Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 12:57:11 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hạm đội trong những cuộc xung đột cục bộ nửa sau thế kỷ 20  (Đọc 74148 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #10 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2012, 09:35:50 pm »

(tiếp)



Đường sắt Triều Tiên năm 1952 (catskillarchive.com).

Khi tấn công các tuyến giao thông bộ ven biển, các tuyến này cũng bị chia cắt thành các phân đoạn tới 1 km, giao trách nhiệm đánh phá cho các tàu chở máy bay và các pháo hạm. Bằng cách như vậy, đầu năm 1952 nhằm cô lập các tuyến mặt trận trên bộ, bộ tư lệnh Mỹ đã thực hiện hai chiến dịch hoạt động dưới tên mã "Package" và "Derail". Theo kế hoạch chiến dịch "Package", tuyến đường sắt ven biển từ Songjin đến Hyungnam được chia thành năm đoạn, có thể đánh trúng bằng máy bay cũng như bằng hỏa lực các tàu mặt nước. Các đối tượng chính yếu để tiêu diệt là những cây cầu, đường hầm, và những đầu mối dễ bị tổn thương nhất của tuyến đường sắt. Gần mỗi phân đoạn đã thiết lập các phao có gương phản xạ radar, thiết bị đảm bảo cho tàu chiến tiến ra vị trí khai hỏa khi tầm nhìn bị hạn chế. Khi pháo hạm bắn đêm, theo quy luật, một khẩu 127 mm sẽ bắn đạn lửa vạch đường. Trong hầu hết trường hợp, các tàu tiến vào gần bờ cách khoảng từ 1400 - 1800 m, và duy trì tốc độ bắn tối đa, khai hỏa vào các mục tiêu đã phát hiện từ trước. Các tàu chiến đều bắn theo diện và chỉ khi có tầm nhìn tốt mới có quan sát chỉnh pháo. Tuy nhiên, mặc dù chiến dịch này đã lôi kéo một lực lượng lớn tham gia, người Mỹ không hoàn toàn ngăn chặn được việc tiếp tế cho quân đội KNA. Chiến dịch "Derail" cũng không đạt được các mục tiêu của nó.


Lối vào một hầm đường sắt bị đánh phá (catskillarchive.com).

Nói chung, trong giai đoạn tháng 6 - tháng 11 năm 1950, lực lượng phong tỏa đường biển đã đạt được những kết quả đáng kể. Điều này trước hết là do tuyến giao thông biển và giao thông bộ của Bắc Triều Tiên kéo quá dài và [26] phòng thủ của họ yếu. Các giai đoạn sau này của cuộc chiến người Mỹ đã không thành công bằng. Tuy nhiên, để loại bỏ hoàn toàn việc vận chuyển hàng hoá quân sự trên tuyến đường biển cũng như trên tuyến đường bộ duyên hải thì người Mỹ chưa lần nào thành công.


Bảng kết quả hoạt động phong tỏa bờ biển từ 23 tháng 6 đến 15 tháng 11 năm 1950.

Đôi khi việc phong tỏa toàn bộ bờ biển yêu cầu một sự phong tỏa chặt chẽ từng căn cứ hải quân riêng biệt, các bến cảng hoặc các đoạn ven biển, đồng thời khi [27] khu vực phong tỏa hàng hải quá lớn sẽ không có đủ lực lượng đảm trách trọn vẹn nhiệm vụ này. Như vậy, mặc dù thực tế Hạm đội Mỹ phong tỏa tất cả các tuyến bờ biển phía đông bắc Triều Tiên, một lượng lớn hàng hóa quân sự vẫn được giao cho tiền tuyến từ các cảng biển Chongjin và Sọngjin tới Wonsan và Hyungnam. Vì việc này, từ giữa tháng Hai năm 1951, người Mỹ bắt đầu phong tỏa chặt Wonsan, tháng Ba - Songjin và Chongjin, tháng tư - Hyungnam. Để đạt mục đích này, họ đưa vào 4 nhóm chiến thuật của lực lượng đặc nhiệm. Họ chiếm cứ hòn đảo gần đối tượng bị phong tỏa và tạo ra một căn cứ tạm thời cho các lực lượng của họ. Chẳng hạn, trong thời gian phong tỏa đường biển Wonsan, trên 7 hòn đảo bị chiếm đóng giữ vị trí kiểm soát án ngữ khu mặt nước dẫn vào cảng, người Mỹ đã đặt các đài quan sát điều chỉnh hỏa lực và đổ bộ lên đó những đơn vị nhỏ thủy quân lục chiến, một số đảo còn trang bị khu neo đỗ cho tàu chiến, còn trên một đảo thậm chí họ đã xây dựng đường băng cho máy bay. Cần nhấn mạnh rằng lực lượng phong tỏa, mặc dù không gặp phải sức kháng cự trên biển, vẫn bị thiệt hại do hỏa lực pháo binh bờ biển. Trong tháng Tư, tháng Năm và tháng Sáu năm 1953 các khẩu đội pháo bờ biển Wonsan đã 5 lần trong một tháng bắn trúng các tàu chiến Mỹ. Số lượng đạn pháo lớn nhất rơi trúng vào các tàu khu trục đi tuần tiễu. Ngày 16 Tháng 4 tàu khu trục "Maddox" đã dính đạn trực tiếp làm 3 người thiệt mạng. Ngày 19 Tháng 4 đạn pháo bắn trúng phần đuôi tàu khu trục "4 James E.Kis", giết chết chín người, và nhiều trường hợp khác nữa.
........
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Sáu, 2012, 09:26:52 am gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #11 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2012, 09:56:59 am »

(tiếp)


Chiến dịch đổ bộ Inchon

<a href="http://www.youtube.com/watch?v=T_w4Lb9ey2w" target="_blank">http://www.youtube.com/watch?v=T_w4Lb9ey2w</a> <a href="http://www.youtube.com/watch?v=YpjweSUeXSY" target="_blank">http://www.youtube.com/watch?v=YpjweSUeXSY</a>

<a href="http://www.youtube.com/watch?v=2Dj8o6L0lnM" target="_blank">http://www.youtube.com/watch?v=2Dj8o6L0lnM</a>

Bàn đạp Pusan tới ngày 15 tháng 9 năm 1950. Inchon (màu hồng) trên bản đồ (en.viki).

Vào đầu tháng Chín năm 1950 quân đội Bắc Triều Tiên đã giữ quyền kiểm soát 95% đất nước với gần 97% dân số. Quân đội Lý Thừa Vãn ở vào một vị thế vô cùng khó khăn.

Đổi lại, bằng cách sử dụng các ranh giới tự nhiên tốt nhất, ưu thế áp đảo trên không và trên biển, quân Đồng minh đã có thể củng cố đầu cầu Pusan và áp dụng các biện pháp khẩn cấp để nhanh chóng [28] tăng cường lực lượng và phương tiện. Đến giữa tháng 9 năm 1950 tại bàn đạp Pusan đã tập trung khoảng 350.000 người, số lượng máy bay đã tăng lên đến con số một nghìn chiếc của Không quân và 500 chiếc của Hải quân, còn tại hạm đội đã có 260 tàu, bao gồm một thiết giáp hạm, 8 tàu sân bay, 10 tàu tuần dương, 40 tàu khu trục và các loại tàu khác.

Cho đến thời gian này khả năng tấn công của Bắc Triều Tiên đã giảm xuống trước hết là do thiếu các lực lượng dự bị được huấn luyện đầy đủ, sự kéo dài các tuyến giao thông bộ từ 450 đến 500 km, và tính dễ tổn thương của chúng, sự thiếu vắng gần như hoàn toàn lực lượng yểm trợ từ phía biển và từ trên không.

Trong hoàn cảnh được sắp đặt một cách thuận lợi về chiến dịch-chiến lược cho quân phía Nam, bộ tư lệnh Mỹ đã quyết định tiến hành chiến dịch Inchon- Seoul, mục đích bao vây và sau đó sẽ tiêu diệt cụm quân chủ lực của Bắc Triều Tiên đang triển khai trước bàn đạp Pusan.

Ý đồ của Bộ tư lệnh Mỹ dẫn tới việc đổ bộ thủy quân lục chiến sâu vào trong hậu phương quân Bắc từ phía biển, đánh chiếm Seoul, thực hành tấn công dồn ép đối phương về phía đông, cắt đứt đường giao thông bộ, phá vỡ tổ chức chỉ huy quân đội của đối phương và nguồn tiếp tế cho họ, và sau đó, đồng thời tiến công từ cả hai phía bắc và nam, bao vây rồi tiêu diệt lực lượng chủ yếu của KNA bằng các đòn tấn công hợp đồng các quân binh chủng lục quân, không quân và hải quân. Trong tương lai tiếp theo, kế hoạch đề ra sự phát triển đến tận biên giới Trung Quốc và kết thúc chiến sự tại Triều Tiên.

Quyết định tổ chức thực hiện chiến dịch đổ bộ Incheon (tên mã là "Chromite") được thông qua bởi Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ ngày 22 Tháng Bảy năm 1950, và ngay lập tức truyền đạt mệnh lệnh sơ bộ về soạn thảo và phát triển kế hoạch chiến dịch. Ngày 16 tháng 8 tại trụ sở Bộ chỉ huy các lực lượng Mỹ vùng Viễn Đông đã thành lập một văn phòng đặc biệt, tiếp tục phát triển kế hoạch chiến dịch "Chromite". Tới ngày 23 Tháng Tám, kế hoạch chiến dịch về cơ bản đã hoàn thành và về nguyên tắc [30] đã được thông qua bởi Tham mưu trưởng Hải quân, đô đốc Sherman và Tham mưu trưởng lục quân Mỹ, đại tướng Collins. Tuy nhiên, do vấn đề chưa được giải quyết liên quan đến sự lựa chọn địa điểm đổ bộ thủy quân lục chiến mà trong kế hoạch còn nhiều sai sót. Chỉ đến ngày 30 tháng Tám mới ban hành mệnh lệnh về việc giao cho thủy quân lục chiến đổ bộ vào cảng Inchon. {5} Chịu trách nhiệm hoàn thiện kế hoạch chiến dịch là tư lệnh các lực lượng thống nhất tác chiến chiến dịch số 7, phó đô đốc Strubl, chỉ huy đơn vị luồn sâu chiến dịch 90, chuẩn đô đốc Doyle và chỉ huy sư đoàn 1 TQLC, thiếu tướng Smith.


Sơ đồ đổ bộ trận Inchon (en.viki).

Trong kế hoạch chiến dịch có những điều cơ bản như sau:

"1. Trước tiên thực hiện đổ bộ lên đảo Volmi-do, dự kiến phải chiếm lĩnh trước khi bắt đầu chiến dịch chính. Hành động này có tầm quan trọng lớn do vị trí bao quát án ngữ của hòn đảo liên quan đến vùng bờ biển gần Inchon. Với mục đích đó, vào ngày đã định trong thời gian nước dâng buổi sáng (khoảng gần 06:30 giờ), sẽ đổ bộ một tiểu đoàn Thủy quân lục chiến lên Volmi-do.

2. Tiếp theo, tiến hành đổ bộ các lực lượng đổ bộ đường bẻn chính - Sư đoàn 1 TQLC với các phương tiện tăng cường (không có cụm tác chiến trung đoàn 1) - đổ bộ lên bãi Đỏ, Vàng, và Xanh Lơ. Thời gian bắt đầu đổ quân phải trùng với thời gian nước bắt đầu lên trong ngày (khoảng 17:00 giờ). Tiếp theo, sự đoàn phải chiếm được bàn đạp đầu cầu trong khu vực Incheon.

3. Nhanh chóng mở rộng bàn đạp nhằm chiếm lấy sân bay Kimpo và tiến tới tuyến sông Hàn phía tây Seoul. Tiếp tục tấn công cho đến khi chiếm được Seoul, các vùng lân cận, làm chủ thành phố và khu vực phía Nam của thành phố. Sư đoàn bộ binh số 7, với các phương tiện tăng cường và một bộ phận quân đoàn 10 trong thời gian quy định không giao chiến mà đổ bộ vào Inchon từ các tàu của thê đội 2 và 3 và hoạt động theo chỉ thị của tư lệnh quân đoàn 10. [31]

4. Các tàu tuần dương và tàu khu trục đảm bảo bắn pháo chuẩn bị trước đổ bộ và yểm trợ hỏa lực trong suốt thời gian hoạt động đổ bộ. Việc yểm trợ không quân từ trên không, giáng đón tấn công tầm xa và yểm trợ trực tiếp tầm gần do các máy bay trên các tàu sân bay hộ tống có tốc độ di chuyển nhanh đảm nhiệm trong các khu vực đã quy định.

Đã ký: A.D. Strubl, phó đô đốc, tư lệnh lực lượng tác chiến chiến dịch thống nhất số 7 và tư lệnh Hạm đội 7.
...........
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Sáu, 2012, 01:52:24 am gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #12 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2012, 12:35:49 pm »

(tiếp)



Bắn phá pháo đài phòng thủ Volmi-do 2 ngày trước khi đổ bộ, ngày 13 tháng 9 năm 1950. Ảnh chụp từ USS Lyman K. Swenson (DD-729), mà một trong các họng súng 40mm chĩa ra phía trước. Đảo Sowolmi-Do, nối với Wolmi-Do bởi một eo nhỏ ở bên tay phải, đằng xa là Inchon (en.viki).

Kế hoạch chiến dịch "Chromite" được phê duyệt ngày 6 tháng 9 năm 1950. Trong thành phần quân đổ bộ có sư đoàn 1 TQLC và sư đoàn 7 bộ binh Hoa Kỳ, một đội commando Anh và một số đơn vị thủy quân lục chiến Nam Hàn. Tổng số quân số đổ bộ lên đến 45 nghìn người. Kế hoạch đổ bộ chia thành ba thê đội. Thê đội đầu tiên là Sư đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến được tăng cường, thê đội thứ hai và thứ ba - Sư đoàn bộ binh 7, một số tiểu đoàn độc lập quân đồng minh, và các đơn vị hậu cần. Cuộc đổ bộ hai thê đội sau theo kế hoạch sẽ thực hiện khi sư đoàn 1 TQLC chiếm được cảng Inchon và mở rộng bàn đạp đã đánh chiếm, đủ để bố trí quân đội.

Tham gia vào hoạt động đổ bộ có hơn 250 tàu, bao gồm 6 tàu sân bay, 7 tàu tuần dương, 34 tàu khu trục, 76 tàu đổ bộ. Các lực lượng hạm tàu được tập hợp thống nhất trong các đơn vị tác chiến như sau: đơn vị đặc nhiệm 90 – thọc sâu, 91 – bảo vệ và yểm trợ, 77 – các tàu sân bay tốc độ cao, 79 – đảm bảo kỹ thuật và 99 - tuần tra và trinh sát. Để đảm bảo cho cuộc đổ bộ và yểm trợ đã phân bổ hơn 500 máy bay ném bom và máy bay tiêm kích.

Trên thực tế, tham gia trong chiến dich đổ bộ Incheon là gần như toàn bộ lực lượng của binh đoàn tác chiến số 7, đứng đầu là Tư lệnh Hạm đội 7 Hoa Kỳ. Việc lãnh đạo chung chiến dịch này do [33] Tư lệnh các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ vùng Viễn Đông, đại tướng MacArthur đảm nhận, ông ta cũng chính là tư lệnh các lực lượng trong chiến dịch tấn công Inchon-Seoul. Thuộc quyền ông có tư lệnh binh đoàn tác chiến thống nhất số 7, phó đô đốc Strubl và tư lệnh quân đoàn bộ binh 10, thiếu tướng Almond. Tư lệnh các lực lượng đổ bộ, là tư lệnh lực lượng thọc sâu 90, chuẩn đô đốc Doyle. Sau khi quân đổ bộ trụ vững trên bờ và đã đổ bộ được các lực lượng chủ yếu, quyền lãnh đạo lực lượng vũ trang và lực lượng yểm trợ chuyển sang cho tư lệnh quân đoàn bộ binh số 10.

Bộ tư lệnh tối cao KNA, trong giai đoạn kẻ thù còn đang làm công tác chuẩn bị cho cuộc đổ bộ đường biển, đã thực hiện một số biện pháp tăng cường bảo vệ Inchon. Đặc biệt, bộ tư lệnh phòng thủ bờ biển phía tây từ Kunsan đến Inchon đã được thành lập. Chuyển thuộc quyền chỉ huy của nó có các đơn vị mà đa phần lấy từ các tân binh chưa qua huấn luyện quân sự thậm chí là huấn luyện cơ bản.

Trong cảng Inchon và trên đảo Volmido, làm nhiệm vụ phòng thủ là các phân đội của trung đoàn TQLC độc lập 226. Triển khai phía bắc Inchon có một tiểu đoàn của trung đoàn biên phòng 107, ở phía nam - một tiểu đoàn bộ binh độc lập. Tổng quân số những đơn vị này là hơn 3.000 người. Trên các luồng thủy dẫn vào cảng đã thả 40 trái mìn neo vướng nổ, nhưng do chiều sâu thả của chúng nhỏ, nên khi thủy triều rút các trái mìn bị phát hiện bằng trực quan. Một số mìn do nước chảy mạnh đã bị bứt neo, số còn lại trong thời gian nước cạn đã bị pháo hạm biên đội tiên phong bắn hủy. Nói chung, hoạt động của Bộ chỉ huy KNA về phương diện tổ chức phòng thủ chống đổ bộ lên bờ biển là không đủ kiên quyết, mặc dù thực tế cho thấy nhiều bằng chứng rõ rệt về việc đối phương đang chuẩn bị cho một chiến dịch đổ bộ quy mô lớn.

Trong khu vực đổ bộ quân Đồng minh có ưu thế lớn hơn 20 lần vể lực lượng so với đối phương và sự vượt trội của họ trong không trung và trên biển là tuyệt đối .. [34]

Trong cảng Inchon người ta chia ra 3 phân khu đổ bộ: bãi "Xanh Lục" - trên đảo Volmido, bãi "Đỏ" – nền đê biển nối đảo Volmido với đất liền, và bãi "Xanh Lơ" – phần phía nam của cảng Inchon. [36]

Các đợt đỉnh triều lớn nhất xảy ra trong các ngày 15 Tháng Chín, ngày 11 tháng 10 và 03 tháng 11 (sai số cộng hoặc trừ từ 1 đến 2 ngày).

Chúng ta dừng tại thời điểm gần nhất - 15 tháng 9. Cuộc đổ bộ lên kế hoạch vào thời gian ban ngày. Ban đầu, trong thời gian đỉnh triều buổi sáng, xảy đến lúc 6:30 giờ, kế hoạch là thực hiện cuộc đổ bộ lên đảo Volmido, còn sau đó trong thời gian nước đứng mức cao buổi tối, xảy đến khoảng 17:30 giờ - đổ bộ lên các bãi "Đỏ" và "Xanh Lơ".

Quyết định về thời gian đổ bộ như thế đã được chứng minh bởi thực tế thủy triều trong vùng Inchon đạt chiều cao 7 đến 10 m, còn tốc độ của dòng thủy triều lên-xuống vượt quá 5 hải lý. Những dòng chảy mạnh đã tạo thành các bãi bùn và bãi cát trải dài về phía biển khoảng 5,5 km. Thủy đạo dẫn vào Incheon rất quanh co và rất hẹp, tàu thuyền qua lại rất khó khăn ngay cả ban ngày. Kinh nghiệm đổ bộ trong khu vực có thủy triều cao và dòng chảy mạnh mẽ như vậy thì bộ tư lệnh Mỹ chưa từng có, bởi vậy có một số vấn đề lần đầu tiên họ phải giải quyết (các thang được chế tạo dành cho các tốp xung kích vượt tường (đê biển), việc tiếp ứng quân đổ bộ trong thời gian nước thấp, phân chia các khu vực neo đỗ và việc điều động tàu đổ bộ và vận tải, v.v...). Sau khi đổ bộ thê đội đầu tiên, dự kiến triển khai tấn công ngay vào Inchon. Sau khi chiếm được thành phố và cảng, quân đội sẽ bắt đầu cuộc tấn công chớp nhoáng về hướng Seoul. Cùng với việc đánh chiếm đầu cầu, nhiệm vụ tiếp theo ngay lập tức của thê đội 1 là chiếm sân bay Kimpo, nằm cách khoảng 20 km về phía bắc Inchon. Ngay sau khi giải quyết xong nhiệm vụ này, kế hoạch dự kiến di chuyển cứ lên sân bay đó các máy bay của Thủy quân lục chiến từ hai tàu sân bay hộ tống.


Một chiếc Vough F4U-4B Corsair thuộc phi đoàn chiến đấu 113 (fighter squadron VFA-113 Stingers) đang bay trên đầu các tàu chiến Mỹ tại Inchon, Triều Tiên, ngày 15 tháng 9 năm 1950. VF-113 thuộc quân số Carrier Air Group Eleven (CVG-11) đóng trên tàu sân bay USS Philippine Sea (CV-47). USS Missouri (BB-63) đang ở dưới chiếc Corsair (en.viki).

Việc yểm trợ hỏa lực được xem xét rất kỹ. Theo kế hoạch đảm bảo hỏa lực, pháo binh bắn chuẩn bị sơ bộ bắt đầu từ 13 tháng chín, có nghĩa là 2 ngày trước khi đổ bộ, và, nếu cần thiết, kế hoạch dự kiến lặp lại ngày hôm trước khi đổ bộ. Để yểm trợ pháo binh trực tiếp đã phân bổ bốn tuần dương hạm, sáu tàu khu trục và 3 tàu đổ bộ cỡ trung bình có các bệ phóng đạn pháo phản lực. [38]
........
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Sáu, 2012, 01:54:04 am gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #13 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2012, 12:11:28 am »

(tiếp)



Lối vào cảng Inchon.

Trên các đường thủy dẫn vào cảng đã phân chia ba khu vực cơ động các tàu pháo yểm trợ: một - cho các tàu tuần dương, và hai - cho các tàu khu trục. Vị trí khai hỏa của tàu tuần dương nằm ở khoảng cách 12-13,5 km cách bờ biển và các tàu khu trục - 0,7 - 5,5 km. Ba tàu đổ bộ có dàn phóng đạn phản lực được giao nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực gần cho quân đổ bộ, đầu tiên khi đổ quân lên đảo Volmido, còn sau đó 1 tàu – yểm trợ cho các đội xung kích tại bãi "Đỏ", 2 tàu khác - tiếp tục yểm trợ quân đổ bộ tại bãi "Xanh Lục".

Pháo binh bắn chuẩn bị trực tiếp phải bắt đầu 45 phút trước khi đổ bộ, còn các tàu có dàn phóng đạn phản lực phải trước 15 phút. Khi đợt thứ nhất các phương tiện đổ bộ đã tiếp cận đường bờ thì hỏa lực tạm ngừng, và sau khi đổ bộ các toán xung kích, các tàu yểm trợ hỏa lực cho quân đổ bộ theo lệnh gọi. [39]Yểm trợ đường không được giao cho hai phi đội máy bay của TQLC đặt căn cứ trên các tàu sân bay của lực lượng đặc nhiệm 90. Các máy bay trên tàu sân bay thuộc lực lượng đặc nhiệm 77 có nhiệm vụ chiếm thế thượng phong trên không và tấn công vào hậu phương và các nguồn dự trữ của đối phương. Nếu cần thiết, chỉ huy sư đoàn 1 TQLC có thể  yêu cầu lực lượng đặc nhiệm 77 yểm trợ từ trên không. [40]

Kế hoạch đảm bảo về không quân cho cuộc đổ bộ đã được kết hợp thống nhất với việc sử dụng hỏa lực pháo binh hải quân. Thậm chí đã tính toán trước cả các chi tiết khi máy bay và tàu chiến hiệp đồng tấn công vào cùng các mục tiêu tương tự. Để phục vụ cho việc này, đã quy định độ cao bay tối thiểu là 450 m cho máy bay, và chiều cao giới hạn tối đa của quỹ đạo đạn pháo - 330 m.

Khi bộ tham mưu quân đoàn bộ binh 10 chuyển lên bờ và không đoàn 1 TQLC chuyển lên sân bay Kimpo, các máy bay này sẽ chuyển thuộc quyền chỉ huy của tư lệnh quân đoàn. Máy bay trên boong tàu sân bay thuộc lực lượng đặc nhiệm 77 từ thời điểm ấy cũng chuyển sang thuộc quyền điều động của tư lệnh quân đoàn.

Tình báo chiếm tầm quan trọng lớn. Trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch, từ trên máy bay người ta đã chụp hàng trăm bức ảnh trinh sát [41] các khu vực đổ bộ, nghiên cứu cẩn thận các tài liệu về đặc điểm địa lý-quân sự của khu vực, phỏng vấn sỹ quan và binh sỹ của lục quân và hải quân đã quen thuộc Incheon, cũng như thẩm vấn các tù binh chiến tranh. Ngoài ra, trong khu vực Incheon người Mỹ thường xuyên đổ bộ các nhóm biệt kích-thám báo để thu thập thông tin về hệ thống và công tác phòng thủ chống đổ bộ lên bờ biển.

Để đánh lạc hướng tình báo đối phương sang hướng khác, người Mỹ đã đổ bộ một số [42] nhóm quân đổ bộ nghi binh (11 - 14 tháng Chín - Kunsan, Mokpo ngày 12 tháng 9, Phohan 14 tháng chín, Samchon ngày 15 tháng 9). Việc lựa chọn khu vực đổ bộ, các điểm tập kết lực lượng và phương tiện đổ bộ và các tuyến đường triển khai đều đáp ứng các điều kiện bảo đảm bí mật hoạt động.


Chến dịch Inchon-Seoul.

Vào cuối tháng Tám, lực lượng phân bổ cho chiến dịch bắt đầu tập trung tại các cảng của Nhật Bản và phần phía nam bán đảo Triều Tiên. Các đơn vị của Sư Đoàn 1 TQLC được rút khỏi vị trí tiền tiêu bàn đạp Pusan gửi về Kobe huấn luyện đặc biệt. Các đơn vị của Sư đoàn bộ binh 7 huấn luyện đổ bộ tại Yokohama. Các điểm hình thành các đội đổ bộ là Yokohama, Kobe, và Pusan. Tại Sasebo hình thành  biên đội tàu yểm trợ pháo binh.

Đầu tháng chín, máy bay cất hạ cánh trên tàu sân bay bắt đầu việc bắn phá chuẩn bị đường không, trong đó các máy bay ném bom hầu như hàng ngày thực hiện đến hơn 300 phi vụ. Các đòn tấn công dữ dội nhất tập trung vào các mục tiêu tại cảng Inchon và đảo Volmido. Để không bị lộ sớm các khu vực đổ bộ, các cuộc tấn công cũng được rải khắp các vùng lên kế hoạch đổ bộ nghi binh. Đặc biệt mạnh mẽ là những cuộc không kích trong thời gian 10-15 tháng Chín. Chỉ trong có 3 ngày trước khi bắt đầu cuộc đổ bộ tại Inchon và đảo Volmido, đã ném xuống 246 tấn bom nổ phá, nổ mảnh, bom cháy, 120 quả bom napalm và bắn 979 loạt rocket.

Việc đổ quân và bốc xếp trang bị vũ khí xuống các tàu chiến và tàu vận tải bắt đầu vào đêm 06-ngày 07 tháng 9. Các đội đổ bộ nối đuôi nhau ra khỏi các điểm thành lập. Đã thực hiện chuyên chở sáu đội đổ bộ. Ngoài ra, mỗi đội được phân giao hành trình riêng của mình cùng với các trạm kiểm soát. Các tuyến đường triển khai được chia thành ba khu vực. Trong khu vực đầu tiên, gần bờ biển Nhật Bản, các đội đổ bộ được bảo vệ bởi lực lượng không quân mặt đất cất cánh từ các sân bay Nhật Bản, trong vùng thứ hai – chuyến hành quân được thực hiện vào ban đêm mà không có không quân yểm hộ, và tại vùng 3 giáp với bờ biển Triều Tiên, các binh sĩ đổ bộ được bảo vệ bởi máy bay hải quân trên tàu sân bay và máy bay của Không lực Mỹ từ sân bay [43] trên bàn đạp Pusan. Nói chung, quá trình hành quân di chuyển được bảo vệ bởi hơn 100 máy bay, dù trong điều kiện người Mỹ có ưu thế tuyệt đối trên không và cũng không có nhu cầu đặc biệt gì về điều đó.

Đến cuối ngày 14, tất cả các lực lượng đã đến khu vực chiến dịch. Trước đó, khi trời bắt đầu sáng, đảo Volmido và cảng Inchon đã bị máy bay không kích và bắn phá mạnh mẽ từ 4 tàu tuần dương. Buổi chiều, dưới sự yểm trợ của máy bay và tàu chiến, người Mỹ bắt tay quét mìn các lối vào các khu vực đổ bộ. Trong thời gian quét mìn, các khẩu đội pháo bờ biển từ đảo Volmido đã bắn chìm một tàu quét mìn. Sau khi hoàn thành quét mìn và không phát hiện ra mìn, tiểu đoàn quét mìn đã rời khu vực.

Vào lúc 5:40 giờ ngày 15 tháng 9, bắt đầu chuyển quân và trang thiết bị từ các tàu đổ bộ và vận tải sang các phương tiện đổ bộ. Lúc 5:45 máy bay của lực lượng đặc nhiệm 77 tấn công đảo Volmido. Như kế hoạch dự kiến, pháo binh bắn chuẩn bị trực tiếp trong 45 phút. Tại thời điểm này [44] các phương tiện đổ bộ đã hình thành đợt sóng đổ bộ và bắt đầu di chuyển tới các điểm đổ bộ. Khi các phương tiện đổ bộ tiếp cận tới bờ, hỏa lực chuyển vào sâu tuyến phòng thủ chống đổ bộ.

Các đội xung kích (2 đại đội) được đổ bộ lên đảo Volmido thành hai đợt trên những xuồng đổ bộ kiểu LCVP, đợt thứ ba trên ba xuồng LST đã đổ lên đảo 10 xe tăng. Sức kháng cự chống đổ bộ
là yếu, và tới 8:00 giờ quân đổ bộ đã hoàn toàn chiếm được đảo. Sau 7:00 giờ, do thủy triều rút, cuộc đổ bộ tạm thời dừng lại. Trước khi thủy triều tối lên cao, diễn ra công tác chuẩn bị đổ bộ lên các bãi "Đỏ" và "Xanh Lơ". Đồng thời, các tàu pháo yểm trợ bắn phá các cơ sở đối phương bố trí ở Incheon. Máy bay cũng tấn công với mục đích tiếp tục làm suy yếu tuyến phòng thủ. Đồng thời người Mỹ dành sự chú ý đặc biệt đến các tuyến đường tiếp cận cho lực lượng dự bị của KNA. Máy bay của lực lượng đặc nhiệm 77 tấn công ồ ạt vào sâu tuyến giao thông cách Inchon đến 40 km.


TQLC Mỹ đổ bộ đang vượt qua đê biển bằng thang.

Lúc 16:45 giờ bắt đầu bắn phá chuẩn bị trực tiếp từ trên không và từ pháo hạm vào các bãi  "Đỏ" và "Xanh Lơ". Đồng thời diễn ra việc hạ thủy các phương tiện đổ bộ, chuyển xuống đó các vũ khí trang thiết bị và quân đổ bộ, hình thành một sóng đổ bộ. Việc đổ quân trên hai bãi đổ bộ bắt đầu gần như đồng thời, khoảng một giờ trước khi mặt trời lặn và bắt đầu nước dâng cao.
.............
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Sáu, 2012, 11:29:35 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #14 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2012, 11:27:02 pm »

(tiếp)



Inchon, Hoàng Hải, Bắc Triều Tiên, một ngày sau cuộc đổ bộ bắt đầu 15 tháng 9 năm 1950.

Trong khu vực bãi "Đỏ" đã đổ bộ 23 đợt trên các xe tác chiến thủy bộ bánh xích loại LVT và LVT/ A từ 8 tàu đổ bộ xe tăng LST tiếp cận trực tiếp đường bờ.


Cuộc đổ bộ tại bãi "Xanh Lục'.

Trên bãi "Xanh Lơ" cuộc đổ bộ diễn ra cả thảy 15 đợt trên các xe thủy bộ bánh xích loại LVT và LVT/ A và 6 đợt trên các xuồng đổ bộ-bộ binh loại LCVP. Các phương tiện đổ bộ được hạ thủy từ chín tàu đổ bộ loại LST. Việc di chuyển phương tiện đổ bộ từ khu chờ của các tàu LST và tàu vận tải đến điểm đỏ bộ mất khoảng 90 phút [45], cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn hiện có lúc đó. Trong các điều kiện khác, việc kéo dài quá lâu sự có mặt của các phương tiện đổ bộ trong khu vực hỏa lực của các khẩu đội pháo bờ biển có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho người Mỹ.


Hoạt động của các tàu sân bay trong chiến dịch Inchon-Seoul tháng 9 năm 1950.

Việc đổ quân tại bãi "Đỏ" và "Xanh Lơ" cũng diễn ra trong điều kiện sự kháng cự yếu, tạo điều kiện cho quân đổ bộ thành công trong việc chiếm được đầu cầu tương đối nhanh chóng và ít tổn thất. Tổng thiệt hại tại Sư Đoàn 1 TQLC là 222 người, trong đó có 196 người bị thương.


Cuộc đổ bộ vào bãi "Đỏ".

Ngày 16 tháng 9 thê đội đầu tiên đã hoàn thành đổ bộ. Ngay lập tức trên bờ đã triển khai Sở chỉ huy sư đoàn. Từ 18:00 giờ ngày 16 tháng 9, tư lệnh quân đoàn 10 bắt tay vào lãnh đạo các lực lượng trên bờ. Đến cuối ngày 17 tháng 9 các nỗ lực chung của quân đổ bộ đường không và đường biển kết thúc bằng việc chiếm được sân bay Kimpo. Ngày hôm sau, các máy bay của không đoàn 1 TQLC (1st Marine Air Wing) đã chuyển tới sân bay này. Nhiệm vụ chính của các máy bay này là yểm trợ Thủy Quân Lục Chiến trong việc tiến hành các cuộc tấn công về hướng Seoul.


Cuộc đổ bộ tại bãi "Xanh Lơ".

Bộ tư lệnh Mỹ dành sự quan tâm lớn cho các lực lượng đảm bảo hậu cần-kỹ thuật. Trung bình hàng ngày khối lượng hàng hoá được giao tới Incheon là khoảng 7 ngàn tấn. Để cung ứng hàng hóa quân sự suốt ngày đêm, tiểu đoàn công binh TQLC đã xây dựng và lắp đặt thiết bị một cầu bến, kéo dài 130 m từ đảo Volmido đến phần nước sâu của vũng cảng ngoài.

Đồng thời với các hoạt động của Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến 1 mở rộng vị trí đầu cầu, các cuộc đổ bộ của thê đội thứ hai và ba vẫn tiếp tục. Trong quá trình chiến dịch, người Mỹ đã sử dụng thành công máy bay trực thăng có căn cứ trên bờ và trên tàu làm nhiệm vụ trinh sát, sơ tán thương binh, giao hàng cho quân đổ bộ, điều chỉnh hỏa lực và v.v. Tới ngày 20 tháng 9 kết thúc cuộc đổ bộ binh sỹ và các cơ quan hậu cần của quân đoàn bộ binh 10.

Mặc dù có ưu thế áp đảo về lực lượng và vũ khí trang bị, quân Đồng minh vẫn tiến một cách dè dặt. Trong ngày đầu tiên [46], họ chỉ tiến được 4,8 km, mà khoảng cách từ Inchon đến Seoul (32 km) họ đã phải chinh phục mất 14 ngày. {6} Do nhịp độ tiến thấp nên mục tiêu cuối cùng của chiến dịch Inchon-Seoul đã không đạt được. Quân đội KNA đã biết cách dùng các trận đánh để thoát khỏi vòng vây và tạo ra một tuyến mặt trận vững chắc dọc theo vĩ tuyến 38.


Tổ chức lực lượng trong chiến dịch Inchon-Seoul.

Nhìn chung, chiến dịch đổ bộ là thành công. Giúp chiến dịch thắng lợi là ưu thế quân số và vũ khí trang bị vượt trội, thiếu sự kháng cự gay gắt trên không và trên biển, sự kháng cự không đáng kể trong quá trình tấn công đổ bộ, các lỗi lầm nghiêm trọng của bộ tư lệnh Bắc Triều Tiên trong đánh giá tình hình cũng như trong tổ chức phòng thủ bờ biển chống đổ bộ.


Triển khai lực lượng trong chiến dịch Inchon-Seoul.

Chiến dịch đổ bộ Inchon diễn ra sau khi kinh nghiệm của Chiến tranh thế giới thứ II đã được nghiên cứu và tổng kết. Ta biết rằng với sự ra đời của vũ khí hạt nhân, kiến giải của nhiều nhà lý luận quân sự đã lâm vào bế tắc: họ đặt mối nghi ngờ với tất cả các kinh nghiệm thu được trong cuộc chiến vừa qua, còn việc đổ bộ các đơn vị TQLC lớn được xem như là không thể. Quan điểm như vậy trở thành một loại lực cản đối với sự phát triển của không chỉ các lực lượng và phương tiện đổ bộ, mà cả lý thuyết về chiến dịch đổ bộ đường biển. Trong ý nghĩa này, cuộc chiến tranh Triều Tiên, và đặc biệt là kinh nghiệm của chiến dịch đổ bộ Inchon có tầm quan trọng lớn, nó như lời giải đáp cho nhiều vấn đề của nghệ thuật chiến tranh hải quân.


Chiến dịch Inchon-Seoul.

Thực tế ngay sau cuộc chiến tranh này, tại Hoa Kỳ đã ban hành một chỉ dẫn huấn luyện về đổ bộ đường biển, các điều khoản chủ yếu của nó sau này đã đi vào tài liệu quy định chính thức.

Chiến dịch đổ bộ Inchon về cơ bản vẫn diễn ra theo các nguyên tắc tương tự như trong Chiến tranh thế giới thứ 2, nhưng đã có một số đặc tính riêng, cụ thể là: nếu như trong Chiến tranh thế giới thứ II các chiến dịch đổ bộ tương đối độc lập, tức là không trực tiếp liên quan đến [47] các hoạt động trên tuyến mặt trận tại đất liền, thì chiến dịch chúng ta đang xem xét lại là phần không thể thiếu của một hoạt động chiến lược trên không gian chiến trường trên bộ. Hoạt động của Quân chủng Lục quân, Không quân và Hải quân đều tham gia trong một ý đồ duy nhất của chiến dịch mang tầm vóc chiến lược Inchon-Seoul. Tại tất cả các giai đoạn tiến hành chiến dịch quyền lãnh đạo chung toàn bộ các lực lượng do Tướng MacArthur nắm giữ, ông ta đồng thời là tư lệnh các lực lượng trong chiến dịch Inchon-Seoul. Ở giai đoạn các lực lượng còn hành quân trên biển và cả khi diễn ra trận chiến đổ bộ, quyền lãnh đạo trực tiếp thuộc về một sĩ quan chỉ huy hải quân (tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ), còn sau khi các lực lượng thê đội 1 đổ bộ lên bờ xong - quyền đó thuộc về một chỉ huy lục quân (tư lệnh quân đoàn 10 bộ binh).

Một nét đặc biệt của chiến dịch đổ bộ Inchon là quân Đồng minh đã đổ bộ trực tiếp vào một bến cảng, trong khi trong Chiến tranh thế giới thứ 2 các cuộc đổ bộ lớn, theo lệ thường, chỉ được thực hiện tại các bờ biển không có trang thiết bị gì và cách xa các cảng. Nếu trong cuộc chiến tranh vừa qua quân đổ bộ được đổ lên bờ với tính toán sao cho có thời gian ban ngày lớn hơn để nó giải quyết nhiệm vụ chiếm giữ, mở rộng và củng cố bàn đạp, thì trong chiến dịch này, nó lại được đổ bộ vào cuối ngày.

Một nhược điểm lớn trong kế hoạch chiến dịch đổ bộ Inchon cần phải tính đến là việc thiếu dự kiến các bãi đổ bộ thay thế, mặc dù sự cần thiết của nó không gợi ra bất kỳ mối nghi ngờ nào, bởi lẽ các tính chất địa-vật lý của khu vực tạo thuận lợi cho việc sử dụng các loại mìn đáy.

Tính cách tân về nguyên tắc của chiến dịch này là việc sử dụng máy bay trực thăng để chỉ huy lực lượng, tiến hành trinh sát, tải thương, chuyển quân và hàng đến các vùng sâu vùng xa địa hình khó tiếp cận. Bộ chỉ huy Hải quân Mỹ đã có cơ hội rút ra kết luận về tính hợp lý của việc sử dụng máy bay trực thăng trên quy mô khá lớn, bao gồm cả trên tư cách là phương tiện đổ bộ, mà đến lượt mình nó tạo ra sự xuất hiện trong các hạm đội nước ngoài một loại tàu mới - các tàu đổ bộ chở máy bay trực thăng - và hoàn thiện một phương pháp đổ bộ đường biển mới; phương pháp được đặt tên là "chiếm lĩnh theo phương thẳng đứng" («вертикальный охват» - vertical envelopment). [48]

Trong mùa xuân năm 1953 lần đầu tiên tại cuộc tập trận "Desert Rock" đã thực hiện đổ bộ Thủy Quân Lục Chiến từ máy bay trực thăng. Theo kết luận của nhiều chuyên gia hải quân, nhờ kinh nghiệm thu được mà đã xác nhận các giả định lý thuyết về tính hợp lý của việc đổ quân đổ bộ từ các máy bay trực thăng cất hạ cánh trên tàu chiến là có căn cứ.
.........
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Sáu, 2012, 01:04:57 am gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #15 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2012, 09:46:11 pm »

(tiếp)

Chiến dịch đổ bộ Wonsan



Wonsan và vùng phụ cận.

Sau khi kế hoạch bao vây và tiêu diệt các lực lượng chính của KNA trong chiến dịch Inchon-Seoul của bộ tư lệnh Mỹ thất bại, họ bắt tay vào chuẩn bị chiến dịch đổ bộ Vonsan. Với sự giúp sức của lực lượng đổ bộ chiến dịch vào cảng Wonsan {7} người Mỹ dự định cắt đường rút lui của quân đội KNA lên phía bắc và bằng những đòn tấn công hợp đồng từ phía trước và phía sau mặt trận, với sự hỗ trợ của không quân và hải quân nhằm tiêu diệt lực lượng chủ yếu của nó. Mục đích của chiến dịch được đề xuất là không khác gì nhiều so với mục đích mà người Mỹ theo đuổi khi đổ bộ đường biển tại Inchon.

Để tiến hành chiến dịch đã điều động vẫn cùng một quân đoàn lục quân số 10 (hơn 60.000 quân), hơn 400 máy bay và 283 tàu chiến các loại. Trên thực tế vẫn sử dụng các lực lượng tham gia trong chiến dịch Inchon, và tổ chức của họ. Việc chuẩn bị cho chiến dịch này cũng không khác nhiều chiến dịch trước đó. Điểm đặc biệt của chiến dịch đổ bộ Wonsan là trận địa mìn-pháo mà Hạm đội Bắc Triều Tiên tạo ra để làm thất bại cuộc đổ bộ, nó biến thành một cuộc vận chuyển thông thường bằng đường biển. Vì vậy, việc có tầm quan trọng nhất trong chiến dịch này là tổ chức đảm bảo công tác chống mìn phục vụ cuộc đổ bộ.

Các đặc điểm địa-vật lý của Wonsan và vũng cảng ngoài tạo thuận lợi cho việc xây dựng một trận địa mìn pháo mạnh. Độ sâu tại vịnh ngoài và lối vào bến cảng khoảng 14 - 16 m, chiều cao đỉnh triều không [49] lớn hơn 20 cm. Những điều kiện như vậy cho phép sử dụng cả mìn neo và mìn đáy không tiếp xúc. Trong khu vực chiến dịch, lần đầu tiên các quả mìn đã được phát hiện gần một tháng trước khi đổ bộ. Ngày 27 tháng Chín, cách vài dặm về phía đông Wonsan, người Mỹ đã tìm thấy và phá hủy một mìn nổi. [50]

Ban đầu, tại bờ biển phía đông Triều Tiên một tàu khu trục phát nổ do trúng mìn, còn sau đó là một chiếc khác. Tuy nhiên, điều đó không cảnh báo bộ tư lệnh Mỹ phải thận trọng, họ vẫn cho rằng cũng như ở Inchon, có thể đối phó tương đối dễ dàng với hiểm họa thủy lôi.

Trong 10 ngày trước đổ bộ (10 tháng 10) sáu tàu quét mìn, dưới sự che chở của các tàu khu trục đã có mặt tại Wonsan để bắt đầu quét khu mặt nước giữa mũi Ilari và đảo Iodo. Nếu không kể việc phát hiện mìn bằng trực thăng (ngày 9 tháng 10), người Mỹ không có bất kỳ số liệu nào về tình hình mìn trong khu vực sẽ diễn ra chiến dịch đổ bộ sắp tới, bởi vì họ không tổ chức được công tác thăm dò trinh sát mìn.

Hoạt động quét mìn được thực hiện như sau. Bốn tàu quét mìn đội hình hàng dọc thả lưới quét tiếp xúc tạo ra một lối đi qua bãi mìn chướng ngại. Một tàu quét được phân giao nhiệm vụ xác định ranh giới của khu mặt nước quét qua, một tàu khác bắn hủy các trái mìn được quét lên. Bay phía trước các tàu quét mìn ở độ cao thấp là một máy bay trực thăng thực hiện thăm dò bằng thị giác các quả mìn đặt nông. Đến tối ngày 10 tháng 10 đã quét được khu mặt nước dài 12 dặm và rộng 1,5 dặm. Trong quá trình quét có 21 mìn neo bị phá hủy. Công tác quét mìn tiếp tục buổi sáng ngày 11 tháng 10. Trong khoảng đường đẳng sâu 55 m, máy bay trực thăng đã phát hiện một bãi mìn dày đặc, sau đó bãi này được kiểm tra bởi các thủy thủ lặn-phá mìn dưới nước (подводники-подрывники: UDT — Underwater Demolition Team), vào cuối ngày họ đã đánh dấu được bằng phao 50 trái mìn neo.

UDT Hải quân Mỹ trong Thế chiến 2.

Ngày 12 tháng 10, người Mỹ đã cố gắng phs hủy bãi mìn này từ trên không, bằng cách sử dụng 31 máy bay ném bom "Skyraider" và 16 máy bay tiêm kích "Corsair". Mỗi máy bay ném bom mang ba trái bom nổ phá 450 kg, máy bay tiêm kích - một bom như vậy. Tất cả các quả bom được lắp ngòi nổ thủy tĩnh cho phép chúng nổ ở độ sâu 7,5 m. Các máy bay phải thả bom thành hai vệt dài 5 dặm, với giãn cách giữa các quả bom thả là 200 m. Khoảng cách giữa hai dải thả bom cũng là 200 m. [52]

Việc phân bố các quả bom ném xuống sao cho đều nhau dự kiến đạt được thông qua sự hiệp đồng thả bom của hai máy bay, một chiếc xác định vị trí của mình bằng radar và chiếc kia bay phía dưới nó, thả bom theo tín hiệu định hướng từ phao khói của chiếc thứ nhất. Người Mỹ cho đó là phương pháp chống mìn mới và cho rằng do sự kích nổ mà tất cả các trái mìn sẽ phát nổ - đường dẫn vào các điểm đổ bộ sẽ an toàn.


Hoạt động quét mìn ở Wonsan từ 10/10/1950 đến 2/11/1950 trong Chiến tranh Triều Tiên (en.viki).
........
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Sáu, 2012, 04:13:22 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #16 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2012, 12:16:47 am »

(tiếp)



Sư đoàn 1 TQLC, Wonsan ngày 26/10/1950.

Tuy nhiên, cuộc tấn công đường không là không hiệu quả, bởi các phao khói thả xuống không làm việc. Các đợt máy bay tỏ ra bị kéo quá dài, các quả bom thả xuống theo tín hiệu bằng giọng nói trên mạng radio truyền tin chiến thuật. Tất cả những điều này dẫn đến sự phân bố rất không đồng đều của các trái bom trên vệt ném bom. Các phi công Mỹ chỉ phá hủy thành công không quá 10% số mìn.


USS Pirate AM-275 và một tàu quét mìn lớp Admirable (en.viki).

Vào chiều ngày 12 tháng 10 dưới sự bảo vệ của hai tàu tuần dương hạng nhẹ và vài tàu khu trục, người Mỹ bắt đầu phá các bãi mìn nằm ngay tại cửa vào cảng. Trong quá trình rà quét, một trái mìn đáy phát nổ dưới sống tàu quét mìn USS "Pirat”, khiến tàu vỡ làm đôi, và sau một vài phút cả hai nửa tàu đều bị chìm. Tiến theo vệt rẽ nước, tàu quét mìn USS "Pledge" giảm tốc độ và thả thuyền máy xuống nước nhằm giải cứu các thành viên của con tàu đang chìm. Các khẩu đội pháo binh bờ biển từ đảo Sindo khai hỏa vào tàu “Pledge”, ngay lập tức một số loạt đã trúng đích. Sau đó khi đội thủy thủ cắt lưới quét, tàu bắt đầu di chuyển ra khỏi khu vực, nhưng khi ngoặt nó lại vấp phải một quả mìn. Vụ nổ xảy ra dưới thân tàu từ mạn phải đúng tại mức hầm máy đằng mũi tàu! Tàu quét mìn bị thương rất nặng, và chẳng mấy chốc bị chìm.

Cùng ngày, quân đội KNA buộc phải rời Wonsan lui về tuyến phòng ngự mới. Nhưng bộ chỉ huy Mỹ không từ bỏ quyết định đổ bộ tại Wonsan. Hoạt động quét mìn được nối lại. Do vướng mìn và hỏa lực pháo bờ biển [53] đã có thêm 2 tàu quét mìn bị tiêu diệt và một tàu tuần tra bị hư hỏng nặng. Chỉ tới ngày 25 Tháng Mười người Mỹ mới có thể làm được một tuyến đường đi qua các bãi mìn. Tuy nhiên, ngày 19 các đơn vị đổ bộ đã có mặt tại khu vực đổ bộ và họ bị buộc phải cơ động dọc theo bờ biển phía đông Triều Tiên chờ công tác quét mìn kết thúc.

Vậy là một chiến dịch đổ bộ cỡ lớn, được lên kế hoạch theo tất cả các quy tắc của nghệ thuật quân sự đã không thành công. Người Mỹ không thể lần thứ hai lặp lại một kế hoạch, mà trong đó dự kiến bao vây và tiêu diệt quân đội KNA, còn lực lượng hải quân của họ đã hoàn toàn không được chuẩn bị để đối phó với các loại mìn, ngay cả trong trường hợp không có sự kháng cự mạnh mẽ. Gần 300 tàu các loại với quân đổ bộ trên tàu đã bị buộc phải làm những chuyến di chuyển con thoi trong sự chờ đợi công tác quét mìn kết thúc, mà để làm điều đó họ đã mất đến 15 ngày đêm, thay vì 5 ngày đêm theo kế hoạch. Trong những hoàn cảnh như vậy, nếu bên phòng thủ có lực lượng không quân và hải quân mạnh mẽ hơn thì có thể sẽ dẫn đến sự phá sản hoàn toàn cuộc đổ bộ.


Hoạt động của hạm đội Mỹ trong chiến dịch Wonsan từ 10-26/10/1950.

Bài học chiến dịch đổ bộ Vonsan nhắc ta rằng mối hiểm họa về mìn không thể không tính tới. Ngay sau chiến dịch, các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ đã đặt hàng phát triển các loại mìn biển mới, và năm tiếp theo đã khôi phục lực lượng thả-quét mìn của Hải quân Hoa Kỳ và đặt đóng 125 tàu quét mìn. Khi xuất hiện vũ khí hạt nhân, ở Mỹ lực lượng thả-quét mìn đã bị giải tán, còn mìn với tư cách một vũ khí hải quân hiện đại đã bị lãng quên, bị coi là vũ khí của ngày hôm qua.

Trong chiến dịch này lần đầu tiên trong lịch sử các hoạt động chống mìn có sự tham gia của các máy bay trực thăng trên hạm. Mặc dù thực tế rằng chúng chỉ giải quyết được vấn đề trinh sát mìn, tại Mỹ đã có kết luận về tính khả thi của việc sử dụng trực thăng cả để phá các bãi mìn. Sau chiến tranh Triều Tiên, tại Hoa Kỳ bắt đầu phát triển các máy bay trực thăng-quét mìn và các lưới quét mìn tiếp xúc (vướng nổ) và không tiếp xúc sử dụng từ máy bay trực thăng.[54]
......
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Sáu, 2012, 10:08:05 am gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #17 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2012, 10:41:47 am »

(tiếp)


Chiến dịch đổ bộ Wonsan-Koson




Chiến dịch đổ bộ Wonsan-Koson, có tên mã "Trojan Horse", được thực hiện với các mục đích nghi binh, từ ngày 08 - 15 tháng 10 năm 1952. Trong quá trình thực hiện nó, có tất cả các giai đoạn trừ việc đổ quân đội lên bờ.

Tháng 10 năm 1952, bằng một cuộc nghi binh đổ bộ lớn trong vùng từ Wonsan đến Koson, bộ chỉ huy Mỹ lên kế hoạch lôi kéo khỏi tuyến mặt trận trung tâm một lực lượng lớn của KNA, sau đó sẽ kích hoạt các hoạt động của quân đội mình trên đất liền, khai thác sự thành công, buộc các đại diện Bắc Triều Tiên và Trung Quốc nhượng bộ trên [57] bàn đàm phán. Ngoài ra, bộ tư lệnh Hoa Kỳ khi thực hiện cuộc đổ bộ này dự kiến cho tất cả các quân binh chủng LLVT thực hành càng nhiều càng tốt việc chuẩn bị và tiến hành các chiến dịch đổ bộ.


Phong tỏa chặt cảng Wonsan.

Cơ bản không có gì mới trong nghệ thuật tác chiến hải quân trong chiến dịch này, nó được lên kế hoạch và thực hiện theo cùng một phương pháp như hai chiến dịch trước đó - Inchon và Vonsan. Tính đặc thù của nó chỉ là trong nó có kế hoạch diễn tập đổ bộ. Ngày 13 tháng 10, cách 35 - 45 dặm về phía nam tuyến mặt trận, dưới sự bảo vệ của các máy bay tiêm kích và một biên đội tàu chiến, người Mỹ đã có một cuộc diễn tập thực binh đổ bộ quân đội và bốc dỡ một phần thiết bị quân sự lên bờ. Vào cuối cuộc diễn tập, quân đội và các thiết bị quân sự này lại được đưa lên các tàu chiến và tàu vận tải, và vào cuối ngày 14 tháng Mười đã có mặt tại khu vực chiến dịch.


Bố trí lực lượng trong chiến dịch Wonsan-Koson.

Do trận diễn tập đổ bộ tiến hành trong thời gian trời sáng ban ngày và tập trung 1 số lượng rất lớn các lực lượng, phương tiện, và khu vực được lựa chọn nằm trong vùng lân cận tiền tuyến, bộ tư lệnh Bắc Triều Tiên có thể đánh giá một cách chính xác các tình huống và tính chất của các hoạt động quân sự sắp tới.

Chiến dịch Wonsan-Koson đã không đạt được mục tiêu của nó, người Mỹ không thành công trong mưu đồ thay đổi cán cân sức mạnh có lợi cho họ. Những bài học của chiến dịch này cho thấy các hoạt động nghi binh quá lộ liễu trước sự đánh giá toàn diện tình hình cho phép ta có thể phân biệt những hoạt động giả so với hoạt động thực và làm cơ sở để ra quyết định.
.............
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Sáu, 2012, 11:08:46 am gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #18 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2012, 02:06:12 pm »

(tiếp)


Tấn công các mục tiêu trên mặt đất



Hoạt động của các tàu sân bay trong chiến tranh Triều Tiên, tháng 7 năm 1950.

Việc tiêu diệt các mục tiêu công nghiệp và quân sự trên mặt đất của Bắc Triều Tiên là một trong những nhiệm vụ cơ bản của Hải quân Mỹ và các đồng minh của họ. Để giải quyết nhiệm vụ đó thường sử dụng không quân trên hạm một cách độc lập hoặc phối hợp với không quân chiến thuật và chiến lược [58], cũng như với các tàu mặt nước. Tiêu diệt một số mục tiêu cận bờ là nhiệm vụ của các thiết giáp hạm, tuần dương hạm, còn trong một số trường hợp là các khu trục hạm.


F4U-4 phi đoàn 884 thuộc Liên đoàn KQ trên tàu sân bay 101 bay qua tàu sân bay mẹ USS Boxer trong Chiến tranh Triều Tiên, ngày 4 tháng 9 năm 1951 (en.viki).

Nhưng trong tiến trình Chiến tranh Triều Tiên 1950—1953 để tiêu diệt các mục tiêu mặt đất thường sử dụng các lực lượng khác của các tàu sân bay thuộc lực lượng đặc nhiệm 77 thuộc Hạm đội 7 Mỹ. Đơn vị này gồm 3 cụm tác chiến đặc nhiệm : 77.1 — yểm trợ (tuần dương hạm hạng nặng và hạng nhẹ, các thiết giáp hạm); 77.2 — bảo vệ (các khu trục hạm); 77.3 — tàu sân bay. Thành phần đơn vị đặc nhiệm 77 có thể thay đổi. Trong những tháng chiến tranh đầu tiên trong lực lượng này có 1—2 tàu sân bay và 10 tàu bảo vệ. Về sau thành phần của nó : ổn định một cách tương đối: lực lượng trung bình có 3 — 4 tàu sân bay, 1 thiết giáp hạm, 1—2 tuần dương hạm hạng nhẹ, 14—19 khu trục hạm.


USS Boxer CV-21 ngoài khơi bờ biển Triều Tiên ngày 1 tháng 7 năm 1953 (en.viki).

Những tàu sân bay đầu tiên có mặt gần bờ biển Triều Tiên là các tàu sân bay USS «Valley Forge», USS «Philippine Sea» và USS «Leyte», còn ngày 15 tháng chín năm 1950 — USS «Boxer». Những tàu đó tạo thành hạt nhân của đơn vị đặc nhiệm 77. Trong quân số biên chế trung bình của máy bay trên hạm thuộc lực lượng đặc nhiệm 77 (3 — 4 tàu sân bay) có khoảng 160 — 220 máy bay chiến đấu và 40 — 60 máy bay tiếp tế đảm bảo. Bù đắp tổn thất bằng cách chuyển các máy bay tới không gian chiến trường bằng các tàu sân bay hộ tống hoặc các tàu sân bay hạng nhẹ.


F2H VF-172 được máy nâng đưa lên sàn cất hạ cánh trên tàu sân bay USS Essex trong Chiến tranh Triều Tiên ngày 25 tháng 8 năm 1951 (en.viki).

Trong thành phần không đoàn có các máy bay tiêm kích phản lực F9F-2 «Panther», máy bay tiêm kích động cơ piston F4U-4 «Corsair» và máy bay cường kích hạng nặng АD-4 «SkyRaider». Từ tháng 8 năm 1951 trên không gian chiến trường đã xuất hiện máy bay tiêm kích phản lực cất hạ cánh trên hạm F2H-2 «Banshee». Trong những tuần lễ đầu tiên của chiến tranh tương quan giữa máy bay tiêm kích và cường kích là 4:1, từ tháng 12 năm 1950 là — 3:1, còn giữa tiêm kích phản lực và piston trong năm chiến tranh đầu tiên là 1:1, còn sau đó — 2:1.


AD-4 Skyraider thuộc phi đoàn cường kích VA-195 Hải quân Mỹ đang chạy đà cất cánh trên tàu sân bay USS Princeton CV-37 trong Chiến tranh Triều Tiên. VA-195 thuộc Liên đoàn không quân tàu sân bay số 19 - Carrier Air Group 19 (CVG-19) - và đã 2 lần tham gia Chiến tranh Triều Tiên trên USS Princeton trong giai đoạn 1950-1952 (en.viki).

Đầu chiến tranh, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân soạn thảo kế hoạch cho máy bay ném bom, trong đó dự kiến phá hủy 18 mục tiêu chiến lược [62] trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên. Đồng thời các cuộc không kích ồ ạt ban ngày của các máy bay được định hướng chủ yếu vào việc tiêu diệt các mục tiêu đã xác định mà không phải các mục tiêu công nghiệp nói chung. Khi tiêu diệt các mục tiêu giá trị nhất, bộ chỉ huy Mỹ theo đuổi mục đích phá hoại tiềm năng chiến tranh của Bắc Triều Tiên, không phân tán lực lượng có hạn.
..........
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Sáu, 2012, 08:05:40 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #19 vào lúc: 09 Tháng Sáu, 2012, 06:01:47 pm »

(tiếp)



Hoạt động của lực lượng tàu sân bay Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên, tháng 8 năm 1950.

Khi thực hiện tấn công vào các mục tiêu trên mặt đất trong thành phần các Liên đoàn Không quân thường có 14 đến 16 máy bay đặc nhiệm (phục vụ các hoạt động ban đêm, trinh sát ảnh, tác chiến điện tử, phát hiện và cảnh báo tầm xa bằng radar), ngoại trừ khả năng sử dụng không kích để giải quyết các nhiệm vụ không phù hợp với nó và nói chung nâng cao tính hiệu quả của các cuộc tấn công. Nhược điểm lớn nhất trong các hoạt động của máy bay hải quân Mỹ là số lượng phi hành đoàn được đào tạo bay đêm còn ít: trung bình không quá 5 phi hành đoàn trong mỗi liên đoàn. Do vậy khi bắn phá các tuyến giao thông trên bộ, máy bay hải quân Mỹ chủ yếu hoạt động ban ngày. Có thể quan sát được sự mệt mỏi của các kíp thủy thủ boong trên tàu sân bay, làm công tác huấn luyện và đảm bảo, cất cánh và tiếp nhận hạ cánh do cường độ hoạt động rất cao. Về ban đêm, hiệu quả hoạt động của pháo phòng không – phương tiện phòng không chủ yếu của KNA giảm hẳn, bởi vậy, khi hoạt động về đêm, các phi công Mỹ thường thu được thành công lớn hơn ban ngày, hơn nữa đối phương cũng chủ yếu thực hiện vận chuyển khi trời tối.


F-9F Panther trên bầu trời Triều Tiên năm 1953 (korean-war.com).

Hình thức hoạt động chủ yếu của đơn vị đặc nhiệm 77 là hoạt động tác chiến, còn phương pháp cơ bản tiến hành nó — như ta gọi «tập kích», hay là đột kích, thường có độ dài lên đến 2 tuần lễ. Các khu vực cơ động của các tàu sân bay trong những tháng đầu tiên của Chiến tranh Triều Tiên được ấn định trong khu mặt nước biển Hoàng Hải. Các chỉ huy các nhóm xung kích tàu sân bay cố gắng thường xuyên nhất theo khả năng có thể, thay đổi khu vực cơ động chiến đấu, cách nhau một khoảng từ 40 đến 60 dặm. Thỉnh thoảng khu vực cơ động chiến đấu cũng phân bố trong khu mặt nước biển Nhật Bản. [64]

Từ tháng 10 năm 1950 đến tháng 7 năm 1953, đơn vị đặc nhiệm 77 tiến hành các hoạt động chiến đấu một cách có hệ thống, khi ở trong vịnh Đông-Triều Tiên. Thường các khu vực cơ động chiến đấu có dạng tam giác với các cạnh 20—30 dặm. Trung tâm của khu vực như vậy thường nằm cách bờ 40—80 dặm. Khoảng cách đến các mục tiêu tấn công được xác định trong dải từ 90—240 dặm, nghĩa là từ 20 đến 50% bán kính chiến thuật của máy bay cất hạ cánh trên hạm tàu.

Khi tấn công vào các mục tiêu trên đất liền các phi công Mỹ phải giải quyết 2 nhiệm vụ: tiêu diệt các cơ sở quân sự và công nghiệp và phá hủy hệ thống giao thông đường bộ của KNA. Tùy thuộc hoàn cảnh đặt ra, họ sẽ thực hiện hoặc nhiệm vụ này hoặc nhiệm vụ kia. Trong từng thời kỳ riêng biệt việc phá hủy hệ thống giao thông đường bộ là nhiệm vụ quan trọng nhất của Hải quân Mỹ. Các đối tượng bị tấn công chủ yếu là các cầu, chúng là những nút giao thông trọng yếu nhất của hệ thống giao thông. Nhiệm vụ này cũng được giải quyết dưới hình thức các hoạt động tác chiến có hệ thống. Suốt thời gian chiến tranh, bộ chỉ huy Mỹ chỉ hai lần tiến hành các chiến dịch mà mục tiêu chủ yếu của chúng là phá hủy hệ thống giao thông đường bộ.


Không lực Mỹ tấn công đường sắt phía nam Wonsan trên bờ biển phía đông Bắc Triều Tiên (en.viki).

Сần nêu rõ rằng các cuôc tấn công vào các công trình cầu được tiến hành với cường độ cực cao. Chỉ trong thời kỳ từ 9 đến 21 tháng 11 năm 1950, các máy bay đã thực hiện 593 phi vụ chiến đấu (8 cuộc công kích theo nhóm) trong khu vực sông Áp Lục, ném xuống các cầu 232 nghìn trái bom. Tuy nhiên mục đích của các cuộc ném bom không kích này vẫn không đạt được. Bộ chỉ huy Bắc Triều Tiên đã biết cách ngụy trang các công trình cầu và đường dẫn tới cầu, xây dựng các bến phà mới, các công trình cầu giả và v.v. Khi bắt đầu tới mùa băng giá, bộ chỉ huy Mỹ nói chung từ chối thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu đó.
.......
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Sáu, 2012, 07:57:22 pm gửi bởi qtdc » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM