Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:50:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời binh nghiệp  (Đọc 53456 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #20 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 10:50:29 am »

V

CHỐT CHẶN ĐƯỜNG 13 MÁU LỬA



        Lịch sử của các cuộc chiến đấu luôn ẩn chứa những đột biến, bất ngờ. Không ai có thể nói trước được, khúc đường 13, chỉ trải dài chưa đầy 10 cây số, tại khu vực Chơn Thành, Tàu Ô, Xóm Ruộng này, không ngờ lại là một địa danh khốc liệt như thế. Cũng không ai có thể đoán trước được, “Cái trung đoàn 209” được đi ô-tô vào Nam chiến đấu, lính ta ngồi xe vào đến tận Sa Thày, tưởng thế là “nhàn”, là “may” so với hai trung đoàn đi bộ là 165, 141 (mấy tháng trời đi bộ mới tới Tây Nguyên)…thế mà sứ mệnh lịch sử lại trao cho nó cái then cửa chiến dịch, cháy lửa chiến trường, đội bom, nghênh đạn, suốt 150 ngày can trường chốt chặn tại đường 13.  
       Đúng thế! Tháng 5 –1972, Trung đoàn 209 được lệnh tức tốc chuyển về thay thế Trung đoàn 165 chốt ở khu vực Cống Ông Tề, Tàu Ô, xóm Ruộng. Khẩu hiệu là:  “Chốt cứng, chặn đứng, không cho 1 xe, 1 tên địch qua trận địa” từ Bình Long chạy về Sài Gòn và ngược lại”.
       Tại sao lại chọn khúc Tàu Ô? Tôi càng hiểu ra và phổ biến công khai cho anh em mục đích trên chọn nơi này, quyết thực hiện bằng được lệnh: Không cho 1 xe, 1 tên địch qua trận địa. Bởi khu vực Tàu Ô, phía bắc chi khu quân sự Chơn Thành 3km, có con suối chảy từ tây sang đông, đường rộng 20 - 30 mét, nước nông nhưng là vật cản thiên nhiên tốt. Hai bờ bắc, nam của con suối là những vạt đồi thoải, quá trình mở rộng đường 13, địch san ủi vẫn còn những ụ đất cao từ 1 đến 1,5 mét, lâu ngày đất rắn, có thể cải tạo thành những ụ chiến đấu tốt. Nam suối Tàu Ô khoảng 500 mét có cống Ông Tề rộng 8 mét. Địa thế khu vực này tương đối cao, càng về phía nam địa thế càng thấp dần, đứng ở Tàu Ô ta có tầm nhìn khống chế được phía nam.
      Trong 150 ngày đêm đơn vị chốt chặn trên Quốc lộ 13 là 150 ngày đọ sức so tài, đấu trí giữa ta và địch (nói rộng ra là cả chính quyền ngụy Sài Gòn và quân giải phóng), về ý chí quyết tâm, về thủ đoạn tác chiến, về sức bền bỉ chịu đựng và tài nghệ điều binh.
       Về lực lượng của địch thay nhau lên phá chốt gồm các đơn vị Sư đoàn 7, Sư đoàn 9, Sư 21, Sư 25, các liên đoàn biệt động ngụy Sài Gòn.
     Lực lượng của ta lúc đầu có hai Trung đoàn 165 và 209. Sau một tháng, 165 rút ra, chỉ có 209 đảm nhiệm. Tới cuối chiến dịch, cấp trên tăng cường cho 209 Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 141. Cuộc chốt chặn 150 ngày đêm diễn ra hết sức ác liệt.
      Diễn biến trận này, tóm tắt như sau:  
      Đường 13, Lai Khê, Chơn Thành, ngược lên An Lộc, giữa năm 1972 dần trở lên nóng bỏng. Nói như mấy sĩ quan nguỵ: Quốc lộ 13 đã bị “cộng quân” kiềm toả. Lúc này An Lộc bị cô lập, quân ngụy muốn chi viện chỉ còn cách dụng đường không.

     Các phân đội trong Sư đoàn 7 vào lúc này rất hăng hái thực hiện việc xây dựng bằng được các “Đại đội mạnh, Đại đội chiến đấu giỏi”.  Tôi đi các đại đội, động viên anh em, tổ chức biên chế lại, củng cố trang bị sao cho đại đội nào cũng đủ sức đánh địch, giữ chốt.
     Trời miền Đông vẫn xanh thắm, không gian ngập tràn nắng và gió. Anh em trinh sát không nghỉ, liên tục nắm địch.  Báo cáo cho thấy, đoạn từ Lai Khê lên thị xã Bình Long địa hình tương đối bằng phẳng, trong đó đoạn từ ngã ba Xóm Ruộng tới nam Tân Khai là khu vực “có giá trị nhất”. Muốn “chặn đứng địch ở đây, phải “chốt cứng”!  
     Gian nan nắm địch, trinh sát sư đoàn gồm trinh sát mặt trận, trinh sát kỹ thuật B12 rất sáng tạo, mưu trí đã phát hiện từng thủ đoạn điều quân của quân nguỵ. Địch điều lữ 3 dù từ Tây Nguyên về Sài Gòn; ngày 26 đổ xuống Tân Khai, Núi Gió hình thành ba cụm ở đông và tây đường 13.  

   Chiêu đầu tiên, tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đổ 2 trung đoàn xuống Tân Khai bằng trực thăng, thực hiện “kiểu nhảy cóc” của quan thầy Mỹ. Một thiết đoàn xe tăng số 9, vòng qua Tàu Ô, bỏ qua khu chốt, tránh chỗ mạnh, lao lên Tân Khai, làm căn cứ bàn đạp hòng nống lên An Lộc. Nhưng chúng không ngờ, ta có lực lượng lót ổ xung quanh Tân Khai, đó là Trung đoàn 141, Trung đoàn 165… Địch bị đánh phủ đầu, bộ binh bị vây hãm, ta diệt hầu hết các chi đoàn thiết giáp của chiến đoàn 9. Cắt bộ binh với chiến xa, khiến chiêu đầu tiên bị gãy! Công của trinh sát, thiết giáp trận này không nhỏ.

      Mùa hè năm 1972, Trung đoàn 15 thuộc Sư đoàn 9 (*) được tăng phái cho lực luợng giải tỏa An Lộc vào trung tuần tháng 5-1972, sau Trung đoàn 15 Bộ binh của Sư đoàn 9 tăng viện cho Sư đoàn 5 Bộ binh của Chuẩn tướng Lê Văn Hưng ở khu vực Tân Khai hòng cứu An Lộc đang bị nguy khốn.
       Sau này tại Hoa Kỳ, các sĩ quan bại trận còn cố nói "hay" về Trung đoàn 15 của Sư đoàn 9 thế này:
       “Ý đồ của Công Trường 7 (sư đoàn 7) Bắc Việt là dùng Trung đoàn 165 và 209 cầm chân Sư đoàn 21 Bộ binh ngay tại Tàu Ô, phía dưới Tân Khai, nếu quân ta không qua khỏi Tàu Ô thì Tân Khai dù có bỏ trống cũng không ảnh hưởng gì đến trận thế của chúng. Nhưng Bộ tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3 (ngụy Sài Gòn) đã “nhìn thấy” ở Tân Khai một đặc điểm chiến lược có thể gây khó khăn cho quân cộng, mặt khác, có thể làm xoay chuyển được tình thế để mở thông đường vào An Lộc, nên Chiến đoàn 15 nhận lệnh bất ngờ tiến vào Tân Khai, Núi Gió. Bộ binh, kỵ binh và pháo binh nhanh chóng thiết lập căn cứ yểm trợ hỏa lực. Dĩ nhiên, cấp chỉ huy mặt trận An Lộc của địch phải thức tỉnh và bằng mọi cách phải nhổ cho được cái gai kỳ dị này. Tình hình rất trầm trọng. Sư đoàn 9 và Sư đoàn 7 Bắc Việt điều động hai trung đoàn (165 và 141) tiến đánh quyết tiêu diệt chiến đoàn 15. Hàng chục chiến xa T54, T59 ầm ầm lăn bánh xích về căn cứ hỏa lực Tân Khai để hủy diệt những chiếc thiết vận xa M-113 nhỏ bé của quân ta. Chiến xa T59 do Trung Cộng biến cải từ loại chiến xa T54 của Liên Xô, trang bị thêm súng đại liên dưới chân tài xế nên quân ta rất khó xông đến gần để ném lựu đạn. Rất ít tài liệu diễn tả lại trận đánh kinh hồn nàỵ. Chỉ biết rằng, Chiến đoàn 15 giữ vững được căn cứ Tân Khai cho đến ngày 24-6-1972. Chiến đoàn 15 đã ở trong cái ốc đảo Tân Khai hơn một tháng trường, chiến đoàn 15 bị thiệt hại rất nặng”.

………………………………………

     (*)  Sư đoàn 7 ngụy Sài Gòn được thành lập tại Bùi Chu (Nam Định) Bắc Việt Nam. Đầu tiên có tên là Trung đoàn 31 Biệt Lập, gồm 3 Tiểu đoàn: 701, 702, 703 biệt lập. Chỉ huy trưởng lúc đó là Nguyễn Hữu Có… Sư đoàn này liên tục qua sự chỉ huy của Tôn Thất Xứng, Ngô Dzu, Huỳnh Văn Cao, liên tục hoạt động miền Đông Nam bộ, sau đó trở thành Sư đoàn 7 hoạt động suốt tại Khu 41 chiến thuật Tiền Giang, tăng cường họat động khu 42 chiến thuật và các tỉnh miền Đông năm 1972.
    
    (*)  Sư đoàn 9 Bộ binh ngụy Sài Gòn được thành lập vào ngày  9-1-1962 tại Quy Nhơn, sau di chuyển về đồn trú tại căn cứ Bà Gi, thuộc quận Phù Cát, tỉnh Bình Định. Không lâu sau đó, do tình hình chiến trường, Sư đoàn 9 BB được di chuyển về vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ tư lệnh đồn trú tại Sa Đéc. Năm 1972, hậu cứ Sư đoàn một lần nữa được dời về Vĩnh Long, tiếp nhận phi trường Vĩnh Long tức là trại Nguyễn Viết Thanh, được bàn giao lại từ quân đội Hoa Kỳ.


Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #21 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 10:52:32 am »

      Lợi dụng ta thay quân, 209 vào chốt thay cho 165,  ngay sau đó địch tiến đánh, chiếm khu cống Ông Tề hòng nhổ chốt. Trinh sát ta nắm chắc, báo cáo chỉ huy. Ta điều ngay Trung đoàn 141 từ Tân Khai xuống hỗ trợ 209 giành lại khu vực vừa bị mất, khôi phục thế ban đầu.
       Từ ngày 21-6, thế trận ác liệt mới thật sự bắt đầu. Địch tập trung binh lực, hỏa lực, gồm hai trung đoàn bộ binh, thuộc Sư đoàn 21, một lữ đoàn dù, một Thiết đoàn số 3, tiến đánh thẳng vào Tàu Ô, nhằm nhổ bằng được chốt đường 13. Sư đoàn 21 nguỵ coi chốt này là cái gai rất khó chịu.
     Chính diện của đợt tiến công nhổ chốt rộng tới một ki-lô-mét. Máy bay, pháo binh, xe tăng gầm rú, đột phá liên tục vào trận địa cả ngày và đêm. Cho đến ngày 23-6, với chiến thuật vận động tiến công kết hợp chốt, ta đã bẻ gãy từng đợt tiến đánh của chúng. Không nhổ được chốt, lại bị đánh trả, địch phải lui về phía Nam 4km.
     Khi đó, về phía ta không ai muốn nhắc tới chữ phòng ngự. Các cấp chỉ huy sáng tạo trong chốt chặn, bởi thực tế chiến trường là người thầy dạy chính xác nhất. Sư đoàn 7 sáng tạo ra phương thức “Chốt chặn kết hợp vận động tiến công”.
        Lúc này, điều ta quan tâm, lo lắng là địch dùng hỏa lực rất mạnh, gồm pháo, bom, rốc két và cả B52 đánh vào khu chốt. Tướng Lê Văn Tư thay tướng Nghi, cho pháo từ Chơn Thành bắn vào trận địa mỗi ngày 10 vạn viên trước chính diện chỉ rộng khoảng 2.000 mét vuông; dài 3.500m; sâu 5.000m. Máy bay chiến thuật AD-6, A37 xuất kích mỗi ngày 40 lượt chiếc! Máy bay B52 trải nhiều BOX  bom phá. Mỗi "Box" B-52, bề dài 3 km, bề ngang một ki-lô-mét, được thả bằng 3 chiếc B-52 chứa trên 100 quả bom đủ loại, từ 100 lbs đến 500 lbs. B52 ném cả ngày và đêm, khiến một vùng đất hẹp bị cày xới đảo lộn…
     Cuộc chiến ở Tàu Ô - Xóm Ruộng lúc này kéo dài hơn hai tháng. Quân đội của tướng Cao Văn Viên đã tung ra hơn một nửa lực lượng cơ động Vùng 4 chiến thuật và một bộ phận lực lượng tổng trù bị chiến lược. Tổng số có tới 100 lần chiếc pháo đài bay B52 Mỹ yểm trợ, 7.500 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném khoảng 39.300 tấn bom, có tới 4.500 lần chiếc trực thăng vũ trang của Mỹ và hơn 60 khẩu đại bác các loại, trực tiếp bắn yểm trợ cho mặt trận này; chúng gọi những lần kích pháo kinh hoàng đó là “ Dàn nhạc Tân Tây lan”.
        Cùng với những thủ đoạn đánh phá tàn bạo, quân địch khi thì dùng đội hình lớn có xe tăng mở đường, khi thì dùng chiến thuật nhảy cóc đổ chụp, khi lại chia thành nhiều hướng chia cắt, hợp vây chốt Tàu Ô. Trinh sát của ta trong bụi đất, trong “bạt ngàn pháo đạn” nắm chắc địch hàng giờ, nhiều đồng đội của anh em trung đoàn đã ngã xuống.
Vai trò của chiến sĩ công binh không nhỏ. Hai bên đường từ Bắc Lai Khê đến lộ đi Rạch Thị Tính, anh em đã gài mìn chống tăng dày đặc, xe tăng, xe bọc thép cứ rời lộ là vấp mìn. Phía Đông đường 13 lắm sình lầy, lắm suối, lại có rừng le, khiến cơ giới không phát huy tác dụng. Phía Tây đường hễ xuất kích là ta chặn đánh quyết liệt, tản khai rộng thì vướng mìn. Hỏa lực B40, B41 xuất quỷ nhập thần, các chốt giữ vững, lực lượng bắn tỉa có mặt khắp nơi, từ đông đường đến Nam Sâm Rớt, thấy địch là bắn, bắn cả xe GMC, khiến quân ngụy hoang mang, không dám liều lĩnh.
Từ sở chỉ huy, chúng tôi nắm chắc tình hình địch hàng giờ. Đó là nhờ trinh sát đặt 3 đài quan sát, một ở sình lầy phía đông đường 13, nơi quyết chiến điểm ác liệt hằng ngày. Một đài ở nam Sâm Rớt, một đài ở Bắc Lai Khê, địch đi đến đâu trinh sát có bộ đàm nắm chắc báo cáo kịp thời. Mọi hoạt động trên không, trên lộ, các trận địa pháo khai hỏa trinh sát không để sót hành động nào. Nhiều lần tôi thống nhất cùng chỉ huy trung đoàn biểu dương trinh sát, chuyển lời động viên tới pháo binh sư đoàn dùng pháo 122ly DKB khống chế pháo binh để 209 trụ vững ở quyết chiến điểm.
        Bom đạn dường như ngày càng dày thêm, thủ đoạn chống trả của quân ngụy càng cay cú, thâm hiểm hơn. Ác liệt như vậy, nhưng vẫn không có một tên lính nào, một chiếc xe nào vượt qua khỏi Tàu Ô. Ngược lại, nhiều tiểu đoàn, chi đoàn xe tăng, xe bọc thép bị tổn thất nặng nề, một số trung đoàn, chiến đoàn đã phải lui về phía sau củng cố. Số thương vong của địch mỗi ngày một tăng vọt.
        Tàu Ô chính là một sự thách đố trớ trêu, một nỗi nhục giày vò tướng tá ngụy. Tướng ngụy Nguyễn Vĩnh Nghi, Sư đoàn trưởng Sư 21 cũng phải thốt lên: “Mặt đất Tàu Ô bị bắn phá còn loang lổ ghê gớm hơn cả hình ảnh Mặt trăng, nơi phi hành đoàn Hoa Kỳ đã chụp được. Tôi không hiểu sao cộng sản lại sống được ở đó, để rồi chặn đứng được tất cả các cuộc tiến công!”.
      Sau những chiêu đầu tiên bất thành, tướng ngụy Lê Văn Tư chỉ huy phá chốt đổi ngay chiến thuật. Y chủ trương đánh vào phía sau chốt phòng ngự của ta tại Tàu Ô. Chúng thực hiện phân bố rộng đội hình, chặn đường tiếp tế từ phía sau, khiến ta nguy ngập. Mặt khác, phía trước chúng tập trung từng đợt bộ binh xe tăng tập kích ào ạt, liên tục, kéo dài, nhiều hướng. Địch ỷ thế có trực thăng, cơ giới, khả năng cơ động nhanh, tung vào một chiến đoàn biệt động cùng các Chiến đoàn 46, 49, 50, trong đó Chiến đoàn 49 vòng lên Tân Khai, đánh úp sau Trung đoàn 209 của chúng tôi, gây khó khăn cho ta về tiếp tế. Trinh sát nắm nhanh thủ đoạn địch. Trên động viên anh em thay nhau bám trụ, 209 vẫn chốt vững.
       Nhớ lại, lần thứ ba, từ 19-6, địch tập trung lực lượng gồm Trung đoàn 46 Sư đoàn 25, Trung đoàn 33 Sư đoàn 21 ngụy, tức tối lại đổi chiến thuật. Chúng phân tán thành các cụm, dàn đội hình đóng xen kẽ với các chốt của ta, kiềm chế, phá thế liên hoàn mà ta thường yểm trợ cho nhau, chặn phía sau ta lên tiếp ứng. Trinh sát ta bám nắm, nhanh chóng phát hiện ra rằng chính chúng cũng cần tiếp ứng. Chúng tôi bàn nhau, tổ chức các phân đội triển khai khóa các đường mòn địch tiếp tế ban đêm. Cách đánh quần lộn, phong tỏa các con đường này rất hiệu quả. Bị triệt nguồn cung cấp, địch hoang mang, không chịu được thiếu thốn, phải rút, từ bỏ lối đánh xen kẽ!
      Tại cơ quan chính trị trung đoàn, tôi tìm mọi cách truyền đạt xuống từng phân đội để anh em nắm chắc tinh thần: Kiên quyết chiến đấu, nắm chắc địch, không cho địch ”co cụm”, “móc nối”, đập tan mọi ý đồ giải toả, ứng cứu. Mỗi chiến sĩ “hai linh chín” là một mũi lao nhọn; mỗi công sự là một pháo đài, một bàn đạp tiến công lợi hại. Thực sự Tiểu đoàn 8 như pháo đài thép phía đông, Tiểu đoàn 7 là cánh cửa thép phía tây, tiểu đoàn 9 là mũi lao thép bén, nhọn, ở đâu xung yếu là có mặt chia lửa mãnh liệt. Tôi vẫn nhớ, một mình một mũi, chiến sĩ Trương Văn Nhã cũng kiên quyết một mình tiến công. Một tổ của Nguyễn văn Quý cũng mưu trí đánh lướt sườn, xuyên hông cả tiểu đoàn địch. Chiến sĩ trinh sát pháo Nông Văn Tiệp, đôi mắt thật tinh tường, điều chỉnh từng viên đạn pháo của đồng đội rót vào đội hình quân thù. Nhiều tấm gương can trường, dũng mạnh không kể hết.. Những Lê văn Thanh, chiến sĩ nuôi quân, luôn bám sát các mũi, hướng tiếp cơm, mang nước cho bộ đội trong làn bom đạn dày đặc. Chiến sĩ vận tải Vũ Ngọc Miên suốt mấy tháng trời, đêm nào cũng cõng 30 đến 40 kg đạn dược, hậu cần ra phía trước. Sự có mặt của “hậu phương nhỏ” ngay sau lưng động viên tinh thần bộ đội thêm vững vàng nơi công sự. Tôi và các cán bộ luôn nắm tình hình tư tưởng bộ đội, động viên anh em. Xuất hiện trước mắt chúng tôi là những trận đánh điển hình, hiệu suất chiến đấu tăng lên hằng ngày, nhiều tấm gương ”một thắng 50”, rồi “một thắng 100”, nức lòng người lính giữ chốt .
          Lần thứ tư, địch cay lắm, tiếp tục thay chiến thuật. Lần này lính Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 và Sư đoàn 25 thực hiện thủ đoạn gây căng thẳng thường xuyên trên diện rộng toàn tuyến phòng ngự. Ban ngày, chúng sử dụng hỏa lực bắn bừa bãi. Nhiều xe tăng cùng bộ binh liên tục tổ chức những đợt đột kích hòng chọc thủng tuyến phòng ngự; ban đêm, nhiều tốp biệt kích thám báo xâm nhập trận địa khiến bộ đội ta mất ăn mất ngủ, căng thẳng, sức khỏe giảm sút nhanh.   Địch tung ngay các nhóm biệt kích kiểm soát khoảng trống giữa các chốt của ta. Trinh sát ta đã phát hiện ra, phân tích đúng hành động của địch. Chỉ huy chúng tôi chuyển đổi phương thức: Chủ động tổ chức bộ đội đón lõng phục kích bên ngoài chốt, phát huy sở trường đánh đêm, đánh quần lộn, gan góc chặn địch từ sớm, nhanh chóng kiểm soát khoảng trống giữa các chốt.
    Yên tâm có lực lượng bên ngoài truy quét thám báo, biệt kích, bộ đội trong các chốt thay nhau nghỉ ngơi, tranh thủ dưỡng sức, để ban ngày thay nhau diệt địch. Lại một thủ đoạn nữa của địch bị thất bại!  Lúc này một số chốt của phía ta tạm thời bị cô lập, chúng gọi B52 đánh phá liên tục ba ngày liền. “Bom cày đạn xới” không còn là thuật ngữ văn chương, mà là hiện thực khốc liệt. Có cả bom dù nặng 7 tấn cũng được trút xuống, địch tìm mọi cách, hòng làm ta thối chí.       

Dưới mưa bom, các chiến sĩ “hai linh chín” và đơn vị bạn thuộc Sư đoàn 7 động viên nhau đào hầm, kiên cường trụ vững. Ta đã lường được thủ đoạn mới lần thứ 5 của địch “sau bom là tấn kích”. Đúng như ta dự đoán, hàng chục xe tăng và xe bọc thép, khi ngớt bom, không biết chúng ém từ đâu, từ bao giờ, bất ngờ xông lên bao vây các chốt. Nhưng chúng không tiến vào tầm bắn hiệu quả của B40, B41 như trước, mà đứng từ xa nã pháo vào. À! Chúng sợ hoả lực chống chiến xa. Chúng cũng thuộc tính năng binh khí ta (dừng xa trận địa chốt trên 500m).
       Những chiếc lô cốt di động này vừa bắn vừa quan sát, phát hiện khá chính xác các hỏa điểm của ta, sau đó chỉ điểm cho pháo tự hành cùng bắn thẳng, bắn “trực xạ” phá chốt. Chỉ khi nào thấy chốt của ta bị bom, pháo hủy diệt chúng mới cho bộ binh tràn lên.
      Thủ đoạn mới này của địch đã gây cho ta thương vong khá nhiều. Có đại đội sau một ngày chiến đấu chỉ còn bốn, năm tay súng. Nguy cơ mất chốt có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chúng động viên lính tráng: “Cộng quân chỉ còn ngót trăm tay súng thôi”, gắng xông lên, thưởng lớn!
      Ban chỉ huy Trung đoàn 209 vắt óc tìm cách đối phó. Sáng kiến lúc này có giá trị ngàn vàng. Thì có ngay đây! Vũ Việt Hồng và tôi lúc đó ở sở chỉ huy, nghe các hướng báo cáo, chỉ huy trung đoàn lệnh cho các phân đội tổ chức nghi binh, bằng hầm chốt giả, treo mũ sắt nhấp nhô, thấp thoáng trong các chiến hào để lừa địch. Trong khi đó, các chốt thật được cải tạo lại, hạ thấp độ cao, ngụy trang khôn khéo, khiến tầm quan sát từ xa trên xe tăng của địch bị mất hút. Chốt được lẩn khuất trong những đám cây, mặt ruộng bình thường. Cán bộ quân sự và chính trị ra tận chốt (ban đêm) động viên bộ đội đào, san công sự. Quả nhiên địch bị thu hút hỏa lực mạnh vào các mục tiêu giả, tự chúng bộc lộ lực lượng. Đây là cơ hội để các nhóm bắn tỉa của ta diệt chúng chính xác. Chưa hết sáng kiến. Các chốt còn tổ chức bộ đội thành nhóm nhỏ, thoát ly công sự, đêm tối phục kích, tập kích xe tăng và bộ binh địch. Cách đánh gần của ta đã gây cho địch hoảng sợ, không còn phân biệt thực hư ra sao. Tự chúng cũng bắt đầu nảy sinh khó khăn do căng thẳng vì bị đánh lẻ. Tuy chưa rút hoàn toàn nhưng lần thứ năm chiến thuật phá chốt bị phá sản.
      Ngày 27-8, Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu điện cho tướng Minh: "Quãng đuờng An Lộc - Chơn Thành chưa giải toả được thì đường 13 lại bị cắt ở Bàu Bàng. Sư đoàn 18 chết cứng ở An Lộc, Sư đoàn 5 còn chưa được tái chỉnh trang. Lực lượng tổng trù bị còn phải tái chiếm tỏa Quảng Trị. Ông liệu mà đối phó".
     Ngày 28-8, bức điện của tướng Nguyễn Văn Minh gửi Lê Văn Tư ra lệnh đưa Sư đoàn 25 rút khỏi về phía sau ứng cứu Lai Khê. Bức điện này bị trinh sát kỹ thuật của Quân giải phóng thu được.
Ngày 30-8, Tư lệnh mặt trận Hoàng Cầm và Tư lệnh Sư đoàn 7 Đàm Văn Nguỵ dùng toàn bộ sư đoàn tổ chức phục kích tại địa đoạn Bàu Bàng - Bầu Lồng. Sư đoàn 25 ngụy trên đường rút phải vừa đánh vừa lùi. Chiến đoàn 49 rút sau cùng bị thiệt hại 684 quân, mất 170 súng các loại. Kế hoạch giải toả đuờng 13 của tướng Nguyễn Văn Minh và tướng Lê Văn Tư phá sản.

     Tiểu thuyết đất Miền Đông của nhà văn Nam Hà, người từng lăn lộn cùng chiến sĩ 209 chúng tôi đã viết về lúc cuối trận chốt oai hùng này: “Tướng nguỵ Lê Văn Tư nghiến răng. Hắn nguyền rủa mọi tai ương đã cùng một lúc ập xuống đầu hắn. Bước vào mảnh đất Tàu Ô rất khó. 5 lần thay đổi chiến thuật, đều thất bại. “Rút khỏi mảnh đất Tàu Ô cũng không dễ! Dường như “Cộng quân” đoán biết ý đồ, phát hiện được hành động chuẩn bị của quân Cộng hòa, nên đã chủ động tiến công vào đội hình rút lui của cả ba chiến đoàn. Cộng quân tung ra những màn hoả lực chưa từng thấy ở Tàu Ô, chụp xuống những khu vực hiểm yếu quân Cộng hòa chạy qua. Bộ binh chúng bám sát gót các chiến đoàn, Chiến đoàn 50, Chiến đoàn 46 phải bảo vệ hai bên sườn cho Chiến đoàn 49 luồn qua bãi lửa Tàu Ô nên bị thiệt hại rất nặng. Mỗi chiến đoàn mất gọn một tiểu đoàn. Chín chiếc xe bọc thép nằm lại giữa bãi sình. Không đem về được cây pháo nào, không đem về được tên lính bị  thương nào”.
            Con đường 13, trước đây đã là “con đường đáng sợ” của các Sư đoàn “Anh cả đỏ”, “Tia chớp nhiệt đới”, “Ky binh bay”, đối với bọn lính Mỹ.
              Đường 13 là con đường “máu và nước mắt” của bọn lính Sư đoàn số 5 bộ binh ngụy. Giờ đây, đường 13 là con đường khủng khiếp nhất đối với tất cả những sư đoàn, lữ đoàn quân ngụy Sài Gòn bị ném vào chiến trường này.
             Đúng như bài “Thiên anh hùng ca đường 13” đăng trên Báo Quân đội nhân dân ngày ấy đã viết: “Chiến sĩ Quân giải phóng trên đường 13 đã chiến đấu liên tục, bền bỉ dài ngày với một niềm lạc quan cách mạng. Với ý chí và quyết tâm cao, quân và dân miền Đông Nam bộ anh hùng đã biến con đường này thành con đường sấm sét và máu lửa của Mỹ - ngụy, đã gieo khiếp sợ cho kẻ thù và làm kinh ngạc cả thế giới...”.
            Những chiến sĩ của “hai linh chín” tự hào từ những ngày đêm nằm sương, bới đất, nhịn đói chịu khát kiên gan nắm địch, nào Cà Tum, Bổ Túc (Tây Ninh), Bắc Lai Khê, Tân Phú Trung… đến Sông Bé, Bình Long, nay là đường 13 kiên cường, quả cảm. Tất cả đã gắn với lịch sử hào hùng Trung đoàn anh hùng 209, Sư đoàn 7 ngoan cường.

--------------------------------
(*) Sư đoàn 25 Bộ binh được thành lập năm 1965, nâng tổng số sư đoàn bộ binh của ngụy Sài Gòn tới lúc này lên 10 sư đoàn. Cũng trong năm này, Lữ đoàn dù phát triển thành Sư đoàn nhảy dù.
    Mùa hè 1972, Sư đoàn 25 tham chiến ở Đông Nam bộ , khu vực đường 13, tướng Lê Văn Tư chỉ huy phá chốt với yểm trợ hỏa lực rất mạnh. Tư và thuộc hạ đã dùng nhiều thủ đoạn, nhưng vẫn thất bại.


Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #22 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 10:55:30 am »

Bài học chúng tôi rút ra qua 150 ngày đêm chốt chặn là: Để có lực lượng chiến đấu lâu dài, phải biết tổ chức cho anh em thay nhau nghỉ ngơi. Chúng tôi có nhiều giải pháp đồng bộ cả quân sự, chính trị tư tưởng và hậu cần để làm việc này.
      Về tổ chức lực lượng chốt, chúng tôi chỉ để mỗi đơn vị hai phần ba ở phía trước, còn một phần ba lực lượng ở phía sau (cách chốt khoảng 1km đường chim bay) nhằm thay nhau nghỉ ngơi và làm công tác hậu cần, hàng ngày chi viện tiếp tế cho phía trước vào ban đêm. Về xây dựng căn cứ hậu cần tại chỗ ngay phía trước là một sáng tạo trong chiến đấu chốt chặn dài ngày. Ngoài nhiệm vụ chỉ huy, sâu sát các đơn vị tác chiến, chúng tôi còn tổ chức lực lượng bảo đảm hậu cần trực tiếp ngay phía trước. Đó là khu hậu cứ ngay sau chốt, nơi bộ đội thay nhau về nghỉ ngơi. Tại đây, chúng tôi động viên thương binh nhẹ ở lại, tăng gia sản xuất, bảo vệ cứ, sẵn sàng tiếp ứng người ra chốt.
           Nguồn cây, con giống tăng gia, chúng tôi cử trợ lý hậu cần mua tận Cam-pu-chia về. Bộ đội ở phía trước về cứ nghỉ ngơi, có rau xanh, thịt gia cầm, đời sống khá tốt, rất phấn khởi.
           Tuy ở phân tán, nhưng công tác tư tưởng được quán triệt đến tận chiến sĩ. Chúng tôi xác định tư tưởng cho bộ đội: Quyết tâm bám trụ, quyết giữ bằng được chốt cho đến khi Giải phóng Bình Long, sau đó sẵn sàng ở lại, bảo vệ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà MNVN. Chúng tôi còn khuyến khích anh em ở phía sau, làm thơ gửi ra các chốt chiến đấu phía trước, động viên anh em, động viên lẫn nhau. Trợ lý quân lực Phùng Khắc Bắc, sau này là nhà thơ quân đội, tại chốt ngày ấy anh có bài thơ “Chốt chặn”, phản ánh rất thực tế, cuộc sống ở đây:

Tôi lại viết bài thơ chốt chặn,
Khi luống rau xanh ba bận nảy chồi
Đậu trên giàn đã buông đũa thành đôi
Hầm trực chiến cỏ lên xanh từng đám
Hố bom khoan thành giếng nước in trời
Đã trăm lần mây bạc ghé đây soi
Đường pháo bắn đã bao lần cắt lại
Bãi bom phạt lại xanh màu lá mới,
Rừng già lại hóa rừng non
Măng đã thành tre, người còn chốt chặn.
           
Công tác chính trị tư tưởng trong chiến đấu đã biết gắn những việc làm cụ thể, thiết thực và trực tiếp với các chốt phía trước.
      Chúng tôi còn dùng lực lượng phía sau hàng ngày tiếp tế cho phía trước, đó cũng chính là lực lượng thông báo tin chiến thắng cho các chốt, tới tận các hầm. Muốn thế, cán bộ tham mưu phải tổng hợp tình hình, cán bộ chính trị hàng ngày trực tiếp truyền đạt cho các lực lượng đi tiếp tế tới các cụm chốt phía trước.
      Thực hiện khẩu hiệu “đi có, về có”, không chỉ với bộ đội mả cả các sĩ quan chỉ huy, sĩ quan chính trị, sĩ quan hậu cần, khi ra trận địa nếu không phải đưa đạn, đưa súng, cơm nước thì vác gỗ chuyển ra phía trước để bộ đội sửa hầm sau một ngày chiến đấu. Ai cũng có thể làm chiến sĩ vận tải.
       Để đối phó với lực lượng địch hàng ngày tổ chức tiến công vào trận địa, ngoài lực lượng chiến đấu ở chốt, chúng tôi được các đơn vị củaíư đoàn, đánh ở vòng ngoài, chặn địch từ xa, cho đặc công và pháo binh đánh vào các căn cứ kho tàng của địch ở phía sau, khu trung tuyến, buộc địch phải chi phối đối phó, không dồn hết lực lượng để phá chốt.
       Quá trình chiến đấu, tuy là cấp dưới nhưng chúng tôi rất biết tác phong chỉ huy của Thủ trưởng cấp trên. Hàng ngày, các anh chỉ huy đánh địch tiến công vào chốt. Nếu hôm nào chúng tôi biết Sư trưởng Ba Ngụy chỉ huy, thì khi địch cách xa 300m chúng tôi đã xin pháo chi viện của Sư đoàn, vì ông rất tiết kiệm đạn dược, mỗi lần “xin”, ông chỉ cho 3 quả H12 hoặc nhiều lắm là 5 đến 7 quả là cùng.  Hôm nào Sư đoàn phó Lê Nam Phong chỉ huy, chúng tôi rất yên tâm. Ông có tác phong đã đánh là hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ binh và binh chủng, tạo điều kiện cho cấp dưới diệt địch thu vũ khí. Mỗi lần ông cho pháo chi viện thì phải là nã hàng trăm quả pháo và rốc két, nên chúng tôi thường để địch vào gần cách 50-70m mới xin pháo nện gần. Đánh như vậy hiệu suất cao, ta có thêm chiến lợi phẩm, đạn dược thu lại ở ngay phía trước. Địch bị đánh gần, tinh thần hoang mang, suy sụp nhanh, bỏ lại nhiều vũ khí, vật dụng.
    Ban chỉ huy trung đoàn lúc này có 4 đồng chí. Anh Vũ Việt Hồng là Trung đoàn trưởng, anh Trần Nhạn là Trung đoàn phó, anh Tiến là Chính ủy, anh Tân là Phó chính ủy. Bước vào chiến dịch, anh Tiến chính ủy sức khỏe yếu, nên phụ trách đơn vị ở hậu cần phía sau, anh Nhạn, anh Tân và anh Hồng thống nhất  phân công, mỗi anh đi đốc chiến một tiểu đoàn, đề phòng thông tin bị tắc. Còn ở Sở chỉ huy tiền phương, từ đầu tới cuối chiến dịch thường xuyên chỉ có Trung đoàn trưởng và tôi là Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn.
      Từ khi hậu phương lớn (miền Bắc) tăng cường hỏa lực mới (A-72 và B72) nhất là B72, tên lửa điều khiển bằng dây điện, bắn xa được 3km, xe tăng địch phải lùi xa, trận địa chốt được an toàn hơn.
       Địch dùng máy bay đánh phá chốt, khi ta có A-72 (tên lửa vác vai) (*)  máy bay địch sợ, không dám bay sà thấp, phải vọt lên cao thả bom chiếu lệ, không trúng, chốt an toàn hơn   Để giải quyết vấn đề thiếu lương thực thực phẩm, do địch dùng phi pháo đánh chặn và cho biệt kích phục kích các đoàn tiếp tế hậu cần của ta từ phía sau ra, chúng tôi tổ chức mỗi chốt ban đêm một lực lượng nhỏ kết hợp lính trinh sát của tiểu đoàn, đi phục kích ngay các đoàn tiếp tế của địch, ta thu được nhiều vũ khí, đạn dược và lương thực thực phẩm để dự trữ cho mỗi chốt.
      Khắc phục thiếu hụt quân số, trên bổ sung không kịp, chúng tôi coi trọng việc động viên các thương binh nhẹ ở lại điều trị tại phẫu phía trước của Sở chỉ huy tiển phương trung đoàn. Đây là lực lượng gần trận địa, là lực lượng bảo vệ cứ. Anh em luôn được tin chiến thắng hàng ngày ngoài chốt cổ vũ. Khi quân số phía trước thiếu là có anh em tự nguyện xung phong ra chiến đấu ngay, vừa kịp thời bổ sung quân số, anh em lại thông hiểu tình hình, thông hiểu địa hình, chất lượng bổ sung tốt.
     Chiến thắng đường 13, Trung đoàn “hai linh chín” cùng đơn vị bạn loại khỏi vòng chiến 1.000 tên, bắt 137 tên, phá huỷ 34 pháo, 84 xe tăng, thiết giáp, bắn rơi 62 máy bay. Tạc nên Tượng đài chiến thắng đường 13, có hàng ngàn người con của các trung đoàn thuộc Sư đoàn 7 anh hùng đã ngã xuống. Tôi chợt nhớ bài thơ của Lê Đức Mậu, chiến sĩ Sư đoàn 312:  “Nếu hôm nay các anh về đông đủ/ Sư đoàn ta đông bằng mấy sư đoàn”, đọc xong thấy cay cay nơi khoé mắt.

(*)  Tên lửa -72: Đó là loại tên lửa vác vai do Liên Xô (trước đây) sản xuất, tên gọi là 9K32 Strela-2, có nghĩa là “Mũi tên”, bộ đội ta gọi là A-72. Tên lửa có kích thước dài 1,4m, đường kính 70mm, nặng 9,97kg, khi bắn vác trên vai, tầm bắn của A-72 là 500 đến 5.500m. Tên lửa A-72 áp dụng nguyên lý đầu dò tầm nhiệt, bám theo luồng khí xả của động cơ máy bay hoặc sức nóng của động cơ trực thăng.
      Tên lửa A-72 (Mỹ-ngụy gọi là SA-7A) xuất hiện năm 1972, trong chiến dịch Quảng Trị. Những năm sau đó, A-72 đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng của Quân giải phóng, đặc biệt trong việc chống máy bay cường kích và trực thăng của Mỹ-ngụy.
     Là vũ khí do Liên Xô viện trợ, tên lửa A-72 trong tay các xạ thủ Việt Nam đã phát huy cao hiệu quả tác chiến. Xạ thủ Nguyễn Văn Thoa thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn172 Phòng không, với tên lửa vác vai A-72 đã bắn rơi tổng cộng 13 máy bay địch, trong đó có chiếc máy bay cuối cùng của Mỹ-ngụy bị bộ đội ta bắn hạ.

 (*)  B72  là loại hoả tiễn chống tăng…Quân ngụy và khối NATO gọi B72 là hỏa tiễn Sagger hoặc AT3. Nó là loại hỏa tiễn chống chiến xa, phá hoả điểm, điều khiển bằng dây dẫn. Tên lửa B72, loại vũ khí có uy lực mạnh được Trung đoàn 66 sử dụng trong chiến dịch Đắc Tô-Tân Cảnh, phát huy rất có hiệu quả. B72 lần đầu tiên có mặt tại chiến trường Tây Nguyên trong “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972.

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #23 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 10:56:57 am »

Vào những năm 1990, khi trở thành cán bộ chiến dịch, chiến lược, tôi giành nhiều thời gian nghiên cứu lại Chiến dịch Nguyễn Huệ 1972, thấy rằng: Quá trình phát triển chiến dịch tiến công không phải lúc nào ta cũng gặp thuận lợi. Khi địch phản ứng nhanh, mạnh và quyết liệt có thể ta bị dồn vào thế bất lợi, thế trận không đạt như ý muốn, tình thế đảo lộn, từ chủ động chuyển thành bị động .
         Năm 1972, Chiến dịch Nguyễn Huệ đã rơi vào tình thế ấy. Đúng vậy, sau khi đánh thắng trận then chốt mở màn, tiêu diệt cụm cứ điểm Lộc Ninh đầu tháng 4, ta đã tạo được thế và thời cơ để tiến công thị xã An Lộc, tỉnh Bình Long. Tiếc là do triển khai các động thái cần thiết chậm trễ, nên địch có thời gian tăng cường lực lượng, củng cố lại thế  trận, vì thế cả hai lần tiến công thị xã An Lộc, Bình Long, ta đều không thành công (lần thứ nhất từ 13 đến 15 tháng 4, lần hai từ 11 đến 15 tháng 5). Lực lượng ta ở đó bị phản kích quyết liệt. Kẻ thù cay cú, bằng mọi cách dùng phi pháo, không quân, bộ binh tăng cường, cay cú chiếm lại Lộc Ninh, làm cho thế trận của ta bị đảo lộn. 
       Sau này, tôi có trong tay những tư liệu về sự điên cuồng chống trả của Mỹ và ngụy quân bằng không quân lên An Lộc. Binh lực ấy quả là rất lớn. Tập sách tài liệu của không quân Hoa Kỳ “Air Power in Three Wars” do Tướng không quân William Momyer viết :

   “...Cộng quân siết chặt vòng vây quanh An Lộc và chỉ còn một đường duy nhất để tiếp tế cho Lực lượng trú phòng VNCH là dùng máy bay. Lúc đầu chúng ta thử sử dụng các trực thăng CH-47 để chuyển đồ tiếp liệu, nhưng phòng không của địch quá mạnh. Địch quân đã đặt súng cao xạ dọc theo các hàng cây nên rất khó oanh kích: Các xạ thủ Cộng quân thiết lập các vị trí súng máy trên các cành cây cao, nhắm bắn rất chính xác vào các bãi đáp của trực thăng… Khi tình hình tiếp vận trở nên căng thẳng hơn, các phi cơ C-123 của KQVN đã bay vào và dùng phương pháp thả dù ở cao độ thấp, nhưng phòng không dày đặc đã khiến phương pháp này phải ngưng sau 3 tuần… Không đoàn 7 Hoa Kỳ dùng các C-130s..” “...trung bình mỗi ngày, 185 phi suất tiếp vận cho phòng thủ An Lộc. Các phi suất này thường phát xuất từ Biên Hòa và từ các căn cứ đặt tại Thái Lan. KQVNCH bay mỗi ngày 41 phi suất. Hỏa tiễn SA-7 và Súng phòng không Cộng quân đã buộc các A-37 (của không quân Hoa Kỳ) phải thả bom ở cao độ cao hơn F-4 rất nhiều...”. (*)

“Tiếp tục bắc tiến, sư đoàn khai triển Trung đoàn 32 đến khu vực suối Tàu Ô, cách 5km xa hơn về phía Bắc.  Những trận đánh ở đây diễn ra rất gay go và lâu dài nhất. Địch đã tăng cường Trung đoàn 209 của Sư đoàn 7 Việt cộng đến cố thủ tại những vị trí chốt (blocking positions), được sắp xếp theo chiều sâu, đã cầm chân được Trung đoàn 32 trong một thời gian dài. 
       Vị trí ngăn chặn được gọi là "chốt" thường là một cái hầm dài hình chữ A được sắp xếp theo hình móng ngựa với những vị trí tiền tiêu thường chỉ định cho mỗi toán. Cứ 3 ngày chúng được thay đổi cho một toán khác để lui về sau nghỉ ngơi.
      Những vị trí này được tổ chức theo một hình tam giác được gọi là "kiềng" (tripod) để hổ tương yểm trợ và bảo vệ lẫn nhau.  Cả một hệ thống chốt kiềng này được đặt nằm theo đường ray xe lửa chạy song song với Quốc lộ 13 và tập trung lại ở những đầm sâu trong suối Tàu Ô.
      Hệ thống này cũng được liên lạc với một đường giao thông hào đến tận đồn điền cao su ở phía tây. Hỏa lực trang bị cho mỗi chốt rất mạnh gồm B40, B41, thượng liên RPD và súng trường có máy nhắm để bắn sẻ (bắn tỉa).  Những chốt địch từ những vị trí tưởng chừng như không thể phá hủy được đã cầm chân sự tiến quân của Sư đoàn 21 trong suốt 38 ngày liên tục.  Mặc dầu ta đã sử dụng B52, không quân chiến thuật và pháo binh, Trung đoàn 32 đã không thể trục địch ra khỏi những vị trí này.
Sự bế tắc tiếp tục cho đến khi Trung đoàn 209 được kéo ra khỏi vùng để tham dự cuộc tấn công vào An Lộc lần thứ hai. Mặc dầu thất bại không thể nhổ địch ra khỏi khu vực suối Tàu Ô. Theo các tướng tá ngụy ghi nhận, trận An Lộc chính thức bắt đầu vào ngày 5-4 và chấm dứt vào tháng 6-1972.
     Không Quân VNCH đã buộc phải dùng các C-123 và một số ít C-119 đã tìm cách thả các kiện hàng ở cao độ thấp từ 700 đến 5000 ft, dưới hỏa lực phòng không dày đặc. Các phi vụ thả hàng
được thực hiện vào ban ngày, đường bay vào An Lộc đều từ hướng Nam, dọc theo Quốc lộ 13. Khi thả ở cao độ 5000 ft, đa số các kiện hàng bị lạc vào vùng kiểm soát của đối phương. Trong hai ngày, các phi cơ VNCH đã thả được 27 chuyến với 135 tấn tiếp liệu nhưng chỉ 34 tấn đến được tay lực lượng trú phòng. Ngày 15-4, một C-123 bị hạ, toàn bộ phi hành đoàn hy sinh… Ngày 19-4, một C-123 khác chở đạn tiếp vận đã trúng đạn phòng không nổ tung…     Kể từ 15-4, Không quân Hoa Kỳ tiếp tế bằng cách dùng các C-130 để thả dù cho An Lộc. Trong phi vụ đầu tiên, họ dùng 2 chiếc C-130 dự trù sẽ thả các kiện hàng ở cao độ 600 ft. Chiếc thứ nhất khi bay vào điểm thả đã bị súng phòng không bắn hỏng phần đuôi lái, phi công đành thả các kiện hàng mang theo. Chiếc C-130 thứ nhì khi bay vào đã bị phòng không bắn, phi cơ đành phóng thả các kiện hàng để bay về đáp khẩn câp tại Tân Sơn Nhất. 26 tấn hàng do hai phi cơ mang theo đã không đến tay quân trú phòng.
           Ngày 16-4, dùng hai chiếc C-130 để thả tiếp 26 tấn hàng khác, nhưng do trục trặc tính toán nên số hàng này lại rơi vào vùng đối phương kiểm soát. Ngày 18-4, một C-130 khác bị hư hại nặng khi dự định thả dù vào sân bóng An Lộc. Phi cơ lết về được vùng Bắc Pleiku, nhưng phải đáp khẩn cấp xuống ruộng. Ngày 19-4, sau khi một C-123 cùa KQ VNCH bị bắn hạ, KQ HK hoàn toàn đảm nhận việc tiếp tế cho An Lộc…
Nhà văn quân đội VNCH (ngụy) Kiều Mỹ Duyên, một cây bút nữ viết:
     “Tuy nhiên, việc tiếp tế này cũng không được dễ dàng vì phần lớn lượng hàng tiếp tế đã rơi vào tay quân giải phóng. Pháo đài B52 tiếp tục giội bom chung quanh. Không quân VNCH dồn dập yểm trợ và tiếp tế. Nhưng trước một hàng rào phòng không dày đặc đủ loại, từ đại liên 12,7 ly, các đại bác 37 ly và 100 ly, hỏa tiễn tầm nhiệt cầm tay SA-7 lố nhố trong rừng cao su bao vây An Lộc, dù các viên phi công cố gắng đến mức tối đa, chịu nhiều tổn thất, nhưng cũng chỉ có thể tiếp tế nhỏ giọt cho chiến trường.
  Phần lớn kiện hàng tiếp tế từ phi cơ thả xuống đều rơi tạt ra ngoài hàng rào phòng thủ. Nguồn tiếp tế bị cản trở, Quốc lộ 13 vẫn tắc nghẽn. Quân trú phòng bị bao vây trong hơn hai tháng rưỡi như thế. Không khí ngột ngạt và căng thẳng đến độ có một trung tá trưởng phòng 2 của Sư đoàn 5 bộ binh phải thốt lên: "Đây là chiến trường cô đơn, và mãi đến ngày thứ 60 của cuộc chiến, các cánh quân tiếp viện cũng chỉ le lói ở cuối đường số 13".
            Khi trời hửng sáng, tiếng pháo gần như đã dứt. Tuyến phòng thủ của quân dù vẫn y nguyên. 5 chiếc T-54 nằm như 5 đống sắt trước phòng tuyến. Điều đáng nói là Ty cảnh sát Bình Long đã bị 4 chiếc T-54 tiến vào trước BCH rồi. Phòng tuyến của địa phương quân, nghĩa quân thiệt hại ít. Một sĩ quan cố vấn quân sự của Mỹ cho biết, để yểm trợ cho An Lộc trong ngày hôm qua, đã có tất cả 26 phi vụ B-52 được thực hiện. Có những phi vụ yểm trợ cho chiến trường Trị Thiên và Cao Nguyên, đang giữa đường phải đổi hướng, bay về An Lộc. B-52 hủy diệt trên 75 km2. Có thể nói, đây là một ngày "trải thảm" lớn nhất trong lịch sử pháo đài bay B-52. Đại tá Nhựt (ngụy) cho rằng, B-52 là không quân chiến lược, nhưng được sử dụng tại An Lộc như không quân chiến thuật!!!
         Qua những tư liệu tham khảo trên đây, thấy địch vận chuyển tăng cường cho An Lộc rất ráo riết, nhanh chóng, với một con số người và vũ khí rất lớn. Ta không chớp thời cơ đánh dứt điểm, quân địch với sức cơ động đông và nhiều như thế, binh lực được tăng cường nhanh như thế, rất khó có thể giải quyết nhanh nhiệm vụ chiến dịch. Trước tình thế ấy, buộc ta phải dựa vào các khu chốt chặn trên đường 13, không cho chúng tiếp ứng bằng đường bộ lên vùng mới giải phóng (Lộc Ninh). Trung đoàn 209 đã hoàn thành suất sắc nhiệm vụ nặng nề này.
          Một trang web của tàn quân “biệt động” ở hải ngoại cũng viết than thở như sau:     
       Một nhu cầu cấp thiết hiện nay là cung cấp yểm trợ pháo binh tăng cường cho cả An Lộc và Sư đoàn 21 đang tấn công địch tại suối Tàu Ô.  Để thực hiện điều này, Quân đoàn 3 đã quyết định thành lập một căn cứ hỏa lực ở Tân Khai nằm ngay trên Quốc lộ 13, khoảng 10km phía Nam An Lộc và 4 cây số phía bắc của vùng đang giao tranh là suối Tàu Ô.
     Quân đoàn 3 đã sử dụng một lực lượng đặc nhiệm gồm Trung đoàn 15 của Sư đoàn 9 đã lên đường từ vùng châu thổ sông Cửu Long và Thiết đoàn 9 kỵ binh.
      Ngày 15-5, một tiểu đoàn của lực lượng đặc nhiệm này đã mở cuộc hành quân về phía Bắc, tiến qua theo phía Đông của Quốc lộ 13 và vòng qua theo những vị trí của địch. Đồng thời, một tiểu đoàn khác và BCH của LLĐN đã được trực thăng vận thành công vào Tân Khai.  Trong ngày kế tiếp, căn cứ hỏa lực đã được thiết lập và sẵn sàng yểm trợ cho quân bạn. Sự tiến quân mới từ phía Nam này đã lôi kéo sự chú ý của địch…
     Mặc dầu chỉ đạt được một sự thành công nhỏ nhưng Quốc lộ 13 vẫn còn bị chốt cứng ở đoạn Chơn Thành và An Lộc. 

   ………………………………………………..
  (*) Tập Quân sử của Không quân Hoa Kỳ : The Vietnamese Air Force, 1951-1975, An Analysis of its Role in Combat’  tóm lược cuộc chiến mùa hè 1972 bằng các con số thống kê Không quân VNCH :
- Số các phi xuất oanh kích yểm trợ bộ binh: 4651
- Số các phi suất ngăn chặn:      340
- Số các phi suất thám sát:        474
- Số các binh sĩ chuyển vận:   40,484
- Số tiếp liệu chuyển vận:        3,388 tấn
- Số phi cơ thiệt hại:                 36 chiếc
- Số phi cơ sử dụng:                1,366
- Số quân nhân tham chiến:     47, 000.

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #24 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 10:57:31 am »

Tuy ta đã đánh lui, tiêu hao một bộ phận địch, khống chế đường 13, nhưng ta cũng tổn thất và không phục hồi được thế tiến công của chiến dịch. Khu vực chốt chặn của ta ở Tàu Ô đứng trước tình thế bị đe dọa nghiêm trọng cho dù Trung đoàn 209 ở đây chiến đấu rất can trường. Lúc này, chỉ huy cấp trên  đã quyết định rất đúng, mở các hướng đánh phối hợp, ở bên sườn, ở trung tuyến, ở phía sau rất thành công. Đó là kiểu chuyển hướng thế trận nhằm “chia lửa”.  Gần 150 ngày, trong khi 209 chốt chặn, cấp chiến dịch lúc này đã tổ chức tác chiến phía sau lưng địch, bất ngờ tiến công vào căn cứ Lai Khê - hậu cứ của Sư đoàn 5 và Chơn Thành - Sở chỉ huy Sư đoàn 25 bị đe doạ, buộc địch phải đưa lực lượng trở lại đối phó. Trên lại sử dụng lực lượng mạnh gồm các đơn vị thuộc Sư đoàn 7 và Trung đoàn 205 đón đánh địch trên đường Chơn Thành đi Lai Khê, diệt hai tiểu đoàn biệt động quân từ Biên Hòa lên tăng viện. Lúc này không thể nào khác, Sư đoàn 25 nguỵ phải cay đắng rút khỏi khu vực Tàu Ô, ta tạo được thế có lợi để phát triển xuống phía nam, lập tức uy hiếp vành đai phía bắc “Thủ đô” Sài Gòn.
         Sài Gòn bị uy hiếp trực tiếp, quân nguỵ tức khắc tắt ngay ý định phản công. Ta trở lại thế tiến công sau hơn 150 ngày liên tục phải chốt chặn, mang nặng tính phòng thủ, cho dù được gọi là “Vận động tiến công kết hợp chốt” trên con đường 13 máu lửa.
      Máu xương của 1.062 chiến sĩ Sư đoàn 7 đã can trường chiến đấu, giành lại thế tiến công vào năm 1972, trên chiến trường Miền Đông gian lao, anh dũng.
     Chuyện chiến đấu trên đường 13 có nhiều giai thoại. Mỗi năm gặp gỡ, anh em Sư đoàn 7 lại có thêm nhiều chuyện mới. Tôi nhớ lại chuyện đấu trí với ngụy Sài Gòn trên trận địa chốt đường 13. Cuối tháng 7-1972, khi Hội nghị Pari về Việt Nam đang đấu tranh gay go, thắng lợi ở chiến trường trong nước có tác dụng thúc đẩy Hội nghị theo hướng có lợi cho ta.
      Ở Quảng Trị, năm 1972, quân ta chốt được 82 ngày đêm. Còn ở miền Đông Nam bộ, trên quốc lộ 13 quân ta đã chốt được 150 ngày. Giành đất để gây ảnh hưởng trên bàn hội nghị là điều quân ngụy ra sức làm. Quân ngụy Sài Gòn tạo “thắng lợi” trên chiến trường bằng mẹo vặt. Chúng cho lính ngụy trang là thường dân, bí mật luồn vào khoảng cách giữa các chốt của ta trên quốc lộ 13 rồi cắm cờ, sau đó  tuyên bố đã giải tỏa trên Quốc lộ 13, mời các nhà báo đi bằng máy bay lên tham quan, chụp hình.
       Được tin này, tôi và anh Vũ Việt Hồng Trung đoàn trưởng cùng cơ quan tham mưu bàn bạc, thống nhất đối phó. Ngay trong đêm đó, chúng tôi đưa Đại đội 12,8 ly bố trí đón lõng trước trên không. Hai bên sườn chốt, bố trí  trận địa bộc phá. Khi máy bay ngụy chở đoàn nhà báo bay lên, ta dùng 12,8 ly bắn chặn, buộc chúng nâng độ cao, kết hợp đúng lúc, ta giật bộc phá khói mù mịt. Cánh nhà báo từ trên rất cao, không quan sát thấy cờ ba que của ngụy quyền Sài Gòn đâu cả. Một hành động sáng tạo, có tính chất chiến thuật, nhưng qua “mồm” nhà báo loang ra thế giới, hiệu quả rất cao, rằng: Quân đội VNCH tạo chiến công “zỏm”. Các nhà báo chứng kiến sự thất bại, bọn ngụy quyền Sài Gòn bẽ mặt.
        Sau mỗi trận đánh, trung đoàn thu được nhiều chiến lợi phẩm, chủ yếu là thắt lưng Mỹ, bi đông đựng nước, gạo sấy… Chúng tôi gửi cho mỗi trạm thông tin hữu tuyến điện của cấp trên từ hậu cứ ra chốt chút chiến lợi phẩm, “quà chiến công” kèm theo tin chiến thắng hàng ngày. Chúng tôi không ngờ việc làm đó có một tác dụng rất lớn. Chính lực lượng thông tin của cấp trên đã tuyên truyền rất đắc lực  tin chiến thắng cho Trung đoàn 209 ở chốt.
       Trước khi quân địch rút chạy khỏi Bình Long, chúng thăm dò, điều tra trận địa của ta ở khu vực chốt, bằng cách cho một số vợ con sĩ quan ngụy quân và ngụy quyền vờ tháo chạy qua trận địa chốt. Chúng dụng ý, nếu ta nổ súng thì lập tức vu cáo quân giải phóng bắn vào dân thường… Nếu ta để họ đi qua sẽ lộ trận địa chốt. Lúc này, ngoài chốt gọi điện về xin ý kiến. Tôi và anh Hồng trao đổi gấp và quyết định cho lực lượng trinh sát và trợ lý địch vận chặn họ trước trận địa, giải thích cho họ rằng có mìn phía trước, rất nguy hiểm và dẫn họ đi vòng qua bên sườn chốt về hậu cứ. Ta phải nuôi họ hơn một ngày để xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
      Có một trường hợp tôi nhớ mãi. Trong số “người chạy loạn”, có một nữ nhà báo của chính quyền Sài Gòn. Bà ta có con là sĩ quan ngụy, khi chạy khỏi Bình Long, bà này mang theo quyển sách ảnh gia đình, trong đó có ảnh con trai. Chắc bà ta sợ liên lụy, sợ Quân giải phóng trả thù, nên khi đi từ chốt vào căn cứ, bà ta khôn ngoan vất quyển (album) sách ảnh đó đi. Chiến sĩ trinh sát ta rất nhạy cảm, đã nhặt và đưa quyển sách ảnh cho tôi. Sau khi xem xong, thấy đây là hình ảnh của một gia đình sĩ quan ngụy quân, không có gì quan trọng. Lúc chúng tôi được lệnh thả đoàn người này về Sài Gòn, tôi hỏi bà ta:  “Vì sao quyển album có nhiều ảnh quý của gia đình, bà lại bỏ đi?”. Bà ta thành thật trả lời: “Vì sợ “quý anh” Quân giải phóng trả thù gia đình sĩ quan ngụy”. Tôi giải thích chính sách của Quân giải phóng và đưa trả bà ta quyển album. Bà ta tròn xoe mắt, nhìn tôi cảm động, trân trọng. Bị nhồi sọ, nói xấu Quân giải phóng quá nhiều, bà ta bất ngờ là phải. Không ngờ Quân giải phóng lại cư xử nhân văn như thế.
    Sau chiến thắng “Đường 13 máu lửa”, thế chiến cuộc Miền Đông cuối năm 1972 chuyển sang trang mới. Quân giải phóng lập lại thế tiến công, duy trì lực lượng, đến khi Hiệp định Pa-ri ký kết, quân Mỹ buộc phải rút dần ra khỏi chiến tranh ở Việt Nam. Thế và lực của cách mạng miền Nam vững vàng trong tương quan mới.   

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #25 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 10:58:45 am »

VI

TỪ CÔNG-PÔNG-THƠM ĐẾN SÀI GÒN
   


       Cuối năm 1972, kết thúc chiến dịch chốt chặn ở Tàu Ô - Xóm Ruộng, địch tháo chạy khỏi Bình Long. Vùng ải phóng của ta được mở rộng, không chỉ Lộc Ninh, An Lộc, mở về tới Chơn Thành, sau này là Vùng hoạt động chính của Chính phủ cách mạng lâm thời. Cả một vùng đất tiếp nối từ biên giới Cam-pu-chia về, mênh mông, rộng lớn. Đó là vùng đồi núi phía Tây của miền Đông Nam bộ. Xa xa, nhìn về phía Đông là hướng chiến khu khu Đ, Mã Đà, Định Quán, Đồng Nai Thượng không còn bao xa. Phía Tây là thị xã Tây Ninh. Núi Bà Đen in đậm, trầm nghiêm một khoảng trời. Hồ Dầu Tiếng chếch phía Nam phả hơi nước, chúng tôi có thể cảm nhận được trong những ngày gió mạnh. Địa hình miền Đông thấp dần về phía Tây và Tây Nam, cây cối ngắt xanh, trải dài giáp tít về tận Tân Uyên, Thủ Dầu Một. Lòng tôi phấn khởi, mỗi sáng ra vươn vai, hít mạnh, như muốn hút cả không gian vào lồng ngực. Mới ngày nào còn lăn lộn trên rừng, leo dốc núi, mà giờ đây… Địa bàn của địch thu hẹp dần, mơ ước có một ngày về đồng bằng không còn bao xa.
       Một ngày nắng nóng, Sư đoàn 7 được lệnh chuyển xuống vùng ven Sài Gòn để hoạt động. Tôi và anh Tân, anh Nhạn cùng được chọn đi học lớp bổ túc trung, sư đoàn H14 tận Kông-pông-thơm – Cam-pu-chia để nâng cao trình độ, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng.


       Sáu tháng học trong trường, chúng tôi nghiên cứu học tập tương đối toàn diện hệ thống, những kiến thức về Nghệ thuật quân sự Việt Nam, về Công tác Đảng - Công tác chính trị trong chiến dịch và trong chiến đấu. Quá trình học tập, tôi được Nhà trường mời giới thiệu chiến lệ, kinh nghiệm chốt chặn ở Tàu Ô - Xóm Ruộng và Công tác Đảng-Công tác chính trị trong chiến dịch, chiến đấu. Chiến lệ ấy không chỉ phổ biến cho lớp bổ túc trung sư đoàn, mà còn cho cả các lớp đào tạo cán bộ cấp tiểu đoàn. Tôi thực sự tự hào về chiến công lẫy lừng ấy. Trong đó, tôi được trực tiếp chỉ huy, tại SCH Trung đoàn cùng đồng chí Trung đoàn trưởng Vũ Việt Hồng. Còn nhớ, hồi đó trong khóa học bổ túc có cả đồng chí Tư Thân - Tư lệnh phó Quân khu 9, anh Sáu Nam Chủ nhiệm chính trị Quân khu 9; còn anh Năm Cang, anh Hai Mạnh (dân tình báo), cũng về đây học. Anh Hai Mạnh từng là quản gia của gia đình Tổng thốngThiệu, nhưng sau này, để bảo toàn, trên bố trí anh rút ra chiến khu. Cùng khóa học với tôi còn anh Ba Kiên học lớp cán bộ tiểu đoàn, sau này anh là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
       Những kiến thức tại trường, mang tính hệ thống, nâng tầm lý luận, càng làm cho tôi nhận thức sâu sắc hơn về những thành công, thất bại trong chiến đấu ở Tây Nguyên năm 1968, ở miền Đông 1969-1972. Tôi nhận thức rõ hơn về trận Chư-tan-kra, ở đó yếu tố bí mật, bất ngờ không còn ngay từ đầu trận đánh; về vấn đề tương quan lực lượng trong tấn công Mỹ ở rừng núi, khi địch trong công sự, năng lực cơ động cao, ứng cứu nhanh… Về cả vấn đề thời cơ chiến dịch, như ở Bình Long, đầu năm 1972 v.v.. Tôi ghi chép kỹ, lưu ý những vấn đề chưa kết luận, tiếp tục nghiên cứu.
     Có điều là, lớp học có nhiều cán bộ từng trải qua chiến đấu về đây, qua thảo luận, qua sinh hoạt hằng ngày, càng thấy rõ, thực tiễn rất đa dạng, thực tiễn là người thầy nghiêm khắc, không cho phép người chỉ huy chủ quan, tự mãn. Một mệnh lệnh thiếu cân nhắc sẽ gây tổn hại biết bao xương máu chiến sĩ; một ý tưởng cục bộ, lợi ích hẹp hòi, không vì lợi ích chung, sẽ làm mất thời cơ quý giá, đồng nghĩa với nó là mất chủ động chiến trường, tổn hao binh lực. Thế và lực của cách mạng suy giảm. Lịch sử không có sự “nếu như”.  Nhưng qua phân tích, rút kinh nghiệm, có thể giúp người chỉ huy sáng suốt, tránh “vết xe đổ”.
       Dẫu sao, những nỗ lực máu xương của toàn miền, giữa và cuối năm 1972 cũng đã tạo thế tiến công cho các chiến trường, mở ra thời kỳ tiến công liên tục.
       Khi kết thúc khóa học, điều mà các học viên rất ngại là phải giữ lại trường. Điều gì sẽ đến thì đã đến, tôi được giữ lại làm giáo viên ở Trường Quân chính B2. Khóa trước tôi, đồng chí Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 141 là anh Phạm Ngọc Nghinh cũng có tên trong số giữ lại. Nhưng nhờ có chị Ba Định đỡ đầu, can thiệp, nên “đánh tháo” được về đơn vị chiến đấu.
       Lần này tôi ở lại, không có ai đỡ đầu, bài học rút ra là tự mình thích nghi, tự làm tư tưởng, yên tâm làm nhiệm vụ. Tôi cũng tự động viên mình, nhiều đồng chí cán bộ ở đơn vị còn khó khăn hơn, họ vẫn vượt qua. Tôi đâu sợ khó, sợ khổ, sợ hy sinh ở đơn vị, nhưng quả thật ở Trường thường “kinh viện” “sách vở”, mà tôi thì thích thực tiễn sinh động, ham sáng tạo.
       Khi giải phóng miền Nam năm 1975, Trường Quân chính chúng tôi được phân công tiếp thu Trường Cao đẳng quốc phòng của chính quyền Sài Gòn, sau đó đi tiếp quản Trường Sĩ quan tham mưu ở Long Bình, rồi Sĩ quan Đà Lạt…
      Cuối năm 1975, đầu năm 1976 Khoa Giáo viên chúng tôi được cấp trên chỉ định tham gia làm giáo viên cải tạo sĩ quan ngụy (từ cấp thiếu tá và đại úy tâm lý chiến đến cấp trung tướng) ở suối Râm - Biên Hòa - Long Khánh và quận Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh.

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #26 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 10:59:27 am »

        Nội dung chính các đối tượng cải tạo được học là 10 bài theo quy định của cấp trên, sau đó viết thu hoạch cá nhân. Nếu chỉ nhìn ở góc độ kết quả trên trang giấy họ viết, ta có thể cho họ đạt giỏi tới 70-80%. Nhưng nhận thức thực trong lòng họ thì sao? Câu hỏi này có thể trả lời qua chính họ kể, ngoài văn bản, ngoài lớp học rằng, bộ máy tuyên truyền của chế độ cũ, khiến họ ác cảm với cách mạng, cho rằng chế độ Cộng sản là ác bá, trả thù tàn bạo. Nên việc họ viết thu hoạch “tốt”, là do đối phó, lo sợ trả thù. Thật là sai lầm.
        Sau này có dịp đọc các bài báo mà các sĩ quan ngụy đi Mỹ mô tả các lớp học tập, cải tạo, họ nói khác hẳn với những gì họ viết, thậm chí còn xuyên tạc, phóng đại “sự gian khổ” trong  khi cải tạo. Cũng dễ hiểu, đó là bản chất của những kẻ lệ thuộc ngoại bang, bại trận. Với lại họ mô tả sự gian khổ một cách cường điệu, cũng là cách để làm “oai” mình lên, theo mô-típ “yêng hùng” cá nhân, “Hùm thiêng sa bẫy”… mà các tích tuồng Tàu vẫn thường diễn tả.
        Họ không nói đủ một sự thật mà họ biết, chính chúng tôi, những người giảng bài, giáo dục họ, và biết bao nhiêu cán bộ quản giáo, cũng sống trong khó khăn. Khó khăn của đất nước vừa thu về một mối, không có nguồn viện trợ. Hậu phương lớn cũng dốc sức dốc lòng cho chiến thắng, cho thống nhất non sông. Những bà mẹ, người chị, người cha ở hậu phương lớn, đã thắt lưng tới những “nút” cuối cùng, hạt gạo chia đôi, chia ba.
        Trong thời gian đó, chúng tôi đề nghị cấp trên cho một số cán bộ giáo viên đi nghiên cứu thực tế (tìm hiểu) đời sống các gia đình sĩ quan ngụy từ cấp thiếu tá đến trung tướng. Từ thực tế đời sống của họ do chế độ cũ tạo ra cho, mức sống ấy, chúng tôi đều có chung nhận xét là khá giả. Chúng tôi hiểu, sĩ quan “Việt Nam cộng hòa” ít nhiều đều có vốn văn hóa khá cao. Không ít người là sinh viên, học sinh vào đào tạo sớm thành sĩ quan. Chế độ Mỹ-ngụy cũng giành đặc ân, ưu ái cho sĩ quan trung, cao cấp. Sĩ quan cấp úy cũng có mặt bằng lương bổng, đủ nuôi cả gia đình. Trong khi đó, sĩ quan cấp tá của Quân đội nhân dân, cũng do dân nuôi, đời sống khiêm tốn. Khi đó, ai có chiếc xe máy Honda 67 là khá giả. Rất nhiều gia đình cán bộ trung cấp chưa có ti-vi, còn nói chi tủ lạnh, máy lạnh… như gia đình họ. Vào các khu gia binh của sĩ quan cấp úy khi đó ta thấy, mức sống của gia đình sĩ quan so với sĩ quan Cách mạng khá chênh lệch.
       Tiện đây cũng nói, so với bây giờ thật  khác. Sĩ quan cấp tá ở các quân khu bây giờ, nhà cửa xây cất còn hơn nhiều sĩ quan ngụy thời ấy. Thế mới biết, đất nước thanh bình, ổn định, mới có cơ hội để đổi đời. Còn chiến tranh, xung đột thì không thể nói ấm no, hạnh phúc. Chân lý là cụ thể.
        Thời điểm ấy, các sĩ quan ngụy quyền không dễ gì một chốc lát họ đã quên đi và phủ định quá khứ dễ dàng. Chế độ viện trợ Mỹ và sự ưu ái nhằm tư sản hoá đội ngũ sĩ quan, ấy là căn cốt để họ trung thành, bám lấy những lợi ích vật chất được hưởng qúa ưu đãi.
         Sau chuyến đi đó, chúng tôi nhìn kết quả của sĩ quan ngụy trong học tập khách quan hơn và đề nghị cấp trên tìm giải pháp hiệu quả cải tạo họ, trở về là công dân, bình đẳng hòa hợp với cộng đồng. Không thể chỉ trông vào giáo dục, đất nước mạnh lên, dân giàu, nước mạnh. Họ ở đâu, dù trên đất Mỹ, không thể không thừa nhận chân lý đúng đắn, mục tiêu đúng đắn của Cách mạng.

         Trong quá trình cải tạo sĩ quan ngụy, tôi được chứng kiến hai trường hợp thật khó hiểu, một cách đau lòng. Trường hợp thứ nhất: Có một cán bộ cao cấp của của ta có cháu ngoại là trung tá sĩ quan ngụy. Trước khi giải phóng, họ bên kia chiến tuyến, sau giải phóng họ là sĩ quan tập trung cải tạo. Quy định của cách mạng: Khi gia đình tiếp xúc phải đủ 3 thành phần (sĩ quan ngụy - gia đình - quản giáo). Đồng chí nọ phản đối chúng tôi, không chịu gặp ba bên. Tới bữa tối, họ tổ chức liên hoan với cán bộ khung. Rượu vào lời ra, rồi vi phạm quy chế của trại cải tạo. Là người sống có nguyên tắc, tôn trọng mệnh lệnh, mệnh lệnh là pháp lệnh, với tôi đã là nguyên tắc thì phải “Thượng tôn pháp luật”.       
        Trường hợp thứ hai, có ông bạn chiến đấu với tôi ở căn cứ cũ. Sau giải phóng miền Nam lên tới chức cán bộ trung đoàn, phụ trách một khung cải tạo sĩ quan ngụy. Vì có cái tật (mắc rượu), vợ sĩ quan Ngụy mời cán bộ nọ về Sài Gòn, vào nhà chơi. Sau chuyến thăm đó, khi về đơn vị, anh ta nhắm mắt bảo lãnh cho chồng cô ta là sĩ quan ngụy ra khỏi trại. Sau khi ra, người ấy đã trốn sang Mỹ, viết thư về tố cáo. Cuối cùng anh ta bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng, giáng cấp từ thiếu tá xuống thượng úy, cho ra quân. Với chúng tôi, luôn tự nhủ  mình, dù hết chiến tranh, phải giữ đúng lập trường, bản lĩnh kiên định, không thể để vật chất mua chuộc hay một chút bả hư vinh mà sa ngã.
Ngay sau chiến tranh, đã có những cán bộ hư hỏng, đó là quy luật đào thải của cuộc sống. Chiến tranh, cũng có kẻ hèn nhát quay súng, chiêu hồi, sợ chết. Ai bảo trong thời bình không còn bom đạn, không có thương vong?
     Sau đợt chúng tôi đi cải tạo sĩ quan ngụy, trở về đơn vị cũ (H14). Lúc này Trường H14 chuyển về Quân khu 7, đổi tên thành Trường Quân sự Quân khu 7, tôi được bổ nhiệm Phó Khoa giáo viên chính trị, rồi lên Phó chủ nhiệm chính trị Trường Quân sự Quân khu.

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #27 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 11:00:02 am »

       Sau ngày giải phóng, nhiều người lính trở về hậu phương. Hình ảnh quen thuộc là một một anh chiến sĩ vai khoác ba lô, trên lưng có con búp bê, vai đeo đôi khung xe đạp nhôm, hồn nhiên bước trên hè phố ra tàu về Bắc. Anh nhìn lên những toà nhà cao tầng, tưởng như thành phố luôn mỉm cười với anh.
       Không phải tất cả như thế. Quy luật của cuộc sống thời bình tuôn theo dòng chảy của lợi ích, nhu cầu, của sự sáng tạo, có sáng tạo thuận chiều với lợi ích cộng đồng, đóng góp cho cộng đồng. Nhưng cũng có “sáng tạo” khôn ngoan, luồn lách, mánh lới, bất chấp đồng loại, lách kẽ hở pháp luật làm bừa vì lợi ích vị kỷ, cá nhân, có thể gọi đó là những thủ đoạn. Chỉ có điều xã hội điều hoà tốt lợi ích của nhiều tầng lớp dân chúng, lại có nhiều giải pháp chế tài được những tiêu cực phát sinh, trong đó tấm gương của đội ngũ cán bộ có vai trò rất quan trọng. Kỷ cương nghiêm, cán bộ tốt, dân đồng lòng thì đất nước và cộng đồng phát triển.
       Thống nhất hai miền, tôi luôn sống trong tâm trạng vui. Vui vì cuộc trường chinh đến đích. Sài Gòn, nơi cột cây số cuối cùng trong cuộc hành quân cứu nước, chúng tôi đã được đặt chân. Nhiều cán bộ có xuất xứ từ chiến khu về, từ ngoài Bắc đi chiến đấu, nhìn chung anh em đều giữ được phẩm chất đạo đức. Số bị kỷ luật cũng có, nhưng không nhiều. Nhưng tôi lại thấy một số người từ thức thời, đến thực dụng đang tăng lên, tăng dần khi chiến tranh lùi càng xa.
      Tôi đã thấy những cán bộ lợi dụng chức quyền từ sau giải phóng, tôi đã thấy lối sống sa đoạ của một số cán bộ ngang cấp và trên cấp mình, tôi đã thấy những mầm mống của sự chia rẽ, cục bộ, lòng se sắt buồn.
       Anh em giáo viên trong chiến tranh, anh em văn nghệ sĩ ở Miền về trụ lại Sài Gòn khá đông. Tôi ra ngoại thành chơi, lòng hướng về chân trời cũ. Ơi miền Đông! Ơi cao nguyên! Tôi đi trên những con lộ thanh bình, bên tai vẳng lên câu thơ da diết: “Ngày dân tộc tụ về đường số Một, lòng bỗng thương những cánh rừng này, nơi những đứa con nằm lưng đèo cuối dốc, hay khuất chìm lúp xúp những rừng cây”. Trên cao nguyên, ven rừng Bù Đốp, bên trảng cỏ, bên suối Sa Mát, Tây Ninh, lộ 13, Bình Long, đồng đội “hai linh chín” của tôi còn nhiều người nằm ở trên đó. “Nếu đồng đội tôi còn đông đủ, sư đoàn ta thành mấy sư đoàn”.   Lịch sử không có chữ nếu để nuối tiếc.
       Trở về Trường Quân chính quân khu, tôi thường lấy câu chuyện chiến đấu, tình cảm trong chiến tranh để truyền đạt cho học viên. Với học viên quê trong Nam, hay miền Bắc, tôi luôn nêu vấn đề đoàn kết Nam Bắc, vấn đề chi viện lớn của hậu phương, sự hy sinh và trực tiếp chiến đấu của chiến sĩ đồng bào miền Nam trải qua 30 năm chống Mỹ, để có ngày đất nước, non sông liền một dải.
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #28 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 11:01:03 am »

VII



ĐẤT MẸ SÔNG HỒNG

Hơn mười năm biền biệt xa miền Bắc, xa quê hương, xa vợ con đi chiến trường, nay đất nước thanh bình, mong ước trở về quê, thăm lại nơi bước chân ra đi, thăm lại “đường xưa lối cũ”… nghĩ đến điều này, tôi khắc khoải chờ ngày đi phép. 
Ngày ra Bắc, tôi không đi theo đường quân vận mà đi xe “đò”. Hãng xe đò “Phi Long” có những lái xe kỳ cựu, kinh nghiệm “phi” đường trường rất tốt. Họ thay nhau chạy suốt ngày đêm ngược đường số 1 với tốc độ rất cao, ai không quen cảm giác mạnh thì nhiều pha “thót tim”.
 Dọc hai bên đường, phố thị, thôn ấp trở lại nhịp sống thanh bình. Đất nước thống nhất, người dân lao vào làm ăn, lo cuộc sống. Dải đất miền Trung đúng là dài thật. “Khu năm dằng dặc, khúc ruột miền Trung”, nhà thơ Tố Hữu tả không sai.
Tôi vào Nam năm 1968 theo ngả đường Trường Sơn, trở ra Bắc theo lộ 1. Suốt dọc đường nhìn cảnh, nhìn người, lòng miên man suy ngẫm. Những đồng đội của tôi, chiến đấu trên núi rừng Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, rồi Thượng Đức, Nông Sơn… Họ cũng như chúng tôi, giáp mặt bom, đạn, giáp mặt sốt rét rừng, thiếu thuốc, thiếu lương thực… Tất cả cho ngày toàn thắng. Trên hướng Quảng Trị, mùa hè đỏ lửa 1972, bên dòng Thạch Hãn, trong Thành cổ… hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống. Chiến công và lòng quả cảm của cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận Quảng Trị thật đáng tôn vinh. Sử sách nói về các anh chưa hết… Tôi chạnh lòng nghĩ tới mùa hè đỏ lửa, chốt chặn trên đường 13 Chơn Thành Tàu Ô-Xóm Ruộng, cũng hàng ngàn chiến sĩ của 165, của 209 ngã xuống, trên một dải đất hẹp ven lộ miền Đông. Các nhà văn, nhà thơ, nhà báo còn mắc nợ với chiến công này. Có thể do chúng tôi có lỗi, chưa làm mọi việc để các “nhà” truyền thông, nhà văn hóa thấy tầm vóc, sự hy sinh quả cảm, can trường của các chiến sĩ 209, của Sư đoàn 7, của chiến sĩ Miền Đông… Tôi mong ước có nhiều ca khúc mang xúc cảm về Miền Đông, nhiều bài thơ sâu nặng về Miền Đông, những tượng đài về Tàu Ô, Chơn Thành… Dẫu rằng tượng đài chiến thắng, tượng đài về lòng quả cảm của chiến sĩ đã xây trong ký ức nhân dân, nhưng còn mai sau, dài lâu nữa, cần có những tác phẩm, hình tượng văn hóa phi vật thể về vùng đất, chiến công, con người nơi đây.
Đêm Miền Trung trôi đi trong giấc ngủ chập chờn. Nửa đêm, có ai đó nói “đã qua sông Hiền Lương”. Con sông nhân chứng sự cắt chia hai miền, tôi đã không qua nó khi vào, bây giờ trở về  hai bờ là một. “Đã qua sông Hiền Lương”, câu nói bình thản mà mấy chục năm trời bao lòng dân mơ ước có ngày thanh thản qua dòng sông hiền hòa này. Ngày bình yên trả bằng bao xương máu.
 … Những ký ức vụn vặt, chắp vá trên xe đò lại bị đánh thức bởi một cơn gió sớm thổi từ biển vào. Gió tươi mát rượi đến tỉnh táo. Vươn cổ nhìn ra ngoài, tôi thảng thốt nhận ra một chiếc vó bè treo trong sương sớm, một bóng người nhỏ thó đang rướn lên kéo vó, vẻ nhọc nhằn. Ôi quê Bắc nghèo khó đây rồi! Về đến đất Bắc rồi! Tôi bất giác kêu lên thành tiếng. Mắt tôi đỏ hoe, chực khóc. Đồng đội của tôi có quá nhiều người không được trở về như tôi. Họ nằm lại chân đèo cuối dốc, nằm lại trảng cỏ, lòng bưng… Lòng tôi xốn xang một niềm vui khó tả, chen lẫn một nỗi buồn se sắt. Qua cuộc chiến đấu cam go, cả nước dốc lòng đánh giặc, quê Bắc mình vẫn nghèo quá. Nhìn trên đồng qua khung cửa, chiếc đòn gánh vẫn trĩu vai người chị, người mẹ thôn quê. Dáng lưng còng người phụ nữ nông dân vẫn thế, khiến ta da diết nhớ mẹ, nhớ em. Tôi kín đáo chùi mắt, nhìn sang bên, hai người lính vào Nam ngồi ghế bên, nay trở về cũng thẫn thờ nhìn ra con đường. Dường như mắt họ cũng cay đỏ như tôi.
 Dọc đường ra Bắc, mọi miền quê sao giống nhau đến thế, những con đường mòn từ thôn xa chạy ra đường số một, cắt ngang đường sắt. Trên đường, bóng mẹ ai còm cõi gánh vài bó mạ, một chú chó nhỏ, gầy thó chạy theo. Bó mạ gầy như eo lưng mẹ thắt ngang sợi rơm, phơ phất manh áo vải… Trời sáng rõ, trên đường một, những con người cần lao gò lưng đạp xe cọc cạch về phố huyện, về làng. Vụt qua khung cửa là những trái núi đá trơ trọi, những mái rạ bên khóm chuối, bờ tre.
Chuyến về phép ấy, tôi chịu khó vác theo mấy cái khung xe đạp. Hôm về làng, mọi người đến chơi thăm hỏi, ai cũng bảo tôi rắn chắc, khỏe mạnh. Tôi vui vì làng xóm từ nay sẽ không cần phải có nhiều lứa trai lần lượt ra trận. Sẽ bớt những mẹ già sụt sùi khóc, thương nhớ con không về. Làng xóm sẽ có nhiều trai đinh cày ruộng, vượt ao làm giàu. Trẻ được vào các trường chuyên nghiệp.
Vợ tôi vẫn đi làm nhà nước. Tuy nhiên, sống giữa đất Hải Phòng, có bến cảng giao thương, người đất Cảng năng động, rất sớm tiếp cận với thị trường tự do, vợ tôi lương thấp, tôi là quân nhân, cuộc sống cũng đạm bạc. Vì vậy, làm theo bạn bè, vợ tôi tranh thủ ngày nghỉ, khuya sớm cũng hoạt động “thương trường” tự do kiểu cò con. Mua bán lại tem phiếu, cất hàng, giao hàng vặt, nên cuộc sống cũng giảm căng thẳng. Trở vào Nam trả phép, tôi xúc động lắm khi Chiên chắt bóp, đưa tôi được chút tiền. Số tiền này cộng với sự tiết kiệm của tôi, rồi cũng mua được chiếc xe máy hai thì chạy xăng pha nhớt. Bộ đội có xe máy khi đó cũng là loại “năng động”.
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #29 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 11:01:48 am »

Giữa năm 1977, tôi được cấp trên cho ra miền Bắc học ở Trường Văn hóa quân đội. Theo kế hoạch, sau khi học hết chương trình văn hoá cấp 3, chúng tôi học ngoại ngữ rồi đi đào tạo Chỉ huy quân sự hoặc học Quân chính ở Liên Xô. Lòng ham học của tôi lại được đốt nóng. Phía trước, tôi hình dung những thử thách về nhận thức, lòng tự nhủ phải gắng vượt qua.
Những biến cố của thời cuộc luôn tạo bước ngoặt cho cả đời người. Khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, cũng là lúc chúng tôi tốt nghiệp văn hóa cấp III. Cả lớp chúng tôi ở Trường Văn hóa quân đội chuyển về học đào tạo cán bộ Sư đoàn ở Học viện Quân sự cấp cao tại Hà Nội (khóa II). Thời gian học trong 2 năm.
Hai năm học ở Bưởi-Hà Nội. Hồi ấy chưa có phường Nghĩa Đô, đường Hoàng Quốc Việt. Học ở Học viện Quân sự cấp cao “trên Bưởi” là cách gọi thông thường khi đó. Các thầy giáo của chúng tôi đều là các cán bộ dày dạn kinh nghiệm chỉ huy, điều binh, tác chiến ở chiến trường. Một số lớn các thầy còn được đào tạo lý luận quân sự ở các Học viện bên Liên Xô như Học viện Ph.runde, Vô-lô-si-lốp… Những kinh nghiệm trong thực tế công tác, chiến đấu, chỉ huy bộ đội của chúng tôi ở chiến trường, giờ đây được rọi sáng, hệ thống hóa qua lý luận, khiến cho tôi nhìn rõ, hiểu sâu hơn đường lối quân sự, phương thức tác chiến chiến lược và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
       Một  trong những vị tướng ở Học viện khi đó, tôi và nhiều sĩ quan cao cấp thực sự ngưỡng mộ và kính phục là Thượng tướng Hoàng Minh Thảo. Ông tên thật là Tạ Thái An, sinh năm 1921 tại xã Bảo Khê, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Ông tham gia cách mạng năm 1937. Ông được phong quân hàm Thượng tướng vào năm 1984. Tháng 3-1975, ông là Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên và là chỉ huy trưởng trận đánh Buôn Ma Thuột.  Sau ngày đất nước hòa bình, năm 1976, ông là giáo viên ở Học viện Lục quân. Từ năm 1977-1989, ông là Viện trưởng Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng). Năm 1990, ông là Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự Bộ Quốc phòng. Đến năm 1996, ông là Phó trưởng ban chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam. Thượng tướng Hoàng Minh Thảo là tác giả của nhiều tác phẩm có giá trị về đường lối quân sự, nghệ thuật quân sự, lịch sử quân sự Việt Nam. Ông được phong Giáo sư ngành khoa học quân sự (1986), Nhà giáo nhân dân (1988). Ông đã được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh
Khi ở Học viện, ông thường say sưa phân tích cho chúng  tôi về năm chữ TRÍ, DŨNG, TÍN, LIÊM, TRUNG. Ông bảo, trước khi làm tướng phải làm người. Đạo làm tướng cũng là đạo làm người. Ông nói, đời ông sợ nhất phải nghe câu: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô!”.
Là thế nên phải tu dưỡng không ngừng, học hỏi không ngừng. Tu dưỡng học hỏi trong mọi điều kiện. Ông bảo, cuốn sách Tổ tiên ta đánh giặc - một trong những công trình của ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh được ông viết trên đường hành quân.
Ông nói thêm, thời đại ngày nay không nắm được công nghệ thông tin, không hội nhập không làm gì ra hồn được, càng không thể làm tướng. Ông tâm sự, ông rất buồn khi nghe nói có một số tướng trẻ hiện nay ít chịu rèn luyện, học tập; sống lối sống chạy theo đồng tiền, rượu chè trai gái, coi cấp dưới như kẻ ăn người ở! Thói nịnh bợ, nói theo cấp trên để được lòng là điều ông rất ghét.
Ông nói, các nhà trường quân đội tiến tới phải tăng cường hơn nữa công tác “trồng người” vì rằng, suy cho cùng, cái quyết định mọi công việc vẫn là ở con người. Đạo làm tướng cũng là đạo làm người. “Làm tướng mà không có Trí, Dũng, Tín, Liêm, Trung như lời Bác Hồ dạy thì hỏng!”.
      Thướng tướng Nguyễn Hữu An cũng là một người chỉ huy mà tôi và anh em cùng khóa rất ngưỡng mộ. Ông sinh năm 1926, ông mất năm 1995, là một tướng lĩnh quân sự. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và Chiến tranh biên giới Tây Nam. Ông là người trực tiếp chỉ huy trận đánh đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1965, Nguyễn Hữu An lúc đó mang quân hàm thượng tá, tham mưu phó mặt trận B3, là người chỉ huy trực tiếp trận đọ sức với quân viễn chinh Mỹ tại thung lũng Ia-Drang năm 1965.
Nguyễn Hữu An tham gia và trưởng thành trong quân đội từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, thuộc Đại đoàn 316, 3 lần tấn công đồi A1 và sáng 7-5-1954 Trung đoàn 174 dưới sự chỉ huy của ông đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm A1, mở đường đánh vào cánh đồng Mường Thanh, kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ.
      Trong Chiến tranh Việt Nam thời chống Mỹ, năm 1964, trên cương vị Sư đoàn trưởng, ông dẫn Sư đoàn 325 vào miền Nam chiến đấu. Ông đã trực tiếp chỉ đạo và chỉ huy Trung đoàn 101 diệt gọn tiểu đoàn biệt động “Cọp đen”, rồi lại đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 44 chủ lực quân lực Việt Nam Cộng hòa, diệt Trung tá Trung đoàn trưởng trung đoàn này.
    Năm 1965, Thượng tá Nguyễn Hữu An trực tiếp chỉ huy Trận Ia Đrăng, trận đánh nổi tiếng ở thung lũng Ia Đrăng đã tiêu diệt hoàn toàn 1 tiểu đoàn và làm thiệt hại nặng 1 Tiểu đoàn kỵ binh không vận Mỹ. Trận đánh phủ đầu và chiến thắng lực lượng kỵ binh bay khi quân Mỹ vừa vào Việt Nam, một trận thắng mà chính các tướng lĩnh của Mỹ phải thừa nhận "Ia Đrăng - trận đánh đã làm thay đổi cuộc chiến tranh ở Việt Nam".
Năm 1971, ông là Tư lệnh Sư đoàn 308 tham gia chiến đấu và góp phần cùng các đơn vị khác trong chiến thắng ở mặt trận đường 9-Nam Lào, sang giúp mặt trận Pa-thét Lào chiến đấu lấy lại Cánh đồng Chum. Đến cuối tháng 6-1972, ông chỉ huy Sư đoàn 308 chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, năm 1975, Thiếu tướng Nguyễn Hữu An là Tư lệnh Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang). Quân đoàn 2 dưới sự chỉ huy của ông đã lần lượt giải phóng tỉnh Quảng Trị, thành phố Huế, Đà Nẵng. Sau đó, ông đã chỉ huy toàn bộ quân đoàn hành quân gần 1.000km tuyến duyên hải. Tướng Nguyễn Hữu An chỉ huy một trong 5 cánh quân đã nhanh chóng cắm lá cờ đỏ lên nóc dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975.
Sau này ông là Giám đốc Học viện Quốc phòng. Ông luôn là một người chỉ huy trận mạc, có bản lĩnh, chính kiến, dám chịu trách nhiệm, người thầy thẳng thắn, nhân ái, đáng để nhiều sĩ quan cấp dưới kính nể.
       Tôi học trong Học viện Quân sự cấp cao vào đúng lúc đất nước đang bước vào thời kỳ cam go, khó khăn về nhiều mặt. Trong cơn hoài thai của lịch sử, đất nước vặn mình qua cơ chế bao cấp, bước vào thời kỳ giải phóng sức lao động của cơ chế thị trường, đổi mới tư duy… với biết bao chật vật. Vậy mà khi đó, trên biên giới phía Bắc, phía Nam, phên giậu quốc gia bị đe dọa. Đồng đội của tôi lại tiếp tục lên đường đi xa.
Công cuộc bảo vệ Tổ quốc đặt ra những yêu cầu mới với các cán bộ quân đội. Đêm nằm, tôi suy nghĩ nhiều về hình thái tác chiến bảo vệ địa bàn, khu vực, có không ít những câu hỏi còn bỏ ngỏ. Hai năm sau, tháng 8-1981, tôi ra trường, trở thành cán bộ cấp sư đoàn.
Những bạn bè cùng khóa với tôi ở Học viện Quân sự cấp cao, khóa II năm 1979-1981, đều là những cán bộ trải qua chiến đấu ở các chiến trường máu lửa. Sau này các anh đều trở thành các tướng lĩnh, giữ cương vị chủ chốt ở Bộ hay Quân khu, Quân đoàn như anh Đào Trọng Lịch, trung tướng, Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN; anh Nguyễn Văn Rinh, Thượng tướng, thứ trưởng Bộ Quốc phòng hay anh Hoàng Kỳ, anh Phạm Xuân Thệ, anh Dương Đình Thanh, anh Năm Bé …
     Ra trường, tôi được bổ sung về Đặc khu Quảng Ninh với chức vụ là Sư đoàn phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 323, đóng quân ở hai huyện Quảng Hà và Hải Ninh
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM