Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 08:31:45 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hải quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam 1964-1973  (Đọc 65888 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« vào lúc: 13 Tháng Năm, 2012, 12:59:29 pm »

Mời các bác và các bạn tham gia chủ đề.
Để có thêm tài liệu tham khảo ngoài tài liệu hiện có trên trang, các ấn phẩm về Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam, thời gian trước mắt tôi sẽ dịch hoàn chỉnh một chương trong sách đề cập trực tiếp đến hoạt động của Hải quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam:
- "Флоты в локальных конфликтах второй половины XX века" (Các hạm đội trong những cuộc xung đột cục bộ nửa sau thế kỷ 20).  
- Tác giả: Vitali Dmitrievitch Dotsenko (Доценко, Виталий Дмитриевич)
- Nhà xuất bản AST; Saint Petersbourg: Terra Fantaslica, 2001. — 512 trang сó minh họa («Издательство ACT»; СПб.: Terra Fantaslica, 2001. — 512с., с ил).
- Nguồn của cuốn sách trên mạng: http://militera.lib.ru/h/dotsenko/index.html
- Tên của chương sách: "Hạm đội chiến đấu vời bờ"

Giới thiệu về tác giả:
DOTSENKO Vitalii Dmitrievich.
Nhà sử học hải quân nổi tiếng và người yêu sách, tiến sĩ khoa học lịch sử (1985), giáo sư (1994), đại tá hải quân (1989). Thành viên Viện hàn lâm St Petersburg về Lịch sử Khoa học và Công nghệ, thành viên chính thức Hiệp hội địa lý Nga, hội viên Hiệp hội các sĩ quan Hải quân Nga. Sinh năm 1948. Tốt nghiệp các trường: năm 1972 - Cao đẳng hải quân mang tên M.V. Frunze (ВВМУ им. М.В. Фрунзе), năm 1980 - Học viện Hải quân (Военно-морскую академию). Trong các năm từ 1972-1978: chỉ huy ngành thủy lôi-pháo hạm trên tàu chiến, trợ lý thuyền trưởng rồi thuyền trưởng một tàu quét mìn Hạm đội Biển Bắc. Từ năm 1980, giảng viên, giảng viên cao cấp, phó giáo sư, giáo sư khoa Lịch sử nghệ thuật chiến tranh hải quân thuộc Học viện Hải quân, và từ năm 2000 phó giáo sư khoa Nghệ thuật chiến dịch Hải quân. Kể từ năm 1989, chủ tịch tiểu ban Lịch sử quân sự Cung khoa học St Petersburg của các nhà khoa học thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga (Петербургского дома ученых РАН, hay, Дом учёных имени М. Горького РАН). Thành viên các Hội đồng khoa học Lưu trữ Hải quân Quốc gia Nga, Bảo tàng Trung ương Hải quân và Thư viện Trung ương Hải quân Nga. Trong giai đoạn 1994-1996: thành viên Hội đồng tư vấn Uỷ ban Công nghiệp Quốc phòng Nhà nước Nga về xuất bản tài liệu khoa học và kỹ thuật. Thành viên Ban biên tập của bộ sách năm tập "Lịch sử ngành công nghiệp đóng tàu trong nước", ba tập "Bách khoa từ điển hàng hải", 6 tập "Bách khoa toàn thư Hàng hải".

Tác giả của hơn 800 ấn phẩm, bao gồm 13 kịch bản phim, 71 đầu sách, 120 bài viết trong các tuyển tập và tạp chí, hơn 500 mục trong các loại từ điển, sổ tay tham khảo và bách khoa toàn thư. Biên tập viên khoa học của 10 cuốn sách, biên soạn tám bộ tuyển tập các bài báo khoa học. Các công trình quan trọng nhất:
- "Bị đánh chìm: Thiệt hại tàu trong chiến đấu sau năm 1945";
- "Phù hiệu và thẻ bài của Hạm đội Đế quốc Nga 1696-1917" (bằng khuyến khích cuộc thi nghệ thuật sách toàn Nga năm 1993);
- "Hải quân Đế quốc Nga 1696-1917";
- "Lễ phục hàng hải Nga 1696-1917";
- "Nhà thờ hàng hải Nga";
- "Hạm đội thiết giáp Nga. 1863-1917";
- "Lịch sử ngành công nghiệp đóng tàu trong nước" (Tập 1);
- "Hạm đội. Chiến tranh. Chiến thắng. 1941-1945" (Ủy ban xuất bản CHLB Nga công nhận cuốn sách tốt nhất năm 1995, được trao bằng chứng nhận hạng 1);
- "Các đô đốc Hải quân Nga";
- "Ba thế kỷ Hải quân Nga 1696-1996" (3 tập);
- "Từ điển tiểu sử nhân vật hàng hải" ( Ủy ban xuất bản CHLB Nga công nhận là cuốn sách tốt nhất của năm 1996, được trao bằng chứng nhận hạng 1);
- "Vsevolod Evghenevitch Egorov";
- "Lịch sử Hạm đội Nga 1696-1917";
- "Từ điển Hải quân dành cho các bạn trẻ";
- "Tấm mộc Đại dương của nước Nga";
- "Thần thoại và huyền thoại trong Lịch sử Hàng hải Nga";
- "Từ điển tiểu sử hàng hải";
- "Lịch sử nghệ thuật chiến tranh hải quân" (tập 1);
- "Lịch sử bộ sưu tập của tôi";
- "Trang phục hàng hải: Lịch sử và Truyền thống";
- "Cuộc tấn công bên bờ Sinai";
- "Thần thoại và huyền thoại Hạm đội Nga";
- "Các hạm đội trong những cuộc xung đột cục bộ".
Đã được tặng thưởng huân chương "Phục vụ Tổ quốc trong LLVT Liên Xô" bậc ba.
.........
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Năm, 2012, 02:48:26 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #1 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2012, 02:46:58 pm »

(tiếp)


Chương 4: HẠM ĐỘI CHIẾN ĐẤU VỚI BỜ
(Флот сражается с берегом)


Mục lục:

1. Dẫn nhập
2. Hạm đội chống lại bờ
3. Thủy binh tấn công bờ
4. Chiến dịch “StarLite” (17-24 tháng 8 năm 1965)
5. Chiến dịch “JackStein” (23 tháng 3 – 5 tháng 4 năm 1966)
6. Chiến dịch “StarLite” (Tháng 8 năm 1966)
7. Chiến dịch “Bold Mariner” (13 tháng 1 – 8 tháng 2 năm 1969)
8. Chiến dịch “Daring Rebel” (Tháng 5 năm 1969)
9. Hạm đội phong tỏa bờ
10. Chiến tranh thủy lôi tại Việt Nam
11. Hạm đội yểm trợ các quân binh chủng
12. “Tàu tốc hành đặc biệt” xuyên đại dương
13. Lực lượng giang thuyền tác chiến
 


Hạm đội chiến đấu với bờ. Dẫn nhập


Chiến tranh Việt Nam 1964 - 1973 là một trong những cuộc xung đột vũ trang lớn nhất kể từ Thế chiến II.
Sau chiến thắng thực dân Pháp, những điều kiện thuận lợi cho việc tái thống nhất hòa bình Bắc và Nam Việt Nam đã được tạo ra. Tuy nhiên, một sự phát triển như vậy ở Đông Nam Á không nằm trong kế hoạch của giới cầm quyền Mỹ. Có bàn tay của người Mỹ, tại Nam Việt Nam đã thành lập một chính phủ bù nhìn, trong đó với sự cộng tác của các cố vấn quân sự Mỹ đã hình thành nên một quân đội và tiến hành các hoạt động đàn áp chống các lực lượng yêu nước.

Đáp trả các biện pháp đàn áp của chế độ Sài Gòn và bọn can thiệp Hoa Kỳ, các lực lượng yêu nước bắt tay xây dựng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMN), quân số của mặt trận nhanh chóng đạt tới gần 100 nghìn người. Trong tình hình quân sự - chính trị này, ban lãnh đạo Mỹ đã quyết định mở cuộc xâm lược vũ trang chống lại các lực lượng yêu nước miền Nam Việt Nam [118] và hỗ trợ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH). Khởi đầu sự xâm lược đã mang  hình thức của một hành động khiêu khích có chủ ý. Ngày 02 tháng 8 năm 1964, 1 tàu khu trục Mỹ, tàu "Maddox", khi đi vào Vịnh Bắc Bộ để trinh sát các trạm radar ven bờ của Bắc Việt Nam, đã xâm phạm lãnh hải của họ, đúng như chính quyền Bắc Việt Nam thông báo chính thức trong công hàm gửi phía Mỹ, sau khi yêu cầu Mỹ ngừng ngay các hành động thù địch chống lại 1 nhà nước có chủ quyền. Nhưng hai ngày sau đó, 2 tàu khu trục Mỹ ("Maddox" và "S.Terner Joy") lại xâm phạm lãnh hải Bắc Việt Nam và bị các tàu cao tốc của lực lượng bảo vệ bờ biển bắn đuổi.

Màn kịch này được biết đến dưới tên gọi "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ". Với danh nghĩa là một "biện pháp trả đũa", buổi sáng ngày 5 Tháng 8 năm 1964, 64 chiếc máy bay từ các tàu sân bay "Constellation" và "Ticonderoga" đã tấn công vào các điểm trú đóng của các tàu cao tốc Bắc Việt Nam, làm cho 24 tàu thuyền bị hư hỏng, và một số bị đánh đắm. Đồng thời chúng còn phá hủy một số công trình cảng. Sau đó, người Mỹ tiếp tục tăng nhanh lực lượng của họ ở Đông Nam Á. Vào đầu năm 1965 ngoài khơi bờ biển Việt Nam đã có 42 tàu chiến, trong đó có ba tàu sân bay với 294 máy bay trên hạm, còn trên lãnh thổ Nam Việt Nam sư đoàn thủy quân lục chiến viễn chinh số 3 của Mỹ (30.000 người) đã đổ bộ lên cùng không đoàn thủy quân lục chiến thứ nhất với 157 máy bay. Kể từ thời gian đó, ngoài khơi bờ biển Việt Nam luôn luôn có mặt hơn phân nửa số tàu chiến của Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ. Vậy là, trong năm 1966, tập trung ở vùng biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) đã có đến 100 tàu chiến, trong đó gồm bốn tàu sân bay và 18 tàu đổ bộ, còn số lượng lính thủy quân lục chiến đã lên đến 41 ngàn người.

Gửi quân đội đến Nam Việt Nam tham gia can thiệp còn có các nước Úc, New Zealand, Thái Lan, Philippines và Nam Triều Tiên. Số lượng lớn nhất quân đội của những quốc gia này không quá 72 ngàn người.

Cần lưu ý rằng sự tăng trưởng lực lượng lục quân và không quân diễn ra chậm hơn so với Hải quân. Nhìn chung, trong tổng số binh lính và nhân viên quân sự, [119] có mặt trong không gian chiến trường Đông nam Á, có 20-22% là thủy thủ đoàn các tàu chiến và tàu hậu cần, 30% là lính thủy quân lục chiến, 30-40% - lục quân và đến 20% - các nhân viên của Lực lượng Không quân. Lực lượng Không quân phân ra như sau: từ 20-34% là không quân hải quân, từ 3-20% - Không quân thuộc Thủy quân lục chiến, phần còn lại thuộc lực lượng không quân chiến thuật và chiến lược. Bộ chỉ huy Mỹ lên kế hoạch hoàn thành các hoạt động quân sự ở Đông Nam Á trước ngày 30 tháng 6 năm 1967. Trong kế hoạch chiến lược của họ trù tính rằng, sau khi cô lập hoàn toàn các lực lượng của MTDTGPMNVN với miền Bắc Việt Nam, Lào và Campuchia, họ sẽ tổ chức các chiến dịch tấn công nhằm đánh bại hoàn toàn các lực lượng yêu nước miền Nam Việt Nam.

Theo tính chất của các hành động chiến tranh và theo các kết quả chiến lược- chiến dịch, chiến tranh ở Việt Nam có thể chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn leo thang xâm lược (từ 05 tháng 8 năm 1964 - ngày 01 tháng 11 năm 1968) và giai đoạn giảm dần dần quy mô chiến tranh (từ 1 tháng Mười Một năm 1968 đến 27 tháng 1 năm 1973).

Nội dung chính của giai đoạn đầu của cuộc chiến – sự tăng cường ngày càng lớn của các nhóm quân viễn chinh Mỹ và đồng minh của Mỹ, của việc tiến hành các hoạt động chiến tranh chống lại VNDCCH và các lực lượng yêu nước miền Nam Việt Nam. Người đứng đầu các lực lượng can thiệp là tướng Westmoreland. Phạm vi hoạt động chiến tranh rộng nhất chống VNDCCH của Không quân và Hải quân Mỹ đã đạt đến đỉnh điểm vào những năm 1966-1967. Trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam thì giai đoạn căng thẳng nhất là thời kỳ 1967-1968. Hành động quân sự chống lại VNDCCH và Nam Việt Nam có khác nhau về ý nghĩa, mục tiêu, phương pháp hành động, các lực lượng và phương tiện được huy động. Chống lại VNDCCH, người Mỹ chỉ sử dụng lực lượng Không quân và Hải quân, họ theo đuổi mục tiêu phá hoại tiềm năng kinh tế quân sự, đàn áp tinh thần của nhân dân và quân đội, và họ tìm cách buộc VNDCCH ngừng trợ giúp những người yêu nước miền Nam Việt Nam. Trong các hoạt động quân sự ở miền Nam Việt Nam, ngoài lực lượng Không quân và Hải quân, người Mỹ còn sử dụng lục quân.

Từ ngày 05 tháng 8 năm 1964 đến 07 tháng 2 năm 1965 Không quân Mỹ tấn công vào các mục tiêu riêng biệt của VNDCCH, [120] chủ yếu là các bến cảng và các đầu mối giao thông đường bộ. Sau đó, bắt đầu từ 07 tháng 2 năm 1965, Không quân Mỹ bắt đầu thực hiện các vụ đánh bom một cách có hệ thống toàn bộ các mục tiêu tên toàn lãnh thổ VNDCCH.

Từ tháng 11 năm 1968 trong mối liên quan với sự kiện bắt đầu các cuộc đàm phán Paris, các cuộc ném bom ồ ạt của Không quân Mỹ xuống các mục tiêu của VNDCCH đã chấm dứt. Nhưng vào tháng Hai-tháng Ba và tháng 12 năm 1972, những cuộc không kích ấy lại tiếp tục. Những cuộc tấn công ấy đã lan đến cả mạng lưới các công trình thủy lợi. Bằng những hành động này họ thành công trong biện pháp khét tiếng phá hoại tiềm năng kinh tế-quân sự của VNDCCH, làm giảm khả năng của VNDCCH trong việc hỗ trợ những người yêu nước miền Nam Việt Nam.

PS: các số trong ngoặc vuông chỉ tài liệu mà tác giả tham khảo, sẽ được thống kê ở cuối chương.

..........
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Năm, 2012, 10:45:54 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #2 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2012, 11:52:16 pm »

(tiếp)

Chiến sự ở miền Nam Việt Nam được triển khai theo cách khác. Trong năm 1966, người Mỹ chuyển hoạt động tác chiến vào quanh khu vực Sài Gòn, tới các căn cứ và thành phố lớn trên bờ biển, theo đuổi mục tiêu - tạo ra một bàn đạp duy nhất dọc miền duyên hải, đấy lực lượng yêu nước vào sâu trong lãnh thổ. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị phá sản. Năm 1967 – 1968, quân đội Mỹ và chế độ Sài Gòn đã có 20 chiến dịch hoạt động, trong mỗi chiến dịch đó có sự tham gia của các cụm quân có quân số từ 30 nghìn đến 100 nghìn người. Họ thành công trong việc phá hủy một loạt các căn cứ của lực lượng yêu nước và chia cắt quân đội của MTDTGPMNVN thành ba cụm biệt lập. Tuy nhiên, khả năng chiến đấu của lực lượng quân giải phóng không hề bị mất: đầu tiên họ tự vệ thành công, tránh được thế lực kẻ thù có lực lượng vượt trội, và vào tháng 1 năm 1968 đã phát động một cuộc tổng tấn công chiến lược và đạt được những thành công lớn.

- Trong giai đoạn thứ hai của chiến tranh Việt Nam, Bộ chỉ huy Mỹ bắt đầu từ từ chuyển gánh nặng của chiến tranh sang cho quân đội Sài Gòn và rút dần quân đội khỏi miền Nam Việt Nam. Tướng Abram, được bổ nhiệm ngày 01 tháng bảy 1968 để thay thế Tướng Westmoreland chỉ huy lực lượng Mỹ ở Nam Việt Nam, chuyển sang chiến thuật tiến hành các chiến dịch tìm và diệt bằng các lực lượng nhỏ, thường là gần các căn cứ và nơi triển khai thường trực quân đội của mình. [121]

Vào mùa xuân năm 1969, quân giải phóng chuyển sang cuộc tấn công chiến lược thứ hai, buộc đối thủ rơi vào thế phòng thủ ở khắp mọi nơi. Từ tháng 11 năm 1969 sau khi công bố "Học thuyết Nixon", Mỹ tiến hành thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa" chiến tranh ở Đông Dương, thực chất của nó nằm ở việc chuyển toàn bộ gánh nặng chiến tranh sang cho quân đội của chế độ bù nhìn, chỉ hỗ trợ dưới các hình thức cung cấp vũ khí và gửi các cố vấn. Trong khi đó, các hoạt động của lực lượng yêu nước ở miền Nam Việt Nam ngày càng trở nên tích cực hơn.

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam lực lượng hải quân đã đảm đương một loạt các nhiệm vụ. Chúng tấn công vào các mục tiêu quân sự và công nghiệp trên đất liền, đổ bộ các lực lượng đường biển và đường sông, thực hiện cuộc phong tỏa đường biển vùng duyên hải, yểm trợ lực lượng lục quân trong cả tấn công và phòng thủ, cũng như đảm bảo vận chuyển hàng quân sự bằng đường biển. Bộ chỉ huy Mỹ đã tìm cách áp dụng tối đa các kinh nghiệm của những cuộc chiến tranh trước đó. Tuy nhiên, lãnh thổ, nơi tiến hành cuộc chiến tranh này, đã được họ sử dụng như là một loại bãi thử của mình mà trong đó họ phát triển các phương pháp chiến thuật mới, thử nghiệm các mẫu khí tài kỹ thuật và trang bị tác chiến mới.

Bảng thống kê sử dụng số lượng tàu chiến trong biên chế Hải quân Mỹ tại Đông Nam Á từ 1965 đến 1973.


Bảng thống kê sử dụng số lượng máy bay Hải quân Mỹ tại Đông Nam Á từ 1965 đến 1973.


Bảng số lượng quân đội Mỹ tại Nam Việt Nam (13).


Mùa xuân 1972, quân giải phóng thực hiện 3 cuộc tấn công chiến lược, kết thúc bằng việc giải phóng phần lãnh thổ có hơn 2,5 triệu dân. Chỉ nhờ sự yểm trợ tối đa của Không quân và Hải quân Mỹ mà sự sụp đổ hoàn toàn của quân đội bù nhìn mới không diễn ra. Ngày 27 tháng 1 năm 1973 tại Paris đã ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. [123]
.........
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Năm, 2012, 07:29:48 am gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #3 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2012, 04:58:10 pm »

(tiếp)

Hạm đội chống lại bờ

Lực lượng Hải quân Mỹ tập trung khá thường xuyên cho việc giải quyết nhiệm vụ phá hủy các mục tiêu quân sự và công nghiệp trên đất liền. Cũng như trong chiến tranh Triều Tiên, đóng vai trò chính thực hiện vấn đề này là các tàu sân bay của lực lượng đặc nhiệm 77 thuộc Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ. Tham gia trong các hoạt động quân sự có 15 tàu sân bay tấn công và hai tàu sân bay chống ngầm, thực hiện 66 chiến dịch hành quân trên không gian chiến trường. Trong số 16 tàu sân bay Mỹ số tham dự chiến tranh Việt Nam gồm có "Enterprise", "America", "Independence", "Kitty Hawk", "Constellation", "Ranger", "Saratoga", "Midway", "Koral Sea", "Franklin D. Roosevelt", "Bon Homme Richard", "Oriskany", "Ticonderoga", "Hancock" và "Forrestal". Một số tàu sân bay đã thực hiện 5 đến 7 chuyến hành quân đến bờ biển Việt Nam. Ví như tàu sân bay hạt nhân "Enterprise"! từ 1965-1972 đã thực hiện 6 chuyến hành quân chiến đấu ở vùng Tây Nam Thái Bình Dương. Từ tàu sân bay đó, đã tiến hành hơn 39 nghìn phi vụ xuất kích, tiêu hao 30 nghìn tấn đạn dược và rải 400 trái thủy lôi.

Trong thành phần của lực lượng đặc nhiệm 77, theo quy luật, có 1 - 5 tàu sân bay (2 - 3 nhóm tàu sân bay tấn công), tối đa 5 tàu tuần dương, 15 tàu khu trục và tàu hộ vệ và tối đa 6 tàu tuần tra. Mặc dù thực ra không có sự phản ứng trên biển, bộ tư lệnh Hoa Kỳ luôn tổ chức đầy đủ tất cả các loại biện pháp phòng vệ cho các tàu sân bay. Tuyến bảo vệ gần, gồm có các tàu tuần dương, tàu khu trục và tàu hộ vệ, bố trí trên khoảng cách 20 - 30 kabelt đến tàu sân bay. Trong không trung gần như suốt ngày đêm máy bay cảnh báo sơm AEW (Airbone Early Warning) tuần tra, máy bay tiêm kích bảo vệ có mặt hoặc trong không trung hoặc trong trạng thái sẵn sàng xuất kích. Tuyến phòng thủ chống ngầm được giao cho hoặc một nhóm xung kích đặc biệt chuyên săn tìm - chống tàu ngầm và các máy bay tuần duyên có căn cứ trên bờ, hoặc chỉ [124] giao cho các máy bay tuần duyên "Orion" và "Neptune" thuộc căn cứ bờ làm nhiệm vụ tuần tra trong toàn bộ các khu vực gần và xa.

Sự tham gia hoạt động của các tàu sân bay trong thành phần Hạm đội 7 đạt tới 175 - 250 ngày đêm, trong đó có 5 - 6 lần đi vào khu vực chiến sự với thời gian tối đa một lần là 50 ngày đêm liên tục. Thời gian có mặt của các tàu sân bay trong [125] khu vực hành quân chiến đấu là 108 - 136 ngày đêm, tiêu tốn cho quá trình di chuyển mất trung bình 45 ngày,  tiêu tốn cho thời gian neo đậu trong căn cứ - đến 60 ngày đêm. Tiêu tốn cho duy tu bảo dưỡng và huấn luyện quân sự mất trung bình 170 đến 210 ngày đêm. Việc di chuyển của các tàu sân bay từ bờ biển phía Tây Hoa Kỳ tới vùng hoạt động của Hạm đội 7 mất 14 ngày, còn nếu di chuyển từ bờ biển phía đông – tiêu tốn thời gian gấp hai lần.

Nếu đang ở trong khu vực cơ động chiến đấu, mỗi tàu sân bay sẽ tham gia vào các hoạt động chiến đấu từ 6 đến 11 ngày, sau đó dành một ngày cho nhân viên nghỉ ngơi và bảo dưỡng kỹ thuật hàng không. Nếu ở trong khu vực đang có ba tàu sân bay, một trong số chúng thường làm nhiệm vụ dự bị, từ hai tàu sân bay còn lại các máy bay sẽ hoạt động trung bình 12 giờ một ngày đêm.

Khu vực cơ động chiến đấu ("Yankee") của lực lượng đặc nhiệm 77 từ tháng 2 năm 1965 đến tháng 1 năm 1973 ở trong Vịnh Bắc Bộ. Kích thước của nó là 140x160 dặm, còn giãn cách ranh giới tính đến đường bờ biển khoảng 40 - 80 dặm (cạnh xa nhất - 100 đến 120 dặm).Trong khu vực này có 2 đến 4 nhóm tàu sân bay tấn công, mỗi nhóm trong số đó có một khu vực phụ trợ lân cận. Trong giới hạn khu vực này thì nhiệm vụ của khu vực phụ trợ lân cận là để bổ sung dự trữ vật chất, nơi thường xuyên có một trong các nhóm đơn vị hậu cần hay còn gọi là "hậu cần nổi". Lực lượng không quân Mỹ hoạt động ở tầm xa 200 - 650 km tính từ trung tâm của khu vực cơ động chiến đấu (tuyến tấn công đạt tới 400 - 650 km).


Các khu vực bị ném bom ở Bắc Việt Nam.
..........
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Năm, 2012, 02:45:48 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #4 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2012, 05:25:56 pm »

(tiếp)


Hoạt động của các đơn vị tàu sân bay xung kích chống lại VNDCCH giai đoạn 1964-1965.

Số lượng biên chế của các máy bay thuộc lực lượng đặc nhiệm 77: khi hai tàu sân bay ở trong vùng chiến sự - 152 - 166 máy bay (bao gồm 86 - 96 máy bay cường kích, 48 máy bay tiêm kích), khi có  3 tàu sân bay - 240 - 250 máy bay (trong đó 130-150 máy bay cường kích, 72 - 84 máy bay tiêm kích), khi có 4 tàu sân bay - 312 - 324 máy bay (trong đó 166-184 máy bay cường kích và 96 máy bay tiêm kích). Sự thay đổi thành phần của không đoàn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có sự kháng cự của đối phương và tổn thất, thường rất ấn tượng. Chỉ từ ngày 07 tháng hai 1965 đến 31 Tháng Ba năm 1968 [126] tổn thất máy bay Mỹ lên đến khoảng 360 máy bay trên hạm bị bắn rơi, gần 1000 chiếc bị thương. Tổng số tính cho toàn bộ thời kỳ thì lực lượng đặc nhiệm 77 đã giảm mất 640 máy bay hiện có.

Đến tháng 8 năm 1964 Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ trên cơ sở số liệu của các cơ quan tình báo Mỹ đã thảo ra một danh sách 94 mục tiêu nằm trên lãnh thổ Bắc Việt Nam, dự tính sẽ bị tiêu diệt trước tiên. Mục tiêu chính là hệ thống giao thông đường bộ, các công trình công nghiệp và nhiên liệu-năng lượng quan trọng và các thành phần của hệ thống phòng không. Đồng thời nhiệm vụ quan trọng nhất trong suốt cuộc chiến là phá hủy mạng lưới đường giao thông bộ. Để thu thập thông tin về các mục tiêu này đã sử dụng máy bay trinh sát chiến lược U-2 và các tàu chiến có thiết bị trinh sát vô tuyến điện tử chuyên dụng.


U-2 trong thời gian thử nghiệm trên tàu sân bay "America" CV-66 (en.viki).

Khi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phá hủy mạng lưới giao thông đường bộ trên lãnh thổ Bắc Việt Nam, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm 77, chuẩn đô đốc D.Richardson đã viết: "Mục tiêu của chúng tôi là không để đối phương có khả năng sử dụng bất kỳ phần nào của mạng lưới giao thông vận tải của họ, bắt họ phải cho phương tiện thiết bị của mình vận chuyển theo các đường vòng tránh khác, bỏ qua các tổ hợp đã bị đánh hỏng, và do đó làm giảm nỗ lực quân sự tại miền Nam Việt Nam".

Ảnh hưởng thực sự đáng kể nhất lên việc gia tăng khả năng chiến dịch-chiến thuật của lực lượng đặc nhiệm 77 là việc xuất hiện vào tháng Sáu năm 1965 loại máy bay cường kích A-6 "Intruder". Lần đầu tiên trong lịch sử chế tạo máy bay cất hạ cánh trên tàu sân bay, loại máy bay này được thiết kế đặc biệt để hoạt động ở tốc độ cận âm cao, trên độ cao thấp và trong mọi điều kiện thời tiết. Không kém phần quan trọng là sự xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới máy bay có radar cảnh báo tầm xa E-2 "Hawkeye" vào tháng 11 năm 1965. Máy bay này đã được sử dụng thành công như là một sở chỉ huy trên không trung.[128]
........
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Năm, 2012, 10:08:56 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #5 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2012, 10:07:40 pm »

(tiếp)


Hoạt động của các đơn vị tàu sân bay xung kích chống Việt Nam 1965-1972.

Máy bay trên hạm được sử dụng với tần suất cao. Năm 1966, từ một tàu sân bay trung bình có 111 phi vụ mỗi ngày đêm, từ 2 - 178 phi vụ. Năm 1969 các con số này là 178 và 311, còn năm 1972 con số tương ứng là - 132 và 233. Đồng thời loại máy bay quân sự hoạt động cường độ cao là: đối với máy bay cường kích - 1,2-1,3 phi vụ một ngày đêm; máy bay tiêm kích - 0,5 - 0,9; máy bay tác chiến điện tử - 1,43 - 1,7; máy bay cảnh báo sớm AEW (Airborne Early Warning) - 1,25 - 1,5; máy bay trinh sát - 0,58 - 0,83. Sự có mặt trên mỗi tàu sân bay từ 1,3 - 1,5 phi hành đoàn cho mỗi chiếc máy bay trong biên chế không đưa đến sự gia tăng đáng kể mức độ căng thẳng cho quân số bay khi có sự hoạt động cường độ cao của các máy bay.

Nhìn chung, từ 1964-1973 không quân thuộc lực lượng đặc nhiệm 77 đã thực hiện gần 500.000 phi vụ: đến 70% số đó là thực hiện các nhiệm vụ tấn công và xấp xỉ 30% - làm nhiệm vụ đảm bảo, đến 60% số phi vụ được thực hiện để tấn công các mục tiêu trên đất liền VNDCCH.

Bảng tiến trình leo thang các cuộc tấn công vào các mục tiêu của VNDCCH bởi máy bay thuộc không quân chiến thuật, không quân hải quân trên tàu sân bay và không quân chiến lược Mỹ.


Tải trọng bom của máy bay thường chiếm 30 - 60% tải trọng tối đa. Trên máy bay cường kích A-6, "Intruder", tải trọng đó đạt 80%. Hạn chế tải trọng được giải thích bởi mong muốn làm nhẹ bớt máy bay nhằm tăng bán kính chiến thuật khi hoạt động ở độ cao thấp và rất thấp đến mức giới hạn, và tăng khả năng cơ động trong khu vực có hệ thống phòng không.

Máy bay thực hiện các cuộc tấn công dưới một hình thức được gọi là "các chiến dịch đường không". "Chiến dịch" đầu tiên như thế đã được thực hiện vào ngày 02 Tháng Ba năm 1965, đến cuối năm 1969 đã diễn ra 60 "chiến dịch không kích". Thông thường, mỗi "chiến dịch" được xác định bởi ngày bắt đầu và độ dài của các cuộc không kích, số lượng của các đối tượng (mục tiêu) bị đánh bom, vị trí và đặc điểm của chúng; thông tin tình báo về các hệ thống vũ khí phòng không bảo vệ các mục tiêu; số lượng và loại máy bay phân bổ cho "chiến dịch"; tổng số các phi vụ chiến đấu, loại và số lượng đạn dược phân bổ; các đường bay của máy bay đến mục tiêu và trở về căn cứ; khả năng giáng đòn không kích, đội hình chiến đấu của máy bay; biện pháp gây nhiễu điện tử; đội hình bảo vệ các máy bay chiến đấu, chỉ huy và hợp đồng tác chiến; sơ tán các máy bay bị hư hỏng và cứu hộ các đội bay. Trách nhiệm tổng chỉ huy tất cả các lực lượng trong "chiến dịch không kích" được giao phó cho Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương. Tổ chức kế hoạch hợp đồng  giữa các máy bay của Không lực Mỹ và máy bay của Hải quân Mỹ trong khuôn khổ mỗi chiến dịch là Tư lệnh Không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương.
.......
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Năm, 2012, 02:43:33 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #6 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2012, 09:27:05 am »

(tiếp)


A-4 "Skyhawk" lấy đà trên sàn phóng của tàu sân bay Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, năm 1966.


Khu vực cơ động tác chiến của các tàu sân bay Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.


Tổ chức phòng thủ chống ngầm của đơn vị tàu sân bay xung kích khi cơ động trong Vịnh Bắc Bộ.
.......
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Năm, 2012, 11:45:26 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #7 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2012, 10:42:38 am »

(tiếp)


Đội hình tác chiến của các máy bay cất hạ cánh trên hạm của Hải quân Mỹ khi tấn công các mục tiêu trên đất liền. Năm 1964.

Sự phát triển của hệ thống phòng không VNDCCH có thể chia thành hai giai đoạn. Từ tháng 8 năm 1964 cho đến đầu năm 1966, đặc trưng bởi số lượng còn hạn chế về lực lượng và phương tiện phòng không, điều này trên thực tế cho phép các phi công Mỹ thực hành ném bom mà không bị trừng phạt trên lãnh thổ VNDCCH. Năm 1966 đáng chú ý bởi sự tăng trưởng quy mô của hệ thống phòng không, trước hết là sự xuất hiện tên lửa phòng không, dẫn đến sự gia tăng thiệt hại và bắt buộc người Mỹ phải có cách tiếp cận mới trong vấn đề hoạt động của các máy bay của họ.[130]

Trong giai đoạn đầu tiên (trước khi hệ thống phòng không được trang bị tên lửa phòng không), để bảo vệ các máy bay cường kích (người Mỹ) thường chỉ phân bổ một lượng nhỏ máy bay tiêm kích (ước tính tỷ lệ khoảng 1: 5). Các máy bay tiêm kích được phép tấn công chỉ dựa theo nhận dạng xác định máy bay. Đội hình chiến đấu bao gồm vài tốp máy bay, khoảng cách giữa các tốp không vượt quá khả năng nhìn thấy được bằng thị giác, giãn cách giữa các máy bay trong tốp ở trong khoảng 100-150 m. Việc triển khai (đội hình) trong khu vực tấn công thực hiện ở độ cao 5.000 - 7.000 m, nghĩa là ngoài phạm vi hỏa lực chống máy bay hiệu quả của pháo phòng không VNDCCH. Cuộc tấn công thường áp dụng trình tự “hàng dọc” («колонна»), với việc thực hiện bổ nhào, và theo quy luật, chỉ từ một hướng. Khi tấn công các mục tiêu có hệ thống phòng không yếu, các máy bay tiếp cận (tấn công) mục tiêu nhiều lần. Tác chiến điện tử trong những tháng này chủ yếu giới hạn trong việc cảnh báo các máy bay tấn công và máy bay trinh sát về việc radar mặt đất phát hiện ra chúng. Đôi khi máy bay tác chiến điện tử cũng bay kèm các máy bay tấn công, nó thực hành gây nhiễu mà không đi vào vùng hỏa lực phòng không có thể vươn tới.


Đội hình tác chiến của các máy bay cất hạ cánh trên hạm của Hải quân Mỹ khi tấn công các mục tiêu trên đất liền. Năm 1965.
........
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Năm, 2012, 11:29:14 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #8 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2012, 01:42:20 pm »

(tiếp)


Một máy bay cảnh báo sớm E-2A "Hawkeye" của hãng Northrop Grumman thuộc phi đoàn cảnh báo sớm trên tàu sân bay VAW-11 (Carrier airborne early-warning squadron VAW-11 Det. A Early Eleven ) đang chuẩn bị hạ cánh trên tàu sân bay USS Coral Sea (CVA-43). Tàu sân bay này và Không đoàn xung kích trên hạm số 2 (Embarked Attack Carrier Air Wing Two (CVW-2)) tham gia vào chiến sự tại Việt Nam từ 29 tháng 7 năm 1966 tới 23 tháng 12 năm 1967 (en.viki). Ảnh chụp năm 1966.

Chỉ huy trực tiếp các máy bay hải quân hoạt động trên chiến trường là một bộ tham mưu chuyên trách đặc biệt (trung tâm phối hợp hành động), đặt tại Sài Gòn, và bộ tham mưu lực lượng đặc nhiệm 77. Trung tâm điều phối này đề ra các nhiệm vụ chiến đấu, còn bộ tham mưu lực lượng đặc nhiệm 77 thảo kế hoạch sử dụng máy bay hàng ngày, đặt các nhiệm vụ tác chiến cho các nhóm tấn công và yểm trợ. Máy bay đã cất cánh lên không trung được chỉ huy từ các sở chỉ huy chuyên biệt đặt trên các tàu chiến đang nằm gần bờ biển VNDCCH, và từ tháng 11 năm 1965 – đặt trên máy bay E-2A "Hawkeye". Từ tháng 4 năm 1966 để phối hợp hoạt động của các máy bay trên toàn lãnh thổ VNDCCH, người Mỹ đã chia ra một số khu vực trách nhiệm thường trực, mỗi một khu vực trong số đó đã được gắn cho một loại máy bay nhất định. Trong cách phân chia đó, các máy bay cất hạ cánh trên hạm tại các tàu sân bay được giao phụ trách vùng ven biển, điều đó làm đơn giản hóa hoạt động của chúng.

Đến 95% toàn bộ các chuyến bay của máy bay trên tàu sân bay được đảm bảo bởi máy bay AEW E-2A "Hawkeye. [132]


Bên trong một máy bay AEW E-2C, năm 2001. Một sỹ quan tác chiến điện tử Hải quân Mỹ thuộc phi đoàn cảnh báo sớm VAW-126 đang "vẽ" thông tin lên màn hình hệ thống giám sát lắp đặt bên trong chiếc E-2C Hawkeye khi tuần tra trên không phận Vịnh Ba Tư ngày cuối của chiến dịch SOUTHERN WATCH (en.viki).

Trên các máy bay này lắp đặt thiết bị bán tự động phát hiện và xác định các mục tiêu trên không (ATDS), trong đó gồm có radar phát hiện mục tiêu AN/SPS-70, thiết bị hiển thị tình hình trên không và truyền tải thông tin về nó đến tàu sân bay. Thông thường, các máy bay "Hawkeye" bay tuần tra dọc theo bờ biển VNDCCH ở độ cao 8000 - 8500 mét. Máy bay được sử dụng như sở chỉ huy trên không, cảnh báo và hướng dẫn, cũng như đóng vai trò ngọn hải đăng dẫn đường cho các máy bay trở về tàu sân bay. Một máy bay như vậy quản lý chỉ huy được đồng thời hoạt động của nhiều nhóm máy bay tấn công và yểm trợ.



Đồng thời với E-2A của Hải quân, trong chiến tranh đường không phá hoại miền Bắc, không quân Mỹ sử dụng máy bay cảnh báo sớm EC-121. Ảnh trên chụp các trắc thủ radar trong khoang một chiếc EC-121D Warning Star thuộc Không đoàn cảnh báo sớm và kiểm soát không phận 552 trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Ảnh dưới là EC-121K "Rivet Top" (s/n 57-143184) thuộc không đoàn 552 tại căn cứ KQ Korat, Thái Lan giai đoạn 1967/1968 (en.viki).

Để nâng cao hiệu quả của các cuộc không kích vào các mục tiêu mặt đất còn sử dụng các vệ tinh nhân tạo của Trái đất, chủ yếu cung cấp thông tin trinh sát khí tượng. Ở đây, các điều kiện địa - vật lý, đặc biệt là điều kiện thời tiết khí hậu, có vai trò rất quan trọng. Mưa lớn, sương mù, mây thấp và gió bão, đặc trưng tiêu biểu cho giai đoạn từ tháng năm đến tháng mười, không cho phép sử dụng máy bay với cường độ lớn, còn do các cơn bão nhiệt đới có cường độ rất mạnh và dữ dội, tàu sân bay thường buộc phải rời khỏi khu vực cơ động chiến đấu để tránh bão.
.........
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Năm, 2012, 07:29:40 pm gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #9 vào lúc: 15 Tháng Năm, 2012, 04:09:44 pm »

(tiếp)

Các phương pháp tác chiến chủ yếu của máy bay trên tàu sân bay trong hành động tiêu diệt mục tiêu mặt đất thường là tấn công đồng thời và tấn công lần lượt. Đặc trưng tiêu biểu trong năm đầu của cuộc chiến là tấn công đồng thời bằng nhóm 30 - 60 máy bay. Cho đến giữa tháng 4 năm 1965 phần đông các máy bay tập trung giải quyết nhiệm vụ chính. Nhóm chế áp pháo phòng không bao gồm 4 - 6 máy bay và dự kiến thi hành đòn tấn công chủ yếu trong 1-2 phút. Chuyến bay đến mục tiêu diễn ra theo đường bay ngắn nhất ở chiều cao 800 - 1500 mét trong đội hình chiến đấu chặt chẽ "đội hình biên đội" («колонна звеньев»). Khi tiếp cận mục tiêu các máy bay chuyển sang xếp theo đội hình chiến đấu “đội hình cặp đôi" («колонну пар», tách tốp thành từng đôi một).  Mục tiêu bị tấn công chủ yếu từ một hướng [134] một cách tuần tự bởi tất cả các máy bay, bay chờ đến lượt trên các điểm kiểm tra ngoài vòng hỏa lực pháo phòng không trong khu vực. Cuộc ném bom được thực hiện từ độ cao 800-1000 mét với thao tác bổ nhào.


Một tốp 2 chiếc cường kích U.S. Navy Grumman A-6A Intruder (BuNo 154148, 154155) thuộc phi đoàn cường kích VA-196 "Main Battery" đang thả bom Mk 82 227 kg (500 lbs) trên lãnh thổ Việt Nam. VA-196 thuộc không đoàn cường kích trên tàu sân bay số 14 (Attack Carrier Air Wing 14 (CVW-14)) đóng căn cứ trên tàu sân bay USS Constellation (CVA-64) được triển khai tới Việt Nam từ 29 tháng 5 năm 1968 đến 31 tháng 1 năm 1969 (en.viki).

Sự tăng cường lưới lửa phòng không trong thời kỳ tháng Tư - tháng 7 năm 1965 đã dẫn đến sự thay đổi trong phương thức hoạt động của máy bay Mỹ. Vai trò bảo đảm hành động đã lớn hơn:  đã thành lập các nhóm nghi binh số lượng lớn (крупные демонстративные группы); phân bổ thêm sức mạnh cho các tốp máy bay tiêm kích yểm hộ; tăng cường vai trò của trinh sát trước tấn công (доразведки) và tổ chức thực hành tác chiến điện tử. Tại lối vào khu vực hỏa lực các máy bay thực hiện một loạt thao tác cơ động chống hệ thống phòng không. Trình tự trận chiến kéo dài hơn. Chiều cao bay của máy bay trong khu vực mục tiêu được tăng lên đến tầm 4000 - 6000 m. Vào công kích mục tiêu diễn ra từ nhiều hướng khác nhau. Cuộc ném bom được thực hiện với thao tác bổ nhào ở góc 50 - 60 ° (bom được thả từ độ cao 3000-3500 m).


A-4E của Hải quân Mỹ bổ nhào ném bom vào mục tiêu tại khu vực Hải Phòng năm 1965.

Kể từ năm 1965, nhóm tấn công (cường kích) bao gồm 6 máy bay, còn từ cuối năm 1966 - 4. Tổng số máy bay trong cuộc tấn công gồm từ 15 đến 50 chiếc. Thời gian của phi vụ tấn công kéo dài đến 1 giờ hoặc nhiều hơn. Các đội hình chiến đấu của máy bay trên hạm đã trở thành "vòng xuyến" («ромб»), "cái nêm" («клин», so le), "hướng tâm" («пеленг») với việc tăng giãn cách giữa các máy bay và các cặp đôi 2 chiếc của chúng. Số lượng máy bay làm nhiệm vụ đảm bảo liên tục tăng, đến cuối năm 1966 đạt gần 40% trên tổng số máy bay tham gia các cuộc tấn công. Khi bay trên đất liền chúng thường chiếm độ cao thấp (150 - 300 m) và rất thấp (50 - 100 m). Việc triển khai (đội hình, trình tự chiến đấu) tại khu vực tùy thuộc vào tình hình, thường được thực hiện ở độ cao 700-8.000 m. Khi điều kiện tầm nhìn tốt chúng sẽ tấn công mục tiêu trong đường bay theo mặt phẳng ngang. Trong một số trường hợp, từ cách xa mục tiêu 15 - 20 km, máy bay làm thao tác "xuống dốc" («горку») (từ 1200 - 2000 m) và khai hỏa vũ khí khi bổ nhào hoặc bay bằng. Từ đầu năm 1967, người Mỹ chuyển sang hoạt động ở độ cao trung bình và tiến vào bổ nhào ném bom. Số máy bay đảm bảo được họ sử dụng lên đến 50 - 70%. [135]


F-4B VF-21 thuộc không đoàn 2 (CVW-2) trên tàu sân bay Coral Sea đang bổ nhào ném bom Mk-82 xuống mục tiêu mặt đất trên lãnh thổ VNDCCH, năm 1965/1966.

Khi phát hiện được bằng mắt thường tên lửa phòng không phóng lên, các phi công Mỹ thực hiện vòng ngoặt gấp 90-180 ° (cùng với việc tăng tốc độ). Tuy nhiên, động tác cơ động này không phải lúc nào cũng cho phép tránh được các tên lửa đã bắn lên. Hiệu quả hơn là thao tác cơ động chống tên lửa, trong đó máy bay, hoặc chiếm gấp [137] độ cao, hoặc hạ gấp độ cao và sử dụng đồng thời phương tiện tác chiến điện tử. Ví dụ, nhờ thao tác cơ động này, trong tháng 8 năm 1967, trong số 16 chiếc máy bay bị bắn rơi chỉ có 6 chiếc bị tên lửa phòng không bắn hạ. Đồng thời, các phi công Mỹ ghi nhận được 249 tên lửa phòng không phóng lên.


Một chiếc "Thần sấm" của không quân Mỹ may mắn tránh được phát tên lửa phòng không.


Và một chiếc RF-4C không tránh được tên lửa phòng không khi xâm phạm không phận Hà Nội ngày 12 tháng 8 năm 1967. Kíp bay nhảy dù và bị bắt làm tù binh. Đại úy Edwin Atterbery chết, đại úy Tomas Parrot được trao trả cho phía Mỹ sau chiến tranh.
..........
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Năm, 2012, 10:35:06 pm gửi bởi qtdc » Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM