Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 10:10:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước... (phần 2)  (Đọc 73096 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
binhc6d5e2f9
Thành viên
*
Bài viết: 155


« Trả lời #140 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2016, 11:10:05 pm »

mình muốn mua một cuốn sách và có chữ ký của anh TRỌNG c6  cùng tấm hình có các nhân vật trong buổi ra mắt cuốn sách thì liên hệ thế nào nhỉ , nếu ở khu vực thành phố HỒ CHÍ MINH thì thủ tục thế nào
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #141 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2016, 10:02:55 am »

Thân chào các đồng đội và các bạn,

"Ngày này 34 năm trước" đã được NXB Trẻ xuất bản thành sách "Hồi ức lính" dịp 30/4 năm nay, được tổ chức Buổi ra mắt sách vào ngày 29/4/2016 tai LACA Cà phê 24  Lý Quốc Sư.

Sách hiện đang có bán tại các Nhà sách của FAHASA trên toàn quốc.

Xin phép Admin của trang MVH đưa bài viết của một số báo về cuốn sách này. Xin Cảm ơn.



Tác phẩm và dư luận  (20/5/2016)

“Hồi ức lính” làm sống dậy kỉ niệm của một thế hệ cầm súng

Từ những chia sẻ ban đầu trên facebook có sức lan tỏa, được bạn bè động viên, người lính chiến một thời Vũ Công Chiến đã tập hợp thành bản thảo để xuất bản cuốn “Hồi ức lính” đồ sộ hơn 700 trang vừa được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Buổi ra mắt cuốn sách diễn ra đúng dịp kỉ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có tên “Ngàn ngày sống trong thử thách chiến tranh”.

Người lính chiến viết về cuộc đời lính trận

Tác giả Vũ Công Chiến sinh năm 1953, hiện là cán bộ của Viện Khoa học Việt Nam và Viện nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa Bộ Công thương. Nhập ngũ 4/9/1971, chỉ có 6 năm đời lính nhưng cho đến tận bây giờ, gần nửa thế kỉ trôi qua, lúc nào ông cũng nghĩ mình đang là lính. Những chiến trường đã đi qua, một phần đời tuổi trẻ, những dấu chân lùi lại phía sau nhưng tiếng vọng của nó còn vẳng đến hôm nay khiến cho trái tim tác giả không ngủ yên.

Những hồi ức vụn vặt được tác giả chia sẻ trên facebook đã nhận được sự chia sẻ của nhiều đối tượng bạn đọc và lọt vào con mắt xanh của nhà phê bình Lưu Khánh Thơ, vốn có người anh trai Lưu Quang Điền là bạn đồng ngũ với tác giả. “Khi đọc những gì anh Chiến chia sẻ trên facebook, tôi nghĩ chúng phải đến được với bạn đọc, nhất là người trẻ”, chị Lưu Khánh Thơ chia sẻ tại buổi ra mắt sách. Từ suy nghĩ ấy, nhà phê bình Lưu Khánh Thơ đã động viên tác giả tổ chức bản thảo để cuốn sách ra đời. Nhận xét về tập “Hồi ức lính” của tác giả Vũ Công Chiến, PGS.TS Lưu Khánh Thơ viết: “Trong quầng sáng của chiến tranh, dường như mọi giá trị thật giả đều phơi bày một cách trần trụi nhất. Dũng cảm và đớn hèn. Yêu thương và thù hận. Tin tưởng và thất vọng. Dục vọng bản năng và lí trí. Tất cả những trạng thái tâm lí rất thật của người lính đã được phơi trải đến tận cùng, không né tránh. Không khí chiến trận đã được miêu tả qua hàng loạt những quan sát, ghi nhận của một người lính trung thực, đầy ấn tượng”.

Thời gian trong quân ngũ chỉ chiếm 6 năm trong cuộc đời nhưng 6 năm ấy có ảnh hưởng lớn đến phần đời còn lại của tác giả. Vũ Công Chiến bộc bạch: “Cuộc đời quân ngũ của tôi chỉ có hơn 6 năm, chỉ là một phần của cuộc đời, Thế mà không hiểu sao cho đến bây giờ tôi vẫn luôn coi mình là người lính, sống và giữ mãi những phẩm chất tốt đẹp mà mình đã rèn luyện được trong quân ngũ. Quân đội thật đúng là một trường học lớn. Nó rèn luyện con người ta rất khắc nghiệt. Nhưng khi đã vượt qua rồi, tôi thấy mình thêm tin yêu cuộc sống, giàu lòng nhân ái và vị tha hơn, sẵn sàng hi sinh vì người khác”.

Anh Lưu Quang Điền, người bạn đồng ngũ với tác giả phát biểu tại buổi ra mắt sách: Khi anh Chiến xuất bản trên facebook, bạn bè có nói mày cố gắng thay chúng tao kể lại chuyện này, chỉ yêu cầu mày đừng “bịa”, đừng “bốc phét”, bọn tao đọc nhiều truyện, nhiều phim như thế rồi. “Mục đích viết là để bạn bè đồng đội và các con của chúng tôi đọc thôi, không có mong muốn gì lớn. Rất may anh ấy viết rất trung thực. Ví như động cơ đi bộ đội của chúng tôi, rất thật, rất đơn giản chứ không cao cả như viết đơn bằng máu. Anh Chiến có thể đi nước ngoài, nhưng anh ấy có 2 người em trai, dứt khoát nhà phải có người đi bộ đội, hai em của anh ấy vụng dại hơn, xác suất “chết” cao hơn nên anh ấy chọn nhập ngũ để các em được học. Tôi cũng thế, anh Vũ (nhà thơ Lưu Quang Vũ) thì phục viên rồi, ông anh cả của tôi thì đang ở nước ngoài, các em thì còn nhỏ, nên tôi đi, rất đơn giản thế thôi”, anh Lưu Quang Điền nói. Anh cũng cho rằng “hồi ức này không phải của riêng anh Chiến mà là hồi ức của chúng tôi”.

Đại diện cho lớp trẻ, con trai của tác giả chia sẻ: “Những trận chiến căng thẳng bố cháu kể khác rất nhiều so với các bộ phim cháu xem, những câu chuyện cháu đọc. Chiến tranh khốc liệt hơn rất nhiều”.

Sự lên ngôi của thể phi hư cấu?

Tại buổi ra mắt “Hồi ức lính” một số ý kiến đã nói về điều này. Một số người nhắc lại một số cuốn sách đã đánh động đến số đông độc giả thời gian gần đây như “Quân khu Nam Đồng” của Bình Ca, “Biên bản chiến tranh” của Trần Mai Hạnh, “Dĩ vãng phía trước” của Ngô Thảo hay như một số cuốn nhật kí chiến tranh của Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Vũ Xuân... xuất hiện trước đó. Đó là những sự kiện lưu giữ kí ức của một thế hệ được người trong cuộc kể ra, nhận được nhiều đồng cảm.

“Hồi ức lính” được các nhà văn, nhà phê bình, nhất là những người từng khoác áo lính có mặt tại buổi ra mắt đánh giá cao. Dù rất kiệm lời và chẳng mấy khi chịu xuất hiện trên báo chí nhưng nhà văn Bảo Ninh đã dành cho Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh hẳn một cuộc phỏng vấn về cuốn sách. Một trong những lí do Bảo Ninh thấy cuốn sách “thân thiết đến nhói lòng” đó là: “Không phải đời tôi, không phải đơn vị tôi, vậy mà đây cũng chính là cuộc đời tôi, là tổ ba người của tôi, là tiểu đội, trung đội, đại đội tôi. Tác phẩm làm sống dậy trước mắt tôi từng ngày tháng, từng chặng đường của thế hệ chúng tôi, của tuổi trẻ “đất thánh” Hà thành năm xưa lên đường ra trận”. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến cũng đồng cảm với Bảo Ninh khi cảm nhận như đó chính là “cuốn sách của tôi, như tôi viết”.

Nhà phê bình Lưu Khánh Thơ lí giải về sức hút của “Hồi ức lính”: “Những câu chuyện và chi tiết tươi ròng sự sống, được nhìn với cự li sát gần của người trong cuộc có sức lôi cuốn riêng, nó chinh phục chúng ta bằng sức mạnh của sự chân thực, bằng những trải nghiệm cá nhân, rất riêng tư nhưng lại gắn liền với cả một thế hệ thanh niên mà bước chân đầu tiên của họ khi vào đời là cuộc sống quân ngũ. Anh tái hiện bộ mặt của chiến tranh không chỉ bằng khả năng ghi nhớ mà bằng sự cảm nhận của tất cả các giác quan, và điều quan trọng hơn là bằng sự từng trải của người lính”. Nhà thơ Hữu Việt cũng nói về sức hút của thể phi hư cấu trong đời sống văn học gần đây. Anh cho rằng, với những cuốn sách dạng này, người ta có thể dựa vào sự thật để soi rọi cuộc sống hôm nay.
Nhà phê bình Ngô Thảo gọi tác giả là “người viết ra những giấc mơ của người lính, viết ra những câu chuyện của đời lính”. “Tôi đi bộ đội năm 1965, đi qua nhiều chiến trường, và tôi tìm lại được mình trong cuốn sách của một người làm khoa học. Chúng tôi được sống trong một thế hệ đẹp, sống tử tế, ra trận với tấm lòng trong sáng”, ông nói. Ngô Thảo cho rằng, tác giả “Hồi ức lính” đã khai thác những mạch truyện mà các nhà văn chưa chạm đến, đã cung cấp một tư liệu thật nhất về chiến tranh.

Tác giả “Dĩ vãng phía trước” cũng bày tỏ trăn trở: Chúng ta chiến thắng không phải là giành độc lập là xong mà là thế hệ hôm nay xây dựng đất nước ấy như thế nào, điều hành đất nước như thế nào để thế hệ hôm nay làm được những điều như thế hệ chống Mĩ đã làm được, xây dựng một đất nước không còn bất công, thù hận, nếu không thì chiến thắng ấy cũng trở nên vô nghĩa.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng là một người từng khoác áo lính, nói, nhà văn hay không phải nhà văn viết về chiến tranh đều đáng trân trọng. Vì trong chiến tranh mọi chuyện đều có thể xảy ra. Ông cho rằng “Hồi ức lính” là một trong những cuốn sách cần cho quá khứ, cần cho hiện tại và cần cho tương lai.

Dương Tử Thành (Quân đội nhân dân)



Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #142 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2016, 09:45:21 am »

Xin phép Admin cho đăng một bài nữa về Hồi ức Lính.

Hay như 'Hồi ức lính'

(07:11 ngày 07 tháng 05 năm 2016)

TP - Ra mắt dịp 30/4 năm nay, 700 trang “Hồi ức lính” của cựu chiến binh Vũ Công Chiến đầy sức công phá, là bất ngờ lớn nhất trong đời sống văn học những năm gần đây.

Sinh động, cuốn hút

Chưa đầy 18 tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông, anh thanh niên Hà Nội Vũ Công Chiến vào bộ đội. Huấn luyện ở miền Bắc rồi vào Trường Sơn, chiến đấu ở chiến trường Nam Lào, ở mặt trận B3 Tây Nguyên, Daklak, đánh đến tận cuối tháng 4/1975 giải phóng Tuy Hòa. Anh đã không bỏ phí một ngày nào trong 6 năm quân ngũ, bằng cách kể lại tất cả những gì mình và đồng đội đã trải một cách chân thực nhất có thể, sinh động lạ lùng. Hạnh phúc cho anh, và may mắn cho người đọc.

Là hồi ức nhưng có rất ít trữ tình ngoại đề, ít khoảng lặng trong sách. Các nhân vật cứ ào ào cuốn đi trong những cuộc tác chiến, lập chốt giữ chốt, trinh sát, tiềm nhập, diệt thám báo, đoạt chiến lợi phẩm, ca cóng... Luôn chân luôn tay làm cái gì đó, nói điều gì đó, bộc lộ tính cách, số phận, phơi trần những mảng hiện thực sáng tối của chiến tranh. Cả phía mình lẫn đối phương. “Biết có sống đến mai mà để củ khoai đến sáng”, nên không thể phí hoài.

Rất nhiều tình huống, sự kiện bi hài không chỉ trong chiến đấu. Liên tiếp những chi tiết đắt giá mà hẳn nhà tiểu thuyết nào cũng mơ. Hóa ra, hiện thực mạnh và phong phú hơn tưởng tượng rất nhiều.

Trong tiểu thuyết của E.Remarque, có nhân vật lính đi đến đâu cũng tìm được cái ăn, cho mình và đồng đội. Chuyện cơm nước tăng gia, cải thiện, săn bắt hái lượm trong Hồi ức lính thú vị hơn hẳn những câu chuyện cùng đề tài từng nghe và đọc. Hàng trăm nhân vật không ai lẫn vào ai, mà chẳng cần quá dụng công đặc tả.

Có một chương tên là "Vụ đảo ngũ tập thể ở đại đội". Những câu chuyện về người lính đào ngũ bất đắc dĩ như Trọng, hay cái chết oan của tay tù binh trẻ (phía đối phương), của con chó, hay quân ta bắn nhầm quân mình, hoặc lệnh rút lui không đến được tất cả khiến vài người sa vào tay địch, hay đồng đội làm giả giấy tờ để cứu cuộc đời Hùng "cối" (người yếu lòng đào ngũ phút chốc nhưng sau chiến đấu rất dũng cảm)… khiến người đọc sững sờ về cái giá của chiến tranh.

Trích chương "Vụ đảo ngũ tập thể ở đại đội": "Tôi không bao giờ dám nghĩ các anh hèn nhát. Nhưng chúng tôi cũng trách các anh, bởi trận đấu sắp bắt đầu rồi. Các anh nỡ bỏ đi, để lại chúng tôi mỏng manh yếu ớt trên cả trận địa chốt này. Nếu vì thế mà chúng tôi phải hy sinh tất cả, các anh có ân hận, đau lòng không?".

Nhìn cuốn sách dầy cộp in chữ nhỏ, tác giả không tên tuổi, dễ mà ngại. Nhưng bập vào thì không thể dứt ra. Tác giả có lối kể thản nhiên, cả khi mô tả những tình huống khốc liệt nhất, những chi tiết đắt nhất lột tả một tính cách. Tưởng như một thủ pháp nghệ thuật cáo cường. Nhưng tác giả giải thích rằng chỉ đơn giản là nhớ thế nào kể thế ấy, không rào đón, không chủ đích. Tuy vậy, cách mà anh chọn, anh nhớ, anh kể chi tiết đó, tình huống đó, ngôn ngữ đó, nó là tầm của nhà văn mất rồi.
 
Mong có nhiều "Hồi ức lính"

Nhập ngũ năm 1971, mãi 38 năm sau Vũ Công Chiến mới bắt đầu viết "loăng quăng" trên mạng về những kỷ niệm lính của mình. Bà chị và cô em họ đọc được, bảo "Chiến mà cũng đánh nhau cơ à, tưởng ai ấy chứ". Thế là anh bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc: Nếu người trong cuộc không viết ra thì làm sao mọi người biết họ đã sống chiến đấu như thế nào.

Hỏi: "Sao anh nhớ chính xác mọi việc đến vậy, tất nhiên có ghi chép nhưng chắc không tỉ mỉ thế". Anh Chiến đáp: "Tôi có ghi chép nhưng chỉ ý chính. Còn thì không hiểu sao nhớ thế. Nhắm mắt lại tôi vẫn thấy mọi việc như vừa hôm qua. Giờ đã vào hè, trời nóng nhưng tôi vẫn nhớ chẳng hạn cảm giác ngồi ở chốt chờ địch trong mưa lạnh, đậu đội mỗi cái khăn mặt. Trời bắt đầu tối đen lại, những hạt mưa rơi từ nóc xuống rồi chảy vào vai qua sống lưng, ướt dần hai bên áo, chảy đến đâu người nổi gai đến đấy. Tôi không quên điều gì…"

Một cuốn sách đậm bản sắc lính nhưng nếu chỉ có thế, chưa chắc đã hấp dẫn đến vậy.
Đơn giản mô tả các cuộc chiến đấu nhưng Hồi ức lính cho thấy cả một cuộc chiến tranh. Rộng, sâu hơn nhiều so với cuộc chiến đấu. Và không xuôi chiều như đa số tác phẩm chiến tranh của ta trước giờ.

Giờ viết về chiến tranh mà chỉ toàn những chuyện "Đường ra trận mùa này đẹp lắm" thì ai đọc. Nhưng Hồi ức lính không phủ nhận ai cả, không cố làm ra vẻ cấp tiến. Như tác giả tuyên ngôn: Anh không có ý định tổng kết cuộc chiến, cá ngợi hay nói xấu ai, tuyên truyền cho điều gì mà chỉ hồn nhiên có sao viết vậy. Có đồng đội làm chứng cho anh.
Có lẽ sẽ có ý kiến cho rằng Hồi ức lính ra đời lúc này là muộn nhưng không thể sớm hơn. Nếu sớm, phải cắt gót nhiều. Bơi không thiếu bi kịch, tổn thất, sự thật nghiệt ngã được phơi bày trong scahs. Những nhân vật lính không phải đều sáng ngời theo quan điểm "chính diện" một thời, mà phức tapk hơn, người hơn.

"Bộ đội quen chết rồi" như đồng báo dân tộc nói trong Hồi ức lính, và bộ đội cũng quen sống tận khổ. Vẫn biết thế mà đọc thấy thương đời bộ đội, thương ngày tháng cũ, từng có lúc chúng ta đã sống vượt ngưỡng chịu đựng của con người.

Đã có một Nhật ký Đặng Thùy Trâm chấn động, chu du nhiều nơi trên thế giới. Một phần bởi giai thoại "đừng đốt". Hồi ức lính càng xứng đáng có cuộc chu du dài đến bất cứ đâu, để kể câu chuyện chiến trang không chút tô hồng hay bôi đen, không chút làm duyên dáng, chân thực đến đáy này.

Nó xứng đáng được trưng bày cất giữ trong các quân đoàn sư đoàn, các bảo tàng của quân đội, bảo tàng văn chương. Bởi tính chính xác lịch sử, tính khoa học, và giá trị nhân văn cao cả. Người ta sẽ hiểu hơn về người lính Việt Nam bên "thắng cuộc" với những mạnh yếu hay dở rất người ở thười loạn, gian khó hiểm nguy nhưng "nơi hầm tối là nơi sáng nhất".

Mong có thật nhiều Hồi ức lính, nhưng đâu dễ. Chiến tranh qua đã mấy chục năm, bao nhiêu nước chảy qua cầu rồi mà sao đốt đuốc giữa ban ngày vẫn khó bói tác phẩm địch thực. Các nhà văn nếu từng cẩn thận kiểm duyệt chính mình thì nay là thười cơ rồi đấy không thể chậm hơn. hay vốn sống, tài năng có hạn nên đánh bó tay. Các nhà điện ảnh cũng vậy, cứ mải hái hoa bắt bướm ở đâu?

Có thể có người chưa thỏa mãn với văn phong không có gì cách tân của Hồi ức lính, nhất là so với hành văn đẹp của Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh). Nhưng đọc Hồi ức lính, tôi nhớ người ta đã nói về văn chương của Alice Munro. Nobel văn học 2013 thế này: "Sự mô tả các tình huống, tâm trạng, diễn biến đi vào chi tiết và chính xác, vì chi tiết nên chính xác, và vì chính xác nên chi tiết. Chính vì vậy bà để mất một số độc giả không quen đọc truyện kiểu ấy, tuy đồng cảm nhưng không thương cảm bi ai, và ngược lại, trở thành nỗi quyến rũ không ngớt đối với nhiều người đọc khác, những người cũng đặt cược vào sự chính xác như bà".

Hồi ức lính không phải tiểu thuyết mà hoàn toàn phi hư cấu. 700 trang nếu chẻ nhỏ ra, sẽ được vô số truyện ngắn không đụng hàng bất cứ ai. Cả cuốn sách là chất liệu cho bất cứ bộ phim dài tập hấp dẫn nào.

Dương Phương Vinh (Báo Tiền phong)
Logged

Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #143 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 04:21:10 pm »

Hồi ức lính

"Lứa tuổi chúng tôi sinh ra trong những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Chúng tôi được lớn lên trong những ngày hòa bình. Miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa, trong khi miền Nam bị chia cắt, nằm trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa, dưới sự chi viện của Mỹ.

Chúng tôi đã sống trong thời kỳ bao cấp đầy gian khó, đã được học trong những ngôi trường mái ngói đỏ tươi mới xây dựng khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, và cả dưới những mái nhà tranh vách đất của những lớp học nơi sơ tán khi Mỹ leo thang chiến tranh, đưa máy bay ra đánh phá miền Bắc từ năm 1965.

Chúng tôi trưởng thành khi đất nước đang còn khói lửa ở cả hai miền. Với nghĩa vụ làm trai, lớp lớp chúng tôi đã lên đường cầm súng tiếp bước cha anh chiến đấu trong những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh để thống nhất đất nước.

Chúng tôi đã làm tròn trách nhiệm của mình.

Nhưng rất nhiều năm sau, thế hệ sau và cả những bạn bè cùng người thân ñều muốn hỏi, tôi đã làm gì trong chiến tranh. Rất nhiều người vẫn nghĩ rằng cầm súng chiến đấu chắc là ở đâu đâu đó thôi, và với ai đó thôi, còn tôi chắc ngồi bàn giấy.

Điều đó cũng dễ hiểu, vì ngay cả trong lớp đại học của tôi có tới hai chục người lính về học, nhưng ngoại trừ tôi thì không có ai cầm súng ở chiến trường. Thế nên ai cũng nghĩ tôi cũng như họ, và người ở xa hơn thì lại càng hiểu khác vu vơ hơn.
Với suy nghĩ đơn giản, nếu những người trong cuộc không viết ra thì làm sao ñể mọi người biết, trong chiến tranh, chúng tôi đã sống và chiến đấu thực sự như thế nào. Bởi vậy với tư cách cá nhân, với con mắt nhìn của một người lính bình thường, tôi viết lại Hồi ức này.

Những trang viết được bắt đầu vào tháng 4 năm 2009, kỷ niệm 34 năm ngày chiến thắng 30\/4\/1975, nên Hồi ức của tôi mang tên

"Ngày này 34 năm trước..."


\/\/

Những lời đề tựa từ tận đáy lòng, của 1 người con miền Bắc, của 1 người lính đã kinh qua trận mạc, nơi sự sống và cái chết đôi khi chỉ cách nhau một lằn ranh mỏng.
Được đọc tập hồi ký này của chú - Vũ Công Chiến - từ khi quyển sách chưa thai nghén thành hình hài, mà chỉ là những note tản mạn khi chú muốn ghi lại đời lính của mình trên facebook. Rồi thỉnh thoảng nói chuyện với chú... tôi đã từng nghĩ, tập hồi ký này phải được xuất bản. Và nếu nó được xuất bản, sẽ không có cái tên nào hay hơn 3 chữ ngắn gọn: "Hồi ức lính". Và giờ đây, ý tưởng đó đã được thành hình bởi những người có tâm, có tình!

Chưa bao giờ, tôi đọc một quyển hồi ký nào nó thực đến thế. Những chặng đường, những trận đánh, những mẩu chuyện hành quân... mọi thứ đều đều như một cuốn phim chầm chậm lướt qua trong mạch ký ức của người lính năm ấy. Để rồi từ đó, tôi thấy sự sống, tôi thấy cái chết, tôi thấy tình đồng đội như máu thịt, và cũng thấy cả những tình yêu đôi lứa mới chớm nở... tất cả bừng sáng như những đoá hoa rừng. Tất cả đều rất thật, rất "NGƯỜI", cả phe Ta lẫn phe "Địch"!

Như tôi đã từng viết trong 1 bài khác:

Những chàng trai trẻ năm ấy, đầy nhiệt huyết và thanh xuân. Hẳn trong họ, mỗi người đều có những yêu thương của riêng mình. Vì ở cái tuổi ấy, họ chẳng biết gì đến những mưu đồ chính trị, phe phái đấu tranh. Họ chỉ biết 1 điều khi quê hương, gia đình bị tàn phá thì họ phải ra đi để bảo vệ cho những yêu thương ấy, giữ cho nó tồn tại và lớn mãi với thời gian…+

Đó là tấm lòng, là nhiệt huyết của tuổi trẻ!

Gửi đến mọi người một tác phẩm xứng đáng có trong tủ sách của bạn: "Hồi ức lính" - VŨ CÔNG CHIẾN

© son.leSaigon \/ 2016
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM