Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:30:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bình Định - Lịch sử chiến tranh nhân dân 30 năm (1945-1975)  (Đọc 110160 lần)
0 Thành viên và 4 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #50 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2012, 07:07:45 am »

*   *
*

Ngay từ những ngày địch chưa tiếp quản, bọn phản động ở một số nơi trong tỉnh đã ngóc đầu dậy nói xấu cách mạng, ra sức tuyên truyền xuyên tạc Hiệp định Giơ-ne-vơ, móc nối với nhau, chuẩn bị nhảy ra làm việc cho địch để trả thù cách mạng.

Ngày 1 tháng 3 năm 1955, địch tiếp quản Bồng Sơn, ngày 28 tháng 3 tiếp quản Cát Hanh, ngày 12 tháng 5 tiếp quản Đồng Phó, và ngày 16 tháng 5 tiếp quản Quy Nhơn. Toàn tỉnh Bình Định từ đây nằm trong sự kìm kẹp của địch. Tiếp quản đến huyện nào, chúng sử dụng ngay bọn phản động địa phương và người của chúng thiết lập ngay bộ máy ngụy quyền tay sai gồm quận trưởng, quận phó, nhân viên cơ quan khoảng 45 tên, mỗi huyện có một đại đội bảo an, một chi đội cảnh sát gồm những tên phản động, phục thù giai cấp, có nhiều tội ác chống nhân dân trong kháng chiến chống Pháp.

Giữa những ngày tháng 6 năm 1955, ngay từ khi mới đến tiếp quản, Mỹ - Diệm đã tập trung bọn tay sai phản đội tại chỗ và lưu vong cùng với những đơn vị quân ngụy hung ác mở đầu cuộc đàn áp, khủng bố nhân dân. Chúng ra sức đánh phá phong trào cách mạng một cách toàn diện, trả thù cá nhân, nhất là ở thôn xứ. Chúng đề ra khẩu hiệu: “giết lầm hơn bỏ sót”, lập danh sách đảng viên và gia đình có người đi tập kết. chúng tập trung đánh vào hai đối tượng chính là cán bộ, đảng viên và những người kháng chiến cũ. Chúng truy quỹ kháng chiến, truy thuế, truy tô, tịch thu gia sản cán bộ kháng chiến v.v… Khắp xóm làng, thị trấn chìm ngập trong không khí đàn áp, khủng bố. Chúng quyết đánh phủ đầu để uy hiếp quần chúng nhân dân và cắt đứt mọi mầm mống cách mạng chống lại chúng.

Ngay trong tháng 5 năm 1955, vừa đến tiếp quản Bồng Sơn, chúng đã tàn sát điển hình một lúc 60 người yêu nước ở nhà thờ Thác Đá thuộc xã Hoài Đức, chôn sống 40 người ở bãi cát An Đông, Bồng Sơn huyện Hoài Nhơn. Chúng không từ một thủ đoạn nào, từ quản thúc, quản lí bắt ngủ tập trung đến buộc li khai, tù đày và thủ tiêu bí mật hàng loạt những người chúng nghi là ta bố trí ở lại. Ở Ân Hòa, huyện Hoài Ân, tháng 8 năm 1955, chúng bắt 21 người bỏ vào bao tải ném xuống giếng, xuống sông. Ở Ân Đức, Ân Phong, Ân Tường, chúng thủ tiêu hàng chục người. Ở Ân Hòa, An Hảo, những tên phản động khét tiếng hung ác như Đoàn An, Trần Trọng Nghĩa, Bùi Tá Xông… thẳng tay đàn áp nhân dân trả thù cá nhân và phong trào cách mạng. Tại Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, địch đưa đi thủ tiêu 20 thanh niên, v.v…

Ngoài việc dùng bạo lực phản cách mạng để đàn áp, khủng bố, giết chóc, chúng còn dùng tiền bạc, địa vị mua chuộc dụ dỗ truy tróc tiêu diệt cán bộ ta như mua chuộc tên Phan Xuân phản bội lại cách mạng dẫn địch đi bắt một số cán bộ, đảng viên và cơ sở cách mạng ở Ân Hòa, Ân Hảo huyện Hoài Ân.

Ngoài đồn phủ đầu trên, để truy quét tận gốc lực lượng cách mạng, chúng tiến hành phân loại quần chúng. Những đảng viên cốt cán trước đây được chúng xếp vào loại đặc biệt. Số còn lại chia theo ba loại: Loại A gồm cán bộ đảng viên trong kháng chiến chống Pháp (trừ loại đặc biệt), loại B gồm những người có quan hệ với cách mạng như thân nhân những người đi tập kết, những người tích cực tham gia kháng chiến, loại C gồm những người nghi ngờ hoặc ít nhiều có quan hệ với các loại trên. Loại đặc biệt và loại A, chúng bắt mang hai chữ CS (cộng sản) trước ngực và tha hồ cho chúng bắt bớ, tra tấn, tù đày hoặc thủ tiêu, loại B bị quản thúc chặt chẽ, ban đêm phải ngủ tập trung, có lính canh gác. Loại C quản thúc tại nhà lúc nào cũng có thể tra hỏi, trình diện đi đâu phải xin phép. Đình chùa, trường học biến thành nhà tù, nơi tra tấn. Già, trẻ, giá trai đêu bị bắt, bị giam cầm tra tấn, đánh đập. Phụ nữ bị chúng hiếp. chúng muốn hại ai, trả thù ai liền gán cho người ấy có liên quan với cộng sản, giữ quỹ, giữ vũ khí, che giấu cán bộ, v.v…

Cuối năm 1955, Mỹ - Diệm thi hành chính sách khủng bố đàn áp. Chúng tập trung dân, bắt tố cáo đảng viên cộng sản. Đêm đêm, chúng bắt đảng viên không được ngủ mà phải đứng trước “bàn thờ quốc gia” và ảnh Diệm nhìn thẳng vào ngọn đèn để sám hối, tinh thần bị dồn nén đến cùng cực, thân thể bị đau đớn đến kiệt quệ. Chúng bắt xé cờ Đảng, xé ảnh Bác Hồ, làm giấy li khai. Với những người có người thân đi tập kết, chúng bắt làm giấy từ bỏ cha, mẹ, chồng, con, cam kết không liên hệ với cộng sản. Với phụ nữ có chồng đi tập kết, chúng bắt lấy ác ôn, lính ngụy, v.v…

Chúng chà đạp lên mọi quyền sống tối thiểu của con người: cấm đi lại, cấp hội họp; giỗ chạp, ma chay phải xin phép và bị giám sát ngặt nghèo. Trong các cuộc đàn áp, càn quét, bọn phản động ác ôn tàn sát quần chúng nhân dân với những thủ đoạn cực kì man rợ: mổ bụng moi gan đem xào nhắm rượu, uống tiết, chặt đầu cắm cọc, chôn sống. Chúng làm cho cha không tin con, vợ không tin chồng, bà con thân thuộc nghi kị lẫn nhau. Có thể nói, chúng đã gây tội ác đến mức độ “trời không dung, đất không tha, người người đều căm giận”.

Nhưng nợ máu phải trả bằng máu, tội ác nào rồi cũng phải đề trả thích đáng. Đó là lời thề từ tâm can của những cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân bị địch hành hạ, khủng bố. còn sống thì còn trả, chết rồi sẽ có bạn bè, đồng chí, đồng bào trả thay.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Sáu, 2012, 09:09:25 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #51 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2012, 07:10:01 am »

Trong những cuộc “tố cộng, diệt cộng” ở các huyện, hàng trăm đồng chí đã thét vào mặt kẻ thù rồi tự vẫn để giữ tròn khí tiết. Trong đó, nữ đồng chí Hồ Thị Hoàng Anh, Huyện ủy viên An Nhơn là một tấm gương tiêu biểu. Chị bị địch tra tấn rất dã man nhưng chị không khai một lời nào, chỉ cười rồi lại khóc. Địch hỏi vì sao cười rồi lại khóc. Chị trả lời “Cười vì thấy người Việt Nam lại đánh người Việt Nam, còn khóc là vì nhiệm vụ của Đảng giao, chưa làm tròn đã bị bắt”. Tấm gương hi sinh của chị và cánh anh như Lê Hồng Phong ở Nhơn Phúc (An Nhơn); Lê Đình Giao ở Tuy Phước, đồng chí Thu ở Phù Mỹ, Võ Đông ở thị xã Quy Nhơn, đồng chí Tiến quê Nghệ An, Nguyễn Bắc, Lương Gia ở Bình Quang, Bùi Kỳ ở Bình Giang, Trần Châu, Nguyễn Hương, Trần Khắc Minh huyện Bình Khê v.v… và hàng chục anh chị me khác được lan đi nhanh chóng cổ vũ tinh thần đấu tranh và giữ vững khí thế của cán bộ, đảng viên, quần chúng trung kiên trong tỉnh.



Núi Hòn Tượng - căn cứ địa của An Nhơn trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ

Đây là một thời kì đen tối nhất của phong trào cách mạng Bình Định. Đảng bộ bị tổn thất nặng nề. Nhiều đảng viên bị bắt, bị giết. Có nơi không còn chi bộ hoặc bị đánh bật ra ngoài. Trước sự giết chóc khủng bố dã man của Mỹ - Diệm, tuy có một số người hoang mang, dao động, mất tinh thần, thâm chí đầu hàng phản bội nhưng tuyệt đối đa số đảng viên, cơ sở trung kiên, quần chúng cách mạng đều một lòng, một dạ trung thành với Đảng, với Bác Hồ, thà chết chứ không chịu khuất phục. Số cán bộ, đảng viên còn lại dựa vào cơ sở nhân dân, nắm vững phương hướng, nhiệm vụ cách mạng, dựa vào pháp lí Hiệp định Giơ-ne-vơ lãnh đạo quần chúng tiếp tục đấu tranh.

Những cuộc đấu tranh giữa một bên là quần chúng tay không với một bên là bộ máy đàn áp gồm chính quyền, quân đội, công an, cảnh sát, mật vụ, chỉ điểm của địch đã nổ ra quyết liệt. Với nhiều hình thức mít tinh, biểu tình, đình công, bãi thợ; với thế hợp pháp dựa vào các điều khoản của hiệp định, nhân dân đấu tranh đòi tự do, dân chủ, đòi hiệp thương tổng tuyển cử, chống khủng bố đàn áp, chống trả thù những người kháng chiến cũ. Đặc biệt là phong trào đấu tranh đòi hiệp thương diễn ra rầm rộ, sôi nổi trong toàn tỉnh. Có nơi kéo dài hàng tuần lễ.

Ở An Nhơn, truyền đơn được rải ngay trong phân chi công an Nhơn Thọ và các xã Nhơn Lộc, Nhơn phúc. Sau đó toàn huyện phát động phong trào đấu tranh mang tên “Phong trào Lê Hồng Phong” (đồng chí Lê Hồng Phong, phó Bí thư huyện ủy An Nhơn, bị địch bắt tra tấn dã man nhưng đồng chí không chịu khuất phục, địch đem đi thủ tiêu), nhằm phản đối chính sách khủng bố trả thù của Mỹ - Diệm và vạch trần trò hề trưng cầu dân ý… Điển hình là cuộc đấu tranh của nông dân Nhơn Mỹ chống địa chủ đòi lại ruộng đất, thu tô nặng.

Ở Hoài Nhơn, hơn hai ngàn đồng bào Bồng Sơn kéo vào quận lị đấu tranh trực diện vạch trần tội ác hai tên Đặng Đức Ân và Võ Hoàng cầm đầu ngụy quyền, ngụy quân đã gây ra vụ thảm sát ở An Đông, Thác Đá. Trước những tang chứng rành rành, bọn chúng phải câm họng. Đồng bào huyện Tuy Phước kéo vào phối hợp với đồng bào thị xã Quy Nhơn đấu tranh chống địch phá nghĩa trang liệt sĩ, đòi hiệp thương, đòi tự do, dân chủ… Truyền đơn khẩu hiệu được rải dán khắp nơi trong thị xã.

Trong đấu tranh, bất chấp mọi thủ đoạn dã man, tàn ác của Mỹ - Diệm, nhân dân vẫn tìm mọi cách che dấu, bảo vệ đảng viên, cán bộ kháng chiến cũ, giúp đỡ gia đình có người đi tập kết. Chị em phụ nữ có chồng đi tập kết cương quyết đấu tranh vạch trần bộ mặt đểu cáng trong trò hề cưỡng ép li hôn của địch. Nhiều chị em đã nói thẳng vào mặt bọn ác ôn: “Có chồng đi kháng chiến chống Pháp là niềm tự hào, có chết cũng không li hôn”.

Trước yêu cầu bức xúc của cách mạng, tháng 8 năm 1955, ở xã Cát Hanh (Phù Cát), Bình Quang, Bình Giang (Bình Khê), Mỹ Hiệp (Phù Mỹ); Hoài Sơn (Hoài Nhơn) đã bí mật tổ chức “Đoàn thanh niên yêu nước chống Mỹ”. Đặc biệt ở Cát Hanh phong trào thanh niên yêu nước chống Mỹ phát triển mạnh, sau đổi thành “Đoàn thanh niên yêu nước Ngô Mây”, đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống địch bằng mọi hình thức. Số lượng đoàn viên đã lên đến 2.000 chia làm 10 phân đoàn trong toàn xã. Sau hai tháng bí mật hoạt động, phân đoàn thôn Khánh Phước quyết định thủ tiêu tên Đặng Trần Đôn, một ấp trưởng ác ôn vì nếu không diệt nó, đoàn sẽ khó hoạt động và phong trào sẽ bị đánh phá. Tên Đôn bị phân đoàn bắt trừng trị ở Gò Ông Đốc làm rúng động bọn phản động trong vùng. Ở Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, không chịu nổi trước cảnh bọn giặc tự do chém giết nhân dân, 42 thanh niên bất chấp nguy hiểm, bất chấp sự rình mò của địch đã kéo nhau luồn rừng tìm gặp bằng được cán bộ cách mạng xin thành lập lực lượng vũ trang đánh địch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #52 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2012, 07:12:38 am »

Tuy có rất nhiều khó khăn, nhưng nắm vững công tác xây dựng cơ sở là công tác hàng đầu, số cán bộ, đảng viên còn lại kiên trì bám đất, bám dân, xây dựng phát triển cơ sở quần chúng cách mạng, đặc biệt là “cơ sở bảo vệ” (cơ sở giác ngộ cách mạng, trong nhà có hầm che giấu, nuôi dưỡng cán bộ). Không có cơ sở này, cán bộ không bám được trong dân, không chỉ đạo kịp thời. Nhờ đó các đồng chí Tỉnh ủy vẫn bám trụ ở cơ sở vùng ven phía tây các huyện đồng bằng để chỉ đạo phong trào. Ở vùng ven các huyện Phù Cát, Bình Khê, Hoài Ân, Phù Mỹ, cán bộ đảng viên vẫn bám trong dân. Huyện ủy Hoài Nhơn vẫn bám được ở đồng bằng và liên lạc chỉ đạo hầu hết các xã. Ở Bình Khê, một số thôn ở các xã Bình Khang, Bình Giang, Bình Tường, Bình Thành, Bình Phú, Bình An, Bình Hòa, Bình Tân, Bình Thuận đều có cơ sở cách mạng đơn tuyến. Ở Hoài Ân, các xã Ân Hòa, Ân Hảo, Ân Hữu, Ân Nghĩa, Ân Đức, Ân Phong đều có cơ sở hoạt động mạnh. Ở Phù Mỹ, các xã Mỹ Hiệp, Mỹ Đức có phong trào mạnh. Phù Cát có Cát Hanh, Cát Hiệp, An Nhơn có Nhơn Lộc, Nhơn Mỹ, Tuy Phước có Phước Sơn là những nơi có cơ sở mạnh, phong trào khá.



Rừng núi Cát Sơn (Phù Cát), hậu cứ của Tỉnh ủy



Hầm bí mật, một trong những căn cứ vùng ven của Tỉnh ủy và Thị ủy Quy Nhơn tại nhà cụ Nguyễn Tân, cơ sở cách mạng thôn Hưng Thạnh (nay là tổ 46, khu vực 9, phường Đống Đa - Quy Nhơn).

Thời gian này, Khu ủy 5 có chủ trương đưa cán bộ Đảng ra sống hợp pháp và hoạt động hợp pháp. Một số cán bộ về đồng bằng tìm cách ra hoạt động nhưng không có điều kiện.

Sau khi tạm ổn ở đồng bằng, địch tập trung lực lượng đánh lên miền núi. Trước hết nhằm vào các xã vùng thấp và quanh quận lị. Ở Vân Canh chúng chỉ hoạt động ở vùng thấp nhưng vẫn chưa mua chuộc và uy hiếp được quần chúng cách mạng. Đầu năm 1956, chúng tung mật vụ nấp dưới dạng thương lái móc nối với một số người lên xuống mua bán để mua chuộc, dụ dỗ, dọa dẫm nhân dân. Cuối năm 1957, địch ra sức dựng tề ở các xã vùng thấp như Canh Sơn, Canh Hòa, Canh Giao, Canh Tân, Canh Phước, Canh Thịnh, Canh Lãnh. Đối với vùng cao chủ yếu dùng biện pháp mua chuộc như cấp vải, muối, sữa bột… Nhưng nhân dân vùng cao vẫn luôn hướng về cách mạng. Cán bộ, đảng viên vẫn trụ bám trong dân và được dân nuôi giấu để hoạt động. Việc lập tề của chúng ở vùng thấp cũng không dễ dàng. Được Huyện ủy lãnh đạo, nhân dân viện cớ này, cớ nọ trì hoãn kéo dài việc lập tề như Canh Phong, Canh Tông, Canh Tất, Canh Phước. Cán bộ hoạt động địch đến thì lánh, địch đi thì ta lại làm chủ. Đến năm 1959, địch vẫn không nắm được dân ở vùng cao.

Ở Vĩnh Thạnh, đến tiếp quản, địch đưa ngay bộ máy kìm kẹp hàng mấy trăm tên gồm những tên ác ôn nặng đầu óc hằn thù giai cấp và kì thị dân tộc lên đóng ở Bình Quang. Chúng biết Vĩnh Thạnh là vùng nhân dân có truyền thống đấu tranh bất khuất từ thời chống Pháp, là địa bàn quan trọng của tỉnh Bình Định nên chúng quyết đánh bật gốc cách mạng ở vùng này để nắm dân.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #53 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2012, 07:13:17 am »

Thông qua bọn thương lái xấu, địch dùng vật chất mua chuộc lôi kéo các chủ làng cũ, nhất là những người bất mãn với ta trong kháng chiến. Chúng tổ chức “đại hội ăn thề” và cưỡng bức đồng bào Ba Na xuống núi tham dự để tận mắt nhìn thấy sức mạnh của “quân lực Việt Nam cộng hòa” và “chính nghĩa quốc gia”, v.v… Nhưng ngay lần chạm mặt đầu tiên này, nhân dân Vĩnh Thạnh đã nói vào mặt chúng: “Chúng tôi chưa biết quốc gia tốt như thế nào, nhưng hễ bắt xâu, thu thuế, lấy lính là chúng tôi chống”.

Sau đó, chúng tập trung lực lượng càn quét để truy tróc cán bộ Kinh bám trong nhân dân, phát hiện cơ quan của tỉnh, của các huyện đồng bằng và kho tàng. Phát hiện được kho tàng ở Hà Rí xã Vĩnh Hiệp (số thóc này là của chính quyền cách mạng chi viện cho dân lúc bị bệnh đậu mùa và gửi thêm vào đó hai tấn), địch đem ngựa tới xúc chở về quận. Được Huyện ủy lãnh đạo, đồng bào các làng Hà Rí, Tà Lốc, Tà Léc, với vũ khí thô sơ trong tay kéo xuống quận lị đấu tranh đòi lại thóc. Trước khí thế đấu tranh quyết liệt và lí lẽ sắc bén của quần chúng, lại được đồng bào Kinh ở đây đồng tình ủng hộ, nhất là thấy đồng bào mang theo tên ná, giáo mác, khí thế ngút trời, địch hoảng sợ phải trả lại thóc đã cướp cho nhân dân. Trận đầu thắng lợi, đồng bào càng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và sức mạnh của chính mình.

Phát hiện làng Hóc Điều xã Vĩnh Bình là đầu mối xuống đồng bằng mua hàng tiếp tế cho cách mạng của nhân dân, địch đưa quân lên càn quét lùng sục. Lúc này một số đồng bào đi chợ bị công an xã Ân Nghĩa nghi ngờ bắt giữ trong đó có con rái và rể Bók Tới, chủ làng Hóc Điều. Được tin, Bók Tới huy động hết dân làng, mang theo tên ná, giáo mác kéo xuống đấu tranh. Giữa đường gặp địch lên càn. Chúng giở trò đàn áp. Bók Tới hi sinh. Từ đó làng Hóc Điều chạy vào rừng lập làng chiến đấu chống địch.

Cùng thời gian này, nhiều cuộc đấu tranh của đồng bào Ba Na chống địch càn quét nổ ra ở phía Kim Sơn và Bình Khê.

Cuối năm 1958, địch tập trung đánh phá miền núi quyết liệt, trọng điểm là Vĩnh Thạnh, nơi chúng nghi là căn cứ của tỉnh và các huyện đồng bằng. Chúng chọn Vĩnh Hiệp và Vĩnh Hảo là hai xã vùng thấp làm bàn đạp tiến lên vùng cao. Ở vùng cao, địch nhằm vào làng Kon Klot xã Vĩnh Châu - một làng đông dân, trù phú, nổi tiếng trong chống Pháp. Chúng vừa dùng quân sự, vừa mua chuộc để lôi kéo các chủ làng và già làng. Chúng giở trò “tố cộng”, “diệt cộng” như ở đồng bằng. Chúng lùa dân vào nhà rông để tra tấn, đánh đập và thanh lọc. Đồng bào cắn răng chịu đựng không khai báo nửa lời. Đồng bào nhắc nhau: “Phải kín miệng, đừng nói bậy mà hại cả làng!”. Sau hơn mười ngày đêm giở đủ mánh khóe, đánh đập hàng trăm người, gây thương tật hàng chục người, không uy hiếp nổi tinh thần đồng bào Ba Na, không phát hiện được đảng viên, cán bộ, chúng đành chịu thất bại rút về.

Phát huy thắng lợi chống “tố cộng”, Huyện ủy Vĩnh Thạnh do đồng chí Nguyễn Trung Tín làm Bí thư đã lãnh đạo phát động tư tưởng quần chúng, dựa vào phong tục tập quán, nhất là tục kiêng cữ, chặn đứng được một số thủ đoạn đánh phá kìm kẹp của Mỹ - Diệm. Dưới hình thức cắm chông, gài bẫy chống thú rừng, nhân dân đã chặn không cho địch vào rẫy phát hiện dấu vết hoạt động của cán bộ. Dựa vào tục “kiêng ma”, đồng bào chống lại chủ trương chụp ảnh làm thẻ căn cước, v.v… Đồng bào đặt nhiều bài hát để động viên, nhắc nhở nhau chống Mỹ - Diệm:

            Địch cho gạo như gài mang cung
            Địch cho muối như gài bẫy
            Cho giấy học như rấp đường
            Địch cho rựa như giết mình
            Đồng bào ai chớ lầm âm mưu địch


Sau một thời gian, trước sự đấu tranh vừa kiên quyết vừa khôn khéo của nhân dân, địch không lập được chính quyền ở thôn, xã. Mấy xã vùng tháp như Vĩnh An, Vĩnh Hỏa, Vĩnh Hiệp, chúng chỉ đặt ở mỗi nơi một đại diện. Nhưng số này là người của ta đưa ra, được quần chúng nhân dân giám sát. Một vài tên tay sai như Đinh On ở Hà Ri, Bá Lỡ ở Kon Klót chỉ nhận tiền bạc, quà cáp của địch chứ không dám trở mặt với nhân dân.

Sau hai năm đánh phá quyết liệt, địch không lập được bộ máy kìm kẹp tại chỗ để đánh phá cách mạng, đặc biệt là không chốt được một cứ điểm quân sự nào trên đất Vĩnh Thạnh. Cái gọi là cơ quan quận của địch, chúng phải đóng ở làng Định Quang xã Bình Quang huyện Bình Khê. Toàn huyện Vĩnh Thạnh vẫn do cách mạng làm chủ.

Ở An Lão, hoạt động của Mỹ - Diệm giống như ở Vĩnh Thạnh, Vân Canh. Năm 1956, chúng thực hiện bao vây kinh tế, cấm không cho nhân dân xuống đồng bằng mua bán, sợ tiếp tế cho cách mạng. Ở các xã vùng thấp, chúng lập được tề ngụy, nhưng hầu hết là người của ta đưa ra nên âm mưu của chúng không thực hiện được. Chúng không tin vào bộ máy thôn xã chúng lập ra, nên bí mật điều hai tên mật vụ từ đồng bằng lên dưới dạng thương lái để phát hiện cơ sở của cách mạng ta ở các xã An Tường, An Quý, An Toàn. Hai tên này bị cơ sở cách mạng phát hiện và bí mật thủ tiêu. Bọn địch ở quận vừa tức tối vừa khiếp sợ.

Cùng với phong trào ở đồng bằng, cả ba huyện miền núi của tỉnh, với truyền thống bất khuất, kiên cường đã làm thất bại bước đầu âm mưu địch, là chỗ dựa vững chắc, là căn cứ địa cách mạng của nhân dân toàn tỉnh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #54 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2012, 09:01:25 am »

2 - TÍCH CỰC XÂY DỰNG CĂN CỨ ĐỊA MIỀN NÚI
- KẾT HỢP ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ VỚI ĐẤU TRANH VŨ TRANG,
TỪNG BƯỚC ĐƯA PHONG TRÀO CÁCH MẠNG TIẾN LÊN.


Sau hai năm kể từ ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ có hiệu lực, cuộc đấu tranh của nhân dân Bình Định cũng như cả miền Nam với kẻ thù Mỹ - Diệm diễn ra vô cùng quyết liệt. Nhiều nơi, cơ sở Đảng bị tổn thất nặng. Mỹ - Diệm ra sức phá hoại hiệp định, phá hoại hiệp thương tổng tuyển cử, dùng quân ngụy đàn áp phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng. Trước đòi hỏi phải có sự chỉ đạo phù hợp, tháng 6 năm 1956, Bộ chính trị ra Nghị quyết về “Tình hình nhiệm vụ cách mạng miền Nam”. Nghị quyết nhấn mạnh: “Vấn đề hết sức quan trọng là phải tranh thủ xây dựng lực lượng cách mạng”. Tuy “hình thức đấu tranh của ta trong toàn quốc hiện nay là đấu tranh chính trị…” nhưng “như thế không có nghĩa là không dùng vũ trang tự vệ trong những hoàn cảnh nhất định”. Phải “củng cố các lực lượng vũ trang, bán vũ trang và xây dựng các căn cứ làm chỗ dựa. Đồng thời xây dựng cơ sở quần chúng vững mạnh làm điều kiện căn bản để duy trì và phát triển lực lượng vũ trang” (1).

Nắm vững chỉ thị của Bộ Chính trị, trước tình hình địch tiến hành “tố cộng”, “diệt cộng” khốc liệt, Liên khu ủy họp đề ra một số yêu cầu về thực hiện phương châm đấu tranh ở các vùng.

Ở đồng bằng phải khôi phục và xây dựng cơ sở, xúc tích lực lượng. Kết hộp giữa đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp với bất hợp pháp một cách linh hoạt. Xây dựng căn cứ địa, tạo thế mở rộng địa bàn hoạt động ở trung châu.

Đối với miền núi, phải dựa vào rừng núi hiểm trở xây dựng căn cứ địa làm chỗ dựa mở rộng địa bàn. Về phương châm hoạt động, nắm vững đấu tranh chính trị đồng thời phải kết hợp với đấu tranh vũ trang tự vệ hỗ trợ cho đấu tranh chính trị, v.v…

Nhận thức được vấn đề xây dựng cơ sở là vấn đề sống còn của cách mạng, trước tình hình địch đánh phá cơ sở cách mạng khốc liệt, Tỉnh ủy và các Huyện ủy chủ trương bám đất, bám dân, móc nối phục hồi lại cơ sở, gây dựng lại phong trào. Dựa vào những cơ sở hoạt động đơn tuyến còn lại ở nhiều vùng, nhiều cán bộ đã nắm bờ ngủ bãi, đi sát nhân dân, móc nối, tuyên truyền, giác ngộ từng bước khôi phục và phát triển cơ sơ. Ngoài việc bồi dưỡng, phân tích của cán bộ, các cơ sở quần chúng trung kiên đã tự bồi dưỡng cho nhau về dũng khí cách mạng, sẵn sàng chịu đựng tra tấn của địch khi bị chúng bắt, nếu cần phải hi sinh để bảo vệ cán bộ, bảo vệ cách mạng, chứ nhất thiết không đầu hàng, khai báo. Qua hoạt động gây dựng cơ sở, nhiều đảng viên, cán bộ đã rút được kinh nghiệm là phải thường xuyên động viên tư tưởng và hướng dẫn đấu tranh cho cơ sở quần chúng. Nếu địch bắt, khai báo thế nào phải chuẩn bị trước, giữ vững lòng tin sắt đá với Đảng, với Bác. Nhiều nơi cơ sở bị tổn thất nặng, nhưng qua thời gian sống chết trụ bám, cơ sở lại từng bước được khôi phục và phát triển.

Dựa vào cơ sở chính trị từng bước được phục hồi, trước yêu cầu bức xúc của phong trào cách mạng ta chủ trương cho thanh niên chạy lên rừng lánh địch, lập các trại bí mật, ghép lại thành từng tổ công tác vài ba người. Số thanh niên này được học chính trị, văn hóa, canh gác bảo vệ cơ quan, đưa cán bộ đi công tác, làm liên lạc và vận động quần chúng. Huyện nào cũng có thanh niên chạy ra rừng thành lập các trại bí mật. Trại bí mật của thanh niên biến thành nơi đào tạo cán bộ cốt cán cho phong trào cách mạng và chính là nguồn để xây dựng lực lượng tự vệ, tiền thân của lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Mỹ của tỉnh Bình Định.

Qua ngày 20 tháng 7 năm 1956, Mỹ - Diệm tổ chức ăn mừng việc phá được hiệp thương tổng tuyển cử. Chúng tuyên truyền rùm ben để củng cố tinh thần bọn ngụy quân ngụy quyền và lung lạc tư tưởng quần chúng. Chúng mở chiến dịch tuyên truyền “củng cố miền Nam, chuẩn bị Bắc tiến, lấp sông Bến Hải”. Trước kia một số còn dè chừng nhưng khi thấy không có tổng tuyển cử, chúng ra mặt làm việc cho địch và chống lại ta quyết liệt. Mỹ - Diệm liên tiếp mở các đợt “tố cộng”, “diệt cộng” truy bắt đảng viên, cán bộ, có sở quần chúng cách mạng. Nhà tù các loại mọc lên như nấm. Nhà giam ở xã thường xuyên có từ 200 - 300 người, ở quận, tỉnh từ 500 - 1.000 người.

Thâm độc hơn, chúng đưa ra chính sách “dinh điền” nhằm tập trung đưa đi xa những người, những gia đình chúng cho là có đầu óc cộng sản để cắt đứt mối quan hệ của số này với đông đảo nhân dân, với cách mạng. Ở An Nhơn chúng xây dựng khu dinh điền An Trường (Nhơn Tân) xung quanh có rào kẽm gai và lính gác ngày đêm. Chúng còn ráo riết bắt thanh niên đi quân dịch.

Đầu năm 1957, địch gây ra vụ thảm sát Gò Vàng ở xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, chôn sống một lúc 129 người yêu nước. Ở các xã Hoài Châu, Hoài Hương, Hoài Hảo, Bồng Sơn, Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, chúng bắt hơn 3.000 người để đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân đòi dân sinh dân dân chủ, đòi hiệp thương tổng tuyển cử.

Những chính sách và thủ đoạn tàn bạo nói trên của địch có gây cho phong trào cách mạng ở đồng bằng thêm khó khăn. Nhưng càng đàn áp, khủng bố thì sức vùng dậy của quần chúng nhân dân càng mãnh liệt. Đầu năm 1957, ở các xã Nhơn Phong, Nhơn Phúc, Nhơn Thọ, Đập Đá huyện An Nhơn đã xuất hiện những nhóm thanh niên yêu nước chống Mỹ - Diệm. Các nhóm này đã rai truyền đơn, dán áp phích đả đảo chế độ phát xít Ngô đình Diệm. Một số chị em là cơ sở cách mạng ở Đập Đá cũng rải truyền đơn tố cáo tội ác của bọn ngụy quyền địa phương, kêu gọi phụ nữ và đồng bào đoàn kết đấu tranh. Trong khí thế đấu tranh chung của huyện, nhân dân Đập Đá đã đấu tranh thắng lợi buộc địch phải từ bỏ việc thử máu học sinh để lấy máu cho lính ngụy bị thương ở trường Phương Danh.

Ở huyện Hoài Nhơn, phong trào đấu tranh chống đi quân dịch, chống đi dinh điền đã nổ ra sôi động ở nhiều nơi. Hàng ngàn đồng bào ở Tài Lương (Hoài Thanh), Tam Quan đấu tranh đã xảy ra xô sát với bọn ác ôn, nằm cản đầu xe không cho tàu chạy, lôi kéo thanh niên xuống tàu, đã giành được hàng trăm thanh niên khỏi bị bắt lính. Hàng ngàn quần chúng ở chợ Ân không chịu nổi sự áp bức, cướp giật của bọn ngụy quyền đã vùng dậy dùng đòn gánh đánh lại bon chúng. Đồng bào An Lộc xã Hoài Thanh đấu tranh với bọn ngụy quyền xã trích 40% ruộng công điền, v.v…


(1) CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC 1954-1975 - Những sự kiện quân sự. Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1980, trang 28.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Sáu, 2012, 09:24:10 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #55 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2012, 09:02:34 am »

*   *
*

Đối với miền núi, sau hai năm đánh phá ác liệt, nhất là huyện Vĩnh Thạnh, địch bị thất bại trong âm mưu lập tề ngụy ở cơ sở và cài cấy mạng lưới điệp báo người địa phương. Cuối năm 1957, chúng chuyển sang chủ trương dồn dân. Ở An Lão, chúng đưa dân các xã vùng cao xuống Gò Dài. Ở Vân Canh, chúng dồn dân các xã vùng rìa núi xuống sát đường sắt. Ở Vĩnh Thạnh, chúng âm mưu dồn dân xuống quận lị. Trong âm mưu dồn dân vùng miền núi, chúng sử dụng các biện pháp vừa quân sự, chính trị vừa kinh tế nhằm trực tiếp khống chế, kèm kẹp, cắt đứt mọi quan hệ giữa quần chúng nhân dân với cán bộ cách mạng, từ cô lập dẫn tới tiêu diệt các cơ quan lãnh đạo cách mạng ở địa phương.

Ở Vĩnh Thạnh, nơi nhân dân “cứng đầu” nhất, chúng làm từng bước, có chuẩn bị, tổ chức chặt chẽ các mặt. Trước mắt là dồn cho được dân các xã vùng thấp lấy Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo làm trọng điểm. Sau đó mới dồn các xã vùng cao. Biện pháp chính vẫn là cái trò cũ rích, vừa đe dọa, vừa mua chuộc, chủ yếu là chủ làng và già làng. Để mở đầu kế hoạch, chúng triệu tập các “đại diện” xuống cho ăn uống, cho tiền bạc, hàng hóa và ba hoa tuyên truyền về “cuộc sống quốc gia”, nào sung sướng, nào thịnh vượng, ăn ngon, mặc đẹp, được đi đây đi đó, vân vân và vân vân. Ngay cả các “đại diện” của chúng cũng không tin nổi những điều chúng nói. Họ nói: “Từ xưa đến nay, kể cả Pháp và Nhật không ai bắt người Ba Na bỏ làng, bỏ mồ mả ông bà mà đi”. “Người Ba Na không sống được ở đồng bằng”. “Phải về hỏi dân làng đã!”, v.v…

Mùa thu năm 1958, chúng gọi các chủ làng xuống thúc ép một lần nữa, nhưng vẫn được trả lời: “Đã hỏi dân làng rồi, không ai chịu bỏ làng đâu!” “Quốc gia có giết hết cả làng, cả huyện, người Ba Na Vĩnh Thạnh cũng không thể bỏ làng, bỏ mồ mả ông bà được!” “Nếu quốc gia bức quá thì dân sẽ chạy làng”.

Dụ dỗ mấy lần không được, chúng quay sang dùng quân sự. Hàng đoàn công an, mật vụ và bảo an, dân vệ yểm trợ kéo lên bao vây hai xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo nhằm kìm kẹp tại chỗ. Chúng tiết quân luật cấm dân không được ra khỏi làng và bắt đầu cuộc đàn áp khủng bố. Tình hình đó gây dao động trong một số già làng, nhưng tuyệt đại bộ phận nhân dân, nhất là thanh niên thì kiên quyết giữ vững ý kiến: “Dù thế nào cũng không đi đâu hết, dù chỉ là đi tạm. Vì đi là mất quê hương, đi là sa vào âm mưu giặc, đi là xa cán bộ, xa Đảng, đi là sống cũng như chết”. Tấm lòng người Ba Na Vĩnh Thạnh là như vậy.

Không khí toàn huyện Vĩnh Thạnh căng như một sợi dây đàn vặn hết cỡ mà Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp là đầu mối.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy chỉ đạo cho huyện Vĩnh Thạnh giải thích cho quần chúng nhận rõ hơn nữa ý đồ thâm độc của Mỹ - Diệm, cố gắng đấu tranh giằng co, trì hoãn vừa giữ cho được thế trực diện, thế hợp pháp, vừa tích cực chuẩn bị vũ trang tự vệ, nhưng phải tiến hành thật bí mật.

Chấp hành sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy họp mở rộng phân tích: Việc chống địch dồn dân đối với Vĩnh Thạnh là vấn đề sống còn của nhân dân, của dân tộc Ba Na, Vĩnh Thạnh là lương tâm và trách nhiệm đối với toàn Đảng, toàn dân Vĩnh Thạnh là: Không một ai xuống khu dồn, không để địch cướp một người dân nào. Về biện pháp, Huyện ủy chủ trương một mặt ra sức phát động quần chúng ráo riết chuẩn bị bố phòng chống địch, dự trữ lương thực, thực phẩm, một mặt phát động nhân dân toàn huyện dấy lên phong trào đấu tranh chính trị quyết liệt chống dồn dân để giằng co, trì hoãn, tranh thủ thời gian chuẩn bị. Đối với địch, đưa yêu sách: Đang mùa rẫy, phải để cho dân chăm sóc mùa màng, xong mùa dân mới dời làng được. Để cho dân đi lại chăm sóc rẫy, thăm viếng nhau, được xuống đồng bằng, mua bán để ổn định đời sống. Không được khủng bố, bắt người và trả tự do cho những người bị bắt vô cớ. Được như thế thì dân sẽ dời làng xuống ở với quốc gia.

Yêu sách trên được đưa tới tên quận trưởng. Địch hi vọng có thể kéo được dân nên nhượng bộ chấp nhận các yêu sách trên và rút quân về. Nhưng chúng bắt chủ làng phải cho người xuống nhận chỗ, phát quang mặt bằng và dời tài sản xuống trước. Nhân dân lại co kéo: “Dân ở đâu thì tài sản ở đó, lúa thóc đang ở trên rẫy chưa thu hoạch, còn phát quang thì dễ, lúc nào làm cũng được, v.v…”. Địch phải nhượng bộ một lần nữa.

Phát huy thắng lợi bước đầu, nhân dân tích cực chuẩn bị cho kế hoạch tiếp theo.

Trong khi đó, ở An Lão, bọn địch cũng giở trò mua chuộc những hương lí chúng lập ra. Chúng cho ăn uống, quà cáp để thuyết phục bọn này bắt dân làm xâu, xây trụ sở ngụy quyền tại xã An Bình, bắt thanh niên vào dân vệ làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác. Hương lí đa số là người của ta nên đều trả lời chúng: “Ở đây không làm trụ sở, không cần canh gác vì qua hai đợt “tố cộng” các ông có phát hiện được ai là cộng sản đâu”. “Ở đây đi bói cũng không ra cộng sản”. Bọn địch vẫn bắt phải làm trụ sở, giao hẹn 12 ngày phải làm xong và rút về. Số hương lí thống nhất với nhau về hỏi dân làng thì dân trả lời kiên quyết không làm, không để thanh niên vào dân vệ. Làm trụ sở và để thanh niên vào dân vệ là đi vào chỗ chết.

Các già làng và hương lí họp bàn kế hoạch đối phó và giết heo lấy máu ăn thề, kiên quyết chống lại âm mưu địch. Trở về làng, các già làng và hương lí lại chích máu ăn thề một lần nữa với đồng bào. Sau đó, mọi người lo chuẩn bị bố phòng, cắm chông, gài mang cung, bẫy đá, chuẩn bị tên ná và lập hệ thống báo động dây chuyền từ xa.

Quân địch không nghĩ là đồng bào An Lão chuẩn bị quyết chiến với chúng. Đến hẹn, tên quận trưởng Đoàn An dẫn một đại đội bảo an và bọn công an, mật vụ kéo lên. Dân báo động, 30 thanh niên xã An Bửu có cả các già làng cầm vũ khí ra chặn thì chúng đã vượt qua. Đến An Bình chúng gặp ông Nhứt một mình kéo lưỡi mác xông vào, chúng giựt mác, ông kêu cứu, thanh niên và dân làng ùa ra. Chúng bắn hai bên đường và ào tới thì đụng phải bẫy đá, đứa vỡ đầu, đứa gãy tay, què chân kêu la inh ỏi. Địch chùn lại không dám tiến lên. Lúc này đồng bào từ An Tường, An Phú, An Quý, ào ạt đến An Bình với tất cả vũ khí trong tây vừa hú, vừa “tét” vây chặt bọn địch lại. Trước hàng ngàn đồng bào vũ trang, kẻ thù núng thế, run sợ. Tên quận trưởng đứng xa xoa dịu: “Đồng bào về đi, có gì đâu mà tập trung đông vậy! Quốc gia lên thăm đồng bào thôi! Mời các vị chức sắc ở lại để ta bàn công việc”. Đồng bào nắm được âm mưu địch nên không ai về mà giãn đi phục các ngà đường.

Chúng bắt anh Nĩ trói lại, đánh và hỏi ai xúi giục không làm trụ sở, không vào dân vệ. Anh Nĩ không khai, chúng bắn anh chết tại chỗ. Căm phẫn đến cao độ, cả thanh niên cả già làng, hương lí ùa vào đấu tranh, lên án vạch mặt kẻ giết người: Đồng bào bên ngoài la hú vang động cả núi rừng. Thấy tình hình căng thẳng sợ xảy ra xô xát lớn không lợi, Huyện ủy kịp thời lãnh đạo nhân dân dùng lí lẽ, dựa vào phong tục tập quán, đấu tranh chính trị hợp pháp với địch. Được hỉ đạo, nhân dân đưa ra yêu sách: Không bắt dân làm xâu vì đang mùa rẫy, không bắt thanh niên vào dân vệ vì ở đây không có cộng sản. Không đánh đập nhân dân. Việc giết người vừa rồi phải phạt vạ hai con trâu và một số muối để cúng ma theo phong tục. Suốt ba ngày đêm, đồng bào dùng lí lẽ mềm dẻo kiên trì đấu tranh. Cuối cùng chúng phải chấp nhận tất cả các yêu sách của đồng bào, đền hai con trâu và 30 ki-lô-gam muối.

Cuộc đấu tranh của đồng bào năm xã An Bửu, An Bình, An Tường, An Phú, An Quý thắng lợi làm nức lòng nhân dân An Lão và các huyện kế cận. Sau cuộc đấu tranh này, Huyện ủy chỉ đạo thành lập đội tự vệ.

Đến tháng 9 năm 1958, cả ba huyện miền núi Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh qua đấu tranh thắng lợi đã chuẩn bị lực lượng tăng cường bố phòng, cất giấu tài sản, dự trữ lương thực, chuẩn bị đấu tranh bất hợp pháp với kẻ thù Mỹ - Diệm.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #56 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2012, 09:03:11 am »

*   *
*

Trong những năm 1957-1958, địch liên tiếp mở các cuộc càn, nhất là các vùng gần đồn, gần các trục đường, dọc sông. Chúng mở nhiều đường dọc ngang, cắt ra thành từng ô đánh phá, cắm chốt đi đôi với bắt dân tập trung quanh đồn, chung quanh quận, hòng diệt cơ sở, cán bộ, cắt đứt mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng. Trong năm 1958, trọng điểm của địch là đánh phá các vùng miền núi, hi vọng với tiền của, vật chất cùng với khủng bố chúng có thể nắm được đồng bào các dân tộc. Vì chúng hiểu rằng đồng bào ác dân tộc và núi rừng hiểm trở là căn cứ, là chỗ dựa vững chắc của cách mạng, của kháng chiến, nhưng kết quả đã hoàn toàn ngược lại sự mong muốn của chúng.

Lúc địch tập trung đánh phá miền núi, Đảng ủy càng bám chặt quần chúng ở đồng bằng, ra sức tuyên truyền, giáo dục, xây dựng cơ sở chính trị trong quần chúng, dựa vào quần chúng, khống chế, trừng trị bọn ác ôn tề điệp. Cơ quan lãnh đạo của Đảng vẫn đứng vững. Hành lang vẫn thông suốt. Liên lạc từ tỉnh xuống huyện, xã sau một thời gian bị đứt đã được chấp nối lại (trừ Quy Nhơn và Tuy Phước). Sự gắn bó giữa Đảng với quần chúng ngày càng chặt chẽ, tạo nên sức mạnh chính trị to lớn. Mặt trận nhân dân chống Mỹ - Diệm được phát triển và củng cố.

Hòa nhịp với thắng lợi của phong trào đấu tranh chính trị có kết hợp với vũ trang tự vệ của đồng bào các dân tộc miền núi, phong trào đấu tranh ở đồng bằng được phục hồi và phát triển. Ở Hoài Nhơn, nhờ cán bộ luôn bám chắc cơ sở nên phong trào khôi phục nhanh, nhất là các xã Hoài Sơn, Hoài Châu, Hoài Thanh, Tam Quan… Trong quá trình đấu tranh với địch, cán bộ, đảng viên và quần chúng ngày càng nhận thấy không thể cứ tay không mà chống chọi mãi với kẻ thù được trang bị súng đạn đến tận răng. Thanh niên càng sôi sục muốn xin Đảng cho đánh chứ không thể chịu mãi thế này được. Từ đó phong trào thanh niên thoát li lên núi càng mạnh.

Rõ ràng là địch khủng bố khốc liệt phong trào nhân dân, nếu không vũ trang tự vệ thì không sống được. Tuy chưa có ý kiến của Đảng, nhưng số thanh niên chạy ra rừng tập hợp lại thành những nhóm hoạt động bất hợp pháp, lúc đầu còn lẻ tẻ sau dần thành phổ biến ở các huyện Bình Khê, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Nhơn. Các cấp ủy Đảng địa phương trước tình hình đó đã kịp thời chỉ đạo tổ chức tập họp thanh niên thoát li thành từng toán, từng trại và hướng dẫn sinh hoạt như lực lượng vũ trang cơ sở. Trong thực tế đấu tranh đã xuất hiện một lực lượng mới: lực lượng bất hợp pháp, có vai trò thúc đẩy phong trào tiến lên theo một xu thế mới.

Giữa lúc tình hình khách quan đang đòi hỏi phải có những chủ trương lãnh đạo và phương pháp đấu tranh cách mạng mới thì mùa hè năm 1958 Tỉnh ủy Bình Định nhận được tài liệu “Đường lối cách mạng miền Nam” của đồng chí Lê Duẩn, ủy viên Bộ chính trị đang công tác ở Nam Bộ khởi thảo và Nghị quyết của Khu ủy khu 5 về kết hợp đấu tranh vũ trang bộ phận với đấu tranh chính trị.

Dưới ánh sáng của văn kiện “Đường lối cách mạng miền Nam” và chỉ thị của Khu ủy về chuẩn bị vũ trang tự vệ ở miền núi, Tỉnh ủy họp tại Đắc Mang (Vĩnh Thạnh) quyết định: Lấy vùng cao An Lão, nhất là từ An Toàn trở vào và các vùng cao Vĩnh Thạnh làm căn cứ trung tâm của tỉnh. Đối với miền núi, để đẩy mạnh công tác xây dựng căn cứ địa, cần chú ý phát triển mạnh mẽ các đoàn thể quần chúng, vận động phong trào sản xuất tự túc, dự trữ lương thực, thực phẩm, nhất là muối, nông cụ, xúc tiến công tác bố phòng chống địch lùng sục, vây ráp. Hết sức chú ý lãnh đạo quần chúng chống địch dồn dân. Đối với đồng bằng, tập trung mọi cố gắng vào việc khôi phục và xây dựng lại phong trào, hướng vào lớp trẻ để phát triển cơ sở.

Trước tình hình phong trào cách mạng trong tinh đang đòi hỏi có sự chuyển biến về chủ trương lãnh đạo, nhất là các vùng miền núi, Nghị quyết của Tỉnh ủy đã đáp ứng phần nào nguyện vọng bức xúc của nhân dân.

Thời kì địch tiến hành cuộc “chiến tranh một phía” sắp qua, một thời kì mới của cách mạng đang được nhen nhóm hình thành.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #57 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2012, 09:05:41 am »

3 - CUỘC KHỞI NGHĨA CỦA ĐỒNG BÀO BA NA VĨNH THẠNH(1)

Bước vào năm 1959, phong trào cách mạng ở Bình Định cũng như trên toàn miền Nam lại phải đương đầu với những thử thách quyết liệt mới. Chính quyền Diệm ra luật số 91, còn gọi là luật 10-59 đặt mọi hành vi, tư tưởng chống đối chung vào “tội cộng sản”, kéo máy chém đi khắp nơi thẳng tay chém giết những người yêu nước. Ở huyện Hoài Nhơn, chúng thủ tiêu hàng trăm người ở Hy Văn (Hoài Sơn), Đá Bàn (Hoải Hảo), bãi cát Đồng Chu (Hoài Châu), Định Bình (Hoài Đức). Ở nhà lao Bồng Sơn hàng trăm người bị thủ tiêu một lúc, v.v… Đích thân Ngô Đình Diệm trực tiếp đến Tam Quan chỉ đạo bọn ác ôn tiến hành “tố cộng”. Rõ ràng Mỹ - Diệm đã đẩy nhân dân miền Nam vào một tình thế bức bách, buộc nhân dân phải chọn một trong hai con đường: vùng lên đánh đổ Mỹ - Diệm hoặc chịu khuất phục.

Tình hình mới đặt ra một chác hết sức bức xúc đối với toàn Đảng, toàn dân. Tháng 1-1959, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 15 mở rộng xác định đường lối và phương pháp cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới. Hội nghị đã kiểm điểm tình hình, phân tích khoa học sâu sắc các mặt và xác định: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là dùng bạo lực… lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang hoặc nhiều, hoặc ít, tùy tình hình để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng nên chính quyền cách mạng của nhân dân”(2). Hội nghị còn dự kiến: “Trong những điều kiện nào đó, cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kì… và thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”(3).

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đưa phong trào cách mạng miền Nam phát triển thành cao trào cách mạng rộng lớn. Lúc bấy giờ, Tỉnh ủy Bình Định tuy chưa nhận được Nghị quyết 15, nhưng trên cơ sở yêu cầu khách quan của phong trào cách mạng và tinh thần văn kiện “Đường lối cách mạng miền Nam” và chỉ thị của Khu ủy, Tỉnh ủy khẩn trương chỉ đạo xây dựng những đơn vị tự vệ, du kích ở các vùng miền núi.

Ở Vĩnh Thạnh, sau cuộc đấu tranh chống dồn dân thắng lợi ở Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo, Huyện ủy đã chỉ đạo các xã rút thanh niên xây dựng các tiểu tổ du kích bí mật.

Việc dự trữ lương thực, thực phẩm ở căn cứ và cả cho dân được tiến tiến hành bằng nhiều biện pháp như xây dựng các cơ sở mua hàng từ các thị trấn trong vùng địch kiểm soát, tổ chức các cửa khẩu ở vùng giáp ranh Vĩnh Phúc (Vĩnh Thạnh). Lượng dự trữ bảo đảm từ một đến hai năm.

Mỹ - Diệm tưởng rằng với chính sách đàn áp, khủng bố dã man, chúng có thể dìm phong trào cách mạng của nhân dân trong biển máu nhưng chính là lúc bão tố của cách mạng sắp nổi lên quật đổ chúng.

Sau cộc đấu tranh dồn dân thắng lợi ở Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp bằng cách trì hoãn, kéo dài thời gian, Huyện ủy phát động toàn huyện vừa tích cực làm mùa, dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, vừa cử người lên núi cao, vào rừng sâu,tìm chọn địa điểm xây dựng làng bí mật và nơi cất giấu tài sản. Trong công cuộc chuẩn bị này, đồng bào Kinh các xã Bình Quang, Bình Giang (Bình Khê), Ân Nghĩa (Hoài Ân), Tứ Thủy, Cửu An (An Khê) đã góp phần quan trọng.

Để tăng cường lực lượng đánh địch, Đảng bộ Vĩnh Thạnh chủ trương củng cố và phát triển các đội du kích làm nòng cốt cho phong trào toàn dân bố phòng chống địch. Các già làng có kinh nghiệm nghiên cứu tẩm tên thuốc độc. Phụ nữ và trẻ em vót các loại chông. Các già làng am hiểu địa hình cùng du kích triển khai các tuyến bố phòng, cắm chông, gài mang cung, bẫy đá… Mọi công việc được triển khai khẩn trương, bí mật.

Sau một thời gian ngắn, hay nói cách khác là qua một mùa rẫy, hoa màu tươi tốt khắp núi đồi, sắp vào mùa thu hoạch, cũng là một mùa toàn Đảng bộ và đồng bào Ba Na Vĩnh Thạnh đang độ chín tới cả về chính trị và vũ trang, chuẩn bị bước vào thời kì gặt hái thành quả cách mạng. Trận địa cách mạng không những được giữ vững và phát triển ở các xã vùng thấp mà còn triển khai mạnh mẽ và chiếm lĩnh cả vùng cao. Vùng cao dần dần trở thành chỗ dựa tin cậy, là căn cứ địa của phong trào địa phương và của cả tỉnh. Với thế và lực đó, Vĩnh Thạnh đang nung nấu ý chí cách mạng, tạo thời cơ và nắm thời cơ khởi nghĩa.

Khi lúa trên rẫy bắt đầu chín, đề phòng địch cướp lúa, Huyện ủy huy động lực lượng toàn dân nhanh chóng gắt hái và cất giấu trong rừng sâu. Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp là xã vùng thấp, trọng điểm dồn dân của địch, tài sản được dời đi trước vào những làng bí mật. Sắp đến ngày hẹn dời làng xuống khu dồn của địch, Huyện ủy họp quyết định:

- Kiên quyết lãnh đạo quần chúng, vũ trang khởi nghĩa đánh bại âm mưu dồn dân của địch. Không để một làng nào, thậm chí một người nào bị địch lùa xuống khu dồn.

- Đến thời gian quy định xuống khu dồn, làng nào bị địch cưỡng bức phải kịp thời đưa dân lánh ngay vào rừng. Các làng khác sẵn sàng trong tư thế nổi dậy chống địch, nhưng kín đáo, giữ thế hợp pháp đồng thời phát động phong trào đấu tranh chính trị trong toàn huyện phản đối địch dồn dân và ủng hộ việc chạy bất hợp pháp của làng bị dồn. Kết hợp chặt chẽ các hình thức hợp pháp, nửa hợp pháp.

- Thông qua cơ sở cách mạng vùng đồng bào Kinh ở Bình Khê và Hoài Ân, nhất là xã Bình Quang, nơi địch đặt cơ quan quận Vĩnh Thạnh, tung dư luận tạo nên làn sóng phản đối âm mưu dồn dân của địch.


(1) Theo thông tin tạp chí số 2 của Viện Lịch sử quân sự.
(2), (3) Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 11 năm 1959.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #58 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2012, 09:08:59 am »

Ngày 5 tháng 2 năm 1959, năm ngày trước hạn dời làng, tên quận trưởng Thái Quới trực tiếp chiêu đãi các “đại diện” một bữa tiệc linh đình, biếu quà tết, gửi biếu cả dân làng gạo, rượu, dầu hỏa và quy định dứt khoát hai xã Vĩnh Hảo và Vĩnh Hiệp ngày 11 tháng 2 phải đưa toàn bộ dân và tài sản xuống khu dồn. Trước sự cưỡng bức trắng trợn của địch, dựa vào Nghị quyết của Huyện ủy, cán bộ và nhân dân Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp thống nhất quyết định lập tức rời làng trước khi địch đưa quân lên thúc ép.

Ngày 6 tháng 2 năm 1959(1), nhân dân làng Tà Lốc, Tà Léc và Hà Ri xã Vĩnh Hiệp; Tà Điệt, Kon Rong, Kon Don, Kon Hrao, Con Gít, Pơ Mang xã Vĩnh Hảo đồng loạt vũ trang khởi nghĩa mở đầu sự bùng nổ của cơn lốc cách mạng ở Vĩnh Thạnh. Các ông bà già, phụ nữ, trẻ em cùng những đồ đạc còn lại được đưa lên làng bí mật trong rừng sâu. Thanh niên, du kích hạ cây rào làng, rấp tất cả lối di, cắm thêm chông, gài thêm mang cung, bẫy đá, hình thành làng chiến đấu chống địch. Không khí khẩn trương, kiên quyết, tất bật như đêm trước của một trận đánh lớn. Thế trận chiến tranh nhân dân đã bày sẵn.

Được tin nhân dân Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp khởi nghĩa, bọn địch ở quận hoang mang, lúng túng. Chúng báo về tỉnh xin viện binh, sợ du kích kéo xuống đánh úp quận lị.

Sáng ngày 7 tháng 2, địch cho một đơn vị bảo an do Đinh On, tên phản bội người Hà Ri dẫn đường kéo lên khủng bố làng mình. Đã chuẩn bị từ trước, du kích phát loa, kêu gọi: “Dân phải chạy làng là tại quốc gia cưỡng ép, không phải dân chống lại quốc gia. Anh em đừng vào làng, nếu vào là chết uổng mạng”. Bọn lính rất ngán kiểu đánh của người Ba Na, chúng dè dặt nhưng bọn chỉ huy thúc phải tiến. Bộ phận đi đầu bị du kích dùng tên thuốc độc bắn, chúng tản ra, bị mang cung phóng, bị chông đâm, chết và bị thương một số trong đó có tên Đinh On phản bội, chúng hoảng sợ phải rút lui.

Hỗ trợ cho Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp, các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Kim, Vĩnh Châu lợi dụng thế hợp pháp mở một đợt tấn công dư luận: “Dân chạy là sợ quốc gia, chạy rồi mà quốc gia còn đuổi là xấu hơn cả Tây! Nói thương người Thượng làm thế mà là thương hay sao!”. Đồng bào Kinh còn đưa tin hù dọa: “Không thông thạo đường rừng mà lên chỉ có ăn chông, thò, v.v…”.

Sau khi ổn định tinh thần binh lính, tháng 3 năm 1959, địch cho một đại đội bảo an mở hành quân càn quét đánh phá làng Tà Lốc.

Vào làng quân địch sa vào trận địa phục kích, năm tên trong đó có một sĩ quan bị bắn gục tại chỗ. Bị đánh phủ đầu chúng chạy tán loạn, sa vào bãi chông và hệ thống mang cung liên hoàn với bẫy đá làm chết và bị thương hàng chục tên khác. Từ 10 giờ đến 16 giờ, du kích và đồng bào Tà Lốc chiến đấu đẩy lùi bốn đợt tấn công của địch, bẽ gãy hoàn toàn cuộc càn quét. Địch cay cú cho máy bay ném bom và bắn phá đốt cháy làng Tà Lốc.



Suối Nước Ló (làng Tà Lốc, Vĩnh Thạnh) nơi diễn ra trận chống càn thắng lợi tháng 3-1959
sau cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh tháng 2-1959

Kết quả trận này, nhân dân và du kích Tà Lốc loại khỏi vòng chiến đấu hơn 30 tên địch, thu một súng trường và nhiều đạn dược. Chiến thắng Tà Lốc là trận đánh đầu tiên của du kích và nhân dân vũ trang, cũng là trận thắng đầu tiên của nhân dân Bình Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khẩu súng thu được trong trận đánh là khẩu súng chiến lợi phẩm đầu tiên của lực lượng du kích trong tỉnh.

Càng thua càng cay cú, tháng 4 năm 1959, địch lại cho lực lượng tiến công vào làng Tà Lốc. Nhưng mới mon men đến suối Tấn, chúng đã bị du kích chặn đánh phủ đầu với trận địa chông thò tầng tầng lớp lớp. Địch không vào được làng mà hơn chục tên phải bỏ mạng, trong đó có một sĩ quan, chúng lại phải nhẫn nhục rút lui.

Ba lần đem quân càn quét, cả ba lần đều thất bại, binh lính địch hoang mang, đặc biệt là rất khiếp sợ trước các trận địa mang cung liên hoàn chông, bẫy. Trước thế trận chiến tranh nhân dân của đồng bào dân tộc, bọn địch quay lại biện pháp chiêu dụ. Lợi dụng thế lùi của địch, Huyện ủy chỉ đạo các làng chuyển sang đấu tranh hợp pháp nhưng địch vẫn giở trò đe dọa. Nhân dân thấy rõ địch đang dùng biện pháp “mềm để cứng”, âm mưu cơ bản vẫn là tiếp tục dồn dân. Nên đầu tháng 4, nhân dân lại vũ trang nổi dậy một lần nữa. Lần này quy mô lớn hơn, gần như toàn huyện. Cả 14 làng vùng thấp và vùng cao đều nổi dậy dời làng, bố phòng đánh địch. Ngoài các làng Tà Lăng, Sò Đo (Vĩnh Kim), hai làng Kon Klót, Kon Póp Vai và Kon Dót Krong (Vĩnh Châu). Các làng khác ở Vĩnh Hòa, Vĩnh Trường, Vĩnh Kim cũng rục rịch lập làng chiến đấu, nhất tề chuyển vào đấu tranh bất hợp pháp. Qua thời gian tiếp xúc với địch, đồng bào Ba Na khẳng định: Chỉ có đi con đường vũ trang mới đánh bại được chúng và mới giành được thắng lợi.


(1) Có tài liệu nói khởi nghĩa Vĩnh Thạnh ngày 7-2-1959, nhưng ở đây chúng tôi dựa vào Thông tin tạp chí 2-1990 của Viện Lịch sử quân sự là Vĩnh Thạnh khởi nghĩa ngày 6-2-1959.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Sáu, 2012, 09:10:10 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #59 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2012, 09:11:55 am »

Mỹ - Diệm như điên cuồng khi được tin toàn dân Vĩnh Thạnh vũ trang nổi dậy chống lại chúng. Lần này, chúng mua chuộc Đinh On, tên phản bội ở làng Hà Ri dẫn đường đưa quân luồn rừng tập kích làng Kon Klót, bắn chết hai người và bắt bảy người khác.

Đòn phản kích hèn nhát của địch không làm nao núng nhân dân Vĩnh Thạnh. Chiến đấu có được, có mất, đồng bào càng tăng cường cảnh giác, tăng cường bố phòng chặt chẽ hơn, dày đặc hơn. Việc tuần tra, canh gác, báo động, cảnh giới được bố trí cẩn mật. Trừ xã Vĩnh Bình phía Kim Sơn gồm bốn làng địa hình trống trải, lại làm lúa nước nên phải duy trì thế hợp pháp còn tất cả các làng trong huyện đều nổi dậy lập làng chiến đấu chống địch.

Giữa tháng 7 năm 1959, Mỹ - Diệm huy động một lực lượng lớn, cả quân cộng hòa, tập trung đánh vào Tà Lốc - Tà Léc với ý đồ chiếm hai làng này làm bàn đạp, chốt quân dài ngày, lùng sâu vào rừng đánh phá các làng bí mật và xúc tác dân, nhưng chúng không thu được kết quả nào. Vùng giải phóng xã Vĩnh Hiệp và toàn huyện vẫn được giữ vững. Tháng 12 năm 1959, địch còn mở một cuộc hành quân càn quét vào Tà Léc định chiếm đóng lâu dài, nhưng chỉ sau ba ngày bị du kích vừa đánh vừa tiến hành binh vận, bị tiêu hao lực lượng, chúng phải rút.

Ngày 9 tháng 12 năm 1959, tiểu đội du kích tập trung của huyện Vĩnh Thạnh được thành lập tại suối Kờ Nhơm, gồm chín chiến sĩ, trang bị hai tiểu liên, hai súng trường và vũ khí thô sơ. Đây là đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của tỉnh Bình Định.

Từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, với bản chất cực kì phản động và ngoan cố, với âm mưu cơ bản là thôn tính miền Nam Việt Nam, xây dựng pháo đài chống cộng ở Đông Nam Á, Mỹ - Diệm đã tiến hành cuộc “chiến tranh một phái” bằng tất cả các biện pháp quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa thâm độc, tàn bạo và xảo quyệt. Cùng với nhân dân toàn miền, nhân dân Bình Định đã trải qua một thời kì đầy khó khăn quyết liệt chưa từng có trong lịch sử. Đây là một thời kì mà “lực lượng cách mạng ở miền Nam có thể bị tan rã, phong trào yêu nước có nguy cơ bị đè bẹp không sao gượng nổi”(1).

Tình hình đó đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Định hai con đường: Đưa phong trào cách mạng tiến lên hoặc dừng lại chờ thời cơ. Nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng, Đảng bộ và nhân dân cũng xác định: không bó tay chờ chết, bất kể hi sinh tổn thất đến đâu cũng kiên quyết đoàn kết đứng lên đấu tranh chống lại bạo lực phản cách mạng. Trong hiệp đầu đọ sức với Mỹ - Diệm, với hai bàn tay không và chỉ bằng tinh thần, bằng ý chí quyết tâm cách mạng, nhân dân Bình Định dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã dám đương đầu với súng đạn sắt thép và những âm mưu cực kì hiểm độc, quỷ quyệt của địch.

Tuy tình hình nhiều khó khăn như “Nghìn cân treo sợi tóc”, trừ một vài đảng viên không chịu nổi thử thách đã phản bội đầu hàng nhưng số đảng viên, cấp ủy còn lại lúc nào cũng giương cao ngọn cờ đấu tranh. Đặc biệt là quần chúng nhân dân, với truyền thống bất khuất của một vùng đất thượng võ và quật khởi, đã tập hợp chung quanh Đảng, kiên quyết đấu tranh tới cùng với kẻ thù. Biết bao tấm gương trung hiếu của đảng viên, quần chúng đã xuất hiện.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, từ đấu tranh chính trị đơn thuần, hợp pháp đòi địch thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, đòi dân sinh, dân chủ đã tiến lên kết hợp với vũ trang tự vệ có mức độ, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh hợp pháp và không hợp pháp, chính trị với vũ trang.

Thắng lợi của Vĩnh Thạnh trong suốt 5 năm qua mà đỉnh cao là năm 1959 là thắng lợi quyết định của cuộc đấu tranh chống âm mưu dồn dân, lập ngụy quyền cơ sở để kìm kẹp dân của địch.

Từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, chính quyền cách mạng không còn, các đoàn hể quần chúng giải thể. Đảng rút vào hoạt động bí mật. Ta chỉ còn tổ chức ban cán sự quần chúng làm một phần chức năng chính quyền tự quản ở cơ sở. Từ khi địch tiếp quản cho đến năm 1959, chúng không thiết lập được chính quyền xã kể cả các xã vùng thấp. Chúng chỉ có chính quyền quận nhưng không đặt được trên đất Vĩnh Thạnh mà là “đặt nhờ” ở Bình Quang, một xã ở Bình Khê. Âm mưu của chúng là bằng mọi giá dồn cho được dân xuống đồng bằng mới có thể thiết lập được ngụy quyền ở cơ sở, mới kìm kẹp được nhân dân. Đảng bộ đã vạch rõ âm mưu ấy, động viên quyết tâm của nhân dân chống lại và cuối cùng đồng loạt nổi dậy vũ trang khởi nghĩa, biến toàn huyện từ vùng làm chủ thành vùng căn cứ.

Từ vũ trang khởi nghĩa chống địch dồn dân, quần chúng cách mạng đã chuyển sang phát động chiến tranh du kích đánh địch tiến công càn quét. Vĩnh Thạnh là nơi đã diễn ra chiến tranh du kích - cuộc chiến tranh toàn dân - đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Bình Định, với đội vũ trang tập trung đầu tiên và những trận đánh ác liệt thu vũ khí đầu tiên trong tỉnh, góp phần đưa phong trào cách mạng trong tỉnh phát triển lên những bước mới - tiến công địch ở đồng bằng.



Các chiến sĩ du kích Vĩnh Thạnh kể lại cuộc khởi nghĩa ngày 6-2-1959


(1) Trích bài nói chuyện của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị TW lần thứ 19, ngày 17-3-1973.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM