Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:45:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tôi chết, bắt đầu một thế giới sống  (Đọc 39173 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2012, 10:18:50 am »

 

Tôi chết, bắt đầu một thế giới sống...
(Chuyện kể 20 năm đi tìm đồng đội)
Thể loại: Ký sự
Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Hải
Nhà xuất bản: Hải Phòng, Trẻ
Người thực hiện: crawling0805, Kun.

Đôi lời giới thiệu
Phan Hiển

Không biết khi cuốn sách kể chuyện hai mươi năm đi tìm đồng đội này đến tay mọi người, nhất là những cán bộ được Đảng và Nhà nước giao trách nhiệm thực hiện chính sách đối với thương bình, liệt sĩ và các gia đình được Tổ quốc ghi công, những cha mẹ có con nằm lại ở khắp các chiến trường thì niềm cảm xúc, ý thức trách nhiệm sẽ được khơi dậy như thế nào?

Trước khi viết cuốn sách này, Nguyễn Thị Ngọc Hải đã viết nhiều bài đăng trên một số tờ báo được dư luận đặc biệt chú ý, có bài viết đã được giải thưởng cao. Trong dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các đồng chí nguyên là cán bộ Đoàn Thanh niên hoạt động ở Hải Phòng nay về hưu hay công tác tại thành phố Hồ Chí Minh đã cùng nhau viết một cuốn hồi ký về một số sự việc và con người đã từng hoạt động ở quê hương Hải Phòng, và đã từ Hải Phòng vào miền Nam đánh giặc, nay vẫn tiếp tục cống hiến. Tên sách là "Một thời trai trẻ" do Nhà Xuất bản Trẻ TP Hồ Chí minh xuất bản tháng 3 năm 1996. Một anh bạn thân của tôi, đã từng giúp việc đồng chí Tổng bí thư Đỗ Mười, trong chuyến vào Nam để tìm hài cốt của con trai anh ở một đơn vị chủ lục, hy sinh tại vùng Dầu Tiếng. Tôi đã tặng anh cuốn sách "Một thời trai trẻ". Nửa đêm hôm ấy, tiếng chuông điện thoại reo vang, từ đầu dây bên kia anh bạn tôi gọi:

- Ông Hiền ơi (chúng tôi đều đã có cháu nội cháu ngoại nên không gọi nhau bằng mày tao như hồi trước), tôi đọc cuốn sách ông cho buổi chiều mà đêm nay không sao ngủ được!

- Ông mất ngủ vì đọc bài nào?

- Tôi đọc bài của Nguyễn Thị Ngọc Hải viết về một đồng chí bác sĩ quân y và tập thể còn sống sót của tiều đoàn Cát Bi đi tìm đồng đội. Ngày nay vẫn còn những con người nghĩa tình như thế! Có người bảo: bây giờ cứ có tiền thì cái gì cũng mua được, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng: có một cái không tiền nào mua được, đó là tình người, tình đồng bào, đồng đội, đồng chí. Trần Văn Bản và đồng đội của anh, như cổ Hải kể lại, đã chứng minh cho ý nghĩ của tôi. Đấy là tôi mới đọc có một mẩu chuyện thôi, chưa được đọc các mẩu chuyện của hai mươi năm! Ông nên sưu tập cho đầy đủ, gửi ra Hà Nội, báo cáo với Bộ chính trị và Chính phủ, đề nghị xét duyệt tặng danh hiệu anh hùng cho những con người âm thâm, lặng lẽ, kiên trì làm một công việc đầy tình nghĩa như vậy...

Nay thì Nguyễn Thị Ngọc hải đã viết xong một tập bản thảo, rút ra một số chuyện từ những cuốn sổ tay chị ghi chép nhiều năm qua với nhiệt tình của một nhà văn, nhà báo cách mạng. Hai nhà xuất bản "Trẻ" và "Hải Phòng" mong muốn có một cuốn sách không chỉ để kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27 tháng 7, mà nêu lên một vấn đề lớn trong chính sách của Đảng và Nhà nước, trong tình cảm sâu nặng và niềm tự hào bất diệt của nhân dân ta.

Bác Hồ đã dạy: hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là phải làm tròn nhiệm vụ Tổ quốc và nhân dân giao phó, phải sống với nhau, với nhân dân, với đồng bào, đồng chí của nghĩa có tình... Hàng chục triệu nhân dân ta, hàng triệu chiến sĩ ta đã thực hiện lời dạy đó, làm nên sự nghiệp lớn, viết nên trang sử vẻ vang mà các thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi tự hào. Các nhà xuất bản muốn có nhiều cuốn sách nói lên những sự việc và con người thể hiện bằng việc làm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Mong muốn của nhà xuất bản đã thôi thúc tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải hoàn thành bản thảo, mặc dù chị biết rằng đồng chí Trần Văn Bản và đồng đội của anh không muốn kể nhiều, không muốn được sách báo đề cao những việc làm mà các anh cho là nhỏ bé so với biết bao công việc to lớn của cách mạng và kháng chiến, của xây dựng trong hoà bình.

Tôi đã say mê và xúc động đọc một mạch bản thảo, nhiều đoạn phải dừng lại để lau nước mắt cứ tự nhiên trào ra. Trước mặt tôi như một cuốn phịm ghi lại cuộc chiến đấu ở một trong những mặt trận ác liệt nhất, vùng đất thép Củ Chi và một số căn cứ kháng chiến chung quanh Sài Gòn, những địa danh nổi tiếng của Tổ Quốc Việt Nam. Một số sự việc kể lại hôm nay gợi lại hình ảnh cả nước kề vai sát cánh, các thế hệ thanh niên lần lượt xông ra tuyến lửa , không ngại hy sinh gian khổl hình ảnh các bà mẹ Việt Nam, coi chiến sĩ và cán bộ như con ruột của mình; hình ản biết bao bậc cha mẹ tiễn những đứa con yêu quý nhất ra trận, chấp nhận hy sinh cho Tổ quốc sống còn, khi hoà bình lập lại vẫn tiếp tục cuộc sống gian khổ khi hàng triệu bảng vàng Tổ quốc ghi công được treo cao trong những căn nhà đơn sơ ở khắp mọi miền đất nước. Tôi đặc biệt xúc động khi đọc những đoạn Trần Văn Bản và đồng đội lặng lẽ và kiên trì trở lại chiến trường xưa làm những việc theo mệnh lệnh của trái tim người cộng sản, tìm được hơn một ngàn hài cốt đồng đội, viết hàng trăm thư từ báo tin cho các gia đình, không đủ công sức đem hài cốt đồng đội và các kỷ vật còn lại trong lòng đất về quê hương trao tận tay cho những người mẹ, người cha... Và cuộc tìm kiếm không chỉ dừng lại 20 năm, đến nay vẫn còn đang tiếp tục. Đây là một "chuyện lạ" mà vẫn có thật ở nước ta. Cuốn sách chỉ nói được một phần.

Bên cạnh niềm tự hào, niềm cảm xúc, tôi nghĩ rằng nội dung cuốn sách còn khơi dậy sự ân hận và cả sự xấu hổ nữa, nếu lâu nay tôi được Đảng và Nhà nước giao trách nhiệm mà không làm tròn trong việc xây dựng và thực hiện chính sách đối với những người có công với cách mạng, đối với thương binh liệt sĩ và các gia đình xứng đang được Tổ quốc ghi công.

Với những ý nghĩ nói trên, tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự nhạy bén của hai nhà xuất bản và nhiệt tình của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải.

Các cuốn sổ tay của chị còn nhiều sự việc và câu chuyện xúc động mà một số bài báo và cuốn sách này chưa nói hết được. Tôi lại được biết một điều khiến tôi thêm kính trọng việc làm của tác giả, có thể "trích ngang" một câu về lý lịch như sau: Nguyễn Thị Ngọc Hải là con gái ruột đồng chí đại tá Nguyễn Chất (đã mất), nguyên là Phó tư lệnh một sư đoàn chủ lực quân đội nhân dân Việt Nam, Thành đội trưởng - thành đội Hải Phòng, người đã chỉ huy các lực lượng vũ trang bảo vệ vùng trời Hải Phòng, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Tác giả mang dòng máu của bộ đội cụ Hồ, là "con nhà lính" mà không có "tính nhà quan".
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Ba, 2021, 12:43:41 pm gửi bởi ptlinh » Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #1 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2012, 11:21:05 am »

1.

Bảy giờ kém mười tàu vào ga Hàng Cỏ. Bản chờ cho khách xuống bớt, mới xách túi đi chậm phía sau. Đang loay hoay tìm nơi mua vé để chuyển tàu về Hải Phòng ngay, thì có tiếng gọi. Đấy là anh Công, người phiên dịch. "Sao biết tôi đi tàu này?" Hỏi xong thì Bản chợt thấy ngay các ống kính đang chĩa vào mình. Đó là các phóng viên Nhật của hãng NDN (Nippon Denpa News L.t.d) đang quay toàn bộ cảnh anh xuống tàu với chiếc túi xách. Họ đã biết trong túi có gì rồi. Trời mưa lạnh. Mãi hai giờ chiều mới có tàu Hải Phòng. Họ mời Bản về nghỉ tại văn phòng của toà báo. Họ sẽ còn theo anh về quê tận Vĩnh Bảo, để theo cái túi tới tận nhà người nhận.

Bản hỏi thẳng thắn trước lúc về văn phòng:

- Các ông biết tôi có mang theo hài cốt, vậy có sợ không?

- Không! Khong sợ! - Họ trả lời.

Hỏi như vậy là vì anh nhớ lại nỗi bàng hoàng của họ cách đây ít ngày tại Củ Chi. Chính họ đã đi cùng đội xung kích Chữ thập đỏ của quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, để đào lên năm bộ hài cốt liệt sĩ. Lúc đó, anh đòi họ phải cho biết rõ là quay cảnh gì. Dù công tác nhân đạo cũng phải đủ giấy phép của Bộ Văn hoá, ngoại vụ - Nghe đoàn nhà báo Nhật đặt vấn đề đi theo quay cảnh công việc bình thường của đội xung kích Chữ thập đỏ, Bản đòi hỏi phải đầy đủ giấy tờ. Anh đã từng đi cùng với người của MIA trong việc tìm hài cốt lính Mỹ, anh sợ nước ngoài quay phim rồi so sánh. Các anh làm hoàn toàn thủ công với cuốc xẻng. Bản còn ra điều kiện: "Chúng tôi đi tìm đồng đội, không phải đóng phim. Tuyệt đối đề nghị các ông không thiệp gì." Họ giữ lời hứa. Suốt ngày đầy nắng giữa ruộng họ chỉ dám một lần yêu cầu làm chậm chút cho kịp quay cận cảnh lúc Bản cầm cái nhíp gắp tờ giấy nhỏ viết tên họ liệt sĩ, nhét trong lọ péniciline...

Tắm rửa xong, còn lại một mình với cái túi trong văn phòng toà báo Nhật, Bản lấy cam, xoài đem theo suốt dọc đường bày lên thắp hương, thầm thì: "Tới Hà Nội rồi. Chiều sẽ về Hải Phòng, về nhà".

Rồi Bản tranh thủ chợp mắt. Đang lơ mơ, như có tiếng fecmơtuya cái túi mở ra - Bản bật dậy. Tới ba lần như thế. Thôi, dù chỉ là nỗi ám ảnh thì cũng cứ ôm vào lòng mà ngủ là yên. Bản chồm dậy, mở fecmơtuya cái túi, ôm vào lòng, ngủ tiếp. Đây đâu phải lần đầu tiên anh làm việc này... Mấy năm trước, anh đã đưa Kiên về. Vậy là cái tổ ba người - mà rộng ra cả xã 29 người đợt ấy "đi B" vào Nam chiến đấu, chỉ còn mình anh về.. Có phải dễ dàng tìm thấy các bạn đâu. Riêng với bộ hài cốt của Hoà, người bạn đang nằm trong cái túi đem theo đây, Bản đã đi, lại khảo sát tới mười ba lần, mới có được buổi ra quân năm mươi đội viên xung kích Chữ thập đỏ bữa ấy cho nhà báo Nhật đi cùng. Bọn anh tập kết bằng xe máy cá nhân xuống Phú Hoà Đông, đi bộ tới bốn, năm km vào đến ruộng lúa, thuê xuồng lớn chở ba chuyến qua lạch Lán The giáp Trung An, luồn lách về ấp Bốn Phú. Tới đó còn đi bộ trên ruộng mía mênh mông. Nơi này vào tháng 6-1969 tiểu đoàn anh đánh nhau dữ dội với sư 25 nổi tiếng của Mỹ. Nhà báo Nhật Bun-dô (Bunyo-Ishikawa) tác giả cuốn sách ảnh "Cuộc chiến tranh giải phóng Việt Nam" trước đây đã từng đi theo sư đoàn 25 đến vùng này, chụp rất nhêìu ảnh quý về chiến tranh Việt Nam, nay ông cũng đi trong đoàn của hãng truyền hình NDN xuống Trung An. Phải thừa nhận là các nhà báo nước ngoài do tranh thủ dịp may được tiếp cận với tài liệu sống khá lạ kỳ của một dân tộc khác nên họ chịu cực không thể tả! Nắng chang chang không mũ nón suốt ngày, họ chọn chỗ, kê máy, cả hai nhà quay phim Hisato và Naoki Shima cũng nhanh thoăn thoắt, bắc hai máy. ông Bun-dôthì ngã lộn cả xuống hố đầy nước, một cành cây cừ nhọn người ta đắp bờ, xuyên thủng cả áo. Hai chiếc máy chụp ảnh nghe đâu tới mười bảy ngàn đô rơi xuống hố, khều mãi mới vớt lên được. Khi quanh vào ấp Bốn Phú xe không vào được. Bản chở người quay phim, một hội viên khác chở ông Bun-dô. Đến chỗ đi bộ đường trơn, ông ngã xuống hố, suýt nữa thì cành cây đã xuyên vào sườn ông. Bản lịch sự: "Thành thật xin lỗi ông về sự không may". "Không sao, không sao." - Bun-dô nói cho Bản hiểu, đây là dịp may mắn của đời ông. Suốt những năm 1965, 1966, 1967, 1968 ông đều ở vùng Củ Chi, Trảng Bàng (Tây Ninh), theo chân sư 25 của Mỹ. "Vì thế tôi đã có niềm vui sướng không bao giờ ngờ được: Khi Việt nam chiến tranh, tôi đã chụp được những tấm ảnh sự thật hiếm có, nay tôi lại được chứng kiến những sự thật sau chiến tranh"...
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #2 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2012, 06:55:31 pm »

Khu vườn hôm đó họ tới, trước đây là vườm chôm chôm, xoài, măng cụt. Khi chiến tranh xảy ra, mảnh đất hết chịu bom xăng cháy, lại đến bom đìa phá hầm. Nay thì cả trăm mẫu mía bạt ngàn, không còn mốc nào để nhận ra. Khi khảo sát lần thứ mười ba theo trí nhớ, Bản hồi tưởng lại lúc anh chôn Hòa xong, quay đầu ra rạch có cây xăng đá sát bìa rạch. Nay có một cây rất to. Có phải cây cũ còn lại hay cây mới mọc sau này? Bà con cho biết nó là cây cũ, lớn rất chậm. Nếu thế thì bên phải còn một cây xăng đá nữa, phải tìm cho ra. Nếu không có cây đó, nghĩa là anh đã chọn lầm địa điểm này. Tìm mãi, Bản thấy trong cỏ che phủ, một dấu vết cây cũ đã bị cưa đi, còn nhô lên 15cm. Nhưng mà ai cưa?

Mảnh đất này trước là vườm nhà ông Út Đủ. Hỏi mãi mới biết là chính con ông Út Đủ đã cưa nó.

Vậy thì đây rồi, Bản có thể vẽ ra sơ đồ và xăm thử. Vườn mía đất đen mềm, xăm xuống hễ "kịch kịch" là rễ cây, ấn xuống nghe "sịt sịt, xẹc xẹc" là vào sắt. "Kịch" mà "cứng ngắc" lại, ấy là xương. Đá thì sao? Đá thì xoay tứ phía, cọ cọ, sẽ có tiếng động "xạc xạc" còn xương giống như cây khô, xiên mạnh không vào, không xốp. Nếu thọc tay đụng xương sẽ thấy tròn, miết nhẵn, lần theo thấy dài. Xương sườn dẹp, cong trơn. Xương sọ thì dễ nhất: lâu bị tiêu hủy, vùng chẩm sắc nhọn, cạ cạ thấy cạnh...

Giờ đây những việc phân biệt như thế, đội viên Chữ thập đỏ của anh đã khá rành. Họ chọc chọc, lấy cây ém xuống. Đất khô nên áp tai nghe tiếng cây chọc rõ như ống nghe bác sĩ anh vẫn nghe hàng ngày vậy.

Sau những lần đi tìm công phu như thế, đội xung kích của anh mới bắt tay vào việc bốc lên. Cảnh tìm được Hòa, được các nhà báo Nhật quay thành một cuốn phim dài với sự kinh ngạc. Họ ngạc nhiên đủ thứ. Đi đến đâu, dù không báo trước mà bà con vẫn kéo ra thật đông đảo - Không phải đi xem mà để mang bánh tráng, rau, trái cây ra tiếp. Chủ tịch, bí thư, cán bộ xã cũng đi theo, có việc gì làm nấy.

"Sao ai cũng hỏi chuyện ông như người thân? Ai ông cũng quen?" - Bun-dô hỏi "Để xe đây không ai trông, đi vào xa tít trong làng, nhỡ ra...?"...

"Đừng lo gì hết. Để xe đây các ông yên trí đi: Trầy xước nhỏ tôi đền." - Bản trả lời.

Cả trăm người đông nghẹt. Cờ Chữ thập đỏ cắm lên tung bay. Ba tốp chia nhau đào theo sơ đồ. Khi đụng xương, họ bứng hết mía. Phải lấy hết đất ra, vì đụng xương là sẽ đụng nước. Tám, chín giờ nước lên trên các kinh rạch sẽ tràn vào ruộng mía. Họ lấy các lóng xương to - Những lóng xương nhỏ sẽ được bốc lên cùng với sình và rửa bằng rổ.

Bộ hài cốt đầu tiên lấy lên là Hòa. Bản lấy được thắt lưng còn nguyên màu đỏ. Khóa đồng bị sét đi nhiều. Quần áo mục nát. Hai mươi sáu năm còn gì? Anh em lấy lên cái sọ vỡ đôi. "Lọ péniciline trong đó" - Bản khẳng định - nhưng nhấc chiếc sọ lên, moi từ nửa sau ra, không thấy lọ đâu cả.

"Không được. Nhất định phải có lọ" - Nó sẽ nổi trong nước". Mười phút sau thì chiếc lọ được vớt lên, rửa sạch bên ngoài. Bọc ni-lon còn, dây cột vẫn chắc - nhìn còn chữ bên trong. Khi cái lọ được mở ra, đó là phút duy nhất các nhà báo yêu cầu Bản làm chậm lại. Dòng chữ trên tờ giấy do chính tay anh viết. Anh lấy nhíp kéo mẩu giấy ra, dùng mùi xoa chùi sạch, chữ còn đọc rõ: "Nguyễn Bá Hòa sinh 1949, nhập ngũ 25-5-1967. Quê quán Hùng Tiến, Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Hy sinh 5-1969 cấp bậc tiểu đội trưởng trinh sát..."

Camera quay sát chiếc lọ, mẩu giấy. Nếu Hòa nằm đây - Bản quay mặt về phía Lán The để nhớ - thì tay trái sẽ là Trần Tăng Quạt, tay phải là anh Nguyễn Văn Đoài, quê Thái Bình". Bởi ngày đó anh chồn hàng cách  hàng 1m và một cách mộ 50cm. Các xương sọ có cái bể nát. Còn một túi đựng thuốc rê, sợi thuốc ngấm nước vẫn còn hình thù, không mùi. Bản cũng dám nhẩm cả vào viên thuốc chống sốt rét, thấy vẫn còn hơi đắng...

Người Nhật ngạc nhiên nhiều thứ. Trước nắm xương đã gần ba mươi năm của những chàng trai quê miền Bắc, nơi các má dù chưa một lần tới, vẫn thắp hương, khóc như khóc đứa con vừa mất.

- "Ai báo cho bà biết tìm thấy con ở đây để bà đến khóc?" Nhà báo hỏi.

- Không phải con má đâu. Má quê ở miền Nam này, còn anh bộ đội quê tận miền Bắc.

- Vì sao bà má khóc?

Biết trả lời sao cho hết được? Các bà mẹ Việt Nam đã từng hóc thương các con biết bao lần, hay nói đúng hơn là con đi đánh giặc xa, rồi không bao giờ trở lại, nước mắt đau thương má đã ôm giấu suốt đời, suốt những đem khuya lặng lẽ... Đến bộ xương đào lên để ngoài nắng, bà con không bằng lòng, bắt đem vào bóng mát để, thắp hương cẩn thận kẻo tội nghiệp... Trải miếng tăng lớn, cho anh em nằm nghỉ. Đốt năm cây đèn cầy. Xương được thấm khô, xịt nước thơm. Mọi người nghỉ tay ăn cơm... Những câu hỏi phỏng vấn - người ta biết công việc của nhà báo là vậy - nhưng hôm ấy thì không phải chỉ là việc cho bài vở mà nó là sự tha thiết muốn "giải tỏa" cả trăm ngàn thắc mắc của người phóng viên.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #3 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2012, 07:21:30 pm »

"Tại sao anh lại ghi tên vào cái lọ? Thật đơn giản mà hết sức khoa học. Chúng tôi biết lính Mỹ hiện đại thế cũng chỉ nghĩ ra cách trang bị là đeo thẻ bài theo người. Như vậy còn dễ bị rơi, thất lạc khi chết. Bản giải thích - Thời gian đầu chiến tranh, khi chon anh em, chúng tôi chưa có kinh nghiệm, nên rất nhiều người trở thành vô danh. Sau đó tôi nghĩ ra cách phải có cái gì đó để khi hết chiến tranh mà tìm. Chúng tôi nghĩ đục tên vào mảnh lon hộp sữa, bỏ vào chai xị, bịt nilon chôn theo. Sau thì nghĩ ra viết vào giấy, gói nilon cho vào túi. Lúc đầu tôi thử viết bút bi, sợ phai màu. Nhưng thử cho miếng giấy vào dầu ăn, treo lên ngọn cây qua mưa, thấy vẫn còn. Nghĩ là bỏ trong túi cho chắc, nhưng khi cuốc có khi vỡ mất. Chỉ có bỏ vào miệng, tìm thấy xương sọ thì thế nào cũng có lọ.

- Sao các anh lại có lọ này? Đi bộ đội được phát?

- Quân y viện trong rừng, thiếu gì!

- Đây là việc làm phi thường mà tất cả các cuộc chiến tranh không ai làm được. Thẻ bài của lính Mỹ có tên họ, nhóm máu, có hồ sơ lưu trữ rất công phu. Nhưng chỉ cần nó rơi ra khỏi người đeo là chịu. Cái lọ của các ông đơn giản mà chính xác...

Các phóng viên Nhật xem đây là một ý tưởng khoa học rất đơn giản mà hiệu quả tốt nhất. Làm sao Bản có thể kể hết mọi chuyện trong một vài câu trả lời ngắn được? Ngay từ năm 1969 - 1970 trong một hội nghị chiến sĩ thi đua toàn miền tại Bố Hòa, Tây Ninh, kinh nghiệm này đã được phổ biến tới tất cả các quan y mặt trận đóng dày đặc, tới các đơn vị chiến đấu. Các sư đoàn 7, 9 đều đã làm rất nhiều. Các khu vực quân y đều có tới ba, bốn căn cứ và mỗi căn cứ lại có tơi hai, ba nơi chôn cất liệt sĩ. Anh không biết chính xác các số thống kê, chỉ làm một con tính nhẩm: Nếu chỉ tính năm quân y thành mười căn cứ, như vậy phải có tới con số ngàn. Chiến trường Tam giác sắt này có phải là nơi chiến sĩ hy sinh nhiều nhất, hay là Quảng Trị? Anh không có con số nào chính xác, nhưng chắc tin một điều: Cả chiến trường Tam giác sắt mãi mãi là một tượng đài oanh liệt của chiến tranh...

Nhà báo Nhật đề nghị anh kể lại trận đánh mà các liệt sĩ anh lấy hài cốt này đã chiến đấu, hy sinh. Anh kể vắn tắt:

"Lính xuống từ lộ lớn, từ đồng cao. Đó là năm 1969 Mỹ cử ba đại đội của sư 25 từ phía bốt Trung An xuống. Chúng cho bom, pháo dội tan nát rồi mới đổ quân. Bộ đội ngụy trang công sự kín, bám trụ chiến đấu, chờ địch đi sát vừa tầm bắn mới nổ súng. Khi có thương vong quân Mỹ rút ra, bắn trái pháo màu để phân tuyến, gọi hỏa lực dội bom pháo phía bộ đội. Cứ khi nào pháo ngưng là đào hầm cho sâu xuống. Tranh thủ hút thuốc không sợ lộ vì bom đạn khói tùm lum. Lúc đó cả Hòa và Quạt đều chưa sao cả. Năm giờ sáng chúng dội bom xăng, lân tinh phốt pho, cháy cả mặt nước. Bị khói, ngạt thì nhảy lên chui xuống gốc các bụi khóm.

- Tối vậy làm sao anh ghi được tên vào giấy?

- Nhờ pháo sáng của giặc. Sau này chúng tôi chuẩn bị sẵn, các chiến sĩ đều có tên tuổi cho vào lọ cột, bỏ vô túi. Hy sinh thì đồng đội sẽ lấy chôn cất.

- Không ảnh hưởng tới tinh thần sao? Đeo cái lọ tên mình khi ra trận?

Bản ngại ngần vì sự giải thích sẽ thuộc về "lý luận", sách báo nói nhiều rồi - Anh lặng lẽ bộc bạch: "Đây là quê hương chúng tôi. Mỹ được trang bị tới tận răng. Đánh Mỹ phải chịu đựng bom pháo kinh khủng. Chúng tôi chỉ có cây súng và một thứ nữa ông biết không? Lòng dũng cảm.". Một câu hỏi cho giữa trưa hôm đó, khi ngồi nghỉ dưới gốc cây bên cạnh năm bộ hài cốt:

- Ông là bác sĩ, đi làm thế này sao không đeo găng tay?

Bản cười. Anh nghĩ đến có lúc kiếm được xương dưới lớp đất sâu, anh còn cho cả xương anh em vào túi áo vì chưa kịp đem lên. "Tôi là bác sĩ, cùng chiến đấu với anh em. Nay tôi còn sống, anh em hy sinh còn chả tiếc. Nếu tôi lo cho bản thân, mang găng tay, tôi sẽ không còn cảm giác khi sờ phải xương. Như vậy sẽ để sót xương anh em, mà bỏ sót là phải tội. Tôi lớn tuổi rồi, còn anh em hy sinh giữa tuổi xuân...".
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #4 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2012, 06:47:26 pm »

2.

Chính vì thế mà các nhà báo Nhật biết Bản sẽ đem hài cốt của Hòa ra Bắc, như anh đã hứa với Hòa trước lúc bạn chết. Nhưng làm sao biết là chuyến tàu nào để rình chộp, thì họ hoàn toàn bí mật để có được cảnh thật. Không những thế, từ sau lần cùng đi Củ Chi đó, biết được gia đình, quê quán Bản, họ đã về tận Vĩnh Bảo để thăm.

Trước khi về Hải Phòng, Bản lại ra điều kiện với nhóm phóng viên: họ sẽ phải qua các thủ tục cần thiết, đến Sở Ngoại vụ, vào báo cáo chủ tịch huyện, và anh sẽ về xã trước. Phải làm sao thật gọn nhẹ êm thấm, không được xe cộ ì ùng, không được làm rùm beng cho dân kéo đến quá đông.

Ông Vụ, phó chủ tịch huyện Vĩnh Bảo chẳng phải ai xa lạ, chính là thầy dạy toán của Bản hồi ở trường cấp hai. Họ vẫn nhớ ngày xưa Bản được đi thi học sinh giỏi miền Bắc. Còn ông chủ tịch xã chính là em họ Hòa.

Khi xe của Bản về đến cái cầu nhỏ ở làng, anh ngoắc tay cho chiếc xe chở nhà báo, ra hiệu đã đến lúc họ phải kín đáo, có quay phim phải đặt máy ngoài ruộng, trong chỗ khuất lùm cây.

Anh Hợp, người anh cùng cha khác mẹ của Hòa đang ở ngoài vườn. Có những hai bà mẹ. Bản cầm túi để lên bàn thờ, đi xuống bếp. Mẹ của anh Hợp gọi mừng "Hợp ơi, Bản về".

- Tớ công tác ghé qua, có chuyện muốn thưa với hai cụ. Cậu đi kêu bà mẹ đẻ anh Hòa về đi.

Bà mẹ chạy về tới nơi, Bản mới vẫy tay cho các nhà báo, trong lúc dân đã kéo đến khá đông - Họ nghe tin Bản về thì ghé chơi, thích nghe anh kể chuyện ngày xưa đã cùng các liệt sĩ con em họ chiến đấu ra sao. Bản kể kỷ niệm ngày xưa còn ở làng cùng với Hòa đi chăn trâu, đánh giậm, bơi dưới ao hồ, cùng đi học nhóm. Đời chiến đấu thì có vô số chuyện vui của lính, khi có lệnh "lội" qua suối sâu ngập đầu, Hòa cười rộ: sâu thế này mà bảo lội!

- Anh kiếm được dấu vết nào của cháu chưa? - Bà mẹ đã biết tiếng Hội Chữ Thập đỏ Tân Bình của Bản đang tìm dấu vết các liệt sĩ, cùng với số anh em trong đơn vị còn sống tại TP. Hồ Chí Minh, nên hỏi.

- Con đã đưa Hòa về Củ Chi rồi. Bà có vào thăm không để con đưa đi...

Bản không muốn sự đột ngột quá sức đến với hai người mẹ, một người 79 người kia 81 tuổi. Bà mẹ run run hưởng ứng câu chuyện nghe như để mà chơi:

- Muốn đi theo anh thăm con lắm nhưng sức yếu. Tiền bạc đâu.

- Bây giờ hai bà vào không được, nếu mà Hòa về thì hai bà thưởng gì nào?

- Vàng bạc châu báu trên đời cũng không trả được - Bà mẹ cười buồn: Mà bà già còn gì mà thưởng đây?

Không ai để ý cái túi vẫn để trên bàn thờ. Bà mẹ đâu biết con đang nằm đó, còn đằng sau vườn nhà mình có người nước ngoài đang quay cảnh nhà mình. Bản không muốn làm ì xèo như cuộc quay phim phô trương. Đây là phút giây hệ trọng. Một mẹ đẻ, một mẹ kế - Hai bà mẹ già như muốn sụm xuống, khô héo bao ngày, nay sắp nhận xương con.

- Bây giờ mời hai bà đứng lên con nói - Bản đứng giữa đỡ hai bà mẹ - Con biết hai mẹ già vào Nam không được. Hôm nay con đem Hòa về đây này.

Bản xách túi xuống, kéo nghiêng cái túi cho mẹ nhìn. Hai bà mẹ và người làng đang vui ngồi chật nhà, bị bất ngờ lặng đi. Khi hai bà mẹ khóc òa lên "Con ơi, con tôi về rồi"... thì Bản thấy cả một sân người khóc nức nở. Và nước mắt chảy ròng ròng trên má Bun-dô, trên má các nhà báo của hãng NDN. Hẳn giờ đây họ đã biết thêm, vì sao các bà má Củ Chi khóc bên những bộ xương đào lên hôm nào.

Bản trải tấm vải trắng muốt đưa hài cốt ra. Anh giục hai bà mẹ thắp nhang, miệng cố vui đùa an ủi:

- Mấy hôm rày bà có thấy gì khác không?

- Từ hơn tháng nay mơ thấy nó về. Nó bảo sẽ ở nhà không đi nữa. Tôi nóng ruột lắm - mẹ đáp.

Bản bàn với địa phương tổ chức truy điệu, anh còn mời bà con buổi tối tới xem cuốn phim quay về cảnh đội Chữ Thập đỏ đi lấy Hòa về như thế nào. Buổi tối đó, gần 700 người ngồi tràn cả ra đường, để xem phim. Đoạn đầu là cảnh xe chạy, còn có tiếng xì xào "Đường miền Nam đẹp quá". Bắt đầu cảnh đào thấy xương, im ắng không một tiếng động. Đến đoạn anh mở cái lọ, chùi giấy đọc tên, hai bà mẹ khóc to lên thành tiếng và ngất đi trong tiếng khóc của dân làng.

Trên tờ báo của Nhật đầu năm 1995 có bài của nhà báo Bun-dô nói về chuyến đi, kèm theo rất nhiều hình ảnh. Có tấm ảnh Bản đang ôm cái túi, ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ toa tàu. Ảnh anh đang lấy xương đồng đội, và một tấm hình anh nhỏ xíu đứng hồi tưởng trong vườn mía để xác định phương hướng. Có cả những tấm ảnh gợi cảm về ngôi nhà ở làng Việt Nam: nhà của Hòa ẩn mình sau bụi tre, nơi mà khi chỉ còn lại nắm xương, người chiến sĩ mới trẻ về nhà... Trong đợt kỷ niệm 20 năm giải phóng miền Nam, các nhà báo hãng NDN đã phát trên vô tuyến truyền hình Nhật chương trình ba đêm liền vang động Tokyo. Người dân Nhật đã được xem toàn bộ cảnh đi tìm đồng đội, thấy tận mắt các bộ hài cốt được bốc lên với những cái lọ péniciline và cảnh Hòa được đưa về với hai người mẹ. Cho đến những ngày sau này, thỉnh thoảng lại có khách từ Nhật đến Hội Chữ Thập đỏ quận Tân Bình TP. Hồ Chí Minh. Hai cô nữ sinh nghèo đến tận nơi chào, chỉ có năm đô la biếu mua hương thắp cho liệt sỹ - Họ đến với niềm xúc cảm tha thiết, để có thể thấy tận mắt con người đặc biệt đã gây ấn tượng mạnh từ chương trình ti vi. Hơn nữa, các cô bé ấy còn nhìn tận mắt ở phòng làm việc của người bác sĩ có chiêc tủ kính. Rất nhiều thứ đào lên được cùng với các bộ xương chiến sĩ vô danh: một người y tá - chắc chắn vậy - còn cả túi cứu thương với các cây kim tiêm. Chiếc khăn rằn không rõ xứ nào dệt mà vẫn còn bền chắc. Đôi dép cao su. Một cái ví với các tấm hình nhòe nhoẹt. Còn đây chắc chắn là của vị chỉ huy: khẩu súng lục và cái dây đeo còn chắc. Một lọ dầu thơm của một nữ chiến sĩ. Mấy chục năm chôn sâu dưới đất vẫn còn, mở ra ngửi vẫn ngát mùi thơm...
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #5 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2012, 06:43:50 pm »

3.

Sau cái ngày đi đào hài cốt ấy, ông Bun-dô vẫn còn những điều không hiểu. Ông đã lăn lộn bao năm chiến tranh để có được nhiều hình ảnh lính Mỹ và cuộc sống làng quê Việt Nam dưới đạn bom: cả những tấm ảnh cận cảnh không thể chối cãi tội ác của quân xâm lược: mổ bụng, bêu đầu... Vậy mà hôm nay, 20 năm sau, ông vẫn còn nhiều điều chưa được giải thích, nên xin gặp Bản để hỏi chuyện. "Tôi hẹn ông lên địa đạo Bến Đình Củ Chi". "Sao anh không chọn Bến Dược?" "Vì ở Bến Đình còn một số địa đạo chưa tu sửa, giữ nguyên dấu tích. Ở đó còn có một khu trò chơi thử tài vượt chướng ngại vật cho các khách thăm quan du lịch" - Anh Bản nghỉ - và hẹn gặp Bun-dô vào lúc sáng sớm.

Họ bắt đầu xem các bức ảnh Bun-dô chụp tại đây, hơn 20 năm trước.

- Nếu tôi không lầm, ông chụp tấm này ở cánh đồng Chà Dơ, còn gọi là cánh đồng chó ngáp. Có thể đây là xe tăng, lính Mỹ dàn ra đi càn, cách căn cứ Đồng Dù khoảng 3-4km.

- Đúng - Bun-dô kinh ngạc xác nhận.

- Còn tấm này ông phải chụp từ năm 1966 trở về trước.

- Sao ông biết?

- Vì ông thấy đấy: còn nhà dân. Trước 1966 chưa có Ấp chiến lược giặc mới vào càn, đốt phá, giết chóc dân như thế này. Sau 1967, bình định nông thôn không còn nhà cửa này nữa.

- Đúng - Ông Bun-dô lại xác nhận, rồi hỏi: Sao lúc đó chúng tôi đang đi trong đội hình lính Mỹ, có tiếng súng các ông, lính Mỹ quay lại bắn phá kinh khủng bằng M79... Vậy mà khi xả hỏa lực xong, đến đó lại không có gì hết. Chúng tôi nhìn thấy vết máu Việt cộng các ông bị thương, nhưng tìm hoài không có. Vậy các ông đi đằng nào?

- Xin mời ông ra đây.

Bản nói với anh Thành, giám đốc khu Bến Đình để xin tới một căn hầm bí mật.

- "Ông Bun-dô hãy đứng đây nhé. Khi nào nghe tiếng tôi hú, mời ông đi lại tìm xem tôi ở đâu. Khi không thấy, ông nói, tôi sẽ xuất hiện". Bun-dô ngồi xuống chỗ cũ. Bản đi đến căn hầm bí mật chui xuống và hú một tiếng. Bun-dô nhanh chóng lao về phía bụi rậm tìm. Giữa chỗ trống thế này, ắt phải ở bụi rậm thôi. Nhưng kiếm hoài ở gốc cây không được, ông công nhận:

- Tôi không thấy.

Bản nghe được ngay: anh đội miệng hầm nhô lên cách nơi ông đứng khoảng một mét.

- Thôi tôi hiểu rồi - Ông không cần giải thích. Nhưng xin ông làm lại cho tôi quay phim. Có điều tôi xin hỏi: miệng hầm nhỏ xíu thế này lúc vội vã, người mập, làm sao chui xuông?

- Ông biết không, người Việt Nam chúng tôi có câu: Đầu xuôi đuôi lọt. Người Mỹ - Nhật tội không rõ, còn người Việt Nam, đường chéo đầu 21cm. Bề ngang căn hầm này người Việt Nam lọt tuốt.

Họ lại đến chỗ vượt chướng ngại vật. Bản giải thích:

- Hồi chiến tranh thì không thể biết được chỗ nào giặc cài mìn để dò dẫm. Nhưng bây giờ báo trước với ông là chúng tôi có gài, cho ông tìm cách không vướng vào mìn. Nào bây giờ ông bước đi!

Bun-dô chăm chú phát hiện ra sợi dây cước nhỏ, ông thận trọng bước qua thì nghe cái "đẹt". Nổ đâu vậy?

- Ông vướng mìn rồi đấy.

- Tôi bước qua nó, không dẫm vào cơ mà?

- Khi ông chăm chú nhìn xuống để bước qua cái dây cước nghi binh đó, đầu ông va ngay vào dây mìn thật trên cây ngang đầu ông. Thôi bây giờ cho ông bước tránh mình ở mặt đất quang đãng không cây cối này vậy.

Nhìn thấy mấy chiếc lá nằm trên mặt đất, Bun-dô quyết tránh những chỗ đất đầy nghi ngại, bước dẫm lên chiếc lá cho chắc ăn lại nghe tiếng "đốp". Ông ngơ ngác, Bản chỉ ngay vào cái lá:

- Ông dẫm ngay trái đấy: Mìn lá.

- Bây giờ xin hỏi: sao lính Mỹ tìm vào đến chiến hào rồi cũng không thấy các ông ở đó?

Bản giải thích các loại hầm hào, chiến hào, công sự, ụ chiến đấu. Ông Thành đem tới cuốc xẻng, Bản cầm lấy:

- Tôi sẽ đào cho ông xem thao tác như thế nào. Rồi anh giải thích tiếp cho nhà báo Nhật hiểu cách làm sao có thể tạo ra một cái hầm địa đạo.

- Đầu tiên phải đào cái miệng thí đã, nghĩa là một cái miệng sâu xuống, thí dụ địa đạo này là 1m5, cộng với chiều cao lên nữa, phải đào sâu 2m2. Xuống sâu, đào khoét ngang. Phải có hai người đào từ hai phía lại gặp nhau, thông nhau rồi mới lấp miệng phía trên lại, vì vậy gọi nó là cái miệng thí, bỏ. Thông hơi phải chéo, dưới to, trên nhỏ.

Bản cởi trần, mặc quần đùi, đội mũ tai bèo. Người quay phim đề nghị anh ráng đào sâu 1m để có thể xuống quay. Trong lúc đó ông Bun-dô quan sát, phát hiện điều cần hỏi:

- Đất này ông đổ đi đâu?

- Dễ lắm. Có ba khu vực có thể: đổ xuống hố bom pháo vừa đánh lộn nhào. Đổ trên mặt đất thì phải nện cho chắc và quét rác, rải lên trên một lớp rác dày tự nhiên. Nơi thứ ba có thể đổ thoải mái là đổ thành ụ bên cạnh tổ mối. Mối sẽ sang làm tổ liền, đất sẽ "cũ" ngay lập tức.

- Thế còn người ta nói bếp Hoàng Càm là thế nào?

- Nay người ta lấp đi khá nhiều rồi. Nhưng tôi sẽ vẽ lại cho ông thấy sơ đồ nguyên lý của bếp. Khói nặng sẽ luồn theo các hố chứa khói để ra hố thùng có chứa nhiều cành cây. Tôi sẽ nhúng củi vào nước rồi mới đem đốt cho ra thật nhiều khói, và rồi sẽ sơ tán khói cho ông thấy.

- Sao có tên Hoàng Cầm?

- Đó là tên người phát minh ra. Lúc đầu bếp đơn giản, sau bộ đội "khôn" lên, cải tiến hoàn chỉnh nhiều hầm chứa khói. Đầu tiên có hai bếp, một to một nhỏ, rồi dần dần hai bếp to giao lưu sang. Khói sẽ đi "dích dắc".

- Vâng, còn tôi có nghe câu chuyện tiểu đoàn 268 các ông có gương chiến sĩ đánh xe tăng bằng thủ pháo. Nắp xe tăng như vậy làm sao ông nhét vào?

- Nào mời ông ra đây, ở đây còn chiếc tăng M41 của Mỹ để làm di tích.

Bản trèo lên chiếc xe - Ông Bun-dô giơ tay:

- Nhưng lúc đó xe chạy, ông leo lên cách nào?

- Chúng tôi trèo qua cái xích này. Lúc đầu cũng có thương vong vì leo lên không biết cái nắp, đứng sẽ bị gạt xuống. Sau chúng tôi lên, ôm lấy cái nòng súng này, tha hồ xoay. Tưởng Việt cộng bị rớt xuống rồi, xe tăng kín nắp, họ phải mở nắp ra. Đó là lúc thủ pháo được nhét vào. Nếu quân địch hốt hoảng đậy ụp nắp lại thì càng nổ to.

- Một điều kỳ lạ là khi tôi đi hành quân cùng sư 25 quân Mỹ, tìm không thấy các ông đâu cả, vậy mà vừa ngồi xuống là bị các ông đánh liền.

- Có gì đâu. Các ông ngồi ăn trưa ngay trên nắp hầm của chúng tôi. Mỹ cũng chẳng dễ biết được chúng tôi chủ lực hay du kích, vì chúng tôi có khi trang bị giống nhau bằng vũ khí lấy được của địch. Chắc ông hồi đó có nghe trận bom đạn Mỹ hủy diệt Trảng Cỏ. Báo chí Sài Gòn lúc đó cũng lên tiếng phản ứng việc trút vào đó tới ba mươi ngàn tấn bom. Con số chắc các ông biết rõ hơn tôi.

- Tôi nhớ rồi.

- Hôm ấy chúng tôi có một tiểu đội đánh lại một tiểu đoàn Mỹ trong suốt một ngày. Chúng phải mang hỏa lực dội xuống. Khi Mỹ cụm lại, chúng tôi đánh ngay, họ phải rút về Đồng Dù...

Ông Bun-dô nhớ lại rồi. Tuy vậy còn một câu hỏi cuối:

- Các ông không một lúc nào thấy sợ sao?

- Ai mà lại không sợ chết hả ông? Nhưng đây là quê hương. Sợ cũng không được. Nếu mà đào ngũ cũng đâu có chạy sang Mỹ mà sống được? - Bản mỉm cười - Cho nên buộc phải không sợ. Sợ mà ngồi im thì bom pháo nó cũng dội chết. Thế là đánh không biết sợ, mà biết chiến đấu đó ông...

Trong cái ngày cả thế giới nhắc lại chiến thắng của người Việt Nam, hàng trăm nhà báo tới Việt Nam, tới Sài Gòn để dự mít tinh mừng ngày lễ, họ quan tâm đến một Việt Nam mở cửa. Những ngày đó, tại Củ Chi, vẫn còn nhiều điều tìm hiểu chuyện ngày qua.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #6 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2012, 06:37:57 pm »

4.

Năm 1989.

Khi đoàn xe cả chục chiếc, vừa xe du lịch vừa jeep chở những người trong đoàn tìm kiếm lính Mỹ mất tích (MIA) theo lộ 13 đúng hẹn lên ngã ba Rạch Bắp, thì Bản đã chờ sẵn ở đó rồi. Anh được yêu cầu đi chỉ giúp địa điểm để xác nhận thêm dù họ đã có bản đồ. Bản vẫn như mọi ngày: anh đi Honda, mang theo xẻng, cuốc, bao nilon... Đoàn MIA, tất nhiên với những anh lính trẻ măng mà Bản chắc là họ chẳng biết gì về cuộc chiến này. Những anh chàng được trang bị kiến thức, các phương pháp chuẩn xác, kèm theo cả video, chụp hình với các bản đồ chi tiết. Bản không chỉ đến đây giúp họ xác định nơi viên phi công rơi. Anh cũng có công việc của mình ở đó: tìm những đồng đội mà anh đã đi thăm dò nhiều lần ở khu vực này.

Hai anh chàng Mỹ trắng, tám Mỹ đen và số người đi theo anh vào rừng cao su Tân Tiến ở Bến Cát. Rừng mát rượi không có ánh sáng do các cành cao su rậm rạp, dù lúc vào đến nơi đã mười giờ trưa. Họ đi theo đường lô cao su, mỗi lô rộng ước chừng 500m2. Anh chỉ: chỗ này. Họ giở bản đồ ra, xác nhận đúng tọa độ đó. Bản dẫn người đại diện nông trường tới. Ông ta cũng xác nhận trước đây có máy bay rơi tại đây, có phi công chết - Bản không chú ý lắm khi nghe họ trao đổi về giá đền bù cây cối. Loáng thoáng hình như nếu hư cây sẽ đền hai triệu. Anh liếc nhìn vào đồ nghề của họ. Ngoài cuốc, xẻng, cưa, những cái sàng cát có hàng loạt hộp sơn xanh nắp rất đẹp. Chăng dây một vùng rất rộng vì họ nói sợ xương cốt có thể văng ra xa. Hết tới mấy chục ngàn đô chứ chẳng ít - Bản thầm đoán - Thế này là dễ quá rồi còn gì, chỉ cho tận nơi mà đào, đâu phải kiếm tìm đi lại hàng mấy năm trời, hàng mấy chục bận như Bản và đồng đội của anh vẫn làm.

Họ mằn mò kỹ lắm, nhặt lên cái gì cũng lấy. Bản cười hỏi: "Cái lọ thuốc vớ vẩn của Việt Nam, lấy chi vậy?". Họ cười.

Đào thấy xương, mảnh máy bay, khúc súng gãy, dây điện ở máy bay, viên đạn... họ sàng ở đó tới ba ngày. Nhìn cả những túi thức ăn khô, cái muỗng được đào lên, Bản nhớ lại ngày trước, chính đơn vị anh đã ở đây, họ đã chiến đấu và diệt chiếc máy bay này. Không thể có ai hình dung được khu rừng này trước đây đạn bom ngút trời giờ đã thành quê rồi với các thảm rừng xanh mát, trẻ con đi nhặt cành khô đang kéo lê củi trên đường lô, vui vẻ chỉ trỏ xúm vào xem những người Mỹ đang ra sức sàng đất.

Còn ngày xưa, ì đùng khói lửa, không một ngày nào yên. Mùi bom cháy, lửa cháy cả lá tươi - Anh không thể nào tả được mùi chiến tranh pha quyện đủ thứ. Đây là "vùng trắng": địch không cho bất cứ thứ gì mọc lên. Có những vùng anh biết, giờ đây tất cả cái gì có trên mặt đất đều bắt đầu từ sau giải phóng. Kẻ địch có hai thứ để hoàn thành ý đồ vùng trắng: rải chất độc, và sau là dùng B52 rải thảm.

Khu vực Bến Cát - Sông Bé tới hai phần ba là rừng. Trên này Thanh An, Thanh Tuyền, Rạch Kiến, Bưng Còng, rồi tới Rạch Bắp... đông nghẹt các đơn vị của ta. Mỗi lần chúng đi một tốp ba chiếc, một lần đánh phải chọi với hai tốp, sáu chiếc máy bay. Chúng rải hạt cỏ cho mùa mưa mọc lên um tùm, để mùa khô dùng bom xăng đốt trụi. Vùng tự do oanh kích, lúc nào bắn thì bắn. Những năm 1965, 1966, 1967 và đặc biệt sau Mậu Thân 1968 tình hình thật sự khốc liệt. Các anh chỉ có hai kiểu sống: Nếu ở rừng thì có hai loại hầm. Hầm ngủ đào lớn như một căn phòng, có cây to gác phủ đất cỏ, giống như hầm phẫu thuật, hầm ăn. Loại thứ hai là hầm bí mật để trốn khi giặc càn. Căn cứ nào cũng có. Cách sống thứ hai, thí dụ như ở Củ Chi, vùng giành giật nó luôn lấn ra, chiến sĩ phải sống dưới hầm bí mật và địa đạo. Ban ngày, lính tràn ra bên trên, đêm rút về bốt. Trừ đơn vị chiến đấu, còn hậu cần, quân y quân giới ngày ở hầm, đêm lên...

Hai mươi năm qua rồi mà hố bom vẫn còn - Bản nghĩ - ác liệt đến nỗi chẳng lấy ra cái gì để mà san hố bom cho xuể. Có khi hai, ba hố chồng lên nhau, chẳng còn đất đâu ra mà lấp. Nhưng bám trụ - có nghĩa là không rút đi đâu cả. Một ngàn mà còn vẫn thắng. Họ đã quen thuộc với quy luật của địch, biết nó đang ở đâu, tối nay rút ngả nào, con số bao nhiêu. Ở quan y của các anh có ba bộ phận: lực lượng chuyên môn y bác sĩ, số hậu cần, và anh em bảo vệ. Lúc đó Bản mứoi là y sĩ, sau hòa bình anh mới được học hành để trở thành bác sĩ. Nhưng lúc đó khi có chiến sựu thì bất kể hậu cần hay chuyên môn đều phải làm nhiệm vụ bảo vệ! Vừa đánh, vừa chuyển thương binh xuống hầm, di chuyển thực phẩm. Khi bị bao vây, phải bám đường đưa thương binh ra căn cứ khác. Đào hầm liên tục, vì có thể sau đợt B52 thì tan nát hết cả những hầm hào cũ... Trong những ngày mưa, mùng màn thương binh bằng vải xô phơi lâu khô. Sau này họ tìm cách lập mẹo "xin" địch ít pháo dù, bằng cách mò gần căn cứ Bến Cát, lấy cối 60 bắn mấy trái. Pháo sáng địch bắn vội tứ tung, ta chỉ việc ra nhặt. Màu pháo 103 dù lớn đẹp lắm. Chính vì những việc phơi phóng này mới dẫn đến việc viên phi công Mỹ nằm lại đất này, đến hôm nay đang được kiếm tìm.

"Các quân y C10, C12 phơi mùng bằng dù, thường bị máy bay cá rô phát hiện (máy bay trinh sát gọn nhẹ, có khi còn được gọi là Cán gáo). " Anh Bản kể lại - Đang bay, tự nhiên nó có thể đứng lại. Như con cá rô nhỏ, lách nhanh, đuôi có cánh quạt, thổi gió lật ngược cây cối. Hầm hố, đường đi được rải lá ngụy trang, sẽ lòi ra hết nếu làm không kỹ. Người dân đi trên đường kể là có khi nghe "é" một cái, nó đứng lại hỏi giấy tờ. Để chống lại nạn máy bay trinh sát phát hiện căn cứ, quân ta phát động chiến dịch "bắt cá rô".

Chiếc máy bay hôm nay không còn dấu vết - Viên phi công đang được sàng khỏi mặt đất những mảnh xương vụn - Ngày đó đơn vị anh giăng bẫy bằng một miếng vải phơi, dưới có mìn định hướng dòng dây điện. Khi nó phát hiện ghé xuống, quân ta bấm mìn - Tría mìn bữa đó bứng cả ngọn cây, viên phi công trúng miểng chết. Chính các anh đã hạ nó tại đây và suốt mấy đêm liền sau đó còn nghe máy bay quần trên trời kiếm tìm.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #7 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2012, 06:19:18 pm »

5.

Bản hỏi người Mỹ trẻ tuổi: "Sao bỏ tiền lớn vậy đi tìm hài cốt?". Người Mỹ trẻ chắc chắn không hề biết gì về chiến tranh, kể cho anh nghe là đã qua các phiếu điều tra biết được những áp lực của thân nhân. Chả rõ thực hư thế nào, Bản cũng có chút tò mò - Anh hỏi: "Nhìn lại sau 20 năm chiến tranh, các ông có hình dung ra sự ác liệt thời kỳ đó không?". Người Mỹ trẻ tuổi nói như thanh minh: "Hồi đó chúng tôi được thông tin cách khác, tưởng là Việt Nam phải ra nước chứ không sống được. Bom pháo trút như vậy mà.".

- Rừng cao su này - Bản chỉ - dù các ông trút bom pháo, dưới hầm hào vẫn đông nghẹt người. Trúng đạn thì chết, còn nếu ai không thì cứ sống, làm việc. Chai lọ, ống thuốc đào lên vẫn còn đó. Vậy là ngay cả khi ác liệt, chúng tôi vẫn sống ở đây.

- Bạn bè, bà con chúng tôi đi chiến trường Việt Nam về vẫn nói rằng đi kiếm các ông không ra mà hễ ngưng kiếm là bị đánh.

Bản cười hiền hậu:

- Bây giờ thì ông thấy đó. Tôi không nói về chính trị vội, nội cách đánh thôi - Đánh chính quy với rừng là thua - mà lại là rừng của người dẫn giữ lấy đất mà sống. Ông thấy đấy, các hầm hố dày đặc sự sống quanh đây.

Họ biếu Bản năm trăm đô, nhưng anh không nhận. "Nếu các ông tặng cho Hội Chữ thập đỏ để làm từ thiện thì chúng tôi xin cảm ơn.".

Công việc hôm nay của Bản diễn ra cách chỗ họ đào, hơn một cây số. Hôm nay anh em sẽ tìm sáu người trong tiểu đội điều trị chết vì bom B52. Đó là các cô gái miền Nam quê Gò Môn - Hóc Môn tên là Tuyết, Hương, Thuận, Thu, Mai. Họ là những tay phụ mổ, giữ bộ đại phẫu.

Đâu phải dễ dàng anh biết phải đào lên chỗ nào giữa đất đai mênh mông nhường ấy. Suốt cả năm, anh đi xác định vị trí, và suốt một năm đó mất phương hướng. Bản nhớ rằng ngày trước khi moi được các cô lên, chôn xong, anh ngồi nhìn về hướng Tây, trời chiều hắt bóng anh xuống hố bom. Như vậy bọn họ nằm phía Đông. Những hố bom bị che khuất bởi rừng, khiến anh cứ đi tìm quanh quẩn. Ngày xưa khi bom vùi họ xong, đơn vị anh cũng đã phải khốn khổ mãi mới moi được thi thể lên để chôn cất. Ngày đầu tiên, các anh moi tứ tung giữa đất đá ngổn ngang. Thường thì người chết ngày thứ ba sẽ bốc hơi lên. Bản dùng tay sờ khắp mặt đất, như một người phát cuồng: Anh là tổ trưởng tổ phẫu này, và anh mất bốn đứa một lúc. "Có lẽ chúng nó nằm đây" - Bản sờ tay áp đất thấy nóng. Anh em đơn vị xúm vào đào. Càng đào càng nóng. Thì ra bốn cô gái bị vùi dưới sâu, đất xô lệch dồn họ vào một góc. Rõ ràng họ chết trong lúc ngủ, bị bốn cái võng trùm lên. Bom đạn làm người họ mềm, dù bắt đầu trương sình mặt mày, vẫn nhận ra được. Suốt đêm ấy, đơn vị tìm cách chôn cất các cô gái: gói họ trong nilon. Tên ghi tren giấy nhứng dầu ăn, bỏ vào lọ và cho trong miệng họ. Cả bốn người đều đeo đồng hồ Seiko mà sau này đào lên vẫn còn.

Bản còn nhớ từng người. Cô Tuyết, tức Tuyết Hương, da trắng, vui tính và có lần đã tự ái cự nự anh, chỉ vì dùng từ ngữ khác biệt của người Bắc. Đi đánh trận xong, Bản động viên cô "hãy cố ăn" - Anh đâu biết nói thế chẳng khác nào bảo cô tham ăn. Cô vùng vằng mách với bác sĩ chủ nhiệm - Bản kêu toáng: "Trời ơi! Động viên nó cố ăn mà nó giận tôi sao?" Cô giậm chân: "Đấy, bây giờ vẫn cứ nói cố ăn là sao"... À, thôi anh biết rồi, phải nói là cô em ráng ăn lấy sức...

Còn một cô Hương nữa, da ngăm đen, hay mặc bộ đồ bà ba màu sẫm, có thương một anh bộ đội. Anh bộ đội đã tặng cô cái nhẫn. Bản nhớ cô bé không nhí nhảnh như cô Tuyết, làm việc rất giỏi - Anh còn nhớ giây phút đào tìm được xác cô, anh đã tháo chiếc nhẫn trao lại cho anh bộ đội làm kỷ vật đau thương - Còn Thuận thì cao, khỏe, đi lấy củi chỉ thích vác cây lớn...

Hôm nay nay đi cùng người của MIA lên vùng này, anh đã quyết định đào thăm dò để tìm những cô gái ấy một lần nữa, chỉ có khác lần trước là sau ba ngày tìm được để chôn cất họ. Nay thì sau hai mươi năm, với bao nhiêu công phu, anh đã xác định được khoảng đất này. Khi người của MIA đang đãi từng hạt sỏi và nhặt nhạnh từng thứ cho vào những chiếc hộp xanh đẹp đẽ, thì bọn anh cũng sẽ đào tìm đồng đội, xem đích xác họ nằm ở chỗ nào trong khoảng rừng này.

Anh kiếm ra căn hầm ăn, vẫn còn hình thù. Cây cầy nay to hàng sáu - bảy người ôm có tán lớn. Nếu đây là căn cứ Quân y C10 thì chệch mười mét sang phía Đông sẽ lần ra hầm ăn của thương binh... Và cuối cùng anh đã tìm ra những ngôi mộ trước đây chôn cách nhau sau mươi cm như vẫn thường làm...
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #8 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2012, 04:29:14 pm »

6.

"Một mình tôi chắc sẽ không làm nên được" - Bản vẫn nói thế. Cùng với những đồng đội sống sót sau chiến tranh - mười tám người ở TP HCM, giờ đây họ có một tập thể, dựa vào sự tiếp sức của Hội Chữ thập đỏ nơi anh Trần Văn Bản làm chủ tịch Hội - họ đã tìm ra tới cả con số hàng ngàn hài cốt liệt sĩ. Còn trước đây, những năm khởi đầu, Bản âm thàm làm một mình. Anh chẳng có ý thức tích cóp các thống kê những việc làm được, trừ việc lên sơ đồ, gửi cho một số Sở TB-XH địa phương biết để cùng góp sức. Sau chiến tranh, nhà nước và các đơn vị quân đội đã bắt đầu các chiến dịch gắng sức truy tập các liệt sĩ về nghĩa trang. Chính Bản đã băn khoăn khi thấy nhiều nơi đào, đưa về nghĩa trang toàn là liệt sĩ vô danh. Ai cũng đau xót, mà chẳng thể làm gì hơn. Riêng Bản cứ bị cắn xé trong lòng. Từ ngày còn sống dưới đạn bom, khi chôn cất liệt sĩ xong, Bản tự nhủ: thế nào rồi cũng phải tìm lại những con người này. Anh vẫn tiếc hùi hụi và tự nhủ sẽ phải cố công tìm ra cái hòm đạn của anh. Đó là cái thùng đạn đại liên có chứa ghi chép của anh, cái "cặp" lưu giữ nhiều điều. Trong một trận càn, anh phải quăng nó nấp xuống một hố bom ở vùng An Phú. Anh nhớ là hố thứ hai, bởi còn phải nhảy qua một hố thứ ba nưa. Nhưng mà hố bom thì có gì là cố định, nếu như đó là vùng chà đi sát lại, bom chồng lên bom? Mà cách tìm thì ngày càng khó, để lâu không được... Địa hình này thay đổi từng ngày. Nơi thì làm rẫy, nơi ủi làm rừng trồng cao su. Đã có lần Bản lang thang thấy người ta ủi ào ào, anh xót ruột chạy vào ngăn không cho ủi. Người ta đâu biết anh là ai, suýt thì thì còn bị rầy rà.

"Trên hai trăm đồng đội của tiểu đoàn chúng tôi chưa tìm ra. Hết mùa mưa, mùa khô tới sẽ đi lấy một trăm ba mươi anh ở Trảng Bàng. "Bản đã khóc cả trước mặt người lạ khi được hỏi thăm chuyện đó. Các anh không sao quên được anh em đồng đội. "Đau khổ nhường nào khi người ta không biết cả ngày giỗ chồng con người ta. "Bản thường tự nhủ: Mình còn sống, còn sức, còn cố đi tìm kiếm. May mắn còn sống sau khi đã qua cuộc chiến tranh cực kỳ gian nguy, thì không còn gì gọi là cực nhọc so với những ngày qua.

Giai đoạn đầu từ năm 1978 đến 1986, là thời kỳ ủi đất trồng cao su, thời kỳ Bản âm thầm làm một mình, cho tới gian đoạn sau, từ 1986 gặp lại số anh em ở tiểu đoàn và anh bắt đầu có một tập thể cùng đi tìm đồng đội. Ngày đầu tiên ấy, anh còn thiếu kinh nghiệm. Anh cầm trong tay tờ giấy giới thiệu của Uỷ ban phường 17 làm giấy tờ "phòng thân". Biết đâu được với xã hội đã bắt đầu có những kẻ lợi dụng tiếng từ thiện? Báo chí còn đăng cả vụ án về một tay Nhạn nào đó dám đào ăn cắp cả hài cốt. Rồi tiếng tăm về ông thày này nọ, khi tin khi ngờ... Tất cả làm Bản buồn rầu và càng âm thầm công việc. Về xã, anh cẩn thận trình cả giấy giới thiệu với má Năm nơi anh vào nghỉ trưa nhờ má nấu cơm cho ăn, ở ấp 3 xã Tây Nam Bến Cát.

- Mày đi đâu vậy?

Bản nói chung chung:

- Con kiếm mấy ông liệt sĩ. Con có giấy giới thiệu đàng hoàng đây má.

Bỗng nhiên anh thấy bà má lặng lẽ bỏ đi, rất lạnh nhạt. Từ sớm giờ má vẫn theo dõi mấy anh săm soi cật lực ngoài nắng, má thương. Vậy mà đưa tờ giấy giới thiệu ra, má lại không bằng lòng. Anh nhìn giấy: dấu đỏ của Ủy ban phường 17 với chữ ký đầy đủ của ông Sáu Chiến. Có gì sai đâu: "Ủa -  Sao mà kỳ vậy má?" Hay bà mẹ đến tuổi, giở tính ốm đau sắp chết sao? Là một bác sĩ, Bản vội xua ngay những ý nghĩ vẫn cứ ập đến. Anh ngồi xuống bên mép giường. Thấy thương, má bèn ngồi dậy:

- Tao tưởng đâu mày tìm chúng nó, xuất phát từ tấm lòng, chứ còn nhà nước phân công trách nhiệm, thì thôi cứ đi mà làm, giấy tờ chi, tao biết chữ đâu mà đọc.

Thôi chết rồi. Anh thật không lường hết mọi sự ở đời. Anh chỉ nghĩ đến cái cạnh khía của sự nghi ngại, đề phòng với tiêu cực, mà không nghĩ đến xa hơn. Anh còn tiếp tục phạm thêm lỗi lầm nữa. Sau khi đã xác định được chỗ nằm của liệt sĩ anh lấy cuốc ra hăng hái đào. Má đứng bên, hỏi như người vừa từ đâu đến:

- Mày đào gì?

- Ơ hay má biết rồi. Con đào hài cốt liệt sĩ.

- Này tao bảo, chúng mày "cách mạng" vừa vừa thôi.

Bản giật mình trước lời xỉ vả nặng nề ấy, chưa kịp hiểu ra: "Má nói gì kỳ cục?".

- Việc mày làm thì được. Nhưng cách làm không được. Thế con vào nhà ai con có phải hỏi chủ nhà không?

- Có chứ.

- Nó chết đây. Nhà nó đây, mày chả nói gì với nó, cứ thế cầm cuốc mà bổ là sao?

Bản chợt hiểu, vò đầu gãi tai:

- Khổ quá - Má ơi, bạn con nó thông cảm, con đi xa, chăm chăm lo lắng, tìm trúng con mừng quá - Con có chuẩn bị gì đâu, có biết chắc từ trước gì đâu mà chuẩn bị.

- Thế nhà tao không có hả? Tao không có tổ tiên ông bà, không cúng bái gì hả? Trái cây vườn thiếu gì. Nó không chín thì lấy trái xanh, gọi tên tuổi nó lên. Mày xách bộ hài cốt nó về thế hả?

Bản bây giờ vẫn nhắc lại với bạn bè, anh ghi nhận "bị một cú ở Bưng Còng" như thế. Anh còn qua lại vùng đó sau này thân quen như một người con. Từ nay thì mỗi lần qua nhà má, dù có biếu trầu cau, hộp bánh, phải nhớ thắp nhang rồi mới đưa mời má. Những bà má ở đây, nhà nào chẳng có con hy sinh, con bộ đội? Lúc đó đâu đã có lệnh phong bà mẹ Việt Nam anh hùng như sau này má nhận được. Chồng con má là liệt sĩ, má ở với người cháu. Bây giờ mỗi lần anh lên, kêu "má" thì câu chào trả lời như một cách trách móc, thương nhớ, giận vui đủ cả:

- Ủa con nhớ lên hả? Tao tưởng mày chết. Mày đường nhựa Sài Gòn đâu thiết gì đây.

- Khổ quá má ơi - Bản cố kể lể - con ở đó khổ tâm lắm chứ sướng gì đâu.

- Mày xạo. Mấy lần lên kiếm liệt sĩ, lần lên ngã ba Rạch Bắp mày có ghé không? Từ Bưng Còng tao nghe nói mày dẫn anh em lên, tao đi bộ lên Thanh An xem chúng mày lấy ra sao. Lâu lắm không thấy, tao muốn xem tụi mày. Lên tới nơi thì mày lại xuống Bến Súc mất rồi. Phải ghé vào đây chút xíu chớ, xe cộ chúng mày đi mấy hồi? Đi bộ tao còn đi được.

Chết rồi - bận túi bụi, lại xa nữa bọn anh đâu có ngờ, không ghé vào thì bà mẹ 72 tuổi lóc cóc lên tận nơi tìm không gặp - Bản dỗi:

- Ghé có chuyện nhờ chút xíu. Chửi thì về.

- Tổ cha mày, không đúng sao? Ghé đây sợ không có gì cho mày ăn hả?

Bà vốc gạo ra, tức là sắp đi bắt gà, còn dỗ dành:

- Mày coi con nào, bắt con nào?

- Thôi ăn chửi no rồi!

Có lúc anh đùa:

- Má có xem giấy giới thiệu không má?

- Tổ cha mày nhớ dai.

Kết thúc cuộc gặp gỡ, thế nào Bản cũng hỏi một câu gì đó, má biết - thí dụ hôm đó Bản hỏi: "Dưới Rạch Bắp, má biết có chỗ nào nhô ra gọi là Gò Sỏi không?. - Anh vẫn phải dựa vào bà con để tìm kiếm.

Còn má thì không quên dặn và tiếp tục mắng:

- Lần sau có đi đâu cũng phải ghé qua. Tao đi bộ còn đi...

Lại phải viện lý do rất vu vơ, Bản lỡ lời:

- Thì con còn mang theo hài cốt, ghé vào sao được.

Tức là anh đã sai phạm một điều thứ ba.

- À, à mày sợ đem mấy thằng vô đây tao khó dễ hả?...

- Thôi thôi má ơi, đâu có gì đâu. Xe cộ ầm ầm nên phải vọi. Sợ phà tối nó không chạy...
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #9 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2012, 10:54:08 pm »

7.

 Không phải chỉ đào trên đất ruộng vườn, mà có lần đội du kích của Chữ Thập đỏ Tân Bình kết hợp với địa phương bốc lên nhiều hài cốt liệt sĩ từ những giếng sâu đã bị lấp chặt. Vào tháng 3 năm 1994 họ đã đào lên hai mươi cái giếng ở phường 15 quận Tân Bình, đào lên được 43 bộ hài cốt đưa về nghĩa trang liệt sĩ.

Đào giếng thật không đơn giản, rất rễ xảy ra tai nạn, bởi khi địch vứt xác các chiến sĩ xuống, lấp đất lên, ném cả đầu đạn, sắt thép cùng gạch ngói. Rất rễ gặp đầu đạn M79. Nhân dân còn nhớ từng nơi giặc đã bắn anh em mình vứt xác xuống giếng.

Bây giờ ở tủ kính của Hội Chữ Thập đỏ Tân Bình vẫn còn hình ảnh cuộc khai quật nổi tiếng này. Liệt sĩ  Phạm Hưng Sánh quê Gia Định, sinh 1906 và hy sinh 6-9-1946 trong kháng chiến chống Pháp. Nay đã cách 50 năm rồi, nửa thế kỷ người liệt sĩ nằm dưới giếng sâu bị trói vào đá thả xuống, còn bị nén thêm 25 cục đá tảng, nhân dân vẫn còn nhớ rõ. Từ trước đến nay đã đào hai lần không được, giếng sâu hiểm hóc. Người dân đành phải biến nơi đó thành mộ ông, xây bên trên nó một cái miếu thờ. Nhưng để liệt sĩ nằm dưới đó bị trói, vùi dập vậy làm sao đành? Đội xung kích chữ thập đỏ của Bản cùng địa phương và nhân dân quyết tâm suốt ba ngày, phá bỏ miếu để đưa hài cốt lên truy điệu. Đào sâu xuống lớp đất, họ dùng dây xích kéo đất lên. Mang được cục đá tảng thứ 26 lên thì đụng dây điện kẻ địch dùng để trói liệt sĩ Sánh. Người anh của liệt sĩ, nay là một cụ già tóc bạc, khóc ngất trên miệng giếng. Cũng giống như vậy, các anh đã đào lên 24 liệt sĩ ở một giếng gần bốt Phú Hòa Đồng, Củ Chi vào ngày tháng 6-1992. Giờ đây đội xung kích của Bản đã trở nên dạn dày kinh nghiệm, gần như một đội chuyên môn cao.

Anh Bản kể vừa rồi trong cuộc họp của Cựu cán bộ Đoàn của anh dự giao ban tại Quận hội, họ đã hết sức ngạc nhiên khi thấy anh đưa kế hoạch đi lấy hài cốt hai liệt sĩ ở Củ Chi, cần mười người tùy ý xung phong, không cử ai cả. Anh đề nghị ai rảnh, bố trí được thì đi, như nhiều lần họ vẫn làm. Vậy mà tất cả xung phong hết, kể cả nữ. “Ăn cơm nhà, mang xe honda nhà, vừa đi vừa về 170 km, nắng nôi cực nhọc, vậy mà họ đòi đi. Tôi không giải thích nổi”, khách ngạc nhiên – Bản ngẫm nghĩ và tạm lý giải cho khách: “Anh em thanh niên xung kích không gọi việc này là gian khổ. Nhiều lần đi, chúng tôi đã trò chuyện, tôi có nói: một ngày nào chưa đưa anh em về nghĩa trang thờ cúng, còn để họ nằm đâu đó bụi tre bụi rậm là có tội, có nợ lớn, mà không phải nợ tiền. Nợ tình nợ nghĩa không trả được. “Anh sợ một ngày nào đó yếu đi, sẽ không đi được nữa. Sau chiến tranh công việc bộn bề, có phải ai cũng có thể làm được đâu? Anh đã thấy những điều cảm động về sự chăm lo của Đảng, của dân với liệt sĩ. Nhưng chính anh cũng thấy cả ở một số nơi sự trì trệ, lối hành chính đơn sơ khiến bao việc thiêng liêng bị “bỏ xó” một cách bất ngờ, chưa ai tổ chức lo cho chu đáo. Anh suy nghĩ thấy hệ thống công tác thương binh – xã hội dù có ý thức đến đâu cũng còn nhiều việc chưa thể làm được, đôi khi là việc đơn giản hết sức. Thương binh – xã hội quản lý về mặt chính sách với đối tượng nhưng không phải nơi nào cũng báo được cho gia đình liệt sĩ biết chồng con anh em họ đang nằm ở đâu. Thậm chí anh biết có trường hợp gia đình ở Củ Chi nhưng không biết con đã được đưa ngay về nghĩa trang liệt sĩ Củ Chi. Nghĩa trang các nơi có danh sách liệt sĩ, nhưng không có nội dung công việc nào quy định báo về cho gia đình biết liệt sĩ hiện ở chỗ nào. Thật đơn giản hết sức, nếu danh sách liệt sĩ ở nghĩa trang nào cũng được gửi về Sở Thương binh – Xã hội các Tỉnh thành, để từ đó báo về các địa phương. Có rất nhiều liệt sĩ chưa được tìm thấy hài cốt, mồ mả, nhưng cũng có rất nhiều liệt sĩ đang nằm ở một nghĩa trang nào đó do địa phương truy tập về, dân địa phương chăm nom, viếng thăm các ngày lễ tết, trong khi đó ở gia đình vẫn chỉ có tờ báo tử ngày xưa với dòng chữ “Đã an táng tại mặt trận”…

Nhìn thực trạng đó, Bản thấy sốt ruột và lo ngại. Đấy là chưa kể có những vùng xa xôi hẻo lánh có lần đi công tác qua, Bản ghé vào xã hỏi xem họ có nhận được các công văn anh gửi yêu cầu báo tin cho thân nhân các liệt sĩ mà các anh tìm được chưa? Đến nơi có người còn lục trong hộc bàn: cái công văn còn nằm nguyên đó. Thậm chí có cái đến sau còn chưa kịp bóc. Bao nhiêu điều thấy sốt cả ruột. Buồn vô cùng, không thể tưởng tượng được, anh hỏi lý do thì câu trả lời cũng rất đơn giản: “ở đây không có người để làm”… Chính vì vậy Bản đã gợi ý đưa hội viên Chữ Thập đỏ của anh vào các hoạt động mà ngày anh mới chuyển công tác về đây, có người còn không thông lắm với việc đi tìm liệt sĩ. Họ cho đó là công việc Thương binh – Xã hội phải lo. Bây giờ không có một cuộc pic nic cắm trại của ai tổ chức lại chọn nghĩa trang liệt sĩ như đội của anh. Họ có hai mục đích: thứ nhất là viếng và sửa mộ nếu cần, sau nữa từng tổ ba người: một đọc, một ghi, một nhìn kiểm tra đối chiếu trên bia mộ, để rồi tập hợp danh sách các địa phương, báo về cho gia đình liệt sĩ biết.

Công việc vừa có tính chất hoạt động vui chơi dã ngoại này đem lại những niềm vui bất ngờ: rất nhiều gia đình viết thư mừng rỡ cảm ơn. Vậy là họ chưa hề được ai báo tin con nằm ở đâu.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM