Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:40:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phi công tiêm kích  (Đọc 398271 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Estonque
Thành viên
*
Bài viết: 5


« Trả lời #50 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2012, 12:30:21 pm »

nếu cháu không nhầm thì bác là bác Huy, còn có tên nữa là Chín Kích, có tổng số giờ bay là 797 giờ 03 phút đúng không ? Hehe, nếu đúng thì cháu biết hiết cuộc đời phi công của bác rồi nhé Cheesy
Logged
MUCTAU
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 534


« Trả lời #51 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2012, 12:58:32 pm »

Chào bác Phi công tiêm kích. Loạt bà của bác rất hấp dẫn. Chúc bác khỏe gõ đều tay .
Tiện đây xin bác xác định nội dung cho lời thuyết minh vào phút thứ 11 : '' Một số máy bay MIG_21 đã cất cánh từ sáu căn cứ không quân nằm sâu trong đất Trung quốc...''.

http://www.youtube.com/watch?v=93EVgBKqkcA&feature=relmfu

 Grin Người thuyết minh phim nghe nhầm 'safe' sang 'six'. Chính ra phải là '' Một số máy bay MIG_21 đã cất cánh từ sáu các căn cứ không quân an toàn nằm sâu trong đất Trung quốc...''.
Cảm ơn bác. TiếngTây tiếng u gì thì e mù tịt.  Chỉ muốn tìm hiểu xem có đúng là mình đã nhờ sân bay trên đất Trung quốc để đánh Mỹ hay không. Cái này em đã hỏi nhiều người bên không quân thời đó nhưng chưa ai khảng định '' có'' hay ''không''.  Hy vọng bác Phi công tiêm kích là người trong cuộc sẽ có câu trả lời thỏa đáng .
Logged
anhtho
Thành viên
*
Bài viết: 1282


Một thời để nhớ !


« Trả lời #52 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2012, 04:55:39 pm »

Xin chào bác phicongtiemkich. Em là phận nữ nhi, chiến đấu dưới đất trong trận chống tập kích của Pol Pốt ở Công Pông Chàm còn run bần bật, nên cứ kẹp khẩu AK vào hông kéo cò liên tục đến khi hết đạn thấy lòng súng ngược lên trời cho nên không giám tham gia vào chuyện trên Giời của bác. Nhưng lại rất thích nghe chuyện của bác, mà lâu quá bác cứ đi vắng để nhà cửa vắng vẻ, khách vào rồi ra thảo luận ì xèo. Chẳng biết các bác tài giỏi thế nào mà thắng được USA Airforce, nhưng khi lớn lên em nghe mấy cụ dân quân quê em nói: Chúng tao còn bắn được cả máy bay F5E của Mỹ bằng súng trường K44, cho nên không quân Mỹ chẳng là thần thánh gì đâu mà sợ. Chẳng biết có đúng không.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Tư, 2012, 06:35:49 am gửi bởi anhtho » Logged

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #53 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2012, 07:51:12 pm »

"Phong vũ tất cát" - bác có quý nhân phù trợ, tồn tại qua chiến tranh để bây giờ hồi ức với các đồng đội ở mọi quân binh chủng và các thế hệ sau, còn gì bằng hở bác. Sao mà ông bà mình nói đúng thế.

"Ốc thượng thổ" mà mệnh lại gắn với trời xanh, đó cũng là điều kỳ lạ. Còn phi công nói về nhau thì em còn nhớ bác Mỹ trong một chương trình phóng sự "Như chưa hề có cuộc chia ly" có đọc một đoạn thơ giản dị đầy tâm sự mà em chắc là anh em phi công chiến đấu tự biên tự diễn, có thể ít người để ý, nhưng đã nghe rồi thì thấy vô cùng thấm thía:

"Anh hiểu bầu trời hơn mọi người hiểu nó
Bởi cùng sống và cùng chung nhịp thở
Trời gắn với anh ngay từ những buổi đầu
Như thưở nào chúng ta đến bên nhau
Bằng tất cả nỗi buồn vui thương nhớ
Em ơi em máu bọn anh đã đổ
Để giữ cho vòm cao mãi trong lành
Có bao giờ em ngắm trời xanh
Mà thấy bao tủi hờn khó nhọc
Có bao giờ nhìn trời mà em khóc
Có bao giờ theo hút một cánh chim
Mà em thấy lòng buồn trống trải"
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #54 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2012, 09:03:31 pm »

Xin chào các đồng đội!
Sau khi thi xong phần lý thuyết của Mig-21 thì anh em chúng tôi lại trở lại trường cũ - trường Akhtari - bay lại loại máy bay L-29 nhưng với những chương trình nâng cao hơn. Chúng tôi được huấn luyện những bài bay nhào lộn kỹ thuật phức tạp, bay chặn kích, bay đánh chặn các loại máy bay có tốc độ nhỏ, trực thăng, bay công kích các mục tiêu mặt đất, bay những bài bay tự tìm và tiêu diệt mục tiêu trên không v.v....
Năm thứ hai bay ở loại này (L-29), khi chúng tôi đã quen máy bay, điều khiển được chúng, đã nắm được kỹ thuật rồi, chúng tôi mới sinh sự ra những trò nghịch ngợm mà nhà trường dùng cái từ là “lưu manh trên không” ví như: bay thấp để đuổi bò ở nông trường, bay sạt thật thấp qua bãi tắm ở bờ biển, tự nghĩ thêm các động tác nhào lộn không có trong bài bay v.v... Nhà trường phải cảnh báo nhiều lần, nhưng chẳng ăn thua gì. Sau rồi, có một phát minh ghi lại các tham số của chuyến bay (dù rất ít) như độ cao, tốc độ, quá tải, thời gian bay được ra đời và được lắp vào tất cả các máy bay thì nó cũng hạn chế phần nào những hành động ngỗ ngược của chúng tôi.
Kết thúc chương trình bay nâng cao, chúng tôi tạm biệt thành phố Akhtari (có lẽ là vĩnh biệt thì đúng hơn vì từ bấy giờ, tôi chưa có lần nào trở lại đấy cả). Thành phố, mái trường gắn với chúng tôi bao nhiêu là kỷ niệm. Nơi đầu tiên trong đời dắt chúng tôi vào bầu trời với những bước đi chập chững. Các thầy bay đã ví chúng tôi hệt như những con sẻ non, mới tập chuyền, cứ thấy đất là đáp xuống, chẳng cần chống gió, chống máy gì hết, mặc cho trượt, cho ngã. Vậy mà sau 2 năm, chúng tôi đã ra dáng một phi công. Công lao của các thầy cô dạy lý thuyết rất lớn. Công lao và ân đức của các thầydạy bay rất dày; năm thứ nhất thầy Va xi li ep; năm thứ hai thầy Ti khô nốp. Các thầy rất hiền từ, thông thái, kỹ thuật bay rất điêu luyện. Các thầy đã truyền cho tôi bao điều để nắm được thuật bay, để điều khiển máy bay hoạt động, cơ động theo ý của mình. Sau này, khi tôi trở thành giáo viên bay thì tôi lại càng quý trọng những thầy dạy bay của tôi xưa kia.
Thành phố, nhà trường đã nuôi chúng tôi qua những năm tháng xa nhà, xa quê rất tận tình, đã bỏ quá cho chúng tôi biết bao nhiêu là trò nghịch ngợm, phá phách đầy tính con trẻ. Thành phố cũng là nơi cho tôi những người bạn Nga chân tình, uốn nắn cho tôi từng câu sai ngữ pháp, từng cách phát âm, cho tôi hiểu được phong tục, cách sống của người Nga, tính cách Nga.
Xin cảm ơn, cảm ơn ngàn vạn lần mảnh đất này để rồi chúng tôi dứt áo ra đi đến ngôi trường mới, hoàn cảnh mới, thử thách mới. Chúng tôi lên tàu để đến Krasnôdar. Tàu chuyển bánh và chúng tôi bùi ngùi cổ họng nghèn nghẹn và mắt rưng rưng.
Đến Krasnodar, chờ đoàn chúng tôi đã có một đoàn bay tốt nghiệp Mig-17 cùng chuyển sang bay Mig-21. Vậy là quân số của đoàn tăng thêm.
Chuyển sang bay Mig-21 thẳng từ L-29 lên thì đoàn tôi là đoàn bay thí điểm đầu tiên. Máy bay chiến đấu hiện đại, tốc độ lớn, vũ khí tối tân... các thao tác phải rất nhanh, tính bằng giây, không thể bằng phút được. Có lẽ tốc độ hạ cánh của Mig - 21 là lớn nhất so với tất cả các loại máy bay phản lực chiến đấu từ trước tới nay. Đó là điều khó khăn lớn nhất cho phi công, đặc biệt đối với những học viên như bọn tôi. Thầy dậy bay của tôi ở thời kỳ này là thiếu tá Bôgđanôp luôn dặn dò chúng tôi phải cẩn trọng trong quá trình làm chủ tốc độ của Mig-21.
Bọn tôi rất lo lắng và cũng quyết tâm hết mức để phải bay được trên loại Mig-21, vì biết rằng đây là loại vũ khí để mình bước vào trận chiến nay mai, không nắm vững nó, thì không bao giờ mình giành được thắng lợi trước kẻ thù.
Dù quyết tâm lớn như thế, nhưng rồi đoàn tôi cũng không giữ được nguyên vẹn, vẫn phải rớt 3 anh xuống bay Mig - 17. Đó là các anh: Đào Minh Châu, Nguyễn Học Hải và Võ Xuân Quang. Ngày chia tay các anh để các anh về bay ở sân bay Cu sốp là ngày buồn và nặng nề hết mức. Tôi có linh cảm là rồi rất khó gặp lại nhau, mà đúng như thế thật; Võ Xuân Quang đã hy sinh tại sân bay Cu sốp, khi cất cánh lên, máy bay bị cháy và nổ ngay trên đầu đường băng. Quang là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc học. Bấy nhiêu năm không được gặp ba, má và các em. Đêm chia tay với tôi để đi Cu sốp, Quang tâm sự với tôi biết bao điều mà từ trước tới giờ chưa hề nói cho ai. Quang là người ít nói, nhưng hôm ấy lại nói rất nhiều, tôi chỉ là người nghe, không nói chen vào được tí nào. Vậy là đã ra đi, người trong số bạn bè đồng đội với cái chết rất vô lý.
Logged
vanson307
Thành viên
*
Bài viết: 388


« Trả lời #55 vào lúc: 07 Tháng Tư, 2012, 09:19:21 pm »

Ngắn quá Cụ @phicongtiemkich ơi, như máy bay Mic 21 của cụ ấy, vèo một cái đã bay mất tiêu rồi hi...hi Grin
Logged
Phicôngtiêmkích
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 674


« Trả lời #56 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2012, 10:00:50 am »

Chào các đồng đội!
Đến giai đoạn chúng tôi tốt nghiệp Mig-21, gộp chung cả đoàn Mig-17 lên bay tổng cộng cả thảy là 33 anh em. Chúng tôi lại không được về nước cùng nhau, mà chia làm 2 đợt. Đợt đầu về có Đinh Tôn, Lương Thế Phúc, Phạm Phú Thái, Hà Quang Hưng. Chúng tôi ở lại huấn luyện thêm khoa mục bay thời tiết phức tạp và giới thiệu về bay đêm.
Những ngày học bay Mig-21, chúng tôi nghịch cũng chẳng kém gì khi bay L-29. Cũng đủ trò; săn bắt chim, trộm cắp hoa quả, đánh nhau.. Thú vị nhất có lẽ là trò đi ăn trộm dưa hấu. Cứ cơm chiều về, nhá nhem tối là mấy đứa bọn tôi mang bao tải, dây buộc rồi lẳng lặng ra khỏi khu ở. Đi vượt qua cánh đồng ngô, cánh đồng hoa hướng dương là đến cánh đồng dưa. Sau khi qua khu vực trồng hướng dương là chúng tôi phải bò, vì địa hình rất trống trải. Trời càng tối thì hành sự càng dễ dàng. Một đầu dây buộc vào cổ chân, một đầu dây buộc vào mép túi hay bao tải, bò ở luống dưa, lấy tay sờ thấy quả nào cuống bé tức là quả đã già, bứt lấy, co chân kéo túi lên, cho dưa vào túi, vào bao, lại bò sờ tiếp. Khi nào thấy chân không kéo nổi nữa, tức là nặng quá rồi thì đình chỉ hoạt động, chuồn về cùng với chiến lợi phẩm. Chúng tôi gọi trò này là trò “đi gỡ bom”. Thật là quá đáng!
Bao nhiêu năm sau, khi học ở Học viện Quân sự mang tên Gagazin có dịp tôi trở lại trường, ra lại cánh đồng, tình cờ gặp lại đúng ông già gác dưa vẫn còn sống, tôi ngồi hàn huyên, nói chuyện cũ rồi ôm nhau cười chảy nước mắt. Không ngờ trò nghịch ấy, mấy chục năm sau mới được giãi bày.
Chúng tôi còn phát hiện được một cái ao giữa cánh đồng, có biết cơ man nào là ếch, và ao đó được đặt tên là “ao một triệu con ếch”. Cách vài chủ nhật, chúng tôi lại phái mấy tên “đồ tể” ra đó tiêu diệt các sinh linh loài lưỡng cư này một lần. Lột da chặt chỉ lấy đùi, tổng cộng khoảng 1 - 2 kg là xách về xào nấu um hết cả lên. Tìm cách bắt cả chó để thịt, bồ câu để nấu cháo, rồi đến mức quạ cũng không từ.
Đứng hạng nhất, nhì là ma quỷ thì chẳng thấy đâu, chỉ thấy các tướng ở hạng thứ ba này quấy phá cũng đã ghê sợ rồi.
 Trước khi về nước, nhà trường cho chúng tôi đi tham quan, giao lưu với một nông trường ở Brukhôvétskaia. Brukhôvétskaia là tâm không vực số 4 trong các không vực bay của chúng tôi. Chúng tôi bay vào không vực, lấy Brukhôvétskaia - một khu dân cư như một thành phố nhỏ làm chuẩn và tiến hành các động tác nhào lộn của bài bay với các độ cao quy định.
Đã có lần ở trong không vực này, một phi công trong đoàn bay của tôi khi bay đã để tốc độ vượt tiếng động ở độ cao dưới quy định. Một số cửa kính của nhà cao tầng bị vỡ hết. Ngay sau đó còn có điện của nông trường gửi đến trường phàn nàn rằng ngoài việc cửa kính bị vỡ ra, bò còn không cho sữa và gà cũng không đẻ được.
Và bây giờ thì chúng tôi đến thăm Brukhôvétskaia thực sự, không phải là cảnh ở trên trời nhìn xuống nữa, mà rõ ràng là đi trên mặt đất của nông trường. Thật là một ngày đáng nhớ. Xe chúng tôi đến cách nông trường khoảng 5 km đã thấy bà Chủ tịch và đoàn kỵ mã đứng đón, tuốt gươm trần sáng loáng đứng dàn chào. Những người Côdắc vùng sông Đông này quý khách vô cùng. Lần đầu tiên trong đời tôi được dự bữa tiệc ngoài trời trên đất Nga đầy nghi lễ truyền thống và tính cách Nga.
Khi biết được chúng tôi là những phi công sắp tốt nghiệp để về nước tham gia chiến tranh thì không khí bữa tiệc bỗng chùng hẳn xuống. Một bà mẹ Nga ngồi cạnh tôi oà khóc, ôm lấy tôi và nói rằng: “Con ơi! mẹ đã hiểu thế nào là chiến tranh. Mẹ đã từng tham gia cứu thương. Chồng mẹ, con trai của mẹ đã hy sinh hết trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại rồi, mẹ chỉ còn mỗi một mình. Con còn trẻ quá, mà bọn phi công Mỹ thì chúng nó như những con sói già. Con làm sao thoát khỏi nanh vuốt của chúng nó được! Con ở đây với mẹ đi, mẹ nuôi con được mà!”
Tôi đã trả lời: “Không! con phải về, con rất cám ơn mẹ, nhưng Tổ quốc con đang rất cần chúng con!”
Nhiều bà mẹ khóc lắm! Nhiều người khóc lắm! Chúng tôi cũng khóc!
Quả thực, chúng tôi dẫu sao cũng vần còn là trẻ con, tuổi đời mới 20, thoát khỏi đời học sinh lại tiếp đến đời học viên, lấy đâu ra kinh nghiệm ngoài đời, lấy đâu ra sự va chạm ngoài cuộc sống. Vậy mà nay mai đây thôi, chúng tôi phải qua cổ họng của chiến tranh, trong chúng tôi đây, những khuôn mặt còn hồng hào, mịn lông tơ... ai sẽ còn, ai sẽ mất!
Bữa tiệc thành thử diễn ra trong không khí nặng nề. Chúng tôi sớm chia tay. Trước lúc lên xe, các mẹ, các chị còn ôm chúng tôi nói qua nước mắt, nghẹn ngào: “Phải sống nhé! Các con phải sống nhé!”. Chúng tôi cũng oà lên, hứa rằng: “Sẽ sống! Chúng con sẽ sống”.
Và có lẽ đấy cũng là lời thề của chúng tôi, lời thề của những phi công mới tốt nghiệp, đứng trước ngưỡng cửa của chiến tranh!
Nhà trường làm lễ tốt nghiệp cho chúng tôi. Cùng đoàn bay 33 anh em chúng tôi, còn có 300 anh em thợ máy, những người nay mai phục vụ đảm bảo cho các máy bay luôn sẵn sàng ở vị trí tốt nhất, chờ xuất kích, những người sẽ gắn bó với chúng tôi ở các tuyến trực chiến, ở các cuộc bay huấn luyện, ở sân bay căn cứ hay sân bay dã chiến, những người sẽ cùng chịu gian nan vất vả cùng chúng tôi, cùng chia sẻ vui buồn với chúng tôi suốt chặng đường bay sau này.
Tạm biệt trường. Tạm biệt thầy cô, bạn bè. Ơn của thầy cô, của bạn bè, chúng tôi sẽ đền đáp lại bằng những chiến công của những lần xuất kích, trong những trận không chiến. Thầy cô, bạn bè chắc sẽ không phải thất vọng về học trò, về bạn hữu của mình. Chúng tôi sẽ sống như đã sống, sẽ chiến đấu dũng mãnh như các phi công mới ra trường cùng ở lứa tuổi chúng tôi thời chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Chúng tôi sẽ chiến đấu ngoan cường như các phi công lớp đàn anh của chúng tôi đang chiến đấu trong nước. Dẫu sao thì chúng tôi cũng thừa hưởng được truyền thống anh hùng, cũng học hỏi được ít nhiều kinh nghiệm của các lớp cha anh trong chiến tranh. Chúng tôi sẽ xứng đáng với niềm tin của các thầy cô, bạn bè.
Và đúng thật, sau này khi tổng kết chiến tranh, đoàn tôi đã không phải tủi hổ bởi những năm tháng sống và chiến đấu của mình. 6 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang, rất nhiều người bắn rơi máy bay của Không quân Mỹ, cũng đáng tự hào lắm chứ!.
Chúng tôi tạm biệt trường Krasnôdar với tâm trạng vừa bịn rịn, quyến luyến, vừa  háo hức mong muốn nhanh trở về quê hương tham gia chiến đấu.
Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #57 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2012, 11:39:48 am »

            Chào bác chủ! Tranphu341 đọc bài cúa tưởng là dân CÔDắC mang gươm ra xử, hỏi tội "cái lũ giặc trời" đã làm cho cửa kính vỡ. cho gà không đẻ, cho bò không có sữa cơ chứ. LO QUÁ . Thế mà lại còn được dân Nga thiết đãi thịnh soạn nữa chứ. Họ không thù dai như dân mình à bác?  Huh Huh Huh

            Vâng! Rất cảm phục các bác. Cảm phục ý trí, sức khỏe cùng trí tuệ của các bác. Đã góp phần, góp sức, góp xương máu cùng với toàn quân viết lên trang sử hào hùng của Dân tộc. Truyền thống vẻ vang của QUÂN ĐỘI VIỆT NAM ANH HÙNG.

             Năm 1977, có 1 máy bay A37 Của ta sau khi đánh bom xong bị trúng đạn rơi, Phi công đã cố bay về đất Việt mà vẫn không được. Hai phi công nhẩy dù ra rơi vào đất của Pốt. Và rồi không biết số phận 2 người phi công này thế nào? Nếu có thông tin gì, thì mong Phicongtiemkich cho anh em VMH biết với.

                                  CHÚC BÁC NHANH CHÓNG LẬP NHIỀU KỶ LỤC GIỜ BAY TRONG VMH NÀY! 
Logged
longtrec
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1941



« Trả lời #58 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2012, 01:03:41 pm »

Chào bác phicongtiemkich@ ! Cho phép em được nói leo bác đôi điều.

Trích dẫn
Thú vị nhất có lẽ là trò đi ăn trộm dưa hấu.

Vâng, đất Krasnoidar có thổ nhưỡng thuận lợi với khí hậu với 4 mùa tương đối rõ dệt, mùa hè mưa nhiều, nhiệt độ thường trên 30oC nên rất thích hợp cho việc trồng dưa hấu và đặc biệt có nhiều lươn, ếch, Rak(đâu Việt nam mình gọi là tôm Hoàng đế gì đó). Krasnoidar chính là vựa lúa của LBN.

Chuyện bắt chim bồ câu hầu những ai từng sống ở Nga ít nhất cũng có 1 lần gây vụ. Em không ăn được thịt chim nên không gây vụ mà thôi.


Trích dẫn
Đã có lần ở trong không vực này, một phi công trong đoàn bay của tôi khi bay đã để tốc độ vượt tiếng động ở độ cao dưới quy định. Một số cửa kính của nhà cao tầng bị vỡ hết. Ngay sau đó còn có điện của nông trường gửi đến trường phàn nàn rằng ngoài việc cửa kính bị vỡ ra, bò còn không cho sữa và gà cũng không đẻ được.

Mig-21 có tốc độ tối đa 2500 km/h (694,44 m/s tức là tương đương March 2), phi công chỉ cần bay với tốc độ 1/2 tốc độ tối đa thì đã tạo ra sóng xung kích rồi. Tốc độ máy bay càng lớn thì cường độ sóng xung kích càng cao, tuy nhiên nếu bay ở độ cao thì khi sóng xung kích lan tỏa xuống tới đất thì đã hết ghê gớm rồi. Năm 1950, 1 sự cố hi hữu mà người ta chưa từng nghe hay chứng kiến đã sảy ra, sóng xung kích đã làm đổ 1 tòa nhà lớn, lúc đầu người ta còn đưa ra giả thiết tòa nhà bị "lỗi thiết kế" .Lúc đó chiếc máy bay gây họa chỉ bay tốc độ 1100km/h cách mặt đất 60m, tức là chỉ vào khoảng 305m/s(không phải tốc độ siêu âm).

Khi tốc độ máy bay vượt quá tốc độ âm thanh, không khí trong khoảng thời gian cực ngắn đột ngột bị nén lại tạo ra xung quanh máy bay một khu vực có áp suất đặc biệt cao, với mật độ , nhiệt độ rất lớn (pha áp suất dư). Do bản chất sóng xung kích là biến đổi đột ngột khi vượt qua đường biên lan truyền trong các môi trường vật chất nên rất có thể sau đuôi máy bay còn có hiện tượng bồi pha. Không khí bị rồn nén quá áp tạo ra tiếng nổ , nổ gây ra sóng không khí, va đập mạnh mẽ vào mỗi chướng ngại vật, rung ép quật đổ mọi thứ dưới đất. Luồng sóng không khí dữ dội này người ta thường gọi là sóng xung kích. Chuyện sóng xung kích gây tốc mái đổ nhà thì có nhiều, còn chuyện sóng xung kích gây cho gà tịt đẻ thì hơi lạ Grin, người ta còn dùng sóng xung kích để chữa bệnh yếu sinh lý cho đàn ông cơ mà (dùng sóng xung kích tác động lên phần hẹp của động mạch giúp cho bơm máu vào "thằng em" 1 cách mạnh mẽ hơn).


Em xin gửi cái hình dưới đây để minh họa cho việc hình thành sóng xung kích do máy bay tạo ra, tất nhiên không chỉ máy bay mà tên lửa,các vụ nổ lớn v.v cũng đều tạo ra sóng xung kích.


« Sửa lần cuối: 08 Tháng Tư, 2012, 04:07:00 pm gửi bởi longtrec » Logged
hatuyenha
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2403


« Trả lời #59 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2012, 03:50:57 pm »

  Chào bạn Phi cong tiem kich@ . Mong mãi mới có một anh "giặc lái " xịn vào làm thành viên chính thức của trang .
  Mình động viên mãi nhà thơ Bùi danh Dọc nguyên cũng là " giặc lái " máy bay tiêm kích thời  những năm đánh Mỹ , cũng đi học ở Liên xô về rồi sao nữa mình chẳng biết nhưng quan trọng nhất là rể của lính " thối tai chai đít " trạm A 10 của bọn mình vào làm thành viên chính thức của trang nhưng mãi chẳng thấy , nhưng hắn đọc thì kỹ lắm.
  Tôi là lình 1967 , và là lính TT tốt nghiệp DHKTQS năm 1972 . Tôi kể anh nghe chuyện của chị em học viên chúng tôi thời đó _ những năm cuối 196X đầu 197X.
  "Giặc lái " là niềm mơ ước của nhiều chị em học viên . Có một bạn của tụi tôi , khá xinh được nhiều anh " nhòm ngó " nhưng nàng thường ngước mắt ngắm bầu trời đặc biệt mỗi khi có tiếng máy bay phản lực bay qua . Vậy là có tin đồn : chắc nàng có người ấy là lính "không quần " . Làm ngẩn ngơ nhiều chàng học viên Nam của lớp. Vừa đọc đến topic của anh tôi nhớ ngay đến cô bạn của mình .
  Trong lớp có chị Liên có người ấy là anh Cơ lính " không quần " ở một sân bay nào đấy . Anh đến thăm chị đều đặn , đặc biệt anh là chiến sĩ thi đua hàng năm nên chị Liên được tặng rất nhiều ca có dòng chữ  " quyết thắng " trước sự ngưỡng mộ của chị em cùng lớp. Nhưng hình như anh làm gì đấy không phải lính bay và là người Thái bình.
  Còn anh Bùi danh Dọc , chàng rể của trạm A 10 thì là lính bay thật . Nghe kể khi đi học ở LX cũ anh được khen vì bắn mục  tiêu rất giỏi nhưng khi về VN , máy bay Mỹ tránh làn đạn của anh nên không rơi chiếc nào . Khi đơn vị của anh về gần đâu đó một trạm TT cơ động mà bé An cô lính TT của trạm tôi đang phục vụ thì chàng lính bay chẳng sợ gì lực lượng bảo vệ lãnh tụ cứ toòng teeng nải chuối treo ở ghi đông xe đạp vào trạm . Gặp được em An thì nải chuối rụng gần hết quả và chắc lực lượng bảo vệ thương anh " giặc lái " và cô lính TT nên làm ngơ ... anh chị thành đôi và bây giờ mỗi lần chúng tôi những người lính của trạm A 10 gặp nhau anh lại làm tài xế cho chị và thường xuyên làm các bài thơ về các cô lính TT .
  Anh Phi cong tiem kich@ ơi , anh kể chuyện thật hay , cảm xúc của anh giống hệt anh chị em CCB chúng tôi trong trang khi mới vào được trang . Mừng phát khóc và như thấy mình được về với đồng đội sau một thời gian làm dân .
  Mong anh khỏe , hồi ức về nhiều để kể chuyện cho bọn Lính " Luc quần " , lính "Hai quần " và mọi người yêu LSQS nghe nhé.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM