Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:24:06 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời binh nghiệp  (Đọc 53450 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #30 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 11:03:09 am »

 Sư đoàn 323 là đơn vị sẵn sàng chiến đấu, lúc nào chúng tôi cũng phải gắng sức rèn binh, luyện cán, chủ động đối phó với các động thái gây chiến tranh dọc biên giới và tham gia xây dựng công trình quốc phòng dọc tuyến biên giới phía Bắc. Trong lòng tôi luôn tự nhắc mình, nói gì thì nói, “luyện quân ba năm, dụng binh một giờ”, không thể xao nhãng, khi có tình huống khẩn trương là lực lượng trong tay mình phải luôn sẵn sàng. Không có lời nào có thể bao biện cho chỉ huy, khi cấp dưới thực hành tác chiến kém cỏi để lỡ thời cơ, không hoàn thành nhiệm vụ. Tôi thường xuyên coi trọng công tác nắm chắc đơn vị, kiểm tra sát sao, bởi  “ở đâu có bộ đội hoạt động, ở đó phải có kiểm tra”. Tôi rất tâm đắc lời của người xưa: Người ta thường chết ở chỗ mà mình bất lực, thường thất bại ở chỗ bất tiện cho mình. Cho nên trong phép dùng binh, sự tập luyện phải đứng đầu. Bởi một người học đánh, dạy lại vạn người biết đánh. Vạn người học đánh, dạy lại thành ba quân biết đánh.
     Tôi cũng thường nhắc anh em cấp dưới:  Chỉ huy cấp tiểu đội trở lên phải biết tổ chức huấn luyện cho cấp mình, nhưng dạy chưa đủ, phải là tấm gương về nếp sống chính quy, giữ nghiêm kỷ luật.
    Những năm 80, kinh tế đất nước đang thời kỳ khó khăn, kẻ thù rình rập biên giới, đời sống bộ đội rất đạm bạc. Dù huấn luyện hay làm công trình, hàng ngày chúng tôi chỉ được ăn bo bo (hạt mì chưa chế biến) hoặc bát mì đen luộc lên ăn (không có điều kiện chế biến thành bánh mì). Tôi không bao giờ quên hình ảnh người chiến sĩ gày guộc, trên vai vác nặng một cấu  kiện bê tông hình cung, anh đưa lên điểm tựa, lắp ghép để làm công sự. Áo anh sũng mổ hôi, nhưng vẫn nhoẻn nụ cười, cùng đồng đội lao động quên cả mệt nhọc. Tấm gương Lê Đình Chinh, Nguyễn Thị Hồng Gấm khi đó là động lực cho chúng tôi trong huấn luyện, công tác.
Mặc dù đất nước đã hòa bình được 6 năm (1975-1981), tôi đi học quân sự xong rồi lại ra biên giới, với đồng lương trung tá, quá nhỏ bé, không đủ để nuôi vợ con, nên giai đoạn này đành phải để cho vợ nghỉ việc cơ quan chạy chợ thêm để lo cuộc sống cho gia đình ở hậu phương. Là cán bộ cấp sư đoàn, nhưng mỗi khi đi họp về qua nhà, vẫn phải thanh toán tiêu chuẩn gạo để hỗ trợ “bếp hậu phương”. Nhiều gia đình giàu có thường đổi gạo tem phiếu lấy gạo quê để ăn cho có “chất”, nhưng gia đình tôi vẫn “kiên trì” dùng gạo mậu dịch để lâu, mất chất dinh dưỡng nặng, khác nào “mất mùa ngay trong nồi”. Nhưng không có cách nào khác, nhiều cán bộ cấp dưới của tôi cũng thế. Gia đình quân nhân nào cũng thế. Thời bình vợ, con vẫn tiếp tục khắc phục khó khăn. Biết làm thế nào, khi đất nước còn khó khăn, biên giới phía bắc, phía nam chưa bình yên.
   Thấm thoắt đã qua 7 mùa xuân trên quê hương Đông Bắc. Dải đất Quảng Hà và Hải Ninh bán sơn địa, thổ nhưỡng nghèo dinh dưỡng, dải đất này cũng nghèo cả về tiềm năng sản xuất công nghiệp. Nước lợ pha lẫn nước ngọt, trồng trọt rất dễ nhiễm phèn. Con đường quốc lộ rất hẹp, chạy qua những ngầm nước từ xa xưa, hạn chế khả năng cơ động. Mạng lưới đường sá thiếu tính vu hồi. Biên giới còn hoang vu, khi đó chưa có các công trình quân sự kiến trúc mang tính tác chiến cơ bản bền lâu.
Đơn cử, các cung đường còn nhiều khúc cua, hạn chế tính cơ động của xe kéo pháo lớn, khí tài, vũ khí hiện đại. Hệ thống kho tàng chiến dịch cũng mới hình thành, mang nặng tính dã chiến, cấp thời…
     Trong 7 năm, tôi làm Sư đoàn phó TMT Sư đoàn 323 phục vụ cho 3 đồng chí Sư đoàn trưởng. Có đồng chí cả trí tuệ và tấm gương đạo đức luôn để tôi nhủ lòng học tập. Có đồng chí trí đức cũng có thể “đong đếm”… còn khiêm tốn. Tổ chức chưa bổ nhiệm, cho dù tôi cũng trải qua nhiều “thử thách” ở chức trách mình, và có khi đảm nhiệm một số trường hợp ở cương vị cấp đứng đầu sư đoàn, tôi đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhưng tôi vẫn lặng lẽ sống, làm việc, công tác sinh hoạt bình thản, tìm mọi cách khắc phục khó khăn thực tế hoàn thành chức trách ở mức cao. Sau này có thời gian chiêm nghiệm, tôi thấy một trong những nguyên nhân mà cấp trên chưa tín nhiệm tôi, là do tính thẳng thắn và tác phong “năng động sớm” của tôi mà “các cụ” cho là “vượt mặt” .
      Một đơn cử có thật,  đa số cán bộ ra biên giới là những đồng chí đều trưởng thành trong chống Mỹ cứu nước, được học hành bài bản. Trong các Hội nghị dù có cấp trên dự họp, chúng tôi vẫn phát biểu chân thành, thẳng thắn, xây dựng, ưu khuyết rõ ràng. Khi phát hiện vấn đề còn bất cập, của cả trên cả dưới, tôi không nói vòng vo, được lòng nhau, đẹp lòng nhau, mà nêu đúng sự việc, nêu đích danh “địa chỉ”, cố nhiên nêu rất thiện chí, để cùng khắc phục, tháo gỡ. Tôi tâm niệm, vì lợi ích công phải nói thẳng.
     Sau này tôi mới biết, tâm lý cấp trên trực tiếp của mình, khi có cấp trên cao hơn (Thủ trưởng Bộ) dự họp, họ không thích cấp dưới nói thật thiếu sót của mình. Nói thật mất lòng đã đành, nhưng nói thật có khi còn bị coi là bóc mở nhược điểm của họ, bất lợi cho họ. Thế thì họ không thiện chí với mình là đương nhiên.
       Trong vấn đề chiến đấu đánh trả pháo binh của phía gây hấn biên giới, những năm (1984-1986) ở hướng Sư đoàn tôi đảm nhiệm phòng ngự. Đối phương bắn pháo sang đất ta. Đối phương chuẩn bị trước kỹ, ta muốn bắn trả phải chọn thời cơ bất ngờ. Khi đối phương bắn pháo sang đất ta, các đồng chí cơ quan tác chiến chiến dịch sốt ruột điện xuống nhắc. Tuy nhiên tôi bàn với đồng chí Sư đoàn trưởng, tìm nhiều cách nắm đối phương, trinh sát kỹ, rút ra quy luật . Những trận chiến đấu tiếp sau của chúng tôi có mục tiêu cụ thể đánh trả, khá chính xác, có kết quả  được trên đánh giá cao.
Lại điều này nữa, tôi bị coi là “tự ý quan hệ với lãnh đạo tỉnh” (quan niệm của cấp trên là cấp Sư đoàn đóng quân ở huyện, chỉ quan hệ với chính quyền ở huyện là đủ). Vì Sư đoàn 323 thành lập tháng 3-1979, tiền thân của Sư đoàn là các đơn vị địa phương của tỉnh Quảng Ninh, Sư đoàn trưởng đầu tiên là Tỉnh đội trưởng, các cơ quan sư đoàn là các cơ quan tỉnh đội cũ (khi có đặc khu, tỉnh, giải thể cơ quan quân sự tỉnh).
Trong thực tế, chúng tôi dù là Sư đoàn 323 thuộc Đặc khu Quảng Ninh, cán bộ tỉnh Quảng Ninh vẫn gắn bó quý mến, coi các đơn vị của Sư đoàn 323 là con em của tỉnh mình. Khi Sư đoàn chúng tôi chuẩn bị kỷ niệm 5 năm ngày truyền thống (3/1979-3/1983), tôi Sư đoàn phó, Tham mưu trưởng và anh Quán, Sư đoàn phó chính trị vào gặp lãnh đạo tỉnh xin ý kiến chỉ đạo và xin địa phương chi viện kinh phí (hồi ấy sư đoàn không có quỹ vốn như các đơn vị bây giờ). Chúng tôi vừa vào chỗ đồng chí Phạm Hoành - Chủ tịch tỉnh, đột nhiên thấy Tư lệnh đặc khu vào, chúng tôi lúng túng chưa biết phân trần như thế nào thì đồng chí Chủ tịch tỉnh đã đỡ lời: Tôi gặp hai đồng chí ở dọc đường, gọi vào đây uống nước. Chúng tôi đành cáo Tư lệnh xin về trước (lảng sang văn phòng UBND tỉnh chờ đó).
 Khi Tư lệnh đặc khu về, văn phòng lại đưa chúng tôi tới gặp Chủ tịch tỉnh. Mọi đề nghị của Sư đoàn, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều ủng hộ giải quyết, giúp đỡ vượt yêu cầu.
Xin kể tiếp chuyện này: Vào năm 1982, đồng chí Lê Đức Thọ Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng ra thăm Đặc khu Quảng Ninh tại cứ Ba Chẽ. Vào thời điểm này, trên tuyến biên giới gặp nhiều khó khăn về lương thực thực phẩm. Công việc của chiến sĩ hằng ngày rất nặng nhọc, vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa xây dựng công trình công sự rất vất vả. Mỗi Sư đoàn chỉ được cử có 2 đại biểu đến gặp đồng chí cấp trên. Lúc chúng tôi chờ ở Nhà khách đặc khu, tôi đề xuất, mấy khi chúng ta gặp được Bộ Chính trị tới thăm, vì chiến sĩ biên giới, ai phát biểu phải nói đúng sự thật, nếu ngại thì để người khác phát biểu. Thế là đoàn cán bộ đại diện các sư đoàn cử tôi phát biểu. Tôi mừng lắm, chuẩn bị ý tứ sao cho ngắn gọn để cấp trên hiểu thực chất.
Khi đồng chí Lê Đức Thọ hỏi về đời sống Bộ đội Biên giới, tôi thực hiện đúng lời hứa, báo cáo với đồng chí rằng:  Bộ đội ta khi chiến đấu ở chiến trường từng làm thơ: “Bộ đến thì Bộ rất thương, Bộ ra đến đường thì Bộ lại quên”. Còn bây giờ chiến sĩ ta ở biên giới khái quát: “Cơm toàn cục, canh toàn quốc, nước chấm đại dương” (Cơm toàn cục bột mì luộc, canh toàn quốc là canh toàn nước, nước chấm đại dương là muối). Đồng chí Lê Đức Thọ phá lên cười và động viên chúng tôi, các đồng chí đã qua chiến tranh giải phóng, có nhiều kinh nghiệm lo cho bộ đội để bộ đội giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Những gì nhà nước đã có chi viện ra biên giới là cố gắng cao nhất của Đảng và Nhà nước cho quân đội. Sau này, trong những năm 80 của thế kỷ XX, Đồng chí lê Đức Thọ đã cảm thông, nắm bắt ý của chúng tôi báo cáo, đưa vào trong bài thơ, có câu “Bát canh toàn quốc, nước chấm đại dương đỡ lúc đói lòng” (thơ Lê Đức Thọ). Câu chuyện này nhiều cán bộ biết, nhưng có người không thích phong cách nói thẳng, nói thật của tôi. Cũng như bây giờ, còn có nhiều chuyện bất cập, Đảng ta cũng đã kết luận tiêu cực, tham nhũng đã cản trở quá trình đi lên của cách mạng, ai cũng bức xúc.
 Nhưng điều đó không phải ai cũng nói mạnh trong hội nghị. Nhưng có ai nói, chỉ ra thẳng thắn thì có người lại tỏ ra không thích vì bệnh thành tích của đơn vị mình, ngành mình. Phải chăng đó cũng là nhược điểm của người Việt mình, còn trầm tích nhiều tư tưởng nông dân, phong kiến, hẹp hòi, đố kỵ. Mong sao trong tiến trình đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những chuyện đó phải là chuyện xa lạ với phong cách tư duy hiện đại, hội nhập. Tôi nhớ lời người xưa:
 Đức tánh của người tướng giỏi là: Cứng rắn mà không bị bẻ gẫy, mềm mỏng mà không bị vày vò. Cho nên có thể dùng yếu để chống mạnh, dùng mềm để chống cứng. Mềm mãi, yếu mãi thì sẽ bị tước đoạt. Cứng mãi mạnh mãi thì sẽ bị thất bại. Không cứng, không mềm, đó là lẽ thường của đạo.
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #31 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 11:03:36 am »

Cuối năm 1987, quan hệ giữa Việt Nam và “láng giềng” có dấu hiệu tích cực. Bộ Quốc phòng quyết tâm điều chỉnh thế bố trí chiến lược. Đặc khu Quảng Ninh được cùng với Quân khu 3 thành lập Quân khu 3 mới (thực chất sáp nhập  Đặc khu Quảng Ninh vào Quân khu 3).
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh được khôi phục lại. Trong số 4 Sư đoàn trưởng và 8 Sư đoàn phó quân sự, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh xin đích danh tôi (Sư đoàn phó TMT Sư đoàn 323) về làm Tỉnh đội trưởng. Rất may, tôi được Thủ trưởng Bộ tư lệnh Đặc khu ủng hộ. Nhưng trên chưa thật yên tâm, cho đồng chí Tư lệnh phó số 1 của Đặc khu là Thiếu tướng Phạm Xưởng kèm cặp tôi 8 tháng tiếp theo nữa mới giao cho tôi chức Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh.
Từ miền Đông đến Miền Tây của tỉnh, tôi nắm chắc đặc điểm địa hình, con người… nói chung là mọi mặt, từ đó đưa ra các kế hoạch, giải pháp, triển khai các nhiệm vụ quân sự-quốc phòng cho sát hợp với từng huyện, thị, sát với thế trận phòng thủ khu vực địa bàn.
Tôi nghiên cứu tình hình địa bàn mình phụ trách: Quảng Ninh là một tỉnh có điều kiện tự nhiên đa dạng, phong phú về nhiều mặt. Đó là những tiềm năng to lớn để Quảng Ninh phát triển một nền kinh tế khá toàn diện từ sản xuất công, nông, ngư nghiệp đến phát triển thương mại, dịch vụ. Đặc biệt là Quảng Ninh có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn. Chính vì vậy mà Quảng Ninh đang là một trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế của vùng tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Về công nghiệp: Thế mạnh của tỉnh là ngành công nghiệp khai khoáng, trong đó, quan trọng nhất là than đá. Tỉnh có nhiều mỏ than lớn nhất cả nước như Hòn Gai, Hà Tư, Cẩm Phả, Uông Bí, Cái Bàn. Mỏ than Quảng Ninh sản xuất 90% sản lượng than toàn quốc, cung cấp cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, tại Uông Bí còn có mỏ sắt, Hoành Bồ có mỏ đá chứa dầu, Lệ Viên có mỏ đồng, đảo Hai Sông có nhiều mỏ đá vôi và nhà máy xi măng, khu Hoành Bồ có mỏ đất sét.
Trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội, Quảng Ninh là một trong những tỉnh phát triển thông tin liên lạc vào loại nhanh và hiệu quả. Hiện nay, Quảng Ninh là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về mật độ sử dụng điện thoại với 5 máy/100 dân.
Văn hoá không chỉ có lịch sử lâu đời, Quảng Ninh còn là nơi hội tụ văn hoá của nhiều dân tộc khác nhau. Ngoài người Kinh còn có nhiều tộc thiểu số khác như Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chay, Hoa, Nùng... Họ di cư chủ yếu từ phương Bắc đến cư trú ở Quảng Ninh trên dưới ba bốn trăm năm nay, trải cư ở hầu khắp các địa bàn, thuộc các huyện Hoành Bồ, Vân Đồn, Ba Chẽ, Tiên Yên, Hải Hà, Bình Liêu, Móng Cái, Đông Triều, thị xã Uông Bí, Cẩm Phả, với tỷ lệ 10,8% dân số toàn tỉnh. Mỗi dân tộc đều có những truyền thống văn hoá riêng. Hiện nay, những giá trị văn hoá truyền thống đó còn hiện diện trong các tộc thiểu số ở Quảng Ninh. Mỗi loại hình văn hoá đều mang sắc thái riêng của mỗi dân tộc, nó thể hiện rõ nhu cầu và bản sắc lối sống của họ. Là cái riêng, cái lạ mà du khách muốn được chứng kiến cảnh sinh hoạt, cảnh sắc thiên nhiên, phong tục tập quán của những vùng thôn dã, bản làng còn lưu giữ được những gì là “nguyên bản”, là “huyền bí” của thiên nhiên và con người. Đây là một tiềm năng dồi dào để phát triển du lịch văn hoá ở Quảng Ninh.

Quảng Ninh là vùng đất của nhiều lễ hội độc đáo và hấp dẫn như Hội chùa Yên Tử diễn ra hằng năm vào mùa xuân, thu hút đông đảo du khách từ các tỉnh lân cận ở Bắc Bộ về tham dự. Hội Trà Cổ được tổ chức từ ngày 30-5 đến 7-6 âm lịch hằng năm tại làng Trà Cổ. Hội đền Đức Ông diễn ra vào ngày 24-3 âm lịch. Hội đền Cửa Ông diễn ra vào ngày 3-2 âm lịch hằng năm. Hội đình Quan Lạn diễn ra vào ngày 26-6 âm lịch. Đến Quảng Ninh vào những dịp lễ hội, du khách sẽ được tham gia các hoạt động văn hoá dân gian mang đậm bản sắc văn hoá của các dân tộc cư  trú trên địa bàn tỉnh.

Giao thông Quảng Ninh là một tỉnh công nghiệp, lại ở vị trí biên giới nên giao thông vận tải của tỉnh vừa có ý nghĩa kinh tế, vừa có ý nghĩa quốc phòng.

Hệ thống giao thông của Quảng Ninh khá mở mang, sự liên lạc trong tỉnh cũng như các thị trấn được dễ dàng về cả đường bộ lẫn đường thủy. Những bến Hồng Gai, Cẩm Phả và Vạn Hoa có những đoạn thiết lộ nối với các kỹ nghệ khai thác quặng, lại có khả năng cho cập bến những tàu lớn nên thương mại Quảng Ninh rất phát đạt.

Quốc lộ 18 chạy dọc phía Đông của tỉnh từ Đông Triều đi Móng Cái, qua tỉnh Hải Dương và lên tới tận Trung Quốc. Quốc lộ 10 đi Hải Phòng và các tỉnh khác của Bắc Bộ, qua địa bàn huyện Yên Hưng và thị xã Uông Bí nối thông với Quốc lộ 18. Quốc lộ 279 từ thành phố Hạ Long lên huyện Hoành Bồ, qua tỉnh Bắc Giang. Quốc lộ 18C từ thị trấn Tiên Yên đi Bình Liêu, lên Trung Quốc.
    Trong 5 năm tôi làm Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh, tôi không phụ lòng tin cậy của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Các việc lớn của tỉnh giao cho Bộ chỉ huy quân sự, LLVT tỉnh đều triển khai có kết quả. Có thể khái quát như:   
Điều chỉnh thế trận phòng thủ phù hợp lực lượng vũ trang địa phương, thông qua tham mưu trưởng Quân khu 3, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Hữu Sở đánh giá cao và chỉ thông qua một lần là xong.
Tỉnh đội đã tổ chức rà phá gỡ mìn tuyến biên giới Quảng Ninh an toàn tuyệt đối, không trường hợp nào thương vong, vì chúng tôi thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật và thực hành nghiêm ngặt quy trình rà phá bom, mìn. Đó là: Dùng xăng, dầu đốt khu vực dự định dò. Kẻ hàng ngang, hàng dọc từng ô vuông nhỏ cho chiến sĩ trước khi dò. Dùng thuốn dò kỹ, từng xăng-ti-mét, khi có mìn, vật lạ đánh dấu lại. Nếu thấy mìn chống tăng không tháo (đề phòng mìn bẫy ở dưới) đánh dấu, để cuối ngày cho bộc phá tiêu huỷ. Cuối mỗi ngày đồng loạt cho nổ bộc phá, phá hết, không cho bộ đội tận thu thuốc nổ trong mìn mang đi nơi khác, dễ gây mất an toàn, phát sinh tiêu cực.
Tôi thường giáo dục, kiểm tra, nhắc nhở anh em cán bộ rằng: Mỗi gia đình chỉ có hai đứa con, nếu đặt vào hoàn cảnh của mình, có đứa con trai duy nhất trong thời bình, đi bộ đội, rà phá mìn, chẳng may sơ sảy bị thương, thậm chí hy sinh thì nỗi đau đó lớn thế nào, có gì bù đắp được? Do đó, phải hết sức có trách nhiệm với nhiệm vụ khắc phục bom mìn, bảo đảm an toàn cao nhất. Ở đâu có chiến sĩ, ở đó phải có cán bộ chỉ huy, giám sát. Việc khó, cán bộ phải trực tiếp làm, làm mẫu cho anh em.
        Về chính sách cán bộ, tôi nghĩ và trao đổi với cơ quan, cần quan tâm sâu sắc đến việc lo bảo đảm chính sách cho các đồng chí sĩ quan công tác, chiến đấu ở đặc khu nghỉ hưu. Khi còn đặc khu, để giải quyết chính sách, cơ quan cán bộ thường chỉ biết mang tiền về xuôi mua hàng, chia cho cán bộ, vừa đắt, chất lượng thấp, số lượng lại ít ỏi. Với tư cách là Chỉ huy trưởng, tôi suy nghĩ, việc chăm lo chính sách cho cán bộ không chỉ là việc của cơ quan quân sự, còn phải là trách nhiệm của lãnh đạo địa phương. Tôi mạnh dạn đưa vấn đề này ra thường vụ tỉnh ủy Quảng Ninh, được các đồng chí ủng hộ ngay. Đây cũng là một bài học thuyết phục bằng thực tế, miễn là không vụ lợi, không mang lợi ích nhóm. Thế là tỉnh đồng ý bán cho “công tác chính sách” này hàng trăm mét khối gỗ lim “tận dụng” ở rừng Ba Chẽ - Tiên Yên. Chúng tôi mua về Bộ chỉ huy quân sự tỉnh  thuê thợ các tỉnh đồng bằng ra đóng tủ, giường, bàn, ghế. Cách làm như vậy vừa rẻ vừa chất lượng, lại đồng đều. Trong vòng 3 năm, chúng tôi giải quyết cấp đầy đủ cho các đối tượng. Trong đó, cán bộ cao cấp được 3 thứ (bàn ghế + tủ đứng + giường đôi). Trung cấp: 2 thứ (bàn ghế + tủ đứng). Sơ cấp: 1 thứ (giường đôi). Đúng là, chăm lo cho con người sẽ được rất nhiều. Những sĩ quan đang tại ngũ sẽ công tác, chiến đấu hết mình, khi thấy lớp trước được chăm lo công bình, chu đáo.
       Với mặt bằng mức sống chung của sĩ quan những năm 1980, có quà tặng chính sách về nghỉ như vậy là tốt, vừa tình nghĩa đồng đội, mới cũ, người ra đi, người ở lại… Sau này, tôi có dịp gặp gỡ, về thăm quê hương các cán bộ được nhận tiêu chuẩn “đồ gỗ chính sách”, các bác, các anh vẫn nhắc và nói, họ vẫn dùng giường tủ, sinh hoạt hằng ngày, cho dù đời sống có thể mua được nhiều thứ tốt hơn, đẹp hơn nhưng họ vẫn giữ, vì nó rất bền, còn vì đó là kỷ vật đời quân ngũ, những năm bao cấp còn khốn khó.
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #32 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 11:04:08 am »

Trước tình trạng cán bộ cấp cơ sở, nhất là ở thôn bản vùng sâu còn thiếu và yếu, thiếu cả về số lượng, yếu cả về chất lượng nhân lực. Trong đó phải nói đến yếu trình độ văn hóa, trình độ quản lý, nhận thức về hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ địa bàn. Tôi tham mưu cho tỉnh chọn lọc đầu vào, là con em đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn xa, nơi biên giới, hải đảo để mở lớp đào tạo tại Trường Quân sự tỉnh. Thời gian học 18 tháng, bằng nguồn kinh phí của tỉnh.
Nội dung tôi đề xuất phân bổ: Học kiến thức quân sự một phần ba thời gian, do giáo viên tỉnh đội giảng; học quản lý tài chính - Trường Hành chính tỉnh giảng; học công tác Đảng, công tác chính trị - Trường Đảng của tỉnh giảng. Trong 18 tháng học ở Trường Quân sự, ngoài học chuyên môn, các cháu còn được học văn hóa, giao lưu, tham quan với các ban ngành ở địa bàn, nhằm mở rộng kiến thức xã hội, điều rất quan trọng là nuôi dưỡng tình yêu quê hương Quảng Ninh giàu đẹp, niềm tự hào phát huy truyền thống sản xuất và bảo vệ từng tấc đất thân yêu của quê hương mình. Cuối khóa học cho học viên đi tham quan các địa danh như: Vĩnh Mốc - Quảng Bình và Củ Chi - TP Hồ Chí Minh. Như vậy, vừa nâng kiến thức, vừa mở rộng tầm nhìn, tri giác thực tế. Đối tượng này rất cần thực tế: “Tai nghe, mắt nhìn, tay sờ trực tiếp”. Đúng như quy luật nhận thức, phải theo tiến trình như sau: “Nhận thức sự vật - Cải tạo tư tưởng - Chuyển biến hành động”.
 Trong khóa học, anh em học viên phát biểu: Trong kháng chiến chống Mỹ, Củ Chi là đồng bằng, gần địch, gần Sài Gòn thế, các bác, các chú vẫn bám trụ được, chúng cháu có rừng, có núi, nếu chiến tranh xảy ra chúng cháu học tập Củ Chi quyết  bảo vệ quê hương của mình. Đúng là từ thực tiễn, nâng tầm nhận thức, chuyển biến tư tưởng, dẫn dắt hành động.
Giờ đây, số học viên ngày nào đã có người trưởng thành, giữ cương vị cán bộ cấp huyện ở Quảng Ninh, đang ngày đêm cùng nhân dân các dân tộc của địa phương thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược trên địa bàn.
Tôi cũng tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết 02/BCT “Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan quân sự làm tham mưu, thống nhất chỉ huy các lực lượng vũ trang” bằng cuộc diễn tập phòng thủ tỉnh được quân khu đánh giá tốt. Khi đó còn cố vấn Liên Xô, các đồng chí đã cho cuộc diễn tập điểm 10+. Trong 4 năm tôi công tác ở Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh, trong khối nội chính của tỉnh, 3 năm liền Bộ chỉ huy quân sự tỉnh liên tục giành được cờ thi đua luân lưu.
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #33 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 11:04:38 am »

Trong thời gian công tác tại Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Đoàn Khuê luôn quan tâm đến tuyến phòng thủ phía Đông Bắc. Ông luôn chăm lo đến việc xây dựng tiềm lực quốc phòng-quân sự ở hướng chiến lược. Nhiều lần ông được tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh Quảng Ninh báo cáo về công tác xây dựng lực lượng, thế trận quốc phòng ở đây, trong đó có thế trận lòng dân, công tác dân vận, xây dựng cơ sở, giáo dục quốc phòng. Các cơ quan của Bộ cũng đánh giá Bộ CHQS tỉnh và cá nhân tôi coi trọng công tác chính trị-quân sự trên địa bàn một tỉnh địa đầu, có rừng núi, biển đảo dài và hiểm yếu. Điều ông chăm lo có lý là Đặc khu Quảng Ninh mới giải thể, sát nhập vào Quân khu. Nhưng với nỗ lực của Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh trên các mặt xây dựng lực lượng, mà khi đó tôi là chỉ huy trưởng, ông đã thực sự yên tâm. Đó cũng là cơ sở đánh giá của cá nhân ông khi ông quyết định đề xuất tôi về Quân khu ba, thay thế thủ trưởng Đỗ Mạnh Đạo làm Phó tư lệnh chính trị Quân khu sau đó.
       Đại tướng Đoàn Khuê là tấm gương cho tôi học tập trong cuộc đời binh nghiệp. 16 tuổi, ông đã tham gia phong trào Thanh niên phản đế. Đầu năm 1963, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam bước vào thời kỳ quyết liệt, ông được Đảng cử vào chiến trường Khu 5, một địa bàn trọng điểm, nơi đế quốc Mỹ và tay sai tập trung đánh phá ác liệt. Đồng chí Đoàn Khuê đã cùng Quân khu ủy chỉ đạo hiệu quả công tác tư tưởng, xây dựng bản lĩnh, ý chí quyết tâm "Dám đánh và quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" của toàn quân khu. Trưởng thành qua chiến đấu, nhiều năm đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị, đồng chí đã nghiên cứu công phu nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng, phát huy truyền thống chủ nghĩa anh hùng cách mạng, động viên bộ đội nêu cao tinh thần dũng cảm, quyết tâm tiêu diệt kẻ thù. Trên cơ sở vững vàng về chính trị, tư tưởng, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã nghiên cứu tìm ra cách đánh hiệu quả, góp phần đánh bại chiến thuật "Chiến xa vận" của địch. Khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, đồng chí góp phần cùng tập thể Khu ủy, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 5 lãnh đạo quân và dân Khu 5 chiến đấu kiên cường, trở thành nơi "đi đầu diệt Mỹ" với những trận đánh nổi tiếng như Vạn Tường (tháng 8-1965), Plây Me (tháng 9-1965), Đồng Dương (tháng 12-1965), Xuân Sơn (năm 1966)... Vào thời điểm Hiệp định Pa-ri được ký kết (tháng 1-1973), trong một số đơn vị xuất hiện tư tưởng hòa bình chủ nghĩa, mất cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, với cương vị Phó chính ủy Quân khu 5, đồng chí đã chỉ đạo các cấp phải nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng của Đảng, chống ảo tưởng, mất cảnh giác, lỏng lẻo ý chí chiến đấu; đồng thời cùng tập thể lãnh đạo quân khu đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tiến công địch, giữ vững vùng giải phóng và xây dựng lực lượng mạnh để tiếp tục chiến đấu, giành thắng lợi to lớn trong các chiến dịch năm 1974 và Xuân 1975 lịch sử.
        Đối với nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Cam-pu-chia, tháng 1-1979, Quân khu 5 đảm nhiệm một hướng chiến lược, đồng chí Đoàn Khuê trực tiếp làm Tư lệnh chiến dịch, đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị chiến trường, chỉ huy tiến công địch giành thắng lợi.  Được Đảng phân công giữ chức Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh 719, Phó trưởng đoàn chuyên gia giúp bạn Cam-pu-chia (năm 1983), được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Bộ tư lệnh 719. Trong công cuộc đổi mới đất nước, với cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và tiếp đó là Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Đoàn Khuê đã đề ra và tổ chức thực hiện thành công cuộc điều chỉnh chiến lược quân sự quan trọng. Trên cơ sở đó, bố trí lực lượng và tổ chức phòng thủ phù hợp trên các hướng, các địa bàn, vùng biển đảo, biên giới đất liền…

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #34 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 11:05:18 am »

VIII

TƯ LỆNH QUÂN KHU

       Giữa năm 1992, tôi đang giữ cương vị Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh, được cấp trên gọi đi học lớp bổ túc (A) ở Học viện Chính trị-quân sự. Đầu năm 1993, tôi được bổ nhiệm Tư lệnh phó chính trị Quân khu 3 thay đồng chí Đỗ Mạnh Đạo - Trung tướng về nghỉ hưu. Cuộc đời hiến thân cho binh nghiệp cách mạng, được trên tin quần chúng ủng hộ, từ trung đội trưởng làm quân sự, sang làm chính trị viên, giáo viên, chủ nhiệm chính trị, sau trở lại làm tham mưu trưởng sư đoàn… nay lại về chăm lo công tác Đảng, công tác chính trị của Quân khu, tôi luôn nghĩ làm sao giữ vững trận địa tư tưởng cho các đơn vị, cho cán bộ các cấp. Chưa tròn một năm sau, tháng 12-1993, tôi được Nhà nước bổ nhiệm chức Tư lệnh Quân khu 3. Sau đó ít lâu, được tín nhiệm bầu là Ủy viên Trung ương Đảng, liên tục các khóa cho đến năm 2006. Tôi nhẩm lại những câu không thể quên:
   “Ai bị nguy khốn thì làm cho họ yên ổn, ai sợ sệt thì làm cho họ vui lòng, ai phản nghịch thì đem họ trở về, ai bị oan ức thì giải cứu họ, ai cường thằng thì đè nén họ, ai yếu đuối thì nâng đỡ họ, ai nhiều mưu kế thì gần gũi họ, ai dèm pha thì lật tẩy họ, ai được của cải thì cho họ, không ỷ sức mạnh mà khinh địch, không cậy giàu có để tỏ vẻ kiêu ngạo đối với người, không cậy được yêu mến để thị uy, tính toán trước rồi sau mới dấy binh, biết chắc thắng rồi sau mới đánh được, ngọc lụa không được dùng làm của riêng, được con trai, con gái không được tự sai dùng. Như thế, khi sửa trị và ban bố mệnh lệnh mọi người đều tình nguyện chiến đấu, dùng binh không đổ máu nhiều mà địch tự thất bại vậy”. Lời các bậc tiền nhân không hề cũ.
   Khi còn thơ bé, nhìn từ ao làng về phía đông, nơi có Cảng Hải Phòng, tôi choáng ngợp vì sự lớn lao của sông biển, lòng hằng mong có một lần cưỡi sóng trên con thuyền buồm ra đến cửa biển Long Châu, nghe nói ngoài đó có sóng cao, đánh vọt qua thuyền buồm.
   Giờ đây, ở vị trí Tư lệnh một Quân khu lớn, có vị trí chiến lược cực kỳ then chốt trong thế trận Bảo vệ tổ quốc, tôi suy nghĩ lung lắm. Tôi tâm đắc trước lời của Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trong Tạp chí Lịch sử Quân sự tháng 6 năm 1992:
   “Quân khu 3, Quân khu đồng bằng án ngữ Thủ đô, dựa vào Tây Bắc và Việt Bắc, nối liền đất Thanh, Nghệ, miền Trung, lại nhìn ra biển cả, giàu tài nguyên và quan trọng về chiến lược. Thời bình, đây là một trong những vùng đất căn bản để xây dựng và phát triển, là cửa ngõ giao lưu quốc tế của đất nước. Thời chiến, đây là hậu phương quốc gia, đồng thời là mặt trận chống xâm lược, nhiều tên làng, tên đất, tên sông đã trở thành tên gọi của những chiến công hiển hách”.
       Đúng vậy: Quân khu ba có đầy đủ các dạng địa hình của đất nước, đô thị, cửa sông, biển đảo, rừng núi, đồng bằng, trung du, bán sơn đạo, có vị trí chiến lược rất quan trọng trong thế trận phòng thủ.
   Gần 4 năm tôi làm Tư lệnh “sớm dậy khuya nằm”, tôi đã cùng các đồng chí trong Bộ tư lệnh Quân khu tập trung chỉ đạo quân khu thực hiện chức năng chính của Lực lượng vũ trang Quân khu là sẵn sàng chiến đấu, xây dựng, huấn luyện các đơn vị tập trung của quân khu thành lực lượng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong mọi hoạt động của đơn vị, là một yêu cầu cấp bách, nhiệm vụ trọng yếu để nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội.
       Với LLVT địa phương (tỉnh, thành phố), chúng tôi coi trọng chỉ đạo xây dựng LLVT ba thứ quân (bộ đội tập trung, lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ) và làm tốt vai trò tham mưu để lãnh đạo các địa phương vận dụng sáng tạo NQ 02/BCT: “Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, quân sự làm tham mưu, thống nhất chỉ huy các LLVT”. Không chỉ tập trung đối phó chiến tranh chống xâm lược mà còn vận dụng cơ chế ấy vào trong xử lý các điểm nóng ở mỗi địa phương. Vận hành tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, các ban ngành làm tham mưu, LLVT là nòng cốt”. Phấn đấu các địa phương (chính trị trong sạch, kinh tế phát triển, QP-AN vững mạnh) để thực hiện quan điểm của Đảng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là làng giữ làng, xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh khi có chiến tranh xảy ra.
   Một hoạt động có ý nghĩa cơ bản là tôi chỉ đạo, điều hành cuộc diễn tập phòng thủ toàn quân khu, với lực lượng vũ trang quân khu và các tỉnh (thành phố) tham gia để cụ thể hóa NQ 02/BCT trên địa bàn Quân khu (đây là cơ sở để tôi bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ khoa học quân sự tại Học viện Quốc phòng).
   Về lý thuyết, chúng ta đã nói rất nhiều về sự “phối kết hợp” giữa LLVT quân khu và các tỉnh, thành phố, nhưng qua thực tế diễn tập mới thấy không phải ở đâu cũng quán triệt và thực hiện tốt. Khối chủ lực quân khu cũng phải rút kinh nghiệm nhưng khối địa phương (tỉnh, thành phố) còn nhiều bất cập cả về cơ chế, cả về chính sách và thực lực.
       Điều tôi lo lắng là lớp cán bộ lãnh đạo mới các địa phương có quan tâm và làm tốt các vấn đề quân sự, quốc phòng, an ninh như thế hệ trước hay không? Có thực coi trọng vấn đề Bảo vệ Tổ quốc hay xao nhãng làm kinh tế bằng mọi giá? Vào cuối những năm 2000, tôi đã thấy có địa phương ở biên giới cho nước ngoài thuê đất, thuê rừng, xâm hại đến lợi ích an ninh quốc gia. Điều đáng mừng là điều tôi lo lắng đó chưa xảy ra ở địa bàn chiến lược Quân khu 3. Ý thức quốc phòng toàn dân của người dân cùng các cấp chính quyền ở Châu thổ sông Hồng luôn được quán triệt tốt.
      Mong sao các thế hệ chỉ huy của Quân khu 3, các tỉnh và thành phố mãi mãi sau này không bao giờ khinh suất việc xây dựng thế trận “sâu rễ bền gốc” trong lòng người, trong tư tưởng nhận thức và cả trong thực tế bảo vệ vững chắc địa bàn được nhân dân, nhà nước giao phó.
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #35 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 11:05:49 am »

   Việc điều chỉnh các đơn vị LLVT quân khu nơi đứng chân, phối hợp phương án tác chiến phòng thủ quân khu thời kỳ mới, đó là việc khi triển khai tôi cũng rất thận trọng . Song tôi lại nghĩ, mỗi giai đoạn cụ thể có yêu cầu lịch sử khác nhau, nếu vì tư tưởng cá nhân (sợ va chạm) không có chính kiến, làm trái với lương tâm, chức trách của mình, đó cũng là thiếu sót! Khi tổ chức điều chỉnh thế trận, tôi phải tạo và chọn thời cơ cho phù hợp. Dự kiến của Bộ Quốc phòng điều Trung đoàn 43 về T.Y, mà T.Y cách hai huyện xa . Nhìn về địa quân sự, với một đơn vị bố trí phía trước, là chỗ dựa và hậu thuẫn cho địa phương khi có chuyện khởi sự, xa thế thì không ổn, kể cả đơn vị cơ động bằng cơ giới. Nhân dịp đồng chí Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về thăm quân khu, tôi mời Thứ trưởng ra thăm biên giới. Tôi biết Trung tướng Thới Bưng từ 1972 trong Chiến dịch Nguyễn Huệ. Sau chuyến thăm và kiểm tra đó, thủ trưởng bộ đồng ý cho Trung đoàn 43 ở lại vị trí cũ (huyện Hải Hà). Đến bây giờ thế trận chiến dịch ấy vẫn rất đắc địa, nhất là khi thành phố Móng Cái thành khu kinh tế mở, giao thương mạnh mẽ hai bên, đường biên giới phát triển, từ Quảng Hà có thể triển khai cơ động khá thuận lợi, khi có tình huống, càng thấy đề xuất của chúng tôi là chính xác.
           Từ kinh nghiệm điều chỉnh Trung đoàn 43, tôi dự kiến điều chỉnh Lữ cao xạ 214 đứng chân từ cầu Phú Lương về (phía Tây thành phố Hải Dương), Trung đoàn thông tin 603 quân khu Từ Duồn (An Lão) về gần Sở chỉ huy, Tiểu đoàn hóa học từ Quỳnh Phụ, Thái Bình về gần Quân khu bộ… Tôi chọn thời cơ khi đồng chí Đại tướng Đoàn Khuê, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xuống thăm quân khu, khi nghe tôi đề xuất phương án bố trí lực lượng, ông rất vui vẻ và cũng thận trọng. Ông giao cho Cục tác chiến nghiên cứu, tôi đã tranh thủ được sự ủng hộ của Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu, trong đó có vai trò Cục trưởng của Trung tướng Vũ Cao. Thực tế cho đến nay các đơn vị đã phát huy được khả năng hoạt động, phát triển, khang trang, chính quy. Đến đơn vị nào cũng có hệ thống kho tàng, trận địa, nhà ở, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu, nuôi dưỡng bộ đội, bảo đảm sức chiến đấu tốt. Từ doanh trại chính quy, ý nghĩa sâu xa hơn là rèn luyện được đội ngũ sĩ quan, chiến sĩ, đáp ứng yêu cầu của tác chiến hiện đại.
           Quá trình chỉ huy, lãnh đạo quân khu, ngoài việc  tôi quan tâm công tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của LLVT quân khu, công tác xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện… tôi cũng tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Tôi xác định đây là khâu then chốt, là lực lượng quan trọng, tạo cho người chỉ huy hoàn thành chức trách của mình. Trước khi tôi được bổ nhiệm Tư lệnh Quân khu, tôi có thời gian gần một năm làm Phó tư lệnh chính trị quân khu, có thời gian dài đi sát cơ sở, nằm đó, nắm chắc được mạnh yếu của đội ngũ cán bộ.
           Sau 5 năm thành lập Quân khu 3 “mới”, trên cơ sở Quân khu 3 và Đặc khu Quảng Ninh (thực chất là sáp nhập Đặc khu Quảng Ninh vào Quân khu 3). Trong thời gian ngắn ấy, Quân khu đã cho ra quân, chuyển ngành, về hưu trên 5.000 sĩ quan các cấp (thống kê này đồng chí Tư, Phó phòng cán bộ cùng tôi tổng hợp). Nếu so sánh số sĩ quan cho ra quân với số sĩ quan đương chức, về mọi tiêu thức (tuổi trung bình, chất lượng chiến đấu, học vấn, từng trải qua chiến đấu) thì số đương chức “đuối” hơn.
   Để khắc phục tình trạng trên, tôi chủ động bàn với các đồng chí trong Thường vụ và Tư lệnh Quân khu đi liên hệ các Học viện, nhà trường quân đội gửi cán bộ đi học (ngoài kế hoạch của Bộ). Tôi trực tiếp đi liên hệ tại Học viện Quốc phòng, Học viện Chính trị. Anh Thành, Thiếu tướng, Phó tư lệnh Chính trị đi liên hệ Học viện Lục quân. Chúng tôi được các đồng chí lãnh đạo  các học viện, nhà trường ủng hộ cao.
   Trong vòng 3 năm (1994 - 1996), chúng tôi tự tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ sơ cấp ở Trường Quân sự quân khu và gửi đi học ở các nhà trường của Bộ được trên 600 cán bộ các cấp bằng nguồn ngân sách của Quân khu, trích từ kết quả hoạt động kinh tế đầu tư cho cán bộ. Số cán bộ được Quân khu cử đi học (ngoài luồng) sau này về đơn vị đã đóng góp không nhỏ cho nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện và nâng sức mạnh chiến đấu LLVT Quân khu.
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #36 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 11:06:20 am »

    Từ lâu, Quân khu 3 đã có truyền thống kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng. Khẩu hiệu “làm giàu đánh thắng” có từ thời đồng chí Nguyễn Quyết làm Tư lệnh. Tư tưởng đó được các thế hệ Tư lệnh Quân khu sau này kế thừa và vận dụng. Trước đây, lực lượng làm kinh tế của quân khu lên tới trên 30 đầu mối, khi tôi làm làm Tư lệnh chỉnh đốn lại, rút xuống còn hơn chục đầu mối. Trước đây, các đơn vị làm kinh tế chỉ cần nộp đủ thuế cho Nhà nước là được, không cần phải đóng góp gì cho Quân khu.
      Khi tôi làm Tư lệnh, tôi suy nghĩ, cũng là sĩ quan trong quân đội, số anh em làm nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu quá vất vả, nhưng hậu phương gia đình rất khó khăn. Trong khi đó, số sĩ quan phân công làm kinh tế, “thương trường là chiến trường”;  tuy cũng vất vả, song đời sống kinh tế hơn hẳn. Tôi bàn với thường vụ Đảng ủy Quân khu, giao thêm nhiệm vụ cho lực lượng làm kinh tế, ngoài việc nộp thuế cho Nhà nước hằng năm phải nộp thêm chỉ tiêu cho Quân khu để Quân khu điều tiết cho các đơn vị phía trước và làm nhiệm vụ huấn luyện. Chủ trương này được các đồng chí phụ trách các công ty, xí nghiệp hoan nghênh. Hoan nghênh vì trước đây “nói là không đóng góp cho Quân khu”, song thực tế vẫn phải chi viện cho các đơn vị (nhưng không có “tên tuổi” gì), nay có chỉ tiêu rõ ràng, cuối năm tổng kết, Quân khu lại biểu dương, thấy rõ được sự đóng góp thiết thực, các công ty, xí nghiệp thấy vinh dự, được đánh giá đúng. Đơn vị chiến đấu, đồng đội, đồng chí thừa nhận.
       Tôi ngẫm ra rằng, người ta có thể nhiều tiền, cũng có thể còn nghèo, có người thích biểu dương, thích địa vị cao, có người lại không thích khuyếch trương thành tích… Nhưng uy tín thì ai cũng cần, được đánh giá đúng, công bằng thì ai cũng cần. Người chỉ huy rất cần sự công tâm, công bằng, đánh giá đúng, không thiên vị. Thiên vị là mầm mống nảy sinh ganh ghét, đố kỵ, nguyên nhân gây mất đoàn kết, bằng mặt không bằng lòng. Tính công tâm, thẳng thắn của tôi có thể có người không thích, nhưng với số đông, với sự nghiệp và cộng đồng, tôi cho rằng cần phải giữ vững và phát huy phẩm chất ấy.
              Nghiên cứu trên hải đồ, trên ảnh vệ tinh, tôi thực sự cuốn hút về dãy đảo nằm trong tuyến biển đảo Đông Bắc. Trong thế quân sự-quốc phòng nơi đây, tạo hóa ban cho Tổ quốc những vùng địa linh, trường tồn, khác nào những tàu sân bay, những chiến hạm không bao giờ đắm, bảo đảm cho Tổ quốc không bị bất ngờ, khi từ tuyến đảo này thế trận kinh tế quốc phòng vững chãi. Những tên gọi dễ nhớ Cô Tô, Ngọc Vừng, Vĩnh Thực, Cái Bầu… đó khác nào phên giậu, những tiền đồn xa, canh giữ vùng biển đảo của Tổ quốc. Dẫu sao đời sống bộ đội ở đây còn cực nhọc, chỗ ở còn nhếch nhác, kho tàng cũng không khá hơn. Khí hậu biển đảo thì mưa ẩm, gió biển mặn cùng hơi nước, tạo sự ăn mòn rất tác hại cho việc bảo quản vũ khí, khí tài quang học, độ chính xác của súng ống, đạn dược…
      Thời anh Phạm Văn Trà làm Tư lệnh Quân khu, anh đã tổ chức xây, ngói hóa được một đảo, đó là Ngọc Vừng. Khi tôi lên Tư lệnh ra kiểm tra tuyến đảo tôi suy nghĩ nhiều lắm: Làm sao, làm thế nào? Để rút ngắn thời gian ngói hóa doanh trại cho bộ đội ở tuyến đảo, một đời làm Tư lệnh (5 năm) anh Trà ngói hóa được một đảo, nếu cứ tốc độ này phải 20 năm sau mới ngói hoá toàn bộ tuyến đảo Quân khu!!!
      Tôi cùng các cơ quan nghiên cứu kỹ chủ trương phát triển kinh tế của nhà nước, trong đó chúng tôi chú ý tới văn bản đề cập đến Chương trình Biển Đông. Tôi giao cho cơ quan Khoa học Công nghệ môi trường bước đầu nghiên cứu về biển đảo trên địa bàn. Chúng tôi phân công Cục hậu cần làm công văn xin Vụ I của Ủy ban kế hoạch Nhà nước, xin Nhà nước chi viện ngân sách để Quân khu xây dựng tuyến đảo Đông Bắc. Được Bộ ủng hộ, sau đó tôi trực tiếp lên mời anh Cẩn Vụ trưởng vụ I, cùng anh Sáng Vụ phó vụ này xuống thăm Quân khu, ra thăm thực tế tuyến đảo Đông Bắc.
   Tận mắt thấy thế chiến lược biển đảo, thực trạng tiềm lực kinh tế, thế trận quốc phòng trên khu vực rộng lớn này, Vụ I đã đưa vấn đề xây dựng cơ sở quân sự các tuyến đảo vào kế hoạch của Nhà nước. Thế là Quân khu được đầu tư 20 tỷ đồng. Đó là nguồn lực rất đúng lúc, rất có giá trị để xây dựng 4 đảo còn lại, đó là: Đảo Trần, Cô Tô, Vĩnh Thực, Cái Bầu. Mỗi viên gạch, bao xi măng, tấn thép mang ra đảo là một kỳ công. Tôi động viên anh em ở Cục Hậu cần, Phòng doanh trại, vận tải Quân khu, cảng Đông Hải, cùng nhiều cơ quan khác tích cực tham gia chiến dịch này. Sư đoàn xây dựng 319, cán bộ chiến sĩ Đoàn 242 đã tranh thủ ngày đêm, mùa mưa, tận dụng có nước ngọt bền bỉ 3 năm xây cất các công trình, để có cơ ngơi khang trang, sẵn sàng chiến đấu cao như bây giờ.
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #37 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 11:06:56 am »

       Sở chỉ huy Quân khu nằm trên địa bàn quận Kiến An. Thế cao, hướng phát triển tốt về duyên hải Thái Bình, Hà – Nam – Ninh, hoặc ngược lên Quảng Yên - Ba Chẽ - Tiên Yên - Móng Cái. Từ đây hỗ trợ các vùng đảo, vịnh rất tốt. Nhưng chính tại nơi đô thị này, cơ sở vật chất, ăn ở, hệ thống thông tin liên lạc, sở chỉ huy chưa chính quy.  Để chuẩn bị kỷ niệm Quân khu 50 năm ngày truyền thống, tôi cùng các cấp triển khai hàng loạt các chương trình, hạng mục, trong đó có chỉ đạo xây dựng cổng Quân khu bộ quay ra đường Kamen (hướng Nam). Khi khánh thành ai cũng phấn khởi, được đi lại đàng hoàng. Bộ mặt quân khu hoành tráng, thể hiện được sức mạnh của LLVT trên địa bàn, tương xứng với sức mạnh thực chất trong thế trận An ninh quốc phòng Khu vực đồng bằng, biển đảo rộng lớn.
       Thời gian làm Tư lệnh Quân khu, tôi có quan hệ chặt chẽ với các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong địa bàn. Tôi ủng hộ và tạo điều kiện cho các địa phương phát triển kinh tế xã hội để đời sống nhân dân ngày một cải thiện, nhưng quá trình phát triển kinh tế xã hội phải gắn với quốc phòng an ninh. Việc liên doanh liên kết các địa phương với nước ngoài cơ bản là thuận lợi, đúng hướng, phát huy tốt tiềm năng thế mạnh của các khu vực.
 Riêng ở Hải Phòng, do lịch sử để lại, khu vực phòng thủ quân khu ở địa bàn có 3 khu vực rất quan trọng nhưng cả 3 khu vực ấy đều “có vấn đề”.
Nhà máy xi măng Chinfon xây dựng trùm lên hầm phòng thủ khu vực (chỗ Phà Rừng). Đó là hầm pháo để khóa cửa song Bạch Đằng. Lãnh đạo TP Hải Phòng nói đã lỡ rồi, xin bỏ qua. Khu thứ hai là đảo Đình Vũ, địa phương định phát triển khu liên doanh liên kết, chiếm hết cả khu vực quân sự. Khu thứ ba là huyện đảo Cát Bà, lấy đường hầm pháo làm đường xuyên đảo, để dân du lịch xuyên tắt ra bãi Cát Cò, Cát Cụt, một khu bãi tắm có giá trị văn hóa, cảnh quan đẹp.
Tôi đã kiên quyết đấu tranh, chủ động xin ý kiến Thủ trưởng Bộ Quốc phòng. Cấp trên đã chỉ đạo kiên quyết khắc phục tồn tại trên. Nhà máy xi măng Chinfon đã phải bỏ ra 10 tỷ đồng để công binh quân khu xây lại công trình phòng thủ.
     Cảng Đình Vũ nay giữ lại được khu đất trận địa đoạn gần bến phà. Nơi đây được đánh giá có vị trí chiến lược quan trọng. Để khóa cửa biển vào Hải Phòng, một bên là đảo Cát Bà, một bên là Đồ Sơn, Đình Vũ được ví là then cài. Nơi đây có vị trí chiến lược trong tác chiến phòng không tuyến đầu và tác chiến phòng thủ khu vực từ xa.
      Khu đảo Cát Bà trong phát triển du lịch lấy đoạn hầm pháo làm đường đi qua, quân khu phải xẻ núi cho dân đi ra Cát Cò, Cát Cụt thu lại các hầm pháo trên. Tôi cho rằng, những biểu hiện cụ thể về coi nhẹ công tác quân sự-quốc phòng trong cơ chế thị trường luôn phải được kiểm tra, chấn chỉnh.
        Cồn Thoi là tên một xã thuộc địa bàn hoạt động của LLVT Quân khu 3. Trong hàng chục năm trời, bộ đội đã tham gia lao động, quai đê lấn biển phía Nam huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Xã này được thành lập năm 1964, trên cơ sở xã Tô Hiệu. Trụ sở xã nằm cách trung tâm thành phố Ninh Bình 45 km. Diện tích là  8,23 km²; dân số: 8042 người. Phía Bắc xã giáp các xã Kim Tân và Kim Mỹ; phía Đông giáp sông Đáy, phía Nam giáp thị trấn Bình Minh.
Cồn Thoi là xã vùng trũng có diện tích tự nhiên 742,5 ha, xã có tới 87% dân số theo đạo thiên chúa giáo. Xã có bến xe Cồn Thoi là điểm nút giao thông quan trọng phía Nam của huyện Kim Sơn. Hiện nay, Cồn Thoi phát triển rất nhanh, những con đường lớn đã được trải nhựa, tất cả các đường đều được đổ bê tông. Năm 2004, Cồn Thoi đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng nhà văn hóa cùng với sân bóng đá. Hiện Ninh Bình đang dự kiến thành lập khu kinh tế biển đảo Kim Sơn tại vùng biển bãi ngang - cồn nổi và 7 xã ven biển Kim Sơn, trong đó có Cồn Thoi
       Vịnh Cửa Lục nằm giữa “trung tâm” TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ.  Xuất xứ tên của vịnh Cửa Lục là do có 6 con sông từ huyện Hoành Bồ cùng đổ vào, trong đó có những sông lớn như các sông Trới, Mỹ, Mằn, Thành, Diễn Vọng... nên lượng phù sa bồi lấp hằng năm vào vịnh khá lớn: Diễn Vọng (29.000 tấn); Mằn (10.600 tấn) và Trới (20.300 tấn). Nhiều năm qua, LLVT Quân khu 3 đã lao động quên mình tạo nên một vùng quỹ đất canh tác, sản xuất bằng cả quỹ đất vốn có của huyện Hoành Bồ.
     Giờ đây, trên sông Cửa Lục, từng đoàn tàu biển vào ra. Cảng Cái Lân mở rộng, cầu Bãi Cháy hoành tráng bắc ngang sông, cả một vùng biển hoang vu năm xưa nay sôi động kinh tế, du lịch… Nhìn thấy ai cũng vui mừng, Hạ Long, Quảng Ninh đang khởi sắc, bừng lên… Lại nhớ những năm tháng cả vạn chiến sĩ cán bộ Quân khu 3 đã dầm mình nơi đây.
      Để chuẩn bị cho ngày kỷ niệm 50 năm thành lập Quân khu 3, 25-10-1945/25-10-2011, chúng tôi đã cùng lúc triển khai nhiều công việc, huy động nhiều lực lượng tham gia, cùng với những phong trào thi đua triển khai trước đó… Tập trung cao nhất là: Cuộc diễn tập phòng thủ Quân khu là cuộc diễn tập lớn nhất trong vòng mấy chục năm, tôi cùng BTL chỉ đạo tốt, rút kinh nghiệm, đúc rút nhiều bài học quý.
         Đội quân nhạc của Quân khu, trên chỉ cho biên chế một tiểu đội, tôi chủ trương tăng biên chế cỡ trung đội. Quân khu tự bỏ kinh phí hoạt động. Anh em có chỉ huy, quản lý chặt chẽ. “Trống năng rèn, kèn năng thổi”, giờ đây trong các dịp lễ kỷ niệm ý nghĩa lớn của Quân khu và khu vực, đội quân nhạc này phục vụ rất nghiêm túc và “hoành tráng”, nâng tầm uy tín và sự trang trọng cho LLVT Quân khu.
         Đoàn nghệ thuật của Quân khu cũng như Báo Quân khu 3, Truyền hình Quân khu 3 cũng được tôi cùng Bộ tư lệnh chăm lo củng cố, phát triển. Nhà văn hóa được tăng kinh phí hoạt động. Dịp kỷ niệm Quân khu ra đời có mấy tập sách được in cùng các sách lịch sử, tổng kết được phát hành trong những năm tháng ấy, hàng loạt hội thảo về Khoa học công nghệ-lịch sử trận đánh được tổ chức... góp phần vào khẳng định sức mạnh và truyền thống của Quân khu 3 trong lòng dân Đồng bằng sông Hồng.
         Chúng tôi đã làm tốt việc phối hợp với các địa phương, tổ chức phối hợp với các trường đại học trên địa bàn, tổ chức diễu binh LLVT Quân khu 3 và các hoạt động chào mừng, dạ hội thanh niên trong và ngoài quân đội…

       Một câu chuyện khác: Cần phải có Nhà tang lễ của khu vực Hải Phòng, đó là nguyện vọng của nhiều cựu chiến binh trong địa bàn mong ước có được. Xuất phát từ suy nghĩ là trên địa bàn, có nhiều sĩ quan cấp tướng, cấp tá và cán bộ viên chức ở Hải Phòng… khi lâm sự, cần có nơi viếng và tiễn đưa trang trọng.
        Đón nhận mong muốn này, tôi nghĩ đến một nơi có diện tích và vị trí phù hợp là mảnh đất tại Phân viện 7, gần lối ra phà Bính (Hải Phòng). Nơi đây, khi Quân khu 3 rút gọn, lãnh đạo thành phố có ý muốn xin lại, làm việc khác, bởi nguồn gốc xa xưa là đất của thành phố. Tôi thăm dò và đề xuất với Thành ủy, Ủy ban, hướng xây một nơi làm nhà tang lễ. Thành phố nhất trí ngay. Tôi trao đổi trong Lãnh đạo chỉ huy Quân khu, trích nguồn vốn xây dựng ngay một khu làm nơi cử hành tang lễ, giao cho Bộ CHQS thành phố Hải Phòng quản lý, điều hành. Từ đây, những cựu chiến binh trong khu vực, khi qua đời được cử hành tang lễ tại một nơi khang trang, nghiêm túc. Điều này trước đây chỉ có ở hai thành phố lớn của đất nước.
   
     Tôi đọc và ghi nhớ lời người xưa, qua Binh thư yếu lược thường nhắc nhở:
Các điều gian lao của quân đội, tướng súy phải nếm trải trước đã. Trời nắng không che lọng, trời lạnh không mặc áo cầu dầy, gặp chỗ đường khó thì xuống đi chân; giếng nước trong quân đào xong, tướng mới được uống nước; cơm của lính nấu chín rồi, tướng mới được ăn; lũy trong quân xây xong rồi tướng mới được nghỉ; khi cực nhọc hoặc khi nhàn hạ, tướng phải cùng sống với quân lính: Như thế tuy dùng binh lâu ngày mà quân đội vẫn mạnh mẽ, hăng hái.
       Một chuyện nhỏ, nhưng tới nay nhiều sĩ quan vẫn nhắc khi gặp tôi. Số là trong những lần đi công tác, dọc ngang địa bàn quân khu, vào chiều thứ Sáu, tôi thấy các sĩ quan thuộc Quân khu bộ, mang mũ kê-pi, mặc quân phục mới, trong mưa giông, gió rét, hay nắng hè nhễ nhại mồ hôi gò lưng đạp xe đạp, lên xuống phà từ Ruồn về Quý Cao, xuôi Thái Bình, hay lếch thếch ghìm xe xuống phà Bến Bính, phà Rừng về nghỉ cuối tuần. Đất nước giải phóng hơn hai chục năm mà bộ đội vẫn vất vả. Tôi bàn với Bộ tư lệnh, xuất quỹ cho mỗi sĩ quan Quân khu bộ vay 10 triệu đồng, không lấy lãi, sẽ trả dần để anh em có vốn ban đầu mua xe máy. Tôi không còn nhớ rõ tổng số chi bao nhiêu, nhưng vào những năm đó 10 triệu đồng rất có giá trị. Hầu hết sĩ quan đã mua được xe máy để cải thiện sinh hoạt, bớt dần cảnh nhếch nhác đạp xe ngược gió, về thăm vợ con ở xa, yên tâm công tác. Gần đây có thông tin từ cơ quan tài chính, có sĩ quan cho đến nay vẫn chưa trả hết đận vay 10 triệu ấy. Tôi không buồn mà thấy vui, ít nhất anh em đã có một cơ hội. Lo gì, khi về hưu anh em sẽ có món để trả Quân khu cơ mà!
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #38 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 11:08:15 am »

IX

CƯƠNG VỊ  MỚI

     Những ngày hè oi ả của năm Bính Tý rồi cũng qua đi.  Tôi ngồi trên xe Toyota hai cầu, lướt trên con đường lượn quanh làng quê thuộc địa bàn quân khu. Tháng Tám, gió heo may se se làm rạp ngọn lúa tạo nên những đợt sóng trải đồng, khiến tôi chợt nhớ về những ngày thơ ấu. Mới đấy mà đã hơn 45 năm, từ những ngày theo ông bà ngoại đi tản cư, chạy giặc, tháng Tám ngày ấy cũng xanh, mát dịu thế này.
      Trở về Kiến An, tôi nhận được tin triệu tập về Bộ. Lại có việc mới! Tôi nghĩ thế. Số là ngày 25-9-1996, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký Quyết định số 702/TTg bổ nhiệm tôi, Thiếu tướng, Phó tiến sĩ Nguyễn Thế Trị, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 3 giữ chức Giám đốc Học viện Quốc phòng. Thật ra, phương án này của trên, tôi đã biết. Thậm chí, tôi còn biết có những phương án khác, có thể tôi làm chỉ huy quân sự, hoặc chỉ huy chính trị ở cấp cao. Bây giờ không làm chỉ huy chính trị và quân sự, lại về chỉ huy nhà trường, học viện… Tôi nhẩm lại lời thề của người lính “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành…” lòng thấy thanh thản trở lại.
      Được phép của Bộ, tôi đã nhanh chóng hoàn thành nốt một số công việc ở Quân khu để về nhận nhiệm vụ tại Học viện Quốc phòng vào đầu năm1997. Ngay khi nhận được quyết định, tôi có cảm xúc vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì được Đảng, Nhà nước, Quân đội tín nhiệm, tin tưởng, lo vì cách đây 16 năm tôi mới là học viên đào tạo ở đó. Hiện Trung tướng Nguyễn Hải Bằng đang làm quyền Giám đốc Học viện, người mà 26 năm về trước (1971) là cấp trên của tôi (anh Bằng khi đó là Tham mưu trưởng Sư đoàn 7, tôi là Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209 thuộc Sư đoàn 7). Tôi lo nhất là kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy điều hành công tác nhà trường còn mỏng. Đây là một Học viện lớn, liệu mình có hoàn thành tốt được trọng trách mà Đảng, Quân đội giao cho?
         Những lúc rảnh rỗi, hay đêm về, trước khi giấc ngủ ập đến, tôi lặng yên suy nghĩ về hai năm học tập ở Học viện Quân sự cao cấp, hồi ức về những năm tháng ấy cứ hiển hiện như mới ngày nào… Ngày ấy, chúng tôi về học khoá 2 đào tạo Sư đoàn trưởng binh chủng hợp thành, khai giảng vào cuối tháng 8 năm 1979. Khoá học có 125 học viên. Chúng tôi rất đỗi tự hào vì được là học viên những khoá học đầu tiên của Học viện cao cấp nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Nơi đây, nơi hội tụ những cán bộ, giảng viên là các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp mà tên tuổi, sự nghiệp của họ đã gắn với những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, như: Lê Trọng Tấn, Hoàng Minh Thảo, Nguyễn Hữu An, Lê Tự Đồng, Đỗ Trình, Phạm Hồng Sơn, Hoàng Đan, Nguyễn Năng, Lê Linh v.v… Các ông là người thầy trên giảng đường, còn là cán bộ nghiên cứu khoa học tầm cỡ.
       Theo Nghị định 188/CP của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký ban hành ngày 20-12-1994 về việc "Thành lập Học viện Quốc phòng trên cơ sở Học viện Quân sự cấp cao” xác định: Học viện Quốc phòng trực thuộc Chính phủ, là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cao cấp quân sự, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và đoàn thể, nghiên cứu khoa học quân sự. Chính phủ giao cho Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý. Học viện Quốc phòng là một tổ chức có tư cách pháp nhân, có con dấu mang hình quốc huy, có tài khoản riêng và có biểu tượng riêng.
   Về nhiệm vụ huấn luyện-đào tạo, bồi dưỡng của Học viện gồm 4 nhóm đối tượng chính. Một là đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan chỉ huy tham mưu cao cấp, chiến dịch, chiến lược (học dài hạn và học ngắn hạn); cán bộ cao cấp quân sự địa phương, cán bộ cao cấp các quân binh chủng, ngành, cán bộ giảng dạy ngiên cứu khoa học ở cấp chiến dịch chiến lươc. Hai là bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho cán bộ chủ chốt các tỉnh, thành phố, các thứ trưởng, bộ trưởng và tương đương. Ba là đào tạo cao học, nghiên cứu sinh về khoa học nghệ thuật quân sự cấp chiến dịch, chiến lược. Bốn là hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cao cấp quân sự-quốc phòng.
.

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #39 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 11:09:07 am »

X

NÂNG TẦM TƯ DUY QUỐC PHÒNG-QUÂN SỰ

 
     Giữa tiết Xuân năm 1997, trời còn  se lạnh, tôi về Học viện Quốc phòng nhận nhiệm vụ. Tôi trao đổi với Đảng ủy, Ban giám đốc, đề nghị anh Hải Bằng vẫn đứng trên cương vị quyền Giám đốc điều hành công việc giúp tôi, nhất là về công tác huấn luyện-đào tạo thêm 6 tháng nữa. Với cương vị là Uỷ viên Thường vụ sau buổi họp tháng 3, có hai vấn đề lớn trong nghị quyết cứ trăn trở mãi trong tôi, đó là nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo cho các đối tượng học viên của Học viện, tập trung đột phá vào hai khâu: Viết giáo trình, đổi mới phương pháp dạy-học và xúc tiến khẩn trương mọi công tác, nhằm nâng mục tiêu đào tạo ở Học viên lên tầm chiến dịch, chiến lược.
                Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, đòi hỏi công tác đào tạo tại Học viện phải Nâng tầm tư duy nghệ thuật quân sự từ tư duy chiến thuật - chiến dịch lên chiến dịch - chiến lược. Đó là điều tôi cùng Ban giám đốc chú tâm chỉ đạo các cơ quan suy nghĩ. Đổi mới dạy và học là vấn đề lớn, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ thường xuyên lâu dài.
      Tôi luôn luôn suy nghĩ, Học viện Quốc phòng muốn trở thành một Học viện mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế thì việc đầu tiên phải là bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Đây là lực lượng chủ chốt, có vai trò chủ thể trong giảng dạy ở Học viện.
    Tình trạng chung của nhiều học viện, nhà trường trong quân đội lúc này là thiếu một hệ thống giáo trình các môn học. Các tài liệu tham khảo cũng chưa được chú ý biên soạn đầy đủ và sắp xếp đồng bộ. Đổi mới dạy - học không chỉ hô hào quyết tâm mà phải đổi mới cả người dạy, người học và phải có cơ sở vật chất bảo đảm đầy đủ, đồng bộ. Trước hết, phải xây dựng được hệ thống giáo trình chuẩn của các môn học, đồng thời biên soạn, sưu tầm sắp xếp các tài liệu tham khảo (có tham khảo sát, tham khảo rộng) để học viên tự học. Bởi vậy, nhiệm vụ viết giáo trình đã trở thành cấp bách và trọng tâm của Học viện lúc này. Học viện cũng đã có vài ba bộ môn của một vài khoa triển khai viết giáo trình môn học. Khi triển khai, toàn Học viện có ngót 20 khoa với gần 40 bộ môn cùng viết, mới thấy khối lượng công việc thật đồ sộ và phức tạp. Cũng có đồng chí phân vân về chất lượng giáo trình, tính hiệu quả khi triển khai cùng viết một cách "ồ ạt".
      Để đảm bảo tính khoa học, hệ thống của giáo trình, tôi cùng Ban giám đốc nhất trí chủ trương mời những giáo sư, nhà giáo chuyên sâu, có kinh nghiệm viết giáo trình lớn vào Học viện giới thiệu về phương pháp viết giáo trình: Từ mục đích, yêu cầu, trình tự các bước triển khai viết; nội dung, cách thức thể hiện của một môn học, một đơn vị học trình, đơn vị kiến thức, một vấn đề huấn luyện… tương ứng với từng cụm bài, bài giảng, tiết giảng. Các khoa, bộ môn chọn giảng viên có thâm niên nghiên cứu, giảng dạy và có kinh nghiệm viết tốt được giao từng nội dung cụ thể để viết và định các bước thông qua, thời gian hoàn thành. Kết quả đáng mừng: Phấn đấu quyết liệt trong hơn 3 năm, các khoa hoàn thành hệ thống giáo trình các môn học.
      Một sự phát triển mới là Học viện tăng cường trang thiết bị hiện đại ở các giảng đường, phòng học và thư viện, công tác đào tạo đã có bước đột phá mạnh mẽ vào đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng: Giảm giờ lên lớp của giảng viên, tăng giờ trao đổi, hội thảo và giờ tự học của học viên, tăng học tập thực hành, thực tế… theo phương châm lấy người học làm trung tâm, kết hợp nghiên cứu lý luận gắn với thực tiễn, học tập với rèn luyện, nhằm nâng cao toàn diện cả trình độ lý luận, phương pháp, phong cách lãnh đạo, chỉ huy, điều hành cơ quan của người cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược. Cũng từ đây, công tác huấn luyện-đào tạo ở Học viện ngày càng tăng cường tính chính quy, hiện đại, mẫu mực đồng bộ từ khâu tuyển sinh, xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp dạy - học cho đến thi tốt nghiệp ra trường.
   Theo Nghị định 188/CP của Thủ tướng Chính phủ, Học viện Quốc phòng có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng 4 nhóm đối tượng: Cán bộ chiến dịch - chiến lược; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng; cao học, nghiên cứu sinh và hợp tác đào tạo học viên quốc tế. Trong đó, nhóm đối tượng đào tạo thường xuyên và trọng tâm nhất là sĩ quan chỉ huy - tham mưu cao cấp chiến dịch, chiến lược. Nhóm đối tượng này lại chia thành 4 đối tượng được tuyển sinh theo Quyết định của Bộ Quốc phòng.
   Cũng cần phải làm rõ thêm, đến năm 1998, hệ thống trường, học viên đào tạo sĩ quan của quân đội ta có 3 bậc 4-5 năm + 2 năm + 2 năm = 8-9 năm. Thời gian này so với các ngành đào tạo khác thì dài hơn. Quân đội của nhiều nước trên thế giới, hệ thống trường quân sự tương ứng của họ, có mức thời gian là: 4 năm + 1-2 năm + 1 năm = 6-7 năm. Thời gian học tập tại trường của một sĩ quan có điều kiện phát triển cao nhất là hơn 7 năm. So sánh để thấy thời gian học cả 3 cấp trường, sĩ quan quân đội ta dài hơn của họ từ 2 năm trở lên. Học viện thực hiện nhiệm vụ mới từ năm học 2000-2001, theo phân cấp chỉ tập trung huấn luyện-đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu cao cấp chiến dịch, chiến lược. Nhiệm vụ huấn luyện đào tạo sư đoàn trưởng bàn giao cho Học viện Lục quân.   
      Đầu vào của đào tạo cán bộ chiến dịch - chiến lược là những đồng chí giữ chức vụ Sư đoàn trưởng, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Phó tham mưu trưởng, Phó chủ nhiệm chính trị quân đoàn, quân khu và tương đương, quân hàm cấp đại tá; thời gian học 1 năm, học quân sự khoảng 50-55%, học chính trị khoảng 35-40% thời gian, còn lại nghiên cứu các môn cần thiết khác. Trong học quân sự: Học nghệ thuật chiến dịch Việt Nam khoảng 45-50%, thời gian học chiến lược quân sự lấy rèn luyện phong cách lãnh đạo chỉ huy tác chiến chiến lược - nghệ thuật tác chiến chiến lược là chủ yếu và học chiến lược quốc phòng khoảng 50% thời gian...
       Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đào tạo, tôi lo lắng cùng Ban giám đốc chủ trương trước hết phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên lên tầm cao mới cả về tư duy và năng lực tư duy, từ tư duy chiến thuật - chiến dịch lên tư duy chiến dịch - chiến lược và quân sự, quốc phòng. Đây thực sự là một bước chuyển biến về chất của Học viện Quốc phòng. Nâng cao năng lực trí tuệ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên ở Học viện lúc này, thực chất là nâng tầm tư duy của họ cho xứng tầm đào tạo.
        Tư duy chiến thuật với phạm vi hẹp, tác động không lớn từ những hành động cụ thể của đối phương, tìm ra giải pháp nhằm giành quyền chủ động trong những tình huống cụ thể, thời gian ngắn - tư duy cụ thể. Tư duy chiến dịch với phạm vi tương đối lớn, ảnh hưởng khá rộng, tư duy đón trước, chuẩn bị giải quyết những vấn đề sẽ đến nhưng chưa đến, thời gian tương đối ngắn - tư duy bộ phận. Tư duy chiến lược phạm vi rất rộng lớn, ảnh hưởng đến mọi mặt trong nước, khu vực, quốc tế; từ việc thu thập, phân tích xử lý, tổng hợp thông tin, dự báo những vấn đề sẽ xảy ra và tìm giải pháp đối phó với những vấn đề ấy trong thời gian tương đối dài, nhằm chuyển hoá về chất ở phạm vi vĩ mô - tư duy toàn cục.
Sự phân biệt giữa ba cấp tư duy chỉ tương đối, bởi tính tương đối về ranh giới giữa chiến thuật, chiến dịch và chiến lược trong chiến tranh thời hiện đại, sử dụng vũ khí công nghệ cao. Nó còn phân biệt tương đối, bởi mối quan hệ gắn bó giữa ba bộ phận hợp thành của nghệ thuật quân sự là chiến thuật, chiến dịch và chiến lược.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM