Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 02:01:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích  (Đọc 398630 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #320 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2012, 11:11:01 am »


Chân dung người lính


PHI ĐỘI XUẤT KÍCH TRONG NGÀY QUỐC KHÁNH

QĐND - Thứ Năm, 30/08/2012, 9:51 (GMT+7)

QĐND - Tôi đến thăm Đại tá Mai Đức Toại, nguyên Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không -Không quân đúng dịp Hà Nội đang rộn rã cờ hoa chào đón 67 năm ngày Quốc khánh. Ngôi nhà nhỏ của ông nằm sâu trong ngõ 236, đường Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Nhắc đến ngày Quốc khánh, ông đã kể tôi nghe một lần xuất kích khá đặc biệt...

Năm nay Đại tá Mai Đức Toại đã ngoài 80 tuổi, tuy mắc căn bệnh tiểu đường nhưng da dẻ ông vẫn hồng hào, trí nhớ rất tốt. Các con, cháu của ông đều đi làm, hằng ngày một mình ông ở nhà xoay trần với công việc bếp núc và chăm sóc bà vợ bị bại liệt cách đây 6 năm sau một lần ngã cầu thang.

Trong phòng khách treo trang trọng bức ảnh ông chụp với Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch cùng với các anh hùng, phi công có thành tích bắn rơi máy bay Mỹ năm 1966. Trước khi trở thành phi công, ông đã từng tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ. ông nhập ngũ năm 1950 và được biên chế vào Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Chính đơn vị ông đã tham gia trận đánh bắt sống tướng Đờ Cát. Năm 1958, ông được trên cử đi học lái máy bay Mig -17 tại Trung Quốc. Là một trong số những phi công đầu tiên của Việt Nam trưởng thành từ lính bộ binh, ông trở về nước tham gia chiến đấu ngay. ông đã cùng đồng đội liên tục xuất kích đánh đuổi nhiều loại máy bay của giặc Mỹ trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa và các tỉnh vùng Đông Bắc, Tây Bắc của Tổ quốc.

ông kể cho tôi chuyến bay ngày Quốc khánh năm ấy, tuy không diệt được máy bay địch nhưng cũng đã ngăn chặn không cho máy bay địch vào sâu đánh phá ta. Sáng 2-9-1965, biên đội Mig -17 gồm: Mai Đức Toại, Lê Trọng Huyên, Nguyễn Văn Bảy, Đỗ Huy Hoàng nhận được lệnh trực cấp 1 tại sân bay Đa Phúc. 6 giờ 30 phút, trực ban tác chiến thông báo do thời tiết xấu nên biên đội trực chiến chuyển sang cấp 3. Nghe vậy, mọi người ai nấy đều tranh thủ chợp mắt vì sáng nào cũng thức dậy từ 3 giờ sáng để chuẩn bị. Anh em đang ngon giấc thì 9 giờ, trực ban tác chiến lại chạy vào thông báo: “Chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu”, 3 tốp máy bay địch đang bay vào phía tây nam Ninh Bình. Ông và đồng đội vùng dậy. Hai phút sau, từ đài chỉ huy có 2 phát pháo hiệu đỏ vút lên trời, “báo động trực cấp 1”. Cả 4 anh em lao ra máy bay, lên buồng lái, sẵn sàng chờ lệnh. Ba phút sau, một phát pháo hiệu đỏ lại vút lên, sở chỉ huy báo hiệu cho phép cất cánh. Mở máy xong, chỉ huy bay tiếp tục lệnh cho biên đội cất cánh đến độ cao 100m thì vòng phải theo hướng cầu Đuống -Long Biên sang Hà Nội rồi vòng trái hướng Nho Quan -Ninh Bình. Vòng trái xong, Mai Đức Toại số 1 lệnh cho số 2 Lê Trọng Huyên triển khai đội hình xuyên mây, đến Ninh Bình ước tính lượng mây 6/10, có thể nhìn thấy mục tiêu mặt đất, biên đội tiếp tục bay đến Ghềnh thì sở chỉ huy lại lệnh vòng trái hướng Nho Quan theo trục đường 59. Khoảng 5 phút sau, sở chỉ huy thông báo địch đang ở bên phải biên đội 60 độ và khoảng cách 70km, chúng có 3 tốp đang hoạt động ở phía tây Thanh Hóa. Tiếp tục vòng phải 60 độ, quan sát một hồi lâu thì Mai Đức Toại và Lê Trọng Huyên đều phát hiện được mục tiêu, có vẻ như chúng đang săn tìm gì đó? Mặc dù rất muốn được tiếp cận mục tiêu để công kích nhưng sở chỉ huy chưa cho phép, vậy là ông lệnh cho số 2 vòng quanh tại chỗ khu vực Nho Quan, Ghềnh để chặn địch nhưng mãi vẫn không thấy chúng vào sâu.

Khoảng 20 phút sau, sở chỉ huy lệnh cho biên đội thoát ly về hạ cánh. Vốn đã bay quen địa hình ông nhanh chóng giảm độ cao từ 4000m xuống 1000m bay dọc theo sông Hồng về Phú Xuyên rồi chuẩn đài xa về hạ cánh an toàn.

Ngay buổi chiều hôm đó, biên đội được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm, động viên nhân kỷ niệm 20 năm ngày Quốc khánh 2-9. Nghe Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện báo cáo tình hình trực chiến của đơn vị, Đại tướng đã biểu dương tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của các phi công. Phi đội xuất kích kịp thời và dũng cảm khiến cho tốp máy bay địch không dám vào đánh phá miền Bắc, góp phần mang lại một ngày lễ Quốc khánh yên bình, tốt đẹp. ít lâu sau, ông Toại đã xuất kích và bắn hạ được hai máy bay F105 và A4 của giặc Mỹ, được Bác Hồ tặng thưởng Huân chương Chiến công và huy hiệu của Người.

Mai Văn Đông

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/91/68/261/261/261/204531/Default.aspx
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Chín, 2012, 11:18:41 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
vuthang21193
Thành viên
*
Bài viết: 10


« Trả lời #321 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2012, 04:40:05 pm »

Tôi cẩn thận tra cứu tất cả những trận không chiến mà không quân Mỹ với MIG 17 diễn ra thời gian đó tại khu vực cửa ngõ Thủ đô ( Tài liệu của phía Mỹ mà Bác và bạn vuthang chỉ dẫn ).
Tôi cảm nhận nhiều khả năng là trận này (20-5 1967 ).
Vâng, có thể là phi công Bắc Triều Tiên. Tôi và mọi người còn đang xem xét chiếc máy bay đó, chưa về đã thấy mấy chiếc xe quân sự lao đến. Qua đây, tôi thấy nhẹ lòng đi phần nào khi biết ít nhiều thông tin về 1 kí ức xa xưa. Tuy nhiên, tôi vẫn tiếp tục tìm...

Bác ơi,cháu nghĩ có lẽ là trận ngày 14/12 thì hợp lí hơn bác ạ,vì theo kí ức của bác thì máy bay vì bay rất nhiều để truy tìm chiếc mig của ta,cả 2 trận đều hợp lí về mặt diễn biến,vấn đề mấu chốt ở đây là thời gian,bác có nhớ chính xác lúc đó là mùa đông hay mùa hè không ạ ^^

"Xem xét vấn đề mà người Mỹ gặp phải trong các cuộc không kích và liên hệ nó với thực tế Mig hiếm khi được nhìn thấy, có thể thấy rằng việc đánh rơi máy bay địch giữ vai trò quan trọng hơn nhiều so với trong các cuộc chiến trước đây. Tiêu diệt được một chiếc Mig mang lại cho phi công một địa vị được tôn trọng mà cả cấp bậc lẫn huy chương đều không thể sánh được. Chỉ có 19 phi công F-8 bắn rơi Mig trong cả cuộc chiến. Phi đội 162 xếp ngang hàng với các đơn vị F-8 ở vị trí thứ 3 với 2 chiếc Mig bị tiêu diệt. Lần bắn rơi thứ hai xảy ra vào ngày 14/12/1967. Đó là trận hỗn chiến dài nhất trong cả cuộc chiến, một cuộc rượt đuổi dài 15 phút trên các cánh đồng lúa ở vùng chiêm trũng sông Hồng. Những người tham chiến chủ yếu là các sĩ quan chỉ huy của 2 phi đội F-8 thuộc Oriskany và Dick Wyman.
Dick Wyman kể:
 
  Đáng lẽ ra tôi không phải đi. Tôi là người dự bị. Trong 5 máy bay của phi đội, 3 chiếc đã xuống boong tàu bay trong tình trạng hỏng hóc. Cuối cùng Cal Swanson ngưng hoạt động. Người chỉ đạo chuyến bay đã tắt ra đa, người trợ thủ thành người dẫn đường. Theo lệ thường thì phải đổi vị trí dẫn đầu cho máy bay khác khi ra đa của người đó yếu đi. Vì thế tôi được dẫn đầu Cũng có thể nói là tôi phải dẫn đầu. Swanson không từ chối bay làm trợ thủ cho tôi, anh ta muốn được cả hai đường. Anh ta bắt đầu hướng dẫn tôi về địa điểm để tìm Mig.
 
  "Hãy tới Wichita" Anh ta nói. Đó là mã tên một vùng ở miền Bắc Việt Nam "Đi nào".
 
  Chúng tôi đến đó mà chẳng thấy gì cả. Anh ta đưa ra gợi ý khác. Tôi lờ tịt anh ta. Tôi phát hiện một chiếc A-4. Tôi phát tín hiệu cho viên phi công hỏi xem anh ta có nhìn thấy gì không. "Có" anh ta trả lời "ở đây có một chiếc Mig ". Vừa lúc ấy, tôi nhìn thấy anh ta. Anh ta ở trước mặt tôi. Chúng tôi bay ngang nhau. Anh ta lượn, tôi cũng lượn rồi bắt đầu bay xuống theo anh ta.

  “Tôi sẽ bắt kịp" Swanson nói.

  Anh ta cố gắng đuổi theo đuôi chiếc Mig. Viên phi công đột ngột quay đầu và nhìn ra xung quanh. Anh ta bắt đầu bắn Swanson.

  "Để nó tránh cái đuôi của tôi ra". Swanson hét lên “Hắn ta sắp bắn tôi rồi”.

  Tôi hất mũi lên rồi kéo cò súng.
 
  "Nó vẫn ở phía sau tôi phải không?" Swanson hỏi.

  "Không, chúng ta đang đi đường khác”. Tôi trả lời.
 
  Tôi rượt theo nó sát hơn. Mỗi lần tôi xuống và cố đặt một quả tên lửa Rắn chuông lên nó thì nó cứ cuốn theo tôi. Mỗi lần như thế, góc bay của tôi lại rộng quá nên tôi không bắn được phát nào. Rồi tôi cũng bắn được 4 phát. Ta lại sắp hết nhiên liệu. Bên cạnh nó chẳng có chiếc máy bay nào khác. Tôi nghĩ là nó chỉ đang cố gắng quay đầu về. Lúc tôi bắn một phát, Bob Rasmussen đã lao xuống và phóng ra một quả Rắn chuông. Suýt nữa thì nó rơi trúng tôi. Chiếc Mig tránh được. Rắn chuông nổ một cách vô hại. Khó có thể nhìn thấy chiếc Mig có nguỵ trang. “Tao sẽ không rời mắt khỏi mày”, tôi nói. Một phi công cần phải có thị lực tốt. Thế mà Swanson và Rasmussen lại không quan sát được trận đánh.
 
  Chúng tôi bắt đầu ở độ cao 1600 feet. Bây giờ chúng tôi đang ở ngang tầm ngọn cây. Chiếc Mig đã xử lý tình huống rất đúng. Nó đang vờn tôi. Tôi bay xuống và ở vào cái thế không thể bắn trúng nó khi nó bắt đầu lộn lại. Có lẽ nó đã nhận ra rằng như thế là quá sớm. Nó trở lại vòng quay của mình rồi cố gắng lộn lại lần nữa. Từng đó đã đủ để tôi bắt được đuôi của nó. Tôi bắn đi một quả Rắn chuông. Quả đạn phá hỏng 2/3 cánh trái của nó.Nó đâm xuống cánh đồng lúa và nổ như một quả cầu lửa và bắn lên cao hơn cả vòm che buồng lái của tôi.

  Tôi sắp hết nhiên liệu. Tôi phát tín hiệu yêu cầu một bình. Anh ta đang ở khá xa bờ biển nên không muốn bay gần hơn "Tôi đã được lệnh không được vượt biển". Anh ta nói.

  “Tôi không muốn anh bay qua biển - Tôi nói - Tôi chỉ muốn anh bay gần hơn để tôi không hết nhiên liệu trước khi tôi phải ăn kẹo đồng”. Một vị đô đốc nghe được cuộc trao đổi của chúng tôi. Ông ra lệnh đưa máy bay tiếp nhiên liệu đến để tiếp nhiên liệu cho tôi.

  Mọi người trên tàu hỏi tôi có muốn lượn một vòng trên không để mừng thắng lợi bắn rơi máy bay địch không. Tôi trả lời "Tôi không biết".
  Swanson đang bay cạnh tôi. Anh ta gật đầu "Đồng ý đi”.
 
  "Được rồi, tôi sẽ làm như thế”. Tôi đánh tín hiệu về.


  “Phía mạn trái sẽ được dọn sạch sẽ để anh thực hiện một vòng nhào lộn mừng thắng lợi”. Oriskany báo.
 
  Sau khi hoàn thành một nhiệm vụ, người ta thường vòng qua mạn phải tàu ở độ cao từ 600 đến 800 feet rồi ngưng lại để chuẩn bị hạ cánh. Lần này, tôi rẽ sang bên mạn trái phía trên boong tàu bay, hất mũi máy bay lên rồi lộn một vòng sau đó ngừng lại để hạ cánh. Tôi bắt đầu bài biểu diễn của mình. Trên sóng, Swanson chẳng nói gì nhưng sau đó anh ta bảo tôi anh ta cố vẫy tay ra hiệu cho tôi anh ta sẽ lượn vòng quanh tôi khi tôi thực hiện vòng quay của mình. Nếu như thế tôi sẽ không thấy nó. Tôi đã đi vào vòng quay của mình thì đột nhiên nhìn thấy một chiếc máy bay cách đó mấy inch sắp sửa hạ cánh trước mặt tôi. Tôi nghĩ cánh của tôi chắc sẽ nổ tung ngay cạnh sườn chiếc máy đó vì nó ở quá gần. Tôi gần như lặng người đi vì sợ hãi. Khi đã hạ cánh an toàn, mọi người ở trên boong nói với tôi "Chúa ơi, suýt nữa là anh mất mạng rồi đấy”. Dick Schaffert - người bị nhỡ mất chiếc Mig ở đầu trận giao chiến - đùa rằng niềm an ủi duy nhất của anh ta là Cal và tôi đụng đầu nhau trong vòng quay mừng thắng lợi.
 
  “Tôi không cho là mình có thể mang lại cho anh một phù hiệu Bạc vì việc làm đó". Swanson nói sau khi chúng tôi hạ cánh.
 
  "Phi đội trưởng ạ, có sao đâu”. Tôi bảo “Tôi đã bắn rơi một chiếc Mig. Như thế đối với tôi là đủ rồi”."
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Chín, 2012, 05:14:55 pm gửi bởi VMH » Logged
huyphongssi
Thành viên
*
Bài viết: 1515



« Trả lời #322 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2012, 09:38:05 pm »

Vâng, vậy là ta cử một chiếc MIG bay vào chủ yếu để "dằn mặt" địch. Bên ta đánh giá là việc này đã mang lại tác dụng "cả tuần lễ bọn C-130 và B-52 không dám "ra oai tác quái". Đúng là trong hai tuần đầu của chiến dịch, KQ Mỹ đã hạn chế tần suất phi vụ cường kích ở Quảng Trị. Tuy nhiên người Mỹ họ đưa ra lý do khác cho việc này - ngày 02/04/1972, một máy bay do thám điện tử EB-66, số đuôi 54-0466, bị tên lửa phòng không ta bắn rơi tại chỗ ở Quảng Trị (mà ta tưởng nhầm là bắn được B-52). Hoa tiêu, trung tá Iceal Hambleton, nhảy dù vào vùng kiểm soát của quân ta. Để cứu Hambleton, KQ Mỹ đã đặt ra một vùng cấm oanh kích, không quân cũng như pháo binh, với bán kính 27km từ vị trí của Hambleton cả ngày 02/04, và những ngày sau đó thì KQ Mỹ tập trung người và phương tiện, coi việc cứu Hambleton là mục tiêu số 1, quan trọng hơn cả yểm trợ cho SĐ 3 VNCH.

Tài liệu Mỹ đều nói giống nhau là ngoài lý do vụ Hambleton ra thì việc yểm trợ của KQ Mỹ cho VNCH ở Quảng Trị bị ngăn chặn rất nhiều bởi sự có mặt của tên lửa phòng không ta. Không thấy họ nhắc đến MIG.
Trước khi mở chiến dịch ném bom ngăn chặn Linebacker trên MB vào đầu tháng 5/72, từ tháng 4/72 về trước KQ Mĩ chỉ tiến hành các hoạt động ném bom ngăn chặn thường xuyên trên tuyến giao thông hậu cần của ta ở phía tây Trường Sơn (đất Lào, bắc phần của Nam Vn và CPC) bằng máy bay ném bom B.52 và máy bay cường kích AC.130, đồng thời tiến hành các hoạt động trinh sát các tuyến giao thông ở phía bắc VT17.

Việc đưa Mic.21 xuống sâu phía nam xuất kích làm nhiệm vụ hồi đầu năm 1972 có giá trị rất lớn về mặt răn đe và nghi binh chiến dịch để giúp các lực lượng chiến đấu mặt đất của ta tập kết lực lượng và tạo thế trước khi phát động tiến công.
Logged

Nhằm thẳng quân thù, Bắn!
1100ibn
Thành viên
*
Bài viết: 11


« Trả lời #323 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2012, 09:45:17 pm »

Trước tiên xin cảm ơn các ông, bác, chú đã cống hiến vì Tổ Quốc mà chúng cháu mới có ngày hôm nay. Bác phi công tiêm kích cho cháu hỏi có vụ nào mà phi công trước khi bay làm lễ truy điệu không ạ? Tại cháu thấy bố kể là có 1 trường hợp như vậy. Cháu cũng rất tin vì bố cháu trước làm ở ban nghiên cứu chiến tranh đóng ở Nha Trang. Có một đợt bố cháu vẫn còn lưu trữ và cháu được xem bộ phim " Mây đen bao phủ bâu trời Trung Quốc" mà hình ảnh nhớ nhất là mọi người mang từng xâu chim đến biếu Mao Trạch Đông. Trước bố cháu là lính pháo binh thuộc Binh đoàn Tây Nguyên, đã tham gia nhiều trận đánh trong đó có trận đánh giải phóng Buôn Mê Thuột. Chúc bác sức khỏe!
Xin cảm ơn và trân trọng.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Chín, 2012, 09:53:04 pm gửi bởi 1100ibn » Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #324 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2012, 10:25:56 pm »

Về chiếc MiG-17 rơi ở khu vực Diễn thì tôi chưa tìm ra. Khi nào tra cứu được chính xác, tôi sẽ báo để tuanb5 biết. Việc đó có phải là phi công Triều Tiên hay không cũng cần phải xét cho kỹ. Đúng là các bạn Triều Tiên có sang chiến đấu cùng với chúng ta. Họ cử đủ các thành phần từ phi công đến các thành phần phục vụ sang cùng tham gia chiến đấu, sát cánh cùng các phi công của chúng ta. Thật trân trọng và cảm động. Khi tôi bước vào trực chiến, có được gặp các bạn ấy ở sân bay Kép. Đến năm 1969 thì các bạn đã rút hết về nước.
 Với thời gian chuyến bay cảm tử của anh Hoàng Biểu, anh đã nhớ và kể lại cho tôi cùng đủ mọi cảm giác mừng lo lẫn lộn về chuyến bay ấy. Việc chuyến bay ấy có đúng vào giờ G của phương án mở mặt trận hay không thì tôi chịu, không thể biết được.
 Suốt giai đoạn cuối tháng 12, chúng tôi quay như đèn cù. Cất cánh đã khó khăn, hạ cánh còn khó khăn hơn. Ngay đêm 18 tháng 12 đã có 2 chuyến xuất kích và cả hai chuyến đều bị trục trặc khi về hạ cánh. Đêm ấy, Phạm Tuân trực ở đầu Tây sân bay Đa Phúc. Máy bay chiến thuật F-111 đánh trong vòng 2 đợt, phá hỏng quá nửa đường cất hạ cánh. Khi Phạm Tuân nhận lệnh chuyển cấp, mở máy, lăn ra chuẩn bị cho cất cánh thì đạn vẫn nổ chi chít quanh máy bay. Anh cố cất cánh kéo máy bay tách đất. Đến khu vực Hòa Bình, anh phát hiện thấy những hàng đèn trên thân các máy bay B-52. Anh vòng lại, lấy độ cao và bật ra-đa trên máy bay mình thì lập tức, bọn B-52 tắt luôn đèn và lũ tiêm kích F-4 đi bảo vệ B-52 quay vào phóng tên lửa vào máy bay của Tuân. Anh cơ động zic-zăc tránh bọn F-4 và bọn F-4 cũng mất mục tiêu. Anh vòng tiếp 2 vòng ở Mộc Châu - Sơn La rồi quay về Đa Phúc hạ cánh. Thời điểm đó, đài chỉ huy của sân bay bị đánh hỏng nên không thể liên lạc được. Pháo phòng không nghe thấy tiếng máy bay là bắn lên dữ dội. Trong ánh sáng trăng và vào đúng thời điểm một chiếc B-52 bị bắn cháy, rơi ở Phủ Lỗ, lợi dụng ánh sáng đó cộng với đèn pha trên máy bay, anh lao xuống hạ cánh. Tiếp đất xong thì nghe cái "Rầm !". Biết có vấn đè, Tuân tắt máy, bóp phanh hết cỡ nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Máy bay đã lao xuống hố bom, quay ngược lại 180 độ. Anh lấy chân đạp vào phần nắp buồng lái đã vỡ cho rộng hơn rồi bỏ mũ bay, bỏ áo da, lần lượt tống ra ngoài và chui ra khỏi buồng lái.
 Trước đó, anh Trần Cung trực ở sân bay Hòa Lạc cũng xuất kích trong tình trạng tương tự mà còn nguy hiểm hơn nữa vì các tấm ghi lát trên đường cất hạ cánh bị đánh bong, cong qoeo, dựng ngược cả lên. Anh liều kéo máy bay tách đất ở tốc độ nhỏ. Anh được dẫn đi đánh bọn B-52 nhưng vì nhiễu dày đặc và bọn tiệm kích đi yểm hộ phát hiện được anh, quây lại bắn tên lửa. Anh cơ động và cũng nhận được lệnh về Đa Phúc hạ cánh. Đài chỉ huy tại sân bị bom đánh hỏng, anh quay về Kép, nhưng đài chỉ huy ở Kép cũng bị phá hủy, không liên lạc được. Anh nhận lệnh vòng về Gia Lâm. Đến Gia Lâm thì sân bay cũng vừa bị đánh xong, một lần nữa anh lại quay lại sân bay Đa Phúc. Anh liều xuống hạ cánh . Vừa tiếp đất là tắt máy luôn và thả dù giảm tốc. Máy bay chồm qua một hố bom cỡ nhỏ rồi dừng lại trước một hố bom cỡ lớn. Anh nhảy ra khỏi buồng lái được chừng một hai phút thì thấy một chiếc máy bay lao xuống hạ cánh, có hai vệt lửa sáng chạy dọc theo đường băng trước khi máy bay lao xuống hố bom. Thì ra đấy là máy bay của Phạm Tuân. Khi hạ cánh, do lực va chạm mạnh nên hai quả tên lửa K-13 đã "nhảy" ra khỏi bệ, trà xát trên mặt đường băng tạo ra hai vệt lửa mà anh Cung đã thấy.
 Anh Trần Cung vội chạy lại phía máy bay vừa hạ cánh thì thấy Phạm Tuân đang đạp nắp buồng lái để chui ra.
 Hai anh dò dẫm vượt qua bãi bom bi và được đón về Sở chỉ huy để rút kinh nghiệm.
 Bọn chúng tôi suốt giai đoạn ấy cứ "lang thang", "lông bông" tứ xứ, đi hết sân này đến sân khác, chẳng mấy khi về đến căn cứ chính của Trung đoàn. Quần áo còn lại không mặc đến thì hôi rình, có thể thu hoạch mộc nhĩ mọc ra từ quần áo được. Thời gian ở trong hầm của bọn tôi khá nhiều nên nhiều anh bị mắc căn bệnh mà tôi gọi là "bệnh hươu". Thực chất là lang ben, trông cứ như những con hươu sao ấy nên gọi vậy cho tiện.
 Cuộc chiến đấu trong chiến dịch 12 ngày đêm thực sự ác liệt và cam go. Mỗi lần vào cấp, ngồi vào buồng lái, tôi lại hít một hơi dài, nén trong lồng ngực, thầm nhủ : có lẽ đây cũng là lần cuối của mình ! . Nhưng khi đã nổ máy thì ý nghĩ ấy tiêu tan ngay. Biết bao nhiêu việc phải làm dồn dập sau khi ấn nút khởi động. Xuất kích, săn lùng, không chiến, xử lí các tình huống bất trắc, tìm đường về hạ cánh ... luôn luôn ở tột đỉnh của sự căng thẳng. Hạ cánh xong, ra khỏi buồng lái mới thở phào : ta vẫn còn sống ! Và chuẩn bị tiếp cho lần xuất kích mới. Cứ thế, chúng tôi ở trong vòng xoáy đến chóng mặt. Râu ria cũng chẳng mấy khi kịp cạo. Ngày đánh nhau, đêm lại họp bàn, rút kinh nghiệm trận đánh, tìm cách đánh đến khuya. Rồi báo động, rồi trú ẩn ... Chợp mắt được một chút thì đã đến giờ đi trực. Mà đã trực thì không có lúc nào rỗi cả. Có ngày, tôi có đến 11 lần chuyển cấp, 6 lần mở máy, 4 lần xuất kích. Lần báo động chuyển cấp cuối cùng là lúc trời đã nhá nhem tối, tôi không còn đủ sức chạy ra máy bay nữa. Vào máy bay ngồi, tôi nói với tổ trưởng thợ máy : " Chắc lần này cất cánh là tao đi tong thôi vì mệt lắm rồi !". Tổ trưởng thợ máy mắng lại : "Phỉ thui cái mồm mày, chỉ được cái nói gở  là không ai bằng ! Ngậm miệng vào ngay !". Quả thực, ngày đó tôi mệt đến muốn ngất. Hầu như suốt ngày không có hạt cơm nào vào bụng vì vừa bưng bát cơm, và được một miếng là báo động. Tay xách mũ bay, vừa chạy vừa nhổ cơm trong miệng ra, lau miệng vào ống tay áo, cất cánh rồi về hạ cánh ở sân bay khác. Quay hơn đèn kéo quân như vậy thì đến đá cũng phải đổ mồ hôi !.
Logged
tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #325 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2012, 10:45:17 pm »

Vâng, vậy là ta cử một chiếc MIG bay vào chủ yếu để "dằn mặt" địch. Bên ta đánh giá là việc này đã mang lại tác dụng "cả tuần lễ bọn C-130 và B-52 không dám "ra oai tác quái". Đúng là trong hai tuần đầu của chiến dịch, KQ Mỹ đã hạn chế tần suất phi vụ cường kích ở Quảng Trị. Tuy nhiên người Mỹ họ đưa ra lý do khác cho việc này - ngày 02/04/1972, một máy bay do thám điện tử EB-66, số đuôi 54-0466, bị tên lửa phòng không ta bắn rơi tại chỗ ở Quảng Trị (mà ta tưởng nhầm là bắn được B-52). Hoa tiêu, trung tá Iceal Hambleton, nhảy dù vào vùng kiểm soát của quân ta. Để cứu Hambleton, KQ Mỹ đã đặt ra một vùng cấm oanh kích, không quân cũng như pháo binh, với bán kính 27km từ vị trí của Hambleton cả ngày 02/04, và những ngày sau đó thì KQ Mỹ tập trung người và phương tiện, coi việc cứu Hambleton là mục tiêu số 1, quan trọng hơn cả yểm trợ cho SĐ 3 VNCH.

Tài liệu Mỹ đều nói giống nhau là ngoài lý do vụ Hambleton ra thì việc yểm trợ của KQ Mỹ cho VNCH ở Quảng Trị bị ngăn chặn rất nhiều bởi sự có mặt của tên lửa phòng không ta. Không thấy họ nhắc đến MIG.
Trước khi mở chiến dịch ném bom ngăn chặn Linebacker trên MB vào đầu tháng 5/72, từ tháng 4/72 về trước KQ Mĩ chỉ tiến hành các hoạt động ném bom ngăn chặn thường xuyên trên tuyến giao thông hậu cần của ta ở phía tây Trường Sơn (đất Lào, bắc phần của Nam Vn và CPC) bằng máy bay ném bom B.52 và máy bay cường kích AC.130, đồng thời tiến hành các hoạt động trinh sát các tuyến giao thông ở phía bắc VT17.

Việc đưa Mic.21 xuống sâu phía nam xuất kích làm nhiệm vụ hồi đầu năm 1972 có giá trị rất lớn về mặt răn đe và nghi binh chiến dịch để giúp các lực lượng chiến đấu mặt đất của ta tập kết lực lượng và tạo thế trước khi phát động tiến công.

Bác huyphongssi ơi ở đây hình như có chút nhầm lẫn, bởi tôi vẫn nhớ cái ngày Chủ nhật 16-4-1972. Hôm ấy chúng tôi được nghỉ học và tổ chức đi tham quan Quốc tử giám ( Hà nội ) Vừa kết thúc thì còi báo động vang lên (Quãng 11am ) Sau đó ,tiếng máy bay, tiếng nổ của pháo cao xạ ầm ầm khắp thành phố ( Vướng nhiều nhà, chẳng xem được gì  Grin )



Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #326 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2012, 11:14:00 pm »


Cám ơn bác phicôngtiêmkích.
Các bài của bác và các bác không quân luôn rất hấp dẫn.
Nghe kể biết rõ hơn những ngày cuối 1972 các bác gian khổ và nguy hiểm vô cùng.
Logged
star
Thành viên
*
Bài viết: 127


Paracel Islands & Spratly Islands Of VIETNAM


« Trả lời #327 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2012, 02:27:51 am »

Trước khi mở chiến dịch ném bom ngăn chặn Linebacker trên MB vào đầu tháng 5/72, từ tháng 4/72 về trước KQ Mĩ chỉ tiến hành các hoạt động ném bom ngăn chặn thường xuyên trên tuyến giao thông hậu cần của ta ở phía tây Trường Sơn (đất Lào, bắc phần của Nam Vn và CPC) bằng máy bay ném bom B.52 và máy bay cường kích AC.130, đồng thời tiến hành các hoạt động trinh sát các tuyến giao thông ở phía bắc VT17.

Bác huyphongssi ơi ở đây hình như có chút nhầm lẫn, bởi tôi vẫn nhớ cái ngày Chủ nhật 16-4-1972. Hôm ấy chúng tôi được nghỉ học và tổ chức đi tham quan Quốc tử giám ( Hà nội ) Vừa kết thúc thì còi báo động vang lên (Quãng 11am ) Sau đó ,tiếng máy bay, tiếng nổ của pháo cao xạ ầm ầm khắp thành phố ( Vướng nhiều nhà, chẳng xem được gì)

Ngày 30/03/1972 ta bắt đầu Chiến dịch Trị - Thiên 1972 (hay Chiến dịch Quảng Trị 1972 như cách gọi trong những bài viết ở topic này) thì ngày 06/04/1972, Mỹ bắt đầu ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam.

Ngày 16/04/1972 bom Mỹ đã gây rất nhiều tội ác tại miền Bắc. Dưới đây là đoạn trích trong cuốn sách "Điện Biên Phủ trên không - Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam" của tác giả Lưu Trọng Lân (bản số hóa tại website Lịch Sử Việt Nam):

- 3 giờ sáng ngày 16 tháng 4: 9 chiếc B52 cùng 261 máy bay chiến thuật ném bom Hải Phòng (máy bay chiến thuật tiếp tục đánh phá cả ngày hôm sau).

Trong ba đêm đó, ra-đa của ta phát hiện B52 rất khó khăn vì bị nhiễu nặng, còn tên lửa thì không bắn rơi được chiếc B52 nào.

- 9 giờ sáng ngày 16 tháng 4, địch cho 60 máy bay chiến thuật bay vào vùng trời Hà Nội, trong đó có nhiều chiếc F4 bay cao 10 ki-lô-mét gây nhiễu giả B52. Ra-đa ta hoang báo: "B52 bay vào Hà Nội”. Ba chục quả đạn tên lửa được phóng lên những tốp F4 giả B52 ấy, nhưng không có chiếc nào rơi. MIG-21 của ta cất cánh tìm diệt "B52" nhưng bị lũ F4 tiêm kích khống chế quyết liệt nên được lệnh phải quay về.

Ngày 16 tháng 4, hàng trăm đồng bào ta ở Hải Phòng bị bom Mỹ sát hại, kho xăng Đức Giang của Hà Nội bị thiêu hủy phần lớn. Một thực tế quá đau lòng! Đó là những ngày nặng nề nhất của bộ đội Phòng không - Không quân, đặc biệt là đối với những đơn vị tên lửa đã từng ghi đậm chiến công cùng quân dân miến Bắc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1965-1968).
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Chín, 2012, 02:42:46 am gửi bởi star » Logged

Những việc ta làm, thành - bại ngày hôm nay,
Sẽ có sử sách ngày mai ghi chép lại.
Dân tộc ta còn mãi là nhờ lòng cương quyết,
Mấy ngàn năm oanh liệt chống quân thù.
(Câu Thơ Yên Ngựa)
tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #328 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2012, 08:44:22 am »

 Bác star ơi có lẽ bác nhớ nhầm 1 chút. Bởi trận giặc Mỹ phá hoại kho xăng Đưc giang xảy ra trươc đó 1 thời gian( Tôi nhớ trước vụ MIG17 rơi ở Mỹ đình )
 Trưa hôm đó có 1 cột khói khổng lồ bốc lên sau đợt oanh tạc. Người dân Mỹ đình tụ tập rất đông bàn tán. Một số có hiêu biêt nói đó là kho xăng Đức giang (Tôi hồi đó còn nhỏ lắm ). Sau này ,trong cuốn Vùng trời nhà văn Hữu Mai có nhắc đến sự kiện này

Cuối năm 1972 trong chiến dịch 12 ngày đêm, Mỹ có đánh lại  song thiệt hại không nhiều như lần đầu.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Chín, 2012, 08:51:57 am gửi bởi tuanb5 » Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
star
Thành viên
*
Bài viết: 127


Paracel Islands & Spratly Islands Of VIETNAM


« Trả lời #329 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2012, 09:13:25 am »

Bác star ơi có lẽ bác nhớ nhầm 1 chút. Bởi trận giặc Mỹ phá hoại kho xăng Đưc giang xảy ra trươc đó 1 thời gian( Tôi nhớ trước vụ MIG17 rơi ở Mỹ đình )
Em sinh ra sau khi đất nước đã thống nhất, những sự kiện em trích dẫn phía trên là trong cuốn sách của tác giả Lưu Trọng Lân (tên sách và đường dẫn em đều có ghi rõ).

Em tìm thêm thông tin trên mạng thì thấy là Tổng kho Xăng dầu Đức Giang bị bom Mỹ đánh thiệt hại nặng 2 lần:
- Lần 1: ngày 29/06/1966: Cuộc chiến cứu kho xăng Đức Giang
- Lần 2: ngày 16/04/1972: Chuyện của một sĩ quan Công an luôn ao ước mình "thất nghiệp"

Trưa hôm đó có 1 cột khói khổng lồ bốc lên sau đợt oanh tạc. Người dân Mỹ đình tụ tập rất đông bàn tán. Một số có hiêu biêt nói đó là kho xăng Đức giang (Tôi hồi đó còn nhỏ lắm ). Sau này ,trong cuốn Vùng trời nhà văn Hữu Mai có nhắc đến sự kiện này
Nếu em nhớ không nhầm thì chi tiết này trong cuốn Vùng Trời tập II, trong đó có đoạn biên đội của của anh Đông đang bay ở khu chờ bằng Mig-17 thì thấy cột khói bốc lên. Anh Đông rất xúc động khi thấy "kẻ thù đã đụng đến Trái tim của Tổ quốc", rồi sau đấy cùng với anh Hoa mỗi người hạ 1 chiếc F-105.

Cuối năm 1972 trong chiến dịch 12 ngày đêm, Mỹ có đánh lại  song thiệt hại không nhiều như lần đầu.

Năm 1972, Mỹ quay lại ném bom miền Bắc, mà đỉnh điểm leo thang là 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không. Thật sự thì em không muốn tìm hiểu kĩ các thông số về thiệt hại mà bom Mỹ đã gây ra để có thể so sánh như là những con số. Nhưng qua những gì đã đọc và tìm hiểu thì với mật độ tấn công dày đặc, tốc độ leo thang nhanh, cùng với vũ khí trang bị được cải tiến nhiều, máy bay Mỹ đã gây ra rất nhiều thiệt hại. Ví dụ, bằng việc sử dụng bom dẫn đường bằng laser, giặc Mỹ đã đánh sập rất nhiều công trình quan trọng của ta như: cầu Long Biên, cầu Hàm Rồng, nhà máy điện Yên Phụ. Còn trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, với việc đem B-52 rải thảm Hà Nội, Hải Phòng thì chắc là không có cuốn sách nào có thể ghi hết tội ác mà giặc Mỹ đã gây ra.

Nếu như mấy năm trước đây, lực lượng cường kích (đeo bom) trong đội hình của chúng nhiều, tiêm kích (đánh chặn) ít hơn thì nay thay đổi ngược lại. Trong đội hình 32 chiếc vào đánh phá mục tiêu, có khi chỉ 4 hoặc 8 chiếc đeo bom laze, 2 chiếc chiếu lade, còn đâu là tiêm kích đơn thuần làm nhiệm vụ quét sạch bầu trời, yểm hộ trực tiếp, yểm hộ khu vực cho số ném bom kia. Phải công nhận rằng, sự ra đời của vũ khí laze quả là lợi hại. Có cây cầu hàng bao nhiêu năm trời, đánh phá tốn hàng ngàn tấn bom đạn, bị rơi hàng trăm máy bay nhưng cầu vẫn đứng trơ trơ, nhưng khi xuất hiện bom lade thì 4 chiếc của chúng đeo bom với 2 chiếc chiếu tia laze đã đánh sập cây cầu.
“Vỏ quýt dày cũng có móng tay nhọn”. Các mục tiêu mặt đất của mình khi cần bảo vệ khỏi sự đánh phá bởi loại vũ khí laze này là đốt khói để khói trùm kín mục tiêu. Tia laze mất tác dụng, bom rơi chệch mục tiêu hết. Cũng sang năm 1972, địch hầu như chỉ sử dụng độc một loại máy bay là F.4 (con Ma) có cải tiến thành F.4E - mang vũ khí nhiều hơn, bắn được khi đang bay đối đầu, góc bắn lớn, tính năng tốt hơn, và như vậy, chúng tôi càng vất vả, chật vật hơn khi phải không chiến với chúng.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Chín, 2012, 11:38:57 am gửi bởi star » Logged

Những việc ta làm, thành - bại ngày hôm nay,
Sẽ có sử sách ngày mai ghi chép lại.
Dân tộc ta còn mãi là nhờ lòng cương quyết,
Mấy ngàn năm oanh liệt chống quân thù.
(Câu Thơ Yên Ngựa)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM