Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:33:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời binh nghiệp  (Đọc 53444 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #10 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 10:27:56 am »

III

                         
TÂY NGUYÊN – LỬA THỬ VÀNG


        Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 là đơn vị có truyền thống trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đơn vị tham gia nhiều chiến dịch lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị tiến công trên một hướng đánh vào Mường Thanh bắt sống Tướng Đờ-cát và cơ quan tham mưu của Pháp ở Điện Biên Phủ. Được Bác Hồ tặng cho 6 chữ vàng “Đoàn kết - Anh dũng - Chiến thắng”. Từ năm 1960 đến năm 1966, đơn vị luôn là đơn vị cơ động của Bộ trong đội hình Sư đoàn 312. Kết thúc huấn luyện hàng năm, đơn vị cử nhiều phân đội và cán bộ, chiến sĩ cho các đơn vị vào Nam chiến đấu.
      Năm 1968, cuộc tổng tiến công và nổi dậy quân dân toàn miền Nam nổ ra 30-01-1968, thì tới ngày 04-02-1968, Trung đoàn “Hai linh chín” được lệnh vào Tây Nguyên. Tin chiến thắng nức lòng quân dân cả nước, tôi và anh em ai nấy nóng lòng đi chiến đấu.
    “Hai linh chín” xuất quân từ Hòa Bình, đúng ngày Chiến thắng Đống Đa mồng 5 Tết. Anh em da diết nhớ quê, vẫn dằn lòng động viên nhau vững bước. Lần hành quân này “Hai linh chín” được đi bằng ô tô, thuận lợi hơn hai trung đoàn 141 và 165. Hai trung đoàn này vào từ trước, gần 5 tháng đi bộ vượt Trường Sơn.
   Sau 10 ngày hành quân, đơn vị đầu của 209 đã có mặt ở (B3) Tây Nguyên. Qua sông Sa Thầy, hết đường cơ giới “Hai linh chín” rồi cũng lại hành quân bộ. Ngày đi, đêm nghỉ. Dốc ngược! Từng người nối nhau, níu dây song nhích từng mét “thượng sơn”.  Đại đội trinh sát đi đầu, chân mỏi, miệng khô, phía trước núi cao ngất trời, rừng xanh dây leo, cây đổ. Lính Hà Nội bảo, đọc truyện của Tàu, hình dung rừng già ghê gớm lắm. Bây giờ mới thấy “núi cao dốc đứng”, người sau “đội đít” người trước, xảy chân là nhào xuống… hiểm trở hơn truyện Tàu nhiều. Sao mà lắm núi, nhiều rừng thế! Cây cổ thụ chen lẫn dây leo, tầng tầng, lớp lớp, đúng là muôn loài thực vật cộng sinh. Rồi núi cũng thua con người. Cao nguyên Kon Tum cũng cao đến thế là cùng. Lên cao thoáng gió hơn, nhưng rừng vẫn che tầm mắt, tiếng máy bay ì ầm. Địch đã sát gần.         
       Trải qua hai mùa chiến dịch (1965 - 1966, 1966 - 1967), quân Mỹ với tư tưởng chiến lược “tìm diệt” rất hung hăng, dùng bom đạn hủy diệt và lực lượng cơ động nhanh của máy bay lên thẳng ào ạt đổ sau lưng đối phương để thực hiện chiến thuật "cất vó”. Lực lượng ta ở Tây Nguyên đã giáng cho quân Mỹ những đòn rất đau, như chiến dịch "Đắc Tô 1”. Trung tướng tư lệnh Sư đoàn bộ binh 4 Mỹ đã phải rên rỉ: "… Sau này sẽ không cho sư đoàn mình đánh sâu vào hậu phương của đối phương như thế nữa”. Điều này cũng có nghĩa rằng, quân Mỹ tới thời điểm này đang gặp bế tắc cả chiến thuật lẫn chiến lược.
 Như đã nói trên đây, Trung đoàn 209 là lực lượng chủ lực, được cấp toàn mũ sắt, lần đầu tiên được trang bị súng B41, súng phun lửa của Liên Xô, mang đủ mặt nạ phòng độc, tuyển chọn toàn anh em sức khỏe loại A1, A2.  Tiểu đoàn 7 và 8 phần đông là anh em người Hà Nội. Giờ đây, họ đã có mặt tại chiến trường nóng bỏng này. Người chỉ huy nào nhìn thấy lính “đẹp” thế đều trầm trồ ước ao, có được binh lực như quân 209.
       Nhiệm vụ của Trung đoàn lúc đầu được giao đánh sân bay Cà Leng, cách huyện lỵ Sa Thầy 2km. Sau khi cán bộ đơn vị điều nghiên về đã lên kế hoạch tác chiến. Ít ngày sau, trinh sát lại đưa đoàn cán bộ trở lại Cà Leng nắm địch. Trung đoàn trưởng Trần Huy Toàn cùng cán bộ sư đoàn được anh em dẫn vào sát căn cứ để nhìn tận mắt. Sau này mới biết Trung tướng Lê Hữu Đức, lúc đó là Trung tá, Sư đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn 1 cũng có mặt trong tốp này. Ông theo trinh sát, trực tiếp vào tận nơi nắm địch để chuẩn bị đánh Cà Leng. Đoàn trinh sát vào Cà Leng đêm thứ ba thì bị lộ, có lẽ do đêm trước để lại nhiều dấu lạ và ai đó sơ ý làm rơi vật dụng gì chăng? Lính Mỹ, ngụy trong trại biệt kích hò hét rồi bắn cối 81 ra các hướng như mưa. Máy bay cũng tới bắn loạn xạ. Thế rồi B52, máy bay chiến thuật thay nhau quần lộn, xới tung cả một vùng sơn địa, tưởng như hỏa lực ấy có thể làm tan nát cả trung đoàn.
    Sau này trinh sát kể lại, chính đồng chí Toàn đã đánh rơi gần căn cứ một cây bút Trường Sơn và bao thuốc lá Điện Biên. Chắc địch tuần tra phát hiện ra. Cùng với kết quả trinh sát kỹ thuật của Mỹ, hệ lụy từ bao thuốc lá và cây bút cũng không nhỏ. Nó minh chứng rằng, bộ đội chính quy miền Bắc có mặt ở đây. May mà chuyến đó, anh em trinh sát đưa đoàn cấp trên rút nhanh, nếu không tổn thất nặng.
      Lộ ở Cà Leng, địch phán đoán có quân chính quy tới gần. Lập tức, ngay sau đó chúng bung ra xung quanh Cà Leng 4 cao điểm mới, chặn đường ta. Địch cảnh giác giăng mọi biện pháp trinh sát nắm ta. Trên các cao điểm, chúng có pháo binh chi viện cho nhau và ứng phó khi Cà Leng bị vây hãm. Trinh sát nắm được, đó là cao điểm Chư-tăng-Kra, Chư Pen, Chư Đô… ta gọi dãy Chư-tăng-Kra là M2. Có tài liệu xác định mỏm cao nhất 1.198m. Dãy phòng ngự này án ngữ đường 14 và thị xã Kon Tum cách đó hơn 30km về phía đông.
         Đêm cao nguyên bí ẩn và hoang dã, càng bí ẩn hoang dã thêm, khi nhìn về phía Kon Tum, ánh đèn vàng vọt, chập chờn, cùng hỏa châu chốc chốc lại phọt lên sáng trắng. Nhìn tàn lửa pháo sáng bay như tua rua, trinh sát biết được hướng gió. Đêm cao nguyên giấu trong im lặng nhiều bất ổn.   
        Quân Mỹ giàu, hậu cần mạnh. Để lập cứ điểm, chúng lập tức cho ném bom phát quang, đốt cháy, “làm sạch” các cao điểm lân cận. Tại M2, M3… trực thăng Chi-núc cẩu máy ủi xuống đỉnh cao, công binh Hoa Kỳ san phẳng, lấy mặt bằng, sau đó cưa gỗ, chở kẽm gai, bao cát, nhà bạt và quân cụ tới. Mọi sinh hoạt của chúng đều do trực thăng mang lại, từ đạn dược, đồ ăn, cả tắm giặt, thay quân… Chỉ khoảng hai ngày hoàn thành một cứ điểm.

        Bộ đội “hai linh chín” hành quân hàng dọc, như con rắn vắt qua các yên ngựa, sườn đồi. Địch sử dụng trinh sát kỹ thuật và phán đoán hướng hành quân. Thấy động gần, hàng trăm lượt trực thăng đổ các đại đội Mỹ xuống đỉnh 995, ngay trên đầu đội hình của Tiểu đoàn 7. Quân Mỹ nhanh chóng củng cố trận địa rồi thúc quân sang các đỉnh xung quanh thám sát. Quân ta né xuống các vạt rừng. Từ ngày 20 đến 22-3, hai bên đụng nhau, đều có thương vong. Từ bên này, nhìn sang 995 thấy rõ, nào Mỹ đen, Mỹ trắng, nhà bạt giăng dãy bên các ụ súng, bao cát chồng lấp dày dặn.
       Trinh sát 209 đoán chẳng sai, một ngày trời mưa, trung đoàn trưởng Toàn giao nhiệm vụ đi điều nghiên M2 - Chư-tăng-Kra. Năm trinh sát, 7 ngày ăn, mũ sắt chỉnh lại quai da, tiếp tục vượt dốc cắt rừng. Càng tới gần, mũ sắt chạm cây rừng leng keng, dễ lộ, đành bỏ lại. Chiều, nghỉ lấy sức, đêm bò vào gần. Nhưng ác thay, không bò lên được, đất đá mới ủi tràn ra, bám cây leo lên bị đất xối xuống ào ào, đá lăn văng mảnh, trơn tuột. Đành chịu!
        Hai ngày sau, tìm cách sang hướng khác, vào dễ hơn, trinh sát bôi đất đỏ người, lẫn vào màu đất, nghe rõ tiếng địch ho, thấy địch ném bơ lon loảng xoảng. Nhiều giờ công phu quan sát, ước lượng, thấy rõ hai súng đại liên, pháo, kho đạn. Tất cả thu trong bản vẽ… Chư-tăng-Kra, đó là dãy núi hình vòng cung ôm một phần thung lũng Cà Leng. Núi có 7 đỉnh, đỉnh chính giữa cao nhất. Từ trên sườn đông, Chư-tăng-Kra có thể quan sát được sân bay và chi khu quân sự Cà Leng phía dưới. Trận đánh Mỹ đầu tiên của Trung đoàn ở cao điểm 995 ngày 26-3-1968 do d7 đảm nhiệm chính. Trận đánh diễn ra hết sức ác liệt.

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #11 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 10:28:36 am »

     Tôi kể kỹ trận này để rút ra lối đánh của ta, ban đầu chưa tổ chức thật chu đáo nên thương vong lớn, khác nào trận tỷ thí. Không như cách đánh “vây điểm diệt viện” của các hướng khác những năm trước đó.
      Tại Sở chỉ huy, sau khi trinh sát chuẩn bị xong, Trung đoàn trưởng Toàn phân tích cho các đơn vị, yếu điểm của M2 - Chư-tăng-Kra là công sự còn sơ sài, hàng rào không sâu, địch lại mới đặt chân tới, nên phải tiến công nhanh. Càng đánh sớm, càng bớt xương máu. Trên cho phép 3 đại đội của Tiểu đoàn 7 mật tập, đánh vào công sự dã chiến.
       2 giờ sáng ngày 26-3-1968, pháo hiệu bay vụt lên bầu trời, phá tan màn đêm cao nguyên. Đúng như hiệp đồng, mìn phá rào DH10 phát hỏa, thổi tung hàng rào dây thép gai trống hoang hoác. Cửa đã mở thông . các cánh quân tiến đánh theo ba hướng. Hướng chính đánh từ yên ngựa sang, mũi đặc công, mũi súng phun lửa cũng đồng loạt nổ súng chiếm các hỏa điểm. Tiếng kèn đồng lanh lảnh cất lên, thúc quân xung phong. Tiếng thét xung phong vang lên bốn phía. Pháo cối 60, cối 82 thi nhau rót vào cao điểm, tiểu liên AK nổ đanh gọn từng loạt ngắn, tiếng đại liên bắn lên như xé vải, tiếng lựu đạn, rồi tiếng thủ pháo chuyên dùng để diệt hầm ngầm thi nhau nổ. Có trái B41 “bắt” trượt lô cốt phụt thẳng lên trời. Dũng mãnh sao, súng phun lửa tạo nên các quầng sáng chói mắt chạy loằng ngoằng trong công sự. Bộ đội xung phong, lớp nọ đến lớp kia. Đại đội 1 chỉ sau 10 phút đã tiêu diệt tuyến phòng ngự của bộ binh địch, phát triển vào trung tâm trận địa pháo, nhét lựu đạn, thủ pháo vào từng nòng pháo. Pháo thủ Mỹ chạy tán loạn. Đại đội 2 đánh vượt qua 3 tuyến chiến hào, công sự địch, bị chặn lại trước đỉnh cao 995. Pháo địch từ Cà Leng lúc này bắn đến dồn dập quanh đỉnh núi. Sau 20 phút, ta làm chủ gần như hoàn toàn căn cứ Mỹ. Trên trời, C130 bay tới thả đèn dù sáng trưng, bắn xuống như vãi đạn. Căn cứ M2 dài hơn 500 mét ngổn ngang xác Mỹ. Những tên lính còn lại co cụm lên mỏm cao, nơi chúng đặt chỉ huy sở... Trời mỗi ngày một sáng, từ đây, với hỗ trợ quá mạnh của máy bay, pháo Mỹ yểm trợ, từ bốn phía bắn tới, dập tơi bời, cày xới trận địa. Có cả C130 bắn pháo liên thanh rống “ồ ồ”, đường đạn căng xả xuống. Trận Chư tan Kra huyền thoại, trận tỷ thí một chọi một bi hùng kết thúc khi trời sáng rõ. Từng đàn trực thăng đổ quân tới chi viện...
       Anh em nhà báo sau này cho tôi tài liệu ghi phía Mỹ là tiểu đoàn 3, trung đoàn 8, sư đoàn 4, quân đội Mỹ. Những người sống sót còn ở Hoa Kỳ thừa nhận tính quyết liệt, tinh thần dũng cảm của người “hai linh chín” tại trận “cao điểm 995” này.
      Một tài liệu tổng kết của Sư đoàn 4 Mỹ thừa nhận, lực lượng chủ lực của Việt cộng đánh rất quyết liệt. Chính Thiếu tá Mỹ tên là Robert B. Simpson, khi đó là sĩ quan tác chiến thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 8, Sư đoàn 4 (Mỹ), kể về trận đánh này: “Khu vực tác chiến của chúng tôi là một cánh rừng, cây cối mọc um tùm. Khoảng thời gian đó thời tiết ấm áp và ẩm, không có mưa. Vào sáng sớm sương mù dày đặc, hạn chế tầm nhìn chỉ còn 1-2km. Tình báo của chúng tôi phát hiện sự chuyển quân của đối phương từ tây sang đông, xuyên qua khu vực hoạt động của tiểu đoàn. Đơn vị tham chiến với chúng tôi có hai tiểu đoàn của Trung đoàn 209 Bắc Việt, được pháo binh hỗ trợ. Đơn vị này vừa mới vào chiến trường, được trang bị tốt một cách khác thường. Chúng tôi đã tìm thấy mũ sắt, súng phun lửa, lựu đạn CS và đế cối 82mm.
Khoảng 1 giờ 15 phút, ngày 26-3-1968, chúng tôi phát hiện Trung đoàn 209 chuyển quân vây quanh căn cứ. Khoảng 3 giờ 20 phút, chúng tôi nghe tiếng nổ của bộc phá ở phía tây, tây bắc vành đai phòng thủ. Khu vực đóng quân của chúng tôi rung lên bởi những tiếng nổ dữ dội, liên tiếp của tiếng mìn ĐH10, súng B41.
Sau khi chọc thủng lớp rào thép gai vành đai phòng thủ, với hỏa lực dày đặc, các mũi cơ động của Trung đoàn 209 nhanh chóng đánh chiếm các công sự của chúng tôi. Bị đánh quá bất ngờ, chúng tôi không kịp trở tay. Đạn cối 60mm, đạn cối 82mm thi nhau rót vào cao điểm, tiểu liên AK nổ đanh gọn từng loạt ngắn, tiếng đại liên bắn lên như xé tai, lựu đạn lao vun vút về phía chúng tôi.
Tai tôi ù đặc, mắt hoa lên bởi những quầng sáng của súng phun lửa chạy loằng ngoằng. Tôi không thở được vì khói, tôi chỉ cảm nhận thấy quanh mình lửa cháy đỏ rực, khét lẹt. Trong ký ức của tôi mãi mãi không thể quên được đêm hôm đó.  Cuộc giao tranh diễn ra ở đây rất ác liệt. Đại đội D bị thương vong nặng, cơ số đạn gần hết nên buộc chúng tôi phải rút lui về khu công sự pháo binh. Khoảng 4 giờ, chu vi phòng thủ phía nam và trận địa pháo ở vành đai phía tây bị tấn công lần thứ hai. Đơn vị chúng tôi hỗn loạn, tiếng la hét hòa lẫn trong tiếng đạn nổ.
Nửa tiếng sau, chúng tôi được chi viện hỏa lực và pháo sáng. Pháo dù bắn lên bốn phía sáng như ban ngày, mìn định hướng Claymore thổi ngược xuống chân núi, pháo bầy tới tấp dập xuống chân núi, máy bay tiêm kích lao xuống cắt bom, máy bay C130 chở súng máy điên cuồng vãi đạn. Đến 6 giờ 30 phút sáng, máy bay trực thăng của chúng tôi đổ thêm quân, tái chiếm cao điểm. Tình báo cho biết, những người lính Bắc Việt đã rút.

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #12 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 10:29:15 am »

     Đúng vào thời điểm Trung đoàn 209 tổ chức đánh trận đầu tiên, tiêu diệt quân Mỹ ở Chư-tan-Kra, là lúc Tiểu đoàn 8 của tôi gấp rút hành quân vào sâu. Xe ô tô không vào sâu được, do địa hình hiểm trở, hành quân bộ là tất yếu. Dốc cao, lính trẻ không ngại khó, người khỏe hỗ trợ người yếu, tốc độ hành quân duy trì đều. Nhìn dấu mòn của đơn vị đi trước, ai nấy hăm hở bước đi, không chịu thua kém đơn vị bạn.
          Lúc này, tin chiến thắng của các đợt Tổng tiến công nổi dậy toàn Miền Nam liên tục truyền về, khích lệ anh em tiểu đoàn tôi thêm hăng hái. Đặc biệt, tin Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 9 lần đầu đã đánh Mỹ trực diện tại Chư-tan-Kra, chọi địch trong công sự, tiêu diệt hằng trăm tên Mỹ, khiến anh em tôi hướng về phía trước, mong được sáp trận, mong được tham chiến sớm.
    Chỉ sau ít ngày, Trung đoàn tổ chức đánh Mỹ ở Chư-tan-Kra, khoảng gần một tháng sau, tiểu đoàn tôi đã vượt hơn 200 cây số “rừng sâu, núi cao” tới sát mặt trận, nhập vào đội hình sẵn sàng chiến đấu của trung đoàn.
    Lại nói đến quân Mỹ, sau đòn Chư- tan-Kra, chúng đánh phá ác liệt khu vực Tây bắc vòng cung bao quanh M,M2,M3,M4. Quân Mỹ sử dụng tất cả hỏa lực của không quân, pháo binh, tạo ra sức mạnh của cả hỏa lực, cơ động cao, đột kích mạnh. Máy bay tiêm kích, trực thăng vũ trang ném bom, bắn rốc-két. Biệt kích, thám báo, chụp xuống bất ngờ, hòng phát hiện, ngăn chặn quân ta từ xa. Dường như chưa yên lòng, chúng dùng B52, ngày đêm, không theo quy luật nào, ném nhiều BOX (ô vuông trải thảm) xuống rừng núi, bất cứ đâu nghi có đường mòn, nghi nơi trú quân, hòng cắt đứt đường tiếp tế từ hậu phương tới đây. Cả một vùng rộng lớn cây đổ, “rừng xiêu”, núi sạt hoang hoác màu bazan đỏ quạch, trông gớm ghiếc. Thật nguy hiểm, Trung đoàn 209 rơi vào tình thế bị chia cắt với mặt trận, với hậu phương. Ngay trong trung đoàn, các đơn vị cũng bị chia cắt với nhau.
    Bị chia cắt đồng nghĩa với đói. Lương thực cạn dần, trợ lý quân lương liên tục thông báo tin chẳng lành, các bộ phận đi lĩnh gạo về mặt ai nấy nhợt nhạt vì thất vọng. Trận đói đầu tiên giữa chiến trường, không ai là không nhớ. Mấy tuần liền, cấp ủy, chỉ huy đôn đáo tổ chức anh em canh gác, tuần tra, nắm địch, phân công sẵn sàng chiến đấu. Một mặt cử các mũi đi tìm rau môn thục, cây búng báng về nấu cháo chống đói. Bộ đội ta cũng sáng tạo, nào trái bứa, hạt gắm, rau rừng, miễn là chống đói, sao cho lành dạ.
Trong buổi sáng bước vào tuổi hai lăm,
Cổ đắng khô ngồi thở trên đỉnh dốc.
Bạn mở bi đông, nhường hớp nước cuối cùng,
Hớp nước cuối cùng, trong cơn khát đầu tiên, tuổi hai lăm mình được uống.
        Sau này, tôi đọc câu thơ viết về những ngày gian khó, đói, khát trong chiến tranh của thế hệ tôi, vẫn thấy cổ họng mình đắng chát, tôi lại nhớ đến những cơn đói giữa rừng Tây Nguyên. Năm 1968 sau Tết Mậu Thân, khó có thể quên...
         Một ngày khó xác định là ngày nào, ban chỉ huy tiểu đoàn tôi bừng lên tiếng cười nói. Tin lành! Bộ tư lệnh Tây Nguyên đã tổ chức soi đường, suốt nửa tháng trời, lực lượng vận tải của cấp trên đưa được lương thực vào cho 209. Chấm dứt mấy tuần đói “vàng mắt”. Sau trận đói giữa mùa hè, lính ta có ngay ca dao:
Ai chưa môn thục, búng bàng (búng báng),
chưa thể trình làng là lính Tây Nguyên.

      Lại nói về Tiểu đoàn 8, đang khi hành quân vất vả, trú quân gặp đói, thiếu lương, thử thách đầu tiên không phải giặc mà là ... đói. Đến đầu tháng 5-1968, một buổi sáng nắng tràn khắp các tán cây, tiếng bom đạn nổ gần, tiếng máy bay gấp gáp, cấp trên triệu tập cán bộ đại đội thông báo tin khẩn: Toàn tiểu đoàn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Đánh địch nống ra Chư beeng.
       Chư beeng! Chư beeng! Lính Tiểu đoàn 8 truyền tin cho nhau, quên cả đói, khát, mệt nhọc, ai nấy háo hức chờ lệnh, háo hức mong sớm xuất kích để đánh địch, lập công. Trinh sát mất hút, các phân đội hỏa lực lau súng, chỉnh ống ngắm. Bộ binh chia đạn, buộc lại thủ pháo, rừng núi cao nguyên bình lặng vẫn tràn nắng, biếc xanh màu lá... nhưng lòng người chộn rộn, họ chuẩn bị cho những điều hệ trọng sắp diễn ra.
        Như đã nói ở trên, đối tượng tác chiến của chúng tôi là Sư đoàn 4 lục quân Mỹ. Sau khi tổ chức chiếm dải núi Chư Toác làm căn cứ chính, đặt sở chỉ huy, quân Mỹ tung một đại đội bộ binh ra phía trước, nhằm chặn ta từ xa. Căn cứ vòng ngoài xa đó là cao điểm phòng ngự Chư Beeng. Lợi thế của địch là ở trên cao. Công sự gỗ, đắp đất dày. Bên ngoài độ dốc còn có hàng rào dây thép, bãi mìn hỗn hợp vướng nổ, bẫy mìn sáng. Phía sau và xa một chút, hỗ trợ cho cao điểm này là các trận địa pháo. Chẳng lạ gì Mỹ, con nhà giàu, chúng có thể gọi máy bay tiêm kích bom và trực thăng vũ trang chi viện bất cứ lúc nào. Đêm thì có pháo sáng soi rõ từng lùm cây, ngọn cỏ.
        Lực lượng của tiểu đoàn tôi, có Tiểu đoàn 8, thiếu Đại đội 6. Tôi, Chính trị viên và Đại đội trưởng Đại đội 7 được giao đánh hướng chủ yếu lên cao điểm Chư Beeng. Khi trinh sát trên và dưới có các số liệu, lúc này chúng tôi tổ chức hội nghị dân chủ quân sự, mở rộng đến cấp tiểu đội thống nhất cách đánh địch. Không khí thẳng thắn, trách nhiệm từ hội nghị này khiến chỉ huy đại đội rất tự tin. Tinh thần chiến đấu lên rất cao trong các tay súng, từ đồng chí hỏa lực đến mũi xung kích. Thống nhất cách đánh như sau: Bí mật đưa mìn ĐH-10 vào sát rào để mở cửa. Sử dụng B-41 diệt bằng được lô cốt đầu cầu, các khâu hiệp đồng giữa C7 và C8 cũng thống nhất cao. Các trung đội A, B mở cửa, phát triển vào trong... đã bàn bạc kỹ.
    Giữa lúc này, tin giặc Mỹ tàn sát đàn bà, trẻ con ở Bình Sơn, Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đến với chiến sĩ tiểu đoàn, khiến cho lòng căm phẫn trong anh em dâng lên. Cấp trên và đài ta thông tin, khi màn đêm chưa tan, đồng bào còn đang ngon giấc, quân Mỹ như bầy hổ đói tràn vào tàn sát đồng bào. Nhiều cái chết oan uổng, thê thảm diễn ra. Các phân đội đều thể hiện quyết tâm chiến đấu trả thù cho đồng bào. Chúng tôi tổ chức lễ phát động lòng căm thù, quyết tâm tiêu diệt quân Mỹ, mỗi đồng chí có một băng trắng đeo trên tay, để tang đồng bào. Trên mũ đều có dòng khẩu hiệu, thể hiện quyết tâm trả thù cho nhân dân Bình Sơn-Sơn Tịnh.
       Đêm 15, rạng ngày 16-5-1968, chiến sĩ Đại đội 7 và Đại đội 8 lặng lẽ hành quân chiếm lĩnh trận địa. Hỏa lực, bộ binh ém sẵn dưới Chư Beeng bí mật hoàn toàn.
      Giờ G, 1 giờ 45 phút, ĐH-10 của đại đội tôi nổ tung hàng rào, của mở toang hoác, B41 tiêu diệt lô cốt đầu cầu. Đến khi đó địch mới phản ứng, bắn hoảng loạn. Trung đội A do Trung đội trưởng Hiệp chỉ huy xông lên tức thời chiếm lô cốt đầu cầu. Trung đội B do đồng chí Đen chỉ huy đánh phát triển vào tung thâm. Nhưng... hai ổ hỏa lực từ lô cốt mẹ và bên sườn bắn chặn lại. Đại đội trưởng Thất bị thương vào vai. Đạn địch lia chát chúa, hòng đè bộ binh ta xuống. Tình thế khiến chỉ huy lúng túng, chững lại. Tôi quyết định điều thê đội 2 lên, lệnh cho súng phun lửa đi cùng  dập lô cốt mẹ càng nhanh càng tốt... Trong đêm nhằng nhịt ánh lửa đạn, khói thuốc súng cay xè, quầng lửa như con rồng xanh phụt dọc theo giao thông hào, đi tới đâu đốt cháy quân Mỹ tới đó. Tiếng la ó “Vi ci”... “Vi ci”, khiến anh em phấn khích băng lên, hỏa lực nã vào lô cốt mẹ giữa tung tâm dồn dập, Trung đội 3 chiếm ngay vị trí có lợi làm chủ hỏa điểm vừa dập tắt. Bóng chiến sĩ c7 băng lên kiên quyết, tự tin, tiếng AK điểm xạ đanh, chắc, rồi rộ lên khắp 4 hướng.
      Tại hướng thứ yếu, đơn vị bạn là C8 cũng hoàn thành nhiệm vụ, đánh thốc địch trở lại. Mất hỏa điểm lợi hại ở lô cốt chính bởi C7, địch ở xung quanh mau chóng tan rã. Tiếng súng chống đỡ lắng xuống, đúng lúc đồng chí Quyên, chỉ huy phó Đại đội 8 đánh hướng thứ yếu băng lên hợp điểm với chúng tôi. Chúng tôi gặp nhau hân hoan giữa trận địa địch vừa bị tiêu diệt, cảm xúc sung sướng ấy khiến tôi còn giữ nguyên đến hôm nay.
      Một bộ phận địch tháo chạy về căn cứ phía sau, bị bộ binh C8 bắn chặn, chúng lăn cả xuống núi hoảng loạn. Mọi cố gắng chống trả của quân Mỹ không còn hiệu lực, cho dù mật độ pháo tăng lên rất nhanh. Chúng biết, trận địa đã mất, đạn pháo không chừa một chỗ nào trùm lên, mảnh pháo bay xoèn xoẹt, chém vào kim loại nảy lửa. Chúng tôi nhanh chóng làm chủ toàn bộ trận địa. Nhưng đúng lúc này VTĐ bị bắn hỏng, liên lạc với tiểu đoàn bị ngắt. Pháo địch còn làm đứt dây hữu tuyến. Thế là chúng tôi bị cô lập, phải tự chủ tình thế. Tôi nghĩ ngay tới việc đưa thương binh vào chính các công sự của địch để bảo đảm an toàn, trước mắt tránh phi pháo. Các lô cốt được phân công chiếm giữ, sẵn sàng đánh phản kích. Cả trận địa lúc này mù mịt pháo, khói, không biết đâu là giao thông hào, hố bắn.
     Trời sáng dần, Chư Beeng tiếp tục chịu đựng màn mưa bom, bão đạn từ nhiều trận địa bắn tới. Một mảnh đất núi nhỏ nhoi, không chỉ pháo, mà bom, mà rốc-két từ máy bay dần đi, xới lại, tưởng chừng xay đất núi Chư Beeng ra cám.
       Chúng tôi cảm nhận đối phương giàu có, nhiều bom đạn bằng chính đôi tai, thân thể ám tro của mình. Bản hòa tấu tội ác chát chúa inh tai, tởm lợm. Không tránh được hy sinh, tiếp tục có đồng đội ngã xuống...
      Kể thì nhanh, nhưng một phút trôi qua tôi cảm giác dài như một thế kỷ. Tới 17 giờ, chắc chúng tưởng bom đạn của chúng đã khuất phục được chúng tôi, tiếng pháo, tiếng bom ngớt dần. Kia rồi, đội vận tải của trung đoàn đã lên, hỗ trợ chúng tôi đưa thương binh, tử sĩ ra ngoài trận địa.
       Kết quả trận đánh, ta diệt 68 tên Mỹ, làm chủ Chư Beeng, nhưng ta cũng hy sinh 50 đồng chí. Điều đau xót là phần lớn anh em hy sinh vì địch tập kích hỏa lực, đánh vào trận địa, khi đã làm chủ trận địa, buộc phải trụ lại.

       Tuy nhiên, sau này phân tích, việc chốt giữ trận địa trong khi ta không khống chế được máy bay và trận địa pháo địch là việc làm nguy hiểm. Sau trận đánh đó, đơn vị tôi tham gia đánh trận (M4) và một số trận nữa trong đợt hoạt động ở vòng cung Chư-tang-kra. Tinh thần của 209 là như thế! “Thắng không kiêu, bại không nản”, câu khẩu hiệu rút ra từ xương máu, không phải nói suông.
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #13 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 10:29:57 am »

Sau trận đánh Chư Beeng, tôi được đơn vị cử đi dự Hội nghị rút kinh nghiệm công tác Đảng, công tác chính trị trong chiến dịch và trong chiến đấu ở Bộ tư lệnh (B3). Trong đoàn đi dự, Trung đoàn 320 có anh Quán, Trung đoàn 66 có anh Diệp, Trung đoàn 209 có tôi. Đồng chí Thái Bá Nhiệm lúc bấy giờ là chủ nhiệm chính trị mặt trận, chủ trì hội nghị. Tôi đưa báo cáo kết quả trận đánh Chư Beeng và công tác Đảng, công tác chính trị trước, trong, sau trận đánh…
Trong hội nghị, chủ nhiệm chính trị mặt trận B3 đã nhiệt liệt biểu dương. Ông đánh giá cao chiến công của Trung đoàn 209, lần đầu tiên ở mặt trận Tây Nguyên, 209 đã chủ động tiến công,  tiêu diệt quân Mỹ trong công sự, trên điểm cao. Từ hệ lụy này, quân Mỹ phải tung quân ngụy Sài Gòn lên ứng cứu cho Mỹ. Thế là có cơ hội cho Trung đoàn 66 và Trung đoàn 24 diệt gọn một tiểu đoàn ngụy, đánh thiệt hại 2 tiểu đoàn khác.
Thế chiến trường đã đổi khác, chiến công không còn đơn lẻ của đơn vị A đơn vị B. Tác chiến ở trận này là tiền đề cho chiến công ở đơn vị khác, đòi hỏi tư duy chiến đấu phải nâng tầm cao hơn trong thế toàn cục. Tôi nhận thức như thế.
Ngồi trong hội nghị, gặp bạn bè ở các đơn vị, tôi là người của 209 mở mày mở mặt. Đêm nằm, tôi nghĩ tới hàng trăm đồng chí đã hy sinh trong những trận đánh tháng 3, tháng 4. Chính đó là chiến công của các anh, những người lính 209 quả cảm, mới vào Tây Nguyên đã kiên cường tiến công quân Mỹ trong công sự, khi chúng chốt tại các điểm trên cao.
     Cuối hội nghị, chúng tôi được Chính ủy mặt trận B3 là đồng chí Trần Thế Môn, chiêu đãi văn công và tặng cho mỗi đại biểu một bao thuốc (Ara). Đây là loại thuốc lá thơm, tôi chỉ hút một điếu, còn để dành làm quà cho anh em trong đơn vị. Sau hội nghị về, tôi được bổ nhiệm chính trị viên phó Tiểu đoàn 7 (anh Cống là tiểu đoàn trưởng, anh Dỹ là chính trị viên trưởng tiểu đoàn). Lúc này, đơn vị hành quân chuyển xuống hoạt động ở Gia Lai. Trong đợt hoạt động ở Gia Lai, đơn vị tham gia với Sư đoàn đánh quận lý Đức Cơ và quận lý Đức Lập mà đối tượng là quân ngụy.
      Lúc này, Nam Tây Nguyên đang vào mùa mưa. Địch co cụm lại. Chúng cũng cho rằng, mùa mưa đối phương cũng giảm hoạt động do địa hình bị chia cắt bởi sông suối, vả lại cũng gặp những khó khăn do tiếp tế. Nhằm làm cho địch rối loạn, phán đoán sai, “không biết đằng nào mà lần”, trên chủ trương tổ chức quấy rối địch, ngay trong mùa mưa, mà chúng cho rằng ta giảm hoạt động tác chiến (theo quy luật). Tôi được trung đoàn phân công chỉ huy một phân đội mang theo súng cối, trong số đó có trợ lý trinh sát trung đoàn là anh Đoàn Nhiên. Nhiệm vụ tác chiến là ban ngày giấu quân, ban đêm tập kích hỏa lực vào các trận địa pháo và căn cứ của địch khiến chúng hoang mang, hoảng loạn “Ăn không ngon, ngủ không yên”. Mỗi khi nhìn thấy mục tiêu địch bùng lên trong đêm, chúng tôi phấn khởi, còn địch thì không biết lối nào mà lần. Nhiều khi trời mưa, địch chủ quan, 3 giờ sáng chúng cũng bị pháo kích. Uy thế của Quân giải phóng được nâng cao, bà con ở Nam Tây Nguyên phấn khởi. Địch rối loạn phán đoán, tâm lý hoang mang rõ rệt.
       Trên đường trở về, chúng tôi băng qua những hố bom B52 chồng lên nhau. Có khi thấy mộ đồng đội mình bị cày xới, đất nấm mộ trồi lên, lòng đau cắt ruột. Các anh chết rồi chúng vẫn không để yên. Sau này về ngoài Bắc, tôi đọc được câu thơ của các nhà thơ từng qua chiến đấu, viết về bãi bom mà máy bay B52 Mỹ dập vùi, làm những ngôi mộ trồi lên, có đoạn:
            Mộ bạn bây giờ đã được đắp cao hơn
            Dẫu chúng mình biết bạn không còn ở đó,
            Đời thanh niên chúng mình như ngọn gió
            Chắc gì bạn chịu nằm yên!
Vận vào những gì mắt thấy, tôi thầm cảm phục các nhà thơ chiến trường. Trước cái chết, các anh nhìn hiện thực tuy đau đớn, nhưng không yếu ớt. Bom đạn cày xới nhiều lần, thì chỗ ngôi mộ cũng có thể đất vun cao lên, xới tung lên. Nhưng ý tứ câu thơ viết Mộ bạn bây giờ đã được đắp cao hơn, đã nâng tầm vóc hy sinh ở cấp độ cao hơn hẳn. Hương hồn lính trẻ tan vào mây, gió, đất, trời, cây, cỏ. Sức vóc của tuổi trẻ, dù là thực thể hay linh hồn lúc nào cũng hừng hực sức trai, vẫy vùng. Cảm xúc của người trong cuộc, không bi lụy mà bi tráng.
             Nhớ lại một chuyện khác, xin kể ra đây. Cũng đợt công tác ấy, khi chúng tôi qua một vùng, gặp nương dưa của dân quả chín mọng. Anh em lính trẻ thích lắm. Họ xin ý kiến tôi, muốn mang về “chút ít” cho anh em ở nhà. Tôi không đồng ý. Trinh sát Đoàn Nhiên lý sự, dưa mọc dại đầy ra, nếu anh không cho thì nó cũng thối, hỏng anh ạ! Nể anh em, tôi đành “lờ” đi. Chẳng biết tại ai, khi về anh em ăn dưa ngọt, kháo nhau, đến tai anh Dỹ, Chính trị viên trưởng. Tôi bị phê bình là hữu khuynh, để anh em vi phạm chính sách dân vận. Một thiếu sót mà tôi nhớ mãi. Ở chiến trường là như vậy, rất cần giữ gìn uy tín với dân. Nếu không, khi bị mất lòng tin ở dân, sẽ gây khó khăn rất nhiều trong công tác. Thương anh em, nhưng không giữ nguyên tắc cũng là sai lầm trong chỉ huy.

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #14 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 10:30:34 am »

Trải qua mùa hè chiến đấu ác liệt, đêm nằm tôi suy nghĩ, nói gì thì nói, sức chiến đấu cho bộ đội có được dẻo dai, kiên cường hay không, không chỉ động viên suông. Bằng chứng là anh em Đảng viên, tư tưởng tốt, quyết tâm cao, nhưng đời sống khó khăn, giảm sút nhiệm vụ là thực tế. Điều đó càng chứng tỏ, chân lý là cụ thể. Đói! Sức bộ đội không thể mạnh. Thiếu thốn! Tư tưởng bộ đội khó vững vàng.
     Thực tế chiến đấu, lực lượng bị chia cắt. Bộ đội hết lương ăn. Đúng là tại đói, ai cũng hay ngáp vặt, uống nước sạch thấy ngọt mà đi tiểu thì đặc, rồi sốt rét… run cầm cập vẫn phải cố ăn để tiêm thuốc sốt rét. Phần lớn chiến sĩ như thế, tôi khỏe hơn, cùng các cán bộ gương mẫu giúp anh em chiến sĩ ốm.
     Về tác chiến ở cao nguyên, tiếp tế khó khăn, đánh địch không có pháo yểm trợ. Pháo đi kèm thì ít đạn, hỏa lực địch lại nhiều, sức cơ động cao, nên những ngày đầu vào Tây Nguyên, Trung đoàn 209 góp công lớn, nhưng cũng bị tổn thất. Thời kỳ đó, chỉ tổ chức được một trận đánh cấp trung đoàn thiếu, khó khăn muôn vàn. Cán bộ, chiến sĩ bị thương nhiều. Vào sâu, có lúc thiếu gạo, tư tưởng chiến sĩ cũng ít nhiều sa sút. Đó là hiện thực! Hiện thực thắt ngặt thử thách ý chí và bản lĩnh người chiến sĩ.

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #15 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 10:44:26 am »

IV

CHIẾN TRƯỜNG MỚI
                                                      
                         
   9 tháng chiến đấu ở Tây Nguyên với chiến công vang dội đánh Mỹ ở Chư-tan-Kra, Chư Gô Tông, Chư Toác, Chư Beeng rồi đến hè thu 1968 ở Đức Lập, đơn vị chúng tôi được cấp trên cho mang mật danh mới "Đoàn Hải Yến" với trang bị gọn nhẹ, cơ động nhanh. Chúng tôi được lệnh hành quân vào chiến trường mới, chiến trường "Miền đông gian lao mà anh dũng". Chặng đường hành quân dù không dài, chỉ khoảng 500km. Đây là cuộc hành quân thứ hai của “hai linh chín”.
   Từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa vào chiến trường, trung đoàn hành quân bằng cơ giới (Tiểu đoàn 8 phải đi bộ chặng cuối khoảng 200km). Nay cả đơn vị di chuyển bằng đường bộ dọc theo biên giới (Việt Nam – Cam-pu-chia). Cán bộ chiến sĩ trung đoàn quán triệt tốt tư tưởng chỉ đạo "Thần tốc, bí mật, bất ngờ". Tuy hành quân trang bị gọn nhẹ, nhưng lính ta sau 9 tháng chiến đấu, gian khổ, vất vả, thiếu thốn, cái đói, cái mệt là môi trường thuận lợi cho ký sinh trùng sốt rét xâm nhập vào cơ thể. Lính trẻ “ngã” vì sốt rét khá nhiều, việc thu dung bộ đội dọc đường hành quân thật vất vả... Chúng tôi thường xuyên đánh giá tình trạng sức khỏe bộ đội, phân loại những chiến sĩ yếu, phân công anh em đảng viên, chiến sĩ khỏe hỗ trợ số yếu, tổ chức nghỉ ngơi, chăm sóc người yếu, bảo đảm thuốc men, ăn uống hợp lý trong khả năng có thể để bảo đảm quân số khỏe cao nhất. Ngày 18-11-1968, toàn đơn vị chúng tôi đã hành quân tới trạm Nguyễn Văn Trỗi, căn cứ sông Măng an toàn.
   Sau một tuần nghỉ ngơi, rút kinh nghiệm, đơn vị nhận bổ sung quân số, trang bị, lại được xem Văn công của Sư đoàn 7 và Văn công Quân giải phóng, cảm giác mọi hoạt động của đơn vị rất bình thường, như không hề có chiến tranh xảy ra. Dẫu sao cũng đã xa rừng núi, tầm mắt nhìn thoáng đãng, có lực lượng hậu cần bảo đảm tốt hơn, cánh lính trẻ thì túm năm tụm ba tán gẫu, có phụ nữ ở gần, gặp dân, lại có mấy em Văn công Sư đoàn 7 xinh đẹp, lính Hà Nội “tươi tắn” hẳn lên. Tâm lý bộ đội cũng phấn khởi. Chúng tôi tích cực củng cố biên chế, trang bị lại những vật chất, vũ khí còn thiếu. Thế rồi chúng tôi nhận được lệnh bổ sung cho Sư đoàn 7.
        Ba năm xa cách, nay Trung đoàn 209 cùng với Trung đoàn 141 và Trung đoàn 165 của Sư 312 (Sư đoàn 312 năm xưa) nay cùng đứng chân trong đội hình chiến đấu với Sư đoàn 7. Nhiều người gặp nhau, nhận ra bạn cũ, đồng hương, tình đồng chí keo sơn ấm áp.
   Sư đoàn 7 thành lập ngày 13-6-1966 tại căn cứ tỉnh Bình Phước. Bộ tư lệnh Sư đoàn gồm có đồng chí Nguyễn Thế Bôn là Sư đoàn  trưởng, đồng chí Vương Thế Hiệp là Chính uỷ Sư đoàn, đồng chí Lê Nam Phong là Tham mưu trưởng. Đơn vị tôi, Trung đoàn 209 được mang mật danh (V19) hoặc đoàn 42, tập kết tại rừng Buông, thuộc mỏm Ken Nơ đi, gần cửa khẩu Nam Bích.
       Lúc này, tôi được cấp trên điều về làm Chính trị viên Tiểu đoàn 8. Chúng tôi cùng các đơn vị khác của trung đoàn tranh thủ huấn luyện bổ xung kỹ chiến thuật phù hợp với cách đánh đối tượng mới, chiến trường mới và chuẩn bị ăn tết Kỷ Dậu 1969. Do được tiếp cận với nguồn hàng từ hậu phương, nên Tết này chúng tôi có đủ bánh chưng, trà Hồng Đào, thuốc lá Tam Đảo. Tết trong không khí yên bình hiếm hoi, ai cũng nao nao nỗi nhớ quê nhà. Những khi chiều xuống, tôi nhớ cha lòng se sắt thương ông đã già, nhớ Chiên tần tảo nơi thành phố...
   Đầu xuân1969, tiểu đoàn tôi được cấp trên điều xuống khu vực Hớn Quản làm quen với chiến trường, tổ chức đánh các trận nhỏ, lẻ (cấp đại đội và tiểu đoàn thiếu) với đối tượng mới là bộ binh cơ giới và các sư đoàn của Mỹ. Trận đánh đầu tiên của Tiểu đoàn 8 ở chiến trường mới mà tôi cứ nhớ mãi. Dịp ấy, đồng chí tiểu đoàn trưởng đi chuẩn bị chiến trường cho hoạt động mùa khô, tôi tham mưu trưởng tiểu đoàn là anh Nguyễn Văn Chưởng đưa đơn vị tác chiến ở khu vực Tân Khai, Hớn Quản trên Quốc lộ 13.
      Sau nhiều ngày nghiên cứu quy luật hoạt động của địch, đêm 16-02-1969, chúng tôi bí mật cho bộ đội chiếm lĩnh trận địa phục kích. Tới 7 giờ 20 phút ngày 17-02-1969, một đoàn xe tăng, thiết giáp gồm 7 chiếc rầm rập chạy từ Chơn Thành lên Hớn Quản. Chờ đoàn xe lọt vào trận địa phục kích, ai nấy ngực căng như dây đàn, chờ lệnh. Nhưng, không may do thông tin trục trặc, lệnh nổ súng không được thực hiện. Tôi nhanh chóng trao đổi với anh Hà Cảnh, tham mưu phó trung đoàn đi đốc chiến, rồi lệnh rất nhanh cho bộ đội giữ bí mật, quyết định thay cách đánh. Khi địch quay về ta mới tiêu diệt, chuyển khoá đuôi thành chặn đầu.
     Cả trận địa lặng yên, những phút lặng yên đến ngạt thở. Gió miền Đông lay động cành ngụy trang, chúng tôi phập phồng nhịp thở, dán mình xuống đất, căng mắt quan sát, ra hiệu cho nhau bằng mắt.
     Quả nhiên 45 phút sau, đoàn chiến xa thản nhiên quay trở lại hướng Chơn Thành, chúng hành quân chủ quan hơn khi sáng. Kỷ luật giữ bí mật trận địa được thực thi đến phút chót. Lệnh phát ra, ĐKZ chặn đầu, B41 khoá đuôi. Cả đơn vị đồng loạt nổ súng. Đạn nổ ầm vang, khí thế trận đánh lên rất cao, tinh thần anh em phấn chấn. Toàn trận địa đã nổ súng rất nhanh, tiêu diệt gọn 6 xe, còn 1 xe thục mạng chạy thoát. Chúng tôi lệnh cho bộ đội băng qua khói súng khét lẹt, thu gom vũ khí và chiến lợi phẩm, nhanh chóng rút quân khỏi trận địa, để tránh phi pháo của địch. Bài học nhanh chóng rút khỏi trận địa theo hướng có lợi đã được người lính 209 thực hiện nhanh chóng, rút ra từ trận đánh ở Tây Nguyên. Với quân Mỹ-ngụy ở chiến trường mới này, mật độ hỏa lực, phi pháo rất cao, không thể lơ là, coi thường tính mạng.
   Sau trận đánh đó, tuy đơn vị tôi chưa tiêu diệt gọn quân địch, chúng tôi vẫn được trung đoàn biểu dương, khen ngợi và phát động các đơn vị khác học tập.
   Sau trận đánh của Tiểu đoàn 8, các đơn vị Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 9 tổ chức đánh nhiều trận nhỏ lẻ khác trên Quốc lộ 13. Quân địch bị đánh liên tiếp, bị đánh đau ở một vùng mà Mỹ, nguỵ xưa nay yên trí cho là "Việt cộng không có chỗ đứng chân".  Chúng vô cùng hoang mang và hoảng sợ. Đây đã giáp ranh vùng trung tuyến, đường chim bay về Sài Gòn đâu còn xa.
Sau  thời gian đó, địch tập trung các đơn vị Sư đoàn 1 (Anh cả Đỏ), Sư 25 (Tia chớp nhiệt đới) cùng Trung đoàn thiếp giáp 11 độc lập của Mỹ mở cuộc càn (A.lem-Atlat) vào khu vực Dầu Tiếng, mục đích là giải toả khu ực bị uy hiếp, đẩy “Việt cộng” khỏi vùng trung tuyến, đánh phá căn cứ kho tàng, thực hiện gom dân "bình định". Chúng tôi nhận thức rất rõ, đối tượng quân Mỹ có cơ giới hỏa lực rất mạnh, chúng tôi phải đối mặt trực tiếp với chúng.
Cả ba yếu tố: Sức cơ động cao, hỏa lực mạnh, đột kích mạnh, bất ngờ, chúng đều có tiềm năng. Không thể chủ quan.
   Qua những đợt hoạt động nhỏ, lẻ làm quen với chiến trường, tôi được cấp trên điều trở lại làm chính trị viên Tiểu đoàn 7, cùng xuống đường hoạt động trong đội hình chiến đấu của trung đoàn và các đơn vị trong đội hình Sư đoàn 7 đối phó với cuộc càn (A.len- Atlát).
    Tiểu đoàn 7 do anh Công là tiểu đoàn trưởng, anh Vui là tiểu đoàn phó, anh Huy là chính trị viên phó tiểu đoàn, đơn vị tôi được giao nhiệm vụ phục kích ở rừng cao su, nam đường Lệ Xuân. Trong tháng 3 và đầu tháng 4 năm 1969, nhiều trận đánh đã xảy ra ở khu vực Dầu Tiếng giữa các đơn vị Sư đoàn 7 với Trung đoàn Thiết giáp 11 Mỹ.  Đơn vị tôi tham gia trận đánh ngày 27-3, dùng tiểu đoàn thiếu tập kích cụm xe tăng của Mỹ ở Làng 3, gần cầu Thị Tính. Nơi đây địch phòng ngự dày đặc, lại được chi viện hoả lực tối đa (phi, pháo). Trận đánh này, tuy ta tiêu diệt hơn chục xe tăng và thiết giáp nhưng không dứt điểm, bộ đội có thương vong. Với cán bộ chúng tôi, đã rút được bài học xương máu để đánh tốt các trận sau này.
    Cuối tháng 4 năm 1969, tiểu đoàn tôi được lệnh lui về suối Sa Cam, Sa Quýt. Trước khi rút, đồng chí Phùng Vị, chính uỷ Trung đoàn xuống giao nhiệm vụ trực tiếp cho anh Công - tiểu đoàn trưởng và tôi là chính trị viên. Tiểu đoàn tôi, khi cơ động đến vị trí mới, để lại một đại đội, cử đồng chí tiểu đoàn phó ở lại chỉ huy, và chính trị viên phó tiểu đoàn ở lại trực tiếp chỉ đạo tổ chức đánh nhỏ lẻ, giam chân địch. Do chiến sĩ ta chưa quen chiến đấu trong rừng cao su, anh em bám trụ công sự phòng ngự, nên bị xe tăng đè bẹp một số hầm. Đại đội thương vong đến một phần hai. Đồng chí Vui, tiểu đoàn phó bị xe tăng đè lên hầm, nhưng nhờ gỗ sập tạo ra “tứ giác” nên còn sống.
   Sau trận đánh, chúng tôi nghiêm khắc rút kinh nghiệm với đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp, từ đó đúc rút kinh nghiệm xương máu: Khi tác chiến với đối tượng là xe tăng thiết giáp, cứ một khẩu B40 hoặc B41 cộng 2 khẩu AK trang bị gọn nhẹ, bộ đội cơ động nhanh thì hiệu quả chiến đấu cao, ít thương vong. Hỏa lực đi kèm mà cơ động  nhanh, địch rất khó phán đoán. Sau đợt hoạt động xuân hè 1969, tôi được bổ nhiệm lên chức Phó chủ nhiệm chính trị Trung đoàn.
      Từ tháng 4-1970, bọn phản động LonNon-Xi Rích Ma Tắc tăng cường khiêu khích biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất. Trong nội địa, chúng đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân Cam-pu-chia. Theo chỉ đạo của quan thầy Mỹ, bọn nguỵ Sài Gòn phối hợp với bọn nguỵ LonNon mở cuộc càn quét sang biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia, bọn nguỵ Sài Gòn đánh sâu vào đất Cam-pu-chia.
Tướng Đỗ Cao Trí trực tiếp chỉ đạo quân ngụy trên toàn tuyến thọc sâu. Chúng sử dụng một lực lượng lớn chưa từng thấy.
   Chúng tôi nhận định, đây là dịp tốt để cho Quân giải phóng nói chung và các đơn vị Sư đoàn 7, trong đó có Trung đoàn 209 lập công.
   Sau một năm trung đoàn tham gia tác chiến ở Miền Đông Nam Bộ với đối tượng Sư 1, Sư 25 và Trung đoàn thiết giáp 11 của Mỹ, đơn vị đã có bước trưởng thành về mọi mặt. Nay lại đối phó với đối tượng là quân nguỵ, đây là điều kiện tốt để thực hành tác chiến. Điển hình là trận đánh ngày 12-10-1970, trung đoàn phục kích trên Quốc lộ 22. Trận đánh do Trung đoàn trưởng Khang và Chính uỷ Trần Tường chỉ huy. Trận phục kích này cách Sa Mát 3 km. Tinh thần chiến đấu của anh em rất cao, các tay súng 209 rất gan góc, can trường, mưu trí. Ta tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 2, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 1 chiến đoàn 50 quân nguỵ Sài Gòn, bắt sống nhiều tù binh, thu hàng trăm vũ khí các loại, cả trận đánh ta hy sinh 4 đồng chí.
   Đây là trận đánh giành thắng lợi lớn của trung đoàn, có ý nghĩa củng cố lòng tin cho cán bộ, chiến sĩ, vì mùa khô 1969 đơn vị chỉ đánh được các trận nhỏ lẻ, quy mô cấp tiểu đoàn trở xuống. Cuối năm tổng kết nhiệm vụ, Bộ tư lệnh sư đoàn đánh giá Trung đoàn 209 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 1970.
   Thất bại nặng nề trong cuộc hành quân "Toàn thắng 1-1971",  giữa năm 1971, quân nguỵ Sài Gòn dùng lữ dù và Trung đoàn thiết giáp 18 từ "Kan-Đra-Chrun" hành quân đường tỉnh lộ 2 để cứu nguy bọn nguỵ LonNon ở Quốc lộ 6 và ngoại vi Nông Pênh. Trung đoàn 209 nằm trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn 7 chặn đánh Trung đoàn thiết giáp 18 ở khu vực "Đầm Be-ớt Thơ Mây". Lần đầu tiên Sư đoàn 7 thắng lớn, coi như xoá sổ Trung đoàn 18 thiết giáp nguỵ Sài Gòn. Một số xe của địch bị bắn cháy, một số chưa bị trúng đạn, nhưng bọn lái xe sợ quá bỏ cả xe chạy tháo thân vào rừng. Tin thắng trận làm nức lòng chiến sĩ, lại càng nức lòng hơn khi Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh Quân giải phóng loan rộng thông tin chiến thắng này.
   Lúc này tôi được bổ nhiệm là Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 209 (V19). Tôi và Trung đoàn Trưởng Vũ Việt Hồng cùng bộ đội xung phong ra mặt đường. Một kỷ niệm mà tôi còn nhớ mãi trong đời lính chiến, đó là lần đầu tiên được chứng kiến quân ta bắt sống xe tăng địch. Vì chiến sĩ ta chưa có kinh nghiệm, thấy xe tăng còn nổ máy cứ tưởng địch còn trong xe, để "ăn chắc", anh em dùng B40 và B41 bắn cháy vài xe nữa. Đáng lẽ ra "Bắt sống xe mang về" sử dụng được.
     Một lúc sau, chúng tôi gặp Sư trưởng Ba Nguỵ (Đàm Văn Nguỵ), được tin suýt thu được xe tăng “còn sống”, ông vừa tức giận vừa tiếc để tuột "chiến lợi phẩm sống" trong tầm tay. Ông ứa nước mắt khóc như mất một cơ hội quý trong đời. Anh Việt Hồng-Trung đoàn trưởng giật áo bảo tôi "Lảng ngay chỗ khác không vạ vào thân bây giờ".
   Sư đoàn trưởng Đàm Nguỵ nổi tiếng là người kỹ tính, nóng nảy và kiên quyết. Tôi hiểu thủ trưởng mình nhiều năm chiến đấu ở chiến trường, đêm nằm lo từng viên đạn, từng khẩu súng, sao cho có hoả lực mạnh, phát huy hiệu quả trong tác chiến. Nếu có xe tăng, pháo lớn trong tay thì chiến đấu bớt đi xương máu của bộ đội. Ở thời điểm này, làm sao hậu phương miền Bắc mang vào đây được xe tăng, pháo lớn. Trong khi đó trên xe tăng Mỹ - nguỵ có pháo 75 ly, rất nhiều đạn. Có đủ đạn phá, đạn sát thương, đạn xuyên. Đúng là tiếc thật !
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #16 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 10:45:02 am »

Chiến đấu ở Miền Đông, đêm ở Bình Long-Tây Ninh mát mẻ, ban ngày thì nóng bức. Dẫu không giáp dân trực tiếp, nhưng tin về đời sống của người dân xung quanh cũng tác động hàng ngày dễ làm cho chúng tôi nhung nhớ quê hương đất Bắc. Vì gần Bộ chỉ huy Miền, nên tin tức từ hậu phương cũng nhanh tới. Vậy mà mãi giữa năm 1971 tôi mới nhận được thư của Chiên, vợ tôi gửi từ hậu phương vào.  Cầm thư, tôi mừng lắm, chỉ sợ đọc nhanh hết. Chiên kể, Chiên và con tôi ở hậu phương vẫn mạnh khỏe. Con đã lớn, đang học lớp 2. Tuy chiến tranh phá hoại bằng đường không của Mỹ rất ác liệt, trên tuyến đường 5 quê tôi, nhưng làng xóm, họ hàng tôi ngoài đó vẫn an toàn. Đọc tới đây tôi thở phào, hít một hơi, yên lặng. Ơn trời! Nhưng… mắt tôi bỗng nhòe đi, khi từng dòng chữ tiếp tục hiện ra. Tin dữ! Cha tôi bị bệnh trọng, đau gan, nên cha đã mất năm 1970, thọ 53 tuổi. Như vậy cha đã  “đi“ được một năm trời mà tôi không hay biết. Cha ơi? Tôi bất giác gọi ông. Ngay từ đó, những kỷ niệm về cha cứ ào ạt hiện về. Đêm nằm tôi khắc khoải nhớ cha, không ngủ được. Ở chiến trường, cái sống, cái chết cận kề, ngày nào cũng có đồng đội ra đi. Lòng ai cũng se sắt khi nghe tin đồng đội nằm xuống. Chiến tranh khắc nghiệt lắm. Thương tiếc, nhưng không cho phép người lính uỷ mị. Tôi lại là cán bộ chính trị, lại càng phải nhủ lòng cứng rắn, vững vàng trong lời nói và hành động, để đơn vị vững vàng. Nhưng… lần này, được tin cha không còn, tôi da diết nhớ ông. Nhìn vào cuốn sổ ghi chép, đã là năm 1971, cuộc chiến đấu đang vào thời kỳ quyết liệt. Tôi vừa thương cha vừa rất nhớ Chiên và con trai. Tôi chỉ còn biết biên thư ra động viên Chiên vững lòng, đợi ngày toàn thắng.
     Do nhiệm vụ chiến đấu khẩn trương, ác liệt, tình thế căng thẳng ở chiến trường chi phối, tình cảm thương nhớ gia đình như bát nước nóng, rồi cũng nguôi dần. Không thể uỷ mị mãi được. Bên cạnh người chỉ huy, sinh mạng anh em, cuộc sống của các thương binh nặng còn đó. Phải vững lòng, không vững không được, vững để mà tồn tại, tồn tại phải khoẻ cả về sức, khoẻ cả về tinh thần để đánh thắng.
      Sau này đọc thơ viết về chiến tranh, tôi ngấm lắm những cảm xúc mà các nhà thơ nói hộ thế hệ chúng tôi:
                Tin một đồng đội vừa nằm xuống
                 Đến với tôi từ một giọng bình thường
                 gió quần quật trên nóc hầm buổi sáng…
                 cỏ sắc mà đắng quá phải không em?
      Một bài khác:
                    Nếu một mai mình không trở về
                   Cậu có nhớ lối về nhà mình không cậu
                   Dậu mồng tơi có bướm vàng đến đậu
                    mẹ mình thường ở đó nhìn ra…
Đã dấn thân vào cuộc chiến đấu này, nay sống, mai có thể chết, là sự xác định thường trực trong lòng người lính chiến. Dù trong lòng ai đi nữa, nơi sâu thẳm, đều có bóng hình người mẹ, người cha thân thương.

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #17 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 10:45:35 am »

Cuối năm 1971, tôi ở cương vị Chủ nhiệm chính trị trung đoàn và anh Vũ Việt Hồng - Trung đoàn trưởng 209 được cấp trên gọi đi trinh sát thực địa chuẩn bị cho mùa khô năm 1972. Đoàn trinh sát của Sư đoàn 7 gồm 180 cán bộ, chiến sĩ, đủ thành phần tham mưu, chính trị, hậu cần và lực lượng trinh sát, vệ binh, bảo vệ…
        Từ rừng già. Căn cứ đứng chân trên đất Cam-pu-chia, đến Sông Sài Gòn, khu vực biên giới, hai bên vực sông Sài Gòn sâu thẳm, nước đục ngàu màu đỏ ba zan. Anh em tản ra nắm địch theo chức trách. Tôi còn nhớ mãi đồng chí tham mưu trưởng Sư đoàn 7 là anh Mười Thứ. Một lần, anh dẫn đoàn trinh sát vượt sông. Giữa lúc hành quân qua trảng (khu rừng thưa ít cây lớn), thấy máy bay L-19 lượn trên đầu,  Mười Thứ che mắt ngang trán, nhìn lên trời. Mười Thứ vốn tính nóng nảy, hay nói bậy, anh nhìn lại phía sau đội hình, thấy bộ đội ta mặc quần áo đủ các màu xanh, vàng, trắng, nâu… (vì lúc bấy giờ quân nhu mua được vải gì may quần áo cho bộ đội thứ nấy).  Anh Mười sợ lộ, tức quá hô tất cả nằm xuống và buột miệng chửi tục “Đ.mẹ thằng hậu cần này giết ông rồi…”.  Cũng may là địch không phát hiện được. Đoàn đi tiếp, an toàn.
      Đi trinh sát, luồn khe, rúc bụi, gai đâm đầy người, không gai tre thì gai cây mai dương, móc nhọn mà buốt. Tối về đầy người mưng mủ. Bóp ra cả mủ và mũi gai nhỏ tí như đầu kim. Thật khó chịu!  Nhưng cũng may, nhờ nguỵ trang tốt nên tổn thất không đáng kể. Tôi càng phục và thông cảm cho anh em trinh sát, suốt chiến dịch lăn lộn nắm địch. Trong lòng tôi cũng luôn dành cho anh em trinh sát tình cảm ưu ái,  sự chăm lo lặng lẽ, thậm chí tới mức thiên vị.
       Ngày 30-3-1972, Trung đoàn làm Lễ xuất quân từ đất Cam-pu-chia trở về. Khi đoàn trinh sát trở về căn cứ, anh em chúng tôi nhận được quà Tết đơn vị để dành. Vì anh em sợ ướt, quà được bọc nilon khá kỹ, khi mở ra, nào bánh chưng, nào giò… nhưng tất cả đã thối như xác con vật bị rữa, đành phải vất đi. Tiếc đứt ruột !
       Đầu tháng 4-1972, Trung đoàn 209 tới vị trí mới, được lệnh cấp trên phái tăng cường cho Sư 9 (lúc này anh Nguyễn Thới Bưng là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9, sau này ông là Tư lệnh Quân khu 7 rồi lên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng). Sư đoàn trưởng giao nhiệm vụ cho trung đoàn 209 bao vây chiến đoàn 52 ở ngã ba Hồng Tâm (gần cầu Cần Lê).
     Trong chiến dịch Nguyễn Huệ, đánh châm ngòi (đánh trận mở màn) do Trung đoàn 2 Sư đoàn 5 đảm nhiệm đánh chi khu Lộc Ninh, khi đó anh Quân là Trung đoàn trưởng, sau này chúng tôi đi học ở H14 mới biết nhau. Đây là trận đánh thắng lợi giòn giã, diệt gọn, bắt tù binh, thu nhiều vũ khí.
      Xin kể lại trận vây ép chiến đoàn 52, tiêu diệt chúng, trước khi Sư 9 đánh An Lộc. Lúc này chiến thắng Lộc Ninh lẫy lừng. Chiến thắng này có tác dụng cổ vũ rất lớn các trận tiếp sau. Trung đoàn 209 chúng tôi, vào lúc 9 giờ sáng ngày 5-4-1972 được lệnh nổ súng khống chế chiến đoàn 52. Vì quận lỵ Lộc Ninh đã bị thất thủ, nên bọn sĩ quan và binh lính rất hoang mang. Chúng tôi chỉ đạo, kết hợp cả tiến công quân sự với tiến công binh vận (dùng loa kêu gọi binh lính chiến đoàn 52 bỏ vũ khí quay về với nhân dân, đầu hàng Quân giải phóng). Địch ngoan cố đáp trả bằng các đợt đạn pháo rót vào trận địa của Trung đoàn. Chúng tôi dùng DKZ, cối 82, rốc-két H12 đánh mạnh vào Sở chỉ huy Lữ đoàn và trận địa pháo của địch. Một số nhà kho, xe pháo của địch bị cháy, binh sĩ địch rất hoang mang, nhưng vẫn ngoan cố chống cự.
       Tới 17 giờ ngày 7-4-1972, quân địch bỏ căn cứ tháo chạy. Chúng tôi lập tức bố trí đại đội 12,8 ly hạ thấp nòng bắn chặn. Trời! Địch quá đông, cả xe tăng thiết giáp cũng gầm rú, tràn qua trận địa, chạy thục mạng. Hỏa lực, liên thanh, thủ pháo của ta bắn mãnh liệt, bắn như chưa bao giờ được bắn , khí thế hừng hực giết giặc lập công. Kết cục, xác giặc nằm ngổn ngang trước trận địa 12,8 ly của trung đoàn. Chiến đoàn 52 bị tiêu diệt, 500 tên đền tội, ta bắt sống 334 tên.
        Khi quân ta vào chiếm trận địa và thu chiến lợi phẩm, trong số đó, thấy có một  trung tá Ngụy, tên hắn là Điền - Lữ đoàn phó, chết tại trận. Quân ta thu được khẩu súng ngắn (ru-lô) của hắn cùng rất nhiều chiến lợi phẩm, tất cả còn chất đầy các hầm chiến đấu, nhiều đến nỗi tới ngày 8-4-1972 chúng tôi chưa thu hết chiến lợi phẩm. Sau này quân sử ghi lại, ta thu 12 pháo, bắn cháy 162 xe, thu 287 súng, gần 100 máy thông tin các loại. Tiếng tăm 209 vang xa.
        Hân hoan trong niềm vui chiến thắng, tôi ngẫm nghĩ, các thầy giáo chiến thuật giảng rất kỹ và khẳng định “Đánh địch bằng mưu chứ không đánh bằng sức. Muốn lập mưu, phải tạo thế. Trong trận này, Trung đoàn 209 đã khôn khéo dồn ép chiến đoàn 52 ra ngã ba Hồng Tâm - đường 13, quãng phía bắc cầu Cần Lê. Tại địa bàn này, tương quan lực lượng chỉ là một chọi một. Nhưng địch ở đây, trong bối cảnh An Lộc nguy ngập, tinh thần chiến đấu “xuống tận mắt cá chân”. Lập tức, Trung đoàn 209 đã xông ra, hoả lực rất mạnh, trong tầm sát thương hiệu quả. Ta đã tiêu diệt gần hết chiến đoàn 52 trên đoạn đường đó, bằng một trận vận động tấn công quyết liệt.
      Vui vì chiến thắng, tôi nhủ lòng, công tác chính trị, động viên bộ đội đúng lúc, sẽ luôn khích lệ anh em quyết tâm chiến đấu. Đó là khi có sức cộng hưởng từ ý chí tinh thần, khó có thể hình dung sức mạnh được nhân lên. Người lính  “hai linh chín” khi đó làm sao quên được khẩu hiệu: “47 Sông Lô cuộn sóng chìm tàu giặc, 72 Sông Lô xốc tới diệt xâm lăng”. Truyền thống Trung đoàn Sông Lô được thổi bùng giữa Miền Đông gian lao anh dũng.

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #18 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 10:46:10 am »

Càng ngày chúng tôi càng vào sâu, những trảng lớn miền Đông được thay dần bằng rừng cao su xen kẽ ruộng lúa. Đô thị cách không còn xa, tinh thần chiến sĩ ta phấn chấn. Đã 5 năm, từ miền Bắc vào Nam, người còn, người mất, anh em lính Hà Nội, Thái Nguyên của “hai linh chín” đều tiến bộ, có nhiều người được Huân chương chiến công, trở thành cán bộ đại đội, tiểu đoàn dày dạn kinh nghiệm.
        Với chiến công tiêu diệt Chiến đoàn 52 cùng thành tích khá nổi trong các chiến dịch trước, chỉ huy Trung đoàn 209 ai cũng tin rằng, trung đoàn sẽ được nhận một mũi, trên một hướng quan trọng trong trận công kích vào thị xã An Lộc. Bởi lẽ, Trung đoàn 209 đã áp sát thị xã này, đã sẵn sàng tất cả để tham gia vào trận quyết chiến chiến dịch. Nhưng đùng một cái, Trung đoàn trưởng Vũ Việt Hồng được lệnh ngừng ngay nhiệm vụ trinh sát thị xã, đưa toàn trung đoàn cấp tốc thọc xuống vùng Bàu Lồng. Hướng ấy là phía cuối phạm vi chiến dịch. Thật tiếc cho 209!
       Không bao lâu, ta đánh An Lộc không dứt điểm. Giữa tháng 4-1972, địch kịp tập trung cố thủ tới 5 lữ đoàn, lực lượng không quân Mỹ dùng B52, tiêm kích bom, trực thăng vũ trang chi viện tăng cường tại đây binh lực gấp nhiều lần, trong khi ta bị thương vong hao hụt, sức tiến công giảm sút. Rõ ràng thời cơ dứt điểm Bình Long không còn, ta buộc chuyển sang bao vây cô lập.

                                           
                                         


      Lại nói về phía quân nguỵ. Chúng huy động các lữ đoàn dù cùng sự chi viện rất mạnh của không quân, nên vành đai bảo vệ thị trấn An Lộc được mở rộng, trực thăng có thể đáp an toàn để tải thương, đồng thời tiếp viện và tiếp tế cho các căn cứ đang bị vây. Hàng chục ngàn lính nguỵ được đổ vào An Lộc với đầy đủ lương thực để thay thế bớt cho những tên lính đã kiệt sức, hoặc quá mệt mỏi…. Ngày 9-6-1972, lần đầu tiên sau hai tháng cô lập, một đoàn trực thăng 23 chiếc hạ cánh được xuống An Lộc, vừa tiếp tế, vừa đổ quân, để rồi bốc thương binh ra.
        Thượng tướng Trần Văn Trà sau này nhận xét về trận An Lộc: "Trận An Lộc, quân giải phóng đã chịu nhiều bất lợi: Hành quân gấp; vũ khí, đạn dược thiếu thốn; công tác tiếp vận kém. Địch có hỏa lực áp đảo do Hoa Kỳ hỗ trợ, đặc biệt là máy bay B-52. Quân giải phóng đã chịu một thiệt hại không nhỏ, nhưng từ đó chúng ta đã rút ra được những bài học vô giá cho các chiến dịch sau này”.
       Thời điểm này, cấp trên điều Trung đoàn 165 và 141 thành 2 trung đoàn cơ động của Sư đoàn 7. Nhiệm vụ trước mắt 209 chúng tôi là vu hồi và ngăn chặn Sư đoàn 21 ngụy đang từ Lai Khê tiến lên Chơn Thành.
       Ngày 09-4-1972, Trung đoàn 209 được lệnh cơ động về khu vực Bầu Lồng Quốc lộ 13 - phía Nam Chơn Thành để chốt chặn, tạo ra các chốt thép trên đường, cùng với Trung đoàn 165 chốt cứng ở Tầu Ô, xóm Ruộng khóa đường 13, không cho chiến xa địch kéo lên tiếp ứng bằng đường bộ, tạo thuận lợi cho Sư đoàn 9 tiếp tục đánh vào An Lộc.
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #19 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 10:46:48 am »

Anh Vũ Việt Hồng, trung đoàn trưởng đi bộ đội từ năm 1950. Kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, anh làm trung đội phó. Năm 1954, anh đi học Trường sĩ quan Lục quân, ra trường mang quân  hàm thiếu uý. Năm 1960, anh được đề bạt trung uý, làm trợ lý tác chiến trung đoàn. Năm 1966, anh chỉ huy đại đội bộ binh, đi trong đội hình Trung đoàn 141 vào chiến trường miền Đông trước 209. Từ đó đến nay, lúc ở đơn vị chiến đấu, lúc lên cơ quan, Vũ Việt Hồng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đề bạt đều đều. Chiến dịch mùa mưa năm 1970, Vũ Việt Hồng thôi giữ chức trưởng ban tác chiến sư đoàn, xuống làm trung đoàn phó. Cuối năm 1971, Vũ Việt Hồng được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209. Trong sự chỉ huy của anh, Trung đoàn 209 trưởng thành trong cách đánh, quy mô tầm cỡ tác chiến cũng cao hơn. Anh em trên dưới đồng lòng. Ai cũng muốn tham gia đánh trận “có đẳng cấp” để “hai linh chín” thể hiện đẳng cấp của mình giữa chiến trường Miền Đông, không thua kém các trung đoàn bạn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM