Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:15:17 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đất nước  (Đọc 77115 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #10 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2008, 09:33:47 pm »

Thành phố đã lên đèn.

Tự vệ lục tục kéo tới. Chưa đến sáu giờ tối, tất cả đã đủ mặt. Trang phục của họ có thay đổi so với lúc ban chiều. Hầu hết đều đội ca lô hoặc mũ nhựa có gắn sao vuông. Họ kiếm đâu được những chiếc dây lưng to, thắt bên ngoài áo ấm, người đeo súng, đeo lựu đạn, người đeo kiếm, đeo dao găm. Có anh khoác ống nhòm. Có anh đem theo cả máy ảnh.

Tiểu đội có mười hai người. Phong đếm được hai khẩu súng trường, năm khẩu súng ngắn và bảy, tám quả lựu đạn.

Nhã bảo mọi người:
- Bây giờ chúng mình đi một tua kiểm soát con đường trong nhà, mang theo choòng cuốc, nơi nào vướng thì ta mở rộng ra.

Họ luồn qua những lỗ tường mới đục sẵn.

Lần đầu, Phong biết tận mắt bên trong của những ngôi nhà ở cùng phố. Con đường ngoắt nghéo, luồn qua những sân sau, những gian bếp, những khu vườn nhỏ. Nhã luôn luôn nhắc những vật cần chú ý: "Cái giếng nhé! Thụt xuống đây là bỏ đời!". "Cái bể nước mưa! Thiếu nước thì sang đây!". "Cạo đám rêu này đi! Ban đêm ngã trật mắt". "Chú ý cái xà gồ này, bươu trán như chơi"... Qua sự chỉ dẫn, Phong thấy Nhã là người cẩn thận.

Khi quay về, Nhã bảo Phong dẫn cả tiểu đội lên gác.

Anh Năm đang ngồi ở phòng khách. Thấy mọi người rộn rịp kéo lên, anh nhoẻn miệng cười, giơ cả hai tay:
- Mời các đồng chí cứ tự nhiên. Chúng tôi đã chuyển cả vào buồng trong và gác ba. Phòng ngoài này dành hoàn toàn cho các đồng chí bố trí.

Anh tỏ ra đã biết rõ kế hoạch chiến đấu của họ.

Nhã ra ban công đứng ngó quanh rồi quay vào nói:
- Nếu nổ súng, chúng mình hạ ngay cây sấu trước cửa. Xe của nó chạy tới sẽ phải dừng lại. Ai có súng và lựu đạn, đứng ở ban công ném lựu đạn và bắn xuống. Các đồng chí mang kiếm và dao găm bố trí ở nhà dưới. Thấy lựu đạn nổ rồi thì mở cửa xung phong, cướp hết súng đạn, rồi đốt cháy xe.
Hồng Kỳ từ phòng trong đẩy cửa đi ra, đứng nghe các anh tự vệ bàn bạc.

Phong rất lo kế hoạch của Nhã bị anh võ quan Nhật này bác đi. Nhưng Nhã vẫn nói với vẻ tự tin:

- Khi xung phong, tất cả phải hô thật to. Hô to Tây nó mới sợ. Hô to để báo cho tiểu đội 1 ở bên số chẵn biết ta đã xung phong. Mình lẳng lặng xông ra, Tây không thấy đâu, có khi lại ăn đạn và lựu đạn của anh em ta!

Một cậu đeo chiếc kiếm nói:
- Các anh ở trên này nhìn rõ tình hình, các anh hô trước, chúng tôi xô cửa xông ra.
- Được - Nhã nói - Mình sẽ hô. Mình hô trước, các bạn hô theo.
Nhã quay về phía Hồng Kỳ vẫn đứng im lặng, hai tay đút túi quần:

- Đồng chí... Việt Nam mới có ý kiến gì thì góp với chúng tôi.
Nhã tỏ vẻ thích thú vì đã tìm ra mấy tiếng "Việt Nam mới" để gọi người bạn chiến đấu ngoại quốc mà anh chưa biết tên.

- Có ba-dô-ka không? - Hồng Kỳ hỏi cộc lốc.
- Không có.
- Có bom không?
- Không có.
- Có chai cháy không?
- Cũng không có.

Nhã nhoẻn miệng cười thú nhận sự nghèo nàn của tiểu đội mình.
- Không đánh xe tăng được! - Hồng Kỳ nhận xét.
- Xe tăng thì mặc nó. Bọn chúng tôi sẽ đánh háp-tơ-rắc và xe gíp.

- Cũng được... Đánh xong ở đây, chuyển sang nhà khác. Chuyển về cuối phố. Đại bác nó sẽ bắn đổ nhà này. ở Hải Phòng như thế...

Hồng Kỳ quay trở vào buồng trong.
Nhã lại bảo mọi người:

- Đồng chí nào có súng hoặc lựu đạn ra cửa sổ quan sát đi. Lần lượt từng người một, đừng để cho bọn Tẩy  bên nhà Moóc-li-e hoặc ở Nhà Thờ lớn nom thấy!

- Có Tây ở Nhà Thờ à? - Một người giật giọng hỏi.

- Đó là đề phòng.

Phong ló đầu ra cửa sau cùng. Anh cũng có súng, nên vị trí chiến đấu của anh ở đây. Anh là người ở nhà này, nhưng lần đầu anh đứng nhìn chung quanh với cặp mắt "quân sự".

Thế là bàn xong kế hoạch chiến đấu.

Họ kéo nhau xuống nhà dưới sau khi để lại một người ngác.

Từ khi nghe Hồng Kỳ nhận xét ngôi nhà sẽ đổ sụp vì đại bác, một số người có vẻ lo lắng. Họ hiểu là nếu quân Pháp bị đòn đau, lập tức nó sẽ trả thù. Ngôi nhà của họ sẽ trở thành mục tiêu. Đại bác địch sẽ trút đạn xuống đây như thác đỏ.

Phong chợt nhớ ra mình chưa ăn chiều. Anh móc chiếc bánh mì trong túi ra. Nhã tròn mắt nhìn, rồi nói:
- Hay nhỉ! Mình quên không đút túi chiếc bánh mì.

Phong rút ra chiếc bánh mì thứ hai, đưa anh. Nhã không từ chối, cầm ăn luôn. Có lẽ anh cũng chưa ăn cơm chiều.

Thành phố vẫn yên tĩnh. Thỉnh thoảng có tiếng động cơ xe ô tô từ phía đường Tràng Thi vọng lại. Tối nay cũng có thể là một tối bình thường như mọi tối. Chẳng phải đây là lần đầu người ta báo tin tình hình căng thẳng. Lo lắng vơi dần. Câu chuyện giữa đám người trẻ tuổi lại râm ran. Thỉnh thoảng điểm những chuỗi cười giòn giã.

Phong hỏi Nhã, người mà anh cảm thấy bắt đầu gắn bó:

- Hình như anh mới đi đâu xa về. Anh đi học quân sự phải không?

- Mình mới đi xa về, nhưng không phải đi học quân sự... Mình đi kiếm ăn ở nước ngoài.

- Ở nước ngoài?

- ừ... mình sang Côn Minh. Một ông bầu người Việt đưa bọn mình, năm thằng, sang chơi nhạc cho một "bar". Kiếm ăn cũng được. Nhưng khi nghe tin Pháp chiếm Hải Phòng, cho rằng chiến tranh sắp nổ ra cả nước, bọn mình điên lên đòi về. Hợp đồng chưa hoàn thành, chủ không nghe. Bọn mình làm reo. Chủ không trả đủ tiền công, hẹn chúng mình hai mươi bốn tiếng phải ra khỏi nhà. Nó quỵt chút ít thậm chí tất cả tiền công cũng cóc cần, miễn là được về nước, chẳng phải chờ hết hai mươi bốn tiếng, bọn mình ra liền. Đang không biết làm thế nào kiếm thêm ít tiền lấy vé máy bay thì gặp một bác người Việt Nam làm công nhân đường hỏa xa Vân Nam. Biết chúng mình đòi về nước để đánh Tây, bác đi vận động kiều bào ủng hộ cho đủ tiền mua năm chiếc vé về đến Hà Nội. Về nhà hôm trước, thì hôm sau mình đi gác liền. Mình vốn đã là tự vệ phố từ thời Việt Minh còn hoạt động bí mật.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #11 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2008, 09:36:16 pm »

- Anh lại quay về kéo dàn ở Ta-véc Roay-an?

- Bậy nào! Mình bỏ đấy từ lâu rồi. Mình về đánh Tẩy mà lại đi kéo đàn cho Tẩy thì còn ra sao! Bọn lính mũ đỏ nhìn thấy mình đứng gác ở cửa Nhà Thờ lớn, lại thấy mình kéo đàn ở tiệm nhảy đó, nó thịt ngay.

- Tôi vẫn thấy anh ôm đàn đi ở phố?

- Đúng như vậy. Giờ mình kéo đàn ở quán Thiên Thai Hàng Gai, ở quán Ta-ka-ra Khâm Thiên. Phải chỗ nọ, chỗ kia, chạy rống bái công lên mới đủ ăn. Nhưng mình vừa vớ được một cái hợp đồng bở lắm! Chưa làm ăn gì cả mà chủ đã phát lương luôn sáu tháng...

- ở đâu vậy?

- Ngay đầu phố này. Hôtel des Colonies .

- Sao anh bảo không làm cho Tẩy?

- Không làm cho Tây. Thằng chủ Tây sợ cách mạng ta, bỏ của chạy lấy người, bán rẻ khách sạn cho một "me" Nhật. ả này trước đi nhảy đầm. ả mua để mở "bar". ả phải nhờ đến mình. ả định cửa hàng sẽ khai trương vào đúng đêm Nô-en này. Hôm đó, bạn không bận thì bạn ghé vào, sẽ thấy mặt thằng tôi.

- Vậy anh học quân sự vào lúc nào?

- Mình cũng như cậy, không học quân sự bao giờ! Quân sự tự học, học mót, gặp mỗi người học một tí. Kế hoạch vqừa rồi là sáng kiến của tớ. Cậu xem ông Nhật lùn có góp được ý kiến nào đâu! Nó đánh mình, mình phải nghĩ cách đánh nó.

- Đồng chí trung đội trưởng của ta có khá quân sự không?

- Chắc cũng hơn mình một tí. Cậu ấy được lên Thành huấn luyện một, hai tuần.

- Anh thấy Hồng Kỳ ra sao?

- Hồng Kỳ nào?

- ạnh người Nhật ban nãy.

- Tên là Hồng Kỳ à?... Cũng phải xem... Có khi ông ấy chỉ giỏi với binh lính, súng ống của Nhật mà không giỏi với mình. Đã thấy ông ấy đưa  đưa ra cao kiến nào đâu.

Nhã ngồi nhích lại bên Phong, ghé tai thì thầm:

- Hai cô Thúy Vân, Thúy Kiều trên gác có phải là vợ lớn, vợ bé của ông Năm không?

- Mình không rõ, nhưng nếu đúng thì chỉ là cô lớn thôi.

- Cô bé trông hiền lành, nhưng cô lớn có cặp mắt khiếp lắm!

Một anh tự vệ mặc bộ đồ xanh công nhân gọi Nhã. Nhã quay lại, anh ta bảo:

- Anh hát đi vài bài cho vui.

- Mình kéo đàn, còn giọng hát thì ống bơ gỉ. Nhưng thôi được... Hát bài gì bây giờ?

Mỗi người nhao nhao một ý kiến:

- Thiên Thai!

- Trương Chi!

- Con chim lạc bạn...

- Đàn chim Việt...

Nhã ngần ngừ:

- Những loại bài này thì phải có đàn. Cậu nào ở nhà có cây ghi-ta, về lấy đem sang đây.

Không ai nói gì. Phong chợt nhớ đến chị em Tuyết Lan, Tuyết Mai.

- Trên gác có đàn pi-a-nô.

- Lên gác cũng được. Nhưng phải được sự ưng thuận của chủ nhân.

Một người nói:

- Có pi-a-nô, anh Nhã cho nghe một bản Xê-rê-nát.

- Muốn gì cũng được. - Nhã đáp vui vẻ.

Họ lại lục tục kéo nhau lên gác.

Anh Năm đang ngồi nói chuyện với Hồng Kỳ ở buồng trong. Nhã bước vào, cúi đầu chào với dáng điệu rất lịch sự.

- Anh em yêu cầu tôi chơi một vài bản nhạc. Chủ nhân có thể cho chúng tôi sử dụng cây đàn và gian phòng này mươi lăm phút không?... Không ngờ anh Năm có cây đàn tốt quá!

Anh Năm tươi cười chìa cả hai tay về phía chiếc dương cầm:

- Mời các bạn cứ tự nhiên. Bọn mình ngồi đây nghe nhờ được chứ!

- Càng vui.

Nhã ngồi vào ghế, nhấn thử mấy phím đàn. Anh chưa biết chọn bản nhạc nào. Từ phía Nhà Thờ lớn, bỗng vang lên những tiếng chuông điểm khắc lảnh lót. Những tiếng chuông đã làm cho anh nghĩ tới một bản nhạc được anh yêu thích từ ngày xưa, bản nhạc: "Lời khẩn cầu của cô gái đồng trinh". Những ngón tay anh bắt đầu chạy trên những phím đàn.

Gian phòng đang im lặng bỗng vang lên những âm thanh trầm bổng, dìu dặt, vừa thiết tha, vừa thành kính như những lời cầu nguyện. Hòa vào với giai điệu này là những hợp âm phụ rất nhanh, dạt dào như những gợn sóng lăn tăn trên mặt hồ trước làn gió mạnh, ríu rít như hạt mưa mau, có lúc bay lên cao vút như muốn biến vào thinh không, có lúc trầm lắng rì rầm như tiếng suối chảy dưới thung sâu.

Hình ảnh một cô gái trinh bạch, mặt chiếc áo trắng như tuyết, qỳ trên thềm nhà thờ, ngước cao đôi mắt nhìn tượng Đức Mẹ lung linh giữa hàng bạch lập, cất tiếng cầu nguyện cho hạnh phúc, cho tình yêu, cho tuổi trẻ, cho cuộc sống yên lành... hiện lên trước mắt mọi người.

Không biết là tại không khí khác thường của một thành phố ban đêm vắng lặng hay tại mọi người đang sống trong những giây phút căng thẳng chờ đợi một biến cố lớn lao mà tiếng đàn bỗng mang lại một hiệu quả đặc biệt. âm thanh của cây đàn như chế ngự cả không gian và thời gian. Thời gian đọng lại. Không gian thêm mênh mông. Màu sắc trong gian phòng dường như cũng thay đổi cùng với âm thanh. Khi là ánh sáng rực rỡ của muôn ngàn ngọn nến lung linh. Khi là màu xanh huyền hoặc của ánh trăng. Khi là màu trắng tinh khiết của những bông huệ. Khi là màu đỏ của đóa hồng rung rinh trước gió.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #12 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2008, 05:51:19 am »

Mấy anh tự vệ không ai bảo ai đã ngồi dựa lưng vào tường, mắt lơ mơ nhìn theo làn khói thuốc lá.
Hai chị em Tuyết Lan, Tuyết Mai đã xuất hiện từ lúc nào trước cửa. Cô em dần dần nhích lại gần chiếc dương cầm, cặp mắt không rời anh tự vệ đội cái mũ ca lô bằng dạ tím, dính ngôi sao vàng rung rinh, khẩu súng ngắn lúc lắc bên người, chân đi giày ghệt nhà binh, đang mê mải với phím đàn.

Bản nhạc đã kết thúc. Nhã ngẩng đầu lên bắt gặp cặp mắt xanh của cô gái, dịu hiền như mắt Đức Bà, đang nhìn mình... ồ, thì ra từ nãy đến giờ mình đang nói lên lời cầu nguyện của chính cô gái này. Một ánh sáng tinh nghịch lóe lên trong đôi mắt anh. Anh lại cúi xuống cây đàn.
âm thanh đã hoàn toàn đổi khác. Bây giờ là tiếng đàn đáy, tiếng đàn bầu hòa với nhịp sênh, nhịp phách, những âm giai ngũ cung Việt Nam, của ca trù đã thay thế cho những tiếng nhạc phương Tây.

Sau khúc dạo đầu, gọng nam trung của Nhã cất lên:

Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu, Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Ngyên...


Nhã muốn nói với cô gái: bây giờ tôi đáp lại lời nguyện cầu của cô. Mời cô trở lại dòng suối hoa đào thời xa xưa với hai chàng Lưu Nguyễn.

Thiên thai! Chốn ấy hoa xuân chưa gặp
bướm trần gian
Có một mùa đào, dòng ngày tháng, chưa tàn
 qua một lần...


Tiếng hát đã làm cho âm thanh gần gụi hơn, thân thuộc hơn.

Hình như tiếng hát và tiếng đàn chứ không phải làn gió dông dang rì rào chạy trên những vòm cây sấu, làm rung những sợi dây điện dăng hàng và lắt lay những ngọn đèn đường màu vàng nhạt bên ngoài cửa sổ.

Một giọng nữ cao cũng bất thần vút lên, hòa vào với giọng nam trung của Nhã.

Thiên tiên chúng em xin dâng hai chàng trái
 đào thơm

Khúc Nghê thường này đều cùng múa vui
 bày tiên theo đàn...


Không phải chỉ có thêm Tuyết Mai hát mà mọi người đều cảm thấy qua giọng hát của người thứ hai này, chính mình đã lên tiếng hòa vào bài hát.

Gió hát trầm tiếng ca
Tiếng phách giòn lắng xa
Nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta...


Phong đã quên đi tất cả mọi chuyện dồn dập bắt anh phải lo âu, căng thẳng suy nghĩ mấy ngày hôm nay. Đầu óc anh dịu hẳn lại như vừa được một thứ thuốc an thần tuyệt vời. Anh quên mình đang ở đâu và đang chuẩn bị làm gì...,
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #13 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2008, 05:53:13 am »

Một tiếng nổ lớn làm rung chuyển ngôi nhà.
Ngọn đèn điện trong buồng phụt tắt.
Tiếng đàn, tiếng hát ngừng bặt.

Mọi người nhìn ra ngoài. Cả vòm trời tối đen. Không phải chỉ ngôi nhà này mất điện mà cả thành phố.
Có mấy tiếng súng lớn.
- Pháo đài Láng bắn rồi! - Một người nào đó kêu như reo.

Sau đó, tiếng súng liên thanh, súng trường vang lên khắp nơi như tiếng pháo đêm giao thừa.

Linh tính báo với họ là chiến tranh đã nổ ra. Chiến tranh thực sự. Từ một tháng nay, Hà Nội thỉnh thoảng lại có súng nổ. Nhưng chưa bao giờ tiếng súng nổ cùng một lúc thành phố mất điện toàn hoàn. Và lần đầu, có tiếng súng lớn. Tiếng súng lớn! Đó là báo hiệu của chiến tranh lớn. Không bên nào dám dùng đến súng lớn ở Thủ đô nếu chưa phải là chiến tranh.

Phong đã ra khỏi giấc mơ phiêu diêu dọc theo một con suối có hoa đào nở bốn mùa với những nàng tiên múa hát, quay về thực tại. Anh lắng tai mong chờ tiếng súng lắng đi hay ngừng lại. Nhưng nó bùng lên và lan rộng rất nhanh như một phản ứng dây chuyền.

- Đánh?

- Đánh rồi!...

Không ai phản đối. Mọi người đã công nhận thực tại.

Nhã đứng lên rời cây đàn, ra lệnh:

- Hai đồng chí được phân công đốt mìn xuống hạ cây ngay, hạ cây sấu trước cửa nhà. Chú ý bọn địch bên nhà Moóc-li-e.

- Mìn dẻo đâu rồi? - Một người hỏi.

- Ai giữ mìn dẻo?

Không ai đáp. Mọi người lúng túng.

- Chết cha! - Nhã lầm bầm. Rồi anh quát to: "Đồng chí nào giữ mìn đó?".

Một tiếng trả lời từa phía cửa sổ:

- Tôi... tôi giữ đây.

Anh ta đứng gác mải quan sát nên bây giờ mới nghe rõ.

- Không phải gác nữa! - Nhã nói - Để đấy cho bọn mình. Cậu xuống với anh em hạ cây. Chú ý làm thế nào cho cây đổ ngang mặt đường. Hạ tiếp thêm một cây nữa trước nhà Moóc-li-e. Ai không có súng và lựu đạn xuống cả dưới nhà, khi có lệnh thì xung phong.

Một ánh sáng hồng ngoài cửa sổ, soi vào căn phòng. Chắc đã có nơi nào cháy. Phong nhìn thấy Tuyết Lan đứng nép bên anh Năm. Tuyết Mai vẫn đứng chỗ cũ, kề bên chiếc dương cầm.

Phong lại bên anh Năm nói:

- Đồng chí trung đội trưởng bảo tôi nói với anh, nếu súng nổ nhiều thì anh và anh Hồng Kỳ sang bên dãy số lẻ.

Anh Năm cuống quýt:

- Đúng rồi! Hai chị em cô vào thu xếp ngay. Tôi gọi Hồng Kỳ. thu xếp thật nhanh, lát nữa không qua đường được đâu. Tôi và Hồng Kỳ sẽ làm việc với ban chỉ huy trung đội bên số lẻ.

- Mang theo cái gì bây giờ? Em Mai nó bảo cứ ở đây... - Tiếng Tuyết Lan.

Anh Năm gắt:

- Không đi thì mặc? Mang theo tư trang, quần áo. Sang bên kia đường rồi, không quay về được.

Anh Năm kéo Tuyết Lan đi.Tuyết Lan kéo Tuyết Mai. Tuyết Mai giụt tay lại nhưng rồi cũng lững thững đi theo vào buồng trong. Phong không hiểu có chuyện bất đồng gì giữa họ.

Nhã nhìn quanh, lẩm bẩm nhắc tên từng người để kiểm tra xem còn lại những ai.

- Có tất cả mấy quả lựu đạn nhỉ? - Nhã hỏi.

Những người có lựu đạn lên tiếng.

- Được rồi! Bảy quả. Xe đầu, ta ném ba quả cho ăn chắc. Còn bốn quả để dành cho hai xe sau, mỗi xe hai quả. Đợt đầu, tôi, đồng chí Bảo, đồng chí Nghĩa mỗi người ném một quả lựu đạn. Ai có súng ngắn, súng trường, mỗi người bắn một phát. Ba quả lựu đạn, năm phát súng... Tây chết hết! Chờ có tiếng cây đổ thì ra ngoài bố trí. Nhớ ngồi xổm, không ghé đẩua ngoài nhi...ề...u.

Những tiếng cuối cùng Nhã nói lập cập, như người hụt hơi. Hay là anh ta sợ, Phong nghĩ. Anh mong là mình nghe lầm. Cả chỗ dựa của tiểu đội lúc này là Nhã.

Mọi người im lặng. Phong nghe rõ những hơi thở mạnh, trong đó có cả tiếng thở của mình. Cuộc chiến đấu sắp bắt đầu. Liệu mình có bị trúng ngay một phát đạn trước khi làm được một việc gì không?...

- Mìn nổ chưa nhỉ? - Nhã hỏi.

- Chưa thấy gì. - Một người đáp.

- Làm ăn thế nào mà lâu thế?

Phong chạy ra cửa sổ, ngó xuống đường. Đường phố vẫn trống trơn, chạy thông thống suốt từ nhà Moóc-li-e ra cửa Nhà Thờ lớn.

Phong quay vào đã thấy một anh tự vệ ngồi bên Nhã đang báo cáo:

- Bọn tôi tra đây cháy chậm, đốt hai lần, mìn vẫn không nổ. Chúng tôi dùng choòng đào gốc nhưng đất rắn lắm, có đào hết đêm chưa chắc nó đã đổ.

Nhã ngồi đực ra một lát, rồi nói:

- Mặc cha nó! Các cậu vào cả trong nhà, im lặng, tớ hô xung phong thì lao ra.

Anh tự vệ đi ra cầu thang, dò từng bậc xuống nhà.

Nhã khoát tay bảo mọi người:

- Ra bố trí. Xe ở nhà Moóc-li-e ra, hay ở Tràng Thi vào là đánh. Đợt đầu, tôi, Bảo, Nghĩa ném lựu đạn.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #14 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2008, 05:54:34 am »

Bảy người ngồi chen chúc nhau bên hai cái cửa sổ. Hai anh có súng trường, hết quỳ lại ngồi, lựa tư thế bắn. Phong ngoắc quai dây súng ngắn vào cổ tay, sợ lát nữa khi súng nổ nnó có thể tuột khỏi tay mình.
Anh thò nòng súng qua khe chấn song, nhắm xuống một chỗ trống trên mặt đường. Anh thấy tay mình run quá. Anh đặt nòng súng lên cái dóng ngang cho có chỗ tựa. Nhưng cái nòng súng bé nhỏ cứ nhảy lên liên hồi. Hai vật bằng sắt thép va chạm vào nhau thành những tiếng lách cách rất gấp. Anh phải rụt nòng súng khỏi điểm tựa, và đưa mắt nhìn người bên cạnh, sợ anh ta nhận thấy sự khiếp đảm của mình. Cậu này đang ngồi thu lu, bó gối với một quả lựu đạn trong tay. Phong nghe thấy hai hàm răng cậu ta đánh vào nhau lập cập. Cậu ta cũng sợ chứ không phải chỉ có mình. Cậu ta quay lại nhìn anh, nói không ra tiếng:

- R..e...é...t qu...á!

- Rét thật.

Phong nói mà không nghe rõ tiếng nổi của mình. Trái tim nhộn nhạo làm anh nói không thành tiếng.
Một cậu nào đó đang thở phì phò như lò bễ.

Nhã lom khom lách người đi ngó hai bên cửa sổ. Anh vấp phải Phong. Nhận ra Phong, anh cúi xuống ghé vào tai:

- Mẹ cha nó! Chưa bao giờ mình run như lần này!

Lời thú nhận của Nhã làm cho Phong yên tâm. Cả cậu ấy cũng sợ thì chắc đây chỉ là tâm lý chung của con người trước giờ chiến đấu.

Có tiếng động cơ phía Tràng Thi vọng lại. Tiếng ầm ầm mỗi lúc một to, giống như tiếng xe xích. Nó chạy thẳng ra Bờ Hồ hay nó sẽ quành về phía này?

Tiếng xích nạo mặt đường tạo nên một âm thanh ghê rợn.

Đột nhiên, hai ánh đèn pha sáng rực cuối phố.

- Nó đấy!

- Háp-tơ-rắc!

Mấy người cùng thốt lên.

Phong vội đặt tay vào cò súng. Cái nòng súng rung mạnh như không chịu sự điều khiển của anh.

Mặt đường sáng rực lên. Phong nhìn rõ cả những chiếc lá sấu. Luồng ánh sáng của hai ngọn đèn pha làm cho mắt bị lòa đi. Tiếng xích sắp nghiến mặt đường như siết vào màng tai.

Rồi mặt đường tối sầm lại rất nhanh. Cái xe xích đã chạy vụt qua. Nó phóng nhanh đến nỗi mọi người không kịp phản ứng. Kế hoạch của họ đã bị lỡ.

Một tiếng nổ vang lên. Nhã cúi đầu xuống như để phòng địch bắn trả. Anh vừa bắn một phát vuốt đuôi.
Tiếng súng của anh bị chìm đi trong muôn ngàn tiếng súng râm ran khắp thành phố.

Khói súng phả vào mũi mọi người một mùi nồng nồng. Nó như một thứ men kích thích làm cho Phong cảm thấy bớt sợ.

- Mẹ cha nó! Nhanh quá - Nhã nói.

- Nhanh thật! - Phong nói tiếp để giải thích cho hành động chậm chạp của mình.

Cùng một lúc mấy cái đầu ló lên khỏi cửa sổ nhìn theo con mồi họ chưa kịp vồ.
Chiếc xe xích lao vào trong sân nhà Moóc-li-e. Đường nét của ngôi nhà sáng bừng lên trước ánh đèn pha.

Bỗng từ đó vẳng lại những tiếng gào to: Moọc...li...e...! Moọc...li...e...!".
Rồi lại những tiếng: "Moọc...li...e!  Moọc...li..e!" rền vang.

Tiếp theo là tiếng giày đinh chạy lạo xạo trên sỏi.

- Nó sẽ quay lại. Cánh ta phải bình tĩnh. Chộp cho đúng đầu thằng Moóc-li-e. Phen này ăn to đấy!

Giọng nói của Nhã đã gần trở lại bình thường, tuy chưa giấu được cảm xúc.

Phong thấy bàn tay bớt run. Bây giờ anh mới nhớ ra là mình vẫn chưa lên đạn. Anh kéo nòng súng. Viên đạn nhỏ nhảy lên nòng một cách nhẹ nhàng. Ta không cần dựa nòng súng vào dóng ngang nữa. Chờ cái xe chạy đến trước cửa, ta sẽ đứng thẳng người bắn một phát vào khoang xe, rồi thụp nhanh xuống như Nhã vừa làm.

Đường phố lại sáng rực lên. Hai ngọn đèn pha vẫn làm cho mắt họ lòa đi. Chẳng cần tập trung nhìn vào nó làm gì. Mình không cần đến hai ngọn đèn. Cái mình cần là thùng xe ở phía sau. Ban nãy, anh đã không kịp nhìn thấy trong thùng xe có mấy tên lính Pháp.

Chiếc xe lao về phía họ cũng nhanh như lúc chạy vào.

Khi nó đi ngang cửa, một loạt lựu đạn từ cửa sổ tới tấp lăng xuống. Phong thấy cậu ngồi bên cạnh chồm người lên và vung tay. Anh cũng chồm lên, nhắm nòng súng về phía thùng xe bắn liền hai phát. Anh nhìn thấy những bóng đen lố nhố. Đầu đứa nào cũng đội mũ sắt.

Người nổ súng đầu tiên chính là Phong. Tiếp theo phát súng của anh là một loạt những phát súng khác khá giòn giã.

Họ chờ mãi không thấy một tiếng lựu đạn nào nổ. Chiếc xe vẫn tiếp tục lao về phía Nhà Thờ lớn. Nó rẽ ngoặt về phía Tràng thi. Bọn lính Pháp trên xe không bắn trả phát nào. Chúng sợ họ? Chúng không muốn chiến đấu dây dưa để đưa nhanh chủ tướng về thành? Hay chúng phải đối phó với mấy quả lựu đạn chưa nổ rơi trúng thùng xe?...

Tiếng động cơ nhỏ dần. Có lúc nó rống lên như một con vật bị đạn. Trận đánh đầu tiên của họ đã kết thúc.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #15 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2008, 08:08:17 pm »

Đôi lúc tiếng súng lắng dịu. Người ta hy vọng giống như mọi lần sự yên tĩnh đang trở lại. Nhưng rồi nó lại rộ lên mãnh liệt hơn. Giống như một trận bão, gió đổ về từng đợt, đợt sau dữ dội hơn đợt trước.
Khung trời ngoài cửa sổ đỏ rực lên như lúc hừng đông.

Bọn lính Pháp đóng ở nhà Moóc-li-e thỉnh thoảng lại tuôn ra một tràng liên thanh dọc con đường phố Nhà Thờ, dãy số nhà chẵn và lẻ đã bị cắt đôi. Từ lúc nổ súng đến nửa đêm, không còn một chiếc xe nào chạy qua đường phố.

Tiếng súng nổ đột nhiên có vẻ gần hơn. Những tiếng nổ choang choác ngay trên nócnhà.

Nhã bảo Phong:

- Cậu biết địa thế khu này, vào nhà trong, nơi hai cô Kiều ở, trèo lên gác thượng xem tình hình đánh đấm như thế nào. Ngồi trong nhà này cứ như ngồi trong hũ.

Gác trong vắng ngắt. Có lẽ anh Năm và những người thân chắc đã sang cả bên số chẵn. Các buồng, cửa đều khóa chặt. Phong chợt nhìn thấy bóng một cô gái ở gác ba, trong buồng Tuyết Lan. Phong định gõ cửa khuyên hai chị em nên xuống nhà dưới cho đỡ nguy hiểm. Nhưng cánh cửa đã mở. Tuyết Mai đứng nhìn anh.

- Chị Lan đâu cô Mai?

- Chị em sang bên số chẵn rồi.

- Tại sao cô còn ở lại?

- Em không đi.

- Cô phải xuống nhà dưới, đề phòng địch bắn đại bác.

- Anh xin cho em vào tự vệ được không? Em muốn vào tiểu đội anh.

- Cô nên đi theo anh Năm.

- Em không đi theo anh Năm. Em muốn ở lại Hà Nội...

- Anh Năm cũng ở lại Hà Nội?

- Nhưng... em muốn ở đây.

- Tùy cô... Cô xuống nói chuyện với anh Nhã.

Phong bỏ Mai ở đó, leo vội lên gác thượng vì nghe tiếng súng nổ quá gần. Nhìn lại, thấy Mai vẫn đứng ở chân cầu thang, Phong giục:

- Xuống gặp anh Nhã ngay đi! Nó sắp đánh đến nơi rồi.

Trước cô gái ngây thơ này, anh tự thấy mình là người am hiểu.

Phong đứng trên gác thượng nhìn quanh. Bốn phía đều có những vầng lửa. Những đám mây trên trời cũng nhuốm hồng màu lửa. Súng nổ râm ran khắp nơi. Chỗ này vừa lắng xuống, chỗ kia lại rộ lên. Những tiếng nổ dữ dội mà anh vừa nghe thấy là ở phía Bờ Hồ, cách đây theo đường chim bay chỉ khoảng một trăm mét. Những luồng đạn lửa đan nhau. Những tiếng nổ như xé màng tai. Phong đã nhận ra đó là đồn công an quận I . Nhà Moóc-li-e nằm giã phố Hàng Trống. Mấy ngày hôm nay xe của Pháp từ Tràng Thi và các phía tới nhà Moóc-li-e vẫn phải đi theo phố Nhà Thờ, qua trước cửa nhà anh, vì có đồn công an đóng ngay đầu phố Hàng Trống. Quân Pháp đã mở cuộc tiến công vào khu phố của họ bắt đầu từ đồn công an Quận I. Những khẩu đại liên của chúng đang chõ cả vào đấy mà tuôn đạn như mưa. Ta bắn trả bằng những loạt súng ngắn, những phát súng trường. Trận đánh xem chừng ác liệt.

Anh hoàn toàn hết hy vọng cuộc chiến đấu đêm nay sẽ sớm kết thúc. Đây đúng là chiến tranh. Chiến tranh đã diễn ra ở khắp thành phố, ở tất cả những nơi có ta và địch đóng quân. Một mũi nhọn của cuộc chiến tranh đang trực tiếp nhằm vào khu phố của anh.

Phong ngước mắt nhìn bầu trời. Ngoài những đám mây phản chiếu ánh lửa đỏ hồng, trời chi chít những vì sao. Những cặp mắt thiên thần từ vô cùng xa xôi ấy đang nhìn về trần thế lo lắng. Cuộc chiến tranh này sẽ kéo dài đến bao giờ? Có lẽ không phải vàingày, một tuần. Mẹ anh và các em anh ở ngoài kia sẽ ra sao? Mối dây liên hệ giữa gia đình anh với gia đình ông bà Toàn Thịnh chính là anh. Nếu bây giờ mối liên hệ đó bị cắt? Sẽ không thể nào còn sự quan hệ chặt chẽ giữa hai gia đình. Mẹ anh chỉ có một vốn liếng rất nhỏ. Gia đình anh làm cách nào mà sống qua ngày nếu chiến tranh kéo dài? Dễ gì anh ra khỏi cái biển lửa này? Có thể anh sẽ ngã xuống vì một viên đạn. Chính anh đã tự dẫn mình vào cuộc hiểm nguy. Anh làm như vậy là đúng hay sai? Anh không có thời giờ để nghĩ đến chuyện, đúng, nhưng lúc này có biết bao người đang lo lắng vì anh...

Phong nhớ đến Dung.

Dung là con gái đầu lòng của ông bà Toàn Thịnh. Những ngày đầu Phong đến dạy học cho cậu em. Dung tỏ vẻ lãnh đạm. Anh có cảm giác cô gái nhìm mình như một người làm thuê. Vết thương lòng của anh đối với Kiều Oanh còn chưa hàn gắn. Như một con chim phải tên, anh xa lánh những cô gái con nhà giàu. Phong đáp lại thái độ lãnh đạm của Dung bằng những cử chỉ lễ độ khi chào hỏi, và không bao giờ anh gợi chuyện, thậm chí không bao giờ anh tỏ ra chú ý đến cô. Bà Toàn Thịnh có lúc nói đùa với chồng: "Cậu giáo nhà này thanh niên chưa vợ mà có vẻ đứng đắn hơn cả ông".

Đã quen với cảnh những chàng trai lẽo đẽo theo mình từ khi rời trường học đến lúc về nhà, thái độ dửng dưng của người thanh niên nghèo làm cô gái phải để tâm. Dung chủ động hỏi han anh. Cô nói với mẹ bảo cậu giáo đưa mình và em đi xem xi-nê, xem hát. Nhưng cô vẫn không làm cho Phong thay đổi thái độ đã có từ lúc ban đầu.

Phong biết cô gái chú ý đến mình. Được một người con gái như vậy có cảm tình đâu phải là điều không may mắn. Nhưng anh đã đoán trước cái chung cục. Anh không dám thử thách số phận một lần nữa. Tình trạng giữa hai người trở nên căng thẳng. Dung tỏ vẻ hờn giận anh.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #16 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2008, 08:11:16 pm »

Một tuần, Phong bị cảm lạnh, phải nghỉ ở nhà. Bữa ấy, anh đang nằm trong buồng, chợt nghe tiếng Dung nói với mẹ ở sân trước:

- Thưa bà, cậu mợ cháu bảo cháu tới thăm anh Phong".

Mẹ anh xuýt xoa:

- Trời ơi! Quý hóa quá, tôi đã lên báo với ông bà là em nó đã khỏi rồi, sắp đi làm, vậy mà ông bà chu đáo quá, vẫn bắt cô xuống.

Mẹ Phong dẫn Dung vào buồng.

Dung đặt trên bàn mấy trái cam, tươi cười nói:

- Cậu mợ em bận, bảo em xuống xem anh đã thực khỏe chưa. Nếu anh chưa khỏe hẳn thì cứ nghỉ tiếp ít ngày. ở nhà, em sẽ bảo em nó học.

Cô gái chuyện trò với anh bằng những lời lẽ dịu dàng, rất dễ thương. Khi mẹ anh vừa ra khỏi buồng, giọng cô gái trở nên ráo hoảnh:

- Cậu mợ tôi không bảo tôi xuống! Các cụ đã biết anh khỏi bệnh và sắp đi làm. Tôi tự xuống đây vì có việc cần phải báo với anh...

Sự thay đổi thái độ đột ngột của cô gái làm Phong ngạc nhiên.

Dung nói tiếp:

- Tôi thấy phải nói cho anh biết là có kẻ đang định hại anh...

Phong lại càng ngơ ngác nhìn cô.

- Anh có biết thằng Sếu không? - Dung hỏi.

- Có - Phong vừa đáp vừa gật đầu - Em Luyến có trỏ cho tôi một đôi lần, nhưng thực tình tôi không chú ý lắm.

Phong đã nhớ tới một anh chàng cao gầy, hay đeo chiếc ca vát màu huyết dụ, mặc quần "gọn" , không biết ở đâu, thường có lúc đứng hàng giờ ở gốc cây bàng xế bên kia đường, đăm đăm nhìn sang cửa sổ buồng học của Dung. Có những thanh niên muốn tỏ tình theo kiểu này, bày tỏ sự si mê của mình trong im lặng để làm rung động trái tim người đẹp. Luyến đặt tên anh chàng này là "thằng Sếu".
Dung nói:

- Anh chú ý hắn, phải đề phòng và tốt nhất là nên lánh xa mỗi khi gặp hắn, vì hắn dọa sẽ giết anh.

- Giết tôi?

- Nó dọa giết anh vì nó thấy anh đi với tôi một đôi lần... Nó chạy theo tán tỉnh tôi, tôi mắng nó. Nó nghĩ là tôi... có cảm tình với anh, nên cự tuyệt nó... Đấy là tự nó nghĩ ra như thế... Nó bảo với tôi, nó sẽ giết anh. Tôi thấy có bổn phận phải báo anh biết để anh đề phòng.

Phong lúng túng:

- Tôi rất cảm ơn cô.

- Anh cảm ơn tôi à...? Tôi không dám nhận lời cảm ơn của anh... - Giọng nói của Dung như nghẹn lại - Thôi chào anh, tôi về.

Dung vụt ra khỏi buồng như người bỏ chạy.

Dung không chuyện trò với Phong, không cùng Luyến đi xem chiếu bóng, xem hát với anh nữa. Nhưng tới khi có lệnh tản cư, cô xuống nhà Phong một lần nữa; cô gặp mẹ Phong, nói gia đình mình gia đình Phong cùng đi tản cư một chỗ. Tất nhiên, mẹ Phong không bao giờ từ chối một dịp may như thế.

Từ ngày đi tản cư. Phong đã trở nên dịu dàng với cô gái mà trước đây anh xa lánh vì anh nghĩ đóa hoa đẹp này ở một cành quá cao. Cách đây ba hôm, chính Dung đã nằn nì với anh:

- Mợ em không ăn không ngủ được vì chuyện thằng Luyến trốn về Hà Nội. Nếu không có anh thì chính em phải đi tìm nó. Em không muốn anh về trong đó chút nào, nhưng trong trường hợp này, mong anh giúp em... Anh đi đường phải hết sức cẩn thận...

Anh đã không thực hiện được lời đã hứa với ông bà Toàn Thịnh và nhất là với Dung. Nhưng lúc này Phong không băn khoăn vì điều đó. Anh tự trách mình về thái độ đối với cô gái. Lần đầu trong đời, anh được một cô gái bày tỏ tình yêu... Nếu mình không trở về, không còn có dịp gặp lại Dung thì đó là điều đáng ân hận biết chừng nào...!

Bỗng chốc anh thấy tâm hồn trống rỗng, cô đơn...

Phong giật mình vì một viên đạn réo gần. Có thể là một viên đạn lạc. Anh nhớ ra nhiệm vụ lên đây quan sát để trở về báo cáo với Nhã...

Mắt Phong rời khỏi những vì sao trên bầu trời. Anh đưa mắt nhìn quanh một lần nữa. Cuộc chiến đấu ở đồn công an Quận I có vẻ mỗi lúc càng ác liệt. Súng địch bắn dữ hơn, súng ta bắn trả thưa thớt hơn. Ngoài ra, anh không nhận được cuộc chiến đấu đang diễn ra ở những đâu, những nơi nào đang bốc cháy. Những tiếng súng chìm sâu dưới chân anh. Anh chưa bao giờ nhìn thành phố ở một độ cao như thế này. Chỉ thấy những mái nhà màu nâu hồng, những sân thượng, những lùm cây nhỏ con con. Anh không phân biệt được cả những ngôi nhà mà anh thường ngày qua lại.

Phong quay xuống tầng dưới thuật lại những gì anh đã nhìn thấy với Nhã. Nhã có vẻ lo lắng.
Tuyết Mai mặc một cái áo khoác bằng nhung đen ngồi thu lu ở góc nhà, bên cạnh là ngọn đèn dầu cô mới đem từ trên gác xuống. Chắc Mai đã được Nhã chấp thuận cho vào tiểu đội.

Nhã bỗng hỏi:

- Sao bên số chẵn họ không phá cây nhỉ?

Cả tiểu đội lao xao bàn tán:

- Có lẽ họ cũng như mình, đốt mìn nhưng mìn không nổ!

- Lúc chúng mình đánh xe, không thấy tiểu đội 1 tham gia.

- Các ông bên ấy cứ im lặng như tờ.

- Hay là họ kéo đi đâu rồi?

Tuyết Mai ngồi bên ngọn đèn bỗng quay mặt về phía bóng tối.

Nhã lẩm bẩm:

- Không biết các ông ấy làm ăn thế nào? Đã bàn, đoạn trên chặn, đoạn dưới cũng chặn thì xe nó mới không chạy thoát.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #17 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2008, 08:15:24 pm »

Phong đang ngồi tự lưng vào tường bỗng nghe những tiếng cậm kịch ở nhà bên. Hình như có người đang đục tường. Phong biết nhà bên cạnh đã tản cư hết. Ban chiều, khi đi qua nhà này, Phong thấy không còn ai. Anh bảo Nhã:

- Có cái gì ở nhà bên, tôi chạy sang coi.

Phong rút khẩu súng trong túi ra.

Cậu tự vệ ban nãy ngồi cạnh Phong nói:

- Tôi cùng đi với anh.

Hai người vào nhà trong. Họ chui qua lỗ tường đục sẵn, lọt sang khu vườn nhà hàng xóm. Phong ra hiệu cho người bạn đừng lại. Họ dỏng tai về phía nhà trên lắng nghe. Rõ ràng có tiếng người. Có thể là người mình. Nhưng cần phải nghe rõ tiếng nói của họ. Vì quân Pháp cũng chỉ ở cách họ có mấy nhà.
Phong rón rén đi qua vườn, vào giáp căn nhà bếp.

Không còn nghe thấy những tiếng thình tịch bên trong. Bỗng có tiếng người nói:

- Hầm chứa củi chứ không phải lỗ ăn thông sang nhà bên.

- Chỗ trên nhà, tường chắc lắm.

- Tìm nữa đi! Tự vệ nói cả phố này đều có đường thông bên trong nhà. Nếu không có, công kênh nhau lên mà vượt tường...

Người của mình rồi! Nhưng không phải là tự vệ ở phố này. Họ không biết lối thông qua tường ở sâu phía trong. Phong lên tiếng:

- Các đồng chí ở đâu đấy?

Im lặng.

Một lát có tiếng người bên trong hỏi lại:

- Ai nói đấy?

- Tự vệ phố Nhà Thờ lớn. - Phong đáp.

- Chúng tôi đang đi tìm các đồng chí đây. -Tiếng người bên trong mừng rỡ - Anh em chúng tôi ở đầu phố.

- Các đồng chí mở cửa bếp ra vườn. Lối đi ở ngoài vườn này

Cửa bếp mở. Mấy bóng người chạy ra. Người nào cũng có súng đạn. Họ mặc quần áo công an. Phong hỏi:

- Chắc các đồng chí ở quận I?

- Chúng tôi ở quận I rút về. Ai là chỉ huy của các đồng chí?

- Anh Nhã.

- Cho chúng tôi gặp đồng chí Nhã.

- Các đồng chí theo tôi.

Phía trong nhà kéo tiếp ra hơn chục người. Một anh bị thương, đầu quấn băng trắng, đi phải có người dìu.

Họ đã sang hết bên nhà Phong.

Người vừa nói chuyện với Phong lại hỏi:

- Đồng chí Nhã là trung đội trưởng à?

- Là tiểu đội trưởng. Trung đội trưởng ở dãy nhà bên kia.

- Đồng chí Nhã ở đâu?

- Ở nhà trên.

- Tôi là đồn phó đồn Công an quận I. Đồng chí đồn trưởng bị thương. Đồng chí đưa tôi lên gặp đồng chí Nhã.

Anh quay lại bảo những người kia:

- Các đồng chí ở đây chờ tôi.

Anh đồn phó đi theo Phong lên nhà trên. Phong giới thiệu anh với Nhã.

Anh đồn phó hỏi Nhã:

- Tình hình ở đây như thế nào?

- Súng nổ được một lúc thì Tây đưa háp-tơ-rắc đến đón Moóc-li-e. Chúng tôi đánh vào xe. Vì lựu đạn không nổ nên xe chạy mất. Sau đó, không thấy xe địch đến nữa. Tình hình yên tĩnh. Thỉnh thoảng bọn lính ở nhà Moóc-li-e bắn ra vu vơ.

- Không yên tĩnh đâu đồng chí ạ - Anh đồn phó hạ thấp giọng. - Đồn Công an quận I mất rồi. Chúng tôi là những người cuối cùng rút khỏi đó. Sao các đồng chí chỉ có một tiểu đội?

- Một tiểu đội nữa ở bên kia đường, nhưng không thấy họ động tĩnh gì từ chập tối.

Anh công an trầm ngâm rồi nói:

- Đồn quận I đã mất. Khu phố này không có chiến lũy. Lực lượng chúng tôi và các đồng chí chỉ có thế này, không ngăn được chúng. Thể nào nó cũng phải chiếm phố Nhà Thờ để bảo vệ nhà Moóc-li-e. Theo tôi, chúng ta phải rút, rút vào phía trong chiến lũy ở Ngõ Huyện.

- Phố này vẫn còn dân?

- Sẽ đưa cả dân rút theo...

Hai người tiếp tục bàn bạc kế hoạch rút lui. Họ thống nhất sẽ theo con đường trong nhà, đi về cuối phố, qua nhà nào có dân thì vận động bà con cùng đi. Họ sẽ bố trí canh gác quanh Nhà Thờ, bắt liên lạc với tự vệ ở Ngõ Huyện, rồi tổ chức cho từng người bí mật vượt qua đường, cố gắng không để cho bọn lính ở nhà Moóc-li-e biết.

Phong nhìn lại căn phòng gia đình mình ở lần cuối trước khi đi. Mọi vật đều in sâu những kỷ niệm buồn vui. gia đình anh không có đồ vật gì quý giá. Nhưng có những vật mà bố anh lúc sinh thời, mẹ anh, các em anh, và bản thân anh rất quý. Tim anh thắt lại. Anh là người thay mặt cả gia đình vĩnh biệt những đồ vật thân yêu này, những đồ vật đã trở nên có hồn. Cuộc rút lui đã nói lên tình hình nghiêm trọng. Mấy ngày trước đây, cả Hà Nội đã ầm ầm lên khi Pháp chiếm của ta một ngôi nhà. Bây giờ, ngay tại đây, họ đã phải bỏ cả một khu phố cho quân địch. Rồi ngày mai, khi mặt trời đã đem ánh sáng trả lại thành phố, cuộc chiến đấu sẽ còn quyết liệt hơn, họ sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn.

Khi họ chuyển về đến cuối phố Nhà Thờ lớn, đoàn người đã tăng quá gấp đôi. Dân chúng phần lớn là người giúp việc của các gia đình, ở lại để giữ nhà, nhưng cũng có một số ông bà già, các bác chủ nhà tin rằng chiến tranh sẽ không nổ ra nên không chịu tản cư.

Tự vệ Ngõ Huyện sẵn sàng tiếp nhận họ.

Trước họng súng của quân địch, những người già, những ông bà đứng tuổi, những chị phụ nữ đều trở nên nhanh nhẹn, khéo léo. Cả đoàn người đã vượt qua đường an toàn dưới chân pho tượng Đức Mẹ đứng ôm trong tay Chúa Hài đồng.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #18 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2008, 08:57:58 pm »

Phần 3

Khác hẳn với phía ngoài, bên trong chiến lũy có cả một tổ chức chiến đấu hẳn hoi.

Tự vệ tiếp tục bồi đắp thêm công sự. Quãng quãng lại có một trạm gác. Nhiều ngôi nhà cửa vẫn mở, có ánh đèn dầu,người đi lại nhộn nhịp. Cuộc chiến đấu diễn ra đã mấy tiếng đồng hồ nhưng những người ở đây vẫn bình tĩnh. Hình như họ không lo địch ập đến bất thần. Những ụ đất, những đườnghào và những cây súng phục sẵn mọi nơi sẽ bảo vệ cho họ.

Nhìn qua một cánh cửa để ngỏ, Phong thấy một dãy nồi lớn đặt trên những viên gạch, lửa khói nghi ngút. của ban hỏa thực . Phong bỗng cảm thấy đói. Từ trưa đến giờ anh mới ăn một chiếc bánh mì. Anh tự hỏi bữa sáng mai mình sẽ ăn ở đâu.

Phong nằm  trằn trọc vì lạnh. Bên anh, Nhã đã ngáy vo vo. Tuyết Mai nằm ở góc buồng thỉnh thoảng lại trở mình. Người ta nói thanh niên Sài gòn ra Hà Nội học đều là con cái những nhà giàu có. Nếu đem hoàn cảnh của mình so sánh với cô gái yếu đuối kia thì thật chẳng có gì đáng phàn nàn.

Súng lại nổ mạnh, có phần dữ dội hơn cả lúc ban tối. Lại có một trận đánh đang diễn ra ở đâu? Tiếng xe xích chạy ầm ì trên đường Tràng Thi. Không phải một chiếc mà cả một đoàn xe. Nền nhà dưới lưng anh cũng đang rung chuyển. Tiếng ngáy của ai vừa rống lên nghe thật buồn cười. Dường như tiếng động cơ của những xe xích đang vỗ về họ trong giấc ngủ. Phong lo lắng nghĩ đến ngày mai. Nhưng về đến đây, anh không còn cảm thấy cô đơn.

Các đồng chí công an đã dìu người bị thương vào một trạm xá. Họ sẽ đi bắt liên lạc với nhau. Tiểu đội của Nhã phải đến gặp khu để báo cáo.

Người liên lạc dẫn họ đi quanh co qua những đường phố nhỏ đến một ngôi nhà gác hai tầng, phía trước là một sân rộng.

Nhã nhìn lại tiểu đội rồi bảo Phong:

- Xem phía sau còn ai nữa không, bảo và hết cả trong này.

Phong quay ra nhìn suốt dọc phố, không thấy một ai.

Tiểu đội họ chỉ còn tám người, kể cả Tuyết Mai. Phong không hiểu những người kia đi lạc đường hay họ cố tình rời khỏi hàng ngũ.

Trong nhà, một người độ mũ ca lô tím không có phù hiệu, mặc áo vá rơi xanh, ngồi trước một chiếc bàn giấy lớn, trên đặt ngọn đèn bão. Người đó hỏi:

- Các đồng chí ở đơn vị nào?
Nhã đáp:

- Báo cáo: Chúng tôi ở trung đội Nhà Thờ lớn.
- Sao lại tự ý bỏ trung đội?

Đáp lại câu hỏi hơi xẵng, Nhã nói bình tĩnh:

- Trung đội bỏ chúng tôi chứ chúng tôi có bỏ trung đội đâu!

- Trung đội trưởng của các đồng chí là ai?

- Đồng chí Tám.

- Tám "cua-rơ" phải không? Đồng chí Tám đâu?

- Đồng chí ấy cùng với tiểu đội 1 rút lúc nào chúng tôi không biết. Chúng tôi ở tiểu đội 2 bố trí bên dãy nhà số lẻ.

- Tại sao các đồng chí chưa đánh đã bỏ vị trí?

- Chúng tôi có đánh. Đánh hết nửa số đạn và lựu đạn. Đồn Công an quận I bị địch chiếm. Chung quanh chúing tôi toàn là địch. Các đồng chí công an bảo chúng tôi phải rút vào trong này để tiếp tục chiến đấu.

- Công an quận I mất rồi à? - Người đó càng nói to hơn.

Một người từ phía ngoài nhanh nhẹn đi vào. Đó là một chị mặc chiéc áo véc bằng ki ki, chỉ khoảng hai mươi ba, hai mươi bốn tuổi là cùng. Người ngồi ở bàn đứng vội dậy:

- Báo cáo chị: đồn Công an quận I mất rồi. Tiểu đội ở phố Nhà Thờ chạy về đây.
Chị mặc vét ka ki nói:

- Đồng chí ra đôn đốc các chị em nấu nướng, sáng sớm mai phải có đủ cơm nước cho bộ đội và tự vệ, để tôi nói chuyện với các anh chị đây.

Người đội ca lô vội vã đi ra. Chị mặc áo vét lại bên Nhã.

- Tôi là Thúy Hường, khu phó. Tôi vừa gặp các đồng chí công an quận I bên bệnh xá. Anh em nói là cùng rút với các đồng chí. Các đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ ở khu phố. Vào đây, lại tiếp tục chiến đấu. Tiểu đội các đồng chí còn bao nhiêu người?

- Báo cáo chị: tám người.

- Ngày mai biên chế lại. Sẽ có bộ đội tới chỉ huy các đồng chí.

- Chúng tôi gần hết đạn và lựu đạn rồi.

- Ban quân khí sẽ phát thêm cho các đồng chí. Bây giờ mời các đồng chí đi nghỉ.

Thúy Hường gọi một người liên lạc dẫn họ đi.

Phong vẫn còn ngạc nhiên vì sự bình thản và lời ăn tiếng nói dịu dàng của chị phụ nữ. Nhã chạm khuỷu tay vào người anh:

- Cậu biết bà này không?

- Không.

Người trong Mặt trận Việt Minh đấy. Mình đã nghe bà ấy diễn thuyết một lần.

Nhã quay sang hỏi người liên lạc:

- Cái cậu ca lô tím oai vệ ngồi ở bàn giấy khu là ai đấy?

- Đồng chí Ngự, chánh văn phòng.

- Thằng cha... Đáng ăn mấy cái bợp. Lúc đầu mình lại tưởng nó là khu trưởng...

Nơi nghỉ của họ là trường Gia Long . ở đấy có nhiều đơn vị tự vệ và những anh bộ đội đang ngủ say sưa, mặc tiếng súng vẫn nổ rền.

Mỗi người chọn một chiếc ghế dài làm chỗ nằm.

Nhã tháo khẩu súng ngắn ở thắt lưng, đặt trên ghế làm vật gối đầu. Tuyết Mai cuộn tròn trong chiéc vỏ chăn, gối đầu lên cái xắc nhỏ mà cô mang theo. Cô ấy chuẩn bị cho mình khá chu đáo. Phong bỗng thấy tiếc là ban nãy ở nhà đã không nghĩ gì đến chuyện kiếm một ít đồ dùng cá nhân chuẩn bị cho cách ăn, ở mới.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #19 vào lúc: 29 Tháng Bảy, 2008, 09:01:50 pm »

Họ đã được biên chế vào một trung đội mới do một đồng chí Vệ quốc quân chỉ huy. Thành phần trung đội này gồm đủ mọi loại người: mấy anh Vệ quốc quân, mấy anh công an từ quận I rút về, số khá đông là tự vệ các phố gom nhặt lại, có cả những người như Phong và Tyết Mai trước ngày nổ súng chưa hề là tự vệ.
Trung đội chia làm ba tiểu đội. Nhã, Phong, Tuyết Mai vẫn ở tiểu đội 2. Mai đã trở thành cứu thương của tiểu đội. Không biết cô gái học nghề này từ bao giờ, nhưng cô đã thản nhiên nhận về một túi cấp cứu có in hình chữ thập đỏ với đầy đủ bông băng, thuốc sát trùng, thuốc tiêm và kim tiêm.

Chỉ huy trung đội là Tôn Chỉ, một anh Vệ quốc quân, người Tày, bộ mặt lầm lì.
Hàng ngày, sáng dậy họ nhận mỗi người một nắm cơm đóng khuôn như chiếc bánh chưng. Họ ngồi quây quanh một nồi canh lớn; đó là thức ăn. Sau đó, từ trường Gia Long, họ phân chia nhau đi khắp nơi.
Tiểu đội Phong vẫn quay về hoạt động tại khu vực quen thuộc là phố Nhà Thờ. Tiểu đội trưởng đưa họ lên bố trí ở những ngôi nhà gác, trên sân thượng, có khi trên những mái nhà chung quanh khu vực ta đắp chiến lũy. Trước đây, Phong cứ tưởng bộ đội và tự vệ nấpngay đằng sau chiến lũy bắn ra, hoặc ném lựu đạn để ngăn cản quân địch tiến vào. Nhưng bây giờ anh đã biết phía sau chiến lũy thường chỉ có một người gác. Bản thân chiến lũy không phải là nơi chiến đấu. Chiến lũy chỉ là một vật cản ngăn không cho xe tăng và bộ binh địch vượt qua. Người bảo vệ chiến lũy nằm ở những nơi khác. Những nơi thật bất ngờ. Và những vị trí này cần phải thay đổi luôn.

Đã mấy ngày chiến đấu, tình hình khu vực này vẫn khá yên tĩnh. Thỉnh thoảng mới có một chiếc xe gíp, xe háp-tơ-rắc từ nhà Moóc-li-e ra hoặc từ nơi khác đến chạy ngang phố Nhà Thờ. Chúng phóng rất nhanh. Phải là những tay súng thiện xạ mới có thể hạ được một hai thằng ngồi trong xe. Thường thì họ chỉ nhắm đúng mục tiêu là chiếc xe. Bắn trúng một vậy đang chạy nhanh như vậy ở xa vài chục mét, không phải chuyện dễ dàng. Nếu gây thương vong được cho những tên địch đi trên xe là điều tốt nhất. Nếu chỉ xuyên thủng được vỏ thép của chúng hoặc làm viên đạn réo qua đầu chúng cũng đủ gây cho chúng sự kinh hoàng.

Nhã đã được phát một khẩu súng trường. Nhã và Phong chuyền tay nhau bắn. Họ đã dùng hết vài chục viên đạn nhưng vẫn chưa thấy được kết quả cụ thể trừ thái độ của địch hoảng hốt bắn trả hoặc lao xe thật nhanh.

Điều họ khó hiểu là không biết tại sao bọn địch cứ để cho họ nằm yên, ăn yên, ngủ yên tại khu phố bé nhỏ này. Tại sao chúng chưa đánh thẳng vào chiến lũy? Họ cũng muốn thử thách sức chịu đựng của nó. Tại sao Pháp không ném bom vào khu vực này? Tại sao chúng cũng không bắn đại bác?

Sang ngày thứ ba, có mấy viên đạn súng lớn rơi vào phố Huyện. Hai ngôi nhà bị sập mái. Một viên đạn khóet một lỗ bằng cái thau trên mặt đường. Cũng may chỉ có một con lợn chết. Mấy anh tự vệ bị tức ngực, phải đưa về trạm xá. Người ta nhặt được một viên đạn khổng nồ, và xác định đó là đạn moóc-chi-ê. Đạn moóc-chi-ê, cái chết từ trên trời rơi xuống, bắt đầu đe dọa sự yên lành của những người ở bên trong chiến lũy.

Không biết do đâu Tuyết Mai đã nghĩ ra một sáng kiến: làm cho bảo vệ chống sức ép của moóc-chi-ê. Cô lấy ở Hàng Bông về một số mền chăn và vải màn, cắt thành những mảnh nhỏ, khâu cho mỗi người trong tiểu đội một miếng để buộc trước ngực. Sáng kiến của Tuyết Mai được một số nơi bắt chước. Giữa mùa đông, quần áo nhiều người mỏng manh, có thêm chiếc mền bông đặt trước ngực cũng dễ chịu. Hơn nữa, tặng phẩm do chính bàn tay của cô gái ngoan ngoãn, dịu hiền này làm ra khiến cho mọi chàng trai không thể chối từ. Cả trung đội trưởng Tôn Chỉ vốn đã có áo trấn thủ cũng nhận một áo bảo vệ.

Họ không thấy bóng tiểu đội 1 phố Nhà Thờ lớn ở đâu. Họ không gặp cả những anh chàng trong tiểu đội của họ bị lạc khi từ Nhà Thờ rút sang bên này. Phong không hỏi được tin tức anh Năm, Hồng Kỳ và Tuyết Lan. Người ta nói địch đã bao vây chặt chẽ Liên khu I Hà Nội, nhưng vẫn còn một con đường từ đây rút ra ngoài, con đường đó nằm ở phía bờ sông.

Từ ngày nổ súng, Phong chưa hề nhìn thấy một đơn vị bộ đội nguyên vẹn. Dường như bộ đội ta chỉ có rất ít tại đây. Và họ đã chia ra thành những tổ nhỏ để chỉ huy những đơn vị tự vệ thành, những người dân như anh vừa tập hợp lại sau giờ nổ súng.

Ngày, đêm Hà Nội vẫn ran tiếng súng. Xe tăng, xe cơ giới của địch chạy mỗi ngày càng nhiều. Có lẽ quân Pháp đã giải tỏa được một số con đường và làm chủ thêm nhiều phố ở Hà Nội. Có lẽ chúng đang tỏa ra đánh nhau với ta ở các đầu ô. Tiếng súng nổ vọng về lúc gần, lúc xa.
Một tuần sắp qua.

Buổi sáng, cơm dọn ra có thịt lợn rang.

Nhã reo lên:

- ăn mừng Thiên Chúa giáng sinh anh em ơi! Đêm qua mình chợt nhớ ra là Rê-vây-ông . Mình nằm mơ thấy được ăn một bữa thật ngon. Hôm nay được ăn thật.

Tuyết Mai liếc nhìn Nhã rồi nói:

- Em tưởng chỉ có em đêm qua nhớ Rê-vây-ông.

Nhã không nhìn Thuyết Mai, nói tiếp:

- Đáng lẽ đêmnay khai trương cái "bar" ở Hàng Trống. Phong nhớ không, hôm nọ mình đã mời cậu nếu không đánh nhau thì tối nay đến cửa hàng với mình... Hay là đêm nay ta tổ chức nhảy đi... Mình quên không ôm theo cây đàn. Mình lấy sáu tháng lương hợp đồng của "me" Nhật chỉ mua được hai thứ là khẩu Côn bát và chiếc ắc-coóc-đi-ông. Vứt mất một cái rồi!

Đồng chí đại đội trưởng đến khi họ vừa ăn sáng xong. Anh bảo Tôn Chỉ tập hợp cả trung đội. Mọi người đoán lại có chuyện gì.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM