Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:06:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đất nước  (Đọc 77134 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #140 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2008, 07:31:08 pm »

Trước câu hỏi có vẻ truy xét của đại đội trưởng. Thuộc không xao xuyến, trả lời một cách rất tự nhiên:

- Không ạ. Tôi ra gặp đồng chí Tâm.

Vừa lúc đó, chính trị viên Tâm rảo bước đi tới. Anh bắt tay Phong rồi quay sang nói với Hoàn:

- Tôi triệu tập các đồng chí ấy họp để bản về công tác chiến đấu. Khi đi quên không báo anh biết trước.

Phong đã hiểu vì sao Hoàn ra lệnh báo động trung đội. Cũng vẫn là chuyện đã làm anh suy nghĩ mấy ngày nay. Nhưng anh thấy phản ứng của Hoàn hơi quá quắt. Những cuộc họp riêng này có gây cản trở gì cho chiến đấu đâu, mà chính nó lại tạo thêm những bảo đảm thắng lợi cho trận đánh đêm mai.

Hoàn hơi nhún vai rồi nói:

- Anh em làm thang không đúng quy định, mình tập hợp trung đội để hướng dẫn lại. Mình đã nhắc nhở anh em rồi. ông họp tiếp với anh em đi.

- Cũng vừa xong thì nghe tiếng còi báo động.

Chính trị viên quay lại nhìn Phong mỉm cười rồi lớn tiếng giới thiệu với bộ đội:

- Vinh dự cho đại đội: binh đoàn cử một nhà báo xuống với chúng ta.

Dường như anh muốn làm cho mọi người nhanh chóng quên đi câu chuyện vừa rồi.

Hoàn để Phong nói chuyện với chính trị viên, bỏ đi. Chờ Hoàn đi khỏi, Tâm nói nhỏ với Phong:

- Đồng chí Hoàn rất tốt, nhưng làm việc kiểu này thật không dễ dàng. Tôi vừa họp với các "hội viên" bàn cách giúp đỡ cho đồng chí chỉ huy quân sự hoàn thành nhiệm vụ. Tôi cho rằng đến một lúc nào đó "Hội" phải ra công khai, phải tuyên bố cho mọi người biết quân đội là do Đảng lãnh đạo, mọi cán bộ trong quân đội đều phải phục tùng sự lãnh đạo của Đảng...

Phong đứng im chịu trận.

Tâm nói tiếp:

- Xin giới thiệu với đồng chí ở trung đội này, đồng chí Thuộc là tổ trưởng Đảng, đồng chí Mão, trung đội trưởng mới được kết nạp trước khi lên đường...

Đến lúc đó, Phong kiên quyết ngắt lời anh:

- Đáng lẽ tôi phải nói với anh ngay từ đầu: tôi chưa phải là đảng viên.

Tâm thoáng ngỡ ngàng, nhưng rồi anh nói ngay:

- Anh là người của phòng chính trị binh đoàn, tôi vẫn cần phải giới thiệu với anh những đảng viên ở đây, vì tôi biết sớm muộn anh sẽ là đồng chí.

- Tôi hết sức cảm ơn anh.

Tâm chìa tay ra bắt tay Phong. Họ siết tay nhau thật chặt. Phong nói tiếp:

- Tôi mới về phòng chính trị binh đoàn ít lâu... Quả tình tôi còn hiểu rất ít về Đảng.

- Anh sẽ hiểu thêm về Đảng trong những trận đánh tới... Xin lỗi anh, tôi nghĩ rằng anh sẽ khó viết nếu anh còn chưa hiểu nhiều về Đảng.

Mình còn nhiều điều chưa hiểu, mình tin là anh ấy nói đúng, Phong nghĩ. Lần này, chính anh là người chìa tay ra bắt tay đồng chí chính trị viên.

*****

Chiến sĩ nuôi quân suốt đêm quẩn quanh bên bếp lửa. Còi báo thức từ khi sao chưa lặn hết, rừng còn phủ đầy sương.

Sau bữa sáng ăn nóng, mỗi người còn nhận hai vắt cơm kèm theo hai miếng thịt mỡ. Họ lấy đầy ống tre thứ nước đỏ và đục nấu bằng cơm cháy, rồi lên đường.

Đất rừng ẩm lạnh ấm dần lên dưới những đôi chân không giày. Nắng mùa thu vàng như hổ phách. Suối. Khe. Rồi lại suối. Đàn cá nhỏ mình trắng như bạc lượn lờ mãi một chỗ như bị giam hãm trong một chiếc bồn thủy tinh vô hình. Những lối mòn lên rêu này đã bị con người bỏ quên từ lâu. Không một ngôi nhà. Không một bóng người dân. Chặng đường hành quân hôm nay như một khu trắng ngăn cách giữa ta và địch. Thỉnh thoảng tiếng chim "bắt cô trói cột" giống tiếng người vang lên, con chim như ngơ ngác trước sự xâm nhập của đoàn người đông đảo vào vùng đất cấm.

Ở một chặng nghỉ, đại đội Hoàn được lệnh dừng lại cho đại đội xung kích của tiểu đoàn Trần Chương sang phối hợp tiến lên trước. Theo kế hoạch, sau khi đại đội Hoàn giải quyết xong đồn dưới, đại đội này sẽ tiến vào cùng với họ tiếp tục đánh lên đồn cao.

Phong ngồi bên sườn núi nhìn những chiến sĩ của tiểu đoàn 2 đi qua suối. Trang bị của họ cũng giống như đại đội Hoàn. Những anh tự vệ Thủ đô đã hòa vào những đoàn quân của cả nước với bộ quần áo nông dân màu đất dầu dãi. Nhưng vẫn có thể nhận thấy một số dấu vết cũ qua vẻ mặt tinh nhanh, hình dáng gọn gàng và những cử chỉ nhanh nhẹn. Phong chợt thấy có ai giống như bác Nho. Hôm Nhã về nông trường đã cho anh biết gần đây bác lại rượu chè bê tha. Bác giữ tiền mua bán thức ăn cho đơn vị, công tác này đã làm hỏng bác. Phong nhìn kỹ, đúng là Nho. Không biết bác trở thành lính xung kích từ bao giờ? Bác mặc bộ quần áo nâu mới sạch bong, mặt đỏ bừng, tay cầm cây mác lưỡi sáng loáng, nổi lên như một lão tướng lẫm liệt giữa những chiến sĩ trẻ măng.

Tham mưu trưởng mặt trận, người có hàng râu con kiến, đang đứng bên bờ suối, lên tiếng gọi:

- Nho!... Cậu cũng đi đấy à?

- Vâng. Trận này thì phải đi chứ!

- Cậu sẽ tính chuyện với thằng quan hai?

Bác Nho ngước mắt ngắm lưỡi mác nhọn hoắt của mình rồi nói:

- Các anh ấy phân công cho tôi diệt thằng đội... Gì cũng được, miễn là một thằng Tây.

- Tốt lắm...

Hai người tỏ ra biết rõ nhau.

Phong từ sườn đồi lao xuống ôm chầm lấy bác. Anh lại ngửi thấy mùi rượu. Không biết bác kiếm đâu ra rượu? Bác ngơ ngác nhìn, nhận ra anh, kêu lên:

- Cậu Phong!... Cậu cũng đi trận này à? Anh em Liên khu I mình lại gặp nhau. Lần này, cậu tin tưởng Nho chứ?

Phong vội đẩy bác đi vì hàng quân phía sau đã dồn lại. Bác Nho vừa đi vừa ngoái lại, giơ cao cây mác trên đầu mọi người chào Phong. Anh nghĩ biết đâu bác lại làm nên chuyện đêm nay.

Những trạm gác bắt đầu xuất hiện trên ngã ba đường. Dấu hiệu tới gần địch hơn. Có nơi các chiến sĩ bộ đội địa phương đứng đón đoàn quân đi chiến đấu bên một cái bàn gỗ trên đặt nước uống.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #141 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2008, 07:34:03 pm »

Quá trưa, tiểu đoàn hạ lệnh dừng lại ở một khu rừng nứa, ăn cơm rồi ngủ cho đến chiều sẽ hành quân tiếp. Bộ đội biết đây là điểm tập kết cuối cùng. Kẻ địch có thể chỉ cách họ một vài triền núi.

Phong ăn nắm cơm với miếng thịt mặn chát. Anh tìm một lùm tre râm mát định ngả lưng trên đám lá khô, thì thấy Quốc Toản cùng một số người đi tới. Toản nhìn anh, hỏi:

- Có muốn đi với bọn mình không?

- Có - Phong đáp ngay tuy chưa biết họ đi đâu. Nếu Toản đã hỏi thì việc này hẳn có lợi cho công tác của
mình.

- Đi người không, cứ để ba lô đó. - Toàn bảo anh.

Cùng đi với Toản là ba đại đội trưởng và mấy chiến sĩ trinh sát. Họ rời khu rừng nứa, vượt qua một trái núi chằng chịt những dây leo. Không có đường mòn. Rõ ràng người ta chỉ chiếu hướng mà đi.

Sang bên kia núi, Phong chợt thấy tầm nhìn của mình được mở rộng. Tuy vẫn còn những trái đồi nhỏ che khuất một phần nhưng phía trước anh nếu không phải đồng bằng thì cũng là một thung lũng. Trên những trái đồi dưới chân núi, lác đác có những ngôi nhà kiểu miền xuôi nằm giữa nhưng vườn cây ăn quả xanh tốt. Một dòng sông nhỏ ngăn cách họ với những trái đồi. Lòng sông chắc không sâu lắm, có những dải đá cuội nổi lên, mặt nước gợn lăn tăn vì vướng phải đá.

Ở chân núi, một bác dân quân từ trong bụi rậm chui ra đón họ.
Quốc Toản hỏi:

- Có vào xóm được không?

Nhìn mọi người xong, bác dân quân đáp:

- Được. Nhưng đề nghị các đồng chí bỏ lá ngụy trang, và đi từng người một khi vượt sông, đề phòng quân địch ở xa trông thấy. Từ sáng chúng tôi đã giữ dân tại nhà, không cho ai đi chợ. Nếu có người lạ vào làng chúng tôi sẽ giữ ở đây cho đến khi các đồng chí làm xong nhiệm vụ. Các đồng chí đi theo tôi. Nhớ đi thưa ra.

Toản đi đầu với người dẫn đường.

Chỗ vượt sông, nước không sâu, trong suốt. Lòng sông toàn đá cuội, nơi sâu nhất chỉ đến gần thắt lưng.
Họ qua sông rồi leo lên đồi đi ngang vườn của một ngôi nhà. Trong nhà im ắng. Nhưng họ cảm thấy từ đó đang có những cặp mắt nhìn ra. Trên đỉnh đồi, cây cối rậm rạp. Một số chiến sĩ đang nằm ngủ ngon lành dưới những lùm cây. Người ra đón Toản là Tấn, đại đội trưởng đại đội trợ chiến. Không biết đơn vị anh tới đây từ bao giờ.

Quốc Toản hỏi:

- Súng đặt xong chưa?

- Cách đây một giờ.

- Đưa bọn mình lên xem "nó" một chút.

Anh đại đội trưởng râu ria đen sì nhưng quần áo gọn gàng, ung dung dẫn họ đi về sườn đồi phía bên kia.
Một khẩu trọng liên mười hay ly bảy to lớn và cũ kỹ với băng đạn đồng xám xỉn nằm giữa đám cỏ tranh, nòng chúc xuống chân đồi. Cỏ tranh trước mũi súng đã được phát quang. Trước mắt họ là một thung lũng rộng, lác đác những trái đồi.Vật đập ngay vào mắt là một con đường đất đỏ uốn lượn quanh co chạy suốt chiều dài của thung lũng giữa màu xanh của đồng ruộng, bãi đất hoang, trên có một đoàn xe đang chạy cuốn theo một đám mây bụi màu hồn. Sau đó, họ mới nhận ra vị trí địch, nằm gần đường, giữa những bãi hoang. "Nó" gồm hai trái đồi trọc, mỏm dưới chỉ cao nhỉnh hơn mặt đất một chút, mỏm trên cao vượt hẳn lên, với hai cụm nhà xây thành từng dãy cónhiều buồng theo kiểu doanh trại. Cả đồn binh của địch được bao bọc bằng một hàng rào lông nhím đã ngả màu vàng.

Nòng súng trọng liên chõ vào một ngôi nhà nằm trên đồi cao, theo đại đội trưởng trợ chiến, đó là nhà tên chỉ huy phân khu. Từ đây nhìn xuống, cái mục tiêu màu đỏ tươi có vẻ ngon lành.
Quốc Toản kiểm tra đường ngắm của khẩu trọng liên rồi nói với những người đi theo:

- Đại đội trưởng xung kích nhìn kỹ địa hình đồn địch và đường tiến quân đêm nay. Đồng chí Trụ chú ý con đường vào phố. Giải quyết bọn thổ phỉ ở phố xong thì vào nốt trong đồn theo xung kích.

Phong lặng lẽ quan sát ba đồng chí đại đội trưởng, những người sẽ giữ vai trò chính trong trận đánh. Họ tỏ ra bình thản. Không hiểu họ có cảm thấy mục tiêu này quá lớn?...

Hoàn chợt quay sang đại đội trưởng trợ chiến:

- Anh làm thế nào đêm nay đừng nã vào đầu chúng tôi.

- Yên trí lớn! Không thể có chuyện đó. Tôi sẽ găm đạn đúng vào nhà tên chỉ huy.

Trụ nhìn quanh rồi nói:

- Các bạn ở đây thì "đại thọ" rồi! Bằng vua ngồi xem voi đấu với hổ.

Không biết anh có ghen với sự yên ổn của họ không.

Tấn có vẻ phân bua:

- Tôi cũng xin đưa súng xuống dưới đó cho gần đồn hơn, nhưng tham mưu trưởng Mặt trận không cho...

Khi họ quay xuống, bác dân quân đứng đón bên vườn cam:

- Dân mời các đồng chí vào uống nước.Gia đình đã bắt gà. Nhưng tôi thấy các đồng chí không nên vào. Đây là một xã "tề kháng chiến". Dân mình cả nhưng phải vờ hợp tác với địch. Vừa rồi có mấy người ở ngoài phố vào làng mua bán, chúng tôi đã giữ lại, ngày mai mới cho họ về...

Phong rất muốn được gặp mặt mấy bác "tề kháng chiến". Có cái gì khác ở những con người hàng ngày vẫn cộng tác với kẻ địch dù đó chỉ là giả vờ! Nhưng anh biết không nên làm việc này. Sau trận đánh, dù toàn thắng, họ sẽ ra đi, còn những người dân thì vẫn ở lại. Bác dân quân chắc cũng biết rõ điều đó.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #142 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2008, 07:37:48 pm »

Đã cuối tuần trăng, trời tối đen như mực. Bộ đội vượt sông Lục Ngạn dưới ánh sáng lờ mờ của những ngôi sao.

Phong đã mất một chiếc dép cao su trắng lúc vượt sông trở về chiều nay. Chỉ một chân anh còn dép. Trước khi đi Hoàn đã đưa anh một cuốn băng bảo quấn anh bàn chân kia đề phòng giẫm phải gai. Đi một quãng, anh thấy cuộn băng không thể thay chiếc dép, nó làm cho bàn chân anh cứng đơ. Và cộn băng mặc dù được buộc thật chặt cứ lỏng dần, chỉ còn như một vật vướng vào chân, khiến anh càng khó chịu hơn. Anh quyết định vứt nó vào búi cây một cách không thương tiếc. Anh trở thành người tập tễnh với một chân đi dép. Đây là lần đầu Phong đi đất. Gan bàn chân rát như phải bỏng. Gần như anh chỉ đi bằng một chân, bên chân có giày. Nhìn đôi giày của Hoàn, anh cảm thấy cậu ta thật hạnh phúc. Anh thèm lớp da dày như mo dưới bàn chân của các chiến sĩ. Làm thế nào có được lớp da đó? ít ra cũng đến hết chiến dịch này anh mới có thể mua được một đôi dép khác.

Nước sông ban đêm lạnh bốt. Sỏi lục cục dưới chân. Chiếc quần buổi chiều phơi gần khô, giờ lại ướt trở lại.
Phong mấy lần suýt ngã vì trọng lượng ngườianh chỉ còn đặt ở một bên chân. Không hiểu đây có phải là quãng sông anh đã lội qua úc ban ngày. Trời tối làm cảnh vật đổi khác. Trước mắt anh chỉ còn là những bóng đen lù lù đầy bí mật của những quả đồi. Những vì sao cứ như đang nhảy múa trên đầu anh.

Qua sông một quãng, Phong biết bộ đội đã rẽ sang một con đường khác. Không còn núi đồi nữa. Họ đi trên những bãi hoang, những cánh đồng bỏ hóa đất khô nẻ hoặc những bờ ruộng lúa. Cả đoàn người đêm nay lặng thinh như ngậm tăm. Họ biết mình đang đi sâu vào vùng địch chiếm, chung quanh là những làng tề. Đường đi rất vòng vèo, lúc lộn lên, lúc lộn xuống.Phong hoàn toàn mất phương hướng. Một lo ngại chợt nảy ra: lỡ mình bị mất liên lạc?... Từ ngày lên đường đi chiến dịch, lúc nào anh cũng chỉ là một người đi theo. Anh không biết mình đã qua những đâu. Anh đã đi nhiều đoạn đường vòng. Từ Vĩnh Yên đến thị xã Bắc Giang, đột nhập vào vùng địch hậu ở Hồng Quảng, và tối nay anh lại quay về Bắc Giang, tất nhiên ở một địa điểm khác. Đường đi đêm nay lại càng phức tạp. Anh sẽ không thể tìm ra đường về trong đêm tối. Buổi chiều nay, anh cũng không hỏi xem sau trận đánh, bộ đội sẽ trở về theo con đường nào... Lo ngại này mỗi lúc một lớn át đi cả những ý nghĩ về sự nguy hiểm mà lát nữa đây anh sẽ gặp khi đi theo xung kích. Rơi vào tay kẻ địch là một cái gì ghê gớm quá sức chịu đựng của anh.Anh chưa nghĩ đến sự tra khảo, đến những cực hình. Nếu bị bắt anh sẽ phải tách khỏi những con người đang kháng chiến, tách khỏi cuộc sống kháng chiến, đó là điều bất hạnh lớn nhất đối với anh.

Có điều an ủi là chung quanh vẫn im ắng. Mọi hoạt động di chuyển, điều tra, chuẩn bị chiến dịch của bộ đội suốt mấy tuần qua chưa làm kinh động bọn địch nằm sâu trong một vùng mà chúng tưởng đã yên ổn. Trận đánh sẽ thành công. Đoàn quân chiến thắng mang chiến lợi phẩm vui vẻ trở về. Hàng ngũ có thể khuyết đi một số người, những người anh đã quen biết hoặc chưa quen biết. ý nghĩ đó làm gợn lên sự xót xa. Anh không muốn bất cứ người nào ngã xuống bỏ dở nửa chừng cuộc sống đẹp đẽ này... Rồi anh lại nghĩ đến mình... Có cái gì bảo đảm mình sẽ nhất định trở về? Biết đâu đêm nay mình không nằm lại bên hàng rào lông nhím của địch, hoặc trở về trên một chiếc cáng thương? Anh tự bảo: cũng không sao! Nhưng anh lại nghĩ đến ngày mai. Chỉ còn dăm, sáu giờ nữa thôi, mặt trời đang đủng đỉnh bên kia trái đất sẽ quay trở lại với ánh dương quang tươi hồng. Ngày mai đẹp biết chừng nào! Anh đang bị ngăn cách với nó bằng một vực thẳm đầy máu lửa. ước gì mình lại vượt qua bờ vực thẳm đó như mọi lần để nhìn thấy ngày mai...

Đại đội của Hoàn mọi ngày vẫn đi giữa hàng quân, đêm nay đã trở thành đại đội dẫn đầu. Họ phải chiếm lĩnh trận địa trước tiên vì chính họ sẽ mở đầu trận đánh, mở đầu chiến dịch trên toàn tuyến.

Bỗng phía trước có tiếng chó sủa. Tiếng chó cất lên trong đêm khuya im ắng như tiếng súng nổ bất thần. Rồi tiếp theo những con chó khác. Tiếng sủa đầu tiên của đồng loại đã kích thích chúng hay tất cả bọn chúng đã đánh hơi thấy đoàn quân đang kéo qua?... Anh mong người dẫn đường sẽ đưa bộ đội tránh xa nơi có tiếng chó sủa. Nhưng trái lại, mỗi lúc họ một đến gần hơn. Bây giờ anh có thể nghe rõ âm thanh của từng con chó. Có con sủa rất đanh. Có con sủa khàn khàn. Có con ủng ẳng từng tiếng như sau lúc bị đánh đòn hay đang mắc cục xương trong họng. Có cả tiếng những co chó con... Không biết những người đi điều tra có tính trước chuyện này? Sao họ không tìm một con đường khác xa xóm làng? Hay là ngoài con đường này không còn đường nào khác?... Phong bắt đầu nhìn thấy một đám đen đen ở nơi có tiếng chó sủa - hàng lũy tre của một ngôi làng.

Bộ đội tiếp tục đi qua cánh đồng khô nẻ thỉnhthoảng xen một vài thửa ruộng nước cạnh ngôi làng trong tiếng chó sủa ran. Người Phong như có lửa đốt...

Họ đã đi xa làng và tiếng chó chủa lặng dần.

Hoàn ghé vào tai anh:

- Qua làng Ngùm rồi!

Một cái tên vô nghĩa. Có lẽ đây là một từ cổ thời xưa còn sót lại vì nó gắn liền với một mảnh đất.

Muôn ngàn vì sao vẫn nhảy múa trên đầu. Một ngôi sao băng rạch ngang bầu trời vỡ tành những mảnh vụn và tan biến. Người ta nói sao băng là dấu hiệu một người qua đời. Điềm lành hay điềm giữ đây?... Lòng Phong lại bồn chồn. Tiếng chó sủa vừa rồi chắc đã làm kinh động một số người, kể cả những tên gác ở đồn địch nếu chúng ở cách đây không xa, mà chắc là không xa. Chúng sẽ đề phòng. Trận đánh sẽ khó khăn hơn nhiều. Nó chỉ có thể diễn ra tốt nhất khi bộ đội ta đã đến sát giường tủ của địch mà chúng vẫn không hay.

Trong im lặng, người ta mới thấy sức mạnh tiếng kêu của đám côn trùng nằm nhung nhúc dưới mặt đất.

Những tiếng nho nhỏ nhưng rất đanh như xoáy vào màng tai làm cho nhức óc.

Lại có tiếng chó sủa. Lần này nó giống như tiếng gà báo sáng, sau phút chốc đã lan ra khắp nơi. Nó không
chỉ ở phía trước mà ở cả bên phải, bên trái, phía sau đoàn quân. Họ đã lọt vào giữa một vùng có nhiều thôn xóm. Quân địch phải là những tên ngu độn mới không nhận ra những dấu hiệu khác lạ đêm nay. Những người xây dựng kế hoạch trận đánh chắc không nghĩ đến chuyện những con vật giữ nhà này với khứu giác và thính giác nhạy bén của chúng có thể gây nguy hiểm cho nhiệm vụ chiến dấu không kém gì những tên Việt gian lợi hại. Có cách nào làm câm mõm chúng?...

Đoàn quân đi như đoàn chiến thuyền trong một cuộc viễn chinh giữa biển cả, những đợt sóng lớn ồn ào của trận bão đã bắt đầu. Trong lịch sử đã có những cuộc viễn chinh do những viên tướng tài chỉ huy, bị thất bại ngay từ khi khởi đầu chỉ vì một trận bão bất thần ập đến dìm cả đoàn chiến thuyền xuống dáy biển!
Nhưng không hiểu sao sau đó không gian im ắng trở lại. Có thể do đàn chó đã mệt, không muốn mất thêm hơi sức làm gì trong khi những người đi qua không hề trực tiếp đe dọa chúng và những người chủ của chúng. Đoàn chiến thuyền như vừa thoát khỏi vùng gió xoáy đến nơi biển lặng sóng yên. Họ đang ở giữa một cánh đồng hoang vắng đầy cỏ dại.

Nhiều câu hỏi đặt ra.Sao sau hàng loạt tiếng chó sủa, quân địch vẫn chưa có phản ứng gì? Không một hồi kèn hoặc một tiếng súng báo động. Hay là ở vùng này đàn chó vẫn quen sủa khi có một con thú rừng mò về hoặc một toán lính địch đi tuần tiễu?... Cũng có thể quân Pháp rất cáo, chúng đã im lặng báo động cho nhau, và chia nhau ra phục quanh hàng rào với những khẩu tiểu liên đạn đã lên nòng, chờ cho bộ đội ta tiến vào gần?... Hy vọng. Rồi lại lo ngại. Câu trả lời còn ở phía trước.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #143 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2008, 07:41:01 pm »

Họ bắt đầu vượt qua một con mương xăm xắp nước. Trong khi trao đổi về kế hoạch trận đánh, những người đi trinh sát đồn địch về đã nhiều lần nhắc tới con mương này. Nó ở khá gần đồn địch.

Hoàn ra lệnh cho bộ đội đừng lại. Anh nắm tình hình đơn vị lần cuối cùng trước khi vào trận đánh. Các trung đội nhanh chóng báo cáo đến đủ. Hoàn cho liên lạc đi báo cáo với tiểu đoàn.

Phong ngồi trên bờ mương nghĩ tới cách quay về trong trường hợp mất liên lạc. Anh sẽ tìm con mương này và vượt qua, rồi đi vào giữa những thôn xóm mà anh đã nhận thấy qua tiếng chó sủa, tìm lại làng Ngùm, tìm lại quãng sông Lục Ngạn có những bãi đá trắng nổi lên giữa lòng sông. Bên kia sông toàn núi cao, rừng rậm. Quân địch có lùng sục cũng không thể bắt được anh. Anh sẽ cố tìm đường về. ý nghĩ đó làm anh yên tâm.

Phong xoa hai chân vào nhau để gạt những tảng bùn bám vào khi lội qua mương. Anh chợt nhận thấy chiếc dép duy nhất cũng không còn. Không biết nó rơi ở đâu? Từ lúc chó bắt đầu sủa anh hoàn toàn quên cái cảm giác khó chịu vì những bước chân khập khiễng của mình. Có lẽ nó rơi từ lúc đó.

Phong nhìn thấy chính trị viên Tâm đang ngồi ghé bên tiểu đội trưởng Thuộc thì thào điều gì, cứ thấy Thuộc gật đầu lia lịa.

Ở mỗi chỗ không xa đó, Hoàn đứng nói chuyện với một người âu khoác trên vai khẩu Tôm-xơn. Phong đã chú ý đến người âu này từ ngày mới xuống đơn vị Hoàn. Đó là một người Đức rất trẻ, hơi nhỏ nhắn so với tầm vóc người âu, có cặp mắt xanh biếc. Trong một chuyến công-cao trên đường số 4, anh ta lẩn vào rừng với một khẩu tiểu liên, mấy băng đạn, và buộc chiếc khăn mặt trắng ở cánh tay đi tìm bộ đội ta. Hoàn đã nhận anh về đại đội mình. Không biết theo sáng kiến của ai, có tự bao giờ, những người nước ngoài bỏ hàng ngũ quân địch chạy sang với ta đều lấy tên họ của Bác Hồ, họ đặt tên cho anh là Hồ Chí Thắng. Thắng hòa hợp với bộ đội ta rất hanh. Trước chiến dịch này, Thắng được cử làm tiểu đội phó. Thắng lúc nào cũng đội chiếc ca lô xanh cũ của mình có dính thêm một ngôi sào vàng. Trước ngày bộ đội đi chiến dịch một hôm, Phong tình cờ gặp Thắng từ phố Me về, anh đi một mình, mặt đỏ gay gắt, mắt đăm đăm nhìn xuống mặt đường không hề ngửng lên, Phong biết anh ta vừa mới uống rượu... Phong vẫn chưa hiểu vì sao một người âu như anh có thể sống hoàn toàn thoải mái trong những điều kiện sinh hoạt hết sức kham khổ của bộ đội ta...

Bộ đội ngồi im lặng như những chiếc bóng. Nửa giờ nữa thôi... Nửa giờ nữa sẽ diễn ra cái điều có quan hệbậc nhất đối với con người là cái sống và cái chết. Không một ai ngồi đây biết trước những gì sẽ đến với mình. Đã nghe thấy hơi mát lạnh của lưỡi hái tử thần ve vẩy trên không trung.

Tiểu đoàn ra lệnh cho đại đội Hoàn vào chiếm lĩnh trận địa.

Tốc độ hành quân lần này chậm hẳn lại. Bộ đội đi hàng một, chốc chốc lại dừng, không hiểu có chuyện gì diễn ra phía trước. Vẫn là cánh đồng bỏ hoang khô nẻ. Rồi đến một bãi tha ma. Những ai nằm dưới đó, bước chân của chúng tôi có làm kinh động giấc ngủ ngàn thu của người?... Hãy giúp chúng tôi làm tròn nhiệm vụ với Tổ quốc đêm nay.

Từ phía trên truyền xuống:

- Đi thấp!

Đi lom khom thế này thật khó chịu. Phong không biết những cặp mắt mình cần tránh, ở phía nào. Phía trước? Bên phải? Hay bên trái? Anh ngước mắt nhìn Hoàn, thấy Hoàn vẫn đi thẳng người, cái đầu đội chiếc mũ nhựa vẫn nghênh ngang. Hoàn bỗng dừng lại. Chờ Phong đi tới bên, anh ghé vào tai thì thào:

- Nhìn thấy "nó" chưa?

Phong căng mắt nhìn vào bóng tối phía trước, rồi lắc đầu.

- Cái đám nhờ nhờ nằm ngang kia là hàng rào. Nhô lên đen đen là những mái nhà. Thấy chưa?

- Thấy rồi.

Phong không muốn Hoàn mất thời giờ vì mình.Thực ra, anh vẫn chưa nhìn thấy gì giữa màu đen của bóng núi cao sừng sững.

- Khi tôi vào đồn rồi, ông ở lại ngoài rào với ông Tâm. Tìm một mô đất hay bờ ruộng mà nấp để tránh đạn thẳng... Sau trận này về phải nói với trên trang bị xẻng cho bộ đội.

Hoàn nắm lấy tay Phong. Bàn tay của anh nóng hổi.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #144 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2008, 07:44:12 pm »

Phần 5

Đúng vào lúc những chiến sĩ xung kích đầu tiên bò lết người trên mặt đất kéo được những chiếc thang tre đến gần hàng rào lông nhím tua tủa như búi gai thì tiếng chó sủa bật lên. Lần này chỉ có một con chó. Nhưng tiếng sủa của nó khác hẳn với tiếng sủa của những con đồng loại ban nãy. Những con chó ban nãy dùng tiếng sủa ầm ĩ để xua đi những vật lạ nó vừa phát hiện. Nhưng con chó này tiếng sủa của nó ngắn và trầm, đứt quãng xen với tiếng gầm gừ hục hặc như nó đang lồng lộn tìm mọi cách lao vào con mồi để cắn xé.

Một phát súng nổ. ánh lửa vút lên từ chòi canh. Tiếng súng báo động!

Những chiến sĩ mang thang nằm ép mình xuống chân đồi.

Có tiếng ai gắt:

- Kệ cha nó! Đặt thang mau lên!

Trong đồn có thêm nhiều tiếng súng nổ. Quân địch gọi nhau í ới. Tiếng quát tháo của những tên chỉ huy
Pháp. Chúng nhắc đi nhắc lại hai tiếng "Việt Minh...! Việt Minh!".

Loạt đạn đầu tiên của tiểu đội trưởng Thuộc kết liễu đời con chó đang quấy rầy. Nó kêu mấy tiếng ăng ẳng rồi im bặt.

Ba chiếc thang tre đã được đặt áp vào hàng rào giống như chiếc bàn chông.

Nhiều chiến sĩ khác cầm thang chạy lên. Hai người một chiếc thang. Họ chạy lom khom. Thành công của những người vừa đặt được thang vào hàng rào đã kích thích họ. Những tiếng súng trường và tiểu liên từ ngôi nhà trong đồn, không xa hàng rào, bắn ra. Tiếng réo ghê rợn khắp chung quanh buộc các chiến sĩ phải nằm úp mình xuống mặt đất để tránh đạn.

Ba chiếc thang dựng ở hàng rào giống như ba cây cầu mời mọc họ vượt qua. Những chiến sĩ xung kích, mác trong tay, nằm phục, nghển đầu nhìn về những chiếc thang giống như những con hổ sắp vồ mồi.

- Lên đi!

- Lên thôi...

Một người nhổm dậy cầm mác chạy lên bắt đầu leo qua rào. Hai người khác làm theo anh. Hàng rào nứa nên rên lên. Tiếng gãy răng rắc của những chiếc lông nhím.

Bất thần từ trong đồn bùng lên một cột lửa. Mùi xăng xộc vào mũi mọi người hăng xè. Người ta đoán địch đã đặt những thùng xăng chung quanh đồn và dùng đạn lửa bắn cháy khi chúng bị tiến công. Cả góc đồn hiện lên rõ như ban ngày. Hàng rào lông nhím cao khoảng hai mét được làm bằng loại tre già khá vững chắc. Phía trong hàng rào là một dãy nhà ngang chạy dài, dọc tường có khóet những lỗ châu mai. Các loại súng của địch từ đó bắn ra. Hình ảnh của bộ đội ta nổi trên nền bãi trống. Đạn địch đang nhắm vào mấy chiếd thăng đứng chơi vơi áp mình vào bờ rà. Địch muốn dùng súng đạn lật đổ những chiếc thang đang tạo thành con đường mới cho đốt phương vượt qua. Không thấy những chiến sĩ vừa vượt rào đâu. Họ đã lọt được vào trong đồn hay họ lùi lại...?

Hoàn lẩm bẩm: "Phải chơi bài ngửa rồi!".

Anh ra lệnh:

- Ai có súng bắn vào hỏa điểm địch cho bộ đội đặt thêm thang, vượt rào!

Súng của ta bắt đầu nổ. Tiếng súng trường bắn đì đẹt. Tiếng 'quy lát" kéo lách cách. Thỉnh thoảng có một loạt tiểu liên ngắn. Một trong hai khẩu trung liên của đại đội cũng lên tiếng, khẩu còn lại không hiểu hỏng hóc gì. Có thể phân biệt rõ tiếng súng địch với tiếng súng của ta. Quân địch bắn từng loạt dài như đổ đạn. Ta bắn thưa thớt. Tuy vậy tiếng súng của ta đã làm cho tiếng súng của địch từ dãy nhà ngang thưa đi.
Hoàn thét:

- Xung kích lên mau!

Thêm hai chiếc thang được đặt lên hàng rào.

- Lên đi!

- Lên!...

Tiếng thúc giục của những cán bộ trung đội, tiểu đội.

Một người, rồi thêm vài người, nhổm dậy, cầm mác lom khom chạy lên.

Những phát súng từ trong đồn bắn ra ép họ phải nằm xuống.

Năm chiếc thang đã trở thành năm tấm bia lỗ chỗ những vết đạn.

Trung đội trưởng trung đội 1 động viên các chiến sĩ của mình:

- Hỏa điểm bịt hết rồi! Nó bắn vu vơ. Lên vượt rào thật nhanh.

Và chính anh lao lên gần hàng rào, nằm bên một chiếc thang. Anh ngóc đầu về phía sau, giơ tay vẫy các chiến sĩ xông lên.

Mỗi cái vẫy tay đó như chứa đựng một sức mạnh làm cho một số chiến sĩ bật dậy. Nhiều người đã đến giáp hàng rào. Những cặp mắt chăm chăm nhìn những lỗ châu mai dọc bức tường ngôi nhà bên trong đồn.

- Trèo qua thật nhanh! - Trung đội trưởng vừa giục vừa đứng nhỏm dậy.

Cử chỉ của trung đội trưởng làm đà cho cả bốn chiến sĩ gần như cùng một lúc chồm lên bám lấy những bậc thang trèo qua. Lúc luyện tập họ không có được những động tác nhanh nhẹn đến như thế.

Cả bốn người đã nhảy được vào hàng rào.

Một chiến sĩ trẻ măng cầm mác chạy đến chiếc thang đặt ngay bên người chỉ huy của mình.

- Khá lắm! - Trung đội trưởng động viên - Lên đi! Anh em vào cả rồi.

Người chiến sĩ trẻ chống ngược cây mác xuống đất, một tay bám bậc thang leo lên thoăn thoắt. Anh đã lên đến đầu thang, chuẩn bị nhảy vào đồn thì cây mác rời khỏi tay anh; anh rướn người nâng mình lên khỏi hàng rào cố thực hiện bằng được ý định nhảy vào trong đồn, nhưng hai cánh tay anh bắt đầu giơ cao chơi vơi, rồi cả người anh đổ về phía trước như một con chim trúng đạn. Thân anh nằm vắt trên hàng rào, hai chân ở ngoài rào, đầu lao vào phía trong.

Những người phía sau anh đều chững lại.

Tiểu đội trưởng Thuộc mặt sạm đen, bò lại bên Hoàn:

- Tôi hết đạn rồi! Anh cho người bịt cái lỗ châu mai thứ ba kia, ở đó có một thằng bắn ác lắm. Tôi sẽ đưa tiểu đội vào.

Mắt Thuộc đỏ ngầu, lóe lên những tia lửa hận thù.

- Được rồi! Bịt được nó, đồng chí đưa anh em vào nắm chắc đầu cầu. Lửa sắp tàn, tranh thủ lúc nhập nhoạng đưa anh em vào hết. Phải hoàn thành nhiệm vụ đêm nay.

- Anh nhớ lỗ châu mai thứ ba, từ trái sang. - Thuộc nói xong, trườn đi như một con rắn.

Hoàn quay lại người chiến sĩ liên lạc từ khi ra đi vẫn không rời anh:

- Gọi Hồ Chí Thắng lại đây!

Anh tiểu đội phó người Đức, nằm gần đó, nghe tiếng Hoàn, lom khom chạy đến:

- Tôi đây.

- Cậu còn đạn chứ?

- Còn.

- Cậu bịt cho mình cái lỗ châu mai thứ ba từ trái sang, để Thuộc đưa tiểu đội vào. Khi lửa vừa tắt, cậu vào luôn cùng với cả tiểu đội.

- Rõ.

- Làm ngay đi.

Hồ Chí Thắng lết người bò lên giáp hàng rào. Anh kiếm một khe hở dưới chân rào đặt mũi tiểu liên. Chỉ sau hai loạt đạn ngắn, hỏa điểm này đã bị dập tắt. Thắng vẫn nằm nguyên tại chỗ chờ xem hỏa điểm có xuất hiện trở lại.

Trung đội trưởng trung đội 1 đã tìm cách lôi được người chiến sĩ trẻ nằm vắt trên hàng rào xuống dưới đất.
Tiểu đội Thuộc sau khi hoàn thành nhiệm vụ đặt thang đã cầm lại mỗi người một chiếc mác trong tay.

Thuộc nhìn các chiến sĩ của mình, mắt lóe sáng:

- Bây giờ đến lượt tiểu đội 3. Tôi ngã trước, các đồng chí cứ trèo qua người tôi mà vào! Vào tất cả! Các đồng chí "hội viên" đâu? Tiến lên trước với tôi!

Thuộc kẹp khẩu tiểu liên đã hết đạn vào bên nách, nhỏm dậy chạy lên. Cả tiểu đội chạy theo anh.

Trời bỗng tối sầm. ánh lửa trong đồn đã tắt.

Thuộc vui vẻ reo lên:

- Trời giúp mình rồi!
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #145 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2008, 07:47:08 pm »

Thuộc trèo lên thang. Bàn chân anh suýt tụt xuống vì những bậc thang dính máu đông lại trơn như mỡ. Anh nắm chặt tay vào hai gióng thang, bấm đầu ngón chân thật chắc vào từng bậc leo lên. Những chiếc thang khác đều đã có người. Hàng rào lông nhím rung lên như muốn đổ dưới sức nặng của họ. Cả tiểu đội Thuộc nối nhau qua rào. Bóng tối đã làm những tiếng súng rộ lên. Nhưng những viên đạn đã không còn đi trúng đích.

Đại đội trưởng Hoàn nhỏm dậy:

- Còn bao nhiêu thang đặt hết lên. Tranh thủ trời tối, cả đại đội vào đồn.

Những người lọt vào đồn đã bám khá vững đầu cầu. Không còn những loạt đạn nguy hiểm từ ngôi nhà ngang đối diện với hàng rào bắn ra.

Hoàn chạy lên cùng với trung đội thứ hai. Anh dừng lại nơi trung đội trưởng trung đội 1 đã kéo người chiến sĩ từ trên rào xuống. Hoàn đã nhìn thấy người cán bộ loay hoay một lúc với công việc này. Chắc anh không muốn có một hình ảnh ghê rợn trước những người sắp xông lên. Từ lúc ấy đến giờ không còn thấy trung đội trưởng vẫy tay thúc giục mọi người. Hoàn tin rằng anh đã bị thương.

Hai xác người nằm cạnh chiếc thang đẫm máu. Mặt đồng chí trung đội trưởng quay về phía hàng rào với đôi mắt mở trừng trừng.

*****

Sau khi lọt vào đồn, xung kích dùng lựu đạn đánh chiếm từng căn nhà. bọn địch không chấp nhận cuộc chiến đấu bằng bạch binh với họ. Chúng nhanh chóng rút về phía ngôi nhà đối diện cách đó một cái sân rộng. Một số tên đã nằm lại trên sân vì lựu đạn và đạn tiểu liên của ta.

Mấy lần Hoàn cho bộ đội tiến sang ngôi nhà phía trước đều bị những loạt đạn từ đóbắn ra đẩy lùi. Trung liên và đại liên của địch trên đồi cao kiểm soát chặt chẽ mặt sân. Địch không bắn đổ đạn lung tung như trước. Chúng đã biết rõ quân ta lúc này ở đâu. Chúng chỉ nổ súng khi thấy bóng người xuất hiện trên sân. Đồn địch luôn uôn được soi rọi bằng ánh lửa của những thùng xăng dochúng lần lượt đốt cáy. Chúng cũng đã biết vì một lúc chúng không giữ được ánh sáng nên bộ đội ta đã vượt qua rào, lọt vào đồn.

Hoàn nhớ đến khẩu trọng liên của ta đặt trên núi chõ xuống đồn địch. Anh chờ đợi nó lên tiếng, nhưng nó vẫn câm bặt. Quân địch không thể nào gây tổn thất cho bộ phận trợ chiến ở tít trên đó. Nhưng anh cũng nhận thấy việc bố trí khẩu trọng liên này thất cách. Người ta đặt nó quá xa trong lúc giữa xung kích và trợ chiến không có liên lạc. Lúc này chắc trợ chiến không biết xung kích ở đâu. Và chỉ riêng hỏa lực của một khẩu trọng liên không thể làm thay đổi tình hình.

Hoàn lại nhớ đến ý kiến tiểu đoàn trưởng. Quốc Toản muốn đánh chiếm đồn cao trước. Anh tin rằng sau khi chiếm đồn cao ta có thế lợi, đồn dưới sẽ được giải quyết dễ dàng hơn. Có lẽ tiểu đoàn trưởng đã có ý kiến đúng. Hoàn đã nghĩ đến việc đánh lên đồn cao. Nhưng tình hình thực tế của bộ đội không cho phép anh làm việc đó. Hầu hết bộ đội chiến đấu bằng mác và lựu đạn. Chỉ một ít cán bộ tiểu đội có súng tiểu liên. Nhưng lựu đạn và đạn tiểu liên đang cạn dần. Bọn địch rút về phía ngôi nhà trước mặt đã mang theo mọi vũ khí. Chúng chỉ để lại một số đạn súng trường, như là chúng đã biết trước ta không có súng để sử dụng nó. Riêng Hồ Chí Thắng kiếm được một số băng đạn Tôm-xơn đủ bù đắp cho số đạn. anh đã bắn từ khi trận đánh bắt đầu. Nhưng chỉ một khẩu tiểu liên của anh chẳng giải quyết được gì nhiều. Theo kế hoạch, sau khi đại đội Hoàn vào đồn, đại đội xung kích của tiểu đoàn bạn cũng vào theo, tiếp sau đó tới đại đội của Trụ. Nhưng chưa có một chiến sĩung kích nào của đơn vị bạn lọt vào đồn. Có lẽ vì đồn sáng quá, đại liên, trung liên của địch kiểm soát chặt chẽ hàng rào nên họ không vượt được qua. Lúc đầu Hoàn cảm thấy sốt ruột. Nhưng bây giờ anh không mong họ nữa. Họ cũng trang bị mác xung kích. Nếu nhảy được vào đồn, họ sẽ phải nằm lại đây như các chiến sĩ của anh. Hoàn mong đơn vị Trụ vào đồn nhiều hơn. Đơn vị này không gồm những chiến sĩ được thử thách, chọn lọc như những đại đội xung kích, nhưng họ có nhiều súng, vì súng của họ chưa được thay thế bằng mác hoặc mã tấu.

Cuộc chiến đấu đã diễn ra hơn một giờ. Lúc này tiếng súng, tiếng lựu đạn chỉ còn thưa thớt, thỉnh thoảng mới rộ lên một tràng trung liên. Đôi biên đánh nhau cầm chừng. Kẻ địch như bàng hoàng. Chúng đang gặp những người không sợ chết, quyết lao vào một trận đánh xáp lá cà sinh tử. Quan trọng đối với chúng là phải giữ được khoảng cách. Chúng đoán biết nhược điểm về trang bị của bộ đội ta. Nhưng chắc chúng chưa nghĩ đến chuyện khôi phục lại tinh thế trong đêm tối. Về phía ta cũng không thể làm gì hơn. Số quân ta lọt vào đồn không đông. Ta không thể tiến sang dãy nhà phía trước nếu không có hỏa lực bịt miệng những khẩu trung liên địch từ trên đồi cao bắn xuống.

Hoàn đã nhận ra nhược điểm của thứ vũ khí thời xa xưa mà bộ đội anh mang trong tay. Bây giờ muốn tiêu hao địch cũng khó chứ đừng nói đến tiêu diệt chúng.

Khi những người tiến công thấy mình bất lực trước kẻ địch, tinh thần của họ chùng xuống.

Anh trung đội phó người cao lênh khênh đến báo cáo, theo lệnh của Hoàn, anh đã nhổ được một quãng rào để đưa những người bị thương và hy sinh ra ngoài. Anh nói không thể nào kiếm được thêm vũ khí.

Trong đêm khuya im lặng nổi lên một tiếng gà gáy.Trời sắp sáng. Làm gì bây giờ? Rút ra ư? Hoàn đã dự đoán trận đánh sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng anh cũng nghĩ mình không thể trở về lành lặn nếu nhiệm vụ đêm nay không hoàn thành. Mọi người, cấp trên đã đặt kỳ vọng vào đại đội anh, vào chính anh. Sẽ là một nỗi nhục nếu anh trở về trong tình trạng bộ đội tổn thất nhiều, đồn địch không giải quyết xong. Phải nói trận đánh đêm nay đã thất bại. Có lẽ nào sau cả một mùa hè luyện tập, đã có kinh nghiệm của Cẩm Lý, Phủ Thông, hầu như không mấy ai nghĩ trận đánh mở màn cho chiến dịch sẽ thất bại, bây giờ chính Hoàn là người đầu tiên phải thừa nhận điều đó. Anh không thể hạ lệnh rút lui khi vẫn còn nắm trong tay một lực lượng chiến đấu. Nhưng làm gì bây giờ... - anh lại tự hỏi. Anh không biết làm gì hơn trong tình thế này! Theo sự phân công trước trận đánh, chính trị viên Tâm ở ngoài lo giải quyết thương binh.Anh không có ai để trao đổi.

Trung đội trưởng trung đội 1, trung đội trưởng trung đội 2 và tiểu đội trưởng Thuộc đến gặp anh. Sao cả ba người cùng kéo đến một lúc?... Hoàn chợt hiểu, họ là ba đảng viên thuộc ba trung đội. Chắc họ đã bàn bạc với nhau và muốn nói với anh điều gì.

Trung đội trưởng trung đội 1 nói:

- Đề nghị đồng chí cho biết tiếp tục thế nào?

-Bộ đội ra sao? - Hoàn hỏi lại trong khi chưa tìm được câu trả lời.

- Đạn tiểu liên gần hết. Chỉ còn một ít lựu đạn. Anh em thắc mắc tại sao đại đội bạn không vào. Anh em không ai muốn rời trận địa. Nhưng...

- Đồng chí cứ nói tiếp.

- Chúng tôi nhận thấy với lực lượng ở trong đồn hiện tại không thể phát triển được thêm. Trời sắp sáng rồi.

- Các đồng chí muốn rút lui? - Hoàn xẵng giọng.

- Chúng tôi thấy nếu không làm được gì thì không nên ở lại nữa. Phải đưa hết thương binh, tử sĩ ra, và cho bộ đội rút. Nếu đồng chí quyết định tiếp tục chiến đấu thì cần bàn ngay kế hoạch đánh địch ban ngày trong trường hợp địch có thêm viện binh.

- Các đồng chí đều thống nhất như vậy?

Trung đội trưởng trung đội 2 lên tiếng:

- Chúng tôi có bàn với nhau. Nhưng đồng chí là người quyết định. Chúng tôi sẽ thực hiện quyết định của đồng chí.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #146 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2008, 07:50:10 pm »

Qua câu trả lời, Hoàn hiểu ba người đang trao đổi với anh với danh nghĩa là những đảng viên. Trước đây, anh chỉ coi họ là những người dưới quyền, họ có nhiệm vụ phải tuân theo những quyết định của anh. Ngay từ đầu trận đánh anh đã thấy những đảng viên luôn luôn tiến lên đầu trong lúc chiến đấu gặp khó khăn. Họ đã trở thành chỗ dựa tinh thần của anh trong những giờ phút chiến đấu vừa qua. Lần đầu, anh có một cuộc đối thoại trực tiếp với những người đảng viên. Trước đây, anh làm như không biết là có họ. Vừa rồi anh đã toan gán trách nhiệm quyết định rút lui này cho họ. Nhưng anh nhận thấy làm như vậy là quá tầm thường. Anh vẫn là người chỉ huy, người quyết định và chịu trách nhiệm về mọi việc.

- Tôi là người ngoài Đảng, - Hoàn cảm thấy bằng lòng khi anh nói được điều đó - tôi muốn được biết ý kiến các đồng chí là đảng viên. Nhưng tôi sẽ chịu trách nhiệm về mọi quyết định vì tôi là người chỉ huy.

- Đúng như vậy. - Tiểu đội trưởng Thuộc nói. - Chúng tôi coi đồng chí là cán bộ của Đảng.

Cậu ta nói thành thật hay cậu ta muốn động viên mình, Hoàn tự hỏi. Nếu cậu ta muốn động viên mình thì hơi quá đấy! Nhưng Hoàn nhận thấy trên nét mặt người tiểu đội trưởng vẻ thành thật.

Hoàn dằn giọng:

- Mỗi trung đội để lại ba người với một tiểu liên chặn đánh địch cho bộ đội rút ra. Đưa thương binh, tử sĩ rahết rồi bộ đội mới rút. Chất quần áo của địch và tất cả những vật có thể cháy được thành một đống, sẽ đốt cháy ngôi nhà này khi bộ đội rút hết. Phải làm cho quân địch ngày mai qua đây, nhìn quang cảnh đồn này phải suy nghĩ. Ra đến ngoài, trung đội trưởng trung đội 1 bắt liên lạc ngay với tiểu đoàn để báo cáo.
Tôi sẽ ra với người cuối cùng.

Mọi người im lặng lắng nghe mệnh lệnh của đại đội trưởng.

- Tôi xin đề nghị một điều có được không? - Thuộc hỏi với vẻ rụt rè.

- Đồng chí nói đi.

- Đề nghị đồng chí đại đội trưởng ra trước báo cáo với tiểu đoàn.Tôi và tiểu đội 3 xin ở lại chiến đấu ngăn chặn quân địch cho bộ đội rút và sẽ thiêu hủy ngôi nhà này. Xin các đồng chí bổ sung cho tôi Hồ Chí Thắng. Súng tiểu liên của cậu ấy còn nhiều đạn.

Đề nghị của Thuộc có vẻ hợp lý. Hoàn chấp thuận.

Những người cán bộ chưa kịp phân tán thì từ phía ngoài vang lên một hồi kèn với những tiếng gấp gáp: te, te, te...! Te, te, te...! Đó là kèn lệnh tiến công. Các loại súng của ta, sau đó là của địch lại nổ ran. Theo quy ước, hồi kèn lệnh tiến công này chính là tín hiệu rút lui của tiểu đoàn.

Họ thấy mình có một quyết định phù hợp với quyết định của cấp trên. Nhưng điều này chẳng làm cho họ vui hơn.

Bộ đội từ trong đồn rút ra qua một lỗ hổng mới phá giữa hàng rào, đi đầu là những cáng thương binh.
Những người xung kích đã lấyvải bạt trong đồn địch làm võng và biến cây mác của mình thành đòn cáng.

*****

Vừng trăng cuối tuần gầy guộc ướt đẫm sương đêm.
Trên đường về, Phong không còn nghĩ đến chuyện lạc đường, không còn bận tâm đến tiếng chó sủa. Không thể có chuyện lạc đường vì phía trước cũng như phía sau anh, người đi nườm nượp. Với ánh trăng, không cần có người đi trước, chỉ nhìn những vết chân in bên bùn, làm cỏ lụi đi, cũng có thể trở về chỗ vượt sông. Và trên đường về, chó cũng sủa ít hơn. Những tiếng nổ rầm rầm khắp thung lũng và ánh lửa hồng bốc cao làm lũ chó sợ. Cũng không ai buồn nghĩ đến bọn tề ngụy, bọn chúng giờ này chắc đang khiếp đảm vì bộ đội đã đánh thẳng vào sào huyệt những quan thầy của chúng.

Trời tảng sáng, Phong mới về đến chỗ vượt sông. Ngôi sao mai rực rỡ còn lại một mình trên nền trời xanh nhạt. Một ngày mới đã bắt đầu. Đêm hôm qua Phong đã ước mơ được nhìn lại ánh sáng mặt trời. Nhưng ngàyhôm nay anh đón những ánh dương quang đầu tiên với thái độ dửng dưng.

Những toán bộ đội từng dăm ba người lội qua sông. Hàng ngũ của họ bị xáo trộn nhiều sau một đêm chiến đấu.Có những người dừng lại giữa sông lấy tay vốc nước rửa mặt. Bộ quần áo nâu đẹp nhất của họ ngày hôm qua bê bết bùn đất đỏ, kể cả máu và nhiều chỗ rách bươm. Nhiều người mất mũ. Cây mác cầm chểnh mảng trong tay. Vẻ hăm hở, hy vọng đã biến đi trên mặt mọi người. Phần lớn những đôi mắt đều nhìn xuống. Từ đám sương mù trên con đường từ An Châu về vẫn tiếp tục nhô ra những chiếc cáng thương binh.
Phong lội qua sông với cảm giác mình đang vĩnh biệt nó. Tối qua khi vượt sông, anh thấy nó đang chào đón đoàn quân trở về, sỏi đá đang cười dưới mỗi bước chân của họ. Nhưng bây giờ họ đang bỏ rơi nó cho kẻ địch. Ngày trở lại con sông này chắc còn rất xa.

Vẫn người dân quân trưa hôm qua đứng đón họ bên kia bờ sông. Anh không còn sốt sắng, căn dặn. Anh đứng ủ rũ với cặp mắt lo lắng. Với quang cảnh này, anh thừa hiểu trận đánh đã thất bại. Và ngày một, ngày hai, những trận khủng bố của địch sẽ bắt đầu. Người dân quân ở sâu trong vùng địch hậu kia đã hàng năm chờ đón cái ngày bộ đội trở về. Họ đã tước đi của anh niềm hy vọng.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #147 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2008, 07:55:49 pm »

Đối với Phong, thất bại của trận đánh quá lớn. Nó làm tắt đi một viễn cảnh tươi đẹp. Thu đông này ta bắt đầu tiến công lại kẻ thù. Trận đánh vào những tiểu khu, phân khu sẽ nhanh chóng lớn lên thành những trận đánh vào thị xã, thành phố. Sau những trận đánh đó là ngày về... Phong đã được chứng kiến tận mắt cảnh hùng tráng đêm qua. Những người chiến sĩ cầm mác vượt qua hàng rào đâm chông tua tủa, thân hình họ in đậm trên nền lửa hồng dữ dội. Điều đáng buồn là ai nấy đều đã làm hết sức mình. Nhiều người sẵn sàng đánh đổi cả cuộc đời để giành lấy chiến thắng. Nhiều người đã ngã xuống. Nhiều cuộc đời đã đi vào hư không. Mỗi cuộc đời đó cũng giống như cuộc đời của mình. Mỗi con người đó đều có mẹ, có cha, và chắc cũng có một người thương chờ đợi. Nhưng chiến thắng không tới. Những cố gắng lớn nhất của quân đội ta, của kháng chiến trong Thu Đông này vẫn chưa vượt qua được một đồn binh của địch. Vì sức ta còn quá yếu. Cần phải có bao nhiêu thời gian để bù đắp lại những tổn thất đêm qua? Không phải chỉ cần có thế1 Cần phải bao lâu để có được những điều kiện chiến thắng quân địch...?

Bữa cơm nóng đầu tiên sau trận đánh thừa nhiều. Người đã nằm lại vĩnh viễn trên dọc đường. Người bị thương. Người phải cáng thương binh đến trạm. Những căn lán bé nhỏ trở nên trống trải. Không khí bộ đội xào xạc. Nhưng Phong cũng nhận thấy có một cái khác với thời kỳ chiến đấu ở Liên khu I, đó là không ai tự ý rời khỏi hàng ngũ. Một số chiến sĩ bị thương không chịu đi bệnh viện. Những người bị thương nhẹ, sau khi tới bệnh viện đã nhanh chóng trở về.

Quốc toản triệu tập ngay cán bộ đại đội để kiểm điểm trận đánh.

Các đại đội trưởng đều có đủ mặt. Họ ngồi quây tròn dưới mái lán của ban chỉ huy tiểu đoàn. Không khí nặng nề. Tiểu đoàn trưởng ngồi xếp chân bằng tròn, bàn tay trái để lên cuốn sổ đặt trên đùi. Phần lớn những cặp mắt đều hướng về đại đội trưởng Hoàn. Anh ngồi không nhìn ai, mặt lúc tím, lúc đỏ. Anh trình bày bằng những lời ngắn gọn công việc đại đội mình đã làm. Hoàn là người cán bộ đại đội duy nhất đã lọt vào đồn địch, chỉ minh anh trong những người ngồi đây là có vừng hào quang của cuộc chiến đấu. Nhưng anhkhông khai thác lợi điểm đó. Anh không tìm cách đề cao mình cũng như thanh minh cho sự thất bại. Dường như anh chỉ muốn kể lại cho đúng và đủ những sự việc rồi tùy mọi người phán xét.

Đại đội trưởng đại đội xung kích của tiểu đoàn Trần Chương sang phối hợp cho rằng vì ta thiếu kế hoạch bịt những hỏa điểm của địch nên bộ đội của anh thương vong nhiều mà vẫn không vượt được qua rào để tăng viện cho đại đội Hoàn. Người mang nhiều mặc cảm nhất là đại đội trưởng đại đội trợ chiến. Trong suốt trận đánh họ không nổ một phát súng nào vì không xác định rõ vị trí của ta và địch, họ lại ở một nơi quá yên ổn. Riêng đại đội trưởng Trụ vẫn hoạt bát, vui vẻ. Anh báo cáođại đội mình đã áp đảo hơn một trăm tên thổ phỉ ở trong phố, sau đó, anh định tăng cường cho bộ phận vào đồn nhưng vì xung kích còn ở lại ngoài hàng rào nên không thực hiện được ý định. Trụ có một ý kiến mới:

- Tại sao chúng ta lại đột nhập có một hướng? Nếu ta mở thêm một hướng nữa thì sẽ nhẹ cho đồng chí Hoàn và có thể đưa thêm nhiều lực lượng vào đồn.Tôi nghĩ rằng đánh như thế lợi hơn...

Cuộc họp không có tranh luận vì tiểu đoàn trưởng chỉ mới định thu thập tình hình để lên báo cáo với cấp trên.


Phong cùng đi với Quốc Toản về Mặt trận bộ, cách xa đó gần một ngày đường.

Những ngày qua Phong đã nhận thấy Toản không quá khó gần như anh tưởng. Tính Toản ít nói. Đằng sau vẻ lạnh nhạt bề ngoài của anh là một tâm hồn dễ xúc động, có phần đa cảm mà anh muôn che giấu nó như che giấu một nhược điểm của mình. Với cán bộ cấp dưới, anh giữ một thái độ vừa gần vừa xa. Anh muốn thân với họ nhưng lại sợ họ nhờn. Anh không phải là người quá khe khắt. Người ta có thể làm anh mở miệng khi đụng đến những công việc anh đang làm.

Quốc Toản chăm chú lắng nghe Phong kể lại những gì mà anh đã chứng kiến và nghe được qua trận đánh.

Có lúc Phong thấy Toản chớp mắt liền mấy cái chắc là để làm tan một giọt nước mắt.

Rồi Phong nói:

- Có người cho rằng vừa rồi ta chọn "một miếng quá to" nên nuốt không trôi.

Phong tin là Toản sẽ phản đối, nhưng anh lặng thinh.

- Theo anh vì sao trận đánh không thành công? - Phong lại hỏi.

- Lắm chuyện lắm... - Toản ngập ngừng rồi tiếp - Mình vẫn cho là hướng đánh chọn không đúng, nhưng thôi, không nói đến chuyện này. Cậu Trụ có một ý kiến hay... Giá ta đánh vào bằng hai hướng thì sẽ tốt hơn, địch phải chia ra để đối phó. Phải nói trong trận vừa rồi, cán bộ và chiến sĩ của ta rất dũng cảm. Mình đại đội Hoàn phải chiến đấu với tất cả quân địch trong đồn. Vào được đồn như vậy là rất giỏi. Nhưng vào được rồi mà không phát triển được, không giải quyết được toàn bộ là vì cánh tay mình quá ngắn. Chiếc mác không thể với dài hơn cây súng. Có vậy người ta mới vứt mác đi để thay nó bằng súng trường, tiểu liên... Nói thật với đồng chí, khi đại đội của Trần Chương không vào tiếp được, tôi đã nghĩ đại đội Hoàn ở trong đó sẽ bị tiêu diệt. Nhưng cuối cùng, anh em vẫn tìm được đường rút ra... Vũ khí của ta quá ít, ta sợ mất súng nên đặt trợ chiến trên đỉnh núi. Ta sợ mất súng nên xung kích phải cầm mác nhảy vào đồn. Đáng lẽ xung kích vào đồn phải được trang bị nhiều súng hơn những người ở ngoài. Nếu không đủ súng thì cũng phải một mác, một súng, cùng lắm là hai mác, một súng. Trận vừa rồi, ta mười mác, một súng. Vì vậy khi vào đồn, địch không chịu đánh xáp lá cà là ta nằm chết...

- Đồng chí chính trị viên nói với tôi, sau trận đánh, "chất" của đơn vị mất nhiều quá!

- Nhiều đồng chí đảng viên hy sinh - Giọng Toản nhỏ hẳn đi.

- Sức chién đấu giảm, trong chiến dịch này, tiểu đoàn có tiếp tục chiến đấu được nữa không?

Toản dừng hẳn lại, quay sang nhìn Phong:

- Sao lại không? Tiểu đoàn vẫn còn ba đại đội nguyên vẹn. Đại đội Hoàn bị hao hụt nhưng sẽ được bổ sung sớm. Thiếu "chất" thì ta tạo "chất" mới... Tôi đã lường trước trong trận này ta bị thương vong lớn hơn. Tôi đã đi thăm thương binh, nhiều đồng chí đòi về, một số đồng chí sẽ có mặt trọng trận đánh tới... Hỏng một trận không phải là hỏng tất cả. Cũng như anh làm một bài thơ dở... anh vẫn còn cả cuộc đời làm thơ.
Toản mỉm cười. Từ ngày gặp anh, Phong chưa bao giờ thấy anh cười thành tiếng. Nụ cười của anh vẫn lạnh.

Toản nói nhỏ đi như để kết thúc câu chuyện:

- Trong trận vừa rồi, anh em không có khuyết điểm. Khuyết điểm là ở bọn tôi. Chúng tôi nôn nóng, đã chọn một mục tiêu quá lớn so với trình độ của mình. Đáng lẽ chỉ nên bắt đầu từ những vị trí địch đóng một hoặc hai trung đội...

Về tới Mặt trận bộ, Phong mới biết tình hình chiến đấu đợt đầu chiến dịch không đến nỗi bi đát như anh tưởng. Cuộc tiến công của ta mở sớm trong Thu Đông này tại một vùng nằm sâu trong địch hậu đã làm rung chuyển bộ chỉ huy Pháp. Chúng đang lúng túng đối phó. Sở chỉ huy phân khu An Châu nằm trên đường số 13 bị thiệt hại nặng trong cuộc tiến công là điều bất ngờ đối với chúng. Cùng lúc đó, một vị trí khác cũng nằm trên đường 13 đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Địch phải điều thêm quân tăng viện cho vùng này. Chúng vẫn chưa củng cố xong những nơi bị thiệt hại nên chưa dám mở những cuộc lùng sục, càn quét. Nhiều tên tề, dõng đã tìm ta, chúng mang cả giấy tờ, con dấu và súng ống xin nộp.
Phong gặp lại Trần Chương về họp, nét mặt tươi phơi phới.

- Nghe nói tiểu đoàn ta đã làm một trò ngoạn mục? - Phong dùng lại hai tiếng bữa trước Chương đã nói với mình.

Chương cười:

- Đâu phải là tiểu đoàn? Đại đội xung kích đi với Quốc Toản rồi... Đồn chúng mình nhỏ, một trung đội địch thôi. Mèo nhỏ bắt chuột con.

- Các anh đánh mất bao nhiêu thời gian?

- Đúng hai mươi lăm phút.

- Có thương vong nhiều không?

- Không đáng kể. - Chương nói tiếp - Không trận nào đánh nhanh mà lại thương vong nhiều. Bọn mình thu chiến lợi phẩm xong rút quân, nghe phía An Châu vẫn lục bục, lục bục, biết các cậu gặp khó khăn.

Chương ngó nhìn đôi chân đất của Phong:

- Dép đâu?

- Rơi mất rồi.

- Tại cậu không đi với mình. Đi với mình, mình sẽ cho một đôi "xăng đá"  giẫm vào đinh cũng không sợ...

Mình lại cho mất đôi giày cũ rồi!

Chương giơ chân đi chiếc giày chiến lợi phẩm, chắc lấy từ trong kho ra, còn rất mới.

- Mình sẽ cải tiến đôi giày này, khâu thêm một cái đế lốp đi cho nó êm. Muốn đánh "kỳ tập" phải đi như
mèo.

Mặt trận bộ đã chuyển sang Vị Loại, ở sâu trong một khu rừng già. Người ta dự đoán, sau khi các đơn vị chủ lực của Bộ rút, cuộc tiến công mới của địch sẽ nhắm vào Mai Siu.

Trời mưa, căn lán Phong ở bên khe suối, ban ngày cũng tối sầm. Nước suối réo ầm ầm. Phong viết suối ngày. Ban đêm, anh ngồi bên ngọn lửa bếp bập bùng tiếp tục viết. Trận đánh tuy không toàn thắng, nhưng anh có nhiều điều để viết. Trưởng ban chính trị Mặt trận yêu cầu anh viết mấy bài gửi về báo Cứu Quốc, tờ báo chinh của Mặt trận Việt Minh, theo chỉ thị của cấp trên. Anh phải làm thật gấp vì muốn có mặt trong đợt chiến đấu sắp tới. Ngày xưa, mỗi bài thơ anh làm ra gợi cho anh một nỗi buồn, sự cô đơn, lo lắng ở ngày mai với những ước mưo mà anh cho rằng sẽ không bao giờ thành sự thật. Những trang viết hôm nay trong rừng sâu ẩm ướt, dưới đôi bàn tay giá lạnh bỗng trở thành những ngọn lửa hồng sưởi ấm cho anh.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #148 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2008, 09:10:17 pm »

Buổi chiều, đồng chí phó trưởng Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Hồng Quảng dẫn "đoàn nghệ sĩ của khu Đông Bắc" đến ban chính trị Mặt trận.

Họ chỉ gồm có ba người, đều là đàn ông đứng tuổi, mặc những bộ quần áo tiện y bạc màu. Trưởng đoàn, một người thấp và mập, răng vàng khè vì hút thuốc lá nhiều khoác chiếc blu-dông Mỹ cũ, ôm một cây đàn ghi ta. Người ta giới thiệu đó là nhạc sĩ Văn Thành. Phong đã biết nhạc sĩ này qua một vài bản nhạc của anh được phát trên đài Tiếng nói Việt Nam hồi đầu cách mạng. Một người cao gầy, mặt mũi hom hem, râu ria tua tủa, cầm trong tay chiếc kèn cle-ri-nét. Người thứ ba, nhỏ nhắn, hàm răng đều và khít, mặc chiếc áo trấn thủ đen, lưng đeo một chiếc sáo trúc có đính tua đỏ.

Các nhà nghệ sĩ đều lo cho buổi biểu diễn tối nay, họ đã nghe nói trong hàng ngũ cán bộ của binh đoàn có nhiều người sành âm nhạc.

Trời tối. Bếp lửa trong nhà được chất thêm nhiều củi. Hai chiếc đèn bão đã được treo giữa nhà.

Người xem lục tục kéo đến.Họ vui vẻ cười đùa, tháo giày dép rồi ngồi cả trên sàn nứa. Không thấy ở họ có dấu hiệu mệt mỏi, căng thẳng sau những buổi họp. Họ tò mò nhìn các nghệ sĩ.

Khoảng đất ẩm ướt được chừa làm lối đi trong căn lán được biến thành sân khấu biểu diễn.

Ba thứ nhạc cụ rất khác nhau không thể tạo nên thành một dàn nhạc hòa tấu.Cũng có thể là ở một số nơi khác, ba nhà nghệ sĩ này đã làm công việc đó. Nhưng tối nay, Văn Thành tỏ ra thận trọng. Cây đàn ghi ta của anh là chủ lực đệm cho những bài hát do cả ba người lần lượt trình bày.Chiếc cle-ri-nét và cây sáo trúc chỉ thổi vào những đoạn nhạc dạo hoặc đệm vào đôi chỗ để làm phép. Trong ba người không ai tỏ ra là ca sĩ chuyên nghiệp. Văn Thành hát giọng trầm, giọng hát trước đây có lẽ khá ấm, đã bị khê đi vì hút thuốc lá nhiều. Hai người kia sử dụng nhạc cụ khá thành thạo. Sự kết hợp giữa họ thành một nhóm người đi biểu diễn rất trái khoáy. Tuy nhiên, họ tỏ ra ăn ý. Họ khéo léo hỗ trợ cho nhau trong những tiết mục được trình bày. Tiếng suối réo đều đều bên cạnh nhà vô tình góp phần tạo thêm chiều dày cho dàn nhạc quá mỏng manh.

Phong ngồi xem chợt cảm thấy ngậm ngùi. Những người nghệ sĩ này, với tuổi đời của họ, chắc trước đây là những người của những quán rượu, phòng trà. Trong óc anh hiện ra hình ảnh của họ đầu chải bóng, râu bia cạo nhẵn, mặc những bộ quần áo trắng toát ngồi chơi nhạc trong một căn phòng lộng lẫy ánh đèn màu, chung quanh là những người khách sang trọng sực nức mùi nước hoa và son phấn. Lúc này, họ đang đàn hát dưới một mái lều tối tăm, khói củi khét mù, bên ngoài là tiếng mưa rừng và suối lũ.Họ sẽ có một cuộc đời đầy đủ hơn nếu họ quay về những đô thị đã bị kẻ địch chiếm đóng, trở lại với nghề cũ. Nhưng họ vẫn ở lại, cam chịu cuộc sống thiếu thốn, lẩn khuất trong rừng sâu bốn bề là quân địch, mang những khả năng hạn chế và những tháng nam còn lại không dài của mình để góp phần vào cuộc kháng chiến. Lời hát, tiếng đàn, tiếng kèn, tiếng sáo này đang động viên các anh hay chính bản thân họ? Trước kia, những người ngồi đây không thể là đối tượng phục vụ của họ. Nhưng ngày nay, cuộc kháng chiến đã hòa tất cả họ vào làm một, người biểu diễn cũng như người thưởng thức... Những người nghếĩ đã gắn liền hai phần ba cuộc đời mình với cuộc sống cũ có biết, như Phong đã biết qua đợt chiến đấu vừa rồi, cuộc kháng chiến sẽ còn rất lâu dài...? Trong đầu Phong bỗng nảy ra câu hỏi: không biết họ còn chịu đựng được đến bao giờ? Đây có phải là cuộc biểu diễn cuối cùng của họ không?... Sẽ khó gắn bó lâu dài với cuộc sống gian khổ này nếu không trực tiếp gắn bó với nó bằng xương máu, bằng cái sống và cái chết để mỗi ngày anh lại tìm thấy ở nó một ý nghĩa mới như những ngày anh vừa trải qua.

Văn Thành giới thiệu bài hát kết thúc buổi biểu diễn. Anh ôm cây đàn bắt đầu dạo nhạc. Hai người bạn cũng tiến ra đứng hai bên anh.

Văn Thành mở đầu bài hát với giọng trầm hùng:

Sống tranh đấu mà không nề gian khổ
Chết huy hoàng mà không khuất phụcai
Anh có nghe tiếng súng ầm vang nổ
Hãy mỉm cười mà tin chắc ở ngày mai...


Anh hát rất say sưa như chính mình cũng bị lôi cuốn theo tiếng hát. Các bạn anh cùng phụ họa khi nhịp điệu bài hát trở nên dồn dập:

Phá cho tan không còn ghi dấu vết của một thời nô lệ
Hận thiên thu của một đời cùm xích
Tối âm u của muôn ngàn xà lim trong ngục thất...


Bài hát kết thúc với giọng hát chậm rãi, dằn mạnh từng tiếng của Văn Thành, mặt anh đỏ rực vì luồng máu nóng vừa bốc lên:

Đoàn kết lại hỡi đồng bào Nam Việt
Cùng Việt quân rầm rộ bước tiên phong
Lửa thiêng cháy, máu thiêng sôi bất diệt
Cách mệnh thành, hạnh phúc muôn nghìn năm.


Tiếng vỗ tay rầm rộ.

Tiểu đoàn trưởng Quốc Toản bỗng đứng dậy. Anh rời khỏi sàn nứa ra đứng bên những người nghệ sĩ, với nụ cười lặng lẽ. Cánh tay cụt của anh đã quen mắt với nhiều người, khiến người ta có cảm giác anh đã sinh ra với một cánh tay như vậy. Nó làm tôn anh lên như cánh tay cụt của pho tượng thần Vệ Nữ.
Toản nóivới giọng nhỏ nhẹ hơi lắp bắp:

- Đề nghị các anh hát lại bài vừa rồi, tôi sẽ cùng tham gia với các anh.

Toản vừa nói vừa thò tay trái vào túi áo rút ra chiếc kèn ác-mô-ni-ca.

Tiếng vỗ tay xen lẫn với tiếng cười hân hoan nổi lên trong căn lán.

Bài hát của ba người nghệ sĩ lần này có thêm tiềngken đệm của Toản lại được mọi người nhiệt liệt hoan nghênh.

Những thớ thịt trên mặt Toản giật giật. Anh nói với giọng xúc động:

- Tôi biết bài hát này từ lâu nhưng qua các đồng chí biểu diễn tối nay, tôi tìm được thêm một ý nghĩa mới: mọi người chúng ta đều kiên quyết đoạn tuyệt với cuộc đời cũ. Xin chân thành cảm ơn các nhà nghệ sĩ.
Bác nhạc công dáng người hom hem và bộ mặt râu ria lởm chởm, chiếc kèn buông thõng trong tay, lần đầu lên tiếng trong buổi biểu diễn:

- Thưa đồng chí chỉ huy: kiên quyết đoạn tuyệt với cuộc đời cũ.

Văn Thành tiếp theo lời bác:

- Chắc trong các đồng chí chỉ huy có đồng chí biết anh Năm cla  đây, trước ở trong dàn nhạc của Taverne Royale. Anh  ấy có vợ và hai con ở Hà Nội. Vừa rồi chị ấy nhờ người nhắn anh Năm về, nhưng anh Năm kiên quyết không về... Đêm vừa rồi nghe tiếng súng của các đồng chí nổ ở An Châu, anh Năm đã khóc... khóc vì sung sướng...

Tối đó, khi đi nằm rồi, Phong nghe tiếng Trụ ở nhà bên hát nghêu ngao:

Sống ăn sắn mà không thèm ăn phở
Chết trong rừng còn hơn chết ở Thủ đô...
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Mười Hai, 2008, 09:13:08 pm gửi bởi hoacuc » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #149 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2008, 06:40:02 pm »

Phần 6

Phong rời vùng tự do nằm trong địch hậu tỉnh Hồng Quảng khi chung quanh tấp nập chuẩn bị chống càn. Cấp trên cho biết các đơn vị của binh đoàn sẽ không trở lại đây. Họ sẽ chuyển sâu vào tỉnh Hải Ninh rồi quặt lên đường số 4 quay trở về Biệt Bắc.

Phong cùng đi với Quốc Toản. Sau hai ngày hành quân gấp, họ bắt gặp tiểu đoàn 9 trên đường chuyển sang Hải Ninh.

Ở đơn vị xung kích của Hoàn có một sự đổi thay kỳ lạ so với ngày Phong từ đây trở về Mặt trận bộ. Đại đội lại đầy ắp và tươi rói như khi mở đầu trận đánh. Không còn thấy bóng dáng những tổn thất của trận đánh vừa rồi. Nhiều chiến sĩ bị thương đã trở về. Đơn vị có thêm nhiều bộ mặt mới. Đó là một số cán bộ và chiến sĩ ở những đại đội khác mới chuyển về. Chính trị viên Phú nói với anh vừa có một đợt kết nạp đảng viên mới. Phòng nhớ tới câu Quốc Toản nói bữa trước: "Thiếu "chất" thì ta lại tạo "chất" mới". Những người mới về đều tỏ ra phấn khởi vì họ đã được lựa chọn để bổ sung cho đại đội xung kích, không phải đại đội vừa được tiêm một liều thuốc hồi sinh mà nó đã trưởng thành lên một bước.

Quốc Toản vừa về tới nơi đã triệu tập hội nghị cán bộ bàn về nhiệm vụ mới. Phong được tiểu đoàn mời cùng dự.

Tiểu đoàn bộ trú quân trên đỉnh đèo. Lán của ban chỉ huy làm vội vã, mái lợp lá dong chạm đầu người.
Trong khi Toản đi họp, tiểu đoàn phó của anh đã dẫn cán bộ tới điều tra vị trí địch. Đây là đồn Đồng Khuy thuộc tỉnh Hải Ninh có hai trung đội lính ngụy, vốn là những tên phỉ của vùng Đông Bắc đã chạy theo địch từ ngày đầu chiến tranh, do một trung úy người Pháp chỉ huy. Quân địch đóng trên ba mỏm đồi thành hình tam cấp. Trên mỏm cao nhất, chúng xây một chiếc lô cốt bằng trường trình do một tiểu đội chiếm đóng. ở mỏm thấp nhất, địch đóng hai tiểu đội. Hai bộ phận này có nhiệm vụ bảo vệ cho tên chỉ huy cùng với một trung đội đóng ở mỏm giữa. Ba đồn địch có hàng rào riêng rẽ được nối với nhau bằng một con đường mòn.
Tiểu đoàn phó Hùng Sơn, một người mặt mũi vuông vức, thân hình cao lớn, lúc nào cũng ngồi ngay như pho tượng, đầu chạm mái lán, trình bày dự kiến của mình. Theo ý anh, tiểu đoàn sẽ dùng ba đại đội cùng một lúc tiến công vào ba đồn để quân địch không hỗ trợ được nhau. Vì hàng rào lông nhím của địch ở đây làm bằng nứa sơ sài, nên theo ý anh, bộ đội sẽ không dùng thang mà bí mật phá rào tiến vào. Quân địch nằm sâu trong địch hậu nên sự đề phòng của chúng có phần sơ khoáng. Hùng Sơn tin rằng lực lượng của tiểu đoàn sẽ nhanh chóng đè bẹp quân địch. Anh chỉ chú ý một tiểu điều: đồn địch ở kề với một bản người địa phương, bọn lính trong đồn nhiều tên có vợ con trong bản; nếu không chú ý giữ bí mật, họ báo tin cho địch, chúng sẽ đề phòng.

Quốc Toản đồng ý với kế hoạch của đồng chí tiểu đoàn phó trình bày, chỉ điều chỉnh một vài điểm. Anh chuyển đại đội Hoàn theo dự kiến sẽ đánh vào đồi giữa lên đánh đồi cao, và đại đội Trụ đáng lẽ đánh đồi cao chuyển xuống đánh đồi giữa. Đại đội Hoàn vẫn là mũi tiến công chủ yếu trong trận đánh. Sau khi nhanh chóng tiêu diệt địch trên đồi cao, Hoàn sẽ cho bộ đội đánh thốc xuống đồi giữa phối hợp  với đại đội Trụ đè bẹp quân địch. Đại đội trợ chiến sẽ đặt pháo 37 ly trên một mỏm núi cao hơn lô cốt địch, bắn vào lô cốt, khi cần sẽ chuyển làn bắn xuống đồn giữa. Trang bị của đại đội xung kích sẽ được điều chỉnh lại, cứ ba chiến sĩ xung kích thì có hai người mang mác, một người mang súng trường, nếu chiếm được súng của địch, họ sẽ bỏ mác thay bằng súng.

Ý kiến của Quốc Toản được mọi người tán thành. Ai nấy vui vẻ đứng lên ra về. Quốc Toản nói với Phong:

- Anh ở lại một lát.

Dưới mái lán chỉ còn lại bangười trong ban chỉ huy tiểu đoàn, đồng chí trưởng ban tham mưu tiểu đoàn cùng với tham mưu trưởng Mặt trận và Phong.

Quốc Toản hỏi trưởng ban tham mưu tiểu đoàn:

- Bộ đội còn mấy ngày gạo?

- Đúng ba ngày.

- Có đại đội nào cất giấu riêng không?

- Đã kiểm tra kỹ.

Tham mưu trưởng Mặt trận mấp máy hàng ria con kiến, rồi nói:

- Các đồng chí chỉ vừa đủ gạo ăn để đi tới trạm gạo mới. Nếu đánh Đồng Khuy sẽ mất hai ngày gạo. Bộ đội sẽ xa trạm gạo thêm một ngày, như vậy là không đánh được.

Tiểu đoàn phó Hùng Sơn đỏ mặt nói:

- Chúng ta thừa gạo ăn cho đến ngày nổ súng, tạo sao lại không đánh?

Tham mưu trưởng Mặt trận cười rất tươi:

- Nếu đánh Đồng Khuy chúng ta sẽ thiếu ba ngày ăn để về trạm gạo gần nhất. Tôi biết rõ những nơi nào có gạo cho các đồng chí.

- Trong đồn địch thiếu gì gạo!

- Hổ chưa hết, đừng vội tính đến chuyện bán da! Phải đề phòng trường hợp như An Châu...

- Nếu đánh không thắng, chúng tôi sẽ ăn cháo, đào củ chuối ăn trên đường quay về. Nhưng tôi bảo đảm
với đồng chí, theo đúng kế hoạch của đồng chí tiểu đoàn trưởng vừa trình bày, nhất định ta sẽ thắng.
Tham mưu trưởng Mặt trận gật gù rồi quay về phía Quốc Toản:

- Ý kiến đồng chí thế nào?

- Tôi thấy cần đánh và phải đánh thắng.

Tham mưu trưởng Mặt trận ngồi im lặng hồi lâu, thỉnh thoảng anh lại nói một mình "đánh một cái...!" rồi lại lầm bầm tính toán. Cuối cùng anh nói:

- Tôi thông cảm với các đồng chí. Nhưng đánh địch cần rất tỉnh táo, không được cay cú...

Mọi người chăm chú nhìn anh, chờ nghe anh nói tiếp. Hàng ria con kiến của anh làm Phong nhớ đến một tài tử Pháp trên màn ảnh.

- Đồng ý với các đồng chí, đánh! Nhưng từ nay đến khi có gạo mới, mỗi ngày bộ đội sẽ tiết kiệm hai lạng gạo, nhưng người không trực tiếp chiến đấu, kể cả tôi sẽ tiết kiệm ba lạng, riêng bữa ăn trước trận đánh sẽ cho anh em ăn như bình thường... Vẫn phải đề phòng trường hợp đánh không thành công, bộ đội vẫn đủ gạo ăn cháo quay về...

Trận đánh ngày hôm sau đã được quyết định.

Quốc toản quay sang nói với Phong:

- Anh ở lại đây thôi.Trong trận đánh ngày mai, anh sẽ đi với ban chỉ huy tiểu đoàn. Chúng tôi cũng sẽ vào đồn cùng với xung kích.

Toản bảo trưởng ban tham mưu tiểu đoàn thông báo cho các đại đội chuẩn bị sau nửa giờ sẽ hành quân. Không phải nhiệm vụ chiến đấu thôi thúc họ phải gấp gáp đến như vậy. Cái không cho họ được chậm trễ trong cuộc hành quân lần này là bao gạo buộc ở thắt lưng mọi người đã vơi nhiều.
Phong ngồi tranh thủ ghi một vài nhận xét vào cuốn sổ nhỏ.

Có tiếng ai nói trước cửa lán:

- Tôi đề nghị gặp đồng chí chính trị viên tiểu đoàn.

Giọng nói nghe quen quen. Anh quay lại thấy một cán bộ trẻ, mang đôi kính cận, chiếc mũ nhựa chiến lợi phẩm ôm lấy khuôn mặt trắng trẻo, cõng trên vai một chiếc ba lô khá nặng, bộ quần áo tiện y màu đen ướt đẫm mồ hôi, đứng trước mái lán. Đúng là anh ta... Hồng Kỳ sao cũng ở đây?...

Chính trị viên tiểu đoàn cũng đang ngồi hí hoái viết, ngẩng đầu lên, nhìn Hồng Kỳ:

- Cậu về lúc nào?

- Tôi đến Mặt trận bộ chiều hôm kia, nghe nói tiểu đoàn hành quân rồi, tôi đuổi theo.

- Học tốt chứ?

- Tốt. Tôi hỏi anh em nói đơn vị sắp làm nhiệm vụ, anh cho tôi về đại đội luôn.

- Được thôi. Đồng chí lại về với đồng chí Trụ. Cũng phải nói là từ ngày đồng chí học đến giờ, bộ đội đã thay đổi nhiều, anh em rất tiến bộ. Cứ về đại đội cho kịp hành quân cùng bộ đội. Chiều nay đến chỗ nghỉ, tôi sẽ trao đổi với ban chỉ huy đại đội.

Hồng Kỳ đi ngay. Đôi chân ngắn của anh bước thoăn thoắt.

Phong gọi:

- Hồng Kỳ!

Thấy anh ta vẫn tiếp tục đi, Phong gọi to hơn:

- Hồng Kỳ!

Lúc đó anh ta mới quay lại, mở to cặp mắt sau làn kính cận nhìn Phong, rồi kêu lên:

-  Ô! Cậu đấy à?

Phong vội đứng dậy ra gặp anh.

- Mình đi với tiểu đoàn từ hồi đầu chiến dịch. Cậu cũng ở tiểu đoàn này ư?

- Mình ở bộ đội Đông Triều từ lâu. Sau khi đánh đường số 4, mình đi học...Cậu đừng gọi mình là Hồng Kỳ nữa, gọi là Hồng thôi. Đó là cái trò đùa từ mấy năm trước. Mình cũng như Si-ba-ta ở đây...

Phong mỉm cười.Anh ta đã tự thú nhận mình Nhật giả.

- Anh Năm đâu rồi?

- Chắc là "dính" với Tuyết Lan. Sau ngày đó, mình trở về đơn vị ngay.

- Còn nhớ Tuyết Mai không?

- Nhớ!

- Tuyết Mai vẫn ở trung đoàn Thủ đô.

Hồng hơi sững sờ. Nhưng rồi anh nói:

- Chuyện cũ lúc nào sẽ nói tiếp nhé! Mình phải xuống đơn vị đây. Cậu đi với tiểu đoàn hết chiến dịch chứ?
Phong gật đầu. Cuộc gặp lại Hồng Kỳ đã làm anh nhớ lại những ngày tháng Chạp hai năm trước ở Hà Nội, những ngày tưởng như đã cách đây xa lắm.

*****

Ở chặng đường hành quân mới toàn đồi núi trọc. Quốc Toản ra lệnh cho bộ đội ngụy trang bằng cỏ tranh đi ban ngày. Đồi núi như những đợt sóng bạc đầu hiện ra phía trước. Không còn xa lắm sẽ tới biển Đông.
Nhưng họ biết chẳng bao lâu họ sẽ quay trở lại. Mục tiêu của họ lúc này chưa phải là biển, cũng chưa phải là đồng bằng.

Dọc đường không nghe thấy tiếng máy bay địch. Chắc chúng không ngờ, sau khi bộ đội ta luồn sâu vào vùng địch hậu Đông Bắc, đánh nhiều trận trên đường 13 Bắc Giăng, bây giờ họ lại tiếp tục đi sâu hơn sang tận Hải Ninh, xa các điểm dự trữ lương thực của họ.

Buổi chiều, tiểu đoàn tới một bản nhỏ.Ban chỉ huy tiểu đoàn vào đóng tại một nhà dân, một ngôi nhà sàn của người Nùng, mùi phân lợn từ dưới nhà bốc lên ngột ngạt. ở đây chỉ cách đồn địch khoảng sáu, bảy ki-lô-mét theo đường chim bay. Bộ đội bao vây các ngả đường ra vào đề phòng địch đột nhập hoặc dân đi báo địch có bộ đội tới.

Giờ phút chờ đợi căng thẳng. Muôn ngàn chuyện ngẫu nhiên có thể dẫn đến trong chiến tranh. Người ta không thể dự đoán hết mọi điều. Nếu bây giờ quân địch bỗng tung một toán đi lùng sục. Hoặc một người dân nào nhìn thấy bộ đội, thoát khỏi sự canh gác của ta chạy lên đồn báo cáo với chúng... Trong cuộc đọ sức hiện nay, yếu tố quan trọng đầu tiên để giành chiến thắng vẫn là bí mật, bất ngờ.

Quốc Toản ngồi trên nhà sàn đăm đăm nhìn về phía khu rừng. Nếu có máy bay đến anh phải nhanh chóng ra phía đs. Kể ra không nên ở trong bản như thế này. Trận đánh này làm anh lo lắng gấp đôi. Đơn vị bạn đã chiến thắng. Anh không thể không hoàn thành nhiệm vụ một lần nữa. Trong cuộc họp ở Mặt trận, anh đã nghe Trần Chường báo cáo lại trận đánh của mình. Anh ta có nhiều sáng kiến. Anh ta đã cho bộ đội xé rào để đột nhập vào đồn địch. Anh làm được việc ấy vì đồn Đồng Dương không có chó. Nhưng anh ta vẫn hơn Toản vì anh đã nghĩ đến chuyện xé rào. Chương chuẩn bị cho trận đánh một cách tỉ mỉ hơn Toản rất nhiều. Chương có thuận lợi hơn Toản vì mục tiêu công kích của anh nhỏ. Anh tự mình chuẩn bị trận đánh, tự mình quyết định mọi chuyện mà không bị ai quấy rầy. Còn mục tiêu của Toản quá lớn. Toản lại được quá nhiều người góp ý kiến. Nhiều ý kiến hay, cũng nhiều ý kiến không hay. Có những ý kiến anh có thể bỏ qua, nhưng cũng có những ý kiến anh buộc phải chấp nhận. Điều dở nhất mà những ý kiến đóng góp quá nhiều đemlại là nó làm cho đầu óc Toản rối mù, anh mất đi sự suy nghĩ độc lập và, dĩ nhiên, mất đicác sáng kiến. Anh không thể phân trần với ai sau khi trận đánh không thành công... Lần này, Toản đã tự mình lắng nghe ý kiến của cấp dưới và tự mình quyết định mọi chi tiết kế hoạch trận đánh. Mọi diễn biến đều hiện ra sáng rõ trước mắt anh. Không giống như lần trước anh chỉ huy vọng mà không thật tin vào sự thành công, lần nàyanh tin là đơn vị sẽ đánh thắng. Nhưng anh vẫn phải nghĩ đến những chuyện bất ngờ, đó là những điều mà anh chưa biết có thể xảy ra. Nếu lại thất bại, anh sẽ trở về với một đoàn quân đã mất máu, lại đói rách, anh sẽ không thể bào chữa cho sự bất lực của mình. Và biết đâu người ta chẳng xét lại cánh tay cụt của anh...? Người ta sẽ hoàn toàn có lý khi đưa một cán bộ chỉ huy mất cánh tay phải ra khỏi một tiểu đoàn chủ lực cơ động... Rời khỏi cuộc chiến đấu trong khi nó chỉ mới bắt đầu, đối vớianh cũng có nghĩa: cuộc đời đã chấm dứt vì nó trở nên vô vị...
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM