Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 11:22:45 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lính Tây nguyên - phần 2 (tác giả: nguyentrongluan)  (Đọc 260892 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #10 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2012, 07:46:54 pm »

Nguyễn Trọng Luân xin cám ơn các bác đã vào thăm nhà mới của Lính Tây Nguyên . Sang Phần 2 lại bắt đầu vào thời điểm Tháng Tư Lịch sử , tháng Tư của chiến dịch Giải phóng Quảng trị . Hy vọng ngôi nhà này của chúng ta sẽ có nhiều chuyện vu và xúc động về những ngày mà cuộc đời may mắn cho chúng ta trải qua .
Cám ơn Các bác CCB rất nhiều .Luân
Logged
nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #11 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2012, 07:49:10 pm »

                    
                                        
                                       Kí ức Tháng Tư ( tiếp theo )

    Nhưng chuyện lạ của ngày hôm nay lại chưa phải là đôi giầy mà là chuyện tôi bỗng nhận được một lá thư . Không thể hiểu vì sao cánh quân bưu lại vẫn nghĩ tới chuyện đưa những lá thư thế này đuổi theo bọn lính ra trận ? Dĩ nhiên là lá thư cũng đến khá chậm . Đó là lá thư của một cô bạn từ miền Bắc . Bạn thôi , không phải người yêu người iếc gì . Cô ấy kể về nỗi vất vả của những ngày đi thực tập kĩ sư . Bạn bè cùng lớp họ đã ra trường và đi nhận công việc . Bất giác tôi thấy tủi thân . Bao giờ thì được về , liệu có sống sót mà về hay không , nếu có về thì học hành ra sao ...Đang miên man nghĩ ngợi thì chúng nó gọi sang giảng bản đồ địa hình cho mấy thằng lính mới . Tiểu đội trinh sát vừa được bổ xung hai chú lính Lào cai và cũng chia tay hai thằng “ Hoà chọi “ , “ Nết răng vàng “ xuống bộ binh làm cán bộ trung đội tăng cường cho mũi chủ công c7 . Ngày 19/4 có lệnh nhận bản đồ mới . Mấy thằng tranh nhau tìm đường ngắn nhất vào Sài gòn . Sao có vẻ ngon lành quá vậy ? Nhưng dẫu sao thì cũng chuẩn bị vào trận rồi . Lần này thì Sài gòn sẽ là hướng chính diện . Tối hành quân . Mang khá nặng vì mới được phát thêm bộ quần áo mới . Ai thiếu dép nhận dép , ai thiếu khăn nhận khăn . Thậm chí lại còn cả mũ cối mới bổ xung cho cán bộ . Súng đạn , vũ khí nhiều , có vẻ còn thừa thãi chẳng bù cho các chiến dịch trước đây ? Hôm ấy trăng sáng lắm . Hành quân chừng 4 tiếng thì tới sông sài gòn . Đội hình ùn lại tới 3 giờ sáng mới sang sông . Thuỷ triều đã rút ra xa , cầu phao tụt ra ngoài mép nước khiến bộ đội phải ì ạch lội bùn một đoạn khá dài mới có cầu . Người mệt lử , áo đẫm sương và mồ hôi . Mải miết đi tới sáng thì tới Củ Chi . Lúc sang sông chúng tôi thấy nhiều đơn vị ngủ la liệt ven đường . Họ ngủ ngay trên bùn ướt , thế mà cứ ngáy như sấm , hay thật . Trời sáng dần . Một vùng đồi hoang sỏi đá lau sậy cằn cỗi . Củ Chi đây ư ? Nhìn xuống dưới chân chỉ toàn là mảnh đạn và cát tút . Khắp vùng là hố bom và xác xe tăng hoen rỉ . Tịnh không một bóng người , không một tiếng chim . Chao ôi ! vùng đất đất này không còn gì để gọi là làng mạc được nữa mà là tử địa . Ngày còn ở ngoài Bắc , tôi đã đọc nhiều bài viết về đất thép Củ Chi , được nghe nhiều bài hát ca ngợi con người nơi đây và cả những bài báo người nước ngoài viết về vùng tam giác sắt . Nhưng hôm nay , một sáng tháng tư đẹp trời , đứng trên đất Hố Bò Nhuận Đức tôi mới hiểu thế nào là mảnh đất sắt gang của những con người thép . Họ đã giữ mảnh đất đầu cầu này để cho những sư đoàn chủ lực đứng chân chuẩn bị cho trận quyết chiến cuối cùng . Cái giá trị của hàng ngàn ngày bám trụ mảnh đất này chính là ở chỗ đó .
  
     Mười giờ sáng cả sư đoàn phải ổn định xong chỗ trú quân . Ở đây không có rừng , chỉ còn những chòm cao su xót lại . Đồi đất trọc lúp xúp những vạt cỏ lau . Đơn vị nằm dọc sông Sài gòn . Khoét hầm vào những bờ cỏ ven sông . Những vạt rừng thưa thớt đông nghịt người , ngồn ngộn vũ khí . Nhiều trung đội chui vào trong cỏ , dẹp ra từng cái ổ nằm xuống mà sinh hoạt họp hành . Quân đông như kiến , xen lẫn chủ lực là những đơn vị biệt động . Tưởng biệt động thành ra sao hoá ra toàn các cô cậu học sinh trẻ măng , mười tám đôi mươi. Họ hăm hở và nhiệt tình đến khó tin . Trong số ấy nhiều người từ bỏ cuộc sống vật chất sung sướng nơi phồn hoa đô thị mà dấn thân vào kháng chiến .
   Trong lúc nằm lại khu vực Hố Bò , họp hành , đợi chờ giờ nổ súng thì các đơn vị pháo binh lại nhiều việc . Đào hầm pháo , tải đạn , trinh sát và bắn thăm dò . Từ ngày 24/4 pháo binh bắt đầu bắn cầm chừng vào Đồng Dù , Hóc Môn và Tân Sơn Nhất . Cứ sau mỗi loạt đạn của ta chừng 5 phút sau thì địch lại phản pháo . Suốt ngày đêm đại bác rít qua đầu buốt óc , thỉnh thoảng có loạt rơi gần chỗ trú quân mảnh văng sèo sèo trên đầu . Nhưng mệnh lệnh là tuyệt đối bí mật . Cấm khói lửa , nổ súng , đi lại và bơi ra sông . Dù lệnh trên là như vậy , nhưng 4 năm không được đằm nước bây giờ nằm ngay bờ sông Sài gòn , mấy thằng trinh sát đội lục bình trên đầu bơi ra sông tắm .
   Trời ở đây thật kì lạ . Ngày nắng và nhiều gió nhưng chập tối là đổ mưa . Mưa ngắn mà to . Những cơn mưa không thèm doạ dẫm sấm chớp cũng chẳng cần dây dưa lâu la . Ngạc nhiên nhiều nhất khi thấy phụ nữ không thèm trú mưa . Kệ cho ướt , áo bà ba bó chặt thân người cong ỏng . ướt rồi lại khô , thật đơn giản . Gái Củ Chi cô nào cô nấy chắc như củ khoai sọ . Nước da nâu thật là duyên , tóc gọn gàng bằng cặp ba lá . Hỏi các cô có cần gì không thì các cô nói chỉ thích lựu đạn và dép đúc Trung Quốc . Cô nào cũng khoái dép đúc của chủ lực , vì dép của du kích thường bằng vỏ ô tô đi đau chân lắm . Còn lựu đạn dùng làm gì thì mấy anh rành quá rồi còn gì ?
  
       Sáng 27/4 có lệnh : Tất cả cán bộ chiến sĩ đều phải khâu một miếng vải trắng trên ngực ghi vào đó phiên hiệu đơn vị . Mỗi chú một mảnh vải đỏ đeo vào tay áo như băng đội trưởng trong đấu bóng đá . Có một yêu cầu khá thú vị đặt ra : trận này tất cả phải mặc quần áo mới , phải quán triệt thái độ đối xử với đồng bào trong thành phố giải phóng . Chiều ấy trong cái nóng nực Củ Chi chúng tôi từng người đăng kí danh hiệu “ Dũng sĩ thành đô trên đất thành đồng “. Trong phương án tác chiến mà trung đoàn phổ biến thì hướng của đơn vị tôi sẽ nhằm tới tận bộ chỉ huy đầu não của nguỵ quyền Sài Gòn . Cán bộ từ trung đội trở lên phải chuẩn bị cờ đỏ sao vàng để sẵn sàng cắm lên các cơ quan đầu não các công sở nguỵ quyền . Cả sáng hôm ấy chộn rộn , hối hả , tôi có cảm giác cứ ngứa râm ran cả người . Trưa , tôi quyết định xuống thăm lại đại đội 7 . Đại đội cũ của tôi nay quá nửa là lính mới . Số lính cũ sứt mẻ sau hơn một tháng trời chiến đấu nhiều quá . Thằng Luật B trưởng lên C trưởng thay Kế lên làm tiểu đoàn trưởng . Thằng Chấn lên chính trị viên phó , chiến sĩ cũ hầu hết trở thành cán bộ cả . Trung đội của tôi nằm quanh mấy bụi tre cụt . Chúng nó đang cắt tóc cho nhau . Thấy tôi đến chúng nó reo lên : nhờ anh Luân giải quyết mấy cái đầu của bọn Cao bằng đi . Thì ra khi vào Chơn Thành có đợt tân binh Cao bằng bổ xung về trung đoàn . Tiểu đội trinh sát cũng có hai chú đó thôi . Cả hai đều là người dân tộc , rất ngoan , dễ thương , nhưng chậm lắm . Tôi rất lo khi vào trận mấy chú này sẽ lớ ngớ hỏng việc hoặc lại phơi ngực hứng đạn thì khổ . Linh cảm ấy có phần đúng . Ba đứa người Cao Bằng được tôi cắt tóc cho hôm ấy chẳng có đứa nào trở về trong trận đánh hôm sau .
  
          Chiều xuống , tôi và Sỹ kêu anh Thuỷ chụp ảnh . Tuy không dám nói ra nhưng trong bụng đứa nào cũng nghĩ thầm : Nói dại nếu có chết ngày mai thì còn cái ảnh mà thờ .
 
       Tôi chợt nhìn lên tường . Bức ảnh tôi chụp chung với Sỹ hôm đó thì vẫn còn , hiện hai đứa đều đem đi mông má , rồi treo lên tường như một thứ “hàng truyền thống “ của gia đình . Nhưng , tôi không dám nhìn lên những bức ảnh chụp chung với bạn bè chiều hôm ấy . Vì , trong số đó có nhiều đứa không về . Nụ cười trên môi họ còn nguyên vẹn đến hôm nay  
 

  
   ...Đêm qua và cả sáng nay pháo binh ta bắn dữ dội . Hầu như các đơn vị pháo đều đã vượt sang phía nam sông sài gòn , để sẵn sàng cơ động vào sâu hơn . Kể từ ngày váo chiến trường , đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy pháo ta có vẻ dư dả đạn . Từng loạt đại bác rít soàn soạt qua đầu bộ binh , tiếng nổ trái phá ầm ầm từ phía Đồng Dù vọng lại . Pháo địch cũng bắn trả nhưng không mấy hiệu quả . Trung đoàn đã lệnh bộ binh gói buộc ba lô đợi giờ xuất kích . Suốt ngày 27/4 chú nào cũng chỉ chừa cái võng bên ngoài , còn thì nai nịt gọn gàng . Đêm 27/4 qua đi nặng nề  . Vẫn chưa hành quân ...
Ngày 28/4 , qua làn sóng đài BBC thấy quân ta đã chọc thủng Xuân Lộc đang tiến đánh Biên Hoà , Nước Trong . Cả trung đoàn bồn chồn sôi sục . 5 giờ chiều , vào đúng lúc trung đoàn được lệnh lên đường thì phía Đồng Dù nổ dữ dội . Khói đen bốc lên ngùn ngụt , rồi những tiếng nổ liên hoàn kéo theo . Cách xa 12 cây số mà vẫn thấy ngọn lửa vàng rực một góc trời . Sau này mới biết kho xăng Đồng Dù bị pháo ta thiêu cháy . Bốn năm qua những cuộc hành quân xuất kích đối với chúng tôi không còn mới mẻ gì . Nhưng chiều nay bước chân bồi hồi đến lạ . Đội hình đi xít lại nhau , mặt đứa đi sau gối vào ba lô đứa đi trước .
  
      Bám sát vào nhau , hàng ngàn chiến sĩ lầm lũi tiến về phía Sài Gòn , nơi quầng sáng lung linh một góc trời . Trong lồng ngực có cái gì nghèn nghẹn . Cái cảm giác không giống bất kì một trận đánh nào mà tôi đã trải qua . Mũi tiểu đoàn 8 do tiểu đội tôi dẫn đường vòng phía đông quận lị Củ Chi , vượt qua đường 15 rồi men theo tỉnh lộ 8 vào chiếm lĩnh trận địa Tân Phú Trung . Nhiệm vụ được giao rất nặng nề . Phải đột kích tiêu diệt một tiểu đoàn ở ấp Chợ Tân phú Trung và Cầu Bông ( Bây giờ gọi là cầu An Hạ ) . Lô cốt ấp Chợ cách cầu Bông gần km . Cây cầu dài ba chục mét có 2 đại đội cảnh sát và lính dù chiếm giữ . Điều cốt tử là đánh tan địch nhưng lại phải giữ được cầu , không cho địch nổ khối bộc phá 200kg để huỷ cầu . Nếu cầu Bông bị phá huỷ thì hướng tấn công tây bắc vào Sài gòn coi như thất bại . Đi cùng tiểu đội trinh sát chúng tôi là một cô biệt động còn rất trẻ , có cái tên khá đẹp - Mỹ Hạnh . Sở dĩ cô này được đi với chúng tôi vì cô ta quê Tân Phú Trung . Hạnh chừng 20 tuổi . Vóc người đậm , rắn chắc , da ngăm đen . Nghe gới thiệu cô ta rất giỏi võ . Võ thì chưa biết nhưng bơi lội thì tài . Lúc 9 giờ đêm khi đơn vị lội qua một con mương rộng chừng 15 mét nước quá đầu . Mấy chú tân binh vùng cao không biết bơi nhưng lại không dám kêu vì sợ lộ nên cứ giã gạo giữa dòng . Một mình Mỹ hạnh lôi hai chú vào bờ lại còn mắng cho một trận làm bộ đội Bắc Việt vừa ngượng vừa khoái . Trung đoàn đã đi vượt qua căn cứ Đồng Dù rồi tiến sâu về phía Sài Gòn . Cả trung đoàn lội trên cánh đồng lúa đang kì trổ đòng . Bờ ruộng rất nhỏ . Lính ta ngã ì ụp , vì vậy tốt hơn cả là cứ giữa ruộng mà lội . Mỹ Hạnh luôn mồm than thở thương ruộng lúa nát nhừ vì hàng ngàn bàn chân dẫm đạp . Đêm ấy , những làng mạc vùng ven này không giống như mọi đêm khác . Tiếng lao xao í ới , tiếng chó sủa , tiếng động cơ xe máy xe ô tô chộn rộn . Mọi người đang hồi hộp chờ đợi một điều gì thật lớn lao xảy ra .
          
       Vào lúc 2 giờ sáng , trăng bỗng sáng hẳn lên . Chúng tôi dẫn bộ binh tới giữa cánh đồng cách chợ Tân phú Trung chừng 2 cây số . Bộ đội nằm lại ngoài đồng chờ trinh sát lên bám địch lại lần nữa ... Trời đã bàng bạc đằng đông , đúng lúc ấy, phía Đồng Dù tấn công thì đồng loạt DKZ, cối 82 , cối 120 ở đồng Tân Phú phát hoả . Ngay loạt DK đầu tiên , 8 khẩu cùng bắn , đồn cảnh sát cầu Bông sập hoàn toàn . Bộ binh D9 và đặc công 198 vận động dưới tầm pháo xông lên đánh cầu . Cho tới bẩy giờ sáng thì cầu Bông đã về tay quân giải phóng . Phía ấp Chợ các lô cốt kiên cố bắn trả dữ dội . Quân ta không tiến lên được . Bộ binh nằm trên đồng trống bị thương vong hơn hai mươi người . Tình hình trở nên căng thẳng . Tiểu đoàn lệnh trinh sát và thông tin xuất kích .Từ phía chợ thằng Thuận ( người Đông Lao ,Hoài Đức ) bị đạn thẳng vào cổ đang bò ra cánh đồng . Tôi châm điếu thuốc Rubi cài vào mồm cho nó rồi bò ra trận địa .Đạn từ ba lô cốt táng dữ dội vào trận địa 12,7 của C16 . Mấy thằng C16 dạt ra . Thằng Khuất Duy Hoan C7 chồm lên , ôm 12, 7 li vừa bắn vừa chửi . Được củng cố tinh thần , thằng Hoà người Cao Bang thị xã phú thọ bật dậy bắn liền 2 phát B41 rồi ôm khẩu trung liên từ tay một liệt sĩ bắn xối xả . Đúng lúc ấy nó trúng đạn , gục xuống bên khẩu trung liên còn nóng bỏng . Đại dội 7 xung phong ra phía chợ , chui vào ngóc ngách nhà dân ném lựu đạn ra đường . Trận đánh giằng dai tới 11 giờ trưa thì có tiếng xe tăng chạy ầm ầm từ phía Củ Chi về Sài Gòn . Bộ binh quay ra bắn xe tăng , ba chiếc bốc cháy đâm sầm vào trường tiểu học Tân Phú . Đúng lúc ấy xe tăng quân ta đuổi tới nơi . Bộ binh ta thấy xe tăng cờ đỏ sướng quá rối rít chỉ lô cốt cho họ bắn . Thế là hàng chục thằng Nguỵ cố thủ trong ba lô cốt trở thành đống thịt nướng . Ngót trăm thằng từ trận địa bên kia đường bấy giờ mới kéo ra hàng . Lúc ấy là 12 giờ trưa ngày 29/4.
        Không còn đường nào chạy thoát , tàn quân địch chừng ba chục xe tăng thiết giáp không dám lên cầu Bông , bổ nhào xuống đồng lúa Tân phú Trung ngay phía sở chỉ huy tiểu đoàn tôi . Lập tức tiểu đoàn cho c9 đánh thẳng vào cụm xe tăng địch ( c9 hôm ấy đi phối thuộc với D8 ). Trên đường số 1 , pháo ta hạ nòng bắn thẳng . Cả đồng lúa biến thành biển lửa . Sau này vào năm 1988 tôi có quay trở lại đi trên bờ ruộng lúa năm xưa lòng bồi hồi nhớ về vùng lửa khói ngày ấy , cái ngưỡng cửa bình minh của những người sống sót như tôi . Cứ điểm án ngữ cuối cùng của thành phố đã mở thông . Xe tăng , pháo binh , bộ binh của cả sư đoàn 10 , E593, E232, E234 và rất nhiều đơn vị ào ào xông vào thành phố  . Trời oi nồng vì nắng , vì bom , vì lửa . Tiểu đoàn phải để lại hơn ba chục tử sĩ và năm chục thương binh . Các mẹ các chị trong làng đổ ra lo khâm liệm và chôn cất những người hi sinh ngay phía trong chợ Tân Phú Trung . Cho tới đầu những năm 90 họ đã được quy tập về An Nhơn Tây . Trong số những người hi sinh có một người trúng đạn vào phút cuối cùng của trận đánh là trợ lí tham mưu tên Măng người Thái bình . Măng chết lúc đang giương khẩu chống tăng của địch để bắn xe tăng địch .Cũng ở trận địa này , trong Mậu Thân 1968 sư đoàn 9 đã hi sinh hàng chục người mà hồi đó người dân Củ chi đã lập miếu thờ ven đường . Trong miếu thờ đó , ba chiến sĩ C6 của chúng tôi hôm nay cũng nằm lại .
   Mười hai giờ khuya chúng tôi tạt vào làng Tân sơn nhì ngủ lại . Năm giờ sáng đang nấu cơm chưa kịp ăn thì có lệnh : Tất cả mọi đơn vị , bằng mọi giá , bằng mọi phương tiện , xốc thẳng vào Dinh Độc lập . Thế là lao ra đường , chặn xe của dân, huy động cả máy cầy , xe lam,xe đò mạnh đại đội nào đại đội nấy tìm đường đánh vào dinh.      
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Tư, 2012, 07:54:57 pm gửi bởi nguyentrongluan » Logged
nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #12 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2012, 07:50:50 pm »

                                                          

       Kí ức Tháng Tư ( tiếp theo và hết )


         Vào giờ phút ấy , khắp các ngả đường làng mạc quanh sài gòn đâu cũng thấy quân giải phóng . Gương mặt người lính đi đánh trận mà dãn ra tươi như đi hội . Quân phục đã được thay mới , cờ giải phóng , phù hiệu giải phóng , băng tay xanh đỏ trùng trùng điệp điệp . Con đường vào thành phố đầy dẫy lô cốt ụ súng bằng bao cát , thùng phuy cửa kẽm gai ngăn ra từng đoạn . Tiểu dội tôi 5 thằng leo lên một cái xe lam . Tôi giở bản đồ nhè đường tắt mà chạy . Xe nhỏ luồn lách tốt nên vượt xa đội hình tiểu đoàn . Tới Bẩy Hiền , trong khói đạn đơn vị bạn đang thu thập tử sĩ , chúng tôi rẽ ra Lăng Cha cả . Ở đây một trận đánh dữ dội đang diễn ra . Lữ đoàn xe tăng của ta cháy mất 4 chiếc . Chúng tôi len lỏi trong xe cháy xe hỏng vượt cầu Trương Minh Giảng tiến tới dường Phan Đình Phùng thì bị chặn lại bằng hàng loạt đạn đại liên từ trên tháp nước bắn xuống . Cả tiểu đội lăn ào xuống đường dùng Ak bắn tới tấp về cái tháp nước có khẩu đại liên ( chỗ đó bây giờ là khách sạn Võ Văn Tần ) . Mười giờ trưa tiểu đoàn dải quân dọc Bộ Dân vận Chiêu hồi . Bộ đội hạ cối 82 ngay trên đường phố bắn về phía có vườn cây Dinh Độc lập . Một chiếc xe dép kính vỡ toe toét chạy lên . Nhìn ra thì là anh Thuỷ . Cậu liên lạc từ trên xe hét lên rối rít : “ ĐỪng bắn nữa , đấm đít D9 rồi “ quãng hơn 11 giờ  nghe qua radio tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng , cả khung trời vỡ oà tiếng reo hò . Hàng chục ngàn người nhẩy lên , ôm nhau trong nước mắt . Đường phố Sài Gòn dồn nén bao lâu bỗng nhiên ùa ra toàn những cờ đỏ sao vàng . Bỗng chốc thành phố là một bức tranh xanh đỏ . Những hàng phượng vĩ trổ hoa đầu mùa đỏ thắm , cờ đỏ thắm , dưới nền trời quân phục xanh . Một biển người mừng đến ngơ ngác . Bỗng chốc con người lơ mơ hụt hẫng giữa không gian mới lạ , mới lạ ngay cả với người đã sống ở đây từ bao năm . Vào giờ phút ấy , lính nguỵ trong thành phố còn đông hơn cả dân ngoài đường . Họ trút bỏ hết quần áo lính mặc quần cụt ngồi la liệt vỉa hè,  vườn hoa,  bến cảng . Những cặp mắt thất thần nhìn quân giải phóng chiến thắng . Chẳng ai để ý đến họ , đội quân đã hết sức chiến đấu , không còn phiên hiệu tơi tả khắp đô thành . Đường phố ngổn ngang quân trang quân dụng mang nhãn hiệu Mỹ , xe pháo của Mỹ đứng bất động , chỉ có quân giải phóng là hân hoan , mắt nói miệng nói . Tự nhiên người tôi rũ ra mệt nhoài , không muốn cầm súng nữa .
  

      Thời gian như ngừng trôi và không gian trở nên chật hẹp . Tôi có cảm giác mình đang sống trong mơ , một giấc mơ huy hoàng và kì vĩ . Bao ngày chiến đấu trên rừng núi cao nguyên , trong tâm trí chưa bao giờ dám nghĩ rằng có ngày mình nhìn thấy sài Gòn . Vậy mà hôm nay tôi đã đứng giữa thành phố với tư thế của một người chiến thắng , thật cám ơn số phận ...

   Chiều 30 tháng tư năm 2002
   Thế là tôi lỡ một cuộc hẹn lớn với anh em đồng ngũ trung đoàn 64. Mà để làm gì cơ  chứ ? để đi kí kết một cái hợp đồng bán ngót trăm tấn sắt gì đó . Nhưng biết làm sao được . “ thương trường là chiến trường “ phải lấy chữ tín làm đầu , không thể để lỡ hẹn với thượng đế của mình được . Rất mong anh em đồng đội lượng thứ . Nhưng buôn gì thì buôn , bán gì thì bán , tôi sẽ không bao giờ quên được những kỉ niệm một đời mới có của
những ngày tháng tư năm ấy .


....Buổi chiều , dân Sài Gòn kéo ra đường , vây kín khu vực Dinh Độc Lập . Họ đi xem quân giải phóng , họ đi tìm chồng , tìm con ở cả hai phía . Cái sự tìm người thân ấy còn kéo dài cho tới vài chục năm sau , nhưng nó bắt đầu từ chiều  hôm nay . Tôi cũng không hiểu nổi làm sao dân Sài Gòn chuẩn bị cờ đỏ sao vàng nhanh và nhiều đến thế . Cờ ở trên ban công , trên cánh cửa , nơi công sở và cả trên tay trai gái trên đường . Đêm đầu tiên giải phóng Sài Gòn điện vẫn lung linh sáng và người ta vẫn đi dạo phía vườn hoa .
  
      Mười một giờ đêm , tôi đứng trên sân thượng nhà cố vấn Mỹ góc đường Phan Đình Phùng nhìn ra phía cảng . Tiếng còi tàu tu tu . Bình yên quá . Trời đầy sao , gió từ cửa sông thổi vào mát rượi , thành phố tinh khôi trong màn đêm lung linh như chưa hề có chiến tranh . Trong tôi kí ức về ngày hôm qua còn nóng hổi , nhưng bàn chân thì vẫn râm ran ngứa vì những vết nứt nẻ hành quân . Chúng tôi về thành phố để lại sau lưng bao đồng đội đang lạnh lẽo nơi rừng sâu , nơi đồng vắng . Để lại hàng ngàn ngày đói cơm thiếu thuốc trên cao nguyên . Bỏ lại những cơn sốt rừng tê tái gặm nhấm đời trẻ trai. Để lại những cánh rừng nương rẫy mình đã chai tay vun trồng nên khoai nên sắn . Phút giây huy hoàng này có ai nhớ không những bản làng xa xăm chốn Sa Thầy Pô Cô có những già làng đóng khố nhịn cơm đưa đường năm trước . Ai còn nhớ tới lời hò hẹn quay về nơi đã cưu mang mình, đã vực dậy trong lòng chiến sĩ niềm tin ?
  
      Ngày mai , một ngày mới của tháng 5 năm 1975 . Và dĩ nhiên đêm nay lại thêm một trong hàng ngàn đêm chúng tôi không ngủ . Nhưng là một đêm không ngủ hạnh phúc nhất trong cuộc đời .[/i]




THáng 4- 2002. N.T.L

 

  
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Tư, 2012, 07:59:01 pm gửi bởi nguyentrongluan » Logged
duck8d5
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 621


Phum Xâng ngày ấy!


« Trả lời #13 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2012, 07:57:52 pm »

     * Nguyễn Trọng Luân xin cám ơn các bác đã vào thăm nhà mới của Lính Tây Nguyên . Sang Phần 2 lại bắt đầu vào thời điểm Tháng Tư Lịch sử , tháng Tư của chiến dịch Giải phóng Quảng trị . Hy vọng ngôi nhà này của chúng ta sẽ có nhiều chuyện vu và xúc động về những ngày mà cuộc đời may mắn cho chúng ta trải qua .
Cám ơn Các bác CCB rất nhiều .Luân


          Dấu son 30-4

    Tháng tư ký ức lại về
Mừng ngày giải phóng đồng quê đón chào   
    Nghe lòng vẫn mãi xôn xao            
Niềm vui đại thắng đẹp sao quê mình

    Tháng tư tôi ngước mắt nhìn
Bầu trời Độc lập thắm tình nước non
    Tháng tư ghi một dấu son
Tự do- Hạnh phúc vẹn toàn niềm tin

    Bước chân người lính Tây Nguyên
Dâng đời sức trẻ nặng tình quê hương
    Các anh dãi nắng dầm sương
Cho ngày thắng lợi con đường vinh quang

    Yêu sao Tổ quốc Việt Nam
Tiến lên đất nước đẹp ngàn lời thơ
    Hôm nay trọn vẹn ước mơ
Chung tay tô thắm bóng cờ hồng tươi.

                         * Tặng anh Luân và các anh: Những người "Lính Tây Nguyên" của một thời bom đạn.

Logged

Chốn xưa gian khó vô vàn
Cao Mê Lai nước mắt tràn xót xa
nguyentrongluan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1246


« Trả lời #14 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2012, 08:02:33 pm »

@Duck8d5 : Luân cám ơn bạn về lời thơ thân tình ,tình nghĩa đồng đội . Mong bạn thường xuyên ghé thăm Lính Tây Nguyên nhé . thân mến .Luân
Logged
HaHoi
Thành viên
*
Bài viết: 513


« Trả lời #15 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2012, 08:54:07 pm »

Chào bác , nhà mới của bác Luân đông khách quá ,  vào nhà có phải bỏ dép hay cho đi cả vào đới bác Luân ơi ?  
Vừa sáng ngày ra anh em còn nhắn tin bảo bác phải làm topic mới đi, thế mà chỉ đến tối, lơ đi một cái mà đã sang trang 2, đã thế ngoài cửa lại còn treo cái ảnh Tây Nguyên hoành tráng của bác SGG. Nhưng giá bác SGG đặt thêm tên topic là Lính Tây Nguyên - Nguyentrongluan II thì rõ hơn, chứ ban đầu em lại nghĩ chắc có topic du lịch hay fô tô gì đây  Grin.
Thôi ,  vào nhà mới của bác luyên thuyên tí, còn đây là có tí gọi là mừng tân gia ,  cũng là chính của bác NguyentrongLuan chủ nhà , nhưng em,
gọi là " mượn hoa dâng Phật " cũng là để giới thiệu tiếp với các bác tác phẩm khác của bác Luân :



<a href="http://www.youtube.com/watch?v=Q6OCGwBazcA" target="_blank">http://www.youtube.com/watch?v=Q6OCGwBazcA</a>




Chúc tân gia bác sẽ có thêm những câu chuyện cảm động khác về một thời chưa xa ấy.
HaHoi
Logged
Đậu Thanh Sơn
Thành viên
*
Bài viết: 552


1975 - Mãi mãi là người chiến sỹ SĐ Sông Lam


« Trả lời #16 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2012, 09:27:32 pm »

     Chào bác nguyentrongluan và Saigon Guider
     Chiều nay trên con đường dài 20km từ công ty về nhà, Thanh Sơn băn khoăn và suy nghĩ mãi về ngôi nhà "Lính Tây Nguyên" phần 2 của bác Nguyễn Trọng Luân. Mặc dù cái măng set toppic do SGG tạo ra rất đẹp.
      Sở dĩ băn khoăn là vì nhà thì cũ, nhưng lại mang tên chủ mới là Saigon Guider. Thanh Sơn thấy không quen và thấy cũng không phù hợp, vì topic "Lính Tây Nguyên" từ trước đến nay vẫn nick nguyentrongluan, nhưng nay lại thấy Saigon Guider.
     Bạn đọc là thành viên VMH thì có thể hiểu. Nhưng bạn đọc khác lại không hiểu. Bỡi vì khi người ta nói đến Lính Tây Nguyên thì phải nghĩ đến là Nguyễn Trọng Luân chứ không ai khác. Vả lại, nếu rồi đây có những đồng đội chiến đấu của bác Luân thuở f320 ở đâu đó trên trái đất này vô tinh vào diễn đàn thấy "Lính Tây Nguyên" và tên nguyentrongluan thì người ta sẽ rất phấn khởi nhận ra ngay: "Ái chà! Luân đen đây rồi, xem cậu ta viết gì về lính Tây Nguyên đây..."
     Vì vậy, theo ý Thanh Sơn, Saigon Guider nên sửa lại nick của toppic "Lính Tây Nguyên " là nguyentrongluan có lẽ hay hơn, phù hợp hơn đấy. Còn trong toppic thì anh em ta tha hồ mạn đàm thảo luận.
     Thân mến.
Logged
SaigonGuider
Thành viên
*
Bài viết: 540


Kẻ thù buộc ta ôm cây súng...


« Trả lời #17 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2012, 09:41:00 pm »

    Chào bác nguyentrongluan và Saigon Guider
...Sở dĩ băn khoăn là vì nhà thì cũ, nhưng lại mang tên chủ mới là Saigon Guider. Thanh Sơn thấy không quen và thấy cũng không phù hợp, vì topic "Lính Tây Nguyên" từ trước đến nay vẫn nick nguyentrongluan, nhưng nay lại thấy Saigon Guider.
     Bạn đọc là thành viên VMH thì có thể hiểu. Nhưng bạn đọc khác lại không hiểu. Bỡi vì khi người ta nói đến Lính Tây Nguyên thì phải nghĩ đến là Nguyễn Trọng Luân chứ không ai khác. Vả lại, nếu rồi đây có những đồng đội chiến đấu của bác Luân thuở f320 ở đâu đó trên trái đất này vô tinh vào diễn đàn thấy "Lính Tây Nguyên" và tên nguyentrongluan thì người ta sẽ rất phấn khởi nhận ra ngay: "Ái chà! Luân đen đây rồi, xem cậu ta viết gì về lính Tây Nguyên đây..."
     Vì vậy, theo ý Thanh Sơn, Saigon Guider nên sửa lại nick của toppic "Lính Tây Nguyên " là nguyentrongluan có lẽ hay hơn, phù hợp hơn đấy. Còn trong toppic thì anh em ta tha hồ mạn đàm thảo luận.
     Thân mến.
Vấn đề là khi chiều - trong một tích tắc - thoạt đầu SGG em mở thớt, nhưng cũng vừa hướng dẫn Bác NTL "mở chủ đề" rồi copy "link dẫn phần 1" từ bài của em vào - sau đó em sẽ "viết lại"/gắn bài của em vào thành bài #2
Nhưng khi hai anh em loay hoay... thì đã có khách thăm nhà tấp nập. (có lẽ Bác ĐTS sẽ thấy có những nội dung thay đổi ở bài 2 của Bác NTL)
SGG có liên lạc với Bác NTL "anh cứ để tạm vậy"
Và đang dự tính, giờ này, sẽ PM nhờ Mod BY "copy một bài của Bác NTL từ phần 1 cũ sang gắn vào phần 2 này, rồi sau đó Bác NTL sẽ điều chỉnh để có nội dung mở đầu phù hợp"

Nhân có lời của Bác ĐTS - SGG em viết luôn ra đây như là một lời đề nghị với Mod hay Min nào giúp giùm đi ạ!
(chứ theo em, chỉ sửa cái tai-tồ thì cũng chưa thỏa đáng...)
Kính,
Logged

CHIẾN BINH ĐẤT NUNG - Một đời chinh chiến, đôi khi chỉ vì... một nụ hôn...!

Tôi có một niềm tin: Các ANH rồi sẽ về, dù có... muộn!
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #18 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2012, 11:00:19 pm »

Chúc mừng bác NTL ra tiếp tập 2 LTN ; xin gửi tới bác lời chúc mừng, chúc bác có nhiều câu chuyện hay, những bài thơ xuất thần để anh em bàn luận.
Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
danviet
Thành viên
*
Bài viết: 234


« Trả lời #19 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2012, 01:32:40 am »

Theo cháu thì chuyện cái tên hay người đứng tên ta cũng không nên câu nệ. Bác Saigonguider mở phần 2 để tiếp nối mạch chuyện, cũng đã có ủy nhiệm của chú Luân. Việc ấy cũng chỉ thể hiện tình cảm với topic và tác giả cùng mong muốn lắng nghe những câu chuyện mới mà thôi. Cháu nghĩ tấm lòng mới là điều quan trọng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM