Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:21:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích  (Đọc 398260 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
cuubinh90
Thành viên
*
Bài viết: 17


« Trả lời #290 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2012, 03:25:09 pm »

Bác phicongtiemkich ơi? Bác lặn đi đâu mà lâu thế( Công nhận bác nhịn hơi tốt thật Grin) mong bác quá( bài mới của bác) rồi!!!! Angry
Logged
Alone1985
Thành viên

Bài viết: 1


« Trả lời #291 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2012, 09:04:16 am »

Ngày nào cũng vào lót dép chờ bác Phi công mà chẳng thấy đâu . Grin Grin Grin
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #292 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2012, 09:47:25 pm »

Tôi lại phải xin lỗi các đồng đội một lần nữa vì “nín thở” hơi lâu và luôn phải cám ơn anh huyphongssi đã xuất kích một mình giúp cho tôi trong những ngày tôi không “trực ban chiến đấu” !. Bây giờ thì tôi lại sẵn sàng bay cùng biên đội với anh huyphongssi đây.
Tuan b5 có hỏi tôi về trường hợp của chiếc MiG-17 ở khu vực Diễn, rất tiếc là tôi tra sổ chưa ra, khi nào có tin chính thức chắc chắn tôi sẽ gửi ngay để tuan b5 rõ. Có điều, đã ở máy bay phản lực chiến đấu thì không thể nào ép hạ cánh bắt buộc được, nhất là lại “kèm vào tận trong Nam” nữa vì tính cơ động của máy bay tiêm kích rất cao và dầu liệu cho một lần xuất kích cũng chỉ có hạn thôi.
Trở lại chuyến bay của anh Đinh Tôn :
 19 giờ 30 phút, máy bay rời đất và anh được dẫn vào khu vực chiến đấu, phát hiện được2 chiếc B-52 ở thế đối đầu nên không thể đánh được, phải quay về sân bay Thọ Xuân hạ cánh.
 Tuy chưa bắn được B-52 nhưng lần xuất kích ấy đã gieo được niềm tin vào khả năng dẫn đường sẽ dẫn được MiG bắn rơi B-52. Sau trận ngày mồng 4 tháng 10, sân bay Đồng Hới bị địch trinh sát và đánh phá dữ dội. Trạm ra-đa C-41 cũng bị địch phóng tên lửa gây hỏng hóc. Các lực lượng của ta lại tập trung sửa gấp sân bay, sửa ra-đa, tiếp tục chuẩn bị cho những cuộc xuất kích mới.
 Sân bay Đồng Hới đã bị lộ, phương án đánh lại phải nghiên cứu lại và chuẩn bị thật tỉ mỉ, chu đáo. Sân bay Anh Sơn đã được chọn làm sân bay cơ động để đánh B-52.. Khi cất cánh, từ sân bay Anh Sơn đến khu chờ ở Tân Ấp, đường bay ở gần núi cao ( thuộc dãy Trường Sơn phía Tây và núi Đại Huệ - Hông Lĩnh ở phía Đông ), phi công phải tự bay thấp theo số liệu đã tính toán trước, không được phép liên lạc để đảm bảo bí mật.
 Chuyến bay như vậy rất dễ mất an toàn, rất khó khăn đối với phi công bay đêm ở khu vực núi non hiểm trở như thế này, nhưng với quyết tâm đánh B-52, tất cả đều chấp nhận sự mạo hiểm.
 Nếu như chỉ cần bay cao một chút, tuy đảm bảo an toàn nhưng địch sẽ phát hiện được máy bay ta ngay, chúng sẽ gây nhiễu đối không và tổ chức đối phó, ta không thể đánh được địch mà còn bị tổn thất nữa là đằng khác. Kinh nghiệm của một số trận đánh ngày đã cho chúng ta áp dụng vào đánh đêm.
 Anh Vũ Đình Rạng đã cơ động đến sân bay Anh Sơn.
 Sân bay Anh Sơn là sân bay ngắn hẹp, với cự li 1800 m chiều dài và 27 m chiều rộng.
 Vào đêm 20 tháng 11 năm 1971, có 2 chiếc MiG-21 trực ở 2 sân bay. Anh Hoàng Biểu trực ở Vinh và anh Vũ Đình Rạng trực ở Anh Sơn.
 Anh Hoàng Biểu cất cánh trước, bay vào khu vực Tân Ấp, đèo Mụ Giạ ở độ cao 10.000 m. Địch phát hiện, trận đánh không thành, anh bay về hạ cánh ở sân bay Thọ Xuân.
 Địch nghĩ rằng từ trước tới giờ ta chỉ trực 1 chiếc mà thôi, khi xuất kích rồi sẽ về hạ cánh ở căn cứ chính là Đa Phúc và đêm hôm đó là không còn lực lượng nào ở các sân cơ động nữa. Chuyến xuất kích của anh Hoàng Biểu đã tạo được yếu tố bất ngờ cho chuyến sau.
 20 giờ 30 phút, anh Vũ Đình Rạng vào cấp và xuất kích. Sau 8 phút bay im lặng, không liên lạc gì, mò mẫm trong trời đêm theo đúng phương án với đầy những mối hiểm nguy rình rập khi bay đêm ở độ cao thấp, anh đã được dẫn và phát hiện được mục tiêu trên ra-đa của máy bay. Khi anh báo cáo đã phát hiện được mục tiêu, tất cả Sở chỉ huy nín lặng chờ đợi, hồi hộp và xúc động.
 Khi máy bay nằm trong cự li phóng tên lửa, máy bay ta đã đã đạt tốc độ tối ưu, anh ấn nút phóng tên lửa vào chiếc B-52 đi đầu và kéo cao, thoát li. Khi quan sát thấy 1 chiếc B-52 khác, anh đưa máy bay mình tiếp cận mục tiêu, bám sát và đến cự li cho phép thì phóng nốt quả tên lửa thứ 2 rồi về sân bay Anh Sơn hạ cánh an toàn.
 Trận đánh của anh Vũ Đình Rạng tuy không bắn rơi được B-52 tại chỗ, nhưng sau này địch phải thừa nhận có một B-52 bị bắn trọng thương, phải về hạ cánh bắt buộc ở sân bay U-đon ( Thái Lan ) mà không về được U-ta-pao.
 Sau đêm 20 tháng 11, bọn B-52 chỉ dám hoạt động từ nam đường 9 trở vào. Từ khu vực đường 9 trở ra đến khu Lùm Bùm, Ta-lê-phu-nhích, đèo Mụ Giạ …chúng không dám mò ra nữa. Ban ngày chỉ có loại F-4 hoạt động, ban đêm có thêm loại C-130 đánh phá chốt bản Đôn. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho ta vận chuyển tiếp tế cho chiến dịch trên cung đường từ đường 12, 20 cho đến đường 9.
 Nhiều phi công bay đêm đã liên tục mai phục, xuất kích để tiêu diệt B-52 như các anh Đinh Tôn, Hoàng Biểu, Đặng Xây, nhưng chưa lần nào “săn” được chúng. Chừng như chúng sợ “vía” các anh nên lần nào các anh xuất kích là chúng cũng tháo chạy từ sớm, hoặc khi các anh cơ động vào các sân bay Vinh, Anh Sơn … thì không hề thấy bóng dáng B-52 bén mảng cả trong thời gian dài. Thời gian ấy, trong Đại đội bay đêm đã có câu : “Biểu “Xê-Pôn” , Tôn “đường 9” …nghĩa là, các anh hoạt động chiến đấu ở các khu vực ấy quá nhiều. Có thể, kẻ địch không tường tận dung mạo các anh, nhưng dò qua sóng đối không, nghe giọng nói của các anh Đinh Tôn, Hoàng Biểu, Đặng Xây … là chúng có thể phán đoán được đấy là những con người thế nào rồi và chúng đã gờm lắm rồi. Biết đâu ( mà cũng có thể có lắm chứ ) các anh cũng nằm trong trường hợp tương tự như Anh hùng Liên Xô – phi công huyền thoại Pô-cơ-rư-skin trong cuộc chiến tranh Vệ Quốc Vĩ Đại, mỗi khi người Anh hùng ấy cất cánh là bọn Đức lại thông báo : “Chú ý ! Chú ý ! Có Pô-cơ-rư-skin ở trên trời !”.




Logged
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #293 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2012, 10:13:27 pm »

.
     Hay quá ! Cảm ơn bác Phicongtiemkich !
Logged

qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #294 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2012, 10:23:11 pm »

Bác phicongtiemkich có thể cho biết tại sao anh Vũ Đình Rạng lại chỉ bắn có 1 quả tên lửa mà không bắn cả loạt 2 quả? Do được huấn luyện như thế hay còn vì một lý do khác? Em thấy vô cùng tiếc cho bác Rạng, cơ hội chỉ có 1 lần trong đời và có lẽ trong cả cuộc chiến tranh chống Mỹ cũng chỉ có 1 lần không quân ta ở trong các điều kiện như vậy.
Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #295 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2012, 11:44:17 pm »

Chú phicongtiemkích,

Trận đánh của anh Vũ Đình Rạng tuy không bắn rơi được B-52 tại chỗ, nhưng sau này địch phải thừa nhận có một B-52 bị bắn trọng thương, phải về hạ cánh bắt buộc ở sân bay U-đon ( Thái Lan ) mà không về được U-ta-pao.

Dạ chuyện này chúng cháu cũng có bàn thảo một đôi lần. Chuyện địch thừa nhận theo chúng cháu hiểu được tác giả Lê Thành Chơn đưa vào sách của mình, rằng ông Frank Wetterhahn cựu phi công F-4 của Mỹ công nhận với tác giả. Hồi đó chúng cháu có liên lạc được với ông Wetterhahn và ông ấy đã hoàn toàn phủ nhận chuyện này, và ông ấy nói ông ấy chưa bao giờ (hoặc không nhớ ra) gặp gỡ hay nói chuyện với tác giả Lê Thành Chơn. Một số nguồn trên mạng của Mỹ, không chính thống lắm, thì chép chiếc này bị tên lửa đối không nổ gần, bị mảnh vào buồng lái, gây trục trặc kỹ thuật nhưng không thấy chép là có phải hạ cánh khẩn cấp hay không.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #296 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2012, 10:01:43 pm »

Câu hỏi mà qtdc hỏi cũng là câu hỏi mà nhiều người từng đặt ra. Đúng là cần phải phóng 2 quả cùng một lúc. Trên bảng đồng hồ vũ khi có 1 công tắc có các vị trí như sau : 1 quả một và bắn loạt ( 2 quả hoặc 4 quả ) luôn. Anh Vũ Đình Rạng đã để công tắc ấy ở vị trí bắn 1 quả một. Chính vì vậy mới thật đáng tiếc trong cái cơ hội ngàn năm có một này. Cũng chẳng có lí do gì khác đâu. Hồi đó, sau khi anh Rạng về hạ cánh, khi rút kinh nghiệm chiến đấu, cũng có ý kiến cho là anh sợ chêt, dao động tư tưởng đấy. Thật là oan cho anh. Nếu sợ chết thì sao dám cất cánh đi đánh nhau, sao dám gặp địch, sao dám bắn lần một rồi lại vào bắn lần hai. Tôi thì chỉ thấy thật đáng tiếc, vô cùng tiếc cho anh ấy mà thôi, bằng không thì anh ấy đã được phong Anh hùng ngay sau trận ấy rồi. Chẳng lẽ đấy lại là số phận ?. Ngay cả những cầu thủ lừng danh, khi sút phạt 11 mét mà có khi còn không vào gôn nữa là. Biết giải thích thế nào được ?.
Còn chuyện bên phía Mỹ thì đương nhiên họ phải giấu nhẹm thông tin đi rồi. Lá bài cuối cùng với con ngoáo ộp "pháo đài bay bất khả xâm phạm" mà bây giờ bị như thế thì có khác gì nhận được một cú tát trời giáng vào giữa mặt. "Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra" huống hồ đây là cái B-52. Sau này, chính họ đã công nhận và bấy giờ chúng ta cũng công bố chiến công ấy cho anh Vũ Đình Rạng, altus ạ !
 Thực ra, số phi công đánh đêm của ta không nhiều. Lực lượng tham gia trực chiến và tham gia chiến đấu trong những giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Mỹ sử dụng không quân đánh ra miền Bắc chỉ có khoảng chục phi công đánh đêm mà thôi.
 Lực lượng mỏng, nhiệm vụ lại rất nặng nề, nhưng trách nhiệm trước Đảng, trước Bác Hồ, trước nhân dân đã giúp cho các phi công đánh đêm không hề chùn bước trước khó khăn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
 Năm 1972 thực sự là môth năm khó khăn, gian khổ. Sự ác liệt, khốc liệt của cuộc chiến tranh tăng từng ngày một.
 Số lần xuất kích chiến đấu ngày càng dày hơn, những trận không chiến cũng xảy ra thường xuyên hơn, cuộc chiến đấu ngày càng phức tạp hơn. Mỹ dựa vào tiềm lực kinh tế, vào vật chất kỹ thuật, quốc phòng, dùng trăm phương ngàn kế tạo yếu tố bất ngờ trong từng trận, từng đợt chiến đấu hòng  đánh vào ý chí, quyết tâm chiến đấu của ta, gây nên những tổn thất lớn cho ta. Mỗi trận đánh, mỗi trận không chiến - thủ đoạn của chúng đều thay đổi.
 Cuộc sống, nề nếp sinh hoạt của đội ngũ phi công cũng bị xáo trộn theo những cuộc cơ động hết sân bay này đến sân bay khác. Bom đạn Mỹ không để cho bất kỳ sân bay nào của ta được yên ổn quá lâu. Chúng đánh liên tục, ban ngày đánh rồi, ban đêm đánh tiếp, đánh không theo quy luật nào. Chuyện phải cất cánh ở đường băng ngắn hẹp, cất hạ cánh ở cả đường lăn, xung quanh còn đầy hố bom, hố đạn ... đều là chuyện bình thường đối với tất cả các lực lượng phi công đánh đêm và đánh ngày.
 Tôi đã từng phải nhịn đói cả ngày trời khi trực chiến ở sân bay Gia Lâm vì bom địch thả rơi trúng bếp ăn, toàn bộ khu bếp bị đánh sập. Chúng tôi thì lúc nào cũng chờ xuất kích, chẳng ai nghĩ đến ăn nữa. Sang ngày hôm sau thì chính trị viên Thường đi theo kíp trực của bọn tôi đến mãi trận địa pháo phòng không xin được xoong cơm ngô và một bát dưa muối đem về. Anh em chúng tôi chia nhau mỗi người lưng bát. Không ai có cảm giác đói. Có lẽ, sự căng thẳng, tinh thần sẵn sàng ở tuyến trực ... đã làm cho chúng tôi quên đi những nhu cầu tối thiểu của thường ngày. Tôi cũng mất chứng mất ngủ từ ngày ấy. Đến tận bây giờ, may lắm mỗi đêm chỉ ngủ được vài tiếng là cùng. Trưa thì chẳng bao giờ chợp mắt rồi. Âu cũng là di chứng của chiến tranh.
 Tôi đi đâu là bị bom đạn đuổi theo lằng nhằng đến đấy. Một ngày phải cơ động không biết bao nhiêu sân bay mà kể. Bạn hữu tôi cũng vậy, hạ cánh cả khi địch vừa đánh xong, hạ cánh cả khi lúc chúng đang đánh, rồi có khi hạ cánh xong thì chúng đánh. Cứ thấy có thời điểm có thể hạ cánh được là chúng tôi phải xuống luôn. Chỉ cần một phút đắn đo thôi, thời điểm đó qua đi là "bị" ngay. Mọi xử lí phải thật nhanh, thật chuẩn xác. Cũng có những anh hạ cánh xong, trên đường chạy xả đà, lao xuống hố bom, rồi lao cả xuống ao, rồi lật ngửa máy bay, lật nghiêng máy bay ... đủ cả.
 Cười nhất là hôm anh Đỗ Văn Lanh ( anh Lanh về sau được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ) hạ cánh ở sân bay Gia Lâm. Dù giảm tốc bị đứt, máy bay cứ lao ào ào ( mặc dù anh đã tắt máy, đã phanh hết cỡ rồi ) nhằm ao phía trước thẳng tiến. Phút chốc, trong chớp mắt nghe cái "ùm" !. Nước ao bắn tung tóe, từ xa trông tới chỉ còn thấy mỗi chiếc đuôi đứng máy bay nhô lên tựa như vây con cá mập ở ngoài biển khơi. Mọi người hốt hoảng tìm xe ứng cấp để đến cứu phi công. Lâu sau mới có xe. Đến khi chạy tới bờ ao, nhìn ra chẳng thấy phi công đâu. Gọi chẳng thấy ai trả lời ! Xăm soi hết quanh các bụi lau, bụi sậy ở bờ ao chẳng thấy vết tích gì ! Cả đoàn ngơ ngác không ai hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra.
 Trong khi đó thì anh Lanh đang ngồi luộc ốc ở khu nhà gần đó. Số là, sau khi "lăn tùm" xuống ao, Lanh mở nắp buồng lái, cởi giày, cởi quần bay đeo hết lên cổ, nhảy ra cánh máy bay, lội ngay lên bờ. Ngoái lại xung quanh thấy có rất nhiều ốc nhồi ( cái khoản ấy thì các ao ở quanh sân bay Gia Lâm sẵn lắm ) liền bắt mấy chục con, cho vào ống quần bay, túm lại, xách về để chiêu đãi bọn tôi.
 Đoàn đi cấp cứu phi công bị nạn dò về đến nơi thì thấy mấy thằng bọn tôi đang nhể ốc ăn. Ba hòn gạch chụm lại, một ống bơ sắt tây bắc lên, nhóm lửa mấy phút là có thể "chiến đấu" được với đám đặc sản ấy rồi !.
 Thôi thì tiếng cười, tiếng quát, tiếng chửi, tiếng khóc ... văng ra đủ cả !. Đúng là chiến tranh ! Cái gì cũng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và bất kể lúc nào cũng có thể xảy ra bất kể cái gì !.
 Cảm động nhất là hôm tôi xuống hạ cánh ở sân bay Miếu Môn, phải đi vào tít trong bản, sơ tán ở nhà dân, rét vô cùng. Chủ nhà cho mượn chiếc chăn bông để đắp. Chiếc chăn bông của đôi vợ chồng mới cưới nhau, chồng lại vừa đi B ( vào Nam chiến đấu ). Chăn nồng mùi lạ, tôi không sao ngủ nổi. Ngoài kia, khi có cơn gió thổi thốc lại thì toàn mùi thịt người - mùi thịt của bọn giặc lái Mỹ cháy cùng máy bay rơi hồi tối xông đến nồng nặc, vừa gây, vừa khét, thối đến buồn nôn. Tôi chỉ mong cho chóng sáng mà sao đêm lại dài đến vậy, dài như vô tận. Thời gian bò chậm chạp tưởng như không nhúc nhích nữa. Sáng ra, tới nơi ăn sáng thì thấy 6 bát mì tôm hãm, để trên bàn ăn. Tôi nghĩ thầm : chắc đêm qua có số cơ động đến bổ sung. Ngồi đợi chẳng thấy ai xuất hiện. Hỏi ra thì mới biết đấy là tiêu chuẩn ăn sáng của tôi !. Trời đất quỷ thần ơi ! Hóa ra là bếp ở đây chưa hề nấu cho phi công ăn bao giờ, chẳng có gì cả ngoài mì tôm  và tiêu chuẩn ăn sáng của tôi tương đương với 6 bát mì thì cứ thế mà duyệt, mà thẳng thừng phục vụ thôi ! Chiến tranh cũng lắm cái buồn cười thật !. 
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #297 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2012, 10:16:40 pm »

Trên thế giới cũng chỉ có không quân QĐND Việt Nam dám đương đầu với B-52, vậy nên em nghĩ phong anh hùng cho anh Vũ Đình Rạng là vô cùng xứng đáng. Còn đúng là thật đáng tiếc. Cám ơn bác phicongtiemkich đã giải đáp.
Logged
huyphongssi
Thành viên
*
Bài viết: 1515



« Trả lời #298 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2012, 10:52:28 pm »

Tôi lại phải xin lỗi các đồng đội một lần nữa vì “nín thở” hơi lâu và luôn phải cám ơn anh huyphongssi đã xuất kích một mình giúp cho tôi trong những ngày tôi không “trực ban chiến đấu” !. Bây giờ thì tôi lại sẵn sàng bay cùng biên đội với anh huyphongssi đây.
Có huyphong yểm trợ rồi, anh Phicôngtiêmkích cứ yên tâm vào công kích nhé Grin

Trích dẫn
Biết đâu ( mà cũng có thể có lắm chứ ) các anh cũng nằm trong trường hợp tương tự như Anh hùng Liên Xô – phi công huyền thoại Pô-cơ-rư-skin trong cuộc chiến tranh Vệ Quốc Vĩ Đại, mỗi khi người Anh hùng ấy cất cánh là bọn Đức lại thông báo : “Chú ý ! Chú ý ! Có Pô-cơ-rư-skin ở trên trời !”.
Anh Phicôngtiêmkích có nhắc tới bậc thầy chiến thuật không quân tiêm kích Xô viết Pô-cơ-rư-skin. Rất nhiều bài giảng của thầy Pô-cơ-rư-skin đã trở thành giáo trình kinh điển đào tạo phi công chiến đấu và sĩ quan tham mưu chỉ huy cho KQ Liên xô, các nước XHCN và thế giới thứ 3.

Nhân giỗ 10 năm ngày thầy qua đời (1989), một số học trò của thầy Pô-cơ-rư-skin đã cùng nhau biên soạn lại các bài giảng chuyên đề để xuất bản cuốn giáo trình "Chiến thuật không quân tiêm kích". Đồng thời, 1 bộ phim phóng sự tài liệu nhan đề “Chú ý ! Chú ý ! Có Pô-cơ-rư-skin ở trên trời !” cũng được ra mắt nhân dịp này.

 
Logged

Nhằm thẳng quân thù, Bắn!
vanson307
Thành viên
*
Bài viết: 388


« Trả lời #299 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2012, 11:23:41 pm »

Đọc những câu chuyện của Bác phicongtiemkich hay thật, chợt thấy cay cay nơi khóe mắt. Cám ơn bác nhiều, chúc Bác luôn khỏe. Cám ơn @huyphong bay số 2 yểm trợ rất hay. Mà 2 Bác ơi, những máy bay bị lao xuống ao và hố bom ta có sửa chữa được không ạ? nếu mất luôn thì tiếc lắm, mà không rõ giá mỗi chiếc Mig21 giá khoảng bao nhiêu hồi đó hả Bác phicongtiemkich.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM