Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:06:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời binh nghiệp  (Đọc 53442 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 10:18:10 am »

Hồi ký của Thượng tướng Nguyễn Thế Trị
Người thực hiện: Trần Danh Bảng
Nhà xuất bản QDND- 2011


Số hóa: lixeta

                                                         
LỜI TÒA SOẠN



       Bạn đọc đang có trên tay cuốn hồi ký của Thượng tướng PGS-TS Nguyễn Thế Trị, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng.
      Kể từ ngày đầu nhập ngũ trong lớp chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ quân sự đầu tiên của đất nước năm 1958, Nguyễn Thế Trị trở thành một quân nhân, một cán bộ trải qua hơn 50 năm chiến đấu phục vụ không ngừng nghỉ.
       Cuộc đời công tác, chiến đấu của Thượng tướng Nguyễn Thế Trị gắn liền với các chiến trường Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, biên giới phía Bắc Tổ quốc. Sau khi công tác ở  cương vị Tư lệnh Quân khu 3, ông trở về là Giám đốc Học viện Quốc phòng.
    Suốt quá trình công tác, ông vừa là cán bộ chính trị, vừa là cán bộ quân sự, sau là giảng viên, giáo sư, nhà nghiên cứu khoa học quân sự, nhà quản lý huấn luyện đào tạo cán bộ quân sự-quốc phòng ở bậc cao.
     Dù ở địa bàn công tác nào hay ở cương vị công tác nào, qua cuốn hồi ký, chúng ta thấy đồng chí Nguyễn Thế Trị luôn là người không ngừng tư duy sáng tạo, không ngừng khám phá, tìm tòi đổi mới, kiên quyết không đi theo dấu cũ, nếp cũ. Sự sáng tạo trong công việc, giải pháp mới trong hành động đã mang về cho ông những thành công trong xử lý các tình huống, có khi rất cam go, quyết liệt, đòi hỏi phải trả giá bằng xương máu.
     Dụng mưu, lập thế, bày kế, điều binh… vốn là hành động của cấp chỉ huy, không chỉ thế, trong nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện, ông cũng có nhiều đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám “dấn thân” chịu trách nhiệm, dám đối mặt với lời đàm tiếu, óc hẹp hòi, điều tai tiếng.
     Với bản chất ham học, tìm tòi, ông đã giành nhiều thành công trong nhiệm vụ ở cương vị khác nhau, cho dù cũng có không ít những thử thách, gian truân cả sức ép về tinh thần và bất đồng trong công việc. Ở vị chỉ huy, nhà quản lý giáo dục này còn có một phẩm chất quý là “đôi mắt tinh đời” trong sử dụng người, biết phát huy, “kích hoạt” được những “bộ óc” biết sáng tạo, “nối mạng” được rộng rãi nhiều tác nhân hợp thành trong nhiệm vụ. Có thể khái quát: Nguyễn Thế Trị là người đóng góp xứng đáng cho tư tưởng xây dựng nền Quốc phòng-Quân sự trong thời kỳ Xây dựng và Bảo vệ Tổ quốc với những yêu cầu mới, đòi hỏi mới.
       Trong hàng trăm trang ký ức về các thời kỳ chiến đấu, công tác của ông, có không ít những khoảnh khắc, giây phút tràn đầy xúc cảm, ưu tư, toát ra từ con người nặng tình yêu thương đồng đội, trách nhiệm với gia đình, cộng đồng.
      Từ nhiều điểm nhìn, hồi ức của ông dẫn chúng ta tới những vùng đất khói lửa, từ vòng cung Chư-tan-kra, nơi nảy lửa những trận đánh một chọi một, buộc chấp nhận cuộc tỷ thí giữa tiểu đoàn quân Mỹ với tiểu đoàn Quân giải phóng. Rồi đường 13 máu lửa với trên 150 ngày đêm chốt chặn ngoan cường của chiến sĩ Trung đoàn 209 dưới pháo, bom khét lẹt.
       Cũng hợp lô-gíc, khi ông viết những đoạn chiến tranh sôi động, hừng hực tinh thần chiến đấu, quả cảm, ngoan cường, cuốn hút người đọc bao nhiêu, thì chúng ta cũng đọc những chương viết về thời bình, viết về huấn luyện đào tạo, không tránh được nhiều ngôn từ chuyên môn để luận giải công việc. Điều này có thể làm bạn đọc kém cuốn hút, nhưng bù lại, tư liệu chân thực, tính tư tưởng của nó lại khiến nhiều người chỉ huy tìm đọc.
      Dẫu thế nào, cuốn sách nhỏ này cũng chỉ gói được một phần trong muôn vàn sự kiện, mà cuộc đời Thượng tướng Nguyễn Thế Trị đã trải nghiệm. Giữa hai dòng chữ còn muôn vàn những câu chuyện, những hồi ức của ông cùng đồng đội, trên con đường binh nghiệp vốn luôn không suôn sẻ, bằng an.
     Xin dành lời đánh giá cao nhất, đầy đủ nhất về ông cho những đồng đội, học trò của ông và bạn đọc cuốn sách này. Bởi ngày nay, con đường tiệm cận chân lý có không ít kênh, không ít luồng thông tin để minh chứng, kiến giải.
       Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc hồi ký của Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, một vị tướng ưu tú của quân đội.

                   

                                                       NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN 

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #1 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 10:19:48 am »

                                                
LỜI GIỚI THIỆU



          Đồng chí Nguyễn Thế Trị sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở vùng quê Kim Thành, Hải Dương, một vùng đất địa-linh-nhân-kiệt. Năm 19 tuổi, Nguyễn Thế Trị nhập ngũ trong lớp nghĩa vụ đầu tiên của tỉnh Hải Dương. Suốt chặng đường 50 năm trong quân ngũ, đồng chí đã được rèn luyện, thử thách trong chiến đấu ác liệt trên các chiến trường: Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Biên giới phía Bắc. Trưởng thành từ chiến sĩ đến cán bộ sư đoàn, chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Phó tư lệnh về chính trị, Tư lệnh Quân khu 3, Giám đốc Học viện Quốc phòng, đồng chí là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng các khóa VII, VIII, IX.
        Dù ở cương vị công tác nào, quân sự hay chính trị, đơn vị chiến đấu hay nhà trường, đồng chí luôn là một cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; dũng cảm, mưu trí, linh hoạt, quyết đoán trong chiến đấu; đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong xây dựng đơn vị và trong huấn luyện, đào tạo cán bộ, nhất là những năm làm giám đốc Học viện Quốc phòng, đồng chí đã cùng tập thể Đảng ủy, Ban giám đốc tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều vấn đề chiến lược về Quốc phòng-Quân sự trong thời kỳ xây dựng và Bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí có lối sống mẫu mực, khiêm tốn, giản dị, có tình cảm sâu sắc đối với đồng chí, đồng đội, được cấp trên tin tưởng, cấp dưới yêu quý… Khi về nghỉ hưu đã thể hiện nghĩa cử cao đẹp với đồng chí, đồng đội đã hy sinh; tình cảm, trách nhiệm với quê hương và gia đình, được Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao.
        Cuốn Hồi ký “Đời binh nghiệp” của Thượng tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Trị đã ghi lại nhiều ký ức và tư liệu, thể hiện sinh động một nghị lực, ý chí vươn lên của thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh, phấn đấu theo lý tưởng cách mạng của Đảng. Một tấm gương sáng cho thanh niên và con cháu trong gia đình, dòng tộc noi theo.
    Với tình cảm yêu mến đồng chí Nguyễn Thế Trị, một trong những cán bộ ưu tú của quân đội ta, tôi xin giới thiệu cuốn Hồi ký của đồng chí với bạn đọc
                                            
Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 2011

Đại tướng Nguyễn Quyết
Nguyên Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư TƯ Đảng,
Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước
Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN

« Sửa lần cuối: 27 Tháng Năm, 2012, 02:43:18 pm gửi bởi macbupda » Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #2 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 10:21:32 am »

I


TUỔI THƠ GIAN KHÓ


     Như bao làng quê ở Bắc bộ, làng Cổ Phục của tôi nghèo, mấy chân ruộng lúa xen ít thửa trồng màu. Lứa chúng tôi lớn lên, những đứa con luôn bên mẹ, bởi cha thường vắng nhà. Đàn ông có vợ ở quê tôi nếu không đi Vệ quốc đoàn thì cũng ít ở quê. Nhiều nhà, đàn ông đi làm thợ mỏ mãi ngoài Quảng Yên, Hồng Gai, hoặc bốc vác ngoài bến Sáu Kho, Hải Phòng. Hồng Gai thì xa, người lớn nói thế, còn Hải Phòng thì đêm đêm chúng tôi vẫn thấy. Đó là nơi vầng sáng bồn chồn rực đỏ hướng đông, chừng vài chục cây số. Người lớn kể, ở đó có bến tàu, có cả ga xe lửa. Những con tàu to hơn đình làng, cao như cây cổ thụ, nó chở rất nhiều hàng mang đi ngoại quốc. Nếu chở gạo thì cả tỉnh tôi cũng không đủ cho nó “ăn “một chuyến… Câu chuyện về những con tàu, những ga xe lửa cứ chập chờn trong giấc ngủ. Đêm thôn dã chìm trong tiếng chó sủa eo óc cuối làng.
       Trong làng khi ấy toàn trẻ con và người già. Tôi thương bá Thí (chị mẹ tôi) gia đình neo đơn. Tôi tập đi cày từ lúc chưa đầy 14 tuổi. Chiều mưa, xác xơ đồng rạ trắng, mưa phùn rét căm căm. Với tôi, cày ruộng là việc không khó, nhưng người tôi thấp, vác cày trên vai ra đồng thật khó khăn. “Gánh cày” thì mũi cày cứ lê sát sàn sạt lối đi, không khéo chân vấp phải. Bá thấy thế thương con, thường ưu tiên cho tôi cưỡi trâu ra đồng, Bá lẽo đẽo theo sau vác cày hộ. Trưa, Bá lại vác cày về. Tôi giong trâu, nhiều hôm đói hoa cả mắt. Mùa cấy chẳng mấy qua mùa gặt… Cứ thế, làng quê nghèo cũng yên ả trôi đi trong tiếng giục trâu, trong mùi cỏ ngai ngái, hay khi rơm mới thơm dậy mùa vàng trong bếp lửa bập bùng.
        Lâu lắm mới có gánh hát chèo về hát ở làng bên, trai gái mấy làng rủ nhau tới xem đông lắm. Từ chiều, tiếng trống chèo đã thúc dồn trong ngực trẻ. Trong ánh sáng của ngọn đèn măng sông, những cô gái áo mớ bảy, mớ ba giọng ngọt lịm trong tiếng sáo dìu dặt: “Con cò bay lả bay la, bay từ cửa phủ, bay ra cánh đồng… tình tính tang, tang tính tình”… Nhịp điệu dân ca chậm rãi, như ăn nhập với nhịp chân trâu bì bọp trên ruộng cày. Tôi thấy rõ lắm nhịp điệu chậm chạp nghề canh nông trong câu hát, những cánh cò trắng vẫy cánh khoan thai, mờ dần về phía sông Kinh Thầy. Nhịp điệu làng quê thôn dã năm hai mùa lúa, đơn điệu, thế thôi. Tôi, đứa trẻ thôn quê, không khác gì trăm ngàn đứa trẻ ở nhiều vùng quê nghèo khác.
     Bên nội, họ tôi cũng nghèo, nhưng bên ngoại thì khá hơn. Ông ngoại tôi có nghề gia truyền cắt thuốc bắc và dạy học. Bà ngoại buôn hàng tấm. Bố tôi đi xa trên chiến khu, tôi sống nhiều nhờ bên ngoại… Chiến tranh, giặc dã liên miên.


                                                               *  *  *

       Làng Cổ Phục, nơi tôi sinh ra có nhiều dòng họ, trong đó có dòng họ Nguyễn Văn của tôi. Họ Nguyễn Văn định cư vào loại sớm nhất, do cụ Thủy Tổ Nguyễn Huy Ích người xứ Sơn Nam khởi nghiệp. Cụ đã chọn nơi này làm nơi dừng chân cư trú sinh cơ lập nghiệp từ cuối thế kỷ thứ 16. Trải qua nhiều thế kỷ, đến đời thứ VII vào thế kỷ thứ 18, cụ tổ họ Nguyễn là Nguyễn Phúc Thọ kết hôn với 4 bà vợ, sinh được 17 người con gồm 12 trai, 5 gái. Sau này, 12 người con trai phát triển thành 12 chi tồn tại đến ngày nay. Dòng họ nay có hàng nghìn con cháu sinh sống trên mọi miền đất nước.
Sinh thời, cụ tổ Nguyễn Phúc Thọ học cao, biết rộng. Vào cuối đời Vua Quang Trung thứ 5 năm 1792 (thế kỷ thứ 18), cụ được Quốc triều sắc phong làm Khâm sai Bắc biên tiết chế (1); Bộ Thủy chư doanh, kiêm binh dân thư vụ Tước (2) hoành tử khang Công. Đến triều Gia Long thứ I năm 1801, cụ lại được Quốc triều sắc phong Chu Thị Hàng ký thuộc Tước thọ Trường Nam.
      Dưới thời vua Minh Mạng, cụ Nguyễn Thế Trị, đời thứ VIII, là con thứ 7 của cụ Nguyễn Phúc Thọ, văn võ song toàn. Cụ tham gia quân đội của triều đình, trưởng thành từ người lính tới chức “Quyền Thuỷ sư”, Binh đoàn tam đội, được Nhà vua tin cậy, cử đi trấn ải Lạng Sơn. Cụ luôn lo lắng tìm mọi cách tăng cường phên giậu quốc gia, giữ gìn vững chãi giang sơn trên hướng Bắc. Tôi thật vinh dự được trùng  tên cụ Nguyễn Thế Trị, bậc Tổ đường của dòng họ.
      Để tồn tại Thủy Tổ, các cụ tổ họ Nguyễn Văn đã phải chống chọi với thiên tai khắc nghiệt, giặc cướp, giặc ngoại xâm hàng thế kỷ của nhiều triều đại phong kiến phương Bắc, gần một thế kỷ trong chế độ thực dân. Đời sống của người dân vô cùng cực khổ. Năm 1945, nhiều người dân họ Nguyễn đã chết đói, chết ngay trên mảnh ruộng của mình, chết tha hương xứ người, bởi họ đã phải rời bỏ quê hương đi làm phu đồn điền ở Nam Kỳ - đi Tân Đảo. Ra đi đói khổ, tha hương, không có ngày trở về, nhiều người cho đến nay không rõ lang bạt nơi đâu? Còn sống hay đã chết. Họ hàng ngày ngày mong tin, vô vọng.
      Bố mẹ tôi sinh được 3 người con. Trên tôi là một anh trai, anh Nguyễn Thế Sử. Anh Sử sinh năm 1938. Dưới tôi là em gái, em là Nguyễn Thị Thành, sinh năm 1942. Cả gia đình đến thời chúng tôi chỉ có 11 thước vườn để ở, nguồn sống chính làm nghề cấy rẽ và làm hàng xáo (chế biến nông phẩm) để sống. Năm 1939, tôi sinh. Sau này bố tôi kể, tôi luôn để đầu húi cua, tóc để chỏm trông không đến nỗi gày gò, được cái nhanh tay, nhanh mắt lắm.
     Tuổi thơ của 3 anh em chúng tôi tuy vật chất khó khăn, song chúng tôi đã có những ngày hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của bố, mẹ. Tôi và anh trai được bố, mẹ cho đi học. Chúng tôi học cùng lớp. Hai chúng tôi luôn được thầy khen “sáng dạ”. Tuy kém anh trai tôi một tuổi, nhưng tôi vóc lớn hơn, khỏe mạnh, nhanh nhẹn và nghịch ngợm, đôi lúc cũng “hay lý sự”. Tôi mải chơi, nhiều khi về ăn cơm muộn, vừa ăn vừa len lén nhìn trộm bố, dò xét xem bố có giận mình không. Nhìn ngoại hình tôi, bố mẹ tôi đều nhận xét: Thằng Trị có đôi mắt xếch, thằng này không rèn ngay từ bây giờ sau lớn lên không khéo thành “Tướng cướp” cũng nên! Biệt hiệu mắt xếch “Tướng cướp” nhiều năm sau vẫn được bạn bè cùng trang lứa hay nhắc tới với vẻ thán phục tôi là “tướng”. “Tướng nghịch” hay bắn chim bằng súng cao su rất khá.


                                                               
  *  *  *
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #3 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 10:22:24 am »

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chấm dứt thời kỳ phong kiến đế quốc, đất nước đã được độc lập, anh em tôi lại được cắp sách đến trường. Chúng tôi đã là học trò của đất nước tự do. Tôi chứng kiến những ngày đầu của chính quyền thuộc về nhân dân, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, mặt trận được thành lập, nhiều cuộc mít tinh biểu dương lực lượng được tổ chức tại sân đình. Hoà trong không khi náo nức ấy, những đứa trẻ chúng tôi không thể nào vắng mặt. Mấy đứa chúng tôi cùng trang lứa chạy lăng xăng, khi sân đình, khi ngõ xóm.
    Cuộc đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc bước vào thời kỳ khẩn trương, phức tạp. Việt Minh phát triển lực lượng khắp vùng. Tháng 12-1945, bố tôi tòng quân vào Trung đoàn 64, thuộc Sư đoàn Đồng Bằng sau này.
      9 năm kháng chiến gian lao, chống Pháp càn quét, địa bàn hoạt động của bố tôi là chiến trường “xôi đỗ”, Đồng bằng Bắc Bộ. Ông tham gia nhiều trận chống càn, trận đánh tiến công vùng sau lưng quân Pháp. Ông hăng say cùng đồng đội phát triển du kích, hỗ trợ quần chúng vùng địch hậu, phá tề, xây dựng chính quyền nhân dân. Thế hệ ông lăn lộn cùng nhân dân đồng cam cộng khổ, hoạt động, quần lộn với địch ngày đêm, khiến chúng luôn nơm nớp lo sợ. Những cố gắng của ông và đồng đội đã khiến địch không được rảnh tay mà chi viện, ứng cứu cho các mặt trận phía Bắc, Tây Bắc. Nơi chúng đang lún dần vào thế sa lầy, thất bại.
          Có một sự kiện trọng đại chúng tôi nhớ lắm. Nhân dân 3 huyện Kim Thành, Kinh Môn, Thanh Hà được đón Bác Hồ đi thăm nước Pháp sau khi ký tạm ước 14-9-1946 từ Pháp trở về. Ngày ấy, Người đi tàu hoả qua ga Phú Thái.
        Từ Hải Phòng lên Hà Nội, theo lịch trình, tàu chở Bác dừng ngắn ở ga Phú Thái để nhân dân 3 huyện được đón Bác, được nhìn thấy Bác. Chúng tôi có mặt ở Phú Thái từ sáng sớm, song không thể nào chen vào gần nơi tàu sẽ đỗ, bởi rừng người cờ và hoa đông nghịt. Đang lúc loay hoay chưa biết xoay xở ra sao, bỗng thấy hai chú vệ quốc đoàn đứng gác gần đó đi về phía chúng tôi, xốc anh em chúng tôi lên vai, khi tàu đang từ từ tiến vào ga. Ôi, Bác Hồ đó! Râu tóc Bác đã bạc! Bác tay cầm mùi xoa trắng tươi cười vẫy mọi người. Tiếng hô: Bác Hồ muôn năm! như sầm rền không ngớt. Chúng tôi hô theo. Giờ hạnh phúc quá ngắn ngủi, tàu tiếp tục chuyển bánh. Tình cảm yêu quý, kính trọng đối với Bác ai ai cũng chỉ biết biểu lộ bằng tiếng hô vang: Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm!
     Trong cuộc đời quân ngũ sau này, tôi nhiều lần được gặp Bác Hồ khi Bác đến thăm đơn vị. Hình ảnh Người trở thành sức mạnh tinh thần giúp tôi vượt khó khăn hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng 65 năm đã trôi qua, hình ảnh Bác Hồ tại ga Phú Thái ngày ấy vẫn hiện lên đẹp đẽ, thiêng liêng, vẹn nguyên như mới ngày nào. Với tôi, đây là ngày hạnh phúc có một không hai trong quãng đời thơ ấu của mình.

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #4 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 10:22:58 am »

Dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa thực dân Pháp không những không thực hiện Hiệp định sơ bộ 6-3-1946  mà còn trắng trợn phản bội Tạm ước 14-9-1946. Chúng liên tục vi phạm lấn chiếm trên tuyến đường 5, con đường huyết mạch từ Hải Phòng đi Hà Nội. Tháng 11-1946, thực dân Pháp đánh chiếm Hải Phòng và Lạng Sơn. Ở Hà Nội, chúng liên tiếp nổ súng, ném lựu đạn ở nhiều nơi. Đặc biệt ngày 17-12-1946, chúng đã tàn sát đẫm máu đồng bào ta ở Hàng Bún và Yên Ninh (Hà Nội).
        Ngày 20-12-1946, quân Pháp từ Hải Phòng tiến đánh Kim Thành - Hải Dương bằng hai đường thuỷ, bộ. Đường bộ, chúng tấn công theo đường 5 bằng xe cơ giới, xe bọc thép; đường thuỷ bằng ca-nô, tàu chiến theo sông Kinh Môn. Tới đây, chúng bị quân dân Kim Thành chống trả quyết liệt, phải rút lui về Hải Phòng.
       Ngày 12-01-1947  (tức ngày 21 tháng Chạp năm Bính Tuất), quân Pháp mở trận càn lớn vào xã Vạn Thọ nay là xã Kim Khê, nơi có nhiều đồng bào xã Nhật Tân nay là xã Kim Lương tản cư ở đó. Trận khủng bố này địch đã bắn chết 300 người dân vô tội, trong đó có 121 người dân xã Nhật Tân, phần lớn người già và trẻ em. Ngày 21 tháng Chạp hằng năm đã trở thành ngày giỗ trận và cũng là ngày nhân dân không bao giờ quên tội ác của kẻ thù đã gây ra cho nhân dân hai xã Vạn Thọ và Nhật Tân. Trận càn quét này, gia đình tôi may mắn không bị thiệt hại về người và của do nhờ ông bà ngoại đưa đi tản cư sang xã khác trước đó vài ngày.
         Quê tôi, ngọn lửa chiến tranh ngùn ngụt đã len đến từng nhà, cuộc sống tinh thần và vật chất đảo lộn. Trẻ con bị thất học. Ông bà già, phụ nữ vừa chạy loạn vừa mưu sinh. Trai tráng trong làng đi bộ đội. Nhà cửa bị đốt phá. Ruộng vườn bị bỏ hoang. Thời điểm gay go đó, bố tôi đi xa, ông bà nội mất lúc chúng tôi chưa sinh, bác ruột và các cô ruột cũng phải nhọc nhằn kiếm sống. Mẹ tôi đưa ba anh em theo ông bà ngoại chạy tản cư cùng với gia đình các bác, bà, cậu, dì. Lớn, bé, già, trẻ, tổng số theo bà ngoại tới 30 người. Tất cả đều tuân theo chỉ dẫn của ông bà và các bác, các cậu. Trẻ con chúng tôi mỗi đứa được ông bà mua cho cái bị cói để đựng quần áo cá nhân. Bất cứ đêm hay ngày, mưa hay nắng “có lệnh” là phải đi cùng cái bị “tuỳ thân” luôn bên người. Vất vả nhất là những ngày chạy giặc, tản cư ban đêm (để tránh máy bay địch). Nhiều đêm mưa rét, đường trơn, băng qua ruộng lầy, cắt ngang luống cày vỡ, gió rét căm căm, áo xống phong phanh, anh trai tôi bị ốm. Mẹ cho anh tôi ngồi vào một bên thúng, thúng bên kia đựng đồ, gánh gồng, tất tưởi chạy theo mọi người. Bao năm qua đi, hình ảnh mẹ gồng gánh anh tôi chạy giặc đã hoá thạch trong ký ức.
        Suốt mấy năm liền, chúng tôi chạy giặc, chuyển chỗ nhiều nơi, song chưa lần nào bị giặc bao vây sát sạt. Đó là nhờ ông ngoại tôi rất tỉnh táo, có kinh nghiệm, nắm được quy luật của giặc. Ông rút ra, trước khi đánh chiếm xã nào, vùng nào, Pháp đều cho máy bay L19 thám thính từ 1 đến 3 ngày. Chỉ ngay ngày đầu, có máy bay do thám, ông ngoại đã lệnh cho cả nhà di chuyển đi nơi khác, tránh xa vùng “nguy hiểm”.
        Chiến tranh! Cái chết không phải chỉ bởi súng đạn của kẻ thù mà cả cuộc sống phiêu bạt, trong đói rét, khốn khó. Khắc nghiệt trong hoàn cảnh sống đói cơm, thiếu thuốc, ly hương, đã cướp đi của tôi hai người thân yêu nhất.
Em gái tôi vì chạy tản cư bị cảm lạnh, sưng phổi, thiếu thuốc kháng sinh, không thể nào chữa chạy kịp thời, em đã ra đi oan uổng.
       Năm 1948, một năm gian khó của mọi vùng quê, bất hạnh lớn lại ập đến gia đình tôi. Mẹ tôi sinh em gái thứ hai, do không kiêng khem, đói khát, thiếu thuốc, mẹ mắc chứng “hậu sản”. Không bao lâu sau, rồi mẹ lại theo em tôi ra đi. Đó là ngày 29 tháng 8 năm Mậu Tý. Tôi còn nhớ, trước lúc lâm chung, mẹ gọi anh em chúng tôi vào dặn dò hai đứa con dại, trong nước mắt lưng tròng, mẹ nói: Sau khi mẹ chết “thằng Sử ở với ông bà ngoại, thằng Trị ở với Bá”. Nói xong mẹ ra đi mãi mãi. Mẹ tôi mất năm ấy mới có ngoài 30 tuổi, tôi mới 9 tuổi, anh trai tôi 10 tuổi. Với chúng tôi, sự mất mát đau thương đó là quá lớn. Hình ảnh mẹ tần tảo, lam lũ, nhân hậu, chịu thương chịu khó, có miếng ngon thì nhường cho chồng con, việc nặng nhọc dành lấy cho mình, cuộc đời ngắn ngủi của mẹ đã dành trọn cho anh em chúng tôi.
       Khi mẹ khuất núi, theo lời trăng trối của mẹ, anh trai tôi ở với ông bà ngoại. Tôi về ở với Bá (chị mẹ). Bá là Hoàng Thị Thí, sinh năm 1910, Bá ở vậy nuôi con cho dù khi goá chồng Bá mới 28 tuổi. Sống trong vùng tạm chiếm, dù tản cư liên miên, nhưng ông bà ngoại tôi và Bá cũng như anh em tôi vẫn “ăn cùng mâm, ngủ cùng nhà” với ông bà. Đại gia đình bên nhau, cho đến khi hoà bình trở lại, cha con tôi khi ấy mới đoàn tụ về một mái ấm.
      Anh trai con Bá là con độc nhất. Hai anh em chúng tôi bên nhau vừa là anh em, lại như bầu bạn, hoà thuận tri âm, tri kỷ. Anh là Nguyễn Xuân Nghiệm, sinh năm 1938, bằng tuổi anh Sử tôi một tuổi. Anh Nghiệm được Bá cho lên chiến khu học hành từ năm 1953. Sau hoà bình, anh Nghiệm đi học khóa trung cấp sư phạm, sau đó lại gắng học đại học, về làm giáo viên Trường học sinh Miền Nam tập kết số 21. Sau này anh là Hiệu trưởng Trường cấp 3 huyện Kim Thành, rồi nghỉ hưu từ đó.
      Sau này, đi khắp miền quê đất nước, gặp những người mẹ tảo tần, xứ Bắc, xứ Nam, dẫu đã trưởng thành, đôi khi chiều về, khi chạng vạng tối, lòng tôi vẫn nao nao nhớ mẹ. Khắc khoải trong lòng, hình ảnh mẹ còn mãi vĩnh hằng, thiêng liêng cao cả. Sau này khi là Tư lệnh Quân khu 3, khi phác thảo bức tượng “Bà mẹ Sông Hồng”, người nghệ sĩ tạc tượng lại chạm sâu vào ký ức của tôi hình ảnh mẹ. Tôi thấy mẹ hiển hiện trước mắt tôi, một dáng tảo tần, kiên nghị, bao dung, càng làm tôi khẳng định, chủ trương của các thế hệ chỉ huy Quân khu 3, sau đó tôi là người chỉ đạo, thực hiện tạc bức tượng Bà mẹ Sông Hồng, đặt trang trọng trong sân Bộ tư lệnh là chủ trương đúng đắn, mang ý nghĩa phổ quát, nhân văn sâu sắc. Bà mẹ Sông Hồng là hiện thân của đức hy sinh, nghị lực lớn lao. Trong mỗi người lớn, hay con trẻ, trong mỗi cán bộ, chiến sĩ, ai cũng có trong tim bóng hình người mẹ. Vì mẹ, chúng con xin dâng tất cả, kể cả tính mạng và tài sản của mình.
        Mẹ tôi qua đời trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang trong giai đoạn cam go, khốc liệt nhất. Anh em chúng tôi thấm thía sự thiếu vắng người mẹ, từ bữa ăn từ giấc ngủ. Khi còn mẹ, “miếng ngon mẹ nhường khi ăn, chỗ ướt mẹ giành khi ngủ”. Anh em tôi tiếp tục theo ông bà ngoại và đại gia đình tản cư quanh co đến nhiều làng trong huyện Tứ Kỳ. Nắng hạ, mưa rào, những bóng người liêu xiêu đi trong chiều kháng chiến, không ai có thể biết ngày mai thế nào. Một ngày đầu mùa Đông se lạnh, lần cuối cùng, đoàn tản cư gia đình chúng tôi dừng ở phố Măng, thôn La Giàng, xã Văn Tố. Nói là phố, song đó là con đê ngăn lụt, các gia đình tản cư được chính quyền xã cho phép dựng lều, lán, dựa lưng vào con đê. Những liếp phên tranh tre xen nhau, vừa để ở và mở cửa hàng mưu sinh. Cuộc sống tạm gọi ổn định. Tại đây, ông ngoại tôi rất nhanh đã liên hệ được với thầy giáo làng, cho anh em chúng tôi tiếp tục đi học. Trong cuộc trường chinh ly hương chạy loạn, những năm đầu kinh tế ít khó khăn. Càng về sau, cuộc sống mưu sinh càng thêm khốn khó. Các bác, các chú tôi đều phải đi buôn hàng vặt, từ vùng tạm chiếm (vùng tề) mang ra vùng tự do bán. Tôi nhớ, anh em chúng tôi tuy còn nhỏ cũng được gia đình giao cho công việc phù hợp. Hàng ngày, tôi và anh Sử mang hai chai dầu hỏa, vài tập giấy từ Tứ Kỳ sang huyện Ninh Giang để bán. Lúc trời khô ráo mọi chuyện suôn sẻ, khi trời mưa gió, chúng tôi ngã “vồ ếch” oành oạch, vỡ cả chai dầu, lấm cả giấy, bán không ai mua. Chúng tôi rất sợ. Khi về nhà thưa lại với gia đình, ông bà tỏ ra thương xót các cháu, không hề mắng mỏ gì! Sau này đọc thơ của nhà thơ Hoàng Cầm, bài “Bên kia sông Đuống”, tôi thấy nhà thơ quá tinh tế khi mô tả gánh hàng nghèo của người mẹ sông Đuống: “Mẹ già nua, còm cõi gánh hàng rong/ Dăm miếng cau khô, mấy lọ phẩm hồng, vài xếp giấy dầm hoen sương sớm”… lại thấy những ngày thơ bé trong kháng chiến, làng xưa thật khốn khó, dễ nào quên.
        Lại nói, đến khi kinh tế đại gia đình gặp khó khăn, ông bà tôi quy định cả người lớn và trẻ con, mỗi ngày ăn hai bữa, mỗi bữa hai bát, thức ăn chỉ có bì lợn thái nhỏ trộn lẫn với muối to. Bản thân chúng tôi tuy còn nhỏ nhưng đã ý thức được khó khăn của gia đình. Dẫu sao, nhìn ra xung quanh, nhiều đứa trẻ  khác, gia đình họ còn đứt bữa, nên anh em tôi rất biết ơn, cảm thông cho ông bà.
        Ông bà ngoại là người sống đức độ, được mọi người rất kính trọng, với con, với cháu rất đỗi thương yêu đùm bọc, đặc biệt là hai anh em chúng tôi. Những lúc ông ngoại rỗi hay gọi các cháu (nội ngoại) tới bắt tập viết chữ đẹp và hướng dẫn làm toán. Ông rất chú ý rèn các cháu phải học thuộc bảng cửu chương, bất kỳ lúc nào, đột nhiên ông kiểm tra và hỏi “bảy lần tám là bao nhiêu?” lúc sau đột nhiên ông lại hỏi: “tám lần bảy là bao nhiêu”; mấy anh em chúng tôi đều trả lời chính xác. Riêng có anh cháu nội lười học hay bị ông phạt. Tôi biết, ông ngoại đã sớm tiên liệu, chỉ có con đường học hành, may ra mới cứu thoát con cháu khỏi cảnh nghèo, giữa vùng quê nheo nhóc, gian khổ này. Chúng tôi từ nhỏ đến lúc trưởng thành đều rất gắn bó, được ông bà ngoại, và Bá cưu mang. Đức độ của ông bà, sự quan tâm săn sóc dạy giỗ của ông bà ngoại và của Bá, để lại trong tôi tình cảm và lòng hiếu dễ sâu sắc. Ở trong tình cảnh xa bố, thiếu mẹ, chúng tôi nhủ lòng, không thể nào quên được công ơn đó.
         Năm 1950, thực dân Pháp mở rộng chiến tranh ra các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, đại gia đình tôi quay về vùng tạm chiếm Kim Lương, Kim Thành, Hải Dương. Tuy các gia đình nhỏ tách ra từ gia đình lớn, nhưng vẫn sống quây quần gần ông bà ngoại.
       Hằng ngày, ngoài công việc vặt gia đình, đến việc chăn trâu cắt cỏ, tôi vẫn được Bá cho đi học trường làng (anh trai con Bá vào chiến khu học). Tuy sống ở vùng địch hậu, ban ngày giặc có thể càn quét, nhưng ban đêm giặc đóng trong bốt. Chính quyền Việt Minh hoàn toàn làm chủ. Đêm đến, các đoàn thể thanh niên phụ nữ, du kích, mặt trận tổ quốc, thiếu nhi hoạt động rất chặt chẽ. Bản thân tôi tham gia đội thiếu nhi, thường xuyên được phân công canh gác theo dõi lính trong đồn. Hễ khi lính ra khỏi đồn vào làng, tôi kịp chạy báo cho cán bộ sơ tán, hoặc xuống hầm bí mật. Việc này với tôi hứng thú lắm, nên chạy đi chạy lại trong làng rất nhanh nhẹn. Lứa thiếu nhi trong thôn bấy giờ thì nhiều, nhưng số người được các bác tin cậy giao cho canh gác, bảo vệ cán bộ có anh Nguyễn Xuân Nghiệm, Nguyễn Văn Sử, cùng bạn của tôi như Nguyễn Văn Tĩnh, Hoàng Văn Huỳnh, Nguyễn Văn Thấn, Nguyễn Văn Ruyến, Hoàng Văn Rinh… Đó là những thanh thiếu niên nhiệt huyết một thời cùng thế hệ.
         Đêm đêm, trong luỹ tre làng, bên ánh đèn dầu, trai gái xóm tôi ghé đầu bên nhau hát những bài ca trữ tình trong chiến đấu, từ trên chiến khu Đông Triều mù sương, ai đó chép về, đại loại như bài “Chiều nay trên chiến khu, trong rừng chiều”… “Chinh chiến mắt quay về xóm cũ làng xưa/Chiều lên mù trong khói súng... /Nơi ấy có con đường tắm nắng vàng tươi/ Bờ tre nhà tranh vách mới/ Nơi ấy có cánh đồng mênh mông ngát hương/ Mùa lúa chín tiếng hát vang khắp đường…”.
         Tôi và mấy bạn trai gái trong thôn thuộc lắm  “Nhà anh có đàn em mắt ngây thơ má hồng/ Những chiều ngồi hát vui trên mình trâu/ Em bé dắt trâu về/ Gia đình làng mạc yên ấm/Tăng gia cày cấy đời đầy thanh bình...”.
          Đã qua gần 9 năm kháng chiến gian lao, từ người chiến sĩ đến người dân quê, ai cũng khát khao, ao ước sớm có một ngày thanh bình không còn tiếng súng.

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #5 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 10:23:41 am »

Đình chiến! Đình chiến! Hoà bình rồi! Hòa bình rồi!  Tin vui như lửa cháy rần rật khắp các thôn xóm đồng bằng. Trước đó, tin chiến thắng từ Điện Biên loan về, cán bộ thôn xóm đã đoán non, đoán già ngày Kháng chiên thắng lợi đến gần, bọn tề ngụy hoặc những kẻ liên quan đến thực dân ở quê tôi xẹp như gián. Khí thế các đoàn thể quần chúng dâng cao, thanh niên, thiếu niên náo nức họp hành. Tiếng trống đội cà rình, tiếng loa tay oang oang khắp xóm. Thấm thía những nhọc nhằn trong chiến tranh, chạy giặc, kiếm ăn, tin vui, đất nước thanh bình, khiến anh em tôi rạng rỡ mặt mày, trong lòng lâng lâng niềm vui, nhưng chúng tôi cũng da diết nhớ mẹ, nhớ em gái. Mẹ và em Thành không còn được chứng kiến những ngày vui của quê hương… Còn bố, bố đã bặt tin, không biết ông có còn sống? Có ai ngờ, trong Chiến dịch Thu Đông 1953, từ một trận đánh không cân sức, bố tôi bị thương, Pháp bắt làm tù binh đày ra đảo Phú Quốc, sau đưa ra Côn Đảo.
     Thế rồi ông đã trở về! Một buổi chiều sau ngày hòa bình, dễ đến hai năm sau, người lính bước xuống ga Phú Thái rồi đi bộ về làng như bao người lính phục viên khác. Thế hệ ông không có gì kỳ vọng hơn là làng xóm yên vui, đất nước thanh bình. Họ lại trở về với lũy tre, cày cuốc và gia đình. Thanh thản như làm xong bổn phận, “vui vẻ như cày xong thửa ruộng”. Chuyện về bố tôi, số là: Bố tôi được trao trả tù binh ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. Ông trở lại quân đội, đến đầu năm 1956 ông phục viên về địa phương, tiếp tục công tác.
         Làng xóm thanh bình. Dẫu vậy, xóm thôn vẫn còn nghèo. Những người lính vệ quốc đoàn, bộ đội tình nguyện như bố tôi lần lượt phục viên về làng.  Những bài hát về một thời chiến đấu gian lao trên chiến khu cũng theo các anh về. Trai gái lại gọi nhau chép tay, khe khẽ hát: “Màn đêm xuống không trăng sao, lòng tôi nhớ tới hôm nào, trở về làng, tôi vẫn nhớ, đời bộ đội quen với gian lao...”. Nghèo! Nhiều người lại ly hương, đi khắp mọi miền mưu sinh, kiếm sống.
     Năm 1956, làng xóm đang cải cách ruộng đất, nhịp sống đang phục hồi. Nhưng nhịp điệu chậm rãi của làng quê vẫn là nhịp điệu nghề nông, theo bước chân trâu, khiến đời sống hương quê không bật lên mạnh mẽ được.
      Ngay sau khi phục viên, bố tôi tham gia công tác ở xã. Dùng số tiền phụ cấp xuất ngũ, ông mua vật liệu, làm được ba gian nhà tre lợp rạ để đón con cái về đoàn tụ. Thời gian này, gia đình tôi được xếp vào thành phần bần nông, được chia góc con trâu và 11 sào đất để trồng cấy. Bố tôi tuy bị giặc bắt, nhưng còn khỏe, ông đi bước nữa.
           Anh em tôi đang tràn sức trai, khát vọng làm một  cái gì đó lớn lao hơn, nhưng không rõ hướng. Năm 1956, tôi học hết cấp một. Thời gian này ở huyện chưa có cấp hai. Tôi năng nổ vận động bạn bè cùng lứa tuổi, tổ chức lớp bổ túc văn hóa cấp hai, mời thầy giáo về dạy. Xã ủng hộ chúng tôi ngay. Chúng tôi đuợc địa phương đánh giá là lớp thanh niên có học, tiến thủ, nên đã giao cho chúng tôi giúp xã làm thống kê, tính thuế nông nghiệp, đo đạc ruộng đất cho dân.
           Được làm việc có ích, lại được đánh giá cao, anh em chúng tôi say sưa “công tác”. Những ngày ấy, bây giờ tôi vẫn nhớ, lòng người phơi phới, nhiệt huyết dâng trào. Những năm 1980 sau này, tôi cứ ao ước, làm sao thanh niên ta, con em tôi có được những khát khao dâng hiến, làm việc, như những ngày sau hòa bình ấy. Nghèo lắm, ai cũng nghèo mà niềm vui được làm việc lâng lâng đến thế!
      Với cuốn sổ trong túi ngực, cây bút máy Pa-ke gài bên, tôi đi các xóm suốt ngày, không biết mệt. Tôi tự hỏi và tự trả lời: Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc chưa hẳn đã cần sự đầy đủ, mà nằm trong một tương quan nào đó, rất cụ thể. Nó thúc dục người ta khát khao bước tới, dấn thân tự nguyện, đam mê làm việc, giúp người. Năm 1957, tôi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Tháng 5-1958, miền Bắc thực hiện đợt Nghĩa vụ quân sự đầu tiên (năm 1957 làm thí điểm ở Vĩnh Phúc).
      Chiều chiều tôi nhìn về phía Bắc, vòng cung Đông Triều mờ trong sương, núi Yên Tử thi thoảng mới ló ra trong mây mỏng như chiếc khăn voan trắng, rồi mờ đi bí ẩn trong mây. Bên kia núi là đâu? Miền đất ấy có gì hấp dẫn? Tôi cũng nghe bố nói về Quảng Yên, Móng Cái, về bến Sáu Kho, cảng Hải Phòng... cả đời tôi loanh quanh trong lũy tre mấy xã cùng huyện, chưa một lần qua sông Kinh Thầy, chưa một lần đi xa… Khát vọng được “thoát ly”, ngao du đây đó cứ đầy dần lên, thì đúng lúc có đợt tuyển quân. Rất may, tôi khám tuyển đủ tiêu chuẩn để nhập ngũ. Tôi lên đường làm nghĩa vụ quân sự một cách tự giác, lòng đầy quyết tâm. Trai làng nhìn chúng tôi thèm thuồng, còn tôi lòng đầy tự hào… “còn phải nói !!!”
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #6 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 10:24:30 am »

II



TRƯỞNG THÀNH TRONG QUÂN NGŨ



       Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, nhưng đất nước vẫn còn chia cắt làm hai miền. Năm 1958, Chính phủ thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, huy động lớp thanh niên ưu tú vào xây dựng Quân đội chính quy, hiện đại, để bảo vệ miền Bắc, tiếp tục sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Lớp thanh niên làm nghĩa vụ quân sự đầu tiên ở miền Bắc, khi đó được thực hiện tại ba tỉnh (Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An). Tôi vinh dự được tham gia lớp nghĩa vụ quân sự đầu tiên của tỉnh Hải Dương. Chúng tôi nhập ngũ vào ngày 19-5-1958 tại Lai Khê - Kim Thành.
       Sau lũy tre làng, quanh năm đếm đủ mười hai mùa trăng, tầm nhìn của tôi bị khuất dưới dãy núi Yên Tử xanh mờ phía Bắc. Những câu chuyện hằng ngày quanh quẩn với cấy trồng, cày bừa, họp đoàn thanh niên, bàn chuyện “nước, phân, cần, giống”… nay được đi xa, khác gì bơi quanh ao làng, bây giờ ra sông, ra bể lớn.
       Những năm tháng “rèn binh luyện cán” ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa là thời kỳ đáng nhớ của tôi. Nó đã đặt những “viên gạch” nền móng vững chãi để suốt 50 năm tôi tư duy, hành động, trưởng thành trong quân ngũ.
       Sau một tuần rèn luyện những “nghi thức” đầu đời chiến sĩ, đơn vị kiểm tra lại sức khỏe, cho anh em nhận quân trang, tập đội ngũ và dự Lễ Tuyên thệ để trở thành Bộ đội Cụ Hồ. Buổi tuyên thệ thật xúc động. Lời thề của lứa trai nguyện làm người chiến sĩ Cách mạng còn in đậm trong tâm trí lớp chúng tôi. Phía trước tôi sẽ là những thử thách cả về ý chí, tinh thần và nỗ lực rèn luyện trong công tác. Cũng phải nói thật, lúc đó, tôi chưa nhận thức đủ về việc trau dồi trí tuệ, coi trọng việc nâng cao kiến thức, mà nặng về quyết tâm khắc phục khó khăn, hăng hái lao động công tác. Thế thôi! Những nhận thức còn cảm tính, mang hơi hướm nặng về sách vở, khẩu hiệu. Trai làng vào bộ đội thế là tốt rồi.
      Ngay sau đó, chúng tôi lên đường hành quân về đơn vị mới. Đó là Sư 316 đóng quân ở huyện Tam Nông - tỉnh Phú Thọ. Ban đầu, nhìn cấp chỉ huy đại đội, uy nghiêm, gương mẫu, chúng tôi “tâm phục, khẩu phục” lắm! Ít khi chúng tôi thấy cán bộ trung đoàn. Trong suy nghĩ, cán bộ trung đoàn chắc “to” lắm, còn cấp sư đoàn thì… không hình dung nổi các chỉ huy và cơ quan “hoành tráng” đến mức nào. Tôi nhủ mình phải chấp hành nghiêm mệnh lệnh, từ Tiểu đội trưởng.
Lần đầu tiên xa nhà, xa quê hương, tình cảm của những người lính mới thật khó tả, vui buồn lẫn lộn. Vui vì đã chính thức là anh Bộ đội Cụ Hồ, mà bạn bè cùng lứa không phải ai cũng có vinh dự này. Còn buồn vì tình cảm vương vấn, nhớ nhung gia đình, quê hương, người thân. Một thằng con trai lần đầu xa quê, có lẽ ai cũng thế. Tôi đã có bạn gái thân thiết ở quê, cứ mỗi khi chiều về, sương viền bờ lũy, ven đồi cọ sương giăng bảng lảng, thấy bếp nhà ai bập bùng lửa đỏ, lòng tôi khôn nguôi nhớ mẹ, khắc khoải nhớ cha. Tôi lớn lên cha đã đi bộ đội, khi ông phục viên, tôi chỉ ở với ông được có hai năm. Mọi công việc gia đình tề gia nội trợ, ông phải làm thay mẹ chúng tôi,  nếu tôi còn ở nhà, có thể gánh vác giúp ông khi sớm tối.
 Còn bạn gái của tôi, thực sự chúng tôi chưa thề ước điều gì, chỉ cảm mến nhau, khi ấy thường gọi là đôi lứa đã “có cảm tình”. Hai đứa cùng học một trường. Tôi được nhập ngũ, em cũng mừng cho tôi, nhưng cả hai chúng tôi không ai nói về sự xa cách. Tôi chắc em cũng buồn. Hồi ấy, bọn con gái hay chép cho nhau bài thơ của nhà thơ Vũ Cao, có mấy câu hay, ai cũng thuộc “Anh đi bộ đội sao trên mũ, mãi mãi là sao sáng dẫn đường. Em mãi là hoa trên đỉnh núi, bốn mùa thơm mãi ngát hương thơm”…
Nhớ tới em gái miền quê, tôi tranh thủ  khi nghỉ, viết thư về luôn, dẫu mới xa nhà có ít ngày… Con tem quân đội nối hai niềm thương nhớ. Tôi nhớ như in, trên phong bì thư gửi cho người thương, tôi luôn kỳ công vẽ trang trí, thể hiện tình cảm tha thiết. Bây giờ ít thấy trai gái gửi thư, vì có điện thoại di động và nhắn tin, “chát” qua mạng. Tình cảm đôi khi chỉ là sự liên lạc đơn điệu. Hồi ấy, từng nét chữ cũng ẩn chứa nhiều thông điệp yêu thương. Một chiếc phong bì thôi, có nét riêng, không chỉ trao nỗi niềm, mà còn thể hiện sự ân cần, văn hoá, đôi khi còn “khéo” thể hiện “có hoa tay”, cả sự hào hoa.
Ngày đơn vị chuyển quân lên Phú Thọ, hôm ấy cha tôi bận công tác, anh Sử (anh trai tôi), thay cha lên thăm. Câu chuyện giữa hai anh em chủ yếu nhắc tới cha. Tôi bảo anh rằng, anh cố gắng giúp đỡ cha thay em. Giọng tôi lạc đi, mắt cay cay chực khóc. Anh Sử đặt tay lên vai tôi an ủi, động viên hãy yên lòng.
    Anh Sử của tôi, tuy chỉ lớn hơn tôi chút ít, nhưng anh luôn thể hiện mình là người anh, gương mẫu, tận tụy. Anh em tôi đều biết cuốc cày từ tấm bé, giúp Bá. Nhà có người đi bộ đội, bố phục viên, xã xét cho anh đi học Bổ túc công nông ở Đông Triều, Quảng Ninh. Có văn hóa cao, anh được gọi học Đại học sư phạm. Nhưng lên trường, đang học dở, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh phải bỏ ngang chừng. Anh lại về quê, vì thương bố vất vả, lại xa nhà. Về quê, anh theo phục vụ đội chiếu phim, được cái gần nhà, đỡ bố khi yếu đau. Thế rồi anh được trên phát hiện có văn hóa, cho đi học ở Liên Xô 7 năm. Về nước, anh là giáo viên Trường Điện ảnh Việt Nam. Thời gian sau, anh về làm Trưởng phòng kế hoạch Cục Điện ảnh. Trước lúc về nghỉ, anh là Tổng Giám đốc Fafilm Việt Nam. Những công việc ở hậu phương khi tôi đi chiến đấu, anh quan tâm thay tôi rất nhiều. Sau này, những sự kiện lớn ở làng xã, tôi đề xuất, anh Sử học cao hiểu rộng nên đều ủng hộ tôi, cùng tôi thực hiện bằng được.
       Sáu tháng huấn luyện tân binh, tuy khó nhọc, phải lăn lê bò toài, dầm nắng giãi mưa ở thao trường, nhưng so với khi còn ở nhà lăn lộn việc nhà nông, tôi thấy nhẹ nhàng, không có gì căng thẳng
      Tháng 11 năm ấy, kết thúc khóa huấn luyện tân binh, nhiều gia đình ở quê có điều kiện kinh tế lên thăm con em. Còn tôi, tuy bố và anh Sử không lên, tôi được ông cậu ruột đang học lớp chính trị viên đại đội ở Trường Sĩ quan tận trên Sơn Tây lên thăm, nên lòng tôi cũng thanh thản. Cậu tôi là Hoàng Văn Định, ông sinh năm 1932, trước anh Sử đến 7 tuổi, là con út của ông bà ngoại. Ông Định sau này tham gia chiến đấu chống Mỹ. Ông giữ cương vị Chính uỷ Lữ đoàn Pháo binh trực thuộc Bộ, ông cũng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, trước khi nghỉ ông là Phó Tư lệnh chính trị Binh chủng Pháo binh.

       Rồi đơn vị được lệnh chính thức chuyển lên Tây Bắc. Lên Tây Bắc, quê nhà càng xa thêm, nhưng tôi nghĩ đơn giản, mình mới biết Tây Bắc qua phim ảnh, ở đó có hoa ban, có các cô gái Thái trắng múa xòe rất xinh đẹp… nên tôi rất háo hức chờ đón nhiệm vụ.
Từ Phú Thọ lên Yên Bái được đi bằng xe lửa nên các anh lính trẻ rất phấn chấn. Bên khung cửa con tàu, nhiều cậu khe khẽ hát theo nhịp rung muôn thuở của bánh sắt “cạch cạch”, “cạch cạch” rộn ràng.  Đến chặng từ Yên Bái đi Điện Biên, phải hành quân bộ, lúc này nhiều lính trẻ tỏ ra ngao ngán. Không biết từ tiểu đội nào, lính ta có thơ truyền miệng cho nhau: “Ai đi Vụ Bản, Trường Nề, Ngày đi thì có ngày về thì không”.  Một số cán bộ khung trêu chúng tôi: Hành quân qua đèo Tạ Khoa, ai tụt lại sẽ bị hổ nó vồ… Tôi tự nhủ, trong kháng chiến, lớp bộ đội cha anh lên Điện Biên Phủ bằng con đường này, dọc đường còn bị máy bay và thổ phỉ bắn lén, cha chú vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Bây giờ mình hành quân trong hòa bình, đi ban ngày, đây là dịp để biết Sơn La, Điện Biên, “có người có ta”, nhất quyết không tụt lại sau.
      Hàng chục ngày xuyên núi, lội suối, leo dốc, vác nặng, chúng tôi hành quân tới thị xã Sơn La. Đây rồi, một thị xã miền rừng. Đã thấy phố núi thấp thoáng bóng khăn piêu trên đầu sơn nữ. Ai cũng ao ước có một ngày được ra chợ tỉnh, xem sản vật vùng sơn lâm, ngắm các cô gái dân tộc, cánh tay trần trắng ngần.
      Một sớm mai, sương chưa tan, thì đột nhiên đơn vị tôi có lệnh cắt một trăm tân binh cho Trung đoàn 148, đơn vị này đóng ở Nà Sản. Tôi có tên trong số đó, thế là bên lòng lấn cấn, cứ tiếc mãi vì không lên được Điện Biên Phủ, một địa danh nổi tiếng. Lên được tới Điện Biên sẽ là niềm vui lớn, khi viết thư về kể cho bạn bè dưới quê, tự hào lắm chứ!
      Từ đó tới tháng 3-1959, trong đội hình Trung đoàn 148, chúng tôi dừng huấn luyện, hăng say lao động xây dựng sân bay Nà Sản.  Sân bay Nà Sản nằm ven đường số 6, cách Hà Nội 300 km về phía Tây Bắc. Sân bay này được Pháp xây dựng vào khoảng năm 1950, phục vụ cho nhu cầu đi lại của thực dân, sau khi họ chiếm lại được quyền kiểm soát vùng Sơn La từ tay Việt Minh.
       Ban đầu, sân bay có một đường băng ngắn, chỉ là nền đất nện. Về sau được mở rộng kéo dài thêm và có nền lát ghi sắt, có thể đáp ứng cho loại máy bay Dakota cất và hạ cánh.
     Cuối tháng 10-1952, trước sự uy hiếp của Quân đội nhân dân Việt Nam ở vùng Nghĩa Lộ, có khả năng gây nên sự sụp đổ của tuyến phòng thủ ở phía tây sông Đà, Tướng Salan, Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương, đã quyết định rút tất cả lực lượng còn lại về Nà Sản. Người Pháp đã xây dựng một tập đoàn cứ điểm tại đây, xung quanh sân bay Nà Sản, nhằm ngăn chặn sức tiến công của Việt Minh. Từ ngày 30-11 đến ngày 2-12-1952, quân ta tấn công Nà Sản và đã đánh chiếm được một số cứ điểm, nhưng không đánh chiếm dứt điểm tập đoàn này. Sân bay Nà Sản trở thành nơi tiếp vận hàng không hữu hiệu, giúp cho quân Pháp cầm cự trước sức tấn công của ta. Vì vậy, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuyển sang thế bao vây, cô lập quân Pháp tại đây, cho đến khi quân Pháp rút lui khỏi Nà Sản. Lúc đó là đầu năm 1953.
      Ở quê tôi, hồi kháng chiến, tôi đã thấy máy bay Dakota, bây giờ mới biết sân bay, dài, rộng thế. Chúng tôi tới đây đào đắp rãnh thoát nước, tu sửa đường sá, đường băng… Khi nghe tin sân bay sẽ kéo dài đường băng để đón máy bay dân dụng lên, chúng tôi phấn khởi lắm, lao động say mê. Lúc ấy, chúng tôi đâu có hiểu ý đồ lâu dài, chiến lược, nhìn xa của trên. Sân bay này sẽ hỗ trợ toàn vùng Tây Bắc, cả tới Bắc Lào, lại là sân bay dự bị cho Điện Biên. Nghe nói từ đây sang Lào cũng chỉ trên trăm cây số.
      Tôi nhìn theo những dãy núi xanh, núi mờ chen núi đậm, rừng xa chen rừng gần. Không ai biết trước được, cuộc đời tôi sau này gắn với núi rừng nhiều như thế. Ban đầu là rừng núi Tây Bắc, rồi suốt dải rừng núi Tây Nguyên, rừng miền Đông Nam bộ. Sau này lật cánh hoạt động suốt dải núi rừng Đông Bắc. Trai đồng bằng xả thân với núi rừng mọi miền nhiều đến thế.

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #7 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 10:25:04 am »

Một ngày đầu năm mới, năm 1959, lúc hoa ban vừa e ấp sườn đồi, tôi được chọn đi học lớp Tiểu đội trưởng ở Lữ đoàn 335 dưới Mộc Châu. Chín tháng huấn luyện lớp “đầu binh, cuối cán”,  khi ra trường, tôi được phong hạ sĩ với chức vụ Tiểu đội phó (vì lúc này trong đơn vị, số tân binh chỉ chiếm một phần ba, còn các chiến sĩ tình nguyện chiếm hơn hai phần), nên chúng tôi cứ hát trêu nhau: “Lính cựu binh là lính Giơ ne, còn lính nghĩa vụ là lính tò toe” . Hát để tự hào chính  mình. Với cương vị cán bộ đầu tiên ấy, tôi tham gia huấn luyện cấp tiểu đội được một năm. Đến tháng 10-1960, tôi vui sướng, khi được chọn đi ôn văn hóa để đầu năm 1961 thi vào Trường Sĩ quan Lục quân. Từ lâu, nhìn những cán bộ chững chạc, “súng ngắn sao vành”, bước đi oai phong, tôi thầm mong ngày vào trường mau tới. Niềm vui ham học lại được hâm nóng, tôi gắng tiếp thu kiến thức, vì nhận thức rất rõ: Văn hóa là chìa khoá mở cửa vào khám phá những chân trời mới lạ. Ngay lúc đó tôi đã nhận thức được việc dốt văn hoá sẽ không cho mình đi đến đâu. Nếu muốn tiến bộ, phải có trình độ văn hoá cao.
     Ngày tôi có thư, thật là vui, biết anh Sử ở quê được xét đi học lớp Bổ túc công nông tại Đông Triều vì có bố là bộ đội, em trai đi nghĩa vụ quân sự. Những niềm vui, niềm vinh dự nhỏ nhoi ấy khuyến khích chàng trai trẻ như tôi rất nhiều trong học tập, công tác.
      Cuối năm 1960, kỳ phép đầu tiên đời quân ngũ đã đến với tôi. Đây cũng là bước ngoặt của cuộc đời. Lấy vợ! Em là Lê Thị Chiên, chúng tôi cùng trong một xã, những lúc gặp nhau tôi bối rối hơn. Chiên có phần mạnh bạo, nhưng ánh mắt ấy đã nói lên tất cả. Thầm thương, nhưng bố tôi rất nhạy cảm, ông biết tình cảm của chúng tôi. Khi tôi nhập ngũ, ở nhà ông lặng lẽ “canh giữ” cho con trai. Ông mong có  cô con dâu tương lai.  Bố tôi và mẹ kế ở nhà đã thỏa thuận xếp đặt ngầm với gia đình nhà Chiên, khi tôi về phép, các cụ quyết định tổ chức cưới cho chúng tôi.
       Nói là xếp đặt của gia đình, nhưng thực tế tôi và Chiên đã thương nhau. Ngoài chuyện khi còn nhỏ, hai đứa học chung một trường, trong những năm tháng xa nhau, nỗi nhớ về nhau cứ lớn dần lên, tôi cảm tưởng nếu không có Chiên thì cuộc đời tôi thiếu đi điều gì lớn lao lắm. Tôi hiểu Chiên như chính người thân của mình. Bố Chiên bị địch bắn chết từ năm 1948, mẹ đi bước nữa. Lớn lên, Chiên cũng ở với  bà ngoại như tôi. Khi tôi nhập ngũ, họ hàng ép Chiên lấy chồng, chỉ vì Chiên đang thì xuân sắc, lại có nhiều nơi ”dòm ngó”. Khi tôi nhập ngũ, Chiên trốn nhà xuống Hải Phòng làm công nhân may mặc. Về phép lần đầu, đây là lúc chúng tôi được bên nhau.
     Đám cưới thời bình thật đơn sơ mà tình cảm. Hai chúng tôi, bạn bè cho là: “ Đôi lứa xứng đôi”, cùng đi ”thoát ly” (ra ngoài), lại cùng làng xã, thành phần cơ bản, bộ đội lấy công nhân, còn gì bằng!
      Vui duyên mới không quên nhiệm vụ, câu nói như khẩu hiệu. Chúng tôi xác định lớn hơn thế nhiều. Chiên luôn nhủ tôi gắng công tác, không lo lắng gì hết. Dẫu sao công nhân cũng có lương hàng tháng, bộ đội cấp bé còn nghèo, nhưng nhu cầu khi đó cũng không nhiều, có cái xe đạp là sang trọng hơn người, với lại chúng tôi chưa có con, nên bằng an với hiện tại.
      Sau này, những năm tháng hậu bao cấp, thành phố Hải Phòng thông thương với nhiều cảng biển nước ngoài, mức sống dân nghèo, cán bộ công nhân chênh lệch, tôi thấy Chiên vất vả hơn nhiều, bởi khi đó con còn bé, khi đó đã có một lớp người buôn bán giàu nhanh, xã hội ganh đua làm giàu… Nghĩ đến thời ấy, mới cưới mà thấy lòng nhẹ nhõm. Xa nhau, chúng tôi luôn ở bên nhau trong tâm tưởng.
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #8 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 10:25:39 am »

     Ba năm tôi rèn luyện trong quân trường, bên xã Cổ Đông, thuộc huyện Tùng Thiện, Sơn Tây, bên đường sỏi đỏ. Những đêm đào hầm ven đồi, đá ong chọi xẻng tóe lửa. Những ngày gió núi hun hút thử thách ý chí học viên trong bài chiến thuật, trên tuyến xuất phát tiến công… Lại cả những ngày đi mò rong nuôi lợn cho nhà bếp, mãi tận đập tràn Trung Sơn Trầm, rét tê tái, chúng tôi mới thấm thía câu hát của ai “Rét nào bằng rét Sơn Tây, có cái nắng nào bằng nắng nơi đây, ơ hò…!!!”.  Câu hò loang trong nắng hanh vàng chiều trung du, lẩn trong những bức tường đá ong cổ xưa, hoang dã.  Những kỷ niệm về làng quê xứ Đoài ấy dễ gì quên. Đó là những cổng làng ngõ sâu hun hút, “tường đá ong âm thầm xây lời đất”, bạt ngàn là đồi sắn. Sắn xòe năm ngón lá như bàn tay dễ thương vẫy gọi người học viên Lục quân ra thao trường. Loài sắn luôn xanh tốt, gần gũi với xứ nghèo ở mọi miền. Sau này vào nam chiến đấu, nhìn năm ngón lá sắn (củ mì) rung rinh trong chiều, bên trận địa còn vương mùi khói súng, tôi lại nhớ Sơn Tây, nhớ xứ Đoài những tháng năm rèn tập.
       Học ở trường, chúng tôi vẫn lĩnh phụ cấp Hạ sĩ quan, nhưng bù lại, chúng tôi được cấp quân trang áo bốn túi và giày đen. Là lứa tuổi thanh niên, chúng tôi rất hào hứng và hãnh diện với quân phục mới (khi ấy sĩ quan mới có áo bốn túi. Bao vất vả, nhọc nhằn trong quá trình rèn luyện, chúng tôi đều quyết tâm vượt qua. Mỏ Chén đã trải, Đồng Gioi đã từng, năm 1961, lớp chúng tôi vinh dự được cấp trên cho tham gia duyệt binh ở Quảng trường Ba Đình - Hà Nội nhân dịp Quốc khánh 2-9. Lần duyệt binh đầu tiên tôi được tham dự. Nhìn lên lễ đài, nhìn Quốc kỳ bay trong gió sớm, người tôi run lên một cảm xúc mạnh mẽ. Từ lễ Quốc khánh đáng nhớ ấy, đánh dấu bước chuyển biến nhận thức của tôi một cách rõ ràng, mạch lạc, về bổn phận bảo vệ Tổ quốc của tuổi trẻ.
      Hơn một ngàn ngày rèn luyện ở Trường Sĩ quan Lục quân, chúng tôi đã tải một khối lượng kiến thức khá lớn, không ít vất vả. Về chiến thuật: Học chiến thuật học ba cấp cả trong tiến công, trong phòng ngự trên các địa hình (đồng bằng, trung du, miền núi, thành phố) cách đánh địch trong công sự vững chắc, đánh tập kích, phục kích, đánh giao thông và đánh cả đổ bộ đường không… Về kỹ thuật: Chúng tôi phải học sử dụng các loại súng trang bị cho bộ binh từ (súng ngắn, súng trường, súng trung liên, thượng liên, đại liên, cối 60 ly, cối 82 ly và DKZ). Ngoài ra, chúng tôi còn học sử dụng các loại súng địch trang bị cho quân ngụy và quân Mỹ ở chiến trường. Riêng môn bắn súng, chúng tôi phải học 28 bài, từ bắn cá nhân đến bắn tiểu đội, trung đội, đại đội trong chiến đấu. Cuối khóa học đều được diễn tập chiến đấu dưới điều kiện có vũ khí nguyên tử. Tôi không thể kể hết được những môn khác nữa, như thể thao, chính trị, tổ chức hậu cần, quản lý bộ đội. Nói chung, được đào tạo như vậy trong nhưng năm 60, có thể nói là khá bài bản.
     Tháng 4-1964, bế mạc khóa 13, chúng tôi rất vinh dự được đón Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm và giao nhiệm vụ. Trong số học viên học giỏi toàn khóa được giữ lại, tôi được phong quân hàm thiếu úy (Khóa 13 có tới 40% học viên tốt nghiệp chỉ phong quân hàm chuẩn úy, dù học tới 3 năm). Vinh dự tự hào biết bao, chúng tôi rủ nhau ra Sơn Tây chụp ảnh, tấm ảnh sĩ quan trẻ, tô màu, trông chững chạc lắm. Lại chia tay nhau, kẻ ở người đi bịn rịn. Tôi ở lại trường, được bổ sung về Khoa giáo viên quân sự. Bước đầu ở khoa, tôi lo nhất về kiến thức sư phạm, làm sao vừa giảng bài, vừa thị phạm cho thuyết phục. Nhìn các thầy giáo giảng bài mạch lạc, bình tập, tôi nghĩ, làm sao để theo kịp các thầy lớp trước.

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #9 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 10:26:14 am »

Mồng 5 tháng 8 năm 1964, Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và sau đó là toàn miền Bắc. Tất cả đội ngũ cán bộ giáo viên Trường Sĩ quan Lục quân đều viết đơn xin được ra đơn vị nhận quân đi chiến đấu. Lòng tôi bồn chồn khó tả, đây là cơ hội được đi chiến đấu. Chiến tranh phá hoại đã lan ra toàn miền. Tuy nhiên, trong lòng tôi cũng chen lẫn tâm trạng lo âu rằng vợ tôi đang ở Hải Phòng, trọng điểm đánh phá, liệu có an toàn? Dẫu sao cũng còn chính quyền, địa phương… nghĩ vậy lòng tôi tạm yên.
      Mong được, ước thấy, tháng 5-1965, tôi và nhiều giáo viên Trường Sĩ quan lục quân được điều về Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 nhận công tác. Đời bộ đội, nhiều người liên tục chuyển đơn vị, khi thì ở sư đoàn này, khi về Binh chủng khác. Cũng không ngờ, kể từ tháng 5-1965 cháy bỏng chiến tranh ở hai miền, tôi lại gắn bó với “Hai linh chín” và từ đó cho đến cận ngày chiến thắng, tôi nằm trong đội hình 209 lâu thế, cùng với 209 chứng kiến những năm tháng gian nan, vất vả, nhưng đầy tự hào. Những năm tháng hào hùng, cùng Trung đoàn bộ binh danh tiếng.
     Được giao làm trung đội trưởng, khi đó tôi luôn cố gắng thực hành huấn luyện, quản lý bộ đội, sao cho sức chiến đấu luôn được tăng cường. Có lệnh là trung đội lên đường ngay. Miệng nói tay làm, xem ra tôi cũng có khiếu thuyết phục anh em bằng lý lẽ và hành động. Tháng 11-1965, từ trung đội trưởng, tôi được cử đi học lớp chuyển loại cán bộ quân sự sang cán bộ chính trị. Lý luận chính trị tôi không ngại, nhưng cái mới là thực hành làm công tác chính trị tôi còn hổng nhiều, bước vào soạn thảo nghị quyết, phân tích tình hình, nắm bắt tư tưởng bộ đội là các vấn đề tôi luôn chăm chú. Ngay từ những ngày ấy, tôi đã hiểu và tự nhủ, với bộ đội phải nói rõ khó khăn, thuận lợi, không được lên gân, tuy nói thẳng có thể hay mất lòng.
       Chẳng bao lâu, đã tới tháng 5-1966. Thành tích học tập của tôi xếp loại khá. Hết khoá, tôi được bổ nhiệm là Chính trị viên Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, thuộc trung đoàn cũ của tôi, Trung đoàn 209.
     Gần một năm qua nhanh. Đầu năm 1967, đại đội tôi về nhận quân ở huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Số anh em này sức khoẻ khá, văn hoá cũng cao, anh em được huấn luyện kỹ trong một năm, cuối năm 1967, toàn Trung đoàn 209 được trang bị mũ sắt, mang súng AK báng gập, có lưỡi lê đồng thời là kìm cắt rào gai B41. Lần đầu tiên trung đoàn được trên trang bị súng chống tăng B41, hoả lực đi kèm khá mạnh, trông rất oách. Tiếp đó, cả Trung đoàn tham gia cuộc diễn tập “Hành quân đường dài chiến đấu liên tục” qua 4 tỉnh: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Sơn Tây rồi Hòa Bình. Sau đó đơn vị dừng lại ăn Tết Mậu Thân 1968 ở Kim Bôi,  Hòa Bình.
     Nhìn đoàn quân ăn mặc chính quy, kỷ luật nghiêm, nhiều chỉ huy lớp trên của chúng tôi bảo, lần đầu tiên mới có một đơn vị trang bị mạnh như thế, lính được huấn luyện “ngon” như thế! Các anh tiên đoán, sớm muộn chúng tôi sẽ được điều đi chiến trường. Quả nhiên giữa năm 1967, cấp trên cho chúng tôi tranh thủ về thăm nhà được một tuần.
     Tôi linh cảm lần này sẽ đi xa, đi lâu, vào sâu. Phương tiện đi lại lúc bấy giờ chủ yếu là đi bộ, ai khá hơn có xe đạp. Tôi mượn được xe đạp, phải đạp từ Thái Nguyên về Hải Phòng. Cả đi lẫn về đều đi ban đêm, tránh máy bay, với lại lính về phép phải tranh thủ từng giờ. Con trai đầu của tôi, cháu Nguyễn Mai Sơn sinh năm 1962, lúc này đã 5 tuổi. Sơn mắt đen láy, ngô nghê nói chuyện với bố, tay mân mê ngôi sao vàng gắn trên mũ. Chúng tôi đặt tên cháu là Sơn, kỷ niệm năm tháng về xứ Đoài, Sơn Tây rèn luyện. Nhìn con, tôi thầm mong, đơn vị sẽ đi nhanh vào chiến trường chiến đấu, chiến thắng, để trở về. Cũng không ngờ cuộc chia tay năm 1967 ấy kéo dài tới năm 1976, cũng lại một cuộc trường chinh 9 năm gian nan, xa cách.
      Đêm chia tay vợ và con, tôi cố tỏ ra cứng rắn để Chiên yên lòng. Làm sao không xao xuyến, đi chiến trường đâu phải đi dạo. Vừa đạp xe vừa ngoái lại, vầng sáng bến Sáu Kho Hải Phòng cứ mờ dần trong đêm. Sau này ở Miền Đông Nam bộ, về Dầu Tiếng, nhìn về hướng Sài Gòn thấy vầng sáng chập chờn trong ánh hoả châu, tôi lại da diết nhớ Hải Phòng đêm ấy, lại liên tưởng về nơi vợ con tôi ở đó. Câu thơ của nhà thơ Lê Anh Xuân lúc đó, nghe trên Đài Giải phóng, qua giọng ngâm của chị Linh Nhâm thấy tim đập xốn xang niềm xúc động.
      Lại cả khi tôi về Đặc khu Quảng Ninh, nhiều đêm về đợi Phà Rừng, Phà Khuể, nhìn về vầng sáng Hải Phòng vẫn thấy còn nguyên cảm xúc ngày xa nhà đi chiến đấu. Cái thành phố nằm xuôi với biển, có nét riêng rất nhớ, mỗi khi ta vắng xa nơi này. Đúng là: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”.

Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM