Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:52:44 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hạm đội trong những cuộc xung đột cục bộ nửa sau thế kỷ 20  (Đọc 74030 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #40 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2013, 02:02:28 pm »

(tiếp)

Để tiêu diệt kẻ thù bị radar bờ biển phát hiện, bộ chỉ huy Ai Cập [230] phái đi một nhóm chiến thuật gồm 4 tàu cao tốc tên lửa, các tàu Ai Cập bắt đầu tiếp cận đối phương khi đi dọc bờ biển và cải trang thành tàu đánh cá. Radar tàu Ai Cập phát hiện trực thăng của Israel ở khoảng cách 17 - 20 dặm và đã coi chúng như các mục tiêu tàu mặt nước. Từ cự ly khoảng 17 dặm họ phóng một loạt 6 tên lửa. Phat hiện tên lửa phóng, trực thăng Israel lấy độ cao gấp bay ra khỏi khu vực quan sát của radar. Sự biến mất của các dấu hiệu trên màn hình radar được các trắc thủ Ai Cập coi như các mục tiêu bị đánh chìm, và các tàu bẻ hướng rút về. Có tốc độ lớn, theo sự dẫn đường từ trực thăng, các tàu cao tốc của Israel bắt đầu tiếp cận các tàu Ai Cập. Sau khi chiếm lĩnh vị trí bắn, ở cự ly khoảng 17 dặm, tàu Israel tấn công đối phương đang rút lui bằng tên lửa "Gabriel". Kết quả cuộc tấn công này là ba tàu Ai Cập bị chìm. Trong trận này, cũng như trong trận hải chiến với các tàu Syria, phía Israel đã sử dụng thành công trực thăng của tàu để tạo ra các mục tiêu giả tàu mặt nước, cũng như để trinh sát và dẫn đường cho nhóm xung kích tàu tên lửa đến chỗ kẻ thù. Bộ chỉ huy Ai Cập đã để xảy ra những sai lầm tương tự như bộ chỉ huy Syria. Chỉ huy nhóm chiến thuật không thực hiện trinh sát bổ sung nhóm mục tiêu do radar phát hiện đã vội quyết định - mở cuộc tấn công tên lửa lớn, sử dụng số lượng tối đa đạn tên lửa trong một loạt phóng. Lỗi lầm này đã được bộ chỉ huy Israel khéo léo tận dụng. Cùng ngày, khi trở về căn cứ của mình, tàu Israel bị tấn công bởi tàu cao tốc phóng tên lửa Ai Cập phóng loạt tên lửa từ cự ly tối đa (20 dặm) phá hủy tàu của đối phương. Cuộc tấn công này chứng minh hiển nhiên rằng bằng cách sử dụng lợi thế của mình về tầm bắn của tên lửa, phía Ai Cập có thể đạt được thành công trong một trận thủy chiến. Tuy nhiên, do thiếu sót trong tổ chức trinh sát và thiếu phương tiện đáng tin cậy truyền chỉ thị mục tiêu [231] bộ chỉ huy Ai Cập không phải lúc nào cũng thực hiện được lợi thế này.


Trận đánh gần căn cứ hải quân Alexandria

Trong đêm 10 sang ngày 11 tháng 10 tàu hải quân Israel đã đột kích căn cứ hải quân Tartus và Latakia và điểm đóng quân Banias. Tàu chiến Israel chia thành ba nhóm chiến thuật để hoạt động. Khi phản công, các tàu cao tốc tên lửa Syria đã sử dụng tám tên lửa chống hạm, nhưng chúng đều bắn vào các mục tiêu giả. Trong đêm [232] ngày 15 tháng 10, nhóm xung kích các tàu cao tốc Israel (3 tàu cao tốc mang tên lửa và 1 tàu cao tốc phóng lôi) phát hiện trong vịnh Aboukir hai mục tiêu đối phương và họ tiếp cận để tấn công. Các tàu cao tốc Ai Cập, lợi dụng ưu thế về cự y xạ kích, đã tấn công người Israel đầu tiên và bằng 5 tên lửa chống hạm họ đánh chìm 1 tàu cao tốc phóng lôi và 2 tàu cao tốc tên lửa. Một tàu cao tốc tên lửa sống sót của Israel đã bắn trúng tàu cao tốc của đối phương. Tuy nhiên, thủy thủ đoàn tàu Ai Cập đã dập được lửa và đưa tàu về đến căn cứ. Theo nhận định của bộ chỉ huy hạm đội Ai Cập, đó là cuộc tấn công thành công nhất trong toàn bộ thời gian chiến tranh. Các cuộc đụng độ quân sự khác của các bên về cơ bản không nổi bật hơn so với những trường hợp xem xét ở trên.

Trong số 20 tàu cao tốc mang tên lửa có sẵn trong biên chế Hải quân Ai Cập, số tham chiến ở Địa Trung Hải chỉ có 8 tàu. Các tàu thường hoạt động theo các nhóm chiến thuật nhỏ (2 - 4 tàu). Việc triển khai tàu vào khu vực chiến đấu được thực hiện qua các tuyến ven biển ở tốc độ 10-12 hải lý với mục đích ngụy trang làm các tàu đánh cá. Trong thời gian triển khai tuân thủ tuyệt đối sự im lặng vô tuyến. Việc dẫn đường cho các tàu cao tốc Ai Cập hướng đến kẻ thù thực hiện từ các sở chỉ huy bờ theo số liệu của các trạm radar cảnh giới.

Các đài radar trên tàu của người Ai Cập phát hiện được kẻ thù ở cự ly lên đến 27 dặm. Tên lửa phóng theo loạt, 2 đến 6 tên lửa cùng một lúc. Sau loạt phóng, tàu cơ động lui về ở tốc độ 20-24 hải lý dưới sự bảo vệ của các đại đội pháo binh bờ biển. Mặc dù lúc bắt đầu còn ở ngoài tầm bắn của tên lửa "Gabriel", các tàu cao tốc của Israel có tốc độ lớn vẫn bắt kịp đối thủ đang rút lui và phản công bằng đòn tên lửa-pháo. Công tác trinh sát bổ sung thường là không được tiến hành. Các trắc thủ radar hay nhầm mục tiêu trực thăng bay thấp là các mục tiêu trên bề mặt nước. Do đó các cuộc tấn công này chỉ thành công khi phía Israel không sử dụng trực thăng và các phương tiện chiến tranh điện tử. [233]

Trong 3 trận hải chiến các tàu cao tốc Ai Cập đã tiêu diệt được một tàu cao tốc phóng ngư lôi và 3 tàu cao tốc mang tên lửa của kẻ thù, đồng thời họ mất bốn tàu của mình. Một tàu cao tốc Ai Cập bị hư hỏng. Tổng cộng trong suốt chiến tranh, Hải quân Ai Cập mất bảy tàu cao tốc mang tên lửa.

Các hoạt động chiến đấu của các tàu chiến Israel nổi bật ở chỗ có cường độ cao hơn đáng kể. Ngay ngày đầu tiên của chiến tranh đã có 12 tàu cao tốc mang tên lửa được triển khai trên biển. Trong toàn bộ thời gian chiến sự, chúng đã thực hiện hơn 100 lần xuất kích ra khơi.

Tổn thất các loại tàu mặt nước trong cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1973 {22}


Tàu cao tốc Israel hoạt động hiệp đồng cùng trực thăng và máy bay cánh cố định, cũng như sử dụng rộng rãi các phương tiện chiến tranh điện tử. Các nhóm chiến thuật có số lượng 5-6 tàu cao tốc tên lửa và tàu cao tốc phóng lôi, thường hoạt động thành hai-ba nhóm một, tấn công [234] từ các hướng khác nhau. Việc triển khai được thực hiện với sự tuân thủ sự im lặng vô tuyến hoàn toàn trên các tuyến hành trình đi qua bên ngoài tầm quan sát của radar. Các đài radar chỉ được bật trên tàu của chỉ huy nhóm chiến thuật trong một thời gian ngắn. Trong khi trận đánh diễn ra, phương tiện thông tin liên lạc và radar được sử dụng không hạn chế.
   
Để làm sai lệch các thông tin về thành phần và các đội hình chiến đấu của nhóm xung kích, các tàu Israel sử dụng các đám nhiễu phản xạ lưỡng cực được bắn ra từ pháo cỡ 76mm, cũng như từ ống phóng đạn phản lực. Khi nằm trong vùng giám sát của radar kẻ thù, các tàu Israel gần như liên tục phóng nhiễu. Khoảng thời gian gián cách giữa các đợt gây nhiễu là 2 - 3 phút, điều đó tạo ra sự xuất hiện của một mục tiêu thực di động. Thời gian sống của các đám mây trên màn hình radar là 3 - 4 phút. Trên màn hình radar lúc đầu xuất hiện một vệt sáng trong khoảng 1-2 phút, sau đó nó bắt đầu tan rã, tạo khả năng khi sử dụng các màn hình radar quy mô lớn, có thể phân loại mục tiêu một cách chính xác.

Bộ chỉ huy Israel trong các trận hải chiến thường sử dụng phổ biến máy bay trực thăng có gương phản xạ radar chuyên dụng, bay ở độ cao 100 - 200 m với vận tốc 50 km / h, mô phỏng các mục tiêu trên mặt nước. Các trắc thủ đài radar trên tàu và trạm radar trên bờ của lực lượng hải quân các nước Ả Rập đã phân loại chúng như những mục tiêu trên mặt nước. Sau khi các tàu Ả Rập phóng tên lửa, trực thăng lấy độ cao 300 - 400 m gấp để tránh tên lửa, sau đó cùng với các tàu cao tốc của mình bắt đầu truy kích kẻ thù đang rút lui.

Với tốc độ 35 - 40 hải lý, các tàu Israel tiến gần đến cự ly xạ kích tên lửa "Gabriel" và thực hành phóng đơn đạn tên lửa với gián cách khoảng 10 giây. Tính đến sức phá hủy không cao của đầu đạn tên lửa "Gabriel", người Israel phóng ba hoặc bốn tên lửa vào cùng một mục tiêu. Sau khi làm suy yếu đáng kể [235] lực lượng hải quân của các nước Ả Rập, bộ chỉ huy Israel chuyển nỗ lực chủ yếu của mình sang việc tấn công các cơ sở trên bờ, sử dụng các cuộc đột kích ban đêm. Hầu như mỗi đêm các tàu cao tốc tên lửa của họ đều tấn công vào các kho chứa dầu mỏ, các trận địa phòng không và các trạm radar, các công trình khác nhau trong các khu vực căn cứ hải quân và các cảng Latakia, Banias, Tartous, Damietta, Port Said, Alexandria và Rosetta. Tàu cao tốc mang tên lửa hoạt động trong các nhóm xung kích quân số 3 - 5 tàu. Trong một số trường hợp, đặc biệt là vào ban ngày, các tàu cao tốc được sự hỗ trợ của máy bay cánh cố định và trực thăng.

Trong quá trình các cuộc đột kích, bộ chỉ huy Israel dành sự chú ý lớn cho công tác trinh sát, ngụy trang, chỉ huy lực lượng một cách bí mật, tác chiến điện tử, tổ chức tất cả các hình thái phòng thủ và đặc biệt là hỗ trợ về hậu cần. Các tàu tuần tra cao tốc, máy bay cánh cố định và trực thăng tiến hành trinh sát trong các khu vực lân cận bờ biển, các phương tiện giám sát trên bờ theo dõi tình hình trên biển và trên không. Công tác chỉ huy các lực lượng được thực hiện một cách tập trung, việc chỉ huy trực tiếp tàu thuyền trong một trận hải chiến - được tiến hành với sự trợ giúp của các hệ thống tự động hóa chỉ huy, được trang bị trên các tàu cao tốc phóng tên lửa.

Để cắt đứt sự giám sát của radar đối phương và đánh lạc hướng nó về vị trí của các lực lượng xung kích chính, cũng như cắt đứt quá trình tự dẫn của tên lửa đối phương, phía Israel sử dụng phương tiện tác chiến điện tử.

Cần lưu ý rằng đối phó với các tàu cao tốc mang tên lửa của Israel, đang thực hiện tấn công vào vùng duyên hải các nước Ả Rập chỉ có các đại đội pháo bờ biển.


Vị trí các tàu chiến bị đánh chìm trong các cuộc chiến tranh ARập-Israel năm 1967 và 1973

Hoạt động của các lực lượng khác của hải quân các nước tham chiến còn ở mức hạn chế. Trong số 10 tàu ngầm Ai Cập chỉ có một nửa ra khơi tuần tra chiến đấu, thực hiện tổng cộng 10 chuyến xuất kích. Tàu ngầm hoạt động chủ yếu trên các tuyến hàng hải của đối phương, một trong số đó [236], vào ngày 23 tháng 10, đã đánh chìm một tàu chở hàng ở cách 40 dặm về phía tây bắc Alexandria.
   
Các tàu khu trục, các frigate và corvette không tham chiến. Tàu đổ bộ chở hàng phục vụ lục quân.

Hoạt động của lực lượng hải quân ở Biển Đỏ mang tính hạn chế và tập trung chủ yếu vào phòng thủ các căn cứ hải quân và bến cảng, đổ bộ các nhóm biệt kích-trinh sát, đảm bảo công tác vận chuyển hàng hải và thực hiện phong tỏa bờ biển.

Các lực lượng hải quân chính của Israel nằm ở Địa Trung Hải. Tại Biển Đỏ, họ có hơn 20 tàu cao tốc tuần tra, phóng lôi và đổ bộ. Hạm đội Ai Cập tại không gian chiến trường này mạnh hơn rất nhiều.

Nhiệm vụ chính mà bộ chỉ huy Ai Cập giao cho lực lượng hải quân của mình trong khu vực Biển Đỏ là phong tỏa bờ biển và các cảng của kẻ thù. Phương thức hoạt động của lực lượng phong tỏa Ai Cập - các nhóm tàu chiến tuần tra trong khu vực lân cận các cảng của đối phương, và trên các nút giao thông hàng hải cũng như thiết lập các bãi thủy lôi ngăn chặn. Ví dụ, trong khu vực eo biển Tiran, hạm đội Ai Cập đã thiết lập một trận địa thủy lôi, trong đó một tàu chở dầu của Israel bị nổ tung và chìm. Sau đó, phía Israel đã ngừng chở hàng qua Biển Đỏ, mà sử dụng các đường liên lạc bên ngoài các cảng Địa Trung Hải.

Đối phó với sự phong tỏa của Hải quân Ai Cập, bộ chỉ huy Israel thực hiện đánh chặn các tàu cao tốc Ai Cập trên biển, cũng như tấn công vào các điểm đóng quân của họ. Vào đêm 15 tháng 10, các tàu cao tốc Israel tấn công điểm đóng quân Ras Gharib (Vịnh Suez), làm hư hỏng và đánh chìm nhiều tàu đổ bộ nhỏ của Ai Cập. Đồng thời, bộ chỉ huy Israel cố gắng đổ bộ thủy quân lục chiến lên phía bắc khu vực Ras Gharib, nhưng không đạt kết quả. Cuộc đổ bộ [237] bị đẩy lui bởi hỏa lực pháo binh và pháo bờ biển đã bắn chìm một tàu tuần tra Israel.

Vì thiếu lực lượng quét mìn trên diện rộng, bất chấp thực tế đã thả một khối lượng lớn thủy lôi, bộ chỉ huy Israel không thể đảm bảo phòng thủ chống mìn cho lực lượng của mình.

Một điểm đặc trưng của chiến tranh trên biển trong cuộc chiến Ả Rập-Israel năm 1973 là việc [238] so với các cuộc chiến tranh ở các khu vực khác, tại đây tên lửa chống hạm được sử dụng rộng rãi nhất. Trong quá trình chiến đấu, các bên tham chiến đã mất 30 tàu chiến, trong đó 50% bị đánh chìm do trúng tên lửa chống hạm.

Chủ động trong các hoạt động chiến đấu trên biển thuộc về hạm đội của Hải quân Israel, hạm đội Ả Rập chủ yếu là chiến đấu phòng thủ. Tại Biển Đỏ, cả hai bên đều tỏ ra thụ động.

Hải quân Israel thường tổ chức tấn công bờ biển của Syria và Ai Cập, trong quá trình đó thường có các cuộc tao ngộ chiến của các lực lượng nhẹ. Trời tối, kết hợp với ngụy trang và tác chiến điện tử góp phần tạo được thời điểm bất ngờ. Các tàu cao tốc mang tên lửa có xu hướng chiếm lĩnh vị trí hỏa lực trong thời gian ngắn nhất và ở tốc độ tối đa. Đã diễn ra một cuộc chạy đua mạnh mẽ giành quyền bắn loạt đầu tiên. Các đòn tấn công tên lửa từ các tầm bắn hiệu quả nhất (50 - 70% tầm bắn tối đa), từ một hoặc nhiều hướng. Trong quá trình trận đánh, các loạt phóng tên lửa được lặp lại, trong một số trường hợp, người ta sử dụng pháo hạm. Mối quan tâm đặc biệt là tổ chức hợp đồng chiến thuật giữa các tàu cao tốc mang tên lửa của nhóm xung kích với các lực lượng hỗ trợ đảm bảo, phân công mục tiêu rõ ràng, đặc biệt là vào ban đêm và khi có nhiều mục tiêu trong cùng khu vực.

HẾT CHƯƠNG 6
........
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Tám, 2013, 06:28:51 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #41 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2013, 01:35:05 pm »

(tiếp)

Chương 7

"Sheffield" yêu cầu giúp đỡ


<a href="http://www.youtube.com/watch?v=IUZu8bvxJs4" target="_blank">http://www.youtube.com/watch?v=IUZu8bvxJs4</a>

Quần đảo Falkland (Malvinas) là một quần đảo, trong đó có hai đảo lớn - Đông Falkland (Soledad) và Tây Falkland (Malvinas Grand), và 200 đảo nhỏ và đá nổi ở phía tây nam Đại Tây Dương, cách bờ biển Argentina khoảng 500 km và cách nước Anh 12 triệu km.

Năm 1833, người Anh chiếm lĩnh quần đảo này, và kể từ đó Falklands trở thành lãnh thổ tranh chấp giữa Anh và Argentina. Cả hai bên đều chứng minh mình là người đầu tiên mở mang quần đảo, tạo cơ sở cho chủ quyền của mình với quần đảo. Ở Anh, họ khẳng định G.Davids đã phát hiện quần đảo vào năm 1592, năm 1690, thuyền trưởng người Anh G.Strong đã ghé thăm địa điểm này, phát hiện ra eo biển ngăn cách hai hòn đảo lớn nhất, và lấy tên Lord Falkland của mình đặt cho nó. Sau đó, tên gọi trên được người Anh gắn cho toàn bộ quần đảo. [242]

Ở Argentina, người ta cũng cho rằng quần đảo được khai mở từ trước đó khá lâu bởi người Tây Ban Nha E.Gomes (1520), vì vậy người thừa kế hợp pháp của đế chế thực dân Tây Ban Nha ở Nam Mỹ là Argentina, vậy thì các hòn đảo bị người Anh chiếm đóng phải được chuyển sang cho Argentina. Trong một thời gian dài như vậy, tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước có phần mờ nhạt, sau đó lại bùng lên một lần nữa. Vấn đề chủ quyền quần đảo đã được thảo luận tại một số phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, tại đó người ta kêu gọi chính phủ của các quốc gia liên quan hãy bắt đầu đàm phán về một giải pháp hòa bình cho vấn đề trên.


Bản đồ quần đảo Malvinas (Falklands)

Tuy nhiên, vào giữa thập niên 70. tình hình đã thay đổi đáng kể bởi vì người ta phát hiện thềm lục địa của quần đảo Falkland chứa cực nhiều dầu mỏ. Một số chuyên gia nước ngoài nói rằng trữ lượng dầu Falklands cao hơn so với trữ lượng dầu Biển Bắc 13 lần. Ngoài ra, hòn đảo này chiếm một vị trí chiến lược quan trọng, nằm gần những tuyến hàng hải dẫn từ Đại Tây Dương vào Thái Bình Dương. Giữa thế kỷ XIX, thống đốc Anh Moody viết: "vị trí địa lý của quần đảo là rất thuận tiện ... những lợi ích mà nó có thể cung cấp cho giao thương hàng hải ở vùng biển này luôn luôn gây ấn tượng sâu sắc cho những người quan tâm đến điều đó". Ngày hôm nay, các chiến lược gia của Mỹ và Vương quốc Anh tin rằng để đạt mục đích trên sẽ là rất lợi thế khi xây dựng một căn cứ quân sự trên quần đảo Falkland, đó sẽ là trung tâm sức mạnh quân sự ở Nam Đại Tây Dương, ví dụ như căn cứ tiền tiêu của Mỹ ở Diego Garcia trên Ấn Độ Dương. Vì vấn đề này, nước Anh đã mạnh mẽ tăng cường các hoạt động củng cố quyền sở hữu quần đảo. Trong các cuộc đàm phán ngoại giao, họ đặt cao các yêu cầu đến mức rõ ràng Argentina không thể chấp nhận vì nó vi phạm quyền lợi của nước này. Quá trình tiếp theo của các sự kiện cho thấy chính phủ của đảng Tory có ý định tiến hành các cuộc đàm phán về [243] quần đảo Falkland chỉ từ quan điểm sức mạnh.

Mỹ đóng vai trò không kém phần quan trọng trong việc làm gay gắt tình hình xung đột, dù ban đầu Mỹ cố gắng đảm nhận vai trò trung gian hòa giải các tranh chấp, đồng thời tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực, và sau đó, họ khai mào cấm vận cùng các thành viên khối NATO, tạo điều kiện bùng nổ của "cuộc chiến tranh nhỏ".

Ngày 19 tháng 3 năm 1982 vài chục công nhân Argentina của một công ty chế biến sắt vụn đến đảo Nam Georgia để tháo dỡ một trạm đánh bắt cá voi cũ. Theo các thỏa thuận năm 1971, họ được sự cấp phép nhập cảnh từ Đại sứ quán Anh tại Buenos Aires. Tuy nhiên, nhà chức trách tại Nam Georgia từ chối công nhận quyền của người lao động Argentina được ở trên đảo. Tình hình còn tệ hơn bởi chuyện người Argentina đã kéo lên trên đảo lá cờ quốc gia của mình. Thực tế này được London coi như một "thách thức", "sự hiện diện bất hợp pháp", đại diện cho một mối nguy hiểm tiềm tàng và đòi hỏi phải có các "biện pháp an ninh."


ARA Veinticinco de Mayo (V-2) - tàu sân bay của Argentina, vốn là tàu sân bay của Anh chế tạo, từng phục vụ trong Hải quân Anh (HMS Venerable (R63)) và Hải quân Hoàng gia Hà Lan (HNLMS Karel Doorman (R81)) trước khi được Hà Lan bán cho Argentina năm 1968. Ảnh chụp quãng 1978-1980.

Ngày 30 tháng 3, lực lượng hải quân Argentina đã được phái tới khu vực quần đảo Falkland, bao gồm một tàu sân bay, 1 tàu tuần dương, 2 tàu khu trục mang tên lửa có điều khiển, 1 frigate mang tên lửa có điều khiển và một tàu ngầm, một chi đội đổ bộ gồm ba tàu đổ bộ và ba tàu vận tải chở lính thủy quân lục chiến trên tàu. Ngày 02 tháng 4 tại Đông Falkland họ đã đổ bộ đường biển (750 người) và đổ bộ đường không (500 người). Sau một trận đánh kéo dài 3 giờ, các đơn vị đồn trú Anh đầu hàng. Cùng ngày, Chính phủ Anh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Argentina, và 3 ngày sau đó phái đến bờ biển quần đảo một nhóm lực lượng lớn của Hải quân Anh nhằm khôi phục lại tình trạng thuộc địa của lãnh thổ này. Ngược lại, phía Argentina cũng bắt đầu tăng cường lực lượng trong khu vực, để không [244] cho phép đối phương chiếm quần đảo. Vậy là giữa Argentina và Vương quốc Anh đã ở trong tình trạng đối đầu quân sự. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong bị vong lục số 502 ngày 03 tháng 4 năm 1982 kêu gọi cả hai bên để chấm dứt tình trạng chiến tranh, rút quân khỏi quần đảo Argentina và bắt đầu đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, cả hai bên không chấp nhận lời kêu gọi này.

Như vậy, nguyên nhân của cuộc xung đột là những tranh chấp lãnh thổ giữa một cường quốc đế quốc hàng đầu, một thành viên của khối quân sự NATO là nước Anh, một bên là một đất nước đang phát triển tư bản chủ nghĩa, một thành viên của Tổ chức các nước châu Mỹ, nước Argentina - mặt khác là cả sự miễn cưỡng của chính phủ Tory trong việc từ bỏ chính sách thuộc địa của nó {23}

Mặc dù thời gian của cuộc chiến tranh tương đối ngắn (74 ngày), quy mô và mục đích hạn chế, nước Anh đã đưa vào tham chiến các đơn vị cơ sở, các phân đội và đơn vị hợp thành của tất cả các quân binh chủng lực lượng vũ trang cùng sự huy động các con tàu của các công ty tư nhân. Tuy nhiên, Hải quân Hoàng gia đóng vai trò chính, họ giải quyết một loạt các nhiệm vụ: phong tỏa đường biển và đường không quần đảo Falkland, tiêu diệt các tàu chiến và tàu vận tải của đối phương, yểm trợ các đơn vị hợp thành tác chiến thủy bộ khi di chuyển trên biển, đổ bộ đường biển, hỗ trợ hỏa lực trong các cuộc đổ bộ quân đội lên đảo và khi thực hành chiến đấu trên bờ, bảo vệ các tuyến hàng hải trên đại dương trước lực lượng trên không và trên mặt nước của đối phương.

Tổng cộng tham gia trong các hoạt động chiến tranh từ cả hai phía có 60.000 quân nhân, hơn 180 tàu chiến, 350 máy bay chiến đấu cánh cố định và trực thăng. [245]



Xung đột quân sự giữa Argentina và Anh bắt đầu vào giữa tháng 3 năm 1982 sau khi nhóm công nhân Argentina đổ bộ xuống đảo Nam Georgia và kéo lá cờ quốc gia Argentina trên đảo.

Vào đầu tháng Tư, các lực lượng vũ trang Argentina thực hiện "Chiến dịch Rosario" chiếm quần đảo Falkland. Đầu tiên biệt kích-người nhái Argentina trên những chiếc thuyền cao su đổ bộ lên Cape Pembroke (Đông Falkland), chiếm ngọn hải đăng ở lối vào cảng Stanley, theo sau là 300 lính thủy quân lục chiến đổ bộ từ tàu đổ bộ "Cabo San Antonio". Phần thứ hai của lực lượng đổ bộ quân số 450 người đã đổ bộ trực tiếp vào cảng Stanley.

Gần như đồng thời với việc đổ bộ lính thủy đánh bộ, quân đổ bộ đường không được ném xuống sân bay Port Stanley (500 người), họ được 6 máy bay "Hercules" chở đến khu vực từ căn cứ không quân Commodore Rivadavia và Rio-Gallegos.

Sau một cuộc giao tranh 3 giờ đồng hồ, đội quân Anh đồn trú khoảng 80 người hạ vũ khí, và sau đó họ được chuyển vượt biển tới Uruguay.


Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh giao nộp vũ khí, đầu hàng quân commandos Argentina ngày 2 tháng 4 năm 1982. Bắt đầu cuộc chiến tranh Malvinas.

Các diễn biến phát triển tiếp như sau. Sau khi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Argentina, từ ngày 05 Tháng 4 lực lượng viễn chinh Anh bắt đầu triển khai đến Nam Đại Tây Dương. Từ 5 tháng 4 - 15 Tháng 6, người Anh đã triển khai trong khu chiến gần 100 tàu chiến các loại, trên đó chở khoảng 9.000 quân đổ bộ, 70 máy bay cất hạ cánh thẳng đứng, và hơn 80 trực thăng.

Tới ngày 30 tháng 4, quân số các đơn vị đồn trú Argentina trên quần đảo Falkland đã lên đến 11 nghìn người.

Cùng với việc các tàu chiến của quân viễn chinh Anh tiếp cận quần đảo Falkland, cuộc phong tỏa đường không và đường biển quần đảo bắt đầu. Không có các nỗ lực nghiêm túc từ phía Argentina để chọc thủng sự phong tỏa trên [246]. Sau vụ chìm tuần dương hạm Argentina "General Belgrano" (2 tháng 5), quyền chủ động trên biển đã hoàn toàn chuyển sang người Anh. {24} Trước hết sự thụ động của Hải quân Argentina đã cho phép người Anh dễ dàng đạt được sự cách ly hoàn toàn quần đảo Falkland. Trong tiến trình chiến sự, mối đe dọa thực sự cho lực lượng viễn chinh Anh duy nhất chỉ là lực lượng không quân Argentina, thường xuyên tấn công các tàu chiến và tàu hỗ trợ của đối phương. Ngày 25 tháng 4, sau khi đổ bộ chiến thuật lên đảo Nam Georgia, người Anh chiếm được đảo và tạo ra tại đây một căn cứ tiền đồn.


Chiến dịch "Rosario" của quân đội Argentina chiếm quần đảo Malvinas

Ngày 21 tháng 5 lúc 2:00 giờ sáng giờ địa phương, tại một khu vực không được bảo vệ ở San Carlos Bay thủy quân lục chiến Anh đã đổ bộ. Ngày hôm sau tại đầu cầu chiếm được. thê đội 2 quân đội Anh được đổ bộ cùng với vũ khí pháo binh và tên lửa, vũ khí chống tăng và xe tăng hạng nhẹ "Scorpion". Cuộc đổ bộ thê đội thứ ba quân đội Anh được thực hiện trong quá trình cuộc chiến giành đảo, tại đây quyền chủ động cũng thuộc về người Anh. Bộ chỉ huy Argentina không tiến hành các hoạt động tấn công, hạn chế ở công tác phòng thủ và hy vọng sẽ giành chiến thắng trong trận chiến quyết định giành Port-Stanley.

Ngày 02 Tháng 6 quân đội và hạm đội Anh đã hoàn toàn phong tỏa các đơn vị đồn trú Argentina trong [247] khu vực Port-Stanley và bắt đầu chuẩn bị đánh chiếm nó. Các cuộc tấn công quyết định vào Port Stanley được tiến hành ngày 12 tháng 6, với sự hỗ trợ của không quân và pháo hạm. Trong hoàn cảnh phức tạp này, ngày 14 tháng 6 các đơn vị đồn trú Argentina đã phải đầu hàng.


Hạm đội Anh vượt đại dương


Sự triển khai lực lượng viễn chinh Anh tại Nam Đại Tây Dương

Kế hoạch hành động của lực lượng viễn chinh Anh ở Nam Đại Tây Dương, dựa trên sự việc thực tế là thiếu các căn cứ gần quần đảo Falkland. Do đó, bộ chỉ huy Anh lập kế hoạch ban đầu đánh chiếm đảo Nam Georgia, xây dựng trên đảo một căn cứ tiền tiêu, thiết lập sự phong tỏa đường biển và đường không quần đảo Falkland, bằng các cuộc không kích và pháo kích sẽ bắn phá làm suy yếu khả năng phòng thủ và làm mất tinh thần các đơn vị đồn trú Argentina, tiếp theo là đổ bộ quân đội lên quần đảo để đánh chiếm nó.

Nỗ lực tạo ra một ưu thế áp đảo về lực lượng và trang bị, người Anh gửi đến Nam Đại Tây Dương một nửa số tàu sẵn sàng chiến đấu trong tổng số các tàu thuộc lực lượng hải quân của họ. Về tổ chức chúng tập hợp trong đơn vị đặc nhiệm số 317, thành phần của đơn vị hợp thành này khá cân bằng. Đơn vị chia thành các nhóm tàu sân bay 317.8 và 317.9. Chỉ huy binh đoàn là tư lệnh phân hạm tàu mặt nước số 1, Chuẩn Đô đốc D. Woodward (trước đây ông chỉ huy các tàu ngầm, tàu khu trục mang tên lửa có điều khiển "Sheffield", từng là trưởng phòng tác chiến Bộ tham mưu Hải quân Anh).


Tàu sân bay Anh - HMS "Hermes" (R12), ngày 16 tháng 3 năm 1982. Năm 1986 được bán cho Ấn Độ và chuyển thành tàu sân bay INS Viraat (R22), hiện còn hoạt động.

Trong đơn vị đặc nhiệm 317 có 2 tàu sân bay, 11 tàu khu trục (trong số đó có 8 khu trục hạm mang tên lửa có điều khiển kiểu "Sheffield"), 27 frigate, 3 tàu ngầm nguyên tử và 1 tàu ngầm diesel, 2 tàu dok-đổ bộ chở trực thăng, 6 tàu đổ bộ chở xe tăng, hai tàu quét mìn và các loại tàu khác. Binh đoàn bao gồm các tàu hiện đại nhất mà mới đưa vào biên chế gần đây, hoặc được hiện đại hóa trong thập kỷ vừa qua. Trên một số tàu [248] còn có vũ khí hạt nhân, sẵn sàng để sử dụng ngay lập tức.

Để đảm bảo và tăng cường tàu cho lực lượng đặc nhiệm chính phủ đã thuê 70 tàu thủy dân sự các loại khác nhau.


HMS "Invincible" (R-05), tại Mỹ năm 1990

Hạt nhân của lực lượng đặc nhiệm là các tàu sân bay chống tàu ngầm "Hermes" và "Invincible", cùng với các tàu hộ tống tạo thành nhóm xung kích tàu sân bay. Tùy thuộc vào các nhiệm vụ phải giải quyết, bộ chỉ huy Anh đã thành lập các nhóm đặc nhiệm cho các mục đích khác nhau: tàu hỗ trợ, yểm hộ quân đổ bộ, lực lượng quét-thả mìn, lực lượng tác chiến thủy bộ, bổ sung dự trữ trên biển (hậu cần nổi) và đảm bảo hậu cần. Đội hình chiến đấu và hành quân, tổ chức tất cả các dạng phòng thủ tuân thủ các tiêu chuẩn trong bộ tiêu chuẩn chung của lực lượng hải quân NATO. Thường xuyên trong thành phần nhóm hộ tống các tàu sân bay có một tàu ngầm hạt nhân đa năng.
........
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Tám, 2013, 12:41:05 am gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #42 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2013, 11:03:50 am »

(tiếp)

Tàu các loại của Argentina và Vương quốc Anh, tham gia trong các hoạt động chiến đấu


Để lãnh đạo chung nhóm quân đội và lực lượng hạm đội đã thành lập một bộ tham mưu đặc biệt đứng đầu là Tư lệnh Hải quân Anh đô đốc G.Fildhaus. Trong bộ tham mưu có Tư lệnh Không quân Anh nguyên soái không quân G.Curtis, tham mưu trưởng hải quân phó đô đốc D.Halifaxs, tư lệnh lực lượng tàu ngầm phó đô đốc P.Herbet, tư lệnh thủy quân lục chiến thiếu tướng J.Мoore, Tổng cục trưởng Tổng cục Đảm bảo vật chất-kỹ thuật Hải quân Anh chuẩn đô đốc P.Hammersly. Đồng thời bộ tham mưu là cơ quan tư vấn cho chính phủ về các vấn đề quân sự của cuộc xung đột. Bộ tham mưu đóng tại Norwood gần London. Lãnh đạo trực tiếp các lực lượng trong khu vực xung đột là tư lệnh đơn vị đặc nhiệm 317 chuẩn đô đốc D.Woodward.

Để đảm bảo thông tin liên lạc cho bộ tham mưu làm công tác lãnh đạo chỉ huy từ trên kỳ hạm «Hеrmes» người ta đưa lên quỹ đạo địa tĩnh vệ tinh nhân tạo của Anh «Gefiller». Việc chỉ huy các lực lượng đảm bảo cũng thông qua các vệ tinh nhân tạo Hoa Kỳ và hệ thống liên lạc quân sự duyên hải phía đông của Canada, mà các đồng minh NATO giúp bộ chỉ huy Anh trong thời gian xung đột.


Tàu "Atlantic Conveyor" sau khi cải tạo. Sau bức tường chắn là boong bay.

Ta có thể nhận thấy tính hiệu quả cao trong việc triển khai các lực lượng viễn chinh Anh. Chẳng hạn, lực lượng thê đội thứ nhất  rời các căn cứ hải quân ở chính quốc ngày 05 tháng 4, nghĩa là 3 ngày sau khi chính phủ quyết định phái chúng đến Nam Đại Tây Dương, với nhiều tàu thuyền được bổ sung hậu cần-trang bị chỉ mới ở mức 80%. Cung cấp bổ sung cho các lực lượng này được thực hiện qua việc ghé vào căn cứ trung gian, nằm trên đảo Ascension. Dự trữ hàng hóa cần thiết được máy bay  vận tải quân sự chuyển tới đảo Ascension trước khi các lực lượng thê đội 1 đến đảo. Tất cả các tàu, thuyền đều ghé vào căn cứ trên để tiếp tế bổ sung dự trữ các loại, sửa chữa phần trang bị vật chất và cho đội ngũ quân nhân nghỉ ngơi. [250]

Việc triển khai được thực hiện theo ba thê đội. Một số tàu thuyền đã tự thân di chuyển. Trong thời gian này, trên các con tàu đã tổ chức huấn luyện chiến đấu rất khẩn trương. Trong giai đoạn triển khai Hải quân Argentina không hề có biện pháp đối phó nào.

Thê đội đầu tiên (25 tàu chiến và 16 tàu hỗ trợ) bao gồm các lực lượng đang sẵn sàng chiến đấu vào thời điểm đó, chúng đang tập trung ở các căn cứ đô thị, tại Gibraltar, cũng như đang huấn luyện quân sự ở khu vực quần đảo Bahamas. Nền tảng của thê đội 2 là các tàu sân bay chống ngầm "Hermes" và "Invincible", trên boong của chúng có 20 máy bay cất-hạ cánh thẳng đứng "Sea Harrier". Trên các tàu vận tải có các đơn vị Thủy quân lục chiến mà quân số lên đến 3.500 người. Thời gian triển khai của thê đội thứ nhất là 27 ngày đêm.


Sự gia tăng lực lượng quân viễn chinh Anh ở Nam Đại Tây Dương

Thê đội thứ hai gồm 14 tàu chiến và 9 tàu phụ trợ​​. Trên 9 tàu đó có 1.500 quân đổ bộ. Trên tàu container "Atlantic Conveyor" người ta chuyên chở đến vùng chiến sự 20 máy bay "Harrier" và "Sea Harrier". Việc triển khai thê đội thứ hai chiếm mất 28 ngày (từ 18 tháng 4 - 15 tháng 5).

Trong thê đội thứ ba có 7 tàu chiến và 11 tàu hỗ trợ. Có đến 20 máy bay "Harrier" và "Sea Harrier" đặt căn cứ trên tàu container đã được trang bị lại "Atlantic Causeway". Trên các tàu hỗ trợ người ta chuyển tới ba ngàn người thuộc biên chế một lữ đoàn bộ binh cơ giới. Thê đội thứ ba di chuyển mất tất cả 35 ngày (từ 10 Tháng 5 - 15 tháng 6).

Đồng thời, người Anh di chuyển căn cứ một cụm không quân lớn sang căn cứ không quân Mỹ nằm trên đảo Ascension, còn một phi đoàn máy bay cất hạ cánh thẳng đứng cùng với một số máy bay tiếp dầu trên không thực hiện các chuyến bay từ quần đảo Anh quốc đến Nam [251] Đại Tây Dương (với điểm dừng chân trên đảo Ascension). Việc tiếp nhiên liệu trên không do các máy bay Mỹ KC-135 thực hiện.

Nhìn chung, việc triển khai các lực lượng viễn chinh Anh đã được tiến hành có tổ chức và diễn ra với tốc độ trung bình khá cao (khoảng 15 hải lý). Với chiều dài của tuyến hành trình 7100 dặm [252], thời gian di chuyển của một thê đội dao động từ 27-35 ngày (12-14 ngày - đi đến đảo Ascension, 3 - 4 ngày - bổ sung dự trữ vật chất và nghỉ ngơi cho đội ngũ quân nhân viên tại hòn đảo này, 10 - 12 ngày - di chuyển từ đảo Ascension đến quần đảo Falkland).

Như vậy, Vương quốc Anh đã chứng minh khả năng trong một thời gian ngắn xây dựng và triển khai đến một khu vực hẻo lánh một cụm lớn các lực lượng vũ trang của mình, được trang bị các loại vũ khí hiện đại nhất. Tổng cộng để tiến hành các hoạt động chiến đấu ở Nam Đại Tây Dương, Vương quốc Anh, trong khi tăng cường lực lượng một cách nhất quán và trực quan, đã có thể triển khai trong 2 tháng rưỡi đến 100 tàu các loại, trên đó chở 9 nghìn quân đổ bộ, 50 máy bay cất hạ cánh thẳng đứng, trên 80 trực thăng.

Trong giai đoạn triển khai lực lượng, chính phủ Anh đã thực hiện một loạt biện pháp chính trị đối với Argentina. Họ thành công trong việc lôi kéo về phía mình phần lớn các đồng minh NATO và EEC. Đã ban bố lệnh cấm vận các sản phẩm quân sự cho Argentina, cấm xuất khẩu từ Argentina đến các nước EEC. Chỉ riêng hành động sau cũng gây tổn hại cho Argentina số tiền 40 triệu USD trong một tuần.


"Sea Harrier" cất cánh từ "Atlantic Conveyor"

Chính phủ Argentina, nhìn thấy công tác chuẩn bị chiến tranh thực tế của người Anh, đã tiến hành tổng động viên một phần, bố trí lại các đơn vị lục quân và không quân độc lập ở phía nam của đất nước, cũng như tăng quân đồn trú trên quần đảo Falkland. Bằng đường hàng không và đường biển họ đã chuyển giao đến các đảo khoảng 11 nghìn người, 17 xe tăng hạng nhẹ AMX-13, 77 xe bọc thép, gần 70 khẩu pháo và súng cối, các hệ thống phòng không "Roland" và "Tigercat", pháo PK 20 mm và 35 mm và các đài radar. Ngoài ra, quần đảo Falkland còn được cung cấp đủ dự trữ vật chất, cho phép nó chiến đấu trong sự cô lập hoàn toàn khoảng một tháng rưỡi. [253]

Để đấu tranh chống lại những kẻ thù trên biển, người Argentina đã xây dựng 2 nhóm tàu chiến (16 chiếc, bao gồm tàu sân bay "Veintiicinco de Mayo" và tàu tuần dương "General Belgrano") để tuần tra chiến đấu dọc theo bờ biển lục địa của đất nước. Tổng cộng, tham gia chiến đấu chỉ có 25 tàu chiến, ít hơn 30% biên chế chiến đấu của Hải quân. [254]

Trên các hướng có nguy cơ đổ bộ đã thiết lập các bãi mìn neo tiếp xúc sản xuất tại Đức (thời Chiến tranh Thế giới thứ Hai). Tuy nhiên, các khu vực bố trí của chúng được lựa chọn không hoàn toàn đúng đắn, và số lượng mìn cũng còn nhỏ.

Lãnh đạo chung các hoạt động chiến đấu của quân đội Argentina do Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Argentina thực hiện, đứng đầu là tổng thống nước này, tướng L.Galtieri. Để trực tiếp chỉ huy các lực lượng, từ ngày 10 đã có thêm hai bộ chỉ huy hải quân bổ sung - trong khu vực Nam Đại Tây Dương, có ban tham mưu đóng tại Puerto Belgrano và chiến trường phía Nam, có ban tham mưu tại Commodore Rivadavia. Đã thiết lập ranh giới của không gian chiến trường phía Nam. Chỉ huy quân đội tại quần đảo Falkland, được tuyên bố là tỉnh thứ 24 của Argentina, được giao cho tướng M.Menendes (ông cũng là Thống đốc quần đảo Falkland).


Hoạt động của các lực lượng thuộc các nhóm tàu sân bay xung kích trong cuộc xung đột Anh - Argentina

Nhìn chung, hoạt động của bộ chỉ huy Argentina không đủ kiên quết và có tổ chức, điều này không cho phép tạo được sự phòng thủ chắc chắn cho quần đảo Falkland.

Đối diện với đơn vị đặc nhiệm hùng mạnh của nước Anh, Argentina chỉ có thể phản ứng bằng lực lượng Hải quân tụt hậu khá xa của mình, cốt lõi của nó là tàu sân bay hạng nhẹ "Veinticinko de Mayo" vốn do Anh đóng, có lượng dẫn nước toàn bộ 19.896 tấn, và tàu tuần dương cũ do Mỹ đóng "General Belgrano" lượng dẫn nước 10.300 tấn. Chỉ có hai tàu khu trục mang tên lửa có điều khiển đề án 42 của Anh "Hercules" và "Santísima Trinidad" xét về đặc điểm kỹ-chiến thuật có thể so sánh với các tàu của Anh. Để tiếp nhiên liệu cho tàu trên biển, họ chỉ chuẩn bị được một tàu chở dầu - "Punta Medanos".

Hạn chế lớn nhất của Hải quân Argentina - tính chất phân tán của các dạng tàu và các hệ thống vũ khí, được mua tại Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Israel và các nước khác. Tàu có khả năng [255] chống tàu ngầm thấp. Do thiếu cơ sở đào tạo mức độ huấn luyện của đội ngũ quân nhân cũng thấp.

Đơn vị đặc nhiệm Anh vượt trội so với Hải quân Argentina về số lượng thiết bị phóng tên lửa chống hạm gấp 1,5 lần, còn tính theo số lượng bệ phóng tên lửa phòng không - gấp 7 lần.

Người Anh có ưu thế áp đảo về cơ cấu tàu chiến trong khu vực xung đột, bởi vì vụ đánh chìm tàu tuần dương "General Belgrano" trong những ngày đầu của cuộc xung đột và mối đe dọa thường xuyên thể hiện của tàu ngầm hạt nhân Anh đã dẫn Hải quân Argentina đến sự bế tắc hoàn toàn, tàu Argentina hầu như không ra khỏi giới hạn lãnh hải của họ.


Máy bay Super Etendard của Hải quân Argentina (có sơn ký hiệu ghi nhận chiến tích tiêu diệt tàu Atlantic Conveyor của Anh).

Vào đầu cuộc xung đột ưu thế về lực lượng không quân nằm về phía Argentina. Trong LLKQ của họ có 450 phương tiện bay (278 máy bay chiến đấu, trong đó 90% sẵn sàng chiến đấu). Thực tế người Anh phải đối phó với không hơn 200 máy bay chiến đấu: 6 máy bay cường kích "Super Étendard", 21 máy bay tiêm kích "Mirage" 3E và 23 máy bay "Dagger" 34M, 75 cường kích "Skyhawk" A-4P, 10 máy bay trinh sát "Canberra" B-62, 14 máy bay "Skyhawk» A-4Q trong thành phần hải quân (trên tàu sân bay).

Lực lượng không quân Argentina được trang bị chủ yếu loại bom lỗi thời Mk 82 và Mk 84, tên  có điều khiển R.550 "Magique" và R.530 "Matra" và một số lượng nhỏ bom Mỹ loại hiện đại Mk 83. Hầu hết các máy bay có thiết bị điện tử đã lạc hậu, điều đó hạn chế rất nhiều hoạt động của chúng trong điều kiện thời tiết bất lợi.

Người Anh chỉ có thể đối phó bằng 20 máy bay "Sea Harrier", nằm trên tàu sân bay chống tàu ngầm "Hermes" (12 chiếc) và "Invincible" (8 chiếc). Tuy nhiên, lợi thế của KQ Argentina đã nhanh chóng giảm về không. Các tàu chở container được trang bị lại [256] thành tàu sân bay đã chuyển đến khu vực xung đột 30 máy bay "Harrier" và "Sea Harrier" và 1 phi đoàn máy bay cùng loại với một số máy bay tiếp nhiên liệu trên không đã thực hiện chuyến bay từ quần đảo Anh quốc đến Nam Đại Tây Dương. Ngoài ra, chính phủ Mỹ cho phép các máy bay của Không quân Anh hạ cánh và tiếp dầu tại căn cứ không quân Mỹ nằm trên đảo Ascension. Xuất phát hoạt động từ căn cứ có các máy bay ném bom chiến lược "Vulcan" của Anh (10 chiếc), máy bay tuần biển "Nimrod» MR-2 (5 chiếc), máy bay tiếp dầu "Victor" (15 chiếc), máy bay trinh sát "Canberra", vào giữa tháng Năm còn có thêm 14 chiếc "Sea Harrier" gia nhập lực lượng này.


Các sân bay Argentina năm 1982

Hơn 80 máy bay trực thăng thuộc tám loại ("Lynx", "Wessex", "Sea King", "War Sea", "Chinook", "Gazelle", "Commando" và "Scout") đóng căn cứ trên các tàu của lực lượng đặc nhiệm.

Ảnh hưởng tới quá trình đấu tranh giành quyền kiểm soát trên không là những dự tính sai lầm của bộ chỉ huy Argentina trong việc sử dụng KQ và trình độ huấn luyện chưa đủ cao của các phi công Argentina. Ngay cả khi mọi việc đã chứng tỏ rõ ràng rằng nước Anh có ý định giải quyết xung đột bằng biện pháp quân sự, bộ chỉ huy Argentina cũng không thực hiện bất kỳ biện pháp để kéo dài các đường băng trên các đảo và xây dựng nơi trú ẩn cho máy bay. Ba đường băng có sẵn trên quần đảo Falklands không đảm bảo cho việc cất hạ cánh của các loại máy bay hiện đại, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết bất lợi (Port-Stanley - chiều dài đường băng bê tông 1.200m, Goose-Green và đảo Pebble - đường băng đất nện). Do đó, các phi công Argentina buộc phải cất cánh từ các sân bay trên lục địa và hoạt động trên giới hạn của bán kính chiến thuật, do vậy máy bay cất cánh với những hạn chế về tải trọng chiến đấu và chỉ có thể hoạt động trong khu vực xung đột trong vòng vài phút. Chính bởi nguyên nhân trên, [258] Không quân Argentina gần như chỉ có thể thực hiện 1 cuộc tấn công lớn trong vòng 3 ngày. Ngoài ra, các phi công Argentina  không thể xuất kích tấn công lặp lại và bị hạn chế trong việc tự mình tìm kiếm mục tiêu cho riêng mình, đó là lý do tại sao hầu hết các cuộc tấn công của không quân Argentina được thực hiện vào các mục tiêu trong các giới hạn trực quan hoặc trong tầm nhìn của radar từ quần đảo Falkland. Đến lượt mình, khi tính đến sự yếu kém đó của không quân Argentina, bộ chỉ huy Anh đã tìm cách giữ các tàu của mình trong khu vực phía đông quần đảo, còn việc chuyển quân từ các tàu dân sự sang các tàu đổ bộ (để ngăn ngừa tổn thất các đối tượng có giá trị) được thực hiện ngoài vòng bán kính chiến thuật của máy bay đối phương.


Các căn cứ KQ Argentina năm 1982

Máy bay Anh "Sea Harrier" được trang bị hai tên lửa "Sidewinder» AIM-9L, cho phép khai hỏa ngay vào các mục tiêu tao ngộ. Máy bay tiêm kích của Argentina trang bị bản sửa đổi lần đầu tên lửa "Sidewinder", mà các phi công Anh có thể tránh khá dễ dàng.

Bộ chỉ huy Argentina còn phạm sai lầm vì đã không cố gắng để đưa tàu sân bay của mình vào chiến đấu, từ đó có thể cất cánh xuất kích 14 máy bay cường kích "Skyhawk", 6 máy bay chống ngầm "Tracker" và 4 máy bay trực thăng. Các kíp bay máy bay cường kích "Super Étendard" chưa được huấn luyện để bay từ tàu sân bay.

Một trong những mặt yếu của không quân Argentina là trong biên chế của họ chỉ có 2 máy bay tiếp dầu "Hercules", do đó một phần máy bay chiến đấu được sử dụng như máy bay tiếp dầu. Chẳng hạn, máy bay tiêm kích chiến thuật "Mirage" treo hai thùng dầu chứa 1700 lít nhiên liệu, còn trên máy bay "Dagger" - hai thùng như vậy hoặc ba thùng 1300 lít, điều đó tất nhiên làm giảm tải trọng chiến đấu. Cụ thể trên một chiếc máy bay, [259] thường chỉ treo hai quả bom cỡ 500 £. Để đảm bảo tiếp nhiên liệu trên không cho các máy bay công kích, người ta sử dụng các máy bay chiến đấu chỉ treo thùng nhiên liệu mà không mang vũ khí, sau khi tiếp dầu chúng quay trở lại căn cứ không quân. Việc sử dụng các máy bay chiến đấu như máy bay tiếp dầu đã làm giảm số lượng các máy bay tấn công, cũng như gây trở ngại cho việc bổ sung nhanh chóng tổn thất máy bay trực tiếp công kích.

Một thực tế cũng không kém phần quan trọng là chưa chuẩn bị được các phi công Argentina chiến đấu ban đêm. Các phi công Anh có thể hoạt động thành công cả ngày lẫn đêm, còn tàu sân bay của họ triển khai trực tiếp trong khu chiến, cho phép các máy bay "Sea Harrier" và "Harrier" ở trên không trong khoảng 1,5 giờ, hoạt động ở cự ly cách tàu sân bay đến 150 km.


Sân bay Mỹ trên đảo Ascension. Đây là căn cứ được LLKQ Anh sử dụng làm điểm trung gian trên đường tới quần đảo Falkland.
..........
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Tám, 2013, 05:03:48 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #43 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2013, 07:58:32 pm »

(tiếp)

Nói chung, sau khi xây dựng cụm không quân, có quân số trang bị lên đến 200 máy bay và trực thăng, người Anh đã giành quyền kiểm soát không trung trước khi đổ bộ tấn công và duy trì nó cho đến khi chiếm được hoàn toàn quần đảo Falkland.

Tương quan tổng thể về các lực lượng mặt đất là 1:1,3 nghiêng về phía Argentina. Tuy nhiên, các vũ khí tốt nhất của lực lượng vũ trang Anh cân bằng được lợi thế nhỏ về quân số này. Người Anh được trang bị xe tăng hạng nhẹ "Scorpion" (30 chiếc), pháo 105 ly và súng cối 81 mm (khoảng 100 khẩu), hỏa tiễn chống tăng có điều khiển "Milan", hệ thống phòng không vác vai "Blow Pipe", tên lửa PK lục quân trên xe kéo "Rapier" và các xe bọc thép chở quân. Một ưu thế đặc biệt hữu ích là quân đội Anh có các thiết bị nhìn đêm, mà đối phương không có. Ngoài ra, sự hiểu biết chi tiết về các đặc tính kỹ-chiến thuật của các trang thiết bị thuộc lực lượng vũ trang Argentina, phương thức hoạt động và thủ đoạn chiến thuật của họ cũng đặt người Anh vào một vị trí thuận lợi. [260]

Khi đánh giá tương quan lực lượng các bên nói chung, cần chỉ ra một ưu thế đáng kể về chất lượng các loại vũ khí và trang bị của người Anh. Xem xét tất cả các yếu tố trên, cần thừa nhận rằng ưu thế về cả lực lượng và trang bị trong khu vực chiến đấu nằm ở phía người Anh.


Tàu ngầm phong tỏa Falkland



Khi lập kế hoạch tác chiến, bộ chỉ huy Anh coi việc cô lập quần đảo Falkland có một ý nghĩa lớn. Dự kiến chỉ bắt đầu chiến dịch đổ bộ sau khi thiết lập sự phong tỏa quần đảo cả về đường không lẫn đường biển.

Ngày 08 Tháng 4 năm 1982 chính phủ Anh thông báo rằng từ ngày 12 tháng 4, vùng nước trong vòng bán kính 200 dặm xung quanh quần đảo Falkland sẽ thuộc "khu vực chiến tranh" và mỗi con tàu bị phát hiện trong khu vực, sẽ bị quân đội Anh tấn công. Sau đó, khu vực này được mở rộng. Mỗi tàu Argentina, bị phát hiện ở khoảng cách hơn 12 hải lý tính từ bờ biển Argentina, cũng được coi như là kẻ thù với tất cả các hậu quả tiếp theo. Đáp lại, Argentina công bố khu vực phong tỏa 200 dặm. Hành động của cả hai bên không có cơ sở pháp lý và là một sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.


Nạn nhân của HMS "Conqueror": "General Belgrano". ARA General Belgrano (ARA 17 de Octubre), vốn là USS Phoenix (CL-46) tàu số 6 trong lớp Brooklyn-class light cruisers, được Mỹ bán cho Argentina năm 1951. Bị tàu ngầm nguyên tử Anh HMS Conqueror bắn chìm ngày 2 tháng 5 năm 1982 trong cuộc chiến tranh Malvinas bằng 3 trái ngư lôi đầu đạn thông thường 21 inch Mk 8 mod 4 (trúng đích 2 trái).

Trong thực tế, các hoạt động chiến đấu để phong tỏa trên biển và trên không đối với quần đảo Falklands bắt đầu vào ngày 30 tháng 4 với sự xuất hiện trong khu chiến các lực lượng của thê đội đầu tiên. Trước đó các tàu ngầm hạt nhân đa năng Anh đã trinh sát tình hình trong khu vực các đảo và thiết lập sự theo dõi các nhóm tàu của Hải quân Argentina.

Tính đặc thù cuộc phong tỏa của người Anh nằm ở chỗ việc phong tỏa diễn ra không phải chỉ với một căn cứ riêng biệt hoặc một phần bờ biển, mà với toàn bộ quần đảo. Với sự khởi đầu hoạt động phong tỏa những nỗ lực chủ yếu của người Anh [261] hướng vào việc phá hủy và ép tàu chiến và tàu dân sự đối phương ra khỏi "khu vực chiến tranh" đã tuyên bố. Những tổn thất lớn đầu tiên của cả hai bên nằm trong giai đoạn phong tỏa và phá phong tỏa. Chẳng hạn, vào đầu tháng 5 ba nhóm đặc nhiệm (79.1, 79.2 và 79.3) được phái đến khu vực quần đảo Falkland. Trong thành phần nhóm lực lượng đặc nhiệm Nam có tàu tuần dương "General Belgrano" và hai tàu hộ tống, tàu khu trục "Hipolito Bouchard" và tàu khu trục "Pedro Buena" trang bị tên lửa "Exocet". Nhóm này cần phải tấn công các lực lượng phong tỏa của Anh từ phía nam.


Phong tỏa quần đảo Falkland

Trên hướng trung tâm lãnh trách nhiệm tấn công là 3 corvett cũng được trang bị tên lửa "Exocet", còn phía bắc - tàu sân bay "Veinticinko de Mayo" được hộ tống bởi hai tàu khu trục. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết xấu, các nhóm hướng Bắc và hướng Trung tâm đã trở về căn cứ của họ, còn nhóm hướng Nam tiếp tục di chuyển về phía đông.

Lúc 23:00 giờ ngày 30 tháng 4 bằng phương tiện trinh sát thủy âm tàu ngầm hạt nhân đa năng "Kẻ chinh phục" (HMS "Conqueror") đã xác định được sự làm việc của sonar 2 tàu khu trục. Giả định rằng đó là các tàu hộ tống, người chỉ huy tàu ngầm giữ hướng tiếp cận. Trong thời gian ngày 1 tháng 5, ban đầu họ thiết lập được tiếp xúc thủy âm với tàu tuần dương "General Belgrano", sau đó là tiếp xúc bằng trực quan. Lúc 23:00 giờ ngày 1 tháng 5, tàu tuần dương và 2 tàu khu trục hộ tống tiến hành tiếp nhiên liệu và khi đó họ nằm trong khu vực tiếp xúc trực quan với tàu ngầm. Lúc 9:00 giờ sáng ngày 2 tháng 5 nhóm Nam cũng nhận được mệnh lệnh đi về căn cứ và tàu lấy hướng 270 °.

Đang ở trong phiên liên lạc 2 giờ, tàu ngầm liên tục thông báo về bộ chỉ huy tình hình trong khu vực. Tàu chiến Argentina chưa lần nào phát hiện được tàu ngầm Anh. Lúc 14:00 giờ lệnh tiêu diệt tàu tuần dương đã tới. Lúc 20:00 giờ tàu ngầm phóng loạt ba [262] đạn ngư lôi Mk 8. Tàu tuần dương trúng hai quả ngư lôi, một - trúng phần đuôi, trái thứ hai - trúng ngay giữa thân tàu, sau đó con tàu đã bị chìm. Trong số các thành viên trên tàu có 368 người thiệt mạng. {25}


Phân bố lực lượng hải quân trong các ngày 1–2 tháng 5 năm 1982 tại Nam Đại Tây Dương

Đây là trường hợp đầu tiên trong lịch sử một tàu mặt nước bị tàu ngầm hạt nhân bắn chìm. Đáng chú ý là việc dẫn đường tàu ngầm tiến đến các tàu Argentina nhóm phía Nam được thực hiện theo dữ liệu trinh sát từ vệ tinh không gian của Mỹ. Cuộc tấn công xảy ra bên ngoài giới hạn "vùng chiến tranh" 200 dặm mà người Anh tuyên bố, gần sát đảo Estados  (Staten Island) của Argentina.

Nỗ lực phá vỡ phong tỏa, các máy bay Argentina đã thực hiện một loạt cuộc tấn công tên lửa và bom vào lực lượng Anh phong tỏa quần đảo. Ngày 4 tháng 5, phi công Argentina phóng tên lửa đánh chìm tàu khu trục Anh "Sheffield". Sau tổn thất trên, người Anh bắt đầu giữ tàu thuyền của họ trong phần phía đông bắc khu vực bị phong toả - trên giới hạn bán kính tác chiến chiến thuật của không quân Argentina.


Sơ đồ cuộc tấn công HMS Sheffield của KQ Argentina

Từ phía các lực lượng Argentina không có những nỗ lực nghiêm túc để phá vỡ sự phong tỏa. Chẳng hạn, ngày 11 tháng 5, một tàu hàng Argentina không có tàu hộ tống đã cố gắng chuyên chở hàng hóa quân sự đến quần đảo Falkland, nhưng bị lực lượng quân đội Anh làm nhiệm vụ phong tỏa phát hiện và đánh chìm.

Để ngăn chặn việc chuyển quân và hàng hóa của Argentina bằng máy bay, không quân Anh đã thực hiện một số cuộc tấn công vào đường băng tại các sân bay Port-Darwin và Goose-Green. Máy bay [263] "Sea Harrier" đã phong tỏa không phận quần đảo.

Các hoạt động tích cực của lực lượng phong tỏa Anh đã buộc phía Argentina chấm dứt việc vận chuyển hàng hóa quân sự vào quần đảo Falkland. Trong quá trình phong tỏa của người Anh, ngoại trừ 1 tàu tuần dương, họ còn phá hủy một tàu tuần tra cao tốc, 1 tàu chở dầu, 1 tàu vận tải, làm hư hỏng 2 tàu vận tải và 1 tàu tuần tra cao tốc. Trong thời kỳ  bao vây, các tàu chiến Anh thường xuyên bắn phá các hòn đảo với mục đích vô hiệu hóa các sân bay, khám phá các hệ thống phòng thủ chống đổ bộ trên bờ biển, cũng như gây tác động tâm lý đối với đội ngũ quân nhân của đối phương. [264]


ARA San Luis (S-32) (type 209) tại căn cứ Puerto Belgrano. Trong chiến tranh Malvinas là tàu duy nhất biết cách chọc thủng sự phong tỏa của hải quân Anh.

Chỉ có một tàu ngầm trong số 4 tàu hiện có trong biên chế, là hoạt động chống lại các lực lượng viễn chinh Anh. Theo mệnh lệnh chiến đấu cho tàu ngầm "San Luis" có hướng dẫn, trong khi tuân thủ bí mật tối đa, phần lớn thời gian ở ngầm dưới mặt nước, tàu ngầm phải tấn công tàu địch trong khu vực phía bắc quần đảo Falkland. Trong thời gian ở trên biển, tàu ngầm "San Luis", trang bị ngư lôi điều khiển bằng dây dẫn SST4 Tây Đức, cũng như ngư lôi chống tàu ngầm Mk 37 của Mỹ, đã tiến hành ba cuộc tấn công.

Cuộc tấn công đầu tiên diễn ra vào ngày 01 tháng 5 theo số liệu sonar. Có tiếp xúc thủy âm đáng tin cậy, người chỉ huy tàu ngầm từ cự ly 10 nghìn m đã dùng ngư lôi SST4 tấn công một tàu chiến Anh. Tuy nhiên, sau khi ra khỏi ống phóng ngư lôi bị mất liên lạc. Cuộc tấn công thất bại.

Các tàu Anh phát hiện ra tàu ngầm và truy đuổi nó trong vòng 20 giờ, áp dụng vũ khí chống tàu ngầm. Khéo léo sử dụng các phương tiện đối phó thủy âm, tàu ngầm Argentina đã cắt được cuộc truy kích.

Khoảng 19 giờ ngày 08 tháng 5, sonar tàu ngầm lại phát hiện mục tiêu mới. Và dù tàu ngầm đang ở cự ly 2.800 m với tốc độ 5-8 hải lý, việc phân loại tiếp xúc không thành công. Người chỉ huy tàu ngầm quyết định tấn công mục tiêu bằng ngư lôi chống tàu ngầm Mk 37. Tuy nhiên cả cuộc tấn công này cũng không kết quả.

Cuộc tấn công cuối cùng của "San Luis" diễn ra vào đêm 11 tháng 5, vào khoảng 1 giờ 30 phút. Tàu ngầm bị kẹp giữa hai frigate của Anh. Xác định được các yếu tố chuyển động của mục tiêu, người chỉ huy tàu ngầm từ cự ly 4600 m phóng ngư lôi tấn công tàu khu trục hạng nhẹ. Một lần nữa, cuộc công kích lại không thành công.

Lực lượng không quân Argentina thể hiện sự đối kháng nghiêm trọng hơn với lực lượng phong tỏa. Trong giai đoạn từ 30 Tháng Tư đến 21 Tháng 5, máy bay của Không quân và Hải quân Argentina [265] đã ồ ạt tấn công bốn tàu của Anh, kết quả họ phá hủy được tàu khu trục mang tên lửa có điều khiển "Sheffield", đánh bị thương 1 tàu khu trục và 2 frigate trang bị tên lửa có điều khiển.

Nói chung, người Anh đã đạt kết quả mong muốn trong việc phong tỏa quần đảo Falkland cả về đường biển và đường không. Gây kiệt quệ đơn vị đồn trú bằng các cuộc bắn phá và ném bom có hệ thống, làm mất nguồn cung cấp cho họ, người Anh chuẩn bị các điều kiện cho việc đánh chiếm thành công quần đảo Falkland với "ít xương máu". Bị phong tỏa đường biển và đường không, đơn vị đồn trú Argentina gặp phải những khó khăn nhất định, hậu quả của nó là sức chiến đấu và tinh thần của binh sĩ và chỉ huy bị xói mòn trước khi người Anh đổ bộ lên đảo.


Thuyền trưởng Moya duyệt đội ngũ thủ thủ đoàn râu ria bơ phờ xếp hàng trên boong San Luis, tàu ngầm vừa trở về căn cứ Puerto Belgrano ban đêm sau một cuộc tuần tra chiến đấu trong thời gian chiến tranh (nuestroma,org).

Các tàu ngầm hạt nhân đa năng chứng tỏ khả năng chiến đấu cao trong các hoạt động phong tỏa, chúng được sử dụng kết hợp với các lực lượng tàu mặt nước và không quân. Tàu ngầm hạt nhân đã tạo ra mối đe dọa cho Hải quân Argentina, ,ột mối đe dọa không sao chống lại được. Chính nhờ sự hiện diện của các tàu ngầm hạt nhân mà Vương quốc Anh có thể tuyên bố vùng nước xung quanh quần đảo Falkland là vùng cấm trước khi lực lượng chính của thê đội đầu tiên tiếp cận khu vực xung đột.

Từ quan điểm thuần túy quân sự, các hoạt động phong tỏa của đội quân viễn chinh Anh ít có tính giáo hóa, bởi vì phía phòng thủ không có lực lượng hải quân thực tế có khả năng thể hiện sức đề kháng đầy đủ.
.......
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Tám, 2013, 07:08:38 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #44 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2013, 01:13:34 am »

(tiếp)

Hạm đội tấn công Falkland

Nội dung chính của các hoạt động tác chiến trong cuộc xung đột Anh-Argentina là các chiến dịch đổ bộ, bởi vì mục tiêu cuối cùng của lực lượng viễn chinh Anh là đánh chiếm quần đảo Falkland.

Ý đồ của bộ chỉ huy Anh đổ bộ quân lên quần đảo Falkland nằm trong việc triển khai bí mật [266] các lực lượng và bất ngờ đổ bộ ban đêm trong khu vực có sự phòng thủ chống đổ bộ yếu nhất. Dự kiến các hành động khoa trương thu hút sự chú ý của đối phương vào hướng nghi binh. Nhiệm vụ trước mắt của bộ đội thê đội 1 là chiếm một đầu cầu đủ để tích tụ lực lượng trên nó đến mức có thể giải quyết nhiệm vụ tấn công đánh chiếm các đảo.


Tranh vẽ miêu tả thời điểm trực thăng Westland Wasp XS527 HAS.1 xuất phát từ chiến hạm HMS Endurance phóng tên lửa AS-12 vào tàu ngầm ARA Santa Fe (Tranh của Daniel Bechennec - Nguồn: http://yellowairplane.com)

Để làm lực lượng quân đổ bộ, bộ chỉ huy Anh phái đến khu vực chiến tranh các đơn vị và phân đội hạt nhân của lực lượng triển khai nhanh từ thành phần lữ đoàn TQLC số 3, trung đoàn nhảy dù số 2 và lữ đoàn bộ binh cơ giới số 5 (tổng cộng khoảng 9 ngàn người). Nòng cốt của đội quân đổ bộ là các đơn vị lữ đoàn TQLC 3 (bốn nghìn), được coi là có mức độ huấn luyện chuẩn bị tốt nhất để hoạt động trong thành phần các chi đội xung kích đổ bộ đường biển.

Bộ chỉ huy Anh giành một vai trò quan trọng cho các hoạt động trinh sát và biệt kích. Trong thành phần các lực lượng viễn chinh có trung đoàn biệt kích-trinh sát độc lập số 22, các phân đội bơi lội chiến đấu và các phân đội trinh sát của lữ đoàn TQLC số 3. Họ trinh sát địa điểm đổ bộ đường biển, điều chỉnh hỏa lực pháo hạm và dẫn đường cho máy bay cánh cố định và trực thăng tới các mục tiêu, tiến hành hoạt động biệt kích nhằm phá hủy các trang thiết bị quân sự, kho chứa nhiên liệu và đạn dược, phá vỡ đường thông tin liên lạc, trinh sát sự bố phòng đơn vị đồn trú của đối phương, đóng vai trò là đội quân xung kích trong đổ bộ đường biển.

Phù hợp với các kế hoạch hành động đã định, ngày 25 tháng 4 người Anh đã dùng trực thăng đổ quân xuống đảo Nam Georgia. Việc đổ quân được đi trước một bước bằng các hoạt động của các nhóm biệt kích-trinh sát, được tàu ngầm nguyên tử chở đến hòn đảo. Cuộc chiến chinh phục Nam [267] Georgia kéo dài 2 giờ, sau đó đơn vị đồn trú Argentina quân số 102 binh sĩ và 32 dân thường đầu hàng. Phía Argentina có 3 người chết, người Anh không có thiệt hại. Đánh chiếm được đảo này, Vương quốc Anh tiến hành xây dựng trên đó căn cứ tiền phương của họ, trong trường hợp nếu cuộc chiến giành Falklands kéo dài. Trong tiến trình chiếm đảo, 2 máy bay trực thăng "Lynx" bằng tên lửa AS 12 và bom chìm đã đánh đắm tàu ngầm Argentina "Santa Fe", đang ở trong tư thế nổi. Tàu ngầm bị chìm ở vùng nước nông trong vịnh Grytviken.


ARA "Santa Fe" (S-21), tàu ngầm của hải quân Argentina kiểu " Balao-class submarine" do Mỹ chế tạo trong Thế chiến 2 (USS "Catfish"), bị đánh chìm bởi người Anh trong chiến tranh Malvinas, ảnh chụp trên nền những ngọn núi tuyết của đảo Nam Georgia. (Nguồn: www.gacetamarinera.com.ar)

Vào đầu tháng 5, các tàu chiến của lực lượng đặc nhiệm Anh với sự hỗ trợ của máy bay cánh cố định và trực thăng bắt đầu bắn phá các mục tiêu quân sự tại quần đảo Falkland. Hỏa lực mạnh nhất tập trung vào các vị trí có radar, đường băng và các đài phát thanh. Ghi nhận được bốn chuyến không kích của các máy bay ném bom chiến lược "Núi Lửa" vào quần đảo Falklands. Ngày 01 tháng 5 máy bay "Vulkan", vượt khoảng cách 5600 km, ném bom sân bay Port-Stanley. Nó được tiếp dầu bổ sung trên đường bay, lần tiếp nhiên liệu cuối cùng thực hiện ở cự ly cách quần đảo Falkland 320 km. Vụ ném bom diễn ra từ độ cao 3500 m, ở một góc nhỏ so với trục đường băng. Chỉ có một quả bom rơi trúng mục tiêu, và nó không ngăn được các máy bay Argentina tiếp tục sử dụng sân bay. Chiếc máy bay "Núi Lửa" thứ hai, thả xuống sân bay một loạt 21 quả bom, nhưng một lần nữa thất bại trong việc vô hiệu hóa đường băng.

Các máy bay "Vulcan" còn ném bom quần đảo Falklands thêm 3 lần, 2 lần tấn công vào các máy bay đậu tại sân bay Port-Stanley và kho tàng; lần thứ ba - tấn công trạm radar, bố trí gần Port-Stanley. Trong trường hợp sau, chúng sử dụng tên lửa chống radar "Shrike". [268]


KQ chiến lược Anh và các phi vụ "Black Buck" tấn công đường băng sân bay Port-Stanley ngày 1 và 4 tháng 5 năm 1982

Sau những đòn tấn công trên, để chuyển thông tin giả cho tình báo Anh, tình báo Argentina đổ những đống cát lớn trên đường băng mà trên không ảnh trinh sát trông giống như những hố bom. Bộ chỉ huy Anh cho rằng sân bay đã bị phá hỏng. Khi máy bay "Vulcan" tấn công, nhiễu chủ động đã chế áp hoạt động của radar hệ thống phòng không "Roland" và "Tigercat", thực hiện phòng thủ sân bay. Người Argentina cũng liên tục thay đổi vị trí các trận địa SAM, và khi máy bay Anh đến gần thì radar bị tắt.

Các tàu quét mìn tiến hành trinh sát dò mìn ở khu vực đảo Nam Georgia, sau đó làm việc gần quần đảo Falkland. Trong trường hợp này, một tàu quét mìn được sử dụng như một máy phá bãi mìn, dùng các cơ cấu máy móc của mình tạo ra một trường âm thanh đủ lớn, bắt buộc các quả thủy lôi có kíp nổ âm thanh phải làm việc.


Máy bay ném bom chiến lược "Aero Vulcan" của KQ Anh

Đồng thời bộ chỉ huy Anh tiến hành các biện pháp tác động tâm lý tới đội ngũ quân nhân đơn vị đồn trú Argentina qua các chương trình phát thanh đặc biệt, thả truyền đơn vào vị trí đóng quân của quân đội Argentina.

Vào đêm ngày 14 tháng 5, người Anh đổ bộ lính biệt kích vào đảo Pebble, nằm trên đường tiếp cận từ phía bắc đến eo biển giữa Đông và Tây Falkland. Việc đổ bộ, cũng như tại đảo Nam Georgia, được thực hiện với sự hỗ trợ của máy bay trực thăng và tàu khu trục "Glemorgan". Trên đảo Pebble họ đã phá hủy kho đạn, tiêu diệt một trạm radar dẫn đường hàng không di động và 11 máy bay tuabin cánh quạt "Pucara".

Để chuẩn bị cho cuộc đổ bộ lên đảo, cùng với việc sử dụng hỏa lực đánh trúng các hạng mục quan trọng nhất và chế áp tâm lý đơn vị đồn trú Argentina, người Anh còn rất quan tâm đến việc tổ chức và tiến hành trinh sát, công tác ngụy trang, [269] đảm bảo hậu cần và tác chiến điện tử.

Vào đêm trước cuộc xâm lược quần đảo Falkland, các toán trinh sát đã được đổ bộ lên đảo, họ xác định thành công những địa điểm không có phòng thủ chống đổ bộ, tình hình bố phòng của quân đội Argentina, trinh sát các tuyến đường có thể cho quân đổ bộ tiến quân trên bờ, tìm các vị trí phù hợp cho trực thăng hạ cánh. Không quân của họ liên tục bay trinh sát. Ngoài ra, các cơ quan tình báo Mỹ cung cấp cho người Anh các dữ liệu trinh sát từ vệ tinh không gian và truyền thông tin dự báo khí tượng khu vực quần đảo Falkland, những điều đó giữ một vai trò quan trọng trong việc lập kế hoạch các hoạt động quân sự.

Mục đích của hoạt động ngụy trang nhằm đưa địch thủ đễn chỗ lạc hướng về địa điểm và thời điểm tấn công đổ bộ đường biển. Để không thu hút sự chú ý của người Argentina đến các địa điểm đổ bộ, các cuộc tấn công ban đầu diễn ra trên diện rộng, và thể hiện cường độ mạnh mẽ hơn trong những hướng nghi binh. Các thay đổi liên tục về ngày giờ và địa điểm đổ bộ giữ bộ chỉ huy Argentina trong sự thiếu hiểu biết về các kế hoạch sắp tới của người Anh. Để không bị rò rỉ thông tin trên báo chí công khai, chúng phải chịu sự kiểm duyệt sát sao và chặt chẽ.


Chiến dịch đổ bộ Falkland

Để đánh lừa đối phương, một nhóm trinh sát đã tổ chức diễn màn kịch "mất mát" một số "tài liệu mật", trong đó có thông tin địa điểm đổ bộ nằm ở khu vực phía nam Port-Stanley. Thông tin sai lệch này được hỗ trợ thêm bởi các bức điện vô tuyến trao đổi giữa các tàu chiến và các toán biệt kích-trinh sát đã đổ bộ lên bờ.

Một hành động tung tin giả tiếp theo được tổ chức vào đêm trước cuộc xâm lược. Ngày 20 Tháng Năm, Bộ Quốc phòng Anh chính thức tuyên bố rằng không có kế hoạch tiến hành một hoạt động đổ bộ đầy đủ quy mô lớn, mà chỉ giới hạn [270] thực hiện ở các hoạt động biệt kích-phá hoại. Thậm chí người Anh còn cố gắng sử dụng các cuộc thương lượng một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột trước hết như một màn khói ngụy trang để che giấu ý định thật sự nghiêm túc.

Trong tiến trình của cuộc xung đột, bộ chỉ huy Anh áp dụng phổ biến các hành động phô trương. Nói chung, người Anh đã thành công trong việc đánh lừa đối phương, vì bộ chỉ huy Argentina coi khu vực bị tấn công đổ bộ đường biển có khả năng nhất nằm ở phía nam Port-Stanley.


SAS và 42 commando trong chiến tranh Falkland: Lữ đoàn trưởng Julian Thompson, thiếu tướng Jeremy Moore và đại tá Pennicot bàn bạc trước khi hạ lệnh tấn công.

Khi đánh giá khu vực chiến sự, bộ chỉ huy Anh đã trải qua rất nhiều khó khăn do thiếu các bản đồ chi tiết về quần đảo Falkland. Chỉ một ngày trước khi đổ bộ những bản đồ như vậy mới được làm xong và chuyển tới trên các tàu chiến Anh.

Khi điều động lực lượng viễn chinh đến Nam Đại Tây Dương, các bộ tham mưu Anh không có các bản đồ chi tiết và những mô tả về quần đảo Falkland. Lập tức đã phát sinh rất nhiều vấn đề liên quan đến việc đánh giá khu vực tác chiến. Một trường hợp cứu cánh: người ta nhớ rằng nhiều năm trước đây, một thiếu tá lực lượng vũ trang Anh, khi đi nghỉ phép tại Falkland, ông ta đã mô tả chi tiết quần đảo. Tuy nhiên, bản mô tả này không ai muốn xuất bản nó, họ cho rằng đó là nơi ngàn dặm xa xôi, lạnh lẽo, gió lồng lộn suốt ngày, một nơi cằn cỗ và hầu như không có ai quan tâm. Và bây giờ đột nhiên người ta nhớ lại bản thảo bị lãng quên. Cơ quan tình báo đã nhanh chóng tìm ra tác giả và bản thảo của ông, nhân bản nó lên, cung cấp tài liệu rất cần thiết này cho lực lượng viễn chinh.

Coi trận đánh để đổ bộ là quan trọng nhất và đồng thời là giai đoạn khó khăn nhất của chiến dịch đổ bộ đường biển, bộ chỉ huy Anh đặc biệt chú ý đến việc lựa chọn địa điểm và thời gian đổ bộ. Họ quyết định tổ chức đổ bộ trong khu vực vịnh San Carlos (cách Port Stanley đến 100 km), tại đây thực tế không có sự phòng thủ chống đổ bộ [271]. Khu vực này được xem là an toàn về mặt đạo hàng, kín gió, những bãi biển cát - thuận tiện cho việc đổ bộ, bàn đạp trên bờ - địa hình bằng phẳng (đất cứng), phía bắc và phía đông địa hình viền quanh bởi đồi núi, rất khó tiếp cận cho cả bộ đội và trang bị kỹ thuật. Ngoài ra, ở đó không có các khu định cư có thể trở thành các điểm nút hệ thống phòng thủ.

Người ta quyết định đổ bộ khi trời tối, để gần như hoàn toàn loại bỏ được khả năng đối phó của không quân Argentina, vốn là mối đe dọa thực sự cho cuộc đổ bộ. Đổ bộ ban đêm cũng làm giảm hiệu quả phản ứng của các lực lượng lục quân Argentina, những người không có thiết bị nhìn đêm, và đạt được tính bất ngờ chiến thuật. Đối với lực lượng xâm nhập, họ được trang bị kính nhìn ban đêm, bóng tối không phải là một mối phiền toái đặc biệt với họ.

Vậy là, thời gian và địa điểm cuộc đổ bộ được người Anh lựa chọn là rất thành công trong giai đoạn khó khăn nhất của một chiến dịch đổ bộ.

Cuộc đổ bộ quân đội lên đảo tiến hành theo ba cấp thê đội: lực lượng chính đổ bộ trong thê đội đầu tiên với nhiệm vụ chiếm giữ đầu cầu và các hoạt động tiếp theo trên bờ, với thê đội thứ 2 người ta dự kiến bốc dỡ xuống bàn đạp đầu cầu các trang bị, vũ khí hạng nặng, thê đội thứ 3 làm dự bị.

Ngày 20 tháng 5, chính phủ Vương quốc Anh ra lệnh cho Chuẩn Đô đốc D.Woodward thực hiện chiến dịch đổ bộ đường biển. Ngay lập tức từ bên ngoài bán kính hoạt động chiến thuật của không quân Argentina, lính đổ bộ được chuyển từ các tàu vận tải quân sự sang các tàu đổ bộ. Sau khi hoàn thành chuyển quân, ba chi đội quân đổ bộ (một chính và hai phô trương) bắt đầu triển khai. Đến cuối ngày 20 tháng 5, họ đã tới cách khu vực đổ bộ dự định từ 30 - 90 dặm. [272]


Sơ đồ cuộc đổ bộ của quân Anh tại vịnh San Carlos ngày 21 tháng 5 năm 1982

Cuộc đổ bộ đường biển được dạo trước bằng màn chuẩn bị hỏa lực mạnh mẽ. Hỏa lực pháo binh và bom từ máy bay dội xuống cảng Darwin, Port Stanley, San Carlos Bay và Fox Bay. Hoạt động của không quân bắn phá Port-Stanley có khó khăn vì sự hiện diện các dàn SAM "Roland" và "Tigercat". Theo số liệu của người Argentina, tên lửa "Roland" trong khu vực Port Stanley đã bắn rơi bốn máy bay Anh.

Đêm ngày 21 tháng 5, bằng phương pháp "vertical enveloppe" bất ngờ với đối thủ, người Anh đổ bộ thủy quân lục chiến trong khu vực vịnh San Carlos. Mặc dù cuộc đổ bộ thực hiện trên một chính diện tương đối hẹp, trên một bờ biển không có trang bị và trong điều kiện thời tiết bất lợi, nhờ việc sử dụng làm phương tiện đổ bộ các xuồng cao tốc và trực thăng đổ bộ-chở quân, trong 2 giờ hai nghìn quân đã đổ bộ lên đảo Đông Falkland. Để vận chuyển binh lính và trang bị vào bờ người ta sử dụng các phương tiện đổ bộ tốc độ thấp loại LCU và LCVP. Tổng cộng trên các tàu của lực lượng tác chiến thủy bộ có 8 xuồng đổ bộ loại LCVP, 4 - loại LCU và 30 trực thăng vận tải-đổ bộ.

Đồng thời với các hoạt động trên hướng chính, 2 đội đổ bộ nghi binh bắt đầu hành động của họ trong khu vực Cảng Darwin và Fox Bay. Tuy nhiên, khi nhận được tín hiệu về cuộc đổ bộ trên hướng chủ yếu đã thành công, họ liền dừng hoạt động của mình.

Cuộc đổ bộ tại hướng chính diễn ra gần như không gặp phản ứng đối kháng. Chỉ có ở một điểm đổ quân (trong số bốn điểm), một nhóm 30 binh sĩ Argentina đã chống cự lại, trong đó họ dùng các tên lửa "Blow pipe" do Anh sản xuất bắn hạ 2 trực thăng đổ quân. Cuộc đổ bộ TQLC từ hướng biển được nhóm đặc nhiệm yểm trợ gồm 5 frigate bảo vệ. Trên khu vực đổ bộ, các máy bay "Sea Harrier" liên tục quần vòng.

Tính bất ngờ chiến thuật của cuộc đổ bộ đường biển và việc thiếu phòng thủ chống đổ bộ bảo vệ bờ biển [273] đã đảm bảo việc đánh chiếm bàn đạp diễn ra với tổn thất tối thiểu.


Đại đội M lực lượng TQLC Anh, đơn vị tham gia chiếm lại đảo Nam Georgia ngày 25 tháng 4 năm 1982. Ảnh chụp ngày 19 thán 5 năm 1982.
........
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Tám, 2013, 11:23:19 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #45 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2013, 07:33:09 pm »

(tiếp)

Các lực lượng vũ trang Argentina chỉ có thể áp dụng các biện pháp đáp trả nghiêm túc hơn vào lúc bình minh. Không quân Argentina đã tấn công các tàu yểm trợ, kết quả là hai tàu khu trục bị hư hại. Ngày hôm sau, lực lượng không quân Argentina lặp lại cuộc tấn công vào các tàu thuộc nhóm yểm trợ đặc nhiệm. Trong trường hợp này, 15 máy bay cùng một lúc tấn công frigate "Ardent", dẫn đến sự mất tổ chức trong xạ kích TLPK có điều khiển và đảm bảo cho việc ngắm bắn cắt bom chính xác. Do trúng bốn quả bom có trọng lượng 225 kg mỗi quả, con tàu bị đánh chìm.

Bộ chỉ huy Argentina phải thừa nhận sai lầm là các cuộc không kích đã không đánh đúng tàu đổ bộ và tàu vận tải, mà lại đánh vào các tàu hộ tống. [274]


Bộ binh triển khai tại Đông Falklands sau khi đổ bộ trong vịnh San Carlos

Trong thời gian một ngày, người Anh mở rộng đầu cầu đến 13 cây số vuông, và chuyển lên đó số quân đến 5000 người. Với thê đội thứ hai,  xe tăng hạng nhẹ "Scorpion", tên lửa PK "Rapier", pháo 105 ly và súng cối 81 mm được đưa lên đảo. Trong một thời gian tương đối ngắn tại vị trí đổ bộ người ta đã dùng thép tấm trang bị một khu vực cất hạ cánh (20 mét vuông) cho máy bay trực thăng và máy bay "Harrier" và "Sea Harrier". Trong các container chôn dưới đất, người ta dự trữ nhiên liệu và nước ngọt cho 3 ngày đêm.

Ngày 23 Tháng Năm, máy bay Argentina thực hiện một cuộc tấn công lớn vào các tàu Anh. Frigate "Antilope" trúng hai quả bom, nhưng những trái bom không phát nổ. Đội thủy thủ được sơ tán khỏi tàu, và sau đó khi chập điện một trái bom nổ. Do vụ nổ hệ thống điện của tàu bị hỏng, một đám cháy bùng lên, tiếp theo đến đạn dược phát nổ, rồi con tàu bị chìm. Một ngày sau, 4 máy bay cường kích "Skyhawk" Argentina trong khi tiến từ bờ ra trên độ cao chỉ 15m, đã tấn công tàu khu trục mang tên lửa có điều khiển "Coventry", đang ở vị trí phía bắc eo biển Falkland. Những chiếc máy bay trên bị radar của tàu phát hiện ở khoảng cách 18 km. Vì phát hiện máy bay chậm, người Anh chỉ bắn hạ được 2 chiếc "Skyhawk", những chiếc còn lại đã ném bom chính xác. Tàu khu trục trúng ba quả bom, sau 5 phút độ nghiêng của tàu bên mạn trái đạt đến 50 °, 15 phút sau thì nó bị chìm.

Chỉ sau khi 6 bệ SAM kéo "Rapier" của PK lục quân được triển khai tại đầu cầu đã chiếm được, người Anh mới đưa các tàu của nhóm đặc nhiệm yểm trợ ra khỏi eo biển Falkland chật hẹp. Tiếp theo người ta thiết lập các hệ thống SAM này tại Teal-Inlet, Goose-Green và trong vùng vịnh Fitzroy, nơi diễn ra cuộc đổ bộ đội quân hỗ trợ. Tuy nhiên, do độ sâu nhỏ nên các tàu đổ bộ "Sir Galahad" và "Sir Tristram" không thể [276] neo đậu trong khu vực được SAM "Rapier" bao bọc, điều này làm tăng rất nhiều tính dễ tổn thương của họ trước các cuộc không kích của đối thủ. Chỉ có một "Skyhawk" khi tiến vào công kích từ phía đất liền, rơi vào vùng hoạt động của hệ thống phòng không "Rapier" và bị bắn rơi. Cần lưu ý rằng thời gian giữa thời điểm khóa mục tiêu và tiêu diệt mục tiêu đối với hệ thống SAM này tính trung bình chỉ 5 giây.


A-4 "Skyhawk" của KQHQ Argentina

Do trong khu vực đổ bộ không có các bến cảng cho phép dỡ hàng khỏi tàu tại bến, trực thăng được người Anh sử dụng để chuyển hàng và chuyển quân lên đảo. Dỡ bốc dỡ các trang thiết bị quân sự hạng nặng người ta lên kế hoạch sử dụng trực thăng "Chinook", có tải nâng trên 10 tấn. Khi tái triển khai đội ngũ quân nhân từ các tàu đổ bộ vào bờ, những chiếc trực thăng này đã chở theo tới 80 lính TQLC vũ trang đầy đủ. Tuy nhiên, 3 trong số 4 chiếc trực thăng đã bị mất theo cùng với con tàu container "Atlantic Conveyor", mà các máy bay Argentina "Super Étendard" đã đánh chìm. Đối với người Anh, tổn thất trên là đặc biệt nghiêm trọng, vì nó làm giảm đáng kể tốc độ chuyển hàng vào đảo. Chính vì lý do này mà vào ngày 8 tháng 6 trong khi dỡ hàng, các tàu đổ bộ chở xe tăng cỡ lớn "Sir Galahad" và "Sir Tristram" vì hiện diện thời gian dài bên trong tầm nhìn trực quan và radar từ quần đảo Falkland, đã bị máy bay "Skyhawk" Argentina tấn công. Kết quả, "Sir Galahad" bị phá hủy, còn "Sir Tristram" bị hư hỏng nghiêm trọng. Tổn thất chung là 59 người thiệt mạng và 74 người bị thương.

Để bù đắp cho sự mất mát trực thăng vận tải hạng nặng "Chinook", người Anh sử dụng một phần số trực thăng "Sea King" làm phương tiện vận tải, sau khi tháo dỡ vũ khí săn ngầm khỏi chúng.

Sau khi tích tụ đủ lực lượng trong bàn đạp. quân đội Anh phát động tấn công dọc theo duyên hải phía bắc và phía nam [277] đảo Đông Falkland theo hướng đến Port-Stanley. Cuộc tấn công dọc theo bờ biển phía bắc gặp khó khăn do địa hình gồ ghề và khó đi, do đó hoạt động trên hướng này là các đơn vị được chuẩn bị tốt nhất về mặt tác chiến và được huấn luyện hành động trong các điều kiện khó khăn thuộc lữ đoàn TQLC số 3. Ngày 29 tháng 5 đội đổ bộ trực thăng quân số tổng cộng 500 người đã được đổ xuống trong khu vực bến cảng nhỏ Teal-Inlet. [278]

Hai tiểu đoàn của trung đoàn nhảy dù tấn công theo hướng nam, dọc theo con đường đất nối liền San Carlos với điểm dân cư Port-Darwin và sân bay Goose-Green. Tới ngày 29 tháng 5 cả hai điểm này đều đã bị đánh chiếm. Máy bay Anh đã chuyển căn cứ đến sân bay Goose-Green: tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến quân tiếp về phía đông.


Sơ đồ cuộc tấn công của các máy bay Argentina vào tàu vận tải máy bay "Atlantic Conveyor" của Anh

Người Anh chỉ tổ chức hoạt động tấn công tích cực vào ban đêm, sau khi pháo binh và không quân bắn phá ồ ạt, thực hiện theo hướng dẫn của các sỹ quan liên lạc nằm trong đội hình chiến đấu của các phân đội tấn công. Thông thường, việc thực hiện nhiệm vụ đặt ra được hoàn thành trong nửa đầu tiên của ngày. Một số khẩu 105 mm đã bắn đến 500 phát đạn mỗi ngày. Sự yểm trợ hỏa lực trên tàu cũng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến Falklands: chỉ từ một khẩu pháo hạm 114-mm đã bắn đi 8.000 phát đạn.

Khi tiến hành các hoạt động chiến đấu, người Anh cũng hay áp dụng các cuộc tấn công bất ngờ ban đêm mà không có màn pháo kích hay không kích chuẩn bị trước.

Các cuộc tấn công xuống các mục tiêu mặt đất tiến hành từ máy bay "Harrier", có hệ thống dẫn đường-ngắm bắn chính xác hơn và các máy đo cự ly laser, sau khi thực hiện chức năng của máy bay đầu đàn, và từ các máy bay "Sea Harrier" bay sau.

Trong quá trình các trận đánh giành đảo, các cuộc đổ bộ ban đêm bằng trực thăng đã tăng lên nhanh chóng, quân đổ bộ được đổ xuống nhiều địa điểm và họ kết thúc chiến đấu khi trời sáng. Do địa hình phức tạp và mạng lưới đường sá kém phát triển, máy bay trực thăng được sử dụng để vận chuyển trang thiết bị quân sự, đạn dược, các vật tư khác nhau.


Pháo 105 ly của quân Anh trong trận đánh trên quần đảo Falklands

Cố gắng đạt ưu thế về lực lượng ngay trước cuộc tấn công vào Port-Stanley, tại đó [279] tập trung các nhóm quân chủ yếu của quân đội Argentina, người Anh đã đổ hai đội đổ bộ đường biển tổng quân số khoảng 3 ngàn người. Một đội được đổ bộ về phía nam Port Stanley - trong Vịnh Fitzroy, một đội đổ bộ ở phía bắc - trong Vịnh Berkeley.

Ngày 02 Tháng Sáu, quân đội Anh đã hoàn toàn phong tỏa đơn vị đồn trú Argentina từ phía đất liền và phía biển và bắt đầu xử lý trận địa của đối phương bằng không kích và pháo kích. Ngày 12 tháng 6, chiếc tàu khu trục "Glemorgan" đang bắn phá các vị trí của quân đội Argentina trong khu vực Port-Stanley, bị tấn công bởi hai tên lửa "Exocet" MM-38. Từ con tàu người ta đã kịp phát nhiễu thụ động và đồng thời thực hiện cơ động chống tên lửa. Chỉ có một đạn tên lửa bắn trúng tàu khu trục. Đạn rơi vào phần đuôi tàu đã vô hiệu hóa sân đáp trực thăng và hangar chứa máy bay. Chỉ vì đầu đạn không phát nổ, mà con tàu bị thương tương đối nhẹ.

Trong điều kiện thiếu đạn dược và bị cô lập hoàn toàn, người Argentina đã không thể đẩy lùi quân đội Anh, bắt đầu vào đêm ngày 13 tháng 6 và vào buổi chiều ngày 14 tháng 6 họ đã buộc phải đầu hàng. Cả hai bên trong quá trình chiến đấu đều bị thiệt hại đáng kể. Khoảng 200 lính Anh chết và gần 300 người bị thương {26}. Lực lượng vũ trang Argentina có gần 1.300 người thiệt mạng.


Quân đổ bộ Anh tại Port-Stanley

Sau khi chiếm quần đảo Falkland, bộ chỉ huy Anh thu được các tài liệu đánh dấu giới hạn bãi mìn tiếp xúc trên bến cảng ngoài của Port-Stanley, [280] tại đó độ sâu là 50 - 80 m. Bằng cách sử dụng lưới kéo đôi tiếp xúc, người Anh dễ dàng phá hủy bãi mìn. Những trái mìn đứt neo bị pháo hạm bắn phá hủy.

Kinh nghiệm đổ bộ đường biển tại quần đảo Falkland cho phép rút ra một số kết luận liên quan đến xu hướng phát triển của nghệ thuật tác chiến hải quân trong các hoạt động đổ bộ.

Việc cô lập hoàn toàn khu vực diễn ra các hoạt động chiến đấu, chế áp tối đa đối phương trước khi bắt đầu chiến dịch đổ bộ đường biển, cũng như ưu thế đạt được về lực lượng và trang bị là những điều kiện quan trọng nhất của việc đổ bộ thành công của người Anh tại quần đảo Falkland.

Trong cuộc xung đột Anh-Argentina đã phát lộ xu hướng tăng cường vai trò các hoạt động chiến đấu ban đêm và sử dụng các thiết bị nhìn đêm. Sự hiện diện của các thiết bị như vậy phục vụ trong quân đội Anh cho phép thực hiện thành công đổ bộ đường biển ban đêm, còn sau đó trong các trận đánh chiếm đảo đã sử dụng thời gian trời tối trong ngày ở mức độ tối đa để giải quyết các nhiệm vụ chiến đấu.

Trong quá trình cuộc xung đột phương pháp đổ bộ "bao vây theo phương thẳng đứng" đã được phát triển thêm bước nữa. Lần đầu tiên tại đây, trong tình huống chiến đấu, bằng phương pháp như vậy người ta đã thực hiện đổ bộ ban đêm.

Thủy quân lục chiến là binh chủng được huấn luyện và chuẩn bị tốt nhất để hoạt động trong thành phần các chi đội xung kích khi chiếm lĩnh bàn đạp trên bờ.


Xe tăng nhẹ "Scorpion" đổ bộ bằng trực thăng TQLC

Một phương tiện quan trọng và không thể thiếu của sự yểm trợ hỏa lực trong chiến dịch đổ bộ đường biển là pháo hạm. Khi đổ bộ lên quần đảo Falkland, người ta phát hiện ra rằng, các nguyên tắc chính của việc chuẩn bị và tiến hành nó là: việc lập kế hoạch phải kỹ lưỡng tỉ mỉ và có hỗ trợ toàn diện cho lực lượng đổ bộ; tạo ra ưu thế vượt trội gấp nhiều lần so với đối phương trên hướng chủ yếu; có sự thống nhất chỉ huy tất cả các lực lượng tham gia vào chiến dịch; [281] đạt được ưu thế trên không trước khi đổ bộ và duy trì nó cho đến khi kết thúc chiến dịch; cố gắng đổ bộ với nhịp độ tối đa có thể; cố gắng cô lập bàn đạp và củng cố chắc chắn hai bên sườn trước khi kết thúc đổ bộ lực lượng chính; nghệ thuật ngụy trang và tung tin giả lừa địch phải cao cường; sử dụng tối đa đổ bộ bằng máy bay trực thăng; trình độ huấn luyện chuẩn bị của bộ đội và lực lượng đổ bộ phải thật cao.
.........
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Tám, 2013, 04:50:54 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #46 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2013, 01:43:40 am »

(tiếp)

Không quân bắn chìm tàu chiến

Bộ chỉ huy Anh giành một vai trò lớn trong các hoạt động chiến đấu cho không quân, lực lượng gánh vác một loạt các nhiệm vụ đa dạng. Họ phải tiến hành trinh sát chiến dịch và chiến thuật; đảm bảo giành thế thượng phong trên không trung, phòng không và phòng thủ chống tàu ngầm cho lực lượng đặc nhiệm; tiến hành các cuộc đổ bộ đường không; thực hiện không kích chuẩn bị và yểm trợ đổ bộ đường biển; vận tải quân và chở hàng; tham gia phong tỏa đường không quần đảo Falkland.

Không quân Argentina chủ yếu giải quyết nhiệm vụ phá hủy các tàu thuyền trên biển, ngoài ra, nó còn tấn công quân đổ bộ lên đảo và chiến đấu với lực lượng không quân Anh.


HMS "Sheffield" bốc cháy sau kh trúng "Exocet" AM39 vào giữa thân, trên đường mớn nước

Cần lưu ý rằng không quân trong cuộc xung đột phải hoạt động trong điều kiện thời tiết bất lợi. Tốc độ gió đạt 50 m / giây. Nhiệt độ không khí giữ trong phạm vi giữa -5 ° và + 5 °. Sóng biển mạnh gây phức tạp cho công việc của các trạm ra đa, mây thấp thường xuyên (khoảng 30 m) và khả năng hiển thị đường chân trời hạn chế gây khó khăn cho việc hoàn thành các chuyến bay theo mặt cắt " chiều cao lớn - chiều cao nhỏ - chiều cao lớn".

Chiến thuật tấn công đường không của không quân Argentina ở một mức độ không nhỏ dựa vào sự hiện diện trên các tàu chiến thuộc lực lượng đặc nhiệm Anh hệ thống phòng không "Sea Dart" có vùng xạ kích diệt mục tiêu 50 km. [282]

Kết quả là, các phi công Argentina tiến hành tấn công ở độ cao thấp, sử dụng bom, tên lửa và pháo (mà không sử dụng phương tiện tác chiến điện tử).


Cuộc tấn công khu trục hạm "Sheffield"

Phương pháp hoạt động chính của không quân đối với các mục tiêu trên bờ cũng như với các tàu chiến là tấn công bằng các tốp máy bay theo thê đội. Trong các trận đánh, lực lượng không quân Argentina tấn công ồ ạt nhiều đợt vào các tàu địch. Các cuộc tấn công lớn nhất diễn ra ngày 21 tháng 5. Tham chiến có hơn 70 máy bay, tấn công các tàu chiến Anh trong suốt thời gian một giờ theo ba đợt. Tương quan giữa máy bay tấn công và hỗ trợ trong các nhóm là 2:1.

Phi công Argentina thực hành thay đổi đường bay đến mục tiêu, thực hiện tiếp cận các đảo từ các hướng khác nhau (thường là từ phía nam), nhưng khả năng cơ động rộng của họ bị hạn chế. Các phi công Argentina thường khắc phục tuyến cảnh giới radar tầm xa bằng cách bay ở độ cao thấp có huy động các tốp nghi binh, các tốp đó thường lôi kéo máy bay tiêm kích "Sea Harrier" của Anh vào không chiến hoặc truy kích. Để dẫn đường cho máy bay của mình tới mục tiêu, người Argentina sử dụng hệ thống radar ven biển AN/TPS-43, đảm bảo phát hiện các mục tiêu trên không ở cự ly đến 400 km.

Để khắc phục hệ thống PK, người Argentina sử dụng những thủ đoạn như xuất kích số lượng lớn máy bay nhằm làm bão hòa tình huống vượt ra ngoài giới hạn khả năng của phương tiện phòng không. Kỹ thuật này được người Argentina sử dụng khi tấn công frigate "Ardent".

Để tăng bán kính hoạt động cho máy bay của mình, vào đầu cuộc xung đột bộ chỉ huy Argentina lệnh tổ chức cho máy bay tiếp dầu KC-130 trực chiến trên không. Nhưng, sau khi các máy bay chiến đấu của Anh bắn hạ một máy bay tiếp dầu, bộ chỉ huy Argentina đã từ bỏ cách tổ chức đảm bảo như vậy cho máy bay của họ. [283]

Việc các tàu chiến và máy bay AWACS của đối thủ tiến vào phía đất liền đã buộc các phi công Argentina vượt qua khu vực này ở các độ cao thấp, làm tăng tiêu thụ nhiên liệu và đòi hỏi cần phải tiếp nhiên liệu trên không. Để làm việc này, một phần máy bay chiến đấu thay vì bom phải mang các thùng chứa nhiên liệu. Chẳng hạn, để hoàn thành nhiệm vụ máy bay "Mirage" đã mang theo trên thân hai hoặc ba bom 500 kg và hai thùng nhiên liệu treo bên ngoài chứa 1700 lít mỗi thùng. Tuy nhiên, việc tổ chức tiếp nhiên liệu trên không được thực hiện kém, do đó vì thiếu nhiên liệu 6 máy bay Argentina trên đường trở về sân bay trước khi bay tới bờ, đã bị rơi xuống biển.


Đường bay tấn công HMS Sheffield

Đối với người Anh, điều hoàn toàn bất ngờ là việc các phi công Argentina sử dụng rất thành công tên lửa chống hạm "Exocet". Những tên lửa này cùng với các vật mang chúng - máy bay cường kích "Super Étendard" được Argentina mua của Pháp. Tuy nhiên, tới lúc khởi đầu cuộc xung đột, việc giao hàng các trang thiết bị huấn luyện-đào tạo, đạn tên lửa và máy bay đã không được thực hiện đầy đủ. Người Anh cho rằng nếu không có sự giúp đỡ của các chuyên gia Pháp, phi công Argentina sẽ không thể sử dụng được những tên lửa này. Rõ ràng, vì sự đánh giá thấp này về đối phương, người Anh đã không chuẩn bị phòng thủ chống tên lửa. Do đó, các cuộc tấn công đầu tiên của không quân Argentina đã thành công.

Ngày 4 tháng 5, một tốp 5 máy bay Argentina - hai chiếc tấn công, dưới cánh bên phải mỗi chiếc treo tên lửa chống hạm "Exocet" và dưới cánh bên trái - bình nhiên liệu dung tích 1100 lít, 1 máy bay làm dự bị với cách trang bị hệt như vậy, 2 chiếc chỉ có các thùng nhiên liệu dưới thân (làm chức năng máy bay tiếp dầu), đã bay đến khu vực quần đảo Falkland. Theo chỉ thị mục tiêu của một máy bay do thám P-2 "Hải Vương tinh" đang bay ngoài phạm vi hoạt động của các hệ thống tên lửa chống máy bay trên các tàu chiến Anh, 2 máy bay "Super Étendard" trong phiên bản mang tên lửa đã được dẫn đường bay tới các tàu chiến Anh. [284]


HMS Antelope (F170) nổ tung ngày 24 tháng 5 năm 1982 sau khi trúng bom của 4 chiếc A-4B Skyhawk Argentina ngày 23 tháng 5 năm 1982

Việc tiếp cận khu vực được máy bay thực hiện ở độ cao 40 - 50 m với tốc độ 900 km/ h. Radar trên máy bay được tắt. Thời tiết ủng hộ việc đạt được thời điểm bất ngờ, tầm nhìn phương ngang trong khu vực là 400 m, chiều cao của mép mây dưới ở cao độ 150 m. Tại cự ly cách mục tiêu 46 km độ cao đường bay được nâng lên 150 m và phi công tiến hành bật radar nhất thời (chỉ 30 giây), kết quả phát hiện hai mục tiêu (khu trục hạm "Sheffield" và frigate "Plymouth"), góc giữa chúng là 40 °. Sau khi nhập dữ liệu chỉ thị mục tiêu vào máy tính trên máy bay, phi công phóng vào mỗi mục tiêu một đạn tên lửa. Trong thời gian tấn công thiết bị trên máy bay ghi được sự làm việc của radar frigate "Plymouth". Radar tìm kiếm trên tàu khu trục "Sheffield" tại thời điểm đó không làm việc, để không gây nhiễu đến hệ thống thông tin vệ tinh "Skynet", thông qua đó người ta đàm thoại với London. Sau khi phóng tên lửa, các máy bay thực hiện vòng ngoặt theo hướng ngược lại và giảm độ cao đột ngột xuống 30 m, bay ra khỏi khu vực trận đánh.

Đầu tự dẫn radar chủ động trên một tên lửa ở cự ly khoảng 12-15 km đã khóa vào khu trục hạm "Sheffield". Khi tiếp cận mục tiêu tên lửa hạ độ cao xuống còn 2 - 3 mét. Từ trên tàu người ta nhận thấy tên lửa chỉ một vài giây trước khi nó lao trúng con tàu. Rơi trúng tàu, tên lửa khoan vào thân ở vị trí 1,8 m trên đường mớn nước. Kích thước của lỗ thủng là 4,5 x 1,2 m.

Trên "Sheffield" một đám cháy dữ dội bùng lên. {27} Sau 5 giờ đấu tranh sinh tồn không kết quả, thủy thủ đoàn đã rời khỏi tàu. Người Anh đã thực hiện những nỗ lực tuyệt vọng để cứu chiếc tàu khu trục, nhưng khi cứu kéo trên biển đang động mạnh, ngày 10 tháng 5 "Sheffield" đã chìm. [285]

Quả đạn tên lửa thứ hai, từ frigate "Plymouth" người ta phát hiện được khi còn 40 giây. Nhiễu thụ động được phóng ra dưới hình thức màn che bằng các lưỡng cực phản xạ và đầu tự dẫn trên tên lửa đã bị chúng tác động.

Sau khi mất "Sheffield" người Anh tăng cường đáng kể công tác phòng không và chống tên lửa của lực lượng đặc nhiệm. Trên các máy bay trực thăng chống tàu ngầm, "Linh miêu" ("Lynks") người ta cài đặt thiết bị gây nhiễu bẫy tên lửa "Exocet". Khi phản công chống đòn đánh của phương tiện tấn công đường không của đối thủ, người Anh bắt đầu sử dụng hỏa tiễn không điều khiển kiểu "Corsus", "Sea fan" và "Stokkaid" nhồi đầy lưỡng cục phản xạ làm từ sợi thủy tinh kim loại hóa, lá nhôm và các vật liệu khác. Trong các điều kiện thời tiết bình thường, hiệu quả của nhiễu duy trì trong 6 phút. Theo báo chí nước ngoài tuyên bố, tất cả các phương tiện đối kháng vô tuyến điện tử đều đạt hiệu quả và làm việc rất hoàn hảo. Tàu chiến của lực lượng đặc nhiệm gần như liên tục phóng ra các đám mây nhiễu nếu phát sinh một nguy cơ bị tấn công đường không.


"Tàu "Atlantic Conveyor" sau khi trúng "Exocet" ngày 25 tháng 5 năm 1982

Ngày 25 tháng 5, 2 máy bay "Super Etendard", sau khi tiếp nhiên liệu trên đường bay, theo chỉ thị mục tiêu của radar ven biển bí mật bay vào khu vực triển khai của các tàu sân bay Anh. Việc xâm nhập khu vực mục tiêu của các máy bay diễn ra như sau. Sau khi cất cánh từ căn cứ không quân Rio Grande, cả hai máy bay ban đầu lấy hướng bay về phía bắc, sau đó bay về phía đông (trên phân đoạn hành trình này đã tiến hành tiếp nhiên liệu từ máy bay C-130), sau đó họ quay về phía nam, sau một thời gian - bay về phía tây, và rất bất ngờ với người Anh, họ bay đến phía các tàu chiến Anh từ phía đông.

Đảm bảo việc xâm nhập vào khu vực có các tàu Anh là chiếc máy bay C-130 thứ hai. Ở cự ly cách vị trí dự kiến của các tàu sân bay 80 km, các phi công Argentina bật radar trên máy bay và phát hiện 2 mục tiêu lớn có đội bảo vệ. Sau khi phóng 2 [286] tên lửa ở cự ly cách các mục tiêu 48 km, các máy bay "Super Étendard" ngay lập tức hạ xuống độ cao cực thấp bay về lục địa. Người Anh, phát hiện ra các máy bay Argentina, phóng lên một màn nhiễu thụ động rất mạnh. Trái đạn tên lửa, đang bay tới tàu sân bay "Hermes" đã bị nhiễu làm lệch hướng, nhưng sau khi ra khỏi đám mây nhiễu, đầu tự dẫn của tên lửa đã bắt được một mục tiêu lớn ở cự ly cách tàu sân bay5-6 km. Mục tiêu này là "Atlantic Conveyor", mà các phi công Argentina nhận lầm là tàu sân bay. {28} Trúng hai tên lửa chống hạm "Exocet", tàu container bị chìm.

Do các phi công Argentina thực hiện các cuộc tấn công ở độ cao nhỏ - phương pháp ném bom trên đỉnh cột buồm, những quả bom thường không kịp thời gian chuyển sang tư thế chiến đấu, vì vậy 80% các quả bom rới trúng các tàu Anh, đã không phát nổ. Ví dụ, ngày 8 tháng 6, 05 máy bay Argentina "Mirage" ném bom frigate Anh "Plymouth." Bốn trái bom trong số bom mang đi được ném trúng con tàu, nhưng không trái nào phát nổ. Sự thất bại này bắt người Argentina trả giá đắt, vì trong cuộc xung đột, từ frigate "Plymouth" đã phóng lên 9 tên lửa PK "Sea Cat" và bắn 900 viên đạn pháo cỡ 114 mm, kết quả là 5 máy bay bị bắn rơi và nhiều máy bay Argentina bị thương. Trái bom 450-kg rơi trúng tàu khu trục "Glasgow" cũng không phát nổ.

Mặc dù tất cả những hạn chế nêu trên, lực lượng không quân Argentina đã gây thiệt hại nhiều nhất cho quân viễn chinh Anh: họ đã thành công trong việc đánh chìm hai tàu khu trục kiểu "Sheffield", 2 frigate kiểu "Amazon", [287] tàu đổ bộ "Sir Galahed" và tàu chở container "Atlantic Conveyor", cũng như làm thiệt hại nghiêm trọng hơn 10 tàu (trong đó có cả hai tàu sân bay).

Phi hành đoàn các máy bay Argentina thực hiện bay ở độ cao thấp và sử dụng địa hình để ngụy trang ẩn khuất, họ hành động khá thành công chống lại các tàu chiến Anh tại eo biển Falkland. Kỹ thuật này làm giảm cự ly phát hiện của radar lên đến 10 - 16 km, và tương ứng là giảm thời gian chuẩn bị của các khẩu đội tên lửa PK và pháo phòng không để khai hỏa. Các cuộc tấn công, theo lệ thường, diễn ra từ phía tây, tây nam và phía nam, vào cuối ngày, từ phía mặt trời khi ánh sáng của nó làm chói mắt các khẩu đội tác chiến trên hạm tàu, đang thực hiện hướng dẫn hệ thống phòng không với sự hỗ trợ của máy ngắm quang học. [288]

Tổn thất máy bay cánh cố định và máy bay trực thăng của Không quân Argentina do các loại phương tiện phòng không {29}


Các máy bay "Super Étendard" hoạt động hiệu quả nhất trong số các loại máy bay của không quân Argentina,  chúng đã phóng sáu tên lửa "Exocet". Ba tên lửa trúng mục tiêu, hai bị bắn hạ bởi tên lửa PK "Sea Wolf", một tên lửa bị sa bẫy nhiễu thụ động bắn ra từ frigate "Plymouth". Trong mọi trường hợp, các máy bay tiến vào công kích dưới sự yểm trợ của máy bay tiêm kích và phóng tên lửa (từ một phương tiện mang), mà không bay vào khu vực phòng thủ chống máy bay của đơn vị tàu chiến. Sau khi phóng tên lửa, các máy bay thực hiện vòng ngoặt ngược bay trở về. Độ cao thấp của đường bay của máy bay và của chính tên lửa, cũng như bề mặt nhỏ của sự phản xạ radar hiệu dụng của các đài radar trên các chiến hạm [289] không cho phép phát hiện kịp thời cuộc tấn công. Tổng cộng thì các máy bay "Super Étendard" đã thực hiện 26 phi vụ chiến đấu, trong đó một máy bay bị bắn rơi và một bị thương.


Máy bay A-4 Skyhawk Argentina đang tấn công HMS Coventry (D118) bằng bom ngày 25 tháng 5 năm 1982.

Tổng cộng các máy bay của Không quân Argentina đã xuất kích gần 500 phi vụ, trong đó có 261 trường hợp phi công trở về mà không hoàn thành nhiệm vụ do hỏa lực đối kháng của phương tiện phòng không cua người Anh hoặc do thiếu nhiên liệu. Thường thì bộ chỉ huy Argentina hay phạm sai lầm khi lựa chọn mục tiêu để hủy diệt. Ví dụ, thay vì tập trung mọi nỗ lực của lực lượng không quân của mình vào việc các tàu chiến địch, mà trước hết là các tàu sân bay, họ lại tìm cách tiêu diệt tối đa máy bay Anh. Tổn thất máy bay của không quân Argentina lên tới hơn 100 máy bay cánh cố định và trực thăng, trong đó máy bay "Super Étendard" - 1, "Mirage" và "Dagger" - 26, "Pucara" - 23, trực thăng - 18, v.v. Thiệt hại lớn nhất mà không quân Argentina phải chịu là do tên lửa phòng không (45 máy bay), 31 máy bay bị mất trong không chiến {30}, 30 - trên mặt đất.

Bộ chỉ huy Argentina sử dụng rộng rãi máy bay vận tải C-130 và máy bay "Boeing-707" để làm công tác trinh sát. Từ ngày 1 tháng 5 - 19 tháng 6, chúng đã thực hiện được 466 chuyến bay trinh sát trên không với hơn 2.200 giờ bay. Để giữ bí mật, các chuyến bay này được thực hiện trong điều kiện tắt radar trên máy bay, bay ở độ cao rất thấp (đến 15m). Khi tiến vào khu vực đang có các tàu Anh, máy bay trinh sát lấy độ cao đột ngột lên mức 150 m, bật radar trên máy bay trong thời gian ngắn, sau khi bắt dấu mục tiêu lại hạ độ cao một lần nữa.


HMS Coventry (D118), trong khi đang tiến về phía tây bắc quần đảo Falkland, phóng 1 tên lửa PK có điều khiển ("Sea Dart" missile) vào các máy bay phản lực Argentina đang bay tới, ngày 25 tháng 5 năm 1982.
...........
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Tám, 2013, 11:04:46 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #47 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2013, 09:40:31 pm »

(tiếp)


HMS "Invincible" chở theo các máy bay "Sea Harrier" tại Nam Đại Tây Dương trong chến tranh Falkland

Máy bay Anh hoạt động thường theo các tốp nhỏ.  Tấn công các mục tiêu ven biển thường là [290] tốp 2 - 3 máy bay "Harrier" hay "Sea Harrier" bay ở độ cao 100 - 300 m, chúng công kích từ tư thế bay bằng hoặc bổ nhào, khi rút lui chúng thực hiện thao tác cơ động chống tên lửa PK kiểu "dốc gù", "rắn lượn", ngoặt về sau sang bên phải, bên trái. Để giảm nguy cơ tổn thất khi công kích mục tiêu mặt đất, các phi công người Anh sử dụng chiến thuật ném bom khi bay ngóc lên. Trong đó việc tiếp cận mục tiêu được thực hiện ở độ cao thấp. Ở cự ly 5 km cách mục tiêu tấn công, phi công chuyển máy bay sang chế độ bay dốc đứng ngóc lên và cắt bom. Ngoài ra, việc ném bom từ máy bay "Harrier" thường diễn ra ở độ cao trung bình - đầu tiên từ 3600 m, sau đó là 5000 m. Các máy bay sử dụng hỏa tiễn có điều khiển "Martel", bom 1000 và 500 pound (ban đêm sử dụng máy ngắm laser).

Để chế áp hỏa lực pháo bờ biển, các máy bay "Harriers" đã tấn công đối tượng này bằng bom Mỹ có hệ dẫn đường laser. Việc chiếu xạ mục tiêu, như đã nêu trong các báo chí nước ngoài, được thực hiện bởi chỉ điểm viên dẫn đường mặt đất, còn cặp máy bay cắt bom sau khi đầu tự dẫn laser bán chủ động đã bắt được tia phản xạ từ mục tiêu.

Vì số lượng nhỏ, không quân Anh phải hoạt động với cường độ rất căng thẳng. Chẳng hạn, chỉ riêng máy bay "Sea Harrier" đã bay hơn 1.500 phi vụ (trung bình 6 chuyến bay một ngày), còn phi đội máy bay trực thăng "Sea King" số 880 riêng tháng Năm đã bay 1.560 giờ, hoặc 270 giờ bay cho mỗi phi hành đoàn, tương đương với tải của một năm. Tổng cộng, các máy bay "Harrier" và "Sea Harrier" đã thực hiện 2376 phi vụ, bao gồm 282 phi vụ bay đêm. Tổng thời gian bay của họ là 2.675 giờ.

Mỗi phi công Anh hàng ngày thực hiện 3 - 4 chuyến xuất kích có thời gian tổng cộng 10 giờ. Số lượng phi công trên một máy bay vào giai đoạn đầu cuộc xung đột bằng 1.2, sau này lên đến 1.4. [291]

Trên các máy bay "Harrier" và "Sea Harrier" không có vũ khí chống bức xạ radar. Vì lý do này, người Anh trang bị tên lửa chống radar "Shrike" cho máy bay "Vulcan", có nhiệm vụ tiêu diệt các trạm radar tại khu vực Port-Stanley. Các máy bay trên hạm được trang bị máy phát hiện sự chiếu xạ của radar, máy tự động phóng nhiễu lưỡng cực phản xạ và bẫy hồng ngoại. Trên các máy bay này có các máy phát nhiễu tích cực, được sử dụng rất thành công trong việc chống lại radar điều khiển hỏa lực pháo phòng không.


Trận đánh tàu sân bay HMS Invincible của 2 máy bay Super Étendard ("Ala") mang tên lửa chống hạm "Exocet", phối hợp với biên đội 4 chiếc A-4C Skyhawk "Zonda" Argentina và còn gây nhiều tranh cãi về kết quả giứa 2 bên tham chiến ngày 30 tháng 5 năm 1982.

Máy bay "Sea Harrier" cho thấy khả năng chiến đấu cao, trong các trận không chiến nó còn vượt qua ngay cả máy bay "Mirage". Trong quá trình tấn công đường không, các máy bay "Sea Harrier" đã bắn 27 loạt tên lửa "Sidewinder", 24 trong số đó trúng mục tiêu, chúng bắn rơi 7 máy bay bằng pháo 30-mm "Aden". Trong số 31 máy bay bị chúng bắn rơi, 19 chiếc là tiêm kích "Mirage". Trong khi đó không hề có một chiếc "Sea Harrier" nào bị bắn hạ trong không chiến.

Khi tấn công các máy bay Argentina, người Anh thường sử dụng chiến thuật sau đây. Chiếc "Sea Harrier" dẫn đầu hạ xuống độ cao đường bay của mục tiêu, vừa đuổi theo vừa bắn bằng pháo 30-mm "Aden", chiếc "Harrier" bay sau chiếm vị trí từ trên cao, thực hiện khóa máy bay đối phương bằng đầu tự dẫn tên lửa "Sidewinder" và chờ đợi kết quả xạ kích của chiếc đầu đàn. Trong trường hợp bỏ lỡ cơ hội, chiếc đầu đàn bay sang một bên, chiếc đi sau sẽ phóng tên lửa vào mục tiêu.

Trong không chiến tầm gần người Anh sử dụng có hiệu quả việc điều khiển vector lực đẩy khi bay bằng. Vì người Argentina chủ yếu sử dụng tên lửa "Sidewinder" với đầu tự dẫn hồng ngoại lỗi thời, để tấn công hiệu quả nhất định phải tiến được vào bán cầu phía sau của đối phương. Tuy nhiên, ngay sau khi phi công Anh phát hiện phía sau có "Mirage" của Argentina [292] hoặc tên lửa đã phóng, anh ta lập tức đảo ngược lực đẩy động cơ bằng cách chuyển hướng dòng khí thải phản lực, và "Sea Harrier" hoặc "Harrier" được hãm đột ngột, thay đổi vị trí góc của mình. Kết quả là máy bay đối phương hoặc tên lửa sẽ trượt về phía trước, phi công người Anh sẽ thấy mình chiếm được một vị trí thuận lợi để có thể tấn công. Đến lượt mình, để thoát khỏi bị máy bay của Anh bám đuôi, các phi công Argentina sử dụng các động tác cơ động phòng thủ với việc bật tăng lực, làm giảm đáng kể lượng dự trữ nhiên liệu.

Theo đánh giá của người Anh, các máy bay tuần biển "Nimrod" đã tự chứng tỏ mình rất tốt, chúng đã thực hiện 110 phi vụ. Độ dài thời gian bay trung bình 15 giờ. Máy bay "Nimrod" thực hiện phòng thủ chống tàu ngầm cho lực lượng đặc nhiệm trong quá trình di chuyển, rải trường vô tuyến thủy âm kiểm soát qua các phao định vị vô tuyến thủy âm trên các tuyến di chuyển của các tàu sân bay, cũng như trong khu vực cơ động chiến đấu của chúng. Để đánh trúng các mục tiêu mặt nước bị phát hiện, trên giá treo dưới cánh của máy bay có treo các tên lửa chống hạm "Harpoon", và để tự vệ - tên lửa "Sidewinder". Theo ý kiến của người Anh, tên lửa chống hạm "Harpoon" sẽ là vũ khí chính của máy bay tuần biển. Trong tương lai dự kiến sẽ trang bị những tên lửa như vậy cho 34 máy bay "Nimrod".

Trong cuộc xung đột Anh-Argentina máy bay trực thăng được sử dụng rất rộng rãi. Trên các tàu chiến của lực lượng đặc nhiệm Vương quốc Anh có 80 trực thăng. Chúng tấn công mục tiêu mặt đất và các tàu đối phương, tiến hành trinh sát, chuyển phương tiện vật chất, thực hiện thông tin liên lạc, đổ bộ quân, đảm bảo phòng thủ chống tàu ngầm cho lực lượng đặc nhiệm. Hầu hết trực thăng được trang bị súng máy, một số - trang bị các ống phóng hỏa tiễn không điều khiển. Trên trực thăng "Chinook" còn cài đặt máy phát hiện sự chiếu xạ radar và máy tự động [293] thả các lưỡng cực phản xạ và các bẫy hồng ngoại.

Trong cuộc xung đột, ghi nhận hai trường hợp sử dụng máy bay trực thăng chống lại các mục tiêu mặt nước. Ngày 02 tháng 5 một cặp máy bay trực thăng "Lynx" mang tên lửa "Sea Skua" đã tấn công hai tàu tuần tra của Argentina. Cuộc tấn công thực hiện trong điều kiện thời tiết bất lợi (tàu có độ choán nước 900 tấn liên tục khuất đằng sau những con sóng), nhưng đã đạt được thành công. Một tàu tuần tra bị hư hại, tàu kia - "Commodoro Somellera" - bị đánh chìm. Trước đó, vào ngày 25 tháng 4, bằng tên lửa AS-12 và bom chìm, các máy bay trực thăng đã đánh chìm 1 tàu ngầm Argentina (tàu ngầm ARA Santa Fe). Trong cả hai trường hợp, việc phóng tên lửa diễn ra trong điều kiện quan sát trực quan được mục tiêu. Mỗi máy bay trực thăng đã phóng một tên lửa.

Tổn thất máy bay của Không quân Anh {31}


Tổn thất máy bay của người Anh lên tới 34 máy bay cánh cố định và trực thăng, trong số đó 9 chiếc bị hỏa lực PK mặt đất bắn rơi, số còn lại - là kết quả của các cuộc không kích của không quân Argentina, đồng thời còn do tai nạn và sự cố. [294]

Kinh nghiệm tác chiến không quân trong cuộc xung đột Anh-Argentina cho phép rút ra một số kết luận.

Thứ nhất, hơn 80% số tàu bị đánh chìm bởi máy bay. Điều này cho thấy, ngay từ trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, không quân vẫn còn là một lực lượng đáng sợ trong hoạt động chiến đấu trên biển. Đồng thời, cùng với không quân của hải quân, để tấn công các mục tiêu trên biển người ta còn sử dụng không quân của lục quân. Vì vậy, cần đạt được sự hiệp đồng tác chiến chính xác giữa không quân lục quân và không quân hải quân và huấn luyện đội ngũ bay cho các hoạt động này.

Thứ hai, cuộc đấu tranh giành quyền khống chế trên không tiếp tục là nhiệm vụ ưu tiên trên hết, còn bản thân cuộc chiến đấu giành quyền khống chế - là điều kiện tiên quyết quyết định sự thành công cho các hoạt động chiến đấu trên biển.

Thứ ba, kinh nghiệm của người Anh trong việc cải tạo các tàu container thành tàu chở máy bay xúng đáng được quan tâm. Điều này cho phép họ vốn không có trong biên chế hải quân các tàu sân bay xung kích, nay đạt được sự tập trung trong một khu vực xa xôi đến 70 máy bay và chiến đấu giành ưu thế thống trị trên không.

Kinh nghiệm chiến đấu cũng cho phép phát hiện các điểm mạnh và điểm yếu trong hoạt động của không quân và xác định con đường nâng cao khả năng chiến đấu của nó.

Thuộc mặt yếu kém của không quân Argentina cần phải kể đến việc thiếu máy bay tác chiến điện tử và máy bay tiếp nhiên liệu trong đội hình chiến đấu; công tác đảm bảo hậu cần kém (thiếu phụ tùng và đạn dược); số lượng các quân nhân bảo trì và đội ngũ bay có trình độ còn ít và không đủ bù đắp cho các thiệt hại; mức độ thấp trong tổ chức chỉ huy lực lượng, đội ngũ phi công không được huấn luyện bay chiến đấu ban đêm; kỹ năng kém của các phi công lực lượng không quân trong việc tấn công các mục tiêu mặt nước; tổ chức trinh sát không tốt. [295]

Những nhược điểm chính của không quân Anh - có thể kể ra sự thiếu vắng máy bay AWACS và máy bay tiêm kích đánh chặn siêu âm có bán kính hoạt động lớn; tốc độ thấp, bán kính hoạt động ngắn và không đủ tải trọng chiến đấu của các máy bay "Sea Harrier" trên tàu sân bay.

Để đảm bảo công tác phòng không cho quân đội viễn chinh, bộ chỉ huy Anh đã thành lập ba khu vực phòng không.

Khu vực đầu tiên - khoảng không gian xung quanh quần đảo Falkland - nằm trong khu vực với tới được của Không quân Argentina. Việc giám sát radar tầm xa trong khu vực được thực hiện bởi các tàu khu trục kiểu "Sheffield" có các frigate mang tên lửa có điều khiển hộ tống, chúng trang bị hệ thống TL phòng không "Sea Wolf." Những chiếc tàu này bố trí cách lực lượng chính 120 dặm trên các hướng dễ bị đe dọa. Sử dụng các tàu mặt nước làm các trạm radar tuần tiễu là một biện pháp bắt buộc vì Anh không có máy bay AWACS, mà sử dụng cho nhiệm vụ này những chiếc "Harrier" và "Nimrod" thì lại không hợp lý. Mặc dù các tàu trên đóng một vai trò nhất định trong hệ thống phòng không, chúng đã trở thành những tấm bia dễ dàng cho không quân Argentina tấn công. Tất cả ba tàu khu trục cùng thực hiện một nhiệm vụ đó, đều bị đối phương vô hiệu hóa: "Sheffield" và "Coventry" bị đánh chìm, còn "Glasgow" chỉ đơn giản là thoát chết do may mắn sau khi bị trúng bom, xuyên qua cả hai bên mạn tàu. Ở trong cùng khu vực trên cự ly cách tàu sân bay 140 dặm một cặp "Sea Harrier" liên tục quần đảo trên không. Việc thay phiên tuần tra không phận được thực hiện 40 phút một lần. Ngoài ra, trên các tàu sân bay trong thời gian 3 phút các máy bay "Sea Harrier" sẵn sàng cất cánh xuất kích theo từng biên đội.

Khu vực PK thứ hai tiếp giáp trực tiếp quần đảo Falkland. Cuộc chiến đấu chống đối thủ đường không trong khu vực này do các tàu tiến hành chủ yếu bằng phương tiện PK của bản thân (SAM "Sea Slag" và "Sea [296] Dart"), theo yêu cầu của họ các máy bay "Sea Harrier" thuộc nhóm yểm trợ đường không có thể cất cánh.

Khu vực PK thứ ba - không gian trên phần phía bắc eo biển Falkland và vịnh San Carlos (khu vực đổ bộ đường biển). Phòng không trong khu vực này được đảm bảo bởi các hệ thống SAM "Rapier" và tên lửa PK mang vác "Blow pipe" đã triển khai trên vị trí bàn đạp, trong eo biển có các tàu nhóm đặc nhiệm yểm trợ thường là frigate, có trang bị hệ thống TL phòng không "Sea Wolf". Tất cả các tàu đều sử dụng súng máy PK 20 và 40 mm, các frigate lớp "Amazon" - SAM "Sea Cat".

TLPK đóng một vai trò quan trọng trong công tác phòng không và phòng thủ chống tên lửa của quân viễn chinh, riêng phần nó chiếm hơn 50% số máy bay và trực thăng bị bắn rơi. SAM "Sea Wolf" đã chứng tỏ khả năng chiến đấu cao, thống kê kết quả chiến đấu của nó có 5 máy bay cánh cố định và hai tên lửa "Exocet" bị bắn hạ. Tổ hợp PK này được đưa vào trang bị cho quân đội Anh năm 1979 và trang bị trên các frigate mang tên lửa có điều khiển để chống lại các mục tiêu bay thấp có bề mặt phản xạ hiệu dụng đến 0,1 mét vuông. Phi công Argentina cố gắng tránh tiếp xúc với các tàu có hệ thống TL phòng không "Sea Wolf", người Anh cũng tìm cách bố trí các tàu như vậy trên các hướng bị đe dọa và trong khu vực phòng không gần các tàu sân bay, họ than vãn tiếc rẻ về chuyện không phải tất cả các tàu đều được trang bị các hệ thống SAM kiểu này. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thực chiến đã phát hiện những thiếu sót nghiêm trọng của hệ thống SAM "Sea Wolf". Vì góc phương vị của mục tiêu thường nhỏ hơn 1,5 °, việc sử dụng radar bám sát mục tiêu và tên lửa là điều không thể. Ngoài ra, người ta thấy rằng tổ hợp SAM trên không phù hợp để đánh trả những mục tiêu đang tiến tới con tàu từ các hướng khác nhau. Trong trường hợp này, ống phóng được đặt ở vị trí trung tâm, mà điều đó đòi hỏi quá trình tái tạo xử lý số liệu xạ kích. Cả hai hạn chế đó cần phải loại bỏ bởi các nhóm kỹ sư công ty chế tạo tên lửa (các kỹ sư này được chuyển đến khu vực xung đột trên các tàu đảm bảo). [297]


Sơ đồ bố trí PK của lực lượng viễn chinh Anh

TLPK cơ bản của Hải quân Anh "Sea Dart" khác với "Sea Wolf" lại có khả năng chiến đấu thấp. Biết được điểm yếu của nó - có vùng chết lớn (4,5 km) và thời gian đáp ứng lớn (20 giây), các phi công Argentina thực hiện các cuộc tấn công ở độ cao cực thấp, do đó mà loại trừ được việc bị tên lửa "Sea Dart" bắn. TLPK cũng không hữu dụng để đối phó với các mục tiêu nhóm.

Đặc biệt nhược điểm lớn là các radar kiểu "909" không đảm bảo cung cấp được cho hệ thống TL phòng không "Sea Dart" dữ liệu chính xác khi xạ kích trong điều kiện có sóng biển mạnh. Sai sót trong việc xác định cự ly lên tới 16 km. [298]


Vị trí các tàu bị đánh chìm trong cuộc xung đột Anh-Argentina năm 1982

Người Anh tin rằng việc tạo ra các lớp bảo vệ theo chiều sâu chống máy bay đối phương, vốn bị hạn chế trong việc lựa chọn các đường bay, sẽ đảm bảo sự an toàn cho các loại tàu của lực ượng đặc nhiệm. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy người Anh đã không thể giải quyết vấn đề phòng không và phòng thủ chống tên lửa cho lực lượng viễn chinh của họ. Tất cả các thiệt hại về tàu của họ đều do máy bay Argentina. Nhiều yếu tố bất lợi như thiếu máy bay mang radar cảnh giới trên tàu sân bay và máy bay tiêm kích siêu âm tầm xa, việc không đủ SAM "Sea Wolf" và pháo PK tốc độ bắn cao để trang bị cho các tàu, thời gian đáp ứng dài và vùng chết lớn của hệ thống TL phòng không "Sea Dart".

Trong cuộc xung đột Anh-Argentina, tên lửa, nhờ đặc tính chiến đấu cao của mình đã vững chắc tiến vào hàng ngũ những vũ khí công phá hiệu quả nhất trên biển, làm tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu của các hạm đội. Đồng thời nảy sinh vấn đề về việc bảo vệ các tàu trước tên lửa đối phương: phòng không và phòng thủ chống tên lửa đã trở thành một trong những dạng quan trọng nhất của công tác bảo đảm chiến đấu của lực lượng vũ trang.

Tổn thất tàu mặt nước các loại và tàu ngầm {32}

........
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Tám, 2013, 01:46:06 am gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #48 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2013, 09:41:52 pm »

(tiếp)

Công tác đảm bảo hậu cần




Nhóm lực lượng bảo trì (hậu cần nổi), có nhiệm vụ đảm bảo và tăng cường cho lực lượng đặc nhiệm 317, có tổng cộng 16 tàu phục vụ trong biên chế hải quân và hơn 70 tàu thuê từ các công ty tư nhân.

Để đưa máy bay cánh cố định và trực thăng vào khu vực tác chiến người Anh sử dụng các tàu vận tải Container- Ro-ro. Việc cải tạo chúng diễn ra theo đề án Arapaho, phát triển tại Hoa Kỳ. Để máy bay cất cánh, tại phần mũi con tàu người ta gia cường thép tấm cho mặt boong và kết thúc bằng một tấm viền (cầu bật), đảm bảo cho việc cất cánh bằng  một bước dậm nhảy. Boong được trang bị đèn hiệu cất-hạ cánh và chỉ thị sàn đáp. Các module container được trang bị thành các cabin cho đội ngũ quân-nhân viên, các buồng bảo quản và bảo trì trang bị hàng không, lắp đặt các bồn chứa nhiên liệu máy bay và dầu mỡ, ở phần đuôi tàu người ta xây dựng sân đáp trực thăng. Trên tàu container "Atlantic Conveyor" trang bị hai pháo cỡ nòng 40mm. Ngoài tàu container " Atlantic Conveyor", các tàu "Atlantic Causeway" và "Contender Bezant" cũng được cải tạo thành tàu vận tải chở máy bay. Tất cả các công việc cần tiến hành để chuyển đổi một tàu chở container sang tàu chở máy bay chiếm mất 7-9 ngày. Đó là trường hợp thực tế đầu tiên của kế hoạch Arapaho trong hoàn cảnh chiến đấu.


"Atlantic Conveyor" sau khi chuyển đổi thành tàu vận tải chở máy bay

Phà và tàu chở hàng theo phương thức vận tải phương ngang (ro-ro) được người Anh sử dụng vào việc chuyên chở đến quần đảo Falkland các trang bị kỹ thuật có bánh xe, xe tăng hạng nhẹ kiểu "Scorpion", pháo 105 ly, hệ thống TL phòng không lục quân "Rapier", tức là những hàng hóa không phù hợp với phương thức vận tải container. [301]

Với thông báo của phía Argentina về việc thả mìn phong tỏa các vùng biển xung quanh quần đảo Falkland, người Anh cải tạo 5 tàu đánh bắt cá lưới quét thành các tàu quét mìn và bổ sung cho nó các đội thủy thủ quân sự, phái đến khu vực xung đột.

Một kinh nghiệm đáng chú ý là việc sử dụng tàu chở khách đường dài để tăng tốc độ chuyển đến khu vực chiến tranh một đội quân đồn trú lớn. Có 3 tàu loại này hoạt động: tàu chở khách lớn nhất của Anh "Queen Elizabeth 2", "Canberra" và "Norland". Sức chứa của con tàu đầu tiên là 3.150 chỗ ngồi,tàu thứ hai - 2000 và tàu thứ ba - 1200. Việc cải tạo tàu khách sang tàu vận tải quân chỉ mất 48 giờ. Trên các con tàu này đều trang bị các sân đáp trực thăng và các thiết bị phục vụ việc chuyển giao hàng hóa trên biển, lắp đặt phương tiện thông tin liên lạc bổ sung. Chỉ mất 16 ngày để người Anh dùng tàu "Queen Elizabeth 2" đưa đến khu chiến ba ngàn lính thủy quân lục chiến.

Tàu chở khách "Uganda" trong vòng 65 giờ đã được chuyển đổi thành quân y viện, trên tàu người Anh bố trí được hơn 1.000 giường bệnh, chứa được 90 tấn thiết bị y tế và tiếp nhận 100 nhân viên y tế làm việc. Phòng hồi sức cấp cứu được trang bị có gần 100 chỗ. Chỉ từ 16 Tháng Năm - 13 Tháng Bảy trên tàu "Uganda" đã thực hiện chăm sóc y tế có chất lượng 730 binh sĩ, 92% trong số đó bị thương trong cuộc chiến. 500 người trong số họ được các tàu vận tải-y tế sơ tán đến Montevideo (Uruguay), và sau đó theo đường không được chuyển về Vương quốc Anh.

Việc sử dụng tàu khách "Uganda" làm tàu bệnh viện đã có thể thực hiện được là do trong thời bình nó được đóng cho mục đích này. Tốc độ của tàu (hơn 20 hải lý) cho phép nhanh chóng ra khỏi khu vực chiến đấu. Nó có những phòng lớn, thuận tiện để bố trí chỗ nằm cho thương binh và các trang bị y tế, rất nhiều thiết bị hoạt động không thể chê trách được để hạ [302] các thuyền cao tốc, xuồng cứu sinh, máy điều hòa không khí, các khả năng rất tốt để trang bị các sân đáp trực thăng.


Tàu chỏ quân "Canberra" (chuyển đổi) đến Ascension ngày 19 tháng 4, cùng tàu vận tải Elk và 5 tàu Landing Ship Logistics (LSL) vận chuyển phần lớn lữ đoàn commando số 3 đến khu chiến.

Khi chuyển đổi các tàu thuê phải tuân thủ một trình tự nhất định của các loại công việc: đặt các bồn bổ sung chứa nhiên liệu và nước, bố trí các phòng ở, trang bị các phương tiện thông tin liên lạc và xây dựng các sân đáp trực thăng. Trên một số tàu - phà ro-ro - lắp đặt thêm các vách ngăn kín nước và các lỗ lastpforte phần mũi được bịt kín bằng hàn điện. Ví dụ, trên phà "Rangatira" được thiết kế cho việc vận chuyển các trang thiết bị kỹ thuật công binh và 1.000 binh lính có trang bị hai vách ngăn kín nước (từ tính toán duy trì tính không chìm và duy trì sự ổn định khi ngập nước hai ngăn).

Hầu như tất cả các tàu đều cung cấp các thiết bị phục vụ truyền - nhận nhiên liệu lỏng qua thân hoặc đuôi tàu trên hành trình. Phần lớn các tàu đều lắp đặt máy lọc khử muối hiệu suất cao. Các phòng ở trang bị thêm bồn tắm, nhà vệ sinh, giường treo; bổ sung trang bị cứu sinh, chủ yếu là phao bè. Để nâng cao độ tin cậy của thông tin liên lạc, trên một số tàu còn lắp đặt thiết bị liên lạc không gian.

Trên các con tàu ở lâu trong khu vực chiến sự, có lắp đặt pháo PK tự động (40mm "Bofors" và 20mm "Oerlikon") và cả tổ hợp tên lửa PK.

Việc cải tạo các tàu này được tiến hành suốt ngày đêm các xưởng đóng tàu Southampton, Portsmouth, Devonport và Rosyt. Tại Gibraltar và Charleston (Mỹ) mỗi nơi có một tàu được chuyển đổi. Để tham gia công việc đã thu hút hơn 200 công ty cung ứng dich vụ.

Trong số tất cả các tàu tham chiến, chỉ có trên các tàu đánh cá [303], đôi thủy thủ dân sự được thay thế hoàn toàn bởi đội thủy thủ quân sự, trên các tàu khác sử dụng đội thủy thủ hỗn hợp.

Trong cuộc xung đột Anh-Argentina các tàu dân sự là dự trữ quan trọng nhất của Hải quân Hoàng gia. Theo ý kiến các chuyên gia Anh, các tàu này hình thành cơ sở hậu cần nổi cho Hải quân của họ.

Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến dịch đánh chiếm quần đảo Falkland, bộ chỉ huy quân sự Anh giành cho công tác hậu cần ý nghĩa rất lớn, việc tổ chức nó rất phức tạp do khoảng cách tới khu vực chiến đấu quá xa chính quốc, lực lượng tham gia chiến dịch rất đông, và tại Nam Đại Tây Dương họ không có các căn cứ hải quân tiền tiêu.

Công tác lập kế hoạch và tổ chức đảm bảo hậu cần được thực hiện dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng cục trưởng Tổng cục Đảm bảo Hậu cần Hải quân Hoàng gia Chuẩn Đô đốc P. Hammersly, ông cũng đồng thời là thành viên ban lãnh đạo chiến dịch.


SS Uganda (1952) trong chiến tranh Falkland

Đảm bảo vật chất là quan trọng nhất trong quá trình chiến sự. Các tàu hậu cần nổi, nằm ở Nam Đại Tây Dương, chở theo hơn 100 ngàn tấn hàng hóa và hơn 500 nghìn tấn nhiên liệu tàu. Khi ta tính rằng binh đoàn đặc nhiệm 317 bao gồm chủ yếu các tàu có thiết bị năng lượng kiểu tuabin khí, chi phí nhiên liệu rất đáng kể: nhu cầu hàng tháng đạt đến 135 tấn. Vì vậy trong khu vực xung đột liên tục có ít nhất 10 tàu chở dầu. Tổng cộng trong quá trình chiến đấu, các tàu hậu cần nổi đã hơn 2.000 lần tiếp dự trữ cho các tàu của lực lượng đặc nhiệm (trong đó có 1.500 lần tiếp nhiên liệu). Việc tiếp nhiên liệu cho tàu đang hành trình thực hiện theo phương pháp song song từ cả hai phía mạn. Thời gian tiếp nhiên liệu cho tàu khu trục trung bình mất 1 giờ, frigate - hơn 1 giờ. Thường người ta bơm được khỏi tàu chở dầu 450 tấn nhiên liệu mỗi giờ. [304]

Tàu chở dầu "British Tamar" đã chuyển 18 nghìn tấn nhiên liệu trong 52 giờ 40 phút.

Đóng vai trò quan trọng trong công tác đảm bảo vật chất cho các lực lượng viễn chinh là không quân vận tải quân sự, họ chuyên chở được hơn 10 ngàn tấn hàng hóa các loại. Máy bay vận tải C-10 và "Hercules" đã bay hơn 600 phi vụ, chuyển đến đảo Ascension hơn 5.800 người và 6.600 tấn hàng hóa. Hàng ngày ít nhất 2 máy bay vận tải "Hercules" bay từ đảo Ascension tới quần đảo Falkland, chuyển hàng tiếp tế cho các lực lượng viễn chinh. Hàng hóa đóng trong container kín nước được thả bằng dù xuống biển, sau đó máy bay trực thăng vớt đưa lên tàu. Việc tổ chức cung ứng hàng hóa như vậy có thể thực hiện được là nhờ tổ chức tốt tiếp nhiên liệu trên không. Cự ly chuyến bay từ đảo Ascension đến khu vực chiến sự và bay về là 12.800 km, thời gian bay 24 - 25 giờ. Trong thời kỳ có những chuyến bay trên đã ghi nhận gần 600 lần tiếp nhiên liệu trên không, và chỉ có sáu trường hợp do vấn đề kỹ thuật mà việc tiếp dầu không thành công. Thời gian trung bình của một lần tiếp nhiên liệu là khoảng 15 phút, trong thời gian đó có 11,3 tấn nhiên liệu được bơm. Đồng thời người Anh cảm thấy không đủ máy bay tiếp dầu. Vì vậy, ngoài 15 máy bay tiếp dầu "Victor", để làm tàu chở dầu trên không người ta còn sử dụng 5 máy bay vận tải "Hercules" và 6 máy bay ném bom chiến lược "Vulcan". Quy mô của loại hình đảm bảo này còn được đặc trưng bởi một con số khác: máy bay tiếp dầu "Victor" đã thực hiện 375 phi vụ trong quá trình diễn ra cuộc xung đột.


Nhóm tàu sân bay xung kích: "Hermes" và 2 tàu hộ tống đến Ascencion vào thứ 6 ngày 16 tháng 4, sau khi "bổ sung theo chiều đứng" (vertrep - vertical replenishment) bằng trực thăng, tiếp tục đi vào ngày Chủ nhật 18 tháng 4 đến khu vực chiến sự.

Hỗ trợ đồng minh của mình trong khối NATO, Hoa Kỳ đã yểm trợ vật chất cho các lực lượng đặc nhiệm Anh. Tàu chở dầu Mỹ đã chuyển đến đảo Ascension hơn 60 ngàn tấn nhiên liệu hàng không. Ngoài ra, họ còn có ý định cung cấp cho người Anh [305] các tên lửa phòng không, các trạm radar di động, đạn dược, v.v.

Trong cuộc xung đột, tiêu thụ vật chất cho một người lính chiến là khoảng 100 kg mỗi ngày. Chỉ riêng thực phẩm cần chuyển tới khu vực chiến sự đã hơn 60 tấn hàng ngày. Ngoài ra, cần cung cấp cho các tàu, các máy bay và quân đổ bộ các loại đạn dược, phụ tùng thay thế, nhiên liệu, v.v. Lính đổ bộ Anh không cảm thấy thiếu nguồn cung cấp. Phải đối mặt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, họ kịp thời đưa đến khu chiến quân phục đặc biệt (áo gi-lê giữ nhiệt), cho phép dễ dàng chịu đựng được nhiệt độ thấp. Tất cả những điều trên cho thấy sự gia tăng tiêu thụ trung bình hàng ngày các nguồn vật chất trong hoạt động tác chiến, và do đó, dẫn đến gia tăng tầm quan trọng của loại hình đảm bảo này. Có thể quan sát thấy chiều hướng ổn định trong sự gia tăng trọng tải cần thiết cho mỗi lính đổ bộ: nếu trong Thế chiến II chỉ số này là 5-7 BRT, thì tại cuộc xung đột Anh-Argentina - hơn 50 BRT.

Công tác đảm bảo cứu hộ-cứu nạn được thực hiện bởi nhóm các tàu cứu hộ được thành lập một cách đặc biệt và đội ngũ quân nhân-thủy thủ các tàu chiến và tàu vận tải. Để thực hiện hoạt động cứu hộ đã phái tới Falkland ba tàu kéo Anh mạnh nhất và 2 tàu công nghiệp dầu khí ngoài khơi chuyên dụng 'Steen Sispred "và" Steein Prospector ", được trang bị các thiết bị lặn và cần cẩu 150 tấn. Ngoài ra, trên các tàu này còn lắp đặt bổ sung thiết bị công nghệ hạng nặng để phục vụ sửa chữa kết cấu thân tàu, các máy tiện, máy phay, máy cuộn, uốn, cắt thép, v.v.


Chuyển đổi Container Ship sang Aircraft Carrier (Arapaho, SCADS and SkyHook)

Trên tàu công binh xưởng nổi "Steen Sispred" đã làm các công tác sửa chữa cho 11 tàu chiến và loại trừ các hỏng hóc cho 24 tàu vận tải. Đội ngũ nhân viên tàu công binh xưởng nổi [306] "Steen Prospector" cũng sửa chữa một số tàu bị hư hỏng và đảm bảo trục vớt tàu ngầm Argentina "Santa Fe" bị người Anh đánh chìm.

Đánh giá theo tổn thất của lực lượng viễn chinh Anh, có thể kết luận công tác tổ chức không đạt yêu cầu của loại hình đảm bảo này và sự không đạt hiệu quả đủ cao của các phương tiện cứu hộ hiện tại của Hải quân Vương quốc Anh. Có thể thấy rằng vật liệu nhôm được sử dụng để giảm trọng lượng phần cấu trúc boong thượng rất dễ chảy (khi hỏa hoạn). Do kết quả bị đốt nóng, cấu trúc thượng tầng của tàu chuyển thành kim loại nóng chảy, làm cho việc đấu tranh chống hỏa hoạn rất khó khăn. Một số vật liệu được sử dụng trong cấu trúc tàu, khi bị nung nóng sinh ra khói đặc và các chất ăn mòn độc hại, cũng gây thêm trở ngại cho việc chữa cháy. Thường thì tình hình trầm trọng thêm bởi các phi công Argentina thực hiện phóng tên lửa "Exocet" từ cụ ly 50 - 70% mức tối đa, và nhiên liệu chưa cháy hết của tên lửa do vụ nổ mà lan ra một khu vực rộng lớn, gây thêm vô số vụ cháy.

Một kinh nghiệm đáng chú ý nữa của người Anh là việc đưa đến khu vực xung đột một nhóm kỹ sư của các công ty chế tạo tên lửa, đóng tàu và các công ty khác. Họ đã sửa chữa, và thậm chí nâng cấp vũ khí và trang thiết bị ngay trong quá trình chiến sự. Chẳng hạn, khi di chuyển qua các đại dương, trên tàu sân bay "Invincible" đã tổ chức sửa chữa lớn cho tuabin khí, còn các kỹ sư công ty chế tạo tên lửa đã thực hiện cải tiến thiết kế hệ thống SAM "Rapier" và "Sea Wolf".
......
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Tám, 2013, 01:09:00 am gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #49 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2013, 12:12:18 am »

(tiếp)


SAM Rapier bắn lên từ Falklands

Việc xây dựng được hậu cần nổi hùng mạnh cho phép bộ chỉ huy Anh giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến việc duy trì và phục hồi khả năng chiến đấu của các lực lượng của mình (tương quan "tàu chiến đấu - tàu hỗ trợ" khoảng 1:1). Tuy nhiên, người Anh không thể vượt qua mà không sử dụng vùng lãnh thổ các đảo [307]. Đóng vai trò rất lớn trong đảm bảo hậu cần cho lực lượng viễn chinh Vương quốc Anh là căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Ascension, cũng như căn cứ tiền phương thiết lập trong quá trình chiến sự trên đảo Nam Georgia. Tuy nhiên, việc thiếu sự đối kháng mạnh mẽ từ phía Hải quân Argentina cũng cho phép người Anh dễ dàng giải quyết các vấn đề hậu cần phức tạp.

Xung đột quân sự Anh-Argentina, kéo dài 74 ngày, đã kết thúc mà không loại trừ được các nguyên nhân cơ bản dẫn các bên tham gia vào một cuộc chiến tranh không tuyên bố. Bằng vũ lực, người Anh đã thành công trong việc giữ được chế độ thống trị thuộc địa của họ trên quần đảo Falkland.

Mặc dù quy mô và mục tiêu cuộc xung đột có giới hạn, cả hai bên đều huy động tham chiến một bộ phận quan trọng các lực lượng vũ trang của mình. Tổng cộng, tham gia các hoạt động chiến đấu có 60.000 quân nhân, hơn 180 tàu chiến và tàu vận tải, 350 máy bay chiến đấu và trực thăng. Tổn thất về tàu trong cuộc xung đột này là cao nhất trong toàn bộ lịch sử các cuộc xung đột cục bộ sau Chiến tranh Thế giới. Tổng trọng tải của các tàu bị đánh chìm là hơn 50 nghìn tấn. Có đến 20 tàu chiến và tàu vận tải, trong đó có cả hai tàu sân bay của Anh đã bị hư hỏng nặng. Các bên đã mất gần 2 nghìn người.


Frigate "Аrrow" hỗ trợ dập lửa trên "Sheffield". 21 tháng 5 năm 1982.

Sự thành công của các lực lượng vũ trang của Anh có cơ sở ở việc tạo ra được ưu thế gấp nhiều lần về cả nguồn nhân lực và trang bị so với đối phương và sự hỗ trợ trên quy mô lớn mà Hoa Kỳ và các đồng minh NATO khác cung cấp cho họ, cũng như những thiếu sót nghiêm trọng trong việc bảo vệ quần đảo Falkland của lực lượng vũ trang Argentina. Cuộc xung đột quân sự Anh-Argentina một lần nữa chứng minh rằng lực lượng hải quân là công cụ sức mạnh hiệu quả nhất của [308] chính sách, chính nó giải quyết những vấn đề lớn trong cuộc xung đột.

Cuộc xung đột cũng có tác dụng như một cú hích mới để phát triển Hải quân.

Cần lưu ý tốc độ đặc biệt mau lẹ mà người Anh đã thể hiện trong các hoạt động huy động lực lượng. Chỉ cần 3 ngày đêm họ đã phái đến Nam Đại Tây Dương thê đội thứ nhất. Phi đoàn "Sea Harrier", đóng trên tàu sân bay "Hermes" đã được huy động trong vòng 24 giờ (trong thời gian đó số lượng máy bay trong phi đoàn đã tăng từ 5 lên 12, còn các nhân viên bảo trì - từ 100 lên đến160 người). Công tác huy động và cải tạo chuyển đổi các tàu buôn sang dùng cho mục đích quân sự cũng được thực hiện nhanh chóng như vậy.

Căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Ascension đóng một vai trò quan trọng, nó cho phép người Anh thực hiện thành công chiến dịch Falkland trong một khu vực xa chính quốc hàng ngàn dặm. Các chuyên gia quân sự Mỹ sau cuộc xung đột tuyên bố rằng, thực tế đã xác nhận chiến lược "đảo" (hoặc chiến lược "căn cứ") của họ, họ dự kiến sẽ thành lập tiếp các căn cứ của mình ở các vùng khác nhau trên Địa Cầu. Chỉ cần nhớ Hoa Kỳ đã có hơn 300 căn cứ chính và hơn hai nghìn cơ sở quân sự khác nhau nằm tại 30 quốc gia.


Máy bay ném bom chiến lược Anh "Aero Vulcan" tại căn cứ KQ trên đảo Ascension trong giai đoạn cuộc chiến tranh Falklands năm 1982.

Trong tiến trình cuộc xung đột, trong tình huống chiến đấu đã áp dụng các mẫu thiết bị quân sự và vũ khí hiện đại nhất cùng các thủ pháp chiến thuật sử dụng chúng. Điều này cho phép xác định những mặt mạnh và yếu của vũ khí trang bị hiện có và triển vọng phát triển tiếp theo của nó và phương pháp ứng dụng chiến đấu.

Theo kinh nghiệm của cuộc xung đột Anh-Argentina cho thấy trong các điều kiện có sự đe dọa thường xuyên của các cuộc không kích của đối phương mà không có hệ thống radar phát hiện mục tiêu trên không ở tầm xa đáng tin cậy, một binh đoàn mạnh dù bao gồm ngay cả những tàu mặt nước tiên tiến nhất [309], cũng có tính ổn định trong chiến đấu khá thấp. Do người Anh không có máy bay tuần thám radar chuyên dụng, phần lớn các cuộc không kích của phía Argentina là bất ngờ đối với họ. Nỗ lực khắc phục điểm yếu này, bằng cách đặt nhiệm vụ cảnh giới radar tầm xa AWACS lên các máy bay "Sea Harrier" và "Nimrod" và thậm chí cả các tàu khu trục kiểu "Sheffield", đã không thành công. Đó là lý do tại sao Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ Lehman ủng hộ việc xây dựng các tàu sân bay độ choán nước lớn, các tàu đó, theo ý kiến của ông ta, không chỉ có các máy bay chiến đấu siêu âm, mà còn trang bị cả các máy bay mang radar cảnh giới tầm xa, có thể đảm bảo công tác phòng không đáng tin cậy bảo vệ nhóm tàu ở bất kỳ khu vực nào trên các đại dương Thế giới.


Tàu chiến Anh cố gắng cứu frigate "Ardent"

Từ kinh nghiệm chiến đấu ở Nam Đại Tây Dương cần nhớ rằng máy bay cường kích và tiêm kích-bom có thể đánh trúng thành công các mục tiêu mặt nước bằng bom thông thường từ tư thế bay bằng ở độ cao thấp. Quan niệm sai lầm của các chuyên gia quân sự Argentina về vai trò và vị trí của các máy bay ném bom-phóng ngư lôi trong hải chiến hiện đại đã tác động tiêu cực tới các kết quả cuối cùng của cuộc chiến. Nếu Hải quân Argentina có các phương tiện phóng ngư lôi, những tổn thất hạm đội Anh gánh chịu còn lớn hơn nhiều. Trong thời gian xung đột, vũ khí thủy lôi chỉ có thể mang lại thành công nếu sử dụng nó với số lượng lớn.

Trong quá trình tác chiến, các tàu mặt nước Hải quân Anh rất dễ bị tổn thương: chúng bị hư hỏng ngay cả với bom thông thường, đặc biệt là trong các cuộc không kích ồ ạt trong thời tiết xấu và ở độ cao thấp. Để đẩy lùi thành công các cuộc không kích lớn cần phải có hệ thống điều khiển tự động phương tiện PK của một tàu đơn lẻ cũng như của toàn binh đoàn và nâng cao hiệu quả của hệ thống TL phòng không bằng cách tăng cự ly xạ kích, [310], tốc độ bắn, giảm vùng chết và thời gian phản ứng. Cũng cần trang bị trên các tàu hệ pháo phòng không có tốc độ bắn cao. Quỹ đạo bay thẳng, tốc độ cao và hệ số phản xạ thấp của các tên lửa chống hạm hiện đại chỉ ra tính hợp lý của việc tiêu diệt các máy bay đối phương - mang TLCH trước khi chúng tiến đến giới hạn cự ly khai hỏa vũ khí. Máy bay tiêm kích đánh chặn tầm xa có thể làm được điều này.

Phân tích tổn thất chỉ ra khả năng sống sót rất yếu của các tàu chiến hiện đại, cũng như các lực lượng cứu hộ và trang thiết bị cứu nạn hiện có không đáp ứng được các yêu cầu đặt ra.

Việc người Anh sử dụng các trang bị đối kháng điện tử đã làm giảm đáng kể hiệu quả các loại vũ khí tên lửa của đối phương. Đồng thời, kinh nghiệm cho thấy tên lửa chống hạm, trong một số trường hợp, chỉ được phát hiện trong một vài giây trước khi đạn tiếp cận mục tiêu và thời gian truyền chỉ thị mục tiêu vẫn còn rất thấp, vì vậy cần thiết phải có một hệ thống tự động hóa phát nhiễu lưỡng cực phản xạ có các đặc tính kỹ-chiến thuật cải tiến đạt hiệu quả cao.

Kinh nghiệm chiến đấu khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ các yêu cầu tương thích về điện từ của khí tài vô tuyến điện tử, tạo điều kiện làm việc không bị nhiễu cho tất cả các loại radar, khí tài thông tin liên lạc vô tuyến điện và hệ thống điều khiển vũ khí.

Ban lãnh đạo Mỹ và NATO tìm cách sử dụng tối đa các tàu dân sự phù hợp với nhu cầu chiến tranh. Vai trò và mức độ huy động tàu vận tải trong chiến tranh đã tăng lên. Chẳng hạn, trong Thế chiến 1, nước Anh huy động 5 ngàn tàu, sau đó trong Thế chiến 2 con số này vượt quá 12 nghìn đơn vị. Tại cuộc xung đột Falklands, trong một thời gian rất ngắn đã [311] huy động hơn 70 tàu. Trong khi trước đây để cải tạo chuyển đổi tàu vận tải cần phải hàng tháng và hàng năm, hiện nay thời hạn này chỉ còn giới hạn bằng một số ngày và giờ.

Kinh nghiệm sử dụng sức mạnh không quân cho thấy việc tiếp nhiên liệu cho máy bay trên không có vai trò to lớn như thế nào. Do quy mô không gian của khu vực chiến đấu, nhu cầù loại hình đảm bảo trên lớn đến mức người Anh phải chuyển đổi trang bị một phần máy bay "Vulcan" và "Hercules" để làm máy bay tiếp dầu, còn người Argentina sử dụng cho mục đích này các máy bay cường kích và máy bay ném bom, thay vì treo bom thì mang thùng nhiên liệu.


"Ardent" chìm

Trong cuộc xung đột Anh-Argentina, mặc dù có sự trang bị cực kỳ cao cho lực lượng vũ trang của các bên tham chiến các mẫu vũ khí thiết bị quân sự mới nhất, yếu tố tinh thần vẫn là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh vũ trang.

Một điểm đặc trưng của cuộc xung đột này là người Anh chỉ phải phòng thủ chống phương tiện tấn công đường không của đối phương, và chỉ vào ban ngày. Các lực lượng Argentina khác tỏ ra thụ động, điều đó cho phép người Anh vẫn giữ được thế chủ động và giải quyết thành công nhiệm vụ đặt ra.

Chi phí của London cho cuộc chiến tranh ở Nam Đại Tây Dương là khá đáng kể, đặc biệt trong hoàn cảnh tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát đang cao. Trong báo chí Anh ta có thể thấy nhận xét về tính không cân xứng giữa chi phí và mục tiêu - chiếm giữ một nhóm các hòn đảo nhỏ. Chỉ riêng việc điều động đơn vị đặc nhiệm 317 tới Falkland, ước tính chi phí từ 200 - 300 triệu £ (360-540 triệu đô la Mỹ). Để duy trì các lực lượng viễn chinh Anh tại Nam Đại Tây Dương một ngày tốn 3 triệu bảng Anh. Một tên lửa trị giá 10 triệu bảng Anh (18 triệu USD), ngư lôi - 500 triệu bảng Anh (900 triệu USD), một máy bay "Harrier" - [312] 5-6 triệu bảng Anh (9-10 triệu đô la ). Tàu khu trục kiểu "Sheffield" có chi phí xây dựng 20-25 triệu bảng (38-47 triệu USD), trong năm 1982 lạm phát ước tính 120 triệu bảng Anh (230 triệu USD). Sau khi kết thúc cuộc xung đột, giá của cuộc chiến đối với Vương quốc Anh ước tính £ 1,5 tỷ. Tuy nhiên, số liệu trên còn xa mới đầy đủ.


Falkland, chim cánh cụt trên bãi biển Volunteer

HẾT CHƯƠNG 7
.........
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Tám, 2013, 10:54:08 am gửi bởi qtdc » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM