Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:17:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích  (Đọc 398231 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #210 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2012, 11:30:09 am »

Lâu lâu không thấy bác phi công tiêm kích , để hỏi bác câu thơ này của ai :
...Có bay lên chín tầng mây
Cũng không thoát nổi cái dây buộc mình ...
 chúc bác phi công khỏe nhé
Logged
giangcoi
Thành viên
*
Bài viết: 23


« Trả lời #211 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2012, 10:11:23 pm »

Bác phi công ới ời, ngày nào con cháu cũng vào hóng mòn mắt. Cheesy Cheesy
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #212 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2012, 10:31:52 am »

Xin chào các đồng đội!
Lâu quá tôi không liên lạc được với các đồng đội vì công việc gia đình không cho tôi được rảnh rỗi tí nào. Tôi rất cám ơn anh huyphongssi trong thời gian tôi vắng mặt, anh đã "xuất kích" một mình, đã giúp được tôi rất nhiều.
Bây giờ giành được chút thời gian rảnh nên lại có thể tiếp tục trao đổi cùng các đồng đội. Đồng đội nguyentrongluan hỏi tôi về hai câu thơ, xin thưa rằng đôi lúc tôi cũng làm thơ cốt tự mình giãi bày lòng mình và rồi tự đọc cho mình nghe mà thôi. Trong tập "Chuyển mùa". tôi có viết bài "Sáu tám đi tìm" ... với mấy câu như sau :
  Tằm đau một đận mà thôi
  Dâu đau suốt cả một đời làm dâu !
  Chén tình đã cạn từ lâu
  Mà sao đến lúc bạc đầu còn say !
  Dẫu lên cao chín tầng mây
  Diều đâu thoát được sợi dây buộc mình !
 Xin cám ơn đồng đội nguyentrongluan đã đề cập !
Về câu hỏi của Lamcclpy thì tôi xin nói rõ hơn là trong cuộc chiến chống lại không quân Mỹ chúng ta cũng chưa được trang bị tên lửa có thể bắn đối đầu mà chỉ có tên lửa tìm nhiệt mà thôi. Do đó trong không chiến chúng tôi phải “túm lưng áo địch mới đánh”.
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #213 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2012, 10:34:10 am »

Khoảng đầu tháng 6/1972  anh Phạm Phú Thái và tôi bay tuần tiễu về khu vực Tuyên Quang (sau khi anh Thái mất số 2 là Võ Sỹ Giáp, tôi mất Cao Sơn Khảo, thì hai chúng tôi cũng hay đi với nhau, cũng “sáng tác” được một số động tác riêng cho biên đội như “cắt chéo” “cơ động phản kích đối đầu”...  rất có tác dụng đối với chúng tôi trong không chiến).  Mây ở khu vực ấy khoảng 5 đến 6 phần. Tôi quan sát quanh quẩn, nhìn xuống dưới bụng máy bay mình thì chợt thấy 4 thằng đang bay thấp cắt từ phải qua trái. Tôi hô cho anh Thái biết: “Bốn thằng “du mục” đi từ phải sang, ngay dưới bụng mình đấy!” Anh Thái cũng phát hiện và lập tức chúng tôi vứt thùng dầu phụ, lật úp máy bay để chiếm vị công kích. Anh Thái lao vào bắn một quả tên lửa, một thằng bùng cháy giữa trời. Tôi lao theo 3 thằng thì bọn chúng quay gập vào bụng tôi tháo chạy. Máy bay của anh Thái không hiểu sao bị gẫy ống không tốc (trông nó tựa như mũi giáo ở đầu máy bay vậy). Mọi đồng hồ trong buồng lái không làm việc nữa vì hỏng hết cả hai hệ thống khí áp tĩnh và động. Anh ấy la như cháy nhà. Tôi phải bỏ mục tiêu, nhào lên bay cạnh anh ấy, khống chế tốc độ cho phù hợp và dẫn về hạ cánh. Dọc đường bay, anh ấy hò la rất nhiều, phần vì phấn khích, phần vì lo lắng cho chuyến bay. Thôi thì đủ cả lời nói vui, nỗi lo âu, câu chửi thề tục tĩu. Không ai có thể xen vào được, chỉ đến lúc hạ cánh xong anh mới chịu lặng im thôi. Tâm trạng khi lập được chiến công của từng người cũng khác nhau. Có anh thì chỉ hô mỗi câu : "Cháy rồi!", có anh thì la hét hò reo sung sướng, có anh thì văng tục, chửi thề ..., chẳng ai giống ai cả. Tôi nghĩ, nó cũng giống như trạng thái say rượu ấy, có anh thì lẳng lặng đi nằm ngủ, có anh thì lại kể chuyện vui, cười rồi hát hò, có người thì lại khóc rưng rức ...Cuộc sống nó là thế !
Tháng 6 năm 1972 có lẽ là tháng chúng tôi giành thắng lợi ròn rã. Lứa của tôi hầu như ai cũng lập công. Tháng 6 là tháng chúng tôi bị tổn thất ít nhất. Tôi cũng lập chiến công vào những ngày cuối tháng 6 này trên vùng trời Hoà Bình.
Ngày 26/6/1972 tôi với Trần Sang (bay số 2 cho tôi) xuất kích từ Sân bay Đa Phúc. Mây dầy đặc, nhiều tầng, nhiều lớp. Xuyên lên khỏi mây thì Sang không thấy tôi, còn tôi đã lấy hướng vào khu vực chiến đấu và tình hình rõ ràng là khá khẩn trương (qua giọng thông báo của trạm dẫn đường mặt đất). Tôi đề nghị dẫn Sang về hạ cánh, còn mình tôi tham chiến. Sở chỉ huy đồng ý, cho Sang về và dẫn tôi đi. Đến vùng trời Hoà Bình, tôi phát hiện thấy một tốp 24 chiếc, xin vào công kích, được phép và tôi “đơn thương, độc mã” xông vào cái đám ấy. Đội hình của chúng rối loạn. Chúng áp dụng chiến thuật “đan chéo” kiểu cắt kéo để tránh bị công kích, tôi đợi đúng lúc một thằng F.4E vừa làm động tác đảo lại, thời điểm quá tải nhỏ nhất là tôi phóng tên lửa và thoát ly.
Đến giai đoạn này thì đúng là bọn giặc trời gờm chúng tôi một cách thực sự. Nếu như chúng không nắm được chủ động về thế chiến thuật thì đội hình chúng chủ yếu xé lẻ, tan tác để tháo chạy, tránh bị công kích là chính. Số lượng máy bay Mỹ rơi quá nhiều, số giặc lái bị bắt, bị đưa vào nhà giam mà bọn chúng thường gọi là “khách sạn Hintơn” cũng quá đông. Thằng nào cũng sợ, cũng nằm trong tâm trọng nơm nớp khi bay vào không phận Bắc Việt. Còn đối với chúng tôi thì chúng tiêu diệt mãi sao mà không thấy hết, vẫn thấy chúng tôi hoạt động khắp nơi, đánh nhau liên tục cả ngày lẫn đêm... thì có lẽ chúng không sao hiểu nổi.
Tôi còn có trận đi cùng anh Thái, gặp địch ở vùng trời Hoà Bình lần nữa. Cả hai anh em cùng bắn, nhưng chúng cơ động ghê quá, chúng tôi để lỡ mất cơ may, về cứ tiếc mãi.
Lại nói về bọn “du mục” mà tôi từng đề cập đến ở phần trước. Chúng là những tên lái giàu kinh nghiệm, sành sỏi trong chiến tranh, dày dạn trong không chiến, kỹ thuật bay. Chúng cũng áp dụng kinh nghiệm của các lực lượng không quân trong chiến tranh thế giới thứ hai. Chúng thường bay thấp, với đội hình 4 chiếc, lập các không vực tự tìm kiếm để tiêu diệt mục tiêu trên không, chủ yếu ở hai đầu loa cất hạ cánh, “rình” những máy bay cất cánh lên hoặc về giảm tốc độ vào hạ cánh. Đấy là thời điểm dễ “làm ăn” nhất của bọn chúng vì máy bay ta lúc đó tốc độ thường nhỏ, cơ động kém, lại sơ hở vì gần ngay căn cứ mình rồi, ít tăng cường quan sát. Đã mấy lần chúng tôi bị chúng “vồ” trong những trường hợp như vậy và chúng tôi cũng đã bị tổn thất. Qua những lần như vậy, chúng tôi phải cảnh giác hơn rất nhiều. Cũng từ đó mà chúng tôi sinh ra chiến thuật lập hàng tuyến thật hẹp để vào hạ cánh, độ cao chỉ 20 đến  30m. Kéo lập xong vòng 4 là đến độ cao kéo bằng. Thời gian ở trên không rất ngắn, bọn chúng đành bó tay.
Hầu như những tháng cuối năm 1972, bọn tôi xuất kích rất “âm thầm”. “người ngựa ngậm tăm” lủi theo độ cao thấp đi đến một điểm nào đấy mới tăng lực kéo cao, mới liên lạc, bởi nếu không như thế, thì bọn tôi bị gây nhiễu đối không ngay lập tức và không ai chỉ huy được ai hết. Tôi còn nhớ, dễ có đến gần 20 phương án. Khi nhận lệnh báo động vào cấp là nhận phương án luôn, đi đứng ra sao, bọn tôi phải thuộc như lòng bàn tay mình, ấy thế mà bọn Mỹ dò ra sóng đối không rất nhanh, phá sóng rất dữ, gây không ít khó khăn cho chúng tôi trong chiến trận.
Mặc dù những ngày chiến đấu căng thẳng, ác liệt diễn ra như vậy, nhưng “máu học trò” của tôi lựa có thời điểm nào có đất hoạt động là lại sống lại. Chúng tôi đi trực chiến thường rất sớm, khoảng 3 giờ sáng là phải dậy rồi. Có một lầnkhi xuống xe trực, qua nhà bếp, vì còn sớm quá, lái xe chưa ra, chị nuôi thì ngồi ngủ gục tại bếp, tôi liếc thấy bên cạnh có bộ áo mưa, liền xâu que, treo lên xà bếp, kiếm được đôi giày hỏng buộc ở dưới áo, trông tựa người treo cổ. Xong rồi, tôi đến ngồi cạnh chị nuôi hừ một tiếng. Cô chị nuôi giật mình choàng dậy, mắt nhắm mắt mở, chống tay vào đúng cái đầu trọc lốc của tôi, rú lên, chạy nhào ra cửa, chưa định thần được thì lại thấy người treo cổ ở trước mặt. Rú tiếp một tiếng nữa và không thể chạy nổi, khuỵu xuống, vừa bò vừa la. Tôi lỉnh cửa sau, đi ngược đường coi như chẳng có chuyện gì xảy ra hết. Toàn bộ khu bếp báo động, súng ống lên đạn lách cách. Cô chị nuôi nói hụt hơi là bếp có ma. Mọi người chạy xuống bếp thì thấy áo mưa treo, oà lên cười. Bấy giờ thì cô chị nuôi mới lấy lại tinh thần oà lên khóc... Nhưng sau lại cứ làm tôi ân hận mãi tới tận bây giờ vì những trò nghịch ngợm không đâu của mình.
Để động viên kịp thời những anh bắn rơi máy bay Mỹ, chúng tôi hay bày trò tạo một cái gì đó bất ngờ. Hôm anh Đỗ Văn Lanh (sau này được phong danh hiệu anh hùng các lực lượng vũ trang) bắn rơi một chiếc F.4, tôi ở nhà (ở trong hầm thì đúng hơn) hì hụi lôi một chiếc bảng đen ra, vẽ một phi công mắm môi mắm lợi bóp cò súng, phía trước, một thằng F.4 cháy cắm đầu xuống, cánh vỡ ra từng mảnh, cạnh bảng là dòng chữ to: “Hoan hô thằng Lanh”. Xong, tôi đem bảng ra treo trước hầm, cốt khi Lanh về thấy để mừng. Ai dè, tôi bị vạ vì cái trò này. Số là Lanh chưa về thì chính uỷ đã đến trước giờ để báo tin, nhìn thấy tấm bảng, ông đứng sững lại, ngắm nghĩa gật gù, mắt nhấp nháy rồi hỏi: “Vẽ đẹp đấy, nhưng ai vẽ?”. Tôi đứng ra nhận thì lại được hỏi một câu tiếp: “Sao lại đề là thằng Lanh, mà không là đồng chí Lanh?”. Tôi trả lời: “Bạn bè vẫn gọi nhau mày tao thì đề bằng thằng cũng có sao đâu ạ!” Thế là tôi được thuyết trình một hồi về nhận thức, về quan điểm. Rồi rốt cục đưa cả ra chi bộ nói về chuyện ấy nữa. Tháng ấy, tôi mất danh hiệu “Đảng viên 4 tốt”. Tôi còn bị mấy lần mất “4 tốt” nữa vì những chuyện không đâu. Ví như mắng số 2 ở trên trời là “Cú đỉn”. Quả tình, bốn ngàn năm lịch sử yên hàn, bỗng giữa trời vang lên tiếng “cú đỉn” thì nghe cũng không sao lọt tai thật. Rồi những trò đùa vô bổ trong những phút yên lặng giữa những lần xuất kích, những chuyện tào lao, những trò bay nghịch ngợm....tôi đều bị “riềng”. Hồi ấy, người ta quản lý chúng tôi ngặt nghèo đến mức hơi bị thái quá. Có gì cũng nâng lên thành quan điểm hết, sợ thật!
Tôi là thằng “sáng tác” ra trò bay “báo cơm”. Có nghĩa là đi cơ động ở sân bay khác về, hoặc đi đánh nhau về, sẽ hạ cánh ở Đa Phúc thì thế nào cũng bay kéo dài vòng một một chút, lách qua núi Đôi, ngắm vào mấy cửa hầm chúng tôi ở, bay thật thấp dưới chân đồi có hầm ấy, dưới đó là bếp ăn của bọn tôi. Rẹt qua ở độ cao 5 á  10m thôi, lắc cánh rồi kéo lên, lượn vào vòng 3, thả càng, hạ cánh. Chị nuôi khắc biết bổ sung thêm một xuất cơm ra sân bay. Tai hại là ở chỗ mọi người giật mình, kinh hoảng, may mà chưa có ai bị ngất vì tiếng động và sóng kích của máy bay gây ra. Đã có lần, bay thấp quá, mái bếp suýt sập, vung nồi cơm văng cả xuống bếp, bụi mù lên cơ mà! Thật thà mà nói, đến bọn tôi là những thằng bay, nhưng khi nằm ở trong nhà trực, bị ai đó rẹt qua cũng phải bật ngay dậy, không chịu nổi, chứ nói gì đến người thường! Sau chúng tôi phải ra một “đạo luật” cấm bay thông qua khu trực chiến ở độ cao thấp. Anh nào vi phạm thì lập tức bị trùm chăn và bị đánh luôn. Ấy thế mà khối anh bị đánh đấy. Tôi cũng có lần vô tình quên mất quy định kia, hạ cánh xong rồi, ra khỏi buồng lái, thấy mấy bóng người cầm chăn nấp ở cánh cửa nhà trực, mới sực nhớ ra, không vào nhà  nữa, mặc dù khát nước tới muốn chết vẫn đành chịu. Dại gì xông vào để bị chúng nó trùm chăn, nó đánh hội đồng!
Logged
cựu bộ đội trẻ
Thành viên
*
Bài viết: 418



« Trả lời #214 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2012, 02:11:43 pm »

.....Dại gì xông vào để bị chúng nó trùm chăn, nó đánh hội đồng!
Cái vụ trùm chăn này đến thời cháu chỉ còn nghe nói thôi chứ không thấy ai áp dụng. Còn vụ văng tục chửi thề thì chắc không bao giờ hết. Sáng thứ 2 chào cờ tiểu đoàn trưởng cũng văng tùm lum.
Logged

thắng thua là chuyện thường của nhà binh
tau khong so
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 146



« Trả lời #215 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2012, 02:15:36 pm »

Chào đồng đội Phi công tiêm kích. Năm nay nhà nước kỷ niệm 40 năm Điện Biên Phủ trên không chắc sắp tới sẽ tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những bài viết của anh sẽ góp phần cho anh em biết được những câu chuyện thực, đời thường của các Phi công mà nhiều người không biết. Mong anh thường xuyên đưa bài. Tôi với anh ngược nhau trong không gian: Anh trên trời, tôi dưới biển. Chuyện trên trời của anh hay thật. Qua chuyện báo cơm của anh tôi mới biết ở đâu lính trẻ cũng có trò tếu táo, tôi có nhớ chuyện một chiếc trực thăng bay thấp ở sân bay Bạch Mai bị rơi, lý do là bay thấp để ngắm mấy chị nuôi tắm ... có đúng không? Năm 1972, khi anh đang chiến đấu trên bầu trời tôi mới nhập ngũ. Tôi còn nhớ phố " Đường tàu bay" còn có đường xe lửa chạy từ Bạch Mai đến Hố mẻ ( Nay là quán bia 171 thì phải ) Khi đó hình ảnh anh Phi công chói lọi trong tâm trí chúng tôi và cả dân tộc. Những buổi không chiến trên bầu trời làm nhiều người quên cả nguy hiểm chui ra khỏi hầm trú ẩn để xem. Khi máy bay ta bắn cháy máy bay Mỹ tất cả hò reo mừng rỡ. Thế mà đã 40 năm rồi. Theo tôi suy luận chắc anh năm nay phải gần 70 tuổi rồi nhỉ. Chúc anh khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, viết nhiều viết khỏe cho chúng tôi đọc nhé. Từ Tàu không số.    
Logged
vuongman
Thành viên

Bài viết: 1


« Trả lời #216 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2012, 02:28:44 am »

Cháu đợi loạt bài mới của bác, chúc bác khỏe mạnh!
Logged
Linh Quany
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2483


Kỷ niệm một thời !


« Trả lời #217 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2012, 07:52:01 am »

   Chào chú phicongtiemkich !
   Cháu đọc loạt bài của chú thì thấy bài gần đây nhất chỗ cuối cùng thấy hơi băn khoăn. Hoá ra bộ đội ta thời xưa cũng đã sử dụng phương pháp trùm chăn tẩm quất hội đồng đồng đội của mình rồi ạ. Lỡ ra bị bong gân trật khớp hay đau quá mà lúc đang phải trực chiến thì liệu có thể bay ngay sao được. Phi công luôn luôn phải đảm bảo sức khoẻ tốt nhất để làm nhiệm vụ mà !
  Trên quê cháu- Tuyên quang ở số 5 đường dưới có một sân bay nhỏ, sau này Trường Văn hoá quân khu 2 lấy gần hết làm doanh trại, các cụ nói ngày xưa là sân bay dã chiến, không biết chú có biết sân bay đó không ạ, cháu thấy nhỏ thế chắc chỉ là sân bay trực thăng thôi phải không ạ ?
  Chú dạo này chắc cũng bận quá nên bọn cháu chờ bài của chú cũng hơi lâu. Chúc chú mạnh khoẻ để luôn luôn tâm sự cùng các bác CBB và thế hệ sau về cuộc đời chiến trận của mình và những trận chiến trên không cùng cánh én bạc KQNDVN !
Logged

Sắp ngừng chơi mạng.
CaoBaLanh
Thành viên
*
Bài viết: 12


« Trả lời #218 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2012, 08:23:43 pm »

Nhà cháu cũng hóng tin bác Phi công tiêm kích hàng ngày, cả cu con 8 tuổi cũng hóng theo bố hihi

Hồi cháu còn ở nhà những năm 80, khu vực Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh, rất hay được xem Mig21 bay tập, đơn có, đôi có, tăng tốc nổ bùm có vệt khói kéo dài nửa ngày không tan cũng có, nhưng đã lâu lắm rồi không thấy. Bác Phi công cho cháu hỏi hồi ấy bác có bay ở khu vực đó không ạ!
Logged
thaynhin
Thành viên
*
Bài viết: 178


« Trả lời #219 vào lúc: 30 Tháng Sáu, 2012, 08:50:13 pm »

Kính chào anh Phicongtiemkich!
Những chuyện anh kể rất thú vị,của hiếm của bất cứ thời đại nào.Thật tiếc cho những người đươc tôi giớ thiệu về chuyện của anh anh thì họ...không tin.Buồn thật,đúng là sông trong đời sống cần có một tấm lòng...(Trịnh Công Sơn).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM