Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 10:44:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời binh nghiệp  (Đọc 53540 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #40 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 11:09:54 am »

          Nội dung lớp đào tạo cán bộ chiến dịch - chiến lược được xây dựng từ các ý tưởng nào? Được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng, Học viện tổ chức khảo sát đội ngũ cán bộ chủ trì ở cấp quân đoàn, quân chủng, quân khu. Tôi thay mặt Ban giám đốc giao nhiệm vụ cho một số đồng chí cán bộ ở Cục Huấn luyện - Đào tạo, Cục Chính trị, Viện Khoa học nghệ thuật quân sự và một số khoa trực tiếp đến các Bộ tư lệnh và các cơ quan cấp chiến lược trao đổi, nghiên cứu tìm hiểu. Những đơn vị ở xa không có điều kiện đến trực tiếp, Học viện gửi phiếu trưng cầu ý kiến về các vấn đề nêu trên và tổ chức gặp mặt những tướng lĩnh đã qua cương vị  lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch, chiến lược để xin ý kiến. Những thông tin thu thập được tổng hợp về Ban giám đốc Học viện cho ý kiến. Trên cơ sở đó, Học viện tiến hành trao đổi để xác định rõ những tiêu chí về phẩm chất và năng lực của cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược làm cơ sở để xác định mục tiêu đào tạo, xây dựng chương trình, nội dung, kiến thức trang bị cho người học.
Sau một số lần trao đổi, hội thảo, chương trình, nội dung lớp đào tạo cán bộ chiến dịch - chiến lược được xây dựng gồm 5 khối kiến thức: Khối kiến thức cơ bản và cơ sở; khối kiến thức về quốc phòng - an ninh; khối kiến thức về khoa học nghệ thuật quân sự - chủ yếu về nghệ thuật tác chiến chiến dịch, chiến lược bao gồm cả sử dụng quân, binh chủng, ngành; các kiến thức cần thiết khác và cuối cùng là viết luận án về chiến dịch, chiến lược thì tốt nghiệp.
Từ xác định bước đầu, Học viện xác định viết các chuyên đề để giảng cho lớp chiến dịch, chiến lược. Học viện triển khai viết gần 70 chuyên đề, đòi hỏi cao, yêu cầu có chất lượng tốt. Bước vào năm học 2000 – 2001, các chuyên đề được lần lượt thông qua về cơ bản. Chưa có thời kỳ nào mà Ban giám đốc Học viện, các hội đồng khoa học và các khoa, cơ quan của Học viện làm việc "hết công suất" như thời gian này. Cũng chính các lần thông qua này mà mỗi cán bộ, giảng viên được dự đã tự bồi dưỡng cho mình những kiến thức cần thiết cấp chiến dịch, chiến lược.
Thách thức khó khăn lớn nhất của Học viện lúc ấy là nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giảng viên. Thường vụ và Ban giám đốc chúng tôi lại bàn bạc nhất trí tập trung vào mấy khâu chính: Động viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm cán bộ, đảng viên; xác định những nội dung, đối tượng cần bồi dưỡng cùng phương pháp và thời gian bồi dưỡng. Tôi được phân công dự Đại hội Đảng bộ Cục Huấn luyện - Đào tạo và Khoa Chiến lược. Đại hội Đảng bộ Cục Huấn luyện - Đào tạo lần thứ VII, nhiệm kỳ 2000 - 2005 thảo luận rất sôi nổi và nhất trí cao.
Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng trong nội bộ Học viện, Ban giám đốc đã mời những tướng lĩnh đã qua lãnh đạo, chỉ huy ở các cơ quan chiến lược, chỉ huy tác chiến chiến dịch đến phổ biến, trao đổi kinh nghiệm. Đại tướng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà nói về tình hình, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang, của quân đội ta trong giai đoạn cách mạng mới; Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo nói về kinh nghiệm chỉ huy điều hành chiến dịch tiến công, phương pháp gạn lọc, xử trí tình huống chiến dịch; Trung tướng, Phó giáo sư Lê Hữu Đức trao đổi kinh nghiệm làm kế hoạch tác chiến chiến lược; Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu nói về tác chiến trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao ở Cô-xô-vô, Nam Tư 1999 v.v... Qua đó, cán bộ, giảng viên có điều kiện đối chiếu nhận thức lý luận với kinh nghiệm thực tiễn để hình thành nhận thức mới, phát triển tư duy.
Sau gần hai năm nỗ lực phấn đấu (9/1999 - 7/2001), các mặt công tác chuẩn bị cho lớp đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược đã cơ bản hoàn thành. Tôi hồi hộp và vui khi phía sau là những công việc bộn bề đã được chuẩn bị kỹ. Tranh thủ cuối dịp nghỉ hè 2001, Học viện tổ chức tập huấn cán bộ, giảng viên về tác chiến chiến lược.  Đầu tháng 9-2001, Học viện tổ chức trọng thể lễ khai giảng năm học, trong đó có khoá 1 đào tạo cán bộ chiến dịch - chiến lược. Thời gian khoá học 10 tháng với khoảng 2.500 tiết.
Với người dạy, khối lượng nội dung học tập nhiều, hướng chung trong đào tạo, chúng tôi chỉ đạo là giảm giờ lên lớp, giảng viên chỉ tập trung vào trọng tâm, trọng điểm, “nêu vấn đề”, tổ chức các xê-mi-na, gợi mở hướng nghiên cứu để học viên tự tìm lời giải đáp, khẳng định chân lý.
Với người học, trên cơ sở hướng dẫn của giáo viên, học viên tìm đọc các tài liệu, tự nghiên cứu, luận giải, chứng minh vấn đề chuẩn bị cho thảo luận ở tổ, hội thảo ở lớp. Giảng viên kết luận những vấn đề đã thảo luận thống nhất, gợi mở những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu phát triển cho phù hợp với tình hình mới; định hướng nghiên cứu các vấn đề còn tranh luận để làm sáng tỏ vào các buổi thảo luận sau.
Phương pháp dạy học đã phát huy dân chủ, tích cực, trí tuệ của người học, làm cho mỗi tiết học, buổi học trở nên hứng thú, sinh động, cuốn hút mọi người tự giác, chủ động tham gia, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Để đi đến thống nhất và kết luận khoa học, người học không chỉ tiếp thu qua người giảng mà còn tham gia vào quá trình hoàn thiện của lý luận, đường lối, nâng cao năng lực tư duy và lãnh đạo, chỉ huy của mình.
Năng lực tư duy là sản phẩm tổng hợp của nhiều yếu tố hợp thành, gồm: Bản lĩnh chính trị, bản lĩnh lãnh đạo chỉ huy, vốn tri thức, khả năng nắm bắt thực tiễn, năng lực tư duy trừu tượng, khái quát, tư duy lý luận khoa học; phong cách tư duy khoa học. Theo đó, chất lượng và hiệu quả tư duy của học viên ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở tầm chiến dịch, chiến lược. Quá trình nâng cao năng lực tư duy phải hướng vào việc hoàn thiện và phát triển các yếu tố hợp thành năng lực tư duy.  Chúng tôi luôn cho rằng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chiến dịch - chiến lược phải có tầm "bao khắp không gian, xuyên suốt thời gian", biết "dĩ bất biến, ứng vạn biến"; học mười có thể thâu tóm thành một, biết một có thể suy ra mười. Phải theo 6 đức tính của người tướng: Nhân, Trí, Tín, Dũng, Liêm, Trung như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
Để có một cuốn sách tham khảo chuyên sâu về nâng cao năng lực tư duy... theo đề nghị của Học viện, Cục Khoa học, Bộ Quốc phòng đã đồng ý cho mở đề tài nghiên cứu cấp Bộ về "Nâng cao năng lực tư duy cho cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược" do tôi làm Chủ nhiệm đề tài. Trên cơ sở đó, Học viện đã viết thành một chuyên đề về vấn đề này để giảng dạy cho các lớp đào tạo cán bộ chiến dịch - chiến lược nắm vững về mặt lý luận để vận dụng vào học tập, rèn luyện trong quá trình học tập tại Học viện và ra đơn vị công tác sau này.
Để tạo sự đồng bộ trong các Bộ tư lệnh, giữa cán bộ chỉ huy, lãnh đạo và cán bộ tham mưu chủ trì các cơ quan, Học viện Quốc phòng mở lớp bồi dưỡng tham mưu chiến dịch - chiến lược. Thời gian học một học kỳ - 5 tháng. Đây là những cán bộ cấp phòng thuộc các bộ tham mưu và các cục của cấp chiến dịch, chiến lược.
Chủ động bồi dưỡng đội ngũ giảng viên huấn luyện chiến dịch, chiến lược, từ năm học 2001 - 2002 trở đi, hằng năm Học viện đều mở lớp Bồi dưỡng giảng viên chiến dịch, chiến lược. Những đồng chí là giảng viên Học viện Quốc phòng chưa qua đào tạo, bồi dưỡng chiến dịch, chiến lược và những đồng chí mới được điều về làm giảng viên ở Học viện đều phải qua lớp bồi dưỡng giảng viên này.
Ngày 3-1-2002, Học viện Quốc phòng tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 25 năm ngày Truyền thống (03/01/1977 - 03/01/2002). Nhân dịp này, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương đã ký Quyết định tặng thưởng Học viện Quốc phòng Huân chương Độc lập hạng nhất.
         Sau một năm phấn đấu quyết liệt, ngày 16-7-2002, Học viện long trọng tổ chức Lễ bế giảng cho 4 khoá đào tạo. Điểm nổi bật trong lễ bế giảng năm nay có tới 3 trên 4 khoá tốt nghiệp theo mục tiêu đào tạo mới, đó là: Khoá 1 đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược; khoá 1 đào tạo giảng viên chiến dịch - chiến lược và Khoá 1 bồi dưỡng tham mưu chiến dịch - chiến lược. Để đảm bảo chất lượng cho các khoá đào tạo, lần đầu tiên khoá học được đi nghiên cứu, học tập dài ngày trên các địa bàn chiến lược của cả nước, được nghiên cứu thực tế ở Đại học Quốc phòng Trung Quốc và một số cơ sở khác của bạn, được luyện tập tác chiến chiến lược một số loại hình tác chiến trên từng chiến trường Bắc, Trung, Nam của Việt Nam, tác chiến trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, diễn tập tác chiến phòng thủ quân khu.
Kết quả huấn luyện - đào tạo năm học 2001 - 2002 đã được Đảng uỷ Học viện đánh giá: Đối với lớp đào tạo chiến dịch - chiến lược, Đảng uỷ đã lãnh đạo chặt chẽ từ việc xây dựng chương trình, nội dung, giáo trình chuyên đề giảng dạy được nghiên cứu biên soạn công phu, phương pháp dạy và học thường xuyên được tổ chức rút kinh nghiệm và đổi mới. Trong lãnh đạo học tập đã phát huy tốt động cơ, trách  nhiệm, tính tự giác, tinh thần làm chủ và tư duy độc lập sáng tạo của người học... So với ngày đầu vào học, học viên đã tiếp thu và nâng cao trình độ của mình lên một bước khá lớn. Khoá học đã được thực hiện đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra, qua tổng kết khoá học, học viên đánh giá cao, đơn vị thừa nhận. 
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #41 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 11:10:27 am »

   Thực hiện đổi mới về huấn luyện-đào tạo các đối tượng là cán bộ cao cấp của quân đội ta, trong 10 năm từ 1997 đến 2007, Học viện đã  đào tạo, bồi dưỡng hơn 70 khoá học tốt nghiệp ra trường với trên 5.000 học viên. Số khoá đào tạo và số học viên tốt nghiệp trong thời gian này đã xấp xỉ với số khoá đào tạo và số học viên ra trường của 20 năm trước (1977 - 1997). Đặc biệt, có những khoá đào tạo theo mục tiêu mới cao hơn như đào tạo cán bộ cấp chiến dịch-chiến lược, cán bộ tham mưu chiến dịch - chiến lược, giảng viên chiến dịch - chiến lược; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho các đồng chí là quân nhân trúng cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… Hầu hết các đồng chí tốt nghiệp ở Học viện ra công tác đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều đồng chí phát triển, trưởng thành đã và đang đảm nhiệm những trọng trách quan trọng của Đảng, quân đội. Trong đó có đào tạo 11  khoá cao học khoa học quân sự (từ khoá 4 đến khoá 14) với gần 500 thạc sĩ và 10 khoá nghiên cứu sinh, có gần một trăm đồng chí đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; 6 giáo sư, 40 phó giáo sư… có những đồng chí là nhà khoa học đầu ngành về khoa học nghệ thuật quân sự của quân đội và của quốc gia.
      Như vậy, chủ trương nâng tầm tư duy từ tư duy chiến thuật - chiến dịch lên tư duy chiến dịch - chiến lược ở Học viện Quốc phòng đã được thực hiện khẩn trương, quyết liệt từ năm 1999 đến năm 2002, trước hết là nâng tầm tư duy và năng lực trí tuệ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện nhằm đáp ứng chuyển đổi mục tiêu đào tạo, từ đào tạo sư đoàn trưởng lên đào tạo cán bộ chiến dịch - chiến lược. Nâng tầm tư duy thành công đã thực sự làm chuyển biến về chất công tác đào tạo ở Học viện Quốc phòng. Từ đó về sau, nhiệm vụ nâng cao năng lực tư duy đã trở thành việc làm thường xuyên phù hợp với quy luật phát triển, đổi mới của các thế hệ cán bộ, giảng viên ở Học viện Quốc phòng, làm cho trình độ năng lực tư duy của đội ngũ cán bộ đảng viên ở đây ngày càng sâu sắc, tiếp cận gần với chân lý.
Sau hơn 20 năm, tới năm 1997, với nỗ lực phấn đấu, trình độ giảng viên ở Học viện đã có bước tiến quan trọng, gần 100 % số anh em được đào tạo, bồi dưỡng tại học viện, có trình độ đại học trở lên, 65% là phó giáo sư, 20% là tiến sĩ...Trong đó có 17 nhà giáo ưu tú.
Tôi vui mừng vì chủ trương nâng tư duy lên tầm cao mới đã đáp ứng nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cao cấp của quân đội ta để có đủ phẩm chất, năng lực trí tuệ lãnh đạo, chỉ huy đơn vị cấp chiến dịch - chiến lược thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đưa Học viện Quốc phòng xứng với vị trí, tầm cỡ là một trong những Học viện lớn của quốc gia, ngày càng có vị trí, uy tín trong khu vực và trên thế giới.

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #42 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 11:11:16 am »

XI


                         
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC


   Để Học viện Quốc phòng phát triển toàn diện trong thời kỳ cách mạng khoa học công nghệ nói chung và cách mạng khoa học trong lĩnh vực quân sự nói riêng trên thế giới đang phát triển như vũ bão, đa dạng, đột biến nhanh chóng, tôi đã cùng Ban giám đốc Học viện đầu tư mọi nguồn lực, thời gian, nhằm nâng tầm nghiên cứu khoa học lên tầm cao mới, để Học viện Quốc phòng trở thành một Trung tâm khoa học Quốc phòng-quân sự của quân đội và của quốc gia.
   Chính vì lẽ đó, tôi đã tìm hiểu và nghiên cứu kỹ Nghị định 188/CP của Thủ tướng Chính phủ: Nghiên cứu khoa học là một trong hai chức năng chủ yếu và là một trong 4 nhiệm vụ của Học viện Quốc phòng. Nghiên cứu khoa học ở học viện, nhà trường ở bậc đào tạo đại học đều có vị trí rất quan trọng, luôn gắn bó mật thiết và quyết định đến chất lượng giáo dục - đào tạo. Học viện Quốc phòng là học viện cao nhất trong các học viện, nhà trường quân đội thì vị trí, vai trò của nghiên cứu khoa học lại càng quan trọng, không chỉ đáp ứng cho nhiệm vụ huấn luyện-đào tạo của học viện, mà còn đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam, của khoa học quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.   Theo quy chế tổ chức và hoạt động của Học viện Quốc phòng do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ban hành ngày 07-11-1995 về nghiên cứu khoa học, quy chế xác định: Học viện Quốc phòng thực hiện chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học quân sự và quốc phòng, trong đó chủ yếu là nghiên cứu các vấn đề nghệ thuật quân sự, tham gia nghiên cứu để giải quyết các vấn đề về xây dựng tiềm lực quốc phòng, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với an ninh và ngoại giao, góp phần đưa những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào phục vụ sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
   Trải qua 20 năm thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học (1977- 1997), Học viện đã hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu: 2 đề tài cấp Nhà nước, hơn 100 đề tài cấp bộ, cấp ngành (Tổng cục) và hàng trăm đề tài cấp cơ sở (Học viện). Điển hình như đề tài cấp Nhà nước "Kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá" (1996). Đề tài cấp Bộ có: "Tổ chức hội đồng quốc phòng, tổ chức chuẩn bị đất nước chống xâm lược” (1988); "Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN" (1989); "Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về tạo lực, lập thế, tranh thời trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc" (1997)... Nhiều đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc, được vận dụng vào thực tiễn xây dựng, huấn luyện đạt hiệu quả cao.
   Những thành tựu về nghiên cứu khoa học của Học viện nêu khái quát ở trên rất đáng khâm phục, tự hào và trân trọng. Song so với nhiệm vụ, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng của Học viện trong giai đoạn mới còn nhiều bất cập cả về tổ chức nghiên cứu và trình độ nghiên cứu. Về tổ chức, phòng nghiên cứu khoa học tuy đã được nâng lên thành Viện khoa học nghệ thuật quân sự vào giữa năm 1996, gồm có 3 ban chuyên môn, nhưng nhân sự bố trí vừa mỏng vừa yếu, năng lực mới thực hiện chức năng quản lý khoa học. Về trình độ nghiên cứu nhìn chung còn nhiều hạn chế, chủ yếu nghiên cứu về đấu tranh quân sự trong chiến tranh, về nghệ thuật tác chiến ở tầm chiến thuật, chiến dịch.
     Những nội dung mới về bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh, về nghệ thuật tác chiến ở tầm chiến dịch, chiến lược đang đặt ra bức thiết đối với Học viện, không ngoài ai khác mà chính là đội ngũ cán bộ, giảng viên Học viện phải tự nghiên cứu biên soạn.
   Thực trạng trên không khỏi làm cho tôi và cả Học viện băn khoăn, lo lắng. Sau những suy tư, trao đổi, học hỏi, tôi đưa ra bàn trong Thường vụ và Ban giám đốc tìm cách tháo gỡ. Các anh đều nhất trí, trước hết phải củng cố và tăng cường cán bộ cho Viện khoa học nghệ thuật quân sự, tổ chức lại lực lượng nghiên cứu khoa học của Học viện, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiên cứu và có cơ chế thoả đáng, bảo đảm, động viên mọi người hăng hái tham gia nghiên cứu khoa học.
   Đối với Viện khoa học, bước đầu thường vụ Đảng uỷ và Ban giám đốc phân công đồng chí Thiếu tướng Vũ Văn Kiều, Phó giám đốc Học viện phụ trách khoa học kiêm Viện trưởng Viện Khoa học nghệ thuật quân sự; đến đầu năm 1999, theo đề nghị của Học viện, đồng chí Đại tá Phạm Văn Giới chủ nhiệm Khoa Nghệ thuật chiến dịch được Bộ bổ nhiệm giữ chức Viện trưởng Viện khoa học nghệ thuật quân sự; đồng chí Đại tá Lại Quốc Thịnh, Phó khoa Phương pháp được bổ nhiệm Phó viện trưởng Viện Khoa học và Học viện điều động nhiều cán bộ, giảng viên có năng lực nghiên cứu về Viện Khoa học; 3 ban của Viện Khoa học được nâng lên thành 3 phòng: Phòng Kế hoạch, Phòng Nghiên cứu và Phòng Phương pháp. Với tổ chức mới, nhân sự mới, Viện Khoa học có đủ khả năng làm tròn chức năng quản lý khoa học và là nòng cốt trong nghiên cứu khoa học, có nhiệm vụ tham mưu đề xuất những vấn đề nghiên cứu khoa học, tổ chức đôn đốc kiểm tra thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, trực tiếp  tham gia nghiên cứu và giảng dạy về lý luận nghiên cứu khoa học quân sự.
   Ở Học viện, tôi xét thấy lúc này phải tổ chức thành hai Hội đồng khoa học: Hội đồng khoa học nghệ thuật quân sự và Hội đồng khoa học xã hội - nhân văn quân sự. Đến năm 2003, Học viện Quốc phòng thực hiện theo biểu biên chế mới của Bộ. Học viện từ 19 khoa, tổ chức biên chế thành 10 khoa giáo viên, số giảng viên có học vị và chức danh tăng lên. Nhiều khoa đã tổ chức được Hội đồng chuyên ngành của khoa. Tổ chức nghiên cứu khoa học ở các lớp học, nhất là những lớp đào tạo dài hạn được củng cố và duy trì hoạt động có hiệu quả. Được sự đồng ý của trên, Học viện thành lập Phòng Thông tin khoa học công nghệ - môi trường (1998), nâng nội san Nghiên cứu nghệ thuật quân sự lên thành Tạp chí Nghệ thuật quân sự, củng cố thư viện… đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ cho nghiên cứu khoa học.
   Cùng vối việc củng cố và tăng cường về mặt tổ chức, Học viện còn tổ chức các buổi bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Phòng Phương pháp của Viện Khoa học truyền đạt về lý luận nghiên cứu khoa học quân sự. Các chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu khoa học được mời đến giới thiệu kinh nghiệm viết một chuyên đề, viết một công trình (đề tài khoa học quân sự). Những công trình khoa học đã nghiên cứu nghiệm thu đạt loại xuất sắc được đưa ra nghiên cứu tham khảo, học hỏi…, những thông tin mới nhất được cập nhật kịp thời, đồng thời Học viện tích cực động viên, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mọi người và thực hiện đúng chế độ trả thù lao cho các công trình nghiên cứu khoa học. Tất cả việc làm trên đã tạo nên nguồn lực mới, động lực mới với quyết tâm mới cho nghiên cứu khoa học ở Học viện phát triển.
   Kế thừa kinh nghiệm của các thế hệ lãnh đạo trước, trong quá trình chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học, tôi luôn nắm vững nhiệm vụ huấn luyện - đào tạo của Học viện để gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, lấy yêu cầu mới về huấn luyện đào tạo để thúc đẩy phát triển nghiên cứu khoa học và kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ thiết thực nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời có cơ chế khích lệ, động viên mọi người cả cán bộ, giảng viên, học viên hăng hái tham gia nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, đi vào tổ chức thực tiễn đã gặp không ít khó khăn, thách thức. Nhiều nội dung huấn luyện, bồi dưỡng cho đối tượng học viên mới như bồi dưỡng kiến thức QP - AN, đặt ra phải nghiên cứu biên soạn nhiều chuyên đề có nội dung hoàn toàn mới. Có những chuyên đề nghiên cứu vào lĩnh vực mà cán bộ, giảng viên của Học viện chưa thông hoạt động thực tiễn, ít hiểu biết, thậm chí có vấn đề còn xa lạ. Khi đưa vấn đề này ra, có nhiều ý kiến băn khoăn không biết đội ngũ cán bộ của Học viện có “kham” nổi không? Chất lượng chuyên đề, tài liệu có được bảo đảm? Cũng có ý kiến, nên báo cáo cấp trên để cấp trên phân công cho các cơ quan chức năng nghiên cứu biên soạn, Học viện chỉ tiếp thu nghiên cứu đưa vào giảng dạy.
   Mục tiêu đào tạo mới đòi hỏi phải nghiên cứu những vấn đề mới, đặt ra nhiều thách thức, khó khăn lớn, song tôi nghĩ đó cũng là cơ hội để Học viện thể hiện khả năng, ý chí phấn đấu vượt lên chính mình, đưa trình độ NCKH của Học viện lên tầm cao mới. Các bộ môn, cán bộ, giảng viên được giao nghiên cứu biên soạn các chuyên đề mới đã bàn thảo tìm hướng, tìm cách tiếp cận, tìm hiểu các nguồn thông tin của nội dung nghiên cứu đến từng cơ quan chức năng để học hỏi, xem xét thực tiễn, trao đổi, xin ý kiến của các đồng chí đã từng lãnh đạo, điều hành ở các lĩnh vực đó để hình thành nên đề cương, bàn thảo. Tiếp tục suy ngẫm, tiếp thu sửa chữa, bổ sung nâng cao chất lượng chuyên đề, tài liệu vừa có tính lý luận vừa có tính thực tiễn và tính thuyết phục. Trao đổi với các đồng chí nghiên cứu biên soạn, tôi luôn nhắc nhở phải quán triệt sâu sắc những quan điểm đổi mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc XHCN vào trong chuyên đề, tính lý luận phải sâu sắc, tính thực tiễn phải phong phú; viết sao phải có tính thuyết phục, định hướng rõ cách vận dụng tổ chức thực hiện, không lý luận chung chung. Một số chuyên đề có nội dung chuyên ngành cao như về an ninh và ngoại giao… Học viện chủ động đến đặt bài với cơ quan chức năng hoặc chuyên gia viết theo nội dung, quy cách. Nhờ chủ động tích cực trong nhiệm vụ nghiên cứu biên soạn các chuyên đề, xây dựng chương trình nội dung phục vụ cho các lớp đối tượng học viên mới đã đảm bảo cho Học viện tổ chức khai giảng các lớp đó kịp thời gian theo đúng yêu cầu cấp trên giao. Trải qua công tác thực tiễn, trình độ nghiên cứu khoa học của Học viện được nâng lên rõ rệt.
   Một vấn đề khác trong chỉ đạo công tác NCKH ở Học viện là phải động viên tổ chức được mọi cán bộ, giảng viên, học viên say mê NCKH, phát huy trí tuệ tạo nguồn lực khoa học lớn. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện, NCKH đã được tổ chức và hoạt động khá nề nếp, hiệu quả, song với các lớp học viên còn nhiều hạn chế. Với những lớp: Đào tạo chiến dịch - chiến lược, bồi dưỡng kiến thức QP – AN, học viên là những đồng chí đã trải qua nhiều trường lớp, giàu kinh nghiệm thực tiễn, điều hành, chỉ huy đơn vị, địa phương, ngành nên hiểu biết sâu lĩnh vực công tác. Nếu khai thác được trí tuệ của các đồng chí này sẽ bổ khuyết được nhiều phần kiến thức chuyên ngành mà Học viện còn thiếu. Tuy nhiên, thời gian học tập của các lớp đó thường không dài, học viên phải tập trung vào tiếp thu kiến thức của chương trình nội dung đào tạo, bồi dưỡng. Để khai thác trí tuệ của học viên, Học viện đã tìm hiểu kỹ từng học viên về quá trình công tác, học tập để giao đề tài thu hoạch (lớp bồi dưỡng kiến thức QP- AN), đề tài luận án (lớp chiến dịch - chiến lược) viết thu hoạch, luận án theo những vấn đề mà Học viện yêu cầu. Nhờ kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện, bồi dưỡng với nghiên cứu khoa học, “biết phát huy nội lực là chính và quan tâm khai thác ngoại lực”. Học viện đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học cả bề rộng và chiều sâu, chất lượng nghiên cứu ngày càng cao.
   Theo quy luật, hằng năm Học viện đều có những đồng chí hết tuổi phục vụ tại ngũ, được trên báo nghỉ chuẩn bị hưu. Năm tôi về Học viện cũng là năm có lớp cán bộ “ba thời kỳ” cuối cùng và một số đồng chí lớp nghĩa vụ đầu tiên thời kỳ chống Mỹ đến tuổi nghỉ hưu. Hầu hết những đồng chí này đã qua chiến đấu ở các cương vị lãnh đạo, chỉ huy binh đoàn, quân binh chủng, giàu thực tiễn kinh nghiệm chiến đấu, huấn luyện, giảng dạy và đều là cán bộ chủ trì các cơ quan, khoa, hệ của Học viện. Nếu tận dụng được trí tuệ của những đồng chí này thì việc thẩm định cán bộ giáo trình và cả những chuyên đề, nội dung giảng dạy khác sẽ được bảo đảm. Với ý tưởng đó,  tôi trao đổi với các đồng chí  trong Thường vụ và Ban giám đốc, các anh đều tán thành, nhất trí. Tôi báo cáo và đề nghị Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng ra quyết định kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ cho các “bác” thêm 3, 4 năm nữa. Tiêu thức để lựa chọn gồm: Năng lực chuyên môn, khả năng nghiên cứu, khả năng viết, sức khoẻ tốt và tự nguyện. Các đồng chí được Học viện yêu cầu ở lại đều vui vẻ nhận lời và hứa sẽ làm việc hết trách nhiệm. Từ đó, ở Học viện Quốc phòng có một bộ phận mới “Tổ chuyên gia” trực thuộc Ban giám đốc. Ban giám đốc giao cho Viện Khoa học nghệ thuật quân sự quản lý về mặt hành chính.
    “Tổ chuyên gia” đã đem lại nhiều hiệu quả và được thực tiễn khẳng định. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đã có chế độ rõ ràng với đối tượng này và xem như đó là một nguồn lực để thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học của Học viện.
       Các đề tài khoa học ở Học viện nghiên cứu, khi được Bộ nghiệm thu, đều được đưa vào làm tài liệu tham khảo và biên soạn thành tài liệu phục vụ huấn luyện-đào tạo cho Học viện và cho toàn quân. Song phải thấy rằng, vẫn còn một số tồn tại là: Các đề tài Bộ giao cho Học viện nghiên cứu số lượng còn ít, Học viện muốn mở một số đề tài nghiên cứu về khoa học giáo dục và những vấn đề phát triển mới của chiến lược... nhưng không có kinh phí.   Riêng về tài liệu huấn luyện ở Học viện, tôi suy nghĩ, tại đây không có sách giáo khoa từ trên đưa xuống mà chính đội ngũ giáo viên phải tự biên soạn tài liệu để giảng dạy. Đây là điều rất khó khăn, đòi hỏi phải chỉ đạo thực hiện rất công phu. Ban chỉ đạo biên soạn tài liệu huấn luyện của Bộ gọi tắt là ‘‘Ban Chỉ đạo 30’’ . Ban này chỉ đạo Học viện biên soạn tài liệu huấn luyện với yêu cầu rất cao, đòi hỏi tài liệu huấn luyện phải đạt tính chính quy, thống nhất; khoa học, cập nhật tình hình. Tôi đề cử anh Trần Hùng,  Phó giám đốc Học viện là Trưởng Ban chỉ đạo biên soạn tài liệu của Học viện. Đồng thời thường xuyên chỉ đạo sâu sát Viện Khoa học tổ chức biên soạn tài liệu với một quy trình rất chặt chẽ; các Hội đồng khoa học của Học viện phát huy vai trò hướng dẫn và thẩm định thường xuyên, liên tục.
Hàng nghìn tài liệu được Ban giám đốc chỉ đạo biên soạn mới, phục vụ trực tiếp cho nghiên cứu, giảng dạy. Ngoài ra, còn tham gia biên soạn hàng trăm mục từ của cuốn Bách khoa quân sự Việt Nam; sưu tầm, xuất bản các tập "Kinh nghiệm chiến đấu" và nhiều sách chuyên khảo dùng cho đào tạo sau đại học tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng và cấp Học viện v.v.. Đến năm 2006, cơ bản hệ thống tài liệu giáo trình huấn luyện, giảng dạy ở Học viện được đổi mới, biên soạn với chất lượng cao, góp một phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, một số tài liệu phục vụ cho huấn luyện, diễn tập của toàn quân.
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #43 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 11:11:49 am »

   Rất nhiều đề tài khoa học được Học viện nghiên cứu thành công. Uy tín và vị thế của Học viện được nâng lên, cấp trên “tín nhiệm” và giao cho Học viện nhiều đề tài mới như: Nghiên cứu biên soạn hệ thống tài liệu về các hình thức chiến thuật của sư đoàn bộ binh, các loại hình chiến dịch của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và nhiều tài liệu khác được Bộ Tổng tham mưu lấy làm tài liệu chuẩn để giảng dạy trong các học viện, nhà trường quân đội, huấn luyện, diễn tập sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị trong toàn quân.
      Học viện không chỉ hoàn thành các đề tài khoa học phục vụ cho huấn luyện - đào tạo của Học viện và các đề tài khoa học do Bộ Quốc phòng giao mà còn vươn tới nghiên cứu các đề tài có tính thời sự của quân đội và quốc gia ở tầm chiến lược. Nhớ lại, trong những năm cuối của thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, tình hình khu vực và thế giới có những diễn biến phức tạp: Tranh chấp biển đảo ở Biển Đông; Mỹ và NATO gây chiến tranh xâm lược Nam Tư (1999), xâm lược Áp-ga-ni-xtan (2001); kích động, hỗ trợ các thế lực phản động gây chính biến bằng “cách mạng màu” ở một số nước, lợi dụng “dân chủ”, “nhân quyền” và chống khủng bố để hăm doạ, gây sức ép với các nước không theo Mỹ. Những diễn biến trên được Đảng, Nhà nước ta theo dõi sát. Tôi được dự các kỳ họp của Ban chấp hành TƯ Đảng và Đảng ủy Quân sự TƯ, thấy được những vấn đề bức thiết đòi hỏi phải được nghiên cứu chuẩn bị trước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Một mặt, tôi giao cho Viện Khoa học chuẩn bị luận chứng khoa học để tham mưu đề xuất với trên, có những vấn đề tôi gặp trao đổi  trực tiếp với cơ quan khoa học chủ quản xin đề tài nghiên cứu. Song, có nội dung rất cấp thiết nhưng kinh phí có hạn, nên trên chưa giao như: Nghiên cứu về chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Trao đổi với các anh trong Thường vụ và Ban giám đốc, tôi quyết định Học viện tự bỏ kinh phí để nghiên cứu “Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới” (đề  tài cấp Học viện HV01). Tuy là đề tài cấp Học viện, song nội dung nghiên cứu của nó là sự đi trước một bước cho việc hoạch định chiến lược của Đảng, Nhà nước ta. Lúc đó, Học viện còn rất khó khăn về kinh phí nhưng đã mạnh dạn bỏ ra hơn 200 triệu đồng để nghiên cứu. Đề tài do anh Nguyễn Ngọc Thanh, PGĐ Học viện làm chủ nhiệm. Đề tài đã thu hút được các nhà khoa học và các đồng chí giảng viên lâu năm, có bề dày nghiên cứu về chiến lược, tập trung về Viện Khoa học để nghiên cứu. Khi đề tài được nghiệm thu, một số cơ quan của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nhà nước đã nhiệt liệt hoan nghênh và tham khảo để soạn thảo Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 8, khoá IX về “Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Kết quả nghiên cứu đề tài này không chỉ dừng lại ở việc làm tài liệu tham khảo cho Nghị quyết TƯ 8, khoá IX, mà nó còn mở ra một hướng mới về sử dụng trí tuệ các nhà khoa học đầu ngành của Học viện Quốc phòng.
   Cuối năm 2002, Nhà nước có chương trình KX-06, nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực, có nhiều bộ, ngành tham gia.
Tôi đề xuất với Nhà nước nghiên cứu đề tài KH - 06 - 03 là “Phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam đánh thắng chiến tranh kiểu mới của địch”. Đây là loại đề tài lý luận về sự phát triển nghệ thuật quân sự sao cho phù hợp với chiến tranh tương lai. Đề tài phải giải quyết được vấn đề làm thế nào với lực lượng ít hơn địch, vũ khí trang bị kém hiện đại hơn địch mà vẫn giành chiến thắng.
    Phát triển lý luận về bảo vệ Tổ quốc, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc là: Ngăn ngừa không để xảy ra chiến tranh, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị là phương thức giành thắng lợi tốt nhất cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Muốn ngăn ngừa được chiến tranh phải làm tốt cả hai khâu trọng yếu: Một là, xây dựng đất nước thực sự ổn định và vững mạnh mọi mặt từ bên trong. Vì vậy, việc bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, LLVT làm nòng cốt. Hai là, hiểu thấu đáo âm mưu, thủ đoạn của địch, cảnh giác, tìm cách hạn chế và loại trừ các chiêu bài của các thế lực thù địch. Đồng thời xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh vững mạnh và ra sức xây dựng LLVT nhân dân chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng và đủ sức đánh thắng địch trong điều kiện chiến tranh thông thường và chiến tranh công nghệ cao.
  Về phát triển lý luận chiến tranh nhân dân trong điều kiện mới gồm nhiều vấn đề, song biểu hiện chủ yếu là tạo sức mạnh tổng hợp. Về phát triển nghệ thuật kết hợp các mặt đấu tranh trong chiến tranh, là tiến hành các mặt đấu tranh phù hợp với điều kiện tình hình cụ thể của từng thời kỳ kết hợp đấu tranh chính trị; đấu tranh ngoại giao; đấu tranh kinh tế; đấu tranh trên mặt trận văn hoá, tư tưởng và đấu tranh quân sự.
      Về phát triển phương thức tiến hành chiến tranh, tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện; đánh địch trrên các môi trường tác chiến, tập trung sức đánh bại địch trên hướng (khu vực) trọng điểm, lấy đánh địch trên bộ, giành thắng lợi trên đất liền là chính…
   Về tác chiến chiến lược: Tập trung nghiên cứu các loại hình và phương thức tác chiến chiến lược trong điều kiện mới: Đó là sự phát triển trên nền tảng phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện. Hình thành từng hướng chiến lược để đảm bảo chủ động đánh địch trên từng hướng chiến lược theo ý định chung của cấp chiến lược trên cả nước để chống chia cắt. Tuỳ hình thức, quy mô, mức độ cuộc chiến tranh do địch gây ra để xác định phương thức, loại hình tác chiến chiến lược chủ yếu trong từng hướng, từng giai đoạn, kết hợp chặt chẽ với các phương thức và loại hình tác chiến khác để giành thắng lợi.
   Để đánh thắng chiến tranh kiểu mới của địch, ta có thể vận dụng các loại hình tác chiến chiến lược cơ bản như: Tác chiến phòng thủ chiến lược, phản công và tiến công chiến lược. Trong đó, lấy tiến công và phản công chiến lược là chính, tác chiến phòng thủ chiến lược là đặc biệt quan trọng...
        Như vậy, tuỳ theo tình hình cụ thể của từng thời kỳ chiến tranh, khả năng và điều kiện mọi mặt của đất nước, kết quả và sự phát triển của hoạt động đấu tranh vũ trang để xác định quy mô tác chiến phù hợp trên từng khu vực, từng chiến trường, từng vùng chiến lược. Sự phát triển mới đó thể hiện mọi hoạt động của tác chiến phòng thủ chiến lược đều nằm trong khu vực phòng thủ. Vai trò của KVPT mang tính cơ sở nền tảng để tiến hành tác chiến chiến lược. Chú trọng tác chiến quy mô nhỏ và vừa là chính, khi có điều kiện và thời cơ tiến hành tác chiến quy mô lớn trên các chiến trường trọng điểm.
   Về nghệ thuật chiến dịch: Trong tương lai, số lượng chiến dịch có thể không nhiều như hai cuộc kháng chiến trước đây; quá trình chiến tranh có thể đồng thời xuất hiện một số loại hình chiến dịch với các quy mô và địa bàn khác nhau. Trong đó, nổi lên vấn đề: Xác định số lượng các trận then chốt, then chốt quyết định và nghệ thuật điều hành các trận then chốt có kết hợp với các hoạt động tác chiến rộng khắp của các lực lượng khác để đánh thắng các trận then chốt, đặc biệt là trận then chốt quyết định tạo đột biến chiến dịch, hoàn thành mục đích, nhiệm vụ chiến dịch đã đề ra. Trong điều kiện bị địch chia cắt, tuy phải độc lập tổ chức, điều hành các trận then chốt và then chốt quyết định, nhưng luôn luôn theo ý đồ chung của chiến lược và gắn chặt với KVPT.
   Về chiến thuật: Đó là sự phát triển về lãnh đạo điều hành các hình thức chiến thuật cơ bản của binh chủng hợp thành, tìm cách đánh thích hợp với từng đối tượng, từng địa điểm, thời gian, chiến trường, chiến tranh, trong đó, nổi lên vấn đề: Tổ chức thực hiện các hình thức chiến thuật của binh chủng hợp thành; của từng quân chủng, binh chủng trong tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng và tác chiến độc lập của từng quân chủng, binh chủng.
   Lãnh đạo thực hiện các hình thức chiến thuật riêng phục vụ cho các phương thức tác chiến chiến lược như: Chống bạo loạn vũ trang, chống tập kích đường không, đường biển; tiêu diệt quân đổ bộ đường không, đường biển; đánh phá các căn cứ, cơ sở hậu cần kỹ thuật của địch… Lãnh đạo việc tổ chức thực hiện các hình thức chiến thuật trong tác chiến của LLVT địa phương và của chiến tranh nhân dân địa phương như: Tác chiến trong làng (bản), xã (phường), nông, lâm trường, xí nghiệp, trong cụm làng xã chiến đấu, trong KVPT huyện (thị), tỉnh (thành phố)…
   Phát triển về xây dựng lực lượng vũ trang trong điều kiện mới, vấn đề này bao gồm: Một là, phát triển về tổ chức biên chế: tổ chức biên chế xây dựng LLVT trong điều kiện mới phải phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đánh thắng chiến tranh kiểu mới của địch.
   Phát triển về vũ khí trang bị: Tôi cho rằng phải có ưu tiên trọng điểm cho từng quân chủng, binh chủng để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo ngay trong thời bình và sẵn sàng phát triển đánh thắng chiến tranh kiểu mới của địch khi chúng liều lĩnh gây ra.
   Tư tưởng này cho đến nay hết sức đúng khi bước vào năm 2011, quân đội ta được Nhà nước đầu tư lớn về khí tài phòng không, không quân, tàu ngầm, tàu nổi của hải quân… được toàn dân ủng hộ. Đặc biệt, khi tình hình Biển Đông có diễn biến phức tạp.
        Về phát triển huấn luyện: Huấn luyện phải đáp ứng với cách đánh của sự phát triển NTQS để đánh thắng chiến tranh kiểu mới của địch, trong đó cần phải kết hợp huấn luyện phổ thông đại trà cho tất cả các lực lượng với huấn luyện trọng tâm, trọng điểm và nâng cao cho từng đối tượng cụ thể. Đặc biệt chú trọng huấn luyện cho lực lượng trực tiếp sẵn sàng chiến đấu có đủ khả năng về kỹ, chiến thuật tinh nhuệ, có sức dẻo dai, chịu đựng gian khổ cường độ lớn. Huấn luyện sát thực tế và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa bàn chiến lược. Đồng thời phải gắn huấn luyện với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, địa phương. 
   Về phát triển về lãnh đạo chỉ huy thống nhất trên các địa bàn chiến lược để phát huy sức mạnh tổng hợp.
   Để đánh thắng chiến tranh kiểu mới của địch phải phát huy sức mạnh tổng hợp. Muốn phát huy sức mạnh tổng hợp phải có nhiều yếu tố, song quan trọng nhất là phải có lãnh đạo, chỉ huy thống nhất các lực lượng trong từng khu vực. Vì vậy, ngay từ thời bình phải tiến hành nghiên cứu và tổ chức vận hành thử "cơ chế lãnh đạo của Đảng uỷ quân sự các cấp, nhất là cấp quân khu, cấp tỉnh, cấp chiến dịch, chiến thuật...; cơ chế lãnh đạo chỉ huy thống nhất của các LLVT và phi vũ trang thông qua các cuộc diễn tập để các cơ chế trên ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, hoạt động một cách khoa học, có hiệu quả nhằm tập trung được cả tinh thần và mọi lực lượng, nhân lực cũng như vật lực, hành động thống nhất khi xử trí từng tình huống cụ thể của từng loại hình chiến tranh...

        Như vậy, từ năm 2004 đến năm 2006, cùng với các anh trong Ban giám đốc, tôi đã chỉ đạo nghiên cứu lý luận phát triển NTQS Việt Nam trong điều kiện mới. Đó là: Tìm phương thức để ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, đồng thời tiến hành các biện pháp hữu hiệu nhằm chuẩn bị cho đất nước, chuẩn bị LLVT về mọi mặt, sẵn sàng và đánh thắng mọi cuộc chiến tranh kiểu mới của địch khi chúng liều lĩnh gây ra, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong đó nổi bật là những nội dung NTQS chỉ đạo và thực hành đấu tranh vũ trang ở các quy mô chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật nhằm đáp ứng yêu cầu của chiến tranh nhân dân trong điều kiện mới.
   Đây là một trong những đề tài trọng điểm nằm trong chương trình KX-06 của Nhà nước được Học viện nghiên cứu thành công đạt loại xuất sắc; nó góp phần đổi mới tư duy về NTQS cho toàn bộ đội ngũ giáo viên của Học viện. Đó là tư duy từ chiến thuật - chiến dịch, lên tư duy về chiến dịch - chiến lược và nâng tầm tư duy về quốc phòng - quân sự và QP-AN; làm cơ sở khoa học cho biên soạn các loại tài liệu huấn luyện ở HVQP và cho toàn quân.
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #44 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 11:12:23 am »

   Phải nói rằng, sau khi nghiên cứu thành công các đề tài khoa học mới, Học viện đã đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, nâng tầm tương xứng với nhiệm vụ huấn luyện-đào tạo ở một Học viện hàng đầu quốc gia về NTQS và quốc phòng - quân sự. Viện Khoa học NTQS được sánh ngang các Viện Khoa học trong quân đội và các Viện của Nhà nước. Đội ngũ giáo viên cũng thấy được rằng muốn giảng dạy tốt trước hết phải nghiên cứu khoa học và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học luôn luôn phải đi trước một bước.
   Từ những năm 2005 trở đi, hằng năm, Học viện được Bộ giao cho nghiên cứu từ 4 đến 7 đề tài cấp Bộ, 1 đến 2 đề tài cấp Nhà nước và hàng chục đề tài cấp ngành.
    Đầu năm 2006, Học viện được giao đề tài độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu hoạt động của Đảng và Nhà nước, chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến, nhằm đánh thắng chiến tranh xâm lược kiểu mới của địch” do tôi làm chủ nhiệm đề tài.
      Đến cuối năm 2007 đầu năm 2008, trước khi nghỉ hưu, đề tài đã thực hiện khá tích cực. Tôi bàn giao cho đồng chí Phạm Xuân Hùng thay tôi làm Giám đốc Học viện tiếp tục... Giờ đây theo tôi được biết, năm 2011 đề tài nói trên đã được Hội đồng khoa học cấp nhà nước nghiệm thu.
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #45 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 11:14:01 am »

XII

ĐỐI NGOẠI QUÂN SỰ-QUỐC PHÒNG




      Tôi cùng Ban giám đốc quan tâm đến phát triển Tư duy mới trong đối ngoại quân sự của Học viện. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, tạo thời cơ và vị thế mới cho Học viện cùng cả nước củng cố môi trường quốc tế thuận lợi đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
        Ngày 11-12-2003, Học viện  mở lớp đào tạo tại chức tiếng Anh theo chương trình đại học cho 20 cán bộ, giảng viên. Chương trình đào tạo, tài liệu và giảng viên do Học viện Khoa học quân sự đảm nhiệm. Tuy học tại chức, nhưng tôi và Ban giám đốc chủ trương bố trí thời gian học liên tục trong tuần và quản lý chặt chẽ, nghiêm túc mọi hoạt động của khóa học, tuân thủ đúng theo quy chế và những quy định đào tạo, bảo đảm chất lượng dạy và học tốt nhất. Việc mở được lớp học tiếng Anh tại chức tạo ra khả năng mới để nâng cao trình độ ngoại ngữ, hiện đang là khâu yếu nhất trong công tác đối ngoại của Học viện. Lớp học tiến hành trong 2 năm, anh chị em đã thi tốt nghiệp vào quý I năm 2006. Kết quả khả quan. Đây là nhân cốt cho các hoạt động đối ngoại, nghiên cứu khoa học của Học viện lâu dài.
Việc đón các đoàn Quốc tế đến thăm Học viện là một nhiệm vụ có ý nghĩa sâu sắc. Các đoàn đến thăm, làm việc với Học viện Quốc phòng Việt Nam được đón trên tinh thần hữu nghị và trọng thị như: Đoàn Tổng tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ (2 lần), Cục phòng vệ Nhật Bản, Chủ tịch Uỷ ban Tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ, 3 đoàn quân sự Mỹ, 3 đoàn quân sự In-đô-nê-xi-a, 2 đoàn quân sự Cộng hòa Pháp, Đoàn Tham mưu trưởng Lục quân Anh, Đoàn  Bộ Quốc phòng Ai Cập, Bộ Quốc phòng Ăng-gô-la... Các đoàn đại biểu Học viện Quốc phòng và trường quân sự các nước đến thăm và làm việc với Học viện Quốc phòng Việt Nam gồm: Học viện Quốc phòng Mỹ, Học viện Quốc phòng Hoàng gia Anh, Học viện Quốc phòng In-đô-nê-xi-a, Học viện Liên quân Phi-líp-pin,Trường Sĩ quan Tham mưu Cục phòng vệ Nhật Bản, Học viện Tham mưu Hàn Quốc....
Số lượng các đoàn thông thường có từ 10 đến 20 thành viên, riêng đoàn Học viện Chỉ huy-Tham mưu Xin-ga-po có tới 101 thành viên (năm 2004).
      Những nội dung đoàn quân sự quốc tế thường quan tâm: Thăm dò thái độ Việt Nam với các nước đã từng tham chiến tại cuộc chiến tranh ở Việt Nam trước đây; thăm dò thái độ Việt Nam đối với các nước láng giềng; tìm hiểu quan điểm của Việt Nam với các vấn đề thời sự quốc tế (Chiến tranh Nam Tư, I-rắc, vụ khủng bố 11/9, tình hình bán đảo Triều Tiên…); tìm hiểu chiến lược quốc phòng, quân sự Việt Nam…
Thông qua trao đổi, chúng tôi thu được nhiều thông tin bổ ích từ các nước về đối tượng, mục tiêu, nội dung đào tạo ở các Học viện Quốc phòng của bạn; một số quan điểm, nhận định tình hình thế giới, khu vực hiện nay, nhất là những vấn đề hợp tác quốc tế về đào tạo mà chúng ta quan tâm.
     Trong 10 năm (1997-2007), có trên 70 đoàn đến thăm và làm việc với HVQP. Riêng trong thời gian từ năm 2001 đến năm 2004, Học viện Quốc phòng đã đón tiếp 49 đoàn quân sự của 18 quốc gia tới thăm và làm việc. Đây là sự phát triển nhanh trong quan hệ đối ngoại phù hợp với thời kỳ đổi mới, thời kỳ mở cửa, hội nhập “Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các nước”.
      Cũng trong gần 10 năm, Học viện Quốc phòng đã cử hàng chục đoàn và cá nhân cán bộ, giảng viên đi thăm, nghiên cứu về QP-QS và dự Hội nghị, hội thảo quốc tế tại hơn 20 nước trên thế giới và trong khu vực.
     Tôi luôn quan tâm sao cho tư thế của đoàn trong mỗi lần “xuất ngoại” đều đĩnh đạc, đường hoàng, xứng tầm tư thế của người chiến thắng những đối phương sừng sỏ. Đơn cử như việc phát biểu không lệ thuộc văn bản, hay việc kết luận khái quát các vấn đề rõ ràng, dễ hiểu... Đoàn đại biểu Học viện Quốc phòng Việt Nam đã đi thăm và làm việc với Học viện Quốc phòng/Trường Đại học Quốc phòng/Viện Nghiên cứu Quốc phòng của những nước như: Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Ô-xtrây-li-a, Pa-ki-xtan, Mông Cổ... và các nước trong khối ASEAN như: Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia....
       Đoàn đại biểu hoặc cá nhân cán bộ giảng viên Học viện Quốc phòng Việt Nam đi tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế, trại hè,... tại các nước như: Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a...
Một trong những diễn đàn quốc tế có ý nghĩa lớn mà Học viện Quốc phòng rất quan tâm và mong muốn cử cán bộ đi tham dự là “Hội nghị về hoạt động lực lượng tác chiến đặc biệt  (PASOC) ở khu vực Thái Bình Dương”. Đây là Hội nghị thường niên do Bộ Chỉ huy lực lượng tác chiến đặc biệt khu vực Thái Bình Dương  thuộc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương tổ chức hằng năm ở Hô-nô-lu-lu, Ha-oai (Hoa Kỳ), một quần đảo nổi tiếng - căn cứ  chính của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương và Hạm đội Thái Bình Dương.
Được phép của Bộ Quốc phòng, lần đầu tiên Học viện cử Đại tá TS Phạm Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học Nghệ thuật quân sự tham dự Hội nghị  tác chiến đặc biệt PASOC-2001 do Bộ Chỉ huy các lực lượng tác chiến đặc biệt Thái Bình Dương (SOCPAC) tổ chức từ ngày 12 đến ngày 16 tháng 2-2001 tại Ha-oai (Hoa Kỳ). Qua Hội nghị, Đoàn đã tiếp thu được nhiều thông tin rất quan trọng và bổ ích cho nghiên cứu chiến lược. Sau này, Học viện còn cử một số cán bộ giảng viên tham dự  Hội nghị các lần tiếp sau. Học viện đã giao cho các cán bộ đi dự Hội nghị (do Đại tá TS Phạm Ngọc Hùng chủ trì) biên soạn các sách chuyên đề về lực lượng tác chiến đặc biệt (Special Operations forces – SOF).

.............
         Hội nghị về tác chiến đặc biệt khu vực Thái Bình Dương- Pacific Area Special Operation Conference, viết tắt là PASOC.
        Bộ Chỉ huy lực lượng tác chiến đặc biệt khu vực Thái Bình Dương-Special Operations  Command Pacific-  viết tắt là SOCPAC.

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #46 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 11:15:01 am »

Trong các hoạt động đối ngoại quân sự của Học viện Quốc phòng, lần đầu tiên, Học viện được cử học viên khóa I Đào tạo chiến dịch-chiến lược đi nghiên cứu học tập ở Trung Quốc. Đoàn gồm 24 người do Thiếu tướng Trần Hùng, Phó giám đốc Học viện dẫn đầu. Đoàn tới thăm một số cơ quan đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và Trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc. Tiếp sau sự thành công của đoàn học viên chiến dịch – chiến lược khóa 1, Học viện tổ chức cho khóa 2 đào tạo chiến dịch – chiến lược gồm 29 học viên và một số cán bộ giảng viên của Học viện đi tham quan nghiên cứu tại Thái Lan, do Đại tá,  Tiến sĩ Trần Thái Bình, Phó giám đốc Học viện làm trưởng đoàn, thời gian từ ngày 13 đến ngày 19-6-2004. Tuy đoàn đi quân số đông nhưng tổ chức chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo, các thành viên rất tích cực cố gắng, nên đã thực hiện đúng kế họach.
   Với tình cảm đặc biệt giữa hai nước, hai quân đội và hai Học viện Quốc phòng  Việt Nam - Lào, năm 2001, Học viện đã cử 6 đồng chí cán bộ giảng viên do Đại tá Lại Quốc Thịnh phụ trách sang giúp Học viện Quốc phòng Lào về xây dựng chương trình, nội dung giảng dạy cán bộ cao cấp Quân đội nhân dân Lào tại Học viện Quốc phòng. Sau thời gian 6 tháng, đoàn đã thực hiện xong kế hoạch, được Học viện Quốc phòng Lào đánh giá cao.
   Trong thời gian làm Giám đốc Học viện, được Bộ Quốc phòng chỉ định, tôi đã 7 lần trực tiếp làm trưởng đoàn đi nghiên cứu, tham quan, học tập kinh nghiệm, trao đổi, tọa đàm về quốc phòng, quân sự ở 7 nước (Ấn Độ, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Ô-xtrây-li-a, Phi-líp-pin). Trong quá trình làm việc, khi tiếp xúc với phía bạn, có những ấn tượng sâu đậm mãi trong ký ức tôi. Trong chuyến thăm, làm việc tại Học viện Quốc phòng Ấn Độ, tôi vẫn nhớ:
   Đại tướng Cadic, Tổng Tham mưu trưởng Liên quân kiêm Tư lệnh Lục quân ngỏ ý mời đoàn HVQP Việt Nam buổi tối tới nhà riêng của ngài để tâm tình. Sau này thì tôi mới biết, thực sự họ muốn tìm hiểu, khai thác ta về nghệ thuật quân sự trong cuộc chiến tranh biên giới. Ngài Đại tướng Cadic lúc đầu có vẻ giữ kẽ, sau hỏi thật tình tôi là, bí quyết gì giúp Việt Nam đánh thắng trong chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979? Tôi chưa trả lời trực tiếp mà hỏi lại ngài Đại tướng về thái độ của nhân dân Ấn Độ đối với cuộc chiến tranh Ấn - Trung ra sao? Ông ta nhún vai và nói, đại ý: Chiến tranh là việc của Quân đội mà!
   Tôi giải thích cho ngài Đại tướng về quan điểm chiến tranh nhân dân Việt Nam. Ông ta cảm ơn và hẹn sau 3 tháng nữa sẽ sang thăm Việt Nam và làm việc với Học viện Quốc phòng Việt Nam.
   Đúng 3 tháng sau, vào trung tuần tháng 1-1999, Ngài Đại tướng Cadic có sang thăm và làm việc với Bộ Quốc phòng Việt Nam. Khi đến thăm Học viện Quốc phòng Việt Nam, tôi đã giới thiệu với Ngài một số nét chính về nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và khuyên Ngài nên đi thăm một số di tích về chiến tranh nhân dân Việt Nam. Tôi được biết, sau đó Ngài Đại tướng Cadic đã đi thăm Địa đạo Củ Chi, Vĩnh Mốc… khi về nước, Ngài đã điện sang cảm ơn Học viện Quốc phòng Việt Nam
   Từ ngày 19 đến ngày 26-9-2000, đoàn đại biểu HVQP Việt Nam do tôi dẫn đầu đi thăm và làm việc tại Học viện Quốc phòng Trung Quốc (National Defence University of China) tại Thủ đô Bắc Kinh.
   Trong thời gian một tuần tại Bắc Kinh, chúng tôi đề nghị phía Trung Quốc tạo điều kiện để nghiên cứu kỹ nhiều vấn đề mà bạn có kinh nghiệm, như: Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức QP-QS cho công chức dân sự của Đảng và Nhà nước Trung Quốc; Vấn đề đào tạo bồi dưỡng học viên quân sự quốc tế và xây dựng Trung tầm đào tạo quốc tế (Hệ Quốc tế) thuộc Học viện Quốc phòng Trung Quốc. Nghiên cứu kỹ cả nội dung, chương trình, vấn đề ăn, ở, học phí, quản lý... đối với học viên quốc tế (Trung tâm này được xây dựng ở ngoại ô Bắc Kinh, cách Học viện Quốc phòng Trung Quốc khoảng 20km); Vấn đề quân đội kết hợp làm kinh tế với quốc phòng; Nghiên cứu kỹ mô hình đào tạo sĩ quan quân đội 4-2-1 (đào tạo sĩ quan cấp phân đội 4 năm, sĩ quan cấp tá 2 năm và sĩ quan cao cấp 1 năm); Vấn đề đưa tin học vào giảng dạy cho cán bộ cấp chiến dịch – chiến lược và xây dựng Trung tâm mô phỏng cho HVQP, ứng dụng kỹ thuật bản đồ số, mô phỏng 3D để tập bài tác chiến chiến lược cho học viên sát thực tế địa hình chiến trường.
      Từ ngày 4 đến ngày 12-5-2002, tôi làm trưởng đoàn đi thăm, làm việc tại Học viện Quốc phòng Ô-xtrây-li-a.
Tại Melboure, Đoàn đã đến thăm và nghiên cứu tại Tập đoàn công nghiệp đóng tàu TENIX, xem quy trình công nghệ đóng tàu ANZAC- một trong những loại tàu chiến nổi tiếng trên thế giới. Đoàn đến thăm Trung tâm đào tạo quốc tế DITC (Defence International Traning  Centre), nơi đang có học viên của quân đội 22 nước theo học, trong đó có học viên Việt Nam.
Tại Canberra, đoàn đã đến thăm và nghiên cứu kỹ về nội dung, quy trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và hệ thống giảng đường của HVQP Ô-xtrây-li-a (National Defence College of the Australia). Hiện nay, thường xuyên Việt Nam  có 1-2 sĩ quan (quân hàm từ trung tá đến đại tá) học tập tại đây theo Chương trình một năm.
Ngoài ra, đoàn đã gặp gỡ, trao đổi với cấp lãnh đạo Bộ Quốc phòng, đi thăm và nghiên cứu tại Trường Đại học Chỉ huy-Tham mưu (ACSC), thăm Bộ Tư lệnh chiến trường và Trung tâm huấn luyện Lục quân tại Xít-ni.
Qua chuyến công tác tại Ô-xtrây-li-a, tôi đã thu nhận được nhiều thông tin rất bổ ích về chương trình, nội dung đào tạo các quan chức chính phủ, đào tạo học viên quốc tế, đặc biệt là vấn đề phương pháp “học tập tích cực” và việc kết nối Internet cho hệ thống giảng đường đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
   Làm việc, thăm Học viện Quốc phòng Hoa Kỳ
Tôi đã đi thăm và làm việc tại nhiều nước, nhưng có lẽ, ấn tượng sâu đậm nhất và cũng là căng thẳng nhất trong các chuyến công tác nước ngoài của tôi đó là chuyến đi công tác tại Hoa Kỳ năm 2004. Được Bộ Quốc phòng cho phép, Học viện tổ chức đoàn cán bộ giảng viên gồm 9 thành viên do tôi làm trưởng đoàn sang thăm và làm việc với Học viện Quốc phòng Mỹ tại Oa-sinh-tơn từ ngày 20 đến ngày 30-8-2004.
   Trong thời gian một tuần làm việc tại Oa-sinh-tơn, tôi đã phải 8 lần phát biểu với các tổ chức, đơn vị của Hoa Kỳ (Phát biểu trong buổi làm việc với: Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Văn phòng về Quân nhân Mỹ mất tích và tù binh chiến tranh-POW/MIA, Hội thảo bàn tròn với Văn phòng Chính sách Bộ Quốc phòng Mỹ, Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc gia Mỹ, Đại diện chương trình IMET, Đại học Quốc phòng Mỹ NDU (National Defence University), Học viện Hải quân Hoa Kỳ, Bộ tư lệnh đa Binh chủng và Căn cứ Thủy quân Lục chiến Quantico).
 Đoàn cũng đã giành nhiều thời gian nghiên cứu mô hình đào tạo sĩ quan quân đội Hoa Kỳ theo công thức 5-2-1 (đào tạo 5 năm cấp phân đội, 2 năm trung cấp và 1 năm cao cấp).
   Trên cơ sở nhiệm vụ mà Bộ trưởng giao, tôi đã phải mất nhiều công sức để nghiên cứu kỹ hai vấn đề mà trước đó, những vấn đề này ở HVQP hầu như chưa được đề cập đến, đó là vấn đề IMET và Dự luật Nhân quyền. Chương trình IMET (U.S. International Military Education & Training, viết tắt tiếng Anh là IMET) là Chương trình giáo dục và huấn luyện quân sự quốc tế đã được Quốc hội Mỹ thông qua. Theo đó Mỹ sẽ đào tạo, huấn luyện miễn phí cho sĩ quan các nước đồng minh và thân hữu. Cho đến thời điểm hiện tại (năm 2003), Mỹ triển khai thực hiện Chương trình IMTET, đã đào tạo hàng nghìn sĩ quan cho quân đội khoảng trên 40 nước khác nhau. Chi phí đào tạo cũng không hề rẻ, mỗi sĩ quan (tùy chuyên ngành) được đào tạo từ 6 tháng đến 1 năm với mức chi phí hàng trăm nghìn USD/người. Từ năm 2001, Mỹ đã “giới thiệu” chương trình IMET với Việt Nam, vì như Mỹ nói, Mỹ coi Việt Nam thuộc diện ”thân hữu”, Mỹ muốn Việt Nam tham gia nhiều hơn trong khuôn khổ Chương trình IMET.
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #47 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 11:16:36 am »

       Tôi nhớ mãi các sự kiện Hội nghị thường niên HDUCIM. Tại Diễn đàn ARF -4 ( tháng 7-1997), theo sáng kiến các nhà lãnh đạo thành viên ARF, từ năm 1997 bắt đầu tổ chức một hoạt động thường niên của Diễn đàn ARF về quốc phòng-an ninh với tính chất không chính thức (còn gọi là kênh 2), đó là Hội nghị của Những người đứng đầu các trường Đại học Tổng hợp Quốc phòng/ Học viện Quốc phòng/Viện nghiên cứu Quốc phòng các nước thành viên ARF-The ARF for Heads of Defence Universities /Colleges /Institutions Meeting,  viết tắt là  HDUCIM.
   Hội nghị HDUCIM lần thứ nhất được tổ chức tại Phi-líp-pin năm 1997 và từ đó luân phiên hằng năm được tổ chức tại các nước thành viên ARF. Đến năm 2008, đã tổ chức thành công 12 Hội nghị HDUCIM.

                                            *   *   *

    Để chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 9 - ARF-HDUCIM tại Hà Nội, Việt Nam vào cuối năm 2005, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã chính thức giao nhiệm vụ cho Học viện Quốc phòng phối hợp với nhóm ARF - Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng Bộ Ngoại giao đề xuất kế hoạch thực hiện, báo cáo Bộ Quốc phòng. Với cương vị là Giám đốc Học viện, tôi hiểu rằng mình sẽ là người chủ trì và điều hành mọi hoạt động đối ngoại liên quan đến Hội nghị. Tuy đã vài chục lần chủ trì các buổi làm việc, trao đổi đối với các đoàn đại biểu quốc phòng, quân sự các nước, nhưng lần này, trên cương vị là người Chủ tọa Hội nghị, đối với tôi đây thực sự là nhiệm vụ nặng nề và vô cùng khó khăn, khiến tôi rất lo lắng, băn khoăn, suy tư.
   Không chỉ đối với riêng tôi, đối với Học viện Quốc phòng cũng vậy, đây là lần đầu tiên, Học viện được Bộ Quốc phòng giao cho nhiệm vụ tổ chức Hội nghị quốc tế “Những người đứng đầu các Học viện Quốc phòng (ARF) lần thứ 9 tại Hà Nội, thời gian 3 ngày từ 11 đến 13-10-2005”. Học viện cũng như cá nhân tôi chưa có kinh nghiệm về lĩnh vực này. Tuy nhiên, tất cả đều hiểu rõ rằng, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, là dịp để các nước hiểu rõ Việt Nam và Học viện Quốc phòng Việt Nam hơn; tạo điều kiện thuận lợi mới trong quan hệ quốc tế trên lĩnh vực “Hợp tác quốc tế về đào tạo” và những vấn đề khác mà các bên đều quan tâm.
   Để chủ động chuẩn bị, tôi đã thống nhất trong Ban giám đốc: Mời cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng đến giới thiệu kinh nghiệm về tổ chức Hội nghị quốc tế và thông tin chuyên đề về Diễn đàn ARF và HDUCIM; Tổ chức cho các đồng chí của HVQP đã đi dự Hội nghị ARF-HDUCIM ở các nước giới thiệu lại nội dung và kinh nghiệm; mời tùy viên Quốc phòng một số nước ở Hà Nội đến trao đổi để thăm dò và học hỏi kinh nghiệm; thông qua Chương trình, chủ đề Hội nghị và dự kiến những vấn đề đưa ra Hội nghị thảo luận cũng như dự kiến phản ứng của các nước; chọn địa điểm tổ chức Hội nghị và thống nhất công tác trang trí, phục vụ, bảo đảm Hội nghị, Hiệp đồng với đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về công tác tổ chức, an ninh, nghi thức....
Kết quả, Hội nghị lần  thứ  9
- The 9th ARF Heads of Defence Universities/Colleges/Institutions Meeting - The 9th ARF-HDUCIM đã diễn ra tại Hà Nội từ ngày 10 đến ngày 13-10-2005 do Học viện Quốc phòng Việt Nam tổ chức và Thượng tướng, PGS,TS Nguyễn Thế Trị, Giám đốc Học viện làm Chủ tịch Hội nghị. (*)


Hội nghị tiến hành các phiên họp toàn thể tại Hội trường, tập trung vào trao đổi các chủ đề:
Tình hình an ninh khu vực, xu thế hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, triển vọng và hợp tác Vai trò các lực lượng vũ trang trong giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, khắc phục thiên tai và dịch bệnh;
Mối quan hệ và kết quả hợp tác giữa các Học viện Quốc phòng, Đại học tổng hợp quốc phòng và Viện Nghiên cứu quốc phòng các nước thành viên ARF trong những năm đầu của thế kỷ XXI.
Ngoài ra, trong chương trình Hội nghị, các đại biểu đã tới thăm Trường Sĩ quan Lục quân 1 tại Hà Tây, xem bắn trình diễn tính năng súng bộ binh với các bài bắn của Quân đội ASEAN. Các đại biểu cũng đã tới thăm Học viện Quốc phòng Việt Nam, thăm Văn Miếu Quốc Tử giám Hà Nội và dự buổi chiêu đãi của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Giám đốc Học viện Quốc phòng Việt Nam
Các phiên họp của Hội nghị diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn, hữu nghị. Những nội dung do Việt Nam đề xuất đều là những vấn đề thời sự cấp thiết trong diễn đàn an ninh của ARF, được tất cả các đoàn tham gia với tinh thần xây dựng và thiện chí.
Có thể nói, Hội nghị lần thứ 9 Những người đứng đầu các Học viện Quốc phòng, Đại học Tổng hợp quốc phòng và Viện Nghiên cứu quốc phòng các nước thành viên ARF đã thành công rất tốt đẹp. Mặc dù đây là lần đầu tiên Quân đội ta và Học viện Quốc phòng Việt Nam tổ chức một Hội nghị quốc tế đa phương có quy mô lớn với số lượng tham dự rất cao, có tới 23/25 thành viên ARF tham dự. Có đại biểu của Đại sứ quán và Tuỳ viên Quốc phòng 22 nước tại Hà Nội tham dự. Hội nghị được tất cả các đoàn đồng thuận đánh giá là một Hội nghị thành công nhất trong lịch sử của HDUCIM. Hội nghị đã gây được những ấn tượng tốt đẹp về đất nước, con người và QĐND Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Đây là thắng lợi quan trọng trong việc tăng cường mối quan hệ quốc phòng với các nước nói riêng và công tác đối ngoại của nước ta nói chung, nâng cao được vị thế của Quân đội ta, của Học viện Quốc phòng Việt Nam.
        Tôi còn cùng Ban giám đốc chỉ đạo việc đào tạo cán bộ cho quân đội Lào và Cam-pu-chia: Từ năm 1997, Học viện đã triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, chuẩn bị nội dung tài liệu, xác định giảng viên giảng dạy và làm tốt công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học cho học viên Lào và Cam-pu-chia. Trong giai đoạn từ năm 1997 đến năm 2006, Học viện Quốc phòng Việt Nam đã tiếp nhận hàng trăm học viên QĐND Lào sang học đào tạo giáo viên, cao học, nghiên cứu sinh, quân sự địa phương và đào tạo binh chủng hợp thành ngắn hạn.
Năm 2001, chấp hành chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Học viện khẩn trương xây dựng chương trình, nội dung bồi dưỡng sĩ quan cao cấp Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia. Sau hơn 2 tháng học tập, lớp Bồi dưỡng sĩ quan cao cấp Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia đã hoàn thành xong chương trình. ngày 30-7-2002, Học viện thay mặt Bộ Quốc phòng tổ chức lễ công bố tốt nghiệp cho lớp Bồi dưỡng sĩ quan cao cấp Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia tại phòng 615 nhà N1 một cách trang trọng, đầy tình nghĩa anh em. Các học viên là sĩ quan cấp tướng và đại tá của quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia rất cảm động, họ mang cả vợ con sang để trực tiếp chứng kiến buổi lễ trao bằng tốt nghiệp trang trọng này.

       Để chuẩn bị cho nhiệm vụ hợp tác quốc tế về đào tạo, Học viện gặp rất nhiều khó khăn, như: Phải nhanh chóng dịch toàn bộ tài liệu (gồm 36 chuyên đề chính thức và khoảng 20 tài liệu tham khảo) sang tiếng Anh với yêu cầu chuẩn xác theo đúng ngôn ngữ quân sự trong thời gian rất cấp bách. Chúng tôi cũng nhanh chóng xây dựng Thư viện cho người nước ngoài để tự nghiên cứu, tham khảo (với hàng nghìn đầu sách, tạp chí bằng tiếng nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh);
Trước những khó khăn, tôi đã chủ động gặp và báo cáo Thủ trưởng Bộ. Thượng tướng Phùng Quang Thanh, Tổng Tham mưu trưởng lúc đó đã kết luận. Chấp hành chỉ thị của Bộ, xác định cụ thể lưu lượng học viên quốc tế là 30 học viên, trước mắt là học viên các nước Trung Quốc, Nhật Bản và khối ASEAN. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, tôi đã chủ trì buổi họp tập thể Ban giám đốc cùng thủ trưởng các cơ quan, bàn Khóa đào tạo Quốc tế, đối tượng là sĩ quan cao cấp đến từ quân đội 18 nước thuộc ASEAN và các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cuộc họp cũng thông qua dự án xây dựng nhà ở cho Học viên quốc tế tại Học viện Quốc phòng.
 Được phép của Bộ Quốc phòng, Học viện Quốc phòng đã trọng thể làm Lễ khai giảng lớp Hợp tác đào tạo cán bộ quân sự nước ngoài khóa 1. Khai giảng 20 tháng 9 năm 2007; Bế giảng: 19 tháng 12 năm 2007, với 30 học viên là sĩ quan cao cấp đến từ quân đội 18 nước thuộc  ASEAN và các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy vậy, đến khi chiêu sinh và khai giảng thì tôi được báo nghỉ, không tiếp tục chỉ đạo nữa.

.................................................................................
 (*) Có 53 đại biểu của 24 nước thành viên và tổ chức quốc tế tham dự, trong đó có 23 sĩ quan cấp tướng.
 - Lào (Học viện Lục quân);
- Malaisia (Học viện các LLVT quốc phòng);
-Philippines (Học viện Quốc phòng);
-Thái Lan (Học viện Quốc phòng);
-Singapore (Viện Quân sự  SAFTI);
-Myanmar (Tuỳ viên Quốc phòng tại Hà Nội);
-Việt Nam (Học viện Quốc phòng).
-Indonesia (Tuỳ viên Quốc phòng);
-Brunei (Trung tâm đào tạo các LLVT Hoàng gia)
-Campuchia (Đại họcTổng hợp Quốc phòng);
-Australia (Học viện Quốc phòng);
-Canada (Viện Nghiên cứu Chiến lược Canada);
-Trung Quốc (Đại họcTổng hợp Quốc phòng);
-Ấn Độ (Học viện Quốc phòng);
-Nhật Bản (Viện Nghiên cứu Quốc phòng);
-EU (Học viện Chỉ huy-Tham mưu QĐ Hoàng gia Anh);
-CHDCND Triều Tiên (Tuỳ viên Quốc phòng);
-Hàn Quốc (Đại học tổng hợp Quốc phòng);
-Mông Cổ (Đại học tổng hợp Quốc phòng)
-Niu Dilân (Học viện Chỉ huy Tham mưu RNZAF);
-Liên bang Nga (Học viện Quân sự Bộ Tổng Tham mưu);
-Mỹ (Đại học tổng hợp Quốc phòng);
-Pakistan ( Học viện Quốc phòng).
-Đại diện của Ban thư ký ARF.

Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #48 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 11:17:24 am »

XIII

BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC QUỐC PHÒNG

      Đầu năm 1997, tôi cùng Ban giám đốc nhất trí cao về Sự cấp thiết phải tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ, công chức cao cấp của Đảng, Nhà nước và đoàn thể Trung ương. Nó là đòi hỏi khách quan lúc này.   
      Ý tưởng trên xuất phát từ thực tiễn là QP-AN nước ta được tăng cường; các LLVTND cùng với toàn dân đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, chế độ XHCN, giữ vững hoà bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho xây dựng đất nước và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, so với yêu cầu BVTQ trong tình hình mới thì QP-AN của nước ta cũng còn bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế. Nhận thức về nhiệm vụ BVTQ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ta nói chung chưa đầy đủ, nhất là trong đánh giá, nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch vẫn còn có biểu hiện mơ hồ, chủ quan, mất cảnh giác, có nơi còn lúng túng, khi có những tình huống phức tạp, bất trắc xảy ra. Việc chuẩn bị LLVT và chuẩn bị đất nước về mọi mặt sẵn sàng đối phó với tình huống chiến tranh xâm lược các quy mô, hình thức còn nhiều bất cập... Công tác bảo đảm an ninh mọi mặt của đất nước, trước hết là an ninh nội bộ, an ninh kinh tế, tư tưởng, văn hoá và an ninh biên giới vẫn còn nhiều tiềm ẩn, có thể gây nên những bất ổn khó lường. Vấn đề trật tự an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố, thị xã còn biểu hiện buông lỏng pháp chế, kỷ cương... chưa có những biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả nạn tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn của xã hội, đó cũng là điều làm cho lòng dân chưa thật yên.
Đầu năm 1997, khái niệm “bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh “đối với Học viện cũng như cá nhân tôi còn rất “mỏng” cả về nhận thức, quan điểm, chương trình, nội dung và phương pháp bồi dưỡng. Cần làm gì đây để một mặt làm tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, mặt khác, phải tự mình tổ chức, điều hành Học viện thực hiện để có thể mở được lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh khóa 1 vào giữa năm 1998, như ý định Bộ đã đề ra. Đó là điều tôi luôn suy tư, trăn trở rất nhiều.
   Ban giám đốc chúng tôi bàn nhau, phải Chủ động chuẩn bị trước chương trình khung và các chuyên đề, có thể nói gọn là Học cái gì?
Ban Giám đốc đã giao nhiệm vụ cho các khoa xây dựng chương trình, nội dung. Tuy có nhiều khó khăn, song đây là nhiệm vụ trọng tâm của Học viện, nên mọi người được giao nhiệm vụ nghiên cứu đều rất phấn khởi.
Ngày 26-6-1997, lần đầu tiên tôi chủ trì Hội thảo khoa học về nội dung, chương trình khung bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Căn cứ vào tính chất, đối tượng, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và thời gian từng lớp học, Học viện đã xác định 3 khối kiến thức cơ bản: Khối kiến thức chung, Khối kiến thức quốc phòng-an ninh, Khối kiến thức quân sự. Học viện còn xác định được 42 chuyên đề cơ bản làm cơ sở để biên soạn tài liệu và bài giảng.
   Tôi trực tiếp làm việc với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư để xin chủ trương mở lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh. Tôi có thuận lợi rất lớn, trên cương vị Uỷ viên Trung ương Đảng từ khóa 7, nên có điều kiện có thể gặp trực tiếp Tổng Bí thư Đỗ Mười, các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và một số cơ quan của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng để trình bày chính kiến, cũng như xin ý kiến chỉ đạo, tạo sự ủng hộ, đồng tình cao của cấp trên. Tôi đã báo cáo Về chương trình, nội dung bồi dưỡng Học viện chủ trương bồi dưỡng theo 3 khối kiến thức và đi học thực tế. Thời gian bồi dưỡng, tôi và Ban giám đốc đề xuất 3 phương án cơ bản: Đào tạo cơ bản, chuyên sâu: 1 năm; Đào tạo ngắn hạn: 6 tháng; Bồi dưỡng kiến thức (chương trình bổ túc): 3 tháng. Thành phần đối tượng học viên: Đối  tượng 1, diện cán bộ do Trung ương quản lý. Cụ thể là: Các đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng (gồm cả các đồng chí Ủy viên dự khuyết) chưa bồi dưỡng kiến thức QP-AN tại HVQP. Ở Trung ương: Các đồng chí là Bộ trưởng, Thứ trưởng; trưởng, phó ban, ngành, đoàn thể trung ương; chánh, phó các Văn phòng Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội và Chính phủ. Ở địa phương: Các đồng chí là bí thư, phó bí thư, thường vụ; chủ tịch, phó chủ tịch UBND, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Việc chiêu sinh  do Ban Tổ chức Trung ương đảm nhiệm. Dự kiến khóa đầu tiên bồi dưỡng kiến thức QP-AN khai giảng vào giữa năm 1998.
    Ai sẽ giảng dạy? Những khóa đầu tiên, Học viện đề nghị mời các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các tướng lĩnh quân đội, công an; các cán bộ, nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài quân đội có trình độ lý luận, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trực tiếp lên lớp. Về sau, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện sẽ từng bước tự đảm nhiệm. Giảng viên, dù trong hoặc ngoài Học viện, nhất thiết chuẩn bị kỹ giáo án, phải giảng thử trước Hội đồng khoa học giáo dục Học viện để rút kinh nghiệm.
    Bảo đảm huấn luyện như thế nào? Học viện đề nghị ngân sách bảo đảm cho bồi dưỡng kiến thức QP-AN (bao gồm chi phí tổ chức lớp học, tiền ăn ở, trang thiết bị, xăng xe luyện tập, dã ngoại...) đều do ngân sách Nhà nước bảo đảm trực tiếp. Các đề xuất trên của Học viện Quốc phòng đều được Tổng Bí thư Đỗ Mười, Thường trực Ban Bí thư – đồng chí Phạm Thế Duyệt và một số đồng chí trong Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến cụ thể và giao cho Ban Bí thư quyết định. Rất mừng, tất cả các đề xuất của Học viện Quốc phòng đều được Ban Bí thư đồng ý, riêng về thời gian học tập, căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ Chính trị chọn phương án 3 tháng. Ngay sau đó, tôi cùng Ban giám đốc đã báo cáo Bộ Quốc phòng về kế hoạch mở lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh vào năm 1998. Tôi trực tiếp lên báo cáo cho Thượng tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các thủ trưởng Bộ. Sau khi thảo luận, Bộ Quốc phòng đều đồng ý với tất cả các ý kiến đề xuất của chúng tôi. Riêng thời gian khóa học, Bộ trưởng quyết định, trước mắt học theo chương trình từ một đến một tháng rưỡi với lý do: Đây là chương trình mới, tâm lý cán bộ dân sự còn ngại học về quốc phòng, công việc cơ sở nhiều...
      Chỉ còn một năm làm công tác chuẩn bị. Đó là thời gian ngắn, trong khi công việc còn bề bộn. Tôi đã suy nghĩ kỹ, lên kế hoạch, xác định những công việc nhất thiết tự mình phải chủ trì và trực tiếp kiểm tra; đồng thời phân công từng đồng chí trong Ban Giám đốc đảm nhiệm các công việc theo chức trách từng người. Sau gần 2 năm tích cực chuẩn bị, giữa năm 1998, Học viện đã hoàn thành toàn bộ công tác chuẩn bị cho mở khóa học đầu tiên bồi dưỡng kiến thức QP-AN tại Học viện, vấn đề chưa từng có tiền lệ trong hệ thống giáo dục-đào tạo của nước ta.
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #49 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 11:20:36 am »

Không thể quên được ngày 8-6-1998, lớp học khóa 1 khai giảng có 44 học viên là những cán bộ chủ chốt các Bộ, Ban, Ngành trung ương và cán bộ chủ chốt các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương(*) . Đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã tới dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo, động viên lớp học. Sau gần một tháng tích cực học tập, lớp học đã được nghiên cứu, trao đổi 14 chuyên đề lý luận thuộc 3 khối kiến thức, tham quan cuộc diễn tập tác chiến phòng thủ quân khu tại Học viện Quốc phòng, tham quan quân chủng PK-KQ và thực hành bắn súng ngắn quân dụng K.54 tại trường bắn. Kết quả thu hoạch, toàn khóa có 15 đồng chí giỏi (34%), 29 đồng chí khá (66%). Ngày 27-6-1998 Học viện tổ chức trọng thể Lễ bế giảng và trao giấy chứng nhận tốt nghiệp cho học viên.
Hoàn thành lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN đầu tiên, vị thế và uy tín của Học viện được nâng cao ở trong nước và quốc tế, tạo cơ sở, tiền đề để Học viện phát triển nhanh và bền vững bước sang thế kỷ XXI.
Khóa 1 bồi dưỡng kiến thức QP-AN đã kết thúc tốt đẹp. Tôi cảm thấy nhẹ người và sung sướng sau hơn 2 năm lo lắng, suy tư và hồi hộp chờ đợi. Đây là sự thắng lợi của đột phá về nhận thức, của trên và dưới, sự nỗ lực trong tư duy và hành động của toàn thể Học viện. Tuy nhiên, tôi đã nhận thấy cần phải khẩn trương làm tiếp nhiều công việc để chuẩn bị cho các khóa tiếp sau. Trên cương vị là Giám đốc Học viện, tôi rất vui mừng, từ tháng 6-1998 đến đầu năm 2007 (thời điểm tôi được thông báo nghỉ hưu), Học viện đã tổ chức tốt 22 khoá bồi dưỡng kiến thức QP - AN cho 1.247 cán bộ chủ chốt từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể Trung ương, các sĩ quan cấp tướng Quân đội và Công an (đối tượng1); các cục, vụ, viện, hiệu trưởng các trường đại học, tổng giám đốc và chủ tịch HĐQT các tổng công ty 90, 91 (đối tượng 2).
Qua 22 khoá, tổng số có 123 đồng chí là Uỷ viên Trung ương Đảng tham dự bồi dưỡng kiến thức QP-AN, trong đó có 5 Uỷ viên dự khuyết. Đã 32 lần các đồng chí lãnh đạo cao nhất xuống dự khai giảng, bế giảng, xuống thăm và chỉ đạo lớp học như: Các đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết; Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, Nguyễn Văn An; Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng; Uỷ viên Bộ Chính trị: Phạm Thế Duyệt, Trương Tấn Sang...
    Tôi rất tâm đắc, trong quá trình bồi dưỡng, Học viện coi trọng việc đi học tập nghiên cứu thực tế. Gần chục năm chiến đầu ở chiến trường Tây Nguyên và miền Nam, một trong những địa bàn chiến lược tôi quan tâm nhất và mong muốn học viên được đi nghiên cứu tìm hiểu đó là Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Tôi cũng rất chú trọng tới địa bàn chiến lược miền Trung, đặc biệt là mảnh đất Quảng Trị-Đường 9, nơi đây trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước trở thành chiến trường ác liệt nhất, giờ đây với quá nhiều di tích chiến tranh mà cán bộ cần phải biết đến. Gần chục năm công tác ở đặc khu Quảng Ninh và Bộ tư lệnh Quân khu 3, tôi đã thấy rõ tầm quan trọng của tuyến biên giới, vùng biển đảo phía Đông Bắc của Tổ quốc và mong muốn đưa học viên đi nghiên cứu dọc tuyến biên giới, ra nghiên cứu ngoài đảo xa (Cô Tô, Minh Châu, Vĩnh Thực, Ngọc Vừng...).
Để gắn chặt giữa lý luận và thực tế, nhà trường với thao trường, Học viện đã xây dựng được chương trình nghiên cứu thực tế chuẩn bị rất chu đáo, kỹ lưỡng cho mỗi lần đưa học viên đi học tập thực tế. Chẳng hạn như: Khi đi học về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Học viện tổ chức cho đi nghiên cứu thực tế tình hình biên giới, hải đảo trên tuyến biên giới phía Bắc để học viên thấy rõ hơn dân tình ở những nơi hiểm yếu, còn rất thưa thớt, đời sống vô cùng khó khăn. Qua đó để mọi người hiểu rõ thêm, việc thực hiện nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước còn quá chậm chạp. Chẳng hạn như Kế hoạch của Nhà nước đưa dân ra sát vùng biên giới để phát triển kinh tế-xã hội kết hợp bảo vệ đường biên giới với mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ, nhưng sau 5 năm thực hiện, vốn cấp chưa đạt tới 20% (trong khi đó, khi đầu tư cho khu TDTT Mỹ Đình khoảng 5.000 tỷ, Nhà nước tập trung cao độ, chỉ hơn một năm đã xong công trình). Trượt giá lên 7500 tỷ.
   Khi học về xây dựng QĐNDVN, Học viện tổ chức cho đi nghiên cứu thực tế việc huấn luyện của Lữ đoàn xe tăng 201 thuộc Binh chủng Tăng - Thiết giáp, cho học viên thực hành ngồi trên xe tăng như pháo thủ, chạy thử 10 phút vào mùa hè, dọc địa hình đồi núi; hoặc đưa học viên đi thăm quan Trường Sĩ quan Đặc công vào mùa đông, thấy rõ việc huấn luyện đặc công nước vất vả, công phu, nặng nhọc vô cùng, trong khi đó tiêu chuẩn bồi dưỡng ăn thêm chỉ có 10.000đồng/người/ ngày. Sau các chuyến đi thực tế đó, được biết mức ăn của bộ đội đặc chủng được tăng thêm lên 12.000đ/người/ngày.
          Học viện cũng đưa học viên đi thăm quan Trường Sĩ quan Lục quân 1, để hiểu rõ thêm quy trình đào tạo người sĩ quan lục quân bài bản, vất vả, cực nhọc thế nào. Nhưng sau khi tốt nghiệp về đơn vị (với sự khắc nghiệt của quy luật đào thải, cứ 3 sĩ quan có một người phát triển lên, còn 2 người phải chờ đợi), nên nhiều sĩ quan đại úy, tuổi đời khoảng 35 đã phải ra quân về quê, thất nghiệp. Vấn đề đặt ra là Nhà nước khổ công đào tạo đội quân có chất lượng, đội ngũ đã được thử thách ấy sử dụng ra sao để khỏi lãng phí?
   Khi học về kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường củng cố QP-AN, Học viện tổ chức cho đi nghiên cứu thực tế tại Binh đoàn 15, Binh đoàn16 ở Tây Nguyên, để thấy được những nỗ lực cao độ của các binh đoàn trong việc thực hiện chính sách xã hội rất tốt, giúp dân yên tâm sản xuất, gắn bó với vùng biên và tham gia bảo vệ biên giới quốc gia. Học viện còn tổ chức đưa học viên tham quan Vành đai biên giới, để thấy rõ thêm sự tương phản giữa hai bên, cũng như  bất cập của ta. Ví dụ như: Nước láng giềng lấn chiếm bãi 2 bụi tre khu vực cửa khẩu Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh (**) ; xây kè nắn dòng chảy sang đất ta ở khu vực cửa Thông quan Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh (***) . Trong khi phía họ thì luôn kè sông sát mép nước, tận dụng từng doi đất, thậm chí còn kè sông nắn dòng chảy xói sang phía Việt Nam, thì bên phía ta, toàn xây kè chỗ dễ, bỏ quá nhiều đất đai, có chỗ xa mép nước tới hàng trăm mét .. Phía láng giềng việc kè sông đường biên đều do Công binh đảm nhiệm, còn ta thì giao cho Bộ NN&PTNT làm, nên khi xử trí những đoạn kè phức tạp cũng bị hạn chế.
Học viện cũng tổ chức đưa học viên thăm quan các huyện miền núi vùng biên còn nhiều khó khăn của Hà Giang. Một mặt cũng để học viên tự hào về một công trình vĩ đại, đó là con đường được mang tên “Hạnh phúc” vắt qua sườn núi của 4 huyện miền núi vùng biên (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc), bước đầu đã đem lại sự đổi đời cho nhân dân vùng cao; mặt khác cũng thấy rõ thêm những khó khăn cực nhọc của đồng bào vùng cao, đặc biệt là các cháu học sinh ở các “Trường bán trú dân nuôi”. Món ăn chủ lực vẫn là “mèn mén” (ngô bung), quần áo thì phong phanh giữa mùa rét cắt da thịt. Thực tiễn ấy đã gây xúc động lớn đối với học viên. Sau này, nhiều cá nhân, cơ quan, đơn vị đã gửi quà tặng trị giá hàng trăm triệu đồng và hàng nghìn bộ quần áo ủng hộ vùng cao.
Quá trình các lớp học bồi dưỡng kiến thức QP-AN đi nghiên cứu thực tế,  tại các đơn vị, khi có điều kiện, lớp học có quà tặng cho đơn vị, địa phương sở tại (như đã làm ở Đảo Cô Tô, Hà Giang, Trường Sĩ quan Đặc công) nhằm động viên, cổ vũ những địa bàn xa xôi, khó khăn (****) .
Các khóa học cũng đã tạo điều kiện cho học viên tham gia diễn tập, xử trí một số tình huống chính trị, trong đó tập trung vào diễn tập, tập bài về vấn đề chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến, tác chiến phòng thủ quân khu, luyện tập xử lý một số tình huống bạo loạn chính trị, gây rối có thể xảy ra; tập bài về đấu tranh quốc phòng nhằm bồi dưỡng cho học viên về phương pháp công tác, phương pháp xem xét và hạ quyết tâm xử trí. Ví dụ Khóa 13: Đây là lớp bồi dưỡng cho đối tượng 2 là cán bộ thuộc các vụ, viện, ban ngành ở Trung ương, các Tổng công ty 90, 91, cán bộ chủ chốt các trường đại học. Lần đầu tiên lớp được tập bài “Xử lý tình huống chính trị” - tình huống bạo loạn, gây rối ở Tây Bắc. Khóa 14, gồm 60 học viên được tham gia diễn tập xử trí tình huống chính trị, tập trung vào xử trí tình hình thực tiễn ở Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và có dự báo những diễn biến mới của tình hình để chủ động đề xuất hướng xử trí... Điều quan trọng là chú trọng thu hoạch cuối khóa.  Học viên chủ yếu viết trong giờ tự học và tự nghiên cứu của mình. Thông qua bài viết thu hoạch, Học viện sẽ khai thác trí tuệ của người học, đồng thời những kiến thức đó cũng là nguồn thông tin có giá trị thực tiễn và khoa học để sau từng khoá Học viện có thể bổ sung dần hoàn thiện các chuyên đề, bài giảng và chương trình học tập cho các khoá sau
Sau 22 khoá học, tuyệt đại bộ phận học viên đánh giá chương trình bổ ích, thiết thực, cần thiết cho tất cả các đối tượng cán bộ của các địa phương và các ban, ngành ở TƯ. Các học viên đều thống nhất nhận thức: Nếu không có sự ổn định về chính trị, xã hội, không có môi trường hoà bình cho mọi miền đất nước, thì mọi sự phát triển không có tính bền vững lâu dài, nguy cơ thiếu lòng tin là điều không tránh khỏi. Do đó, việc kết hợp chặt chẽ giữa 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN là một nhiệm vụ thường xuyên, cơ bản và lâu dài của tất cả các địa phương, bộ, ban, ngành ở Trung ương.
Trong cả 22 khóa học, khóa nào cũng vậy, tôi cùng Ban giám đốc Học viện đều theo dõi, chỉ đạo sát sao suốt thời gian khóa học, kể cả khi lên lớp, thảo luận, tập bài, diễn tập cũng như đi dã ngoại.
Có thể nói, kết quả thu được lớn nhất sau 22 khoá bồi dưỡng kiến thức QP-AN chính là tạo ra sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của đội ngũ cán bộ chủ trì các cơ quan đoàn thể của Đảng, Nhà nước ở trung ương và  địa phương về công tác QP-AN, tạo sự chuyển biến thực sự trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành và xây dựng nền QPTD ngày càng vững mạnh ở cấp cơ sở cũng như trong phạm vi cả nước.
       Tại Học viện hiện còn lưu giữ những lời đánh giá tốt đẹp, chân thành, thẳng thắn về hiệu quả của 22 khoá bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Trong đó có không ít lời ngợi khen của các lãnh đạo Đảng, nhà nước, Bộ quốc phòng. Tại các Quân khu, Tỉnh thành, chúng tôi cũng nhận được nhiều lời động viên đánh giá khách quan, khẳng định hiệu quả của các khóa học. Còn học viên thì...có cả hàng chục cuốn kỷ yếu, ghi lại những cảm tưởng và lời đánh giá tốt đẹp của hàng trăm học viên. Điều đáng mừng là các “học viên” trở về đã vận dụng và chỉ đạo điều hành tốt nhiệm vụ Quốc phòng-quân sự ở địa phương mình.
     Quá trình bồi dưỡng cũng để lại cho tôi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ quên. Những điều đã làm được thực sự hiệu quả, chất lượng, bổ ích và thiết thực.
Trong quá trình chỉ đạo bồi dưỡng kiến thức QP-AN, có những sự việc, tuy không lớn, nhưng khi giải quyết nó cũng để lại cho tôi nhiều điều thú vị như: Quyết định trang bị quân phục dã chiến cho học viên khi đi dã ngoại là áo “dã chiến rằn ri”, hay việc đưa nội dung bắn súng ngắn quân dụng K.54 vào chương trình. Có thể nói, tuyệt đại đa số học viên đều cho rằng, luyện tập và bắn súng ngắn quân dụng K.54 là nội dung thiết thực, bổ ích và hấp dẫn.
       Những điều trăn trở tới khi tôi về hưu chưa thực hiện được, đó là: Chương trình bồi dưỡng kiến thức QP-AN lúc đầu được Ban Bí thư Trung ương Đảng nhất trí là 3 tháng, nhưng sau khi báo cáo Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ rút xuống còn một đến một tháng rưỡi. Trên cương vị là Giám đốc, tôi đã nghiêm chỉnh chấp hành ý kiến của Thủ trưởng Bộ, song cho đến nay, tôi vẫn còn băn khoăn, trăn trở về thời gian khóa học. Với thời gian như vậy, việc bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho công chức cao cấp của Đảng, Nhà nước, Đoàn thể kết quả sẽ rất hạn chế, nhất là đối tượng học viên ngày càng trẻ, càng về sau đều chưa qua thử thách chiến đấu, chưa được chứng kiến chiến tranh... Tôi cho rằng, cần nâng thời gian đào tạo bồi dưỡng kiến thức QP-AN (từ 3 đến 6 tháng), phải chú trọng chất lượng, không chạy theo số lượng (như Nghị quyết của Bộ chính trị khóa 8 đã kết luận).
   Trong suốt 10 năm gắn bó với nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức QP-AN, tôi đã được cấp trên và cán bộ các cơ quan của Bộ Quốc phòng tận tình giúp đỡ, quan tâm động viên tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ mới mẻ và trọng đại này. Nhưng đôi lúc, tôi vẫn cảm nhận thấy một số cán bộ của cơ quan Bộ Quốc phòng mặc cảm với HVQP cũng như với cá nhân tôi. Cũng có thể do cá tính tôi thẳng thắn, hay nói thẳng, nói mạnh, e làm mất lòng nhiều người. Nhưng tôi linh cảm thấy, nhiều người cho rằng, nếu không cẩn thận, ông ấy (HVQP hoặc cá nhân tôi) sẽ qua mặt cơ quan cấp trên, qua mặt bộ. Đó là điều đáng buồn. Đáng lẽ các đồng chí đó phải khuyến khích, tạo điều kiện, để Học viện quốc phòng tranh thủ sự giúp đỡ nhiều hơn, từ cơ quan Đảng, Nhà nước, với quân đội. Trong đó có Học viện quốc phòng.
   Một điều nữa, cho đến bây giờ vẫn làm tôi day dứt, trong khi các nước quanh ta, người ta thực hiện “4 dám”, trong xây dựng học viện, nhà trường. Đó là: Dám điều cán bộ giỏi về làm giáo viên; dám đầu tư tiền của để huy động các chuyên gia hàng đầu đất nước về viết giáo trình; dám đưa khí tài mới về làm giáo cụ, mang chiến thuật  mới về giảng dạy; dám đưa giáo viên, chuyên gia đào tạo đi nước ngoài học tập các lý luận mới về quân sự hiện đại. Trong khi chất lượng đội ngũ giảng viên của Học viện Quốc phòng phần nào chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo. Sau nhiều bài giảng, chúng tôi vẫn nhận được những lời “chê khéo” của học viên về chất lượng của bộ môn, hoặc giáo viên nào đó. Cá nhân tôi và tập thể Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện nhiều năm qua đã dốc sức xây dựng đội ngũ giảng viên, song nghiêm túc nhìn lại, vẫn cảm thấy còn quá nhiều điều bất cập. Trong khi nhiệm vụ chính trị của Học viện ngày càng nặng nề thì quy chế, chính sách, điều kiện thu hút giáo viên về Học viện Quốc phòng chưa thật hấp dẫn, Học viện chưa đủ khả năng để thu hút, chiêu nạp, giữ chân những người giỏi về trường làm thầy...

(*) Khóa 1 Bồi dưỡng kiến thức QP-AN có 44 đồng chí, trong đó có 7 đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, 8 đồng chí bí thư tỉnh ủy, 15 phó bí thư thường trực tỉnh ủy, 12 chủ tịch tỉnh và 2 phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
        (**) Năm 1979, bộ đội ta trồng 2 bụi tre trên đất bãi ven sông Bắc Luân thuộc lãnh thổ nước ta. TQ đã bí mật và nhanh chóng ( trong 1-2 đêm) xây kè sông và xây “mỏ vịt” nắn dòng chảy, đẩy đường biên lấn sâu sang đất ta hàng trăm mét và chiếm giữ luôn khu bãi  2 bụi tre.
       (***)    Dọc sông Bắc Luân, ở những khu vực nhạy cảm, TQ đều chủ động, bí mật và nhanh chóng xây kè sông nắn dòng chảy, đẩy đường biên lấn sâu sang đất ta để chiếm giữ các bãi đất  ven sông có lợi cho xây mốc biên giới.
        (****) Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh: TQ luôn xây kè bê tông sát mép sông Bắc Luân, còn phía ta, đôi chỗ xây kè quá sâu trong đất liền, để trống đất bãi ven sông, không có lợi cho công tác QP-AN vùng biên giới.


Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM