Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:10:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp  (Đọc 152371 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2012, 06:52:01 am »


CHIẾN DỊCH ĐÔNG BẮC 2
(Tiến công, từ ngày 4 tháng 3 đến ngày 27 tháng 4 năm 1949)


Sau chiến dịch tiến công Đông Bắc 1 của ta, quân Pháp và quân ngụy lâm vào thế bị động, tinh thần sa sút, chúng buộc phải huỷ bỏ cuộc tiến công mùa đông vào Việt Bắc, nhưng mặt khác chúng ra sức củng cố tuyến phòng thủ đông bắc để chống trả ta và tranh thủ lập tề điệp ở vùng này. Cường độ vận chuyển trên các tuyến đường số 4, 13 và 18 ngày càng tăng, đường 4 ngày nào cũng có đoàn vận chuyển cơ giới, đoàn nhiều lên đến 60 xe; đường 18, đoạn Hòn Gai - Khe Tù hàng tháng có từ 100 đến 150 xe, v.v... Khi cơ động, vận chuyển, địch tỏ ra thận trọng hơn, chúng thường dùng hai trung đội bộ binh áp tải hoặc chiếm lĩnh các điểm cao bảo vệ cho các đoàn xe đi trót lọt mới rút về.

Mùa xuân 1949, Bộ Tổng tư lệnh1 quyết định mở chiến dịch tiến công Đông Bắc lần thứ hai nhằm mục đích: Tiêu diệt một bộ phận sinh lực của địch, phát triển và củng cố cơ sở cách mạng ở Đông Bắc phối hợp với Mặt trận 4 (Cao-Bắc-Lạng).

Phương châm tác chiến là: Đánh phục kích lớn, tiêu diệt những đoàn tiếp tế, vận chuyển của địch. Phá hoại triệt để đường số 4 và số 13. Giam chân một bộ phận lực lượng địch, tạo thuận lợi cho chiến dịch đường số 4 và Cao-Bắc-Lạng, làm tan rã và lôi kéo ngụy binh; đồng thời củng cố, xây dựng và phát triển cơ sở vùng Hải Ninh, Quảng Yên, Hòn Gai, các đảo, tạo đường thông sang biên giới Việt - Trung.

Chiến dịch dự kiến chia hai đợt: Đợt 1 (từ 4 đến 31 tháng 3), tập trung chủ lực tác chiến trên đường số 4 và đường số 13; nghi binh kiềm chế mặt Đông Triều, Phả Lại, Lục Nam. Đợt 2 (từ 1 đến 27 tháng 4), tập trung đánh Khe Tù và đường 18, phá hoại triệt để đường số 4.

Lực lượng tham gia chiến dịch: Tương đương hai trung đoàn, gồm: tiểu đoàn 426, tiểu đoàn 215, tiểu đoàn Minh Hổ, các đại đội độc lập của trung đoàn 98, bộ đội địa phương và dân quân của Quảng Yên, Hải Ninh, Hòn Gai và huyện Lộc Bình.

Chỉ huy chiến dịch: Đồng chí Lê Quảng Ba (đặc phái viên của Bộ Tổng tư lệnh) là Chỉ huy trương kiêm Chính uỷ.

Để đảm bảo cho bộ đội hoàn thành được nhiệm vụ, Bộ chỉ huy chiến dịch đã tổ chức Ban công tác chính trị. Trước chiến dịch, các hoạt động công tác chính trị được triển khai rộng khắp đến từng đơn vị nhằm giáo dục, động viên, quán triệt nhiệm vụ chiến dịch cho bộ đội; phát huy tinh thần dũng cảm xung phong, kiên quyết tiêu diệt nhiều địch, lập công mừng kỷ niệm 59 năm ngày sinh của Bác (19 tháng 5 năm 1949). Đồng thời phát động cuộc vận động có nội dung sát với nhiệm vụ quân sự như: Giữ bí mật; luyện tập dẻo dai để giữ vững quân số chiến đấu; mở rộng dân chủ quân sự bàn việc nâng cao ý thức bảo mật và hiệu quả luyện tập, v.v…

Về bảo đảm cung cấp, mặc dù trong hoàn cảnh hết sức khó khăn kinh tế địa phương kiệt quệ, tài chính thiếu thốn, cán bộ và nhân viên chuyên môn thiếu nhiều, địa hình lại hiểm trở... nhưng Bộ chỉ huy chiến dịch đã biết tận dụng tất cả những kho tàng còn lại trên địa bàn và liên hệ chặt chẽ với các cơ quan dân chính địa phương để giải quyết, do đó trước giờ nổ súng đã đảm bảo được số lương thực cần thiết cho đợt 1 của chiến dịch.

Về chuẩn bị chiến trường, Bộ chỉ huy chiến dịch đã thành lập các đoàn cán bộ đi điều tra nắm vững địa hình ở khu vực tác chiến, nắm tình hình địch, số lượng và quy luật hoạt động của chúng trận đường số 4, các vị trí từ Tiên Yên đến Đình Lập, tình hình đường cơ động hành quân từ căn cứ đến trận địa triển khai chiến đấu, đặc biệt trinh sát đoạn từ Khe Mó, đến Phố Cũ nên đã chọn được trận địa phục kích tốt. Đồng thời đã thành lập ban chuyên trách nhiệm vụ phá hoại giao thông và bộ phận nghi binh lừa địch.

Ngày 4 tháng 3 năm 1949, chiến dịch mở màn, hai tiểu đoàn 426 và 215 của trung đoàn 59 và trung đoàn 98 đánh trận phục kích thắng lợi diệt đoàn xe 18 chiếc tại Điền Xá. Ta diệt 80 tên toàn lính Pháp và Âu-Phi (trong đó có một quan hai Pháp)2; bắt sống 23 tên, làm bị thương năm tên; phá huỷ 16 xe, bắn bị thương hai xe. Ta thu toàn bộ vũ khí gồm một trung liên, năm Si-ten, hai Mat, 15 súng trường, hai súng ngắn, một rađiô, một vô tuyến điện, 10 hòm ắc quy và nhiều quân trang quân dụng3.

Từ 5 đến 31 tháng 3, bộ đội ta liên tiếp hoạt động tác chiến trên chiến trường; đánh bốn trận phục kích tại Khe Nhắng, Bãi Dài, Cầu Lý, Nam Tào và trên sông Lục Nam vào các ngày 7, 10, 20 và 23 tháng 3. Đã diệt 48 tên địch, làm bị thương 16 tên, bắt sống 9 tên; thu ba trung liên, một súng cối, hai Các-bin, 13 súng trường, hai Tôm-sơn, hai Si-ten; bắn hỏng một xe vận tải và hai ca nô, phá huỷ hai trọng liên 12,7mm và hai súng cối, thu nhiều quân trang, quân dụng.

Ngày 5 và 22 tháng 3 ta đánh phục kích bằng địa lôi trên đường 13 và 18; diệt 20 tên địch, phá huỷ một xe vận tải. Đồng thời trong ngày 7 và 11 tháng 3 ta chặn đánh thành công hai đợt tiến công của địch (lực lượng gồm 800 tên) vào Khe Nhắng và Đồng Khuy, diệt 13 tên, bắt sáu tên, thu một trung liên, một cối 61mm, một Các-bin, tám súng trường và một số quân trang, quân dụng, buộc quân địch phải rút lui.

Các trận tiến công khác của địch đều bị bộ đội chủ lực kết hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích đánh lui: Ngày 21 tháng 3, hơn 1000 quân từ Phả Lại, Đông Triều tiến công Bến Tắm (Chí Linh), Trại Sậu, Lãn Giây (Đông Triều); 26 tháng 3, 300 lính da đen và 200 ngụy binh và khố đỏ từ Đình Lập, Lộc Bình tiến công vào khu Chi Lăng. Đặc biệt ngày 27 tháng 3, quân ta tập kích thắng lợi vào thị xã Móng Cáy; phá trại giam, giải thoát 200 người, làm chủ thị xã trong 17 giờ4 (từ 16 giờ ngày 27 tháng 3 đến 9 giờ ngày 28 tháng 3). Ta diệt 120 tên địch (hầu hết là Pháp và Âu-Phi), bắt sống một quan tư, tiếp nhận 200 hàng binh ngụy; ta thu một xe vận tải, một đại bác 37 mm, năm đại liên, 24 trung liên, 58 tiểu liên, tám súng cối, 32 Badôka, 800 súng trường, hai máy vô tuyến điện, ba triệu đồng bạc Đông Dương, phá huỷ hai xe vận tải và đại bác 105mm.

Trên thế trận phát triển thuận lợi, ta mở rộng hoạt động ra các vùng xung quanh, đẩy mạnh phát triển và củng cố cơ sở cách mạng; phát triển phong trào chiến tranh du kích. Địch hoang mang dao động ráo riết tăng quân từ Hải Phòng, Hải Dương và Lạng Sơn lên bố trí ở các vị trí: Phả Lại, Lục Nam, Chũ, Mạo Khê, Đông Triều để đối phó với các trận tiến công của ta. Đồng thời chúng tổ chức bao vây và càn quét vùng Thuỷ Nguyên, Kim Môn, Nam Sách để cướp bóc, lùng bắt thanh niên đi lính và tuyên truyền cho Bảo Đại.

Bước sang đợt 2, cường độ cơ động, vận chuyển của địch giảm, nhưng mỗi lần thực hiện, chúng đề phòng cẩn mật hơn. Các vị trí Ba Chẽ, Phố Cũ và đặc biệt là Khe Tù địch tăng cường công sự và vật chướng ngại. Địch rút quân ở Đông Triều và Thuỷ Nguyên để tiếp viện và chiếm đóng lại Móng Cáy. Về ta, tình hình cung cấp không kịp cho nhu cầu kế hoạch, việc điều tra nắm địch trên hướng tiến công chưa đầy đủ, chuẩn bị cơ sở vùng Châu Sơn chưa chắc, nhân công phá hoại không huy động được, do đó kế hoạch phải thay đổi. Ban chỉ huy chiến dịch quyết định các đơn vị phân tán ra các vùng để hoạt động, trong đó tiểu đoàn 215 ở phía tây nam đường 18, tiểu đoàn 426 ở đường số 4. Tiếp đó, bộ đội địa phương và dân quân du kích hoạt động quấy rối phá hoại ở khắp nơi, đặc biệt là các vị trí Chẽ (núi Con Phượng), Lưu Kiệm, Ninh Tân, Yên Hưng, Cẩm Lý, Bãi Thảo, Nam Tào, Chợ Xá. Các hoạt động này tuy không diệt được nhiều sinh lực địch nhưng đã gây khó khăn lúng túng cho chúng và tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực chuẩn bị.

Ngày 18 tháng 4, hai đại đội của tiểu đoàn 426 phối hợp với tiểu đoàn Minh Hổ phục kích thắng lợi trên đường 4 khu vực từ Quang Hoài đến Châu Sơn. Ta tiêu diệt gọn quân địch cơ động, thu toàn bộ vũ khí và quân dụng5.

Đêm 27 tháng 4, tiểu đoàn 215 phối hợp các đại đội độc lập và dân quân du kích tiến công thị xã Quảng Yên. Sau 1 giờ 45 phút, quân ta chiếm toàn bộ công sở, đốt ba vạn lít xăng, phá huỷ 11 xe cơ giới, nhiều tiền bạc và quân trang quân dụng. Địch tập trung đối phó trên đường số 18, nhất là đoạn Uông Bí - Cẩm Phả. Chúng tổ chức mỗi đợt gần 1.000 quân càn quét ở các điểm: Nam Mậu, Sơn Dương, Kênh Trạo, Làng Cài, Dương Huy, Quang Xa Đông, nhưng hầu hết đều bị quân ta đánh lui. Ta chủ động kết thúc chiến dịch.

Kết quả: Quân địch chết 485 tên, bị thương 52 tên, bị bắt 32 tên, đầu hàng hơn 200 tên. Ta thu: một pháo 37mm, một trọng liên 12,7mm, tám đại liên, 30 trung liên, chín súng cối, 83 tiểu liên, 841 súng trường, 32 Bađôca, bốn súng ngắn, 15.500 viên đạn và nhiều tiền, quân trang, quân dụng. Phá huỷ hai pháo 105mm, một pháo 37mm, hai súng cối, hai trọng liên 12,7mm, một xe thiết giáp, một xe Háp-tơ-rắc, bốn xe Jeep, hai cam nhông, 23 xe GMC, một máy bay, hai ca nô và đốt cháy trên hai vạn lít xăng.

Ta hy sinh 35 người, bị thương 30 người, kể ca dân quân du kích.


So với Chiến dịch Đông Bắc 1, lần này ta đề ra mục đích chiến dịch phù hợp với tình hình chiến trường và khả năng cụ thể của bộ đội, nên đã thu được nhiều thắng lợi khả quan.

Ta đã thực hiện được mục đích đánh lạc hướng địch, tạo điều kiện cho chiến trường chính (Cao-Bắc-Lạng) chuẩn bị. Bộ đội và dân quân du kích đã vận dụng nhiều hình thức chiến thuật để tiêu diệt sinh lực địch đạt hiệu suất khá. Trận phục kích mở màn ở Điền Xá, trận tập kích ở Cửa Cái, Tấn Mai, trận kỳ tập ở thị xã Móng Cáy và tập kích thị xã Quảng Yên đã thực hiện tốt. Hai đợt hoạt động cũng đã tạo điều kiện củng cố và phát triển cơ sở trong vùng địch kiểm soát.

Song, chiến dịch còn bộc lộ tính chất hoạt động du kích nhiều hơn là một chiến dịch chính quy. Những trận đánh lẻ tẻ, thấy địch sơ hở thì đánh, đánh xong lại rút về căn cứ, thiếu sự liên tục tiến công và phát triển thắng lợi trên một hướng nhất định, do đó thắng lợi bị hạn chế, thu hẹp và không thực hiện được đầy đủ mục đích đã đề ra (làm tê liệt đường số 4). Không dự kiến phương án hậu cần nên khi định đánh, việc bảo đảm hậu cần gặp khó khăn, ảnh hưởng đến việc thực hiện chiến dịch.
______________________________________
1.Sắc lệnh số 14/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 12 tháng 3 năm 1949, Bộ Tổng chỉ huy đổi thành Bộ Tổng tư lệnh.
2.Bay-ơ chỉ huy đoàn xe.
3.Trận phục kích Điền Xá trên đường 4B, đoạn từ Khe Cháy đến Khe Vàng, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh của hai tiểu đoàn 426 trung đoàn 59 và 215 trung đoàn 98 có sự phối hợp của tiểu đoàn Minh Hổ ngăn chặn không cho địch từ Châu Sơn, Đình Lập, Ba Chẽ... vào tiếp viện cho Điền Xá. Trận đánh do đồng chí Nam Long, Trung đoàn trưởng trung đoàn 59 làm chỉ huy. Khoảng 7 giờ ngày 4 tháng 3, một đoàn xe địch 16 chiếc có chiếc xe Jeép chỉ huy xuất phát từ Khe Tù lên tiếp viện cho Đình Lập lọt vào trận địa phục kích của tiểu đoàn 215. Bộ phận chặn đầu nổ súng, sau đó hoả lực của cả hai tiểu đoàn tập trung bắn vào đoàn xe địch, yểm hộ cho bộ binh xung phong. Sau 30 phút chiến đấu, quân ta làm chủ trận địa, bắt tù binh, thu chiến lợi phẩm. Lúc này một đoàn xe 10 chiếc chở lính từ Tiên Yên kéo tới tăng viện. Bộ phận khoá đuôi (có súng 12,7mm) tổ chức ngăn chặn. Địch không dám xung phong, quay đầu rút về Tiên Yên.
4.Nhân ngày chủ nhật, địch phát thẻ cho dân phố, canh gác có phần sơ hở; tiểu đoàn độc lập số 1 đã đóng giả làm “lính Ba Sáng” (tiểu đoàn mang tên Béc-dê Um-bre-la (Becde Umbrella) do Ba Sáng chỉ huy) cùng du kích cải trang là “dân phu” đi lọt vào thị trấn. Chưa đầy 30 phút chiến đấu ta đã hoàn toàn làm chủ thị trấn.
5.Trận đánh phục kích trên đường 4B đoạn từ làng Ngoại đến nam Khe Tranh (khoảng 1,5 km) của tiểu đoàn 426 thuộc trung đoàn 59, có sự phối hợp tác chiến của một đại đội của tiểu đoàn Minh Hổ (ĐP) và tiểu đội du kích xã Cường Lợi do đồng chí Nam Long chỉ huy. 16 giờ ngày 17 tháng 4, bộ đội bí mật hành quân, xây dựng trận địa phục kích. 9 giờ 40 phút ngày 18 tháng 4, hai xe tăng và một xe thiết giáp chở đầy lính Pháp, có cả pháo 37mm lọt vào trận địa phục kích. Quân địch chủ quan không đề phòng gì vì tin vào bộ phận lùng sục đi trước. Lệnh nổ súng, các chiến sĩ Badôca và AT ở tổ chặn đầu phát hoả. Chiếc xe tăng đi đầu trúng đạn lật đổ nghiêng. Chiếc thứ hai không kịp dừng lại, chồm sát vào chiếc thứ nhất. Bộ đội ta tập trung hoả lực tiêu diệt gần hết số địch trên xe. Sau 15 phút chiến đấu, ta làm chủ trận đánh, diệt 32 tên (có 12 tên Pháp), thu 11 súng, phá huỷ một khẩu pháo 37mm và bắn bị thương cả ba xe. Ta hy sinh bốn người, bị thương ba người.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2012, 06:53:30 am »


CHIẾN DỊCH ĐƯỜNG SỐ 4 CAO-BẮC-LẠNG
(Tiến công, từ ngày 15 tháng 3 đến ngày 30 tháng 4 năm 1949)


Đường số 4 là tuyến đường giao thông quan trọng bậc nhất của vùng chiến lược Cao-Bắc-Lạng và đông bắc Bắc Bộ. Tuyến đường dài 420 ki-lô-mét chạy dọc theo biên giới Việt - Trung. Địa hình rất hiểm trở, có núi cao, rừng rậm hai bên đường. Có rất nhiều suối và ba con sông lớn: Kỳ Cùng, Bắc Giang và Bằng Giang chảy theo hướng tây bắc - đông nam cùng với hướng của đường 4 nên phải có những cây cầu lớn để vượt qua như cầu Bản Trại, cầu Pò Lồi... Xen giữa vùng núi lại có những cánh đồng lúa khá mầu mỡ như Bắc Bắc, Phúc Thái...

Sau chiến dịch Việt Bắc 1947, địch tăng cường chiếm đóng trên đường 4 để thực hiện âm mưu phong toả biên giới, cô lập cách mạng Việt Nam. Chúng đã chiếm đóng trên 80 vị trí lớn, nhỏ nhưng cũng mới chỉ kiểm soát được những đoạn chính. Để đảm bảo tính độc lập chiến đấu trong một khoảng thời gian nhất định chờ tiếp viện, chúng chia khu Biên Thuỳ (Cao-Lạng và Đông Bắc) ra thành hai phân khu và các tiểu khu - Phân khu Bắc gồm sáu tiểu khu: Bắc Cạn, Nguyên Bình, Cao Bằng, An Lai, Đông Khê, Thất Khê. Phân khu Đông Bắc gồm 4 tiểu khu: Lạng Sơn, Tiên Yên - Móng Cái, Lộc Bình và An Châu. Những vị trí quan trọng tỉ lệ lính Âu-Phi chiếm 60 phần trăm, còn phần lớn lực lượng ngụy chiếm 70 phần trăm đến 80 phần trăm trong các tiểu khu. Bước sang 1949, chúng tăng cường quân lực cho các vị trí quan trọng (Lộc Bình tập trung 600 quân, Lạng Sơn tăng thêm 200 lính Ma-rốc, v.v...). Đồng thời thực hiện thay quân Pháp, An-giê-ri cho quân ngụy ở một số cứ điểm, thuyên chuyển quân trên dọc đường 4 và khu vực Lạng Sơn về Đình Lập, An Châu. Tăng cường máy bay bắn phá những nơi nghi có quân ta để phá công tác chuẩn bị của ta. Xây thêm lô cốt cố thủ, đào thêm hào, rào kẽm gai, chông mìn và mở các cuộc càn quét ra xung quanh các cứ điểm, tăng cường công tác bảo vệ vận chuyển trên dọc đường số 4. Chúng kết hợp giữa khủng bố kìm kẹp với mua chuộc, lập “xứ Nùng tự trị”, để chia rẽ và lợi dụng đồng bào các dân tộc.

Về phía ta, sau năm tác chiến 1948, trình độ bộ đội tiến bộ rõ rệt, thế cầm cự ngày càng có lợi cho ta. Bên cạnh đó Quân giải phóng Trung Quốc đang ồ ạt tiến xuống Hoa Nam. Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi toàn quốc chuẩn bị cho “Tổng phản công”. Để mở đà chiến thắng cho năm 1949, từng bước phá tan âm mưu phong toả biên giới của địch, theo chỉ thị của Đại tướng Tổng Tư lệnh, Liên khu I quyết định mở chiến dịch Cao-Lạng và Đông Bắc. Hướng chính là đường số 4 từ Cao Bằng đến Lạng Sơn (dài gần 100 km). Hướng thứ yếu là Đông Bắc. Nhằm mục đích: Tiêu diệt sinh lực địch, tiêu diệt một số cứ điểm trên đường số 4 (đoạn Cao-Lạng); tổ chức các trận phục kích lớn trên đường 4, kết hợp đánh phá giao thông làm tê liệt đường số 4, tổng phá ngụy binh và hội tề, kết hợp phát động chiến tranh nhân dân trên toàn tuyến. Bức địch phải rút khỏi thị xã Bắc Cạn. Khu vực tiến công chủ yếu là Thất Khê - Na Sầm.

Phương châm tác chiến là: Kết hợp tác chiến du kích với tác chiến vận động. Tập trung tiêu diệt một số cứ điểm. Nơi có nhiều ngụy binh thì kết hợp tác chiến với địch vận. Đánh phục kích lớn kết hợp với phá cầu cống và các quãng đường hiểm trở để triệt tiếp tế của địch. Tích cực bắn máy bay và phát triển đánh địa lôi.

Lực lượng tham gia chiến dịch: ba trung đoàn bộ binh của Liên khu (28, 72, 74), 4 tiểu đoàn bộ binh (29, 35, 23 và 18), tiểu đoàn pháo binh 410 do đồng chí Doãn Tuế tiểu đoàn trưởng, Nguyễn Đình Ước làm chính trị viên, hai đại đội trợ chiến và một đại đội công binh của Bộ; tiểu đoàn địa phương 517 và dân quân du kích ba tỉnh Cao-Bắc-Lạng. Chiến dịch được tổ chức thành ba mặt trận: Mặt trận đường số 4 (Mặt trận 4), Cao Bằng (Mặt trận 1) và Bắc Cạn (Mặt trận 1 Bis), trong đó chủ yếu là Mặt trận 4. Phối hợp với chiến dịch Cao-Bắc-Lạng là “Chiến dịch Đông Bắc” (Mặt trận 2), Trung Du (Mặt trận 3) và Liên khu 3 (Mặt trận đường số 5).

Chỉ huy chiến dịch: Tư lệnh Đào Văn Trường; Chính uỷ Hà Kế Tấn.

Công tác chuẩn bị: Việc thành lập cơ quan chỉ huy chiến dịch tiến hành chậm (do sự đóng góp người của hai trung đoàn 308 và 28 của Liên khu 1 và của Bộ Tổng tư lệnh chậm), 15 ngày trước giờ nổ súng, việc tổ chức cơ quan chiến dịch vẫn chưa thật chu đáo nên chưa khắc phục được tình trạng thiếu ăn khớp trong hiệp đồng công tác giữa các cơ quan. Song, do sự nỗ lực cao của cán bộ nên công tác chuẩn bị cũng làm được nhiều việc cơ bản.

Về chính trị, đã tiến hành động viên, giáo dục mục đích, ý nghĩa của chiến dịch, nhiệm vụ chiến đấu của các đơn vị. Phát động phong trào thi đua giết giặc lập công và tổ chức cuộc vận động: “Giữ vững quân số, giữ bí mật. Từng người, từng đơn vị chủ động làm công tác chuẩn bị, tăng cường huấn luyện để đồng hoá tân binh, cựu binh, mở rộng dân chủ bàn cách đánh...”. Đặc biệt đã tích cực phối hợp với cơ quan, chính quyền và đảng bộ các địa phương làm công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân; nhờ đó đã phát động được chiến tranh du kích rộng khắp trong địa bàn chiến dịch, góp phần rất đáng kể vào thắng lợi của chiến dịch. Cũng nhờ đó, mặc dù trước giờ nổ súng công tác cung cấp mới bảo đảm được 1 phần 4 số lương thực theo yêu cầu, nhưng nhân dân vùng Cao-Bắc-Lạng đã tình nguyện đóng góp kể cả thóc giống nên đã giải quyết kịp thời khó khăn về lương thực, không để ảnh hưởng đến chiến dịch.

Các đơn vị được bổ sung quân số, kiện toàn cơ quan chỉ huy và củng cố, bổ sung bảo đảm về thông tin liên lạc. Bộ đội tập trung huấn luyện các khoa mục: Vượt chướng ngại, xung phong, bộc phá, đánh đồn ban ngày và ban đêm. Cán bộ tập huấn phương pháp chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng và cách sử dụng các loại súng, pháo, cối mới được trang bị. Bộ đội được trang bị đầy đủ những vũ khí cá nhân cần thiết như: Lựu đạn, bộc phá, lưỡi lê, mìn, địa lôi, v.v...

Vì thời gian gấp, chiến dịch dự kiến diễn ra trên một không gian dài, địa hình phức tạp nên công tác chuẩn bị chiến trường đã tập trung vào hướng chính, những vị trí trọng điểm, do đó, trước ngày nổ súng ta đã nắm được tương đối đầy đủ về các vị trí: Bản Trại, Đèo Khánh, Thất Khê, Lũng Phầy. Bộ chỉ huy chiến dịch đã biết kết hợp chặt chẽ giữa sử dụng thống nhất lực lượng quân báo có trong tay với việc vận dụng hiệu quả của công tác địch vận (làm mật giao, nội ứng) để bổ sung cho việc nắm tình hình địch, đặc biệt thành công ở các khu vực: Thoát Lãng, Văn Uyên và Tràng Định.

Bộ chỉ huy đã cử năm cán bộ chuyên trách nắm và tổ chức hệ thống thông tin liên lạc chiến dịch: Mạng vô tuyến điện từ Bộ chỉ huy chiến dịch tới các trung đoàn, tiểu đoàn; mạng lưới hữu tuyến điện từ Bộ chỉ huy tới Hội Hoan, Văn Mịch, Đầm He. Các tiểu đoàn đã có tổ chức và hướng dẫn cụ thể về: liên lạc hoả tốc, các đội ký hiệu bằng kèn, cờ, đèn v.v... do đó đã khắc phục được tình trạng thiếu phương tiện thông tin, bảo đảm tương đối kịp thời sự chỉ đạo, chỉ huy của Bộ chỉ huy chiến dịch.

Chiến dịch chia làm hai đợt:

Đợt 1 (từ 15 tháng 3 đến 24 tháng 4): Trước đó, ngày 4 tháng 3, chiến dịch Đông Bắc 2 nổ súng bằng trận phục kích diệt hoàn toàn đoàn xe của địch tại Điền Xá và trận tập kích đồn Ba San (đông bắc Lạng Sơn), trận đánh đã thu hút và đánh lạc hướng địch. 16 giờ ngày 15 tháng 3, bộ đội Đông Khê chặn đánh đoàn xe vận tải 96 chiếc từ Cao Bằng xuống, chúng thiệt hại một số phải dừng lại ở Đông Khê.

24 giờ 30 ngày 15 tháng 3, ta tiến công Na Sầm mở màn chiến dịch. Tuy không diệt được đồn nhưng đã tạo điều kiện cho quân dân huyện Thoát Lãng phát động chiến tranh du kích, 1 giờ ngày 16 tháng 3, ta tiêu diệt đồn Bản Trại và Đèo Khách, phá sập cầu Bản Trại, đồng thời đánh phá vị trí Bông Lau và Thất Khê. Tên đại tá Vi-ke chỉ huy liên khu biên giới phải đi Tiên Yên thu thập cơ giới và công binh, đến 31 tháng 3, chúng mới chữa xong cầu Bản Trại. Hai ngày 20 và 21 tháng 3, chủ lực ta chuyển sang đánh đồn Bản Ne và Nà Lèng làm cho các vị trí Pò Mã, Pò Piao (đông bắc Thất Khê) lung lay. Ngày 30 tháng 3 và 3 tháng 4 ta tiến đánh thị xã Lạng Sơn và trường bay Mai Pha. Ngày 10 tháng 4, ta phục kích tiêu diệt đoàn xe tiếp tế trên đường Đông Khê - Phục Hoà. Ngày 14 tháng. 4, ta tiến công thị xã Cao Bằng. Quân địch lúng túng đối phó khắp nơi phải rút bỏ vị trí Bình Nhi và Nà Mần. Chiến tranh du kích cũng phát triển từ Thoát Lãng đến Tràng Định, đánh trả địch trên đường số 4 và vây hãm các đồn bốt nhỏ, ngày nào địch cũng bị thương vong, cơ giới bị phá huỷ. Ngày 24 tháng 4, đợt 1 của chiến dịch kết thúc.

Quân địch thiết lập lại đồn Bản Trại, tăng cường công sự, lô cốt, vật cản và phương tiện ở các vị trí, quyết cố thủ chiếm đóng vùng Biên Thuỳ. Phía ta, phong trào chiến tranh du kích phát triển rộng rãi trên các huyện: Tràng Định, Thoát Lãng, Văn Uyên, Cao Lộc. Khu tự do Ba Son được mở rộng về phía Bản Xam, Nà Lèng, Bảo Lam hình thành thế bao vây thị xã Lạng Sơn. Khu Chi Lăng cũng trở thành địa bàn hoạt động của quân ta.

Đợt 2 (từ 25 đến 30 tháng 4): Ngày 25, ta thực hiện trận phục kích lớn đánh đoàn xe 114 chiếc trên đoạn Bông Lau - Lũng Phầy (15 km), phá huỷ 53 xe vận tải, diệt và bắt hơn 500 lính Âu-Phi, bắn bị thương hai máy bay, phá tan đồn Dốc Na (Lũng Phầy mới) của địch. Ngày 27 tháng 4, bộ đội Cao Bằng tiêu diệt đồn Bản Pát trên đường Cao Bằng - Trà Lĩnh. Ta phát động chiến tranh du kích ở khắp nơi. Các huyện Thoát Lãng, Tràng Định, Văn Uyên, Cao Lộc ngày nào cũng có trận phục kích nhỏ, đánh địa lôi chim sẻ, quấy rối địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại và ngày càng hoang mang. Ngày 30 tháng 4, địch buộc phải rút khỏi đồn Pò Mã và Pò Piao. Ta kết thúc chiến dịch.

Kết quả: Ta tiêu diệt bốn vị trí, bức rút sáu vị trí, đánh tiêu hao chín vị trí1, diệt 665 địch (có hai quan ba, một quan hai, 24 sĩ quan); làm bị thương 568 tên (có hai quan ba, một quan một và chín sĩ quan); bắt 160 tên; phá huỷ 80 xe cơ giới, đánh hỏng 18 chiếc khác; đốt ba kho và 498 thùng xăng; phá huỷ hai kho lương thực, hai kho vũ khí, bắn trọng thương hai máy bay, phá huỷ 12 cầu, cắt 43.747 mét dây điện thoại, phá 24 quãng đường với 1324 hố chữ nhật. Ta thu 15 đại liên, bốn trọng liên 12,7mm, 18 trung liên, 11 súng cối, hai súng chống cơ giới Pi-át và nhiều vũ khí đạn dược, quân trang quân dụng. Ta hy sinh 50 người (có ba dân thường), bị thương 150 người và hỏng một súng máy.


So với các chiến dịch trước, chiến dịch đường số 4 (Cao-Bắc-Lạng) có bước tiến bộ mới, thể hiện ở nghệ thuật nghi binh lừa địch, thu hút phân tán lực lượng chúng ra hướng khác, bảo đảm chắc thắng cho hướng chính; nghệ thuật điều hành chiến dịch, chọn đúng khu vực tiến công chủ yếu (Thất Khê-Na Sầm), đúng mục tiêu mở màn cũng như việc điều chỉnh lực lượng giữa đánh địch vận động và đánh địch trong vị trí, nhất là ở đợt 2. Ta đã giữ được quyền chủ động chiến dịch từ khi mở màn đến khi kết thúc. Đã thực hiện được yêu cầu tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, tiêu diệt và bức rút nhiều vị trí; phá sập một cầu quan trọng trên đường số 4 (Bản Trại), phá huỷ được nhiều phương tiện vận tải, thu nhiều vũ khí và trang bị của địch, buộc chúng phải dùng cả một trung đoàn Âu-Phi (RICM) làm lực lượng hộ tống các đoàn công-voa trên đường số 4. Bước chuẩn bị và công tác hậu cần chiến dịch thực hiện khá chu đáo.

Nhưng chiến dịch chưa đạt được mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu là “Làm tê liệt đường số 4”. Cấp chiến dịch chưa quán triệt đầy đủ nhiệm vụ cắt đứt đường số 4, chưa chọn cách đánh phù hợp với khả năng, trình độ của bộ đội lúc này là “phục kích có lợi hơn tập kích”, nhằm phá cầu, đường, bắn tỉa, bẫy mìn, địa lôi trên trục giao thông. Hiện tượng ham đánh đồn còn phổ biến. Đánh điểm chưa gắn chặt với diệt viện. Trong khi địch vẫn vận chuyển tiếp tế mà cả một trung đoàn đánh phục kích, hơn một tháng rưỡi chỉ đánh được hai trận (15 tháng 3 và 25 tháng 4) có hiệu suất cao. Sau ít ngày ta để cho địch bịt được cả đồn và cầu Bản Trại là ta không phát huy được kết quả của trận khêu ngòi, bộ đội bỏ lỡ nhiều cơ hội diệt địch khi chúng cơ động trên trục lộ, bên ngoài công sự.
____________________________________
1.Bốn vị trí ta tiêu diệt: Ba Son, Bản Trại, Đèo Khách, Bản Pát. Sáu vị trí ta bức rút: Lũng Phầy, Bình Nhi, Pò Mã, Pò Piao, Chiềng Mân, Nà Mần. Chín vị trí địch bị tiêu hao: Dốc Na, Bông Lau, Nà Lèng, Na Sầm, Thất Khê, Bản Ne, Lũng Vài, Chấp Chịu, Chợ Cáy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 04:21:51 pm »


CHIẾN DỊCH SÔNG LÔ
(Phản công, từ ngày 29 tháng 4 đến ngày 31 tháng 5 năm 1949)


Chiến dịch sông Lô diễn ra trên một chiến trường dài hơn 400 ki-lô-mét, từ Việt Trì đến giáp Yên Bái (Phủ Hiên - Thác Bà), nhưng chủ yếu là dọc sông Lô (từ Việt Trì đến Đoan Hùng) và một phần sông Chảy.

Ý định tiến công của địch: Sau hai năm kháng chiến với hàng loạt chiến dịch tiến công của ta, địch tuy đã yếu, khả năng tập trung bị hạn chế, nhưng chúng vẫn cố gắng tổ chức một cuộc tiến công sâu vào hậu phương của ta, cuộc tiến công mang tên Ốp-pê ra-siông Pô-mon, nhằm mục đích giành lại  quyền chủ động về chiến dịch, buộc chủ lực ta phải rút bớt ở Tây Bắc về để đối phó, gỡ thế bị uy hiếp của chúng ở Tây Bắc; cướp phá kho tàng, xưởng máy, gây cho ta thêm khó khăn, đồng thời gây uy tín cho chính quyền bù nhìn Bảo Đại. Kế hoạch tiến công do bộ chỉ huy Pháp ở Bắc Bộ vạch ra và giao cho đại tá Các-bô-nen (chỉ huy khu Hồng Hà) thực hiện. Chúng dự kiến chia thành hai thời kỳ:

Thời kỳ thứ nhất (từ 29 tháng 4 đến 5 tháng 5): Càn quét vùng Lâm Thao để hút lực lượng ta xuống phía nam đối phó, phía bắc sẽ sơ hở để chúng bất ngờ tiến công. Bước đầu cố giành một số kết quả để tuyên truyền, củng cố tinh thần và tập dượt cho bọn lính mới.

Thời kỳ thứ hai (từ 5 tháng 5 trở đi): Đánh chiếm Đoan Hùng, Tuyên Quang, diệt sinh lực, đốt phá kho tàng xưởng máy, phá hoại hậu phương của ta, buộc chủ lực ta ở Tây Bắc phải rút về đối phó. Lực lượng khoảng 2.600 tên, gồm nhiều bộ phận rất phức tạp, từ nhiều nơi như Hà Nội, Sơn Tây, Hải Dương... tập trung về Hưng Hoá và Triều Dương để thực hành tiến công. Cụ thể gồm: tiểu đoàn Ta-bo thứ 10; tiểu đoàn Mường I, một đại đội thuộc trung đoàn Ma-rốc, Tuy-ni-di, Sê-nê-gan thứ 26; một đại đội dù lê dương và một đại đội dù (đại đội 1 của tiểu đoàn 2) thuộc địa; ba pháo 75mm bố trí tại Bà Triệu, Triều Dương, Trung Hà; một pháo 155mm bố trí tại Trung Hà, khi thọc sâu vào hậu phương ta, sẽ thay thế bằng hai khẩu 94 mm mang vác bằng ngựa; một đại đội công binh trợ chiến; bốn ca nô (2LCM và 2LCT); máy bay thường xuyên hoạt động thả dù, bắn phá mức tối đa là 165 lần chiếc/ngày.

Địa hình khu vực từ Việt Trì đến Đoan Hùng là vùng đồi tre, thấp, có xen kẽ nhiều bãi bằng khá rộng như Bảo Dưỡng, Phú Lộc, Phú Nham... và một số cánh đồng lầy Hưng Hiền, Xóm Đình, Kim Đái, Cao Xá... Từ Đoan Hùng trở lên phía bắc là rừng rậm, núi cao.

Đường sá có: quốc lộ 2 chạy từ Hà Nội qua Việt Trì lên Lào Cai, các đường liên tỉnh Đoan Hùng đi Yên Bình Xã và Tuyên Quang đi Phủ Hiên, riêng phía nam Đoan Hùng còn có nhiều đường đất rộng chạy nối từ quốc lộ 2 ra bờ sông Lô. Đường thuỷ có sông Lô từ Việt Trì đến Tuyên Quang tương đối rộng nhưng có nhiều cồn cát, bãi cát ở giữa, mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 8 ) nước đầy, sông chảy xiết; mùa hanh khô (từ tháng 11 đến tháng 2) sông cạn. Riêng sông Chảy có nhiều ghềnh thác hiểm trở. Từ Đoan Hùng đến Yên Bình chỉ đi được bằng thuyền, xuồng nhỏ. Dân cư sống tập trung đông đúc ở phía nam Phú Thọ, được giác ngộ cách mạng, tinh thần kháng chiến rất cao. Từ Phú Thọ trở lên, dân cư thưa thớt dần, trình độ giác ngộ thấp hơn. Nhưng tất cả nhân dân trong địa bàn chiến dịch đều sẵn lòng giúp đỡ bộ đội. Bộ đội địa phương và dân quân du kích sau hơn hai năm kháng chiến đã có nhiều tiến bộ, nhưng trình độ và kinh nghiệm chiến đấu còn thấp, trang bị lại thiếu, mỗi trung đội chỉ có năm đến bảy khẩu súng, kể cả súng kíp tự tạo.

Chủ trương của ta: Lúc đầu ta cho rằng địch không có khả năng tiến công lên vùng tự do của ta. Khi địch đã vượt sông Hồng, càn quét vùng Lâm Thao, ta cũng chỉ cho là “Hoạt động thường xuyên quanh phạm vi chiếm đóng1 nên giao cho Liên khu 10 tổ chức đối phó, còn đại bộ phận lực lượng vẫn chuẩn bị mở chiến dịch Sông Thao. Đến khi địch nhảy dù đánh chiếm Đoan Hùng, ta mới đánh giá đúng âm mưu và khả năng của địch và có chủ trương thành lập Ban chỉ huy mặt trận Sông Lô (quyết định ngày 16-5, nhưng mãi tới 22 tháng 5 các đơn vị mới nhận được), dùng lực lượng của địa phương là chính, tăng cường thêm một số đơn vị chủ lực của Bộ2, tổ chức đánh địch; mặt khác gấp rút hoàn thành việc chuẩn bị cho chiến dịch Sông Thao.

Phương châm tác chiến là: Sử dụng bộ đội linh hoạt giữa tập trung và phân tán, phối hợp với dân quân du kích, phát động chiến tranh nhân dân rộng rãi để tiêu hao nhiều sinh lực địch. Khi lực lượng đã tập trung sẽ tổ chức đánh những trận tiêu diệt, nhất là khi phát hiện địch rút lui.

Lực lượng sử dụng gồm chín tiểu đoàn bộ binh: Tiểu đoàn 510 và 532 (có một đại đội) thuộc trung đoàn Sông Lô; tiểu đoàn 18, 19 và 23 (mỗi tiểu đoàn có bốn đại đội) thuộc trung đoàn 308 chủ lực Bộ; tiểu đoàn 630 (ba đại đội) thuộc trung đoàn 115; tiểu đoàn 626 (ba đại đội) thuộc Mặt trận 3 phái tới; và một đại đội pháo thuộc Vĩnh Yên. Ngoài ra còn có hai đại đội pháo 75mm (hai khẩu), hai khẩu phóng bom và một đại đội công binh thuộc Liên khu 10. Bộ chỉ huy chiến dịch gồm: Bằng Giang làm chỉ huy trưởng, Vương Thừa Vũ và Lâm Kính - chỉ huy phó.

Các đơn vị trên; trừ một vài đơn vị ở nơi khác được phái đến còn bỡ ngỡ chưa quen với địa hình, thời tiết, còn phần lớn là những đơn vị đã tham gia chiến đấu nhiều trận, rất quen thuộc địa bàn, có truyền thống chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn và nhiều kinh nghiệm chiến đấu nhất là đánh công đồn, riêng về đánh vận động thì chưa có kinh nghiệm, và cũng chưa có kinh nghiệm trong tổ chức hiệp đồng chiến đấu quy mô lớn (cấp sư đoàn). Riêng về trang bị cho chiến dịch, các đơn vị chủ lực mạnh hơn hẳn các chiến dịch trước, nhất là súng máy, có thể tổ chức chặn địch bằng hoả lực, hoặc khi cần có thể tổ chức chiến đấu với máy bay địch để yểm hộ cho bộ binh phát triển chiến đấu. Bộ đội địa phương và dân quân du kích còn thiếu thốn, mỗi trung đội chỉ có từ năm đến bảy khẩu súng trường, riêng bộ đội địa phương Lâm Thao có 10 khẩu kể cả súng kíp, nên chỉ có khả năng hoạt động nhỏ lẻ, quấy rối và tiêu hao địch khi chúng hành quân.

Trước những thắng lợi liên tiếp của quân ta trên chiến trường và trong địa bàn Liên khu 10, quần chúng nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng nhưng cũng có phần chủ quan nên lúc đầu khi địch đánh vào đã tỏ ra hoang mang dao động. Sau có sự chỉ đạo chặt chẽ của cơ quan chính quyền, và đảng bộ địa phương, nhân dân đã bình tĩnh và hăng hái thực hiện công tác phá hoại, tiêu thổ kháng chiến góp phần làm chậm bước tiến công phá hoại của địch. Mặt khác nhân dân tình nguyện bán gạo, tiếp tế cho bộ đội, mặc dù chưa có lệnh thu mua. Do đó ta đã giải quyết kịp thời những khó khăn thiếu thốn về hậu cần của chiến dịch.

Công tác chính trị, mặc dù nhiệm vụ chiến đấu gấp, ít thời gian chuẩn bị, nhưng rút kinh nghiệm từ những chiến dịch trước, các đơn vị đã tiến hành tốt việc quán triệt nhiệm vụ, xây dựng tinh thần chiến đấu, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cho bộ đội. Đặc biệt đã làm tốt công tác dân vận và địch vận, tuyên truyền thắng lợi, giải thích chính sách của kháng chiến, nên đã làm cho nhiều binh lính địch hoang mang lo sợ, tạo nên một tâm lý có lợi cho quân ta thực hiện nhiệm vụ chiến đấu của chiến dịch.

Địch dự kiến cuộc tiến công thành hai đợt, nhưng thực tế đã diễn ra thành ba đợt.

Đợt 1 (từ 29 tháng 4 đến 4 tháng 5):

5 giờ ngày 29 tháng 4, địch bắt đầu vượt sông Hồng, chia thành bốn mũi, phối hợp với quân nhảy dù xuống Bãi Bằng, Phú Nham thực hiện càn quét vùng Lâm Thao, trọng điểm là Cổ Tuyết, Phú Ninh, Phú Nham. Cụ thể: Tiểu đoàn Ta-bo 10 chia thành hai mũi vượt sông Hồng ở Giá Áo và Tam Nông, tiến thẳng sang Cổ Tuyết. Mũi thứ ba do một đại đội thuộc trung đoàn Ma-rốc, Tuy-ni-di, Sê-nê-gan thứ 26 vượt sông Hồng ở Triều Dương, tiến theo quốc lộ 2 lên Cổ Tuyết. Mũi thứ tư do tiểu đoàn Mường I từ Việt Trì ngược sông Lô, đổ bộ lên An Lão, tiến vào Phù Ninh. Đến 15 giờ, các mũi càn quét của địch tới được địa điểm đã định.

Về ta, tiểu đoàn 510 đang đi làm nhiệm vụ tiếp nhận tù binh, tới Đào Giã nhận được tin đã cấp tốc hành quân trở lại, 2 giờ ngày 30 tháng 4, mới về tới địa điểm tác chiến. Tiểu đoàn lập tức chia thành hai mũi: mũi 1 do đại đội 700 đánh vào Phú Nham, mũi 2 đại đội 706 đánh vào Trại Cần nhưng khi tới nơi thì địch đã rút.

Ngày 30 tháng 4 và 1 tháng 5, địch càn quét vùng Cổ Tuyết, Tiên Kiên, Xuân Lãng. Ngày 2 tháng 5, tiểu đoàn Ta-bo tiến chiếm nhà thờ Hà Thạch, thị xã Phú Thọ và bến đò Đoan. Một bộ phận địch ở hữu ngạn sông Hồng từ Bà Triệu tiến lên càn quét Tứ Cường, Phú Cường, Than Uyên chiếm đóng nhà thờ Hiền Quân, càn tiếp lên phía Gia Dụ. Quân dù và tiểu đoàn Mường I từ An Lão rút dần về Việt Trì. Ở Phú Thọ, Hà Thạch địch càn quét nhỏ ra xung quanh và lấy tre gỗ làm công sự.

Ngày 4 tháng 5, tiểu đoàn 510 phục kích địch ở gần Hà Thạch, diệt 18 tên, làm bị thương một số, ta giải thoát được 15 người phu bị địch bắt làm công sự. Sau đó tiểu đoàn phân tán lực lượng thực hiện hai nhiệm vụ “bảo vệ gặt chiêm” và “bám đánh địch” nhưng cả hai nhiệm vụ đều không hoàn thành.

Đợt 1 kết thúc ngày 4 tháng 5. Địch thực hiện càn quét được vùng Lâm Thao, ổn định được tinh thần binh lính. Ta không đánh giá đúng địch, thiếu kế hoạch đánh vận động, thiếu kinh nghiệm tổ chức nắm địch nên không thực hiện được tiêu diệt sinh lực địch.
______________________________________
1.Hồ sơ TL 1504- VL11930. Trung tâm thông tin Bộ Quốc phòng.
2.Ngày 23 tháng 5, các đơn vị này mới liên lạc được với Bộ chỉ huy mặt trận nhưng còn ở tình trạng phân tán.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 04:23:08 pm »


Đợt 2 (từ 5 đến 21 tháng 5):

Nhận định đúng âm mưu của địch sẽ đánh chiếm Đoan Hùng - Tuyên Quang, Bộ giao nhiệm vụ cho Liên khu 10 phá kế hoạch càn quét của địch, tiêu diệt các vị trí chúng mới chiếm đóng, đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiêu diệt sinh lực địch. Bộ chỉ huy Liên khu 10 đã phân công nhiệm vụ đánh địch trên các hướng cho từng đơn vị (tiểu đoàn: 510, 626, 696, 532, 630) và tổ chức một bộ phận của trung đoàn sông Lô dùng Badôca đánh ca nô địch trên sông Lô. Sáng 5 tháng 5, địch bắt đầu tiến công. Từ Việt Trì chúng dùng bốn ca nô và gần 100 thuyền ngược sông Lô; bị tiểu đoàn 510 chặn đánh ở Tràng Sao, Dưỡng Mông, Xuân Trình, Xuân Thịnh, địch bị tiêu diệt 10 tên. Sáng 6 tháng 5, tiểu đoàn Ta-bo từ Hà Thạch qua Trù Mật, Yên Lãm, Phú Hộ tiến theo trục lộ 2 lên Đoan Hùng cũng bị tiểu đoàn 532 đánh mìn, giật bom ở Cầu Hai, Chân Mộng, diệt 50 tên. Sáng 7 tháng 5, đại đội 8 tiểu đoàn 2 dù thuộc địa nhảy xuống Minh Cầm (300 tên). Đến ngày 8 tháng 5, từ ba phía, quân địch tiến đánh và chiếm huyện lỵ Đoan Hùng. Sau đó, từ ngày 9 đến 11 tháng 5, chúng càn quét ra xung quanh để giữ an toàn cho Đoan Hùng, bị tiểu đoàn 532 chặn đánh ở Tây Cốc, Ngọc Lũ.

Bộ chỉ huy Mặt trận điều tiểu đoàn 630 cùng tiểu đoàn 532 tổ chức chống càn ở vùng Cát Lâm, Phù Hiên. Địch phát hiện được ý định của ta đã cho một bộ phận theo đường tắt qua Chợ Hàn, Nhũ Hán, men theo chân núi La tiến lên Km5 (Ỷ La) đường Tuyên Quang - Hà Giang. Hai cánh quân chủ lực địch tiến theo trục lộ 2 và ngược sông Lô gặp nhau ở bến Đĩa, lên Km5. Chiều 12 tháng 5, địch chiếm Tuyên Quang và Km7 đường Tuyên Quang - Hà Giang.

Về ta, do xác định điểm tập trung để đánh địch cứng nhắc nên khi địch thay đổi đường tiến ta không tổ chức đánh được; chỉ dùng hai sơn pháo 75mm tập kích vào nhà thờ Tuyên Quang, bắn trúng nơi chúng hội họp. Ngày 13 tháng 5, chúng phải cho ba máy bay lên chở xác chết và số bị thương về Hà Nội.

Sau khi thực hiện các động tác nghi binh, ngày 16, địch nhanh chóng chuyển quân chiếm đóng Phủ Hiên. Ngày 17, chúng chia thành ba mũi, một mũi tiến lên càn quét vùng Cây Thị, hai mũi tiến lên càn phía Thác Bà rồi trở về Làng Ngiện. Tại đây tiểu đoàn 532 chặn đánh địch, diệt 20 tên. Sau đó một mũi tiến xuống càn Chợ Ngà, Cát Lâm, Nghĩa Quân (tại Nghĩa Quân một số tên bị trúng bom thiệt mạng), rồi phối hợp với cánh quân từ Đoan Hùng lên càn quét Tây Cốc, Nam Đản. Cùng ngày, tên tướng Kock đáp máy bay lên Tuyên Quang xem xét tình hình và động viên binh sỹ. Hắn ra lệnh thu quân. Ngày 18, địch rút dần, ngày 21, sau khi hoàn thành việc tập trung quân về Đoan Hùng, Hữu Đô, chúng tiến hành các cuộc càn nhỏ để cướp thuyền làm phương tiện rút về Việt Trì. Đợt 2 kết thúc. Địch đã nghi binh đánh lạc hướng và thực hiện được một phần ý định quấy rối, phá hoại hậu phương của ta, cướp một số cơ xưởng ven sông Chảy ta chưa sơ tán kịp. Ta nhận định đúng nhưng sử dụng lực lượng không chính xác, tổ chức đối phó thiếu cơ động, binh lực phân tán và không giữ được bí mật nên bỏ lỡ nhiều cơ hội đánh địch.

Đợt 3 (từ 24 đến 31 tháng 5):

Địch tập trung quân về Đoan Hùng, chủ trương rút theo hai bờ sông Lô; bên tả có 700 quân, bên hữu 800 quân, dưới sông (với bốn ca nô và hàng trăm thuyền bè) là bộ phận vận tải, pháo binh, binh lính ốm và bị thương và gần 300 người dân bị bắt.

Về ta, mặt trận sông Chảy không còn tác dụng, Đại tướng Tổng tư lệnh quyết định thành lập “Mặt trận Sông Lô” nhằm tiêu diệt quân địch rút lui, bảo vệ thanh danh Sông Lô. Bộ chỉ huy Mặt trận gồm có Chỉ huy trưởng: Bằng Giang, chỉ huy phó: Vương Thừa Vũ, Tham mưu trưởng: Lâm Kính. Chủ trương của ta: chia thành 2 bộ phận hoạt động trên 2 hướng. Hướng chủ yếu là mặt hữu ngạn do Bộ chỉ huy trực tiếp chỉ huy; lực lượng gồm sáu tiểu đoàn bộ binh (18, 79, 510, 554, 532 và 696) và hai đại đội công binh. Hướng phối hợp là mặt tả ngạn, do đồng chí Lâm Kính chỉ huy; lực lượng ba tiểu đoàn (23, 29 và 626).

Ngày 24, dưới sự yểm hộ của máy bay và pháo binh, địch tiến hành rút quân dọc theo hai bên bờ sông Lô. Chúng thực hiện vừa rút vừa càn quét. Cả hai cánh bị trúng mìn ở Khổng Xuyên và Sùng Lễ chết 40 tên. Các tiểu đoàn cơ động của ta vận động chậm do mưa to, suối lũ, thông tin kém nên tiểu đoàn 79 không tập kích được vào Bãi Cẩn, các tiểu đoàn 510, 532, 626, 23 và 29 không thực hiện được tập kích địch ở “hợp điểm” Lệ Mỹ - Tiên Du. Sang ngày 25, đội hình rút lui của địch ở bên hữu ngạn bị hai tiểu đoàn 79 và 18 chặn đánh, diệt gần 100 tên, đánh đắm gần hết số thuyền, giải thoát 275 người dân bị địch bắt. Phía tả ngạn, đội hình của địch bị tiểu đoàn 23 chặn đánh liên tiếp ở Quang Thất, Lộ Viện, Yên Thuyết làm chết 34 tên, bị thương 10 tên. Đêm 25, Bộ chỉ huy Mặt trận ra chủ trương bao vây diệt cánh địch ở phía hữu ngạn trước, sau đó phối hợp với bên tả ngạn tiêu diệt hoàn toàn quân địch; tổ chức giao nhiệm vụ đánh địch cho các đơn vị trên các hướng. Phương châm: đánh vận động, tiêu diệt từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch.

Ngày 26, địch rút lui dè dặt hơn. Mặt hữu ngạn, tiểu đoàn 18 bị lạc đường, tiểu đoàn 79 tự động bắn máy bay, lộ đội hình nên bị địch oanh tạc, cả hai tiểu đoàn không thực hiện được nhiệm vụ đánh địch. Tiểu đoàn 510 và 532 chặn đánh địch từ 14 giờ tới tối, diệt 130 tên, bắn rơi một máy bay Ca-ta-li-na. Địch phải co lại củng cố ở hai thôn Nội, Ngoại và xóm Quỳnh. Bên tả ngạn, địch cho quân lên chiếm núi Hét để chiếm lĩnh địa hình bảo vệ đội hình hành quân, nhưng tiểu đoàn 29 đã chiếm trước. Cả hai lần địch tiến công đều bị tiểu đoàn 29 đánh bật xuống. Nhưng khi bị địch nã pháo mạnh vào đội hình, tiểu đoàn 29 tự động bỏ vị trí, địch chiếm được núi Hét. Ta diệt 100 tên, làm bị thương 30 tên, thu năm súng trường. Ta hy sinh bốn đồng chí, bị thương năm đồng chí. Ngày 27, địch củng cố đội hình để tiếp tục rút (dự kiến ba ngày, đã mất bốn ngày mà mới chỉ rút được nửa đường). Ta không khắc phục được hạn chế về thông tin liên lạc, chủ trương của Bộ chỉ huy đến các đơn vị quá chậm, nên địch đã lợi dụng thời cơ chọc thủng được tuyến ngăn chặn của ta ở Tiên Du; 18 giờ ngày 28 tháng 5, chúng rút về được tới Nha Môn, bộ phận tiếp viện từ Việt Trì cũng lên được tới Xốm. Bộ chỉ huy Mặt trận tổ chức một đội xung phong gồm bốn đại đội chọn lọc, tiểu đoàn 510 và đại đội 74 làm nhiệm vụ yểm hộ trực tiếp cho đội xung phong đánh một trận tiêu diệt để kết thúc chiến dịch. Thực hiện quyết tâm trên, bộ đội đuổi theo địch suốt đêm. 3 giờ ngày 29 tháng 5, hai đại đội tới được Trinh Nữ. Địch ở Nha Môn bỏ chạy tán loạn. Bên tả ngạn, quân ta phục kích ở Phan Dư, diệt 50 tên, sau đó ta rút quân. Quân tiếp viện địch gặp quân rút lui ở Quán Tử, chúng cùng rút về Việt Trì. Ngày 31 tháng 5, ta tổ chức lực lượng để tiêu diệt địch ở Lưu Lâu và quấy rối ở Việt Trì. Nhưng do nắm địch không chắc nên khi đánh vào Lưu Lâu, quân địch đã rút khỏi từ trước. Bộ chỉ huy ra lệnh lui quân, kết thúc chiến dịch.

Kết quả: địch chết và bị thương 983 tên, phần lớn là Pháp và Âu - Phi, một hạ sĩ quan ra hàng; bị đánh đắm một sà lan, gần 100 thuyền bè và một số vũ khí, trang bị; bị bắn rơi một máy bay, bị thương hai chiếc khác. Ta thu: ba tiểu liên, năm súng trường, hai dù đạn cối và 200 dù tiếp tế quân lương. Hy sinh 35 đồng chí, bị thương 52 đồng chí, mất chín súng trường, một số lựu đạn, thóc lúa và nguyên vật liệu của cơ xưởng, hỏng hai khẩu súng.

Cuộc hành quân Pô-mon (Pomone) với tư tưởng chỉ đạo “Vận động nhanh, tiến công càn quét nhanh, rút lui nhanh và hết sức tránh va chạm chủ lực” (ta), quân địch đã dùng chiến thuật “Phân bộ hợp kích”, kết hợp chặt chẽ giữa các mũi tiến công đường bộ với tổ chức đổ bộ đường sông và nhảy dù, hình thành thế bao vây đối với từng mục tiêu định đánh chiếm (như vùng Phú Nham, Cổ Tuyết, Phú Ninh ở đợt l; Đoan Hùng ở đợt 2). Vận dụng chiến thuật này, địch đã nhanh chóng hoàn thành từng bước nhiệm vụ chiến đấu, bảo toàn được lực lượng, gây khó khăn cho ta trong việc phán đoán cũng như tổ chức đối phó, nhất là ở thời kỳ đầu (tiến công càn quét). Tuy cuộc tiến công của quân Pháp có chủ động về chiến thuật, chặt chẽ về tổ chức đội hình nhưng bị đặt trong thế bị động về chiến lược, vì vậy thực chất cuộc hành quân “quấy rối, phá hoại” là chính chứ không phải là chiếm đất; cốt để kéo chủ lực ta xuống, cứu nguy cho Tây Bắc. Bởi vậy ở giai đoạn rút lui, khi chưa bị đánh thì rút có tổ chức khá chặt chẽ đội hình song song hai bên tả, hữu và dưới sông yểm trợ cho nhau, nhưng cũng phải rất dè dặt; đến khi bị ta tiến công, lập tức hoảng loạn, đội hình tháo chạy vô tổ chức.

Phía ta, nhận rõ âm mưu của địch, phân tích đúng tình hình, nên ta quyết tâm “Tiếp tục chuẩn bị Chiến dịch Sông Thao, đồng thời đánh địch trên sông Lô” là đúng đắn. Giai đoạn địch tiến công, ta dùng bộ đội chủ lực vừa đánh tập trung vừa kết hợp với bộ đội địa phương phục kích, đánh mìn và phát động chiến tranh du kích toàn dân; đến khi địch rút lui ta kịp thời chuyển sang đánh vận động là phù hợp. Ta giữ được thế chủ động về chiến lược, đạt được mục đích chính của chiến dịch là đập tan âm mưu địch, bảo vệ thanh danh Sông Lô, gây được lòng tin trong dân. Nhưng đi vào cụ thể thì còn nhiều thiếu sót. Chủ trương tác chiến từng lúc, từng nơi còn chung chung, không sát, có lúc bị động với hành động của địch, phổ biến là triển khai chậm; sử dụng lực lượng còn phân tán. Tổ chức chỉ huy không nắm chắc lực lượng ta, nắm địch không chu đáo. Thông tin liên lạc không thông suốt, có lúc quá chậm. Tác chiến không liên tục, truy kích không tích cực, bộ đội mang nặng tư tưởng đuổi địch nên bỏ lỡ nhiều thời cơ diệt địch, để địch chạy thoát, vì vậy mà “trận đánh quyết định” đã không diễn ra như ý định ban đầu. Lần đầu tiên vận dụng chiến thuật đánh vận động với một lực lượng tương đối lớn (tương đương một sư đoàn), trang bị lại thiếu, hơn nữa địch lại giành thế chủ động, chỉ đạo tác chiến ban đầu của Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ đề ra tiêu diệt địch một cánh chung chung; còn diệt như thế nào, bằng cách nào, ở đâu, thì chưa cụ thể. Về sau phán đoán đúng địch, chủ động, tiến bộ hơn. Ta xác định đúng “quyết chiến điểm” ở Lệ Mỹ-Tiên Du. Kế hoạch dùng một tiểu đoàn nhử địch, một tiểu đoàn thọc sườn, một tiểu đoàn tập hậu là sáng tạo, sắc bén nhưng tổ chức thực hiện lại không hiệu quả. Cấp dưới chấp hành không nghiêm nên tiểu đoàn 18 thì lạc, tiểu đoàn 79 để lộ, bị địch oanh tạc vỡ đội hình, tiểu đoàn 29 tự động bỏ núi Hét... các mũi không hoàn thành nhiệm vụ. Tinh thần liên tục chiến đấu, dẻo dai, tích cực bám địch chưa cao, có nơi còn biểu hiện ngại thương vong. Tinh thần mạnh dạn tiến công, bao vây, chia cắt, chủ động đánh địch trong tác chiến vận động chưa đầy đủ nên không thực hiện được nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch. Ý thức hiệp đồng tác chiến còn yếu. Ở đợt 3 chỉ chú ý hữu ngạn mà bỏ lỡ thời cơ bên tả ngạn, không phát huy được sức mạnh hiệp đồng giữa hai bên để tập trung diệt địch trong thế trận hiểm hóc.

Tóm lại, những thiếu sót về tư tưởng chỉ đạo, tư tưởng chiến thuật, tổ chức chỉ huy và tác phong chiến đấu đã làm hạn chế việc hoàn thành mục đích chiến dịch. Đặc biệt không hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt địch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2012, 03:16:29 pm »

CHIẾN DỊCH SÔNG THAO
(Tiến công, từ ngày 19 tháng 5 đến ngày 18 tháng 7 năm 1949)


Sau thất bại ở Việt Bắc - Thu Đông 1947 và sau những chiến dịch tiến công của ta (ở Yên Bình Xã, đường số 3, Đông Bắc, v.v...), thực dân Pháp đổ thêm quân củng cố vùng Tây Bắc, phát triển nguỵ, tề điệp, thổ phỉ, lôi kéo dân chúng. Chúng lợi dụng địa hình Tây Bắc núi non hiểm trở, nhiều núi cao, suối sâu để xây dựng các đồn bốt, lập các phòng tuyến nhằm đối phó với ta và giữ địa bàn, khoá biên giới. Trong đó có phòng tuyến sông Thao dài trên 200 ki-lô-mét từ Yên Bình Xã, Nghĩa Đô, Phố Ràng đến Bảo Hà, Dóm, Đại Bục, Đại Phác, Ba Khe, Nghĩa Lộ, địch chia Tây Bắc thành bốn tiểu khu: Lào Cai, Nghĩa Lộ, Mộc Châu, Hoà Bình, mỗi tiểu khu lại chia thành bốn đến năm phân khu, có từ bảy đến chín đại đội lính ngụy chiếm đóng. Mỗi tiểu đoàn ngụy người Thái do sĩ quan Pháp chỉ huy. Riêng “phòng tuyến sông Thao” gồm một phần tiểu khu Lao Kay và tiểu khu Nghĩa Lộ do gần tám đại đội ngụy Thái và một bộ phận thuộc trung đoàn thuộc địa thứ 23 chiếm đóng.

Lập phòng tuyến sông Thao, địch chiếm đóng một vùng quan trọng về chiến lược của ta, chặn đường vào Tây Bắc, củng cố được một phần lớn chiến trường Tây Bắc, thực hiện phong toả biên giới Việt Trung.

Bước vào năm 1949, địch ở Tây Bắc đã lâm vào tình trạng đối phó lúng túng với hoạt động của ta, chúng phải rút bỏ một số vị trí nhỏ về tập trung tại các vị trí lớn. Nắm chắc thời cơ, để khuếch trương thắng lợi của mùa Xuân 1949, Bộ Tổng tư lệnh và Bộ chỉ huy Liên khu 10 chủ trương mở Chiến dịch Sông Thao nhằm mục đích: Tiêu diệt một phần sinh lực của địch, làm tan vỡ khối ngụy binh Thái trắng, phá vỡ phòng tuyến của địch ở đoạn Nghĩa Lộ - Bảo Hà - Yên Bình Xã để cô lập tiểu khu Lao Kay và mở rộng căn cứ Tây Bắc từ sông Thao đến sông Đà; phá thế uy hiếp của địch đối với Việt Bắc, củng cố bàn đạp tiến sang Thượng Lào, đồng thời để bộ đội ta tập dượt, trưởng thành, tiến tới tổng phản công.

Phương châm tác chiến là: Tập trung lực lượng tiêu diệt một số cứ điểm trên phòng tuyến sông Thao, đoạn từ Bảo Hà - Nghĩa Đô - Yên Bình Xã, trận mở màn diệt một đến hai cứ điểm, sau đó đánh quân địch tiếp viện và rút lui; kết hợp tiến công các vị trí khác để phát động nhân dân làm địch vận, phá tề, bao vây kinh tế của địch. Bộ chỉ huy dự kiến chia chiến dịch thành ba đợt: đợt 1 (từ 18 đến 25 tháng 5), trận mở màn là tập trung lực lượng diệt vị trí Đại Bục, Đại Phác; sau đó tiêu diệt Dóm và Phục Linh. Đợt 2 (từ 25 đến 31 tháng 5), tập trung diệt Bảo Hà, Phố Ràng và Yên Bình Xã. Đợt 3 (từ 31 tháng 5 đến 30 tháng 6), tuỳ tình hình phát triển chiến dịch, có thể tập trung tiến công Bảo Hà, cô lập Hoàng Su Phì hoặc tiến công Nghĩa Đô. Để giữ bí mật cho hướng chủ yếu các đại đội độc lập và du kích hoạt động nghi binh ở Nghĩa Đô, Sài Lương, Thượng Bằng La, Đồng Bồ; đồng thời phát động võ trang vùng địch hậu: Tú Lệ, Than Uyên, Văn Bàn (Yên Bái), Thuận Châu và dọc sông Đà (thuộc Sơn La), Phong Thổ (Lai Châu).

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: Hướng chủ yếu có năm tiểu đoàn bộ binh (11, 54, 79, 630 và 564), hai đại đội pháo binh, hai khẩu phóng bom, năm đại đội độc lập thuộc trung đoàn 115. Mặt địch hậu, ở Yên Bái có các đơn vị còn lại của trung đoàn 115, ở Lao Hà do trung đoàn 165 và ở Sơn La, Lai Châu do trung đoàn 148 đảm nhiệm.

Chỉ huy chiến dịch: Bộ chỉ huy Liên khu 10. Chỉ huy trưởng: Lê Trọng Tấn, chỉ huy phó: Cao Văn Khánh.

Phần lớn các đơn vị trên đã liên tiếp tham gia các trận chiến đấu, các chiến dịch, nay được tập trung gấp về tham gia chiến dịch Sông Thao, do đó, tuy có nhiều kinh nghiệm, nhưng chưa có thời gian bổ sung, củng cố, và huấn luyện; trừ tiểu đoàn 11 còn nguyên vẹn, còn lại phần lớn các đơn vị sức chiến đấu đã bị giảm ở mức độ khác nhau. Tiểu đoàn 54 vừa hoạt động ở vùng Liên khu 3 mới trở về chưa đầy một tháng, chưa kịp bổ sung quân số, số ốm phải nằm lại hậu phương 100 đồng chí, chưa kịp huấn luyện thì nhận lệnh đi chiến đấu. Tiểu đoàn 79 đang chiến đấu ở sông Lô thì được điều lên chiến dịch Sông Thao, sức khoẻ bộ đội cũng bị giảm sút. Tiểu đoàn 630 trung đoàn 115 vừa hoàn thành nhiệm vụ trên mặt trận Lao Hà nên quân số cũng bị hao hụt, có đại đội chỉ còn 40 tay súng (như đại đội 514). Hai đại đội pháo được điều động cấp tốc từ Đông Bắc sang, hành quân hơn 300 ki-lô-mét, do đó sức khoẻ giảm nhiều, đạn dược cũng chưa đủ. Nhận rõ đặc điểm trên, công tác chính trị chuẩn bị chiến dịch đã đi sâu vào giải quyết những vấn đề cụ thể có ảnh hưởng trực tiếp đến sức chiến đấu như: Lãnh đạo giải quyết tốt khâu cấp dưỡng, chăm sóc thương bệnh binh, xây dựng tinh thần phục vụ cho các chiến sĩ nuôi quân. Đồng thời giáo dục quán triệt nhiệm vụ chiến dịch, phát động căm thù, phát huy truyền thống đơn vị, xây dựng tinh thần chịu đựng gian khổ, thi đua giết giặc lập công.

Công tác chuẩn bị chiến trường, đã thống nhất các tổ chức tình báo, trinh sát, có kế hoạch và phân công nhiệm vụ, phân công khu vực nắm địch cụ thể. Do đó trước ngày nổ súng đã điều tra nắm vững tình hình binh lực, hoả lực, bố phòng của địch ở các vị trí mà ta có kế hoạch tiêu diệt như Đại Bục, Đại Phác, Phố Ràng, Khe Phìa, Ngòi Mác... Tổ chức mạng lưới thông tin chỉ huy chặt chẽ nên mặc dù phương tiện thông tin liên lạc thiếu, nhưng Bộ chỉ huy chiến dịch vẫn thường xuyên nắm vững tình hình mọi mặt ở các hướng, các khâu, bước vào chiến dịch điều hành ăn khớp và giữ được bí mật.

Về chuẩn bị hậu cần, chiến dịch diễn ra trên địa bàn mà kinh tế địa phương rất nghèo nàn, không có khả năng cung cấp cho chiến dịch, quân địch lại ngăn cản ráo riết trên sông Lô. Bộ chỉ huy chiến dịch đã kịp thời chuyển hướng công tác chuẩn bị hậu cần về các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái và Phú Thọ, do đó trước khi nổ súng đã chuẩn bị khá đủ lương thực cho chiến dịch1. Ban quân nhu của Khu 10, nhưng do Bộ trực tiếp chỉ đạo đã chuẩn bị được 140 tấn gạo bố trí ở ba khu vực: Yên Bình Xã để cung cấp cho trung đoàn 308; ở Lục Yên Châu, Làng Cóc để cung cấp cho đơn vị đánh Phố Ràng; ở Ngòi Hóp, Báo Đáp, Trại Hút phục vụ các đơn vị đánh Đại Bục, Đại Phác và Dóm. Mỗi nơi đảm bảo có trong kho một phần ba số cần thiết trước ngày 10 tháng 5 năm 1949, số còn lại quá trình chiến đấu sẽ chuyển sau. Ngoài ra quân nhu còn chuẩn bị cho bộ đội một tấn lương khô. Ban quân y lập một bệnh xá ở tuyến sau và tổ chức một đội phẫu lưu động theo sát mặt trận để cứu chữa thương bệnh binh. Riêng đạn pháo vì hiệp đồng với xưởng chế tạo không chặt chẽ nên bị chậm trễ, thời gian giữa hai đợt chiến đấu phải giãn ra vì chờ đạn pháo.

Đợt 1 (từ ngày 19 tháng 5 đến 05 tháng 6)

Trước ngày chiến dịch mở màn, từ 6 đến 15 tháng 5, các lực lượng nghi binh được phân công đã hoạt động tích cực và có hiệu quả. Nhưng do địch mở cuộc hành quân Pô-môn lên Phú Thọ, Tuyên Quang nên chiến dịch mở chậm hơn so với kế hoạch. 17 giờ ngày 19 tháng 5, pháo binh ta bắt đầu bắn. Sau 1 giờ 50 phút tiến công, ta hoàn toàn làm chủ vị trí Đại Phác và Đại Bục. Ta diệt ba phần tư địch trong đồn Đại Phác, 22 tên ở Đại Bục2; bắt 17 tên (có năm lính Pháp), thu nhiều vũ khí, trang bị. Trận mở màn của quân ta thành công xuất sắc, diệt hai cứ điểm Đại Bục và Đại Phác, khiến địch phải điều ngay quân từ Lào Cai, Phong Thổ đến đối phó. Phối hợp với hướng chính, ta giải tán hội tề ở vùng Minh Lương, tiến công Bản Trại (Sơn La) diệt 20 tên địch, tiêu diệt Văn Bàn, bao vây Phát, kiềm chế Phục Linh. Sau đó bao vây Than Uyên. Ở mặt trận Sơn La, ngày 25 tháng 5, ta tiến công vị trí Sông Con, diệt trên 20 tên địch, làm bị thương 30 tên và đột nhập châu lỵ Thuận Châu; đột nhập trường bay Mai Sơn, đốt cháy một kho dầu, một số vũ khí và nhiều quân trang, quân dụng. Ngày 27, ta thiêu huỷ vị trí Cửa Nhì và Bản Hảo khi địch đã rút chạy, tiến công vị trí Na Luông, diệt 10 tên.

Ngày 30 tháng 5, Bộ chỉ huy quyết định kéo dài đợt 1 để phục kích bắt sống toán quân đi chặt nứa và dùng mật giao, kỳ tập tiêu diệt vị trí Phát, kiềm chế Phục Linh. Nhưng bị lộ phải chuyển sang đánh cường tập (ngày 3 đến 5 tháng 6), cũng không thành công. Vì không theo dõi chắc địch nên ngày 5 tháng 6, một đại đội địch từ Bảo Hà xuống tăng viện được cho đồn Phát. Ở vùng địch hậu, quân ta tích cực hoạt động phối hợp bằng tập kích, phục kích ở Thượng Bằng La, Làng Mạ, đốt kho thóc Hanh Sơn, v.v... Nhưng trước tình hình địch đã tăng viện, ta đạn dược đã tiêu hao, sức khoẻ bộ đội giảm sút, Bộ chỉ huy ra lệnh kết thúc đợt 1 ngày 5 tháng 6. Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định: Địch tăng cường lực lượng ở hữu ngạn sông Thao, trong khi đó ở khu vực Phố Ràng, Nghĩa Lộ, chúng có nhiều sơ hở. Phía ta, đã chuẩn bị chiến trường ở phía tả ngạn sông Thao tương đối chu đáo nên Bộ chỉ huy đã chỉ thị cho trung đoàn 115 tiếp tục hoạt động, khuếch trương chiến quả ở mặt hữu ngạn sông Thao. Còn toàn bộ các tiểu đoàn chủ lực của Bộ ngày 13 tháng 6 hành quân bí mật theo đường tắt Báo Đáp chuyển sang hướng Phố Ràng, chuẩn bị bước vào tác chiến đợt 2.

Chủ trương tác chiến đợt 2 là: Tiếp tục phá vỡ phòng tuyến Sông Thao của địch, tập trung tiêu diệt quân địch ở Phố Ràng, Thôn Mạ, Ngòi Mác, Nghĩa Đô, Bắc Cuông, mở rộng khu căn cứ của ta trong vùng hậu địch ở Lào Cai nối liền với Yên Bái.
___________________________________
1.Trong chiến dịch bộ đội đã được cung cấp: 151 tấn gạo, 8 tấn muối, 60 con bò, 90 con lợn,... và 2.276.621 đồng để mua gạo và sinh hoạt phí. Đã huy động 19.103 ngày công, 900 ngày công ngựa thồ, 900 ngày công thuyền vận tải.
2.Trận đánh của tiểu đoàn 54 vào đồn Đại Bục (bên bờ sông Thao) thuộc tỉnh Yên Bái bằng phương pháp cường tập do tiểu đoàn trưởng Vũ Lăng chỉ huy. Đồn chia làm hai khu A và B, bố trí đội hình theo hình tam giác, ở các góc đều có lô cốt, xung quanh đồn có ba lớp hàng rào bằng tre vót nhọn, ken dày theo kiểu lông nhím; đồn do 120 binh lính Âu - Phi và ngụy đóng giữ.

16 giờ 30 phút ngày 19 tháng 5, được sự yểm trợ của hoả lực đại bác và súng phóng bom, tiểu đoàn hình thành hai mũi tiến công; dùng lửa đốt phá hàng rào, xung phong vào đồn đánh giáp lá cà bằng mác và mã tấu. Quân ta kết hợp giữa tiêu diệt địch và gọi hàng. Sau hơn 30 phút, toàn bộ khu đồn bị đốt cháy, ta loại khỏi vòng chiến đấu toàn bộ 120 tên lính có trong đồn (trong đó có 22 tên bị tiêu diệt). Đây là trận mở màn chiến dịch với lối đánh táo bạo, đạt hiệu suất chiến đấu cao đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của bộ đội trên toàn chiến dịch. Trận đánh đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Sông Thao.

Trận đánh đồn Đại Phác do tiểu đoàn trưởng Vũ Yên chỉ huy. Đại Phác là sở chỉ huy tiểu khu nên quân số địch đông hơn ở Đại Bục. Tiểu đoàn trưởng quyết định không chờ pháo mà ra lệnh cho súng cối bắn vào đồn, đồng thời tập trung hoả lực bắn thẳng bịt các lỗ châu mai, yểm hộ cho bộ đội bắc thang vượt qua các hàng rào lông nhím để xung phong. Từ các lô cốt, ụ súng chưa bị phá, quân địch bắn ra dữ dội. Rút kinh nghiệm từ trận Phủ Thông, lần này đi cùng các chiến sĩ xung kích cầm mác xông vào đồn, có cả những chiến sĩ mang tiểu liên, súng trường và Badôca đi cùng, do đó các hoả điểm địch lần lượt bị dập tắt. Bộ đội xung phong tiêu diệt các ổ đề kháng của địch. Vị trí Đại Phác bị tiêu diệt sau một giờ chiến đấu.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 07 Tháng Sáu, 2012, 03:18:02 pm »



Đợt 2 (từ ngày 24 đến 30 tháng 6):

Ngày 13 tháng 6, ta bắt đầu chuyển quân lên vùng Lục Yên Châu. Cùng lúc, các mặt nghi binh phối hợp tích cực hoạt động. Tiểu đoàn 630 tiến công Tú Lệ, Làng Mạ, Làng Ken (Sơn La); tiểu đoàn 696 và 540 tiến công Trại Vải (Phú Thọ); phát động đấu tranh võ trang ở Mường Còi, Tương Phà và Thuận Châu... Do vậy hướng chính của chiến dịch giữ được bí mật bất ngờ.

Đêm 24 tháng 6, hai tiểu đoàn 11 và 79 (thiếu một đại đội) và hai đại đội pháo binh tiến công tiêu diệt vị trí Phố Ràng, mở đầu đợt 2 chiến dịch. Cùng lúc tiểu đoàn 564 và một đại đội pháo tiến công diệt vị trí Thôn Mạ nhưng không thành công. Địch trá hàng để chạy về Bảo Hà, nhưng đến Mã Yên Sơn thì bị tiểu đoàn 670 chặn đánh. Quân ta vào chiếm Thôn Mạ, thu nhiều vũ khí. Tiếp đó, tiểu đoàn 11 và pháo binh xuống tăng cường cho tiểu đoàn 54 để diệt Khe Phìa, Ngòi Mác nhưng chưa chiếm được đồn. Do ta bao vây không chặt, đêm địch rút chạy, sáng 27 tháng 6, ta vào chiếm đồn, bắt 200 tên, thu một trung liên, 200 súng trường và nhiều đạn dược. Ngày 29, địch cho quân ứng cứu Phố Ràng cơ động theo đường Nghĩa Đô - Bắc Cuông, bị tiểu đoàn 564 phục kích diệt bốn trung đội ở Bắc Cuông, số còn lại tháo chạy về Nghĩa Đô. Phòng tuyến Sông Thao bị phá vỡ một mảng dài 30 km từ Bảo Hà đến Bắc Cuông. Đường liên lạc của địch giữa Bảo Hà với Lào Cai, giữa Bảo Hà với Nghĩa Đô bị cắt đứt. Những ngày sau địch tăng cường lực lượng cho Bảo Hà, Làng Phát, Bắc Cuông và Nghĩa Đô, rút bỏ Phục Linh. Ta rút quân về Lục Yên Châu, kết thúc đợt 2 chiến dịch.

Theo kế hoạch tác chiến lúc đầu, chiến dịch có thể kết thúc vào cuối tháng 6 năm 1949. Nhưng chiến dịch được lệnh của Bộ kéo dài thời gian sang tháng 7 năm 1949. Ngày 8 tháng 7, các đơn vị tham gia chiến dịch được lệnh hành quân về phía hữu ngạn sông Thao, chuẩn bị tác chiến đợt 3.

Đợt 3, Bộ chỉ huy chiến dịch chủ trương tiêu diệt quân địch ở Dóm và làng Phát lần thứ hai để phá nốt phòng tuyến Sông Thao, không cho địch đóng lại Đại Bục và Đại Phác. Phương pháp tác chiến là dùng hình thức cường tập, nếu địch cố thủ thì đánh dài ngày để diệt cho kỳ được Dóm và làng Phát.

Đợt 3 (từ 16 đến 18 tháng 7):

Buổi sáng ngày 16 tháng 7, hai lần địch từ Dóm cho quân ra thăm dò, tuần tiễu đều bị ta chặn đánh, chúng thương vong gần 30 tên, trong đó có tên Va-nhê, quan hai chỉ huy đồn Dóm. 17 giờ, ta nổ súng tiến công. Lực lượng gồm hai tiểu đoàn (54 và 79), hai đại đội của tiểu đoàn 11 và một đại đội pháo binh. Địch chống cự yếu ớt, một số tên theo đường hầm chạy thoát ra ngoài. Ta diệt 30 tên, thu nhiều vũ khí. Địch từ Dốc Lu lên tiếp viện, bị hai đại đội địa phương chặn đánh, ta diệt một trung đội Âu - Phi, địch phải rút lui. Phòng tuyến Sông Thao của địch bị vỡ thêm một mảng lớn từ Ba Khe tới Bảo Hà dài 70 ki-lô-mét. Ngày 17, ta chuyển quân lên để đánh vị trí Phát theo kế hoạch, nhưng được lệnh của Bộ nên ngày 18 tháng 7, Bộ chỉ huy cho kết thúc chiến dịch.

Kết quả: Ta tiêu diệt chín và bức rút 16 vị trí làm cho phòng tuyến Sông Thao vỡ một mảng dài 70 ki-lô-mét. Địch bị diệt 230 tên (có 51 lính Pháp, 124 lính khố đỏ và 55 lính dõng), bị thương 150 tên, bị bắt 58 tên (có 11 lính Pháp) và 300 tên tề điệp và phản động. Ta thu: một trọng liên 12,8 mm, năm đại liên, 12 trung liên, hai cối 81mm, bảy cối 60mm, 250 súng trường, 22 tiểu liên, hai súng ngắn, nhiều đạn dược và đồ quân dụng. Ta đốt một kho xăng, một kho gạo; mở rộng được cơ sở địch hậu trên 3.000 km2, tổ chức được đường liên lạc thông suốt giữa các khu tự do của ba tỉnh Sơn La, Yên Bái, Lào Cai. Ta hy sinh 86 người, bị thương 222 người.

Chiến dịch Sông Thao kết thúc thắng lợi. Sau ba đợt tác chiến, quân ta đã phá vỡ một mảng lớn phòng tuyến Sông Thao của địch; tiêu diệt một tiểu đoàn, phá hơn 20 đồn lớn nhỏ, giải phóng một vùng rộng 5000km2, có hai vạn dân, mở thông được đường liên lạc giữa vùng tự do với khu căn cứ hậu địch ở Sơn La, Yên Bái, Lào Cai.

Lần đầu tiên ta tập trung lực lượng diệt gọn hai phân khu (Đại Phác, Phố Ràng) trong một thời gian ngắn. Bảo đảm được các yếu tố: Bí mật, bất ngờ, giữ vững quyết tâm, xử trí linh hoạt, chuyển hướng chiến dịch đúng thời cơ, kết hợp chặt chẽ giữa hướng chính và các hướng nghi binh, phối hợp giữa quân, dân, chính đạt hiệu quả nên đã tạo được thế đánh hiểm, buộc địch phải lúng túng đối phó. Những mục tiêu cơ bản của chiến dịch đã đạt được. Song, ta chưa thực hiện được triệt để mục tiêu phá vỡ khối ngụy binh người Thái. Quá trình phát triển chiến đấu chưa chú trọng đúng mức tổ chức lực lượng dự bị để chi viện phát triển chiến dịch, công tác điều tra nắm địch và đánh giá địch chưa chắc nên bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt địch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2012, 09:20:39 pm »


CHIẾN DỊCH THẬP VẠN ĐẠI SƠN1
(Tiến công, từ ngày 10 tháng 6 đến ngày 5 tháng 7 năm 1949)


Cuối năm 1948, Giải phóng quân Trung Quốc do Đảng cộng sản Trung Quốc lãnh đạo đã giành được những thắng lợi to lớn. Quân Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch bị đẩy lùi từ Hoa Trung xuống Hoa Nam và đang tìm đường tháo chạy ra biển Đông. Chính vì vậy, ở vùng Quảng Đông, Quảng Tây, quân “địa phương” của Quốc dân đảng ra sức củng cố vùng hậu phương này để làm hậu thuẫn cho quân chủ lực của Tưởng Giới Thạch vừa phải rút chạy, vừa phải chống cự với Giải phóng quân Trung Quốc. Ở biên khu Điền Quế và Việt Quế - một bộ phận quan trọng của “căn cứ địa Hoa Nam”, lực lượng vũ trang cách mạng có trên ba tiểu đoàn tập trung và một số đội du kích địa phương, nhưng do bị bọn Quốc dân đảng tập trung càn quét liên miên, nên họ gặp một khó khăn lớn là không có cơ sở ổn định, phải luôn di động. Hơn nữa, việc chuẩn bị một địa bàn tác chiến cho đại quân chủ lực của Giải phóng quân Trung Quốc (Đại quân Nam Hạ) tràn xuống tiến công các đạo quân của Tưởng Giới Thạch đã là một vấn đề cấp thiết được đặt ra. Chính trong hoàn cảnh ấy, theo chỉ thị của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đầu tháng 3 năm 1949, Bộ tư lệnh biên khu Việt Quế cử chính uỷ Sần Minh Coóng (tức Trần Minh Giang) sang Việt Nam liên hệ với ban chỉ huy trung đoàn 59, đề nghị ta đưa quân sang phối hợp đánh quân Quốc dân đảng, giúp Trung Quốc xây dựng khu giải phóng ở vùng Ung - Long - Khâm2, tiếp giáp với các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Hải Ninh của ta. Việc đưa quân sang đất bạn là một vấn đề rất lớn hệ trọng, nên trung đoàn 59 đã báo cáo lên cấp trên để xin chỉ thị.

Thể theo yêu cầu cấp thiết của bạn, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Bộ Tổng tư lệnh đưa quân sang giúp, mặc dù lúc đó ta mới bước vào năm thứ ba của cuộc kháng chiến chống Pháp, đang còn khó khăn rất lớn về nhiều mặt. Ngày 23 tháng 4, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh số 464B/TTL3, gửi cho Bộ tư lệnh Liên khu 1. Phần nhiệm vụ, bản mệnh lệnh ghi rõ: “Bộ Tổng tư lệnh quyết định: phối hợp cùng các Lực lượng vũ trang Giải phóng quân Biên khu Việt Quế - Điền Quế, kịp thời hành động giúp Giải phóng quân xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung-Long-Khâm, liền biên giới Đông Bắc của ta, thông ra bể, gây điều kiện khuếch trương lực lượng đón đại quân Nam Hạ. Đồng thời hoạt động để mở rộng khu tự do Đông Bắc ra tận biên giới và thông ra bể, liền với khu giải phóng Việt Quế...4.

Theo sự thoả thuận của ta và của bạn, Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập Bộ chỉ huy tiến công giải phóng Biên khu Việt Quế - Điền Quế, mang biệt danh “Bộ Tư lệnh Thập Vạn Đại Sơn” gồm Lê Quảng Ba (chỉ huy trưởng Mặt trận Đông Bắc) làm Tư lệnh; Trần Minh Giang (Đại diện Bộ chỉ huy Biên khu Việt Quế) làm Chính trị uỷ viên. Toàn chiến dịch đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng tư lệnh.
___________________________________
1.Còn có tên gọi: Chiến dịch tiến công giải phóng Biên khu Điền Quế - Việt Quế.
2.Vùng Ung-Long-Khâm gồm ba huyện Ung Ninh, Long Châu và Khâm Châu. Trên thực tế, bộ đội Việt Nam sang giúp bạn, hoạt động tác chiến ở các huyện Long Châu, Khâm Châu và Phòng Thành, ta đã giúp bạn khôi phục và mở rộng khu căn cứ địa ở vùng Ung-Khâm-Phòng.
3.Trích trong cuốn: “Những tài liệu chỉ đạo chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân uỷ và Bộ Tổng tư lệnh” - t.1, BTTM xuất bản, trang 265-267, Lưu trữ Viện LSQSVN (TL-1309).
4.Trích trong cuốn : “Những tài liệu chỉ đạo chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân uỷ và Bộ Tổng tư lệnh” - t.1, BTTM xuất bản, trang 265-267-Lưu trữ Viện LSQSVN (TL-1309).

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2012, 09:23:12 pm »


Lực lượng tham gia chiến dịch: Về phía ta có trên bốn tiểu đoàn được tổ chức thành lực lượng đặc biệt1 gồm hai chi đội (6 và 28); hình thành hai mặt trận, hai hướng tiến công:

Mặt trận phía tây Thập Vạn Đại Sơn  (Mặt trận Long Châu - Biên khu Điền Quế) do đồng chí Thanh Phong (Phó tư lệnh Liên khu I) làm Tư lệnh mặt trận; đồng chí Chu Huy Mân, Chính uỷ trung đoàn 74 và đồng chí Hoàng Long Xuyên, trung đoàn trưởng trung đoàn 28 làm Phó Tư lệnh. Lực lượng gồm: Tiểu đoàn 73 thuộc trung đoàn 74, Liên khu 1; tiểu đoàn 35 thuộc trung đoàn 308 của Bộ, một đại đội sơn pháo 70mm, một đại đội trợ chiến và bộ phận quân y, thông tin, các lực lượng này được tổ chức thành Chi đội 28. Ngoài ra còn có hai đại đội địa phương, một đại đội của huyện Thoát Lãng (nay là Văn Uyên) và một đại đội của tỉnh Lạng Sơn. Quân ta lấy danh nghĩa là “Giải phóng quân Tả Giang”, tiểu đoàn 73 được gọi là “Đoàn 25”, tiểu đoàn 35 gọi là “Đoàn 35”. Trên mặt trận này, lực lượng Giải phóng quân Trung Quốc có hai đại đội và một số đội vũ trang địa phương; đồng chí Lộc Hoà (tức Ké Lộc), Tư lệnh khu Tả Giang - Long Châu tham gia trong Bộ tư lệnh Mặt trận.

Mặt trận phía đông Thập Vạn Đại Sơn (Biên khu Việt Quế) bên kia biên giới Lạng Sơn, Hải Ninh do đồng chí Lê Quảng Ba trực tiếp làm Tư lệnh; đồng chí Trần Minh Giang làm Chính uỷ. Lực lượng trên hai tiểu đoàn: tiểu đoàn 426 được tăng cường một đại đội 1488; tiểu đoàn 1 (còn gọi là tiểu đoàn Minh Hổ); một bộ phận cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần của mặt trận Duyên Hải - Đông Bắc, được bổ sung thêm các tổ quân y, quân dược chuyển thành cơ quan trực thuộc Bộ Tư lệnh Thập Vạn Đại Sơn (mặt trận phía Đông). Hai tiểu đoàn 426 và 1 được tổ chức thành chi đội 6; đồng chí Nam Long, trung đoàn trưởng trung đoàn 59 được cử làm Chi đội trưởng, đồng chí Hoàng Bình, trung đoàn trưởng trung đoàn độc lập Hải Ninh làm Chi đội phó, đồng chí Đỗ Trình làm Chính trị uỷ viên chi đội kiêm Chính trị hợp trợ viên cho Bộ Tư lệnh Thập Vạn Đại Sơn. Sau trận Trúc Sơn, đồng chí Đỗ Trình được gọi về nước nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Dũng sang thay2.

Trên mặt trận này, lực lượng Giải phóng quân Trung Quốc có ba tiểu đoàn được tổ chức thành một chi đội (chi đội 3) do đồng chí Vương Cương (Voòng Coóng) làm chi đội trưởng, ngoài ra còn có một số trung đội du kích địa phương.

Bên cạnh chính uỷ Trần Minh Giang, phía bạn còn có: Trần Phát, uỷ viên khu Thập Vạn Đại Sơn ; Lê Công (Lầy Cống), Tham mưu trưởng; Lê Liên (Lý Sỉu), Chủ nhiệm Chính trị; Hoàng Nhị Thư (Vòng Dì Chế) phụ trách hậu cần.

Các đơn vị của ta được lệnh đi làm nhiệm vụ quốc tế khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt. Nhiều đoàn cán bộ được phái đi trước chuẩn bị chiến trường, công tác tư tưởng, tổ chức được tiến hành tỷ mỷ, chu đáo. Cán bộ, chiến sĩ được học tập về nhiệm vụ quốc tế, tìm hiểu phong tục tập quán, ngôn ngữ và học một số từ, câu để giao tiếp với nhân dân địa phương. Các đơn vị được bổ sung thêm trang bị, vũ khí (có đủ súng trường, lựa đạn và cả trung liên, trung đội hoả lực có cối 60mm), phương tiện thông tin và lương thực, thực phẩm; lực lượng hậu cần còn mang theo dược liệu, dụng cụ pha chế thuốc và tăng cường cán bộ quân y để giải quyết “hậu cần tại chỗ”. Các đơn vị của bạn được trang bị đầy đủ súng trường Thất cửu (7,9 mm), lựu đạn, tiểu liên, trung liên (ở cấp trung đội) và súng cối (ở cấp đại đội). Đồng bào làm gạo rang, chè lam, nước gừng ủng hộ bộ đội. Phụ nữ vá quần áo, khâu bao gạo, thanh niên vót tre đan mũ và giã giò tặng bộ đội. Công tác chuẩn bị kéo dài gần một tháng. Bộ đội được cấp thêm mỗi người 15 ngày gạo tính từ ngày vượt biên giới đề phòng bạn không tiếp tế kịp.
______________________________________
1.Chỉ thị số 84/CTNE của Bộ Tổng Tham mưu do Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái ký ngày 28 tháng 4 năm 1949. Lưu trữ Viện LSQS (TL.1309).
     Trước chiến dịch, tiểu đoàn 426 là tiểu đoàn tập trung thuộc trung đoàn 59 của Liên khu 1 do đồng chí Biên Cương làm tiểu đoàn trưởng, đồng chí Đỗ Đình Khúc làm chính trị viên (khi rút về nước, đồng chí Khúc ngã bệnh, từ trần) và đồng chí Trần Vinh làm tiểu đoàn phó. Tiểu đoàn 1 (tức Minh Hổ) thuộc trung đoàn độc lập Hải Ninh do tiểu đoàn trưởng Minh Hổ chỉ huy. Tiểu đoàn phần lớn là anh em dân tộc Ngái từ Triều Châu Trung Quốc di cư sang.

2.Lúc đó, Hoàng Thế Dũng, nguyên chính trị viên trung đoàn Hải Kiến (Hải Phòng - Kiến An, sau này mang phiên hiệu trung đoàn 42), phái viên của Cục Chính trị Bộ tư lệnh (nay là Tổng cục Chính trị).
     Đồng chí Việt Hưng, trung đoàn phó trung đoàn 59 ở lại trong nước để chỉ đạo các đại đội độc lập của trung đoàn đang phân tán hoạt động ở hai tỉnh Bắc Giang, Hải Ninh và đường số 4 từ nam Lạng Sơn ra Tiên Yên, Móng Cái. Sau đó, đồng chí Việt Hưng có nhiệm vụ đưa bộ đội sang bảo vệ đường rút về của quân ta qua địa phận Thượng Tư và Tư Lạc. (Hiện có một vài ý kiến cho rằng đồng chí Việt Hưng sang làm Tham mưu trưởng Chi đội 6. Đơn vị bảo vệ đường rút về này đã diệt được một đồn biên phòng của địch.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2012, 09:24:00 pm »


Chiến dịch diễn ra trên địa bàn ba huyện: Long Châu, Khâm Châu và Phòng Thành. Mỗi huyện có diện tích tương đương và lớn hơn một tỉnh của Việt Nam. Dãy Thập Vạn Đại Sơn (mười vạn ngọn núi) là dãy núi cao, rừng rậm, hiểm trở nằm giữa ranh giới hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Địa bàn diễn ra chiến dịch là hai vùng rộng lớn phía tây và phía đông dãy Thập Vạn Đại Sơn, bao gồm: những dãy núi cao, những vùng bán sơn địa, những cánh đồng rộng và vùng đồng bằng duyên hải, với nhiều làng mạc và thị trấn (trong đó có những thị trấn lớn tương đương thành phố Hà Nội như: Nà Lường, Giang Bình, Síu Tổng, Đông Hưng). Các trục đường bộ chạy dài nối giữa các thị trấn. Nhiều sông rộng, suối lớn. Khí hậu rất khắc nghiệt. Dân cư trên địa bàn phần lớn là nghèo vì bị bọn thổ phỉ và quân Quốc dân đảng cướp phá nhiều lần. Họ cũng chưa được giác ngộ cách mạng.

Lực lượng địch có trên năm trung đoàn. Khu Long Châu (Mặt trận phía Tây) là một trong 14 khu quân sự của Quốc dân đảng ở tỉnh Quảng Tây, do hai trung đoàn bảo an, và nhiều đội bảo vệ, tuần sát dân đoàn ở các huyện đóng giữ. Khu Khâm Châu và Phòng Thành (Mặt trận phía Đông) lực lượng địch có trên ba trung đoàn, chúng bố trí hai trung đoàn ở Đông Hưng, một trung đoàn ở Phòng Thành.

Trên cả hai vùng, tuỳ theo địa thế và mức độ (lớn, nhỏ) của từng vị trí, đồn bốt, chúng bố trí từ một đến hai trung đội, có nơi đến bốn đại đội quân Quốc dân đảng, chưa kể các dân đoàn hương và các đội vũ trang riêng của địa chủ. Nếu chúng thống nhất được hai lực lượng này sẽ trở thành đối tượng rất nguy hiểm đối với ta. Nhưng ở thời kỳ này, quân Quốc dân đảng đang hoang mang, lòng người ly tán, “quân đội” và “dân hương” rời rạc, không thống nhất được với nhau.

Chi đội trưởng Nam Long dẫn đầu đoàn cán bộ đi chuẩn bị chiến trường hướng Khâm Châu, Phòng Thành. Đường từ Bản Chắt (Chi Lăng) qua các huyện Tứ Lạc, Thượng Tư sang Khâm Châu núi thấp dễ đi, nhưng rất gần đồn bốt của quân Pháp và quân Quốc dân đảng nên Bộ tư lệnh chiến dịch chấp nhận đề nghị phương án hành quân vượt qua Thập Vạn Đại Sơn đoạn đường qua đỉnh đèo Bắc Luân, cao 1.013 mét. Từ sáng sớm ngày 18 đến 21 tháng 6 bộ đội ta vượt đoạn đường đèo hiểm trở vô cùng gian khổ qua Thập Vạn Đại Sơn, tập kết tại Pắc Lầu, địch ở đây hoảng sợ bỏ chạy. Ngay 24 tháng 6, quân ta tiến vào Phù Lủng. Ngày 25, địch ở Nà Số (gần Phù Lủng) cũng bỏ chạy về Nà Lường. Ta tiến vào Nà Số, tại đây Bộ tư lệnh họp bàn kế hoạch tác chiến.

Sau những ngày hành quân gian khổ đến vị trí tập kết, các đơn vị lại rơi vào tình thế rất nghiệt ngã: hết lương thực. Tình hình cung cấp của bạn rất khó khăn, bộ đội ta buộc lòng phải tiến hành công tác dân vận để “thu lương”. Vào làng nào quân ta cũng tổ chức quét dọn vệ sinh sạch sẽ, chữa bệnh, bôi thuốc trị ghẻ lở cho người già, trẻ em, dạy hát cho thanh thiếu niên, v.v... Do làm tốt công tác dân vận nên các đơn vị đã thu mua được lương thực, thực phẩm, dần dần khắc phục được nạn đói và củng cố được sức khoẻ cho bộ đội trước khi bước vào chiến đấu.

Mặt trận phía tây Thập Vạn Đại Sơn cũng gặp một khó khăn tương tự như Mặt trận phía Đông, chiến trường lạ, đối tượng tác chiến mới, địa bàn rất rộng trong khi công tác chuẩn bị chiến trường gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu lương thực; nhưng bộ đội ta đã nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, đoàn kết phối hợp với Quân giải phóng Trung Quốc bước ngay vào cuộc chiến đấu.

Sáng 10 tháng 6, Chi đội 28 chia thành hai mũi bất ngờ tiến công mạnh trên hướng chính của Mặt trận: Thuỷ Khẩu - Hạ Đống, mở đường tiến về thị xã Long Châu. Bộ binh phối hợp với pháo binh tiến công diệt đồn Thuỷ Khẩu (đối diện với Phục Hoà - Cao Bằng) do một đại đội địch đóng giữ. Sau hai ngày chiến đấu, tổ chức nhiều đợt xung phong, đến đêm 12 tháng 6, Đoàn 25 hoàn toàn làm chủ vị trí và truy kích tàn quân địch chạy về hướng Long Châu. Cùng thời gian trên, vị trí Hạ Đống cũng bị đại đội 164 Đoàn 35 tiêu diệt. Ngày 14 tháng 6, quân ta diệt luôn La Hồi. Quân Quốc dân đảng đưa một tiểu đoàn từ Long Châu xuống ứng chiến cho đồng bọn ở Độc Sơn (một vị trí ven sông nằm giữa La Hồi - Hạ Đống). Ngày 15 tháng 6, chúng bị quân ta chặn đánh, dồn vào các hang đá ven sông Tả Giang gần thị trấn Hạ Đống. Bị bao vây chặt suốt từ sáng đến tối 15, phần lớn tiểu đoàn địch bị diệt và bị bắt, số ít còn lại tháo chạy về Long Châu. Đoàn 35 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh điểm, diệt viện.

Trên hướng phối hợp Nam Quan - Ải Khẩu, hai đại đội và một trung đội hoả lực cối 60mm do đồng chí Hoàng Long Xuyên, Phó tư lệnh Mặt trận chỉ huy, phối hợp với một trung đội địa phương do đồng chí Ké Lộc chỉ huy đã bố trí một đại đội và trung đội địa phương bao vây đồn Nam Quan. Đại đội thứ hai và trung đội hoả lực phục kích đoạn đường qua dãy núi đá ở Pha Luông trên đường Bằng Tường đến Nam Quan, hai điểm này cách nhau 15 km. Ngày 12 tháng 6, ta tiến hành bao vây. Bị vây chặt trong một tuần, quân Tưởng trong đồn không còn gì ăn, định rút, nhưng bị ta chặn đánh lại phải co vào đồn cầu cứu viện binh. Địch cho hai đại đội từ Bằng Tường lên ứng cứu. 8 giờ sáng, đội hình địch lọt vào trận địa phục kích. Ta nổ súng diệt tại trận năm tên, bắt sống 25 tên, thu 12 súng Thất cửu. Địch bỏ chạy tán loạn về Bằng Tường. Quân ta lập tức truy kích. Cùng ngày, ta bao vây bức địch rút bỏ vị trí Ải Khẩu chạy về Bằng Tường. Ta truy kích tiếp. Ngày 13 tháng 6, địch ở Bằng Tường rút chạy. Một trung đội lính Pháp từ Đồng Đăng tiến lên Nam Quan cũng bị ta đánh lui.

Bị đánh dồn dập, bất ngờ từ nhiều hướng, quân Quốc dân đảng vội vã rút bỏ một loạt vị trí: Lôi Bình, Bằng Kiều, Thông Keo, Thượng Thạch, Hạ Thạch đồng thời dồn theo một số lớn dân chúng chạy về Long Châu. Thị xã Long Châu trở nên rối loạn. Đợt tiến công đầu tiên kết thúc thắng lợi. Căn cứ cách mạng ở Long Châu được mở rộng, chính quyền cách mạng được thiết lập ở nhiều nơi. Tận dụng lúc địch hoang mang, ta tiến sâu vào vùng địch kiểm soát, kêu gọi, tổ chức nhân dân nổi dậy. Quân ta hoàn toàn kiểm soát đoạn đường Thuỷ Khẩu - Hạ Đống trên tuyến Cao Bằng - Long Châu. Tuyến phòng thủ của địch từ Bằng Tường qua Long Châu tới Lôi Bình bị đánh dồn ở hai đầu và uy hiếp mạnh ở giữa. Địch phải tập trung lực lượng co về phòng thủ Long Châu chờ tiếp viện. Ngày 24 tháng 6, quân tiếp viện từ Nam Ninh đến, Long Châu trở thành điểm co cụm mạnh của địch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2012, 09:24:26 pm »


Mặt trận phía đông Thập Vạn Đại Sơn: Sau khi nghiên cứu tình hình, ngày 1 tháng 7, Bộ tư lệnh quyết định tiến công Trúc Sơn, một thị trấn cửa khẩu lớn (mỗi bề một km) gần Đông Hưng do bốn đại đội đóng giữ. Từ Trúc Sơn có đường thuỷ thông ra biển và đường bộ đến Đông Hưng, Phòng Thành. Quân địch đóng trong các phố; bốn góc có bốn lô cốt, lô cốt mẹ cao 7,8 mét xây bằng gạch, có nhiều lỗ châu mai. Quanh lô cốt bố trí nhà lính ở, có hàng rào tre vót nhọn bao quanh. Phía ta, tiểu đoàn 426 thạo đánh phục kích, tập kích, tiểu đoàn Minh Hổ quen hoạt động du kích, cả hai đơn vị chưa có kinh nghiệm đánh công kiên. Bạn có ba tiểu đoàn, một đại đội ở Hợp Phố, còn hai đại đội ở Phòng Thành và Khâm Châu nhưng cũng chưa thạo đánh công kiên.

0 giờ 15 phút đêm 5 tháng 7, quân ta từ ba mặt nổ súng. Cối 82mm, 60mm và trung liên, đại liên phát huy hoả lực. Địch cũng bắn trả mãnh liệt. Đại đội 86 chiếm được một phố nhưng không hạ được lộ cốt vì đạn Badôka không nổ. Các đại đội 85, 87 cũng gặp khó khăn vì hoả lực địch. Trận đánh kéo dài đến sáng, cả hai bên đều bị tiêu hao. Bộ tư lệnh chủ trương chuyển sang bao vây và tiêu diệt lô cốt chính để kìm chế Trúc Sơn, hãm lương, buộc địch hàng. Đến ngày thứ ba, hết gạo, bộ đội ta phải ăn ngô rang. Nhưng do giữ nghiêm kỷ luật dân vận nên nhân dân cảm mến đã nấu cháo, mổ lợn tiếp tế và động viên quân ta giết giặc. Trong lúc bao vây, các đơn vị chặn viện đã nhiều lần tổ chức đánh viện cả trên đường bộ và đường thuỷ từ Đông Hưng và Phòng Thành đến Trúc Sơn. Sau năm ngày bao vây, 4 giờ ngày 10 tháng 7, bộ đội ta rút khỏi Trúc Sơn về Vọng Thôn. Địch chết và bị thương (cả ở căn cứ và trên đường bị phục kích) gần hai đại đội, ta cũng hy sinh và bị thương 53 đồng chí, có một đại đội trưởng, một trung đội trưởng và ba tiểu đội trưởng.

Sau trận Trúc Sơn, Bộ Tư lệnh phái tiểu đoàn phó Trần Vinh đem một trung đội trở lại Phù Lủng làm công tác dân vận, chuẩn bị địa bàn cho quân ta rút từ đồng bằng lên núi khi cần thiết. Bọn Quốc dân đảng cho 500 quân đi càn, trung đội đi cùng đồng chí Trần Vinh trong năm ngày đã đánh ba trận: Pắc Cáp, Cốc Phào, Nà Sậm, địch rút quân. Ngày 7 tháng 5, chi đội 3 của bạn sử dụng một tiểu đoàn chủ lực và tập trung 11 trung liên tiêu diệt quân Quốc dân đảng đóng trên những ngọn đồi xung quanh Trúc Sơn, thu toàn bộ vũ khí. Hoảng sợ, địch bỏ Trúc Sơn rút về Đông Hưng. Tiếp đó chúng bỏ Nà Lường rút về Phòng Thành. Vùng giải phóng khu Thập Vạn Đại Sơn được mở rộng. Chính quyền cấp huyện đầu tiên được thành lập ở Nà Lường. Nhiều địa chủ phản động bỏ chạy về Đông Hưng và Phòng Thành. Bạn đã bắt đầu thu được thuế ở cửa khẩu Trúc Sơn.

Sau một thời gian củng cố, quân ta tiếp tục tiến công địch ở quanh Nà Số, bức chúng rút khỏi Vòng Chúc, ngày 25 tháng 7, đánh địch vận động ở Mào Lẻng (Mao Lĩnh). Quân ta vượt sông sang Khâm Châu đuổi đánh đoàn thuyền lương của tên trùm phỉ Trương Thuy Quý trên bến Trường Thán. Đầu tháng 8, trên đường hành quân từ Nà Số đi Khâm Châu, bộ đội ta gặp địch, trận tao ngộ chiến diễn ra ở núi Quan Đường (phía nam Nam Ninh). Quân địch lên chiếm điểm cao bên đường. Ta nhanh chóng chiếm điểm cao đối diện và phát huy hoả lực bắn mạnh sang rồi xung phong đánh bật chúng ra khỏi các điểm cao. Địch phải dồn xuống khe núi. Ta dùng trung liên và lựu đạn diệt nhiều tên, số còn lại ra hàng. Trong trận này ta diệt một đại đội địch, bắt 35 tên, thu nhiều vũ khí. Nhân dân trong vùng phấn khởi mang gạo, thịt uý lạo bộ đội.

Ngày 16 tháng 8, phối hợp với bạn, ta phục kích địch tại On Mộc trên đường Tai Tri đi Khâm Châu. Sau một giờ chiến đấu, ta diệt và bắt sống nhiều tên. Cuối tháng 8, phối hợp với du kích địa phương, ta diệt và bắt 100 tên phỉ có cả tên chỉ huy. Cuối tháng 10, khi chỉ huy bạn đã liên lạc được với đại quân Trung Quốc, ta được lệnh rút về nước. Bộ tư lệnh để lại một đại đội phối hợp với bạn tiếp tục làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở và đánh địch ở vùng biên giới hai tỉnh Quảng Đông và Hải Ninh. Cánh quân trên Mặt trận phía Đông đã hoàn thành nhiệm vụ.

Mặt trận phía Tây: Nhận thấy các đơn vị của ta gặp phải một số khó khăn, lương thực và đạn lại chưa bổ sung kịp, Bộ tư lệnh quyết định chuyển sang vây hãm địch, đồng thời tập trung lực lượng về chuẩn bị đánh chiếm thị trấn Ninh Minh. 10 ngày cuối tháng 6, ta và bạn cử những bộ phận nhỏ áp sát thị xã Long Châu, tiến hành trinh sát vũ trang, vừa bắn phá quấy rối vừa tuyên truyền vận động nhân dân và tổ chức nghi binh đánh lạc hướng địch.

Ngày 30 tháng 6, ta siết chặt vòng vây Ninh Minh. Ngày 1 tháng 7, bộ đội ta hình thành nhiều mũi tiến công vào Ninh Minh. Nhưng quân địch hoảng sợ đã rút chạy từ đêm hôm trước qua sông Kỳ Cùng sang Ninh Giang. Địch bỏ lại 300 tấn thóc, một kho quân dược và nhiều đồ dùng quân sự. Nhân dân khen bộ đội Việt Nam đánh giỏi, kỷ luật nghiêm, họ đã tình nguyện làm liên lạc dẫn đường giúp bộ đội đánh quân Quốc dân đảng và ủng hộ nhiều lương thực, thực phẩm, thuốc men.

Ngày 3 tháng 7, ta chuẩn bị đánh Thượng Kim. Nhưng nhờ có quân tăng viện từ Nam Ninh đến, bọn chỉ huy Quốc dân đảng ở Long Châu tổ chức chiếm lại Hạ Thạch, ra sức củng cố Ninh Giang, Thượng Kim để chiếm lại Ninh Minh. Xét thấy lực lượng ta ít, lương và đạn hết, ta không thực hiện được ý định đánh Thượng Kim. Ngày 5 tháng 7, Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị kết thúc chiến dịch, rút quân về nước. Ta để lại một bộ phận thuộc đại đội địa phương Văn Uyên phối hợp hoạt động và củng cố cơ sở với bạn ở vùng Nam Quan - Ải Khẩu. Đại đội địa phương của Thoát Lãng hoạt động ở vùng Lôi Bình.

Sau gần một tháng tiến công và hoạt động, bộ đội của ta ở mặt trận phía Tây đã cùng với Quân giải phóng Trung Quốc đánh tiêu diệt và làm tan rã nhiều đơn vị quân Quốc dân đảng; diệt và làm bị thương và bắt gần 400 tên; thu 534 súng các loại; đánh chiếm và bức rút các vị trí: Thuỷ Khẩu, La Hồi, Hạ Đống, Lôi Bình, Thượng Thạch, Ninh Minh...; giải phóng năm hương cùng hàng vạn dân. Ở mặt trận phía đông, quân ta và bạn đã loại khỏi vòng chiến đấu một trung đoàn quân Quốc dân đảng; bức rút và giải phóng 10 trong số 12 thị trấn lớn và nhỏ (Phù Lủng, Nà Số, Nà Thìu, Nà Lường, Giang Bình, Síu Tổng, Đồng Chúc, Mào Lẻng, Đông Hưng...), mở rộng và củng cố căn cứ địa Thập Vạn Đại Sơn của bạn, tạo thành hậu cứ, địa bàn vững chắc cho đại quân Nam Hạ của bạn tiến xuống; đồng thời đã vừa tạo thuận lợi cho quân ta hoạt động ở vùng Đông Bắc, vừa thiết thực ngăn chặn được tàn binh của Quốc dân đảng không tràn xuống vùng Cao Bằng, Lạng Sơn và Hải Ninh của ta. Mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản của chiến dịch ta đã hoàn thành.

Trong cuộc họp chung của Bộ Tư lệnh Thập Vạn Đại Sơn (gồm cả ta và bạn) đã tổng kết chiến dịch và đánh giá: “Thắng lợi về quân sự đã quan trọng, nhưng thắng lợi về chính trị còn lớn hơn nhiều”. Bằng công sức và xương máu, bộ đội ta đã trực tiếp góp phần xây đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung Quốc mới và Việt Nam mới. Góp phần tuy nhỏ nhưng rất quý và vẻ vang vào sự nghiệp giải phóng Trung Quốc. Chiến dịch cũng đã khẳng định tinh thần kỷ luật rất cao, thương dân hết mực và dũng cảm vô song, hy sinh thân mình vì nghĩa vụ quốc tế cao cả của bộ đội ta.

Nét nổi bật nhất của nghệ thuật chiến dịch ở đây là khi tiến công tiêu diệt cứ điểm không thành công, ta đã dùng kế vây hãm kết hợp với bố trí lực lượng để đánh viện, do đó tuy quân ít hơn hẳn, trang bị kém hơn địch nhưng ta đã tạo một thế đánh và đạt được hiệu suất chiến đấu khá cao. Quân địch nhanh chóng tan rã.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM