Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 02:49:27 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hạm đội trong những cuộc xung đột cục bộ nửa sau thế kỷ 20  (Đọc 74163 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #20 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2012, 08:54:11 pm »

(tiếp)



USS Princeton CV-37 và các máy bay F-9F-2 Panther thuộc phi đoàn 191 đang bay tiêu dầu trước khi hạ cánh trên tàu mẹ. Chiến tranh Triều Tiên, 1951 (en.viki).

Mùa xuân năm 1951 bộ chỉ huy Mỹ có ý định phá hủy đập chắn hồ chứa nước Hwachon và phá hoại một loạt cầu phà. [65]


Máy bay hải quân Mỹ phi đoàn 195 (VA-195) trên tàu sân bay USS "Princeton" tấn công hồ chứa nước Hwachon năm 1951 (lbiblio.com).

Vào lúc 16:00 giờ ngày 30 tháng 4, 6 chiếc «Skyraider» từ tàu sân bay USS «Princeton», mang theo 2 trái bom 900 kg, hộ tống là 5 chiếc «Corsair», có nhiệm vụ chế áp pháo phòng không, đã tấn công đập nước. Ngày hôm sau các máy bay tiếp tục phóng ngư lôi vào cũng con đập đó. Tham gia tấn công có 8 «Skyraider», mỗi chiếc mang một trái ngư lôi, hộ tống là 20 chiếc «Corsair». Các máy bay hợp thành cặp 2 chiếc một tiến vào công kích. Lần này hoạt động của chúng thành công hơn [66]. Có 6 trong 8 quả ngư lôi đã trúng đích, tuy nhiên người Mỹ không thành công trong việc phá hủy hệ thống các cầu phà.


Hoạt động quân sự trong chiến tranh Triều Tiên, tháng 10/1950 - 7/1953.

Từ tháng 7 năm 1951 bắt đầu sang một giai đoạn chiến tranh mới tại Triều Tiên: thay đổi về nguyên tắc mục đích ném bom các đối tượng trên đất liền. Nhiệm vụ đặt ra trước các máy bay Mỹ: hạn chế khả năng tấn công của lực lượng lục quân đối phương, tiếp tục không kích mãnh liệt vào các cơ sở quân sự và công nghiệp Bắc Triều Tiên và bằng cách ấy tạo ra điều kiện để ký kết thỏa thuận ngừng bắn có lợi. Các lý thuyết gia quân sự Mỹ gọi giai đoạn chiến tranh này là “Mặt trận trên không” («воздушной кампанией»), bởi vì đóng vai trò quyết định trong đấu tranh vũ trang là các trận oanh tạc đường không. Cần nhận xét rằng lúc đó các nỗ lực cơ bản của lực lượng không quân chủ yếu hướng vào việc cách ly các khu vực có chiến sự với hậu phương đất nước và cắt đứt nguồn tiếp tế hàng quân sự cho quân đội đối phương. Điều đó có ảnh hưởng trực tiếp đến tính chất hoạt động của quân đội КNA, mà vì thế họ lập kế hoạch tác chiến vào thời gian trời tối và thực hiện vận chuyển quân sự vào ban đêm.
.......
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Sáu, 2012, 09:25:03 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #21 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2012, 10:00:46 pm »

(tiếp)



Hồ chứa nước và nhà máy thủy điện Sui-ho trên sông Áp Lục đang được người Nhật xây dựng tháng 7 năm 1942 (en.viki).

Trong tiến trình «chiến tranh đường không» ngày 23 tháng 6 năm 1952 các máy bay từ các tàu sân bay USS “Boxer”, «Princeton» và «Philippine Sea» thực hành tấn công quy mô lớn vào nhà máy thủy điện Sui-ho. Tham gia công kích có đến 150 máy bay (trong số đó hơn 50% — tiêm kích). Trong vòng 5 phút trước khi nhóm tấn công (35 máy bay ném bom bổ nhào AD «Skyraider») tiếp cận mục tiêu, 35 máy bay tiêm kích phản lực “Panther” đã công kích các cơ sở phòng không. Tiếp theo, từ độ cao gần 1000 m, các máy bay AD «Skyraider» đã bổ nhào ném các trái bom 450 và 900 kg. Trên chiều cao 500 m các máy bay cường kích bổ nhào chuyển sang bay bằng và tiếp tục bắn phá các mục tiêu bằng hỏa lực pháo-súng máy. Chỉ trong vòng khoảng 3 phút người Mỹ đã ném xuống nhà máy thủy điện gần 90 tấn bom. Cuộc tấn công được sự bảo vệ của 84 máy bay tiêm kích F-86 «Sabre» thuộc tập đoàn quân không quân 5. Tổng số tham gia ngày hôm đó vào các cuộc tấn công 4 nhà máy điện có 230 máy bay cất hạ cánh trên hạm của hải quân và 270 máy bay của không quân thuộc tập đoàn không quân số 5. [67]


Không kích nhà máy điện Sui-ho (kmike.com).

Ngày 11 tháng 7 năm 1952, 91 máy bay từ tàu sân bay «Bonne Homme Richard» và «Princeton» dưới sự bảo vệ của các máy bay tiêm kích F-86 «Sabre» tấn công Bình Nhưỡng; Ngày 27 tháng 7 máy bay hải quân tấn công nhà máy kẽm-chì ở Sindok và nhà máy magiê ở Kilchu; Ngày 1 tháng 9 diễn ra cuộc ném bom oanh tạc của 144 máy bay từ các tàu sân bay USS «Essex», «Princeton» và «Boxer» vào nhà máy chế biến dầu mỏ ở Aoji.


B-29 ném bom Bình Nhưỡng.

Do mức độ tổn thất tăng cao bộ chỉ huy Mỹ buộc phải khởi động hoạt động bay đêm và tìm kiếm các phương thức chiến thuật mới. Để thực hiện tấn công, các máy bay bắt đầu tiếp cận ở các độ cao thấp, chủ yếu từ phía mặt trời, đôi khi dưới sự che phủ của các màn khói. Trong thời gian trời tối thường sử dụng bom chiếu sang và các đèn chiếu. Tấn công vào các đối tượng được lực lượng phòng không bảo vệ có 2 nhóm: nhóm thứ nhất — tấn công vào các phương tiện phòng không, nhóm thứ hai (với các giãn cách tối thiểu) — vào các mục tiêu. Để gây khó khăn cho việc khôi phục công việc người Mỹ sử dụng bom nổ chậm, phụ thuộc vào việc cài đặt ngòi nổ chậm, bom có thể phát nổ sau 72 giờ.

Về ban đêm các máy bay hải quân, thường hoạt động theo tốp 2 chiếc, theo phương pháp «đi săn tự do». Mỗi tốp được giao một đoạn đường có độ dài đến 250 km. Một máy bay khi tiếp cận mục tiêu hạ thấp độ cao trinh sát trước, còn chiếc thứ hai tiếp tục bay trên độ cao cũ. Khi phát hiện mục tiêu theo dẫn đường của máy bay bay trước ở độ cao nhỏ, chiếc bay trên cao sẽ nhào xuống công kích. Khi cần thiết mục tiêu sẽ được chiếu sáng. Vào cuối cuộc chiến, bộ chỉ huy Mỹ soạn ra kế hoạch có tên mã “No dose”, theo đó có kế hoạch sử dụng chuyên biệt cho các hoạt động ban đêm không đoàn của tàu sân bay USS “Princeton”. Trên tàu sân bay này có toàn bộ các kíp bay đã được huấn luyện bay đêm. Tuy nhiên ý định của người Mỹ đã không thể thành hiện thực vì chiến sự đã chấm dứt.

Trách nhiệm lãnh đạo việc phá hoại hệ thống giao thông bộ được trao cho tư lệnh tập đoàn không quân 5 Không lực Mỹ [68], người sẽ tổ chức phối hợp tác chiến (trên mức độ chiến dịch và cả chiến lược) với không quân hải quân. Việc tổ chức hợp đồng về cơ bản là phân chia các khu vực trách nhiệm của các loại máy bay: bộ chỉ huy Mỹ lựa chọn kỹ càng các đối tượng để tấn công; thường xuyên tổ chức trinh sát đường không, trong đó có việc chụp không ảnh các tuyến đường quan trọng nhất. Từ một tàu sân bay hạng nặng hàng ngày có đến 120 máy bay thực hiện các phi vụ, trong đó 25% — các phi vụ trinh sát. Tổng cộng trong thời kỳ từ 1950 đến 1953 máy bay của hải quân và thủy quân lục chiến đã thực hiện gần 27 ngàn chuyến bay. Tháng 9 năm 1951 người Mỹ lập danh sách 10 cầu đường sắt và 17 cầu đường bộ, cần phải phá hủy trước tiên. Về cơ bản cuộc tấn công vào các cầu diễn ra một cách đồng thời hoặc nối tiếp nhau: đồng thời có thể là ồ ạt (có sự tham gia của các máy bay từ tất cả các tàu sân bay của lực lượng đặc nhiệm 77), hoặc theo nhóm (với sự tham gia của các máy bay chỉ từ một tàu sân bay); tấn công nối tiếp, theo lệ thường, diễn ra trong suốt thời gian trời sáng của một ngày đêm.
.......
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Sáu, 2012, 11:38:47 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #22 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2012, 12:49:10 am »

(tiếp)



Biểu đồ sử dụng các tàu sân bay trong Chiến tranh Triều Tiên.

Trong nhóm tấn công có 8 — 10 chiếc cường kích và 8—16 tiêm kích hộ tống: nhóm thứ nhất, sử dụng bom 450 hoặc là 900 kg, tấn công vào các cầu, còn nhóm thứ hai — chế áp hỏa lực vũ khí phòng không bằng bom 45 và 225 kg hoặc rocket 127-mm. Tương quan giữa máy bay tấn công và máy bay yểm trợ đầu chiến tranh là 1:2, còn về sau — 1:4.

Do sự tham gia tấn công nhóm của cả máy bay động cơ cánh quạt piston và máy bay động cơ phản lực nên đòi hỏi phải có sự hoàn thiện tổ chức nhất định cho việc tác chiến hợp đồng của chúng. Các máy bay động cơ piston cất cánh khỏi tàu sân bay đầu tiên, sau đó đến lượt các biên đội máy bay tiêm kích phản lực: biên đội thứ nhất sau 50 phút (sau khi đuổi kịp trên đường bay các máy bay động cơ piston, biên đội sẽ hộ tống họ đến mục tiêu), biên đội thứ 2 và 3 — giãn cách thời gian 15 phút (biên đội thứ 2 yểm hộ các máy bay tấn công trong khu vực mục tiêu, còn biên đội thứ 3 — hộ tống họ trên đường trở về). Từ đầu chiến tranh [69] và đến trước tháng 12 năm 1951 quan hệ giữa các phi vụ của máy bay động cơ phản lực và cánh quạt là 1:2, từ tháng 12 năm 1951 đến tháng 6 năm 1952 — 2:3, từ tháng 6 năm 1952 đến tháng 3 năm 1953 — 1:1, từ tháng 2 năm 1953 đến tháng 7 năm 1953 — 4:3.

Để giảm tổn thất do hỏa lực pháo phòng không các đòn tấn công trước xuống các trận địa pháo cao xạ thường được phát động trước khi nhóm tấn công tiếp cận mục tiêu; các cuộc tấn công lặp vào mục tiêu bị bãi bỏ; độ cao tối thiểu cắt bom khi bổ nhào được nâng lên đến 2000 m; sự quan tâm lớn hơn được dành cho yếu tố bất ngờ, đặc biệt khi hoạt động tác chiến ban đêm. Các biện pháp này dẫn đến giảm tổn thất máy bay. Từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1952 các máy bay của lực lượng đặc nhiệm 77 đã thực hiện 7000 phi vụ tấn công vào các đường giao thông trên đất liền, trong đó chỉ một tháng rưỡi đầu họ đã làm hư hại mạng đường sắt trên 3000 đoạn và phá hủy 80 chiếc cầu. Thực sự tổn thất đã giảm: nếu từ tháng 12 năm 1951 đến tháng 6 năm 1952 trong thành phần một không đoàn (tàu sân bay USS «Valley Forge») đã có 551 máy bay bị thương hoặc bị bắn rơi, thì trong thời kỳ từ tháng 6 — 12 năm 1952 tổn thất của một không đoàn (tàu sân bay USS «Bon Homme Richard») có tất cả 97 máy bay bị bắn rơi và bị thương.


Chiến sự giai đoạn 3 của Chiến tranh Triều Tiên, 10/1950 - 7/1953.

Cần nhận xét rằng từ đầu chiến tranh và cho đến giữa 1952 máy bay hải quân tấn công các mục tiêu đất liền một cách độc lập, nghĩa là không có sự hiệp đồng với các loại không quân khác. Sau 18 tháng đầu tiên của cuộc chiến, các máy bay hải quân của lực lượng đặc nhiệm 77 đã thực hiện 20 567 phi vụ, các máy bay của Thủy quân lục chiến — 25 266 phi vụ, còn các máy bay của Không lực — 126 702 phi vụ. Khi tiêu diệt các mục tiêu quan trọng đại bản doanh đã sử dụng trên quy mô lớn không quân lục quân và không quân hải quân, dù phương pháp này người Mỹ thường ít khi dùng đến.

Từ 5 tháng 6 đến 20 tháng 9 năm 1951 không quân thuộc lực lượng đặc nhiệm 77 tham gia vào chiến dịch “Strangle”. Mục tiêu của chiến dịch là chia cắt mặt trận với hậu phương Bắc Triều Tiên. Lãnh đạo chiến dịch là tư lệnh Không lực Mỹ vùng Viễn Đông. Ý đồ chiến dịch như sau: tập trung nỗ lực của không quân chiến thuật Không lực Mỹ [70], không quân của lực lượng đặc nhiệm 77 và không quân Thủy quân lục chiến vào việc phá hoại dài ngày việc vận chuyển trên các tuyến đường xe bánh xích trong dải giữa 38'15" и 39'15" của vĩ tuyến Bắc, xa mặt trận 15 —40 km, tiếp theo cô lập nhóm quân KNA trên mặt trận. Tuyến được chia thành 8 đoạn, trong đó 3 đoạn phía Tây thuộc trách nhiệm tập đoàn không quân số 5 Không lực Mỹ, hai phân đoạn trung tâm — lực lượng đặc nhiệm 77, ba đoạn phía đông — không đoàn 1 TQLC. Trong thời gian 3,5 tháng, người Mỹ “cày ải” một cách có phương pháp bằng các cuộc ném bom vào tuyến đã định, nhưng họ cũng không thu được kết quả mình mong muốn. Đến cuối hè nhìn thấy rõ chiến dịch «Strangle» đã sụp đổ.
.......
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Sáu, 2012, 02:01:13 am gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #23 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2012, 02:35:22 am »

(tiếp)


Toàn bộ các tuyến đường, các cầu, các tuy-nen đều được lực lượng pháo cao xạ bảo vệ. Ngoài ra bộ chỉ huy KNA đã ngụy trang tốt các mục tiêu; xây dựng được các mẫu mô phỏng việc hư hỏng các cầu, các nền đường sắt, các tuy-nen và v.v… Xe lửa và ô tô chỉ di chuyển về đêm, ban ngày chúng được cất giấu hoặc ngụy trang. Thường thường khi máy bay Mỹ công kích, các tài xế xe tải làm ra vẻ bị hư hại khi đôt cháy các bó giẻ lau ngấm đầy dầu mỏ. Các công trình bị phá hoại đã được khôi phục một cách linh hoạt. Việc khôi phục các nền đường sắt dài 100 m chỉ tốn không đến một ngày đêm.

Từ ngày 9 tháng 10 năm 1952 đến tháng 6 năm 1953 người Mỹ đã phá hủy các mục tiêu trên đất liền theo kế hoạch chiến dịch «Cherokee», trong đó dự kiến tiêu diệt các công trình có nhiệm vụ khác nhau trong một dải rộng 20 km, gần tuyến mặt trận nhưng ở ngoài tầm bắn của pháo binh dã chiến. Trong tháng 10, tham gia các hoạt động đó chỉ có máy bay của TF 77, từ tháng 11 có thêm lực lượng của tập đoàn quân không quân 5 không lực Mỹ. Lãnh đạo các hoạt động của lực lượng tham gia kế hoạch «Cherokee» được giao cho tư lệnh tập đoàn không quân 5. [71]



Các cuộc tấn công của máy bay hải quân Mỹ theo kế hoạch "Cherokee".

Trong những tháng riêng biệt, chỉ riêng máy bay trên tàu sân bay đã thực hiện hơn 1000 phi vụ. Tuy nhiên chiến dịch này không cho những kết quả rõ rệt dù nó kéo dài đến khi gần kết thúc cuộc chiến.

Kết quả hoạt động chiến đấu trong chiến dịch "Cherokee" của máy bay thuộc lực lượng đặc nhiệm 77:


Từ tháng 4 năm 1952 người Mỹ thực hành các cuộc tấn công bắn phá phối hợp không quân-pháo binh. Thông thường trong ngày luôn có vài cuộc tấn công như vậy. Đầu tiên là pháo trên chiến hạm khai hỏa, sau đó khi đã làm suy yếu lực lượng phòng thủ đường không thì không quân sẽ giáng đòn chủ yếu.

Tính bất ngờ của cuộc tấn công được coi là yếu tố quan trọng nhất cho thành công. Vì vậy các đường bay triển khai cho máy bay được chọn bên ngoài khu kiểm soát của radar, chuyến bay thực hiện trên các độ cao nhỏ, sử dụng các nếp gấp địa hình, mây và v.v. Phương pháp sử dụng vũ khí cơ bản là ném bom khi bổ nhào. Được ưa thích hơn cả là xạ kích có điều chỉnh, thông qua các trạm quan sát điều chỉnh hỏa lực trên đất liền, trên trực thăng và máy bay cánh cố định. Trách nhiệm tổ chức hoạt động phối hợp khi thực hiện tấn công hợp đồng được giao cho tư lệnh lực lượng đặc nhiệm 77.

Ngày 11 tháng 1 năm 1952 bộ chỉ huy Mỹ lập kế hoạch chiến dịch phá hoại tuyến giao thông bộ ven biển [72], sau khi đặt tên mã cho kế hoạch là «Package». Theo kế hoạch chiến dịch vùng chạy dọc bờ biển của tuyến đường sắt từ Songchjin đến Hungnam được chia ra 5 phân đoạn, mỗi phân đoạn đó được giao cho một nhóm chiến thuật gồm các tàu mặt nước và máy bay. Trong khu vực của mỗi phân đoạn đều thiết lập các phao có gương phản xạ radar để xác định chính xác vị trí cho các tàu chiến về đêm và trong lúc tầm nhìn hạn chế. Điều đó cho phép các tàu chiến đến gần bờ ở khoảng cách 1400 — 1800 m và bắn ngắm trực tiếp. [73] Cũng như trước đây, hoạt động của tàu chiến và máy bay luân phiên xen kẽ nhau. Việc bắn phá giao thông diễn ra trong thời gian các cuộc không kích ngắn. Các tàu chiến cũng tiến hành bắn phá dai dẳng gây khó khăn cho công tác khôi phục.

Theo số liệu của người Mỹ, trong thời gian từ tháng 7 năm 1951 đến tháng 6 năm 1953 họ đã tiêu diệt hoặc làm hư hại:
— xe ô tô — 75 000;
— đầu máy hơi nước — 1000;
— toa xe đường sắt — 16000;
— cầu — 2000;
— sà lan và các loại tàu khác — 600;
— xe tăng — 300;
— trận địa pháo và trận địa hỏa lực nói chung
— hỏa điểm kiên cố — 15 000.
Tổng cộng trong toàn thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên, các máy bay thuộc lực lượng đặc nhiệm 77 đã thực hiện hơn 250 000 phi vụ chiến đấu. Trong đó từ tháng 7 năm 1950 đến tháng 12 năm 1951 chúng đã tiến hành 3276 phi vụ một tháng, từ tháng 12 năm 1951 đến tháng 6 năm 1952— 4024, từ tháng 6 năm 1952 đến tháng 2 năm 1953 — 4483, từ tháng 2 năm 1953 đến tháng 7 năm 1953— 5174. Trung bình để tấn công vào các mục tiêu trên đất liền đã thực hiện từ 67,5 đến 73% số phi vụ. Trong những năm chiến tranh, các máy bay trên tàu sân bay đã tấn công 850 114 mục tiêu, tiêu tốn 176 929 tấn bom, 271 890 đạn rocket, 73 888 000 viên đạn pháo-súng máy.
........
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Sáu, 2012, 12:21:05 am gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #24 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2012, 10:21:08 pm »

(tiếp)


Hạm đội quét mìn


Một đặc điểm đáng lưu ý trong Chiến tranh Triều Tiên là việc Hải quân Bắc Triều Tiên sử dụng rộng rãi thủy lôi trên biển, điều tất nhiên sẽ là sự đòi hỏi Hải quân Mỹ và các đồng minh phải có công tác bảo đảm chống thủy lôi rất nghiêm túc. Vào đầu chiến tranh, cuộc chiến đấu chống hiểm họa mìn chiếm vị trí trọng yếu trong tiến trình hoạt động đổ bộ, còn từ cuối năm 1950 các hoạt động cơ bản là công tác bảo đảm chống thủy lôi của các tàu pháo yểm trợ hỏa lực, của các lực lượng phong tỏa bờ biển [74] và quét sạch thủy lôi (mìn) tại các cảng và các khu mặt nước qua đó diễn ra sự tiếp tế hàng hóa cho quân đội.

Ví dụ, tháng 10 — 11 năm 1950 người Mỹ phải tiêu hủy bãi mìn trong khu vực cảng Nampho. Việc quét mìn rất khó khăn do các điều kiện địa-vật lý không thuận lợi. Cao độ đỉnh triều trong khu vực lên tới 3,5 m, tốc độ dòng chảy cao hơn 3 hải lý. Độ trong của nước kém làm cho việc phát hiện từ trên không các trái mìn đặt nông trở nên khó khăn.


Cảng Nampho (hay Chingnampo) phía nam Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên (en.viki).

Trong bãi mìn phòng thủ mà Hải quân Bắc Triều Tiên bố trí tại vũng cảng ngoài và trên khu mặt nước dẫn vào cảng, người ta tính có đến 212 trái mìn, sắp thành 6 tuyến, trong đó một tuyến là các trái mìn đáy từ tính, các tuyến khác là mìn neo tiếp xúc (vướng nổ). Ngoài ra, cảng được bảo vệ từ phía bắc bởi 3 tuyến mìn neo.


USS Catamount LSD-17 cùng một chiếc LCVP trong chiến dịch quét mìn ở Chinnampo, Bắc Triều Tiên, khoảng tháng 11 năm 1950, Ở đằng xa bên trái là kỳ hạm của chiến dịch này - USS Forrest Royal DD-872 (en.viki).

Để phá hủy bãi mìn, người Mỹ đã thành lập nhóm tác chiến đặc nhiệm 95.69 dưới sự chỉ huy của thiếu tá hải quân Аrcher. Trong thành phần của nó có 2 tàu quét mìn cao tốc và 7 tàu quét mìn căn cứ. Một toán người nhái-phá mìn được đưa tới khu vực trên tàu vận tải USS «Hоrace A. Bass». Nhóm đặc nhiệm sử dụng tàu dok-đổ bộ USS "Catamount" làm tàu căn cứ-tiếp tế.


USS Horace A. Bass APD-124.

Khi lập kế hoạch hoạt động chống mìn, việc tiến hành trinh sát bãi mìn và đánh giá điều kiện địa-vật lý của khu vực đóng vai trò lớn. Các tù binh quân sự, các hoa tiêu biết rõ cảng Nаmpo đã được thẩm vấn, đồng thời cũng tiến hành thu thập các sổ tay hàng hải về khu vực này. Việc trinh sát mìn được tiến hành bằng các máy bay «Маrtin» và «Sunderland», các trực thăng trên hạm và các biệt kích-phá mìn. Kết quả trinh sát mìn đã xác định trong khu vực có đến 300 trái mìn. Trong quá trình trinh sát mìn các thợ lặn đã phá nổ 44 mìn, còn 9 quả khác bị pháo binh bắn hủy. Đối với các bãi mìn thưa, người Mỹ ném xuống đó vài trái bom.


S-25 Sunderland của RAAF.

Chẳng hạn, ngày 28 tháng 11 máy bay đã ném xuống bãi mìn 32 trái bom chìm 50 kg. Tuy nhiên trận bom đó chỉ kích nổ được [75] một thủy lôi. Ngày hôm sau, các máy bay «Neptune» ném tiếp 16 trái bom chìm và phá được 3 thủy lôi.


Đường cao tốc nối Bình Nhưỡng với cảng Nampho hiện nay (en.viki).
...........
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Sáu, 2012, 11:28:32 am gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #25 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2012, 11:26:15 am »

(tiếp)



USS Thompson DD-627 tiếp dầu từ USS Arkansas BB-33 trong cuộc đổ bộ Normandy tháng 4 năm 1944, Chiến tranh thế giới thứ Hai (en.viki).

Ngày 29 tháng 10 hai tàu quét cao tốc USS «Carmick» và USS «Thompson» bắt đầu quét khu mặt nước dẫn vào cảng. Các tàu quét mìn căn cứ bắn hủy các trái mìn đã bị nhổ lên và xác định ranh giới khu mặt nước đã quét qua. Đến cuối tháng 11 đã quét được gần 200 dặm và tiêu hủy được 80 mìn: 36 — bằng máy bay, 27 — do lực lượng người nhái-phá mìn, 5 — do các tàu quét mìn, 12 mìn bị giật đứt neo trong thời gian có bão đã được pháo trên tàu bắn hủy.


USS Carmick DD-493.

Từ năm 1951 các nhóm quét mìn trên tàu đã thường xuyên thực hiện quét trinh sát và kiểm tra các khu mặt nước chủ yếu dọc theo duyên hải phía đông và tây Triều Tiên, các khu vực trận địa hỏa lực, tiến hành giám sát phong tỏa cả các nơi tàu thuyền neo đậu. Để quét mìn nước nông thường hay sử dụng các thuyền cao tốc quét mìn, làm tàu căn cứ mẹ cho chúng là các tàu đổ bộ kiểu LST. Các khu vực trận địa hỏa lực và các điểm tàu thuyền neo đậu được quét mìn sạch sẽ.

Công tác quét lại kiểm tra khu mặt nước các cảng chính diễn ra định kỳ 1 lần 1 tuần. Để làm điều đó đã phải huy động những lực lượng quét mìn lớn. Tại các thủy đạo dẫn vào cảng, người Mỹ bố trí các trạm quan sát chống mìn. Độ dài tổng cộng khu mặt nước thường xuyên được quét mìn là hơn 300 dặm (Nampho — 70, Hachjmin — 73, Inchon — 61, Моkpho — 73 dặm và v.v.).

So sánh với kinh nghiệm Thế chiến 2, cái mới trong tổ chức đảm bảo lực lượng chống mìn là việc sử dụng rộng rãi máy bay cánh cố định và trực thăng để trinh sát mìn. Kinh nghiệm sử dụng tàu đổ bộ LST làm căn cứ tiếp vận tạm thời cho lực lượng quét mìn cũng xứng đáng giành được sự quan tâm. Kinh chiến tranh tại Triều Tiên đã chỉ ra vai trò lớn mạnh của công tác đảm bảo chống mìn, mà việc không đánh giá đúng vị trí của nó đã thấy ngay sau Thế chiến Hai.

Ngày 3 tháng 1 năm 1951 người Mỹ bắt buộc phải [76] khôi phục lại Bộ chỉ huy lực lượng quét-thả mìn của Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ). Tư lệnh lực lượng này là chuẩn đô đốc Higgins đã nói: «Từ kinh nghiệm chiến tranh thủy lôi, mà chúng ta tham gia trong thời gian chiến tranh Triều Tiên, có thể thấy rất rõ ràng rằng thứ vũ khí chết người này có thể và sẽ được sử dụng thành công vô điều kiện với mọi kẻ thù mà ta gặp trong tương lai. Một thực tế hiển nhiên là khả năng của bất kỳ cường quốc biển nhỏ nào, chỉ cần làm chủ các phương tiện vận chuyển cơ bản, kinh nghiệm kỹ thuật không lớn và một số lượng tối thiểu các thiết bị không chuẩn bị trước, cũng có khả năng ngăn chặn những lực lượng hải quân lớn mạnh hiện đại xâm nhập vào các cảng của mình và khu nước nông gần bờ bằng cách sử dụng rộng rãi thậm chí chỉ những loại mìn đơn giản nhất ».
.......
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Sáu, 2012, 12:27:12 am gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #26 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2012, 05:14:16 pm »

(tiếp)


Hạm đội hỗ trợ các quân binh chủng


Ngược lại với Thế chiến Hai, yểm trợ hỏa lực cho quân đội bằng không quân và pháo binh thường được tiến hành khi đổ bộ đường biển, trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên dạng công tác đảm bảo này có một ý nghĩa độc lập.


DH-98 Mosquito của Không lực Hoàng gia Anh trong Thế chiến 2 (en.viki).

Yểm trợ không quân cho quân chủng lục quân là nhiệm vụ chủ yếu được giao cho các máy bay thuộc lực lượng đặc nhiệm 77 và Không đoàn 1 TQLC. Ưu thế thống trị tuyệt đối trên không và trên biển cho phép lực lượng đặc nhiệm 77 có thể nhanh chóng bố trí trên một khoảng cách không xa bờ biển, trong một khu vực cơ động tác chiến gần như không thay đổi, nghĩa là các tàu sân bay được sử dụng như là một loại sân bay nổi. Toàn bộ tuyến mặt trận được chia thành một loạt các cung, chúng được đảm bảo chỉ bằng một chiếc máy bay “Mosquito” và một số nhóm dẫn đường mặt đất. Sư đoàn Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ có 13 nhóm dẫn đường cho máy bay yểm trợ trực tiếp - 1 nhóm cho mỗi tiểu đoàn và trung đoàn - và 1 nhóm tại bộ tham mưu sư đoàn, trong khi đó Không lực Mỹ chỉ dùng một nhóm dẫn đường cho mỗi trung đoàn, nghĩa là trong một sư đoàn có cả thảy 4 nhóm. [77]

Nhóm dẫn đường của Hải quân tham gia trực tiếp trong đội hình tác chiến của lục quân, còn nhóm của Không lực, theo lệ thường, tác nghiệp dẫn đường từ trên các máy bay. Bộ chỉ huy Mỹ tính rằng nếu sau 10-15 phút, kể từ khi phát yêu cầu yểm trợ trực tiếp đường không mà không thực hiện được, thì sau đó hiệu quả của nó sẽ bị giảm sút. Yểm trợ trực tiếp từ trên không có nghĩa là "tác động từ trên không vào các mục tiêu của kẻ thù trên đất liền và trên biển, các mục tiêu đó nằm gần với trận địa quân mình, việc mà trong mọi trường hợp cần phải dàn xếp cẩn thận các cuộc tấn công của máy bay với hỏa lực và sự cơ động của quân chủng lục quân".


Close Air Support: TQLC Mỹ tấn công Wonsan, phía trước là cột khói của các cuộc không kích yểm trợ gần của F4U-5 Corsair vào các trận địa của Chí nguyện quân Trung Quốc, ngày 26 tháng 12 năm 1950 (U.S. Department of Defense/CPL. P. McDonald) #.

Lực lượng tham gia yểm trợ trực tiếp đường không có các máy bay động cơ piston: tiêm kích F4U-4B «Corsair" và cường kích AD-4 "Skyraider". Vũ khí chính của các máy bay này là bom 500 - 1.000 pound, rocket 127 mm, đạn pháo 20-mm và các bình chứa napalm. Khi độ dài chuyến bay lên đến 4 giờ các máy bay có thể ở trên chiến trường từ 2 - 3 giờ.


Thiếu úy hải quân Jesse Brown, phi công hải quân Mỹ gốc Phi đầu tiên. Trong Chiến tranh Triều Tiên, thiếu úy hải quân Brown bay với VF-32 một phi đoàn F-4U Corsair đóng căn cứ tại Oceana Naval Air Station và bị bắn hạ trong một phi vụ yểm trợ gần trong trận đánh Hồ chứa nước Chosin tháng 11 năm 1950 (Hampton Roads Naval Museum).

Các đối tượng chính của các cuộc tấn công là binh lính, các cỗ pháo và súng cối trên các trận địa hỏa lực, các xe tăng, v.v., trong khoảng từ 50 m đến 16 km cách các đơn vị tuyến đầu (của quân mình). Một tiểu đoàn được hỗ trợ chủ yếu bởi hai phi đội gồm đến 40 máy bay. Các cuộc tấn công thực hiện bằng các tốp nhỏ, 4 -8 máy bay, trong một số trường hợp riêng - 12 đến 18 máy bay, có và không có tiêm kích yểm hộ.

Do thông tin liên lạc không đáng tin cậy giữa các máy bay và các toán dẫn đường, các máy bay "Skyraider" và "Corsair" thường phải hơn một tiếng đồng hồ bay lượn vòng tròn trên chiến trường chờ đợi truyền chỉ thị mục tiêu. Cuộc tấn công các mục tiêu thường được thực hiện trong quá trình bổ nhào từ độ cao 3000 m, tiếp theo là bắn phá mục tiêu bằng pháo-súng máy từ độ cao không nhỏ hơn 300 m. Trong giai đoạn căng thẳng gia tăng trong các hoạt động tác chiến trên bộ, nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực cho lục quân trở thành nhiệm vụ chính yếu của các máy bay thuộc đơn vị đặc nhiệm 77. Ví dụ, chỉ tính đến trước ngày 3 tháng 9 năm 1950, các máy bay của lực lượng này [78] đã tiến hành gần 2.500 phi vụ. Trong 583 trường hợp, việc dẫn đường được thực hiện bởi máy bay "Mosquito", còn trong những trường hợp khác - do các nhóm dẫn đường mặt đất, đôi khi các phi công tấn công các mục tiêu mình tự chọn.


Korean War Close Air Support, 1951:
Không ảnh của thiếu tá hải quân Richard C. Merrick, sỹ quan chỉ huy, Liên đoàn không quân 19, đóng căn cứ trên USS Princeton (CV-37), 11 tháng 5 năm 1951, với những nét vẽ và đoạn văn mô tả được người trình bày ảnh thêm vào. Chúng cho thấy hiệu quả của yểm trợ gần đường không hải quân (Navy close air support) lên các lực lượng Chí nguyện quân Trung quốc đang chiến đấu với các đơn vị quân Mỹ ở phía đông bắc Seoul.
Photo #: NH 97039 (extended caption).


Không quân của Thủy quân lục chiến trong cùng thời kỳ đã thực hiện 1359 phi vụ. Cần lưu ý rằng trong trường hợp không có hướng dẫn từ mặt đất, theo lệ thường, nói chung các cuộc tấn công thường không hiệu quả và không đạt được mục tiêu. Một trong những chỉ huy lực lượng đặc nhiệm 77, chuẩn đô đốc Juan về việc này đã viết: "Việc tiếp tục yểm trợ đường không theo các phương pháp hiện có là lãng phí và không hiệu quả. Theo tôi, trong việc đảm bảo yểm trợ trực tiếp trong khu vực Taegu tiềm năng của Hạm đội 7 chỉ được sử dụng dưới 30%".
........
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Sáu, 2012, 12:27:32 am gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #27 vào lúc: 15 Tháng Sáu, 2012, 10:37:04 pm »

(tiếp)

Chiếm ưu thế thống trị trên biển và trên không, để giải bài toán yểm trợ đường không trực tiếp người Mỹ phải huy động một lực lượng lớn, trong khi không phải lo sợ cho sự an toàn của các tàu sân bay. Ngoài ra, các hoạt động của không quân được đơn giản hóa do sức chống cự yếu của máy bay tiêm kích và hệ thống phòng không đối phương. Bộ tư lệnh Bắc Triều Tiên phải dành đến 75% lực lượng và trang bị phòng không bảo vệ các tuyến giao thông liên lạc trên đất liền và các cơ sở công nghiệp, chỉ còn có 25% - để bảo vệ cho quân đội mình. Họ tìm cách khai thác những điểm yếu của đối phương. Ví dụ, các phi công Mỹ không thể giải quyết vấn đề yểm trợ cho quân đội của mình vào ban đêm và trong điều kiện thời tiết bất lợi. Lưu ý rằng từ tháng Bảy - tháng Tám năm 1950, bộ tư lệnh Bắc Triều Tiên khi tiến hành các hoạt động chiến đấu thường ưu tiên cho thời điểm trời tối trong ngày.

Pháo hạm yểm trợ các đơn vị lục quân được thực hiện bởi các nhóm tàu chiến chuyên biệt xây dựng từ lực lượng đặc nhiệm 70, 77 và 95. Trong các nhóm này có các loại tàu chiến khác nhau - từ các tàu khu trục [79] với các cỗ pháo 127 mm đến các thiết giáp hạm có các cỗ pháo cỡ nòng 406 mm.


USS Wisconsin BB-64 khai hỏa các cố pháo 16"/50 vào các mục tiêu trên bờ của phía Bắc Triều Tiên trong Chiến tranh Triều Tiên, ảnh chụp ngày 30 tháng 1 năm 1952 (en.viki).

Cường độ tác xạ của pháo binh hải quân là rất cao. Ví dụ, trong năm 1952, thiết giáp hạm USS "Wisconsin", tàu tuần dương hạng nặng USS "Saint Paul" và USS "Rochester", tàu tuần dương hạng nhẹ USS "Manchester" trong khoảng 2,5 tháng đã liên tục trút lửa vào các trận địa của KNA để yểm trợ các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến. Trong thời gian này các tàu chiến đó đã tiêu tốn 977 viên đạn cỡ 406-mm (với khoảng cách tác xại trung bình 16 dặm), đạn 203 mm - 1.661 viên (với khoảng cách tác xạ trung bình 11 dặm), 152 mm - 470 viên (với khoảng cách tác xạ trung bình 11 dặm). Kết quả của cuộc tấn công đó là phía Bắc Triều Tiên có 470 người bị chết, 450 người bị thương, có 6 khẩu đội pháo bị tiêu diệt và 18 khẩu đội bị hư hại, cuộc tấn công còn phá hủy 225 và làm hư hại 252 hỏa điểm kiên cố và hầm trú ẩn. Bộ chỉ huy Mỹ đánh giá cao hoạt động của các nhóm tàu chiến trong thời kỳ này. Tổng cộng trong Chiến tranh Triều Tiên, các tàu chiến đã bắn vào các đối tượng trên bờ hơn 4 triệu viên đạn pháo.


Photo # 80-G-440021:  USS Buck, USS Wisconsin & USS St. Paul ngoài khơi bờ biển Triều Tiên, năm 1952; USS Buck (DD-761), USS Wisconsin (BB-64) và USS Saint Paul (CA-73) đang di chuyển ổn định trong đội hình chặt chẽ trong thời gian một chiến dịch ngoài bờ biển Triều Tiên.
Ảnh chụp ngày 22 tháng 2 năm 1952 (en.viki).


Tài liệu chính khi yểm trợ pháo binh là bảng kế hoạch hỏa lực. Trong các điều kiện hoạt động phòng ngự các tàu chiến bắn theo "lệnh gọi". Các tàu chiến có mặt yểm trợ sẽ phái đại diện của mình đến ban tham mưu các sư đoàn. Các đại diện này thông báo cho các bộ chỉ huy lục quân về cơ số đạn hiện có, thời gian tàu ở trong khu vực yểm trợ, v.v. Ngược lại, ban tham mưu sư đoàn sẽ cung cấp cho tàu chiến các bản đồ cần thiết, giới thiệu cho các thuyền trưởng về địa hình của khu vực, thông báo tần số để liên lạc vô tuyến và gọi bắn.

Các vị trí xạ kích được quy định theo khả năng tới càng gần bờ càng tốt, trong khu vực đã quét mìn từ trước. Khoảng cách trung bình tới mục tiêu cho tàu tuần dương là 10 dặm, thiết giáp hạm - 16 dặm. Trong trường hợp không gặp phải kháng cự, các tàu khu trục sẽ tiếp cận bờ ở khoảng cách 700 - 800 mét và ngắm bắn trực tiếp. [80]

Điều chỉnh hỏa lực thường được thực hiện qua các trạm chỉnh pháo trên đất liền. Trong tháng 8 năm 1950 lần đầu tiên để điều chỉnh hỏa lực cho tàu tuần dương USS "Helena" đã sử dụng máy bay trực thăng thuộc biên chế trên tàu, trên trực thăng đó có một sĩ quan pháo binh.


USS Helena CA-75 trên đường tới Triều Tiên thực hiện nhiệm vụ chiến đấu lần thứ 3 trong cuộc chiến này năm 1952 và ghé cảng Apra trên đảo Guam (tháng 12 năm 1952), trên đường đi tàu chở theo Tổng thống Mỹ mới được bầu D.Eisenhower và bộ sậu của ông ta từ Guam tới Trân Châu Cảng (en.viki).
......
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Sáu, 2012, 01:05:59 am gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #28 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2012, 01:23:12 am »

(tiếp)


Hạm đội tiếp vận hàng hóa


Việc vận tải quân sự đến không gian chiến trường được thực hiện bằng đường biển và đường không. Vận chuyển đường biển từ Mỹ đến Nhật Bản tiến hành chủ yếu trên các tàu chiến và phương tiện nổi thuộc cơ quan tiếp vận hải quân Mỹ, còn từ Nhật Bản đến Hàn Quốc – bằng các tàu chiến và phương tiện nổi của Hải quân Hoa Kỳ và của các quốc gia khác tham gia cuộc chiến tranh chống lại Bắc Triều Tiên. Trong những ngày đầu của Chiến tranh Triều Tiên đã phát lộ những sự thiếu trọng tải của các loại tàu thuộc cơ quan tiếp vận hải quân. Do vấn đề này mà trong thời gian ngắn đã mở lại niêm cất 65 tàu loại "Victory" và thuê các tàu buôn thuộc các chủ sở hữu tư nhân, điều đó cho phép tới tháng 11 năm 1950 đã tăng được số lượng tàu lên con số 300, tới tháng 8 năm 1951 - lên đến 410, còn khi kết thúc chiến tranh - 658 tàu. Việc lập kế hoạch vận tải quân sự do bộ tham mưu tiếp vận hải quân đảm nhiệm, cơ quan này đóng tại Trân Châu Cảng (quần đảo Hawaii) và nó có 28 chuyên viên quân sự và 73 chuyên viên dân sự, nhiều người trong số họ đã thu nhận nhiều kinh nghiệm trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Nhờ công tác của bộ tham mưu này mà khối lượng vận tải kế hoạch hóa đã lên đến 80%, phần 20% còn lại là vận tải ngoài kế hoạch.


Vận chuyển hàng đường biển và đường không trong thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên.

Tuyến giao thông chính đi theo ba hướng: tuyến trung tâm - từ các cảng miền trung trên bờ biển phía Tây Hoa Kỳ đến các cảng trên bờ biển phía Đông Nhật Bản, tuyến phía nam - từ các cảng trong vịnh California tới các cảng phía Nam Nhật Bản thông qua quần đảo Hawaii, tuyến phía bắc - từ Canada và từ Alaska tới các cảng miền Bắc Nhật Bản. Những con tàu đi riêng lẻ thì nối nhau xuyên đại dương mà không có tàu hộ tống bảo vệ, còn các tàu vận tải đi thành nhóm - được hộ tống bởi các tàu khu trục, tàu tuần tra và các đoàn công voa tàu sân bay. [82]

Tổng kết cuộc Chiến tranh Triều Tiên, các nhà sử học quân sự Mỹ đã lập luận rằng "nếu không có ưu thế thống trị trên các tuyến đường biển giữa phương Tây và Triều Tiên, cũng như trong các vùng biển bao quanh bán đảo, cuộc chiến tranh này chắc chắn sẽ thua trên mọi khía cạnh. Và hậu quả của sự thất bại bây giờ sẽ là vô cùng hiển nhiên với mỗi người Mỹ. Các chiến dịch của các lực lượng lục quân và không quân Mỹ hoàn toàn phụ thuộc vào dòng chảy liên tục cung ứng quân mới, vật chất mới được chuyển vận chủ yếu thông qua Thái Bình Dương rộng lớn".

Kết luận như vậy được họ rút ra không phải không có cơ sở. Sáu trong số bảy binh sĩ đã được đưa đến Triều Tiên bằng đường biển, còn tổng số đã chuyển giao bằng tàu biển đến khoảng 5 triệu người, 52 triệu tấn hàng khô và 22 triệu tấn sản phẩm xăng dầu. Đối với mỗi người lính đổ bộ lên bán đảo, phải kèm theo 4 tấn thiết bị quân sự khác nhau, còn bổ sung hàng ngày là 29 kg các loại hàng hóa khác nhau cho một đầu người. Ứng với mỗi tấn tài nguyên vật chất, vận chuyển qua Thái Bình Dương bằng đường hàng không, có đến 270 tấn hàng hóa được giao đến không gian chiến trường bằng đường biển. Ngoài ra, đối với mỗi tấn hàng hóa vận chuyển bằng máy bay, phải có 4 tấn xăng dầu hàng không vận chuyển đến bằng đường biển.

Sự gia tăng lượng tiêu thụ các nguồn tài nguyên vật chất đã gây ra nhu cầu ngày càng tăng về trọng tải cần chuyển giao đến không gian chiến trường cho mỗi đầu người lính. Nếu trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, con số này là 5 - 7 GRT (Gross Register Tonnage), thì với Chiến tranh Triều Tiên - 10 GRT.

Để vận chuyển nhanh chóng con người, vũ khí, đạn dược và các hàng hóa khác đã sử dụng dịch vụ của cơ quan tiếp vận hàng không quân sự Mỹ. Trung bình trong một tháng hơn 7,6 nghìn quân nhân được vận chuyển theo đường hàng không từ Mỹ đến Nhật Bản. Để vận chuyển đã sử dụng đến 430 máy bay của cơ quan tiếp vận hàng không quân sự Mỹ và 70 máy bay của các hãng hàng không dân sự Mỹ. Chuyến bay từ Mỹ đến Nhật Bản chiếm từ 33 đến 45 giờ bay. [83]

Tổng kết Chiến tranh Triều Tiên, rất dễ thấy rằng cả hai bên đều sử dụng các hình thức và phương pháp tác chiến phát triển trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ II. Mặc dù cuộc chiến ở Triều Tiên mang tính chất lục địa, Hải quân vẫn đóng một vai trò lớn trong đó. [84]

Cuộc chiến tranh này đã chứng minh tính sai lầm trong quan điểm của các đại diện trường phái tư tưởng quân sự "tân tiến", họ lập luận rằng với chiến tranh trong tương lai, vai trò của hạm đội sẽ giảm xuống chỉ còn để hộ tống các tàu và tuần tra vùng biển ven bờ. Sau Chiến tranh Triều Tiên, ở Hoa Kỳ đã thông qua học thuyết về "các lực lượng cân bằng", dự kiến đạt được thắng lợi bằng nỗ lực chung của các lực lượng Lục quân, Không quân và Hải quân.

Cuộc chiến tranh này cũng tạo ra động lực cho sự phát triển các lực lượng tác chiến thủy bộ, thả-quét mìn và hàng không hải quân. Đã gạt bỏ hoàn toàn sự nghi ngờ rằng trong điều kiện có mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân thì việc đổ bộ các lực lượng lớn bằng đường biển là không thể.

Tổn thất nhân sự của Hải quân Hoa Kỳ là 2043 người, trong đó 279 chết tại trận, 23 chết vì bị thương quá nặng, 165 người mất tích và 1.576 người bị thương. Do vấp mìn Hải quân Mỹ đã mất 5 tàu chiến và tàu tiếp vận, còn 73 tàu, bao gồm cả bốn thiết giáp hạm đã bị bắn hỏng. Thiệt hại trong chiến đấu của máy bay Hải quân và Thủy quân lục chiến tổng cộng là 564 chiếc (5 máy bay bị bắn rơi trong không chiến, còn 559 chiếc bị tiêu diệt bằng hỏa lực pháo cao xạ). {8}


Vị trí bị tiêu diệt của các tàu chiến "quân đội LHQ" trong Chiến tranh Triều Tiên (từ 1950 đến 1952).

HẾT CHƯƠNG 1
.........
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Sáu, 2012, 06:13:31 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #29 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2012, 05:39:09 pm »

(tiếp)


"Chiến dịch Musketeer" hay "Chiến dịch Ngự Lâm Quân"





Bản đồ chiến dịch Musketeer (britains-smallwars.com).

Vào đầu những năm 1950, ở Trung Đông, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đã phát triển đến một quy mô đặc biệt rộng rãi. Đóng vai trò hàng đầu trong cuộc đấu tranh này là Ai Cập, nước đã hơn 70 năm nằm dưới ách thống trị của người Anh, những kẻ coi Ai Cập là điểm tựa kiên cố cho sự thống trị của chúng ở Trung Đông. Tháng 10 năm 1954, chính phủ Ai Cập đã buộc nước Anh ký thỏa thuận về việc rút quân khỏi khu vực kênh đào Suez, và tháng 6 năm 1956 những người lính Anh cuối cùng đã rời khỏi lãnh thổ Ai Cập. Đồng thời, chính phủ Ai Cập thông báo họ không có ý định tham gia vào liên minh quân sự với các cường quốc đế quốc, mà sẽ định hướng tới Liên Xô, và gây ra một phản ứng dữ dội của thế giới tư bản chủ nghĩa. Ví dụ, Mỹ từ chối cung cấp cho Ai Cập các trang thiết bị quân sự và vũ khí đã hứa hẹn từ trước, những thứ cần thiết cho việc thành lập lực lượng vũ trang quốc gia. Tháng 7 năm 1956, dưới áp lực từ Mỹ và Vương quốc Anh, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế tước đoạt của Ai Cập các khoản vay được hứa hẹn dùng cho việc xây dựng tổ hợp thủy điện Aswan. [88]

Các đồng minh của Ai Cập là Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Chẳng hạn, từ Liên Xô, Cộng hòa Ai Cập đã nhận được xe tăng, pháo binh, máy bay phản lực, tàu khu trục, tàu ngầm và các loại vũ khí khác.

Ngày 26 tháng 7 năm 1956 tuyên bố của Chính phủ Ai Cập về quốc hữu hóa kênh đào Suez, khiến một số nước phản ứng tiêu cực. Đặc biệt, Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Israel đã chiếm vị trí thù địch mạnh mẽ trong mối quan hệ với Ai Cập. Ngày 2 tháng 8 năm 1956 chính phủ Hoa Kỳ, Anh và Pháp đã công bố mở một hội nghị quốc tế ở London để thảo luận các bước đi nhằm mục đích "đảm bảo tự do và an ninh của kênh đào Suez". Trong một tuyên bố chung của các nước này, họ cho rằng kênh đào Suez là  "một định chế quốc tế" («международным институтом»),  vì vậy không thể để chủ nghĩa quốc gia lây lan lên kênh đào. Ban lãnh đạo quân sự-chính trị Anh-Pháp đã quyết định khôi phục lại tình trạng thuộc địa của Khu vực kênh đào Suez bằng vũ lực. Israel cũng ủng hộ hai nước này, đất nước Israel không hài lòng với sự tăng trưởng nhanh chóng của cả sức mạnh quân sự lẫn kinh tế của Ai Cập và sự đoàn kết của các nước trong thế giới Ả Rập.


Không lực Anh tại sân bay Nicosia, đảo Chypre, chuẩn bị cho chiến dịch Musketeer (britains-smallwars.com).

Để chuẩn bị cho các hành động quân sự chống lại Ai Cập, Anh và Pháp theo đuổi một số mục tiêu: chiếm khu vực Suez Canal và đưa nó trở lại trạng thái bán-thuộc địa; lật đổ chính phủ G.Nasser và thiết lập thay vào đó một chính quyền thân đế quốc; củng cố các vị trí của mình ở Trung Đông vì lợi ích của cuộc chiến chống lại phong trào giải phóng dân tộc; phá hoại uy tín và ảnh hưởng của Liên Xô trong thế giới Ả Rập. Israel dự kiến trong cuộc chiến tranh này sẽ chiếm bán đảo Sinai với tất cả các căn cứ quân sự trên đó và khai thác quyền sử dụng ưu đãi kênh đào Suez.

Ngày 08 tháng 8 năm 1956 tại London, dưới sự lãnh đạo của Tướng Stokwel đã thành lập Bộ tham mưu thống nhất Anh-Pháp phục vụ lập kế hoạch chiến tranh chống Ai Cập. Theo [89] kế hoạch được phát triển, các hành động quân sự sẽ được thực hiện thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất bắt đầu với sự tấn công của quân đội Israel vào bán đảo Sinai với mục đích kềm giữ các nhóm quân lớn của Ai Cập. Trong giai đoạn hai theo kế hoạch, sẽ đổ bộ đường biển quân Anh-Pháp vào Port Said và Cảng Fuad (chiến dịch "Ngự Lâm Quân"), nhằm đánh chiếm bàn đạp; sau khi tập kết đủ lực lượng và trang bị tại đó sẽ tiếp tục phát động một cuộc tấn công dọc theo kênh đào Suez, để đạt được mục tiêu cuối cùng của chiến tranh.

Vì vậy, trọng tâm của các hoạt động tác chiến của các hạm đội Anh và Pháp là chiến dịch đổ bộ Suez.


HMS Eagle, Bulkward, Albion của Hải quân Hoàng gia Anh trong cuộc "Khủng hoảng Suez" năm 1956 (newworldencyclopedia).

Công tác chuẩn bị cho chiến dịch "Musketeer" tiến hành cẩn thận trong gần ba tháng. Kế hoạch quy định như sau: sau khi Israel phát động chiến tranh và cầm giữ chặt trên bán đảo Sinai các cụm quân chính của các lực lượng vũ trang Ai Cập, sẽ diễn ra cuộc ném bom ồ ạt lên các cơ sở quân sự và công nghiệp của Ai Cập, rồi sau đó tiến hành xâm lược. Người ta coi các sân bay là các mục tiêu chính.


Vertical envelopment.

Sáng ngày 5 tháng 11 năm 1956 kế hoạch là ném các đơn vị đổ bộ đường không lớn xuống các khu vực nhằm cô lập các bãi đổ bộ, và vào lúc bình minh ngày 06 Tháng Mười Một sau khi hỏa lực chuẩn bị dội bão lửa mạnh mẽ, các lực lượng thủy quân lục chiến sẽ đổ bộ theo đường biển. Cuộc đổ bộ được lập kế hoạch thực hiện theo phương pháp "vertical envelopment" ("chiếm lĩnh theo phương thẳng đứng"), nghĩa là dự kiến đổ bộ bằng máy bay trực thăng vào chiều sâu chiến thuật hệ thống phòng thủ chống đổ bộ của đối phương, nhằm ngăn chặn các đường tiếp cận của quân đội Ai Cập tới bờ biển. Nhiệm vụ trước mắt của các lực lượng quân dù Anh là đánh chiếm và tổ chức giữ vững sân bay Gamal, còn quân dù Pháp - các cây cầu đường sắt và đường bộ cao tốc phía nam Port Said. Các khu vực đổ bộ của quân dù được lựa chọn gần các cơ sở này.

Xuất phát từ các mục tiêu của cuộc chiến mà khu vực kênh đào Suez [90] được coi là khu vực thích hợp nhất dành cho việc đổ bộ. Cuối cùng đã quyết định chọn vị trí đổ bộ ở Port Said và Cảng Fuad,. Khu vực này gần như hoàn toàn cô lập với đất liền bằng một bàn đạp, bàn đạp đó nối với đất liền qua một eo đất hẹp nhân tạo duy nhất, việc chiếm giữ nó đảm bảo sự cách ly hoàn toàn cho các bãi đổ bộ. Trong khu vực người Anh (Port Said) đã ấn định hai bãi đổ bộ còn trong khu vực người Pháp (Port Fouad) - 1. Tuyến mặt trận chung của cuộc đổ bộ rộng 6 km.


Đập thủy điện Aswan.

Để lãnh đạo chung các hoạt động quân sự đã thành lập Bộ chỉ huy thống nhất Anh-Pháp đặt trụ sở chính trên đảo Síp. Tướng Anh Keightley được bổ nhiệm tổng tư lệnh và phó của ông ta là phó đô đốc Pháp Barjo. Tại bộ tham mưu của Bộ tư lệnh thống nhất này đã lập ra ban chiến tranh tâm lý. Bộ tư lệnh Israel không nằm trong bộ tham mưu Anh-Pháp, nhưng hành động của họ phụ thuộc kế hoạch chung của chiến dịch quân sự này.

Khi lập kế hoạch chiến dịch, đóng một vai trò lớn là các hoạt động đảm bảo kiểu như hoạt động trinh sát và nghi binh. Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc đổ bộ, không quân Anh-Pháp đã thường xuyên tiến hành trinh sát đường không, đồng thời để không tiết lộ kế hoạch chiến dịch, việc trinh sát được thực hiện trên một tuyến mặt trận rộng lớn - gần như dọc theo toàn bộ bờ biển Địa Trung Hải của Ai Cập. Hệ thống tình báo viên đã cung cấp những thông tin đầy đủ nhất về khả năng chống đổ bộ của người Ai Cập trong khu vực dự kiến đổ bộ. Việc tập trung quân đội và hải quân Anh-Pháp ở vùng biển Địa Trung Hải được thực hiện dưới chiêu bài chuẩn bị cho một cuộc tập trận chung. Sự lựa chọn các khu vực tập trung đáp ứng các điều kiện quan sát bí mật. Sau đó, các hành động nghi binh được tổ chức rầm rộ, nhờ chúng mà người ta cố gắng tạo ra vẻ có khả năng xuất hiện cuộc đổ bộ trong khu vực Alexandria.

Nhiều chiếc máy bay của đồng minh sơn lại sang màu vàng-nâu, một số khác mang dấu hiệu nhận dạng của Lực lượng Không quân Ai Cập. [91]
.......
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Sáu, 2012, 01:12:21 am gửi bởi qtdc » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM