Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:46:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bình Định - Lịch sử chiến tranh nhân dân 30 năm (1945-1975)  (Đọc 110199 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 12 Tháng Năm, 2012, 10:07:14 am »



Bình Định - Lịch sử chiến tranh nhân dân 30 năm (1945-1975)
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định
Năm xuất bản: 1992
Số hóa: macbupda

Chỉ đạo nội dung:
THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY
ĐẢNG BỘ, BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Người viết:
Trung tá NGUYỄN HOÀI AN

Hoàn chỉnh bản thảo
Đại tá VÕ PHI HỒNG
Thiếu tá HOÀNG HỮU KHÓA

Sưu tầm và xác minh tư liệu:
BAN TỔNG KẾT LỊCH SỬ QUÂN SỰ BỈNH ĐỊNH

MONG BẠN ĐỌC GÓP Ý KIẾN PHÊ BÌNH



Tượng đài chiến thắng Quy Nhơn
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Tám, 2020, 11:37:51 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2012, 10:08:38 am »

LỜI NÓI ĐẦU

Bình Định là một trong những tỉnh đất rộng, người đông ở Trung Trung bộ - Việt Nam; nơi có giá trị chiến lược quan trọng cả về kinh tế và quốc phòng trong chiến tranh giải phóng cũng như chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh với thiên nhiên để tồn tại phát triển, nhân dân các dân tộc ở Bình Định đã hun đúc nên tinh thần thượng võ, ý chí quật cường và lòng quả cảm; liên tục vùng lên chống lại áp bức bất công của các tập đoàn phong kiến trong nước và giặc ngoại xâm.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo cách mạng Việt Nam; Đảng bộ Bình Định được thành lập đã nhanh chóng phát triển tổ chức, lãnh đạo nhân dân trong tỉnh vùng lên tiến hành đấu tranh cách mạng, cùng nhân dân cả nước làm cuộc cách mạng Tháng Tám thành công.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đảng bộ Bình Định nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng của Đảng, dựa vào dân tổ chức lãnh đạo nhân dân trong tỉnh phát huy truyền thống quật khởi, tự lực, tự cường, bền bỉ tiến hành Cuộc chiến tranh nhân dân ở địa phương, góp phần cùng nhân dân cả nước đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng đến thắng lợi mùa xuân 1975 lịch sử - mở ra một thời kì mới của cách mạng Việt Nam - thời kì cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Để ghi lại chặng đường lịch sử đã qua, Đảng ủy - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức biên soạn cuốn “Bình Định - Lịch sử chiến tranh nhân dân 30 năm” nhằm phản ánh cuộc chiến tranh giải phóng mà Đảng bộ đã tổ chức lãnh đạo nhân dân trong tỉnh tiến hành lâu dài, đầy hi sinh gian khổ nhưng cũng đầy thắng lợi vẻ vang, xứng đáng với truyền thống quê hương người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Nhân dịp này, chúng tôi chân thành cảm ơn Bộ Tư lệnh Quân khu V, các đồng chí lãnh đạo Khu ủy V, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, chỉ huy qua các thời kì, các đồng chí Bộ chỉ huy sư đoàn 3, phòng lịch sử Quân khu V đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu để cuốn sách được ra mắt bạn đọc. Tuy người viết có nhiều cố gắng nhưng không sao tránh khỏi nhưng thiếu sót, mong các đồng chí và bạn đọc chân thành góp ý để cuốn sách đạt chất lượng cao hơn.


Ủy viên Trung ương Đảng
Bí Thư Tỉnh Ủy



NGUYỄN TRUNG TÍN
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2012, 10:11:15 am »

Chương mở đầu

BÌNH ĐỊNH - VÙNG ĐẤT THƯỢNG VÕ
MANG TRUYỀN THỐNG QUẬT KHỞI

I - ĐỊA LÍ TỰ NHIÊN - ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI(1):

Tỉnh Bình Định nằm vào khoảng giữa Trung Bộ - Việt Nam, ở 13o03’ đến 14o42’ vĩ bắc; 108o36’ đến 109o22’ kinh đông. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi; phía Nam giáp tỉnh Gia Lai; phía Đông giáp biển Đông; cách Hà Nội 1065km, cách thành phố Hồ Chí Minh 649km.

Từ xa xưa, Bình Định là một vùng đất hoang sơ, nơi cư trú của các bộ tộc bản địa. Cộng đồng các dân tộc trên là những người khai sơn phá thạch, đấu tranh với thiên nhiên xây dựng nên vùng đất náy. Người Chăm với sự lãnh đạo của các lãnh tụ của mình đã xây dựng vùng đất này thành một quê hương trù phú và một nền văn hóa rực rỡ với những quần thể tháp đôi, tháp ba, những thành quách kì vĩ mãi với thời gian.

Về sau, qua những biến thiên của lịch sử, người Kinh từ miền Bắc lần lượt tiến vào phương Nam đứng lại mảnh đất trù phú này, góp phần cùng các dân tộc bản địa anh em từng bước xây dựng thành những xóm làng sầm uất, phồn thịnh.

Phủ Quy Nhơn từng là căn cứ địa của phong trào Tây Sơn. Đến năm 1773, sau khi đánh tan tập đoàn chúa Nguyễn Đàng trong, các lãnh tụ Tây Sơn cho sửa lại thành Chà Bàn(2) để cơ quan Trung ương đóng và gọi là thành Hoàng Đế. Như vậy dưới triều Tây Sơn, vùng đất này đã từng là kinh đô của cả nước. Sau khi Nguyễn Huệ mất, Nguyễn Ánh dựa vào thực dân Pháp đánh chiếm Quy Nhơn (1802), đổi thành Bình Định dinh, đến năm 1806 đổi Bình Định dinh thành Bình Định trấn. Năm 1826, Minh Mạng đổi thành phủ Quy Nhơn. Đến năm 1832, chia đặt các tỉnh, đổi lại thành tỉnh Binh Định. Năm 1853, đổi Phú Yên làm đạo, gộp vào tỉnh Bình Định; đến năm 1864 lại đặt riêng đạo Phú Yên như cũ. Và, từ đó về sau vùng đất này mang tên Bình Định.



Di tích thành Bình Định (Cửa Đông)

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 10 năm 1975, hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi hợp nhất và gọi là tỉnh Nghĩa Bình. Cuối tháng 6 năm 1989 lại tách ra và mang tên riêng như cũ. Tỉnh Bình Định có 11 huyện và thành phố, gồm: An Lão, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh và thành phố Quy Nhơn; trong đó có 3 huyện miền núi (Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão). Tỉnh lị đóng ở thành phố Quy Nhơn.


(1) Phần này có sử dụng một số tư liệu quyển Nước non Bình Định của Quách Tấn.
(2) Xưa là kinh đô của người Chiêm Thành, còn gọi là thành Đồ Bàn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2012, 10:11:51 am »

Tỉnh Bình Định là một trong những tỉnh lớn và trù phú ở Trung bộ - Việt Nam, với diện tích 4047,2 ki lô mét vuông, chiều dài 110km, chiều ngang 55km.

Dãy Trường Sơn chạy từ Bắc vào Nam, đến địa phận Bình Định hình thành một vòng cung lớn, ôm cả ba mặt Bắc, Tây, Nam với những vùng rừng núi bạt ngàn. Có nhiều dãy núi nhô ra sát tận biển, như:

- Ở phía Bắc tỉnh có dãy núi Đá Lửa, núi Lo, núi Ông O nối liền nhau, doi ra sát biển ở vùng Trường Xuân.

- Phía Nam Bồng Sơn có núi Lại Khánh, núi Đầu Trường nối liền với núi Cây Diếp đến làng Hà Ra, Phú Thứ, Lộ Diêu.

- Ở địa phận huyện Phù Mỹ (cách thị trấn Phù Mỹ 7km về phía bắc) có nùi Gò Chai, Chó Vung, Cột Cờ nồi liền với Núi Lớn, núi Ông Táo giáp tận đầm vịnh Nước Ngọt ở làng Xuân Bình.

- Phía Nam tỉnh có dãy núi Đồng Song kéo dài đến sát biển vùng phía nam Bãi Xếp.

Địa hình Bình Định phân bố thành ba vùng rõ rệt: đồng bằng ven biển, trung du và rừng núi mà những tên làng, tên núi, tên sông… đã gắn liền với những cuộc khởi nghĩa tiếng tăm vang dội của cha ông và những chiến công oanh liệt của quân dân Bình Định trong suốt ba mươi năm chiến tranh giữ nước và giải phóng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Rừng núi trong tỉnh có diệt tích 208,065 héc ta, địa thế hiểm trở, nổi liền với rừng núi Gia Lai ở phía tây, Ba Tơ - Quảng Ngãi ở phía bắc và Phú Yên ở phía nam, hình thành vùng căn cứ địa kháng chiến liên hoàn giữa các tỉnh, là chỗ đứng chân của nghĩa quân suốt trong các giai đoạn lịch sử.

Trong hệ núi rừng ở tỉnh nổi lên ngọn núi Bà ở Phù Cát cao 1.100 mét là ngọn núi cao nhất tỉnh. Núi Bà Phù Cát đã đi vào lịch sử kháng chiến chống Mỹ của quân dân Bình Định với những chiến công oanh liệt. Ở phía nam tỉnh, cao nhất là ngọn núi Ông còn gọi là núi Dương An ở Vân Canh cao 1.000 mét. Bên cạnh núi Ông có núi Bà Cương hay Bà Phong, nhân dân địa phương cũng gọi là núi Bà (chú ý phân biệt với núi Bà Phù Cát). Núi Bà Cương là ngọn núi cao nhất ở phía bắc hệ Nam Sơn nhưng so với núi Ông thì chỉ mới “tới cổ”. Do đó trong dân gian có câu:

Hòn Ông đứng với hòn Bà
Chồng cao vợ thấp thật là xứng đôi

Ngoài ra trong tỉnh còn có các ngọn núi khác: Núi Kim Sơn ở Hoài Ân cao 800 mét, núi Gò Mít và Hòn Cau ở Hoài Nhơn cao xấp xỉ 650 mét, núi Chóp Chài ở Phù Mỹ cao 650 mét, v.v… Khắp trong địa bàn tỉnh, xen kẽ các vùng đồng bằng, rải rác nổi lên những núi đồi, gò nổng có rừng rậm hoặc rừng chồi bình độ từ năm mươi đến bốm, năm trăm mét là những địa hình có giá trị trị lớn trong việc vận dụng chiến thuật tác chiến du kích cũng như tác chiến tập trung.

Núi rừng Bình Định có nhiều loại gỗ quý như ké, kiền kiền, trắc, lim, giáng hương, bằng lăng, căm xe, chò… Ngoài ra còn có cây dầu rái, mây, tre, gió, nhiều loại cây làm thuốc như sa nhân, thạch xương bồ, hà thủ ô… và nhiều loại thứ quý.

Bình Định có nhiều sông suối nằm theo chiều đông tây nên thường không dài. Lòng sông nhiều khúc bị cát bồi, màu nắng nước cạn, mùa mưa ghe thuyền mới đi lại được, nhưng nước chảy xiết. Trong tinh có hai con sông lớn là sông Kôn và sông Lại Giang.

Sông Kôn dài 150 ki lô mét, bắt nguồn từ suối Say tỉnh Gia Lai, chảy qua các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước và đổ ra đầm Thị Nai. Sông Kôn có một phụ lưu lớn là sông Đà Hàng dài khoảng 10 ki lô mét bắt nguồn từ núi Bà và suối Đồng Le hợp thành, chảy ra phía tây Phú Phong. Từ Phú Phong trở xuống, lòng sông Kôn được mở rộng, có độ sâu khá, thuyền bè đi lại dễ dàng.

Sông lớn thứ hai ở Bình Định là sông Lại Giang gồm hai phụ lưu lớn bắt nguồn từ An Lão và Kim Sơn hợp lại mà thành. Nguồn Kim Sơn và nguồn An Lão gặp nhau ở cuối thôn Phú Văn hợp thành sông Lại xuôi dòng hướng đông bắc đổ ra cửa An Dũ.

Dòng chảy của sông Kôn và sông Lại có những đặc điểm trái ngược nhau. Sông Kôn mùa mưa nước mới khỏa tràn bờ, nhưng sông Lại mùa nắc nước vẫy đầy ắp. Do đó, nhân dân Bình Định có câu:

Nước Lại Giang mênh mông mùa nắng
Dòng sông Kôn lai láng mùa mưa

Nắm vững đặc điểm đó, lực lượng vũ trang trong tỉnh vừa phát huy tác dụng vừa khắc phục trở ngại của hai dòng sông trong hoạt động tác chiến.

Ngoài ra, Bình Định có bốn con sông nhỏ với nhiều nhánh, suối là sông An Tương ở An Nhơn, sông Hà Thanh ở Tuy Phước, sông La Tinh ở Phù Cát, sông Tam Quan ở Hoài Nhơn.

Những con sông nhỏ trong tỉnh là nguồn nước quan trọng cho nền nông nghiệp địa phương phát triển, đồng thời cũng gây nhiều khó khăn trong việc cơ động lực lượng vũ trang trong hành quân tác chiến, nhất là cơ giới.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2012, 10:12:22 am »

Bờ biển Bình Định dài khoảng 134 ki-lô-mét chạy từ cửa Tam Quan vào đến chân đèo Cù Mông, khi dốc, khi bằng, có chỗ lõm vào thành vũng, thành cửa, có chỗ lồi ra thành mũi, thành ghềnh. Bờ biển Bình Định có nhiều cửa lớn nhỏ như các cửa Tam Quan, An Dũ, Hà Ra, Đề Gi và Thị Nại hay là hải cảng Quy Nhơn. Trong lịch sử, Thị Nại - Quy Nhơn là cửa biển quan trọng nhất của tỉnh. Qua các triều đại, ở đây luôn luôn có bố trí binh lực lớn để phòng giữ và Quy Nhơn là cửa ngõ quan trọng xâm nhập bằng đường biển của những đội quân xâm lược. Đặc biệt, từ khi có đường 19 nối Quy Nhơn với Tây Nguyên thì ý nghĩa về chiến dịch, chiến lược của hải cảng và thành phố Quy Nhơn càng trở nên quan trọng. Quy Nhơn là đầu cầu triển khai binh lực và tiếp tế khi quân xâm lược thực hành tiến công lên Bình Định và Tây Nguyên.

Với con mắt người Bình Định, bãi biển Thị Nại - Quy Nhơn có hình chiếc lưỡi liềm dài, luôn được sóng biển mài cọ cho sáng ánh. Mũi Tấn là mũi liềm, Gành Ráng là cán liềm. Đó là cách nhìn rất hình tượng của người địa phương.

Bình Định có bán đảo Phương Mai còn gọi là bán đảo Triều Châu từ Hưng Long đến tận vùng Mũi Yến và Hải Khẩu ở đông bắc cảng Quy Nhơn có tác dụng cản những con sóng dữ về mùa biển động, do đó vịnh Quy Nhơn là nơi ẩn nấp an toàn cho tàu bè. Ngoài giá trị kinh tế, bán đảo Phương Mai còn có giá trị lớn về mặt quân sự, từ đây có thể quan sát và khống chế cả vùng biển rộng lớn phía đông nam. Trong các triều đại trước, trên bán đảo này được xây dựng thành những thành lũy kiên cố và có quân canh phòng để chống lại kẻ thù xâm nhập.

Ven bờ và biển khơi Bình Định có lượng hải sản lớn: chim, thu, nhụ, đé, tôm, cua, mực đánh bắt mỗi năm hàng ngàn tấn phục vụ xuất khẩu và sử dụng trong tỉnh. Dọc ven bờ có các đầm như Trà Ổ, Đạm Thủy, Thị Nại… có giá trị nuôi trồng các loại thủy sản lớn và nhiều ruộng muối. Muối ở ven biển Bình Định có chất lượng cao, mỗi năm thu hoạch hàng mấy chục ngàn tấn, đủ đáp ứng nhu cầu về muối ăn trong tỉnh và các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là trong công nghiệp háo chất. Ở các ghềnh núi ven biển có đặc sản quý là yến sào, số lượng không nhiều nhưng có giá trị cao.

Ngoài khơi Quy Nhơn, cách 22 hải lí có đảo Cù Lao Xanh là một xã thuộc thành phố Quy Nhơn. Về mặt quân sự, Cù Lao Xanh là vị trí tiền tiêu ngày đêm canh giữ bầu trời và mặt biển, phát hiện sự xâm nhập kẻ thù.

Vùng đồng bằng Bình Định có diện tích canh tác 75.000 héc ta. Số điền thổ lại tốt và khá ước tỉnh chiếm khoảng 70%, trong đó lúa khoai chiếm 3/4 các loại hao màu khác chiếm 1/4.

Đồng bằng Bình Định là một vùng đồng bằng lớn ở Trung bộ Việt Nam. Ngoài những cánh đồng lớn ở vùng đông Hoài Hơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn, ở các huyện miền núi còn có những cánh đồng nhỏ mà tên gọi đã thành địa danh có từ lâu đời như Đồng Vuông, Đồng Dài, Đồng Di, Đồng Dốn, Đồng Đế, Đồng Hươu, Đồng Vụ, Đồng Le, Đồng Hào, Đồng Tre, Đồng Bầu, v.v… Ruộng trồng lúa, thổ trồng màu. Ruộng thì có ruộng rộc, ruộng gò. Nông dân Bình Định có câu ca dao:

Ra đi cha mẹ dặn dò
Ruộng rộc thì cấy, ruộng gò thì gieo

Nghề trồng lúa ở đây có từ rất sớm. Với ruộng đất phì nhiêu, với sức lao động cần cù và thông minh, người dân Bình Định hằng năm đã làm ra sản lượng lúa và màu tương đối lớn đủ dùng và còn thừa. Bình Định ít khi bị thiếu đói, kể cả những năm có khó khăn về thiên tai, địch họa, là địa bàn chiến lược quan trọng lại có sẵn lương thực, thực phẩm, điều đó giải thích vì sao Bình Định đã từng là những căn cứ lớn của nghĩa quân Tây Sơn và là căn cứ vững chắc của lực lượng vũ trang cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Ngoài lúa là chủ yếu, các hoa màu phụ và cây công nghiệp ở đây cũng phong phú như khoai lang, mì, đậu phụng, đậu nành, mía đường, dâu tằm, bông, thuốc lá… Kèm theo đó là công nghệ sản xuất và chế biến. Bình Định là nơi chế biến ra nhiều loại bánh, bún từ mì có tiếng. Ở Phú Phong có nhà máy dệt lụa bằng tơ tắm từ năm 1902 (xưởng dệt Dơ-li-nhông). Trong kháng chiến chống Pháp, nghề dệt vải phát đạt, tập trung ở Đập Đá, Bồng Sơn, sản xuất ra vải xi-ta nổi tiếng cùng với phong trào trồng bông dệt vải trong cả tỉnh đã bảo đảm vai mặc cho nhân dân và bộ đội.

Bình Định còn nổi tiếng là một trong xứ sở của dừa. Các vườn dừa bạt ngàn của Tam Quan, Tài Lương, Bồng Sơn, Hoài Ân, Phù Mỹ… đã làm giàu, đẹp và thơ mộng cho vùng đất trù phú này. Trước đây, Tam Quan là nơi có nhiều dừa nhất nên có câu ca dao:

Công đâu công uổng công thừa
Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan

Ngày nay thì cả Bình Định đang trở thành một vùng dừa lớn, tổ chức hiệp đồng xuất khẩu sang các nước bản. Nhiều dừa là có nhiều sản phẩm về dừa: dầu dừa, thảm dừa, dây dừa… và từ dầu dừa, xà phòng và các loại sản phẩm khác ra đời. Rừng dừa có có giá trị trong cơ động lực lượng, hành quân, trú quân bí mật của lực lượng vũ trang, đặc biệt là chiến trường thuận lợi cho tác chiến du kích.
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Sáu, 2012, 09:05:38 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2012, 10:13:46 am »

Nhìn chung, vùng đồng bằng phía nam Bình Định, từ nam Phù Cát, đông An Nhơn - Tuy Phước đến bắc Quy Nhơn, về mùa mưa lũ nước từ thượng nguồn sông Kôn và sông Hà Thanh đổ về làm ngập cả một khu vực rộng lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc cơ động lực lượng và thực hành chiến đấu.

Về giao thông bộ, Bình Định có nhiều đường chiến lược quan trọng. Quốc lộ 1 chạy dọc theo chiều dài của tỉnh từ Đèo Bình Đê đến đèo Cù Mông. Song song với đường Quốc lộ 1 có đường sắt xuyên Việt. Đường chiến lược số 19 từ cầu Bà Di (trên đường 1) nối thẳng với Quy Nhơn, lên An Khê, Pleiku, cắt đường 14 chạy qua Xtung-treng của nước bạn Cam-pu-chia. Đường 19 có ý nghĩa quan trọng cả về chiến dịch và chiến lược vì nó là con đường nối liền Quy Nhơn với Tây Nguyên và Cam-pu-chia, vừa là một hướng chiến dịch quan trọng ở miền Trung, vừa chia cắt chiến dịch và chiến lược chiến trường Việt Nam và Đông Dương ra làm đôi. Nó là trục cơ động của lực lượng vũ trang tập trung và binh đoàn cơ giới của ta và cả của địch trong các chiến dịch tiến công và phản công. Trong chống Pháp, nhất là trong chống Mỹ, đường 19 là nấm mồ vùi thây quân Pháp, quân Mỹ - ngụy và quân Nam Triều Tiên. Đường 19 đã đi vào lịch sử oai hùng của quân dân Bình Định trong suốt cuộc chiến tranh nhân dân 30 năm.

Ngoài ra, trong tỉnh còn có tỉnh lộ số 3 từ Lại Khánh (Hoài Nhơn) đi Kim Sơn (Hoài Ân) dài 70 ki-lô-mét. Đường số 5 từ Bồng Sơn đi An Lão dài 30 ki-lô-mét. Đường Chợ Gồm - Đề Gi. Đường số 6 từ Diêu Trì qua Vân Canh đi La Hai (Phú Yên). Các đường liên huyện liên xã trong tỉnh tuy không lớn nhưng có thể cơ động lực lượng quân sự khi hành quân tác chiến và giao lưu kinh tế giữa các vùng. Do có nhiều sông suối, nên các đường quốc lộ và tỉnh lộ có đến 204 cầu cống lớn nhỏ, chiều dài cầu cống tổng cộng đến 5.586 mét, mùa mưa ảnh hưởng đến vận chuyển và cơ động bộ đội.

Đường biển, từ Quy Nhơn, tàu thuyền lớn nhỏ có thể đi đến các cửa biển trong tỉnh, trong cả nước và ra quốc tế. Đường hàng không có sân bay Phù Cát và Quy Nhơn. Phù Cát là sân bay lớn sử dụng cho cả hàng không dân dụng và máy bay quân sự.

Cũng như các tỉnh miền Trung, Bình Định nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, khô, ẩm, chia hai mùa rõ rệt. Mùa nắng bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8. Mùa mưa cũng là mùa có bão và áp thấp nhiệt đới. Nhiều độ trung bình trong năm là 27oC. Lượng mưa trung bình cả năm là 1.077 mi-li-mét. Cao nhất là 3.081 mi-li-mét, thấp nhất là 856 mi-li-mét. Số ngày mưa trung bình trong năm là 107 ngày. Độ ẩm không khí khoảng 71,90%. Những năm mưa thuận, gió hòa, thời tiết khí hậu ở Bình Định cơ bản thuận lợi cho nông nghiệp phát triển.

Về dân cư, Bình Định là một tỉnh có dân số đông so với các tỉnh ở Trung bộ - Việt Nam. Theo số liệu thống kê, đến tháng 6 năm 1982 tỉnh có số dân 1.153.101 người gồm bốn dân tộc Kinh, Ba Nam, Chăm, H’rê và một số Hoa kiều. Người Kinh có 1.136.312 người, người Ba Na 9.295 người, người H’rê 4.311, người Chăm 2.171, người Hoa và một số đồng bào Mán có 1.012 người. Mật độ dân số ở Quy Nhơn là 1.078 người/ki-lô-mét vuông, ở đồng bằng là 296 người/ki-lô-mét vuông, ở đồng bằng là 296 người/ki-lô-mét vuông, ở miền núi 41 người/ki-lô-mét vuông.

Dưới sự áp bức, thống trị hà khắc của vua quan phong kiến và thực dân Pháp, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết đấu tranh chống lại chúng. Về mặt xã hội và giai cấp, là vùng đất chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp, nông dân chiếm 95% dân số. Nhưng ruộng đất hầu hết lại tập trung trong tay các địa chủ, nhà thờ, tư sản và lộc điền của của “công thần” triều đình. Chỉ tính ở Hoài Nhơn, nhà thờ Quy Thuận (Hoài Châu) chiếm hàng trăm mẫu, lộc điền của Đào Duy Từ tại Hoài Hảo ngót 50 mẫu, lộc điền của Trần Đức Hòa ở Hoài Sơn cũng gần trăm mẫu. Ở huyện Bình Khê chỉ tính riêng hai tên tư sản thực dân Đơ-li-nhông và Ba-ri đã chiếm trên 40 nghìn mẫu (cả Bình Khê - An Khê)… không có ruộng hoặc có quá ít, nông dân phải lĩnh canh của địa chủ, nhà thờ… với mức tô từ 50 đến 70%. Mâu thuẫn đối kháng giữa nông dân và địa chủ hình thành và phát triển ngày càng gay gắt.



Lầu Bảo Đại tại Ghềnh Ráng, nơi nghỉ mát, ăn chơi của ông vua cuối cùng Triều Nguyễn
(được xây dựng năm 1927, đến năm 1949 thì bị phá)
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2012, 10:14:38 am »

Từ khi thực dân Pháp sang xâm chiếm nước ta, chúng lập ra các đồn điền, xưởng máy, đắp đường bộ, mở đường sắt nói là để khai hóa nhưng thực chất là bóc lột sức lao động và vơ vét tài nguyên. Người nông dân quá cực khổ phải bỏ làng vào làm trong các cơ sở mang tính chất công nghiệp thuộc địa của thực dân Pháp. Cũng như trong cả nước, tầng lớp công nhân ở Bình Định, tuy số lượng không lớn, nhưng từng bước được hình thành. Và, cũng từ đó mâu thuẫn giai cấp giữa chủ và thợ phát sinh.



Nhà ga Quy Nhơn thời Pháp thuộc

Về tôn giáo, đạo Phật vào Bình Định từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Chùa Thập Tháp, chùa Quang Hòa là những ngôi chùa đầu tiên trên đất Bình Định. Tiếp sau là chùa Linh Phong ở Phù Cát và chùa Long Khánh ở Quy Nhơn. Từ đó, đạo Phật phát triển ra toàn tỉnh, đến nay có khoảng 60% đồng bào theo đạo Phật. Tuyệt đại bộ phận đồng bào theo đạo Phật đều có lòng yêu nước, căm thù đế quốc, thực dân và ủng hộ cách mạng, tham gia kháng chiến.

Đạo Thiên chúa vào Bình Định cùng thời gian với đạo Phật, khoảng cuối thế kỉ 16. Qua những bước thăng trầm, đến khi thực dân Pháp đặt được nền thống trị trong cả nước thì việc truyền giáo được tự do. Tín đồ Thiên chúa ở Bình Định phát triển khá nhanh. Nhiều nhà thờ lớn được xây dựng như nhà thờ Lòng Sông, Kim Châu, nhà thờ Đá, nhờ thờ Chính Tòa Quy Nhơn… Đa số giáo dân là người lao động, nên đều có lòng kính chúa, yêu nước, nhưng đồng bào thường bị bọn phản động, bọn gián điệp đội lốt cha đạo dùng thần quyền giáo lí mê hoặc, dụ dỗ nên trong lịch sử, có nơi có lúc, có bộ phận ngộ nhận chống lại Tổ quốc, chống lại nhân dân. Trước chủ trương tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ta, đồng bào ngày càng hòa hợp với đại gia đình dân tộc, tham gia kháng chiến, ủng hộ cách mạng.

Cao Đài là một tôn giáo mới được lập ra từ năm 1926 ở Nam bộ. Đạo Cao Đài vào Bình Định từ năm 1935 do một số đồng bào vào Nam làm ăn chuyển về và từng bước phát triển ra. Số đồng bào theo Cao Đài không nhiều nhưng có bốn phái là Tòa thánh Tây Ninh, Chơn Lí Cầu Kho, Chính Đạo Bến Tre và Minh Chơn Lí Định Tường (ở Nam bộ có tất cả 12 phái). Đồng bào theo đạo Cao Đài vốn chỉ do tín ngưỡng, nhưng khi phát xít Nhật vào Đông Dương, chúng chủ trương thống nhất các giáo phái thân Nhật vào “Việt Nam phục quốc đồng minh hội”. Từ chỗ tín ngưỡng tôn giáo, họ trở thành tổ chức hoạt động chính trị ủng hộ thuyết “đại Đông Á” của Nhật. Tuy vậy, về cơ bản họ vốn là người lao động, do tín ngưỡng mà bị giặc Nhật lợi dụng nên dần dần nhận thức ra, hòa hợp trong cộng đồng nhân dân.

Tổng hợp các yếu tố về địa lí tự nhiên, về dân cư, kinh tế… Bình Định là một địa bàn chiến lược quan trọng cả về kinh tế và quốc phòng. Trong lịch sử đấu tranh dân tộc, trong chiến tranh giữ nước và giải phóng đất nước, với thế hiểm của các vùng rừng núi liên hoàn, với thế mạnh của nền kinh tế nông nghiệp và cộng đồng dân cư đông đúc, Bình Định từng là căn cứ của nghĩa quân và là căn cứ địa kháng chiến vững mạnh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2012, 10:15:23 am »

2 - CON NGƯỜI VÀ TRUYỀN THỐNG

Để tồn tại và phát triển, trải qua hang nghìn năm lịch sử, cộng đồng các dân tộc ở Bình Định đã đoàn kết chặt chẽ với nhau thành một khối thống nhất để xây dựng và bảo vệ quê hương.

Tuy mỗi dân tộc có phong tục, tập quán cổ truyền, sắc thái khác nhau nhưng cùng sống chung trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam nên người Bình Định đều có cung tính cách của người Việt Nam là chất phác, đôn hậu, cần cù lao động, trọng nhân nghĩa khí tiết. Trong quan hệ xã hội lấy chữ tín làm gốc, đối với Tổ quốc lấy chữ trung làm đầu. Trong những đức tính đó nổi lên ở người Bình Định truyền thống thượng võ, tự rèn luyện mình thành người có sức mạnh để chống lại mọi cường quyền, áp bức, sống có thủy chung trong tình làng nghĩa xóm và đặc biệt là đoàn kết đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước.

Bình Định từ xưa đã là một vùng đất thượng võ. Đến thời Tây Sơn, khi Nguyễn Huệ tập hợp nghĩa quân, rèn đúc vũ khí, luyện tập võ nghệ, dựng cờ khởi nghĩa, thì nền võ học của Bình Định nổi lên như một ngôi sao sáng và phổ cập trong quảng đại quần chúng. Chưa nói đến việc kế thừa di sản nghệ thuật quân sự quý báu của tổ tiên, chỉ nói riêng ở góc độ võ thuật, Nguyễn Huệ là người có công lớn trong việc tập hợp và phát triển những tinh hoa của những dòng võ trong nước và nước ngoài để lập nên phái võ Tây Sơn - Bình Định và được truyền bá cho đến ngày nay. Bình Định - miền đất võ là niềm tự hào của người dân trong tỉnh qua các thế hệ. “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, không chỉ có nam giới giỏi võ mà cả nữ giới cũng giỏi võ. Trong ca dao Bình Định có câu:

Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định múa roi đi quyền

Tiêu biểu cho giới nữ của Bình Định trong thời Tây Sơn nổi lên nữ tướng Bùi Thị Xuân, người phụ nữ kiệt xuất cả về phẩm chất, tài năng và võ nghệ. Và, biết bao chị em phụ nữ Bình Định đã phát huy truyền thống thượng võ trong đánh Pháp, đánh Mỹ.

Bình Định còn là đất hiếu học, khoa cử. Trường thi tỉnh Bình Định được xây dựng từ 1851 ở tây nam thành Bình Định. Người Bình Định giữ ngôi thủ khoa ba kì vào các năm 1955, 1858 và 1861. Khoa 1885, Bình Định có tám người thi đều đỗ cử nhân, trong đó có Mai Xuân Thưởng. Đặc biệt họ Nguyễn ở Vân Sơn (An Nhơn) là một hiện tượng văn học toàn gia. Cả năm cha con đều nổi tiếng thơ văn.

Trong dân nhân văn hóa, Bình Định có cụ Đào Tấn người làng Vinh Thạnh, phủ Tuy Phước nổi lên như một ngôi sao trong lịch sử sân khấu Việt Nam. Tuy làm quan nhưng cụ yêu dân, yêu nước. Suốt đời, cụ dành cho sự nghiệp tác gia sân khấu tuồng. Cụ là tác giả của hơn 40 vở tuồng hát bội và gần 1000 bài thơ, từ. Hàng trăm năm đã trôi qua, những tác phẩm của Đào Tấn đã để lại trong lòng nhân dân những ấn tượng không thể phai mờ về tính điển hình của những nhân vật khẳng khái, bất khuất đối với kẻ thù, trung hiếu với dân, với nước, nghĩa tình trong quan hệ gia đình, bầu bạn. Đào Tấn đã đưa lên sân khấu những bức tranh sinh động phản ánh hiện thực xã hội đương thời, trong đó bật lên “nỗi đau của đất nước” - nỗi đau mà suốt cuộc đời cụ vẫn không nguôi.

*   *
*

Trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam không có thời kì nào là không có phong trào khởi nghĩa của nông dân. Chế độ phong kiến càng suy vong thì phong trào khởi nghĩa của nông dân càng nhiều, càng mạnh. Bước sang thế kỉ XVIII, khởi nghĩa của nông dân Việt Nam lại càng sôi động.

Lúc bấy giờ là thời kì suy vong của triều đình phong kiến Việt Nam. Đất nước ta rơi vào tình trạng bế tắc do hậu quả của việc tranh giành quyền lực giữa các tập đoàn phong kiến thống trị. Lấy sông Gianh (Quảng Bình) làm giới hạn, nước ta bị phân chia làm hai miền. Bọn vua Lê, cháu Trịnh thống trị ở Đàng ngoài, bọn chúa Nguyễn cát cứ ở Đàng trong. Cả ở Đàng ngoài và Đàng trong, bọn vua chúa đều ở trong tình trạng thối nát, xa hoa, trụy lực đến cực độ. Chúng càng tăng cường bóc lột, cướp đoạt để ăn chơi bao nhiêu thì dân tình càng khổ cực, điêu đứng bấy nhiêu. Tất cả đều đè nặng lên vai, lên lưng người nông dân. Nhưng có áp bức là có đấu tranh - một chân lí phổ biến trong lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam.

Cùng lúc với những cuộc khởi nghĩa ở Đàng ngoài, năm 1695, nông dân và thương nhân ở Bình Định (phủ Quy Nhơn cũ) nổi dậy khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Linh Vương và Quảng Phú.

Ở vùng Tây Sơn (Bình Định), để chống lại áp bức, bất công và trừng trị bọn tham quan, ô lại, năm 1769, chàng Lía (Võ Văn Don) tập hợp một số người tinh thông võ nghệ, lấy Truông Mây làm căn cứ, xây dựng lực lượng nghĩa quân. Từ Truông Mây, nghĩa quân nhiều lần xuất quân trừng trị bọn quan lại gian ác, lấy của cải chia cho dân nghèo, khiến bọn thống trị ở địa phương hết sức hoảng sợ. Chúng nhiều lần đem quân bao vây Truông Mây nhưng đều bất lực. Chúng xoay sang âm mưu li gián nội bộ phong trào, phục rượu bắt chàng Lía. Để giữ trọn khí tiết, Lía đã tự sát và từ đó căn cứ Truông Mây tan vỡ.

Đến năm 1770 lại diễn ra cuộc khởi nghĩa lớn, chống lại bọn vua quan triều Nguyễn của đồng bào các dân tộc ít người ở miền Tây Bình Định.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2012, 10:16:16 am »

Những cuộc khởi nghĩa như trên nổ ra liên tiếp nhưng đều không thành công. Phải đến năm 1771, trước tình hình mọi quyền lực đều tập trung vào tay Trương Phúc Loan, một quyền thần hết sức tham lam, tàn bạo, ở vùng đất phía Tây tỉnh Bình Định, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ xây dựng căn cứ, tập hợp nghĩa quân, dựng cờ khởi nghĩa. Từ người Kinh đến người Thượng đều nhiệt liệt hưởng ứng. Anh em Tây Sơn lấy Tây Sơn thượng đạo và Tây Sơn hạ đạo (hai huyện Tây Sơn và An Khê ngày nay), một vùng rừng núi hiểm trở, có đường độc đạo từ phủ thành Quy Nhơn lên An Khê, nơi tập trung đông người Kinh, người Chăm, người Ba Na… Nguồn nhân lực quan trọng và là vùn kinh tế phì nhiêu có sẵn voi lớn, ngựa khỏe, lương thảo đầy đủ để lập căn cứ, rèn luyện quân sĩ, chiêu mộ nhân tài.

Đầu năm 1773, cuộc khởi nghĩa mở rộng ra nhiều vùng thuộc phủ Quy Nhơn. Nghĩa quân Tây Sơn đã lên đến hàng vạn người, gồm đủ các thành phần dân tộc và giai cấp. Một phong trào nông dân trong thời phong kiến mà có được nhiều tầng lớp nhân dân, nhiều thành phần tham gia như thế có thể nói là hiếm thấy trong lịch sử khởi nghĩa của dân tộc ta.

Giữa năm 1773, lá cờ đỏ của nghĩa quân Tây Sơn đã phấp phới tung bay trên các thành lũy của bọn vua quan phong kiến ở các phủ thành Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận, báo hiệu thắng lợi của phong trào nông dân Tây Sơn.

Trong những năm 1774-1775, với lực lượng còn đông và mạnh, quân Nguyễn và quân Trịnh đánh ép từ hai đầu, phạm vi của nghĩa quân bị thu hẹp về Quy Nhơn, Quảng Ngãi. Tình thế đó đặt nghĩa quân Tây Sơn trong cái thế “lưỡng đầu thọ địch”. Không gỡ được thế bị bao vây, nghĩa quân có nguy có bị tiêu diệt. Trong tình hình muôn vàn khó khăn đó, Nguyễn Huệ với thiên tài quân sự kiệt xuất đã đứng ra đảm nhiệm trọng trách, quyết định vận mệnh sống còn của nghĩa quân.

Mới 23 tuổi, Nguyễn Huệ đã khéo léo kết hợp tiến công ngoại giao với tiến công quân sự, phát huy yếu tố bất ngờ, chỉ huy nghĩa quân tiêu diệt và làm tan rã 2 vạn quân của Tống Phúc Hiệp, lấy lại tỉnh Phú Yên, đẩy lùi quân Nguyễn xuống phía Nam. Trận Phú Yên đã gây tác động lớn đến quân Trịnh, làm chúng phải chùn bước, vĩnh viễn ngăn chặn bước tiến của chúng xuống phía Nam và làm suy yếu hẳn lực lượng quân Nguyễn, mở đường cho sự phát triển thắng lợi của nghĩa quân ra cả nước.

Từ đây, Nguyễn Huệ trở thành linh hồn của phong trào Tây Sơn, người chỉ huy trăm trận trăm thắng trong ngót hai mươi năm sau với những chiến công hiển hách ở Rạch Gầm - Xoài Mút, diệt 5 vạn quân Xiêm (do chúa Nguyễn cầu cứu), tiêu diệt hoàn toàn chế độ cát cứ ngót hai trăm năm của chúa Nguyễn. Tiếp đó, Nguyễn Huệ đánh chiếm Phú Xuân và đem quân ra Bắc tiêu diệt chúa Trịnh. Vậy là sau hơn hai thế kỉ bị phân chia bởi các bè phái phong kiến, nền thống nhất đất nước được khôi phục. Đây là một thành tựu vĩ đai của phong trào cách mạng nông dân Tây Sơn, mà vinh quang thuộc về nhân dân ta và người anh hùng kiệt xuất Nguyễn Huệ.

Sau đó, nhà Thanh đưa quân sang xâm chiếm nước ta. Từ Phú Xuân, Nguyễn Huệ tổ chức cuộc hành quân thần tốc và chỉ trong vòng 10 ngày đầu xuân Kỷ Dậu (25 tháng Chạp đến mồng 5 tháng Giêng) đã đánh tan 29 vạn quân Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long, giải phóng toàn bộ đất nước, lập nên chiến công hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

Tất cả những thành tích và chiến công hiển hách trên, tự nó đã nói lên Bình Định là vùng đất quật khởi mang truyền thống thượng võ - cái nôi sản sinh ra nghĩa quân Tây Sơn và người anh hùng Nguyễn Huệ, một trong những tướng lĩnh tài giỏi bậc nhất của dân tộc Việt Nam. Bình Định có vinh dự lớn là đã đóng góp cho lịch sử dựng nước và giải phóng đất nước người con ưu tú nhất của mình cùng với đội nghĩa quân, sau đó đã trở thành đội quân bách chiến, bách thắng.

Phong trào nông dân Tây Sơn với tính chất cách mạng xã hội, thể hiện sức sống mãnh liệt của dân tộc cố vượt qua đêm dài trung cổ, nhưng cuối cùng không thành, do cái chết đột ngột của Nguyễn Huệ (mới 39 tuổi). Triều đại Tây Sơn tồn tại quá ngắn, chưa tạo được những điều kiện cần thiết để thoát khỏi quỹ đạo của hệ phong kiến trung cổ.

Giữa nghĩa quân Tây Sơn và anh hùng Nguyễn Huệ có mối quan hệ biện chứng. Không có nông dân Tây Sơn - Bình Định và nông dân cả nước nổi dậy cuối thế kỉ XVIII thì không thể có Nguyễn Huệ xuất hiện trong lịch sử như một lãnh tụ của nông dân, một anh hùng cứu nước vĩ đại của dân tộc. Ngược lại, nghĩa quân Tây Sơn, sau đó là quân đội Tây Sơn, nếu không có được người thao lược như Nguyễn Huệ không thể trở thành đội quân vô địch như lịch sử đã diễn ra. Phong trào nông dân Tây Sơn cũng như lãnh tụ của phong trào không thể tránh khỏi những hạn chế về mặt giai cấp và thời đại. Đó là không xóa bỏ được giai cấp phong kiến, không đưa được xã hội Việt Nam tiến lên một bước phát triển mới của lịch sử. Những hạn chế đó mang tính tất yếu khách quan của lịch sử và thời đại.

Nguyễn Huệ cùng đội quân bách chiến bách thắng của ông luôn sống mãi với non sông đất nước, xứng đáng và làm rạng rỡ truyền thống của quê hương Bình Định, của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

*   *
*

Sống trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, nhân dân Bình Định qua hàng ngàn năm đấu tranh với thiên hiên và xã hội đã xây dựng quê hương mình thành một vùng trù phú, phồn thịnh.

Là một vùng đất mang truyền thống thượng võ và quật khởi, trong lịch sử đấu tranh giữ nước và giải phóng đất nước, Bình Định đã góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp chung của Tổ quốc Việt Nam. Với những đặc điểm và thế mạnh của địa bàn về chính trị, quân sự và kinh tế, về tính cách và truyền thống, nhân dân Bình Định có đủ các yếu tố và điều kiện để giành thắng lợi trong cách mạng Tháng Tám và suốt 30 năm chiến tranh giải phóng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2012, 10:19:23 am »

Chương I

TỪ CÁC PHONG TRÀO YÊU NƯỚC
ĐẾN THẮNG LỢI CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM

I - NHỮNG PHONG TRÀO YÊU NƯỚC TRƯỚC VÀ SAU KHI CÓ ĐẢNG LÃNH ĐẠO:

Sau khi Quang Trung mất, Nguyễn Ánh được sự giúp đỡ của thực dân Pháp, lên làm vua, lập ra triều Nguyễn (1802) với chế đội cai trị khắc nghiệt, dã man thời trung cổ, bị nhân dân rất căm ghét.

Nửa đầu thế kỉ XIX, nông dân trong cả nước kế tục tinh thần quật khởi của nông dân Tây Sơn - Binh Định, nhưng cũng như thời Tây Sơn, chưa có một giai cấp mới ra đời, nên chưa có điều kiện xóa bỏ chế độ phong kiến. Thời ki này, thực dân Pháp ngày càng bám sâu vào nước ta, công cụ đắc lực là “Hội truyền giáo nước ngoài” (MEF).

Sau khi triều đình Huế kí hiệp ước 1883 đầu hàng thực dân Pháp, nước ta trở thành một nước nửa thuộc địa, nửa phong kiến chịu sự áp bức bóc lột của thực dân cai trị Pháp và vua quan nhà Nguyễn.

Năm 1885 vua Hàm Nghi - một vị vua yêu nước, kiên quyết chống Pháp, xuống chiếu Cần Vương hô hào nhân dân ra sức phò vua, cứu nước. Phong trào Cần Vương được các sĩ phu yêu nước trong cả nước nhiệt liệt hưởng ứng.

Ở Bình Định, nhiều văn thân yêu nước vận động nhân dân, tổ chức nghĩa quân đứng lên khởi nghĩa. Ngày 21 tháng 7 năm 1885, trong lúc Đào Doãn Địch lãnh đạo các sĩ phu và nhân dân nổi dậy chiếm thành Bình Định thì ở vùng rừng núi phía tây Bình Định, Mai Xuân Thưởng người thôn Phú Lạc, huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn) cũng bắt đầu chiêu mộ nghĩa quân, xây dựng cơ sở kháng chiến chống Pháp.

Trong khi Mai Xuân Thưởng chiêu mộ nghĩa quân thì Tăng Bạt Hổ (tức Tăng Doãn Văn) người Ân Tường, phủ Bồng Sơn (nay là huyện Hoài Ân) cũng chiêu mộ nghĩa quân chống giặc.

Ngày 1 tháng 9 năm 1885, tướng Roussel Decourcy tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp tại Trung và Bắc Kỳ trực tiếp chỉ huy, mở cuộc hành quân đánh chiếm lại thành Bình Định(1). Ngày 2/9 nghĩa quân của Đào Doãn Địch đã chặn đánh quân Pháp quyết liệt tại cầu Úc, diệt một số tên, nhưng vì sức yếu nghĩa quân đã phải rút lui để bảo toàn lực lượng. Ngày hôm sau (3/9) quân Pháp chiếm được thành Bình Định.

Sau khi rút khỏi thành Bình Định, nghĩa quân Đào Doãn Địch đến Bình Khê phối hợp với nghĩa quân Mai Xuân Thưởng để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến tiếp theo.

Sau khi Đào Doãi Địch bị bệnh mất, Mai Xuân Thưởng cho xây dựng nhiều căn cứ trên đất Tây Sơn, lấy vùng Lộc Đồng làm căn cứ trung tâm để lãnh đạo phong trào. Để thống nhất lực lượng nghĩa quân trong tỉnh, ông cử người liên lạc với Tăng Bạt Hổ (lúc này nghĩa quân Tăng Bạt Hổ hoạt động ở huyện Hoài Ân, Hoàn Nhơn). Sau khi liên kết lực lượng nghĩa quân trong tỉnh, Mai Xuân Thưởng còn cử người liên lạc với nghĩa quân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận để mở rộng địa bàn hoạt động và chi viện cho nhau.

Tháng 10 năm 1885, trong lễ ra mắt nhân dân tại bãi cây Muồng thôn Phú Lạc, Mai Xuân Thưởng tuyên bố: “Nhận sứ mạng của nhân dân và tướng sĩ, lòng tôi cũng chỉ vì dan, cứu nước. Làm dân một nước phải đóng góp cho vẹn chí trung, trọng nghĩa cả”. Ông được tôn là Bình Tây Đại Nguyên Soái. Sau đó nghĩa quân kéo xuống vây thành Bình Định, buộc Pháp phải đưa quân từ Quy Nhơn lên cứu viện. Quân địch bị nghĩa quân phục kích chặn đánh lớp chết, lớp bị thương phải bỏ chạy về Quy Nhơn. Tháng 11-1885, nghĩa quân Mai Xuân Thưởng phối hợp với nghĩa quân Quảng Ngãi tiến công đồn Lão Thuộc, bắt đề đốc sơn phòng Đinh Hội; tháng 4-1885 đánh chiếm phủ Ninh Thuận.

Trước tình hình lớn mạnh nhanh chóng của nghĩa quân, cuối tháng 2 năm 1887, quân Pháp cùng quân triều đình mở cuộc tiến công lớn vào các căn cứ của nghĩa quân. Sau một số trận chiến đấu quyết liệt ở Nam Trại, Bầu Sấu và Hương Sơn, nghĩa quân không chống cự nổi phải lui về Lộc Đồng. Mai Xuân Thưởng và gia đình ẩn náu ở nguồn sông Đá Hàng bị bọn phản động chỉ điểm cho giặc bắt tại làng Con Vut ngày 4 tháng 5 năm 1887. Ông bị bọn thực dân Pháp đem hành hình cùng 12 người trong nghĩa quân.

Trước khi lên đoạn đầu đài, ông khẳng khái đọc bài thơ trước mặt kẻ thù:

         Chết nào sợ chết, chết như chơi
         Chết biết vì dân, chết bởi thời
         Chết hiếu chi nài xương thịt nát
         Chết trung bao quản cổ đầu rơi
         Chết nhân tiếng để vang ngàn thuở
         Chết nghĩa danh thơm rạng mấy đời
         Thà chịu chết vinh hơn sống nhục
         Chết nào sợ chết, chết như chơi


Tấm lòng trung trinh, nghĩa khí, yêu nước, cao cả của người Bình Định mà ông là tiêu biểu tưởng đến thế là cùng.

Cũng trong thời gian này, quân Pháp và quân Nam Triều mở nhiều cuộc hành quân ở phía bắc tỉnh, nghĩa quân Tăng Bạt Hổ chặn đánh quyết liệt ở Bồng Sơn, Kim Sơn, nhưng vì thế giặc quá mạnh nghĩa quân tan vỡ. Không nao núng trước thất bại, Tăng Bạt Hổ tích cực hoạt động, tìm đường sang Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản liên lạc với Việt Kiều tìm cách khôi phục đất nước. Sau đó ông về nước cùng với Phan Bội Châu vận động phong trào Đông kinh nghĩa thục (1905-1908)(1), nhưng việc chưa thành thì ông bị bệnh qua đời ở Huế, lúc ấy ông tròn 50 tuổi. Với tấm lòng yêu nước, thương dân, Tăng Bạt Hổ đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp chống giặc cứu nước.


(1) Theo LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ BÌNH ĐỊNH - tập 1.
(2) Theo LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ BÌNH ĐỊNH - tập 1.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM