Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:56:00 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký CCB Xuandao - từ Cánh đồng Chum đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử  (Đọc 21509 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« vào lúc: 05 Tháng Năm, 2012, 01:22:03 pm »

Vài lời phi lộ:

Đã có lời hứa ở đây nên hôm nay em trả nợ. Em chỉ đưa bài viết lên thay CCB Xuandao, mọi hoạt động trả lời/ giao lưu đều do bác Xuandao đảm nhiệm.

Đây là Hồi ký của một người thanh niên Hà Nội, khi nhập ngũ là tiểu đoàn huấn luyện tân binh số 40 thuộc đoàn 1867 của Bộ tư lệnh Thủ Đô. Cùng với lứa bạn bè thanh niên Hà Nội năm đó, CCB Xuandao đã tham gia công cuộc KCCM trong đội hình sư đoàn 316 (F316) - sư đoàn Thổ và góp mặt tại chiến trường Lào, chiến dịch Ban Mê Thuột, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Khi sư đoàn ra Bắc, CCB Xuandao cũng tham gia trong những ngày tháng bảo vệ biên giới phía Bắc.

Một nét khắc họa về CCB Xuandao qua "nét vẽ" của một người khác  Grin:
Trích dẫn
....vài nét về ChúXuanDao: Chú XD tên thật là Đ., trẻ trung, năng động và ... có tác phong như thanh niên. Đặc điểm cố hữu là... lười trả lời email, tin nhắn.... chỉ alo.
Trong suốt 1 năm trời,chú đã không ít lần dẫn tôi đi gặp các đồng đội  đã từng chiến đấu tại K1, K2, K3; bản thân chú còn đi gặp cả Cục trưởng quân y thời 67 -73.... hỏi về bố tôi
Nhưng tất cả như đi vào ngõ cụt khi thông tin về ls Nguyễn Ngọc Hưng chỉ là một số không...
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #1 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2012, 01:23:12 pm »

    
Từ Hòa Bình sang Cánh đồng Chum đến trận mở màn Buôn Ma Thuột lịch sử

                                            
Ngày 30/1/1971
Một mùa Xuân nữa lại đến, Xuân Tân Hợi - 1971. Phố phường Hà Nội rộn ràng, tưng bừng đón Xuân. Dù đang là thời chiến, đón Tết cổ truyền dân tộc vẫn còn đạm bạc, khó khăn. Nhưng Tết đến Xuân về vẫn làm nhà nhà, người người náo nức. Lớp thanh niên còn xôn xao, tất bật, mừng, vui, buồn lẫn lộn khi Xuân này, nhiều người tòng quân ra trận. Mình cũng là người nằm trong số đó. Ngày mai, mùng 5 Tết, mình lên đường nhập ngũ.
Theo phong trào, thấy các anh đi lính trước khoe viết nhật ký, mình tự quyết định làm theo. Bắt đầu từ ngày mai, cố gắng ghi lại đôi dòng nhật ký. Tự nhủ lòng, cuốn nhật ký này sẽ theo mình suốt cuộc đời quân ngũ.  


Ngày 31/1/1971
Thế là hôm nay mình vào bộ đội. Trước Tết đã có đợt ngày 05/01, bọn mình là đợt thứ hai. Gần 500 người con trai tráng đất Hà thành đã về đây tập trung ở xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm thành một tiểu đoàn huấn luyện tân binh mang số hiệu 40 thuộc đoàn 1867 của Bộ tư lệnh Thủ Đô. Quân của tiểu đoàn 40 chủ yếu ở các khu Ba Đình, Hai Bà và huyện Đông Anh, Từ Liêm.
Cùng thời gian này cũng còn có tiểu đoàn 42 nữa, nhưng quân thuộc các khu, huyện Hoàn kiếm, Đống Đa, Gia Lâm, Thanh Trì.


Ngày 6/2/1971
Mấy hôm nay, bọn mình khám lại sức khỏe, toàn loại A hết, không có ai bị loại phải về nhà cả. Đơn vị sắp xếp biên chế, học những bài chính trị đầu tiên. Hôm nay đã nhận quân trang, gạo, thực phẩm để ngày mai số nhập ngũ ngày 31/1 hành quân về tiểu đoàn huấn luyện ở Hòa Bình.


Ngày 7/2/1971
Cuộc hành quân lên Hòa Bình mở đầu trang mới cho tất cả lũ tân binh. Những chàng nội thành chỉ quen đi xa bằng tầu điện, xe đạp; những anh ngoại thành quen đi bộ trên những bờ ruộng, cánh đồng êm ái nay phải thử sức trên đường đồi núi và trên vai là chiếc ba lô nặng chưa quen này. Lúc đầu thì đi hăng lắm, chuyện trò rôm rả, cười nói râm ran. Tiếng thứ hai trở đi thì hết nói. Thở phì phò, suýt soa kêu mỏi, kêu đau. Đường chưa phải đã xa, nhưng do chưa được rèn luyện nên mệt quá. Vai đau rát, ê cả lưng, chân mỏi nhừ và chán nữa. Đến gần sân bay Hòa Lạc, thằng Long trổ tài dân vận, nhẩy phốc lên xe đạp của một em thôn nữ. Nhưng chỉ được một quãng thì các thủ trưởng yêu cầu xuống, không được nhờ dân vì hành quân là rèn luyện cơ mà. Cặm cụi đi mãi đến chiều tối thì cũng đến nơi trú quân huấn luyện.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #2 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2012, 01:24:08 pm »


Ngày 8/2/1971
Xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình với bản Mon, bản Mô, bản Sâu .. là nơi đóng quân huấn luyện của tiểu đoàn 40. Các bản nằm rải rác trên triền các ngọn đồi trong một thung lũng. Dòng suối Mon chẩy ở chính giữa thung lũng, ngày đêm nước chẩy rì rào. Đứng ở cuối con suối, theo ngược chiều kim đồng hồ thì C1 đóng quân bên kia suối, tiếp đến tiểu đoàn bộ, rồi C2, C4. Duy nhất bên này suối là C3, mà mình là thành viên. Tất cả các C đều ở gần chân các ngọn đồi và cách xa bản dân ở.


Ngày 9/2/1971
Hôm nay chính thức biên chế lại đơn vị, mình là quân của A10, B4. Trung đội trưởng là anh Thức, người dân tộc Mường, quê Thanh Hóa. Đại đội trưởng là ông Hùng, chính trị viên là ông Trọng, quê ở Hải Dương.
Chả hiểu thế nào mà các B khác thì A trưởng là lính nhập ngũ trước ( D 36, 38 ) được đi học lớp hạ sỹ quan, làm A trưởng là chủ yếu. Riêng B4 lại toàn lính mới làm A trưởng. A12 thì có Cao Mạnh Hùng ( Bưởi, Ba Đình ), A11 là Nguyễn Văn Hiệp ( Mai Lâm, Đông Anh ) và A10 là mình phải làm A trưởng. Chắc là tại buổi đầu nhập ngũ trông mấy thằng ngó hiền lành, ăn nói được được chăng.


Ngày 11/2/1971
Mấy hôm nay được ở trong nhà dân. Được các Mế, các on, các ủn chăm lo cũng thấy vui vui, vợi bớt phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. Cũng bắt đầu thấy gò bó vì từ sáng đến tối, suốt ngày giờ giấc làm gì phải theo còi của B trưởng.


Ngày 12/2/1971
Được vài ngày ổn ổn, đỡ ngơ ngác trước rừng xanh, núi đỏ là bắt đầu chính thức đời chiến sỹ tân binh. Mới sáng nay, lính tráng theo chân C trưởng ra một sườn đồi phía cuối con suối Mon. C trưởng chỉ vào đồi:
- Đây là vị trí nhà B1, B2 ... mỗi trung đội làm 1 nhà.
B4 của mình được chỉ chỗ trên và cuối cùng theo đội hình hàng ngang. Lính tráng nhìn lên ngọn đồi, nhìn cây rừng ngút ngát mà ngao ngán. Thì ra phải làm nhà lán để ở, để huấn luyện chứ không được ở nhà dân đâu.


Ngày 13/2/1971
Bắt đầu những chuỗi ngày leo đồi, vào rừng đốn gỗ, chặt tre, nứa về làm nhà lán của từng trung đội.  
Ngày 20/2/1971
Hơn một tuần leo đồi, vào rừng vất vả. Nền nhà đã san xong và bắt đầu dựng cột, kèo làm nhà. Chắc chỉ tuần nữa là xong.  


Ngày 2/3/1971
Hôm nay có thêm quân nhập ngũ ngày 28/02. Bọn nó được ô tô chở thẳng lên Hòa Bình, sướng thế chẳng phải đi bộ như mình. Thế là tiểu đoàn có gần 600 lính tân binh.


Ngày 6/5/1971
Thấm thoắt đã hơn 3 tháng làm nhà, huấn luyện. Hôm nay đại đội kiểm tra bắn đạn thật, bài 1, bia số 4. Kết quả bắn súng tiểu đội mình cũng đạt yêu cầu. Mình cũng được 23 điểm. Trước đấy đã kiểm tra ném lựu đạn, ném xoàng quá nên chỉ đạt yêu cầu.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #3 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2012, 01:26:28 pm »

Ngày 6/6/1971
   Hành quân dã ngoại về Xuân Sơn, Ba Vì để tập bơi. Đi tuốt theo đường 6, gần đến thị xã thì rẽ phải theo dọc sông Đà. Qua Hợp Thành đến Hợp Thịnh thì vào nhà dân nghỉ tối. Ngày mai, leo núi Ba Vì sang Xuân Sơn đến hồ Suối Hai tập bơi.


Ngày 10/7/1971
Hôm nay đại đội kiểm tra bắn đạn thật, bài 2, gọi là bia thằng còm. Trông bia nó như thằng còm thì gọi vậy. Cái khó của bia này là nó chạy, di động trên một đường ngang, phải bắn đón. Bài này bắn AK, nấc liên thanh nhưng chỉ có 6 viên chia cho 3 loạt. Kết quả bắn súng tiểu đội mình cũng đạt khá. Mình cũng bắn trúng 2 viên, đạt loại khá.


Ngày 2/8/1971
Hôm nay đại đội kiểm tra bắn đạn thật, bài 3, bắn đêm. Bài này bắn lỗ châu mai, phía trong có đèn nhưng được che rồi mở giả như địch ở trong lô cốt bắn ra, nên lính ta gọi là bia lập lòe. Cũng bắn AK, nấc liên thanh, 6 viên đạn chia cho 3 loạt như bài 2. Bài này cực khó, nên tiểu đội chỉ đạt yêu cầu. Mình bắn trúng 2 viên, đạt loại khá.
Các anh ở đại đội bảo đây là tiểu đoàn đầu tiên được huấn luyện bắn đủ 3 bài. Không biết còn bài gì nữa. Thời gian huấn luyện quả là dài. Tập tành đủ các khoa mục của bộ binh, bom mìn của công binh, bắn máy bay của phòng không. Lại có cả bài huấn luyện chữa rắn độc cắn bằng thuốc cuối tháng của chị em. Lính tráng nói đùa là tiểu đoàn được huấn luyện kỹ như đặc công cải tiến ấy, oai lắm.

Ngày 16/8/1971
Ngày hôm nay, tiểu đoàn luyện quân dã ngoại lên Kim Bôi. Hình như đi để nhường chỗ cho tiểu đoàn 48, 50 lên huấn luyện thì phải.


Ngày 10/9/1971
   Tạm biệt phố Bưng, thủ đô núi cao rừng thẳm của Kim Bôi. Tạm biệt những vườn cam vàng Cao Phong, hôm nay bọn mình hành quân về xuôi. Chắc chắn là về đâu đấy quanh Hà Nội để chuẩn bị đi chiến đấu mà mọi người cứ gọi chung chung là đi B.
   Tối hôm qua đã có cuộc chia tay cảm động với bà con nơi đóng quân. Các Mế, các On, ủn nói lời động viên, chúc các con, các anh, em chân cứng đá mềm lên đường giết giặc, thắng lợi trở về. Thằng Cảnh ( Giếng Mứt, Bạch Mai ) lên ngâm bài thơ “ Bầm ơi “ làm mọi người cảm động quá, dân bản và bộ đội nhiều người khóc trước lúc chia tay.   


Ngày 12/9/1971
Đơn vị đã về đến xã Đại Kim, Từ Liêm. Lính tráng phấn khởi được nghỉ phép thăm nhà 10 ngày để đi B.

Ngày 24/9/1971
Đã hết 10 ngày phép, sáng nay đến tập trung ở Đại Kim. Chúng nó chưa đến đủ. Chưa phải làm gì, nhớ nhà, bạn bè. Có lẽ ù té về nhà một tý, Chợ Mơ cách có 5 cây số, xa xôi gì đâu.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #4 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2012, 01:28:06 pm »

Ngày 3/10/1971
Tiểu đội đã nghỉ phép và lên đơn vị đầy đủ. Những ngày qua, đã nhận cấp phát quân tư trang, vũ khí để đi chiến trường. Theo phổ biến của đại đội lúc chiều, đêm nay tiểu đoàn hành quân ra ga Văn Điển lên tàu hỏa hành quân vào chiến trường.


Ngày 4/10/1971
Trời còn mờ tối, đoàn tàu hỏa giao liên dài hơn 10 toa, kéo hồi còi dài và xình xịch lên đường. Bỗng loa phóng thanh trên tầu vang lên tiếng kèn nhạc bài hát Giải phóng miền nam. Cả toa đang ầm ầm là thế, giây phút đó bỗng dưng im lặng. Tất thẩy mọi người có chung cảm giác gai gai người, lâng lâng, xúc động, nước mắt trào ra. Thế là chúng ta lên đường đi giải phóng miền nam. Mọi người nhìn nhau, không khóc, không nói với nhau, chỉ có những ánh mắt đau đáu nhìn lại Thủ Đô thân yêu và nhủ thầm niềm mong ước chiến thắng trở về.
Tạm biệt Thủ Đô, tạm biệt những mái nhà, góc phố thân yêu. Tạm biệt những cánh đồng lúa vàng, làng xóm thân quen. Tạm biệt bố, mẹ, gia đình, bạn bè nhé. Nối tiếp thế hệ cha anh, gần 600 chàng trai Thủ Đô hăng hái quyết tâm bước vào cuộc trường chinh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc thân yêu.
Suốt một ngày con tàu chạy miệt mài, đến giữa đêm giá lạnh thì dừng lại ở ga Si, Nghệ An. Có một đoàn ô tô Hồng Hà đã chờ sẵn để cho chúng tôi lên xe hành quân tiếp. Chẳng biết đi đâu. Lính tráng đoán mò thế này, thế khác. Thằng thì bảo đi Quảng Bình, đứa thì nói ô tô đi theo đường Trường Sơn vào B. Nói đại thế thôi, chứ ngó ra ngoài thì cũng chịu chả biết đây là nơi đâu mà đoán cả. Đến gần sáng, xuống xe để đi bộ qua phà Đô Lương thì lính ta đã láng máng biết, mới manh nha: có lẽ đi C, là sang Lào.
Đến gần trưa, xuống ô tô và được vào trú quân ở nhà dân thì mới biết đây là huyện Con Cuông, Nghệ An. Đến giờ thì mấy thằng “ tham mưu con “ mới khẳng định:
- Đi C, đi sang Lào rồi chúng mày ơi!
 
   
Ngày 14/10/1971
Đơn vị bọn mình sẽ sang Lào. Gần 10 ngày trú quân tại đây, được ăn bồi dưỡng, lại xem văn công, phim liền tù tì mấy tối. Rồi học tập chính trị, học tiếng Lào, phong tục tập quán của nước bạn Lào.
Được học tập, lính tráng đã thông tư tưởng, xác định nhiệm vụ rõ rồi, là đi sang Lào, giúp cách mạng Lào làm người lính tình nguyện quân. Lời Bác Hồ dậy “ Giúp bạn là tự giúp mình “ mọi người đã thông, không ai nói em xin đi B nữa. Nguyện làm Quân tình nguyện, làm nhiệm vụ Quốc tế giúp cách mạng Lào cùng với Việt Nam đoàn kết đánh Mỹ, đi tới thắng lợi cuối cùng. Góp sức mình xây đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt- Lào như câu thơ của Bác:
“ Việt - Lào hai nước chúng ta,
Nghĩa tình hơn nước Hồng Hà - Cửu Long “ 
Vậy là xin mời các anh đổi mũ cối Hải Yến lấy mũ mềm Pa Thét Lào, mặc áo có cầu vai như bộ đội Pa Thét nhé. Tất cả được quán triệt bỏ hết thư từ, giấy má, những thứ gì mà nó liên quan đến Việt Nam. Cả đơn vị hăng hái học những tiếng Lào đầu tiên. Đương nhiên đơn giản là những từ chào hỏi, xưng hô, chỉ đường, nhờ giúp đỡ ..v.v. mấy thằng háu gái còn hỏi giáo viên cả những câu tán để phòng có lúc dùng đến.


Ngày 15/10/1971
Chập tối, 3 đại đội của toàn tiểu đoàn lên ô tô hành quân sang Lào. Riêng bọn C4 thì ở lại, nghe đồn là đi B. Khi sắp qua biên giới, đoàn xe dừng lại làm thủ tục nhập cảnh. Thế là từ giờ phút này mình chính thức là anh lính tình nguyện rồi đấy nhé.
Qua của khẩu Nậm Cắn chừng 2 tiếng, ô tô dừng lại. Tất cả xuống xe, ba lô, súng ống hành quân vào dẫy núi phía bên phải đường ô tô. Thế là chính thức bắt đầu cuộc hành quân trên chiến trường. Các bác chỉ huy luôn luôn nhắc bám sát đội hình, trật tự, cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu.  Lính tráng gần tháng nay ăn chơi, học hành là chính có tập tành gì đâu, nên có vẻ mệt mỏi. Đoàn quân đi trong im lặng. Đi một hồi, chừng non tiếng thì được lệnh ngủ tại chỗ, ngay trên trục đường hành quân. Thế là cha con, không ai bảo ai, ngồi phịch xuống tại chỗ, nghỉ đã. Mệt, thở, trong đầu miên man bao suy nghĩ.
Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #5 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2012, 01:28:56 pm »

Ngày 16/10/1971
Trời sáng, giục nhau cơm nước xong tiếp tục hành quân. Đường đi phong cảnh đẹp, có thể nói nên thơ, chỉ phải cái cứ lên dốc lại xuống dốc, mệt nhưng không ai dám dừng lại vì sợ lạc đường và sợ địch phục.
Tới chiều gần tối, tới một con suối to chẩy giữa 2 rặng núi, được lính cũ nói đây là nơi có mật danh là U2 ( thường gọi là dốc Chum - Phu Nhu ). Ngay lập tức có lệnh phát ra: đào hầm xong mới nấu cơm, chú ý khói lửa. Từng B tổ chức canh gác, đề phòng “ Tem “ ( từ ám chỉ bọn biệt kích, thám báo ).


Ngày 17/10/1971
Bắt đầu từ hôm nay, thôi ăn uống tập trung trung đội, từng tiểu đội nấu ăn riêng cho nhanh, gọn. Sáng nay, nấu bữa cơm đầu tiên của tiểu đội tại chiến trường. Anh nuôi lười định vác mấy viên đá kê nồi nấu nướng, mình phải nói lệnh của đại đội phải đào bếp Hoàng Cầm.
Chúng nó nhìn sang bên thấy tiểu đội bạn chẳng đào bếp, cứ nấu nướng khói um lên và nói:
- Sao ông sao bôn thế?
- Bôn gì đâu. Vào đến đây rồi, còn lạ nước lạ cái, không cẩn thận thì chết cả lũ, phải nghe lời trên chứ.   
 Ăn cơm xong, tranh thủ tắm giặt. Mấy ngày nay không được tắm, thay quần áo rồi còn gì. Vừa tắm, giặt vừa ngó nghiêng quanh khu vực trú quân. Hóa ra dọc con suối này có nhiều đơn vị trú quân. Hỏi chuyện thì mới biết đây là hậu phương của mặt trận, tương đối an toàn, chỉ ngại thằng máy bay L19 hay OV 10 chỉ điểm và bọn “ Tem “ thám báo. Dọc suối này, ngoài tiểu đoàn 40, còn có một C dân công Nghệ An,  đơn vị cơ công của sư đoàn trú quân. Ven suối, lính ta tắm táp, giặt giũ cười nói vui vẻ lắm. Quần áo phơi đầy trên những cành cây ven suối, thế này mà máy bay nó tới thì gay, lính tráng coi đây như không phải chiến trường. Đã thấy xuất hiện những cán bộ của các đơn vị trong sư đoàn đến nhận quân. Có đủ thành phần; bộ binh, công binh, trinh sát, pháo .. Các anh ấy cũng đào hầm ở xen kẽ ngay với bọn mình, chắc là để tiện bàn giao quân.


Ngày 18/10/1971
 Nghe ngóng thì đâu như bọn C1 về hết D25 công binh mặt trận. Bọn C2 sang D pháo  phòng không và vận tải. C3 bọn mình về hết D15 công binh sư đoàn. Tiểu đội liên lạc của D bộ thì sang C41 trinh sát sư đoàn. Trong các C đều có một ít sang các E bộ binh. Còn bọn C4 thì đã rẽ đi B ở đất Nghệ An rồi. Không biết cụ thể mình về đâu đây.


Ngày 20/10/1971
Đúng như mình nghi ngại, chiều qua cả tiểu đoàn bắt đầu nếm mùi chiến trận. Quãng 4 giờ chiều, cả A đang nằm võng tán chuyện, kháo nhau ngày mai sẽ về đơn vị mới. Bỗng nghe thấy tiếng máy bay lượn qua, mọi người chưa kịp hiểu gì ( lính mới tò te mà ) thì nghe tiếng ùng và khói đỏ bốc lên phía tiểu đoàn bộ.
Ngay khi quả pháo khói chỉ điểm nổ, mấy anh cán bộ nhận quân vội hô lính tráng : xuống hầm ngay! máy bay địch ném bom!
Một tốp máy bay đã chờ sẵn ở đâu lao đến cắt bom. Phút chốc, tiếng bom rít chói tai, cây cối đổ ngổn ngang, đất đá bay tứ tung. May mà tiểu đội chui kịp xuống hầm và quả bom nổ cách xa hầm. Khu vực của tiểu đoàn bộ, dân công, cơ công bị trúng bom, mất mấy thằng hy sinh rồi. Thằng Cười, A trưởng liên lạc của tiểu đoàn quê ở Đông Hội, Đông Anh bị gẫy chân. Mấy anh cán bộ của tiểu đoàn 40 cũng bị thương. Nghe nói khu vực trú quân của dân công Nghệ An nấu nướng có khói lên. Thằng máy bay OV 10 từ trong Cánh đồng Chum lượn ra, phát hiện và chỉ điểm.

Hết loạt bom và tiếng máy bay, có lệnh di chuyển ngay ra khỏi khu suối. Thế là cha con hò nhau dọn cây đổ, bới đất đá, nhặt nhạnh đồ đạc, ba lô, tăng võng rời khỏi khu suối ngay vì sợ bọn máy bay khác lại đến. Đơn vị cấp tốc hành quân theo đường mòn vào rừng, leo sang bên kia quả núi. Cả một đêm nhịn đói, vì có kịp nấu cơm đâu. May vẫn còn quà bánh mang từ bắc vào để ăn. Cả đêm chẳng mắc võng gì hết, cứ ôm ba lô rải rác dọc theo trục đường rừng mà ngủ vật vờ cùng bao nỗi sợ hãi trên triền núi U2.
Sáng nay, đơn vị mới, tiểu đoàn công binh 15 nhận quân ngay tại trục đường mòn trú đêm của bọn mình. Theo các anh nhận quân đi ngay, đến trưa mới nấu cơm ăn. Chiều tối nay, đã tới một hang đá bên sườn núi Phu Nốc Cốc. Đây là hậu cứ của tiểu đoàn 15 công binh sư đoàn 316.   
Logged

linh thong tin
Thành viên
*
Bài viết: 746



« Trả lời #6 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2012, 07:40:59 pm »

Ngày 18-2-1071, đại đội 15 thông tin, trung đoàn 134 của chúng tôi cũng vượt biên giới sang Xiêng Khoảng và tập kết ở hang Dốc Chuối cách Noỏng Hét 10km. Chúng tôi bắt đầu rải tuyến dây cáp FFK60 cho trung đội 4 vào đến Dốc Chum đi qua Xê Băng Hiên, Đèo Đát, Đèo Đá, Nậm Mật, suối nước nóng Bản Ban, hang Thẩm Hoa. Không biết đơn vị của các bạn có gặp đường dây của chúng tôi không?
Logged
phas
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1311


một thời trận mạc ....


« Trả lời #7 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2012, 07:44:09 pm »

Ngày 18-2-1071, đại đội 15 thông tin, trung đoàn 134 của chúng tôi cũng vượt biên giới sang Xiêng Khoảng và tập kết ở hang Dốc Chuối cách Noỏng Hét 10km. Chúng tôi bắt đầu rải tuyến dây cáp FFK60 cho trung đội 4 vào đến Dốc Chum đi qua Xê Băng Hiên, Đèo Đát, Đèo Đá, Nậm Mật, suối nước nóng Bản Ban, hang Thẩm Hoa. Không biết đơn vị của các bạn có gặp đường dây của chúng tôi không?
trung đoàn bác thành lập sớm thế ?
Logged

KRALANH ,CHOONGKAN, SAMRONG ,NÚI CÓC !   NHỮNG ĐỊA DANH KHÔNG BAO GIỜ QUÊN !
MỘT THỜI TRẬN MẠC !!!
E1
Thành viên
*
Bài viết: 6


« Trả lời #8 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2012, 08:42:54 pm »

Các bác bên D25 thì vui ra mặt vì khi đến Nghệ an, không phải "Thẳng tiến" mà là "Quẹo trái".

Tiểu đoàn 25 thuộc Bộ tư lệnh công binh. Cả đời lính chỉ loanh quanh khu vực mà lính ta vẫn gọi "Trời Mỹ, đất Lào, máu Việt nam".

1 cái xóm bé tẹo, chỉ...xứng tầm với "Nửa quệt B52" mà có tới 7 lão vào D25 bên Cánh đồng chum? Khi tới Nghệ an, đã hy sinh ngay 1 bác vì sốt rét? Từ 1971-1978 không hy sinh thêm ai nữa? Nhưng hậu chiến thì có tới 3/6 bác còn lại mất vì bệnh nặng-chủ yếu là ung thư.

 Tới 1973 thì 2/6 bác kia được về nhà, chính quyền địa phương vô cùng tín nhiệm họ, giao cho họ đi xây dựng các công trình trọng điểm ở Yên bái,cầu Thăng long. Còn 4 bác vẫn đi "Nhặt sắt vụn" bên cái vùng "Cay cay hẳn, chua chua hẳn" cho tới tận 1978 mới thấy về nhà.

Bác Xuandao biết gì về tiểu đoàn 25-Bộ TLCB không? Toàn người Hà nội đấy?
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Năm, 2012, 08:48:27 pm gửi bởi E1 » Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #9 vào lúc: 05 Tháng Năm, 2012, 09:01:43 pm »

Chào bác XuanDao:

Thế là các bác nhập ngũ trước chúng tôi một đợt, được huấn luyện 7 tháng.
Tháng 9/1971, chúng tôi, gồm 3 tiểu đoàn (48, 50, 52) lên Bãi Nai (Kỳ Sơn, Hòa Bình) tiếp quản đúng doanh trại của các bác đấy. Thảo nào mà doanh trại còn mới thế. Chúng tôi không phải sửa sang gì, chỉ mỗi chuyện kiếm củi là phải vào rừng thôi.

Còn chuỵện các bác bị máy bay ném bom.

Quả thật lính ta rất ngại đi phối thuộc, tập trung quân đông, nhất là lại có mấy ông dân công, chúa ẩu. Một thằng chủ quan làm lộ, có khi bom nó lại ném phải mình, "Quít làm Cam chịu".

Logged

Trang: 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM