Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:30:53 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bình Định - Lịch sử chiến tranh nhân dân 30 năm (1945-1975)  (Đọc 110203 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #40 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2012, 02:48:50 pm »

*   *
*

Tháng 1 năm 1953, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư họp quyết định những vấn đề lớn của đất nước. Trong hội nghị Bác Hồ đọc một báo cáo rất quan trọng. Để duy trì cuộc kháng chiến và đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, Bác nhấn mạnh: “Một là lãnh đạo kháng chiến và chính sách quân sự, hai là phát động quần chúng triệt để giảm tô, tiến tới cải cách ruộng đất”(1).

Nền tảng của vấn đề dân tộc là nông dân vì nông dân chiếm đại đa số trong cộng đồng dân tộc. Nền tảng của cách mạng dân chủ cũng là nông dân vì nông dân là lực lượng cách mạng chống đế quốc và phong kiến đông nhất. Do đó, muốn kháng chiến thắng lợi phải thiết thực nâng cao quyền lợi kinh tế và chính trị của nông dân, phải chia ruộng đất cho nông dân.

Tháng 4 năm 1953, Liên khu ủy Liên khu 5, trực tiếp chỉ đạo tiến hành thí điểm phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất trong toàn Liên khu ở xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Sau cuộc đấu tranh điển hình thắng lợi, từ Hoài Ân phong trào đấu tranh của nông dân lan nhanh ra các huyện khác. Những sai lầm ở đây phần lớn các cuộc đấu tranh đều do tự phát, thiếu lãnh đạo, thiếu tổ chức, đấu tranh không đúng đối tượng, làm sai đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn.

Phát hiện được sai lầm, Tỉnh ủy tổ chức uốn nắm lại, có lãnh đạo, tổ chức chặt chẽ chủ yếu là đấu tranh đòi triệt để giảm tô, tình hình nông thôn được ổn định, có khí thế.

Về thực hiện quy chế lĩnh canh, Đảng bộ đã lãnh đạo thực hiện đúng sắc lệnh của Chính phủ. Nhờ vậy chỉ trong mấy tháng đầu năm 1953, nông dân trong tỉnh đã đấu tranh đòi truy canh 60 vụ đều thắng lợi. Việc chia lại ruộng đất công cũng tiến hành theo tinh thần mới: ai thiếu thốn nhiều chia nhiều, ai thiếu ít chia ít không chia bình quân theo đơn vị xã, 53.800 mẫu ruộng đất công và 1.248 mẫu nửa công nửa tư (trong tổng số 165.000 mẫu công và tư toàn tỉnh) được chia hết cho nông dân. Ruộng đất của thực dân Pháp và Việt gian cũng được chia hẳn cho nông dân.

Thực hiện một loạt vấn đề về chính sách ruộng đất, Đảng đã nâng cao uy thế chính trị của nông dân, mang lại quyền lợi thiết thực về kinh tế cho nông dân. Các vùng nông thôn trong tỉnh tràn ngập không khí phấn khởi, hăng hái sản xuất, tích cực đóng góp và tham gia công tác kháng chiến.

Cùng với công cuộc phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng. Tháng 3 năm 1953, Tổng quân ủy ra Nghị quyết về sinh hoạt chính trị (chỉnh quân chính trị) nhằm nâng cao trình độ giác ngộ giai cấp, nâng cao sức chiến đấu của bộ đội một bước.

Trước khi bước vào sinh hoạt chính trị, ban chỉ huy tỉnh Bình Định đã rút một số đại đội bộ đội địa phương tỉnh bổ sung cho chủ lực, rút cán bộ xã đôi, du kích xã lên xây dựng bộ đội tỉnh, huyện và các đơn vị chủ lực của khu. Các đại đội 100, 101, 102 và 103 được tập trung thành lập tiểu đoàn 80, do các đồng chí Kiều Mậu làm tiểu đoàn trưởng, Nguyễn Phong chính trị viên. Mỗi huyện kiện toàn một đại đội, Quy Nhơn có hai trung đội. Dân quân du kích xã được củng cố, kiện toàn.

Sau đợt chấn chỉnh tổ chức, biên chế, lực lượng vũ trang trong tỉnh bước vào đợt sinh hoạt chính trị với tài liệu: “Quân đội nhân dân Việt Nam kháng chiến trường kì gian khổ, tự lực cánh sinh, nhưng nhất định thắng lợi”.

Qua học tập, liên hệ nhận thức, những cán bộ, chiến sĩ xuất thân từ nông dân lao động đã vươn lên mạnh mẽ về tư tưởng, phát huy tinh thần làm chủ, xóa bỏ mọi ảnh hưởng tự ti. Những cán bộ, chiến sĩ xuất thân từ thành phần bóc lột kiên quyết vứt bỏ ảnh hưởng tư tưởng của giai cấp cũ, đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân để cải tạo mình thành cán bộ, chiến sĩ tốt của quân đội.

Sau dợt sinh hoạt chính trị lực lượng vũ trang Bình Định bước vào đợt học tập quân sự (chỉnh huấn quân sự), nhằm nâng cao trình độ kĩ thuật, nâng cao sức chiến đấu lên một bước mới. Thao trường được coi như chiến trường, huấn luyện được coi như chiến đấu. Huấn luyện quân sự được tiến hành tích cực, khẩn trương như khi ra trận.

Sau hai tháng huấn luyện quân sự, trình độ kĩ thuật, chiến thuật, tác phong chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ được nâng cao một bước rõ rệt.

Cuối năm 1953, tỉnh đội tuyển chọn chiến sĩ trong các đơn vị thành lập một phân đội đặc công. Tỉnh còn xây dựng thêm hai đại đội bổ sung cho khối chủ lực Liên khu, mở trường đào tạo cán bộ tiểu đội, trung đội bổ sung cho các đơn vị của tỉnh. Hàng chục cán bộ chỉ huy trung đội đào tạo ở trường chính quy được Liên khu bổ sung về làm nòng cốt củng cố các đơn vị.

Qua sinh hoạt chính trị, huấn luyện quân sự, kiện toàn biên chế, lực lượng vũ trang tập trung trong tỉnh đã có bước trưởng thành toàn diện, sức chiến đấu được nâng cao, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về tác chiến trong đông - xuân 1953-1954.


(1) LỊCH SỬ QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM, Nhàn xuất bản Quân đội nhân dân Hà Nội, 1974, t.1, tr.510-511.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #41 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2012, 02:50:04 pm »

*   *
*

Quân địch bị thất bại nặng nề ở An Khê, chúng áp dụng lại biện pháp dùng máy bay đánh phá vùng tự do, cho quân đổ bộ một số vùng xung yếu ven biển càn quét đốt phá nhà cửa, ghe mành hòng phá hoại tiềm lực kháng chiến, gây tình hình khổng ổn định ở hậu phương của ta. Chúng cho quân đổ bộ lên Quy Nhơn, Phước Hải, Đề Gi, Tam Quan, Chương Hòa… đồng thời đón bắt dân trên các thuyền đánh cá ngoài khơi. Chúng gây nhiều thiệt hại về người và của cho nhân dân trong tỉnh: 1.734 người chết và bị thương, 1.608 người bị bắt, đánh hỏng 1.064 nóc nhà, phá hoại đầu máy xe lửa, 12 toa xe, 143 mét đường ray, 32 cầu cống…

Trong những cuộc đổ bộ các vùng ven biển, đáng kể nhất là lần chúng lên Tam Quan. Năm 1949, chúng đã bị thất bại ở Tam Quan, Chợ Cát, nhưng cúng cho là lần đó có chủ lực Việt Minh còn lần này chúng nắm chắc chỉ có du kích. Chúng quyết định dùng ba tiểu đoàn đổ quân. Một cánh lên Vĩnh Tuy chiếm đèo Bình Đê tiến xuống Chương Hòa; một cánh đổ quân ở Thiện Chánh lên Tam Quan; một cánh ở Bãi Ngang Hoài Thanh lên đường số 1. Các nơi đổ bộ và hướng tiến quân của địch không có gì mới. Chúng lặp lại y như trận càn năm 1949. Về phía địch, với địa hình vùng này, đây là phương án tốt nhất.

Lực lượng vũ trang địa phương đã dự kiến chính xác hướng tiến quân của địch nên ngay từ khi tàu địch vừa cặp bờ, đại đội 101 bộ đội tỉnh phối hợp với đại đội 26 tỉnh Quảng Ngãi cùng du kích địa phương tổ chức bám địch. Lần này tuy không có bộ đội chủ lực, nhưng công tác bố phòng được gia tăng gấp bội so với năm 1949. Hầm chông, hố chông, mìn tự động, mìn giật được bố trí dày đặc những nơi địch đổ quân và trên đường tiến của chúng, kết hợp với từng tổ du kích, từng tiểu đội bộ đội địa phương phân tán bắn tỉa, đánh nhỏ gây cho địch nhiều hại. Quân Pháp đi tới đâu cũng sa vào trận địa chông mìn gài sẵn. Chúng rất sợ lối đánh này.



Bà mẹ mù hai mắt đánh kẻng báo động khi giặc Pháp
đến để du kích biết (Quy Nhơn 1953)

Sau sáu ngày (26/5 - 1/6/1953), bị sa hố chông, vướng mìn, bị du kích và bộ đội tỉnh hiệp đồng tiến công địch chết 119 tên, bị bắn rơi một máy bay, một ca nô bị bắn chìm, chúng phải rút quân xuống tàu, kết thúc cuộc hành quân.

Qua trận chống càn thắng lợi chứng tỏ lực lượng địa phương (gồm bộ đội địa phương kết hợp với du kích) thực hiện công tác bố phòng cẩn mật, đặc biệt phát huy việc sử dụng mìn, hầm chông, cạm bẫy… góp phần quan trọng đánh bại quân địch càn quét, bảo vệ vững chắc địa bàn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #42 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2012, 06:59:29 am »

3 - ĐÁNH BẠI CUỘC HÀNH QUÂN ÁT-LĂNG CỦA ĐỊCH,
CÙNG CẢ NƯỚC KẾT THÚC THẮNG LỢI CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP


Sau bảy năm sa lầy trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ vẫn chưa tìm được lối thoát. Bị thua trên khắp các chiến trường, đặc biệt là bị đánh đau ở chiến trường chính Bắc Bộ, quân Pháp càng bị động, lúng túng.

Đâm lao phải theo lao, thực dân Pháp xin thêm viện trợ Mỹ, tập trung mọi cối gắng đẩy mạnh chiến tranh, hòng tìm một “lối thoát danh dự” bằng thắng lợi quân sự. Tháng 5 năm 1953, được sự thỏa thuận của Mỹ, tướng Na-va được cử làm tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương.

Trung tâm của kế hoạch Na-va là dựa vào viện trợ Mỹ, bằng mọi cách bòn mót quân trên chính quốc, các thuộc địa, ra sức xây dựng quân ngụy, tổ chức một lực lượng cơ động ứng chiến mạnh thực hành tiến công chiến lược bằng hai bước, nhằm kết thúc chiến tranh trong thế thắng.

Bước một, trong thu đông 1953 và xuân 1954, giữ thế phòng ngự chiến lược, tránh quyết chiến ở miền Bắc, thực hành tiến công chiến lược, chiếm đóng các tỉnh vùng tự do Liên khu 5 và vùng Hậu Giang Nam Bộ.

Bước hai, vào đông - xuân 1954-1955, với khối chủ lực cơ động được xây dựng gồm 27 binh đoàn cơ động sẽ tập trung quyết chiến với chủ lực ta trên chiến trường chính Bắc Bộ, giành thắng lợi quyết định, kết thúc chiến tranh.

Kế hoạch Na-va là sự nỗ lực cao nhất và cũng là cố gắng cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ có thể làm được trong cuộc chiến tranh xâm lược lúc bấy giờ.

Tháng 9 năm 1953, Bộ chính trị Trung ương Đảng họp phân tích cụ thể những âm mưu mới của Pháp - Mỹ và khẳng định: Kế hoạch Na-va tuy có gây cho ta những khó khăn mới nhưng bản thân kế hoạch đó chứa đầy mâu thuẫn không thể khắc phục được. Vấn đề đặt ra cho ta là khoét sâu những mâu thuẫn đó, buộc chúng phải phân tán, tạo thời cơ cho ta tiêu diệt. Ta phải vừa tác chiến trên chiến trường chính diện, vừa tác chiến trên chiến trường sau lưng địch, buộc chúng phải phân tán đối phó. Cần nhấn mạnh phương châm “Tích cực chủ động, cơ động, linh hoạt”.

Kế hoạch tác chiến chiến lược trong đông - xuân 1953-1954 được Bộ chính trị quyết định là:

Ở mặt trận chính diện, tiêu diệt địch ở Lai Châu, giải phóng Tây Bắc, cùng bộ đội Pa Thét Lào giải phóng Phong-Sa-Lỳ.

Phối hợp với Pa Thét Lào và quân giải phóng Cam-pu-chia tiêu diệt địch ở Trung Lào, Hạ Lào, Đông bắc Cam-pu-chia, mở thông đường chiến lược Bắc - Nam đến vùng sau lưng Sài Gòn.

Giành địa bàn chiến lược Bắc Tây Nguyên, phá âm mưu chiếm đóng và “bình định” miền Nam của địch.

Ở mặt trận sau lưng địch, đẩy mạnh chiến tranh du kích và các mặt đấu tranh khác, phá kế hoạch xây dựng quân ngụy, mở rộng vùng tự do, phối hợp đắc lực với các cuộc tiến công trên mặt trận chính diện.

Ở Liên khu 5 từ mùa hè năm 1953, địch ráo riết tăng cường lực lượng đưa tổng số quân lên 50 ngàn trong đó có 25 tiểu đoàn cơ động. Tháng 12 năm 1953, chuẩn bị mở cuộc hành quân Át-lăng, đánh chiếm các tỉnh tự do Liên khu 5, chúng đưa các binh đoàn số 10, 100, 11, 21 cùng với các binh đoàn 41, 42 hình thành một lực lượng lớn gồm 40 tiểu đoàn.

Cuộc hành quân Át-lăng được chúng chia làm ba bước: bước 1 đánh chiếm thị xã Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên. Bước 2 đánh chiếm thị xã Quy Nhơn và tỉnh Bình Định. Bước 3, tập trung lực lượng từ bốn phía, lấy thị xã Quảng Ngãi làm hợp điểm tiến công, hoàn thành đánh chiếm bốn tỉnh tự do Liên khu 5.

Sau khi cân nhắc các mặt giữa việc giành địa bàn chiến lược Bắc Tây Nguyên với chiến đấu bảo vệ vùng tự do Liên khu, Tổng quân ủy hạ quyết tâm chiến lược và được Bộ chính trị duyệt y. Đó là: Đông xuân này, Liên khu 5 phải tập trung lực lượng tiến công Tây Nguyên, phát triển tiến công Tây Nguyên được coi là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất. Nhiệm vụ bảo vệ vùng tự do là nhiệm vụ quan trọng thứ hai(1).

Chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị của Trung ương và mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, trong khi tập trung toàn bộ lực lượng chủ lực tiến công Tây Nguyên, Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu giao nhiệm vụ bảo vệ vùng tự do cho lực lượng địa phương các tỉnh. Trước mắt kiểm tra lại toàn bộ phương án tác chiến từng vùng, khẩn trương xây dựng, củng cố lực lượng và tăng cường công tác bố phòng. Địch đến địa phương nào, địa phương đó tự lực đối phó, kìm chân tiêu hao, tiêu diệt địch, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do địch gây ra.


(1) Theo báo cáo Tổng Quân ủy tình Bộ Chính trị ngày 27 tháng 11 năm 1953.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #43 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2012, 06:59:59 am »

Đứng trước âm mưu địch, thực hiện chỉ thị, mệnh lệnh của Liên khu, trong cuộc hội nghị bắt đầu tháng 1 năm 1954, Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ quyết định huy động sự nỗ lực cao nhất của Đảng bộ và quân dân trong tỉnh ra sức chiến đấu bảo vệ vùng tự do, đồng thời phục vụ đắc lực cho thắng lợi của chiến dịch Bắc Tây Nguyên. Tỉnh ủy quyết định đẩy mạnh phong trào chiến tranh nhân dân ở địa phương, tăng cường bố phòng, nhất là các vùng ven biển Quy Nhơn và giáp ranh An Khê, đẩy mạnh việc xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang ba thứ quân trong tỉnh.

Đầu năm 1954, tỉnh đội đã hoàn thành việc củng cố tiểu đoàn tập trung 80 do các đồng chí Nguyễn Hiệp làm tiểu đoàn trưởng, Nguyễn Khang chính trị viên và bảy đại đội địa phương của bảy huyện. Dân quân du kích các xã được kiện toàn. Lực lượng dân công tiếp vận được chuẩn bị tổ chức sẵn từ xã đến tỉnh, có ban chỉ huy do cấp ủy viên từng cấp phụ trách. Để bảo đảm cho lực lượng dân công yên tâm phục vụ, tỉnh còn hướng dẫn thành lập các tổ hỗ trợ sản xuất ở cơ sở. Việc sơ tán dân, cất giấu tài sản ở những vùng có thể xảy ra chiến sự được các cấp ủy và chính quyền hướng dẫn chuẩn bị theo kế hoạch.

Về mặt tác chiến, ban chỉ huy tỉnh đội làm tham mưu cho Tỉnh ủy chia tỉnh thành hai khu vực tác chiến lớn. Khu vực phía bắc gồm các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, do các đại đội địa phương huyện cùng du kích các xã đảm nhiệm chiến đấu phối hợp với lực lượng vũ trang Quảng Ngãi, và tiểu đoàn 30 chủ lực liên khu cơ động ở Nam Quảng Ngãi - Bắc Bình Định. Khu vực phía nam gồm các huyện Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, cả Quy Nhơn và Bình Khê là khu vực trọng điểm, do tiểu đoàn 80 chủ lực tỉnh và các đại đội địa phương huyện cùng du kích đảm nhiệm chiến đấu, phối hợp với lực lượng vũ trang Phú Yên và một bộ phận của chủ lực cơ động chiến đấu ở phía nam.

Chuẩn bị đánh địch theo phương án tác chiến, nhân dân các vùng dự kiến xảy ra chiến sự như Phước Hưng, Phước Quảng huyện Tuy Phước, Nhơn Hạnh, Nhơn Phong huyện An Nhơn, Cát Thắng huyện Phù Cát và thị xã Quy Nhơn… đều triệt để tản cư thực hiện vườn không nhà trống. Chỉ có lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở lại sẵn sàng đánh địch. Tiểu đoàn 80, các đại đội 111, 115, 116 cùng bộ đội huyện và du kích phân công vị trí chiến đấu, sửa sang công sự, hầm hào chiến đấu, bố trí chông, mìn, cạm bẫy… Công tác bảo đảm hậu cần tiếp tế, tải thương, tổ chức đội phẫu và các tuyến điều trị thương binh được triển khai chuẩn bị. Ban địch vận tỉnh in truyền đơn, áp phích, chuẩn bị kế hoạch binh địch vận.

Vừa chuẩn bị chiến đấu khẩn trương, nhân dân trong tỉnh vừa dồn sức vào công tác vận chuyển phục vụ chiến dịch. Từ đầu tháng 12 năm 1953, đêm đêm các đoàn xe goòng trên đường sắt không lúc nào ngừng chạy. Trên các tuyến đường ngang, đủ các loại phương tiện từ xe ngựa, xe bò, ngựa thồ, xe đạp thồ, từng đoàn dân công Hoài Nhơn, An Lão, Hoài Ân… gồng gánh vận chuyển lương thực, đạn dược trèo đèo lội suối tiến về Tây Nguyên.

Mọi công việc đang được xúc tiến khẩn trương thì ngày 20 tháng 1 năm 1954, quân Pháp bắt đầu cuộc hành quân Át-lăng với 22 tiểu đoàn đánh ra Phú Yên. Với thế trận bố trí sẵn, quân dân Phú Yên tổ chức đánh trả địch quyết liệt.

Mặc dù địch đã đánh ra Phú Yên, ta vẫn giữ vững quyết tâm và ý định chiến lược giành địa bàn Bắc Tây Nguyên. Ngày 17 tháng 1 năm 1954, chiến dịch Bắc Tây Nguyên mở màn nổ súng tiến công tiêu diệt một loạt cứ điểm Mang Đen, Mang Bút, tiếp theo là Đắc Tô, Đắc Lây… Chỉ sau bảy ngày, toàn bộ vùng bắc Công Tum được giải phóng. Chiến dịch phát triển mạnh vào phía nam ở khu vực tam giác Plây Cu - Cheo Reo - An Khê, nhằm đánh vào sau lưng cụm quân địch trên đường 19. Một bộ phận chủ lực đồng thời được lệnh tiến vào Phú Yên, cùng địa phương đánh địch không cho phát triển về hướng Bình Định. Như vậy, trong thế trận chung của chiến dịch, cả hai hướng tây và nam của tỉnh đều có lực lượng chủ lực của Liên khu ngăn chặn uy hiếp địch từ xa.

Trước ngày địch tiến vào địa bàn tỉnh, chúng tăng viện lực lượng cho An Khê và cho biệt kích nhảy dù xuống Đồng Sim, Đồng Le, đèo Bồ Bồ thuộc khu vực các xã Tam Bình để thăm dò lực lượng ta. Ngày 10 tháng 4, quân địch từ sông Cầu và La Hai thành hai cánh theo đường số 1 và số 6 đánh ra Bình Định. Hai cánh quân này vừa đến địa phận Bình Định bị bộ đội địa phương (đại đội 100 cùng đại đội 101 thuộc tiểu đoàn 80) và du kích lợi dụng địa hình hiểm trở của núi rừng bám đánh liên tục, tiêu hao, tiêu diệt nhiều địch. Do đó mãi đến chiều ngày 11 hai cánh quân địch mới gặp nhau ở Diêu Trì (Tuy Phước).

Cạnh sườn đã có quân bảo vệ, mở sáng ngày 12 tháng 3 năm 1954, quân Pháp dùng tám tiểu đoàn nòng cốt là binh đoàn cơ động số 10 đổ bộ lên Quy Nhơn. Từ phía An Khê, bốn binh đoàn 11, 21, 100 và dù kéo ra chiếm đầu cầu Thượng An, chuẩn bị đánh xuống Bình Khê, Bình Định để nối với cánh quân từ Quy Nhơn lên. Ngày 13 tháng 3, chúng đổ bộ một bộ phận lên Phước Hải, đầm Thị Nại (Bắc Quy Nhơn), thì cũng là lúc chủ lực của Bộ nổ súng tiến công Điện Biên Phủ làm cho quân địch càng thêm bị động, lúng túng. Địch phải điều ngay binh đoàn dù từ An Khê về Hà Nội.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #44 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2012, 07:00:43 am »

Ngày 20 tháng 3, hai cánh quân Quy Nhơn và Cù Mông gặp nhau ở đoạn giữa Quy Nhơn và Diêu Trì. Ở khu vực đông - nam tỉnh, quân địch có khoảng bốn trung đoàn, 230 xe quân sự, có 5 xe tăng, bốn tiểu đoàn công binh, 48 tàu chiến và 13 máy bay… Chúng rải quân ra chiếm đóng Quy Nhơn, Lòng Sông, Trường Úc, Vân Hà, Phù Mỹ, Cầu Đôi, cầu Sông Ngang, Phước Hải và Phú Tài.

Với thế trận chiến tranh nhân dân đã bày sẵn, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Ban chỉ huy tỉnh đội, ngay từ đầu khi giặc Pháp vừa đặt chân lên đất Bình Định đã bị lực lượng vũ trang tỉnh chặn đánh quyết liệt. Chỉ trong ba ngày đầu, bộ đội địa phương tỉnh, huyện và du kích đã loại khỏi vòng chiến đấu 530 tên địch, trong đó có gần 300 tên chết vì sa hầm chông và mìn.

Tiểu đoàn 30 chủ lực của Liên khu do các đồng chí Mộng Dựt tiểu đoàn trưởng, Hồ Quý Ba chính trị viên theo kế hoạch được chuyển một bộ phận vào chiến đấu ở Quy Nhơn. Mặt trận Quy Nhơn được thành lập để thống nhất chỉ huy các lực lượng. Được tăng cường một đại đội của tiểu đoàn 30, khí thế chiến đấu của quân dân Quy Nhơn, Tuy Phước càng nâng cao. Từ ngày 28 đến 30 tháng 3, tiểu đoàn 80 (tỉnh) và du kích đã tổ chức phục kích ở cầu Sông Ngang, diệt 80 tên. Ngày 2 tháng 4, các đại đội địa phương 111, 115, 116 đã phối hợp với đại đội 1 của tiểu đoàn 30 quân khu tổ chức phục kích tại Diêu Trì, diệt và làm bị thương 250 tên. Đêm 3 tháng 4, một bộ phận đặc công do đại đội trưởng Lục Đức Đèn chỉ huy bí mật lót từ trước trong thị xã Quy Nhơn tổ chức tập kích nhà hát Trung Hoa hí viện trên đường Phan Bội Châu, nơi tập trung sĩ quan và lính lê dương, diệt 200 tên.

Những ngày đầu mới chiếm đóng, quân Pháp dựa vào hỏa lực và cơ giới hung hăng tổ chức càn quét, cướp bóc, móc nối với bọn phản động nội địa tiến hành chiêu an, gây cơ sở gián điệp, đặc biệt ráo riết móc nối với bọn phản động đội lốt cha đạo trong đạo thiên chúa ở nhà thờ Lòng Sông, Diêu Trì hòng lôi kéo giáo dân theo chúng chống lại kháng chiến. Chúng đưa tên Việt gian Tạ Chương Phùng về làm tỉnh trưởng bù nhìn, lập tề ở Quy Nhơn và Phước Hải. Chúng cho công binh sửa chữa cầu đường. Bắt hơn 300 thanh niên theo đạo Thiên chúa ở Vân Hà (Phước Hậu), Quảng Vân (Phước Thuận), Phú Tài (Phước Long) huyện Tuy Phước đi lính cho chúng.

Được sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực với những trận đánh đau vào sau lưng và bên sườn địch, thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn đông - nam tỉnh càng thêm mạnh mẽ. Dưới sự chỉ huy năng động, nhạy bén và sâu sát của Ban chỉ huy tỉnh đội, bộ đội tỉnh, huyện và du kích Quy Nhơn, Tuy Phước phát huy nhiều cách đánh phong phú, sáng tạo liên tục ngày đêm không cho chúng mở rộng diện chiếm đóng, khoét sâu mâu thuẫn giữa cơ động càn quét và lập đồn bót chiếm đóng của chúng. Du kích Phước Hậu, Phước Long áp sát cầu Đôi, Chợ Dinh thực hành bắn tỉa tiêu hao địch. Kết hợp tiến công quân sự với binh vận, ta đã kêu gọi được 20 binh sĩ mang 20 súng ra hàng. Các chiến sĩ đại đội 115, 116 làm nòng cốt cùng du kích quần đánh địch ở khu 6, Gành Ráng (Quy Nhơn) diệt hàng trăm tên. Có lần du kích Quy Nhơn lợi dụng đêm tối bò vào đặt bàn chông vào công sự địch. Sáng ra địch bước xuống công sự bị thương vì chông của du kích. Chiến sĩ du kích Nguyễn Xuân Đài phát huy sáng kiến lấy ống nước làm nòng súng, nhồi thuốc, mảnh chai và sắt vụn làm đạn ghém đã sát thương một lúc hàng chục tên địch.

Bị đánh mạnh khắp nơi lại phải rút bớt lực lượng đi đối phó ở các chiến trường khác, ngày 4 tháng 4, quân Pháp phải rút bỏ tất cả các đồn bót mới đóng ở phía đông Tuy Phước, đưa lực lượng về cố thủ thị xã Quy Nhơn.

Trong lúc bọn địch ở Quy Nhơn bị đánh mạnh phải co về phòng giữ, cánh quân địch trên đường 19 sau khi chiếm Thượng An phải dừng lại, vì binh đoàn dù bị rút đi, binh đoàn 100 mất sức chiến đấu phải lo củng cố. Khả năng nối liền đường 19 từ An Khê đi Quy Nhơn của địch không còn nữa. Hai trung đoàn 108 và 96 của ta được lệnh tiến công Thượng An, tiến tới đập nát cánh quân phía tây của địch. Bị uy hiếp mạnh, toàn bộ quân địch ở An Khê tháo chạy về Plây Cu. Dự kiến trước tình huống này, Bộ chỉ huy chiến dịch lệnh cho trung đoàn 96 do đồng chí Nguyễn Minh Châu (tức Năm Ngà) làm trung đoàn trưởng chỉ huy tổ chức phục kích trên đường 19 đoạn An Khê đi Mang Giang. Toàn bộ GM 100 và tiểu đoàn pháo 105 bị quân ta tiêu diệt. Đây là trận đánh thắng lớn nhất từ trước đến nay của chủ lực Liên khu.

Từ giữa tháng 5 năm 1954, đường chiến lược 19 hoàn toàn do ta làm chủ. Cánh quân lên Quy Nhơn bị thế trận chiến tranh nhân dân tiêu hao, tiêu diệt kìm giữ phải co về cố thủ, cánh quân trên đường 19 An Khê bị đập nát, thắng lợi to lớn của quân và dân ta đã đẩy quân địch từ chỗ hùng hổ ban đần phải lui về thế phòng ngự bị động. Quyền chủ động chiến dịch hoàn toàn nằm trong tay quân ta.

Chiến dịch Át-lăng - một con chủ bài của kế hoạch Na-va nhằm thôn tính toàn bộ vùng tự do Liên khu 5 hoàn toàn bị thất bại. Trong chiến thắng chung của toàn Liên khu, quân dân Bình Định có phần đóng góp quan trọng.

Tính từ khi quân Pháp đổ bộ lên Quy Nhơn đến 18 tháng 6 năm 1954, sau hơn 3 tháng phối hợp chiến đấu với thế trên chiến tranh nhân dân được bố trí sẵn, phát huy cách đánh sở trường của từng thứ quân, quân dân Bình Định đã loại khỏi vòng chiến đấu 2.673 tên địch, trong đó có 1.400 tên bị diệt, hơn một nghìn tên khác bị bắt thương, 30 tên ra hàng, 51 tên bị bắt làm tù binh. Ta thu 45 súng các loại, có 25 súng máy, đánh hỏng sáu xe quân sự, có 2 xe tăng. Thắng lợi của quân dân Bình Định không chỉ có tiêu hao, tiêu diệt địch, buộc chúng phải rút bỏ các vị trí chiếm đóng ở đông Tuy Phước về cố thủ Quy Nhơn, phá tan âm mưu nhanh chóng chiếm phía nam tỉnh mà còn bảo vệ được tính mạng, tài sản của nhân dân ở các vùng có chiến sự. Khi địch đánh rộng ra Tuy Phước, ta đã kịp thời huy động lực lượng lấy các tổ hỗ trợ sản xuất làm nòng cốt tranh thủ đêm tối gặt hơn 2.700 mẫu ruộng lúa chín ở nam Tuy Phước và di chuyển được 1.800 tấn lúa ra vùng an toàn, không rơi vào tay địch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #45 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2012, 07:01:44 am »

Về chiến đấu, tuy lực lượng chủ lực của Liên khu tăng cường chỉ có một đại đội của tiểu đoàn 30 nhưng lực lượng vũ trang tỉnh gồm tiểu đoàn 80, 3 đại đội địa phương và dân quân du kích, thực hiện việc phối hợp chặt chẽ giữa ba thứ quân, giữa các lực lượng trên nền của cuộc chiến tranh toàn dân đã phát huy tác dụng và hiệu quả tiêu hao, tiêu diệt địch to lớn. Các lực lượng đã vận dụng cách đánh du kích nhỏ lẻ, sử dụng triệt để các loại vũ khí thô sơ, mìn, hầm chông, cạm bẫy đến quấy rối, tập kích, phục kích, vận động tiến công và cách đánh đặc công làm cho quân địch tuy đông hơn ta gấp 10 lần, chiếm ưu thế tuyệt đối về hỏa lực, phi pháo và cơ động mà phải về cố thủ.

Thắng lợi trong đông - xuân 1953-1954 của Đảng bộ và quân dân Bình Định còn là dồn sức ở mức cao nhất cho chiến trường Tây Nguyên đánh to thắng lớn. Trong sáu tháng đầu năm 1954, Bình Định đã huy động hơn 200 nghìn dân công trong bảy đợt, trong đó có hơn mười nghìn là nữ. Không chỉ có nữ thanh niên mà các mẹ, các chị cũng hăng hái lên đường tham gia vận chuyển lương thực, đạn dược… phục vụ chiến dịch. Riêng huyện Hoài Nhơn đã có 22 nghìn lượt người đi dân công tiếp vận, trong đó phụ nữ chiếm 30%. Các đội dân công hỏa tuyến Hoài Nhơn, Phù Mỹ phục vụ chiến trường ba tháng liền. Hết hạn xung phong phục vụ thêm một tháng nữa, được Ban dân công Mặt trận tuyên dương khen thưởng. Chị Thành ở Phù Cát với thành tích xuất sắc trong phục vụ chiến dịch được bầu là chiến sĩ thi đua dân công tiếp vận toàn Liên khu.

Nhân dân Bình Định còn đóng góp hàng chục ngàn tấn thóc, gạo và thực phẩm, chiếm 80% tổng số huy động lương thực toàn Liên khu. Tỉnh còn động viên hàng chục ngàn thanh niên khỏe mạnh bổ sung cho chủ lực, bộ đội tỉnh, huyện và các đơn vị thanh niên xung phong của tỉnh và Liên khu.

Trong khi ở phía nam tỉnh, quân dân Bình Định đang tiếp tục thi đua giết giặc lập công, bao vây giam chân địch trong thị xã Quy Nhơn và ở các vùng hậu phương, nhân dân đang đẩy mạnh công tác bố phòng, tăng gia sản xuất, phục vụ tiền tuyến tiếp tục đánh to thắng lớn thì ngày 7 tháng 5 năm 1954, quân ta mở cuộc đại tiến công vào khu trung tâm Mường Thanh, bắt sống tướng Đờ-cát-tri, kết thúc toàn thắng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã thắng lợi rực rỡ. Kế hoạch Na-va - trong đó cuộc hành quân Át-lăng là một bộ phận quan trọng do thực dân Pháp và can thiệp Mỹ thiết kế nhằm xoay chuyển tình thế chuyển bại thành thắng trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương đã hoàn toàn phá sản. Thắng lợi vĩ đại này diễn ra trong lúc Hội nghị Giơ-ne-vơ đang họp như một nhát búa tạ đánh vào đầu bọn cuồng chiến đế quốc ở bàn hội nghị và cả trong nước. Thắng lợi trên chiến trường quyết định thắng lợi trên bàn hội nghị. Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được kí kết chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ở ba nước Đông Dương.

Tin thắng trận ở Điện Biên Phủ, tiếp theo là tin Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết truyền về làm nức lòng quân dân toàn tỉnh.

Sau chín năm kháng chiến cực kì gian khổ và anh dũng, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Bình Định cùng với nhân dân các tỉnh miền Nam Trung Bộ và cả nước được sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân tiến bộ trên thế giới, đã đánh thắng thực dân phản động Pháp và can thiệp Mỹ, giành độc lập tự do cho một nửa nước, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhưng miền Nam trong đó có Bình Định đang còn nằm trong sự thống trị của đế quốc.

Cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc thắng lợi, nhưng kẻ thù của dân tộc vẫn còn đó. Trong Hội nghị Trung ương lần thứ sáu mở rộng (15-7-1954) Bác Hồ chỉ rõ: “Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, âm mưu và kế hoạch của Mỹ cũng thay đổi… Để hất cẳng Pháp, chiếm ba nước Việt Nam, Cam-pu-chia, Lào; Mỹ không những là kẻ thù của nhân dân thế giới, mà Mỹ đang biến thành một kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt Nam, Cam-pu-chia, Lào”(1).

Trước khi Hiệp định được kí kết, Bác đã tiên đoán Mỹ sẽ hất cẳng Pháp tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược đối với nước ta. Và lời nói tiên đoán của Bác đã trở thành hiện thực.

Thắng lợi tuy lớn nhưng chưa trọn vẹn, với những kinh nghiệm của chín năm đánh Pháp, với những thành quả mà cách mạng đã đem lại, nhân dân Bình Định quyết cùng nhân dân miền Nam và cả nước dù gian khổ đến mấy, hi sinh ác liệt đến đâu cũng quyết đưa cuộc chiến tranh giải phóng đến toàn thắng.

Lịch sử đã sang trang, một giai đoạn cách mạng mới đã bắt đầu.


(1) Báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu mở rộng, ngày 15 tháng 7 năm 1954.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #46 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2012, 07:02:50 am »

Chương IV

ĐẤU TRANH ĐÒI THI HÀNH HIỆP ĐỊNH GIƠ-NE-VƠ
TIẾN TỚI VŨ TRANG KHỞI NGHĨA - TIẾN CÔNG ĐỊCH Ở ĐỒNG BẰNG
(1954-1960)

1 - KẺ THÙ MỚI - NHIỆM VỤ CÁCH MẠNG MỚI:

Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp, mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt Nam. Đế quốc Pháp buộc phải kí Hiệp định Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình ở Đông Dương, thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào, rút hết quân đội Pháp về nước. Mỗi nước Đông Dương sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do để thực hiện thống nhất đất nước.

Đế quốc Mỹ ngoan cố không chịu kí vào bản tuyên bố chung của hội nghị, nhưng cuối cùng cũng phải tuyên bố riêng cam kết tôn trọng Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương.

Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam quy định lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời để lực lượng hai bên tập kết. Quân đội nhân dân Việt Nam tập kết ở phía bắc. Quân đội liên hiệp Pháp ở phía nam. Giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời, không có giá trị là ranh giới chính trị hay lãnh thổ. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, miền Nam tạm thời đặt dưới sự quản lí của đối phương.

Ngày 1 tháng 8 năm 1954, lệnh ngừng bắn có hiệu lực trên toàn miền Nam Trung Bộ. Tỉnh Bình Định từ đèo Cù Mông đến bờ nam sông Lại Giang là khu vực tập kết 200 ngày. Quy Nhơn là hải cảng để bộ đội tập kết xuống tàu ra Bắc.

Những điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ được phổ biến đến cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh. Phấn khởi trước thắng lợi của kháng chiến, sau chín năm gian khổ nay chiến tranh đã chấm dứt, hòa bình được lập lại, nhưng mọi người không khỏi có những băn khoăn, day dứt vì miền Nam, trong đó có Bình Định đang còn nằm trong sự kiềm tỏa của đối phương. Tuy hiệp định quy định vĩ tuyến 17 chỉ là giới tuyến quân sự tạm thời và sau hai năm phải tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất nước nhà, nhưng với bản chất phản động, ngoan cố và hiếu chiến chắc gì bọn địch đã nghiêm chỉnh thi hành hiệp định? Huống chi, đế quốc Mỹ - kẻ thù mới của dân tộc - từ lâu đã âm mưu từng bước thay chân Pháp ở Việt Nam, cả Lào và Cam-pu-chia, mà biểu hiện rõ rệt là Đa-lét, đại diện Mỹ ở Hội nghị Giơ-ne-vơ không dự phiên cuối cùng của hội nghị vì Mỹ chống lại quyết liệt việc tiến hành tuyển cử tự do có giám sát để chọn một chính phủ duy nhất cho toàn Việt Nam. Theo Mỹ, nếu cuộc tổng tuyển cử đó xảy ra thì không có điều gì nghi ngờ là Cụ Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ thành lập một chính phủ Cộng sản thống nhất cho cả Việt Nam(1). Bắt đầu quá trình đó, Mỹ đã thành công trong việc cử Ngô Đình Diệm làm thủ tướng dưới quyền của Bảo Đại. Tiếp đó tháng 9 năm 1954, Mỹ đã lôi kéo Anh, Pháp và một số nước chư hầu lập khối Đông Nam Á, đặt ba nước Việt Nam, Cam-pu-chia, Lào vào khu vực bảo hộ của khối đó.

Tình hình trên khiến Đảng bộ và quân dân Bình Định vừa mừng, vừa lo. Mừng vì Pháp đã thua, đã chịu rút quân, nhưng lo vì âm mưu mới của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, còn lo vi bộ đội phải tập kết ra Bắc, nếu kẻ thù tráo trở, lật lọng thì nhân dân chỉ có hai bàn tay trắng đối phó với chúng.

Suốt trong chín năm chống Pháp, Bình Định là một trong những tỉnh tự do của Liên khu 5, Đảng bộ công khai lãnh đạo kháng chiến, các tổ chức cách mạng đều bộc lộ, đã thực hiện một phần chính sách ruộng đất như giảm tô, giảm tức, chia công điền, tạm cấp ruộng đất vắng chủ v.v. Cuộc đấu tranh giai cấp giữa địa chủ và nông dân, đấu tranh giam giữ và cải tạo bọn phản động chính trị, bọn tội phạm hình sự đã diễn ra gay gắt. Ở miền núi đã thực hiện một số cải cách dân chủ… Nay cả tỉnh giao cho địch quản lí, quân đội rút đi, chính quyền không còn, Đảng bộ rút vào hoạt động bí mật, địch sẽ thiết lập sự thống trị phục thù giai cấp với tất cả những phần tử phản động, bọn địa chủ, bọn tội phạm hình sự, lưu manh, côn đồ để trả thù kháng chiến, trả thù cách mạng.

Đặc điểm của giai đoạn cách mạng mới là từ đấu tranh vũ trang, nhân dân trong tỉnh chuyển sang đấu tranh chính trị đòi đối phương phải thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ rong thế tương quan lực lượng tại chỗ nghiêng về phía địch. Tuy vậy, nhân dân Bình Định, với truyền thống yêu nước, có tinh thần thượng võ và quật khởi, qua kháng chiến chống Pháp, được Đảng đem lại những quyền lợi thiết thực, trình độ giác ngộ về dân tộc được củng cố vững chắc, đặc biệt là lòng tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Bác Hồ, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và Ban chấp hành Trung ương Đảng, khó khăn tuy rất lớn, nhưng không phải không có những yếu tố cơ bản để đấu tranh với Mỹ - Diệm.


(1) Theo Giô-dép Am-tơ trong LỜI PHÁN QUYẾT VỀ VIỆT NAM, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985, trang 42.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #47 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2012, 07:03:28 am »

Là khu vực tập kết 300 ngày nên Bình Định có điều kiện thuận lợi hơn một số nơi về thời gian để tiến hành chuẩn bị các mặt cho công việc đấu tranh mới.

Chấp hành nghiêm chỉnh hiệp định về ngừng bắn và chuyển quân tập kết, các lực lượng vũ trang trong tỉnh và Liên khu sắp xếp lại lực lượng, chuyển quân về đồng bằng học tập, củng cố. Sau tháng 8 năm 1954, các đơn vị vũ trang tỉnh, huyện và một số du kích được điều về tổ chức thành sư đoàn chủ lực của Liên khu. Riêng bộ đội địa phương miền núi sáp nhập với các đơn vị ở Tây nguyên tổ chức thành trung đoàn 120 độc lập.

Sau khi ổn định biên chế mới, một bộ phận được tổ chức thành những phân đội sẵn sàng chiến đấu, phái đến hoạt động ở một số vùng xung yếu, vừa tuyên truyền, hướng dẫn chủ trương, chính sách mới của Đảng cho nhân dân, vừa khống chế ngăn chặn bọn phản động, côn đồ ngóc đầu dậy gây rối, giữ gìn an ninh trật tự và giữ thế với địch cho đến phút chót.

Qua học tập Nghị quyết Bộ Chính trị, lời kêu gọi của Bác Hồ về tình hình, nhiệm vụ mới, cán bộ, chiến sĩ đã thông suốt về nhiệm vụ chuyển quan ra Bắc xây dựng quân đội mạnh, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh giải phóng của đồng bào miền Nam và góp phần xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Số cán bộ, chiến sĩ được phân công ở lại cùng nhân dân đấu tranh dưới sự lãnh đạo của cấp ủy được tổ chức thành từng tổ để bảo vệ cơ quan, cán bộ. Một số ở lại dưới dạng giải ngũ, chuyển vùng, bố trí vào các ngành nghề sống hợp pháp hoạt động ở những vùng xung yếu. Một số vũ khí, đạn dược được chôn giấu để sau này sử dụng. Số các đồng chí ở lại bám giữ phong trào là hạt nhân nòng cốt xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng các đơn vị vũ trang đầu tiên tại chỗ và trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Một số đồng chí đảm nhận trọng trách trong các ngành của Đảng.

Ngày 20 tháng 9 năm 1954, Bộ tư lệnh Liên khu tổ chức lễ mừng chiến thắng và biểu dương lực lượng tại Hòa Hội, Phù Cát có hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tham dự với hàng trăm xe, pháo và vũ khí chiến lợi phẩm thu được trong kháng chiến chống Pháp. Đây là cuộc mừng công thắng Pháp và là cuộc biểu dương lực lượng lớn nhất của quân dân Liên khu và các tỉnh suốt trong chín năm đánh Pháp. Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh còn tổ chức các cuộc mít tinh mừng chiến thắng, gây niềm tin trong nhân dân trước cuộc đấu tranh với kẻ thù mới.

Chấp hành Nghị quyết sáu của Trung ương và Nghị quyết 7 năm 1954 của Liên khu ủy, Tỉnh ủy Bình Định tập trung lãnh đạo hai công tác trước mắt là hoàn thành tốt việc chuyển quân tập kết theo thời hạn 300 ngày và chuẩn bị mọi mặt về tư tưởng và tổ chức cho Đảng bộ và nhân dân để nhanh chóng chuyển sang đấu tranh chính trị đòi địch thi hành hiệp định và giữ gìn lực lượng, giữ gìn phong trào, đưa cách mạng tiến lên.

Trước khi chuyển quân ra Bắc, hưởng ứng “chiến dịch dân vận” của Bộ tư lệnh Liên khu phát động cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang tích cực tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng đồng thời bỏ ra hàng vạn ngày công và 50 tấn lúa để đắp lại con đê ngăn nước mặn ở Tuy Phước dài 35 ki-lô-mét do giặc Pháp phá hoại trong cuộc hành quân Át-lăng, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Quy Nhơn, đem hài cốt chiến sĩ hi sinh ở các mặt trận tụ tập lại để khỏi thất lạc, tỏ lòng biết ơn với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc… Những việc làm đầy tình nghĩa này đã để lại ấn tượng sâu sắc, không thể phai mờ về anh bộ đội Cụ Hồ, về Quân đội nhân dân Việt Nam trong lòng người dân Bình Định.

Đồng chí Nguyễn Minh Vỹ được Liên khu ủy và Bộ Tư lệnh Liên khu 5 chỉ định phụ trách chỉ huy khu vực tập kết 300 ngày. Cuộc chuyển quân tập kết được tổ chức chặt chẽ đúng kế hoạch thời gian. Tháng 10 năm 1954, các đơn vị trong khu vực 80 ngày (bắc sông Trà Khúc) rút quân xuống tàu. Tháng 11 năm 1954, quân ta rút khỏi khu vực 100 ngày (bắc sông Vệ). Tháng 3 năm 1955, các lực lượng trong khu vực 200 ngày (bắc sông Lại Giang) bắt đầu rời cảng. Ngày 16 tháng 5 năm 1955, trung đoàn chủ lực 803 đơn vị cuối cùng rút khỏi Quy Nhơn. Việc chuyển quân được tiến hành tốt nhờ có các tàu thủy của Liên Xô và Ba Lan giúp đỡ.

Những buổi tiễn đưa đầy lưu luyến, xúc động đã diễn ra trong suốt các đợt ở bến cảng giữa những người ở lại và những người ra đi. Dù hiểu rằng kẻ thù không dễ dàng gì chấp nhận sau hai năm có tổng tuyển cử nhưng ai cũng mong hai năm sau người thân sẽ trở về và đoàn tụ. Trong những lời gửi gắm, dặn dò, nhân dân Bình Định ai cũng muốn gửi lòng mình ra Bắc thưa với Bác Hồ và hứa với Bác dù có hi sinh gian khó đến đâu cũng tiếp tục cuộc đấu tranh cho đến thắng lợi.

Người ra đi quyết học tập, xây dựng quân đội lớn mạnh và sẽ trở về tham gia giải phóng quê hương. Lòng tin của những người ở lại được củng cố và xác định.

Cuộc chuyển quân được Tổng Quân ủy đánh giá tốt “đã động viên tích cực cán bộ, chiến sĩ đề cao cảnh giác, công tác chuẩn bị và lãnh đạo tư tưởng bộ đội chu đáo, kế hoạch tỉ mỉ, đầy đủ, bộ đội tích cực giúp đỡ nhân dân…”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #48 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2012, 07:05:50 am »



Mít tinh mừng chiến thắng tại sân bay Phù Cát – Bình Định, tháng 8-1954



Nhân dân Quy Nhơn lưu luyến tiễn đưa cán bộ, bộ đội tập kết ra Bắc



Chủ tịch Ủy ban hành chánh Quy Nhơn, Phan Ảnh bắt tay trung tướng Magella (Canada)
trong Ủy ban Quốc tế giám sát đình chiến tại Việt Nam



Bộ đội xuống tàu tại cảng Quy Nhơn chuyển quân tập kết (10-1954)
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #49 vào lúc: 27 Tháng Năm, 2012, 07:07:09 am »

*   *
*

Với âm mưu nhanh chóng hất cẳng Pháp, độc chiếm quyền thống trị ở miền Nam, đàn áp phong trào cách mạng và áp đặt chủ nghĩa thực dân mới, phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành pháo đài của Mỹ ở Đông Nam Á, tháng 11 năm 1959, Mỹ cử tướng Cô-lin sang làm đại sứ Mỹ ở Nam Việt Nam.

Trước sức ép của Mỹ, ngày 2 tháng 12 năm 1954, Pháp phải chấp nhận kí một hiệp định với Mỹ về việc rút quân Pháp ra khỏi miền Nam và thỏa thuận một kế hoạch tổ chức quân ngụy theo phương hướng của Mỹ. Mỹ hứa viện trợ cho Diệm 300 triệu đô-la trong năm 1955. Đế quốc Mỹ trực tiếp can thiệp sâu vào miền Nam nước ta như thế là đã rõ.

Tháng 3 năm 1955, trước những chuyển biến mới của tình hình địch, Ban chấp hanh Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ bảy xác định: “Kẻ thù cụ thể trước mắt của toàn dân ta hiện nay là đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phản hiệp định và bọn Ngô Đình Diệm. Đế quốc Mỹ là kẻ thù đầu sỏ và nguy hại nhất”. “Tính chất cuộc đấu tranh của hòa bình, thống nhất độc lập, dân chủ của ta là lâu dài gian khổ, phức tạp nhưng nhất định thắng lợi”(1).

Hội nghị đề ra nhiệm vụ cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là: Đấu tranh đòi thi hành hiệp định, củng cố miền Bắc về mọi mặt, giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam, v.v…

Quán triệt Nghị quyết Trung ương lần thứ bảy và trước yêu của tình hình nhiệm vụ mới, Tỉnh ủy tổ chức hàng chục cuộc mít tinh ở các huyện và triển khai đợt học tập về tình hình nhiệm vụ, nhằm làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững tính chắt cuộc đấu tranh trong giai đoạn cách mạng mới đối với kẻ thù Mỹ - Diệm. Các đoàn thể quần chúng được giải thể. Các tổ chức quần chúng biến tướng như hội vần công, đổi công, hội đá bóng, hội đình, hội chùa, hội săn bắn… được thành lập. Việc chuẩn bị cho cán bộ đảng viên ở lại lãnh đạo quần chúng đấu tranh được Tỉnh ủy chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ theo nguyên tắc bảo đảm bí mật. Số đồng chí được phân công cùng với những đồng chí tự nguyện ở lại được giao phụ trách từng vùng trong huyện chỉ Bí thư Huyện ủy biết, trong tỉnh chỉ Bí thư Tỉnh ủy biết, liên lạc bằng hộp thư bí mật.

Ngày 10 và 11 tháng 5 năm 1965, Tỉnh ủy Bình Định triệu tập cuộc hội nghị cuối cùng trước khi địch tiếp quản tại thôn Tân Hóa xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, dưới sự chủ trì của đồng chí Hồng Châu, Bí thư Tỉnh ủy để quán triệt phương châm và phương pháp đấu tranh trong giai đoạn cách mạng mới, đồng chí triển khai việc chuyển hướng tổ chức Đảng vào hoạt động bí mật.

Về hình thức đấu tranh, hội nghị xác định: Phải tổ chức quần chúng đấu tranh hợp háp, nửa hợp pháp và bất hợp pháp, có lí, có lợi, có chừng, từng bước đưa phong trào tiến lên. Về phương châm công tác, phải khéo léo kết hợp công tác nửa hợp pháp và không hợp pháp, khéo che dấu lực lượng. Tranh thủ và bám sát quần chúng, bảo tồn lực lượng, bảo tồn cơ sở, tích trữ lực lượng hoạt động lâu dài. Về sách lược đấu tranh, tập trung mũi nhọn vào kẻ thù trước mắt, cô lập, phân hóa cao độ Mỹ - Diệm, đoàn kết bất cứ ai có thể đoàn kết được, bám vào quần chúng cơ bản.

Hội nghị quyết định tổ chức lại hệ thống Đảng gọn nhẹ, bí mật, thành lập các chi bộ chuyển hướng, chỉ định các Huyện ủy và cán bộ phụ trách.

Đối với các huyện miền núi, hội nghị chủ trương: Tập trung xây dựng cơ sở, nhất là đào tạo cán bộ địa phương. Nắm chắc các tầng lớp quần chúng cơ bản, đồng thời tranh thủ, đoàn kết với tầng lớp trên, tập hợp mọi lực lượng chống Mỹ - Diệm.

Tỉnh ủy chọn vùng từ Hà Nho (Vĩnh Hòa) đến Ruộng Nước (Vĩnh Hiệp) huyện Vĩnh Thạnh làm khu căn cứ của tỉnh, xác định khu căn cứ của các huyện đồng bằng, dự trữ lương thực, thuốc men và những nhu cầu thiết yếu của cán bộ ở lại hoạt động. Các huyện miền núi có điều kiện phải trì hoãn bằng mọi cách việc địch lập chính quyền thôn xã.

Tỉnh ủy bí mật gồm 11 đồng chí do đồng chí Hồng Châu làm Bí thư. Sau cuộc họp này, mọi công tác đều được tiến hành bí mật theo đường dây liên lạc riêng giữa các đầu mối.

Tiếp theo Tỉnh ủy họp ở xã An Toàn huyện An Lão học tập Nghị quyết lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô và nghe phổ biến một số chủ trương của Khu ủy do đồng chí Lê Vụ, Liên khu ủy viên hướng dẫn, nhằm hướng cho Tỉnh ủy lãnh đạo đấu tranh chính trị mà ngăn ngừa tư tưởng đấu tranh vũ trang.


(1) CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC 1954-1975 - Những sự kiện quân sự - Nhà xuất bản QĐND, Hà Nội, 1980, trang 17.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM