỏ phường 15 nói rằng “không kể xiết” nếu ta hỏi anh số lượng liệt sĩ họ đã kiếm tìm. Đấy là Tài chỉ tham gia giai đoạn sau này. Anh có thể kể về các vỉa đất, giống như người làm địa chất. Dễ nhất là nhìn đất mà phán đoán. Đất lộn xộn là đất đã được đào lên lấp xuống một lúc nào đó. Thường là đất thịt, xong đến đất sét và cuối nữa là cát thuần nhất. Khi nào đào tới lớp đất thịt mà có đất cát lẫn đất sét thì phải nghi ngờ. Nhìn một vùng cây cối, nếu hàng hàng cao su đang đều nhau mà có chỗ cây còi cọc đi hàng dài, tức là ngày trước chỗ đường mòn, đất nén chặt, cây lên không xanh tốt bằng chỗ khác. Nếu ở một mặt ruộng, muốn tìm miệng giếng thì phải để ý vùng cỏ nào xanh mơn mởn hơn. Khi san bằng, vạt hết lớp đất bên trên, dội nước sễ thấy hiện lên một vòng tròn: nơi miệng giếng nước sẽ ngấm nhiều hơn. Anh Bản thường cảm động thấy sự trưởng thành của cán bộ mình. Hơn thế nữa – anh rất mong muốn truyền tình cảm biết ơn cho hết thế hệ trẻ. Khi những cán bộ Quận Đoàn cùng kết hợp các chuyến đi như thế, họ kết luận: “Giáo dục thế này thật hết xảy, không thể có lời nói nào hơn được nhìn thấy tận mắt. Dù các anh đã hy sinh mấy chục năm, chỉ cần bốc lên đất đá, dây trói thì đủ hình dung sự tàn bạo của kẻ thù. Những đồ vật đơn sơ đào lên chứng minh một cuộc sống, cảnh sinh hoạt thật gian khổ, và có người còn lộ rõ cả tư thế nằm lúc hy sinh…
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Bảy, 2012, 05:30:43 pm gửi bởi crawling0805 » Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #12 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2012, 06:04:47 pm »

Sau những chuyến đi như thế, công tác xã hội của các em biến đổi hẳn. Các em nhớ lời Bản: Thử hình dung xem người thân mình mà nằm vùi thế này mấy chục năm không ai biết đến, trâu bò, xe cộ vô tình dẫm chà lên trên... Chính các em chứng kiến có lần phải đào hẳn một chái bếp, chuồng heo của một nhà trong làng để đưa lên người liệt sĩ. Đau thương biết là chừng nào!

Khi đi lên Củ Chi, Bản thường dẫn đội của anh ghé vào nhà bà mẹ liệt sĩ. Không phải chỉ để chào bà, mà anh cho các em được chứng kiến tình cảm mà bà má đón anh như thế nào, nghe má mắng mỏ trách móc vì lâu không ghé lên như thế nào. Đấy là máu mủ ruột thịt chứ đâu phải mối quan hệ giao tiếp hàng ngày chào hỏi xã giao rồi đi như công việc tiếp xúc trong thế giới hiện đại, thế giới công việc ngày nay đâu.

Các em thấm thía điều gì nữa - cách nhìn của chúng với cuộc sống - gặp một đám ma, các em nhớ lời anh Bản: Mất một người thân, thấy ma tang đưa rước khóc than, làm đến bao nhiêu là nghi lễ vẫn chưa nguôi đau khổ. Thử nghĩ người lính chịu đói khát chết dập dưới bụi tre mấy chục năm sau mới đào lên, có người còn nằm lại đâu đó không ai biết được. Người bình thường và người chiến sĩ như thế, chết cho Tổ quốc, chết xa gia đình, các em thử so sánh hai cái chết, xem ai đáng được phải có tang lễ trọng thể hơn?

Bản dẫn các em vào thăm nhà các bà má liệt sĩ cô đơn. "Thấy không các em: trời mưa, một mình má cô quạnh. Nhà thì dột, trong khi các em nhìn xem nhà bên xây to đẹp..." Bà má đang buồn co ro trong cảnh mưa, thấy đoàn các em vào má vui hẳn lên...

Khi Bản tổ chức công tác của Hội, vận động nuôi chăm các cụ cô đơn, tình cảm các em khác hẳn. Trước đây do phân công thì phải đến, nay chúng đến không phải giờ giấc quy định: mưa, tối, hễ rảnh là đến. Riêng một quận của anh đã có tới gần năm mươi cụ cô đơn, chưa kể đến thương binh nặng, con em gia đình liệt sĩ. Quận anh mấy chục trường học, nhiều giáo viên cũng chưa biết hố bom và hố pháo ra sao.

Mỗi lần đi không hề đơn giản, dễ dàng, dù là việc đã trở thành quen. Anh rất "mệt cái đầu" mỗi lần tổ chức. Đủ thứ lo: làm sao xe honda không hư dọc đường (đấy là đã qua cái giai đoạn gia đình các em không cho mang xe nhà đi làm việc dính đến hài cốt) - làm sao không xảy ra tai nạn. Khi về không đứa nào bệnh. Đi đây là gian khổ, nắng mưa, lội bưng lội đồng chứ đâu như phóng xe vèo vèo xuống Quận 5, Quận 10 trong thành phố rồi về. Nơi xa nhất có lúc vài trăm km. Nếu đi Bến Cát còn phải qua Bến Súc, qua phà.

Hôm làm lễ truy điệu ở Củ Chi, Bản dẫn các em tham quan địa đạo. Anh làm "hướng dẫn viên du lịch kỳ lạ": đường mòn không "cho" đi, "vào đây cơ, đây mới là đường bộ đội phải đi. Đường bộ đội là thế này". Đám trẻ vừa sợ vừa thích thú theo anh đạp ào ào lên gai góc. Đã thấm gì. Bản kể là trước đây còn chằng chịt nữa, mà vào chiến trận mấy anh chạy được hết. Anh chỉ cho các em phân biệt hố nào hố bom, hố nào pháo. Hố pháo nhỏ hơn, cạn hơn. Bom sâu hơn, hố vẫn còn khá lớn, tàn tích chém ghim trên cây cối vẫn còn có thể thấy. Anh hướng dẫn tỉ mỉ từng thứ: xe tăng gì, pháo quay làm sao, ủi sao, sập hầm thế nào và nhất là cách đánh. Vì sao gọi là "không vận", lỗ thông hơi muốn tránh chó đánh hơi thì làm gì, và nhất là cái tên loại lá "trung quân" - Anh không hiểu tên bên khoa học và lâm nghiệp gọi bằng gì, nhưng nó trung thành với bộ đội: dù khô vẫn không cháy, dùng để lợp hầm, bộ đội được chở che.

Sau rất nhiều lần đi như thế - khi tham quan, bốc hài cốt, lúc đem hàng trăm ghế đá đi tặng kê vào các vườn của nghĩa trang... các em học sinh viết văn ở nhà trường được điểm cao, có đứa cầm tới khoe với Hội...
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #13 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2012, 08:50:16 pm »

9.  

Cái lần Bản đi tìm hài cốt của Nguyễn Văn Kiên, chưa biết có phải là lần vất vả nhất hay chưa, anh không dám khẳng định. Kiên là bạn nối khố cùng quê, cùng học một trường, cùng nhập ngũ đi B một ngày, cùng sống chết với nhau ở chiến trường. Giờ đây mỗi bận ngồi tàu hỏa đi xuyên đất nước, anh thường nhìn ra các làng xóm, các dãy núi mờ xa kia và tự nhủ không biết cớ thể “chiếu” qua núi để biết được đó là đoạn nào của đường các anh chèo núi vượt Trường Sơn cách nay đã ba chục năm. Ngày ấy họ là tổ ba người, cũng là một tổ văn nghệ luôn: Hòa kéo nhị, Bản sáo trúc, Kiên hacmonica. Kiên nhỏ, vui tính, lém lỉnh. Trên đường hành quân vào Nam, nó là hạ sĩ, A phó, hay phải đeo nồi cho đơn vị. Theo quy định, những đít nồi đều bịt kín bằng ni-lon. Kiên nghịch ngợm khi đeo nồi, cậu cố tình nghếch các cạnh nồi sang các bụi lá hai ven đường. Lá đầy nhọ phật vào mặt  các anh chàng đi sau. Họ cứ yên chí không việc gì, để rồi đến nơi dừng chân tất cả đều lăn ra cười. Rồi hạ nồi xuống, hạ ba lô xuống là tổ văn nghệ bắt đầu đàn hát. “Kiên nhỏ hơn tôi bốn tuổi”. Bản nhẩm tính: “Nó chết năm 1969, lúc hai mươi tuổi tròn, trong trận đánh ở ấp Ba Cụm xã Cỏ Ống, Trảng Bàng, Tây Ninh”. Hôm đó đơn vị anh đánh xe tăng, bọn địch không đi trên đường mà đi ủi đất ruộng để lủi xuống, ta bắn không được. Bộ đởội gọi đó là đánh xe âm. Phải dùng thủ pháo dù hoặc thả bộc phá. Kiên bị thương nặng ở bụng, chân và phổi. Bản vẫn nhớ hình ảnh Kiên nằm trên võng mất máu nhiều, mặt toàn sình. Trong bom đạn khói mù mịt, cứu thương cáng chạy vào rừng Cỏ Ống để băng tạm. Bản nhớ ánh mắt của Kiên lúc nắm tay anh: “Chắc tao chết”. “Cố đi, về đến đội phẫu sẽ cấp cứu” – Bản an ủi, nhưng anh biết Kiên khó lòng sống được. Về đến nơi, Kiên hấp hối dặn lại “Nếu mày còn sống sau này cố đem tao về cho mẹ tao”… Kiên mồ côi cha. Nó chỉ còn mẹ và một người em gái ở lại quê, bao năm không tin tức…

Làm sao Bản có thể sống yên sau những chuyện như thế. Riêng một đợt đi B ở một xã nhỏ quê anh lần ấy hai mươi chín người, anh còn nhớ hôm xã liên hoan tiễn đưa, mỗi mâm ngồi năm người. Mâm anh chỉ có bốn lính, thêm anh Nhượng chủ tịch xã là năm. Sau hòa bình trong số đó chỉ còn một mình anh trở về.

Suốt bốn năm ròng, từ năm 1980 đến 1984, Bản đi đi về một mình, cố tìm xem Kiên nằm ở đâu. Rõ ràng hồi đó Bản đánh dấu bằng cây cột của một gia đình bị bom, anh chôn cột kèm theo. Nhưng bao nhiêu năm đã thay đổi. Nay là ruộng, vườn điều. Thỉnh thoảng rừng bị chất độc hóa học không cây cối. Ngày trước thì giặc dùng bom, pháo quần nát tan. Xe tăng ủi tới ủi lui. Cái sọ của Kiên chôn sâu vậy mà vẫn bị vỡ. Ngày ấy chôn trên đất nhà bà Tám Kiến, nhưng chiến tranh ác liệt, nhà bị cháy, bà cũng bỏ đi phiêu bạt sống ở nơi nào không ai biết rõ. Mỗi lần đi tìm đồng đội nào ở khu vực này, Bản đều rẽ qua, gặp ai anh cũng hỏi. Khi tình cờ gặp được, bà Tám cũng phải vất vả lắm mới cùng Bản vẽ lại được sơ đồ mảnh đất ngày xưa của nhà mình. Sau rất nhiều lần đi về, Bản xác định được cái mốc đầu tiên là bờ ruộng, bên kia đối diện một bụi tre – Tất nhiên, thật khó xác định ra bụi tre khi chính nó cũng không còn gì trên mặt đất.  “Bụi tre” chỉ là hình ảnh trong sơ đồ của trí tưởng tượng của cảnh vật lùi xa cách đây cả hai mươi năm với bao biến đổi. Trước bụi tre, nay là một đường mòn. Nhưng Bản kiên trì vì anh biết cây tre là thứ cây kỳ diệu nhất – Anh phát hiện ra gốc của nó dưới đất. Rất lạ, cái cây tre Việt Nam. Dù bao năm khô đi, củ tre vẫn còn. Dường như nó không bao giờ chết. Dù có mục bên trong vẫn còn vỏ. Màu nâu, các đường gờ xung quanh đâm rễ ra, như lưỡi liềm dính vào củ mẹ. Từ gốc tre ấy, Bản đo đạc, tính toán rồi quyết định đào xuống. Lần này đã là lần đào thứ bao nhiêu không rõ, vì trước đó anh đã xăm đào thử tới hơn hai mươi chỗ không thấy. Đến khi xác định được gốc tre, Bản đào xuống và anh biết chắc đã được đền bù: Anh đụng ngay cái bọc nilon không sâu lắm. Anh lấy võng, vải gói bạn lại, đem về nhà bí mật đưa lên gác xép để ba ngày chờ đem ra Bắc, về quê.

Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #14 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2012, 08:52:39 pm »

Anh đến ngay nhà Kiên khi về tới làng. Những lần về trước, anh đã chứng nhận cho một số gia đình được hưởng chính sách gia đình liệt sĩ và xã xây mộ tượng trưng ở nghĩa trang xã nhà. Trong danh sách đó có cả Kiên, và cũng có một cái mộ giả của Kiên ở nghĩa trang xã.

Anh đi về làng, không nói cho ai biết về bộ hài cốt đang xách đi cùng. Dù chiến tranh đi qua đã lâu rồi, nhưng nỗi thương đau của người thân có bao giờ phai lạt. Sự thương đau ấy cứ âm ỉ cháy vì sau bao năm, việc biết chính xác con mình nằm ở đâu ngày càng mờ mịt. Bản đã có kinh nghiệm của chính bà mẹ anh. Đó là một câu chuyện dài. Bây giờ phải tìm cách nói thế nào với mẹ Kiên. Sẽ không kể hết vội, nhất là cái đoạn Kiên mặt đầy sình, kiệt sức đang nói lời trăng trối.

Lúc Bản đến nhà, mẹ Kiên đi vắng. Chỉ có cô em gái đang ngồi đan rổ. “Đây có phải nhà anh Kiên không? Bà cụ còn sống không?” Cô gái ngỡ ngàng nói mẹ đi làm đồng. Bản giục cô đi tìm mẹ về. Anh ngồi lại trong ngôi nhà vắng, tiếp tục đan cái rổ cô gái cô gái bỏ dở, vừa nghĩ cách. Bà mẹ khắc khổ, chân lấm tay bùn, áo gụ quần đen ống thấp ống cao từ cánh đồng chạy về, nghĩ rằng về để tiếp khách từ xa tới thăm.

- “Chú đi đâu thế này?”

- Thế bác có biết bà Hán ở bên Xuân Hùng không?

- Có chứ. Bà cụ vẫn đi chợ với tôi. Bây giờ bà cụ vào Nam với con trai rồi.

- Cháu là con trai bà Hán đây này. Thế bác có biết anh Bản đi B cùng với Kiên không? Cháu là Bản đây này, cháu con bà Hán đây!

Bà cụ mừng rỡ cảm ơn, vì lần trước tuy không gặp được anh, bà vẫn biết anh về xã chứng nhận cho rồi. Bà cảm ơn:

- Nhờ anh lần đó xác nhận các trường hợp hy sinh do anh chôn cất, chứng kiến nên gia đình đã được công nhận theo chính sách nhà nước rồi.

Bản hỏi vòng vo chuyện làm ăn, hỏi thăm sức khỏe cho bà mẹ bớt hồi hộp. Anh an ủi: “Kiên hy sinh rồi, bà cũng gắng đừng nghĩ nhiều hại sức khỏe”.
Anh kể những hình ảnh tốt đẹp về người bạn nằm lại mãi tuổi hai mươi. Còn anh bây giờ đã bốn mươi bảy tuổi rồi, trải bao nhiêu thăng trầm buồn vui cuộc đời. Và anh chỉ nhớ đến một hình ảnh mà anh muốn kể cho bà mẹ. Đó là việc Kiên gan dạ đánh xe tăng như thế nào. Bà mẹ vừa nghe chuyện, vừa lặng lẽ nhìn ra xa tít cánh đồng để ngăn nước mắt. Bà không thể nào ngờ đứa con đi biền biệt để bao thương nhớ, lại đang nằm ngay ở cái phản, trong chiếc túi du lịch đơn sơ của người khách.
Lúc này Bản mới từ tốn:

- Chính con chôn Kiên, nhưng chưa tìm được nó nên không dám nói. Hôm nay con tìm được rồi, đưa Kiên về với mẹ đây.

Vừa nói xong, Bản tính để túi lại cái chõng nhưng chưa kịp thì bà cụ đã quỳ thụp xuống vái lạy anh. Bản cuống quýt đỡ bà cụ dạy. Họ mở cái túi. Bản vừa xếp xương cho bà mẹ nhìn, vừa an ủi:

- Tiếc là xương sọ không giữ được nguyên vì xe tăng ủi. Nó bị gãy xương đùi trái. Đây là xương ngón tay. Chỗ đất nâu này là do xương mủn ra, con hốt hết đầy đủ cho thằng Kiên nó về…

Bà cụ cầm trên tay từng khúc xương con, lặng lẽ khóc: “Nào tôi có thể tưởng tượng được có ngày nó về thế này. Cách đây một năm xã đã làm lễ truy điệu, một trăm viên gạch xây mộ, làm bia chứ xương cốt làm gì có… Đúng con đây rồi Kiên, hồi nhỏ con bị gãy xương đùi trái…” Họ thắp hương khấn. Ngày mai xã sẽ làm lễ truy điệu. Xã còn tới hai mươi bảy anh em đợt ấy chưa về, chỉ có mộ tượng trưng ở nghĩa trang. Ngày mai xã làm lễ truy điệu sẽ có đông đủ bà con, có đủ cả hai mươi chín gia đình của đợt đi B ngày ấy. Bản thức thâu đêm viết kể lại trường hợp Kiên hy sinh để mai đọc trước bà con. Những chữ thông thường không còn đủ sức chứa các ý nghĩa. Nhận về một đau khổ mà vẫn còn là một niềm an ủi và may mắn. Từ mai, ở nghĩa trang trong bao nấm mộ, có đứa con của làng đã về thực sự giữa đất quê.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Bảy, 2012, 11:53:47 am gửi bởi crawling0805 » Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #15 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2012, 07:26:38 pm »

10.

Có  nhiều trường hợp giống như những bài toán đố, mà các anh phải lần mò khá vất vả, đôi khi công việc còn tắc lại đó.
Có liệt sĩ như Trương Tấn Tài đang được chuẩn bị đi lấy về, thì được biết giấy tờ chưa hoàn chỉnh, chưa có giấy công nhận liệt sĩ. Gia đình thân nhân chỉ còn người chị họ bà con đứng ra lo. Khi chết không ai chứng nhận, đơn vị thì giải tán, không biết tìm nguồn gốc ở đâu. Như vậy vẫn còn có thể bốc lên, nhưng đưa về nghĩa trang liệt sĩ phải đủ thủ tục – Trường hợp này nhiều lắm, ngay ở các quận huyện của thành phố: Thủ Đức, Tân Bình, Bình Chánh… và khắp các tỉnh miền Nam. Nhiều gia đình đành chịu, xin cứ giải quyết theo dạng mất tích, bởi gia đình nhận được giấy báo tử, nhưng sống trong vùng giặc chiếm đóng, đâu có treo lên thờ được. Rồi chiến tranh bom đạn lưu lạc, đôi khi đem chôn giấu, trở về nhà xưa hoang tàn không còn dấu vết.

Bản và nhóm công tác của anh, cùng những đồng đội cũ lại phải làm một cuộc đi tìm. Họ vào quân khu 7 tìm danh sách người hy sinh, hy vọng vào cuốn sổ gốc mà không phải bao giờ cũng đầy đủ được vì hoàn cảnh thời chiến. Nhiều nơi các anh đã phải chịu trước câu trả lời: không còn sổ gốc, đơn vị giải tán đã lâu. Không có lẽ đơn vị hy sinh hết không còn một ai? Những người sống sót, biết sự việc bây giờ ở đâu? Các anh chạy tìm manh mối để nhờ người biết xác nhận. Nếu không thì các gia đình sẽ phải bó tay: Có người chữ A chữ B không biết, tiền không có, biết đi đâu, hỏi ai?

Có trường hợp các anh đã xác minh được địa điểm chôn liệt sĩ, nhưng chưa kịp đưa về nghĩa trang thì đến ít lâu sau, chủ đất san hố bom làm ruộng, đã tự động đưa hài cốt liệt sĩ đem an táng ở chỗ khác. Tìm đến ông chủ đất thì ông ta đã chết. Người ta chỉ ông này biết, bà kia biết, thế là lại bổ đi tìm một trận nữa. Họ tìm ra được người biết chuyện là ông ba Tố ở xã Trung Lập  Thượng – Ông Ba Tố dẫn ra khu vực sau hố bom – Vẫn còn dấu vết của hố bom, vì không đủ đất lấp, nên họ nhận ra được khu vực trước đây liệt sĩ nằm. Vậy người chủ đất có thể chuyển đi chôn ở đâu trong địa hình của khu ruộng? Nhìn hai bụi tre kế bên, Bản nghĩ có thể chỉ đưa về hàng tre, vì nó có rãnh đào ngăn rễ tre lan ra ruộng, khu vực đó riêng biệt khỏi chỗ trồng trọt. Lúc đó đã hai giờ chiều. Đào thăm dò được một nửa vùng đất thì đã bốn giờ chiều. Vẫn chưa thấy. Vợ của người chủ sang đất nói rằng hồi còn sống, ông hay lúi húi lom khom ở bụi tre này, có lẽ đấy chính là nơi ông chôn hài cốt liệt sĩ. Đào xuống rãnh tới nửa mét, sâu một mét vẫn chưa thấy.
Đó là những trường hợp tuy về không, nhưng còn có quyền hy vọng ở lần đào tiếp.

Đôi khi Bản tiếp khách tới tìm anh ở Hội chữ thập đỏ. Công việc của anh đâu phải chỉ chuyên một việc đi tìm hài cốt. Hội chữ thập đỏ còn nhiều việc cho lớp học tình thương nuôi trẻ mồ côi, huấn luyện cho các đội cấp cứu và phòng khám bệnh từ thiện, tuyên truyền y tế phòng chống bệnh AIDS, các chương trình tiêm chủng, vệ sinh môi trường… Vậy mà thỉnh thoảng Bản phải bỏ hàng giờ tiếp những người khách đem đến cho anh những dữ kiện mơ hồ nhờ đi tìm thân nhân. Có lần khách đưa ra một bản khai, một bản tuyên dương công trạng của liệt sĩ Ngô Luật Tân trung đoàn 84 mà người ký lệnh từ 1953, mất giất báo tử. Thỉnh thoảng trong các dòng lời khai, có lóe sáng một điều nào đó. Chẳng hạn: “Có người cầm các di vật về.” Vậy người đó ở đâu? “Người đó chết rồi” – Thế còn câu “đã đưa về tuyến sau” – Tuyến sau của trận đánh đó ở Phú Yên. “Đã ra Phú Yên chưa?” Chỉ ra Đắc Lắc nơi trung đoàn đóng. Tìm gặp được ông trung đoàn phó đã 98 tuổi, nhớ không được bao nhiêu. Một người chỉ ở Măng Giang, mà Măng Giang lại là tên của hai nơi. Đèo Măng Giang ở An Khê, tỉnh Gia Lai, còn dốc Măng Giang thì ở Phú Yên. Ấy là người ta nói thế thì biết thế, chứ người của gia đình đã bao giờ lên đến tận những nơi ấy! Người phụ nữ - vị khách hôm đó – đưa ra những thông tin còn rất mơ hồ.

- Một mặt chị tiếp tục nhờ cựu chiến binh của trung đoàn 84 tìm hộ - Bản khuyên – Còn tôi sẽ liên lạc với ngoài đó xem sao.

Anh kể lại câu chuyện để nuôi thêm hy vọng cho vị khách, mà cũng là cho chính mình. Có một nữ bác sĩ có chồng hy sinh, tìm được ra bốn người đã từng chôn cất. Nhưng bốn người ấy nói bốn kiểu khác nhau, ai cũng đưa ra những tư duy khá chặt chẽ. Bản nói chị ra đó chụp hết những khu vực mà cả bốn vị kia mô tả, đồng thời anh đặt 18 câu hỏi để đưa riêng cho từng người, không ai biết là người kia cũng trả lời câu hỏi đó. Khi họ trả lời xong, chị bác sĩ đem tất cả vào. Bản xem sơ đồ và chỉ chỗ đào. Cuối cùng đào lên, lấy được ba hài cốt liệt sĩ, trong đó có chồng của chị. “Người ta cứ tưởng tôi có tài như ông Năm Chiến, nhưng không phải”. Bản nói, anh chỉ có rất nhiều kinh nghiệm mà thôi.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #16 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2012, 09:35:02 pm »

11.

Vậy bác sĩ Trần Văn Bản là ai? Anh không đi tìm như một nhà ngoại cảm, anh hoàn toàn không có tài như thế. Một mình anh đã làm rất nhiều, có thể nói anh đã nuôi ý định đó, âm thầm làm, giấu cả vợ con để lang thang Củ Chi, Bến Cát, Trảng Bàng không biết bao nhiêu lần. Suốt giai đoạn đầu năm 1978 – 1988 còn đầy khó khăn ấy, còn ăn bo bo, đất nước chưa bước vào mở cửa, anh chưa biết dựa vào đâu. Anh nghĩ tới chiếc thùng đạn của anh cất tài liệu còn chưa tìm ra. Rồi lời hứa, lời trăng trối, kỷ niệm bạn bè đồng đội thời chiến tranh, anh ôm lấy một mình trong nỗi nhớ và cả nỗi cô đơn. Lúc đó anh về khu vực rừng Bưng Còng nhiều nhất, còn đi trên chiếc xe đạp hiệu “Chiến Thắng” mua bằng giấy giới thiệu.

Đạp xe lọc cọc chiều thứ bảy lên Củ Chi, có khi nghỉ đêm ở đó để sống lại phút trăng lên – không phải để thưởng thức lúc trăng lên thơ mộng, mà là để nhớ lại phương hướng ngày xưa hiện lên dưới ánh trăng như thế nào. Đi về, tiền hết, sức lực không còn. Làm sao biện minh được với vợ anh về sự sao nhãng ở gia đình? Vợ anh có lúc đã đặt dấu hỏi: Hay là anh phải lo cho cho một cuộc sống khác ở đâu đó? Mãi đến khi chị lục tìm thấy cuốn sổ tay chi chít các sơ đồ, tên tuổi, các câu hỏi đầy ắp sổ, từng cột mốc ngày tháng – chị mới hiểu chồng. Cuối cùng thì hai vợ chồng cùng đi. Nếm trải qua một số việc, vợ anh cảm động: “Anh coi thường em quá. Vì sao việc thiêng liêng như vậy lại giấu cả vợ con? Vợ anh là chị Huỳnh Thị Phượng cũng là một quân nhân nhập ngũ năm 1965, làm y tá, quê ở Tân Sơn Nhì – Gia Định. Bản giãi bày: “Không phải anh coi thường em đâu. Sao lại dám coi thường, khi anh biết chúng mình cùng chiến đấu ở rừng về, hai bàn tay trắng, lương không đủ sống. Cả hai lại cùng công tác, con còn nhỏ. Nếu anh nói ra, nhỡ em chưa hiểu lại ngăn cản thì thật khó. Anh phải bỏ nhà đi đêm ngày như vậy vì nhiều đồng đội đã nhắn gửi, trăng trối. Mình đã hứa, bây giờ mặc kệ sao yên? Mà làm việc này đâu phải ngày một ngày hai, một tuần, một tháng, một năm mà xong đâu? Nếu mình không làm thì ai làm thay mình được?” Nhất là lúc đó ngành y tế với phong trào năm dứt điểm (trạm y tế, sinh đẻ có kế hoạch,… ) anh suốt ngày bận rộn. Anh cũng không bao giờ nghĩ đến báo chí – Người thân anh còn giấu nữa là. Một hôm có nhà báo của tờ Sài Gòn Giải Phóng đến tìm anh ở trạm y tế phường 17 – lúc đó anh chưa về Quận Hội Tân Bình – Nhà báo muốn gặp anh để viết về phong trào năm dứt điểm, nhưng anh đi vắng nên ông ta tìm đến nhà ngồi chờ. Về đến trạm, nhân viên báo tin đó, Bản tức tốc về nhà. Anh không nôn nóng gặp nhà báo, mà anh sợ nhà báo đến nhà, cái bí mật trên gác xép của anh có thể bị phát hiện.

Về đến cửa anh đã hỏi vợ ngay: “Có nhà báo đến tìm anh phải không? Sao không thấy? Về rồi à?”. Và anh thất kinh khi nghe vợ báo tin nhà báo đang ở trên gác xép. Anh bổ lên, thấy nhà báo đang chụp hình liền cự nự: “Không được sự đồng ý của tôi, sao anh dám làm thế này. Đề nghị anh cho tôi xin lại tất cả những gì anh đã ghi chép và chụp tại đây”.

Thì ra là đến nhà, anh vẫn chưa về, nhà báo khai thác vợ anh – một người cũng trong ngành y tế. Đầu tiên câu chuyện chỉ xung quanh công tác y tế, rồi người vợ buột miệng kể là anh rất bận “mai còn đi Củ Chi để lấy hài cốt liệt sĩ về”. Nhà báo liền xoay ngay vào đề tài lúc đó còn là một việc hiếm hoi chưa mấy ai làm. “Đó, lúc này có hai đồng đội đang nằm thờ trên gác xép” – “Đầu đuôi câu chuyện là thế” – nhà báo xin lỗi, nhưng quay lại thuyết phục anh – “Đây là chuyện lớn, không nghe ai làm thế bao giờ, anh ầm thầm cả chục năm như thế, sẽ không có ai giúp anh, nếu như không ai biết. Anh làm như vậy mới chỉ được nửa việc. Làm sao anh báo tin cho gia đình người ta?”… Bản nghe ra, nhưng anh đề nghị đừng nói gì đến tên anh. Hình như sau đó có một bản tin trên báo về người âm thầm đi tìm đồng đội. Cho đến nay, báo chí đã bắt đầu viết nhiều – kể cả báo nước ngoài và cuốn phim truyền hình ba đêm rung động lòng người Tokyo – nhưng Bản thú nhận là anh không giữ lại một bài báo nào viết về mình. Bây giờ cả nhà nước, các tổ chức xã hội, đoàn thể, quân đội đều đang làm việc quy tập hài cốt liệt sĩ trên khắp đất nước. Còn ngày ấy, việc mới lạ quá, đến mẹ vợ anh, mẹ đẻ anh đều sợ. Họ sợ biết bao nhiêu điều linh thiêng, nhưng đầy những bí ẩn về thế giới bên kia. Năm 1986 sau lần đầu đưa hài cốt hai người về gác xép để thờ trước khi đem lên nghĩa trang liệt sĩ, gia đình anh gặp đại hạn. Vợ anh đang có thai, giữa bữa cơm bỗng chị bị ra máu chở đến bệnh viện xác định “nhau tiền đạo” phải đi mổ. Làm ngành y anh biết bệnh này rất dễ chết, vì chỉ cứu được một trong hai người, hoặc là mẹ, hoặc là con, và nếu không nói là 100% thì cũng phải xấp xỉ tỉ lệ đó – ai mắc bệnh này đều cầm chắc cái chết – hoặc cứu được con hoặc mẹ, khó ai song toàn. Cùng lúc đó thằng con trai trèo ổi ngã gãy tay. Trong nhà kiệt quệ không còn gì để bán. Người nhà bắt đầu lo lắng, hay là Bản đã vô tình phạm phải điều gì thiêng liêng bí ẩn trong lúc đi tìm hài cốt? Bản nghĩ: Không đời nào đồng đội lại hại anh. Vô lý! Dù sống, dù chết, không bao giờ đồng đội lại cư sử như vậy nếu như thật sự có một thế giới linh hồn ở đâu đó. Quả nhiên, vợ anh qua khỏi, con anh lành lặn. Lúc ấy anh mới thì thầm với bà mẹ: “Mẹ cứ đi hỏi tất cả mọi người xem, phụ nữ bị bệnh đó có mấy người qua khỏi, sống cả mẹ cả con như vậy không? Thằng con trai vẫn khỏe, nó đi tập võ hàng ngày…” – Bây giờ bà mẹ anh yên lòng, thỉnh thoảng khi Bản đivề, bà còn hỏi thăm “hôm nay mày kiếm được mấy đứa?”

Về bà mẹ của anh – người mà các nhà báo Nhật đã xuống tận quê Vĩnh Bảo để quay phim, chụp ảnh lúc Bản còn ở miền Nam, sắp sửa mang hài cốt của Hòa ra Bắc. Về người mẹ này – liên quan đến các chuyện mà chúng ta sẽ bắt đầu ở các chương sau này, liên quan đến câu chuyện một nấm mộ hiện nay còn ở nghĩa trang liệt sĩ Củ Chi. Bản nhớ ngôi mộ đó từ cổng đi vào nằm phía phải, hàng thứ mười hai, ngôi thứ ba. Vào khoảng năm 1979, 1980 gì đó anh nhớ không kỹ, trong một lần lang thang cùng các đội viên xung kích của anh lên nghĩa trang, Bản đã phát hiện ra ngôi mộ của chính mình. Mộ mang tên anh, có ngày sinh và quê quán, có cả ngày anh hy sinh tháng 6 năm 1968.


Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #17 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2012, 07:48:47 pm »

12.

Nhưng trước khi vào câu chuyện đó, phải trở lại năm 1986 , giai đoạn hai của cuộc kiếm tìm, khi mà anh đã tìm lại được những đồng đội của tiểu đoàn đã hy sinh (tới 530 người) Còn lại 18 người sống ở thành phố Hồ Chí Minh  trong tổng số 70 người còn sống rải rác ở khắp các địa phương trong cả nước. Những người sống ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã trở thành một tập thể trong việc đi tìm hài cốt liệt sĩ. Trong bảy năm, họ đã phát hiện và phối hợp các địa phương bốc được hơn một trăm hài cốt về các nghĩa trang. Họ cũng kết hợp với đại tá Hai Nhơn, nguyên chủ nhiệm hậu cần phân khu 1 tìm kiếm và cùng địa phương đưa được hàng ngàn hài cốt đồng đội vào các nghĩa trang.

Họ là ai vậy? Ông Mai Văn Hiệu, tiểu đoàn trưởng, bây giờ đã nghỉ hưu, mở cửa hàng giải khát tại Quận 5 TP HCM – ông Phạm Hùng Ca, cán bộ đại đội nay làm việc ở công ty VISSAN. Ông Viết, ở tại Phú Hòa Đồng, Củ Chi, ông Náp ở Nhuận Đức, Củ Chi – ông Thi đại đội trưởng đại đội 1, về nghỉ hưu ở Trảng Bàng, Tây Ninh – Ông Nguyễn Quốc Giản, quản lý của đại đội nay làm ở nhà máy đường Khánh Hội. Ông Lê Thanh Tùng trung đội phó , nay làm việc ở trung tâm nghiên cứu khoa học Ngân Hàng – ông Vũ Văn Vinh, tiểu đội trưởng, nay làm việc ở Công An thành phố v v… Vậy là công tác hiện nay của họ không dính líu tới việc đi tìm hài cốt. Cái gì đã thúc đẩy họ trở thành một tập thể, hễ có ngày nghỉ là rong ruổi đi tìm đồng đội trên chiến trường xưa? “Chúng tôi có rất nhiều cái CÙNG – Cùng chiến đấu ở chiến trường Tam Giác sắt với đồng đội quê khắp ba miền đất nước, đó là “Cùng” lớn lao nhất. Trong số đó có nhiều người cùng quê, cùng đi học, cùng xa gia đình đi B”. Đó là lời giải thích của cả nhóm mười tám người này.

Hơn sáu trăm người, bây giờ còn bảy mươi. Vì sao tiểu đoàn hy sinh nhiều đến vậy? Có thể nói là hy sinh gần hết?

Đó là đơn vị mang phiên hiệu D342 E42 F350 từ cán bộ tiểu đoàn đến chiến sĩ toàn là người quê ở Hải Phòng được huấn luyện đặc biệt để điều vào chiến trường khu vực Đông Bắc Sài Gòn, Củ Chi, Bến Cát, Trảng Bàng – còn gọi là khu Tam giác sắt. Đơn vị được đổi tên là D2, E268, FK1 mà nhân dân ở Củ Chi, Trảng Bàng thường gọi với cái tên trìu mến, quen thuộc là K2. Khác với những đơn vị bộ binh được huấn luyện chung, đây là đơn vị ngay từ đầu đã nhận nhiệm vụ rõ ràng: là một tiểu đoàn hoàn chỉnh được huấn luyện các kỹ chiến thuật tổng hợp: đánh đổ bộ đường không, đánh phản kích phòng ngự, công kiên diệt đồn, đánh tập kích… Họ được đưa lên núi Yên Tử ở Quảng Ninh cho giống với hoàn cảnh thật của cuộc vượt Trường Sơn. Họ sẽ là quân địa phương trụ bám giữ vùng Tam giác sắt. Họ được mang tên là tiểu đoàn Cát Bi – tên trận đánh sân bay Cát Bi cắt nguồn tiếp viện Điện Biên Phủ - chiến thắng lẫy lừng của Hải Phòng thời chống Pháp. Tiểu đoàn đã chiến đấu tám năm tại chiến trường Tam giác sắt – mà chủ yếu đánh nhau với quân Mỹ, những sư đoàn được nhắc đến như lực lượng tinh nhuệ nhất trang bị tới tận răng như Sư Anh Cả đỏ, Sư 25… Họ cùng với E26, E Gia Định, bộ đội địa phương, du kích trụ bám ở đó, sống trong thế xen kẽ “da beo” với địch, với bom pháo dội mà không được rút bỏ trận địa.

Họ đều là học sinh mới lớn, chắc chắn còn nhiều đêm khóc nhớ mẹ cha, gia đình, bạn bè, người yêu. Thậm chí rất nhiều người cho đến khi ngã xuống chưa biết yêu là gì!... Kể từ ngày ấy, họ đã sống trong tình thương yêu, nuôi nấng của đồng bào Nam Bộ. Cho đến khi chết, cũng là do đồng đội và nhân dân Nam Bộ chôn cất, thờ cúng. Đến hôm nay, họ vẫn sống cùng nhân dân Nam Bộ.

Từ ngày 16-11-1967, họ đi bộ hoàn toàn gần nửa năm trời. Từ núi Yên Tử, xuôi Hải Dương, Hưng Yên – Nam Định – Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh rồi rẽ lên đường Trường Sơn. Đi trong khí hậu khắc nghiệt của rừng núi, của đạn bom đánh phá. Có tiểu đoàn bạn vào đến trong này là phải xếp súng lại để vào bệnh viện, có tiểu đoàn hy sinh rất nhiều dọc đường đi. Đơn vị của họ là tiểu đoàn bảo đảm được quân số cao nhất trong cuộc hành quân Nam tiến. Họ đã đi qua những dốc ba thang, năm thang nổi tiếng của Trường Sơn. Trong bảo tàng quân đội có tảng đá lõm vào hình bàn chân. Đó là vì bất cứ chiến sĩ nào muốn qua dốc đều phải đặt chân lên tảng đá ấy.

Ngày 3-4-1968 đơn vị vào đến phía Bắc Sài Gòn – Gia Định lúc gần sáng – Họ tới Dầu Tiếng, để đêm hôm sau vượt sông Sài Gòn sang Củ Chi với ba lô quần áo buộc nilon làm phao. Họ lên ngay quãng gần Bến Dược. Khu di tích bây giờ, lúc đó là rừng. Vào một ngày đầu tháng 5-1968 khi vừa hành quân đến ấp Phước An, Phước Thạch, Củ Chi, chưa được bổ sung vũ khí tác chiến, thì đánh trận đầu tiên tại Nam bộ.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #18 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2012, 11:11:02 pm »

13.

Đi dọc Trường Sơn, vào trụ ở Tam giác sắt, chủ yếu đánh nhau với các sư đoàn tinh nhuệ Mỹ. Họ đã từng tham gia những trận diệt tới hai lữ đoàn Mỹ, bắn máy bay, xe tăng, tàu thủy. Có lần một tiểu đoàn của địch có xe tăng yểm trợ đã đánh nhau suốt ngày với một tiểu đội của tiểu đoàn Cát Bi tại Đồng Lớn. Tiểu đoàn của họ đã đánh nhau với hai chiến đoàn tại Bầu Me, Gia Lộc. Cuối cùng, tiểu đoàn Cát Bi đã hy sinh gần hết tại vùng Tam giác sắt này. Có thể nói đấy là tiểu sử thu gọn của họ. Điều đó giải thích vì sao đến hôm nay, mười tám người này ăn không ngon, ngủ không yên, vẫn cùng địa phương tìm kiếm các chiến sĩ, mà thậm chí ngay cả danh sách của tiểu đoàn cũng chưa ai cung cấp được.

Phải tìm người sống, cộng lại, lấy tổng số trừ đi, họ mới biết số thương vong. Để cho việc tìm kiếm được kết quả, hàng năm vào ngày 16-11 (nay chuyển ngày gặp mặt là 1-5) số anh em còn lại ở các tỉnh miền Nam thường họp mặt – Không phải chỉ họp mặt thăm nhau, mà là họ phải nhớ lại các trận đánh, để tìm thêm chi tiết, nhớ lại trường hợp chiến sĩ đã hy sinh như thế nào, ở đâu, để có hy vọng cho việc tìm kiếm.

Bây giờ nếu làm cuộc ghi âm một trong những buổi họp mặt hồi tưởng của họ thì có thể xem đó như tài liệu hoặc phụ lục về những gì cần tìm kiếm – Gần đây nhất là cuộc gặp mặt không đầy đủ, chỉ có bảy người vào tháng 5-1996. Họ đã nhớ được những gì?

Ông Mai Văn Hiệu (tiểu đoàn trưởng):

Trong quân số tiểu đoàn đi lúc đó, có đồng chí Phạm Khắc Nghi, đại đội trưởng, là người trực tiếp dự trận Cát Bi lịch sử mà tiểu đoàn mang tên. Những lúc dừng chân nghỉ, tiểu đoàn thường yêu cầu Nghi kể lại trận Cát Bi, trận thắng lớn của quân dân Hải Phòng diệt bốn mươi máy bay. Lúc đó tôi là chiến sĩ đang đánh ở Điện Biên Phủ, từng chứng kiến cảnh hàng ngày máy bay vận tải hai thân thả dù tiếp tế, vậy mà sau trận Cát Bi, hàng tuần lễ địch lúng túng chưa bù đắp được số máy bay. Đồng chí Nghi đã hy sinh trong trận đánh bốt Cầu Ván.

Ông Trần Văn Bản:

Anh Nghi sinh 1932, vào Đảng 10-1959 nhập ngũ 7-1953 xuất ngũ 1-1954 tái ngũ 4-1965, quê Tiên Lãng, Hải Phòng. Mộ hiện nay ở hàng số ba, mộ thứ hai, nghĩa trang Lộc Hưng Trảng Bàng. Khi đánh bốt Cầu Ván, đại đội của anh Nghi đánh chủ công, chiếm được trung tâm.

Ông Mai Văn Hiệu:

Bốt Cầu Ván suốt thời Pháp cho đến thời Mỹ, nhiều lần ta đánh không được. Đánh công kiên mà thất bại, chúng tôi gọi là “phơi áo”. Địa hình rất hiểm trở, khó tấn công.

Ông Vũ Văn Minh: (thiếu tá Sở Công an TPHCM)

Nếu từ Củ Chi – Trảng Bàng lên, nó nằm ở giữa. Chúng tôi rằng co bốn, năm giờ sáng, rút ra giải quyết thương binh tử sĩ. Chúng còn sót bảy, tám tên phải cải trang thành người đi làm, kéo xe bò bốt chạy, nhưng cũng bị du kích tiêu diệt. Vậy là du kích cũng góp phần với tiểu đoàn hai chúng tôi xóa Cầu Ván. Ở mũi tôi đánh góc chính diện – có ba cây cầy cao cách lô cốt chừng 60m. Ta lợi dụng mô đất cây cầy này để nấp bắn. Anh Phiêu lúc đó là chính trị viên trưởng chỉ huy. Lúc đó tôi là chiến sĩ đánh B41. Anh Phiêu bị đạn cạc-bin gục ngã. Chính tôi đặt anh xuống. Sau đó tôi cũng bị thương ở chân, phải đưa ra.

Bác sĩ Trần Văn Bản:

Ta dùng hai thê đội trong đó có một thê đội dự bị. Sau này nó dùng bom hủy diệt. Chúng tôi rút ra phía sau gần đấy trong rừng Bời Lời. Có người trúng bom không chết: bom bứng nửa hầm ếch lên, nó chừa anh ấy lại.

Ông Phạm Văn Trụ: (nay công tác ở Tổng Công ty lúa gạo miền Nam)

Tôi phụ trách đại liên, nằm chếch phía ngoài khi chúng tôi đi vào, có lệnh nằm im vì có pha đèn của xe jeep chạy ở lộ 6. Chúng tôi tiếp cận hàng rào. Trong lô cốt tháp canh còn ca nhạc. Có lệnh rải dây thông tin để nối các đại đội chờ phát lệnh.

Ông Phạm Hùng Ca: Lúc qua đê rồi, sao tôi vô không thấy anh Phiêu?

Ông Vinh: Thấy sao được? Nếu còn sống thì sao đến lượt thê đội 2 vô? Lúc đó anh Phiêu chết ngay trên tay tôi.

Ông Ca: Tôi thấy hai ông, ông và anh Phiêu nấp sau cây cầy, nghiêng người cầm khẩu K54. Lúc đó tôi ở thê đội 2 nằm chờ trên bờ đê. Tôi với anh Huyên thấy hỏa lực vào rõ như xem trên phim. Tôi và anh Oánh vào hướng chính – bên cạnh có anh Ngoạn, anh Nhận tiểu đội trưởng – Hàng rào bùng nhùng, móc dính vào chân té, phải đưa bộc phá sào lên. Đạn từ lỗ châu mai bắn ra. Các mật hiệu bị thương của quân ta hô lên báo cho nhau: “xe đạp” – Tôi bị thương vào đầu, phải rút ra tuyến sau.

Ông Nguyễn Quốc Giản: (nay công tác Nhà máy đường Khánh Hội):

Sáng hôm sau, nó bắn vào khu vực chúng tôi đóng quân ở rừng Chồi. Mùa mưa nên quân ta rút lui để lộ dấu vết. Nó bắn pháo, bom dữ dội. Tối đến tôi cùng một số đi vào bốt nơi chiến trận xảy ra để làm công tác chôn cất tử sĩ. Vào vẫn thấy cháy, xác ta địch lẫn lộn – Vì đã ba, bốn ngày, xác đã sình lên. Chúng tôi gói ghém vào, không thể đem đi đâu được nên đã chôn  tại chỗ, ngay tại bốt. Sau trận đó, địch cũng không lên thu dọn chiến trường, mà dùng pháo dập luôn bốt đó để hủy diệt hết. Sau này chúng xây một bốt khác ở gần đó.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #19 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2012, 09:21:31 pm »

14.

Ông Giản nói tiếp:

- Chúng tôi đã cùng nhau đi tìm hài cốt anh em đánh trận này. Đã về đó tất cả bốn lần. Đường mở mũi tiến công chính vào tháng 8-1968 đó, nay là Ủy ban nhân dân xã Lộc Hưng – Phía sau là lô cốt chính của bốt ngày xưa. Suối nay vẫn còn – Cầu sắt bị hư -  ba cây cầy rất to, phải ước ba, bốn mươi năm và thân cây hai, ba người ôm mới xuể. Nhìn cây cầy đó cũng đủ thấy dấu vết khủng khiếp của chiến tranh. Mỗi cây cao gần hai mươi mét, chỉ phía trên còn lá. Cây cầy còn được gọi là cây cám, vì da nó mịn như có cám trộn nước miết lên. Nhìn kỹ nó vẫn còn nhiều lỗ, đầy thương tích. Có chỗ mất hẳn vỏ, đùn ra những cục lồi như vết sẹo của người. Chỉ phía trên còn lá. Nó phản ánh thời gian ở chỗ: tầm bị thương tích lúc trước ở thấp nay cây lớn lên, chỗ bị thương lên cao tới gần năm thước.

Khu vực hai phía đầu nhà Ủy ban, nay trồng chuối, nơi chúng tôi đã lấy lên được anh Nghi và người liên lạc không rõ tên gì. Lúc đó chưa biết làm lọ peniciline. Quanh chỗ này, nhân dân còn lấy lên được năm anh em đưa về nghĩa trang, dạng vô danh. Kế bên cây cầy, nhân dân đã xây miếu thờ. Ruộng phía xa nay thành ruộng đậu phộng. Chúng tôi xác định chắc chắn anh em còn ở đó nhiều. Chúng tôi sẽ cố gắng vẽ lại và kết hợp bên Thương binh – Xã hội để khảo sát tiếp.

Ông Hiệu: Sở dĩ biết chính xác đó là đồng chí Nghi vì nhân dân bốc lên có khẩu súng ngắn. Ở trận Cầu Ván này anh em đã đem một số tử sĩ chôn ra bìa rừng. Nhưng mà bìa rừng là chỗ nào? Một số anh em còn sống ở cả nước đã cùng góp sức bằng cách nhớ lại được gì thì viết thư vào. Một đồng chí ở Hải Phòng viết thư có nói khi mình bị thương nằm bìa rừng, thấy chôn liệt sĩ tại đó. Nhưng xác định bây giờ, đó là chỗ nào, thì còn mất nhiều công lắm.

Ông Ca: Trước khi đánh trận, ta có liên hệ địa phương, du kích chuẩn bị tới ba mươi cái huyệt và có dân công, tải thương. Bây giờ cần tìm ra những người đó.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM