Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:10:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích  (Đọc 398185 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #260 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2012, 04:15:28 pm »

Tôi luôn phải xin lỗi các đồng đội vì thời gian gần đây do bận việc cộng với lí do sức khỏe nên có sao nhãng phần nào trong chuyện liên lạc với các đồng đội, nhưng tôi cũng rất yên tâm vì có anh huyphongssi đã giúp tôi "hàn gắn" cái khoảng trống ấy. Tôi vô cùng cám ơn anh huyphongssi. Câm ơn các đồng đội khác đã cung cấp thêm nhiều tư liệu cho tôi cũng như cho các đồng đội khác trên trang này. Sonviet ạ, vậy là tôi với Sonviet cũng từng ở chung Sư đoàn và cùng Trung đoàn rồi. Với Trung đoàn KQ-931, tôi gắn bó với tình cảm khác thường. Sau khi tham gia cuộc chiến tranh "chống quân bành trướng xâm lược" ở phía Lạng Sơn về ( trong giai đoạn ấy, tôi là TMP tác chiến của Trung đoàn 927 ), Trung đoàn 931 được thành lập. Tôi được Sư đoàn gọi về ( thời ấy, Sư trưởng được gọi là Tư lệnh ) và được Sư trưởng giao nhiệm vụ. Tôi cùng các anh Trương Tôn, Trần Xuân Tùng, một thời gian ngắn sau thêm anh Nguyễn Quang Tấn về Yên Bái nhận quân, nhanh chóng củng cố tổ chức để bước vào huấn luyện và trực ban chiến đấu. Tôi ở Trung đoàn từ 1979 đến 1982 thì lên Sư đoàn. Anh Trương Tôn lãnh đạo Trung đoàn cùng các anh Đoàn Văn Sàn, Nguyễn Văn Động ( trước đó các anh Tùng và Tấn đã rời Trung đoàn, anh Tùng về Sư đoàn, còn anh Tấn sang Liên xô làm phó tùy viên quân sự ). Trung đoàn 931 là Trung đoàn có nhiều khó khăn nhất trong Sư đoàn, nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ đã sống gắn bó với nhau, đồng cam cộng khổ, vượt khó với tinh thần lạc quan cách mạng và đã vượt được mọi khó khăn gặp phải. Tôi có viết về 931 với bài "Về Trung đoàn với anh, em nhé !", xin kể để Sonviet nghe :
Trung đoàn anh đóng quân nơi ấy
Có sông Hồng như dải lụa chảy qua
Và đường băng như chiếc trâm ngà
Cài trên đầu rừng xanh bát ngát
Cọ xòe tay vẫy chào, múa hát
Hương quế nồng say, man mác, bồi hồi...
Mùi táo Mèo quyến rũ, đọng mãi đầu môi ...
Bưởi Cát Lem đậm đà vị ngọt
 
Về Trung đoàn
Em sẽ ngẩn ngơ giữa tiếng chim lảnh lót
Sẽ sững sờ trước màu sắc muôn hoa
Anh sẽ đưa em thăm thắng cảnh Thác Bà
Qua Yên Bình, về Nam Cường, lên Cổ Phúc
Thăm thành phố rộn ràng, đông đúc
Ngược phía Âu Lâu
Vượt những nhịp cầu
Ngang sông Hồng, sang Nghĩa Lộ
Anh sẽ đưa em lên Bắc Hà
uống rượu ngô, ăn thắng cố
Nghe tiếng sáo, tiếng khèn gọi bạn ...lả lơi
 
Về Trung đoàn
Ngắm những đôi cánh MIG tung hoành
ngang dọc giữa trời
Luôn sẵn sàng giữ yên vui Đất Mẹ
Các bạn anh - những chàng lính trẻ
Sôi nổi, hồn nhiên, ... càng lắng đậm tình người
 
Dù anh bay khắp bốn phương trời
Anh vẫn mang theo dáng hình em nhỏ bé
Về Trung đoàn với anh, em nhé !
Anh ngóng trông, thao thiết đợi em về !
 
Vậy đấy, Sonviet ạ !
Tôi cám ơn dang - cap - pro đã cung cấp cho đoạn clip thật hiếm hoi. Ở giây 1:35, tôi đã nhận ra được đồng đội, chỉ huy của tôi. Thoạt đầu là anh Mai Cương dẫn biên đội ra máy bay và anh trèo lên, ngồi vào buồng lái. Anh đã từng bắn rơi 8 máy bay Mỹ, được nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Người thứ hai trong đoạn clip này ngồi trong buồng lái khi máy bay đang nhào lộn là bạn tôi : anh Võ Xuân Quang. Anh cùng tốp 24 anh em chúng tôi được tuyển thẳng từ L-29 lên bay MiG-21, nhưng về sau anh không bay được trên MiG-21 ( vì lí do sức khỏe và kỹ thuật ) nên xuống bay MiG-17. Cảnh anh ngồi trong buồng lái là ở MiG-17. Anh đã hy sinh váo năm 1968 khi cất canh từ sân bay Cu-sôp-xcai-a trong lần bay huấn luyện.
Cuốn mà qtdc cung cấp cho thì anh huyphongssi đã giải thích rồi. Tôi chưa được đọc, được học vào thời gian ấy, nhưng đấy cũng là tài liệu quý. Nó có từ thời lực lượng KQ của Hồng Quân. Tôi rất muốn được đọc, xin qtdc cung cấp cho. Cám ơn qtdc nhiều nhiều.

Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #261 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2012, 05:19:09 pm »

Bác phicongtiemkich thân mến, cuốn đó bác xem ở địa chỉ : http://spread-wings.ru/content/blogcategory/17/46/ bác ạ.
Bác xem trực tiếp trên mạng được mà. Nó mới đưa lên đến phần 6. Tất cả có 10 phần. Bác nhắn địa chỉ mail vào hộp thư cho em, mai em sẽ gửi cho bác bản định dạng .pdf.
Chúc bác và gia đình sức khỏe.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #262 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2012, 06:26:40 pm »

Tôi cho rằng, nếu chỉ nói về những phi công đánh ngày mà không nói đến lực lượng đánh đêm thì quả là thiếu sót lớn. Tôi cũng từng bay đêm một thời gian nên tôi hiểu cái vất vả riêng của bay đêm, của cái “thân vạc thân cò” ấy. Tuy bả đêm, đánh đêm, nhưng các phi công bay đêm vẫn tham gia trực chiến ban ngày, vẫn xuất kích chiến đấu, vẫn đánh nhau như các phi công bay ngày. Tôi lấy một số trận như sau : biên đội 3 chiếc gồm Nguyễn Đăng Kính, Phạm Văn Mạo và Nguyễn Hồng Nhị ( anh Kính và anh Mạo là phi công bay đêm ) xuất kích từ sân bay Thọ Xuân – Thanh Hóa vào khu vực Đô Lương – Nam Đàn của tỉnh Nghệ An. Đây là trận đánh đầu tiên của Đại đội bay đêm ở chiến trường khu Bốn. Biên đội của ta đã không chiến với biên đội F-8 của địch. Anh Nguyễn Hồng Nhị đã bắn rơi 1 chiếc F-8 của địch, nhưng sau đó máy bay của anh cũng bị trúng đạn, anh đã phải nhảy dù. Trận ấy xảy ra ngày 1 tháng 8 năm 1968.
Hơn 2 tuần sau, biên đội Đinh Tôn, Nguyễn Văn Minh cũng xuất kích chiến đấu từ sân bay Thọ Xuân, được dẫn dắt vào khu vực Đô Lương không chiến với biên đội F-4 của địch và anh Nguyễn Văn Minh đã bắn rơi 1 chiếc F-4..
Sân bay Thọ Xuân – Thanh Hóa là sân bay cơ động được đón tiếp nhiều biên đội trực ban chiến đấu nhất và cũng là căn cứ để xuất kích chiến đấu vào hoạt động ở các khu vực thuộc khu Bốn nhiều nhất. Giai đoạn ấy, hầu như địch làm chủ bầu trời từ khu Bốn trở vào. Các sân bay ta ở Vinh, Anh Sơn, Đồng Hới … thường xuyên bị đánh phá. Máy bay của ta bay vào trong đó chỉ cần bay với độ cao hơi cao một chút là bị phát hiện và tên lửa đối không Ta-los của địch từ Hạm đội ngoài biển Đông bắn lên liền. Cũng đã có mấy trường hợp máy bay ta bị trúng tên lửa Ta-los, phi công phải nhảy dù rồi. Ta gặp rất nhiều khó khăn khi cơ động đến các sân bay ở phía trong đó. Cũng vì vậy, hầu hết những chuyến xuất kích chiến đấu đều được tổ chức từ Thọ Xuân.
Sang tháng 9,  biên đội Đinh Tôn, Vũ Đình Rạng xuất kích từ sân bay Thọ Xuân bay vào khu vực Đô Lương – Nghệ An không chiến với biên đội 4 chiếc F-8 của địch. Trong trận này, Vũ Đình Rạng bị bắn rơi, phải nhảy dù.
Vài ngày sau, biên đội Nguyễn Đăng Kính, Nguyễn Cát A xuất kích từ sân bay Đa Phúc lên đánh chặn máy bay không người lái và anh Kính đã bắn hạ  chiếc không người lái ấy trên bầu trời Thanh Hóa.
Cũng ở tháng 9 này, sau một thời gian gấp rút bay huấn luyện ban đêm, Đại đội bay đêm đã tổ chức trực ban chiến đấu ban đêm ở sân bay Đa Phúc và phi công trực ban chiến đấu ban đêm đầu tiên là anh Đặng Xây..
Ngày 26 tháng 10, biên đội Nguyễn Đăng Kính, Vũ Xuân Thiều xuất kích từ sân bay Thọ Xuân được dẫn vào khu vực Đô Lương. Sở chỉ huy thông báo có 2 chiếc F-4 bay thấp từ hướng cửa Lò vào. Cùng lúc ấy, trạm chỉ huy bằng mắt thông báo tiếp là chúng đã đến cầu Cấm và lấy hướng về phía Nam. Anh Kính dẫn đội lấy hướng 180 độ và tăng tốc độ bay. Hôm ấy, lượng mây Cu khoảng 6 – 7 phần ( mây Cu là loại mây đống và nếu chia bầu trời ra làm 10 phần thì hôm ấy lượng mây Cu chiếm 6-7 phấn ), đáy mây 800 m, đỉnh mây 4000 m. Sau khi lấy hướng 180 độ thì biên đội phát hiện được 2 chiếc F-4 bay từ phía trái qua phải, ở cự li chừng 4-5 km. Biên đội bật tăng lực tiếp cận. Khi bay vào mây, Thiều đã lạc mất đội. Sở chỉ huy dẫn Thiều quay về trước. Anh Kính tiếp tục bám theo biên đội F-4. Khi đang ngắm bắn thằng số 2 thì nó bỗng đảo chiều, bay sang phía bên kia. Anh Kính ngắm luôn vào thằng số 1 và ấn nút phóng tên lửa. Thằng số 1 cháy bùng, lao thẳng xuống địa phận Hương Khê – Hà Tĩnh.
Thời gian sau đó ( vào khoảng tháng 12 ) thì trung đội của tôi bước vào bay đêm. Trung đội tôi có anh Nguyễn Văn Thuận là trung đội trưởng, rồi các anh trung đội viên là Nguyễn Cát A, Vũ Xuân Thiều, Trần Ngọc Nhuận và tôi. Anh Nhuận sớm phải rời bỏ đời bay về tiếp tục học Đại học vì lí do sức khỏe. Anh bị bệnh viêm hành tá tràng, rồi chảy máu dạ dày (tức là cả một hệ thống đường tiêu hóa như hệ thống đường bộ của Cục đường bộ - Bộ giao thông vận tải) đều có vấn đề. Vậy là còn lại có 3 trung đội viên. Trung đội trưởng Thuận là người chơi vi-ô-lông khá hay. Khi còn học bay ở bên Nga, anh đã từng lên sân khấu biểu diễn. Anh muốn tất cả các trung đội viên của anh cũng phải biết chơi nhạc cụ này – cái nhạc cụ mà anh em chúng tôi vẫn gọi đùa là “nhị Tây” ấy. Trong đoàn bay của tôi thì anh Trần Cung là người kéo nhị rất giỏi, hình như hồi ở nhà, anh đã từng ở trong đội văn nghệ của xã thì phải. Vậy là trong lực lượng bay đêm có cả người chơi “nhị Tây”, người chơi “nhị Ta”. Tôi thì tay chân cứng qoèo vì chơi xà, chơi tạ nhiều nên tìm cách “phá bĩnh”, không học. Thiều thì nói sẽ chơi ghi-ta và Thiều vác ghi-ta ra chơi thật, cứ phập phừng, … phập phùng chẳng giống ai. Còn lại mỗi anh A thì khi ngắm bàn tay anh A, trung đội trưởng chỉ còn cách  … lắc đầu. !. Anh Cát A từng được mệnh danh là người có “ngón tay thần”. Anh kể, từ hồi nhỏ, khi cùng một số người nữa đi khiêng giúp tấm gỗ lim cho ai đó, khi hạ tấm gỗ xuống, vì hiệp đồng với nhau không chuẩn, người buông tay trước, người buông sau nên anh A bị gỗ đè ngay vào ngón tay trỏ của bàn tay trái. Ngón tay tòe ta, máu chảy lênh láng. Sau khi dịt thuốc lào để cầm máu, tuy khỏi, nhưng ngón tay không còn tròn trịa nữa mà đầu ngón tay bẹp như đầu con rắn. Khi anh giơ ngón tay ra giả vờ mổ mổ vào đứa cháu thì nó sợ quá, khóc thét lên. Từ đó, anh hay tìm cách giấu ngón tay ấy đi. Một lần, nhân lúc anh ngủ, tôi ngắm nghía ngón tay anh, rồi lẳng lặng lấy bút mực vẽ theo đường rãnh sẹo, rồi vẽ mồm, vẽ mắt trông thật không khác gì đầu rắn. Khoái chí về thành quả của mình, tôi gọi mấy anh khác đến để “chiêm ngưỡng” cái tác phẩm ấy. Mấy anh thấy vậy thì cười phá lên. Có lẽ biệt danh “ngón tay thần” xuất xứ từ đấy. Anh A tỉnh dậy bực lắm, tôi sợ anh sẽ cho tôi một trận, nhưng khi anh nhìn vào ngón tay anh thì anh cũng phải bật cười và lẩm bẩm :”Cái thằng !”.Vậy là tôi thoát nạn. Mà riêng anh cũng có lắm giai thoại lắm cơ ! Ví dụ như chuyện ngáy chẳng hạn. Anh được cái là ngủ rất nhanh và ngáy cũng không giống ai, kể cả về tần xuất, về biên độ dao động và về âm lượng. Nói chung, khi anh đã “cất tiếng” là tất cả 3 người từ trung đội trưởng đến các trung đội viên còn lại ở trong phòng đều phải thức giấc hêt. Thế là dép, giày và tất cả những thứ gì có thể ném được sang phía giường anh A là đều được huy động ném cho hết. Khổ nỗi, anh chỉ “giữ im lặng” được vài giây thôi, rồi lại đâu vào đấy. Một lần, trung đội trưởng khua chúng tôi dậy lúc khuya :
-   Các cậu dậy họp Trung đội !
 Tôi và anh Thiều lồm cồm chui ra khỏi màn, chưa hiểu đầu đuôi ra sao thì anh Thuận nói luôn :
-   Tớ nghĩ ra rồi ! Ta ném giày dép chẳng qua chỉ thức tinmhr nó được tí thôi. Gốc gác là nó bị viêm họng. Có viêm họng thì mới gây ra ngáy. Bây giờ là phải trị tận gốc !.
 Nói xong, trung đội trưởng giao nhiệm vụ cho tôi phải xuống nhà bếp lấy muối. Tôi nói khuya thế này thì làm sao mà nhà bếp mở cẳ, hay để đến ngày mai hãy làm, nhưng anh Thuận bắt tôi đi ngay. Rồi tôi cũng tìm cách mang được muối về, chưa hiểu trung đội trưởng sẽ “điều trị” thế nào thì trung đội trưởng vốc ngay một nắm, thả vào miệng anh A bấy giờ đang há một cách hồn nhiên với lượng âm thanh khó tả.
Nghe tiếng “khực” !. Bao nhiêu muối trong miệng anh A bắn tung tóe hết ra xung quanh. Trung đội trưởng Thuận lắc đầu ngán ngẩm :
-   Vậy là y học bó tay ! Bây giờ chỉ còn mỗi nước là khiêng “cụ” ra sân bóng chuyền mà thôi !
 Sân bóng chuyền thì ngay cạnh đấy. Ba anh em khiêng anh A ra đặt giữa sân bóng chuyền thật. Suốt cả quá trình khiêng “cụ” đi, tiếng ngáy vẫn vang lên đều đặn, không bị đứt đoạn tí nào. Chừng nửa đêm, trời đổ mưa, giường chiếu anh A bị ướt hết cả, anh tỉnh dậy, thấy mình ở giữa sân bóng chuyền thì vùng dậy lao vào nhà la hétd, quát tháo ầm ỹ. Tôi sợ quá, giả vờ ngủ say và còn … ngáy nhè nhẹ nữa. Cũng từ hôm đó, anh đâm ra rất “ý tứ”. Đến giờ đi ngủ, anh vẫn lảng vảng ngoài hành lang hoặc ra phòng họp ngồi đọc báo cốt để cho anh em trong phòng ngủ đã rồi mới vào. Nghĩ cũng thương anh thật, nhưng khi anh về, cho dù chúng tôi đã ngủ cả rồi, tới lúc anh “cất tiếng” thì chúng tôi cũng vẫn cứ phải dậy như thường. Chúng tôi đành chịu đựng, lâu rồi thành quen. Đôi lúc vắng anh, vắng tiếng ngáy của anh lại thấy nhơ nhớ, lại thấy như bị thiếu hụt một cái gì đó. Đấy cũng chỉ là một vài chi tiết nhỏ của đời sống thường nhật của chúng tôi thôi.
Vậy là ý định của Trung đội trưởng muốn cho các trung đội viên của mình chuyển sang lĩnh vực khai thác “nhị Tây” đã không thành. Tôi thì vẫn cứ ra bãi xà, bãi tạ. Thiều thì thi thoảng vẫn vác ghi-ta ra phập phừng và anh A thì chẳng chơi bộ môn nào hết, lâu lâu lại lấy “ngón tay thần” ngoáy mũi một cái !.
Logged
huyphongssi
Thành viên
*
Bài viết: 1515



« Trả lời #263 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2012, 09:02:30 pm »

Mừng anh Phicôngtiêmkích đã hoàn thành bài bay hồi phục để quay lại trực ban và cảm ơn anh sonviet tổ trưởng máy bay động cơ đã đảm bảo tình trạng kĩ thuật của máy bay phục vụ ban bay hồi phục Cool

Bác Huyphong ssi biết rành về tiệp quá chắc bác đã từng sang tiệp. Đúng em thực tập ở motor let Praha, dộng cơ M701c-500 là em làm đồ án tốt nghiệp. Hồi ấy vẽ mờ cả mắt, sau lại phải can ra giấy, về sau cận lên đến 3 diop. Hồi về nước nghe các anh phi công cũ như anh Thái anh Sâm....kể chuyện đánh nhau thấy như tiểu thuyết ý. bác Huyphong có thời học ở Tiệp không ạ?
Bác Phi công tiêm kích lâu không thấy quay lại bay hồi phục nhỉ? mọi người mong bác
Huyphong không học ở Tiệp nhưng từng làm việc với 1 số anh học đặc thiết ở Brno về nước trước anh sonviet 1 vài khoá. Anh sonviet thử xem mấy anh trong tấm ảnh lượm trên mạng này có ai là người quen không nhé:
Logged

Nhằm thẳng quân thù, Bắn!
dembienlanh
Thành viên

Bài viết: 1


« Trả lời #264 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2012, 10:35:10 pm »

Bác phicong hay bác Huy cho e hỏi là có chi tiết "vất thùng dầu phụ" khi đánh? tại sao vậy ạ?  Smiley Smiley
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #265 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2012, 07:26:30 am »

Bác phicongtiemkich, bác có nhớ năm 1977 hay 78 gì đó, có một vụ tù binh phi công ngụy trốn trại mò ra sân bay Yên Bái định cướp máy bay không nhỉ. Hình như năm 1977 thì đúng hơn vì lúc đó em đang đi lao động XHCN ở lâm trường Yên Bình và được nghe thông báo như thế.
Ảnh của huyphong hay ra phết, dấu ấn một thời 7x-8x - các chú sỹ quan đi học Đông Âu còn để tóc dài cợp gáy, về nước thì xin mời 3 phân nhé, hề hề.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Tám, 2012, 07:31:53 am gửi bởi qtdc » Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #266 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2012, 08:06:17 am »

Việc chuẩn bị đón nhận máy bay vào trực ở các sân bay tuyến trong, đặc biệt là Đồng Hới diễn ra rất kỳ công. Đồng Hới là sân bay nằm ngay sát biển. Địch trinh sát liên tục và đánh phá liên tục vì có lẽ chúng đã “đánh hơi” thấy không quân ta không chỉ lấy sân bay Đa Phúc làm căn cứ chính mà còn sẽ cơ động vào các sân bay phía trong để vươn đánh xa hơn, và một khi đã có MiG cơ động vào trong đó thì các hoạt động của các máy bay Mỹ, nhất là B-52 sẽ gặp nhiều nguy hiểm hơn. Địch cứ đánh, ta lại sửa gấp, cứ liên tục diễn ra như vậy ngày ngày. Đoàn của anh Phạm Ngọc Lan được cử vào Đồng Hới để triển khai nhiệm vụ, thực hiện quyết tâm của ta phải cơ động được vào Đồng Hới, phải xuất kích chiến đấu từ sân bay Đồng Hới. Thời kỳ đó là thời kỳ mưa nhiều, sân bay thì lầy lội, địch thì rải các loại bom phá, bom bi nên mặt đường băng lở lói như người bị rỗ mặt vậy. Sở chỉ huy tiền phương rất sốt ruột, anh Trần Hanh trực ở đó gọi điện kiểm tra liên tục :
-   Tình hình sức khỏe của cháu độ này thế nào ?
-   Mấy ngày nay cháu bị sốt, bị thủy đậu, mặt bị rỗ nhiều quá. Nó quấy khóc suốt thôi !
( Nội dung trao đổi có nghĩa là : tình hình sân bay thế nào ? / Sân bay bị địch đánh phá, đường băng bị nhiều hố bom. / Trời thì mưa liên tục )
Vài ngày sau lại có điện :
-   Tình hình mặt mũi cháu thế nào rồi ?
-   Cũng khô ráo rồi !
-   Cậu chuẩn bị đón mấy cô em gái mình nhé !
-   Các cô ấy bao nhiêu tuổi ?
-   17, 18 gì đó !
-   Để làm gì thế ?
-   Chúng lớn rồi thì phải tạo điều kiện cho chúng đi lấy chồng chứ !
-   Vâng, sẵn sàng, 17, 18, 19, 20, 21 đều được cả. Càng vui !
 ( Nội dung : đường băng khô ráo rồi thì chuẩn bị tiếp thu các loại máy bay MiG-17, MiG-21 để chuẩn bị cho chiến đấu )
Và, Đại đội trưởng đại đội bay đêm – anh Đinh Tôn đã chuyển sân từ Đa Phúc cơ động vào sân bay Đồng Hới.
Tất cả các máy bay chuyển sân vào khu vực phía trong thuộc khu Bốn đều phải giữ bí mật qua vô tuyến, không được phép liên lạc suốt từ lúc cất cánh đến tận lúc hạ cánh. Dọc đường hành trình, qua các điểm kiểm tra được xác định trước chỉ được bấm vào nút phát của vô tuyến một tiếng “cạch” hoặc 2 tiếng “cạch” theo đúng hiệp đồng.
Chuyến ấy, anh Đinh Tôn bay vào bị lệch sang phía Tây đường bay, nghe tiếng “cạch” rồi mà anh Lan đứng trên đài chỉ huy không nhìn thấy máy bay đâu. Sợ anh Tôn đi quá xa, anh Lan đành phát “liều” qua đối không :
-   Ai vừa bấm nút đấy ?
-   216 !
Biết đấy là anh Đinh Tôn, anh Lan lệnh cho tất cả các thành phần trên đài chỉ huy tăng cường quan sát xem máy bay ta đang ở đâu. Phút sau,phát hiện được máy bay ta, anh lệnh cho bật đèn đường băng và chỉ huy cho anh Tôn vòng lại, về hạ cánh.
Sau chuyến hạ cánh của anh Đinh Tôn, trời lại tiếp tục mưa tầm tã. Kiểu mưa này là kiểu mưa không thể tạnh ngay được. Phải tính đến việc sơ tán máy bay thôi. Và 3 trung đội dân quân đã được huy động vừa làm đường vừa kéo máy bay vào  khu vực đường sắt của Đồng Hới. Ở đó, nền đường tương đối cứng, hơn nữa lại có thành ta-luy ngay bên cạnh, nên lực lượng công binh chăng, kéo lưới ngụy trang cũng thuận tiện hơn.
Máy bay vào nơi sơ tán, ngụy trang xong xuôi thì xuất hiện chiếc máy bay không người lái bay dọc đường băng. Chiều đến lại xuất hiện một chiếc RF quần đảo trên khu vực sân bay nhưng chúng không hề phát hiện được nơi ta cất giấu máy bay. Sự phối hợp khéo léo, ăn ý giữa các thành phần quân dân và lực lượng công binh đã tạo nên hiệu quả bất ngờ, thật tuyệt vời.
Mưa vẫn tiếp tục kéo dài thêm 2 ngày nữa, tới ngày thứ ba mới tạnh, mới thấy trời hửng nắng. Anh Trần Hanh ở ngoài sở chỉ huy sốt ruột hỏi :
-   Mấy ngày nay em gái mình ở đâu mà không thấy ca hát gì cả ?
-   Cô ấy nhớ nhà, khóc nhiều lắm, vừa rồi động viên mãi nên mặt mới tươi tỉnh được tí chút. Đêm nay nếu anh đồng ý thì cho tham gia một tiết mục văn nghệ !
-   Vậy cậu gửi em gái mình ở đâu thế ?
-   Ở So-manh Đờ-phe !
-   Ừ, nếu tươi tỉnh thì đồng ý cho hát !
( Nội dung : mấy ngày nay tình hình ra làm sao mà không tổ chức trực ?/Vì mưa nhiều, bây giờ trời mới hửng/Có thể thể tổ chức trực đêm nay nếu được cấp trên đồng ý/Máy bay được giấu ở đâu ?/Ở đường sắt (tiếng Pháp – Sơ manh Đờ phe là đường sắt – anh Trần Hanh và anh Phạm Ngọc Lan đều biết tiếng Pháp)/Vậy đêm nay có thể xuất kích đấy ! )
Chiều tối ngày 4 tháng 10, máy bay được kéo ra sân bay để chuẩn bị trực chiến. Trước đó, vào khoảng 2-3 giờ chiều, một biên đội 4 chiếc F-4 bay dọc sân bay Đồng Hới, ném 8 quả bom xuống sân bay. 4 quả nổ ngay, còn 4 quả rơi gần ngay đài chỉ huy thì nằm chờ nổ.
Tất cả kíp trực đã hoàn tất công tác chuẩn bị sẵn sàng chờ lệnh. Vào lúc 19 giờ, có lệnh cho anh Đinh Tôn vào cấp 1 và sau đó là khẩu lệnh :
-   Ấp Bắc ! Cờ Hồng ! (Mở máy ! Cất cánh ! )

Đồng đội dembienlanh ạ ! Máy bay khi chuẩn bị vào không chiến đều phải vứt thùng dầu phụ để tăng sức cơ động ( kể cả máy bay ta và địch vì nếu đeo
thùng dầu phụ thì lực cản rất lơn và cơ động rất khó khăn ). Đơn giản chỉ là vậy thôi !
.


Logged
Sonviet
Thành viên
*
Bài viết: 12


« Trả lời #267 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2012, 10:36:04 am »

Mừng anh Phicôngtiêmkích đã hoàn thành bài bay hồi phục để quay lại trực ban và cảm ơn anh sonviet tổ trưởng máy bay động cơ đã đảm bảo tình trạng kĩ thuật của máy bay phục vụ ban bay hồi phục Cool

Bác Huyphong ssi biết rành về tiệp quá chắc bác đã từng sang tiệp. Đúng em thực tập ở motor let Praha, dộng cơ M701c-500 là em làm đồ án tốt nghiệp. Hồi ấy vẽ mờ cả mắt, sau lại phải can ra giấy, về sau cận lên đến 3 diop. Hồi về nước nghe các anh phi công cũ như anh Thái anh Sâm....kể chuyện đánh nhau thấy như tiểu thuyết ý. bác Huyphong có thời học ở Tiệp không ạ?
Bác Phi công tiêm kích lâu không thấy quay lại bay hồi phục nhỉ? mọi người mong bác
Huyphong không học ở Tiệp nhưng từng làm việc với 1 số anh học đặc thiết ở Brno về nước trước anh sonviet 1 vài khoá. Anh sonviet thử xem mấy anh trong tấm ảnh lượm trên mạng này có ai là người quen không nhé:

Cám ơn bác Phi cômng tiêm kích đã quay lại trực chiến, Cảm ơn bác đã cho em nghe lại bài thơ về E931. Vậy là khi em lên yên bái là anh đã về sư rồi. Em ở trên đó đến đầu 89 em về E917 trực thăng.
cảm ơn bác Huyphong đã post ảnh. Đây là hội trên em 1 khóa, có 5 đồng chí học thông tin RTZ( Radio technicke zabezpeceni ), 5 đồng chí học vũ khí hàng không là: đồng chí Võ Hồng Việt, giờ là đại tá trưởng phòng vũ khí trên cục kỹ thuật KQ, đ/c hạnh, hợp, Hùng sái, Hiệp, đ/c Hiệp đã mất rồi. Ảnh trên là ảnh lúc các đ/c ấy nhận bằng tốt nghiệp. 5 đ/c RTZ là  Thanh, Khẩn, Minh, Trung, Lâm. Minh( trong ảnh đứng thứ 3 từ phải sang) đã ở tiểu đoàn thông tin E931. Thứ tự ảnh: Ngồi từ trái sang : Khẩn Hùng sái, Thanh. Đứng từ phải sang: Lâm, Hợp, Minh, Hiệp, Thầy giáo, Trung, Hạnh, Việt
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Tám, 2012, 04:07:07 pm gửi bởi Sonviet » Logged
huonghn76
Thành viên
*
Bài viết: 1166


WWW
« Trả lời #268 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2012, 10:47:31 am »

Bộ tiểu thuyết "Vùng trời"gồm 3 tập của nhà văn Hữu Mai  em đọc từ thời còn đi học pt thấy rất là hay . Mà sao không  thấy bác nào số hóa lên đây nhỉ . Em thì dốt vi tính nên đành chịu .
Logged
huyphongssi
Thành viên
*
Bài viết: 1515



« Trả lời #269 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2012, 09:09:58 pm »

Cám ơn bác Phi cômng tiêm kích đã quay lại trực chiến, Cảm ơn bác đã cho em nghe lại bài thơ về E931. Vậy là khi em lên yên bái là anh đã về sư rồi. Em ở trên đó đến đầu 89 em về E917 trực thăng.
cảm ơn bác Huyphong đã post ảnh. Đây là hội trên em 1 khóa, có 5 đồng chí học thông tin RTZ( Radio technicke zabezpeceni ), 5 đồng chí học vũ khí hàng không là: đồng chí Võ Hồng Việt, giờ là đại tá trưởng phòng vũ khí trên cục kỹ thuật KQ, đ/c hạnh, hợp, Hùng sái, Hiệp, đ/c Hiệp đã mất rồi. Ảnh trên là ảnh lúc các đ/c ấy nhận bằng tốt nghiệp. 5 đ/c RTZ là  Thanh, Khẩn, Minh, Trung, Lâm. Minh( trong ảnh đứng thứ 3 từ phải sang) đã ở tiểu đoàn thông tin E931. Thứ tự ảnh: Ngồi từ trái sang : Khẩn Hùng sái, Thanh. Đứng từ phải sang: Lâm, Hợp, Minh, Hiệp, Thầy giáo, Trung, Hạnh, Việt
Anh Sonviet nhớ tốt đấy. Như anh Phicôngtiêmkích đã nói, anh em phi công muốn xuất kích lập công phải được các anh chị em dưới mặt đất như anh Sonviet bên bảo đảm kĩ thuật, mấy anh Việt, Trung bên thông tin ra đa, cùng các anh chị tham mưu, tác chiến, dẫn đường, hàng y, nuôi quân ..., nâng cánh bay.
Logged

Nhằm thẳng quân thù, Bắn!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM