Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:42:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích  (Đọc 398241 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
huyphongssi
Thành viên
*
Bài viết: 1515



« Trả lời #280 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2012, 01:03:36 am »

Sân bay Thọ Xuân – Thanh Hóa là sân bay cơ động được đón tiếp nhiều biên đội trực ban chiến đấu nhất và cũng là căn cứ để xuất kích chiến đấu vào hoạt động ở các khu vực thuộc khu Bốn nhiều nhất. Giai đoạn ấy, hầu như địch làm chủ bầu trời từ khu Bốn trở vào. Các sân bay ta ở Vinh, Anh Sơn, Đồng Hới … thường xuyên bị đánh phá. Máy bay của ta bay vào trong đó chỉ cần bay với độ cao hơi cao một chút là bị phát hiện và tên lửa đối không Ta-los của địch từ Hạm đội ngoài biển Đông bắn lên liền. Cũng đã có mấy trường hợp máy bay ta bị trúng tên lửa Ta-los, phi công phải nhảy dù rồi. Ta gặp rất nhiều khó khăn khi cơ động đến các sân bay ở phía trong đó. Cũng vì vậy, hầu hết những chuyến xuất kích chiến đấu đều được tổ chức từ Thọ Xuân.
Huyphong mở rộng tiếp về hoạt động của tên lửa đối không trên hạm Ta-los trong cuộc chiến tranh đường không của Mĩ tại Việt Nam.

Trong cuộc chiến tranh đường không của Mĩ tại Việt Nam, Hải quân Mĩ đã sử dụng các tàu tuần dương tên lửa thuộc Hạm đội 7 triển khai dọc bờ biển khu vực Cán xoong (các tỉnh ven biển miền trung thuộc Khu Bốn từ Thanh Hóa tới Quảng Trị) để làm nhiệm vụ phòng không PIRAZ (Positive Identification RADAR Advisory Zone = Khu vực ra đa tham vấn nhận dạng tích cực) bảo vệ mặt tây cho không quân hải quân trạm Yankee trên Vịnh Bắc bộ và mặt bắc cho các hoạt động của Không quân Mĩ ở bắc Vĩ tuyến 17 và Thượng trung Lào. Các tàu tuần dương này được hoán cải từ các tàu tuần dương được đóng trong Thế chiến II (lớp tàu tuần dương hạng nhẹ Cleveland và lớp tàu tuần dương hạng nặng Baltimore) và trang bị tổ hợp tên lửa phòng không trên hạm Talos.

Tàu tuần dương hạng nhẹ mang tên lửa dẫn đường USS Oklahoma City CLG-5 của Hải quân Mĩ đang phóng tên lửa phòng không RIM-8 Talos (ussokcity.com)


Tổ hợp tên lửa phòng không trên hạm Talos là kết quả của chương trình phát triển tên lửa phòng không "Chiến dịch Ong bầu" (Operation Bumblebee), do Phòng thí nghiệm vật lí ứng dụng thuộc Đại học John Hopkins và Bộ Hải quân Mĩ cùng phát triển từ năm 1942 để chống lại các loại bom bay chống tàu của Đức và máy bay cảm tử Thần phong của Nhật. Năm 1952, tổ hợp Talos được đưa vào danh mục vũ khí trang bị cho các chương trình hoán cải tàu tuần dương và khu trục mang pháo kiểu cũ sang mang tên lửa có điều khiển.

Sơ đồ thiết kế khối bệ phóng và nạp đạn Mk.7 của tổ hợp tên lửa phòng không Talos trên các tàu tuần dương hạng nhẹ của Hải quân Mĩ (okieboat.com)


Tổ hợp Talos gồm đạn tên lửa có điều khiển 2 chế độ dẫn bám chùm vô tuyến và tự dẫn ra đa bán chủ động RIM-8, đài ra đa điều khiển bám chùm pha giữa AN/SPW-2, đài ra đa bám sát và chiếu xạ mục tiêu pha cuối AN/SPG-49, khối bệ phóng Mk.7 (lớp tàu Cleveland) hoặc Mk.12 (lớp tàu Baltimore), trung tâm tính toán và điều khiển hỏa lực. Ngoài ra, tổ hợp Talos còn khai thác tình báo với các đài ra đa trinh sát phòng không trên tàu AN/SPS-30 và AN/SPS-43 và đài ra đa bề mặt AN/SPS-10.

Mô tả nguyên lí diệt Míc.21 của tên lửa phòng không Talos trên tàu tuần dương của Hải quân Mĩ (okieboat.com)


Trong cuộc chiến tranh đường không của Mĩ tại Việt Nam, các tàu tuần dương mang tên lửa Talos của Hải quân Mĩ đã nhiều lần tấn công và gây tổn thất cho lực lượng phòng không không quân ven biển của ta. Theo các tài liệu lưu trữ của Hải quân Mĩ, tên lửa Ta-los trên tàu Hải quân Mĩ đã bắn rơi 3 máy bay Míc.21 và bắn hỏng 1 trạm ra đa dẫn đường P.35 của Vn trong giai đoạn 1968-1972. Cụ thể, trong các tháng 5 và tháng 9/1968, tàu tuần dương nguyên tử mang tên lửa có điều khiển USS Long Beach CGN-9 đã dùng tên lửa Ta-los bắn rơi 2 máy bay Míc.21 của ta dọc vùng Cán xoong. Tháng 2/1972, tàu tuần dương hạng nhẹ mang tên lửa dẫn đường USS Oklahoma City CLG-5 đã sử dụng 1 đạn Talos bản chống ra đa RGM-8H bắn hỏng 1 đài ra đa dẫn đường P.35 ở gần Vinh. Ngày 09/5/1972, tàu tuần dương tên lửa USS Chicago CG-11 bắn rơi 1 Míc.21 khi làm nhiệm vụ phòng không cho các máy bay Hải quân Mĩ rải thủy lôi phong tỏa luồng vào cảng Hải Phòng.  

Trung tâm tính toán và điều khiển hỏa lực của tên lửa phòng không Talos trên tàu tuần dương của Hải quân Mĩ (okieboat.com)


Đạn tên lửa RIM-8E của tổ hợp Talos (okieboat.com)


Cụm ăng ten đài ra đa trinh sát phòng không AN/SPS-43 cung cấp tình báo mục tiêu cho tổ hợp Talos (okieboat.com)


Cụm ăng ten đài ra đa đo cao AN/SPS-30 cung cấp tình báo mục tiêu cho tổ hợp Talos (okieboat.com)


Cụm ăng ten đài ra đa bám sát và chiếu xạ mục tiêu pha cuối AN/SPG-49 của tổ hợp Talos (okieboat.com)


Cụm ăng ten đài ra đa điều khiển bám chùm pha giữa AN/SPW-2 của tổ hợp Talos (okieboat.com)
Logged

Nhằm thẳng quân thù, Bắn!
AK47M60
Thành viên
*
Bài viết: 6


« Trả lời #281 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2012, 12:04:38 pm »

Năm 1972, loa phát thanh của Đài Truyền thanh Hà Nội thường xuyên thông báo : "... các lực lượng phòng không chú ý, các máy bay chớp đèn xanh là máy bay ta...", vậy mà vẫn có chuyện "gậy ông đập lưng ông", đau lòng quá...
Logged
Sonviet
Thành viên
*
Bài viết: 12


« Trả lời #282 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2012, 03:00:03 pm »

Năm 1972, loa phát thanh của Đài Truyền thanh Hà Nội thường xuyên thông báo : "... các lực lượng phòng không chú ý, các máy bay chớp đèn xanh là máy bay ta...", vậy mà vẫn có chuyện "gậy ông đập lưng ông", đau lòng quá...
Thực ra hồi ấy(1972) EM CÒN BÉ(12 tuổi) thấy loa phóng thanh: đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách hà nội 30km, 50km, hoặc ,80 km, các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu..................,
 chứko có nói máy bay chớp đèn xanh là.............
Dưng mà ngày ấy em ngưỡng mộ các chú phi công.....................
Logged
cuubinh90
Thành viên
*
Bài viết: 17


« Trả lời #283 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2012, 03:29:19 pm »

Bài của bác PCTK hay quá cháu xem 1 lèo luôn( từ khi vào) Lúc bác chỉ huy bay ở SB Yên bái cháu mới là chú nhóc 7,8 tuổi( nhà cháu trên đồi khí tượng gần bến phà Âu lâu) rất thích xem các bác, chú bay tập nhất là bay thấp thấy Mig 21 bay lừ lừ tới gần rồi mà chưa thấy tiếng đâu đoántự là bay vượt âm. Đọc bài của bác không biết bao nhiêu lần cảm xúc dâng trong người khiến cháu trào nước mắt vì tự hào thay cho lớp cha chú của mình!!! Thấy thật bất bình khi nghe, nhìn nghĩ về những con người thời nay( đặc biệt là giới lãnh đạo) quá nhiều người vụ lợi đến vô lương tâm và lo cho vận mệnh dân tộc trong tương lai gần!
Logged
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #284 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2012, 03:31:09 pm »

Năm 1972, loa phát thanh của Đài Truyền thanh Hà Nội thường xuyên thông báo : "... các lực lượng phòng không chú ý, các máy bay chớp đèn xanh là máy bay ta...", vậy mà vẫn có chuyện "gậy ông đập lưng ông", đau lòng quá...
Cái này gọi là " quân ta chiến thắng quân mình " thì đúng hơn
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #285 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2012, 10:06:47 pm »

Trong đội ngũ các phi công tiêm kích từng tham gia các trận không chiến thì anh Nguyễn Văn Cốc bắn được 9 máy bay Mỹ, đứng đầu bảng, mà Bác Hồ kính yêu khi gặp bộ đội Không quân đã nói rằng : “ Bác mong có nhiều Cốc hơn nữa !”. Sau anh Cốc là các anh : Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Hồng Nhị, Mai Cương ( Mai Văn Cương ) mỗi anh đều bắn hạ 8 máy bay địch. Các anh đã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, taisaolainhuvay ạ !
Về việc để khi nhảy dù cho dù rơi nhanh hơn thì anh huyphongssi đã trả lời hộ tôi rồi. Không phải là cho thêm chì mà chính là cần phải kéo một dây dù cho dù lệch đi, khi đó dù sẽ rơi nhanh hơn. Huonghn 76 có thể tìm hiểu thêm và nhất là trực tiếp tham gia câu lạc bộ nhảy dù thì càng rõ.
 Tôi được “nếm” trận bom B-52 của Mỹ rải đầu tiên là ở Thanh Hóa từ 13 tháng 4 năm 1972. Đêm đó tôi trực chỉ huy bay cho anh Bùi Doãn Độ trực chiến. Báo động vào cấp, rồi lại xuống cấp và báo động sơ tán. Chúng tôi chưa kịp chui vào hầm thì suốt dọc đường băng của sân bay Thọ Xuân đã nháng lửa và tiếng bom rền như xay lúa, mãi không dứt. Mọi đường liên lạc hữu tuyến về Sở chỉ huy bị đứt hết, đối không cũng chẳng nghe được, lại rất nhiễu ( sau mới phát hiện là các cột ăng-ten bị mảnh bom phạt gãy hết, các đường dây cũng bị băm nát cả ). Tôi rất sốt ruột không biết tình hình ra sao nữa. Đài chỉ huy nằm ở phía Bắc đường băng. Lực lượng trực chính lại ở phía Nam đường băng. Thật như ngồi trên đống lửa. Tôi trồi lên hầm để ngó xem thì bị anh Vũ Trọng Tân ( trực quân báo ) lôi xuống, không cho lên, nhỡ tôi “vướng” mảnh bom thì xong. Đợt đánh này khá dài. Tiếng máy bay nghe rất nặng và rền. Dứt đợt đánh, tôi voptj lên khỏi hầm , hét gọi về phía trực xem tình hình bên đó thế nào thì thấy một bóng đen  chạy từ phía đường băng lên nói với tôi là đường băng bị đánh hỏng hết rồi, lại đưa cho tôi 2 chú gà gô, nói là bắt được ở bên lề bảo hiểm đường băng. Hai chú chim bị sóng kích của bom làm cho nghễnh ngãng, quay quay như người bị động kinh. Tôi cũng chẳng còn bụng dạ nào nghĩ cách xử lí chúng nữa, lại thả ra rồi cùng với đồng chí công binh kia đi kiểm tra đường băng.
 Trong ánh sáng mờ mờ của trời đêm, cúi sát mặt đất nhìn thì thấy mọi tấm ghi lát trên đường cất hạ cánh đều bị đánh cong, bật lên khỏi mặt đất tựa như những dẻ xương sườn của một con vật nào cực kỳ khổng lồ được dóc hết thịt giành cho đám nhậu rồi vứt hỗn độn ra đấy. Bãi chiến trường ngổn ngang thế này thì bao giờ mới sửa được, mới lại bay, lại trực được ?. Tôi vừa uất hạn, vừa ngao ngán quay về hầm trực để thông báo cho số phi công và thợ máy trực chiến biết tình hình. Khu chúng tôi sơ tán và Sở chỉ huy thì nghĩ rằng chúng tôi bị “làm cỏ” không còn một mống nào rồi. Gần sáng thì chúng tôi mò được về nhà. Cả khu vực ấy râm ran, hân hoan, náo nhiệt hẳn lên. Đúng là chúng tôi từ cõi chết trở về thật, chẳng ai dám nghĩ là chúng tôi lại còn đủ như thế sau những đợt rải thảm hàng mấy trăm tấn bom của B-52 xuống khu trực. Sự may rủi, sống chết trong chiến tranh đúng là lạ lùng, không ai lường được.
 Chúng tôi phải đi đường bộ ngược ra Đa Phúc. Một tuần sau, sân bay sửa xong, tôi lại bay vào trực. Từ trên trời nhìn xuống mới ngại : một vệt chiều ngang khoảng hơn 2 km, chiều dài khoảng chục cây số chui chít hố bom, chỉ thấy hố bom là hố bom trong cái diện tích ấy, tưởng tượng như mình nhìn vào tổ ong bỏ không, không có ong thế nào thì đúng như vậy. Hôm ấy, nếu bọn lái đi chệch chỉ cần 1 độ sang phía đầu Tây sân bay thôi thì chắc số anh em chúng tôi trực chiến hôm ấy xương thịt, đất cát sẽ được băm nhừ, nhào vào nhau thành một hỗn hợp mà chẳng hề tìm được tên gọi của cái hỗn hợp ấy trong từ điển của loài người.
 Rồi một nỗi căm giận bùng lên trong tôi. Đất trời này là của dân mình, sao lại có bọn ngoại bang láo xược dám đến đây gây ra bao thảm họa, bao mất mát, đau thương cho dân tộc mình ?. Suốt cuộc chiến tranh, biết bao lần chúng tôi phải căm giận đến bầm gan tím ruột, bao lần máu như sôi lên trong huyết quản, bao lần phải đặt ra cái câu hỏi kia.
 Chúng tôi hiểu, những điều đó tạo cho chúng tôi thêm sức mạnh. Ngọn súng của chúng tôi không bao giờ chệch hướng. Cái chết cũng nhẹ tựa lông hồng. Chúng tôi vượt được mọi gian nan, hiểm nguy có lẽ cũng nhờ từ lòng yêu quê hương, yêu đất nước vô bờ. Rất nhiều sân bay dã chiến, ngắn hẹp mà chỉ nói ra thôi chắc bây giờ không ai tưởng tượng nổi đấy lại gọi là sân bay, càng không dám nghĩ rằng chúng tôi đã trực chiến ở những nơi ấy. Chúng tôi cất hạ cánh cả ở trên đường lăn. Có lệnh cất cánh là xuất kích, đánh nhau không tìm được nơi hạ cánh nữa thì nhảy dù, chỉ tâm niệm một điều duy nhất : phải đánh, phải chiến thắng !
Logged
huyphongssi
Thành viên
*
Bài viết: 1515



« Trả lời #286 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2012, 06:37:29 pm »

Ngoài lề tí, mấy sếp thông cảm.
Bác kích ơi em tưởng là mấy ace của VN chỉ có bác Cốc là hạ đc 9 MB và bác Ngân là 8 cái thôi chứ, sao lại có bác Mai Cương nào đó, bác này em chưa nghe bao giờ. Giải thích hộ được không ạ. Thanks

Trong đội ngũ các phi công tiêm kích từng tham gia các trận không chiến thì anh Nguyễn Văn Cốc bắn được 9 máy bay Mỹ, đứng đầu bảng, mà Bác Hồ kính yêu khi gặp bộ đội Không quân đã nói rằng : “ Bác mong có nhiều Cốc hơn nữa !”. Sau anh Cốc là các anh : Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Hồng Nhị, Mai Cương ( Mai Văn Cương ) mỗi anh đều bắn hạ 8 máy bay địch. Các anh đã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, taisaolainhuvay ạ !
Dưới đây là bản ảnh các Át phi công tiêm kích KQND Việt nam (hongsonvh)


Và hình anh Mai Cương ngồi trong buồng lái chiếc Mig-21PFM (hongsonvh)
Logged

Nhằm thẳng quân thù, Bắn!
taisaolainhuvay
Thành viên
*
Bài viết: 7


« Trả lời #287 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2012, 09:16:04 pm »


Và hình anh Mai Cương ngồi trong buồng lái chiếc Mig-21PFM (hongsonvh)
[/quote]
Bác Đức Soát vẫn bị nhầm là Doc Soat nhỉ. Có phải bác ấy là lớp pc mb su27 đầu tiên của ta ko ạ
Logged
huyphongssi
Thành viên
*
Bài viết: 1515



« Trả lời #288 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2012, 08:59:02 pm »

Xin chào các đồng đội!
Sau khi thi xong phần lý thuyết của Mig-21 thì anh em chúng tôi lại trở lại trường cũ - trường Akhtari - bay lại loại máy bay L-29 nhưng với những chương trình nâng cao hơn. Chúng tôi được huấn luyện những bài bay nhào lộn kỹ thuật phức tạp, bay chặn kích, bay đánh chặn các loại máy bay có tốc độ nhỏ, trực thăng, bay công kích các mục tiêu mặt đất, bay những bài bay tự tìm và tiêu diệt mục tiêu trên không v.v....
Năm thứ hai bay ở loại này (L-29), khi chúng tôi đã quen máy bay, điều khiển được chúng, đã nắm được kỹ thuật rồi, chúng tôi mới sinh sự ra những trò nghịch ngợm mà nhà trường dùng cái từ là “lưu manh trên không” ví như: bay thấp để đuổi bò ở nông trường, bay sạt thật thấp qua bãi tắm ở bờ biển, tự nghĩ thêm các động tác nhào lộn không có trong bài bay v.v... Nhà trường phải cảnh báo nhiều lần, nhưng chẳng ăn thua gì. Sau rồi, có một phát minh ghi lại các tham số của chuyến bay (dù rất ít) như độ cao, tốc độ, quá tải, thời gian bay được ra đời và được lắp vào tất cả các máy bay thì nó cũng hạn chế phần nào những hành động ngỗ ngược của chúng tôi.
Huyphongssi xin bay tiếp cùng anh Phicôngtiêmkích Cool
Để hạn chế mấy trò lưu manh trên không như anh Phicôngtiêmkích kể, máy bay ở các đơn vị huấn luyện và chuyển loại phi công của nhà trường được gắn thiết bị kiểm tra khách quan (còn gọi là hộp đen) SARPP-12 để ghi lại 15 tham số bay phục vụ các thầy rỡ băng bình bay và xử lí học viên vi phạm qui phạm sau ban bay.

Huyphong không rõ thời anh Phicôngtiêmkích bay L.29 và Mig.21 có mẹo gì để đối phó không, nhưng lớp học viên đàn em các khóa sau này bay L.39 và UMig.21 được mấy anh cơ giới và đặc thiết nhà trường bày cho cách qua mặt máy ghi kiểm tra khách quan bằng cách tắt bật máy ghi và đối khớp tham số bay trước và sau khi tắt bật máy ghi kiểm tra khách quan. Vậy là học viên truyền tai nhau thủ thuật này khi cần sà xuống thấp ngắm tiên dọc bãi biển hoặc lắc cánh chào em yêu nhổ khoai tây trên cánh đồng Grin
Logged

Nhằm thẳng quân thù, Bắn!
tuanb5
Thành viên
*
Bài viết: 610


« Trả lời #289 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2012, 05:56:23 pm »

Chào bác phicôngtiêmkích.
Thời kỳ Hoa kỳ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại  bằng không quân lên Miền Bắc nước ta, tôi còn nhỏ tuổi lắm, đang học cấp 1. Lúc ấy gia đình tôi ở gần Thị trấn Diễn (Từ liêm Hà nội ) Như mọi đứa trẻ cùng làng,tôi tới trường với nhiều buổi học đứt đoạn bởi nhũng hồi còi báo động rền rĩ .
 Chúng tôi phải làm quen vói giao thông hào, hầm chữ A và chiếc mũ rơm trước khi làm quen với kiến thức của nhà trường.
Nhưng trẻ con bao giờ cũng là ...trẻ con . Chiến tranh với bao âu lo dành cho người lớn, còn chúng tôi vẫn có vô khối trò nghịch ngợm , giải trí mà những đứa trẻ  thời sau không còn cơ hội thực hiện.
Một trong số các trò đó là ... xem máy bay ta bắn nhau với máy bay Mỹ.
Đầu têu là thằng Bình . Nó nhỉnh hơn tôi vài tuổi, học thì dốt nhưng khỏe và gan lì lắm. Nó hay dẫn chúng tôi đi đánh nhau với trẻ con xóm trong . Một hôm nó thông báo : Từ nay không xem cao xạ bắn máy bay nữa ( Cánh đồng làng có 1 trận địa pháo phòng không với rất nhiều trận thư hùng với máy bay Mỹ) Thấy chúng tôi ngồi yên, chưa hào hứng. Nó giải thích thêm : xem máy bay bắn nhau khoái hơn nhiều . Lại không  lo mảnh đạn cao xạ rơi. Thì đã là không chiến cao xạ phải nghỉ bắn, kẻo lầm phải máy bay ta thì sao ...
Tôi đã tận mắt chứng kiến 1 trận không chiến mà vẻ bi tráng còn hằn rõ trong đầu thằng bé chưa đầy 10 tuổi , kéo dài cho đến ngày hôm nay.
Đó là khoảng thời gian giữa năm 1967 ( Hoặc 1968 )
Chiều đó, trời trong xanh, nắng và rất nóng. Trận đánh xảy ra tầm 3 giờ chiều, Diễn biến không có gì đặc biệt so với những trận trước đó. Không có tiếng nổ lụp bụp nở ra những bông mây trắng nhỏ trên nền trời mà chỉ có tiếng gầm rú của động cơ. Máy bay của ta đầu bằng...Máy bay Mỹ đầu nhọn...Lúc ánh bạc trắng...Lúc lại đen sì..Chao nghiêng... Bổ nhào...
Thốt nhiên, mấy thằng bọn tôi co rúm người lại. Một tiếng rít lộng óc xẹt ngang như muốn ép dí chúng tôi xuống ruộng. Một chiếc MIG bay thật thấp, như không thể thấp hơn được nữa. Chưa bao giờ tôi được nhìn máy bay to đến thế. Tất cả còn đang choáng váng vì chưa hiểu sự tình,  thoáng chốc nó đã vòng trở lại, vẫn tiếng rít kinh hoàng ấy. Cả bọn không còn ngồi nữa mà quỳ hết xuống ,tròn mắt dõi theo chiếc máy bay. Tôi nhìn rõ cả màu sơn lá cờ và dãy số hiệu (Sau, thằng Bình còn quả quyết nó nhìn thấy rõ mặt phi công Huh ).
 Cơn hoảng loạn nhanh chóng trôi qua . Chúng tôi, dù toàn bé con cũng nhận thấy máy bay ta đang thất thế. Máy bay Mỹ nhiều tốp bay tầng trên đang như muốn chơi trò đuổi bắt. Thế rồi ít phút sau, 1 chiếc lao bổ xuống bắn. Chiếc MIG phụt khói, lao nhanh xuống cánh đồng, gần trạm máy kéo. Không có dù bung ra.
Nhiều người lớn đổ ra nơi chiếc máy bay rơi. Chúng tôi cũng phóng theo. Không thấy lửa nhưng khói từ bên trong vẫn tuôn ra mù mịt.
Một lát sau , có mấy ô tô quân đội lao đến...
Mọi người thương tiếc người liệt sĩ phi công khi đưa anh ra khỏi khoang lái. Có 1 bác đứng tuổi bảo: Tụi Mỹ nó muốn ép anh ấy bay vào Nam ...
Tháng 1 năm 1970, gia đình tôi chuyển nhà, không ở khu vực Diễn nữa. Cũng từ đó, tôi chưa 1 lần quay trở lại chốn cũ.
Thưa bác phicongtiemkich.
Thời gian đã quá lâu, hơn nữa khi câu chuyện xảy ra tôi lại quá bé nên tôi cũng không dám chủ quan cho rằng trí nhớ mình đúng hoàn toàn. Đọc bài của bác và mọi người ( đặc biệt bác huyphongssi ) trên topic này tôi rất thú vị và nó thôi thúc tôi viết lại mẩu hôi ức này. Qua đó, tôi cũng muốn các bác kiểm chứng giúp tôi sự kiện chiếc MIG 17 của ta bị bắn rơi. Tôi nhớ vị trí ấy cách đường 32 chỉ vài trăm m về phía nam, thuộc địa phận xã Mỹ đình huyện Từ liêm. Xin cám ơn các bác.
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Chín, 2012, 06:05:53 pm gửi bởi tuanb5 » Logged

Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM