Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:29:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích  (Đọc 398195 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
GiangNH
Thành viên
*
Bài viết: 1146


« Trả lời #100 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2012, 05:35:19 pm »

Các bác ở thành phố còn có người lớn quát xuống hầm khi có máy bay Mỹ oanh tạc? Chứ các cụ ở quê em có mà...sản xuất ra hàng...tiểu đội con. Hơi đâu mà quát trẻ con khi mỗi ông tá túc 1 nơi, ông thì chăn trâu, ông thì đi học, ông thì bắt cá...Khi máy bay Mỹ nó đến, thì người lớn xuống hầm trú ẩn, trẻ con thì vẫn vô tư đội mũ rơm ngoài đồng chăn trâu cắt cỏ và ngắm các trận không chiến(không chiến thật sự, chứ không phải mấy ông bình loạn bóng đá gọi đánh đầu là...không chiến) giữa ta và địch. Lúc này phòng không dưới đất là im lặng. Trên trời thì 4 con én bạc của ta quần nhau có khi tới 15 phút với vài lượt tốp F xám xit của Hoa kỳ. Chưa thấy ta cháy bao giờ, nhưng bác Mẽo thì rụng hơi bị nhiều?

Các đàn anh quê em nói vậy đó. Sau đó họ cũng phải đi bộ đội tham gia KCCM. Lính quê hài ước lắm, tỷ như họ ví bám xe tăng còn dễ hơn bám lưng trâu vì xe tăng còn có chỗ mà bấu víu, lên xe tăng còn có người kéo, chứ lên lưng trâu thì...lấy ai mà kéo lên?

Còn mấy ông phòng không thì bảo: F  của nó bắn khó lắm, nó lao vù vù? Chứ cái loại lù đù như A37 nếu mò ra đây thì có mà rơi hàng đống?HuhHuh?

Chúc bác PCTK mạnh khỏe, khỏe như giai 18, khỏe để còn có sức lên máy bay làm vài cú bổ nhào tăng tốc trên bầu trời quê em, cứ nghe những cú bay thấp, gào thét, bùm(tăng tốc) lại thấy...khoai khoái?HuhHuhHuh?
Logged
VMH
Thành viên
*
Bài viết: 751


Keep Walking


« Trả lời #101 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2012, 05:41:55 pm »

Đúng vậy, các bác và các bạn có thể hỏi bác Phicôngtiêmkích nhằm để hiểu rõ hơn câu chuyện bác ấy đang kể chứ không nên hỏi những chuyện không hoặc quá ít liên quan đến "dòng thời gian" mà bác ấy đang dẫn chúng ta cùng đi. Như vậy sẽ cắt ngang câu chuyện và khiến cho những người đọc khác khó chịu.

Với bác Phicôngtiêmkích: Nếu có thể, ngoài việc hồi tưởng lại những năm "cưỡi mây lướt gió" ở đây thì em (và cả mọi người) đề nghị bác tham gia ở topic này: http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,5477.0.html để giải đáp cho chúng em - những kẻ "chân đất" - những thắc mắc về nghề bay và những trận không chiến của bác nhé! Grin
Logged

MẪU ĐƠN HOA HẠ TỬ, TỐ QUỶ DÃ PHONG LƯU
kienkd
Thành viên
*
Bài viết: 9


« Trả lời #102 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2012, 05:48:43 pm »

Cháu chào chú Phi công tiêm kích ạ,

Chú cho cháu hỏi nhà mình có sân bay nào trong miền Trung mà tên nghe giống "Quang Lang" không ạ? Cháu thấy trong một vài tài liệu của địch có nói đến mà dò mãi vẫn không biết chính xác ở chỗ nào. Cháu cảm ơn chú ạ!

Xem chừng đó là sân bay Anh Sơn thủ trưởng ơi Cool
Sân bay Anh Sơn khá gần nhà em. Nó nằm ở xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An. Xã Tường Sơn có giáo xứ tên là Quan Lạng. Nên có thể địch gọi là Quan Lạng.
Hiện giờ sân bay này đã bỏ hoang, chỉ còn mấy caí hang trong núi đá vôi thì đang khoá chặt lại. Nghe bảo ngày xưa máy bay trú ẩn trong đó. Mấy cái hang đó thì may ra bom nguyên tử mới san lấp được các bác ạ.
Logged
star
Thành viên
*
Bài viết: 127


Paracel Islands & Spratly Islands Of VIETNAM


« Trả lời #103 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2012, 07:19:50 pm »

Cháu chào chú Phi công tiêm kích ạ,

Chú cho cháu hỏi nhà mình có sân bay nào trong miền Trung mà tên nghe giống "Quang Lang" không ạ? Cháu thấy trong một vài tài liệu của địch có nói đến mà dò mãi vẫn không biết chính xác ở chỗ nào. Cháu cảm ơn chú ạ!

Xem chừng đó là sân bay Anh Sơn thủ trưởng ơi Cool

Tôi tìm được 1 tấm bản đồ của phía Mỹ đánh dấu một số căn cứ không quân của miền Bắc năm 1973, trong đó có sân bay "Quang Lang"
Qua đó có thể thấy tên gọi của phía Mỹ có thể khác với tên gọi các căn cứ trong các tài liệu của ta

Nguồn:
John T. Correll, The Airforce in the Vietnam War, trang 23, (c)2004 The Airforce Association, http://www.afa.org/mitchell/reports/1204vietnam.pdf


« Sửa lần cuối: 12 Tháng Tư, 2012, 07:42:01 pm gửi bởi star » Logged

Những việc ta làm, thành - bại ngày hôm nay,
Sẽ có sử sách ngày mai ghi chép lại.
Dân tộc ta còn mãi là nhờ lòng cương quyết,
Mấy ngàn năm oanh liệt chống quân thù.
(Câu Thơ Yên Ngựa)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #104 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2012, 09:46:12 am »

MÁY BAY TA NÉM BOM CHIẾN HẠM MỸ

Nguyễn Thành Trung

QĐND - Thứ Năm, 12/04/2012, 16:54 (GMT+7)

QĐND - Trong những trang vàng của lịch sử lực lượng không quân nhân dân Việt Nam có một trận đánh được cho là độc đáo nhất từ trước tới nay: Máy bay ta ném bom tàu Mỹ. Đó là trận chiến Mig -17 đánh tàu Hepeer của Hạm đội 7 của hai phi công Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy (B) ngày 19-4-1972. Kết quả, cả 4 quả bom đều đánh trúng mục tiêu, 2 tàu khu trục địch bị đánh hỏng, trong đó tàu Hepeer bị hỏng nặng, 2 máy bay ta về hạ cánh an toàn. Người trong cuộc trận đánh ấy bây giờ ở đâu?

Từ cuốn nhật ký bạc màu…

Trận đánh “Mig -17 đánh tàu Hepeer của Hạm đội 7 Mỹ” được Bảo tàng Phòng không -Không quân chọn giới thiệu trong Triển lãm “17 trận đánh độc đáo của Bộ đội Phòng không -Không quân” vào tháng 10-2011. Ngày ấy, không quân ta còn non trẻ lắm! Sau bao năm, những người lính tham gia trận đánh giờ ở đâu? Lục tìm trong sử liệu, tôi mới hay, đáng chú ý trong trận đánh này có hai gương mặt phi công Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy (B). Thế nhưng, không may là hơn 2 tháng sau chiến thắng đó, trong một trận đánh trên bầu trời Thanh Hóa, máy bay của phi công Nguyễn Văn Bảy đã trúng đạn và anh đã anh dũng hy sinh. Chỉ còn ông Lê Xuân Dị. Tôi rất háo hức khi được tin ông vẫn còn sống, nay ở quê nhà Bắc Ninh.  Mừng hơn nữa, tôi tiếp tục tìm ra manh mối về ông Bảy (B) khi được Trung tá Nguyễn Thị Thanh Lương - Trưởng Ban sưu tầm Bảo tàng Phòng không -Không quân cho hay, hơn 5 năm về trước, gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B) có tặng Bảo tàng một cuốn nhật ký và đã được Bảo tàng lưu giữ rất cẩn thận. Cầm cuốn nhật ký trên tay, trong tôi dâng trào một niềm xúc động. Ngoài những bài viết của đồng đội và các tác giả liên quan đến trận đánh, có rất nhiều bài văn, bài thơ, những bức thư, tấm ảnh liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (B). Các tư liệu trong cuốn nhật ký được sắp xếp theo trình tự thời gian từ thuở thiếu thời cho đến lúc anh hy sinh.

Kế hoạch táo bạo

Từ những thông tin trong cuốn nhật ký đã giúp tôi lần tìm ra các tư liệu và nhân chứng trong cuộc. Trận đánh diễn ra mau lẹ, song quá trình chuẩn bị rất công phu, tỉ mỉ và bí mật đến giây phút cuối cùng. Cuốn “Lịch sử Quân chủng Phòng không -Không quân” ghi: “Suốt tháng 3 và đầu tháng 4 năm 1972, các tàu chiến của Hạm đội 7 ngày đêm pháo kích vùng đông dân ven biển Quảng Bình làm cho nhân dân hết sức hoang mang, gây khó khăn cho việc tiếp tế cho tiền tuyến miền Nam bằng đường biển. Trước tình hình đó, Bộ đội Không quân được lệnh đánh tàu chiến Mỹ với mục đích là để chúng giãn xa bờ, không đánh phá được tiếp tế của ta cho miền Nam”.

Để chuẩn bị cho kế hoạch này, vào năm 1971, một số phi công MiG -17 được tuyển chọn để huấn luyện bay biển và ném bom mục tiêu trên biển. Tháng 3 năm 1972, sau khi hoàn thành các khoa mục bay chiến đấu trên biển, các phi công đã cơ động bằng đường bộ vào Gát (Quảng Bình) để nghiên cứu về quy luật hoạt động của máy bay và tàu chiến địch. Sân bay Gát thực ra chỉ có một đoạn đường băng bằng đất nện và một khu vực cất giấu máy bay. Trong suốt thời gian thi công cho tới khi hoàn thành, sân bay Gát giữ được bí mật tuyệt đối. Địch không phát hiện được, kể cả các trang thiết bị, phương tiện và các mặt bảo đảm cho máy bay hoạt động đã được tập kết ở khu vực xung quanh sân bay.

Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không -Không quân đã tổ chức cuộc họp bàn phương án đánh địch trên biển. Phương tiện tác chiến là MiG -17, Trung đoàn Không quân 923 là đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Bộ tư lệnh Quân chủng bố trí một tổ chỉ huy bổ trợ tại sở chỉ huy tiền phương của Bộ tư lệnh Hải quân, một đài quan sát tại Cửa Dinh và đặt Trạm Ra -đa 403 đối hải ở cửa Nhật Lệ, thu thập tin tình báo trên biển cung cấp cho sở chỉ huy. Ngày 18-4-1972, sau khi nghiên cứu quy luật hoạt động của địch, Bộ tư lệnh quyết định cơ động MiG -17 vào sân bay Gát. Lúc 15 giờ 45 phút, 2 chiếc MiG -17 do hai phi công kỳ cựu là Lê Hồng Điệp và Từ Đễ đã cất cánh từ Kép (Bắc Giang) bay về Gia Lâm (Hà Nội), rồi từ đó bay tiếp vào sân bay Vinh (Nghệ An). Tới đây, để đảm bảo bí mật, sở chỉ huy tiền phương điều hành cho từng chiếc một vào Gát. Hai chiếc máy bay sau khi hạ cánh đã được các nhân viên kỹ thuật kiểm tra và chuẩn bị đầy đủ các mặt bảo đảm, đồng thời cất giấu vào vị trí an toàn, đợi lệnh chiến đấu.

MiG-17 tấn công hạm đội 7

Về diễn biến của trận đánh này, Đại tá Phi công Lê Xuân Dị kể lại: “Ngày 19-4-1972, tôi và Nguyễn Văn Bảy (B) được giao nhiệm vụ trực ban chiến đấu. Từ 9 giờ 30 phút, các trạm ra -đa quan sát đã phát hiện các tốp tàu địch ở xa ngoài khơi. Các sở chỉ huy không quân và hải quân, các đài bổ trợ, trạm quan sát liên tục theo dõi, bám sát các hoạt động của địch. Đến 15 giờ, một tốp 4 chiếc tàu địch đã vào đến đông đèo Lý Hòa 15km, một tốp 3 chiếc ở đông Quảng Trạch 18km. Đặc biệt, một tốp 2 chiếc đã tới Đông Nhật Lệ 7km, các tàu chiến của Hạm đội 7 nã pháo vào thị xã Đồng Hới. Cấp trên nhận định, đây là thời cơ thuận lợi để tiến công địch. Lúc 16 giờ 5 phút, tôi và Nguyễn Văn Bảy (B) được lệnh xuất kích, mỗi chiếc máy bay mang 2 quả bom dưới cánh. Chúng tôi bay đến cửa sông Gianh thì bị sương mù cản trở tầm nhìn. Chúng tôi được dẫn bay chếch về bên trái điểm cao 280, cách bờ biển Quảng Bình 10km rồi vòng phải liên lạc trực tiếp với sở chỉ huy Đồng Hới. Sau khi vượt qua cửa Lý Hòa, chúng tôi giữ độ cao 500m trên mặt biển, tốc độ 800km/h và tập trung quan sát tìm mục tiêu. Cách khoảng 10 đến 12km, biên đội nhìn thấy hai vệt sáng trắng di chuyển trên mặt biển xanh, xác định đó là 2 chiếc tàu địch đang chạy. Tôi thông báo cho sở chỉ huy đã phát hiện mục tiêu và xin phép công kích. “Cho phép công kích!” - lệnh của cấp trên vừa dứt, tôi chỉnh lại đường ngắm rồi cắt bom, cả hai quả bom nổ sát thân tàu. Vòng máy bay về, tôi còn nhìn rõ cột nước vọt lên cao. Sau loạt bom đó địch phát hiện bị MiG đánh, chúng phóng tên lửa và báo động toàn Hạm đội 7. Vì giãn cách đội hình hơi xa nên Nguyễn Văn Bảy (B) không quan sát được tôi, Bảy tiếp tục bay vòng ra phía biển. Khi bay qua cửa Dinh, phát hiện 2 tàu địch phía dưới, Nguyễn Văn Bảy (B) lập tức vòng lại công kích. Cách mục tiêu 750m, anh báo cáo về sở chỉ huy và cắt bom. Đúng vào lúc Bảy vừa cắt bom chúng tôi mới liên lạc được với nhau. Sau đó, biên đội được dẫn về hạ cánh xuống sân bay Gát lúc 16 giờ 22 phút”.

Như vậy, sau 17 phút chiến đấu, biên đội đã trở về an toàn. Theo quan sát và sự thú nhận của địch, cả 4 quả bom đều trúng mục tiêu. Hai tàu khu trục địch bị đánh hỏng, trong đó tàu Hepeer bị hỏng nặng.

Ngay sau khi máy bay ta vừa về hạ cánh, địch đã vào đánh phá dữ dội sân bay Đồng Hới. Ngày 20-4, chúng cho máy bay đánh sân bay Vinh. Và phải tới ngày 22-4, chúng mới phát hiện và tập trung đánh phá hủy diệt sân bay Gát. Một chiếc MiG -17 bị đánh hỏng, chiếc còn lại bay được về sân bay Gia Lâm hạ cánh an toàn. Biên đội sau đó đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp mặt và khen thưởng.

Sự thú nhận từ phía bên kia

Thú nhận về sự thất bại này, ngày 20-4-1972, hãng AP đưa tin: “Khoảng 6 giờ, tàu Hepeer cùng liên đội đảm nhiệm của Hạm đội 7 hoạt động ở vùng biển tỉnh Quảng Bình, Bắc Việt Nam. Hepeer là khu trục hạm vừa được Tổng thống Nixon tuyên dương vì đã vào gần vùng biển Hải Phòng cứu các phi công Mỹ bị bắn rơi ngày 16 tháng 4 năm 1972. Chiếc Hepeer đang pháo kích thì MiG bay tới... Hai quả bom đánh trúng tàu, boong sau của hạm đội bốc cháy, một đoạn lớn của hông bị phá toang, ụ súng chứa đầy đạn nổ tung, tiếng la hét, kêu cứu thất thanh, quang cảnh thật buồn thảm, các khẩu pháo lớn vỡ toác như cái loa kèn. Cuộc tấn công này thật nghiêm trọng vì đây là lần đầu tiên Bắc Việt Nam dùng MiG tấn công Hạm đội 7 của Mỹ. Tin về cuộc tấn công này được loan truyền nhanh chóng trong Quốc hội Mỹ giữa lúc các nghị sĩ Mỹ đang tranh cãi về những bất đồng trong cuộc chiến tranh Việt Nam".

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/91/68/72/72/72/183847/Default.aspx

Một đoạn đường HCM tại Khe Gát đã trở thành sân bay dã chiến Khe Gát trong những năm chiến tranh



« Sửa lần cuối: 13 Tháng Tư, 2012, 11:00:58 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
kienkd
Thành viên
*
Bài viết: 9


« Trả lời #105 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2012, 10:54:53 am »

Cháu chào chú Phi công tiêm kích ạ,

Chú cho cháu hỏi nhà mình có sân bay nào trong miền Trung mà tên nghe giống "Quang Lang" không ạ? Cháu thấy trong một vài tài liệu của địch có nói đến mà dò mãi vẫn không biết chính xác ở chỗ nào. Cháu cảm ơn chú ạ!

Xem chừng đó là sân bay Anh Sơn thủ trưởng ơi Cool


Tôi tìm được 1 tấm bản đồ của phía Mỹ đánh dấu một số căn cứ không quân của miền Bắc năm 1973, trong đó có sân bay "Quang Lang"
Qua đó có thể thấy tên gọi của phía Mỹ có thể khác với tên gọi các căn cứ trong các tài liệu của ta

Nguồn:
John T. Correll, The Airforce in the Vietnam War, trang 23, (c)2004 The Airforce Association, http://www.afa.org/mitchell/reports/1204vietnam.pdf



Trên cái bản đồ đó thì với vị trí sân bay trên thì Quan Lang không phải là sân bay Anh Sơn. Vì Anh Sơn nằm trên trục Quốc Lộ 7 đi Lào. Khu vực đó là Tiếng giáp giữa Quế phong của Nghệ An và 1 huyện của Thanh Hoá. Hoặc Mỹ nhầm toạ độ của sân bay.
Có thế địa danh sân bay Quan Lang chính là sân bay Anh sơn vì thông tin do người công giáo di dân vào Nam cung cấp. Người công giáo ở đó thường gọi xứ này là Quan Lạng hay là Quan Lãng (theo tiếng phổ thông)
Logged
danviet
Thành viên
*
Bài viết: 234


« Trả lời #106 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2012, 12:08:13 pm »

MÁY BAY TA NÉM BOM CHIẾN HẠM MỸ


Đây là con tàu sau khi bị đánh bom
<a href="http://www.youtube.com/watch?v=81PvgMvDs5Q" target="_blank">http://www.youtube.com/watch?v=81PvgMvDs5Q</a>
Logged
tieuthienvuong
Thành viên
*
Bài viết: 40


« Trả lời #107 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2012, 02:20:34 pm »

Cháu chào bác PCTK!
Cháu hỏi bác 1 chút về hình dáng của Mig 21- đó là trên đầu của Mig 21 có gắn 1 "mũi giáo". Vậy "mũi giáo" này là gì và tác dụng của "mũi giáo" này là như thế nào ạ?
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #108 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2012, 09:20:15 am »

Chào tất cả các đồng đội!
Các tư lệnh VMH vừa nhắc nhở cho nên tôi sẽ tâm sự theo mạch hồi tưởng và nếu có thể sẽ vừa trả lời những vấn đề các đồng đội hỏi trong quá trình ấy thì tôi cũng đỡ vất vả, mà các đồng đội cũng đỡ bị ngắt đoạn trong quá trình theo dõi.
Với cái chuyện bay thấp của bọn tôi, hồi đó có những chuyến bay tập luyện bay thấp để tránh sự phát hiện của ra-đa địch khi chúng tôi bay chuyển sân cơ động từ ngoài này vào các sân bay miền Trung. Các sân bay phía trong gồm có Thọ Xuân -Thanh Hóa, Anh Sơn (mà nhân dân ở đó gọi là sân bay Dừa, cũng không biết tên sân bay này theo cách gọi của địch có phải là "Quang Lang" hay không khi nào tra cứu được, tôi sẽ cung cấp sau), Vinh -  Nghệ An, Đồng Hới - Quảng Bình và sân bay Gát. Với lực lượng MiG-21 thì hoạt động chính ở các sân Thọ Xuân, Anh Sơn, Vinh và Đồng Hới.
Khi bay cơ động vào vùng trong (khu Bốn), bọn tôi thường đi theo kiểu "mò cua bắt ốc" - chỉ bay cách mặt đất chừng 20 đến 30 mét là cùng. Cho nên ThangLong69 bắt gặp chúng tôi vòng ở khu núi Nưa cũng đúng thôi. Để bay được thấp và cực thấp là phải bay huấn luyện với những kỹ thuật bay cụ thể, phải có trình độ và cả sự can đảm nữa. Chuyện bay quẹt vào dây điện cao thế (đương nhiên là quẹt vào dây trung tính thôi, vì nó ở vị trí cao hơn). Vụ việc ấy do anh Nguyễn Duy Tường bay ở khu vực Việt Trì xuống thấp quá, "lưỡi dao chỉnh dòng" dưới thân máy bay đã cứa vào dây trung tính của đường điện cao thế. Anh đã phải nhảy dù, sau đó bị cắt bay. Đáng tiếc lắm! Việc nhảy dù trên máy bay MiG-21 có thể thực hiện được ngay trên mặt đất khi đang chạy lấy đà hoặc xả đà với điều kiện tốc độ lúc đó bằng hoặc lớn hơn 130 km/h. Hệ thống dù hoàn toàn đảm bảo cho phi công an toàn ra khỏi buồng lái và tiếp đất bình thường. Việc tiếp đất có bị gãy chân, sái chân hay là không bị gì là hoàn toàn do tư thế tiếp đất của phi công. Với tốc độ rơi là 5 m/s thì hai chân phải để bằng nhau, hai đầu gối phải hơi chùng một chút để có độ nhún, và như vậy thì không sao hết khi tiếp đất. Có một chi tiết khá thú vị mà có thể các đồng đội không biết đó là lòng gan bàn chân những ai mà phẳng lì như hòn gạch chỉ ấy là không thể nào trúng vào phi công được vì khi nhảy dù, những đôi bàn chân như vậy là không có độ nhún và chuyện gãy chân là đương nhiên. Trong đoàn bay của tôi cũng có đến hai anh, rất cao to đẹp trai, phải tội mỗi đôi gan bàn chân phẳng lì nên không "làm" phi công được mà phải chuyển xuống học thợ máy đấy. Chuyện giắt cành cây vào bệ tên lửa cũng đã xảy ra. Chàng phi công MiG-21 ấy bây giờ vẫn đang sống ở Hải Phòng, kinh doanh hàng đồ da là mặt hàng truyền thống của gia đình chứ không phải là loại máy bay cánh quạt đâu. Cũng đã có trường hợp phi công bị hi sinh vì bay lượn quá thấp, đâm cả vào bờ đê.
Viết về các phi công, trước kia có nhà văn Hữu Mai với các nhân vật hư cấu là chính. Những anh Đông, anh Quỳnh ... là dựa vào các nhân vật như các phi công Trần Hanh, Phạm Ngọc Lan .... Anh Lê Thành Chơn viết "Anh hùng trên chín tầng mây" thì là những nhân vật có thật, hoặc anh Đinh Việt Cường viết "Dũng sĩ trên bầu trời" cũng là những nhân vật có thật. Gần đây phi công còn được viết cụ thể hơn nữa, ví dụ như cuốn "Vũ Xuân Thiều, phi công cảm tử"... Chúng tôi là những phi công so với các nhân vật trong các truyện của các nhà văn thì không dám so đâu, bởi chúng tôi sống đời thường lắm, như những con người bình thường thôi, nếu không giới thiệu thì cũng ít người biết. Các nhân vật trong truyện thì "lóng lánh" hơn nhiều lắm !
Sang năm 1970 thì chúng tôi lại mất thêm 2 người nữa: Phạm Đình Tuân và Phạm Thành Nam. Anh Tuân thuộc lớp lớn tuổi, đã có vợ con. Biên đội của anh, anh bay số 2 cho anh Vũ Ngọc Đỉnh sang đánh ở phía Tây Trường Sơn, khu vực bầu trời tỉnh Nghệ An. Trận này, anh Đỉnh bắn rơi một chiếc, còn anh Tuân không về. Anh đã mãi mãi xếp lại đôi cánh của mình ở dải Trường Sơn.  Lần nào khi nghe bài hát “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” thì tôi bao giờ cũng nhớ đến anh. Một điều ân hận lớn nhất của anh em chúng tôi trong đoàn là không biết anh rơi ở đâu để có thể tìm được hài cốt của anh, đưa về quê nhà. Mãi tận sau này, đến tận năm 2007, nhờ vào thần giao cách cảm của nhà ngoại cảm, gia đình mới đưa được anh về.
Phạm Thành Nam cũng là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, đẹp trai, rất có tài trong lĩnh vực hội hoạ, cùng lứa tuổi tôi. Nam đi với Phạm Phú Thái (Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân, sau là Tư lệnh phó Quân chủng Phòng không - Không quân) vào quần nhau với lũ F4, bị bắn rơi và hy sinh.
 Các anh em thợ máy, các anh chị em  nuôi quân là những người gần gũi chúng tôi hàng ngày, thương xót chúng tôi lắm. Cảnh thợ máy cầm cần dắt đứng đợi máy bay của mình ở sân bay mà mãi không thấy về, ngậm ngùi vào hầm trực, lúc sau lại ra ngóng... Cảnh các chị nuôi thấy cuối ngày trực, chỉ thấy xách thùng bay không, mà chẳng thấy người về theo là oà khóc hàng loạt... Tôi cho rằng, phải sống với nhau qua thời đạn bom, thật thông cảm cho nhau, quý nhau có thể còn hơn anh em ruột thịt thì mới có được như vậy. Và những điều ấy càng làm tăng thêm trách nhiệm của anh em phi công chúng tôi, quyết ra đi là đánh thắng, ra đi là phải trở về.

Để tung được một máy bay lên trời cần mấy chục thành phần dưới mặt đất phục vụ: từ thợ các ngành: cơ giới, đặc thiết, quân giới... từ các kíp trực ở sở chỉ huy: tác chiến, dẫn đường, tiêu đồ xa, tiêu đồ gần, thông tin, khí tượng, quân báo, cơ yếu... đến quân y, nuôi quân.v.v... nhiều lắm! Tất cả những thành phần đảm bảo ấy cũng tựa như những đám mây tích điện, còn chúng tôi - những phi công chiến đấu chỉ như tia chớp giữa trời, tạo bởi các đám mây tích điện kia mà thôi. Hồi ấy, chăm sóc cho chúng tôi ăn uống thì khổ nhất là anh chị em nuôi quân. Bom rơi, đạn nổ đến mấy cũng vẫn phải gánh cơm cho chúng tôi đang ở tuyến trực, ngày cũng thế, đêm cũng vậy, anh em tôi đã phải thốt lên:
Mai ngày bắn máy bay rơi
Chiến công một nửa, tặng người nuôi quân.
cũng đủ để biết rằng công lao của ngành hậu cần trong những giai đoạn ấy lớn đến chừng nào.
Gần giữa năm 1970 thì tôi được đào tạo gấp một khoá bay thử máy bay để sang sân bay Tường Vân (Trung Quốc) bay thử và chuyển máy bay về nước. Vì năm 1969, chúng tôi phải sơ tán bớt những máy bay mới lắp ráp sang đó, bảo tồn lực lượng. Kíp của tôi có anh Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Đăng Kính, Nguyễn Ngọc Thiên, Nguyễn Tiến Sâm và tôi, được phi công nhà máy của Liên Xô với kinh nghiệm dày dặn, lão luyện trong nghề truyền cho những bài bay thử. Phải nói rằng, sau khoá ấy, trình độ bay, thuật bay của tôi trội lên hẳn. Cho mãi tận sau này, khi tôi là giáo viên bay, tôi dạy lại cho các học viên của mình những động tác trong bài bay thử mà có một số anh còn sợ không dám áp dụng. Không phải ai cũng dám làm và không phải ai cũng làm được chính xác.
Năm anh em chúng tôi cùng mấy tổ thợ máy được chở bằng máy bay IL-14 bay qua Nam Ninh rồi đến Tường Vân. Sân bay Tường Vân là sân bay ở độ cao 2500m so với mực nước biển, cách sân bay Đa Phúc chừng 700km đường chim bay, dọc thẳng Sông Hồng lên. Khí hậu ở đấy khắc nghiệt vô cùng. Ngay hôm đầu tiên sang, khi ngủ dậy tôi phát hoảng vì thấy gối đầy máu, sờ mặt mình cũng đầy máu. Các anh em khác đều thế cả. Ra là vì rất khô hanh, các mao mạch ở mũi vỡ, thành thử bị chảy máu cam luôn. Chúng tôi cứ phải đặt một chậu nước đầy dưới gầm giường của mình để tăng thêm độ ẩm. Nước thì lạnh như nước đá muốn giặt quần áo lại phải đun một thùng nước để pha cho bớt lạnh thì mới giặt được, chỉ được cái quần áo khô nhanh, vừa mới phơi, quay ra quay vào là khô ngay rồi.
Mỗi tuần chúng tôi tắm có một lần. Đi bộ khoảng 3km ra suối nước nóng. Ở đó có suối nước nóng như suối Kênh Gà của  nước mình. Tắm ở đó chẳng sợ gì bệnh ngoài da thâm nhập cả. Chết cười là hôm đầu tiên đi tắm, ú ớ thế nào, tôi đi lạc lối, xông vào nhà tắm nữ (vì mình đâu có biết chữ, biết tiếng Trung Quốc). Khoảng 30 vị trần như nhộng ở trong phòng tắm chung la hét loạn lên, cái cảnh hoảng loạn còn hơn cả cáo vào chuồng gà. Tôi cũng hoảng, chạy ra loanh quanh một lúc mới chui được vào nhà tắm nam, tim đập như trống ngũ liên hộ đê. Khiếp quá! Bảo vệ sục đi hỏi nhưng chẳng ai biết ai, vì nhà tắm chung lúc nào cũng có khoảng 20 đến 30 người trần trụi hết, té nước, kỳ cọ, ào ào như chợ vỡ ấy, biết đâu mà lần. Tôi bị phen hú vía ấy, mấy ngày sau mới dám kể cho các anh em khác nghe, đâm hoá dại mồm, dại miệng, cứ bị trêu suốt.
Tốp bay thử của chúng tôi cũng gặp khá nhiều gian nan. Máy bay để lâu một số khí tài hỏng, lại phải đợi ở nhà mang sang mới có cái thay. Bay chuyến nào, lo chuyến ấy. Gió cạnh rất to và gió suốt ngày đêm, bụi thốc mịt mù ngoài sân bay, đi ngược gió không mở mắt được vì như bị ném cát vào mặt vậy.
Tôi nhớ, có một chuyến tôi bay thử một máy bay bị mất lý lịch động cơ. Tâm trạng đầy lo âu, luôn phải sẵn sàng xử lý các bất trắc xảy ra. Tăng lực không có độ giật, chỉ nghe đánh phào một tiếng mà thôi. Lết mãi đến cuối đường băng mới tách được đất. Các động tác ở trên trời tôi không dám kéo cho hết tính năng. Anh em ở dưới đất thì lo ngại, Nguyễn Ngọc Thiên (mấy anh em kết nghĩa với nhau, anh đứng thứ sáu với biệt danh Sáu Cơ - bởi người toàn cơ bắp) kết cho tôi một vòng hoa dại với ý đồ, nếu chuyến ấy tôi bị làm sao thì vòng hoa ấy sẽ đặt lên mộ tôi, còn tôi không sao thì sẽ đeo vào cổ tôi thành vòng hoa chiến thắng. Rất chật vật, tôi mới đưa được máy bay vào đầu đường băng và cho tiếp đất. Tôi lăn về sân đỗ, thì Sáu Thiên ào lên, nhảy vào buồng lái, đeo vòng hoa vào cổ tôi và hôn lên khuôn mặt đỏ bừng, đẫm mồ hôi của tôi mà rằng: “Tao chúc mừng thằng Chín, cứ ngỡ phải đặt vòng hoa này ở mồ mày kia!”. Tôi cười và nhại giọng miền Nam (vì Thiên là học sinh miền Nam tập kết): “Em về em méc tía cho coi. Anh muốn em hỏng méc thì phái ghé lưng cõng em, chịu hôn?” Tất cả cười vui lắm, có anh thợ máy còn rân rấn nước mắt làm tôi cũng cảm động. Thế mới biết rằng, lúc dạy chúng tôi - thầy Ivanốp - phi công bay thử của nhà máy luôn nói rằng, cuộc đời của phi công bay thử luôn gắn với lưỡi hái của thần chết và mỗi một dòng trong “sổ tay người lái” đều được tính bằng máu, bằng tính mạng của bao phi công... quả không ngoa chút nào.
Chúng tôi bay kiểm tra được khoảng chục chiếc thì lại điện về cử người sang bay về. Đợt đầu chuyển về có anh Đỉnh và anh Sâm cùng tham gia chuyển, sau đó hai anh không sang nữa, còn lại mỗi 3 anh em tôi kẽo kẹt bay, vất vả vô cùng.
Ba anh em tôi là người rút sau cùng, bay 3 máy bay loại Mig - 21f13, đi đội hình 3 chiếc, tôi số 1 anh Kính số 2, Sáu Thiên số 3. Chúng tôi không hạ cánh ở Mông Tự (sân bay ở Trung Quốc nằm khoảng giữa Tường Vân và Đa Phúc) mà dự kiến sẽ về hạ ở Yên Bái. Chúng tôi bay ở độ cao 10km. Đến sân Yên Bái, tôi thấy dầu liệu có thể đủ cho về Đa Phúc, nên xin về Đa Phúc hạ và được chấp nhận. Chúng tôi giảm vòng quay động cơ, từ từ giảm  độ cao, thông trường qua sân bay và vào hạ cánh sau khi bay một hành trình khoảng 700km liên tục và cũng là sau 4 tháng xa Trung đoàn. Đó là một buổi chiều đầu mùa Thu, một chiều yên ả lạ lùng trong chiến tranh. Trời đầy mây trắng trôi bồng bềnh. Nắng vàng nhạt nhoà, sương giăng nhè nhẹ, gió se se lạnh, khói lam chiều toả quanh các luỹ tre làng. Lòng tôi xốn xang như đứa trẻ xa quê giờ được về gặp mẹ. Thật vui biết bao nhiêu khi đồng đội mình ùa ra đón mình như đón người thắng trận trở về. Thật ấm áp biết bao nhiêu những vòng tay đồng đội, chan hoà, cởi mở, thật đẹp biết bao những khuôn mặt rạng rỡ nụ cười...
Logged
NAMDUONG
Thành viên
*
Bài viết: 29


« Trả lời #109 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2012, 10:47:45 am »

  Chào bác Phicongtiemkich,càng đọc bài viết của bác em thấy càng hay càng hấp dẫn.Mong sắp tới trong những bài viết của bác có những trận không chiến thì quá tuyệt.
  @Phicongtiemkich:Cho em hỏi bác một tí.Trong kháng chiến chống Mỹ hình như T.Q có viện trợ cho ta một số máy bay do họ sản xuất như Mig-15.Vậy họ có đào tạo phi công cho mình không bác ?
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM