Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:39:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích  (Đọc 398211 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Viet Trung 51
Thành viên
*
Bài viết: 142


« Trả lời #450 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2012, 12:23:51 am »

Xin phép trở lại chuyện này một chút

Binh nhất, chiến sỹ lái mà chẳng một ai tin.

Đọc kỹ lại những trang đầu hồi ức của bác Phi công tiêm kích có thông tin sau, tôi xin trích dẫn:

… Ngày mồng 8 tháng 4 năm 1968, lớp bay MiG-21 của chúng tôi được nhận bằng tốt nghiệp sau đó được nghỉ mấy ngày chuẩn bị để về nước….
… Chúng tôi về Trung đoàn cuối tháng 4/1968 thì đầu tháng 5/1968 tôi đã cơ động vào sân bay Sao Vàng Thọ Xuân (Thanh Hoá) để trực chiến. Sân bay được mang mật danh B1….
Chỉ mấy tháng trong năm 1968 thôi, mà tôi cũng đã được cất, hạ cánh và trực chiến đủ ở các sân bay trên miền Bắc: Đa Phúc (nay gọi là Nội Bài), Yên Bái, Kép, Kiến An, Gia Lâm, Thọ Xuân...
Chúng tôi chưa được phong quân hàm sỹ quan, Học ở trường, tôi đeo quân hàm hạ sỹ thì bây giờ cũng vẫn vậy. Có anh còn đeo quân hàm binh nhất, tới tận lúc nhảy dù vì có sự cố trong chiến tranh khi tiếp đất, dân quân “tóm được” khai là: binh nhất, chiến sỹ lái mà chẳng một ai tin. Cuộc sống thời chiến cuốn hút chúng tôi, chẳng ai nghĩ gì cho riêng mình, thậm chí có đồng đội hy sinh cho đến tận bây giờ tìm một chiếc ảnh ra hồn để đặt trên bàn thờ mà cũng không có.
Giai đoạn chúng tôi tốt nghiệp về nước thì chưa được phong quân hàm. Khi chúng tôi nhập ngũ, tất cả đều là binh nhì, rồi sau đó, khi sang bên Liên-xô học thì được mang quân hàm học viên bay nhưng với các cấp bậc khác nhau: ai đã tốt nghiệp lớp 10 thì cấp hàm là hạ sĩ, ai đã học Đại học thì là chuẩn úy…
Cuối năm 1969 chúng tôi mới được phong hàm Thiếu úy…

***

Từ những dòng trên ta thấy:
Những học viên phi công chưa tốt nghiệp lớp 10 ( lớp 12 trung học bây giờ), mà số này không ít trong  giai đoạn những năm 1960, thì chỉ mang quân hàm binh nhất.
Bác Phi công tiêm kích cho biết tiếp: Có anh còn đeo quân hàm binh nhất, tới tận lúc nhảy dù vì có sự cố trong chiến tranh…

Vậy đây là phi công nào?. Qua tìm hiểu có thông tin sau:
“Chuyện về một phi công thương binh lãnh sứ mạng tiêu diệt Nguyễn Văn Thiệu”
Thu Apr 21, 2005 1:52 am.
LÊ THÀNH CHƠN
(theo Báo Cần Thơ)
Trong bài viết có đoạn sau:
… Còn trường hợp của Phạm Phú Thái, chiếc Mig-21 anh lái có tốc độ gấp gần 10 lần chiếc Yak của Maressev, đối tượng chiến đấu của anh là người Mỹ và đối thủ của anh có số lượng đông gấp 8, gấp 10 lần. Đó là vào đầu tháng 7 năm 1968, ba chiếc Mig-21 do Phạm Thanh Ngân (nay là Thượng tướng, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, anh hùng lực lượng vũ trang) chỉ huy. Thái bay số 2. Đặng Ngọc Ngự (anh hùng lực lượng vũ trang) bay số 3. Biên đội cất cánh từ sân bay Thọ Xuân, bay dọc theo đường số 15, đến Nghĩa Đàn, Ngự phát hiện địch bay ngược chiều phía trên, Ngân chưa nhìn thấy địch, nhưng tỉnh táo, cơ động, quan sát và tránh tên lửa của những chiếc F-4 chẳng biết từ đâu bắn trắng trời vào biên đội. Phạm Phú Thái cơ động ngang bám theo biên đội trưởng liền bị tên lửa Mỹ bắn đứt đuôi... Thái nhảy dù... Chiếc dù màu của anh vừa bung ra, lập tức đạn lửa của dân quân bắn lên đỏ trời, càng xuống thấp, đạn bắn lên càng nhiều... chiếc dù bị rách, Thái chưa có kinh nghiệm, dù rơi xuống một quả đồi, hai chân không cân bằng, dù kéo, anh bị ngất... trong hôn mê, cả người bị xô mạnh, anh loáng thoáng nghe tiếng một người đàn ông “Phi công ta, nó là bạn tôi”... rồi anh không còn nghe gì nữa... lúc đó là 15 giờ 30 chiều.
Trời tối dần, không khí yên lặng, mát mẻ, trăng non leo lên khỏi chân trời, vượt qua khỏi ngọn cây. Thái chợt nghe tiếng quạt và làn gió mát vào cổ áo, bỗng tiếng đập của một mạch máu lạ lọt vào lỗ tai, Thái từ từ mở mắt, người đau nhừ, anh nhận ra đầu đang nằm trên đùi một cô gái trẻ thật êm, nhịp đập của mạch máu từ đùi của cô gái dội lên tai anh ngày càng rõ. Thái cựa quậy, cô gái nâng đầu, anh nhận ra cô gái mặc chiếc áo nâu, tóc tết đuôi sam dài. Anh muốn đi tiểu... cô gái đỡ anh đứng lên, một chân bị thương, và cô gái dìu anh đi bằng một chân đến bên bụi chuối. Lạ thay, bọng đái đầy nước, cơn buồn đi tiểu dữ dội, anh đã làm động tác đi tiểu của mình nhưng không tài nào... Cô bé đó, chắc cũng bằng tuổi 18 của Thái bèn quay lưng để cho Thái dựa vào ...
Biết phi công ta đã tỉnh, những bà mẹ, những cụ lão dân quân mang trứng, mang gà đến làm thịt ủy lạo. Ông xã đội trưởng đến gần Thái hỏi “xin anh cho biết tên”. “Tôi tên là Phạm Phú Thái”. “tuổi” . “18” . “cấp bậc’. “binh nhất”.  “đơn vị”. “trung đoàn 921”. Có lẽ những điều hỏi do cấp trên dặn đã xong. Ông xã đội trưởng thắc mắc bèn trở lại “Báo cáo anh chúng tôi là người của Đảng, anh cứ khai thật, không phải giữ bí mật. Xem chiếc dù của anh, ít ra anh là trung úy”.
Thái đau lắm, nhưng cố gắng giải thích “Tôi đúng là binh nhất, tôi chưa được phong quân hàm”. Đến lúc này ông xã đội trưởng đã hiểu, ông tâm sự “Bây giờ thì tôi tin anh là phi công Việt Nam. Bà con tự hào lắm. Vậy mà, đài phương Tây nói, phi công Bắc Việt không phải là người Việt Nam!”.
Không lâu sau đó, vết thương lành. Thái trở lại đơn vị và tiếp tục chiến đấu …
***
Phi công  Phạm Phú Thái được phong Trung tướng tháng 1.2008.
Năm 2010 Đ/c Phạm Phú Thái được phong tặng phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
xxx

Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #451 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2012, 12:43:02 am »

Bác Viet Trung 51 : không phải không tin bác đâu. Mọi người biết cả bác ạ. Chẳng qua AHLLVT Vũ Xuân Thiều quá nổi tiếng nên thông tin trên mạng chính thống của Nhà nước ta đã ghi rõ ràng: khi hy sinh đồng chí là đảng viên, thượng úy QDNDVN. Không lẽ anh Thiều là học viên xuất sắc, đã chiến đấu nhiều năm trước lúc hy sinh khi tiêu diệt B-52, không kỷ luật gì thì sao lại là thượng sỹ. Có vậy thôi bác ạ. Chả cứ thời chiến, sau 75 trong trường quân sự thì cũng vậy thôi, ai cũng bắt đầu từ binh nhì hết. Ra trường tốt nghiệp thì phong chuẩn úy rồi thiếu úy, anh nào tốt nghiệp giỏi thì trung úy (tùy từng thời kỳ), anh nào kỷ luật thì có khi chỉ hạ sỹ hay trung thượng sỹ v.v... Bình thường mà bác. Bác có thông tin gì hay thì cứ tiếp tục chia sẻ với anh em. Chúc bác vui vẻ tiếp tục đóng góp cho diễn đàn.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Mười Một, 2012, 05:42:46 am gửi bởi qtdc » Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #452 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2012, 07:24:12 am »

Tình huống bác VT51 nêu có thật đấy. Tuy nhiên nó chỉ kéo dài vài tháng thôi.
Sở dĩ có chuyện này vì LX đào tạo cán bộ cho ta nhưng bạn không có quyền phong quân hàm cho học viên ta. Học xong, thi xong- bạn cấp bằng tốt nghiệp và tất nhiên là các đồng chí đó có quyền "hành nghề"- nghĩa là đi trực chiến, đi đánh nhau. Còn việc phong quân hàm sĩ quan là của Bộ QP VN theo đề nghị của cơ quan cán bộ các cấp. Với rất nhiều thủ tục như vậy, cái quyết định phong sĩ quan về đến tay các tân phi công có khi cũng phải mất vài tháng. Chuyện bình thường mà Grin

Mà chả cứ học ở nước ngoài về mới thế. Ngay ở trong nước cũng vậy. Năm 1979, chúng tôi đang học năm cuối Trường SQTTG. Ngày 17.2 TQ đánh ta thì ngày 10.3 khóa chúng tôi dừng học ra trường sớm và một số bắt đầu đi nhận nhiệm vụ. Cho đến cuối tháng 3 thì toàn khóa đã đi nhận nhiệm vụ tại các đơn vị trong toàn quân, trong đó có một số vào BGTN và một số tập trung huấn luyện bổ sung chuẩn bị lên BGPB. Tất cả đều được bổ nhiệm trung đội trưởng, đại đội phó, trợ lý các cấp... (làm việc của sĩ quan) song vẫn đeo quân hàm học viên, còn phụ cấp vẫn hưởng theo cấp bậc HSQ tùy từng người (hầu hết là trung sỹ, có một số thượng sỹ). Mãi đến 18 tháng 6 thì quyết định phong quân hàm mới về đến nơi. Nhà trường triệu tập được một số anh em ở gần về đại diện để nhận.

Hôm nhận quân hàm của khóa này vui đáo để: đc CNCT vừa đọc được mấy dòng đầu "căn cứ vào..." và 2 chữ quyết định thì tôi (đứng hàng đầu) phát hiện thấy khói đùn lên ở nhà quân y tiểu đoàn. Thế là miệng hét "cháy" còn chân thì phi luôn ra khỏi hội trường lao về phía đám cháy. Các anh em khác cũng theo ra lao tất về đó. Chạy xuống đến nơi thì lửa đã bốc lên cao. Được cái đông người và nước gần nên chỉ sau dăm phút đã dập được lửa. Về lại hội trường trông ai cũng nhọ nhem song cũng thật vui Grin
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Mười Một, 2012, 02:32:47 pm gửi bởi lixeta » Logged
MTT
Thành viên
*
Bài viết: 24


« Trả lời #453 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2012, 09:26:52 am »

Em học ở HVKTQS 92-98, khi về trường học là ổn định ở quân hàm H1 cho đến khi ra trường.
Bây giờ thì trường mới có chế độ phong quân hàm cho Học viên.
Logged
Viet Trung 51
Thành viên
*
Bài viết: 142


« Trả lời #454 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2012, 10:24:11 pm »

Một số hình ảnh về trường không quân Crasnodar.


Sukhoi ở cổng vào trường bay Crasnodar
xxx


Tượng đài Mig-21 ở sân bay Cu sốp (Кущевская)
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Mười Một, 2012, 11:17:50 pm gửi bởi Viet Trung 51 » Logged
Viet Trung 51
Thành viên
*
Bài viết: 142


« Trả lời #455 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2012, 10:28:57 pm »

Monument to pilots. Tượng đài mig-17 ở sân bay Primorsko-Akhtarsk.



xxx


Máy bay L-29 của học viên Vũ Đình Chính bị tai nạn ngày 29-T6-1974 ở thị trấn Primorsko-Akhtarsk.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #456 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2012, 10:49:51 pm »

Bài cũ về phi công Mig-17 Lê Văn Phong:
http://ca.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=91271


Liệt sĩ phi công Lê Văn Phong.

Chủ Nhật, 19/11/2006 - 1:47 PM
Phát hiện máy bay MIC-17 và hài cốt phi công

Ngày 30/10/2006, trong khi san ủi làm đường tại khu vực thôn Cộng Hòa, xã Phù Linh, Sóc Sơn (Hà Nội) các công nhân đã phát hiện mảnh xác máy bay và hài cốt ở độ sâu gần 4 mét. Sự việc được báo lên Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện. Từ đó, chúng tôi đã tìm lại hồ sơ một trận đánh và sự hy sinh của phi công Lê Văn Phong cách đây 40 năm.

Sự việc được báo về Đoàn Không quân Thăng Long (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân) và đơn vị đã nhanh chóng cử tổ công tác do Thượng tá Nguyễn Văn Mậu - Phó chủ nhiệm Chính trị phụ trách đến địa phương xác minh. Ngay sau đó đơn vị đã phối hợp với Huyện đội Sóc Sơn và UBND xã Phù Linh tiến hành bảo vệ hiện trường, thu thập thông tin. Một số mảnh xác máy bay đã bị người dân mang về nhà cũng được khẩn trương thu hồi lại.

Hiện vật vẫn còn nguyên vẹn sau 40 năm

Hiện vật thu được tại hiện trường bước đầu gồm có 1 khẩu pháo 37 li và 1 đoạn nòng pháo; 1 phần động cơ và phía đầu máy bay; 1 khẩu súng ngắn K59 số hiệu 40.55.36.66 cùng 6 viên đạn; một số mảnh máy bay MiG- 17. Tại đây cũng đã tìm thấy một số mảnh hài cốt dự đoán là của phi công.

Đoàn Không quân Thăng Long đã cử cán bộ tổ chức tra cứu các tài liệu lịch sử, gặp gỡ các cựu chiến binh và nhân dân địa phương để xác minh, đồng thời báo cáo lên Cục Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân.

Theo tài liệu lưu trữ, trong chiến tranh chống Mỹ, tại xã Phù Linh có 2 máy bay chiến đấu MiG-17 của Trung đoàn 923 (trước đây thuộc Đoàn Không quân Thăng Long, nay đã chuyển vào Thanh Hóa) rơi vào các ngày 20 và 23/8/1967 cùng với 2 phi công hy sinh.

Trận đánh ngày 20/8/1967, máy bay bị rơi do Trung úy phi công Hà Đình Bôn thuộc Đại đội 1 - Trung đoàn 923 điều khiển. Chiếc MiG-17 này đã bị trúng tên lửa và rơi xuống địa phận thôn Đồng Trâm, xã Phù Linh. Trận đánh thứ hai có một máy bay bị rơi cũng là một chiếc MiG-17 do Thiếu úy phi công Lê Văn Phong thuộc Đại đội 2 Trung đoàn 923 điều khiển.

Sau khi bắn rơi một máy bay Mỹ trên vùng trời Vĩnh Phú, máy bay của anh đã bị trúng tên lửa của địch và rơi xuống thôn Cộng Hòa, xã Phù Linh. Cả hai trận đánh đều là máy bay MiG-17 và cả 2 phi công đều hy sinh. Máy bay lại cùng rơi trên địa bàn một xã, địa danh sau 40 năm đã có nhiều đổi thay nên việc xác định chính xác là rất khó.


Một phần động cơ của chiếc MIG-17.

Qua tiếp xúc với một số người cao tuổi ở xã Phù Linh, tổ công tác đã thu được một số thông tin. Một nhân chứng cho biết, chiếc rơi tại thôn Cộng Hòa là chiếc rơi sau chiếc rơi tại thôn Đồng Trâm, như vậy rất có thể đây là máy bay mà phi công Lê Văn Phong lái.

Một số nhân chứng như ông Nguyễn Xuân Tý - nguyên Chính trị viên xã đội; ông Trần Văn Chuyên, nguyên phụ trách công tác tuyên huấn xã; ông Nguyễn Đình Lạc, 79 tuổi, nguyên Bí thư xã Phù Linh, cho biết, sau khi sự việc xảy ra, một số mảnh máy bay và vài phần nhỏ thi thể phi công đã được tìm thấy và được nhân dân địa phương an táng lập mộ tượng trưng, nhưng tất cả các nhân chứng này đều không biết họ tên của phi công.

Bà Hoàng Thị Viễn, 80 tuổi nguyên cán bộ phụ nữ xã là người đã trực tiếp thu nhặt mảnh thi thể phi công cũng không nhớ gì vì thời gian đã quá lâu. Cả 2 phi công đều được nhân dân an táng, lập mộ phần tại nghĩa trang thôn Phù Mã.

Ông Lạc và ông Chuyên cho biết, ngày ấy, sau khi mai táng phi công được khoảng 3 tuần thì có một anh bộ đội và một người phụ nữ nói là người nhà liệt sĩ từ Hải Phòng lên xin đưa thi hài về quê, lãnh đạo địa phương đã giải thích là mộ chỉ là tượng trưng nên họ lại thôi. Năm 1973, phần mộ của liệt sĩ Lê Văn Phong được chuyển về nghĩa trang liệt sĩ xã Tiên Dược, Sóc Sơn (Hà Nội) và ở đó cho đến nay. Còn mộ liệt sĩ Hà Đình Bôn đã được chuyển đi nơi khác.

Một tổ công tác khác đã đi gặp gỡ các cựu chiến binh không quân để xác minh thêm nhưng cũng chưa tìm được những người biết tường tận sự việc. Ông Bùi Đăng Sưu, hiện đang sinh sống tại Hà Nội, nguyên là Biên đội trưởng trận đánh ngày 20/8/1967 cũng chỉ nhớ được diễn biến trận đánh: “Chúng tôi đang bay ở độ cao 4.000 mét thì thấy có ánh chớp. Theo kinh nghiệm chiến đấu tôi xác định đó là tên lửa đất đối không bắn liền hô biên đội cơ động. Sau khi tản ra quan sát thấy máy bay của đồng chí Bôn đang cháy. Khi đồng chí Bôn hy sinh tôi không được đến vị trí máy bay rơi nên không thể biết chi tiết gì hơn”.--PageBreak--

Mọi sự chưa được sáng tỏ thì trong quá trình tìm kiếm, ngày 2/11, tại hiện trường, tổ công tác Đoàn B71 đã thu được một quyển lý lịch dù và một ví da trong đó có một số vật dụng cá nhân. Lý lịch dù ghi rõ ngày kiểm tra cuối cùng là ngày 3/7 với một số nhận xét kỹ thuật và tên người. Một điều kỳ lạ là các hiện vật này sau 40 năm chôn vùi trong lòng đất nhưng vẫn còn khá nguyên vẹn.

Chiếc ví bọc nhựa bóng trong suốt có in hình ảnh và chữ Trung Quốc. Trong ví có 8 chiếc tem, hai loại khác nhau dùng cho chiến sĩ thời ấy, 3 chiếc dao cạo râu, 2 biên lai gửi tiền của Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh đóng dấu Bưu cục Hải Phòng ngày 14/9/1965 và một băng vải đen rộng khoảng 3cm, dài khoảng 8cm giống như băng tang.

Đặc biệt, trên một hóa đơn chuyển tiền về Phú Thọ, phần người gửi có ghi tên Phong, nét chữ mờ nhưng vẫn đọc được. Lấy kính lúp soi thì phần người nhận là Ốc hay Kết gì đó không rõ. Số tiền gửi là 70 đồng.

Căn cứ vào những tài liệu thu được, gần như có thể khẳng định phần hài cốt trên là của phi công Lê Văn Phong trong trận đánh ngày 23/8/1967. Chiếc băng đen được cho rằng đó là băng để tang người đồng đội Hà Đình Bôn hy sinh trước đó 3 ngày. Do rơi từ trên cao với tốc độ lớn nên phần đầu chiếc MiG-17 đã cắm sâu trong lòng đất, cho đến nay, sau 40 năm mới được tình cờ phát hiện.

Liệt sĩ Lê Văn Phong và trận không chiến ngày 23/8/1967

Chúng tôi đã được tiếp xúc với hồ sơ tác chiến lưu trữ tại Quân chủng Phòng không - Không quân do Thiếu tướng Phạm Phú Thái, Phó Tư lệnh thứ nhất Quân chủng cung cấp. Buổi sáng ngày diễn ra trận đánh, không quân Mỹ đã đánh phá khu vực Bắc Giang; nông trường đá gần Quán Toan, Hải Phòng; Văn Điển và nội, ngoại thành Hà Nội với mỗi đợt vài chục chiếc F-105 và F-4. 12 giờ 18 phút, 24 chiếc tiếp tục đánh khu vực Hòa Lạc.

Căn cứ vào tin tình báo chiến lược, Bộ Tư lệnh thông báo không quân Mỹ sẽ đánh vào Hà Nội. 14h15, rađa dẫn đường phát hiện máy bay Mỹ gây nhiễu nặng ở phương vị 240, sau đó di chuyển đến phương vị 290-300. 14h48, phát hiện máy bay Mỹ xuất hiện ở phía tây Yên Bái và kéo ồ ạt vào Tuyên Quang, Tam Đảo, Đại Từ, Đa Phúc, Cầu Đuống...

14h55, biên đội trực chiến của Lê Văn Phong được lệnh vào cấp I. 14h58, biên đội được lệnh cất cánh theo hướng 90, độ cao 3.000m. Biên đội gồm có các phi công Cao Thanh Tịnh số 1 - Biên đội trưởng; Lê Văn Phong số 2; Lê Văn Thọ số 3; Lê Hồng Điệp số 4, trong đó có Lê Văn Phong và Lê Hồng Điệp là 2 phi công mới. Lê Văn Phong điều khiển chiếc MiG-17 số hiệu 49.

15h8, biên đội phát hiện địch ở Tam Đảo. Số 1 Cao Thanh Tịnh quay lại hướng phát hiện ra địch. Số 3 Lê Văn Thọ tiếp tục phát hiện 4 chiếc F-105 bay ngay trên đầu. Biên đội trưởng Cao Thanh Tịnh ra lệnh cho số 3 Lê Văn Thọ vào công kích, số 2 Lê Văn Phong yểm hộ. 15h12, số 3 phát hiện địch lần thứ 2 ngay trên khu vực chiến đấu.


Các vật dụng trong ví da của liệt sĩ Lê Văn Phong.

Đội hình máy bay Mỹ gồm có 16 chiếc F-105 chia làm hai tốp đi theo đội hình bàn tay xòe, hàng dọc kéo dài với vận tốc 900km/giờ; 12 chiếc F-4 yểm hộ cho F-105 vào đánh mục tiêu. Thủ đoạn của chúng là kéo dài đội hình, tốp cách tốp 8 đến 12 km, bay cao, với độ cao 2.500 đến 5.000m, dùng F-4 để đối phó với tiêm kích của ta. Vì vậy, lúc ta vào công kích F-105, máy bay Mỹ rất bất ngờ, có chiếc tăng lực tháo chạy, có chiếc quấn vòng tròn câu giờ để gọi F-4 đến cứu.

Khi Biên đội trưởng Cao Thanh Tịnh vào công kích thì Lê Văn Phong phát hiện thấy F-4 bay lại phía đội hình của ta, anh liền lao vào công và bắn 1 chiếc F-4 bốc cháy. Đồng thời máy bay của Lê Văn Phong cũng bị trúng tên lửa của máy bay Mỹ bắn trong khi đang cơ động.

Lúc đó số 3 và số 4 được Sở Chỉ huy lệnh về hạ cánh, cùng lúc thấy số 1 từ trên cao lao xuống nhập vào đội hình thành biên đội 3 chiếc và về hạ cánh tại sân bay Kép (Bắc Giang). Toàn bộ trận đánh diễn ra trong vòng 3 phút. Máy bay của phi công Lê Văn Phong cháy và bị rơi xuống xã Phù Linh. Sự việc sau đó như những gì đã diễn ra như đã nêu ở trên.

Sau khi trận đánh diễn ra một tuần, ngày 30/8/1967, Trung đoàn 923 đã có báo cáo về trận đánh ngày 23/8 do Trung tá Nguyễn Phúc Trạch, chỉ huy đơn vị ký. Trong báo cáo nêu rõ “Trận không chiến ngày 23/8 là trận đánh thắng địch với quyết tâm rất lớn”. Về phi công Lê Văn Phong, báo cáo nhận xét: “Số 2 yểm trợ tích cực cho số 1, khi thấy F-4 lao vào biên đội đã quả đoán xông tới bắn cháy 1 chiếc, sau đó trúng đạn hy sinh là một hành động dũng cảm...”.

Cũng trong ngày hôm đó, lực lượng không quân đã xuất kích chiến đấu trên cả 3 sân bay miền Bắc là Nội Bài, Kép, Gia Lâm. Biên đội MiG-21 của phi công Nguyễn Nhật Chiêu, Nguyễn Văn Cốc xuất kích từ Nội Bài và chiến đấu trên vùng trời tây bắc và bắn cháy 3 máy bay Mỹ.

Phi công Nguyễn Nhật Chiêu nhớ lại: “Chúng tôi chiến đấu trở về đến vùng trời Tam Đảo, F-4 và F-105 của Mỹ và MiG-21 của ta bay gần nhau nhìn rõ cả số hiệu trên thân máy bay mà không bên nào làm gì được bên nào. Phía chúng tôi thì đạn đã hết, dầu đã cạn. Phi đội chúng tôi về đến Nội Bài ngay trên đỉnh sân bay dầy đặc máy bay ta và máy bay địch; hỏa lực phòng không bắn đỏ trời...”.

Ngày 23/8/1967, quân và dân ta đã thắng lớn không quân Mỹ. Riêng lực lượng không quân đã bắn hạ 6 máy bay, quân và dân ta đã bắt sống 5 giặc lái.

Theo tài liệu lưu trữ, phi công Lê Văn Phong sinh ngày 4/11/1941 tại Phú Thọ, nhập ngũ vào Quân chủng Không quân tháng 8/1959. Tháng 8/1962 anh được cử đi học lái máy bay tại Liên Xô. Sau đó đi học tiếp lái máy bay MiG-17 tại Trung Quốc. Năm 1966, sau khi tốt nghiệp về nước, anh được điều về Trung đoàn 923, Đoàn B71, Quân chủng Phòng không - Không quân.

Khi hy sinh anh mang quân hàm Thiếu úy thuộc Đại đội 2, Trung đoàn 923. Năm 1967, Báo Tiền phong đã có bài viết về trường hợp hy sinh của phi công Lê Văn Phong. Anh đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì và một Huân chương Chiến sĩ vẻ vang.

Chúng tôi đã tìm về quê liệt sĩ Lê Văn Phong tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Hiện nay bố mẹ anh đã mất, ở quê chỉ còn gia đình một người anh trai và một người chị gái của liệt sĩ sinh sống. Biên lai gửi tiền phần người nhận là anh gửi về cho bố anh. Gia đình anh có 5 anh chị em, Lê Văn Phong là con út.

Ngày 9/11, Đoàn Không quân Thăng Long (Quân chủng Phòng không - Không quân) đã làm lễ truy điệu liệt sĩ phi công Lê Văn Phong và đưa hài cốt của anh về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Tiên Dược, Sóc Sơn, Hà Nội, là nơi có phần mộ tượng trưng của anh, theo nguyện vọng của gia đình. Tại lễ an táng, đã có đông đủ thân nhân gia đình liệt sĩ, lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân, chính quyền và nhân dân địa phương nơi quê hương liệt sĩ và nơi liệt sĩ an nghỉ.

Ông Lê Văn Lộc, Đại tá Quân đội đã nghỉ hưu, là anh trai cả của liệt sĩ Lê Văn Phong nay sinh sống tại TP HCM, chính là người đã đến xã Phù Linh khi em trai mới hy sinh. Ông bay từ TP HCM ra dự lễ và đã rất xúc động khi gần 40 năm đã trôi qua, nay hài cốt liệt sĩ đã được quy tụ và an táng.

Những chiếc tem được tìm thấy vẫn thơm mùi dầu máy bay và đọc được những dòng chữ  in rõ “Có giặc là đánh - Đánh là thắng” và “Vừa sản xuất vừa chiến đấu” thực sự là những bằng chứng sống động cho một thời chiến đấu oanh liệt của các thế hệ đi trước. Họ đã chiến đấu hết mình, góp phần giành lại độc lập thống nhất cho đất nước, cho dân tộc, nhận về mình sự mất mát hy sinh

Nguyễn Xuân Thủy
Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #457 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2012, 12:46:51 am »

Trích dẫn
“Chúng tôi đang bay ở độ cao 4.000 mét thì thấy có ánh chớp. Theo kinh nghiệm chiến đấu tôi xác định đó là tên lửa đất đối không bắn liền hô biên đội cơ động. Sau khi tản ra quan sát thấy máy bay của đồng chí Bôn đang cháy

Các bác bên PK xem lại vụ này nhờ cái.  Huh Lẽ nào ...
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #458 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2012, 12:57:46 am »

Bài về phi công AHLLVT Nguyễn Bá Địch:
http://trianlietsi.vn/new-vn/ket-qua-qua-thu-ban-doc/1006/tim-thong-tin-liet-si/new-vn/tim-thong-tin-liet-si/new-vn/Trang-vang-liet-si/1048/En-bac-anh-hung-cua-mien-que-hoa-phuong-do.vhtm

Én bạc anh hùng của miền quê hoa phượng đỏ
KIM TOÀN

QĐND - Đầu năm 2011, Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho 51 cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc. Trong số ấy, Hải Phòng vinh dự có một liệt sĩ được truy tặng danh hiệu cao quý. Đó là liệt sĩ Nguyễn Bá Địch, phi công thuộc Đại đội 1, Trung đoàn 921 (?- 923), Sư đoàn 371 Quân chủng Phòng không- Không quân...

Giữa mùa hè đỏ rực màu hoa phượng, thắp nén hương thơm trước di ảnh liệt sĩ, chị Phạm Thị Nụ, người vợ hiền của liệt sĩ cùng con trai, con gái, ai cũng xúc động, tự hào nhớ về anh.


Bà Phạm Thị Nụ, vợ liệt sĩ, phi công Nguyễn Bá Địch nhận bằng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân do Nhà nước truy tặng anh. Ảnh: Duy Thính

Nguyễn Bá Địch là con trai thứ hai của một gia đình nông dân có 5 người con, làm nghề trồng trọt và đánh cá. Ngay từ khi học phổ thông, anh rất thông minh, học giỏi. Lớn lên, anh nhập ngũ, được đào tạo lái máy bay chiến đấu, rồi trở thành giáo viên huấn luyện lái máy bay MIG-17. Năm 1966, giặc Mỹ điên cuồng dùng máy bay, tàu chiến ném bom, bắn phá, gây tội ác tại nhiều nơi trên miền Bắc nước ta. Từ nước ngoài, Địch được cử về trực tiếp sát cánh cùng các phi công trong nước chiến đấu với máy bay Mỹ. Anh hăng hái cùng đồng đội liên tục xuất kích, quần nhau với giặc trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh đồng bằng ven biển và vùng Đông Bắc, Tây Bắc của Tổ quốc. Dù máy bay MIC-17 của ta lúc ấy là loại máy bay nhỏ, tốc độ và hỏa lực hạn chế, nhưng bằng ý chí và cách đánh của Việt Nam, anh cùng đồng đội đã mưu trí, dũng cảm đánh đuổi nhiều loại máy bay hiện đại của Mỹ.

Ngày 25-4-1966, giặc Mỹ cho 12 máy bay "Thần Sấm" F-105 từ phía biển đột nhập đánh phá Hải Phòng. Đến 9 giờ 55 phút, cũng từ biển Đông, nhiều tốp máy bay các loại, gồm cả F-4, F-8, A-4 theo ba tầng độ cao khác nhau tiếp tục bay vào. Nhận lệnh của Sở chỉ huy, biên đội máy bay gồm 4 chiếc MIC-17 của Không quân ta đang trực chiến ở sân bay Kiến An sẵn sàng bay lên chặn đánh lũ giặc hung dữ. Phi công Nguyễn Văn Bảy (số 1) chỉ huy biên đội, cùng các phi công Nguyễn Bôn (số 2), Nguyễn Thế Hôn (số 3), Nguyễn Bá Địch (số 4) đều trong trạng thái chiến đấu số một.

Đúng 10 giờ 4 phút, toàn biên đội nối nhau cất cánh. Bay dọc theo sông Văn Úc ở độ cao 1.500 mét, các máy bay ta vừa tới cửa sông thì gặp đàn quạ sắt Mỹ khoảng 20 chiếc từ ngoài biển kéo vào. Đi đầu là những tốp máy bay A-4 đeo bom lặc lè dưới cánh. Nguyễn Văn Bảy lệnh cho toàn biên đội vứt thùng dầu phụ và giao cho phi công số 3, số 4 chặn đánh tốp sau; còn anh và phi công số 2 lao thẳng vào tốp giặc đông nhất. Phát hiện bị máy bay ta bất ngờ chặn đánh, đàn quạ sắt Mỹ đang hung hăng vội quăng bom bừa bãi và ngoặt gấp ra biển. Lúc này, các chiến sĩ ta ở thế chủ động, máy bay tăng tốc độ. Nguyễn Thế Hôn đuổi kịp một chiếc A-4 tới gần bờ biển, anh nổ một loạt đạn dài. Máy bay giặc bốc cháy. Nó cố lao ra biển, nhưng không kịp. Tên giặc lái vội nhảy dù xuống cửa sông Văn Úc. Đang yểm trợ cho Nguyễn Thế Hôn công kích, Địch thấy một chiếc A-4 khác bay ở phía dưới. Anh ép cần lái, bao kỹ vòng sáng ngắm vào con quạ sắt ấy và siết cò hai loạt đạn. Chiếc A-4 bốc lửa! Lần đầu tiên trực tiếp bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời quê hương, anh sung sướng reo lên: "Nó cháy rồi!".

Niềm vui chiến thắng cổ vũ toàn biên đội tiếp tục tả xung hữu đột. Tốp máy bay F-8 Mỹ yểm hộ từ phía sau lao lên không chiến với các máy bay ta. Nguyễn Bôn yểm trợ cho Nguyễn Văn Bảy quần nhau với bọn này. Chợt thấy một chiếc F-8 phóng tên lửa vào hai chiếc MIC phía trước, Nguyễn Bôn báo cho bạn kịp tránh đạn và lập tức bám sát chiếc máy bay ấy. Anh chỉnh đường ngắm, bắn loạt đạn thứ nhất, rồi bắn tiếp loạt đạn thứ hai. Chiếc F-8 nổ bùng, cháy như bó đuốc, rơi xuống biển.

Chỉ trong 2 phút, đàn quạ sắt Mỹ bị các én bạc của Không quân ta phá vỡ đội hình, bắn rơi hai chiếc A-4 và một chiếc F-8. Bất ngờ bị đòn đau, bọn chúng vội hạ độ cao, tan tác bay ra biển. Các chiến sĩ ta trở về an toàn trong niềm vui chiến thắng.

Ngay chiều hôm ấy, các đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch thành phố Hải Phòng đến tận sân bay Kiến An thăm và chúc mừng chiến công của Không quân ta, đặc biệt khen ngợi phi công Nguyễn Bá Địch, người con của thành phố Cảng đã góp phần chiến đấu và lập công xuất sắc.

Sau trận đầu bắn rơi máy bay Mỹ, những tháng tiếp theo, phi công Nguyễn Bá Địch còn liên tiếp cùng đồng đội ghi thêm chiến công mới.

Ngày 19-4-1967, Nguyễn Bá Địch cùng các phi công trong biên đội cất cánh từ sân bay Gia Lâm vào chiến đấu với tốp máy bay Mỹ trên bầu trời tỉnh Hòa Bình. Trong trận này, Nguyễn Bá Địch bắn rơi một máy bay "Thần Sấm" F-105.

Ngày 24-4-1967, anh và biên đội cất cánh từ sân bay Kiến An, quần nhau với máy bay Mỹ trên vùng trời Sơn Động - Bắc Giang. Trong 4 phút chiến đấu, biên đội hạ 2 chiếc F-4 và trở về an toàn.

Ngày 1-5-1967, anh và biên đội được lệnh xuất kích khi đang trực chiến tại sân bay Hòa Lạc. Các máy bay ta bay tới vùng trời Suối Rút - Hòa Bình thì phát hiện ở cự ly 4 km, một đàn quạ sắt Mỹ, trong đó có nhiều chiếc F-4, F-105 bay rất thấp từ biển vào. Lại một lần nữa, cuộc không chiến diễn ra quyết liệt tới 11 phút. Các phi công dũng cảm, mưu trí của ta luôn làm cho bọn giặc lái sừng sỏ Mỹ kinh ngạc và bị động đối phó.

Tung hoành ngang dọc giữa bầy quạ sắt, phi công Lê Sĩ Diệp bất ngờ bắn hạ một máy bay F-4 Mỹ. Lũ giặc đang lúng túng thì tiếp đó, Nguyễn Bá Địch lại nổ súng, bắn rơi một chiếc F-4 nữa. Nhưng không may, một quả tên lửa từ máy bay giặc vừa phóng tới, trúng máy bay anh. Cánh én bạc ngừng bay. Thiếu uý, phi công Nguyễn Bá Địch hòa thân vào mây khói ở tuổi 30 giữa bầu trời Tổ quốc...

PS: được truy tặng danh hiệu AHLLVT cùng dịp còn có phi công Nguyễn Thế Hôn, đồng đội với phi công Nguyễn Bá Địch.

Một bài nữa nói về trận ngày 28/12/1972 của biên đội Lê Kiền - Hoàng Tam Hùng, mặc dù còn một số chi tiết chưa được chính xác:
http://www.cuuchienbinh.com.vn/PrintPreview.aspx?ID=13978

Kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”: Chuyện của đại đội trưởng thợ máy
08/11/2012
Nghe tên Đại tá Bùi Văn Cơ đã lâu, mãi trong dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tôi mới có dịp ngồi lại với anh. Đó là một người hiền lành, dáng điệu khoan thai. Bằng giọng nói nhỏ nhẹ, anh kể: Quê tôi ở Nho Quan, Ninh Bình, nhập ngũ năm 1963. Năm đầu tôi làm pháo thủ của Trung đoàn 78, Sư đoàn 325, Quân khu 4. Do tích cực rèn luyện và luôn hoàn thành nhiệm vụ, nên tôi được chọn đi học Trường sĩ quan lục quân khóa 16. Khi bế giảng thì đúng dịp nhà trường tuyển học viên đi đào tạo phi công. Thế là tôi lại sang Liên Xô để vào Trường huấn luyện bay và kỹ thuật không quân. Tưởng gặp may mãi, không ngờ tôi bị dầy gan bàn chân không lái máy bay được nên phải chuyển sang học thợ máy và làm trung đội trưởng kiêm chức.

Tháng 12-1967, cùng 300 học viên về nước, tôi giữ chức trợ lý kế hoạch, cơ giới, tiểu đoàn thợ máy, Đoàn Sao đỏ, đóng tại sân bay Nội Bài. Thời gian này chỉ có Đoàn Sao đỏ được trang bị loại máy bay MiG-21. Bắt đầu từ đây, chúng tôi liên tục chuẩn bị máy bay cho các phi công lên chiến đấu với máy bay Mỹ. Một máy bay có 5 ngành phục vụ là: máy bay động cơ, thiết bị hàng không, ra-đa, vô tuyến điện tử và vũ khí hàng không. Ngoài ra còn bảo đảm ghế, dù, cao không… Riêng quần áo cũng có 2 loại gồm bộ kháng áp kín liền từ mũ đến chân dùng cho bay ở độ cao 12.000m trở lên. Bộ kháng áp bình thường chỉ nịt ở bụng và chân là bay dưới độ cao 12.000m. Tiểu đoàn thường xuyên có đại đội bảo dưỡng kỹ thuật tại xưởng ở phía sau; đội lắp ráp và kiểm tra tên lửa; đội sửa chữa nhỏ, bảo quản, bảo dưỡng tại sân bay. Khi chuẩn bị máy bay, việc của ngành nào, ngành đó làm. Khi bàn giao máy bay các ngành cùng ký bảo đảm, sau đó đại đội trưởng ký và giao cho phi công ký nhận.

Trong 12 ngày đêm của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, tôi là đại đội trưởng thợ máy. Do tính chất ác liệt của cuộc chiến nên ngày nào tôi và đồng chí chính trị viên cũng ra sân bay, kiểm tra và cùng các tổ thợ làm việc. Chuẩn bị máy bay phục vụ chiến đấu cả ban ngày và ban đêm. Ngày 28-12-1972, đại đội chuẩn bị 2 máy bay số 5023 cho đồng chí Lê Kiền, biên đội trưởng bay số 1 và số 5013 cho đồng chí Hoàng Tam Hùng, bay số 2. Hùng sinh năm 1948 ở Thừa Thiên Huế, tạm trú tại Ba Đình, Hà Nội. Hùng nhập ngũ năm 1965, học bay ở Liên Xô 3 năm, là phi công tiêm kích MiG-21, thuộc đại đội 3, Trung đoàn không quân 927. Trước đó Hùng đã không chiến nhiều trận, bắn rơi 1 máy bay RA-5C của Mỹ. Khi học ở Liên Xô, thấy người Nga thường cho con số 13 là không may mắn nên chúng tôi cũng ngần ngại về số máy bay 5013 của Hùng. Như hiểu ý, Hùng động viên tôi: Anh Cơ ạ, em không kiêng số 13 đâu. Anh cứ chuẩn bị tốt là em hoàn thành nhiệm vụ. Chiếc 5013 đã được sử dụng bay trong huấn luyện nhiều giờ, có độ ổn định cao nên chúng tôi quyết định đưa ra trực chiến.

Vào lúc hơn 10 giờ ngày 28-12, hàng chục máy bay Mỹ vào ném bom, đánh phá Hà Nội. Hai máy bay 5023 và 5013 được lệnh cất cánh. Đài chỉ huy dẫn đường cho hai máy bay đón đánh nhiều tốp tiêm kích và cường kích của Mỹ trên bầu trời Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Nhưng khi tiếp cận mục tiêu thì hai máy bay không liên lạc được với nhau. Không nhìn thấy nhau và không chỉ huy được nhau nên chiếc 5023 do biên đội trưởng Lê Kiền bay số 1 phải thoát ly chiến đấu, hạ cánh an toàn. Chỉ còn một mình Hùng với chiếc máy bay số 5013. Hùng kiên quyết lao vào đội hình máy bay Mỹ và lại tìm chiếc RA5C (máy bay chỉ huy) rồi phóng tên lửa tiêu diệt. Máy bay địch bốc cháy, Hùng định trở về nhưng máy bay Mỹ đã bao vây dày đặc. Anh phải quần đảo nhiều vòng và bắn cháy thêm 1 chiếc F4 nữa rồi hi sinh ngay trên bầu trời cửa ngõ Thủ đô. Những năm sau, chúng tôi tìm hiểu, các phi công Mỹ cùng tham chiến trong trận này đều cảm phục trình độ bay của Hùng. Có tên chứng kiến Hùng tránh được 4 quả tên lửa trong 8 phút. Có tên thú nhận định phóng tên lửa vào máy bay 5013 của Hùng nhưng sợ trúng phải máy bay của đồng bọn mà không dám. Hoàng Tam Hùng đã cùng chiếc máy bay do chúng tôi chuẩn bị mà chiến đấu kiên cường và hi sinh anh dũng. Ban đầu Hùng được an táng tại NTLS xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, sau chuyển về NTLS của thành phố thuộc huyện Từ Liêm.

Năm 1998, Đại tá Bùi Văn Cơ được nghỉ hưu về sống cùng gia đình tại phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Hàng năm cứ đến tháng 12, những ngày đánh B52, anh lại cùng đồng đội nhớ tới chiến công của Hoàng Tam Hùng. Với ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Hoàng Tam Hùng thật xứng đáng là Anh hùng của không quân nhân dân Việt Nam.

Xương Giang
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Mười Một, 2012, 10:22:07 am gửi bởi qtdc » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #459 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2012, 01:10:56 am »

Trích dẫn
“Chúng tôi đang bay ở độ cao 4.000 mét thì thấy có ánh chớp. Theo kinh nghiệm chiến đấu tôi xác định đó là tên lửa đất đối không bắn liền hô biên đội cơ động. Sau khi tản ra quan sát thấy máy bay của đồng chí Bôn đang cháy

Các bác bên PK xem lại vụ này nhờ cái.  Huh Lẽ nào ...
Trận này theo chiangshan trong "Chiến tranh đường không..." thì đúng là KQ Mỹ không ghi nhận bắn rơi máy bay ta trong không chiến, đồng thời cụ Sưu biên đội trưởng đã kể lại sự thực. Biết sao được, chiến tranh, hợp đồng không khớp, sai một ly đi một dặm. Undecided
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM